Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm

Chương 5: Bạn Luôn Luôn Lựa Chọn

Tác giả: Mark Manson

Hãy thử tưởng tượng rằng có ai đó dí súng vào đầu bạn và nói rằng bạn phải chạy 26,2 dặm (=48,5 km) trong vòng năm giờ, nếu không hắn ta sẽ giết bạn và mọi người trong nhà.

Nghe tệ nhỉ.

Giờ thì hãy tưởng tượng rằng bạn vừa mua một đôi giày và bộ đồ chạy mới, bạn nghiêm túc rèn luyện suốt mấy tháng, và hoàn thành cuộc thi chạy đường dài đầu tiên trong đời trước sự cổ vũ của toàn bộ người nhà và bạn bè thân thiết nơi vạch đích.

Có lẽ đó sẽ là một trong những giây phút đáng tự hào nhất trong đời bạn.

Cũng cùng 26,2 dặm. Cũng cùng một người hoàn thành nó. Cũng cùng cơn đau nhức nơi hai bắp đùi. Nhưng khi bạn tự do lựa chọn và chuẩn bị sẵn sàng vì nó, nó trở thành niềm vui chiến thắng và cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn. Khi bạn bị ép buộc, nó trở thành trải nghiệm tồi tệ và đau đớn nhất đời bạn.

Thường thì sự khác biệt duy nhất giữa một vấn đề gây đau đớn hay có ý nghĩa tốt đẹp chỉ là cảm giác về việc ta lựa chọn nó, và do đó ta phải chịu trách nhiệm trước nó.

Nếu như bạn thấy khổ sở trong tình cảnh hiện tại, rất có khả năng đó là bởi vì bạn cảm thấy có vài phần trong đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn – rằng đó là một vấn đề mà bạn không có khả năng giải quyết, một vấn đề mà theo cách nào đó lao vào bạn mà bạn không hề chọn lựa.

Khi mà chúng ta cảm thấy rằng ta đang lựa chọn vấn đề của mình, chúng ta thấy mình có được sức mạnh. Khi chúng ta cho rằng các vấn đề xảy đến không như ta mong muốn, ta cảm thấy mình là nạn nhân và đau khổ.

William James[40] cũng có những vấn đề. Những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Dù được sinh ra trong một gia đình giàu có và xuất chúng, kể từ khi ra đời James đã phải chịu đựng những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe: vấn đề về mắt khiến ông có một quãng thời gian bị mù khi còn nhỏ; hệ thống tiêu hóa kém gây nên chứng nôn mửa trầm trọng và phải tuân thủ chế độ kiêng khem hà khắc; có vấn đề về khả năng nghe; chứng đau lưng tồi tệ khiến ông nhiều khi không thể ngồi hay đứng thẳng được.  

Vì tình trạng sức khỏe như thế, James dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Ông không có nhiều bạn, và ông cũng không phải là học sinh xuất sắc. Thay vì vậy, ông dành phần lớn thời gian trong ngày để vẽ vời. Đó là thứ duy nhất mà ông thấy thích thú và là thứ duy nhất mà ông cảm thấy mình có khả năng.

Thật không may, không có ai khác cho rằng ông có khả năng ở mặt ấy. Khi ông trưởng thành, không một ai mua các tác phẩm của ông hết. Và khi năm tháng qua đi, cha ông (một thương gia giàu có) bắt đầu chế nhạo ông vì sự lười biếng và bất tài của ông.

Trong khi ấy, anh trai ông, Henry James[41], trở thành một tiểu thuyết gia lừng danh khắp thế giới; và chị gái ông, Alice James[42], cũng có một cuộc sống khá giả nhờ vào nghiệp viết. William là kẻ kỳ quặc, con chiên ghẻ của gia đình. 

Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu rỗi tương lai của chàng trai trẻ, cha của James sử dụng các mối quan hệ kinh doanh của mình để đưa James tới trường Y của ĐH Harvard. Đây là cơ hội cuối cùng, ông cụ bảo thế. Nếu như mà ông không làm nên cơm cháo gì, thì không còn hi vọng nào cho ông nữa.

Nhưng James chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái và thanh thản khi đến Harvard. Ngành y chẳng có gì hấp dẫn đối với ông hết. Suốt thời gian đó ông cảm thấy mình như một kẻ dối trá và giả tạo. Xét cho cùng, nếu như ông không thể vượt qua những vấn đề của mình, thì làm sao mà ông có thể hi vọng có được thứ năng lực để giúp những người cần giúp đỡ kia chứ? Sau khi tham quan khoa tâm thần học vào một ngày nọ, James suy ngẫm trong nhật ký của mình rằng ông cảm thấy ông có nhiều điểm chung với các bệnh nhân hơn là với mấy vị bác sĩ.

Vài năm trôi qua và, một lần nữa trong sự thất vọng của cha mình, James bỏ học trường Y. Nhưng thay vì đối mặt với sức ép từ cơn cuồng nộ của cha, ông quyết định ra đi: ông đăng ký tham gia cuộc thám hiểm về nhân loại học ở trong rừng rậm Amazon.   

Đó là vào những năm 1860, nên việc di chuyển giữa các lục địa là vô cùng gian nan và nguy hiểm. Nếu như bạn từng chơi trò Oregon Trail[43] trên máy tính khi còn bé, thì bạn có thể hình dung ra rồi đấy, với bệnh lỵ và những con thú có sừng rình rập dưới nước và mọi thứ.

Dù sao thì, James cũng một đường tới được Amazon, nơi mà chuyến phiêu lưu khi ấy mới thực sự bắt đầu. Thật đáng ngạc nhiên, sức khỏe yếu ớt của ông vẫn được duy trì trong suốt cuộc hành trình. Nhưng một khi ông đã tới được nơi, vào ngày đầu tiên của chuyến thám hiểm, ông bị nhiễm đậu mùa và suýt thì chết trong rừng.

Rồi chứng đau lưng của ông lại tái phát, đau đến mức James không thể đi lại. Vào lúc đó, ông gầy xơ xác và đói khát bởi bệnh đậu mùa, không di chuyển được bởi cơn đau lưng, vì bị bỏ lại một mình giữa vùng đất Nam Mỹ (những người còn lại của đội thám hiểm đã bỏ đi từ trước mà không có ông) mà không biết làm thế nào để về nhà – một cuộc hành trình phải mất hàng tháng trời và khiến ông có thể chết bất cứ lúc nào.

Nhưng theo một cách nào đó ông vẫn tìm được đường về New England, nơi ông được đón chào bởi một (hoặc có lẽ còn nhiều hơn) người cha thất vọng. Khi ấy chàng trai trẻ đã không còn trẻ nữa – gần ba xịch rồi chứ có ít đâu, vẫn thất nghiệp, thất bại trước mọi thứ mà ông thử sức, và một cơ thể thường xuyên phản bội ông và chẳng có vẻ gì là sẽ khá hơn cả. Mặc cho tất cả những lợi thế và cơ hội mà ông đã được trao cho trong đời, mọi thứ đều hỏng bét. Thứ duy nhất không thay đổi có lẽ là sự đau khổ và thất vọng. James rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng và bắt đầu lên kế hoạch tự vẫn.

Nhưng vào một đêm nọ, trong khi đọc bài viết của triết gia Charles Peirce[44], James quyết định sẽ tiến hành một thí nghiệm nhỏ. Trong cuốn nhật ký của mình, ông viết rằng ông sẽ giành ra một năm để tin rằng ông chịu trách nhiệm 100% với tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời ông, dù có là gì đi nữa. Trong suốt quãng thời gian này, ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để thay đổi hoàn cảnh, dù khả năng thất bại có cao đến đâu. Nếu như không có gì tiến triển trong năm ấy cả, thì nó sẽ cho thấy rành rành rằng ông thực sự bất lực trước hoàn cảnh xung quanh mình, và rằng ông có tự sát cũng chưa muộn.

Nút mở của câu chuyện? William James trở thành cha đẻ của ngành tâm thần học nước Mỹ. Các công trình nghiên cứu của ông được dịch ra vô số thứ tiếng, và ông được xem là một trong những nhà tư tưởng/triết gia/tâm lý học có tầm ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông. Ông đến dạy ở trường Harvard và giảng bài cả ở nhiều nơi khác trên toàn nước Mỹ và châu Âu. Ông kết hôn và có năm đứa con (một trong số chúng, Henry[45], trở thành một người nổi tiếng và đạt giải thưởng Pulitzer). James sau này gọi thí nghiệm nhỏ của ông là “tái sinh,” và gắn nó với mọi thứ mà ông đạt được về sau trong cuộc đời.

Dường như đó là một sự nhận biết đơn giản mà từ đó tất cả những sự tiến bộ và phát triển cá nhân đều xuất hiện. Đó là sự nhận thức rằng chúng ta, với tư cách là mỗi cá nhân, đều chịu trách nhiệm trước mọi điều trong cuộc đời ta, dù cho ngoại cảnh có là gì đi chăng nữa.

Chúng ta thường không thể kiểm soát những gì xảy đến với mình. Nhưng mà ta luôn kiểm soát cách thức mà ta lý giải những gì xảy đến với ta, cũng như cách thức mà ta phản ứng lại trước chúng.

Dù ta có ý thức về việc nhận biết nó hay không, chúng ta luôn chịu trách nhiệm đối với những trải nghiệm của mình. Thật khó để không làm điều này. Việc lựa chọn không diễn giải các sự kiện trong đời ta thì vẫn là một sự lý giải các sự kiện trong đời ta. Việc lựa chọn không phản ứng lại các sự kiện trong đời mình thì vẫn là một sự phản ứng đối với các sự kiện trong đời. Ngay cả khi bị một chiếc xe xấu xí chẹt phải hay bực bội với một chiếc xe buýt chở đầy học sinh, thì đó vẫn là trách nhiệm của bạn để lý giải ý nghĩa của sự việc ấy và lựa chọn cách phản ứng.

Dù ta có thích như thế hay không, chúng ta vẫn luôn đóng vai trò chủ động trước những gì diễn ra đối với chúng ta và bên trong chúng ta. Chúng ta luôn diễn giải ý nghĩa của mọi thời khắc và mọi sự kiện. Chúng ta luôn luôn lựa chọn các giá trị mà ta dựa vào để sống và các thước đo mà ta dùng để đánh giá mọi điều xảy đến với mình. Thường thì cùng một sự kiện có thể là tốt hoặc xấu, lệ thuộc vào cái thước đo mà chúng ta sử dụng.

Vấn đề là, chúng ta luôn luôn lựa chọn, dù ta có nhận ra điều đó hay không. Luôn luôn.

Điều này lại quay trở lại với vấn đề là làm sao mà, trong thực tế, lại có chuyện không bận tâm tới bất cứ điều gì hết. Điều đó là không thể. Tất cả chúng ta đều phải bận tâm tới một thứ gì đó. Không quan tâm tới gì cả vẫn có nghĩa là quan tâm tới một thứ nào đấy.

Câu hỏi thật sự ở đây là, Chúng ta lựa chọn quan tâm tới vấn đề gì? Bạn lựa chọn những giá trị nào để đưa ra hành động? Chúng ta lựa chọn thước đo nào để đánh giá cuộc đời mình? Và liệu đó có phải là những lựa chọn tốt— những giá trị đúng đắn và những thước đo đúng đắn?

Nhiều năm về trước, khi tôi vẫn còn trẻ măng và ngu muội, tôi đã viết một bài blog, và cuối bài tôi chốt lại đại loại như, “Và như một triết gia nọ từng nói: ‘Quyền năng càng lớn thì trách nhiệm càng cao.’” Nghe thật hay ho và đáng tin cậy. Tôi không thể nhớ được ai đã nói câu ấy, và tôi chẳng tìm thấy gì khi tìm kiếm trên Google hết cả, nhưng tôi vẫn cứ trưng câu ấy lên đó. Nó hoàn toàn phù hợp với nội dung bài viết.

Khoảng mười phút sau, bình luận đầu tiên xuất hiện: “Tôi nghĩ rằng ‘triết gia vì đại’ mà cậu nói tới chính là ông bác Ben trong bộ phim Người Nhện đấy.”

Và một triết gia vĩ đại khác từng nói, “Đô!”

“Quyền năng lớn cũng đồng nghĩa với trách nhiệm to lớn.” Lời nói sau cuối của bác Ben trước một tên trộm mà Peter Parker thả đi đã sát hại ông bên lề đường đông người qua lại mà không vì một lý do gì hết cả. Đó chính là vị triết gia vĩ đại.

Dù sao, thì tất cả chúng ta đã từng nghe thấy câu danh ngôn ấy. Nó được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần – thường là một cách đầy mỉa mai và sau khoảng bảy cốc bia. Nó là một trong những câu nói tuyệt vời thực thông thái, và nó về cơ bản chỉ nói cho bạn biết những điều mà bạn đã biết rồi, dù cho có thể bạn chưa từng nghĩ về vấn đề này trước đó.

“Quyền năng lớn đồng nghĩa với trách nhiệm lớn lao.”

Đúng vậy. Nhưng vẫn còn có một phiên bản hay ho hơn của câu nói này, một phiên bản mà thực sự sâu sắc, và tất cả những gì bạn cần phải làm là đổi chỗ các danh từ cho nhau: “Với trách nhiệm lớn sẽ mang đến quyền năng lớn lao.” 

Chúng ta càng lựa chọn việc chấp nhận trách nhiệm trong cuộc đời mình, thì ta sẽ càng được rèn luyện nhiều hơn trong cuộc đời. Chấp nhận trách nhiệm trước những vấn đề của chúng ta do đó là bước đi đầu tiên để giải quyết chúng.

Tôi có biết một người đàn ông khăng khăng tin rằng lý do mà không một người phụ nữ nào chịu hẹn hò với anh ta là bởi vì anh ta quá lùn. Anh ta là một người đàn ông có học vấn, thú vị, và đẹp trai — thực sự là một món hời, về cơ bản là vậy — nhưng anh ta cứ khăng khăng rằng các chị em nghĩ anh ta lùn quá nên chẳng chịu cặp kè.

Và bởi vì anh ta cảm thấy rằng mình quá thấp, nên anh ta không thường ra ngoài và cố gắng gặp gỡ đám đàn bà con gái. Chỉ một vài lần làm vậy, anh ta luôn tâm niệm trước bất kỳ một cử chỉ nhỏ nhất từ một người phụ nữ nào mà anh ta nói chuyện cùng rằng đó có thể là sự ám chỉ về việc anh ta không đủ hấp dẫn đối với cô ấy và rồi anh ta tự thuyết phục mình rằng cô ấy không có hứng thú với anh ta, dù cho thực sự là có. Và như bạn có thể hình dung, đời sống yêu đương của anh ta vô cùng bi đát.

Điều mà anh ta không nhận ra là anh ta đã lựa chọn giá trị làm tổn thương bản thân: chiều cao. Phụ nữ, anh ta kết luận, bị hấp dẫn bởi chiều cao. Anh ta chẳng có cơ hội nào hết cả, cho dù có làm gì đi nữa.

Sự lựa chọn về giá trị này đã tước đi mất thế mạnh của anh ta. Nó mang tới cho người đàn ông này một vấn đề vô cùng tệ hại: không đủ cao trong một thế giới chỉ dành cho (trong nhận thức của anh ta) những kẻ cao ráo. Anh ta đáng lý ra có thể chấp nhận nhiều giá trị khác hay ho hơn rất nhiều trong đời sống hẹn hò của mình. “Tôi chỉ muốn hẹn hò với người phụ nữ yêu thích tôi vì chính con người tôi” có thể là một điểm khởi đầu tốt — một thước đo mà gắn liền với các giá trị về sự chân thành và chấp nhận. Nhưng anh ta lại không chọn lấy những giá trị này. Mặc dù anh ta không nhận ra điều này, nhưng anh ta là người phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề của mình.

Mặc kệ cái trách nhiệm này, anh ta vẫn tiếp tục ca thán: “Nhưng tôi không có lựa chọn nào cả,” anh ta than thở với tay pha chế rượu bên quầy bar. “Tôi chẳng thể làm được gì cả! Đàn bà bọn họ giả tạo và hời hợt lắm và sẽ chẳng bao giờ thích tôi hết!” Vâng, đó là lỗi của mỗi một người đàn bà vì đã không thích thằng cha nông cạn, tự thương hại bản thân với những giá trị ngớ ngẩn này. Dĩ nhiên rồi.

Rất nhiều người lần lữa trong việc gánh lấy trách nhiệm trước những vấn đề của họ bởi vì họ tin rằng có trách nhiệm đối với vấn đề của mình cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận lỗi trước những vấn đề ấy.

Trách nhiệm và lỗi lầm thường đi liền với nhau trong nền văn hóa của chúng ta. Nếu như tôi đâm vào xe của bạn, tôi vừa phạm lỗi vừa lãnh trách nhiệm bồi thường theo pháp lý cho bạn theo một cách nào đó. Ngay cả khi tôi chỉ vô tình lao xe vào bạn, thì tôi vẫn phải chịu trách nhiệm. Đó là cách vận hành của việc phạm lỗi trong xã hội của chúng ta: nếu như bạn làm hư hại, bạn phải sửa chữa nó. Và nó nên diễn ra như thế.

Nhưng còn có cả những vấn đề mà không phải là lỗi của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm trước chúng.

Ví dụ như, nếu như bạn thức dậy vào một ngày nọ và nhìn thấy một đứa bé sơ sinh trước thềm nhà, có thể đấy không phải là lỗi của bạn khi đứa bé được đặt ở đó, nhưng đứa bé giờ đây đã trở thành trách nhiệm của bạn. Bạn sẽ phải lựa chọn xem cần làm gì. Và dù cho cuối cùng quyết định của bạn có ra sao đi nữa (giữ đứa bé, vứt nó đi chỗ nào đó, bỏ mặc nó, vứt nó cho một con chó bull), thì vấn đề sẽ nảy sinh cùng với lựa chọn của bạn – và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho những điều này nữa.  

Các vị thẩm phán đâu có được quyền lựa chọn các vụ án. Khi một vụ án được đưa lên tòa, vị thẩm phán được bổ nhiệm cũng đâu có thực hiện hành vi phạm pháp, mà cũng chẳng phải là nhân chứng của tội ác, và cũng chẳng bị ảnh hưởng gì của việc phạm tội, nhưng ông ấy hay bà ấy sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm trước vụ án. Vị thẩm phán sau đó sẽ phải lựa chọn kết quả; ông ấy hoặc bà ấy sẽ phải xác định thước đo để đánh giá tội ác và đảm bảo rằng thước đo mình lựa chọn sẽ được thực thi.

Chúng ta đều chịu trách nhiệm trước những trải nghiệm không phải là lỗi của chúng ta ở mọi thời điểm. Đó là một phần của cuộc sống.

Đây là một cách để suy nghĩ về sự khác biệt giữa hai quan điểm này. Lỗi lầm là thì quá khứ. Trách nhiệm là thì hiện tại. Lỗi lầm là kết quả của những lựa chọn đã được thực hiện. Trách nhiệm là kết quả của những lựa chọn mà bạn đang tiến hành, vào mọi giây phút của mọi ngày. Bạn lựa chọn việc đọc cuốn sách này. Bạn lựa chọn việc suy nghĩ về quan điểm này. Bạn lựa chọn việc chấp nhận hay phủ định những quan điểm ấy. Đó có thể là lỗi của tôi nếu bạn cho rằng mấy ý tưởng của tôi thật là dớ dẩn, nhưng bạn phải chịu trách nhiệm cho việc đi tới kết luận của mình. Không phải là lỗi của bạn khi tôi lựa chọn viết ra dòng này, nhưng bạn vẫn chịu trách nhiệm vì đã lựa chọn đọc nó (hoặc không).   

Có sự khác biệt giữa việc đổ lỗi cho người khác về hoàn cảnh của bạn và việc người đó thực sự chịu trách nhiệm trước hoàn cảnh của bạn. Không một ai khác chịu trách nhiệm trước tình thế của bạn ngoại trừ chính bạn ra. Nhiều người có thể sẽ bị buộc tội vì sự bất hạnh của bạn, nhưng không một ai chịu trách nhiệm trước việc bạn không hạnh phúc trừ bạn ra. Đó là bởi vì bạn luôn là người lựa chọn cách thức mà mình nhìn nhận sự việc, cách thức mà bạn phản ứng trước các sự việc, và cách thức bạn đánh giá chúng. Bạn luôn lựa chọn thước đo để đánh giá các trải nghiệm của mình.

Cô bạn gái đầu tiên của tôi đã đá tôi một cách vô cùng hoành tráng. Cô nàng bỏ tôi mà đi với thầy giáo của cô ta. Quá tuyệt. Và khi nhắc đến thật tuyệt, ý của tôi là nó cảm giác như thể bạn bị đấm vào bụng khoảng 253 lần ấy. Để khiến cho mọi việc tệ hơn, khi tôi chất vấn cô ta về chuyện này, cô ta chỉ đơn giản là bỏ tôi mà đi theo thằng cha kia. Ba năm bên nhau, bị vứt toẹt đi như vậy đấy.

Tôi đau khổ hàng tháng trời sau đó. Đấy là điều tương đối dễ hiểu. Nhưng tôi cũng cho rằng cô ta là người phải chịu trách nhiệm cho sự đau khổ của tôi. Và điều này chẳng dẫn tôi tới đâu hết cả. Chỉ khiến cho nỗi đau càng thêm trầm trọng.

Này nhé, tôi đâu có thể điều khiển được cô ấy. Dù tôi có gọi cho cô ấy bao nhiêu lần, chửi bới, hay cầu xin cô ấy quay lại bên tôi, hay đường đột đến nhà cô ấy, hay làm những việc nhảm nhí và ngớ ngẩn mà một thằng bồ cũ vẫn thường làm, tôi không thể nào mà điều khiển nổi các cảm xúc hay hành động của cô ấy. Rốt cục thì, khi cô ấy bị buộc tội về việc tôi cảm thấy ra sao, thì cô ấy không bao giờ phải chịu trách nhiệm trước những cảm xúc của tôi. Phải là tôi mới đúng.

Tại một thời điểm, sau khi đã khóc lóc và giải sầu đủ với rượu, suy nghĩ của tôi bắt đầu thay đổi và tôi bắt đầu hiểu ra rằng cho dù cô ấy đã làm điều tồi tệ đối với tôi và cô ấy có thể bị buộc tội vì thế, thì giờ đây việc để tôi có thể hạnh phúc trở lại là trách nhiệm của tôi. Cô ấy sẽ không bao giờ bất ngờ xuất hiện và sửa chữa mọi việc cho tôi. Tôi cần phải tự mình thực hiện điều đó.

Khi tôi thực hiện cách tiếp cận đó, một số điều đã xảy ra. Trước hết, tôi bắt đầu cải thiện bản thân mình. Tôi bắt đầu tập thể dục và dành nhiều thời gian với bạn bè hơn (những người mà tôi đã bỏ bê trước đó). Tôi bắt đầu thong thả gặp gỡ người mới. Tôi ghi danh vào một chương trình du học và làm tình nguyện viên. Và từ từ, tôi bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Tôi vẫn còn bực tức với cô người yêu cũ của mình về những điều cô ta đã làm. Nhưng ít nhất thì giờ đây tôi đang chịu trách nhiệm trước cảm xúc của chính mình. Và bằng cách làm như vậy, tôi đã chọn lựa những giá trị tốt đẹp hơn – những giá trị nhắm tới việc quan tâm tới chính bản thân tôi, học cách để cảm nhận tốt đẹp về bản thân tôi, thay vì cứ nhắm vào việc mong cô ấy hàn gắn những điều mà cô ấy đã phá vỡ.

(Nhân tiện, toàn bộ cái “cô ta phải chịu trách nhiệm cho tâm trạng của tôi” có thể là một phần của lý do vì sao cô ấy lại bỏ tôi mà đi. Tôi sẽ nói sâu hơn về vấn đề này trong vài chương tới.)

Rồi thì, khoảng chừng một năm sau đó, một chuyện khá buồn cười đã xảy ra. Khi mà tôi nhìn lại mối quan hệ của chúng tôi, tôi bắt đầu nhận ra các vấn đề mà tôi chưa từng lưu tâm tới trước đây, những vấn đề như tôi là người có lỗi và rằng tôi đáng lẽ ra đã có thể làm điều gì đó để sửa chữa chúng. Tôi nhận ra rằng có lẽ tôi cũng chẳng phải là một thằng người yêu tuyệt vời gì cho cam, và rằng chẳng ai tội tình gì lại đi phản bội nửa kia của mình cả trừ khi ở bên người ấy khiến cho họ không được hạnh phúc vì một nguyên nhân nào đó.

Tôi không nói rằng điều này biện minh cho những gì mà người yêu cũ của tôi đã làm – không hề. Nhưng việc nhận ra những sai lầm của bản thân giúp tôi nhận thức được rằng có lẽ tôi cũng chẳng phải là một nạn nhân vô tội mà tôi cứ nằng nặc vin vào trước đó. Rằng tôi đóng một vai trò nhất định trong việc cho phép cái mối quan hệ khốn nạn này duy trì lâu đến như vậy. Tóm lại là, nồi nào úp vung đấy cả mà thôi. Và nếu như tôi đã cặp kè với một người có những giá trị tệ hại trong thời gian dài như thế, thì điều ấy nói gì về tôi và những giá trị của tôi đây? Tôi ngộ ra bài học xương máu rằng nếu những người ở trong mối quan hệ của bạn là ích kỷ và làm những điều tệ hại, thì có nghĩa là bạn cũng như vậy, chẳng qua là bạn không nhận ra mà thôi.

Trong sự nhận thức muộn màng ấy, tôi đã có thể nhìn lại quá khứ và thấy được những tín hiệu cảnh báo từ tính cách của cô người yêu cũ, những dấu hiệu mà tôi đã lựa chọn lờ đi và xí xóa khi ở bên cô ấy. Đó chính là lỗi của tôi. Tôi đã có thể nhìn lại và thấy rằng đối với cô ấy, tôi hoàn toàn không phải là Chàng Người Yêu Của Năm gì hết. Thực ra, tôi thường đối xử với cô ấy lạnh lùng và kiêu ngạo; đôi lúc tôi thậm chí còn lợi dụng và làm tổn thương cô ấy. Những điều này cũng là lỗi của tôi.   

Liệu có phải những sai lầm của tôi đang biện minh cho những lỗi lầm của cô ấy? Không. Nhưng dù sao, tôi vẫn phải lãnh trách nhiệm cho việc không được để cho những sai lầm này lặp lại lần nữa, và không được phép bỏ qua những sai lầm tương tự như thế nữa, để nhằm đảm bảo rằng tôi sẽ không phải rơi vào hoàn cảnh tương tự nữa. Tôi phải chịu trách nhiệm trong việc cố gắng khiến cho chất lượng mối quan hệ trong tương lai của mình với phụ nữ trở nên tốt đẹp hơn. Và tôi rất vui sướng được thông báo rằng đúng là vậy. Không còn có cô bồ nào cắm sừng tôi nữa cả, không có thêm 253 cú đấm vào bụng nào nữa cả. Tôi nhận trách nhiệm cho những vấn đề của mình và cải thiện chúng. Tôi lãnh trách nhiệm cho vai trò của mình trong một mối quan hệ không lành mạnh và cố gắng cải thiện trong những mối quan hệ sau này.

Và bạn biết sao không? Việc cô người yêu cũ rời bỏ tôi, dù là một trong những kỷ niệm tồi tệ nhất cuộc đời mình, cũng là một trong những trải nghiệm quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất cuộc đời tôi. Tôi cho rằng nó đã khiến tôi trưởng thành rất nhiều. Tôi học được từ một vấn đề đơn lẻ ấy nhiều hơn nhiều so với hàng tá những sự thành công khác trong đời tôi gộp lại.

Chúng ta đều yêu thích việc nhận trách nhiệm trước thành công và hạnh phúc. Giời ạ, chúng ta thường tranh cãi về việc ai là người có trách nhiệm trước thành công và hạnh phúc. Nhưng việc lãnh trách nhiệm cho những vấn đề của chúng ta còn quan trọng hơn thế, bởi vì đó mới là nơi mà những kinh nghiệm được rút ra. Đó mới chính là nơi mang tới những tiến bộ thực sự trong cuộc sống. Việc đổ lỗi cho những người khác chỉ đơn giản làm tổn thương chính bạn mà thôi.

Nhưng thế còn những sự kiện thực sự tồi tệ thì sao? Rất nhiều người có thể chấp nhận việc lãnh trách nhiệm trước những vấn đề liên quan tới công việc và việc xem quá nhiều TV trong khi lẽ ra họ nên dành thời gian để chơi với con cái. Nhưng khi những bi kịch khủng khiếp xảy ra, họ giật cái phanh khẩn cấp trên chuyến tàu trách nhiệm và nhảy ngay xuống khi tàu dừng lại. Có những điều là quá đỗi đau khổ để thừa nhận.

Nhưng hãy nghĩ về điều này: tính dữ dội của sự việc không hề làm thay đổi sự thật ẩn sâu bên trong nó. Nếu như bạn bị cướp, giả sử là vậy, hiển nhiên đó đâu phải là lỗi của bạn. Chẳng có ai lại tình nguyện trải qua điều này cả. Nhưng cũng giống như đứa trẻ bị bỏ lại nơi bậc thềm nhà bạn vậy, bạn ngay lập tức bị đẩy vào việc chịu trách nhiệm cho một tình huống sống còn. Bạn có chống lại kẻ cướp không? Bạn có hoảng loạn không? Bạn có đứng im không? Bạn có báo cảnh sát không? Bạn có cố quên đi sự việc ấy và vờ như nó chưa từng xảy ra hay không? Tất cả những điều này đều là những lựa chọn và phản ứng mà bạn có trách nhiệm thực hiện hoặc chối bỏ. Bạn không lựa chọn việc bị cướp bóc, nhưng trách nhiệm của bạn trong việc kiểm soát những cảm xúc và hậu quả về mặt tinh thần (và cả pháp luật) đối với sự việc thì vẫn còn đó.

Vào năm 2008, Taliban đã giành quyền kiểm soát Thung lũng Swat, một vùng đất hẻo lánh nằm ở phía đông bắc của Pakistan. Họ nhanh chóng thực thi chính sách Hồi giáo hà khắc của mình ở đó. Không TV. Không phim ảnh. Phụ nữ không được phép ra khỏi nhà mà không có đàn ông đi cùng. Các trẻ em gái không được đến trường.

Vào năm 2009, một bé gái mười một tuổi người Pakistan tên Malala Yousafzai[46] bắt đầu lên tiếng về vấn nạn cấm trẻ em gái đi học. Cô bé vẫn tiếp tục đi học ở trường học địa phương, mạo hiểm tính mạng của cả bản thân cô bé lẫn cha mình; cô bé cũng tham dự cả các hội nghị ở những thành phố lân cận nữa. Cô bé viết trên mạng, “Làm sao mà lực lượng Taliban lại dám tước đi quyền được giáo dục của cháu?”

Năm 2012, ở tuổi mười bốn, cô bé bị bắn vào đầu khi đang ngồi trên xe buýt về nhà sau khi tan học vào một ngày nọ. Một tên lính Taliban đeo mặt nạ đã bước lên xe buýt với khẩu súng trường và hỏi, “Ai là Malala? Nói cho tao biết, nếu không tao bắn hết những đứa ở đây.” Malala xác nhận danh tính bản thân (một sự lựa chọn vô cùng dũng cảm của cô bé), và tên kia đã bắn vào đầu cô bé ngay trước mắt các hành khách khác.

Malala rơi vào hôn mê và suýt chút nữa đã không giữ được mạng sống. Phiến quân Taliban đã phát biểu công khai rằng nếu như cô bé có thể qua khỏi, bọn chúng sẽ để cho cô bé và cha mình được sống.

Hiện nay, Malala vẫn còn sống. Cô bé vẫn còn lên tiếng chống lại nạn bạo lực và áp bức phụ nữ ở những quốc gia Hồi giáo, và giờ là tác giả có sách bán chạy nhất. Vào năm 2014 cô bé được nhận giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của mình. Dường như việc bị bắn vào đầu chỉ giúp cô bé thu hút được nhiều khán giả hơn và cho cô bé nhiều dũng khí hơn so với trước đây. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu như cô bé cứ nằm xuống sàn xe và nói, “Tôi không thể làm gì cả,” hay “Tôi không có lựa chọn nào khác.” Điều ấy, buồn cười là, vẫn là sự lựa chọn của cô bé. Nhưng cô bé lại chọn điều ngược lại.

Vài năm trước đây, tôi có viết một vài ý tưởng của chương này trên trang blog của mình, và một người đàn ông đã để lại lời bình luận. Ông ta nói rằng tôi thật nông cạn và giả dối, thêm vào đó tôi không hề hiểu rõ về những rắc rối cuộc đời hay trách nhiệm của loài người. Ông ta nói rằng con trai mình vừa mới mất trong một tai nạn ô tô. Ông ta buộc tội tôi vì không biết đau khổ thực sự là gì và nói rằng tôi là một thằng khốn vì đã bảo rằng ông ta phải tự chịu trách nhiệm cho nỗi đau mà ông ta cảm thấy trước cái chết của con trai mình.

Người đàn ông này hiển nhiên phải chịu đựng nỗi đau to lớn hơn nhiều so với hầu hết những gì mà những người khác phải đối mặt trong đời. Ông ấy đâu có lựa chọn việc con trai mình phải chết, và cũng chẳng phải vì ông ta mà con trai mình phải chết. Trách nhiệm đối với việc xoay xở trước mất mát đó được trút lên đầu ông ta cho dù có thể thấy rõ ràng rằng đó là điều không ai mong muốn. Mặc dầu vậy, ông ta vẫn phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc, niềm tin, và hành động của mình. Việc ông ta hành xử thế nào trước cái chết của con trai mình là lựa chọn của chính ông ta. Nỗi đau dù thế này hay thế khác cũng là điều không thể tránh khỏi đối với tất cả chúng ta, nhưng chúng ta sẽ lựa chọn việc nó có ý nghĩa gì với ta. Ngay cả khi cho rằng mình không có lựa chọn nào hết cả trong chuyện này và chỉ muốn con trai trở về, thì ông ta cũng thực hiện một lựa chọn — một trong rất nhiều cách mà ông ta có thể lựa chọn để đối mặt nỗi đau đó.

Đương nhiên, tôi không hề nói thế với ông ta. Tôi quá bận rộn với việc kinh ngạc và cho rằng đúng, có lẽ tôi đã quá trớn và chẳng hiểu cái đếch gì về những điều mình viết. Đó là một sự rủi ro trong công việc của tôi. Một vấn đề mà tôi lựa chọn. Và một vấn đề mà tôi phải chịu trách nhiệm đối mặt.

Ban đầu, tôi cảm thấy thật tệ. Nhưng rồi, sau vài phút, tôi bắt đầu tức giận. Sự phản đối của ông ấy không liên quan gì nhiều tới những điều tôi nói, tôi tự nhủ. Và thế thì cái quái gì đang diễn ra thế? Chỉ bởi vì tôi không có đứa con nào bị chết không có nghĩa rằng tự thân tôi chưa từng trải qua đau khổ.

Nhưng rồi tôi thực sự áp dụng lời khuyên của chính mình. Tôi lựa chọn vấn đề của mình. Tôi có thể nổi cơn tam bành với người đàn ông này và tranh luận với ông ta, cố gắng làm tổn thương ông ta bằng sự tổn thương của bản thân, và khiến cho cả hai chúng tôi đều đâm ra thật ngu ngốc và vô cảm. Hoặc tôi có thể lựa chọn một vấn đề tốt đẹp hơn, cố gắng rèn luyện tính kiên nhẫn, cố gắng hiểu độc giả của mình hơn, và luôn nhớ về người đàn ông ấy mỗi khi tôi viết về sự đau khổ và bất hạnh trong tương lai. Và đó là những gì tôi đã cố gắng thực hiện.

Tôi trả lời đơn giản rằng tôi rất lấy làm tiếc trước mất mát của ông ấy và chỉ như thế thôi. Bạn còn có thể nói gì nữa nào?

Năm 2013, đài BBC tập hợp khoảng một chục trẻ vị thành niên bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế[47] (OCD) và quay phim họ khi họ tham gia các chương trình trị liệu chuyên sâu nhằm giúp họ vượt qua những suy nghĩ thừa thãi và những hành vi có tính lặp lại.

Có một bệnh nhân tên là Imogen, một cô bé mười bảy tuổi có xu hướng ép buộc bản thân chạm vào mọi thứ mà cô bé đi qua; nếu không làm như vậy, cô bé sẽ bị tràn ngập với cái ý nghĩ rằng gia đình mình sẽ chết. Còn Josh, người có nhu cầu cấp thiết trong việc cần phải làm mọi thứ với cả hai bên của cơ thể – bắt tay người khác bằng cả tay trái và tay phải, ăn thức ăn bằng cả hai tay, bước qua khung cửa với cả hai chân, và vân vân. Nếu như không thể “cân bằng” cả hai bên cơ thể, cậu sẽ bị hoảng loạn. Và Jack, một người mắc chứng ưa sạch sẽ kinh điển luôn từ chối ra khỏi nhà nếu không đeo găng tay, cậu luôn đun sôi mọi thứ nước mình uống, và không chịu ăn các đồ ăn không được rửa hay không được chuẩn bị cho riêng mình.

OCD là một chứng bệnh rối loạn thần kinh và chức năng di truyền kinh khủng không thể chữa khỏi. Và, như ta sẽ thấy, việc kiểm soát sự rối loạn này cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát các giá trị của một con người.

Điều đầu tiên mà các chuyên gia tâm lý trong dự án này thực hiện là nói với những đứa trẻ đó rằng chúng cần chấp nhận sự thiếu sót trong những ham muốn mang tính cưỡng bức tâm lý của mình. Điều này có nghĩa, ví dụ như là, khi mà Imogen bị tràn ngập bởi cái ý nghĩ khủng khiếp rằng gia đình mình sẽ chết, cô bé sẽ phải chấp nhận rằng gia đình mình có thể thực sự sẽ ra đi và cô bé chẳng thể làm được gì để ngăn cản điều đó; nói một cách đơn giản, cô bé được bảo rằng những gì xảy đến với mình không phải là lỗi của cô bé. Josh buộc phải chấp nhận về mặt dài hạn rằng, “sự cân bằng” của tất cả những hành vi của cậu để giữ cho chúng được đối xứng thực ra đang hủy hoại cuộc đời cậu nhiều hơn so với những gì mà cơn hoảng loạn mang lại. Và Jack thì được nhắc nhớ rằng dù cậu có làm gì đi nữa, thì vi trùng vẫn luôn tồn tại và tấn công cậu.

Mục đích của việc này là khiến những đứa trẻ nhận ra rằng các giá trị của chúng không hề hợp lý — rằng thực ra những giá trị ấy không phải là của chúng, mà là của chứng bệnh rối loạn kia — và rằng khi thỏa mãn những giá trị vô lý ấy chúng thực sự đang gây tổn hại tới khả năng làm chủ cuộc sống của mình.

Bước tiếp theo là khuyến khích những đứa trẻ này lựa chọn một giá trị quan trọng hơn so với giá trị của chứng bệnh OCD ở chúng và tập trung vào đó. Với Josh, đó là khả năng không còn phải che giấu chứng rối loạn của mình trước bạn bè và gia đình trong mọi thời điểm, là cơ hội có được một cuộc sống bình thường và hòa nhập xã hội. Với Imogen, đó là viễn cảnh của việc có thể kiểm soát lại được suy nghĩ và cảm xúc bản thân và lại có thể hạnh phúc. Còn với Jack, đó là khả năng có thể rời nhà trong một thời gian dài mà không chịu dày vò bởi bất kỳ một cảm giác khó chịu nào.

Với những giá trị mới được gìn giữ trong tâm trí, những thiếu niên này thực hiện những bài tập ‘gây tê’ tăng liều đòi hỏi họ sống với những giá trị mới của mình. Tình trạng hoảng loạn luôn diễn ra; nước mắt đã rơi; Jack đã đấm vào một dãy những đồ vật vô tri và rồi rửa tay mình ngay lập tức. Nhưng vào đoạn cuối bộ phim tài liệu, những tiến bộ lớn lao đã thu được. Imogen không còn cần phải chạm vào bề mặt các đồ vật mỗi khi cô bé đi qua nữa. Cô bé nói, “Trong đầu cháu vẫn tồn tại những con quái vật, và có thể chúng sẽ chẳng bao giờ biến mất, nhưng giờ chúng đã yên lặng hơn rất nhiều.” Josh đã có thể duy trì khoảng thời gian từ hai mươi nhăm tới ba mươi phút mà không cần phải “cân bằng” hai bên cơ thể mình. Và Jack, người đã có được tiến bộ đáng kể nhất, đã có thể tới nhà hàng và uống nước từ chai đóng sẵn hoặc trong những chiếc ly mà không cần thiết phải rửa qua chúng. Jack tóm tắt lại những gì mình thu được: “Cháu không lựa chọn cuộc sống này; cháu không hề lựa chọn cái hoàn cảnh kinh khủng, kinh khủng này. Nhưng cháu cần lựa chọn cách sống với nó; cháu phải chọn cách chung sống với nó.”  

Rất nhiều người bị đối xử theo cách buộc phải chịu thiệt thòi ngay từ lúc mới lọt lòng, dù đó là chứng bệnh OCD hay vóc người nhỏ bé hay một điều gì đó vô cùng khác biệt, như thể họ bị tước đoạt mất những điều quý giá. Họ cảm thấy rằng họ chẳng thể làm được gì để thay đổi điều đó, nên họ lảng tránh trách nhiệm đối với hoàn cảnh của bản thân. Họ biện luận, “Tôi đâu có chọn lựa cái tính di truyền tồi tệ này, nên chẳng liên quan đến tôi nếu sự việc có tệ hại ra sao.”

Và đúng thật, đó đâu phải là lỗi của họ.

Nhưng nó vẫn thuộc trách nhiệm của họ.

Nhớ về hồi tôi vẫn còn học đại học, tôi có cái ảo tưởng về việc trở thành một tay chơi bài chuyên nghiệp. Tôi thắng tiền và mọi thứ, và việc ấy thì vui khỏi nói, nhưng sau gần một năm chơi nghiêm túc, tôi từ bỏ. Cái lối sống thức trắng mỗi đêm trước màn hình máy tính, thắng bạc hàng ngàn đô hôm nay rồi mất sạch sành sanh vào ngày kế tiếp, không dành cho tôi, và nó cũng chẳng phải là cách kiếm sống lành mạnh về thể lực và trí lực nữa. Nhưng quãng thời gian chơi bài đã gây ảnh hưởng rất lớn tới cách thức tôi nhìn nhận cuộc sống.

Cái hay của việc chơi bài chính là trong khi yếu tố may mắn luôn có liên quan, may mắn không hề quyết định kết quả lâu dài của trò chơi. Một người có thể nhận bài xấu mà vẫn đánh bại người có toàn bài tốt trong tay. Chắc chắn là người có bài tốt thì có xác suất giành chiến thắng cao hơn, nhưng rốt cục thì kẻ chiến thắng lại được quyết định bởi — vầng, bạn đoán đúng rồi đấy — lựa chọn đánh con bài nào của người chơi.

Tôi nhìn nhận cuộc sống cũng theo quan điểm ấy. Chúng ta đều được phát cho những lá bài. Một vài người trong số chúng ta có được những lá bài ngon hơn so với những người khác. Và trong khi thật dễ dàng bỏ bài, và cảm thấy như thể thế nào mình cũng thua, trò chơi thực sự nằm ở trong những sự lựa chọn mà ta thực hiện với những lá bài ấy, những rủi ro mà ta quyết định nhận lấy, và hậu quả mà ta lựa chọn sống cùng với nó. Những người kiên định thực hiện những lựa chọn tốt nhất trong những hoàn cảnh mà họ rơi vào chính là những người giành chiến thắng trong trò đánh bài, ở quy mô cuộc sống. Và đó không nhất thiết phải là những người có được lá bài tốt nhất.

Có những người phải chịu đựng các chứng bệnh về tâm lý hay cảm xúc do chức năng thần kinh và/hoặc sự khiếm khuyết về gen. Nhưng điều này không làm thay đổi gì hết cả. Dĩ nhiên là, họ đã phải thừa hưởng những lá bài xấu và không đáng bị buộc tội. Không khác gì so với anh chàng thiếu chiều cao muốn được hẹn hò bị buộc tội vì mình lùn quá. Hay là người bị cướp giật lại bị buộc tội vì đã bị cướp cả. Nhưng đó vẫn là trách nhiệm của họ. Dù cho họ có lựa chọn tìm đến các phương pháp điều trị tâm thần, tham dự các buổi trị liệu tâm lý, hay không làm gì cả, thì các lựa chọn ấy hoàn toàn là quyền của họ. Có những người phải trải qua một tuổi thơ bất hạnh. Có những người bị lạm dụng và bị đánh đập và bị gây tổn hại, cả về thể xác, tinh thần, và tài chính. Họ không thể bị buộc tội vì những vấn đề và trở ngại của mình, nhưng họ vẫn có trách nhiệm — luôn luôn có trách nhiệm — phải vươn lên dù cho nghịch cảnh của họ có là gì và thực hiện lựa chọn tốt nhất có thể trong hoàn cảnh đó.

Và ta hãy thành thật ở đây. Nếu như bạn cộng vào tất cả những người có chứng bệnh rối loạn thần kinh, vật vã với chứng trầm cảm hoặc ý nghĩ tự tử, là đối tượng bị bỏ mặc hay bị ngược đãi, phải đối mặt với bi kịch hoặc cái chết của người thân yêu, sống sót sau khi gặp phải cơn trọng bệnh, tai nạn, hay tổn thương tâm lý — nếu như bạn muốn gộp vào tất cả những người này và tập hợp họ trong một căn phòng, ôi, thế thì bạn sẽ phải tính tới tất cả mọi người, bởi vì không một ai sống trên đời này lại không mang một vài vết sẹo.

Đương nhiên, có một số người nặng gánh với nhiều vấn đề hơn so với những người khác. Và có một số người thực sự trở thành nạn nhân của những hoàn cảnh vô cùng khủng khiếp. Nhưng dù cho điều ấy có khiến ta khó chịu hay chán ghét ra sao, chúng cũng không làm thay đổi trách nhiệm của ta đối với từng hoàn cảnh.

Thuyết ngụy biện trước trách nhiệm/lỗi lầm cho phép con người ta đùn đẩy trách nhiệm giải quyết các vấn đề sang cho người khác. Cái khả năng làm nhẹ bớt trách nhiệm này thông qua việc đổ lỗi mang tới cho họ cảm giác hưng phấn tạm thời và cảm giác đúng đắn về mặt đạo đức.

Không may là, tác dụng phụ của Internet và mạng xã hội nằm ở chỗ nó khiến việc đùn đẩy trách nhiệm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết – ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất – sang cho những nhóm hay những cá nhân khác. Thực tế, cái kiểu trò chơi đổ lỗi/nhục mạ này đã trở nên phổ biến; trong đám đông nó còn có vẻ “oách” nữa. Sự chia sẻ của cộng đồng về những sự kiện hay thông tin “bất công” thu hút được nhiều sự chú ý và cơn lũ cảm xúc hơn tất cả những sự kiện khác trên mạng xã hội, khiến những người có khả năng thường xuyên xem mình là nạn nhân càng thu hút được nhiều sự chú ý và cảm thông hơn.

“Kẻ bất hạnh” là một phong cách mới trong đời sống ngày nay, tồn tại giữa cả những người giàu có và những ai nghèo khổ. Thực tế, có lẽ đây là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà mọi nhóm người đều đồng thời cảm thấy mình là nạn nhân của sự bất công. Và họ đều tận hưởng cái sự hưng phấn về mặt tinh thần do cảm giác phẫn nộ mang lại.

Ngay lúc này đây, đang có ai đó khó chịu vì một điều gì đó — dù đó là việc được phân công đọc một cuốn sách về tình trạng phân biệt chủng tộc trong một lớp học tại trường đại học, hay việc ban hành chính sách không cho phép dựng cây thông Noel ở trung tâm thương mại địa phương, hay việc tỷ suất thuế được áp dụng đối với quỹ đầu tư đã tăng lên một nửa phần trăm — cảm thấy như thể họ đang bị đàn áp dưới một hình thức nào đó và vì thế mà họ có quyền được tức giận và nhận được lượng chú ý nhất định.

Môi trường truyền thông hiện đại vừa khuyến khích vừa duy trì những phản ứng như vậy bởi vì, xét cho cùng, chúng có lợi cho việc kinh doanh của họ. Tác giả và nhà bình luận xã hội Ryan Holiday gọi nó là “cơn giận dữ đồi bại[48]”: thay vì đưa tin về những câu chuyện thực tế và vấn đề thực tế, giới truyền thông lại nhận thấy sẽ dễ dàng hơn nhiều (và thu được lợi nhuận hơn nhiều) nếu tìm ra những thứ có tính công kích nhẹ, lan truyền nó tới đông đảo khán giả, tạo ra trạng thái giận dữ, và rồi lại lan truyền sự giận dữ ấy tới công chúng theo cái cách mà sự giận dữ giờ trở thành một phần của công chúng. Điều này khởi động một dạng tiếng vọng của những âm thanh nhảm nhí giữa hai bề mặt tưởng tượng, trong khi làm sao lãng mọi người khỏi những vấn đề thực sự của xã hội. Chẳng có gì lạ khi mà ngày nay chúng ta lại trở nên bị phân cực về mặt chính trị hơn bao giờ hết.

Vấn đề lớn nhất đối với xu hướng kẻ bất hạnh nằm ở chỗ nó hút hết cả sự chú ý khỏi những nạn nhân thực sự. Giống như câu truyện cổ tích thằng bé chăn cừu giả tiếng sói tru vậy. Càng nhiều người tuyên bố mình là nạn nhân trước những sự việc nhỏ bé, thì càng khó để có thể nhận biết nạn nhân thực sự là ai.

Con người ta phát nghiện với cái cảm giác bực bội ở mọi thời điểm bởi vì điều ấy mang lại cho họ thứ cảm giác hưng phấn; trở nên tự cao tự đại và vượt trội về mặt đạo đức luôn mang lại cảm giác thỏa mãn. Giống như họa sĩ vẽ tranh biếm họa Tim Kreider từng phát biểu trên tờ New York Times rằng: “Giận dữ cũng giống như rất nhiều việc khác đều mang đến cảm giác tốt đẹp nhưng về lâu dài nó sẽ ăn mòn chúng ta từ trong ra ngoài. Và nó còn quỷ quyệt hơn cả những thói đồi bại nhất bởi vì trong tiềm thức ta không nhận biết được rằng nó mang lại cho ta sự thỏa mãn.”

Nhưng một phần của việc sống trong một xã hội dân chủ và tự do là ta buộc phải đối mặt với những quan điểm và với những người ta không mấy ưa thích. Đó chỉ đơn giản là cái giá mà ta phải trả — hay bạn cũng có thể nói rằng đấy chính là tính chất vận hành của hệ thống. Và dường như ngày càng nhiều người lãng quên điều đó.

Chúng ta nên lựa chọn trận chiến của mình cho cẩn thận, trong khi cùng lúc cố gắng đồng cảm một chút với cái gọi là kẻ thù. Chúng ta nên tiếp cận với các thông tin và phương tiện truyền thông theo một mức độ hoài nghi vừa phải và tránh việc bôi đen những ai bất đồng quan điểm với chúng ta. Chúng ta nên ưu tiên cho những giá trị như tính trung thực, ủng hộ sự minh bạch, và đón nhận mối nghi ngại về những giá trị của việc tỏ ra đúng đắn, cảm thấy tốt đẹp, và trả thù. Những giá trị “dân chủ” sẽ khó hơn để duy trì giữa những tiếng ồn ào thường xuyên của thế giới được kết nối. Nhưng chúng ta phải chấp nhận trách nhiệm và dù sao vẫn phải nuôi dưỡng chúng. Sự ổn định của hệ thống chính trị của chúng ta trong tương lai có lẽ phụ thuộc vào điều này.

Rất nhiều người có thể nghe thấy toàn bộ điều này và nói rằng, “Ồ, cũng được thôi, nhưng như thế nào? Tôi nghĩ là các giá trị của tôi thật tệ và rằng tôi trốn tránh trách nhiệm trước tất cả những vấn đề của tôi và rằng tôi là một cục c*t khi cho rằng cả thế giới này xoay quanh tôi và mọi sự phiền phức mà tôi gặp phải — nhưng tôi phải thay đổi như thế nào đây?”

Và đối với điều này, tôi sẽ nói, bằng khả năng nhại giọng Yoda[49] của mình: “Làm, hoặc không làm; chẳng có ‘như thế nào’ cả.”

Bạn đã lựa chọn rồi đấy chứ, ở mọi thời điểm mỗi ngày, điều gì cần quan tâm, nên việc thay đổi cũng chỉ đơn giản như việc lựa chọn điều gì đó khác để bận tâm tới mà thôi.

Nó thật sự đơn giản như vậy đấy. Nhưng chẳng dễ dàng gì.

Nó không hề dễ dàng bởi vì ban đầu bạn sẽ cảm thấy như thể mình là kẻ thua cuộc, một kẻ giả tạo, một kẻ ngu ngốc. Bạn sẽ có cảm giác sợ hãi. Bạn sẽ thấy bực bội với vợ hay bạn bè hay ông già nhà bạn trong quá trình ấy. Tất cả những điều này đều là tác dụng phụ của việc thay đổi các giá trị của bạn, của việc thay đổi đối tượng bận tâm của bạn. Nhưng chúng là điều không thể tránh khỏi.

Nó đơn giản nhưng thật sự, thật sự khó khăn.

Hãy thử nhìn vào một vài tác dụng phụ xem sao. Bạn sẽ cảm thấy không chắc chắn; tôi đảm bảo đó. “Liệu mình có nên từ bỏ không? Liệu đây có phải là việc đúng đắn nên làm hay không?” Từ bỏ một giá trị mà bạn đã dựa vào trong nhiều năm sẽ mang lại cảm giác mất định hướng, giống như là bạn không còn thực sự biết đâu là đúng hay sai nữa. Việc này thật khó, nhưng nó cũng là chuyện thường tình thôi mà.

Tiếp đó, bạn sẽ cảm thấy như thể mình là kẻ thất bại. Bạn đã dành cả nửa cuộc đời để đánh giá bản thân mình dựa trên cái giá trị cũ đó, nên khi mà bạn thay đổi sự ưu tiên của mình, thay đổi các thước đo của mình, và ngừng hành xử theo cách cũ, bạn sẽ thấy mình không phù hợp với cái thước đo cũ đáng tin cậy kia và do đó ngay lập tức sẽ cảm thấy như thể mình là một kẻ giả dối hoặc vô dụng. Điều này cũng thật bình thường và cũng chẳng dễ chịu gì.

Và chắc chắn bạn sẽ phải vượt qua sự cự tuyệt. Rất nhiều mối quan hệ trong cuộc đời bạn được xây dựng dựa trên những giá trị mà bạn đã gìn giữ, nên thời điểm bạn thay đổi những giá trị ấy — thời điểm mà bạn quyết định rằng việc học quan trọng hơn so với rượu chè bù khú, rằng kết hôn và có một gia đình quan trọng hơn so với đi ngủ lang, rằng làm công việc mà bạn yêu thích quan trọng hơn so với tiền bạc — sự quay lưng của bạn sẽ tác động tới những mối quan hệ, và rất nhiều trong số đó sẽ đập vào cái mặt của bạn. Điều này nữa cũng thật bình thường và cũng chẳng dễ chịu gì.

Những điều này là cần thiết, mặc dù đau đớn, là những tác dụng phụ của việc đặt mối bận tâm của bạn ở chỗ khác, ở nơi mà quan trọng và xứng đáng với nguồn năng lượng của bạn hơn. Khi bạn tái đánh giá những giá trị của mình, bạn sẽ gặp phải sự cản trở cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Hơn hết, bạn sẽ thấy mông lung; bạn sẽ lo lắng rằng liệu có phải mình đang làm sai điều gì hay không.

Nhưng rồi như ta sẽ thấy, đó là một việc tốt đẹp.

 

Bình luận