Một số người đàn ông có khả năng nhìn xuyên qua các bề mặt rắn chắc
Lịch sử chứng minh chúng ta luôn bị thu hút bởi đôi mắt và chúng tác động đến hành vi của chúng ta. Sự tiếp xúc bằng mắt điều chỉnh cuộc trò chuyện, cho ta biết ai đang là người trội hơn: “Anh ta khinh thường tôi”, đồng thời góp phần hình thành những manh mối cơ bản khiến ta nghi ngờ kẻ nói dối: “Hãy nhìn vào mắt tôi khi anh nói điều đó!” Khi nói chuyện trực diện, chúng ta hay nhìn vào mắt người đối diện. Vì vậy, các dấu hiệu bằng mắt là một phần quan trọng để nhận biết thái độ và suy nghĩ của họ. Khi gặp mặt lần đầu tiên, người ta thường nhanh chóng đưa ra hàng loạt nhận xét về nhau mà phần lớn dựa vào những gì họ nhìn thấy.
Chúng ta hay dùng các cụm từ như: “Cô ấy nhìn anh ta chằm chằm”, “Trong mắt anh ấy lóe lên niềm hy vọng”, “Cô ấy có đôi mắt to thơ ngây”, “Anh ta có đôi mắt gian xảo”, “Cô ấy có đôi mắt quyến rũ”, “Cô ấy nhìn anh ấy đắm đuối”, “Cô ấy nhìn với vẻ lãnh đạm” hoặc “Anh ta nhìn tôi với ánh mắt đầy ác ý”. Chúng ta cũng thường nói ai đó có đôi mắt của Bette Davis, đôi mắt Tây Ban Nha, đôi mắt gợi tình, đôi mắt khó hiểu, đôi mắt giận dữ, đôi mắt đờ đẫn, đôi mắt dò xét, đôi mắt buồn, đôi mắt hạnh phúc, đôi mắt lãnh đạm, đôi mắt ghen tỵ, đôi mắt không tha thứ và đôi mắt sắc lẹm. Khi dùng những cụm từ này, chúng ta đã vô tình đề cập đến kích cỡ con ngươi và thái độ trong cái nhìn của một người. Trong số các dấu hiệu giao tiếp của con người, đôi mắt có thể tiết lộ nhiều điều chính xác bởi chúng là một trọng điểm trên cơ thể. Không những vậy, con ngươi còn hoạt động độc lập, ngoài tầm kiểm soát của tâm thức.
Con ngươi giãn ra
Trong những điều kiện ánh sáng nhất định, con ngươi của bạn sẽ giãn ra hay thu lại tùy theo thái độ, tâm trạng của bạn thay đổi từ tích cực sang tiêu cực hoặc ngược lại. Khi một người trở nên phấn khích, con ngươi của họ có thể giãn to gấp 4 lần so với kích cỡ ban đầu. Ngược lại, tâm trạng tức giận, tiêu cực làm con ngươi thu lại ở trạng thái “long sòng sọc” hay “nhìn trừng trừng” (Nghĩa đen: đôi mắt của rắn (snake eyes) (ND)). Đôi mắt vui vẻ thường trông thu hút hơn, bởi vì chúng ta dễ nhìn thấy tình trạng giãn con ngươi.
Đôi mắt “long sòng sọc” Đôi mắt gợi tình
Eckhard Hess, cựu trưởng khoa tâm lý thuộc trường Đại học Chicago, là người tiên phong trong các cuộc nghiên cứu về đồng tử học. Ông phát hiện trạng thái hưng phấn thông thường của con người ảnh hưởng tới kích cỡ của con ngươi. Nói chung, kích cỡ con ngươi tăng lên khi người ta nhìn thấy điều gì đó kích thích họ. Qua nghiên cứu, Hess phát hiện rằng con ngươi của những người đàn ông và phụ nữ bình thường đều giãn ra khi họ ngắm các bức ảnh của người khác giới và co lại trước những bức ảnh của người cùng giới. Hess cũng thu được các kết quả tương tự khi yêu cầu những người tham gia nhìn vào các bức ảnh dễ chịu và không dễ chịu về đề tài thức ăn, chính trị gia, trẻ khuyết tật, cảnh chiến tranh hoặc khi yêu cầu họ nghe nhạc. [Nguyên văn: heterosexual men and women, có nghĩa là người thích (có quan hệ tình dục hoặc không) người khác phái, để phân biệt với giới đồng tính (homosexual). Chúng tôi xin dịch là “bình thường” để tránh phải dùng những cụm từ vụng về (ND)]. Ngoài ra, ông cũng phát hiện việc tăng kích cỡ con ngươi có mối tương quan tích cực tới khả năng xử lý vấn đề, cụ thể là con ngươi giãn ra cực đại khi người ta tìm ra giải pháp cho vấn đề của họ.
Bạn thấy bức ảnh nào quyến rũ hơn?
Nghiên cứu trong giới doanh nhân, chúng tôi nhận thấy, người ta sẽ nghĩ các người mẫu trong các bức ảnh quyến rũ hơn nếu con ngươi của họ được chỉnh sửa lớn hơn. Đây là một cách hữu hiệu để tăng doanh số bán ra của những sản phẩm có sử dụng ảnh chụp cận cảnh gương mặt, chẳng hạn như mỹ phẩm dành cho phụ nữ hay các sản phẩm chăm sóc tóc, quần áo,… Khi sử dụng những tập sách quảng cáo trong một chiến dịch gửi thư trực tiếp, chúng tôi đã làm tăng doanh số bán son môi hiệu Revlon qua catalog lên khoảng 45% bằng cách làm tăng kích cỡ con ngươi của các người mẫu trong ảnh.
Đôi mắt là dấu hiệu quan trọng trong thời gian hẹn hò và mục đích trang điểm mắt là nhằm nhấn mạnh sức biểu cảm của đôi mắt. Nếu một phụ nữ bị cuốn hút bởi người đàn ông, cô ta sẽ mở căng con ngươi khi nhìn người đàn ông đó. Dấu hiệu này giúp anh ta giải mã chính xác thái độ của cô gái mà không cần tường tận điệu bộ. Đây là lý do tại sao các cuộc hẹn hò lãng mạn ở những nơi có ánh sáng mờ ảo thường rất thành công, bởi lúc ấy, con ngươi của 2 người đều giãn ra và tạo được ấn tượng là cả 2 cùng quan tâm đến nhau.
Khi người đàn ông bị một phụ nữ hấp dẫn thì bộ phận nào trên cơ thể của họ có thể tăng kích cỡ gần gấp 3 lần?
Khi những người yêu nhau nhìn sâu vào mắt nhau, họ hoàn toàn không nhận thức được rằng họ đang tìm dấu hiệu của sự giãn nở con ngươi, và mỗi người bị hấp dẫn bởi sự giãn nở con ngươi của người kia. Nghiên cứu cho thấy khi đàn ông xem phim khiêu dâm, con ngươi của họ có thể giãn nở gấp 3 lần so với kích cỡ ban đầu. Trong khi đó, con ngươi của đa số phụ nữ giãn nở nhiều nhất khi họ xem các bức ảnh chụp bà mẹ và em bé. Con ngươi của trẻ sơ sinh hay trẻ em vốn to hơn người lớn. Khi có mặt người lớn, con ngươi của trẻ sơ sinh không ngừng giãn ra để tạo sự cuốn hút và nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Đây là lý do tại sao những món đồ chơi trẻ em bán chạy nhất gần như lúc nào cũng có con ngươi quá cỡ.
Các nghiên cứu cũng cho thấy sự giãn nở của con ngươi có tác động hỗ trợ đối với người nhìn thấy chúng. Những người đàn ông nhìn các bức ảnh chụp phụ nữ có con ngươi giãn ra đã căng con ngươi ra nhiều hơn so với khi họ nhìn những bức ảnh chụp phụ nữ có con ngươi thu lại.
Cuộc kiểm tra con ngươi
Khả năng giải mã sự giãn nở của con ngươi của chúng ta là bẩm sinh và xảy ra hoàn toàn tự động. Để kiểm tra điều này, bạn hãy lấy tay che hình B, rồi yêu cầu một người nào đó nhìn chằm chằm vào “con ngươi” ở hình A. Sau đó đổi lại, cho họ nhìn chằm chằm vào hình B, bạn sẽ thấy con ngươi của họ căng ra như thế nào để tương xứng đối với hình minh họa. Sở dĩ như vậy là vì não người điều khiển con ngươi nhìn đôi mắt mà nó cảm thấy quyến rũ. Con ngươi của phụ nữ giãn ra nhanh hơn con ngươi của đàn ông nhằm tương ứng với đôi mắt mà não họ nhìn thấy.
Hess đã tiến hành thử nghiệm phản ứng của con ngươi bằng cách cho những người tham gia xem 5 bức ảnh: người đàn ông khỏa thân, phụ nữ khỏa thân, trẻ sơ sinh, bà mẹ với trẻ sơ sinh và phong cảnh. Đúng như dự đoán, con ngươi của nhóm đàn ông đã giãn nở nhiều nhất khi nhìn ảnh phụ nữ khỏa thân. Ngược lại, nhóm đàn ông đồng tính căng con ngươi nhiều nhất khi nhìn ảnh người đàn ông khỏa thân. Trong khi đó con ngươi của nhóm phụ nữ giãn nở nhiều nhất khi họ nhìn các bức ảnh bà mẹ với trẻ sơ sinh và nhiều thứ hai khi họ nhìn ảnh người đàn ông khỏa thân.
Các cuộc kiểm tra được tiến hành với những chuyên gia chơi bài cho thấy họ thắng ít hơn khi đối thủ của họ đeo kính sậm màu. Ví dụ, nếu đối thủ được chia 4 lá ách trong một ván bài xì (poker) thì chuyên gia chơi bài có thể nhận thấy con ngươi của đối thủ giãn ra nhanh chóng và giúp họ “cảm thấy” là không nên tố ván đó. Trong trường hợp này, kính sậm màu đã che đi các dấu hiệu của con ngươi và kết quả là các chuyên gia đó thắng bài ít hơn thường lệ.
Việc giải mã dấu hiệu của con ngươi đã được các thương nhân buồn bán đá quý của Trung Quốc thời xa xưa thực hiện bằng cách quan sát sự giãn nở con ngươi của người mua khi thương lượng giá cả. Cách đây nhiều thế kỷ, các cô gái mại dâm thường nhỏ thuốc belladonna – một loại cồn thuốc có chứa atropin – vào mắt để làm giãn con ngươi của họ, giúp họ trông gợi cảm hơn.
David Browne có đôi mắt khác màu nhau: một màu xanh và một màu hạt dẻ – đồng thời một con ngươi luôn luôn căng ra. Tình trạngnày được gọi là “sắc thể hỗn tạp” và 1% dân số mắc phải chứng bệnh này. Những khác biệt trong đôi mắt Browne là kết quả của một trận ẩu đả giành bạn gái lúc ông 12 tuổi.
Ngạn ngữ cổ có khuyên: “Hãy nhìn vào mắt người đối diện khi bạn đang nói chuyện với họ” lúc đang giao tiếp hoặc thương lượng. Nhưng tốt hơn là nên tập “nhìn vào con ngươi”, vì nó sẽ cho bạn biết những cảm xúc thật sự của họ.
Như thông lệ, phụ nữ vẫn giỏi hơn
Tiến sĩ Simon Baron-Cohen thuộc Đại học Cambridge đã tiến hành một số thí nghiệm, trong đó người tham gia được cho xem những bức ảnh khuôn mặt mà chỉ chừa lại 2 khe mắt hẹp. Họ được yêu cầu xác định các trạng thái tinh thần thể hiện trong những bức ảnh, chẳng hạn như “thân thiện”, “thoải mái”, “thù địch”, “lo lắng” và các thái độ như “khao khát quan hệ tình dục với bạn”, “khao khát quan hệ tình dục với người khác”.
Theo thống kê, phân nửa số câu trả lời chỉ dựa vào suy đoán này hoàn toàn chính xác. Trong đó, điểm số trung bình của đàn ông là 19/25 còn phụ nữ đạt 22/25. Cuộc kiểm tra trên cho thấy cả hai giới đều có khả năng giải mã các dấu hiệu bằng mắt tốt hơn dấu hiệu cơ thể và phụ nữ giỏi việc này hơn đàn ông. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết thông tin bằng mắt được gửi đi hoặc giải mã bằng cách nào. Họ chỉ biết rằng chúng ra có thể làm được điều đó mà thôi! Những người mắc bệnh tự kỷ (autism) – hầu hết là đàn ông – có điểm số thấp nhất. Não của những người này thiếu khả năng nhận biết ngôn ngữ cơ thể của đồng loại. Đây chính là lý do khiến họ gặp khó khăn trong giao tiếp, cho dù nhiều người có chỉ số thông minh rất cao.
Liếc mắt đưa tình
Con người là loài động vật linh trưởng duy nhất có tròng trắng – mắt của tinh tinh toàn tròng đen. Tròng trắng phát triển dần thành một công cụ hỗ trợ giao tiếp cho phép con người thấy người khác đang nhìn đi đâu, bởi hướng nhìn gắn liền với trạng thái cảm xúc. Bẩm sinh, não phụ nữ được cấu tạo để nhận biết cảm xúc tốt hơn não đàn ông; vì vậy, mắt phụ nữ nhiều tròng trắng hơn đàn ông. Do mắt của tinh tinh thiếu tròng trắng nên con mồi không biết nó đang nhìn đi đâu hoặc mình có bị phát hiện gì không; nhờ vậy, tinh tinh dễ dàng săn mồi hơn.
Con người là loài động vật linh trưởng duy nhất có tròng trắng.
Nhướn lông mày
Từ thời xa xưa, ở khắp nơi, người ta đã sử dụng điệu bộ này làm dấu hiệu “chào hỏi” từ xa. Nhướn lông mày cũng là điệu bộ chào hỏi của loài khỉ và tinh tinh nên có thể khẳng định đây là điệu bộ bẩm sinh. Ở điệu bộ này, lông mày nâng lên rất nhanh trong giây lát rồi hạ xuống ngay sau đó nhằm thu hút sự chú ý của người khác đến gương mặt mình, qua đó có thể trao đổi các dấu hiệu rõ ràng. Quốc gia duy nhất không sử dụng điệu bộ này là Nhật Bản vì họ xem đây là điệu bộ thiếu đứng đắn, không lịch sự và có hàm ý khêu gợi tình dục.
Nhướn lông mày
Nhướn lông mày là điệu bộ xác nhận sự hiện diện của người khác một cách vô thức. Nó có thể liên quan tới phản ứng sợ hãi do bị kinh ngạc, hoặc từ chỗ muốn nói: “Tôi rất ngạc nhiên và sợ anh” thành ra “Tôi nhận ra anh và không hề đe dọa anh”. Chúng ta không sử dụng điệu bộ này với những người lạ mặt trên đường hoặc những người mà chúng ta không thích. Những người không nhướn lông mày trong lần chào hỏi đầu tiên thường bị đánh giá là hung hăng. Bạn hãy thử làm một bài kiểm tra nhỏ: bạn ngồi ở tiền sảnh khách sạn và nhướn lông mày với bất kỳ ai đi ngang qua, bạn sẽ nhận thấy ngay tác dụng của nó. Những người nhận được dấu hiệu không những mỉm cười và đáp lại điệu bộ của bạn mà còn bước lên nói chuyện với bạn. Nguyên tắc vàng là hãy luôn nhướn lông mày với những người bạn thích hoặc muốn gây thiện cảm với họ.
Tròn xoe mắt
Hạ thấp lông mày là cách con người thể hiện sự thống trị hoặc khiêu khích người khác, trong khi đó, nâng lông mày lên lại biểu lộ thái độ phục tùng. Không những vậy, Keating & Keating đã phát hiện rằng không chỉ con người mà nhiều loài tinh tinh, khỉ dùng các điệu bộ này với cùng mục đích trên.
Lông mày nhướn cao tạo cho Marilyn Monroe vẻ bề ngoài phục tùng trong khi lông mày hạ thấp của James Cagney tạo cái nhìn gây hấn và lông mày châu vào nhau của JFK làm cho ông ta vừa có vẻ uy quyền vừa có vẻ lo âu.
Như chúng tôi đã phân tích trong cuốn Why Men lie & Women Cry (Nhà xuất bản Orion), phụ nữ tròn xoe mắt bằng cách nâng lông mày và lông mi lên nhằm tao “vẻ mặt ngây thơ” của một đứa trẻ. Điệu bộ này làm tiết ra hooc-mon kích thích bản năng che chở bảo vệ người phụ nữ của đàn ông. Không những vậy, phụ nữ còn nhổ và vẽ lông mày xếch lên trán để trông có vẻ yếu đuối hơn bởi ít nhất về mặt tiềm thức, họ biết điều đó lôi cuốn đàn ông. Ngược lại, đàn ông tỉa lông mày từ trên đầu lông mày xuống để làm cho mắt có vẻ hẹp và nam tính hơn.
John F Kennedy có hàng lông mày “thấp xuống ở chính giữa”, khiến cho gương mặt của ông trông lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu và điều này đã lôi cuốn cử tri. Nếu Kennedy có hàng lông mày to đậm như diễn viên James Cagney thì có lẽ ông đã không ảnh hưởng nhiều đến các cử tri như vậy.
Cụm điệu bộ “nhìn lên”
Hạ đầu xuống và nhìn lên là một điệu bộ phục tùng khác có thể làm mềm lòng đàn ông. Nó làm đôi mắt của phụ nữ trông to ra và người phụ nữ có vẻ ngây thơ hơn. Trẻ em cũng thường ngước lên như vậy vì chúng nhỏ hơn người lớn. Động tác này tạo cảm giác muốn che chở, bao bọc ở cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Công nương Diana lúc 8 tuổi – giống như hầu hết bé gái, bà ngầm hiểu tác dụng của điệu bộ cúi đầu xuống và nhìn lên.
Công nương Diana đã tạo được dấu ấn riêng với điệu bộ hạ cằm thấp xuống trong khi ngước nhìn lên để lộ phần cổ dễ bị tổn thương. Cụm điệu bộ như trẻ con này khiến cho hàng triệu người muốn che chở bà, đặc biệt vào thời điểm bà dường như bị Hoàng gia Anh công kích. Những người dùng cụm điệu bộ phục tùng thường không cố ý tập luyện nhưng họ có ý thức được hiệu quả của chúng khi đang sử dụng.
Công nương Diana dùng cụm điệu bộ “nhìn lên” để gợi sự đồng cảm của thế giới trong thời gian bà gặp vấn đề hôn nhân.
Cách thắp sáng ngọn lửa trong lòng người đàn ông
Hạ thấp mí mắt, đồng thời nâng lông mày, mắt ngước lên và môi hơi hé là cụm điệu bộ được phụ nữ sử dụng từ nhiều thế kỷ để biểu thị sự phục tùng về tình dục. Đây là một trong những điệu bộ đặc trưng của những người phụ nữ giàu sức quyến rũ như Marilyn Monroe, Deborah Harry hay Sharon Stone.
Marilyn Monroe là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ cơ thể và những biểu hiện tiền cực khóai (pre-orgasmic) của người phụ nữ. Ít ra về mặt tiềm thức, cô hiểu nó có thể khiến cho hầu hết đàn ông phải quỳ gối.
Điệu bộ này làm tăng tối đa khoảng cách giữa mí mắt với lông mày vừa tạo ra cái nhìn bí ẩn, kín đáo. Các nghiên cứu gần đây cho thấy đây cũng là biểu hiện trên khuôn mặt của nhiều phụ nữ ngay trước lúc họ đạt đến trạng thái cực khoái trong chăn gối.
Cách nhìn đăm đăm – Bạn nhìn đi đâu?
Chỉ khi bạn và người khác cùng “nhìn vào mắt nhau” thì nền tảng giao tiếp thật sự mới có thể được thiết lập. Trong lúc một số người làm chúng ta cảm thấy thoải mái khi nói chuyện thì một số khác lại gây cho chúng ta cảm giác bối rối và vài người thậm chí còn có vẻ không đáng tin. Điều này phụ thuộc trước tiên vào khoảng thời gian họ chăm chú nhìn chúng ta khi lắng nghe hay họ giữ ánh nhìn của chúng ta.
Michael Argyle, nhà nghiên cứu tiên phong về tâm lý xã hội học và các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ ở Anh, đã phát hiện khi người phương Tây hay người châu Âu nói chuyện, thời gian trung bình họ nhìn chăm chú vào người khác là 61%, bao gồm 41% thời gian khi đang nói, 75% thời gian nhìn khi đang nghe và 31% thời gian cùng nhìn nhau. Argyle ghi nhận khoảng thời gian trung bình một người nhìn người đối diện chăm chú là 2,95 giây và cùng nhìn nhau chăm chú là 1,18 giây. Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng thời gian tiếp xúc bằng mắt trong một cuộc trò chuyện điển hình dao động từ 25 đến 100%, tùy thuộc vào việc ai là người đang nói và nguồn gốc văn hóa của họ. Thông thường, chúng ta duy trì 40 đến 60% thời gian tiếp xúc bằng mắt khi nói và 80% khi nghe; chỉ có ngoại lệ tại Nhật Bản, một số nền văn hóa châu Á và Nam Mỹ. Nơi đây, người ta xem sự tiếp xúc lâu bằng mắt biểu lộ thái độ hung hăng hoặc không tôn trọng người khác. Người Nhật có khuynh hướng quay mặt đi hay nhìn vào cổ họng người đối diện. Hành động này có thể gây bối rối cho những người phương Tây và châu Âu vốn chưa hiểu biết về khác biệt văn hóa.
Ngoài ra, Argyle còn phát hiện rằng khi A thích B, anh ta sẽ nhìn thường xuyên hơn. Điều này làm cho B nghĩ A thích mình và để đáp lại, B sẽ thích A. Nói cách khác, trong hầu hết các nền văn hóa, để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác, bạn phải nhìn đáp lại khoảng 60 đến 70% thời gian họ nhìn bạn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta khó mà tin tưởng một người luôn tỏ vẻ lo lắng, nhút nhát, chỉ nhìn đáp lại chưa tới 1/3 thời gian chúng ta nhìn họ. Đây cũng là lý do tại sao trong các cuộc đàm phán, bạn nên tránh đeo kính sậm màu phòng trường hợp người khác cảm tưởng rằng bạn đang nhìn chằm chằm vào họ hoặc cố tránh né họ.
Ông cưới bà vì cái nhìn của bà nhưng không phải là cách bà nhìn ông trong thời gian gần đây.
Cũng như hầu hết các điệu bộ và ngôn ngữ cơ thể, khoảng thời gian người này nhìn người kia có thể khác nhau theo từng nền văn hóa. Hãy luôn chắc chắn rằng bạn đã xét tới yếu tố văn hóa trước khi đưa ra kết luận. Nguyên tắc an toàn nhất khi đến những nước như Nhật Bản là nhìn đáp lại chủ nhà bằng thời gian gia chủ nhìn bạn.
Khi hai người gặp nhau và tiếp xúc bằng mắt trong lần đầu tiên, thường thì cấp dưới quay mặt đi trước. Điều đó có nghĩa là hành động không quay mặt đi trở thành dấu hiệu ngầm biểu lộ sự thách thức hay bất đồng ý kiến đối với đối phương. Tuy nhiên, nếu người kia có địa vị cao hơn, chẳng hạn họ là sếp, thì bạn có thể thẳng thắn nêu lên quan điểm đối lập bằng cách nhìn chăm chú vào họ lâu hơn vài giây so với bình thường. Nhưng đây không phải là cách hay để bạn biểu lộ thường xuyên trước mặt sếp nếu bạn không muốn mất việc!
Cách duy trì việc tiếp xúc bằng mắt trong khu dành riêng cho những người theo chủ nghĩa khỏa thân
Chúng tôi gửi một nhóm người không theo chủ nghĩa khỏa thân đến khu của những người theo chủ nghĩa khỏa thân và quay phim để xem họ nhìn đi đâu khi được giới thiệu với những người mới. Tất cả những người đàn ông không theo chủ nghĩa khỏa thân cho biết, họ khó lòng cưỡng lại sự thôi thúc phải nhìn xuống và khi chúng tôi xem lại băng hình thì quả thực đúng như vậy! Trong khi đó, những người phụ nữ không hề gặp vấn đề này và đoạn phim cho thấy, hiếm có người phụ nữ nào chủ đích nhìn chăm chăm về cõi hạ giới. Điều này là vì đàn ông có góc nhìn hẹp nên họ nhìn thẳng phía trước tốt hơn phụ nữ cũng như nhìn xa hơn khi nhận diện mục tiêu. Tuy nhiên, hầu hết đàn ông nhìn ở khoảng cách gần kém hơn nhiều so với phụ nữ. Do đó, họ khó khăn trong việc nhìn ra đồ đạc trong tủ lạnh, tủ đựng ly hay ngăn kéo. Ngược lại, góc nhìn của phụ nữ mở rộng ít nhất là 45 độ về mỗi bên, trên và dưới, nghĩa là họ có thể làm ra vẻ đang nhìn vào mặt ai đó trong khi thực sự lại đang dò xét các “mặt hàng” của đối phương.
Phụ nữ có góc nhìn rộng hơn nam giới cho phép họ có vẻ như đang nhìn về một hướng trong khi thật ra họ đang nhìn một hướng khác.
Cách thu hút sự chú ý của nam giới
Khi một người phụ nữ muốn gây chú ý với người đàn ông đi ngang mình, cô ấy sẽ đáp lại cái nhìn đăm đăm của người đàn ông đó trong hai ba giây, sau đó ngoảnh mặt đi và nhìn xuống. Cái nhìn này đủ để cô gái gửi thông điệp quan tâm và phục tùng đến người đó. Tuy nhiên, một cuộc thử nghiệm của tiến sĩ Monika Moore thuộc trường Đại học Websters cho thấy, hầu hết đàn ông không giỏi đọc tín hiệu trong cái nhìn đầu tiên của phụ nữ. Vì vậy, thông thường phụ nữ cần phải lặp lại điệu bộ đó 3 lần với người đàn ông bình thường, 4 lần với người đàn ông chậm hiểu và 5 lần hoặc hơn đối với người đàn ông hơi tối dạ. Cuối cùng, khi người phụ nữ có được sự chú ý từ người đàn ông, cô ấy thường dùng phiên bản rút gọn của kiểu nhướn lông mày, tức là điệu bộ thoáng tròn xoe mắt kín đáo, báo cho người đàn ông biết tín hiệu này là nhằm vào anh ta.
Đôi khi, kiểu tiếp cận đơn giản bằng câu nói: “Này, tôi thích anh!” trong cuộc gặp mặt trực diện lại hiệu quả hơn đối với những người đàn ông chậm hiểu.
Hầu hết những người nói dối đều nhìn vào mắt bạn
Như chúng tôi đã nói ở phần trước, nhiều người gán việc nói dối với hành động quay mặt đi. Chúng tôi đã thí nghiệm bằng cách yêu cầu những người tham gia đưa ra hàng loạt lời nói dối với những người khác trong các buổi phỏng vấn có ghi hình lại. Sau đó, chúng tôi sử dụng các băng ghi hình này trong các cuộc hội thảo về giao tiếp và yêu cầu người xem nhận xét ai nói dối và ai trung thực. Hóa ra, những điều mà chúng tôi phát hiện trái ngược với những gì mọi người thường hay nghĩ về những người nói dối. Khoảng 30% những người nói dối liên tục quay mặt đi khi phát ngôn và xác suất mà người xem nhận ra các lời nói dối này là khoảng 80%, trong đó phụ nữ “bắt” được chúng tốt hơn đàn ông. 70% những người nói dối còn lại duy trì việc tiếp xúc bằng mắt với người đối diện vì nghĩ rằng họ ít có nguy cơ bị phát hiện nếu họ làm điều ngược lại với những gì người ta suy đoán. Họ đã đúng! Tỷ lệ nhận biết được các lời nói dối giảm xuống 25%, trong đó đàn ông có tỷ lệ thành công khá kém cỏi là 15% và phụ nữ đạt 35%. Bộ não của phụ nữ vốn nhạy bén hơn đàn ông trong việc nhận ra những thay đổi của giọng nói, sự giãn nở con ngươi và các manh mối khác làm lộ tẩy kẻ nói dối. Điều này cho thấy chỉ cái nhìn đăm đăm của đối phương thôi thì chưa đủ để phát hiện lời nói dối mà bạn phải quan sát các điệu bộ khác nữa.
Khi ai đó đáp lại ánh nhìn của bạn trong hơn 2/3 thời gian bạn nhìn họ thì dấu hiệu đó có thể mang 2 ý nghĩa sau. Thứ nhất, người đó thấy bạn thú vị hoặc lôi cuốn; trong trường hợp này, đồng tử của anh ta sẽ giãn ra. Thứ hai, anh ta không thích bạn hoặc sắp đưa ra lời thách thức, lúc này con ngươi của anh ta sẽ thu lại. Như đã nói ở trên, phụ nữ giỏi nhận biết phản ứng của con ngươi cũng như phân biệt được đâu là sự quan tâm và đâu là thái độ gây hấn, còn đa số đàn ông không giỏi đoán các dấu hiệu này. Đây là lý do tại sao người đàn ông không biết được người phụ nữ nào đó định hôn anh ta hay sắp tát vào mặt anh ta!
Cách tránh tấn công hay lợi dụng
Hầu hết các động vật linh trưởng đều tránh cái nhìn đăm đăm của đối phương nhằm biểu lộ thái độ phục tùng. Nếu một con tinh tinh muốn tỏ ra hung hăng hoặc định tấn công thì nó sẽ dán mắt vào con mồi. Để tránh bị tấn công, nạn nhân này sẽ quay mặt đi và cố làm cho mình có vẻ nhỏ bé. Khoa học đã chứng minh phục tùng là bản năng sinh tồn của động vật linh trưởng. Khi bị tấn công, chúng ta làm cho bản thân trông có vẻ nhỏ bé bằng cách thu vai, ép cánh tay sát cơ thể, khép đầu gối vào, đặt phần mắt cá chân dưới ghế, hạ cằm xuống tới ngực để bảo vệ cổ họng và tránh cái nhìn đăm đăm bằng cách quay mặt đi. Những điệu bộ này kích hoạt “nút tắt” trong bộ não kẻ gây hấn và giúp nó tránh bị tấn công.
Việc làm cho chúng ta trông có vẻ nhỏ bé hơn dập tắt ý định gây hấn của kẻ tấn công.
Đây là một tư thế lý tưởng để thực hiện trong trường hợp bạn đang bị cấp trên khiển trách khi bạn thật sự có lỗi, nhưng sẽ rất tai hại nếu bạn áp dụng nó khi gặp một vụ ẩu đả ngẫu nhiên trên đường phố, tư thế này báo hiệu sự sợ hãi và có thể góp phần kích động đám côn đồ. Ngược lại, nếu bạn đi thẳng người, sải những bước dài, đung đưa chân tay và để lộ thân trước, tư thế này sẽ tạo ấn tượng là bạn sẵn sàng tự vệ nếu cần. Điều này giúp bạn ít có khả năng bị tấn công hơn.
Nhìn ngang
Điệu bộ nhìn ngang được dùng để chuyển tải sự quan tâm, thái độ hồ nghi hoặc thù ngịch. Khi được kết hợp với điệu bộ hơi nhướn lông mày hoặc mỉm cười thì kiểu nhìn này trở thành dấu hiệu ve vãn của phụ nữ. Ngược lại, nếu điệu bộ này nằm trong cụm điệu bộ hạ thấp lông mày, nhăn trán hay kéo xệch khóe miệng thì nó thể hiện thái độ nghi ngờ, gây hấn hoặc chỉ trích.
Chớp mắt liên tục
Tốc độ chớp mắt bình thường, thoải mái của con người là từ 6 đến 8 lần/1 phút và mắt chỉ khép lại trong khoảng 1/10 giây. Những người chịu áp lực căng thẳng, chẳng hạn khi đang nói dối, có thể tăng tốc độ chớp mắt lên đáng kể. Chớp mắt liên tục là một nỗ lực vô thức của não người nhằm ngăn họ khỏi phải nhìn thấy bạn vì họ đã chán, mất hứng thú hay cảm thấy là họ hơn bạn. Hiện tượng này như thể là đầu óc của họ không còn chịu đựng nổi bạn nữa; vì vậy, mắt của họ khép hờ trong hai ba giây hoặc lâu hơn để xua đi hình ảnh bạn và tiếp tục khép lại khi họ tạm thời muốn loại bạn ra khỏi tâm trí.
Ngăn khỏi nhìn thấy bạn.
Típ người cấp trên có thể ngả đầu vào thành ghế và trao cho bạn “cái nhìn chăm chú” theo kiểu “đang nhìn bằng nửa con mắt”. Những người cảm thấy tầm quan trọng của họ chưa được chú ý đúng mức cũng làm điệu bộ này. Kiểu nhìn này chủ yếu theo văn hóa phương Tây và là đặc điểm nổi bật của những người Anh tự cho mình thuộc giới thượng lưu. Nếu điệu bộ này xuất hiện trong cuộc trò chuyện thì đó là dấu hiệu cho biết bạn đang giao tiếp không khéo và cần thay đổi lối nói chuyện. Nếu bạn nghĩ người đó chỉ đơn giản là đang ngạo mạn thì xin hãy thử cách này: lúc họ khép mắt đến lần thứ 3 hoặc thứ 4, bạn hãy bước nhanh sang bên trái hoặc bên phải. Khi họ mở mắt ra, việc này sẽ tạo cho họ ảo giác rằng bạn đã biến mất và xuất hiện ở một nơi khác, điều đó sẽ khiến họ giật mình. Còn nếu người đó bắt đầu ngáy thì bạn có thể chắc chắn rằng buổi nói chuyện đã hoàn toàn thất bại!
Đảo mắt liên tục
Khi đôi mắt của một người nào đó đảo từ bên này sang bên kia, có vẻ như họ đang quan sát các hoạt động diễn ra trong phòng, nhưng thực tế thì não bộ của người đó đang tìm lối thoát (hành động này cũng xảy ra ở loài khỉ và tinh tinh). Điệu bộ này bộc lộ cảm giác bất an của họ đối với những gì đang diễn ra.
Khi bạn nói chuyện với một người cực kỳ tẻ nhạt, tự nhiên bạn sẽ quay mặt đi để tìm lối thoát. Nhưng vì đa số chúng ta đều biết rằng, việc quay mặt đi thể hiện sự thiếu quan tâm và bộc lộ thái độ lẩn tránh của chúng ta, bởi vậy chúng ta nhìn người tẻ nhạt nhiều hơn và cười mím chặt môi để làm bộ quan tâm. Hành vi này tương tự như hành vi người nói dối tăng cường tiếp xúc bằng mắt để trông có vẻ đáng tin.
Vùng mặt được nhìn vào
Vùng mặt và vùng cơ thể của một người mà bạn nhìn có thể tác động mạnh mẽ tới kết quả của cuộc gặp mặt trực diện.
Sau khi đọc xong phần này, hãy thử áp dụng ngay các phương pháp mà chúng tôi bàn đến. Đừng báo trước với ai cả, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả của chúng. Mất khoảng 1 tuần tập luyện các kỹ thuật bằng mắt này để chúng trở thành kỹ năng giao tiếp thường trực của bạn.
Có 3 kiểu nhìn cơ bản: kiểu nhìn xã giao, kiểu nhìn thân mật, và kiểu nhìn quyền uy.
1. Kiểu nhìn xã giao
Các cuộc thí nghiệm cho thấy khi gặp gỡ xã giao, mắt của người thuộc kiểu nhìn này sẽ nhìn vào khu vực chữ T trên gương mặt người đối diện (giữa hai mắt và miệng) trong khoảng 90% thời gian tiếp xúc bằng mắt.
Đây là vùng mặt mà chúng ta nhìn vào khi không có ý đe dọa gây hấn người đối điện và họ cũng sẽ cảm nhận tương tự.
2. Kiểu nhìn thân mật
Khi người ta tiến lại gần nhau từ xa, trước tiên họ nhìn nhanh vào gương mặt và phần dưới cơ thể để xác định giới tình của người đối diện và nhìn lần thứ hai để thể hiện sự quan tâm của họ. Cái nhìn này có phạm vi từ giữa hai mắt, quét tới cằm rồi xuống phần dưới cơ thể người đối diện. Trong các cuộc gặp mặt có khoảng cách gần, vùng nhìn là tam giác giữa hai mắt và ngực, còn khi nhìn ở khoảng cách xa thì vùng nhìn mở rộng từ hai mắt đến bụng hoặc thấp hơn.
Người ta hay sử dụng kiểu nhìn này để biểu lộ hoặc đáp lại sự quan tâm của người kia. Chúng ta thường nhìn lướt qua người khác hai lần, sau đó mới nhìn vào mặt họ. Đây là điều mà mọi người đều kịch liệt phủ nhận nhưng đã được các cuộc nghiên cứu tiến hành bí mật chứng minh, ngay cả các nữ tu cũng nhìn như vậy!
Tuy nhiên, như chúng ta đã nói trước đó, góc nhìn rộng hơn của phụ nữ cho phép họ kiểm tra cơ thể người đàn ông từ đầu đến chân mà không bị phát hiện. Trong khi đó, góc nhìn hẹp của đàn ông là nguyên nhân khiến họ dễ bị nhận thấy khi nhìn lên nhìn xuống cơ thể người phụ nữ. Đây cũng là lý do tại sao đàn ông liên tục bị buộc tội là nhìn chòng chọc vào cơ thể phụ nữ khi ở khoảng cách gần, còn phụ nữ hiếm khi bị buộc tội như thế, dù các cuộc nghiên cứu cho thấy phụ nữ nhìn kiểu này còn nhiều hơn đàn ông! Thực ra không phải đàn ông hay dòm ngó phụ nữ hơn mà chính góc nhìn hẹp khiến cho họ dễ bị phát hiện.
Góc nhìn của phụ nữ rộng hơn nên họ không bao giờ bị phát hiện. Góc nhìn hẹp của đàn ông khiến họ dễ bị phát hiện.
Đối với mỗi giới, việc nhìn xuống đất trong lúc trò chuyện nhằm vào những mục đích khác nhau. Với đàn ông, hành động này cho phép họ quan sát nhanh người phụ nữ. Về phía người phụ nữ, nó hướng đến hai mục đích là cho phép họ quan sát người đàn ông, đồng thời gửi đi dấu hiệu phục tùng qua việc quay mặt đi và nhìn xuống.
Tại sao đàn ông gặp khó khăn trong việc tiếp xúc bằng mắt?
Bởi vì ngực (phụ nữ) không có mắt.
3. Kiểu nhìn quyền uy
Tưởng tượng người đối diện có con mắt thứ ba chính giữa trán, hãy nhìn vào khu vực tam giác giữa “ba” con mắt của người đó. Có thử thì mới biết được tác động của kiểu nhìn này đối với người khác.
Cái nhìn này không những làm bầu không khí trở nên nghiêm túc mà còn có thể chặn ngang một người tẻ nhạt. Duy trì cách nhìn này, bạn có thể gây sức ép mạnh đến họ.
Nếu bạn không nhìn xuống bên dưới tầm mắt của họ thì áp lực này vẫn đè nặng lên họ. Đừng bao giờ nhìn kiểu này trong các cuộc gặp mặt thân mật hoặc lãng mạn. Nhưng đây là cách đối xử thích hợp đối với người mà bạn muốn đe dọa hoặc một người mồm miệng không ngớt huyên thuyên.
Cái nhìn chằm chằm đầy quyền uy
Nếu bạn có đôi mắt dịu dàng, yếu ớt hoặc nhút nhát, hãy tập nhìn chằm chằm để tăng thêm quyền uy. Khi bị tấn công, hãy cố tiếp xúc bằng mắt với người đó mà không chớp mắt, thu hẹp mí mắt và tập trung nhìn kỹ kẻ tấn công. Đây là cách các động vật săn mồi thường làm ngay trước lúc chúng tấn công nạn nhân. Khi bạn đảo mắt từ người này sang người kia mà không hề chớp mắt, điều đó sẽ khiến họ mất hết nhuệ khí.
Đừng đùa với Kẻ hủy diệt
Để thực hiện điệu bộ này, trước hết hãy di chuyển nhãn cầu, sau đó là đầu nhưng vai vẫn giữ nguyên. Cái nhìn chằm chằm này từng được Arnold Schwarzenegger sử dụng trong phim “Kẻ hủy diệt” và có thể khiến những kẻ sắp hăm dọa bạn khiếp sợ. Tuy nhiên, tốt hơn là chỉ nên giao thiệp với những người ôn hòa để bạn không bao giờ phải dùng đến cái nhìn này.
Câu chuyện của chính trị gia
Khi một ai đó nhìn quanh bên này bên kia mà không nhìn thẳng vào mắt chúng ta lúc đang nói chuyện thì sự tin tưởng của chúng ta đối với họ giảm đi đáng kể, cho dù họ làm như thế chỉ vì mắc cỡ. Chúng tôi có một khách hàng là một chính trị gia mới nhậm chức. Khi được phỏng vấn trên truyền hình, người này không ngừng đảo mắt giữa các phóng viên và máy quay. Điều này khiến đôi mắt của ông ta trông có vẻ gian giảo và mỗi lần ông ta xuất hiện trên truyền hình, sự mến mộ của mọi người dành cho ông ta bị giảm sút. Chỉ bằng cách tập cho ông ta nhìn người phóng viên và đừng để ý tới máy quay phim, sự tín nhiệm của người dân đối với ông ta đã được cải thiện đáng kể. Chúng tôi cũng huấn luyện một chính trị gia khác hướng vào ống kính máy quay khi đối thoại trong một cuộc tranh luận chính trị được truyền hình trực tiếp. Mặc dù điều này làm cho 150 khách mời tại phòng quay trở nên thờ ơ nhưng nó lại gây ấn tượng tới hàng triệu khán giả truyền hình. Họ cảm thấy như thể chính trị gia đó đang nói chuyện trực tiếp với mình.
Em yêu, hãy nhìn sâu vào mắt anh
Trong một chương trình truyền hình, chúng tôi đã tiến hành một cuộc thử nghiệm có sử dụng dịch vụ hẹn hò. Đầu tiên, chúng tôi bảo với người đàn ông được chọn rằng người hẹn gặp sắp tới của họ rất hợp với họ và họ có quyền mong đợi một cuộc gặp gỡ thú vị. Chúng tôi giải thích với mỗi người, đối tượng của họ bị tổn thương một mắt lúc còn nhỏ và cô ấy rất mặc cảm về con mắt không nhìn đúng hướng ấy. Chúng tôi cũng thêm vào rằng chúng tôi không chắc đó là con mắt nào, nhưng nếu nhìn kỹ, anh ta có thể nhận ra. Mỗi người phụ nữ tham gia cuộc thử nghiệm cũng được chúng tôi kể tương tự. Thế là trong các cuộc hẹn, những cặp nam nữ đó dành cả buổi tối nhìn nhau để tìm kiếm “con mắt có vấn đề ấy” một cách vô ích. Kết quả, mỗi cặp nam nữ cho biết mức độ thân mật và lãng mạn trong các cuộc hẹn của họ tăng cao và khả năng dẫn đến cuộc hẹn lần hai của các cặp nam nữ đạt hơn 200% so với tỷ lệ trung bình của dịch vụ.
Nhìn lâu hơn có thể tạo cảm giác thân mật.
Ngược lại, bạn có thể chia rẽ các cặp nam nữ bằng cách nói với họ rằng người hẹn gặp của họ có vấn đề về thính giác và họ cần nói lớn hơn khoảng 10% so với người kia thì người đó mới nghe được. Điều này dẫn đến kết quả là các cặp nam nữ nói chuyện mỗi lúc một to hơn đến mức họ gần như quát vào mặt nhau!
20 giây đầu tiên của một cuộc phỏng vấn
Nhiều người được chỉ dẫn rằng trong các cuộc phỏng vấn xin việc hay bán hàng, họ nên duy trì việc tiếp xúc bằng mắt thật lâu, tốt nhất là cho đến khi được mời ngồi. Thực ra, điều này gây khó khăn cho cả người phỏng vấn lẫn người được phỏng vấn bởi khi mới gặp ai đó, chúng ta thường mong đợi điều ngược lại. Người đàn ông thường muốn quan sát kiểu đầu, đôi chân, thân hình và tổng thể người phụ nữ. Việc người phụ nữ duy trì tiếp xúc bằng mắt sẽ cản trở quá trình này, do vậy người đàn ông sẽ cố nhìn lén người phụ nữ trong suốt cuộc phỏng vấn là vì thế, anh ta khó mà tập trung vào việc phỏng vấn trước mắt. Một số phụ nữ cảm thấy thất vọng vì hóa ra giới doanh nhân vẫn làm như thế trong một công việc vốn vẫn được cho là bình đẳng. Tuy nhiên, các máy quay được bổ trí bí mất đã cho thấy đây là một thực tế, cho dù chúng ta có thích điều đó hay không.
Dù thích hay không thích, mọi người đều lên nhìn phần sau người phụ nữ khi cô ta rời khỏi phòng, ngay cả khi họ không thích nhìn phần trước của cô ta.
Máy quay còn cho thấy rằng người phụ nữ phỏng vấn cũng trải qua quá trình nhìn ngắm tương tự để đánh giá người được phỏng vấn nhưng nhờ góc nhìn rộng nên phụ nữ hiếm khi bị phát hiện. Người nữ phỏng vấn cũng khắt khe hơn so với các đồng nghiệp nam khi thấy các ứng viên nữ ăn mặc không được tươm tất. Họ quan sát độ dài của tóc, cách ăn mặc và sự phối hợp trang phục, các nếp li quần tây và độ bóng ở giày của ứng viên nam. Hầu hết đàn ông hoàn toàn không biết rằng phụ nữ còn nhìn tình trạng phía sau của đôi giày khi anh ta bước ra ngoài.
Giải pháp
Khi bạn đến dự phỏng vấn, đầu tiên hãy bắt tay, sau đó dành một quãng từ 2 đến 3 giây để người phỏng vấn nhìn một lượt khắp người bạn. Lúc này, hãy nhìn xuống để mở cặp tay hay bìa kẹp hồ sơ, sắp xếp lại giấy tờ cần thiết, quay sang móc áo khoác lên, dời ghế của bạn lại gần hơn và ngẩng lên. Khi ghi hình các cuộc phỏng vấn bán hàng, chúng tôi phát hiện rằng những người phỏng vấn không chỉ thiện cảm hơn đối với người bán hàng nào sử dụng chiến thuật này mà nó còn giúp kết quả bán hàng tốt đẹp hơn.
Bạn thuộc kênh nào?
Cử động mắt của một người có thể tiết lộ tâm trí họ đang tập trung về điều gì, chẳng hạn, họ đang nhớ về thứ họ đã nhìn, nghe, ngửi, nếm hoặc sờ thấy. Phương pháp này do hai nhà tâm lý học người Mỹ là Grinder và Bandler phát triển, được gọi là Neurolinguistic Programming, hay NLP (Lập trình ngôn ngữ hệ thần kinh).
Nhớ lại một hình ảnh Nhớ lại một âm thanh
Nhớ lại một cảm giác Nói với chính mình
Cụ thể, nếu một người đang nhớ điều gì đó mà họ đã nhìn thấy thì mắt của họ sẽ cử động hướng lên. Nếu họ đang nhớ lại điều gì đó đã nghe thì họ nhìn sang một bên, nghiêng đầu như thể đang lắng nghe. Trong trường hợp họ đang nhớ lại một cảm giác hay cảm xúc, họ sẽ nhìn xuống và quay sang bên phải. Một người đang tự nhủ sẽ quay sang trái trong khi mắt vẫn nhìn xuống.
Vấn đề là những cử động mắt như thế chỉ xảy ra trong giây lát và xuất hiện trọng cụm điệu bộ khiến bạn khó nhận ra được “ngay”. Tuy nhiên, việc xem băng ghi hình sẽ giúp bạn nhìn thấy sự không nhất quán giữa những gì họ nói với những gì họ thật sự nghĩ trong đầu.
35% người thích kênh thông tin tác động tới thị giác hơn và thường dùng những cụm từ là: “I see what you mean.” (Tôi hiểu ý anh nói gì). “Can you look into that?” (Anh có thể xem xét điều đó không?), “That’s perfectly clear.” (Điều đó rất rõ ràng) hoặc “Can you show me that?” (Anh có thể chỉ cho tôi xem điều đó không?). Với những người này, bạn sẽ gây sự chú ý bằng cách cho họ xem ảnh, biểu đồ, đồ thị và hỏi họ có “get the picture” (Hiểu không?).
25% người thích kênh thông tin tác động đến thính giác hơn và hay nói: “That rings a bell” (nghe có vẻ quen quen), “I hear you” (Tôi nghe anh nói), “That doesn’t sound right” (Nghe không hợp lý) và họ muốn “in tune” (đồng điệu) với bạn. 40% người còn lại thích kênh thông tin tác động tới cảm quan hơn và sẽ nói: “Let’s kick that idea around” (Hãy thảo luận ý đó), “Our department needs a shot in the arm” (Phòng của chúng ta cần một luồng sinh khí mới), “I can’t quite grasp what you’re saying” (Tôi không bắt kịp những gì anh đang nói). Những người này rất thích lăn xả vào các cuộc thử nghiệm để “grasp the idea” (nắm bắt ý tưởng).
NLP là một phát hiện đáng chú ý và là công cụ giao tiếp hữu hiệu cần được nghiên cứu trong một chuyên đề riêng biệt. Để tìm hiểu thêm, bạn hãy đọc các tác phẩm của Grinder và Bandler được dẫn trong phần thư mục tham khảo ở phía sau cuốn sách này.
Cách duy trì việc tiếp xúc bằng mắt với thính giả
Là những diễn giả chuyên nghiệp, chúng tôi đã phát triển một kỹ thuật nhằm thu hút sự chú ý của thính giả và giúp họ gắn bó hơn với buổi tọa đàm. Với những nhóm độ khoảng 50 người thì bạn có thể đáp lại cái nhìn của từng người. Nhưng trong những nhóm lớn hơn, bạn thường phải đứng lùi ra xa hơn, vì vậy bạn có cách tiếp cận khác. Bằng cách nhìn vào một điểm hoặc một người cụ thể (có thật hoặc do bạn tưởng tượng ra) ở mỗi nhóm và một điểm trung tâm thính phòng, khi bạn đứng cách dãy trước mặt một khoảng 10m, khoảng 20 người trong nhóm có 50 người sẽ cảm thấy bạn đang nhìn từng người trong số họ khi bạn diễn thuyết. Từ đó, bạn có thể tạo ra mối thân tình với hầu hết thính giả.
Phương pháp trình bày thông tin trực quan
Khi bạn sử dụng sách, biểu đồ, đồ thị hoặc máy tính xách tay để trình bày thông tin trực quan, điều quan trọng là bạn phải biết cách kiểm soát phạm vi cử tọa đang nhìn. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, đối với phần trình bày trực quan, có đến 83% thông tin được truyền đến não qua thị giác, 11% qua thính giác và 6% qua các giác quan khác.
Tác dụng của thông tin lên não thông qua các giác quan trong quá trình trình bày bằng phương tiện trực quan.
Cuộc nghiên cứu Wharton ở Mỹ phát hiện rằng tỷ lệ lưu giữ thông tin qua việc lắng nghe chỉ chiếm 10%. Điều này có nghĩa là phải thường xuyên lặp lại những điểm then chốt thì việc trình bày bằng lời nói mới có hiệu quả. Trong khi đó, tỷ lệ lưu giữ thông tin qua cách trình bày kết hợp giữa lời nói và phương tiện trực quan đạt 50%. Điều này có nghĩa là hiệu quả sẽ tăng 400% khi bạn sử dụng các phương tiện trực quan để thuyết trình. Nhờ đó, thời gian trung bình họp bàn công việc cũng được rút ngắn từ 25,7 phút xuống còn 18,6 phút, tiết kiệm 28% thời gian.
Tạo sức nâng
Để kiểm soát được tình hình của cử tọa, hãy dùng một cây viết chỉ vào nội dung thuyết trình đồng thời giải thích những gì họ nhìn thấy. Kế đến, nâng cánh tay cầm viết lên rồi giữ cây viết ở giữa mắt của bạn và và mắt của người nghe. Hành động này tạo hiệu ứng như sức hút nam châm giúp nâng đầu khán giả lên để họ nhìn vào bạn cũng như nhìn thấy, nghe những gì bạn đang nói, tiếp thu tối đa thông điệp mà bạn truyền đạt. Ngoài ra, hãy mở lòng bàn tay còn lại trong lúc bạn thuyết trình.
Tạo sức nâng – dùng cây viết để kiểm soát nơi người nào đó nhìn trong khi trình bày.
Chúng tôi cũng phát hiện rằng trong các buổi thuyết trình thì phụ nữ tiếp xúc bằng mắt với khán giả nhiều hơn là đàn ông, đặc biệt trong lúc họ ngưng nói. Tuy nhiên, khi đang nói, họ thường tránh nhìn trực diện hơn so với người đàn ông.
Trong khi đó, đàn ông nhìn chăm chăm vào phụ nữ nhiều hơn phụ nữ nhìn đàn ông. Còn khi nghe thuyết trình, đàn ông tiếp xúc bằng mắt với diễn giả nữ nhiều hơn là với diễn giả nam.
Tóm tắt
Như đã nói, nơi bạn nhìn tác động mạnh mẽ tới kết qua cuộc gặp gỡ trực diện. Nếu bạn là người quản lý đang định khiển trách một nhân viên cấp dưới hoặc là một ông bố, bà mẹ đang mắng mỏ con thì bạn sẽ dùng kiểu nhìn nào? Nếu dùng kiểu nhìn xã giao thì lời nói của bạn sẽ không có tác dụng, cho dù bạn cố lớn tiếng hoặc đe dọa đến mức nào đi chăng nữa. Kiểu nhìn xã giao sẽ khiến lời nói của bạn yếu đi nhưng kiểu nhìn thân mật thì lại khiến người ta hoặc sợ hãi hoặc bối rối. Còn kiểu nhìn quyền uy lại có tác động mạnh đến người nhận và cho họ biết rằng bạn không đùa.
Dùng kiểu nhìn thích hợp mới tạo được hiệu quả mong muốn.
Cái nhìn mà nam giới mô tả là “mời mọc” chính là cách người phụ nữ liếc ngang, đồng tử mở ra và sử dụng kiểu nhìn thân mật. Còn nếu người phụ nữ muốn làm cao một chút thì cô ta nên tránh nhìn kiểu thân mật, thay vào đó là kiểu nhìn xã giao. Đáng tiếc là hầu hết đàn ông đều không thấy những điệu bộ này. Nếu áp dụng kiểu nhìn thân mật với đối tượng có khả năng trở thành bạn tình thì chuyện “lộ bài” là quá rõ ràng. Phụ nữ là bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng và đón nhận kiểu nhìn này, còn phần lớn đàn ông thì không được như thế! Phụ nữ nhìn thấu tim đen của người đàn ông khi họ sử dụng kiểu nhìn thân mật, còn đàn ông lại chẳng nhận biết điều này từ phụ nữ, điều đó khiến người phụ nữ thật nản lòng!