Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngôn Ngữ Cơ Thể – Body Language

Chương 10: Đôi Chân Tiết Lộ Ý Định Như Thế Nào

Tác giả: Allan & Barbara Pease

Mark ngồi đó hai chân dang rộng, một tay vuốt cà vạt và một tay mân mê lọ muối. trong 20 phút vừa qua, ông ta không để ý thấy rằng chân của cô gái bắt chéo lại, hướng ra xa ông và chĩa về phía lối ra gần nhất.

 

Bộ phận cơ thể nào cách bộ não càng xa thì chúng ta càng ít nhận biết bó đang làm gì. Ví dụ, đa số mọi người đều ý thức những biểu hiện và điệu bộ được biểu lộ trên khuôn mặt của mình, thậm chí chúng ta còn có thể tập luyện một vài biểu hiện như “làm bộ vui vẻ” (put on brave face), “trao cái nhìn một cách không hài lòng” (give a disapproving look), “cười chịu trận” (grin and bear it) hay là “trông có vẻ hạnh phúc” (look happy) khi bạn lại được bà tặng bộ đồ lót xấu xí vào dịp sinh nhật. Sau gương mặt, chúng ta nhận biết tới hoạt động của cánh tay và bàn tay, rồi sau đó là ngực và bụng. Chúng ta ít nhận biết đôi chân của mình nhất và gần như quên bẵng đôi bàn chân.

Thực ra đôi chân và bàn chân là một nguồn thông tin quan trọng tiết lộ thái độ của người nào đó, bởi vì đa số mọi người đều không nhận thức được chân của họ đang làm gì cũng như không bao giờ đóng những điệu bộ giả tạo như cách họ làm với khuôn mặt. Một người trông có thể bình tĩnh và tự chủ nhưng bàn chân của họ lại đang nhịp liên tục hoặc đá từng nhát ngắn vào không trung cho thấy rõ ràng là họ đang bực bội.

Hành động lắc lư đôi bàn chân như cách đầu óc đang cố gắng chạy thoát khỏi những gì đang trải nghiệm.

Thông điệp thoát ra từ dáng đi

Việc đung đưa hai cánh tay khi đi cho ta biết tính cách người thực hiện, hoặc họ muốn chứng tỏ rằng họ là người mang tính cách đó. Những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, sôi nổi thường vung cánh tay ra trước và sau cao hơn những người lớn tuổi, thậm chí trông giống như họ đang diễu hành. Điều này một phần là do tốc độ đi của họ nhanh hơn và các cơ của họ cử động linh hoạt hơn. Kết quả là kiểu bước nhà binh này phát triển thành kiểu đi bộ gây chú ý, tạo ấn tượng những người đi như diễu hành nhìn thì trẻ trung, mạnh mẽ. Nhiều chính trị gia và các nhân vật của công chúng cũng chọn kiểu đi này khi họ muốn gửi thông điệp về sức sống của mình. Đó là lý do tại sao nhiều chính trị gia thường có dáng đi rảo bước. Cánh tay của phụ nữ vung ra sau nhiều hơn nam giới, bởi khuỷu tay họ cong hơn để có thể ẵm bồng em bé tốt hơn.

Bàn chân tiết lộ sự thật ra sao?

Chúng tôi đã tiến hành một loạt cuộc kiểm tra với những nhà quản lý bằng cách yêu cầu họ nói dối sao cho thuyết phục trong các cuộc phỏng vấn được dàn dựng. Qua đó, chúng tôi phát hiện rằng các nhà quản lý này, bất kể là họ thuộc giới tính nào, đều tăng đáng kể số lần cử động vô thức của bàn chân. Đa số họ đều thực hiện các điệu bộ giả tạo trên khuôn mặt và kiểm soát cử động tay trong khi đang nói dối, nhưng hầu như tất cả đều không nhận biết được đôi chân và bàn chân của mình đang làm gì. Những kết quả này đã được nhà tâm lý học Paul Ekman chứng thực, khi ông không chỉ phát hiện rằng phần dưới cơ thể họ cử động nhiều hơn khi nói dối mà người quan sát cũng sẽ dễ dàng vạch trần lời nói dối khi họ nhìn thấy toàn bộ cơ thể người nói dối. Điều này giải thích tại sao nhiều nhà điều hành doanh nghiệp chỉ cảm thấy thoải mái khi ngồi tại bàn làm việc kín phần phía trước, lúc đó phần dưới cơ thể của họ được che khuất.

Nếu bạn không chắc là có người bị người khác lừa dối hay không thì hãy nhìn phía gầm bàn nơi họ đang ngồi.

Những chiếc bàn có mặt trước bằng kính khiến chúng ta căng thẳng hơn là những chiếc bàn có vật liệu không trong suốt, vì việc bị người khác nhìn thấy hết chân sẽ khiến chúng ta cảm thấy không hoàn toàn chủ động.

Mục đích của đôi bàn chân

Sự tiến hóa của đôi chân con người là nhằm hai mục đích: Di chuyển tới để lấy thức ăn và chạy trốn khỏi nguy hiểm. Não bộ của con người cũng gắn chặt với hai mục đích này, đi về phía những thứ chúng ta muốn và lùi ra khỏi những thứ chúng ta không muốn, do vậy, cách thức người sử dụng đôi chân và bàn chân tiết lộ nơi họ muốn đi. Nói cách khác, đôi chân và bàn chân của ai đó cho thấy họ sốt sắng muốn rời khỏi hay nán lại tiếp tục cuộc trò chuyện. Tư thế chân dang rộng hoặc không bắt chéo cho thấy thái độ cởi mở hoặc tư tưởng thống trị, trong khi đó tư thế bắt chéo chân biểu lộ thái độ khép kín hoặc hồ nghi.

Người phụ nữ không quan tâm đến người đàn ông nào đó sẽ khoanh tay trước ngực và bắt chéo chân, hướng chân ra xa anh ta nhằm gửi đến anh ta dấu hiệu “cấm vào”, còn khi quan tâm thì người phụ nữ sẽ có động tác cởi mở hơn.

Bốn tư thế đứng chủ yếu

1. Đứng nghiêm

Đây là tư thế nghiêm trang thể hiện thái độ trung lập, không tỏ ý muốn đi hay ở lại. Trong các buổi gặp gỡ, phụ nữ dùng tư thế này nhiều hơn đàn ông vì nó giữ hai chân chụm nhau như là dấu hiệu “miễn bàn” (no comment). Học sinh đứng ở tư thế này khi nói chuyện với giáo viên, cấp dưới đứng ở tư thế này khi nói chuyện với cấp trên và người dân diện kiến các thành viên của hoàng gia cũng đứng như thế.

Tư thế nghiêm.

 

2. Đứng dang 2 chân

Như đã nói từ trước, đây chủ yếu là điệu bộ của nam giới và nó giống như kiểu đứng phô bày chạc chân. Người đứng tư thế này trụ vững hai chân trên mặt đất, cho thấy rõ rằng anh ta không có ý định bỏ đi. Nó được đàn ông sử dụng làm dấu hiệu thống trị bởi nhìn về ngoài, nó làm nổi bật các cơ quan sinh dục của họ và mang lại dáng vẻ nam tính.Chúng ta có thể thấy những người đàn ông tham gia các trận thi đấu thường đứng cạnh nhau trong tư thế này vào giờ giải lao cũng như liên tục chỉnh sửa phần hạ thể phía trước. Họ thực hiện hành động này không phải vì ngứa mà vì nó giúp người đàn ông phô bày sự nam tính và thể hiện sự đoàn kết khi cả đội cùng thực hiện các động tác giống nhau.

Điệu bộ đứng phô bày chạc chân được sử dụng bởi những người đàn ông đầy nam tính.

 

3. Tư thế đứng một mũi bàn chân chĩa về phía trước

Trọng lượng cơ thể được dồn sang một bên hông, mũi bàn chân chĩa về phía trước. Các bức họa được vẽ vào thời Trung cổ thường miêu tả những quý ông đứng tư thế này, vì nó giúp họ khoe bít tất, giày và quần xịn.

 

Tư thế đứng một chân chĩa về phía trước – nhắm đến nơi trong đầu đang nghĩ tới.

Điệu bộ này là manh mối quan trọng tiết lộ những ý định tức thời của một người nào đó, vì thông thường chúng ta hay chĩa mũi bàn chân về hướng định đi, mà tư thế này trông như thể là đang bắt đầu di chuyển. Trong một nhóm người, chúng ta chĩa mũi bàn chân vào người thú vị hoặc quyến rũ nhất, còn khi muốn rời khỏi nơi nào thì chúng ta chĩa bàn chân về phía lối ra gần nhất.

4. Bắt chéo chân

Lần tới, khi tham dự một cuộc họp có cả nam lẫn nữ, bạn sẽ để ý thấy có vài nhóm người đứng khoanh tay và bắt chéo chân. Quan sát kỹ hơn, bạn cũng sẽ nhận ra họ đứng cách nhau một khoảng cách xa hơn khoảng cách xã giao thông thường.

Nếu những người này mặc áo khoác hoặc áo vét, có thể họ sẽ cài nút áo lại. Đây là tư thế của đa số mọi người khi đứng giữa những người không quen biết. Nếu bắt chuyện với họ, bạn sẽ thấy rằng một người hay tất cả trong số họ đều không quen thân với những thành viên khác trong nhóm.

Trong khi hai chân dang rộng biểu thị sự cởi mở hoặc thống trị thì hai chân bắt chéo nhau cho thấy thái độ khép kín, phục tùng hoặc phòng thủ, bởi vì chúng tượng trưng cho việc từ chối bất kỳ sự tiếp xúc nào đến các cơ quan sinh dục.

 

Kiểu cái kéo – “Miễn bàn luận” nhưng người này không có ý định bỏ đi.

 

Về phần phụ nữ, những tư thế kiểu như kiểu cái kéo và kiểu bắt chéo một chân gửi đi hai thông điệp: thứ nhất, người phụ nữ đó định ở lại chứ không bỏ đi; và thứ hai là cô ta không cho phép tiếp cận. Một người đàn ông đứng ở tư thế này cũng tỏ ý sẽ ở lại, nhưng anh ta muốn chắc chắn rằng bạn không “đá anh ta ở chỗ hiểm”. Chân dang rộng phô bày nam tính, chân khép lại bảo vệ nam tình. Điệu bộ đứng phô bày chạc chân có vẻ thích hợp khi người đàn ông này đứng gần những người mà anh ta cảm thấy thấp kém hơn. Còn nếu đứng bên những người đàn ông có địa vị cao hơn, điệu bộ này khiến anh ta trông như đang ra sức cạnh tranh cũng như thể hiện sự yếu thế đối với đối phương. Các cuộc nghiên cứu cho thấy những người thiếu tự tin cũng thường đứng ở tư thế bắt chéo chân.

Chân dang rộng cho thấy sự tự tin của người đàn ông; chân bắt chéo cho thấy sự dè dặt của người đàn ông.

Hãy tưởng tượng trước mắt bạn lúc này là một nhóm người đứng không khoanh tay, lòng bàn tay mở ra, áo khoác không cài nút, dáng vẻ thả lỏng, một chân ngả ra sau còn chân kia chĩa về phía những người khác trong nhóm. Tất cả họ đều đang diễn tả điệu bộ bằng tay và bước ra, bước vào vùng không gian riêng tư của nhau. Tìm hiểu kỹ hơn, bạn thấy những người này là bạn bè hoặc đều quen biết nhau. Cũng cùng nhóm người như trên nhưng nếu họ khoanh tay và bắt chéo chân cũng mách bảo rằng họ không thực sự thoải mái và không tin tưởng lẫn nhau như vẻ ngoài của họ.

Khi gia nhập một nhóm người không quen biết, bạn hãy thử đứng khoanh tay, bắt chéo chân lại thật sát, vẻ mặt nghiêm nghị. Lần lượt từng thành viên khác trong nhóm cũng sẽ khoanh tay, bắt chéo chân và giữ tư thế đó cho đến khi bạn, một người xa lạ, rời khỏi nhóm. Hãy lánh ra chỗ khác và quan sát cách các thành viên của nhóm, từng người một, trở lại tư thế thoải mái ban đầu của họ.

Bắt chéo chân không những không để lộ các cảm xúc tiêu cực hoặc phòng thủ mà còn khiến người thực hiện điệu bộ trông có vẻ cảnh giác, đồng thời làm những người khác phản ứng theo họ.

Phòng thủ, đang lạnh hay “chỉ là thoải mái”?

Một số người sẽ phản bác rằng họ khoanh tay hoặc bắt chéo chân không phải để phòng thủ hay cảm thấy bất an mà vì họ thấy lạnh. Thực ra, khi ai đó muốn làm ấm bàn tay, họ sẽ giúi hai bàn tay dưới nách chứ không đút chúng xuống khuỷu tay. Thứ hai, khi ai đó thấy lanh, họ thường dùng kiểu ôm chặt cơ thể, chân duỗi thẳng, cứng đờ và ép chặt vào nhau lúc bắt chéo, trái với tư thế chân thả lỏng của thế đứng phòng thủ.

 

Rất có thể cô ta cảm thấy lạnh hoặc chỉ là đang tìm nhà vệ sinh

 

Những người có thói quen khoanh tay hoặc bắt chéo chân hay biện minh là họ cảm thấy lạnh hơn là thừa nhận sự sợ hãi, lo lắng hoặc phòng thủ. Những người khác chỉ nói là họ thấy “thoải mái”. Điều đó có thể đúng! Khi ai đó bị chỉ trích hoặc cảm thấy không an toàn thì khoanh tay và bắt chéo chân sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái bởi điệu bộ đó tương hợp với tình trạng cảm xúc của họ.

Cách để chúng ta chuyển từ tư thế khép kín sang tư thế cởi mở

Khi người ta bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn và làm thân với một nhóm người thì họ thực hiện một chuỗi động tác chuyển từ tư thế khép kín sang tư thế thả lỏng thoải mái. Ở tất cả mọi nơi, quá trình “nới lỏng” tư thế đứng này đều tuân theo cùng một trình tự.

Không chắc chắn về nhau        Cởi mở và đón nhận

 

Chuỗi động tác bắt đầu bằng tư thế khép kín, khoanh tay và bắt chéo chân. Khi họ bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn và mối thân tình được gây dựng thì trước tiên, chân của họ không bắt chéo nữa mà đứng thẳng lại. Kế đến, họ buông cánh tay đang nằm khoanh phía trên cánh tay kia ra, thỉnh thoảng mở lòng bàn tay này khi nói chuyện nhưng cánh tay này nhất thiết không được dùng làm rào cản. Thay vào đó, cánh tay này có thể nắm lấy phía ngoài cánh tay còn lại theo kiểu rào chắn bằng một cánh tay. Kế đến, cả hai tay họ không khoanh nữa, một tay có thể đặt ngang hông hay đút vào túi quần. Cuối cùng, người đó đứng ở tư thế một mũi bàn chân chĩa về phía trước, thể hiện thái độ chấp nhận đối phương. (hình trên)

Điệu bộ bắt chéo chân của người châu Âu

Một chân bắt chéo qua chân kia thật gọn, và 70% người bắt chéo chân trái qua chân phải. Đây là tư thế bắt chéo chân thường thấy ở các nền văn hóa châu Á, châu Âu và đặc biệt là Anh.

 

Kiểu bắt chéo của người Châu Âu hay người Anh.

 

Khi một người vừa bắt chéo chân vừa khoanh tay nghĩa là họ không muốn nói chuyện. Khi họ ngồi ở tư thế này thì có cố thuyết phục đến đâu cũng chỉ vô ích.

không cởi mở, giao tiếp với bất cứ ai.

Trong ngữ cảnh kinh doanh, chúng tôi phát hiện rằng những người ngồi tư thế này nói những câu ngắn gọn hơn, bác bỏ các đề xuất nhiều hơn và ghi nhớ ít hơn các chi tiết được thảo luận so với những người ngồi một cách thoải mái.

Điệu bộ bắt chân chữ ngũ của người Mỹ

Tư thế này là phiên bản ngồi của kiểu đứng phô bày chạc chân vì nó làm nổi bật các cơ quan sinh dục và được đàn ông Mỹ hay đàn ông trong bất kỳ nền văn hóa nào đang bị “Mỹ hóa”, như thanh niên Singapore, Nhật và Phillipines sử dụng. Điệu bộ này thể hiện thái độ thích tranh luận hoặc tranh đua. Loài khỉ và tinh tinh cũng sử dụng các điệu bộ để lộ cơ quan sinh dục khi chúng tỏ thái độ hung hăng, bởi vì việc phô bày ấn tượng có thể tránh được những thương tổn do một trận đánh nhau gây ra. Ở các loài động vật linh trưởng, con đực nào phô bày ấn tượng nhất sẽ được những con khác tôn là kẻ chiến thắng. Ở Úc và New Zealand, người ta dùng cả điệu bộ bắt chéo chân của người Châu Âu lẫn điệu bộ bắt chân chữ ngũ này. Trong Thế chiến thứ hai, lính Quốc xã đã truy lùng những người sử dụng điệu bộ bắt chân chữ ngũ, vì bất cứ ai thực hiện điệu bộ này rõ ràng không phải là người Đức hoặc đã từng sống ở Mỹ.

Sẵn sàng tranh cãi về vấn đề nào đó – điệu bộ bắt chân chữ ngũ của người Mỹ.

 

Điệu bộ bắt chân chữ ngũ không được nhiều người lớn tuổi ở Anh và Châu Âu sử dụng nhưng khá phổ biến ở lớp trẻ thuộc các nền văn hóa khác nhau như Nga, Nhật, Sardinia và Malta vì họ mê phim, mê truyền hình Mỹ và họ bắt chước theo những gì được xem. Những người đàn ông ngồi kiểu này được đánh giá là mạnh mẽ, phóng khoáng và trẻ trung. Tuy nhiên, ở các vùng thuộc Trung Động và Châu Á, điệu bộ bắt chân chữ ngũ bị coi là hành vi xúc phạm tới người khác vì nó để lộ đế giày, phần dẫm vào nơi dơ bẩn.

Đôi khi người ta nhìn thấy những phụ nữ mặc quần tây hoặc quần jean ngồi ở tư thế bắt chân chữ ngũ, nhưng thường chỉ khi ngồi gần những phụ nữ khác mà không có đàn ông, vì họ không muốn trông có vẻ quá nam tính hãy ra hiệu sẵn sàng quan hệ tình dục.

Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy lúc đa số mọi người quyết định điều gì thì hai bàn chân của họ đặt trên mặt đất. Vì thế, đừng yêu cầu ai đưa ra quyết định khi ta thấy họ đang bắt chân chữ ngũ.

Khi cơ thể khép kín thì đầu óc cũng mụ mị

Chúng tôi đã tham dự một hội thảo, ở đó khán giả được chia đều 50% nam 50% nữ, gồm 100 nhà quản lý và 500 nhân viên bán hàng. Hội nghị đang thảo luận về một vấn đề gây tranh cãi, đó là việc đối xử của công ty đối với nhân viên bán hàng. Một diễn giả nổi tiếng là hội trưởng Hiệp hội các nhân viên bán hàng được yêu cầu phát biểu trước khán phòng. Khi ông ta đứng trên sân khấu thì hầu như tất cả các nhà quản lý nam và khoảng 25% các nhà quản lý nữ ngồi trong tư thế khoanh tay và bắt chéo chân, thể hiện sự lo ngại vì những điều mà họ nghĩ vị diễn giả này sắp nói ra. Nỗi sợ của họ là có căn cứ! Diễn giả đó đã tỏ ra giận dữ về cung cách quản lý tồi dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong nhân sự. Trong suốt bài phát biểu của ông ta, phần lớn các nhân viên bán hàng ngồi nghe đã chúi người về phía trước biểu lộ sự quan tâm hoặc phụ họa bằng các điệu bộ đánh giá, còn các nhà quản lý vẫn giữ tư thế phòng thủ.

Khi đầu óc khép kín thì cơ thể cũng làm theo.

Sau đó, diễn giả này thảo luận về vai trò của nhà quản lý đối với nhân viên bán hàng theo suy nghĩ của ông ta. Như những thành viên trong một ban nhạc mà nhạc trưởng chỉ huy là vị diễn giả, hầu hết các nhà quản lý nam đồng loạt chuyển sang tư thế bắt chân chữ ngũ. Lúc này họ đang tranh luận về quan điểm của người nhân viên bán hàng; về sau thì nhiều người xác nhận là đúng như vậy. Chúng tôi để ý thấy một số nhà quản lý vẫn giữ nguyên tư thế. Tuy đa số họ không tán đồng với ý kiến của người diễn thuyết, nhưng họ không thể ngồi ở tư thế bắt chân chữ ngũ do điều kiện sức khỏe không cho phép như quá mập, đau chân hoặc bị phong thấp.

Nếu bạn đang cố thuyết phục một ai đó mà người này đang thực hiện bất kỳ tư thế nào trong số những tư thế này thì trước hết bạn nên cố gắng làm cho họ không khoanh tay hay bắt chéo chân nữa trước khi thuyết phục họ. Nếu bạn muốn giới thiệu thứ gì đó, hãy mời họ ngồi cạnh bạn hay đưa vật gì đó cho họ cầm hoặc làm, để họ cúi về trước ghi chép hoặc cầm tập sách quảng cáo và hàng mẫu. Việc mời một tách trà hoặc cốc cà phê cũng hiệu quả không kém vì nó làm cho người ta khó mà bắt chéo chân hoặc khoanh tay lại được.

Điệu bộ bắt chân chữ ngũ với tay cặp chặt chân

Trong điệu bộ bắt chân chữ ngũ, người thực hiện còn cặp chặt chân bằng một hay cả hai tay, tạo thành tư thế cố định. Đây là dấu hiệu chứng tỏ người này không chỉ có thái độ tranh đua mà còn có đầu óc cứng ngắc, ương ngạnh, bảo thủ, khăng khăng giữ ý kiến của mình và phản đối bất kỳ ý kiến nào khác.

 

Điệu bộ cặp chặt chân – cổ giữ thái độ tranh đua

 

Kiểu quặp mắt cá chân

Kiểu quặp mắt cá chân của nam giới thường được kết hợp với nắm tay siết chặt đặt trên đầu gối hoặc bàn tay nắm chặt tay ghế và ngồi với điệu bộ phô bày chạc chân (hình dưới). Với phụ nữ kiểu quặp mắt cá chân có thay đổi một chút, hai đầu gối chụm vào nhau, hai bàn chân có thể bắt chéo và hai tay đặt cạnh nhau hoặc tay này đặt trên tay kia để ở trên đùi.

Kiểu quặp mắt cá chân: Phụ nữ giảm thiểu khoảng cách giữa hai chân, còn đàn ông mở rộng thêm khoảng cách giữa hai chân.

Hơn 30 năm làm công việc phỏng vấn và bán hàng, chúng tôi nhận thấy rằng khi người được phỏng vấn quặp mắt cá chân, xét về tâm lý thì người ấy đang kìm nén cảm xúc tiêu cực, hồ nghi hoặc sợ hãi. Bàn chân thu dưới ghế biểu lộ thái độ khép mình. Khi mọi người tham gia vào cuộc trò chuyện, những người này cùng đặt chân vào trong cuộc trò truyện đó.

Khi làm việc với các luật sư chúng tôi được biết, những bị cáo ngồi trong phòng chờ trước phiên xét xử đã thực hiện động tác quặp mắt cá chân thật chặt, đặt ở dưới ghế nhiều gấp 3 lần so với nguyên đơn, vì họ đang cố kiểm soát trạng thái cảm xúc của mình. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu 319 bệnh nhân có vấn đề về răng miệng thì thấy rằng 88% bệnh nhân đã quặp mắt cá chân ngay khi họ vừa mới ngồi vào ghế nha sĩ. Tỷ lệ quặp chân là 68% đối với các bệnh nhân chỉ đến khám răng và 98% với các bệnh nhân được nha sĩ tiêm thuốc.

Người ta quặp mắt cá chân khi ngồi với nhân viên thuế nhiều hơn là với nha sĩ.

Khi làm việc với các cơ quan chính phủ và các bộ phận hành pháp như cảnh sát, sở thuế và hải quan, chúng tôi được biết, đa số những người được thẩm vấn đều quặp mắt cá chân ngay từ đầu buổi thẩm vấn, nhưng việc thực hiện điệu bộ này có thể là do sợ chứ không phải là do cảm thấy có tội.

Chúng tôi cũng đã phân tích lãnh vực quản lý nguồn nhân lực và phát hiện rằng trong suốt buổi phỏng vấn, hầu hết những người được phỏng vấn đều quặp cá chân ở một số thời điểm, cho thấy họ đang kìm nén một cảm xúc hoặc thái độ nào đó. Nierenberg và Calero đã nhận thấy trong cuộc đàm phán, khi một bên quặp mắt cá chân thì thường bên đó đang giữ lại một điều kiện ưu đãi có giá trị. Tuy nhiên, bằng thủ thuật chất vấn, họ có thể khuyến khích bên đàm phán đó thôi quặp mắt cá chân và tiết lộ điều kiện ưu đãi này.

Đặt các câu hỏi tích cực về cảm nghĩ của người đối diện thường có thể khiến họ thôi quặp mắt cá chân.

Trong giai đoạn đầu nghiên cứu điệu bộ này, chúng tôi đã nhận thấy rằng phương pháp đặt câu hỏi khá hiệu quả (42%) trong việc giúp người được phỏng vấn bớt căng thẳng và không quặp mắt cá chân nữa. Tuy nhiên, nếu người phỏng vấn ngồi cạnh người được phỏng vấn, bỏ đi rào cản là cái bàn thì người này cũng bớt căng thẳng, thôi không quặp mắt cá chân và cuộc trò chuyện sẽ cởi mở, thân mật hơn.

Chúng tôi đã tư vấn cho một công ty về việc liên lạc với khách hàng qua điện thoại sao cho có hiệu quả, cụ thể là trường hợp của một người đàn ông làm công việc không mấy thú vị là thu nợ khách hàng. Quan sát anh ta gọi một số cuộc điện thoại, chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù anh ta trông có vẻ thoải mái, nhưng khi nói chuyện với khách hàng, anh ta liên tục quặp mắt cá chân vào nhau, thu chân dưới ghế. Ngược lại, anh ta không làm điệu bộ này khi nói chuyện với chúng tôi. Khi được hỏi: “Anh có thích công việc của mình khoogn?”, anh ta trả lời: “Tốt cả! Công việc rất vui”. Tuy nhiên, câu nói này mâu thuẫn với các cử chỉ của anh ta, dù dáng vẻ bề ngoài và cách nói của anh ta nghe chừng thuyết phục. Chúng tôi hỏi lại: “Anh chắc vậy chứ?” Anh ta ngập ngừng một lúc, thôi không quặp mắt cá chân, mở lòng bàn tay ra rồi nói: “À, thật ra thì công việc làm tôi phát điên lên đó!” Anh tâm sự, mỗi ngày anh phải nhận nhiều cuộc điện thoại từ những khách hàng thô lỗ hoặc hung hăng, và đã tập kìm nén cảm xúc của mình trước khách hàng. Chúng tôi cũng đúc kết rằng những nhân viên bán hàng nào không thích sử dụng điện thoại cũng thường ngồi ở tư thế quặp mắt cá chân.

Hội chứng váy ngắn

Những người phụ nữ mặc váy ngắn bắt chéo chân và quặp mắt cá chân vì một số mục đích hiển nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, qua nhiều năm thành thói quen, nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn giữ tư thế này vì nó không những giúp họ cảm thấy tự chủ, mà còn làm cho những người khác hiểu đó là dấu hiệu từ chối và cần cư xử thận trọng đối với họ.

Váy ngắn có thể tạo cho người phụ nữ vẻ ngoài khó tiếp cận.

Một số người vẫn khẳng định rằng họ ngồi ở tư thế quặp mắt cá chân hay bất kỳ tư thế tay chân tiêu cực nào vì họ thấy “thoải mái”. Nếu bạn giống họ thì hãy nhớ rằng bất cứ tư thế tay hoặc chân nào cũng sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái khi bạn đang có thái độ phòng thủ, tiêu cực hoặc bảo thủ.

Điệu bộ tiêu cực chỉ làm tăng thêm hay kéo dài thái độ tiêu cực, và những người khác sẽ nghĩ bạn lo lắng, phòng thủ hoặc không hòa đồng. Do vậy , hãy tập sử dụng các điệu bộ tích cực, cởi mở, điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và những người khác cũng sẽ cảm nhận bạn theo hướng đó.

Xoắn chân

Những người e lệ, nhút nhát sử dụng điệu bộ xoắn chân.

 

Điệu bộ này hầu như chỉ được phụ nữ sử dụng và là dấu ấn riêng biệt của các phụ nữ e lệ, nhút nhát hay những người đôi lúc thích uốn éo. Trong tư thế này, một mũi bàn chân bên này vòng quanh chân bên kia để tạo cảm giác an toàn và cho thấy người thực hiện muốn thu mình vào trong vỏ bọc như một con rùa, tuy có thể là phần phía trên cơ thể của cô ta trông thoải mái thế nào đi nữa. Nếu bạn hy vọng “tách” được “con hến” này thì phải cần đến cách tiếp cận nồng nhiệt, thân thiện và có chừng mực.

Hai chân xếp song song

Do đặc điểm của xương chân và hông đàn ông khác với phụ nữ nên đa số đàn ông không thể ngồi ở tư thế này, do vậy nó trở thành một dấu hiệu đầy nữ tính. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hơn 86% nam giới tham gia vào các cuộc điều tra đánh giá về tư thế xếp chân đã bầu chọn đây là tư thế ngồi quyến rũ nhất của phụ nữ.

 

Đàn ông đã bầu chọn tư thế ngồi của phụ nữ mà họ thích nhất là tư thế xếp chân song song.

 

Một chân ép vào chân kia làm cho đôi chân trông có vẻ cứng cáp, trẻ trung hơn và điều này hấp dẫn đàn ông xét về góc độ tình dục. Đây là tư thế được dạy trong các lớp học cách đi đứng và làm người mẫu. Cần phân biệt tư thế này với tư thế bắt chéo và bỏ chân xuống liên tục khi người phụ nữ ngồi cùng với người đàn ông mà cô ta thích vì điệu bộ này nhằm thu hút sự chú ý của người đàn ông đến đôi chân của cô ta.

Đưa bàn chân ra hoặc rút bàn chân vào cho đúng

Người đàn ông trông mạnh mẽ với điệu vộ đưa một bàn chân lên phía trước và phô bày chạc chân; còn cô gái hoặc do dự hoặc không hứng thú.

 

Khi quan tâm đến câu chuyện hoặc người nào đó, chúng ta đưa một bàn chân lên phía trước để rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta và người đó. Còn nếu thờ ơ hoặc không quan tâm, chúng ta rút chân ra sau hoặc đưa chân vào gầm ghế nếu đang ngồi.

Ở hình trên, người đàn ông đang cố biểu lộ sự quan tâm đến người phụ nữ bằng cách sử dụng điệu bộ tán tỉnh tiêu biểu của nam giới: bàn chân đưa về phía trước, hai chân dang ra, phô bày chạc chân và mở rộng hai cánh tay để cố mở rộng tầm với và chiếm lấy nhiều không gian hơn.

Người phụ nữ cũng đồng thời sử dụng ngôn ngữ cơ thể “cấm vào” tiêu biểu của nữ giới: hai chân chụm lại, xoay cơ thể hướng ra ngoài, khoanh tay và thu hẹp không gian đứng. Có vẻ anh chàng này đang phí thời gian vô ích.

Tóm tắt

Bàn chân của chúng ta cho người khác biết chúng ta muốn đi đâu và chúng ta thích hoặc không thích ai. Nếu là phụ nữ, bạn hãy tránh bắt chéo chân đi ngồi cùng các nam doanh nhân, trừ phi bạn đang mặc váy chữ A hoặc váy xẻ dưới đầu gối. Hình ảnh cặp đùi của người phụ nữ làm phân tâm hầu hết đàn ông và làm lạc hướng thông điệp của cô gái. Họ sẽ nhớ cô ta là ai nhưng không ấn tượng lắm về những điều cô ta nói. Nhiều phụ nữ mặc váy ngắn khi làm việc bởi vì họ chịu áp lực của các phương tiện truyền thông. Hơn 90% người dẫn chương trình truyền hình nữ xuất hiện với váy ngắn và để lộ đôi chân. Hình ảnh này xuất phát từ các cuộc nghiên cứu cho thấy các nam khán giả sẽ xem chương trình này lâu hơn, nhưng các cuộc nghiên cứu tương tự cũng chứng mình là phụ nữ để lộ đôi chân càng nhiều thì đàn ông nhớ nội dung cô ta nói càng ít. Nguyên tắc ở đây rất đơn giản, đôi chân bắt chéo chỉ nên để lộ trong các cuộc gặp xã giao, không nên áp dụng tư thế này khi làm việc. Nếu bạn là đàn ông khi làm việc với phụ nữ, nên áp dụng 1 nguyên tắc, đó là khép đùi lại!

Bình luận
720
× sticky