Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm

Chương 1: Đừng Cố

Tác giả: Mark Manson

Đừng cố

Charles Bukowski[1] là một gã nghiện rượu, một kẻ lang chạ với nhiều phụ nữ, con nghiện cờ bạc kinh niên, một tên thô thiển, một gã keo kiệt, một kẻ lười biếng, và tệ hại hơn cả, ông ta là một nhà thơ. Ông ta có lẽ là người cuối cùng trên trái đất này mà bạn nên tìm tới để xin một lời khuyên cuộc sống hay sẽ hi vọng bắt gặp trong những cuốn sách về hoàn thiện bản thân.

Vì lẽ đó mà ông ta là sự mở đầu hoàn hảo

Bukowski mong muốn trở thành một nhà văn. Nhưng trong nhiều thập kỷ những tác phẩm của ông ta đều bị các tờ báo, tạp chí, tập san, nhà xuất bản từ chối. Các tác phẩm của ông ta thật là kinh khủng, họ nói vậy. Thô thiển. Ghê tởm. Sa đọa. Và khi mà những lời từ chối chất cao như núi, thì cảm giác thất bại đã đẩy ông chìm sâu vào rượu và nỗi chán chường theo đuổi ông gần như suốt cả cuộc đời.

Bukowski làm công ăn lương tại một bưu điện. Ông lĩnh số tiền lương bèo bọt và dành phần lớn số đó vào rượu chè. Ông ném phần còn lại vào mấy kèo cá cược trên trường đua ngựa. Và khi đêm xuống, ông lại nốc rượu một mình và đôi khi rặn ra vài vần thơ từ chiếc máy đánh chữ già nua. Thường thường, ông sẽ tỉnh dậy trên sàn nhà, sau một đêm ngất lịm.

Ba mươi năm cuộc đời cứ thế trôi qua, hầu như là một sự vô nghĩa mơ hồ giữa rượu, ma túy, cờ bạc, và đĩ điếm. Và rồi, khi Bukowski bước sang tuổi năm mươi, sau một quãng đời thất bại ê chề và chán ghét bản thân, một biên tập viên của một nhà xuất bản độc lập nhỏ bỗng có hứng thú kỳ lạ với ông ta. Nhà biên tập không thể trả được cho Bukowski nhiều tiền hay hứa hẹn về một doanh số lớn từ việc bán sách. Nhưng anh ta lại có hảo cảm với gã thất bại nghiện ngập này, nên anh ta quyết định sẽ một lần đánh cược. Đó là lời đề nghị đầu tiên mà Bukowski từng nhận được, và, ông nhận ra, rất có thể cũng là lời đề nghị duy nhất mà ông được nhận trong cuộc đời mình. Bukowski hồi đáp lại nhà biên tập rằng: “Tôi có một trong hai lựa chọn – hoặc ở lại bưu điện và phát điên…  hoặc là thành người tự do và chơi trò viết lách và chết đói. Tôi đã quyết định chọn chết đói. ”

Sau khi ký kết hợp đồng, Bukowski hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trong ba tuần. Nó được đặt tên đơn giản là Post Office (tạm dịch: Bưu điện). Trong phần đề tặng, ông viết, “Không dành cho ai hết. ”

Bukowski trở thành nhà viết tiểu thuyết và nhà thơ. Ông viết liên tục và xuất bản sáu cuốn tiểu thuyết và hàng trăm bài thơ, bán được tới hơn hai triệu bản sách. Sự nổi tiếng của ông nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người, bao gồm cả chính ông.

Câu chuyện của Bukowski thật ra rất quen thuộc trong xã hội của chúng ta. Cuộc đời của Bukowski chính là một minh chứng cho cái gọi là Giấc mơ Mỹ: một người đàn ông tranh đấu cho điều mà anh ta mong muốn, không bao giờ từ bỏ, và còn có thể đạt được giấc mơ lạ lùng nhất của anh ta. Người ta còn có thể dựng phim về nó nữa cơ. Chúng ta đều nhìn vào những câu chuyện như của Bukowski và kết luận, “Thấy chưa? Ông ta không từ bỏ. Ông ta không ngừng cố gắng. Ông ta luôn tin vào chính mình. Ông ta vượt qua mọi sóng gió và khẳng định bản thân!”

Điều kỳ lạ chính là dòng chữ được khắc trên bia mộ của Bukowski: “Đừng cố!”

Xem này, ngoài tiền bán sách và danh tiếng, Bukowski là một kẻ vứt đi. Ông cũng biết vậy. Và thành công của ông không xuất phát từ quyết tâm trở thành người chiến thắng, mà từ thực tế rằng ông biết mình là kẻ thua cuộc, chấp nhận nó, và rằng ông đã viết rất chân thật về điều đó. Ông không bao giờ cố gắng trở thành một điều gì khác ngoài chính mình. Điều tuyệt vời trong tác phẩm của Bukowski không phải nằm ở việc vượt qua những sự khác biệt khó tin hay nâng tầm bản thân thành một hình tượng sáng chói trong nền văn học. Mà là sự trái ngược hoàn toàn. Đó đơn giản là khả năng của ông trong việc hoàn toàn và không sợ hãi khi thành thật với bản thân – đặc biệt là những phần tệ hại nhất – và chia sẻ những thất bại của mình mà không hề ngại ngần hay nao núng.

Đây mới thực sự là câu chuyện về sự thành công của Bukowski: sự thoải mái của ông với chính mình trước thất bại. Bukowski đếch thèm bận tâm về thành công. Ngay cả sau khi đã nổi tiếng, ông vẫn xuất hiện trong các sự kiện đọc thơ và miệt thị các độc giả của mình. Ông vẫn bộc lộ bản thân mình trước công chúng và cố gắng ngủ với mọi người đàn bà mà ông gặp. Danh vọng và thành công không khiến ông trở nên tốt đẹp hơn. Và cũng chẳng phải vì trở thành một con người tốt đẹp hơn mà ông mới có thể đạt tới thành công và danh vọng.

Tự hoàn thiện bản thân và thành công thường đi cùng với nhau. Nhưng điều ấy không cần thiết phải mang ý nghĩa rằng chúng là một.

Nền văn hóa của chúng ta ngày nay thường tập trung một cách ám ảnh vào những kỳ vọng tích cực không thực tế: Hạnh phúc hơn. Khỏe mạnh hơn. Trở thành người tốt nhất, tốt hơn những người khác. Trở nên thông minh hơn, nhanh nhạy hơn, giàu có hơn, gợi cảm hơn, nổi trội hơn, năng suất hơn, đáng được ngưỡng mộ và ghen tị hơn. Trở nên hoàn hảo và tuyệt vời và đào được quặng vàng 12k mỗi ngày trước bữa sáng khi bạn hôn tạm biệt người tình luôn đẹp hoàn hảo trong những bức ảnh tự sướng và hai đứa con ruột và một đứa con riêng. Rồi sau đó bạn ngồi trên chuyên cơ riêng để đến với công việc tuyệt vời của mình, nơi bạn dành cả ngày trời để làm những việc có ý nghĩa phi thường mà có lẽ sẽ cứu thế giới này vào một ngày nào đó.

Nhưng khi bạn dừng lại và thực sự suy nghĩ về điều đó, lời khuyên thông thường về cuộc sống – tất cả những thứ mang tính tích cực và hạnh phúc về việc tự hoàn thiện bản thân mà chúng ta được nghe mọi khi – thực sự đều gắn liền với những thứ mà bạn còn thiếu. Nó gói gọn trong những gì bạn nhìn nhận về sự thiếu hụt ở tính cách bản thân và thất bại hiển nhiên, và rồi nhấn mạnh chúng cho bạn. Bạn học được cách tốt nhất để kiếm tiền bởi vì bạn cảm thấy bản thân mình chưa làm ra đủ tiền. Bạn đứng trước gương và nhắc đi nhắc lại những câu khẳng định rằng mình xinh đẹp bởi vì bạn cảm thấy mình chưa đủ xinh đẹp. Bạn tuân theo những lời khuyên về hẹn hò và duy trì mối quan hệ bởi vì bạn cảm thấy bản thân mình chưa đủ đáng yêu và được yêu. Bạn cố gắng thực hiện các bài tập tưởng tượng vớ vẩn về việc trở nên thành công hơn bởi vì bạn cảm thấy mình chưa đủ thành công.

Trớ trêu thay, sự ấn định tích cực – về việc trở nên tốt hơn, thượng đẳng hơn – chỉ nhằm nhắc đi nhắc lại với chúng ta về những điều mà chúng ta không phải là, về những thứ mà chúng ta còn thiếu, và về những điều chúng ta lẽ ra phải trở thành nhưng hoàn toàn thất bại. Sau hết, không một con người thực sự hạnh phúc nào lại cảm thấy cần thiết phải đứng trước gương và lảm nhảm rằng mình hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đơn giản là hạnh phúc thôi.

Ở Texas có một câu thành ngữ rằng: “Con chó nhỏ nhất thường sủa to nhất” (tương tự với câu ‘thùng rỗng kêu to’) Một người đàn ông tự tin không cảm thấy cần phải chứng minh rằng anh ta tự tin. Một người phụ nữ giàu có không cảm thấy cần thiết phải chứng tỏ rằng mình giàu có với ai cả. Dù cho bạn có là thế này hay thế kia đi nữa. Và nếu như bạn mơ tưởng về một thứ gì đó suốt, thì bạn đang củng cố cho tiềm thức lặp đi lặp lại về thực tế rằng: bạn không phải như vậy. 

Mọi người và những nhà làm quảng cáo trên TV muốn bạn tin rằng chìa khóa dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn là một công việc tốt hơn, hay là một chiếc xe hơi sành điệu hơn, hoặc một cô bồ ngon lành hơn, hoặc cũng có thể là một cái bể bơi bằng hơi cho bọn trẻ. Thế giới này cứ liên tục nói với bạn rằng con đường dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn là nhiều, nhiều, nhiều hơn nữa – mua nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, làm ra nhiều hơn, làm tình nhiều hơn, trở nên nhiều hơn. Bạn thường bị oanh tạc với những thông điệp về việc bận tâm đến mọi thứ, mọi lúc. Bận tâm về một chiếc TV mới. Bận tâm đến việc có một kỳ nghỉ hoành tráng hơn so với đồng nghiệp. Bận tâm tới thứ đồ trang trí mới trong vườn nhà mình. Xoắn xuýt cả lên với việc có một chiếc gậy tự sướng phù hợp.

Tại sao vậy? Tôi đoán là: bởi vì xoắn lên như thế về nhiều món đồ hơn thì sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh.

Và trong khi chẳng có gì sai trái với kết quả kinh doanh tốt đẹp, vấn đề nằm ở chỗ quá nhiều mối bận tâm sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần của bạn. Nó khiến cho bạn trở nên hời hợt và giả tạo, bạn sẽ dành cả đời mình vào việc chạy theo ảo tưởng về hạnh phúc và sự mãn nguyện. Chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp là đếch cần bâm tâm về nhiều hơn; mà là bận tâm tới ít hơn, hãy chỉ bận tâm về những gì là thật và ngay trước mắt và quan trọng mà thôi.

Vòng Lặp Địa Ngục

Trong óc bạn thường vang lên lời giễu cợt đầy xảo quyệt rằng, nếu bạn để kệ nó, bạn sẽ thành kẻ dở hơi. Bạn thử nói xem điều này có quen thuộc với bạn không nhé:

Bạn cảm thấy lo lắng khi đối mặt với một ai đó trong đời mình. Cơn lo lắng hành hạ bạn và bạn bắt đầu tự hỏi rằng tại sao mình lại lo thế. Và giờ thì bạn trở nên lo lắng về việc lo lắng. Ôi không! Lo lắng gấp bội! Giờ thì bạn lo về sự lo lắng của mình, mà dẫn tới nhiều lo lắng hơn. Nhanh lên, whiskey để ở đâu nhỉ?

Hay ví dụ như bạn gặp vấn đề với những cơn giận. Bạn bực mình trước những sự việc ngớ ngẩn và ngu ngốc nhất, và bạn chẳng biết vì sao nữa. Và việc bạn dễ dàng nổi nóng càng khiến bạn trở nên khó chịu hơn. Và rồi, khi bạn nổi giận kha khá, bạn nhận ra rằng việc cứ cáu giận luôn khiến bạn thành ra nông cạn và xấu tính, và bạn thì ghét điều đó; bạn ghét lắm nên bạn nổi giận với chính mình. Giờ bạn nhìn mình xem: bạn tức giận với chính mình vì đã tức giận vì trở nên tức giận. Mẹ kiếp, bức tường kìa. Đấy, hãy đấm vào tường một cái.

Hay là bạn thấy lo về việc luôn đúng ở mọi thời điểm nên bạn trở nên lo lắng về việc bạn đã lo lắng quá nhiều. Hoặc là bạn cảm thấy tội lỗi về mỗi một lỗi lầm mà bạn phạm phải và bạn bắt đầu cảm thấy có lỗi về việc cảm thấy có lỗi. Hay bạn thấy buồn và cô đơn thường xuyên nên nó khiến cho bạn càng thấy buồn và cô đơn hơn khi nghĩ về nó.

Chào mừng bạn đến với Vòng Lặp Địa ngục. Có thể bạn đã rơi vào đó không chỉ một vài lần. Có thể lúc này bạn cũng vướng vào nó: “Trời ạ, tôi lúc nào cũng rơi vào Vòng Lặp Địa Ngục – tôi đúng là kẻ thất bại khi thành ra như vậy. Tôi nên dừng lại. Ôi trời ơi, tôi thấy mình đúng là đồ vứt đi vì tự gọi mình là tên thất bại. Tôi nên ngừng gọi mình là đồ bỏ. Ah, chết tiệt! Tôi lại làm thế rồi! Thấy chưa? Tôi là đồ bỏ đi! Argh!”

Hãy bình tĩnh nào, bạn của tôi. Dù bạn có tin hay không, thì đây chính là phần tốt đẹp của việc là một con người. Chỉ rất ít loài vật trên thế gian này mới có cái khả năng suy nghĩ, nhưng chỉ loài người chúng ta mới có những suy nghĩ về suy nghĩ. Nên tôi có thể nghĩ về việc xem video của Miley Cyrus trên Youtube, và rồi ngay lập tức nghĩ rằng tôi là một gã bệnh hoạn vì muốn xem video của Miley Cyrus trên Youtube. Ôi, cái sự diệu kỳ của ý thức!

Còn giờ là vấn đề: Xã hội của chúng ta ngày nay, nhờ vào các tuyệt tác của nền văn hóa tiêu dùng và mạng xã hội ê-cuộc-đời-của-tui-hoành-tráng-hơn-mấy-chế, đã tạo ra cả một thế hệ loài người tin vào việc có những trải nghiệm tiêu cực này – lo lắng, sợ hãi, tội lỗi, vân vân và mây mây – là không bình thường. Ý của tôi là, nếu như bạn nhìn vào Facebook của mình, mọi người ở đó đều có một quãng thời gian đã qua đỉnh vãi. Này nhé, tám kẻ kết hôn liền trong tuần này! Và một đứa nhóc 16 tuổi nào đó trên TV bị một con Ferrari rơi trúng đầu nhân ngày sinh nhật. Đứa khác thì cá kiếm những 2 tỷ đô nhờ viết ra một ứng dụng sẽ tự động cung cấp giấy vệ sinh cho bạn ngay khi hết.

Trong khi ấy thì bạn cứ luẩn quẩn ở nhà mà vuốt ve mèo. Và bạn chẳng thể làm gì ngoài việc nghĩ rằng cuộc đời mình tệ hại hơn bạn tưởng.

Vòng Lặp Địa Ngục đã trở thành giới tuyến vùng bệnh dịch, khiến cho nhiều người chúng ta bị căng thẳng quá độ, loạn thần kinh, và chán ghét bản thân thái quá.

Quay trở về thời đại của ông bà mình, ông của chúng ta có thể cũng thấy đời chán như con gián và tự nhủ rằng, “Zời ạ, hôm nay mình thấy thối như phân bò ấy. Nhưng mà hầy, chắc đời nó vốn là như thế. Mình cứ cắt cỏ đi đã hầy.”

Nhưng còn giờ thì sao? Giờ thì nếu như bạn thấy như c*t dù chỉ trong vòng có năm phút, thì bạn vẫn bị oanh tạc bởi 350 hình ảnh của những người hoàn toàn hạnh phúc và có cuộc sống đỉnh *éo đỡ được, và như thế thì thật khó để không khỏi cảm thấy rằng có điều gì đó sai với chính bản thân mình.
Chính cái phần cuối đó mới nên chuyện. Chúng ta thấy tồi tệ vì đã cảm thấy tồi tệ. Chúng ta thấy tội lỗi vì cảm thấy tội lỗi. Chúng ta tức giận vì đã cáu giận. Chúng ta lo lắng vì cảm thấy lo lắng. Cái quái gì đang xảy ra với tôi thế?

Chính vì vậy mà việc đếch thèm quan tâm mới trở thành chiếc chìa khóa cho những vấn đề của chúng ta. Chính vì vậy mà nó mới có thể cứu rỗi được thế giới này. Và nó sẽ giúp cho mọi chuyện trở nên đơn giản bằng việc chấp nhận rằng thế giới này lởm vãi và như vậy vậy thì cũng chẳng hề gì, bởi vì nó vốn dĩ vẫn luôn là như vậy, và sẽ luôn như vậy.

Bằng việc chẳng thèm bận tâm tới việc bạn cảm thấy tồi tệ, bạn đã bỏ qua Vòng Lặp Địa Ngục; bạn nói với chính mình rằng, “Mình thấy như c*t, nhưng đứa éo nào thèm bận tâm?” Và rồi, giống như được rắc đầy thứ bột tiên éo-quan-tâm đầy ma thuật, bạn sẽ thôi chán ghét bản thân mình vì những cảm xúc tiêu cực.

George Owell từng nói rằng để thấy rõ những gì ngay trước mắt mình đòi hỏi cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Ôi, giải pháp cho những căng thẳng và lo lắng của chúng ta ở ngay trước mắt chúng ta đấy thôi, chẳng qua là ta quá bận rộn với việc xem phim con heo và mấy cái quảng cáo về các loại máy tăng cơ bắp mà chẳng bao giờ thành công, ngẩn ngơ mãi với câu hỏi rằng tại sao ta lại không thể chịch một cô nàng nóng bỏng nào bằng một cơ thể sáu múi rắn chắc, để mà nhận ra.

Chúng ta đùa cợt trên mạng về “vấn đề của các nước phát triển,” nhưng ta lại trở thành nạn nhân của chính những thành tựu của chúng ta. Những vấn đề sức khỏe gây ra do căng thẳng thần kinh, các rối loạn về chứng lo lắng, và các ca trầm cảm tăng nhanh như tên lửa trong vòng ba mươi năm qua, quá trái ngược với thực tế rằng ai cũng sở hữu một chiếc TV màn hình phẳng và được tiếp cận dịch vụ giao hàng tận nhà. Cơn khủng hoảng của chúng ta không còn dừng lại ở vấn đề vật chất nữa; mà nó thực sự đang hiện diện trong các vấn đề về tinh thần. Chúng ta có quá nhiều việc rối rắm và có quá nhiều các cơ hội nên ta không còn biết là phải bận tâm tới cái gì nữa.

Bởi vì có vô số việc mà giờ đây ta có thể thấy hay biết đến, nên cũng có vô cùng tận các cách thức để ta phát hiện ra rằng ta không là gì hết cả, rằng ta không đủ tốt, rằng sự việc không quá tốt đẹp như đáng lẽ ra nó phải vậy. Và điều này khiến tâm hồn ta tan nát.

Bởi vì đây chính là vấn đề của những thứ nhảm nhít “Làm Thế Nào Để Hạnh Phúc” được chia sẻ tới 8 triệu lượt trên Facebook trong vòng mấy năm qua – đây là điều mà chẳng mấy ai bận tâm đến mấy thứ vớ vẩn này:

Niềm khao khát đối với những trải nghiệm tích cực bản thân nó đã là một thứ trải nghiệm tiêu cực. Và, ngược đời ở chỗ, sự chấp thuận thứ trải nghiệm tiêu cực của một người tự nó lại là tích cực.

Điều này đúng là hại não. Nên tôi sẽ cho bạn hẳn một phút để đỡ xoắn não và có thể đọc lại câu này lần nữa: Mong muốn một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực; chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực. Đó là những gì mà nhà triết học Alan Watts[2] gọi là “luật giật lùi” – tức là bạn càng cố gắng để cảm thấy ổn hơn vào mọi thời điểm, thì bạn lại càng ít cảm thấy mãn nguyện hơn, bởi vì theo đuổi một thứ gì đó chỉ càng nhân lên cảm giác rằng bạn thiếu thốn nó ngay từ lúc ban đầu. Bạn càng muốn trở nên giàu có, thì bạn lại càng cảm thấy bản thân mình nghèo và vô dụng, dù cho trên thực tế bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Bạn càng muốn trở nên quyến rũ và được khao khát bao nhiêu, bạn càng nhìn nhận rằng bản thân mình xấu xí, dù cho nhan sắc thực của bạn có ra sao. Bạn càng muốn trở nên hạnh phúc và được yêu thương bao nhiêu, thì bạn lại càng cảm thấy cô đơn và sợ hãi, dù người bên bạn có là ai đi chăng nữa. Bạn càng muốn cho tâm hồn mình thanh thản, thì bạn lại càng tự cho mình là trung tâm và thành ra nông cạn trên bước đường tiến tới.

Cũng giống như có lần tôi thử xài acid[3] và tôi có cảm giác tôi càng đi về phía ngôi nhà thì nó càng lùi xa hơn. Và đúng vậy, tôi vừa vận dụng ảo giác của LSD[4] để làm rõ một quan điểm triết học về sự hạnh phúc. Không có ý gì đâu.

Giống như nhà triết học đã được khẳng định Albert Camus[5] từng nói (và tôi chắc chắn là khi đó ông ấy không xài LSD): “Bạn chẳng thể hạnh phúc nếu cứ tiếp tục tìm kiếm thành phần của hạnh phúc. Bạn chẳng bao giờ thực sự sống nếu cứ tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. ”
Hay có thể trình bày dễ hiểu hơn là:

Đừng cố.

Bây giờ, tôi biết bạn định nói gì: “Mark, mấy thứ này làm ti tôi cương hết cả lên, nhưng còn chiếc Camaro[6] mà tôi đang cố tiết kiệm tiền để mua thì sao? Thế còn anh chàng sáu múi ngon lành cành đào tự tin tung tăng nơi bãi biển mà tôi đang cố trở thành thì sao? Hơn nữa, tôi còn tốn ối tiền cho mấy cái máy luyện cơ bắp nữa chứ! Thế còn cả cái ngôi nhà to đùng bên mặt hồ mà tôi luôn ao ước nữa? Nếu tôi thôi bận tâm đến mấy thứ này – ô, thế hóa ra tôi chẳng đạt được gì hết cả à? Tôi chẳng thích thế đâu.”

Tôi rất vui vì thắc mắc của bạn.

Bạn đã bao giờ để ý thấy đôi khi nếu bạn ít quan tâm tới thứ gì đó hơn, thì bạn sẽ làm điều đó tốt hơn?  Bạn có thấy rằng thường thì những người càng ít bận tâm tới sự thành công của một vấn đề nào đó thường lại là người thực sự đạt được nó? Rằng đôi khi bạn không thèm quan tâm tới nữa thì mọi thứ cuối cùng lại ổn thỏa cả?

Như thế nghĩa là làm sao?

Điều thú vị về luật giật lùi là nó có tên là “giật lùi” vì một lý do: không thèm bận tâm sẽ mang tới kết quả ngược lại. Nếu như theo đuổi sự tích cực là tiêu cực, thì theo đuổi sự tiêu cực sẽ tạo ra sự tích cực.

Sự đau đớn mà bạn theo đuổi tại phòng tập gym sẽ dẫn đến một cơ thể cân đối và sức khỏe tốt hơn. Sự thất bại trong kinh doanh sẽ dẫn tới sự hiểu biết rõ hơn về điều gì là cần thiết cho thành công. Cởi mở trước các mâu thuẫn về sự bất an của bản thân sẽ khiến bạn trở nên tự tin và hấp dẫn hơn trước mọi người. Nỗi đau của đối đầu với thực tại là những gì sẽ mang lại niềm tin và sự tôn trọng trong các mối quan hệ của bạn. Vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ giúp bạn gây dựng lòng dũng cảm và ý chí.

Nói một cách nghiêm túc, tôi có thể tiếp tục kể lể như vậy mãi, nhưng bạn đã nắm được vấn đề rồi đấy. Mọi thứ đáng giá trong cuộc sống đều đạt được bằng cách vượt qua những trải nghiệm tiêu cực. Bất kỳ một nỗ lực chạy trốn khỏi sự tiêu cực nào, tránh xa nó hay đàn áp nó hay phớt lờ nó đều bung bét hết cả. Sự trốn tránh việc chịu đựng sự dày vò cũng chính là một sự dày vọ. Sự trốn ránh đấu tranh cũng là một cuộc tranh đấu. Sự chối bỏ thất bại chính là một sự thất bại. Che giấu điều đáng xấu hổ cũng là một dạng hổ thẹn.

Nỗi đau là một sợi chỉ không thể gỡ ra được trong tấm vải cuộc đời, và giật nó ra thì không chỉ là một việc làm không tưởng, mà còn có tính hủy diệt: cố gắng xé rách nó sẽ phơi bày mọi thứ đi kèm cùng với nó. Để cố gắng chối bỏ nỗi đau chính là việc quá bận tâm tới nỗi đau. Ngược lại, nếu như bạn có thể không thèm bận tâm tới nỗi đau, thì không có gì cản được bạn hết.

Trong cuộc đời mình, tôi từng bận tâm tới quá nhiều thứ. Tôi cũng chẳng thèm bận tâm tới nhiều thứ khác. Và giống như con đường chưa từng được khai phá, chính là những điều không được quan tâm tới lại làm nên sự khác biệt.

Rất có thể trong cuộc đời mình, bạn có biết một ai đó, mà vào lúc này hay lúc khác, không thèm quan tâm và họ lại gặt hái thành công rực rỡ. Có thể vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình khi bạn chỉ đơn giản là không thèm quan tâm và lại tỏa sáng ở một đỉnh cao nào đó. Còn với tôi, việc từ bỏ một công việc trong ngành tài chính chỉ trong vòng sáu tuần để bắt đầu sự nghiệp trên mạng Internet đạt thứ hạng rất cao trên đài danh vọng “đếch thèm quan tâm” của tôi. Cũng như vậy đối với quyết định bán gần hết tài sản của mình và chuyển tới Nam Mỹ. Bận tâm ư? Khồng. Cứ thế mà xách ba lô lên và đi thôi.

Những khoảnh khắc đếch-thèm-bận-tâm như thế chính là những khoảnh khắc khắc họa nên cuộc đời ta. Bước biến chuyển quan trọng trong sự nghiệp; quyết định tự phát về việc bỏ ngang đại học và lập ban nhạc rock; quyết định về việc cuối cùng cũng đá thằng bồ vô dụng thường hay mặc trộm quần lót bó căng của bạn.

Việc đếch thèm bận tâm chính là nhìn vào những thách thức khó khăn và đáng sợ nhất của cuộc đời và vẫn hành động.

Nghe qua thì đếch thèm quan tâm có vẻ như đơn giản, nhưng bên dưới nó lại là một túi đầy burrito[7]. Tôi cũng chả hiểu câu này có nghĩa là gì, nhưng tôi đếch quan tâm. Một túi burrito nghe có vẻ hay hay, nên cứ cho là thế đi.

Hầu hết chúng ta đều vật vã trong suốt cuộc đời mình bởi vì bận tâm quá nhiều đến những tình huống mà ta không đáng phải bận tâm. Chúng ta cứ bận tâm mãi về cái gã nhân viên thô lỗ nơi trạm xăng vì thối lại cho ta toàn tiền xu là tiền xu. Chúng ta bận tâm mãi về việc chương trình TV yêu thích của mình bị hủy bỏ. Ta cứ bận tâm mãi đến việc các bạn đồng nghiệp không thèm hỏi thăm về ngày nghỉ cuối tuần tuyệt cú mèo của ta.

Trong khi ấy, thẻ tín dụng của ta đã vượt hạn mức chi tiêu, con chó ở nhà thì ghét ta, và bọn trẻ thì hít trộm meth[8] trong phòng tắm, vâng chúng ta thì phát điên cả lên về những đồng tiền xu và bộ phim truyền hình Everybody Loves Raymond[9]

Đấy, đấy chính là cách mọi việc diễn ra. Bạn sẽ ngỏm củ tỏi vào một ngày nào đó. Tôi biết đây là một sự thật hiển nhiên nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại phòng trường hợp bạn quên mất tiêu. Bạn và tất cả những người mà bạn quen biết đều sẽ ngỏm sớm thôi. Và trong quãng thời gian ngắn ngủi từ nay cho tới đó, bạn chỉ có một giới hạn những mối bận tâm. Thực ra là rất ít ấy. Và nếu bạn cứ chạy loanh quanh mà quan tâm hết chuyện này tới chuyện kia và hết người này tới người khác mà không tiến hành sàng lọc cho cẩn thận – thì, ôi thôi, đời bạn sẽ thành một mớ bòng bong.

Ở đây tồn tại một thứ nghệ thuật tinh tế về việc đếch thèm quan tâm. Và dù cho khái niệm này nghe có vẻ rất chi là lố bịch và tôi có vẻ giống như một thằng ngu đáng ghét, điều mà tôi nói tới ở đây là việc cần thiết phải học cách tập trung và ưu tiên những suy nghĩ của bạn một cách hiệu quả – làm thế nào để chọn lựa và xét xem những vấn đề nào là có hay không có ý nghĩa với bạn dựa trên những giá trị cá nhân đã được mài dũa. Điều này vô cùng gian nan. Nó đòi hỏi phải rèn luyện cả đời và tuân thủ kỷ luật cả đời mới có thể đạt được. Và bạn sẽ thường xuyên thất bại. Nhưng có lẽ đây cũng là cuộc chiến đáng giá nhất của mỗi người trong cuộc đời. Nó có thể là trận chiến duy nhất của mỗi người.

Bởi vì khi mà bạn bận tâm tới quá nhiều thứ – khi bạn quan tâm tới mọi chuyện và mọi người – bạn sẽ cảm thấy rằng bạn luôn luôn bị ám ảnh với việc phải trở nên thoải mái và hạnh phúc vào mọi lúc, rằng mọi thứ phải diễn ra theo đúng như ý bạn. Như thế thì thật bệnh. Và nó sẽ ăn tươi nuốt sống bạn. Bạn sẽ thấy mọi xui xẻo như một sự bất công, mọi thử thách như một thất bại, mọi sự bất tiện như một sự yếu kém của bản thân, mọi sự bất đồng như một sự phản bội. Bạn sẽ bị đóng đinh vào cái địa ngục nhỏ mọn, cỡ đầu lâu của mình, bị thiêu đốt bởi quyền năng và sự khoe khoang, chạy vòng vòng với Vòng Lặp Địa Ngục của chính mình, cứ tiếp diễn như vậy mà chẳng đi tới đâu.

Khi hầu hết mọi người hình dung về việc đếch quan tâm tới bất kỳ thứ gì, họ tưởng tượng ra khung cảnh thờ ơ với mọi thứ, một sự yên bình đánh tan mọi cơn bão. Họ mường tượng và mong mỏi trở thành một con người không bị lung lay trước bất cứ điều gì và ngả nghiêng trước bất cứ ai.

Có tên gọi dành cho loại người không có bất kỳ cảm xúc hay tìm thấy ý nghĩa nào trong bất cứ việc gì: kẻ loạn thần kinh. Tại sao bạn lại thích noi gương một kẻ loạn thần kinh cơ chứ, tôi thì chịu thôi.

Vậy thì đếch thèm quan tâm nghĩa là gì? Hãy xem xét ba “điểm tinh tế” dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề.

* ĐIỂM TINH TẾ #1: ĐẾCH THÈM QUAN TÂM KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ THỜ Ơ; MÀ NÓ CÓ NGHĨA LÀ TRỞ NÊN THOẢI MÁI VỚI VIỆC TRỞ NÊN KHÁC BIỆT. 

Hãy làm rõ điểm này.  Chẳng có gì là đáng ca tụng hay chắc chắn về việc thờ ơ cả. Những người thờ ơ là những người kém cỏi và sợ hãi. Họ là những kẻ lười biếng và anh hùng bàn phím. Thực ra, những người thờ ơ thường cố tỏ ra thờ ơ bởi vì trong thực tế họ quan tâm tới quá nhiều thứ. Họ quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về tóc tai của họ, bởi họ không bao giờ gội đầu hay chải tóc. Họ bận tâm tới việc người khác nghĩ gì về ý kiến của họ, nên họ thường ẩn mình sau những lời lẽ chế nhạo và con quái vật tự cho mình là đúng. Họ sợ hãi khi để người khác thân cận mình, nên họ tưởng tượng mình là một bông hoa tuyết đặc biệt, vô song với những vấn đề mà không ai có thể thấu hiểu.

Những người thờ ơ sợ hãi cả thế giới và những hậu quả của các lựa chọn của bản thân họ. Đó là lý do vì sao mà họ lại không đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa. Họ trốn tránh trong cái hố xám xịt, vô cảm của sự tự quan tâm đến mình và tự thương xót mình do chính họ đào ra, không ngừng làm sao lãng bản thân khỏi những sự không may làm tiêu tốn của họ không biết bao nhiêu là thời gian và năng lượng mà được gọi chung là cuộc sống này.

Bởi vì đây chính là bí mật của cuộc sống. Chẳng hề có thứ gọi là không bận tâm. Bạn bắt buộc phải quan tâm tới một điều gì đó. Đó là một phần trong cơ chế sinh học của chúng ta khi luôn quan tâm tới một thứ gì đó và do đó luôn bận tâm tới nó.

Do đó, câu hỏi ở đây là, Chúng ta bận tâm tới cái gì? Chúng ta lựa chọn bận tâm tới cái gì? Và làm sao mà chúng ta có thể không bận tâm tới những thứ không có ý nghĩa khác?

Gần đây mẹ tôi gặp phiền toái với một người bạn thân vì tiền bạc. Nếu như tôi là kẻ thờ ơ, tôi sẽ nhún vai, nhấp một ngụm cà phê moca, và rồi tiếp tục tải về một phần phim The Wire[10]nữa. Tiếc quá, mẹ ạ.

Nhưng thay vì vậy, tôi lại thấy phẫn nộ. Tôi thấy bực bội. Tôi nói, “Không, mặc kệ nó, mẹ ạ. Ta nên tìm luật sư và kiện cái lão khốn kia thì hơn. Tại sao á? Bởi vì con đếch quan tâm. Con sẽ nghiền nát cuộc đời thằng cha này nếu buộc phải vậy.”

Nó minh họa cho sự tinh tế đầu tiên của việc đếch thèm quan tâm. Khi mà chúng ta nói rằng, “Chết tiệt, xem kìa, Mark Manson đếch thèm quan tâm,” chúng ta không có ý nói rằng Mark Manson đếch thèm quan tâm tới cái gì hết, mà ngược lại, chúng ta muốn nói rằng Mark Manson không quan tâm tới những nghịch cảnh nơi bề mặt của những mục tiêu của anh ta, anh ta không quan tâm tới việc làm ai đó bực mình để làm những gì mà anh ta cho là đúng đắn hay quan trọng hay cao quý. Chúng ta muốn ám chỉ rằng Mark Manson là loại người sẽ viết về anh ta ở ngôi thứ ba chỉ bởi vì anh ta cho rằng như thế rất được. Anh ta chỉ đếch thèm quan tâm.

Điều này thật đáng ca ngợi. Không, không phải về tôi đâu, lũ ngốc ạ – mà là về việc vượt qua những khó khăn kia, về cả việc sẵn lòng trở thành một kẻ khác biệt, một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, một kẻ khốn cùng, tất cả chỉ vì hệ chân giá trị của một con người. Sự sẵn lòng đối mặt với thất bại và giơ ngón tay giữa của bạn ra với nó. Là những người không thèm quan tâm tới những khó khăn hay thất bại hay tự làm mình xấu hổ hay dính c*t một vài lần. Những người chỉ cười và vẫn tiếp tục làm những việc mà họ tin tưởng. Bởi họ biết đấy là điều đúng đắn. Họ biết rằng điều ấy còn quan trọng hơn cả chính bản thân họ, còn quan trọng hơn cả những cảm nhận và danh dự và cái tôi của họ. Họ nói rằng, “Mẹ nó chứ,” không phải với mọi điều trong cuộc sống, mà là với tất cả những điều không quan trọng trong cuộc sống. Họ dự trữ sự quan tâm của mình cho những điều thật sự có ý nghĩa. Bạn bè. Gia đình. Mục đích. Burrito. Và một hoặc hai vụ kiện tụng pháp lý. Và bởi vì thế, bởi vì họ dự trữ sự quan tâm của mình cho những thứ có ý nghĩa lớn lao, những người khác cũng đáp lại và quan tâm tới họ.

Bởi vì ở đây còn có một bí mật khác nữa về cuộc sống. Bạn không thể trở thành sự hiện diện quan trọng và mang tính bước ngoặt cuộc đời của một số người mà không trở thành trò cười và đáng hổ thẹn với những người khác. Chỉ là không thể. Bởi vì chẳng tồn tại cái thứ gọi là không có trở ngại. Nó không hề tồn tại. Có một câu thành ngữ như thế này: cho dù bạn có đi nơi đâu, thì bạn vẫn có mặt ở đó. Ờ, điều này cũng đúng với cả những khó khăn và thất bại. Dù bạn có đi nơi đâu, thì vẫn có tận 500 tấn phân đang chờ đón bạn. Và điều này thì cũng ổn thôi. Vấn đề là bạn đừng quay lưng lại với c*t. Vấn đề là tìm ra đống phân mà bạn cảm thấy chấp nhận được.

* ĐIỂM TINH TẾ #2: ĐỂ KHÔNG BẬN TÂM TỚI NHỮNG KHÓ KHĂN, BẠN TRƯỚC TIÊN CẦN PHẢI QUAN TÂM ĐẾN THỨ CÒN QUAN TRỌNG HƠN CẢ KHÓ KHĂN.

Cứ thử tưởng tượng rằng bạn đang ở trong một siêu thị, và bạn chứng kiến việc một cụ bà đang chửi rủa nhân viên thu ngân, mắng mỏ anh chàng vì không chịu chấp nhận phiếu giảm giá 30 cent của bà. Tại sao bà cụ này lại bận tâm đến thế? Chỉ có 30 cent thôi mà.

Tôi sẽ cho bạn biết vì sao: Bà cụ ấy có thể chẳng có gì hay hơn để làm suốt cả ngày ngoài việc ngồi nhà và cắt phiếu giảm giá. Bà ấy già cả và cô đơn. Con cái bà toàn là lũ mất dạy và chẳng bao giờ tới thăm bà. Bà không làm chuyện ấy suốt ba mươi năm rồi. Bà không thể xì hơi mà không bị đau lưng đến mấy ngày. Mấy đồng lương hưu của bà thì còm cõi, và rất có thể bà sẽ chết cùng với một cái tã và nghĩ rằng mình đang ở Xứ sở thần tiên.

Vì thế mà bà cắt mấy cái phiếu giảm giá ấy. Đó là tất cả những gì bà có. Bà và mấy cái phiếu giảm giá chết tiệt. Đó là tất cả những gì mà bà có thể bận tâm bởi vì chẳng còn gì khác để có thể bận tâm tới nữa. Và vì vậy nên khi cậu nhân viên mười bảy tuổi mặt đầy trứng cá từ chối chúng, khi mà cậu ta phòng thủ cái quầy thu ngân của mình như thể các hiệp sĩ bảo vệ trinh tiết của các thiếu nữ, bạn có thể cá là Bà nội sẽ sôi máu. Tám mươi năm tuôn trào trong một lần, như một cơn bão với những câu chuyện kiểu như “Hồi xưa vào thời của ta” và “Ngày xưa người ta lễ phép hơn nhiều. ”

Vấn đề xảy ra đối với những người bận tâm đến những thứ kiểu như món kem ở một trại hè tuyệt vời nào đó nằm ở chỗ họ không có những điều khác xứng đáng hơn để mà bận tâm tới.

Nếu bạn nhận thấy bản thân mình thường bận tâm quá nhiều đến những thứ vớ vẩn tầm thường như – một bức ảnh mới trên Facebook của thằng bồ cũ, sao mà pin của cái điều khiển TV lại hết nhanh thế, bỏ lỡ đợt mua hai tặng một lọ dung dịch rửa tay trong siêu thị – thì có lẽ cuộc đời bạn không có gì diễn ra mấy để mà quan tâm tới nó một cách thích đáng. Và đó thực sự là một vấn đề đối với bạn đấy. Chứ không phải là cái chai nước rửa tay. Hay là cái điều khiển TV kia đâu.

Tôi từng nghe một nhà nghệ thuật nói rằng khi một người không gặp phải vấn đề gì cả, thì tâm trí họ sẽ tự động tìm cách để kiến tạo ra chúng. Tôi cho là điều mà hầu hết mọi người – đặc biệt là những người có học vấn, được bao bọc thuộc giai cấp trung lưu – xem như “vấn đề của cuộc đời” chỉ đơn giản là những tác động ngoại biên của việc chẳng có gì quan trọng hơn để bận tâm.

Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy là việc nhận thấy điều quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời bạn có thể là việc tìm ra cách sử dụng dụng thời gian và năng lượng của bạn một cách hiệu quả nhất. Bởi vì nếu như bạn không thể tìm thấy được thứ có ý nghĩa đó, thì sự quan tâm của bạn sẽ rơi vào những mục đích vô nghĩa và phù phiếm.

* ĐIỂM TINH TẾ #3: DÙ CHO BẠN CÓ NHẬN RA ĐƯỢC ĐIỀU NÀY HAY KHÔNG, BẠN VẪN LUÔN LỰA CHỌN QUAN TÂM TỚI MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ.

Con người ta từ khi sinh ra không phải là không quan tâm tới bất kỳ thứ gì. Thực ra, chúng ta sinh ra đã bận tâm tới quá nhiều điều. Bạn đã bao giờ thấy một đứa nhóc khóc sưng cả mắt bởi vì cái mũ mà nó đội không mang màu xanh theo đúng ý nó chưa? Thật đấy. Mẹ nó chứ.

Khi mà chúng ta còn trẻ, mọi thứ đều thật mới mẻ và hấp dẫn, và mọi thứ đều thật lớn lao. Do đó, chúng ta cứ bận tâm tới hàng ti tỉ thứ. Chúng ta bận tâm tới mọi thứ và mọi người – về việc người khác nghĩ gì về mình, về việc liệu cái anh chàng/cô nàng dễ thương kia có gọi lại cho ta không, về việc liệu đôi tất này có hợp dơ với bộ quần áo hay không, hay ta nên chọn bóng màu gì cho ngày sinh nhật mình.

Khi chúng ta già hơn một tí, cùng với lợi thế của kinh nghiệm (và chứng kiến thời gian đã trôi quá nhanh), chúng ta bắt đầu nhận ra rằng hầu hết những việc như thế này đều chẳng có ý nghĩa mấy trong cuộc đời ta. Những người mà ta bận tâm quá tới cảm nhận của họ trước đây thì giờ chẳng còn xuất hiện trong đời ta nữa. Những sự chối từ đầy đau đớn vào thời điểm đó hóa ra lại là điều tuyệt vời nhất. Chúng ta nhận ra rằng người ta thường thì cũng chẳng mấy bận tâm đến những chi tiết cạn cợt về chúng ta, và ta lựa chọn không ám ảnh nhiều nữa về mấy cái thứ ấy.

Về cơ bản, chúng ta trở nên có chọn lựa hơn về việc mình sẵn sàng bận tâm tới thứ gì. Đây chính là cái gọi là sự trưởng thành. Khá là ổn; thỉnh thoảng bạn cứ thử mà xem. Trưởng thành là khi một ai đó học được rằng chỉ bận tâm tới những thứ đáng để bận tâm. Giống như là Bunk Moreland[11]từng nói với cộng sự thám tử McNulty[12] của mình trong bộ phim The Wire (ui, mẹ nó chứ, tôi vẫn đang download nè) rằng: “Đó là những gì anh có được khi bận tâm tới một việc không đến lượt anh bận tâm tâm đến.”

Và rồi, khi mà ta già hơn nữa và bước vào độ tuổi trung niên, một vài thứ trở nên thay đổi. Mức năng lượng trong ta giảm xuống. Tính đồng nhất trong ta được cô đặc lại. Chúng ta biết mình là ai và chúng ta chấp nhận con người mình, bao gồm cả những phần mà ta không ưa lắm.

Và, theo một cách kỳ lạ, điều này hoàn toàn mang tính giải phóng. Chúng ta không còn phải bận tâm tới mọi thứ nữa. Cuộc đời vẫn như nó vốn thế. Chúng ta chấp nhận nó, những xấu xí và tất thảy. Chúng ta nhận ra rằng ta sẽ không bao giờ phát minh ra được phương thuốc chữa khỏi bệnh ung thư hay đi lên mặt trăng hay sờ được vào ngực của Jennifer Aniston[13]. Và như thế thì cũng không sao cả. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Giờ chúng ta dành mối bận tâm bị thu hẹp của mình cho những phần đáng quan tâm trong đời ta: gia đình ta, những người bạn thân nhất của ta, cái gậy đánh golf của ta. Và, ngạc nhiên làm sao, như thế là đủ rồi. Sự đơn giản hóa này thực sự khiến cho ta cảm thấy hạnh phúc theo một nền tảng kiên cố. Và chúng ta bắt đầu có suy nghĩ rằng, Có lẽ cái thằng cha hâm dở nát rượu Bukowski kia cũng có cái đúng. Đừng cố.
 

Cuốn sách này sẽ giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn một chút về việc bạn chọn lựa những gì là quan trọng hay không quan trọng trong cuộc đời.

Tôi tin rằng ngày nay chúng ta đang đối mặt với một cơn bệnh dịch về mặt tinh thần, một trong số đó là con người ta không còn nhận ra rằng cũng chẳng sao cả nếu đôi khi mọi chuyện có trở nên tồi tệ. Tôi biết là điều này nghe qua có vẻ như lười nhác về mặt trí tuệ, nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng, đây là một vấn đề sống còn hẳn hoi.

Bởi vì khi mà ta tin rằng việc sự việc có đôi khi trở nên thật tồi tệ là không chấp nhận được, thì khi đó ta sẽ bắt đầu buộc tội bản thân một cách vô thức. Chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy như có gì đó sai sai với bản thân mình, mà sẽ dẫn ta tới mọi dạng cố gắng sửa chữa, như là mua một lúc tận 40 đôi giày hay nốc thật nhiều Xanax[14]với cả vodka trong một tối thứ Ba hay xả súng vào một chiếc xe buýt đưa đón bọn học sinh.

Niềm tin rằng việc cảm thấy không thích đáng trong một vài thời điểm là không ổn chính là nguồn gốc của việc Vòng Lặp Địa Ngục đang thống trị nền văn hóa của chúng ta.

Ý tưởng của việc không thèm quan tâm là một cách thức đơn giản nhằm tái định hướng những kỳ vọng của chúng ta đối với cuộc sống và lựa chọn xem cái gì là quan trọng cái gì không. Phát triển khả năng này sẽ dẫn tới điều mà tôi thích được gọi là “khải huyền thực tế “.

Không, không phải là là cái thứ hạnh phúc bất diệt, thần thánh hay là sự khai thị chấm dứt mọi dằn vặt và đau khổ gì đó đâu. Mà hoàn toàn ngược lại, tôi nhìn nhận sự khai sáng thực tế này như là việc trở nên thoải mái với cái ý tưởng rằng một số sự đau khổ là không thể tránh được – rằng cho dù bạn có làm gì đi nữa, đời sống này vẫn luôn chứa đựng những thất bại, mất mát, hối tiếc, và kể cả cái chết. Bởi vì một khi bạn trở nên thoải mái với mọi thứ rác rưởi mà cuộc đời ném vào mặt bạn (và nó sẽ ném hàng đống c*t ấy, tin tôi đi), bạn trở nên bất bại ở một dạng điềm tĩnh nào đó. Rốt cuộc, cách duy nhất để vượt qua nỗi đau là trước hết học cách chịu đựng nó.

Cuốn sách này đếch thèm quan tâm đến việc làm khuây khỏa cho những vấn đề hay đớn đau của bạn. Và vì thế mà bạn sẽ biết rõ tại sao cuốn sách lại vô cùng thành thật. Nó không phải là một sự chỉ dẫn để đạt đến sự vĩ đại – khó có thể như vậy, bởi sự vĩ đại gần như là một thứ ảo tưởng trong tâm trí chúng ta, là một đích đến được tạo dựng mà chúng ta ép buộc bản thân mình phải theo đuổi, là Atlantis[15] trong tâm tưởng chúng ta.

Thay vì thế, cuốn sách này sẽ biến những nỗi đau của bạn trở thành một thứ công cụ, biến những chấn thương trở thành sức mạnh, và biến những vấn đề trở thành những vấn đề sáng sủa hơn. Đây là một sự tiến bộ thực thụ. Hãy suy nghĩ về nó như một kim chỉ nam cho những sự đau khổ và làm thế nào để thực hiện mọi việc một cách tốt hơn, có ý nghĩa hơn, với nhiều đam mê và sự khiêm tốn hơn. Đây là cuốn sách về việc nhẹ nhàng tiến về phía trước mặc kệ những thống khổ dằn vặt bạn, về việc có thể ngủ ngon hơn mặc kệ những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất dày vò bạn, và cười nhạo những giọt nước mắt khi mà bạn rơi lệ.

Cuốn sách này sẽ không dạy bạn cách để đạt tới điều này hay điều nọ, mà là làm thế nào để mất mát và buông tay. Nó sẽ dạy bạn cách kiểm kê lại cuộc đời mình và vứt bỏ tất cả ngoại trừ những điều quan trọng. Nó sẽ hướng dẫn bạn cách nhắm mắt lại và tin tưởng rằng bạn có thể ngã xuống mà vẫn ổn thỏa. Nó sẽ dạy bạn cách quan tâm ít hơn. Nó sẽ dạy bạn không cần cố.

 

Bình luận
× sticky