Đây là cử chỉ biểu thị ý “tốt” đối với người phương Tây. “số 1” đối với người Ý “số 5” đối với người Nhật và “đồ chó chết” với người Hy Lạp
Ai trong chúng ta cũng từng biết một người mà chỉ sau vài phút bước vào căn phòng chật ních, đã có thể nói đúng về quan hệ giữa những người trong phòng và cảm giác của họ lúc ấy. Khả năng đọc được thái độ và cảm giác của người nào đó là hệ thống giao tiếp đầu tiên mà con người sử dụng trước khi ngôn ngữ nói phát triển.
Trước khi radio được phát minh, hầu hết việc giao tiếp đều được thực hiện bằng chữ viết thông qua các phương tiện sách báo, thư từ. Chính vì vậy mà các chính trị gia có diện mạo xấu xí và ăn nói vụng về, như Abraham Lincoln, đều có thể thành công nếu đủ sức kiên trì viết ra được những bài viết thật hay. Kỷ nguyên radio mở ra cơ hội cho những người có khả năng ăn nói hay như Winston Churchill, một con người có tài diễn thuyết tuyệt vời, nhưng có lẽ họ sẽ phải vô cùng khó khăn chật vật mới đạt được thành công tương tự trong kỷ nguyên nghe nhìn ngày nay.
Ngày nay, các chính trị gia hiểu rằng chính trị là phải kèm với hình ảnh dáng vẻ bề ngoài. Hầu hết các chính trị gia được lòng dân đều có tư vấn riêng về ngôn ngữ cơ thể nhằm giúp họ tạo ấn tượng là người chân thành, chu đáo và trung thực, đặc biệt khi họ không phải là người như thế.
Thật khó tin là sau hơn hàng ngàn năm tiến hóa, ngôn ngữ cơ thể chỉ mới được nghiên cứu một cách tích cực, rộng rãi kể từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và đa số công chúng biết đến sự tồn tại của loại ngôn ngữ này chỉ mới năm 1978, thời điểm chúng tôi xuất bản cuốn sách Ngôn ngữ cơ thể. Phần lớn mọi người vẫn tin rằng ngôn từ là hình thức giao tiếp chủ yếu của chúng ta. Nói theo thuyết tiến hóa thì chỉ mới gần đây, lời nói mới trở thành một bộ phận trong kho công cụ giao tiếp của con người và chủ yếu được sử dụng để chuyển tảu các sự kiện và dữ liệu. Lời nói có lẽ bắt đầu được phát triển cách đây khoảng 500.000 đến 2 triệu năm, đây cũng là khoảng thời gian kích cỡ bộ não con người tăng gấp 3. Trước đó, ngôn ngữ cơ thể và những âm phát ra cổ họng là các phương tiện chủ yếu để chuyển tải cảm xúc, tình cảm, và điều đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay. Nhưng do quá tập trung vào nội dung được phát ngôn nên hầu hết chúng ta không để ý nhiều đến ngôn ngữ cơ thể, nói gì đến tầm quan trọng của nó trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ngôn ngữ nói của chúng ta biểu lộ tầm quan trọng của ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp. Dưới đây là các ví dụ tiêu biểu:
Get it off your chest. Keep a stiff upper lip.
Stay at arm’s length. Keep your chin up
Shoulder a burden. Face up to it.
Put your best foot forward. Kiss my butt.
Vài cụm từ trong số này rất khó “nuốt” (swallow), nhưng bạn phải cho một tràng pháo tay hoan nghênh chúng tôi (give us a big hand), bởi vì ở đây có một số điều thật bất ngờ (eyes-openers). Theo kinh nghiệm thực tế (a rule of thumb), chúng tôi sẽ giữ kín (keep them coming hand over fist) những bí mật này đến khi bạn bó tay (buckle at the knees) hoặc bạn bỏ qua (turn your back) chúng. Hy vọng là bấy nhiều cụm từ này đã đủ làm bạn quan tâm đến khái niệm ngôn ngữ cơ thể.
Lúc đầu…
Các diễn viên đóng phim câm như Charlie Chapin là những người tiên phong sử dụng ngôn ngữ cơ thể vì đây là phương tiện duy nhất có trên màn ảnh lúc bấy giờ. Khả năng diễn xuất của từng diễn viên được xếp loại tốt hay tồi dựa trên mức độ họ sử dụng điệu bộ và các dấu hiệu cơ thể để giao tiếp với khán giả. Khi phim tiếng trở nên phổ biến và các khía cạnh phi lời nói bị xem nhẹ thì nhiều diễn viên đóng phim câm trở thành kẻ thất thế. Chỉ những diễn viên được sử dụng trang bị kỹ năng sử dụng lời nói và cử chỉ tốt mới có thể tồn tại,
Liên quan tới công cuộc nghiên cứu mang tính học thuật về ngôn ngữ cơ thể, tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn tiền thế kỷ 20 có lẽ là cuốn The Expressiom of the Emotions in Man and Animals (Biểu lộ cảm xúc ở con người và động vật) (Charles Darwin, 1872), nhưng độc giả của cuốn sách này chủ yếu là giới hàn lâm. Tuy vậy, cuốn sách đã làm khởi phát những cuộc nghiên cứu hiện đại về nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Nhiều ý tưởng và phát hiện của Darwin từ đó đã được các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới chứng minh. Cho đến nay, họ đã quan sát và ghi lại gần một triệu ký hiệu và dấu hiệu không lời. Albert Mehrabian, một nhà nghiên cứu tiên phong về ngôn ngữ cơ thể vào thập niên 50 của thế kẻ kỷ 20, đã phát hiện rằng tổng tác dụng của một thông điệp thì lời nói (chỉ xét riêng từ ngữ) chiếm khoảng 7%, thanh âm (bao gồm giọng nói, ngữ điệu và các âm thanh khác) chiếm 38%, còn ngôn ngữ không lời chiếm đến 55%.
Dáng vẻ khi bạn nói chuyện quan trọng hơn điều bạn nói.
Nhà nhân chủng học Ray Birdwhistell tiên phong trong việc nghiên cứu giao tiếp không lời – cái được ông gọi là “kinesics”. Birdwhistell đã đưa ra một vài ước tính tương đương về số lượng giao tiếp không lời diễn ra giữa con người và phát hiện, một người trung bình nói tổng cộng khoảng 10, 11 phút một ngày và một câu nói trung bình mất khoảng 2,5 giây. Ông cũng ước tính chúng ta có thể thực hiện và nhận diện khoảng 250.000 nét mặt.
Cũng giống như Mehrabian, Birdwhistell đã phát hiện ra trong một cuộc trò chuyện trực diện thì yếu tố lời nói chiếm chưa đến 35%, còn trên 65% là giao tiếp không lời. Qua phân tích băng ghi âm từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn và các cuộc thương lượng bán hàng trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ 20, chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ cơ thể chiếm khoảng 60 đến 80% trong việc tạo ra ảnh hưởng bên bàn đàm phán. Tương tự, có 60% đến 80% nhận định ban đầu về một người mới gặp được hình thành chỉ trong vòng chưa đến 4 phút. Các cuộc nghiên cứu cho thấy khi thương lượng qua điện thoại, người có lý lẽ thuyết phục hơn người thắng thế. Nhưng điều này không đúng khi thương lượng trực diện, bởi vì nói chung chúng ta thường dựa vào những điều mắt thấy hơn là những điều tai nghe để đưa ra quyết định cuối cùng.
Tại sao điều bạn nói lại không quan trọng?
Mặc dù sách vở có thể nói khác đi, nhưng khi gặp ai đó lần đầu, chúng ta thường nhanh chóng xét đoán về sự thân thiện, sự nổi bật, và khả năng người đó trở thành bạn tình – tuy khi ấy đôi mắt của họ không phải là điểm nhìn đầu tiên của chúng ta.
Ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng lời nói chủ yếu được dùng để truyền tải thông tin, còn ngôn ngữ cơ thể được dùng để trao đổi thái độ giữa người với người và trong một số trường hợp, nó còn được dùng thay cho lời nói. Ví dụ, khi một phụ nữ trao cho người đàn ông “ánh mắt chết người” thì ở đây, thông điệp được chuyển đi rõ ràng đến độ không phải viện đến ngôn từ.
Bất kể trong nền văn háo nào thì lời nói cũng gắn bó chặt chẽ với động tác của người phát ngôn. Thậm chí, Birdwhistell còn cho rằng nếu được tập luyện đúng mức thì ta còn có thể hình dung một người đang thực hiện động thái gì đó thông qua giọng nói của họ hay nhận biết người ta nói ngôn ngữ nào chỉ bằng cách quan sát điệu bộ.
Nhiều người khó chấp nhận ý kiến cho rằng về mặt sinh học, con người vẫn là động vật. Chúng ta thuộc loài linh trưởng (Homo sapiens), một loại vượn không có lông, đi trên 2 chi và có bộ óc cấp cao. Nhưng giống như những loài khác, chúng ta vẫn bị các quy luật sinh học chi phối hành động, phản ứng, ngôn ngữ cơ thể và điệu bộ của bản thân. Điều thú vị là loài người hầu như không ý thức rằng dáng đi, động thái và điệu bộ của họ có thể biểu lộ một thông điệp hoàn toàn khác với những gì mà họ đang diễn đạt bằng lời.
Ngôn ngữ cơ thể tiết lộ cảm xúc và ý nghĩ như thế nào?
Ngôn ngữ cơ thể là sự phản ánh trạng thái cảm xúc của một người ra bên ngoài. Mỗi điệu bộ hoặc động thái đều có thể cho thấy cảm xúc của một người vào thời điểm đó. Ví dụ, một người đàn ông đang lo mình tăng cân có thể hay vuốt nếp gấp ở lớp da dưới cằm. Một phụ nữ biết mình bị tích mỡ ở đùi có thể thường xuyên vuốt áo đầm xuống. Người đang sợ hãi có thể khoanh tay hay bắt chéo chân hoặc làm cả 2 điệu bộ này; và một người đàn ông đang nói chuyện với người phụ nữ có bộ ngực lớn có thể cố tránh nhìn chằm chằm vào ngực của bả ấy trong khi tay ông ta lại phác thành các cử chỉ như chụp lấy một cách vô ý thức.
Thái tử Charles gặp một người bạn thân(*)
(*)Lưu ý cách chơi chữ: bosom friend hoặc bosom buddy là một người bạn thân, trong lúc bosom còn có nghĩa là bộ ngực. (Nguyên văn: Prince Charles finds a bosom buddy.)
Để đọc được ngôn ngữ của một người thì phải hiểu được trạng thái cảm xúc của người đó trong khi lắng nghe cũng như để ý đến hoàn cảnh phát ngôn. Cách này giúp bạn tách bạch sự thật với giả tưởng, thực tế với tưởng tượng. Thời gian gần đây, chúng ta bị ám ảnh với lời ăn tiếng nói và viễn cảnh trở thành người ăn nói giỏi giang. Thế nhưng, đa số mọi người lại không biết đến ngôn ngữ cơ thể và hiệu quả của chúng, mặc dù ngày nay phần lớn các thông điệp trong bất kỳ cuộc trò chuyện trực diện nào cũng đều được bộc lộ qua các dấu hiệu cơ thể. Ví dụ, Tổng thống Pháp Chirac, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Úc Bob Hawke đều dùng 2 bàn tay để diễn tả tính tầm cỡ của vấn đề mà họ đang nghĩ đến. Có lần, Thủ tướng Bob Hawke đã biện hộ về vấn đề lương tăng của các chính trị gia bằng cách so sánh tiền lương của họ với tiền lương của các nhà điều hành công ty. Ông cho rằng tiền lương của các nhà quản lý đã tăng rất nhiều, trong khi mức lương tăng được kiến nghị tăng cho các chính trị gia thì ít hơn. Tuy nhiên, mỗi lần đề cập đến thu nhập của các chính trị gia, ông đều dang bàn tay cách nhau 1m, còn khi đề cập đến tiền lương của các nhà điều hành, hai bàn tay ông chỉ cách nhau 30cm. Khoảng cách giữa hai bàn tay của ông đã tiết lộ rằng ông cảm thấy các chính trị gia đang được hưởng mức lương hậu hĩnh hơn rất nhiều so với điều ông thú nhận.
Tổng thống Pháp Jacques Chirac đang đo tầm cỡ của vấn đề
Tại sao nói phụ nữ mẫn cảm hơn?
Khi nói ai đó “mẫn cảm” hoặc “có trực giác”, vô tình chúng ra đang ám chỉ đến khả năng đọc được ngôn ngữ cơ thể của họ và so sánh những dấu hiệu này với lời nói. Nói cách khác, khi chúng ta nói chúng ta “linh cảm” một người nào đó đã nói dối, nghĩa là chúng ta có ý nói ngôn ngữ cơ thể và lời nói của họ không ăn khớp với nhau. Đây cũng chính là điều mà các diễn giả gọi là “sự nhận biết thái độ khán giả”, hoặc “sự quan hệ tới một tập thể”. Chẳng hạn, nếu toàn bộ khán giả ngồi ngả lưng vào ghế, cằm chúi xuống và khoanh tay trước ngực thì một diễn giả “mẫn cảm” sẽ linh cảm rằng bài phát biểu của mình không được hoan nghênh cũng như nhận thấy mình cần áp dụng một phương pháp khác để lôi kéo sự chú ý của mọi người . Còn một diễn giả không “mẫn cảm” sẽ tiếp tục huyên thuyên, bất chấp phản ứng của khán giả.
“Mẫn cảm” nghĩa là có khả năng nhận ra những mâu thuẫn giữa lời nói với cơ thể của người khác.
Nhìn chung, phụ nữ mẫn cảm hơn đàn ông rất nhiều. Điều này thường được gọi là “trực giác của phụ nữ”. Phụ nữ bẩm sinh đoán biết được các dấu hiệu không lời, cũng như có cặp mắt định vị chính xác đến từng chi tiết rất nhỏ. Đây là lý do tại sao gần như không có ông chồng nào nói dối được vợ và thoát tội, trong khi đó, hầu hết phụ nữ đều có thể qua mắt được chồng mà không bị phát hiện.
Một cuộc nghiên cứu do các nhà tâm lý học thuộc trường Đại học Harvard tiến hành cho thấy, phụ nữ nhạy bén với ngôn ngữ cơ thể hơn đàn ông rất nhiều. Họ chiếu
các đoạn phim ngắn được tắt âm về một cuộc trò chuyện giữa một người đàn ông và một phụ nữ, rồi yêu cầu những người tham gia giải mã những gì đang diễn ra bằng cách đọc nét mặt của 2 nhân vật. Kết quả cho thấy phụ nữ hiểu được tình huống chính xác đến 87% trong khi đàn ông chỉ trúng được 42%. Những người đàn ông là nghệ sỹ, diễn viên, y tá và những đồng tính nam cũng hiểu tốt các tình huống đó như phụ nữ.Trực giác của phụ nữ đặc biệt thể hiện rõ ở những người đã từng nuôi con. Trong vài năm đầu, người mẹ gần như chỉ dựa vào kênh giao tiếp không lời để chuyện trò với trẻ, do đó, người phụ nữ thường là người đàm phán mẫn cảm hơn nam giới bởi vì họ học tập đọc các dấu hiệu từ sớm.
Nội soi cắt lớp não cho thấy gì?
Tổ chức não bộ của đa số phụ nữ cho phép họ có khả năng giao tiếp vượt trội hơn bất kỳ người đàn ông nào trên hành tinh này. Nội soi cắt lớp não bằng phương pháp Cộng hưởng Từ cho thấy tại sao người phụ nữ lại có khả năng giao tiếp và đánh giá người khác tốt hơn nhiều so với nam giới. Não người phụ nữ có từ 14 đến 16 tiểu khu dùng để đánh giá hành vi của người khác trong khi đàn ông chỉ có 4 đến 6 tiểu khu. Điều này giải thích tại sao một người phụ nữ có thể nhanh chóng biết được mối quan hệ của các cặp vợ chồng khác trong một buổi tiệc – ai đã cãi nhau, ai thích ai… Đó cũng là lý do mà theo quan điểm của phụ nữ thì đàn ông dường như quá kiệm lời, còn theo nam giới thì phụ nữ dường như không bao giờ im miệng.
Như chúng tôi đã trình bày trong cuốn sách Why Men Don’t Listen & Women can’t Read Map (Tại sao đàn ông không lắng nghe và phụ nữ không thể đọc bản đồ) (Nhà xuất bản Orion), não của phụ nữ được tổ chức để đảm nhiệm đa tác vụ. Người phụ nữ bình thường cùng một lúc có thể xoay sở thực hiện từ 2 đến 4 vấn đề không liên quan gì nhau. Họ có thể xem tivi khi đang nói chuyện điện thoại, đồng thời lắng nghe cuộc trò chuyện từ đằng sau lưng trong lúc nhâm nhi một tách cà phê. Phụ nữ có thể nói nhiều về chủ đề khác nhau trong một cuộc trò chuyện và có khả năng sử dụng 5 thanh âm để có thể thay đổi đề tài hoặc ra ý nhấn mạnh. Tiếc thay, hầu hết đàn ông chỉ có thể nhận ra được 3 trong số 5 thanh âm này. Kết quả là đàn ông thường lạc mất mạch chuyện khi phụ nữ đang cố giao tiếp với họ.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy một người căn cứ trực tiếp và biểu hiện cư xử của người khác có nhiều khả năng nhận xét chính xác về người đó hơn là những người chỉ đánh giá bằng trực giác. Biểu hiện này nằm ở ngôn ngữ cơ thể của người đó. Và nếu phụ nữ đã nhận ra điều này một cách vô thức thì bất kỳ ai cũng có thể tự học một cách có ý thức để hiểu được các dấu hiệu. Đây là điều mà cuốn sách này muốn đề cập.
Làm thế nào thầy bói biết nhiều như thế?
Nếu các bạn từng đi xem bói, có lẽ khi ra về bạn hẳn rất kinh ngạc về những điều mà họ biết về bạn – những bí mật mà không ai có thể biết, đó phải chăng là khả năng ngoại cảm? Một cuộc nghiên cứu ngành bói toán cho thấy những “cô, cậu” này đã sử dụng thủ thuật “đoán mò” để dự đoán chính xác đến 80% về một người mà họ chưa bao giờ gặp. Điều này có vẻ hiếu kỳ đối với những người ngây thơ và cả tin nhưng thật ra, nó chỉ là quy trình kết hợp giữa việc quan sát kỹ các dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể cộng với sự hiểu biết bản chất của con người và kiến thức về xác suất thống kê. Tất cả làm nên thủ thuật cho những ông/bà đồng, thầy bói bài taro, nhà chiêm tinh và thầy xem chỉ tay giúp họ thu thập thông tin về “thân chủ”. Nhiều “thầy bói nói mò” cũng không biết mình có thể hiểu các dấu hiệu không lời nên họ tin rằng họ thật sự có khả năng ngoại cảm. Tất cả những việc này làm tăng thêm tính thuyết phục cho việc bói toán, cộng thêm thực tế là những người thường xuyên đi xem bói đều mang sẵn trong mình một niềm tin mù quáng. Kèm theo bộ bài taro còn có một hoặc 2 quả cầu pha lê, một không gian như kịch trường, và một sân khấu được bố trí hoàn hảo cho phần đọc ngôn ngữ cơ thể. Cảnh tượng này có thể khiến cho cả những ai đa nghi nhất cũng tin rằng các quyền lực siêu nhiên đang hiển hiện trước mắt họ. Tất cả các màn bói toán chung quy chỉ là khả năng giải mã các phản ứng của một người khi họ giãi bày câu chuyện cũng như thu thập thông tin từ việc quan sát dáng vẻ của họ. Hầu hết “các nhà ngoại cảm” đều là nữ vì như đã nói, phụ nữ có thêm mạng cấu trúc não cho phép họ đọc được các dấu hiệu của trẻ sơ sinh hay trạng thái cảm xúc của người khác.
Thầy bói nhìn chằm chằm vào quả cầu pha lê và rồi bắt đầu cười ngặt nghẽo. Vì thế, John đấm vào mũi bà ta. Đó là lần đầu tiên anh đánh một bà đồng đang phấn khích.
Minh chứng cho điều này, sau đây là một quẻ bói dành cho riêng bạn:
Hãy tưởng tượng bạn đến một căn phòng ngập khói, ánh sáng lờ mờ. Ở đó, có một bà đồng đeo đầy đồ trang sức, quấn khăn xếp đang ngồi cạnh cái bàn thấp hình mặt trăng và trên bàn có một quả cầu hình pha lê:
Vui mừng chào đón cô đến nơi này. Ta có thể thấy cô đang gặp rắc rối bởi vì ta nhận được những tín hiệu rất mạnh từ cô. Ta cảm thấy những điều cô thật sự mong muốn trong đời đôi khi không thực tế và cô thường tự hỏi, liệu mình có đạt được chúng hay không. Ta cũng cảm thấy đôi khi cô thân thiện, hòa đồng và cởi mở với mọi người, những cũng có lúc cô lãnh đạm, khép kín và thận trọng. Cô tự hào là một người suy nghĩ độc lập những cũng không chấp nhận những gì được nhìn thấy và nghe thấy từ người khác nếu không có chứng cứ. Cô thích sự thay đổi muôn màu, nhưng lại bồn chồn vì bị những hạn chế và lề thói ràng buộc. Cô muốn chia sẻ những cảm xúc thầm kín với người thân thiết nhất nhưng e ngại rằng quá cởi mở và lộ liễu là điều không lấy gì làm khôn ngoan. Hiện giờ một người đàn ông có tên bắt đầu bằng mẫu tự “S” đang gây ảnh hưởng mạnh đến cô. Một phụ nữ sinh vào tháng 11 sẽ liên lạc với cô trong tháng tới với một lời đề nghị hấp dẫn. Mặc dù vẻ ngoại cô trông có vẻ đầy nghị lực nhưng trong lòng lại luôn hoang mang. Đôi lúc cô phân vân không biết mình lựa chọn và quyết định đúng hay không.
Thế nào? Chúng tôi bói cho bạn có đúng không? Các cuộc nghiên cứu cho thấy thông tin trong “quẻ bói” này chính xác đến 80% cho bất kỳ ai đọc nó. Cùng với khả năng tuyệt vời đọc được ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và những động thái khác của một người, cộng với ánh sáng mờ ảo, âm thanh kỳ quái và một cây nhang, chúng tôi đảm bảo là bạn sẽ có thể làm bất cứ ai cũng phải tin sái cổ. Chúng tôi không khuyến khích bạn trở thành thầy bói, nhưng bạn sẽ nhanh chóng có khả năng đọc được người khác chính xác như thầy bói vậy.
Bẩm sinh, di truyền hay được tiếp thu?
Khi khoanh tay trước ngực thì bạn đặt cánh tay trái lên tay phải hay ngược lại? Hầu hết mọi người đều không thể chắc chắn rằng họ đã đặt tay theo cách nào cho đến khi làm thử. Ngay bây giờ, bạn hãy khoanh tay trước ngực rồi cố gắng nhanh chóng đảo ngược vị trí. Bạn sẽ cảm thấy có 1 cách là thoải mái và cách kia thật là ngược. Chứng cứ cho thấy đây có thể là một điệu bộ di truyền không thay đổi được.
Cứ 10 người thì có tới 7 người đặt cánh tay trái lên cánh tay phải khi khoanh tay trước ngực.
Nhiều cuộc hội thảo và nghiên cứu được thực hiện nhằm khám phá ra các dấu hiệu phi ngôn ngữ có được do bẩm sinh, học hỏi, di truyền, hay nói theo cách khác. Các nhà nghiên cứu đã thu thập chứng cứ từ việc quan sát những người mù (họ không thể học được các dấu hiệu không lời bằng thị giác) và các hành vi điệu bộ ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, họ cũng nghiên cứu hành vi của những động vật linh trưởng có quan hệ gần nhất với chúng ta về nhân chủng học là loài tinh tinh và loài khỉ.
Họ kết luận rằng mỗi lãnh vực nói trên (bẩm sinh, học hỏi, di truyền, v.v) đều có vai trò nhất định trong việc tạo nên ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ, hầu hết những động vật linh trưởng mới sinh đều có khả năng bú ngay, do đó điệu bộ này là bẩm sinh hoặc di truyền. Nhà khoa học người Đức, Eibl-Eibesfeldt phát hiện ra điệu bộ mỉm cười ở những đứa trẻ điếc và mù bẩm sinh xảy ra không phải do chúng tiếp thu hoặc bắt chước nên đây cũng là một điệu bộ bẩm sinh. Ekman, Friesen và Sorenson đã ủng hộ một số giả thiết ban đầu của Darwin về điệu bộ bẩm sinh trong khi nghiên cứu các nét mặt của những người thuộc 5 nền văn hóa khác nhau. Họ phát hiện ra rằng để bộc lộ cùng 1 cảm xúc, các nền văn hóa cùng sử dụng chung một điệu bộ cơ bản trên khuôn mặt, do vậy, những điệu bộ này là bẩm sinh.
Văn hóa thì rất khác nhau nhưng những dấu hiệu của ngôn ngữ cơ thể cơ bản ở mọi nơi đều giống nhau.
Bên cạnh đó, người ta vẫn còn tranh luận về nguồn gốc một số điệu bộ có được do di truyền hay được tiếp thu qua con đường giao lưu văn hóa và trở thành thói quen. Ví dụ, phần lớn đàn ông xỏ áo bên cánh tay phải trước, còn đa số phụ nữ lại xỏ áo bên cánh tay trái trước. Điều này chứng tỏ đàn ông sử dụng bán cầu não trái để thực hiện động tác này trong khi phụ nữ sử dụng bán cầu não phải. Khi đi ngang qua một phụ nữ trên đường phố đông đúc, đàn ông thường xoay người về phía phụ nữ đó. Theo bản năng, người phụ nữ xoay người né người đàn ông để bảo vệ bộ ngực của mình. Đây là phản ứng bẩm sinh của phụ nữ hay đó chỉ là hành động vô thức mà họ học được khi quan sát những người phụ nữ khác?
Một số nguồn gốc cơ bản
Phần lớn các dấu hiệu giao tiếp cơ bản đều giống nhau trên khắp thế giới. Khi vui, người ta cười. Khi buồn hay tức giận, người ta cau mày hoặc tỏ ra cáu bẳn. Gật đầu là dấu hiệu thường biểu hiện ý “phải” hay đồng ý. Đó là một kiểu hạ thấp đầu và có thể là điệu bộ bẩm sinh, bởi vì người mù bẩm sinh cũng sử dụng điệu bộ này. Lắc đầu từ bên này sang bên kia để tỏ ý “không” hoặc không tán thành cũng là một điệu bộ phổ biến, xem ra nó có từ thời thơ ấu. Khi đứa trẻ no sữa, nó quay đầu từ bên này sang bên kia để từ chối vú mẹ; còn khi ăn no, nó lắc đầu từ bên này sang bên kia để ngăn người lớn cố bón thức ăn vào miệng mình. Qua việc thực hiện này, trẻ nhanh chóng học được cách biểu lộ sự không đồng ý hoặc thái độ tiêu cực.
Điệu bộ lắc đầu truyền đạt ý “không” và có nguồn gốc từ việc bú vú mẹ.
Nguồn gốc phát triển của một số điệu bộ có thể bắt nguồn từ động vật thời tiền sử. Chẳng hạn, “cười” là một điệu bộ đe dọa đối với hầu hết các loài động vật ăn thịt, nhưng đối với loài linh trưởng, “cười” kèm theo điệu bộ không đe dọa biểu lộ sự phục tùng.
Cái nhếch mép của người và động vật – Bạn sẽ không muốn tiếp tục hẹn hò với bất kỳ ai trong số họ
Nhe răng và phồng mũi lên bắt nguồn từ động tác tấn công của loài linh trưởng. Cười nhếch mép là dấu hiệu cảnh báo cho những con vật khác biết rằng nếu cần thiết, chúng sẽ dùng răng tấn công hoặc tự vệ. Đối với con người, điệu bộ này dùng có ý nghĩa tương tự, mặc dù con người thường không tấn công bằng răng.
Mũi phồng lên giúp cơ thể thu nạp được nhiều không khí để chuẩn bị cho việc đánh nhau hoặc bỏ chạy. Trong thế giới động vật linh trưởng, điệu bộ này cho thấy chúng đang cần được hỗ trợ để vượt qua mối đe dọa sắp xuất hiện. Trong thế giới loài người, nhếch mép biểu hiện thái độ tức giận và khó chịu khi người ta cảm thấy bất ổn về thể chất hay tinh thần.
Những điệu bộ phổ biến
Nhún vai là điệu bổ phổ biến dùng để biểu thị ý “không biết” hoặc không hiểu bạn đang nói gì. Đây là cụm từ chỉ có sự kết hợp của 3 điệu bộ chính: lòng bàn tay để lộ ra cho thấy không có gì giấu giếm trong tay, vai nhô lên bảo vệ cổ họng, chân mày nhướn lên biểu thị sự phục tùng.
Giống như lời nói, một số dấu hiệu của ngôn ngữ cơ thể cũng có thể khác nhau theo từng nền văn hóa. Một điệu bộ có thể là có thể quen thuộc và có ý nghĩa ở nền văn hóa này nhưng lại vô nghĩa hay mang ý nghĩa hoàn toàn khác ở nền văn hóa khác. Những điểm khác biệt sẽ được nói đến trong Chương 5.
Ba quy tắc để đọc chính xác ngôn ngữ cơ thể
Những điều mắt thấy, tai nghe trong bất kỳ tình huống nào cũng chưa hẳn là thái độ đích thực của một người. Bạn cần tuân theo ba quy tắc cơ bản sau để hiểu đúng sự việc.
Quy tắc 1: Hiểu các điệu bộ theo cụm
Một trong những lỗi nghiêm trọng nhất mà một người mới học cách đọc ngôn ngữ cơ thể thường phạm phải, đó là họ hiểu một điệu bộ đơn lẻ và tách biệt với các điệu bộ hay tình huống khác. Ví dụ, gãi đầu có nhiều nghĩa: đổ mồ hôi, không chắc chắn, tóc có gàu hay chấy, đãng trí hoặc nói dối… tùy thuộc vào các điệu bộ khác đồng thời xảy ra vào lúc đó. Như bất kỳ ngôn ngữ nói nào, ngôn ngữ cơ thể cũng có “từ”, “câu” và “dấu câu”. Mỗi điệu bộ giống như một từ đơn và một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ, trong tiếng Anh, từ “dressing” có ít nhất 10 nghĩa như: mặc quần áo, nước xốt rưới thức ăn, nhồi thịt gà, bôi thuốc lên vết thương, phân bón, tắm rửa, chải lông ngựa…
Một từ phải nằm trong câu cùng với những từ khác thì mới có đầy đủ nghĩa. Các điệu bộ nằm trong “các câu” được gọi là cụm. Chúng góp phần bộc lộ tình cảm hoặc thái độ thật của một người nào đó. Giống như câu, một cụm ngôn ngữ cơ thể cũng có ít nhất 3 “từ” mới đủ để bạn định nghĩa chính xác “từ”. Người “mẫn cảm” là người có thể hiểu được “câu” của ngôn ngữ cơ thể và kết hợp chúng với lời của người nói.
Gãi đầu có thể có nghĩa là không chắc chắn nhưng cũng có thể là dấu hiệu của gàu.
Vì vậy, hãy luôn xem xét cả cụm điệu bộ để hiểu đúng sự việc. Mỗi khi chúng ta lặp đi lặp lại một hoặc nhiều điệu bộ đơn giản, nghĩa là chúng ta đang cảm thấy buồn chán hay căng thẳng. Sờ hoặc xoắn tóc liên tục là một ví dụ thường gặp, nhưng nếu tách biệt nó với các điệu bộ khác thì động tác này rất có thể là dấu hiệu cho thấy người đó đang cảm thấy không chắc chắn hoặc lo âu. Người ta vuốt tóc hoặc vò đầu bởi vì đó là cách họ được mẹ an ủi khi còn nhỏ.
Để chứng minh luận điểm về cụm điệu bộ, xin giới thiệu sau đây cụm điệu bộ Đánh giá Hoài nghi mà người ta có thể sử dụng khi họ không có ấn tượng với những gì họ nghe thấy:
Dấu hiệu chính dùng để Đánh giá Hoài nghi là điệu bộ kết hợp tay và mặt, với ngón trỏ chĩa hướng lên má trong khi một ngón tay khác che miệng, còn ngón tay chống cằm. Bằng chứng bổ sung cho thấy người này đang có những suy nghĩ mang tính phê phán đối với những gì được nghe là chân bắt chéo thật sát và cánh tay ôm
ngang cơ thể (tự vệ), trong khi đầu và cằm cúi xuống (không đồng ý, chống đối). “Câu” ngôn ngữ cơ thể này có ý đại loại như: “Tôi không thích điều anh đang nói”, “Tôi không đồng ý”, hoặc “Tôi đang kìm nén những cảm xúc tiêu cực”.
Hillary Clinton dùng cụm điệu bộ này khi và không tin vào lời người nói
Quy tắc 2: Tìm kiếm phù hợp
Nghiên cứu cho thấy các dấu hiệu không lời có tác động gấp 5 lần lời nói. Khi 2 yếu tố này không khớp với nhau thì mọi người – đặc biệt là phụ nữ – sẽ dựa vào thông điệp không lời và không quan tâm đến nội dung của lời nói.
Là diễn giả, khi bạn yêu cầu người nghe phát biểu ý kiến về những gì bạn đã nói, nếu người đó trả lời không đồng ý thì lời nói và cử chỉ của họ sẽ khớp với nhau. Tuy nhiên, nếu người đó nói đồng ý với những gì bạn nói nhưng điệu bộ lại không phù hợp thì rất có thể họ đang nói dối.
Khi lời nói và ngôn ngữ của cơ thể của một người mâu thuẫn với nhau thì phụ nữ sẽ không tin vào nội dung lời nói.
Giả sử, bạn thấy một chính trị gia đang đứng trên bục, hùng hồn phát biểu với khán giả là ông ta sẵn sàng tiếp thu và hoan ngênh ý tưởng của những người trẻ tuổi trong khi hai cánh tay ông ta xếp chặt trước ngực (tự vệ) và cằm cúi xuống (hoài nghi, chống đối) thì bạn có tin không? Hoặc khi ông ta cố thuyết phục bạn về lòng nhiệt tình, sự quan tâm của mình nhưng lại giáng những cú chặt karate đanh gọn xuống mặt bàn của bục thì bạn thấy sao? Có lần, Sigmund Freud thuật lại rằng ông ta thấy một phụ nữ đang nói về niềm hạnh phúc trong hôn nhân của mình nhưng lại tuột ra tuột vào chiếc nhẫn cưới trên ngón tay một cách vô thức. Vì nhận ra ý nghĩa của điệu bộ này nên ông không lấy làm ngạc nhiên khi bà bắt đầu bộc lộ những vấn đề hôn nhân.
Việc theo dõi những điệu bộ, sự hòa hợp giữa ngôn ngữ cơ thể và lời nói là yếu tố then chốt để giải nghĩa chính xác thái dộ của người thông qua ngôn ngữ này.
Quy tắc 3: Hiểu điệu bộ trong ngữ cảnh
Tất cả các điệu bộ nên được xem xét trong ngữ cảnh xuất hiện điệu bộ đó. Ví dụ, nếu một người đợi ở xe buýt ở trạm cuối, tay chân khoanh lại thật chặt, cằm cúi xuống trong một ngày mua đông lạnh giá thì rất có thể người đó thấy lạnh, chứ không phải muốn tự vệ. Thế nhưng, nếu ai đó ngồi đối diện với bạn và sử dụng những điệu bộ tương tự trong lúc bạn đang cố gắng chào bán một ý tưởng, sản phẩm hay dịch vụ với anh ta thì chính xác là anh ta không chấp nhận hoặc đang từ chối lời đề nghị của bạn.
Trong cuốn sách này, tất cả các điệu bộ của ngôn ngữ cơ thể sẽ được xem xét trong ngữ cảnh và khi cần thiết, chúng ta sẽ nghiên cứu cụm điệu bộ.
Tại sao điệu bộ lại có thể dễ bị hiểu nhầm?
Một người bắt tay nhẹ hoặc yếu ớt – đặc biệt là đàn ông – rất dễ bị cho là có tính cách yếu đuối. Chương tiếp theo về thuật bắt tay sẽ khám phá lý do đằng sau điều này. Nhưng nếu bàn tay của người nào đó bị viêm khớp thì rất có thể, họ cũng sẽ bắt tay nhẹ để tránh bị đau. Tương tự, các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà phẫu thuật và những người có nghề nghiệp đòi hỏi một bàn tay khéo léo trong công việc thường không thích bắt tay. Nếu buộc bắt tay, có thể họ sử dụng cái bắt tay “chiếu lệ” để bảo vệ bàn tay của mình.
Những người mặc quần áo không phù hợp hoặc bó sát cũng không thể thực hiện điệu bộ. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể của họ. Ví dụ, những người béo phì không thể bắt chéo chân. Phụ nữ mặc váy ngắn sẽ ngồi bắt chéo chân thật sát để tự bảo vệ, nhưng điều này khiến họ có vẻ không cởi mở cho lắm và giảm đi cơ hội được mời khiêu vũ tại các hộp đêm. Những tình huống này chỉ xảy ra với một số ít người. Quan trọng là phải cân nhắc xem những khiếm khuyết về thể chất hoặc các thương tật trên cơ thể của một người có ảnh hưởng đến cử động của cơ thể họ.
Tại sao dễ hiểu trẻ em hơn?
Người lớn khó hiểu hơn trẻ em bởi vì sắc thái trên cơ mặt họ ít được biểu hiện hơn.
Tốc độ thực hiện và khả năng che giấu một số điệu bộ có liên quan đến tuổi tác của mỗi người. Ví dụ, nếu một đứa trẻ năm tuổi nói dối, rất có thể nó sẽ dùng 1 tay hoặc cả 2 tay bụm miệng lại ngay tức thì.
Hành động che miệng có thể mách bảo cho cha, mẹ chúng biết đó là lời nói dối. Đứa bé có thể vẫn giữ điệu bộ che miệng trong suốt cuộc đời, chỉ có tốc độ thực hiện điệu bộ là khác đi. Khi một thiếu niên nói dối thì bàn tay cũng đưa lên miệng giống như đứa trẻ 5 tuổi, nhưng thay vì dùng cả bàn tay thì lúc này chỉ có các ngón tay xoa nhẹ quanh miệng.
Ở người trưởng thành, điệu bộ che miệng thưở bé còn được thực hiện nhanh hơn nữa. Khi người trưởng thành nói dối, dường như đầu óc dẫn dắt bàn tay họ che miệng nhằm ngăn cản những lời dối trá hệt như những đứa trẻ 5 tuổi và thiếu niên. Nhưng vào phút cuối, bàn tay được thu lại thành điệu bộ sờ mũi. Đây là điệu bộ của phiên bản của điệu bộ che miệng mà người ta đã sử dụng thời thơ ấu.
Điều này cho thấy càng lớn tuổi thì những điệu bộ càng trở nên tinh vi và khó nhận biết hơn. Đó cũng là lý do tại sao điệu bộ của một người 50 tuổi khó hiểu hơn so với điệu bộ của một đứa trẻ 5 tuổi.
Bill Clinton trả lời những câu hỏi về Monica Lewinsky trước ban hội thẩm
Bạn có thể bịa ra những điệu bộ không?
Chúng tôi thường xuyên được hỏi: “Bạn có thể bịa ra ngôn ngữ cơ thể không?” Câu trả lời chung cho câu hỏi này là “không”, bởi vì luôn xảy ra sự thiếu hòa hợp giữa những điệu bộ cơ bản và những dấu hiệu rất nhỏ của cơ thể và lời nói. Ví dụ, lòng bàn tay mở rộng khiến bạn nghĩ đến sự chân thật. Nhưng nếu một người nói dối cũng đưa lòng bàn tay ra và mỉm cười với bạn thì còn những điệu bộ rất nhỏ khác của anh ta cho thấy anh ta là người dối trá. Có thể hai đồng tử của anh ta co lại, một bên lông mày nhướng lên hoặc khóe miệng co giật. Những dấu hiệu này mâu thuẫn với điệu bộ lòng bàn tay mở ra và nụ cười thành thật. Kết quả là những người tiếp nhận thông tin, đặc biệt là phụ nữ, có khuynh hướng không tin những gì anh ta nói.
Ngôn ngữ cơ thể dễ lừa đàn ông hơn phụ nữ vì nhìn chung, đàn ông không giỏi đọc được ngôn ngữ này.
Câu chuyện có thực: Ứng viên xin việc nói dối
Chúng tôi đã yêu cầu một người đàn ông đến phỏng vấn giải thích lý do anh ta bỏ việc công ty trước. Lý do anh ta đưa ra là ở đó không có nhiều cơ hội cho tương lai và thật là khó khi quyết định thôi việc vì anh ta được lòng tất cả mọi người. Mặc dù ứng viên này không ngớt ca ngợi ông chủ cũ của mình nhưng người phỏng vấn nói rằng cô có “linh cảm” là anh ta đang nói dối. Anh ta không hề nghĩ tốt về ông chủ cũ.Khi xem lại cuộc phỏng vấn trên băng video quay chậm, chúng tôi để ý đến mỗi lần ứng viên đó nhắc đến ông chủ cũ, một nụ cười khẩy thoáng xuất hiện ở phía trái khuôn mặt của anh ta. Thường thì những dấu hiệu đối lập này chỉ lóe qua gương mặt của người nào đó trong giây lát. Nếu người quan sát chưa được đào tạo sẽ không thể nhận thấy điều này. Chúng tôi đã gọi điện thoại cho ông chủ cũ của anh ta và được biết, anh ta bị sa thải vì bán ma túy cho các nhân viên khác. Ứng viên này đã cố giả tạo ngôn ngữ cơ thể cho thật tự nhiên, nhưng những điệu bộ mâu thuẫn rất nhỏ của anh ta đã tự tiết lộ sự thật cho người nữ phỏng vấn của chúng tôi.
Điều mấu chốt ở đây là khả năng tách biệt những điệu bộ chân thật ra khỏi những điệu bộ giả tạo để phân biệt một người chân thành với kẻ nói dối hay mạo danh. Các dấu hiệu như đồng tử dãn ra, đổ mồ hôi và đỏ mặt thì không thể cố ý giả tạo được nhưng cách phô này lòng bàn tay để cố ra vẻ chân thật thì rất dễ học.
Những kẻ dối trá chỉ có thể giả vờ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngôn ngữ cơ thể được giả tạo một cách tinh vi để giành lấy những lợi thế nào đó. Lấy cuộc thi Hoa hậu Thế giới hoặc Hoa hậu Hoàn vũ làm ví dụ. Các thí sinh đều sử dụng những động tác cơ thể đã được học một cách cẩn thận để tạo ấn tượng nhiệt tình và thành thật. Ở một chừng mực nào đó, họ đều chuyền tải được những thông điệp này và ghi điểm với giám khảo. Nhưng ngay cả những thí sinh lão luyện cũng chỉ có thể giả tạo ngôn ngữ cơ thể trong một thời gian ngắn. Cuối cùng, những dấu hiệu mâu thuẫn sẽ bị bộc lộ độc lập với những hành động có ý thức. Nhiều chính trị gia là chuyên gia giả tạo ngôn ngữ cơ thể với mục đích là chiếm được lòng tin của các cử tri. Những chính trị gia thành công trong lĩnh vực này – như John F Kenedy và Adolf Hitle – được cho là có “sức lôi cuốn quần chúng”.
Tóm lại, thật khó để giả tạo ngôn ngữ cơ thể trong một thời gian dài. Nhưng, như chúng tôi sẽ bàn sau này, việc học cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực để giao tiếp với người khác và loại bỏ ngôn ngữ cơ thể tiêu cực có thể dẫn đến thông tin sai lầm là rất quan trọng. Điều này có thể làm cho việc giao tiếp của bạn được thoải mái hơn và giúp bạn dễ chiếm được cảm tình của người khác hơn. Đó là một trong những mục tiêu của cuốn sách này.
Làm thế nào để trở thành một người đọc ngôn ngữ cơ thể thật giỏi?
Hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể của người khác cũng như nhận biết một cách có ý thức về điệu bộ của chính bạn. Cơ hội lý tưởng để đọc ngôn ngữ cơ thể là bất kỳ nơi nào diễn ra hoạt động giao tiếp. Sân bay là một nơi đặc biết tốt để quan sát toàn bộ hành vi, điệu bộ của con người. Vì ở đây, người ta bộc lộ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố và nhiều cung bậc cảm xúc khác thông qua ngôn ngữ cơ thể. Các sự kiện xã hội, các cuộc họp bàn chuyên kinh doanh hay các bữa tiệc cũng là nơi rất tuyệt để bạn luyện tập quan sát. Khi đã trở nên thành thạo nghệ thuật đọc ngôn ngữ cơ thể, bạn có thể đến dự 1 bữa tiệc, chọn lấy 1 chỗ ngồi trong góc phòng và dành khoảng thời gian thú vị chỉ để quan sát các biểu lộ ngôn ngữ của người khác.
Con người hiện đại không giỏi đọc các dấu hiệu cơ thể bằng tổ tiên của họ vì ngày nay chúng ta bị chi phối bởi lời nói.
Tivi cũng là nơi học hỏi rất tuyệt. Hay giảm âm lượng và cố hiểu chuyện gì đang xảy ra bằng cách xem hình ảnh trước. Sau đó, cứ cách vài phút lại điều chỉnh âm thanh lớn lên, bạn có thể kiểm tra việc đọc ngôn ngữ cơ thể của mình đúng đến mức nào. Trước đó, bạn có thể xem toàn bộ chương trình đã được tắt âm và cố hiểu chuyện gì đang xảy ra, hệt như cách những người khiếm thính thường làm.
Học đọc các dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể không những giúp bạn có nhận thức sắc sảo hơn về cách người khác ra sức chi phối và điều khiển tình huống, mà còn giúp bạn nhận ra được họ đang làm điều giống như chúng ta đang làm và quan trọng hơn hết, nó giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với tình cảm và cảm xúc của người khác.
Ngày nay, chúng tôi đã chứng kiến một kiểu nhà khoa học xã hội mới; đó là Người quan sát ngôn ngữ cơ thể. Giống như người quan sát chim rất thích quan sát chim và hành vi của chúng, Người quan sát ngôn ngữ cơ thể thích quan sát các ám hiệu và dấu hiệu của con người. Những người này quan sát các cử chỉ trong những sự kiện xã hội, tại các bãi biển, trên tivi, trong văn phòng hoặc bất cứ nơi nào có hoạt động giao tiếp. Đó là những người muốn tìm hiểu các động tác của con người để cuối cùng, họ có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về bản thân và cách thức cải thiện mối quan hệ với người khác.
Sự khác biệt giữa một người quan sát và một kẻ rình rập là gì?
Một bìa kẹp hồ sơ và cây viết.