Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Án Tử Một Tình Yêu – The Death Of A Love

Chương 14

Tác giả: Võ Anh Thơ

Du quay qua thì thấy một chàng bác sĩ trẻ tuổi đeo kính, dáng người trung bình, nét mặt hiền lành cùng nụ cười trìu mến. Du đứng dậy cúi chào, vị bác sĩ nói:

– Chào chị, tôi là bác sĩ Dương điều trị ở Khoa nhi. Tôi nghe y tá báo có một bé bị sốt cao vừa đưa vào đây nên đến xem bệnh thế nào.

Du gật đầu đứng lùi qua bên cạnh để bác sĩ Dương khám bệnh cho bé Oanh. Kiểm tra tình hình xong, anh bảo Du rằng:

– Hiện tại bé không sao nhưng cần ở lại bệnh viện theo dõi vài ngày để xem có biến chứng gì khác.

– Cháu phải ở lại bao lâu vậy bác sĩ?

– Cũng cần một đến hai tuần, sốt ở trẻ nhỏ thường nguy hiểm. Chị bận việc gì à?

– Tôi làm công việc theo ca, thời gian không cố định. Bác sĩ có thể cho thuốc và tôi đưa cháu về vì ở nhà có người chăm sóc.

– Sao chị không nói người đó vào đây chăm cháu hộ?

– Vì bà ấy chỉ là chủ nhà trọ nơi tôi đang sống chứ không phải người thân.

– Theo tôi cháu Oanh cần ở lại đây ít nhất một tuần nữa bởi nếu cơn sốt tái phát mà không đưa đi bệnh viện kịp thời e là sẽ xảy ra hậu quả khôn lường. Chị chịu khó sắp xếp thời gian hoặc nhờ bà ấy vào chăm nom vài ngày.

Du nén tiếng thở dài, lòng đang nghĩ làm cách nào để vẹn đôi đường.

Về đến nhà trọ, Du ngỏ lời với bà Lượm về chuyện ở bệnh viện. Nghe xong, bà chậc lưỡi bảo không phải là không muốn giúp Du nhưng kẹt nỗi dạo này hai cái chân đau nhức kinh khủng, bác sĩ dặn không được đi lại nhiều mà phải nghỉ ngơi. Bà còn nói thêm, nhà trọ đang xuống cấp nên phải tranh thủ sửa sang lại để có khách.

Du nghe lòng nặng nề, nếu nghỉ việc để chăm con thì lấy tiền đâu mà đóng viện phí, thuốc thang. Còn nếu bỏ con một mình trong bệnh viện làm sao Du yên tâm. Thật là khó xử! Trông thế, bà Lượm nhắc khéo:

– Chẳng phải còn cha con à? Thấy ổng cứ cách ngày là đến thăm bé Oanh, vậy sao không nhờ ổng vô chăm cho nó.

– Con không thích ông ấy chăm sóc bé Oanh!

– Ôi con ơi, mày phải nghĩ cho con gái mình chứ! Con đi làm kiếm tiền trả viện phí, bé Oanh ở trỏng một mình sao được. Cha con làm phụ hồ, đâu phải lúc nào cũng có người xây nhà đâu. Nghe lời dì, nói ổng vô bệnh viện chăm sóc bé Oanh đi.

Nghe bà Lượm khuyên nhủ đủ điều, Du thấy phân vân lắm. Chẳng lẽ đành phải nhờ ông Thạch vào chăm sóc cho bé Oanh? Cô thở dài thật dài.

Sáng hôm sau, Du vào bệnh viện, đi theo sau dĩ nhiên là ông Thạch. Vừa đến nhà trọ là ông nghe Du bảo bé Oanh sốt phải vào bệnh viện vài ngày, và muốn ông ở trong đó chăm sóc cháu. Ông Thạch gật đầu liền. Du nghĩ, tất cả đều vì con gái nên mới đi đến cách này chứ không phải bản thân đã tha thứ hay chấp nhận người cha nhẫn tâm ấy. Chỉ cần chịu khó một tuần thôi là mọi thứ sẽ trở lại như cũ.

Bé Oanh mừng rỡ khi thấy mẹ và ông ngoại. Hôm qua còn sốt, ngủ li bì thế mà hôm nay trông nó đã khỏe hơn, còn cười rất tươi nữa. Lúc cha con Du bước vào phòng bệnh thì bác sĩ Dương đang khám cho bé Oanh. Chào ông Thạch vài câu, bác sĩ Dương cùng Du đi ra ngoài nói chuyện.

– Ông ấy là ông ngoại của cháu Oanh à?

– Dạ, tạm thời ông ấy sẽ ở đây chăm sóc cháu.

– Thế là tốt rồi. Chị đi làm ca như vậy chắc kinh tế cũng khó khăn nhỉ?

– Tôi sẽ cố gắng thưa bác sĩ, con bệnh thì khó khăn mấy cũng phải chữa trị.

– Vậy chị cố gắng. Chị yên tâm, tôi sẽ lưu ý đến cháu Oanh nhiều hơn.

Du mỉm cười cảm ơn. Dõi theo bóng áo blouse khuất sau góc cua hành lang, Du thấy thật may mắn khi gặp một bác sĩ tốt bụng như Dương.

*****

Bé Oanh ở trong bệnh viện gần hai tuần. Thời gian đó, Du tranh thủ xin làm ca sáng và trưa, chiều tối vào thăm con. Ông Thạch vẫn ở bên cạnh chăm sóc cháu mỗi ngày. Còn bác sĩ Dương thường xuyên kiểm tra tình hình bé Oanh, thỉnh thoảng nói chuyện với Du vài lần. Sự thân thiện của anh làm Du thấy thoải mái. Đặc biệt, bác sĩ Dương không hỏi gì về cha của Oanh hay thắc mắc vì sao Du lại có con khi tuổi còn quá trẻ. Đó là điều khiến Du thấy nhẹ nhõm.

Mọi chuyện cứ diễn ra bình thường cho đến buổi chiều nọ, Du bất ngờ gặp lại người đàn bà độc ác đó. Hôm ấy Du không thấy con gái ở trong phòng bệnh liền hỏi cô hộ lí thì nghe nói ông Thạch dẫn bé Oanh ra ngoài khuôn viên dạo chơi. Lúc Du đến nơi thì bỗng nghe tiếng cãi vã của ông Thạch với một người đàn bà. Chất giọng rất quen thuộc…

– Hai năm nay, tôi thấy ông lén đi đâu đó thì đâm ra nghi ngờ nhưng không lần nào bám theo ông được. Hôm nay trời thương nên có người báo cho tôi biết chỗ này. Hóa ra là ông đi tằng tịu bên ngoài rồi sinh ra con nhỏ này hả?

– Bà điên khùng vừa thôi! Ai nói nó là con tôi chứ? Nó là…

– Là ai? Ông nói rõ mau!

Du bất động vì nhận ra giọng la lối, chua chát này là của ai. Lập tức Du chạy đến và trông cảnh Oanh đang sợ hãi núp sau lưng ông ngoại, còn ông Thạch thì giận dữ. Du đưa mắt sang người đàn bà đối diện, chính là cái kẻ đã hại cuộc đời mình sáu năm trước, bà Nhuệ. Mau chóng, Du bước đến nắm tay con gái kéo về phía mình. Sau vài giây ngỡ ngàng, bà Nhuệ nheo mắt nhìn đầy ngạc nhiên:

– À, ra là mày! Cái đứa dám cướp tiền của tao rồi bỏ chạy! Mày đã ở đâu suốt mấy năm qua hả? Hai cha con mày gặp nhau khi nào?

Du mím môi, chỉ tay về phía cổng bệnh viện thật dứt khoát, rồi quát lớn:

– Bà cút đi! Đừng có xuất hiện trước mặt tôi!

– Tao đi tìm cha mày chứ làm gì biết mày ở đây! Mày lấy tiền của tao rồi bỏ đi đâu? Còn con nhỏ đó là gì của mày? Mày giúp ổng giấu con đàn bà nào hả?

Bà Nhuệ vừa dứt lời thì bé Oanh nép sát vào chân Du, miệng kêu khẽ “mẹ ơi”. Du xoay qua trấn an con gái đừng sợ. Đối diện, bà Nhuệ kinh ngạc lần hai. Tiếp theo, bà ta nhanh chóng hiểu ra đứa trẻ này không phải con gái ông Thạch mà là…

– Chà, vậy ra mày đã có con rồi sao? Mày quen thằng nào rồi đẻ ra nó hả?

– Tôi nói bà cút đi! Tôi quen ai, đẻ ra ai là chuyện của tôi!

Bà Nhuệ kín đáo quan sát bé Oanh đang sợ sệt. Vừa nhìn, bà vừa đoán nó cũng tầm năm, sáu tuổi rồi. Du bỏ nhà đi cũng ngần ấy thời gian còn gì. Bỗng nhiên, hình ảnh gã đàn ông to béo bà đưa về nhà vào buổi chiều mưa năm đó hiện ra.

– Tao biết cha nó là ai rồi, có phải là gã đó không?

Câu nói thích thú của bà Nhuệ như mũi dao cứa vào vết thương đau đớn trong quá khứ, khiến sự căm phẫn vốn đã ngủ yên nay lại phun trào dữ dội trong Du.

– Khốn nạn! Bà đừng có nói bậy bạ trước mặt con gái tôi! Nếu bà không rời khỏi đây thì đừng trách tôi không kìm được mà giết chết bà!

Bà Nhuệ chưng hửng trước lời đe dọa táo tợn kia. Sợ xảy ra chuyện, ông Thạch không còn cách nào khác phải kéo vợ đi ra ngoài cổng, lớn tiếng bảo về nhà mau! Tiếng la lối của bà ta hòa lẫn trong tiếng xe cộ ồn ào. Bấy giờ ánh mắt Du mới dịu lại, bản thân chẳng ngờ người đàn bà đó tìm được đến đây.

– Mẹ Du, đó là ai mà hung dữ thế mẹ?

Nghe Oanh hỏi, Du liền cúi xuống trả lời rằng:

– Đó là người xấu, lần sau gặp bà ấy con phải tránh xa, nhớ chưa!

– Dạ… nhưng ban nãy ông ngoại nói đó là bà ngoại kế của bé Oanh.

– Không phải! Bà ta không phải là bà ngoại của con, ông ngoại sai rồi!

Bé Oanh gãi đầu khó hiểu, sao mẹ và ông lại nói khác nhau? Nhìn con gái, Du bất giác thấy sợ hãi. Người đàn bà cay độc ấy sẽ làm gì tiếp theo? Liệu bà ta có tìm đến Oanh lần nữa rồi gây ra chuyện xấu xa gì với nó? Du tự nhủ sẽ gọi điện yêu cầu ông Thạch đừng đến bệnh viện nữa, Du sẽ chăm sóc cho con. Oanh sắp xuất viện rồi, Du sẽ đưa con bé đi đâu đó thật xa để không ai tìm thấy hai mẹ con nữa…

Nhưng dự định trốn chạy đó đã không thành khi số phận không muốn mở ra cho Du một lối thoát. Và cũng chính người đàn bà đó tiếp tục mang đến bi kịch cho cô.

*****

Đêm cuối cùng ở trong bệnh viện mưa tầm tã, Du thanh toán viện phí xong thì trở lại phòng bệnh. Khi vừa bước vào thì Du thoáng sững người bởi thấy bà Nhuệ đang nói gì với bé Oanh, điều quan trọng là bên cạnh còn có một người đàn ông lạ mặt. Một nỗi sợ hãi chẳng rõ nguyên do cuộn trào trong lòng bởi Du trông cảnh ông ta nở nụ cười khi quan sát khắp người con bé. Tức thì, Du bước đến đẩy hai người đó ra xa. Bà Nhuệ chới với suýt té, đảo mắt nhìn Du đầy hậm hực.

– Các người định làm gì con gái tôi?

Bà Nhuệ ra dấu cho người đàn ông kia ra ngoài. Du lại tiếp tục hỏi, khá to:

– Bà muốn gì hả? Ông ta là ai?

Phòng bệnh hơi vắng, nhưng vẫn có vài người quay qua nhìn vì tò mò. Bà Nhuệ không muốn gây chú ý nên hạ giọng:

– Mày muốn người ta biết chuyện hay sao mà còn la lớn? Tao vào thăm cháu ngoại không được ư? Còn người ban nãy là khách của tao.

– Nghĩa là sao?

Gương mặt đang bình thường chợt chuyển qua lạnh băng, bà Nhuệ đay nghiến:

– Mày có biết vì mày cướp đi số tiền đó mà tao khổ sở thế nào không? Bọn xã hội đen đánh tao nhập viện, tao phải đi mượn khắp nơi mới trả hết cho chúng!

– Số tiền ấy là do bà hại đời tôi mà có được, dĩ nhiên nó phải thuộc về tôi.

– Mày giỏi lắm, tao sẽ bắt mày trả lại cho tao gấp đôi.

– Tôi nghèo lắm không có tiền đâu, bà đòi thế nào cũng vậy.

– Tao biết nên tao sẽ dùng cách khác để lấy lại.

Cái nhìn của Du sắc lạnh, hàm ý muốn hỏi bà ta định làm gì. Nở nụ cười gian trá, bà Nhuệ lia mắt qua bé Oanh đang rụt rè giữ chặt lấy tay mẹ, buông một câu:

– Con gái mày sẽ thay mày trả nợ cho tao, hiểu chứ? Có nhiều tên đàn ông mang thú vui thích trẻ con, giống như con mày…

Du sững sờ khi hiểu ra mục đích bà Nhuệ đến đây cũng như sự xuất hiện của gã đàn ông lạ mặt ban nãy. Người đàn bà bất nhân đó, một lần nữa lại giở cái trò đê tiện đã từng làm với Du, lên đứa con gái nhỏ của cô.

– Bà cứ thử đụng vào Hoàng Oanh xem…

Trông đôi mắt Du tóe lửa và đầy giận dữ, bà Nhuệ càng thêm thách thức:

– Mày làm gì nào, báo công an hả? Rồi mọi người sẽ biết chuyện mày bị làm nhục, mày chưa đủ xấu hổ hay sao mà còn để con mày hứng chịu cái nhìn khinh bỉ từ người đời? Hiện giờ tao chưa làm gì nó đâu nhưng không biết chừng ngày nào đó tao sẽ dắt nó đi đấy. Cố mà giữ lấy con gái mày.

Hai bàn tay siết chặt và cả người như run lên, Du cảm nhận rõ một sự phẫn uất cực độ đang cuộn lên trong lòng. Thứ xúc cảm mãnh liệt ấy chẳng khác nào cơn sóng thần đập vào bờ, phá tan rồi nhấn chìm tất cả chướng ngại vật trên đường nó đi. Lúc đó Du gần như mất lý trí, trong đầu tồn tại những mớ suy nghĩ hỗn loạn, điên cuồng. Điều Du biết rõ nhất chỉ là bà Nhuệ muốn làm hại đứa con gái bé bỏng của mình. Du không muốn bi kịch lặp lại, đời cô khổ một lần là đủ lắm rồi!

Đúng lúc bác sĩ Dương đi vào để trao đổi với Du vài chuyện trước khi bé Oanh ra viện vào sáng mai. Bà Nhuệ thấy thế liền quay lưng rời đi.

Hình như bác sĩ Dương đã nói gì đó nhưng Du không còn nghe thấy nữa. Thứ duy nhất đọng lại trong đáy mắt sâu hút tối tăm lẫn đáng sợ ấy là bóng dáng bà Nhuệ đủng đỉnh bước đến cửa phòng. Du biết nếu người đàn bà mất tính người đó còn sống thì cuộc đời mình sẽ chẳng bao giờ được giải thoát. Du cứ nghĩ đến bé Oanh, và nỗi sợ hãi thôi thúc khiến cô chấp nhận trở thành quỷ dữ.

Du mau chóng giật lấy cây kéo nằm trên chiếc xe đẩy gần đó, lao đến xô mạnh khiến bà Nhuệ bất ngờ ngã vào cửa phòng vừa mở ra. Nỗi căm phẫn làm Du không chừng chừ mà cầm kéo giơ lên cao. Đúng lúc ấy bên ngoài sấm sét rền vang ầm ĩ. Du đâm mạnh mũi kéo sắc bén vào lưng bà Nhuệ, bà ta thét lên thảm thiết.

Bé Oanh giật mình, sợ hãi nhảy xuống giường núp sau chiếc tủ cao. Những người trong phòng bệnh thất kinh liền ôm lấy con, chạy ra ngoài kêu lớn. Bác sĩ Dương hốt hoảng chạy vào cầm tay Du giữ lại. Mất tự chủ, Du như kẻ điên đâm mạnh kéo vào ngực anh. Nhưng khoảnh khắc đó, Du không hề nhận ra việc mình vừa làm cũng như chàng bác sĩ đã ngã vật xuống tự lúc nào. Du chỉ mang một ý định duy nhất, giết bà Nhuệ!

Bà Nhuệ há hốc, thân thể mềm nhũn rơi nhẹ xuống đất. Bấy giờ Du mới lấy lại ý thức đồng thời đưa mắt quan sát căn phòng ngổn ngang vật dụng y tế và bác sĩ Dương bất động trong vũng máu. Tiếp theo, Du nghe tiếng la thất thanh của cô hộ lí…

*****

Vân Du nấc khẽ một tiếng khô khốc như người ta bị hóc miếng táo. Chỉ mới mấy tháng thôi, sự việc hãi hùng vào buổi chiều mưa hôm đó vẫn hiện ra rất rõ, nỗi đau cũng rất rõ. Du hơi co người lại, nỗi sợ lẫn tủi hổ đeo bám trên từng mạch máu, thớ thịt.

Về phần Đồng Văn chỉ biết ngồi bất động, cái nhìn có chút thất thần lẫn kinh ngạc. Văn biết Du đang mang một nỗi đau thầm kín nhưng chẳng ngờ nó lại tàn nhẫn đến vậy. Một đứa bé gái mười sáu tuổi bị cưỡng hiếp trước sự bỏ mặc của cha ruột lẫn mẹ kế. Văn cứ muốn tìm ra bí mật của Du, ấy vậy giờ anh mới nhận ra rằng mình đang giày vò cô bằng chính cái quá khứ bất hạnh kia.

– Chuyện tiếp theo sau đó thì bác sĩ cũng đã biết rồi.

Du kết thúc câu chuyện bằng một lời kết nghe khô ran. Văn vẫn ngồi lặng thinh, kể cả việc suy nghĩ cũng không. Dẫu chỉ là người ngoài cuộc, nhưng bất giác Văn cũng thấy trống rỗng kỳ lạ cứ hệt như cảm xúc của Du khi đó. Văn chỉ thấy rằng, cuộc đời chẳng khác gì một tảng băng trôi, phần chìm bao giờ cũng nhiều hơn phần nổi. Những nỗi lòng, những bí mật luôn ẩn chìm dưới mặt nước.

Và hẳn giờ đây, chàng bác sĩ tâm lí chợt hiểu thêm về con người. Chúng ta thường ganh tị với hạnh phúc của người khác. Khi nhìn họ cười, ta lại nghĩ vì sao mình lại phải gặp bất hạnh? Nhưng kỳ thật là, dù trẻ hay già, dù nghèo hay giàu, dù thành đạt hay thất bại, dù xinh đẹp hay xấu xí và thậm chí dù có người luôn nở nụ cười thì tất cả chúng ta đều đang gánh lấy những nỗi đau không thể nói ra.

Vài phút im lặng trôi qua, Văn khẽ khàng lên tiếng:

– Với bà Nhuệ là cố sát, có thể hành vi này sẽ khiến tội nặng thêm.

Du ngước nhìn Văn, không đau khổ hay oán hận, một đôi mắt trong veo ráo hoảnh:

– Bà ta làm hại cuộc đời tôi nhưng có lẽ tôi sẽ chỉ oán hận thậm chí quyền rủa thôi. Thế nhưng… nếu bà ta dám đụng đến con gái tôi thì tôi sẽ giết bà ta!

Văn bắt gặp trong đôi mắt Du sự kiên định mạnh mẽ. Đôi mắt của một người mẹ.

– Vậy cô quyết định không nói với luật sư sự thật này?

– Dù tôi có mang nỗi đau nào đi chăng nữa, nhưng nếu tôi đã làm tổn thương một ai đó thì tôi vẫn phải bị trừng phạt. Nên bác sĩ à, chuyện của tôi đến đây kết thúc thôi…

Giọng Du như một lời cầu khẩn, và Văn còn biết làm gì hơn ngoài việc chấp nhận.

Đêm đến, Du ngồi bên cửa sổ nhìn màn mưa giăng ngoài trời. Trong phòng, những phạm nhân nữ khác đang ngồi nói chuyện lao xao không ngớt, hình như bàn về buổi văn nghệ sắp diễn ra. Chẳng mấy ai để ý dáng vẻ yên lặng kỳ lạ của Du. Hoặc giả có thấy thì họ cũng không muốn làm phiền. Những ai đã bước vào đây trở thành phạm nhân, thỉnh thoảng đều có những khoảng lặng như thế, và họ cần yên tĩnh.

Sáng nay khi buổi trị liệu kết thúc, Du nhận ra lòng mình có đôi chút nhẹ nhõm. Cuối cùng, Du cũng có thể kể về quá khứ đau đớn ấy với một người khác. Du vui vì người lắng nghe đó, là Văn. Và Văn chẳng nói gì nhiều ngoài sự im lặng, chỉ thế thôi, với Du đã là hành động an ủi cần thiết rồi. Văn giúp Du đối diện với quá khứ, với bản thân mình để rồi bằng một cách nào đó vượt qua nỗi đau.

Du nhắm mắt lại, cái lành lạnh của đêm mưa thổi thốc vào khiến cô dễ chịu, khoan khoái lạ thường. Du nghĩ về phiên tòa sơ thẩm sắp diễn ra vào đầu tháng sau.

Cái vỗ vai khá mạnh làm Du bừng tỉnh, quay qua thấy chị Giảo cười tươi rói:

– Ngồi mình buồn vậy em? Qua đây tập hát với bọn chị nè. Đi đi!

Bình luận
720
× sticky