Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm

Chương 9: … Và Rồi Bạn Chết

Tác giả: Mark Manson

“Hãy tự mình tìm kiếm sự thật, và tôi sẽ gặp cậu ở đó.”

Đó là điều cuối cùng mà Josh nói với tôi. Anh nói thế một cách đầy mỉa mai, cố gắng ra vẻ sâu sắc trong khi đồng thời chế nhạo những kẻ lúc nào cũng cố tỏ ra nguy hiểm. Lúc ấy anh say rượu và phê thuốc. Và anh là một người anh em tốt của tôi.

Thời khắc biến đổi sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi diễn ra khi tôi mười chín tuổi. Bạn tôi, Josh, dẫn tôi tới một bữa tiệc bên hồ nằm ngay ngoại ô phía bắc của thành phố Dallas, Texas. Nơi đó có những ngôi nhà cao cấp nằm trên một ngọn đồi và bên dưới ngọn đồi là một cái bể bơi, và bên dưới bể bơi là một vách đá nhìn xuống một cái hồ. Đó là một vách đá nhỏ, có lẽ cao chừng mười mét — chắc cũng đủ cao để khiến bạn suy nghĩ lại nếu như có ý định nhảy xuống, nhưng cũng đủ thấp để sự kết hợp của chất cồn và lời thách đố của bạn bè khiến cho cái ý nghĩ ấy tan đi nhanh chóng.

Ngay sau khi tới bữa tiệc, Josh và tôi cùng ngồi bên bể bơi, uống bia và nói chuyện với nhau như những thằng con trai trẻ tuổi lạc lõng vẫn thường làm. Chúng tôi hàn huyên về việc uống rượu và các ban nhạc và bọn con gái và toàn bộ mấy chuyện hay ho mà Josh làm vào hè rồi kể từ khi bỏ học ở trường nhạc. Chúng tôi nói về việc cùng nhau chơi trong một ban nhạc và chuyển tới thành phố New York — một giấc mơ bất khả thi vào thời điểm đó.
Chúng tôi khi ấy chỉ là những đứa trẻ.

“Nhảy từ trên này xuống có sao không nhỉ?” tôi hỏi sau một lúc im lặng, hất đầu về phía mỏm đá nằm ngay trên mặt hồ.
“Ừ,” Josh trả lời, “chúng nó vẫn làm thế suốt.”
“Anh có chơi không?”
Anh nhún vai. “Có thể. Để xem đã.”

Một lúc sau, Josh và tôi tách ra. Tôi bị hấp dẫn bởi một cô nàng châu Á xinh xắn thích trò chơi điện tử, mà với tôi, một đứa xì tin lập dị, thì na ná như là được trúng vé số vậy. Con bé chả có hứng thú gì với tôi sất, nhưng cô nàng cũng khá là thân thiện và vui vẻ trò chuyện với tôi, nên tôi cứ nói thôi. Sau vài cuốc bia, tôi gom đủ dũng khí để rủ nàng lên nhà trên lấy thức ăn với tôi. Cô nàng đồng ý.

Khi chúng tôi bò lên đồi, tôi va vào người Josh khi ấy đang trở xuống. Tôi hỏi anh có muốn ăn gì không, nhưng anh từ chối. Tôi hỏi anh tí nữa tôi tìm anh ở đâu. Anh mỉm cười và nói, “Hãy tự mình tìm kiếm sự thật, và tôi sẽ gặp cậu ở đó!”

Tôi gật đầu và làm mặt nghiêm chỉnh. “OK, em sẽ tìm anh ở đó,” tôi trả lời, cứ như thể ai cũng biết chính xác sự thật là gì và làm thế nào để có được nó.

Josh bật cười và đi bộ xuống đồi về phía mỏm đá. Tôi cũng cười và tiếp tục leo lên đồi về phía ngôi nhà.

Tôi không còn nhớ mình ở trong nhà bao lâu nữa. Tôi chỉ còn nhớ được rằng khi cô gái kia và tôi quay trở ra, mọi người đều đã giải tán và có tiếng còi xe cấp cứu. Bể bơi vắng tanh. Mọi người đang chạy xuống dưới đồi về phía bờ hồ bên dưới mỏm đá. Có những người đã ở dưới nước. Tôi có thể thấy vài gã đang bơi vòng quanh. Trời tối lắm và khó mà nhìn thấy được gì. Tiếng nhạc cứ vang đều đều, nhưng chẳng ai nghe cả.

Vẫn chưa thể làm nổi phép tính hai cộng hai, tôi vội vã chạy về phía bờ hồ, gặm mẩu bánh mỳ trong tay, tò mò việc mọi người đang tìm kiếm điều gì ở đó. Đi được nửa đường, cô nàng châu Á xinh đẹp nói với tôi, “Tớ nghĩ là có chuyện gì khiếp lắm xảy ra rồi.”

Khi tôi xuống được tới chân đồi, tôi hỏi ai đó rằng Josh đâu. Không ai nhìn tôi hay nhận ra tôi hết. Mọi người đều nhìn chăm chú vào mặt nước. Tôi hỏi lại lần nữa, và cô gái kia bắt đầu khóc lóc không ngừng.

Đấy là khi tôi cộng được hai và hai lại với nhau.

Các thợ lặn chuyên nghiệp phải mất tới ba giờ đồng hồ mới tìm được thi thể của Josh ở dưới đáy hồ. Pháp y sau đó kết luận rằng chân của anh bị chuột rút do mất nước vì rượu gây ra, cùng với tác động của việc nhảy từ trên vách đá xuống. Khi anh nhảy xuống trời quá tối, và mặt nước trong đêm, phủ một màu đen kịt. Không một ai có thể nhìn thấy anh kêu cứu từ nơi nào. Chỉ có tiếng đập nước. Chỉ có tiếng động mà thôi. Sau này cha mẹ anh nói với tôi rằng anh bơi rất kém. Tôi chẳng biết phải nói gì.

Đến mười hai tiếng sau đó tôi mới khóc được. Tôi khóc trên ô tô, trên đường về nhà ở Austin vào sáng ngày hôm sau. Tôi gọi ba và bảo với ông rằng tôi vẫn còn ở gần Dallas và tôi sẽ không có mặt kịp giờ làm việc. (Tôi làm việc cho ba mùa hè đó.) Ông hỏi, “Tại sao; có chuyện gì à? Mọi thứ có ổn không thế con?” Và đó là khi mọi thứ cứ tuôn ra: nước mắt tuôn như mưa. Rền rĩ và gào thét và xì mũi. Tôi đỗ xe lại bên lề đường và ôm lấy cái điện thoại và khóc lóc như một thằng nhóc vẫn thường khóc trước mặt ba nó.

Mùa hè năm ấy tôi rơi vào trầm cảm nghiêm trọng. Tôi nghĩ là tôi đã bị trầm cảm từ trước, nhưng giờ đây là cả một mức độ mới của cảm giác vô nghĩa — nỗi buồn sâu sắc đến nỗi tôi cảm thấy đau đớn cả về thể xác. Mọi người ghé qua và cố làm tôi vui lên, và tôi sẽ ngồi đó và nghe họ nói về tất cả những điều đúng đắn và làm tất cả những việc đúng đắn; và tôi sẽ bảo với họ rằng xin cảm ơn và họ mới thật tử tế làm sao vì đã ghé qua, và tôi sẽ cố nặn ra một nụ cười và nói dối và nói rằng tôi thấy khá hơn rồi, dù thực ra tôi chẳng cảm thấy gì hết cả.

Suốt vài tháng sau đó tôi vẫn mơ về Josh. Những giấc mơ về việc anh và tôi có những cuộc nói chuyện khó quên về sự sống và cái chết, cũng như về những điều ngẫu nhiên, vô nghĩa. Cho tới thời điểm ấy của cuộc đời tôi, tôi vẫn luôn là thằng ken thuộc tầng lớp trung lưu điển hình: lười biếng, vô trách nhiệm, sợ xã hội, và vô cùng tự ti. Josh, theo nhiều cách, là mẫu người mà tôi luôn hướng đến. Anh lớn tuổi hơn, tự tin hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn, và được chấp nhận cũng như cởi mở hơn đối với thế giới quanh mình. Ở một trong những giấc mơ cuối cùng của tôi về Josh, tôi ngồi trong bể tắm mát xa với anh (ừa, tôi biết chuyện này nghe kỳ lắm mà), và tôi nói điều gì đó kiểu như, “Em rất tiếc vì anh đã chết.” Anh bật cười. Tôi không nhớ chính xác lời anh nói, nhưng anh trả lời đại loại rằng, “Tại sao cậu lại quan tâm tới chuyện anh đã chết khi mà cậu vẫn sợ phải sống thế?” Tôi tỉnh giấc và rơi nước mắt.

Mùa hè ấy tôi ngồi trên chiếc đi-văng nhà mẹ, nhìn chằm chằm vào cái gọi là vực thẳm, nhìn thấy sự bất tận và hư vô không tài nào hiểu nổi nơi mà tình bạn của Josh từng ngự trị, khi mà tôi cuối cùng cũng nhận ra rằng nếu như thực sự không có lý do nào để làm bất cứ việc gì, thì cũng chẳng có lý do gì để không làm việc gì hết; rằng khi đối mặt với cái chết không thể tránh khỏi, thì chẳng có lý do gì để chùn bước trước nỗi sợ hãi hay xấu hổ hay nhục nhã của một con người, bởi vì rốt cuộc đó cũng chỉ là những điều vô nghĩa mà thôi; và rằng thông qua việc dành phần lớn quãng đời ngắn ngủi của tôi vào việc lảng tránh nỗi đau và lo lắng, tôi về cơ bản đã trốn tránh việc thực sự sống cuộc đời này.

Mùa hè năm ấy, tôi từ bỏ cần sa và thuốc lá và mấy trò chơi điện tử. Tôi từ bỏ giấc mơ về ngôi sao nhạc rock và từ bỏ trường nhạc và ghi danh vào một chương trình đại học. Tôi bắt đầu đi tập gym và giảm được nhiều cân. Tôi kết thân với những người bạn mới. Tôi có cô bạn gái đầu tiên. Lần đầu tiên trong đời tôi thật sự học hành nghiêm túc, khiến tôi nhận ra rằng tôi thực sự có thể đạt được thành tích tốt nếu mà tôi chịu khó. Mùa hè tiếp theo, tôi thử thách bản thân mình bằng việc đọc năm mươi cuốn sách trong vòng năm mươi ngày, và tôi đã làm được. Năm tiếp theo nữa, tôi chuyển tới một trường đại học nổi tiếng ở phía đầu bên kia đất nước, nơi tôi đạt hạng xuất sắc lần đầu tiên trong đời, cả về điểm số lẫn hoạt động xã hội.

Cái chết của Josh đánh dấu thời điểm rõ ràng nhất trước/sau khi tôi có thể xác định được cuộc đời mình. Trước tấn thảm kịch, tôi rụt rè, không tham vọng, mãi mãi ám ảnh và bị giới hạn bởi những điều tôi tưởng tượng ra về việc thế gian này nghĩ gì về tôi. Sau cái bi kịch ấy, tôi biến đổi thành một con người mới: có trách nhiệm, ham hiểu biết, chăm chỉ. Vẫn còn đó trong tôi những bất an và gánh nặng tư tưởng — như chúng ta vẫn luôn vậy — nhưng giờ đây tôi bận tâm tới những điều quan trọng hơn so với những nỗi bất an và gánh nặng trong lòng. Và điều ấy tạo nên một sự khác biệt hoàn toàn. Lạ thay, cái chết của một người khác cuối cùng lại mang đến cho tôi tờ giấy phép để thật sự sống. Và có lẽ thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi cũng chính là thời khắc mang tính bước ngoặt nhất.

Cái chết làm chúng ta sợ hãi. Và bởi vì cái chết khiến ta sợ hãi, chúng ta thường tránh phải suy nghĩ về nó, nói về nó, và đôi khi ngay cả nhận thức nó, ngay cả khi mà nó xảy đến với những người thân của mình.

Vâng, thật kỳ lạ, theo chiều ngược lại, cái chết là ánh sáng mà tại nơi đó chiếc bóng của toàn bộ ý nghĩa cuộc đời được cân đong. Nếu không có cái chết, tất cả mọi thứ đều có vẻ như thật tầm thường, mọi trải nghiệm đều thế nào cũng được, mọi thước đo và giá trị đều chỉ là con số không tròn trĩnh.

Ernest Becker[83] là một học giả bị xã hội ruồng bỏ. Vào năm 1960, ông nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành nhân loại học; luận án tiến sĩ của ông so sánh sự khác biệt và khác thường giữa việc hành thiền trong Phật giáo với việc chữa bệnh bằng phân tâm học. Ở thời điểm đó, Thiền được nhìn nhận như là thứ chỉ dành cho giới híp-pi và những kẻ nghiện ma túy, và học thuyết phân tâm học Freud được xem là một hình thức lang băm trong tâm lý học còn sót lại từ Thời kỳ Đồ đá.

Trong công việc đầu tiên của ông với tư cách là giáo sư trợ giảng, Becker nhanh chóng gia nhập vào đội ngũ lên án việc thực hành tâm thần học như một hình thức chủ nghĩa phát xít. Họ nhìn nhận việc thực hành này như là một hình thức áp bức phản khoa học chống lại những người yếu đuối và không được bảo vệ.

Vấn đề nằm ở chỗ sếp của Becker là một chuyên gia tâm thần học. Nên chuyện này giống như là bạn bước chân vào công việc đầu tiên trong đời và mạnh bạo ví sếp mình như là Hitler ấy.

Và bạn cũng có thể hình dung ra rồi đấy, ông bị đuổi việc.

Vậy nên Becker bưng những tư tưởng cấp tiến của mình tới nơi mà chúng có thể được chấp nhận: Berkeley, California. Nhưng cả ở đây nữa, ông cũng chẳng trụ được bao lâu.

Bởi không chỉ vì khuynh hướng chống đối tổ chức mới khiến Becker gặp rắc rối; mà còn bởi phương thức dạy học lạ lùng của ông nữa. Ông sẽ sử dụng các tác phẩm của Shakespeare để giảng dạy về tâm lý học, dùng giáo trình môn tâm lý học để giảng về nhân loại học, và các số liệu nhân loại học để giảng về xã hội học. Ông lên lớp với bộ trang phục của Vua Lear[84] và trình diễn mấy pha đấu kiếm và dông dài về mấy chủ đề chính trị chẳng liên quan gì mấy tới giáo án cả. Bọn sinh viên mê tít ông. Những người khác trong trường thì căm ghét ông. Chưa đầy một năm sau, ông lại bị sa thải.

Becker sau đó đặt chân đến sân trường đại học San Francisco State University, nơi ông thực sự giữ được công việc của mình lâu hơn một năm. Nhưng khi cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam nổ ra trong giới sinh viên, ban giám hiệu nhà trường cầu cứu tới Vệ binh quốc gia và sự việc trở nên mang hơi hướng bạo lực. Khi mà Becker chọn đứng về phía sinh viên và công khai chỉ trích các hành động của vị chủ nhiệm khoa (lại nữa, sếp của ông lại bị so sánh với Hitler và mọi thứ), thì ông, một lần nữa, bị sa thải ngay lập tức.

Becker thay đổi công việc bốn lần trong vòng sáu năm. Và trước khi ông bị sa thải lần thứ năm, thì ông bị ung thư đại tràng. Chuẩn đoán rất đáng lo ngại. Ông dành vài năm tiếp theo nằm trên giường bệnh và chẳng có mấy hi vọng sống sót. Vì vậy, Becker quyết định viết một cuốn sách. Cuốn sách về đề tài cái chết.

Becker mất vào năm 1974. Cuốn sách The Denial of Death (tạm dịch: Sự phủ nhận cái chết) của ông, giành giải thưởng Pulitzer và trở thành một trong những công trình tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ hai mươi, làm thay đổi lĩnh vực tâm lý học và nhân loại học, đồng thời đưa ra những quan điểm triết học sâu sắc mà vẫn còn mang tầm ảnh hưởng cho tới tận ngày nay.

The Denial of Death về cơ bản đưa ra hai quan điểm:

1. Con người là độc nhất vô nhị ở chỗ chúng ta là loài động vật duy nhất có khả năng tưởng tượng và tư duy về bản thân một cách trừu tượng. Lũ chó không ngồi một chỗ và lo lắng về sự nghiệp của chúng. Loài mèo không nghĩ về những sai lầm của chúng trong quá khứ và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng hành động theo cách khác. Loài khỉ không tranh cãi về những triển vọng trong tương lai, cũng giống như loài cá không ở một chỗ mà băn khoăn liệu con cá khác có còn mê nó nữa không nếu như vây của nó dài ra.

Là con người, chúng ta được ban phước với cái khả năng hình dung ra bản thân mình trong những tình huống mang tính giả thuyết, suy ngẫm cả về quá khứ lẫn tương lai, tưởng tượng ra những thực tại và tình huống khác mà ở đó sự việc có thể sẽ khác đi. Và Becker cho rằng, bởi vì cái khả năng trí tuệ độc đáo này, tất cả chúng ta, ở một điểm nào đó, nhận thức được sự không thể tránh khỏi của cái chết của chính chúng ta. Bởi vì ta có thể mường tượng ra những phiên bản khác nhau của thực tại, chúng ta cũng là loài động vật duy nhất có khả năng hình dung ra một thực tại mà không có sự hiện diện của ta trong đó.

Sự nhận thức này gây ra cái mà Becker gọi là “nỗi sợ cái chết,” một nỗi lo lắng sâu sắc ẩn dưới mọi điều mà ta nghĩ hay làm.

2. Quan điểm thứ hai của Becker bắt đầu với giả thuyết rằng về cơ bản chúng ta có hai “bản thân.” Cái tôi thứ nhất là cái tôi thể xác — thực hiện những việc như ăn, ngủ, ngáy, và đi đồng. Cái tôi thứ hai là cái tôi ý thức — bản ngã của chúng ta, hay việc chúng ta nhìn nhận bản thân mình ra sao.

Becker biện luận rằng: Tất cả chúng ta đều nhận thức được ở một mức độ nào đó rằng thân xác của ta cuối cùng rồi sẽ chết, rằng cái chết là không thể tránh khỏi, và rằng tính chất không thể tránh khỏi của nó — ở mức độ tiềm thức — khiến cho ta sợ vãi c*t. Do đó, nhằm cân bằng tâm lý về cái sự mất mát không thể tránh được này của thân xác ta, ta cố gắng xây dựng nên một cái tôi ý thức sẽ sống mãi. Đó là lý do vì sao mà con người ta miệt mài cố gắng trong việc gắn tên của họ vào các tòa nhà, trên các bức tượng, trên gáy của các cuốn sách. Đó là lý do vì sao mà ta lại buộc mình phải dành nhiều thời gian của bản thân ở bên những người khác, đặc biệt là lũ trẻ, với hi vọng rằng sự ảnh hưởng của ta — cái tôi ý thức ấy — sẽ còn trường tồn so với cái tôi thể xác của ta. Rằng chúng ta sẽ được nhớ tới và được tôn kính và được ngưỡng mộ mãi mãi về sau khi mà thân xác ta không còn tồn tại nữa.

Becker đặt tên cho cái nỗ lực này là “những dự án bất tử,” những dự án cho phép cái tôi ý thức của chúng ta sống qua cả thời điểm mà cái tôi thể xác của ta chết đi. Toàn bộ nền văn minh nhân loại, ông nói, về cơ bản là kết quả của những dự án bất tử: các thành phố và các chính phủ và các cơ cấu và các chính quyền hiện nay đều là những dự án bất tử của những người đàn ông và những người đàn bà đi trước chúng ta. Những cái tên như Jesus, Muhammad, Napoleon, và Shakespeare vẫn có sức mạnh ở hiện tại giống như thời kì mà họ còn sống, nếu không muốn nói là còn lừng lẫy hơn. Và đó là toàn bộ quan điểm. Cho dù là thông qua một kiệt tác nghệ thuật, khai phá một vùng đất mới, trở nên vô cùng giàu có, hay chỉ đơn giản là có được một gia đình lớn và yêu thương nhau sẽ được duy trì trong nhiều thế hệ, toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời chúng ta được định hình bởi cái khao khát bẩm sinh rằng không bao giờ thực sự chết đi.

Tôn giáo, chính trị, thể thao, nghệ thuật và tiến bộ khoa học đều là kết quả của những dự án bất tử của con người. Becker cho rằng chiến tranh và cách mạng và nạn diệt chủng xảy ra khi mà dự án bất tử của một nhóm người này va chạm với dự án bất tử của một nhóm người khác. Nhiều thế kỷ đàn áp và sự đổ máu của hàng triệu người được dùng để biện minh cho sự bảo vệ dự án bất tử của một nhóm người trước nhóm khác.

Nhưng, khi mà những dự án bất tử của chúng ta thất bại, khi mà ý nghĩa của chúng bị mất đi, khi mà viễn cảnh về cái tôi ý thức sống lâu hơn cái tôi thể xác của ta không còn khả thi nữa, nỗi khiếp sợ cái chết — mối lo khủng khiếp, tuyệt vọng ấy — quay trở lại tâm trí ta. Tổn thương có thể gây ra điều này, cũng như là nỗi tủi hổ và sự chế nhạo của xã hội. Và cũng có thể là bởi, như Becker chỉ ra, bệnh tâm thần.

Nếu như mà bạn còn chưa luận ra được, thì các dự án bất tử của chúng ta chính là hệ chân giá trị của ta đó. Chúng là cái phong vũ biểu cho việc cuộc đời ta có ý nghĩa như thế nào và đáng giá ra sao. Và khi mà hệ giá trị của chúng ta sụp đổ, thì chúng ta cũng vậy, đấy là nói theo quan điểm của tâm lý học. Điều mà Becker muốn nói, tóm lại, là chúng ta đều bị chi phối bởi nỗi sợ hãi nên mới quá bận tâm tới một điều gì đó, bởi vì việc quan tâm tới một điều gì đó là cách duy nhất giúp ta sao nhãng khỏi thực tại và cái chết không thể tránh khỏi của ta. Và việc thực sự đếch thèm quan tâm tới bất cứ điều gì chính là sự đạt tới trạng trái tâm linh của việc chấp nhận tính hữu hạn trong sự tồn tại của mỗi chúng ta. Ở trạng thái đó, một người sẽ không dễ rơi vào những dạng thức khác nhau của việc tự cho mình đặc quyền.

Becker sau đó đi tới một nhận thức gây sửng sốt khi đã sắp gần đất xa trời: rằng những dự án bất tử của con người thật sự là vấn đề, chứ không phải giải pháp; rằng thay vì cố gắng thi hành, thường là thông qua những lực lượng chết người, cái tôi ý thức của mình trên toàn thế giới, con người ta nên tự vấn về cái tôi ý thức của họ và bình thản hơn với thực tế về cái chết của mình. Becker gọi đó là “liều thuốc đắng,” và vật vã với việc tự thuyết phục bản thân trước cái ý niệm ấy trong khi ông đối diện với cái chết của chính mình. Dù cho chết có là một điều tồi tệ đi chăng nữa, thì nó là điều không thể tránh khỏi. Do đó, chúng ta không cần phải lảng tránh sự nhận thức này, thay vì thế ta hãy chấp nhận nó hết mức có thể. Bởi vì một khi chúng ta cảm thấy thoải mái với cái sự thực về cái chết của ta — nỗi khiếp sợ sâu xa, sự lo lắng nằm ẩn sâu bên dưới động cơ của mọi tham vọng phù phiếm trong cuộc đời — rồi ta sẽ có thể lựa chọn các giá trị của mình một cách tự do hơn, không bị cản trở bởi cuộc truy tìm phi lý cho sự bất tử, và giải thoát cho ta khỏi những quan điểm võ đoán đầy nguy hiểm.

Tôi bước lên hết hòn đá này tới hòn đá khác, leo lên từ từ, các bắp cơ nơi chân tôi căng ra và đau nhức. Trong trạng thái như bị thôi miên đến từ sự gắng sức chậm chạp, lặp đi lặp lại của cơ thể ấy, tôi đã gần leo tới đỉnh. Bầu trời rộng lớn và sâu thẳm. Lúc này tôi chỉ có một mình. Các bạn tôi còn ở xa bên dưới, bận rộn chụp lại cảnh biển.

Cuối cùng, tôi trèo qua một tảng đá nhỏ và khung cảnh mở ra trước mắt tôi. Tôi có thể thấy được từ đây đường chân trời xa tít mù khơi. Cảm giác cứ như thể tôi đang nhìn vào rìa trái đất, nơi mà biển cả tiếp giáp với bầu trời, màu xanh tiếp nối màu xanh. Gió rít lên bên người tôi. Tôi ngẩng đầu nhìn lên. Bời trời sáng sủa. Và đẹp vô cùng.

Tôi đang ở trên Mũi Hảo Vọng của đất nước Nam Phi, nơi từng được xem là điểm cực nam của châu Phi và của thế giới. Đây là một vùng đất dữ dội, một vùng đất đầy bão tố và những con nước dữ. Một nơi chốn chứng kiến các hoạt động buôn bán và thương mại và cả sự nỗ lực của con người qua nhiều thế kỷ. Một nơi chốn, thật trớ trêu thay, của niềm hi vọng bị đánh mất.

Có một câu nói như thế này trong tiếng Bồ Đào Nha: Ele dobra o Cabo da Boa Esperança. Nó có nghĩa là, “Anh đang đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng.” Mỉa mai thay, nó có nghĩa là cuộc đời của người ấy đã ở vào giai đoạn cuối cùng, rằng anh ta không còn khả năng hoàn thành bất cứ điều gì nữa.

Tôi bước qua tảng đá về phía đại dương, để cho sự bao la của nó nhấn chìm tầm mắt tôi. Tôi đổ mồ hôi lạnh. Phấn khích và hồi hộp. Là thế này sao?

Gió táp vào tai tôi. Tôi không nghe được gì hết cả, nhưng tôi nhìn thấy được từ phần rìa mỏm đá: nơi mà núi đá tiếp giáp sự lãng quên. Tôi dừng lại và đứng đó trong một vài phút, chỉ còn cách có vài mét nữa. Tôi có thể thấy được đại dương nằm bên dưới, bao phủ và tung bọt trắng xóa lên bờ đá kéo dài hàng dặm. Sóng triều giận dữ va vào bức tường đá kiên cố. Thẳng lên trên, là vách đá dựng đứng cao gần năm mươi mét so với mặt nước bên dưới.

Ở phía bên phải tôi, khách thăm quan rải rác quanh vùng đất bên dưới, chụp ảnh và tụ lại như một đoàn quân kiến. Bên tay trái tôi là châu Á. Trước mắt tôi là bầu trời và sau lưng là mọi thứ mà tôi từng kỳ vọng và mang theo bên mình.

Sẽ thế nào nếu như đây là nơi đó? Sẽ thế nào nếu như đây là tất cả?

Tôi nhìn quanh quất. Tôi chỉ có một mình. Tôi nâng bước chân đầu tiên hướng về rìa mỏm đá.

Cơ thể con người dường như được trang bị với một chiếc máy dò tự nhiên để phát hiện ra những tình huống dẫn tới cái chết. Ví dụ như, thời điểm bạn cách mép vực tầm ba mét, trừ đi trạng thái cảnh giác trước nguy hiểm, một sự căng thẳng sẽ ăn sâu vào cơ thể bạn. Lưng của bạn cứng lại. Da của bạn co lại. Mắt bạn bắt đầu căn siêu nét mọi chi tiết của môi trường xung quanh mình. Đôi chân bạn có cảm giác như được tạc từ đá. Cứ như thể có một cái nam châm rất lớn, vô hình nhẹ nhàng kéo cơ thể bạn về lại vùng an toàn.

Nhưng tôi chống lại cái nam châm ấy. Tôi lê từng bước chân được tạc từ đá tới gần mép vực.

Còn cách chừng hai mét nữa, tâm trí bạn cũng gia nhập vào lực lượng này. Lúc này bạn không chỉ nhìn thấy rìa mỏm đá, mà còn cả phía bên dưới nữa, và đủ mọi thể loại viễn cảnh không mong muốn của việc vấp chân và rơi xuống và lộn nhào dẫn tới cái chết te tua. Xa quá rồi đấy, tâm trí bạn cảnh báo. Như là, thật sự xa quá rồi đấy. Này anh bạn, cậu làm cái quái gì thế? Đừng đi nữa. Dừng lại ngay.

Tôi bảo tâm trí mình im miệng, và tiếp tục nhích về phía trước.

Còn một mét nữa, cơ thể bạn hoàn toàn chuyển sang mức báo động đỏ. Lúc này bạn chỉ còn cách việc kết thúc cuộc đời mình có một sợi dây giầy. Cảm giác như chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể thổi bay bạn về cái cõi vĩnh hằng có hai sắc xanh ấy. Chân bạn run rẩy. Và đôi tay cũng vậy. Và cả giọng nói của bạn nữa, trong trường hợp bạn cần nhắc nhớ bản thân rằng bạn sẽ không đâm đầu vào cái chết của chính mình.

Khoảng cách một mét là giới hạn tuyệt đối của hầu hết mọi người. Nó đủ gần để bạn thấy được đáy vực khi cúi người nhìn xuống, nhưng vẫn đủ xa để cho rằng bạn không thực sự đang mạo hiểm mà kết liễu đời mình. Đứng ở gần bờ vực đến mức này, ngay cả ở một nơi đẹp đẽ và đầy mê hoặc như Mũi Hảo Vọng, cũng gây ra cảm giác chóng mặt, và đe dọa sẽ làm phun trào bữa ăn gần nhất.

Là thế này sao? Tất cả là như thế này sao? Liệu tôi đã biết hết mọi điều mà tôi từng biết hay chưa?

Tôi bước thêm một bước nhỏ xíu xiu nữa, rồi thêm một bước nữa. Giờ còn lại nửa mét. Bàn chân tôi run lẩy bẩy khi tôi đặt cả sức nặng của cơ thể mình lên đó. Tôi tiếp tục di chuyển. Chống lại cái nam châm. Chống lại tâm trí tôi. Chống lại tất cả những bản năng sinh tồn nơi tôi.

Còn ba mươi xăng-ti-mét. Tôi lúc này nhìn thẳng xuống vực sâu. Tôi cảm thấy đột nhiên muốn khóc. Cơ thể tôi theo bản năng co lại, tự bảo vệ nó khỏi thứ gì đó không có thật và không thể giải nghĩa được. Gió nổi lên như bão. Những suy nghĩ tìm cách neo về bến cảng.

Ở khoảng cách ba mươi xăng-ti-mét bạn cảm thấy như thể mình đang trôi đi. Mọi thứ ngoại trừ khi nhìn xuống đều khiến bạn có cảm giác như thể bạn hòa làm một với bầu trời. Bạn chắc chắn rằng mình sẽ rơi xuống từ đây.

Tôi cúi xuống một lúc, điều hòa lại hơi thở, thu thập lại ý nghĩ. Tôi buộc mình phải nhìn xuống nơi bọt nước đập vào mặt đá dưới chân mình. Rồi tôi lại nhìn sang bên phải mình, về phía những con kiến nhỏ xíu đang cười rạng rỡ bên dưới kia, chụp hình, đuổi theo xe ô tô, với hi vọng lạ lùng rằng có ai đó sẽ nhìn thấy tôi. Sự khao khát được chú ý này hoàn toàn vô lý. Nhưng toàn bộ là như thế đó. Dĩ nhiên là họ không thể nhìn thấy được tôi ở nơi này. Và ngay cả khi mà họ thấy được, thì những con người ở khoảng cách xa nhường ấy liệu có thể nói hay làm được điều gì.

Tất cả những gì tôi nghe thấy được là tiếng gió.

Là như thế này sao?

Cả người tôi run rẩy, nỗi sợ hãi trở thành cơn phấn khích và sự mù quáng. Tôi tập trung tâm trí mình và xua tan đi các suy nghĩ như khi đang thiền định. Chẳng có gì lại khiến bạn ở trong hiện tại và toàn tâm toàn trí hơn việc chỉ còn cách cái chết của chính bạn có vài chục xăng-ti-mét nữa. Tôi thẳng người lên và nhìn lại, và tôi thấy mình mỉm cười. Tôi nhắc nhở bản thân mình rằng có chết thì cũng chẳng sao.

Sự bằng lòng này và ngay cả sự cởi mở khi đối diện với cái chết của một người có nguồn gốc từ cổ xưa. Những triết gia người Hi Lạp và La Mã cổ đại theo đuổi chủ nghĩa khắc kỷ[85] thường nhắc nhở mọi người rằng phải luôn luôn tâm niệm về cái chết ở mọi thời điểm, để biết trân trọng cuộc sống hơn và luôn khiêm tốn khi đứng trước nghịch cảnh. Ở nhiều trường phái Phật giáo, thiền định thường được truyền dạy như là một phương tiện để chuẩn bị cho cái chết trong khi vẫn còn đang sống. Hoà tan cái tôi vào trong cái chan hòa của hư vô — đạt tới trạng thái khai thị của cõi niết bàn — được xem như là sự thử nghiệm của việc đi tới bến bờ bên kia. Ngay cả Mark Twain[86], cái kẻ dởi hơi tóc tai bù xù tới từ sao chổi Halley[87] và rời đi cùng nó cũng từng nói rằng, “Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.”

Quay trở lại với vách đá, tôi cúi gập người xuống, dần dần ngả về phía sau. Tôi đặt hai tay mình xuống mặt đất phía sau và nhẹ nhàng đặt mông ngồi xuống. Rồi sau đó tôi từ từ di chuyển một chân qua mép vực. Có một tảng đá nhô ra từ vách đá. Tôi đặt chân mình lên đó. Rồi tôi di chuyển chân còn lại qua mép vực và đặt nó trên tảng đá nhỏ kia. Tôi ngồi như thế một lúc, dồn sức nặng cơ thể vào hai cánh tay, gió làm rối tung tóc tôi lên. Sự lo lắng giờ đã có thể chịu đựng được, miễn là tôi còn tập trung vào đường chân trời.

Rồi tôi ngồi thẳng dậy và nhìn xuống đáy vực lần nữa. Nỗi sợ hãi ập đến ngay tức khắc dọc theo sống lưng, làm tôi giật mình và buộc tôi tập trung tinh thần vào từng phân trên cơ thể mình. Nỗi sợ hãi tăng lên mỗi lúc. Nhưng mỗi lần nó bóp nghẹt tôi, tôi lại xua đi những suy nghĩ, tập trung sự chú ý của mình vào đáy vực bên dưới tôi kia, ép buộc mình phải nhìn vào sự diệt vong tiềm tàng ấy, và rồi đơn giản thừa nhận sự tồn tại của nó.

Lúc này đây tôi đang ngồi bên rìa thế giới, ở đỉnh cực nam của hi vọng, nơi cửa ngõ vào phương đông. Cảm giác ấy thật hưng phấn làm sao. Tôi có thể cảm thấy chất adrenaline[88] dâng trào trong cơ thể mình. Trở nên thật tĩnh tại, thật tỉnh táo, chưa bao giờ thấy xúc động nhường ấy. Tôi lắng nghe tiếng gió và ngắm nhìn đại dương và nhìn ra xa nơi tận cùng thế giới — và rồi tôi bật cười với ánh sáng, tất cả những nơi mà nó chạm tới đều đẹp đẽ khôn cùng.

Đối mặt với sự thật về cái chết của chúng ta là vô cùng quan trọng bởi vì nó xóa bỏ tất cả những giá trị tệ hại, mong manh, cạn cợt trong cuộc đời. Trong khi hầu hết mọi người phí hoài những tháng ngày của họ vào việc chạy theo vài đồng bạc cắc, hay thêm một chút ít danh tiếng và sự chú ý, hoặc thêm một chút ít sự chắc chắn rằng họ đã đúng hay được yêu, cái chết xuất hiện trước mắt tất cả chúng ta cùng với một câu hỏi đau đớn và quan trọng hơn nhiều: Gia tài của bạn có gì?

Thế giới này sẽ thay đổi và tốt đẹp hơn ra sao sau khi bạn ra đi? Bạn đã để lại dấu ấn gì? Bạn đã gây ra những ảnh hưởng gì? Người ta nói rằng con bướm đập cánh ở châu Phi có thể dẫn tới cả một cơn bão ở Florida[89]; ô, vậy bạn đã để lại cơn bão nào trong sự tỉnh thức của chính mình?

Như là Becker đã chỉ ra, điều này có thể cho thấy câu hỏi duy nhất thực sự quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta tránh né việc phải suy nghĩ về nó. Một là, bởi vì nó quá khó. Hai là, bởi vì nó đáng sợ. Ba là, bởi vì chúng ta đếch có cái manh mối nào về việc ta đang làm cái gì.

Và khi ta lảng tránh câu hỏi này, chúng ta để cho những giá trị tầm thường và hận thù chiếm trọn đầu óc chúng ta và kiểm soát những khao khát và tham vọng của chúng ta. Thiếu đi nhận thức về sự hiện hữu của cái chết, những điều giả tạo sẽ hiện ra như là việc quan trọng, và những điều quan trọng thì được nhìn nhận một cách hời hợt. Cái chết là điều duy nhất mà chúng ta có thể nhận biết với toàn bộ sự chắc chắn. Và vì vậy, nó phải là chiếc la bàn mà từ đó chúng ta định hướng tất cả những giá trị và quyết định khác. Đấy là câu trả lời đúng đắn cho mọi câu hỏi mà ta nên đặt ra nhưng chưa bao giờ thực hiện. Cách duy nhất để có thể bình thản trước cái chết là hiểu rõ và xem bản thân mình như một cái gì đó lớn hơn chính mình; là lựa chọn những giá trị vượt xa hơn cả việc phục vụ cho lợi ích của bản thân bạn, mà lại đơn giản và trực tiếp và dễ kiểm soát và bao dung đối với cái thế giới hỗn loạn xung quanh bạn. Đó là gốc rễ cơ bản của mọi sự hạnh phúc. Dù bạn có nghe theo Aristotle hay là một chuyên gia tâm lý học nào đấy ở Harvard hay là Chúa Jesus hay là cái ban nhạc Beatles chết tiệt kia đi nữa, thì tất cả đều sẽ nói với bạn rằng hạnh phúc đến từ cùng một điều: hãy quan tâm tới một điều gì đó lớn hơn chính bạn, hãy tin rằng bạn là một thành phần đóng góp vào một thực thể vĩ đại hơn nhiều, rằng cuộc đời bạn chỉ là một quy trình cận biên của một chuỗi dây chuyền không thể tưởng tượng được. Cái cảm giác này là lý do mà con người ta đến với nhà thờ; là lý do để họ lao vào những cuộc chiến tranh; là lý do để họ chăm lo cho gia đình mình và dành dụm từng đồng lương hưu và xây dựng những cây cầu và phát minh ra điện thoại di động: cái cảm giác thoáng qua này về việc là một phần của điều gì đó lớn hơn và khó hiểu hơn bản thân họ.

Và sự tự cho mình đặc quyền tước bỏ điều này khỏi chúng ta. Trọng lực của sự tự cho mình đặc quyền nuốt trọn mọi sự chú ý vào trong lòng nó, hướng về phía chúng ta, khiến cho ta cảm thấy rằng chúng ta là trung tâm của mọi vấn đề trong cái vũ trụ này, rằng chúng ta là kẻ duy nhất phải nhận lấy sự bất công, rằng chúng ta là người duy nhất xứng đáng được nhận những thứ cao quý hơn hẳn so với những người khác.

Dù cho đầy cám dỗ, sự tự cho mình đặc quyền sẽ cô lập chúng ta. Sự tò mò và hứng khởi của chúng ta đối với thế giới tự biến thành chính nó và phản ánh những thành kiến và dự đoán của chính chúng ta về mỗi người mà ta gặp và mọi sự kiện mà ta trải qua. Điều này có vẻ thật thú vị và hấp dẫn và có thể mang lại cảm giác tốt đẹp trong một thời gian, nhưng nó là liều thuốc độc dành cho tâm hồn.

Chính những điều này này hiện nay đang hành hạ chúng ta. Chúng ta nhìn chung là sống khá sung túc, nhưng về mặt tinh thần thì chịu dày vò theo nhiều cách thức tệ hại và hời hợt. Người ta từ bỏ mọi trách nhiệm, đòi hỏi xã hội phải phục vụ cho cảm xúc và cảm giác của họ. Người ta bám riết lấy những sự đoan chắc đầy độc đoán của mình và cố gắng áp đặt chúng lên những người khác, thường là một cách thô bạo, trên danh nghĩa những lý do chính đáng được tạo dựng. Con người ta, cao ngạo trong cái cảm giác vượt trội giả tạo, rơi vào sự ì trệ và tính thờ ơ bởi nỗi sợ hãi trước việc thử một điều gì đó đáng giá và thất bại trước nó.

Việc nuông chiều tâm trí hiện đại đã dẫn đến một xã hội cảm thấy rằng mình xứng đáng được nhận lấy điều gì đó mà không cần phải cố công vì nó, một bộ phận xã hội cảm thấy rằng họ có quyền đối với một điều gì đó mà không cần phải hi sinh vì chúng. Người ta tuyên bố rằng mình là những chuyên gia, doanh nhân, nhà phát mình, nhà tiên phong, chính khách phi đảng phái, và huấn luyện viên mà không có lấy một trải nghiệm cuộc sống thật sự. Và họ làm điều đó không phải bởi vì họ thực sự cho rằng mình vĩ đại hơn tất cả những người khác; họ làm vậy là bởi vì họ cảm thấy rằng mình cần phải vĩ đại để được chấp nhận trong một thế giới chỉ toàn tuyên truyền về sự phi thường.

Nền văn hóa của chúng ta ngày nay làm đảo lộn sự hết sức chú ý với thành công lớn lao, cho rằng chúng phải là một. Nhưng không phải vậy.

Bạn đã tuyệt vời sẵn rồi. Dù cho bạn có nhận ra điều này hay không. Dù cho có ai khác nhận ra được điều này hay không. Và đấy không phải bởi vì bạn viết ra được một ứng dụng dành cho iPhone, hay hoàn thành chương trình đại học sớm hơn một năm, hay tậu được một con tàu rất oách. Những điều này không định nghĩa được sự tuyệt vời nơi bạn.

Bạn tuyệt vời bởi vì khi đối mặt với những nỗi hoang mang bất tận và cái chết chắc chắn, bạn vẫn tiếp tục lựa chọn điều gì để bận tâm và điều gì không. Cái thực tế nhỏ bé này, cái lựa chọn giản đơn về những giá trị của bản thân bạn trong đời sống này, đã sẵn khiến cho bạn trở nên đẹp đẽ, đã sẵn khiến bạn thành công, đã sẵn khiến cho bạn được yêu thương. Ngay cả nếu như bạn không nhận ra điều đó. Ngay cả nếu như bạn đang ngủ dưới gầm cầu và đói khát.

Bạn nữa rồi cũng sẽ đến lúc chết đi, và đó là bởi vì bạn đã quá may mắn để được sống trên đời. Có lẽ bạn sẽ không cảm thấy như vậy. Nhưng thi thoảng hãy cứ thử đứng bên mép vực mà xem, và có lẽ bạn sẽ hiểu ra được điều ấy.

Bukowski từng viết, “Tất cả chúng ta rồi sẽ chết, tất cả. Và chuyện này vẫn thường được phóng đại quá đà! Chỉ điều đó thôi hẳn nên khiến ta yêu thương lẫn nhau, nhưng lại không phải vậy. Chúng ta bị những điều tầm thường vô nghĩa làm khiếp sợ và đánh bại; chúng ta bị nghiến ngấu chẳng vì điều gì cả.”

Tôi nhớ về cái đêm ấy, bên cái hồ kia, nơi tôi nhìn thấy thi thể của người bạn tên Josh được kéo lên khỏi hồ bởi các chuyên gia cứu hộ. Tôi nhớ rằng mình từng nhìn trân trối vào bầu trời đêm đen kịt của Texas và thấy cái bản ngã của mình dần tan biến vào trong đó. Cái chết của Josh đã dạy cho tôi nhiều hơn những gì tôi từng nhận ra trước đây. Phải, nó giúp tôi nắm lấy tháng ngày, có trách nhiệm với những lựa chọn của bản thân mình, và theo đuổi những giấc mơ với ít nỗi hổ thẹn và ức chế hơn.

Nhưng đây chỉ là những tác dụng phụ của một bài học quan trọng và sâu sắc hơn hẳn. Và bài học quan trọng nhất ở đây là: chẳng có gì phải sợ cả. Không bao giờ. Và việc liên tục nhắc nhớ bản thân về cái chết của chính mình suốt nhiều năm — dù là thông qua thiền định, đọc về các tác phẩm triết học, hay làm những việc điên rồ như đứng bên mép vực ở Nam Phi — là điều duy nhất giúp tôi nắm giữ sự nhận thức này trước mắt và ngay trong tâm thức mình. Việc chấp nhận cái chết, sự hiểu biết về cái sự mong manh của bản thân tôi, khiến cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn hẳn — giải quyết những thói nghiện của tôi, nhận dạng và đối diện sự tự cho mình đặc quyền nơi tôi, chấp nhận trách nhiệm của tôi trước những vấn đề của bản thân — vượt qua những nỗi sợ và sự bất an trong tôi, chấp nhận những thất bại và đón nhận sự từ chối — những điều ấy đều nhẹ nhàng hơn nhiều bởi ý nghĩ về cái chết của chính mình. Khi mà tôi càng nhìn kỹ vào bóng tối, cuộc đời càng trở nên sáng sủa hơn, thế giới càng trở nên yên ả, tôi càng ít cảm thấy sự kháng cự trong tiềm thức, ừ, trước bất điều gì.

Tôi ngồi đó trên đỉnh Mũi Hảo Vọng trong vòng vài phút, thu lấy tất cả mọi thứ. Khi cuối cùng tôi quyết định đứng dậy, tôi đặt tay ra phía sau và lùi lại. Rồi, chầm chậm, tôi đứng lên. Tôi kiểm tra mặt đất xung quanh mình — đảm bảo rằng không có hòn đá nào ở sai vị trí có thể làm tôi bị vấp ngã. Nhận thấy rằng tôi đã an toàn, tôi bắt đầu quay lại với thực tại — hai mét, ba mét — cơ thể tôi hồi lại với mỗi bước đi. Chân tôi trở nên nhẹ nhõm hơn. Tôi để cho chiếc nam châm cuộc đời hút tôi lại.

Khi tôi leo lên vài tảng đá, trở về con đường chính, tôi ngước nhìn lên và thấy một người đàn ông đang chằm chằm nhìn tôi. Tôi dừng lại và nhìn vào mắt anh ta.

“Ừm. Tôi thấy anh ngồi bên mép vực ở đằng kia,” anh ta nói. Anh ta có khẩu âm của người Úc. Cái từ “kia” tròn vành vạnh một cách kỳ cục trong miệng anh ta. Anh ta chỉ tay về phía Nam Cực.

“Vâng. Cảnh đẹp quá, nhỉ?” Tôi mỉm cười. Còn anh ta thì không. Anh ta nghiêm mặt nhìn tôi.

Tôi chùi tay vào quần, cơ thể tôi vẫn còn rền rĩ sau cuộc vận động. Bầu không khí trở nên im lặng đầy gượng gạo.

Anh chàng người Úc đứng đó một lát, bối rỗi, vẫn nhìn vào tôi, rõ là đang suy nghĩ xem sẽ nói điều gì tiếp theo. Sau một lúc, anh ta cẩn thận xâu chuỗi các từ ngữ lại với nhau.

“Mọi chuyện vẫn ổn chứ? Anh thấy thế nào rồi?”

Tôi lặng im trong chốc lát, rồi mỉm cười. “Sống. Tràn đầy sức sống.”

Sự nghi ngại của anh ta biến mất và lộ ra một nụ cười trên khuôn mặt. Anh ta gật đầu thật nhẹ và bước tiếp trên con đường mòn. Tôi đứng ở phía trên, nhìn rõ toàn cảnh, chờ đợi các bạn tôi lên đến nơi.

 

Bình luận