Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Án Tử Một Tình Yêu – The Death Of A Love

Chương 19: Chương cuối

Tác giả: Võ Anh Thơ

Vài ngày sau, Vân Du bất động khi nghe quản giáo Lành báo một tin vô cùng quan trọng: Ngày mai Du sẽ bị đưa ra trường bắn! Bản án tử hình đã phê duyệt và chọn xong thời gian thực thi. Dẫu lúc nào cũng luôn chuẩn bị tinh thần chờ đến ngày trả án nhưng khi vừa nghe xong, Du cảm giác mọi thứ xung quanh dường như biến mất. Trước mắt chỉ còn một màu trắng xóa. Thế giới đẹp đẽ ngoài kia đang dần chao nghiêng. Du khá thất thần, đến nỗi quản giáo Lành phải đưa tay qua song sắt đỡ lấy cánh tay cô để giữ vững.

– Chị không sao chứ?

Nhắm mắt và hít thở sâu, Du cố lấy lại sự điềm tĩnh vốn có. Khoảng vài phút sau khi đã tĩnh tâm lại, Du chậm rãi mở mắt ra rồi nhìn quản giáo Lành, gật đầu.

– Cảm ơn cán bộ đã thông báo cho tôi biết.

– Nếu còn muốn sống như thế thì sao ban đầu chị không viết đơn xin ân xá cho rồi.

– Trước khi chết, ai cũng có tâm trạng bần thần thế này thôi. Cán bộ đừng lo, tôi thấy ổn hơn rồi và sáng sớm mai tôi sẽ bình thản đón nhận cái chết.

Trông đôi mắt kiên định ấy, quản giáo Lành nhẹ nhàng siết chặt vai Du và an ủi:

– Mạnh mẽ lên chị! Mình lỡ gây ra tội thì phải chịu nhận hình phạt. Xem như kiếp này đành dừng lại ở đây, chết đi rồi đầu thai thành kiếp người khác mà sống tốt hơn.

Du mỉm cười, đúng vậy! Đời này Du có quá nhiều điều phải hối hận, chỉ mong kiếp sau được trở thành một con người khác để sống trọn vẹn hơn nữa. Quản giáo Lành chợt hỏi nữ tử tù trẻ tuổi có nguyện vọng gì thì cứ nói. Suy nghĩ một lúc, Du khẽ khàng đáp:

– Tôi muốn sau khi chết đi sẽ được hiến xác.

– Thế thì khó đấy. Ở các nước khác thì chuyện hiến xác là bình thường nhưng nước mình thì chưa có luật nào về việc này cả. Cũng có vài người đưa đơn kiến nghị nhưng đến giờ luật hiến xác của tử tù chưa được thông qua và vẫn chưa có pháp lý rõ ràng nào.

– Tôi hiểu rồi…

– Thật ra cũng có vài tử tù mang di nguyện giống chị, một phần do chính phủ nước mình chưa phê duyệt và phần còn lại là người ta không dám nhận những bộ phận được hiến từ tử tù. Người thì thấy ghê sợ, người thì tỏ ra khinh bỉ. Nói chung thì cũng tội! Tử tù muốn chuộc lỗi nên sau khi chết vẫn mong thân thể mình sẽ cứu giúp ai đó. Nhưng thường người đời không chấp nhận họ…

Cái nhìn dịu lại, Du lặng im. Đã là kẻ có tội thì mãi mãi có tội. Đối với tử tù, muốn làm một việc tốt thì khó khăn gấp bội so với người bình thường. Đã từng giết người mà sau cùng lại mong được cứu người há chẳng phải trêu ngươi ư?

– Vậy tôi khẩn khoản nhờ cán bộ giúp cho một chuyện.

– Chị nói đi, nếu tôi giúp được gì thì sẽ làm cho.

– Tôi có một cuốn nhật kí luôn viết mỗi đêm. Nay tôi chết rồi chỉ mong cán bộ trao nó cho bác sĩ Đồng Văn ở bệnh xá của Trại giam. Thế thôi là tôi cảm ơn cán bộ nhiều.

Quản giáo Lành ngẫm nghĩ một chốc rồi cũng gật đầu.

Tối hôm đó, Du ngồi nhìn cuốn nhật kí rất lâu. Bao nhiêu điều chưa nói và muốn nói cứ bủa vây lấy đầu óc trống rỗng. Thế là ngày mai Du phải lên đường sang thế giới bên kia rồi. Du sẽ đón buổi bình minh sau cùng của đời mình. Thời gian trôi qua thật nhanh, thế nhưng với Du sao lại dài đằng đẵng hệt như cả trăm năm. Kỳ lạ thay, Du thấy tâm hồn vẫn bình lặng, chẳng có chút gì là sợ hãi hay hoang mang. Điều đó đối với Du không khác gì một ân huệ. Kể từ sau buổi sáng ngày mai, mọi thứ sẽ kết thúc.

Du chậm rãi cầm bút lên và viết. Những dòng nhật kí sau cùng gửi đến Văn. Được viết tỉ mỉ, cẩn thận và ngắn gọn… Xong xuôi, Du đưa cho quản giáo Lành đồng thời nhờ chị rằng, sau khi mình ra trường bắn thì mới đưa nó cho bác sĩ Văn.

*****

Lạch cạch!

Du khẽ khàng mở mắt ra khi nghe âm thanh mở khóa cửa khu biệt giam. Du ngồi dậy, nét mặt hoàn toàn tỉnh táo hệt như đã thức giấc từ lâu. Thật kỳ lạ khi đêm qua Du ngủ một giấc tròn đến tận lúc này là bốn giờ sáng. Không ác mộng, không sợ hãi, không giật mình lúc nửa đêm rồi khóc. Du thay bộ đồ mới, chải đầu gọn gàng.

Lắng nghe những tiếng bước chân từ từ tiến đến gần buồng giam này, Du ngồi yên trên giường với một sắc thái vô cùng bình lặng.

Cửa buồng mau chóng mở, Du xoay qua thấy quản giáo Lành nhìn mình, cất tiếng:

– Đến giờ trả án rồi.

Du gật đầu, chậm rãi rời khỏi buồng biệt giam và đi theo quản giáo cùng hai vị cán bộ khác. Du lướt qua các cửa buồng im lìm kia, chốc chốc lại nghe tiếng thở phào. Hôm nay ngoài Du ra, những tử tù còn lại sẽ được sống thêm một ngày nữa…

Tay bị còng, Du lặng lẽ đi qua các dãy hành lang nửa sáng nửa tối.

“Ngày… tháng… năm…

Bác sĩ, đây sẽ là đoạn nhật kí cuối cùng của tôi. Sáng sớm ngày mai, tôi phải ra trường bắn để nhận bản án dành cho mình.

Giây phút ngồi viết những dòng này, tôi rất muốn gặp bác sĩ và nói thật nhiều điều mà mình chưa kịp nói, và những lần gặp trước đây cũng chẳng thể nói ra. Nhưng giờ đây bao nhiêu cảm xúc, từ ngữ đều biến mất khiến tôi không còn biết phải viết gì nữa.”

Du bước qua khoảng sân rộng lớn vắng vẻ buổi sớm mai. Lớp cỏ bên dưới ướt sương trở nên lạnh ngắt. Du thoáng rùng mình vì một cơn gió lạnh chợt thổi thốc đến.

“Tôi luôn nghĩ cuộc đời mình thật bất hạnh trong khi hạnh phúc thì không được bao nhiêu. Nhưng, điều may mắn nhất đã đến với tôi trong kiếp này, chính là được gặp bác sĩ. Ngoài Hoàng Oanh ra, bác sĩ là người thứ hai giúp tôi nhận ra ý nghĩa sống. Và bác sĩ cũng là người khiến tôi muốn sống vì một ai đó.”

Bỗng, Du nghe tiếng hót của chim đỗ quyên. Tiếng hót não nề tận cùng. Nó khiến người ta nghĩ về nỗi vô thường. Và rồi trong màn sương mờ buổi sớm, Du bắt gặp một đôi cánh nhỏ tự do bay vút lên cao. Là thật hay ảo, Du cũng không biết.

“Lần đầu tiên gặp bác sĩ, tôi đã nghĩ: Anh ấy có điều gì đó rất giống mình! Một điều ở tận sâu trong trái tim. Và khi nghe bác sĩ kể về bi kịch của mẹ mình trong quá khứ, tôi lại nghĩ: Bác sĩ thật dũng cảm! Dẫu bác sĩ không ngừng bị ám ảnh, không ngừng trách cứ bản thân, nhưng với tôi, bác sĩ cũng đã sống một cách dũng cảm.

Có thể tự đứng lên, không làm tổn thương bất cứ ai, có cuộc đời trong sạch, suốt mười lăm năm bác sĩ đã cố gắng như thế.

Đó là điều mà tôi không thể có được.”

Du được đưa đến phòng Hội đồng thi hành án để làm một vài thủ tục trước khi ra trường bắn. Du từ chối ăn bữa sáng, sau đó ngồi viết thư gửi cho thân nhân. Du chỉ viết một lá thư với những dòng ngắn ngủi cho con gái Hoàng Oanh: “Con gái yêu quý, mẹ cảm ơn cuộc đời đã mang con đến bên mẹ, để mẹ có thể đứng lên một lần nữa! Dù mẹ phải đi đến một nơi thật xa thì mẹ vẫn mãi yêu con! Hứa với mẹ, con phải sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Hứa với mẹ, con hãy sống thật dũng cảm!”.

Hoàn tất mọi thứ, Du được áp tải ra xe để đến trường bắn.

“Tôi từng đọc đâu đó rằng: Dũng cảm không phải là không biết sợ, mà là sợ nhưng vẫn tiến về phía trước.

Tôi muốn trở thành một người như thế.

Không bị vấp ngã bởi khổ đau hay bi kịch nào. Không làm tổn thương bất cứ ai.

Dũng cảm mà sống.

Cho đến tận giờ phút này, tôi mới nhận ra một điều quý giá: Sống, là phải vượt lên trên những nỗi đau. Có lẽ đó cũng là nghĩa vụ của con người.”

Bầu trời hửng sáng. Sương sớm còn lãng đãng. Không khí trong lành, dịu mát. Du đưa mắt nhìn ra cảnh vật bên ngoài, vắng vẻ đìu hiu.

“Kiếp này, tôi có nhiều điều hối hận nhưng cũng có nhiều điều tôi không bao giờ hối hận. Thật hạnh phúc khi vào những tháng ngày sau cuối, tôi được gặp những con người tốt bụng. Họ cũng mang trong mình nỗi đau nhưng lúc nào cũng mỉm cười với tôi. Họ trân trọng, san sẻ nhiều điều quý giá với tôi.

Nhờ họ, tôi như được chữa lành. Và tôi thật sự biết ơn họ.

Chỉ có con người mới xoa dịu được nỗi đau do con người gây ra.”

Trường bắn buổi sớm thật cô quạnh, không khỏi khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo. Phía góc cuối của trường bắn, hàng chục mộ của tử tù xếp thành hàng. Có ngôi mộ đã bị thời gian vùi lấp, chẳng còn thấy rõ tên tuổi người nằm dưới lòng đất.

Du bị đưa đến một chiếc cọc to và trói dây lại, bên dưới đã đào lỗ huyệt sẵn. Trước mặt Du là nhóm năm cán bộ cầm súng đứng hàng ngang.

Trong khi Chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình đọc tội trạng của tử tù thì Du ngước mặt lên nhìn bầu trời cao rộng. Hôm nay sẽ là một ngày thật đẹp. Du ngửi thấy mùi thơm cây cỏ, hương gió, mùi nắng. Du muốn cảm nhận rõ ràng thế giới tươi đẹp này lần sau cuối. Rồi từ đây, mọi thống khổ thương đau của một kiếp người sẽ kết thúc.

“Nếu có ước nguyện thì tôi chỉ mong có một.

Đó là, tôi muốn được sống.”

Câu nói cuối cùng của vị chủ tịch kết thúc, năm cán bộ thi hành án cầm súng lên.

Du nhắm mắt lại, thấy mình được tự do.

Giọt nước mắt long lanh chảy tràn qua đuôi mắt nhắm nghiền, tan vào trong gió lạnh.

“Đồng Văn à, xin cảm ơn…

Vân Du.”

Những loạt đạn đanh thép vang lên phá tan bầu không gian quạnh quẽ nơi trường bắn.

[Ngày 27/6/2011, theo nghị định 47/2013 sửa đổi, bổ sung nghị định 82/2011, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ bắt đầu thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Tuy nhiên việc này vẫn chưa được thực thi. Đến tháng 11, Luật này mới chính thức có hiệu lực.]

*****

Tháng 8 năm 2017.

Đồng Văn gấp cuốn nhật kí lại sau khi đọc dòng cuối cùng Vân Du viết sáu năm trước. Văn vẫn còn nhớ khoảnh khắc khi mình nhận món kỷ vật này từ tay quản giáo Lành, đôi tay đã run rẩy thế nào với trái tim đau đớn ra sao. Nhưng thật kỳ lạ, Văn không hề khóc khi đọc đoạn nhật kí Du viết gửi cho mình. Cũng chẳng rõ là Văn mất hết cảm xúc rồi hay vì bản thân nhận ra sự ra đi thanh thản của người con gái ấy. Suốt thời gian dài, Văn đã gìn giữ cuốn nhật kí chờ đến lúc trao cho Hoàng Oanh.

Ban nãy ở Trại giam, khi Văn trông thấy ảo ảnh của Du mà bản thân cứ ngỡ cô đã trở về gặp mình. Để rồi lúc chìm đắm trong những ký ức thương đau năm ấy, Văn bừng tỉnh khi có người đặt tay lên vai lay gọi. Quay qua mới thấy là quản giáo Ngà. Trước khi rời khỏi khu giam nữ để gặp Phó giám thị, Văn nhìn lại khoảng sân vắng vẻ lần nữa. Chẳng có gì ngoài gió và nắng đang vờn nhau.

Văn đang đứng trên một ngọn đồi vắng vẻ. Nơi đây có một bia mộ được dựng. Trên bia khắc dòng chữ “Vân Du (1988-2011)”. Ba năm sau khi Du bị tử hình, ông Thạch đã làm đơn xin được nhận hài cốt của con gái về an táng. Sau đó thỉnh thoảng, Văn lại đến đây.

Bỗng, một tiếng gọi trong trẻo vang lên:

– Chú Văn ơi!

Văn chưa kịp xoay lại là một bóng dáng nhỏ nhắn chạy đến đứng trước mặt anh. Gương mặt bầu bĩnh xinh xắn, đôi mắt tròn xoe đen láy như hột nhãn, mái tóc dài cột cao tung bay trong gió và nụ cười tươi sáng. Đó là Hoàng Oanh. Cô bé mười hai tuổi mặc chiếc váy nữ sinh nghiêng đầu mỉm cười với Văn.

– Chú Văn chờ con có lâu không ạ?

– Chú cũng vừa mới đến. Con vừa từ trường về à?

– Dạ, sắp khai giảng rồi nên học sinh tụi con phải vào trường chuẩn bị trước.

Văn chậm rãi đưa cuốn nhật kí ra cho Oanh, giọng nói nhẹ như làn gió:

– Đây là kỷ vật cuối cùng Vân Du gửi cho chú. Theo nguyện vọng của cô ấy, bây giờ chú trao nó lại cho con. Nó sẽ giúp con biết thêm về những tháng ngày sau cùng của mẹ.

Oanh ngạc nhiên vài giây rồi khẽ khàng đưa tay lên cầm lấy. Vuốt ve cuốn nhật kí, kỷ vật còn lại của mẹ Du, đôi mắt Oanh đỏ hoe ngấn nước. Kể từ lần gặp cuối cùng trong Trại giam sáu năm trước, không lúc nào là nó không nhớ về mẹ. Khi ấy Oanh còn nhỏ nên chưa hiểu gì, nhưng những năm sau đó thì nó bắt đầu hiểu rõ mọi chuyện. Dẫu mẹ Du là người có tội thì đối với Oanh, mẹ vẫn là mẹ. Và, Oanh mãi mãi yêu mẹ.

Siết chặt cuốn nhật kí vào lòng, Oanh ngước nhìn Văn với hai giọt nước mắt lăn dài.

– Cảm ơn chú Văn.

Văn mỉm cười gật đầu. Đúng lúc ấy một cơn gió thổi qua, mang theo hàng ngàn chiếc lá vàng rơi xuống bia mộ. Oanh nhìn nắm đất bắt đầu mọc cỏ xanh rồi ngước lên bảo:

– Trời sắp sang thu rồi đó chú! Mẹ Du rất thích mùa thu.

Vẫn giữ nụ cười trên môi, Văn đưa mắt nhìn những cành cây xào xạt trong gió lạnh. Dường như chàng bác sĩ trẻ năm ấy đang thấy bóng hình của Du trên bầu trời mây bay.

Du à, ở nơi đó em có còn khóc không…?

Võ Anh Thơ

Sài Gòn, 02/04/2017.

Gửi một chiều mưa u hoài…

Bình luận