Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

– Thôi ráng đi em, mình ở trong này nhớ con thì cũng đành chịu.

– Con nó nhớ em, tội quá chị ạ.

– Ừ, con không có mẹ thì khổ lắm. Như con chị đây, hai tháng nữa là sinh rồi, chị chỉ được nuôi con ba năm sau đó người ta sẽ đưa nó đi. Chỉ nghĩ đến đấy thôi là chị rớt nước mắt hoài. Tội con mình…

Chị Giảo ngước mặt lên cao để nước mắt đừng chảy tràn qua khóe mắt. Về phần Du, cô áp tấm hình vẽ vào ngực và cố dằn lòng với tiếng nức nở nghẹn lại.

Nằm bên cạnh, con Muội mở mắt thao láo, nhìn mà như không nhìn khi nghe lời tâm sự tỉ tê của hai người mẹ.

Ngồi trên tầng nhìn xuống chỗ Du, con Xíu huýt một tiếng ra điều khinh bỉ. Ban nãy trông cảnh Du đi vào tay ôm chặt giỏ đồ, nó đoán là có cái gì đấy hay ho. Nhìn hồi lâu cũng chỉ thấy vài món đồ thường thôi, duy cái bức hình vẽ xấu xí kia là Du xem như báu vật. Nghe mang máng nhỏ này có con rồi. Con Xíu rung đùi, hứng chí nói lát nữa trộm tấm hình vẽ cho Du khóc chơi. Bên cạnh, chị Hận đăm chiêu, phán ngay chữ không!

– Bộ chị hết muốn chọc con Du rồi à?

– Tao rất muốn đập nó nhừ tử nhưng nãy giờ bà chị Ngà cứ đi qua lại ngoài cửa sổ. Chắc vụ nó sốt làm bả nghi ngờ, giờ kiếm chuyện với nó thì mệt.

– Thế là hết trò vui.

– Không, tạm thời khoan xử con Du mà chuyển qua đứa khác.

Con Xíu nheo mắt hỏi ai. Chị Hận cười nhạt, nhướn mày và hướng mắt sang chỗ con Muội đang nằm suy tư.

*****

Buổi chiều, các phạm nhân nữ ngừng lao động và kéo nhau trở về buồng lấy khăn với xà bông đến nhà tắm. Du đang lấy đồ thì chị Giảo rủ lát nữa hai chị em cùng tắm chung cho vui. Rồi chị hỏi vóng sang con Muội, thấy nó lẳng lặng lấy đồ xong đứng dậy đi tuốt chẳng nói tiếng nào, chị liền chậc lưỡi. Trên tầng, con Xíu đang nằm ườn liền mau chóng ngồi dậy gọi chị Hận. Chị ta đứng lên, ra dấu thêm ba đứa con gái nữa cùng đi theo.

Du để ý thấy đám chị Hận đi xuống nên hơi dè chừng vì sợ chị ta lại gây chuyện. Nhưng chị ta chỉ liếc Du một cái rồi cùng bọn đàn em bước nhanh ra khỏi buồng giam. Trông dáng vẻ ngó quanh ngó quất đó, Du đoán chắc họ lại sắp làm chuyện gì không tốt đẹp. Chợt, Du nghe chị Giảo giục đi tắm thôi.

Khu nhà tắm lúc này chỉ còn lác đác vài người tắm rửa. Con Muội đang ngồi vục đầu dưới vòi nước, chà xà bông cục lên tóc gội thì đột nhiên một bàn tay ấn mạnh đầu nó xuống gần sát đất. Chưa hết, thêm ba đứa nữa nhào vô lột áo nó, đấm đá túi bụi. Vốn là dân lưu manh chẳng phải dạng vừa, con Muội cũng chống trả quyết liệt. Dù vậy, cái tư thế bị đẩy đầu xuống đất khiến nó gặp nhiều khó khăn trong việc phản đòn. Con Muội đang tự hỏi bọn này là ai thì vừa lúc, chị Hận giật giật chùm tóc nó và đay nghiến:

– Cho mày chết! Chừa từ nay đừng bày đặt xía vô chuyện của tao nha mậy!

Giờ thì con Muội đã biết ai đánh hội đồng mình rồi. Mím môi mím lợi, nó dùng hết sức thụi vào bụng chị ta. Đau điếng, chị Hận càng nắm chặt tóc đối phương đồng thời bảo bọn đàn em đánh mạnh vô.

Những người còn lại thấy ghê quá liền chạy ra khỏi nhà tắm để tránh bị liên lụy. Đúng lúc, Du và chị Giảo đi vào. Thấy vài người ôm đồ hớt hải, chị hỏi xảy ra chuyện gì. Một đứa trả lời, đám chị Hận đang đánh con Muội quá chừng kìa!

Quả nhiên Du đoán không sai, tức thì cô chạy vào trong và chị Giảo cũng đi theo coi thử. Du trông cảnh chị Hận nắm đầu con Muội giật mạnh, bốn đứa còn lại cứ đánh, cứ đấm đá liên hồi. Nhớ đến con Muội từng giúp mình, Du không thể đứng làm ngơ nên định chạy đến ngăn thì chị Giảo giữ lại, sốt sắng:

– Em chớ dại dột xen vào kẻo mang họa đấy! Mấy vụ đánh hội đồng này không mang thương tích thì cũng bị kỷ luật nếu cán bộ phát hiện ra!

– Muội từng giúp em một lần, giờ em phải giúp lại…

Thấy Du kiên quyết lao vào cuộc chiến dữ dội kia, chị Giảo cắn môi chẳng biết làm sao, nghĩ tới nghĩ lui sau cùng chị chạy đi tìm cán bộ giải quyết.

Bốn đứa con gái đang đánh hăng say thì thình lình bị Du đẩy qua hai bên. Chị Hận trừng mắt chưa kịp quát thì cũng bị Du đẩy mạnh ra sau, giải thoát cho con Muội. Được cứu, con Muội lập tức hất tóc lên thì biết kẻ vừa giúp mình chính là Du.

Chị Hận nghiến răng nghe ken két:

– A, mày giỏi lắm con kia! Hôm nay tao không đập chết hai đứa mày thì tao không mang tên Hận! Tụi mày đánh chúng nó cho tao!

Du và con Muội đứng ở giữa, chị Hận và bọn đàn em đứng dàn ra xung quanh. Ai nấy, trừ Du ra, đều chuẩn bị tư thế sẵn sàng. Rồi rất nhanh, con Xíu với ba đứa khác lao vào con Muội tung đòn. Còn lại chị Hận thì lăm le Du. Có lẽ chị ta muốn mình là người xử “cái con nhỏ không biết lễ độ” này.

Mắt trợn tròn, răng cắn chặt môi, hai bàn tay siết lại, chị Hận như thể muốn xé xác Du ra thành trăm mảnh. Lúc chị ta giơ nắm đấm lên, Du nhanh nhẹn cúi thấp người và lách ra phía sau chị ta. Cười khỉnh, chị Hận xoay lại đồng thời bóp tay bẻ cổ nghe răng rắc. Biết lần này chị ta sẽ chẳng dễ dàng cho mình thoát, Du liền đưa mắt quan sát xung quanh để tìm một vật nào đó làm vũ khí. Cô đâu giỏi đánh nhau.

Mau chóng, Du thấy cái vòi nước ở gần đấy. Bất ngờ, chị Hận tấn công chớp nhoáng, cào một phát vào má đối phương. Du lại bước lùi đến chỗ vòi nước, cảm nhận da mặt rát rát. Chị ta tiếp tục phóng đến, Du ngay tức khắc mở khóa nước và cầm vòi lên hướng vào chị ta. Một luồng nước cực mạnh phun trào xối xả vô người khiến chị Hận ngã nhào xuống đất. Du nhanh tay quay vòi nước vào bốn người kia, giải vây cho con Muội.

Con Muội cũng lấy thêm vòi nước, làm y hệt Du. Đám chị Hận bị nước xối tùm lum chẳng thể làm được gì ngoài việc đưa tay lên mặt che chắn. Vừa lúc ấy, âm thanh chạy huỳnh huỵch bên ngoài vang lên kèm theo tiếng hô của cán bộ. Du nhìn sang con Muội, cả hai cùng hiểu ý liền buông vòi nước ra rồi nằm xuống đất nhăn mặt rên khẽ.

Chiêu giả vờ trở nên hữu hiệu khi quản giáo Ngà cùng hai cán bộ ập vào, chứng kiến cảnh đám chị Hận đứng đó ướt nhem quần áo, còn Du và con Muội nằm dưới đất như thể họ là nạn nhân bị đánh rất dữ dội. Vết cào trên mặt Du cùng mấy vết bầm đỏ trên người con Muội đủ làm bằng chứng tố cáo. Mặc cho chị Hận la lên rằng “hai đứa nó cũng đánh tôi”, nhưng cán bộ vẫn không tin mà giải cả bọn lên phòng kỷ luật.

Quản giáo Ngà đưa Du với con Muội đến bệnh xá xem qua thương tích. Do chẳng mấy nghiêm trọng nên cả hai được trở về buồng giam. Trên đường đi, Du nhìn qua con Muội đang xem vết bầm trên cánh tay, hỏi:

– Em bị đánh nhiều không?

Bình thường mặt con Muội lạnh tanh nhưng giờ dễ chịu hơn, đáp cộc lốc:

– Bị nhiêu đây nhằm nhò gì, còn mặt chị thì sao?

– Bị cào ba đường, chắc phải vài ngày mới hết.

– Đàn bà con gái đánh nhau chỉ muốn hủy hoại dung nhan. Mà sao chị liều vậy, xông vô chi để bị đánh?

– Lần trước em giúp chị vụ miểng chai, giờ chị giúp lại thôi.

Con Muội lặng thinh chốc lát, tiếp theo đi sát lại Du nói nhỏ, chiêu giả đò của chị hay lắm! Nhờ thế mới thoát bị kỷ luật! Du gật đầu. Sau đó cả hai không nói gì nữa, dẫu thế sự im lặng này như đang kéo họ lại gần nhau hơn.

Thấy hai cô em gái về đến nơi, chị Giảo mừng rỡ hỏi thăm tình hình. Nghe Du bảo không bị kỷ luật, chị cười khà khà:

– Nhờ chị đi kêu cán bộ đó, không là hai đứa ngủm! Đám con Hận bị kỷ luật, giam ở phòng riêng một thời gian đấy, phạt nặng thế cho chúng chừa!

– Đây là lần kỷ luật thứ hai rồi. – Con Muội nằm vật ra.

– Ừ, nhỏ đó ghê lắm chứ đâu có vừa. Nó vô tù cũng do đánh người gây thương tích nặng nề rồi còn cướp tài sản nữa.

Nhờ chị Giảo kể mà Du mới biết chị Hận bị ngồi tù mười một năm, giờ chỉ mới thụ án ba năm thôi mà gây ra bao nhiêu chuyện. Bản chất đâu dễ thay đổi.

Tối, trong khi tất cả đã ngủ thì Du lặng lẽ lôi cuốn nhật kí ra đặt lên bậu cửa sổ. Đêm nay là rằm, trăng sáng vằng vặc như rưới từng giọt vàng xuống không gian tối hơn hũ nút. Có trăng làm đèn, Du sẽ dễ dàng viết hơn. Cầm cây bút bi mà ban nãy mượn của quản giáo Ngà, Du thoáng lưỡng lự. Một thời gian dài cô không ngồi viết tẩn mẩn thế này nên lúc bắt đầu cũng khó khăn. Nhưng bản thân đã quyết tâm thì sẽ không ngừng lại.

Du nhớ đến lời Văn, viết đơn giản thôi về những gì mình nghĩ và những chuyện đã trải qua. Đắn đo hồi lâu, Du viết dòng đầu tiên. Hình như lại có tiếng chim hót đâu đó…

*****

Ngày… tháng… năm…

Tôi muốn hỏi, bác sĩ biết ở đây có một con chim không? Thỉnh thoảng lúc sẩm tối, tôi lại nghe nó hót. Mà tiếng hót sao buồn quá. Da diết, não ruột như mong chờ điều gì.

Nhật kí tù nhân 3969.

Đôi mắt dừng lại ở dấu chấm cuối cùng, Đồng Văn tự thấy hơi buồn cười. Khó khăn lắm mới thuyết phục được Vân Du viết nhật kí, thế mà chỉ vỏn vẹn có hai dòng, hoàn toàn đối lập với sự rốt ruột chờ đợi trong anh. Đã vậy, cứ tưởng Du bộc bạch điều gì nào ngờ lại hỏi Văn về một con chim nào đó mà chính anh cũng chưa từng nghe nó hót.

Dù không được như mong đợi nhưng Văn thấy kết quả này không tệ. Du đang dần mở lòng, có thể sẽ giãi bày nhiều hơn vào thời gian tới. Văn tự hỏi, bản thân mong chờ cuộc điều trị này trở nên tốt đẹp hay vì muốn thỏa mãn nỗi tò mò suốt mấy ngày qua. Tiếp theo, Văn tự trả lời mình rằng, lí do là gì cũng được miễn là anh đang giúp đỡ Du.

Văn đã viết đáp lại một câu ngắn gọn ở bên dưới những dòng chữ kia trước khi đóng cuốn nhật kí. Giờ thì phải ngủ một giấc hoặc không thì cũng nhắm mắt nghỉ ngơi cho đến khi lại nhận được cú điện thoại hối hả nào đó từ các quản giáo. Ngả đầu ra phía sau thành ghế, hai tay đặt trên bụng và Văn hướng mắt lên trần phòng. Hàng mi từ từ khép lại, với anh giấc ngủ thường đến thật khó khăn.

Rất nhanh, đôi lông mày nhíu chặt, Văn lại thấy chúng – những hình ảnh kỳ dị. Mặc dù chúng rất vẹo vọ, nhưng một gương mặt xương xóc với hai hốc má trũng sâu cùng đôi mắt sâu hoắm vẫn hiện lên mồn một. Gã trai với hình dáng gầy nhom, tướng đi khập khiễng và trên tay cầm con dao. Ánh nhìn tàn bạo.

Hình ảnh hắn chợt nhòe đi, thay vào đó là người phụ nữ xinh đẹp, mái tóc đen dài mượt mà. Bà mặc váy trắng, nhưng không lâu sau thì nó chuyển sang màu đỏ. Nhuốm máu. Bà nhìn Văn trừng trừng, vô hồn.

Văn mở choàng mắt, trán ướt đẫm mồ hôi, lồng ngực như bị ai đè ngộp thở. Văn dựng người dậy, cuống họng bất giác bật ra một âm vực ngắn, khô và lạnh hệt như bị hóc xương. Văn thấy cơn ác mộng ấy hàng vạn lần rồi, gần mười lăm năm qua. Bao giờ cũng chỉ lặp đi lặp lại như thế. Rất hiếm khi anh ngủ một giấc đến sáng. Lòng bàn tay trở nên lạnh, tâm hồn run rẩy, Văn biết đêm nay mình sẽ thức trắng.

*****

Hôm nay Vân Du và các phạm nhân nữ được điều đến xưởng may gia công của trại. Ngoài việc chăm sóc vườn cây bây giờ họ phải làm thêm công việc may vá để tăng năng suất lao động. Chuyện này với Du cũng còn mới mẻ quá, và chắc là cô phải được chỉ dẫn vài ngày. Ngoài may gia công ra, phạm nhân nữ có thể nhận cả việc xâu hạt cườm.

Tuy có phần vất vả hơn chuyện chăm vườn cây nhưng việc này giúp Du bớt đi thời gian suy nghĩ lung tung về bản thân và con gái. Những phạm nhân còn lại cũng thế, trông họ đang tập trung vào công việc cũng thấy vui vẻ hơn. Bầu không khí trong xưởng may thật bận rộn, và mọi người lao động hăng hái đến tận trưa.

Giờ nghỉ trưa, mọi người kéo nhau về buồng giam ngủ. Nằm chưa bao lâu, Du ngồi dậy, lấy rổ hạt cườm ra nhặt để xâu vào dây chuỗi. Bên cạnh chị Giảo ngáy khe khẽ, còn con Muội nằm đọc báo thảnh thơi. Được nửa tiếng, Du đưa mắt ra ngoài cửa sổ nhìn cái nắng hè oi bức chảy tràn hết vườn cây xanh um phía xa. Tự dưng muốn có một trận mưa rào cho dịu mát. Dòng suy nghĩ bị cắt ngang khi Du nghe âm thanh mở cửa buồng, quản giáo Ngà đi vào nói to:

– Phạm nhân Muội ra nhận đồ của thân nhân.

Du thấy tờ báo che hết mặt con Muội, và nó vẫn nằm yên hệt chẳng nghe gì cả. Quản giáo Ngà phải lên tiếng lần nữa. Cô chị nằm kế bên con Muội bắt đầu quạu quọ vì bị đánh thức, hắng giọng bảo nó mau đi lấy đồ. Con Muội chậc lưỡi, uể oải ngồi dậy. Ký tên xong, con Muội lôi cái giỏ đồ to đùng vào chỗ nằm. Có vài người ngóc đầu dậy ngó thử.

Du nhận ra con Muội chẳng mấy vui vẻ gì khi nhận đồ của thân nhân, liền hỏi ai gửi? Nó tiếp tục đọc báo, mắt không ngó ngàng gì đến những thứ hấp dẫn ở bên trong giỏ, đáp cụt lủn: “Là bả!”. Du chưa kịp hỏi “bả” là ai thì ba, bốn phạm nhân nữ khác ngồi xuống gần con Muội, cười bảo:

– Lần này có cho bọn chị hết giỏ đồ không em?

– Mấy chị cứ lấy phát hết cho mọi người đi.

Du tròn xoe mắt khi trông cảnh mọi người tụ đến hớn hở lôi lôi kéo kéo mấy thứ có trong giỏ ra. Sao con Muội lại thản nhiên để bạn tù lấy hết đồ của mình như thế? Là bị ép buộc? Nhưng con Muội đâu phải dạng dễ bắt nạt, vậy lí do là vì nó không cần ư? Chợt, có chị cầm lấy một bức thư nằm trong giỏ rồi ném nhẹ qua chỗ con Muội, nói “của mẹ em nè”. Và giờ thì Du mới biết người gửi đồ là ai.

Lúc mọi người túa ra, Du nhìn vô cái giỏ trống lốc, hỏi con Muội:

– Đồ của mẹ gửi sao em không lấy?

Con Muội miễn cưỡng đáp, không thích! Du lại hỏi vì sao. Nó trợn mắt nhìn lên thở hắt ra đầy khó chịu, ngoẹo đầu nhìn Du:

– Tôi ghét bả lắm! Đâu phải người mẹ nào cũng thương con giống như chị!

Con Muội đứng lên, mau chóng đi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Du nghe tiếng chị Giảo vang khẽ ở sau lưng, mới chậm rãi quay qua. Chị đỡ cái bụng bầu để ngồi dậy, kín đáo ngó cửa phòng vệ sinh khép hờ, nói nhỏ với Du:

– Chẳng biết trước khi vô đây đã xảy ra chuyện gì mà con Muội ghét mẹ mình dữ lắm. Nghe nó bảo vu vơ rằng mẹ tái hôn, bỏ rơi con gái ruột để nó hư hỏng. Con Muội đi theo giang hồ, năm rồi đánh bị thương người ta nên mới vô tù lãnh án ba năm. Bà mẹ hay gửi đồ, nó cho mọi người hết. Vài lần bả với chồng vào thăm, nó từ chối không gặp mà.

Du im lặng trước lời kể của chị Giảo. Ban đầu Du biết con Muội là dân giang hồ nhưng nghĩ nó mồ côi nào ngờ vẫn còn mẹ và cha dượng. Không rõ điều khuất tất đằng sau đó là gì mà khiến con Muội căm ghét mẹ ruột đến thế. Liệu mối mâu thuẫn ấy có lớn như giữa Du và bà Nhuệ, mẹ kế mình?

Cửa buồng lại mở, quản giáo Ngà bước vào và gọi tên Du. Du đi đến, thấy chị đưa cuốn nhật kí kèm theo lời dặn sáng mai gửi lại cho bác sĩ Văn. Lúc Du trở lại chỗ nằm, chị Giảo hỏi đó là gì? Cô nói là sổ nhật kí điều trị tâm lí. Như hiểu vấn đề này không thể tham gia vào, chị liền búi tóc đi rửa mặt, chuẩn bị cho buổi lao động chiều. Du cất cuốn sổ dưới gối nằm, tối sẽ mở ra xem Văn có trả lời lại hay chỉ mỗi cô “độc thoại”.

Quản giáo Ngà ra đến cổng khu II để gặp Văn và báo về việc đã đưa cuốn sổ cho phạm nhân. Văn gật đầu rồi nghe chị nói tiếp:

– Thời gian gần đây trông phạm nhân Du đỡ hơn một chút, lúc mới vào trông u uất quá. Giờ thấy em ấy nói chuyện với bạn tù rồi. Chắc việc điều trị tiến triển tốt hả bác sĩ?

– Em chưa làm gì đâu chị, chủ yếu do tinh thần phạm nhân Du tự khá lên. Chắc là vì cô ấy muốn gặp con gái.

– Trẻ măng vậy mà có con rồi à?

– Có đứa con gái sáu tuổi.

Quản giáo Ngà chậc lưỡi cảm thông. Nghĩ còn nhiều việc chưa làm xong, Văn chào chị và toan cất bước thì chợt nhớ ra một chuyện:

– Trong đây chị có nghe tiếng con chim nào hót không?

Trước câu hỏi lạ lùng đó, quản giáo Ngà ngẩn người ra vài giây. Lát sau, chị như sực nhớ, mới à lên một tiếng:

– Là con chim đỗ quyên của quản giáo Thái đấy mà. Vài tháng trước nó bị thương bay lạc vô đây, anh Thái nhặt về chăm sóc rồi nuôi đến giờ. Chim quyên hay hót vào đầu hè, ban ngày thì im còn chiều tối mới hót. Thường là sau mưa hay trăng sáng. Nhưng quyên hót nghe buồn lắm.

Văn nhớ đến những điều Du ghi trong nhật kí, hẳn là con chim ấy rồi. Văn cũng muốn nghe tiếng hót “da diết, não nề” đó. Chẳng biết tối nay chim quyên có hót không?

Bình luận
720
× sticky