Mark hùng hổ bước vào lớp, la hét om sòm và quơ nắm đấm tứ tung. Trận bóng gay cấn ngoài sân lại một lần nữa gạt cu cậu ra rìa. Mark lao đến bên bàn giáo viên và gào lên buộc tội:
Mark: Thằng Jason chơi ăn gian! Tụi nó nói em phạm lỗi, nhưng em đâu có! Chính cái mặt thằng Jason thì có! Nó đá bóng ra ngoài… chứ không phải em! Cô Kenner bắt em ra ghế ngồi vì tội đánh nhau, nhưng có phải em đánh trước đâu! Thằng Jason đấy chứ! Giờ lại đến thằng Tom không cho em chơi trong đội của nó! Em ghét cái trường này.
Giáo viên: Đủ rồi! Cô quá hiểu em mà, Mark! Trước khi vào đây ăn vạ thì em phải tự hỏi tại sao không ai muốn chơi với em chứ. Các bạn không muốn chơi với kẻ hay đổ lỗi cho người khác!
Mark: Nhưng mà…
Giáo viên: Không nhưng nhị gì hết! Cô không muốn nghe nữa. Cô đã nghe đủ lời thanh minh của em rồi.
Mark: Nhưng em không…
Giáo viên: Đã bảo là cô không muốn nghe thêm lời nào nữa mà! Giờ ra chơi tiếp theo, em hãy ngồi trong lớp mẫu giáo mà suy nghĩ xem phải cư xử thế nào cho hợp với tuổi của mình.
Tôi chính là người giáo viên ấy.
Ngay khi những lời đó vuột ra khỏi miệng, tôi lập tức thấy hối hận ngay. Lẽ ra tôi phải kiên nhẫn hơn. Nhưng trước đó tôi đã nói với Mark rất nhiều lần về cách cư xử không đúng của nó rồi, và những “cuộc trò chuyện cảm thông” của tôi chả có chút tác dụng nào.
Suốt ngày hôm đó, tôi cứ nghĩ hoài về Mark. Tôi hy vọng sẽ chấm dứt được cái gì ở nó? Sự trừng phạt của tôi liệu có làm tính nóng nảy của Mark giảm đi không? Rõ ràng là không. Trừng phạt có làm cho hai cô trò hiểu nhau không? Chắc chắn là không luôn. Trừng phạt có giúp Mark giải quyết những vấn đề của nó không? Một lần nữa, kết quả cũng là không nốt. Chắc chắn Mark sẽ chẳng học được cách chơi với bạn bè cùng trang lứa qua việc bị phạt ngồi trong phòng toàn bọn mẫu giáo năm, sáu tuổi. Vậy, lí do gì đã khiến tôi trừng phạt Mark?
Tôi đem thắc mắc đó hỏi Jane, khi cùng đi với chị tới phòng họp giáo viên. Trong lúc Jane còn đang ngẫm nghĩ thì tôi đã tự trả lời, “Tại em đã quá ngán ngẩm, quá thất vọng và không còn biết làm gì để khuyên giải nó.”
“Còn một lý do khác,” Jane nói. “Trừng phạt đã trở thành thói quen của ta. Không biết em thế nào chứ chị thì luôn nghe mấy câu kiểu như ‘Con mà làm như thế nữa, mẹ sẽ phạt nặng đấy’, hoặc ‘Có lỗi thì phải bị phạt.’”
“Thế còn câu ‘Cha mẹ làm vậy chỉ vì muốn tốt cho con thôi’ thì sao?” tôi nói thêm.
Jane mỉm cười buồn bã, “Cũng vậy thôi. Đó là cách người lớn muốn dạy cho bọn trẻ một bài học.”
“Đúng thế. Chị Jane ạ, em vẫn nhớ còn nhỏ, em đã cảm thấy như thế nào khi phải nghe những lời ấy. Em bảo đảm chẳng ai học được ‘bài học’ nào đâu. Lúc đó, em không hề nghĩ tương lai mình sẽ tốt như thế nào, mà chỉ cảm thấy tức giận vô cùng, rồi cố nghĩ ra cách chống trả, ‘Mình sẽ cho họ biết tay. Mình sẽ phạm lỗi nữa cho xem. Mình sẽ lặp lại việc đó, nhưng lần tới mình không để bị bắt nữa đâu.’ Thế mà bây giờ em lại là một người lớn đang cố dạy cho Mark một bài học đạo đức, và chắc chắn nó cũng phản ứng y hệt em hồi đó.”
“Nếu đúng thế thật,” Jane nói, “nếu sự trừng phạt chỉ khiến bọn trẻ có cảm giác căm ghét, nghĩ tới việc trả thù, thì tại sao phụ huynh và giáo viên chúng ta vẫn tiếp tục dùng biện pháp ấy?”
Ken từ đằng sau bước lên sóng ngang với tôi và Jane. “Tôi nghe mấy chị nói nãy giờ rồi,” anh vừa vui vẻ nói, vừa mở và giữ cánh cửa thư viện, nơi diễn ra cuộc họp, cho chúng tôi bước vào. “Theo ý tôi, đó là vì có tới ba mươi em học sinh mà chỉ có mỗi một giáo viên, nếu ta không trừng phạt chúng thì chúng sẽ đè bẹp ta mất.”
“Nghiêm túc đi Ken,” tôi nhắc.
“Tôi nghiêm túc mà. Nếu không, chị còn biết dùng cách gì để ép chúng vào nề nếp chứ? Đôi khi ta vẫn phải trừng phạt trẻ, để khuôn chúng vào lề vào lối.”
Ôi thôi! Chúng tôi lại vòng về điểm xuất phát mất rồi! “Nhưng mà Ken,” tôi cố giải thích khi cả ba cùng bước tới một cái bàn ở góc phòng. “Cứ cho là ta dùng sự trừng phạt để dạy bọn trẻ một bài học đi, bài học đó là gì? Khi một đứa trẻ bị phạt bằng câu, ‘Cô muốn em viết câu Em sẽ không nói dối nữa một trăm lần!’ chắc chắn nó sẽ nghĩ bụng, ‘Mình là đứa chẳng ngoan. Mình đáng bị phạt mà.’”
Jane xen vào, “Còn khi trẻ bị ăn đòn, chẳng hạn thầy cô bảo, ‘Cho em nếm vài roi ở phòng thầy hiệu trưởng để xem em còn dám đánh nhau nữa không!’ thì nó sẽ học được là, ‘Thầy đánh em bằng roi thì được, còn em đánh bạn thì không. Được thôi, thầy cứ đợi đến khi em có chức có quyền mà xem.’”
Ken thản nhiên nhìn hai chúng tôi, “Tôi để học sinh của mình rất thoải mái, như các chị biết đấy, tôi không phản đối chuyện tụi nó nghịch ngợm. Nhưng phải có giới hạn. Nếu nghe thấy tiếng văng tục, cãi nhau, hoặc có những hành vi sai trái thì chúng sẽ bị phạt ngay.” Rồi, không nói thêm gì nữa, Ken tới bên kệ sách đằng sau bàn họp, chỗ để sách chuyên ngành của thư viện, rút ra vài quyển. “Nghe tôi đọc cái này nhé,” anh vừa nói vừa giở nhanh quyển sách ra. “Đây là tuyên bố của những chuyên gia giáo dục hàng đầu hiện nay về vấn đề này, triết lý của họ rất giống tôi:
Trừng phạt… thường có tác dụng nhanh trong việc đối phó với những hành vi gây hại. [1]
Khi tất cả các biện pháp đã thất bại thì trừng phạt… có thể là giải pháp tốt nhất. [2]
Không dùng cách trừng phạt… là đánh mất một biện pháp giáo dục có hiệu quả rõ rệt. [3]
“Đây,” Ken nói, đẩy quyển sách qua bàn. “Các chị xem đi. Tất cả chỉ mới được viết gần đây thôi.”
“Tôi không quan tâm họ viết khi nào,” Jane nói thẳng. “Cái lối suy nghĩ kiểu ấy cổ hủ rồi. Đã thế anh còn trích dẫn không đúng hoàn cảnh. Quan trọng hơn là anh không biết còn có một trường phái tư duy khác đã đưa ra một quan điểm rất khác.” Jane lôi từ kệ sách ra bốn quyển và nôn nóng lật tìm.
“Jane à,” tôi nhắc chị, “có lẽ chúng ta nên chờ họp xong đã.”
“Không sao đâu,” Ken nói. “Mọi người vẫn chưa vào đủ mà. Với lại tôi cũng muốn nghe xem chị Jane muốn đọc cho mình nghe điều gì.”
“Đây này,” Jane nói. “Đây là tư tưởng của những chuyên gia có tiếng tăm tin rằng trừng phạt chẳng phải là biện pháp hay ho gì để rèn luyện tính đạo đức cho trẻ.
“Tiến sĩ Haim G. Ginott viết:
Biện pháp trừng phạt không kiềm hãm được những hành vi sai trái. Nó hầu như chỉ làm cho người phạm lỗi rút được kinh nghiệm để lần sau khéo léo che đậy dấu vết hơn, ranh ma hơn khi bị truy xét. Khi bị trừng phạt, trẻ sẽ quyết tâm phải cẩn thận hơn chứ không tự nhủ là mình sẽ thành thật và có trách nhiệm hơn. [4]
“Tiến sĩ Irwin A. Hyman thì viết:
Sử dụng hình thức trừng phạt thể xác (roi vọt) sẽ dạy đứa trẻ rằng, bạo lực là một cách giải quyết vấn đề. Nhiều nghiên cứu cho thấy thông điệp này ảnh hưởng tới cả người gây bạo lực lẫn người phải chịu đựng bạo lực, và người chứng kiến. [5]
“Tiến sĩ Rudolf Dreikurs viết:
Ngày nay, cha mẹ và giáo viên không còn bắt trẻ phải hành xử như thế này, thế kia được nữa. Thực tế đòi hỏi người lớn phải áp dụng những phương pháp mới, gây ảnh hưởng và tạo động cơ cho trẻ hợp tác. Những biện pháp trừng phạt như đánh vào mông, bạt tai, chửi bới, cấm đoán, hay phỉ báng trẻ đều là những biện pháp lỗi thời và không hiệu quả trong việc tạo dựng tính kỷ luật cho chúng. [6]
“Tiến sĩ Albert Bandura viết:
Việc trừng phạt có thể khống chế, kiểm soát hành vi sai trái, nhưng bản thân nó không thể dạy trẻ những hành vi đáng quý, mà cũng không làm giảm ý muốn cố tình gây ra hành vi lệch lạc ở trẻ.” [7]
Ken nhún vai và phản biện rất hăng, nhưng tôi chỉ nghe lõm bõm lời anh nói, bởi trong đầu tôi cứ lấn cấn mãi câu cuối cùng mà Jane vừa đọc, “Làm giảm ý muốn cố tình gây ra hành vi lệch lạc ở trẻ.”
Đó mới đúng là điều tôi muốn mình phải làm cho được. Tôi muốn biết làm cách nào để chạm được tới đáy lòng học sinh và chuyển “ước muốn hành động sai trái” thành ước muốn hành động đúng đắn. Tôi muốn tránh màn bụi phóng xạ kinh khủng của sự trừng phạt, muốn khuyến khích trẻ biết làm chủ bản thân, và biết rèn luyện tính tự giác. Tôi muốn tìm ra những biện pháp hiệu quả thay thế cho sự trừng phạt.
Khi viên cố vấn giáo dục phát những tờ biểu mẫu mới cho chúng tôi điền vào, tôi thì thầm với Jane, “Có lẽ thay vì dọa phạt Mark phải ngồi trong lớp mẫu giáo, em nên thừa nhận rằng nó đang giận dữ thế nào đã, để đến khi nó bình tĩnh lại, em sẽ giúp nó nghĩ xem nó có thể làm gì khác khi cảm thấy bị đối xử bất công. Nó không đáng bị trừng phạt.”
Ken nhoài người về phía tôi, nói chen vào, “Nhưng đối với những học sinh đáng bị trừng phạt thì sao?”
Ken đã điểm trúng huyệt tôi. Tôi chợt nghĩ tới Amy, nữ sinh đóng vai chính trong vở kịch của trường do tôi phụ trách, sẽ công diễn trong đêm lễ hội phụ huynh. Thú thật, Amy là đứa học sinh làm cho tôi chỉ muốn trừng phạt mà thôi.
Sau cuộc họp, trong bãi đậu xe, tôi kể cho Jane nghe về Amy, và rằng nó đã khiến tôi nổi cáu như thế nào. Tôi đã chọn Amy vào vai chính vì nó xuất sắc trong khi thử vai, nhưng đến khi tập diễn thì nó giở chứng không chịu nổi. “Nó làm mọi cách, không thiếu cách nào, để lôi kéo sự chú ý của mọi người – cười đùa, làm duyên làm dáng, nhí nha nhí nhố – nhưng lời thoại thì quên tịt. Dường như ‘quên’ chỉ là để cho vui vậy thôi. ‘Công chúa Amy’ còn chẳng buồn đem theo kịch bản, em nghĩ, chắc nó tin nó có thể học thuộc toàn bộ lời thoại vai của mình vào phút cuối. Có thể nó sẽ làm được như vậy thật, nhưng giờ thì em chỉ thấy trước một bức tranh khủng khiếp vào đêm lễ hội: Amy đứng ngay đơ trên sân khấu, mắt ngó láo liên, còn em ở bên trong cánh gà mớm cho nó từng lời mà ai cũng nghe thấy.”
“Thế em muốn làm gì với Amy?” Jane hỏi. “Nói cho chị nghe xem, em đã nghĩ đến những hình phạt ghê gớm nào?”
“Em không nói đâu. Nghe khiếp lắm.”
“Thì em cứ kể đi.”
“Em muốn bắt chước cô Kane.”
“Cô Kane nào?”
“Giáo viên dạy em hồi lớp Năm. Đó là một người cứng rắn – không bao giờ chịu bỏ qua cho ai vì bất cứ lí do gì.”
“Được rồi, thế cô Kane định sẽ làm gì Amy? Cứ nói ra thử coi, ít nhất em cũng sẽ loại bỏ được ý nghĩ đó khỏi đầu mình. Rồi chúng ta sẽ bàn bạc xem có thể tìm ra cách thay thế hợp lý nào không.”
Sau đây, bằng hình minh họa, bạn sẽ thấy những hình phạt mà tôi đã tưởng tượng ra, và những biện pháp thay thế.
Trong thực tế điều gì đã xảy ra? Tôi không bao giờ phải chọn cái bước cuối cùng quyết liệt đó. Ở buổi tập tiếp theo, tôi có nhiều lựa chọn khác nhau, với một thái độ khác hoàn toàn. Không hề đổ lỗi, cảnh cáo hay đe dọa dữ dội. Khi tôi khều Amy ra một chỗ và bảo cho nó biết tôi cảm thấy thế nào, và chỉ cho nó cách làm sao để có thể theo kịp mọi người, nó chỉ im lặng lắng nghe. Đến buổi tập kế tiếp, tôi nhận thấy có sự thay đổi trong cách làm việc của Amy. Và đến cuối tuần thì Amy đã thuộc hết lời thoại của nó.
Đến thứ Hai tuần sau, trong giờ ăn trưa, tôi kể cho Jane, Ken và Maria nghe chiến thắng nho nhỏ của mình.
Ken lập tức thách tôi, “Nhưng nếu lỡ Amy vẫn chưa thuộc lời thoại thì sao? Lỡ chị buộc phải ‘để nó nếm trải hậu quả từ hành vi của mình’ và gạch tên nó khỏi bảng phân vai thì sẽ thế nào? Như vậy thì có khác gì sự trừng phạt đâu?”
Tôi sựng lại vì câu hỏi của Ken. Làm sao tôi có thể tìm ra lời lẽ để cắt nghĩa rạch ròi cho anh ấy hiểu về cái điều mà chính tôi cũng còn đang mập mờ? “Khác ở ý định đấy, Ken,” tôi chậm rãi trả lời, “ý định của tôi là không muốn làm tổn thương Amy, không muốn tước đoạt cái gì của nó, không muốn chiến đấu với nó. Thậm chí cả ý định ‘dạy cho con bé một bài học’ cũng không, dù là để nó biết mà chừa tật xấu. Ý định của tôi là muốn bảo đảm bảng phân vai, và muốn chắc chắn tất cả đều tự giác làm tốt phần của mình, muốn tất cả đều góp phần vào vở kịch mà các em ấy có thể tự hào. Và tôi muốn bảo vệ mình khỏi bị căng thẳng không cần thiết.”
Maria nhíu mày, “Biết đâu Amy lại nổi cáu với cô thì sao?”
Jane bênh tôi, “Có thể như thế lắm, nhưng khả năng Amy tự nổi cáu với mình thì nhiều hơn. Sau cú sốc ban đầu, con bé có thể tự nhủ, ‘Thất vọng quá đi… Mình thật sự thích vai diễn đó… Phải chi mình chịu học thuộc lời thoại và không đùa giỡn… Lần tới nếu được chọn đóng kịch, mình sẽ nghiêm túc và chuẩn bị tốt hơn.’ Nói cách khác, sau khi Liz giải xong ‘bài toán về cảm xúc’ thì điều Amy có được là niềm hy vọng.”
“Có lẽ chị nói đúng,” Maria thở dài, “Nhưng tôi vẫn chưa thông lắm. Ngay lúc này đây, tôi đang gặp phiền toái với Marco, và có cảm tưởng như mình bị kéo căng ra hai hướng. Chồng tôi thì nghĩ khi bọn trẻ làm gì sai trái thì chúng phải bị phạt. Nhưng tôi không muốn phạt con, mặc dù khi còn bé, tôi rất hay bị cha mẹ phạt.”
“ Marco làm chị buồn á?” Ken hoài nghi hỏi. “Nghe lạ quá. Nó là đứa ngoan lắm mà. Nhớ cái hôm Macro đến trường cùng với chị trước ngày khai giảng không, nó đã phụ tôi dỡ sách vở ra và xếp dọn phòng học đấy.”
“Tôi biết, nó là thằng bé ngoan,” Maria nói, “nhưng nó đã gây ra một việc rầy rà. Hôm nọ, nó lấy thước kẻ giả làm thanh kiếm rồi gây ra một trận đấu tưng bừng trong hành lang với Jimmy, thằng bạn học cùng lớp với nó. Chồng tôi luôn dặn Marco không được muốn gì làm thì làm, mà phải suy nghĩ trước, nhưng Marco đâu có nghe, để rồi hậu quả là tôi bị giáo viên của nó gọi điện thoại tới nhà kể tội, sau đó là điện thoại của thầy hiệu trưởng.”
“Chỉ vì quậy phá thôi á?” Ken hỏi.
“Còn trầm trọng hơn thế nhiều. Mắt kính của Jimmy bị vỡ. Marco đã lỡ tay làm rớt kính của bạn rồi dẫm chân lên. Cha mẹ Jimmy đã gọi cho chồng tôi. Họ rất bực bội vì cặp mắt kính mới mua ấy rất đắt tiền, và lỗi là tại thằng Marco nhà tôi rủ rê con họ.”
“Ồ, thế thì lại là chuyện khác rồi,” Ken nói. “Nếu con tôi mà làm thế, tôi cũng sẽ phạt nó… Vậy chị nghĩ sao về việc này, Jane?”
“Tôi nghĩ,” Jane nói, “điều quan trọng là chúng ta phải tự hỏi xem Marco sẽ nghĩ gì nếu cu cậu bị phạt. Và Marco có thể tự nhủ gì nếu cha mẹ dùng một giải pháp khác thay vì trừng phạt nó.”
Sau đó chúng tôi thảo luận rất sôi nổi, cố dự đoán xem điều gì sẽ xảy ra cho từng kịch bản. Tiếp theo đây, bạn sẽ thấy nội dung chính của những mẩu đàm thoại mà chúng tôi đã tưởng tượng ra, nếu Marco bị cha mẹ trừng phạt… và nếu chẳng có điều khủng khiếp nào cả.
“Ờ, tôi phải thừa nhận là có một chút khác biệt giữa hai biện pháp đó,” Ken nói.
“Một chút thôi á?” Jane kêu lên. “Trong mẩu đối thoại đầu tiên, Marco bị phạt, trong lòng nó chỉ còn cảm giác giận hờn và tuyệt vọng.”
“Trong mẩu thứ hai,” tôi nói, “Marco vẫn thấm thía được nỗi thất vọng to lớn của ba mẹ, đồng thời hiểu được mong muốn của ba mẹ là nó phải sửa sai. Cuộc trò chuyện ấy giúp Macro có được cảm giác mình vẫn là người tốt, và học được rằng, nếu đã lỡ làm điều sai trái thì vẫn có thể tìm ra cách sửa sai.”
Ken quay qua hỏi Maria, “Vậy chị định làm gì? Tất cả những điều chúng ta đã thảo luận có giúp được gì cho chị không?”
Maria nghiêm trang nhìn Ken, “Tôi biết tối nay mình nên nói gì với chồng rồi,” chị khẽ nói, “và tôi cũng biết, cả hai sẽ nói chuyện với Marco như thế nào.”
GHI NHỚ
GIẢI PHÁP THAY THẾ SỰ TRỪNG PHẠT
ở nhà và ở trường
Trẻ: Hừ! Chết tiệt thật! Loay hoay hoài mà con vẫn chẳng giải được bài toán này.
Người lớn: Mẹ đã cảnh cáo bao nhiêu lần là con không được nói bậy rồi mà! Lần này phải phạt con mới chừa.
Thay vì đe dọa, trừng phạt, bạn có thể:
1. Chỉ ra một giải pháp hữu ích
“Mẹ biết con đang rất bực bội, nhưng nếu con nói ra mà không kèm theo tiếng chửi rủa thì sẽ đỡ bực hơn đấy.”
2. Bày tỏ nỗi thất vọng ghê gớm
“Cái tiếng mà con vừa nói làm mẹ khó chịu lắm đấy.”
3. Nêu sự mong mỏi của bạn
“Mẹ hy vọng con sẽ tìm cách khác hay hơn để cho mẹ biết là con bực bội cỡ nào!”
4. Chỉ cho trẻ cách khắc phục
“Mẹ muốn con viết ra một loạt những lời mạnh mẽ phù hợp để dùng thay cho những lời thô lỗ mà con vừa nói. Nếu tìm không ra, con có thể tra từ điển hay sách liệt kê những từ đồng nghĩa cũng được.”
5. Đề xuất sự lựa chọn
“Con nên chửi thầm trong đầu thôi. Nếu không thì hãy dùng từ khác cho dễ nghe một chút.”
(Nếu trẻ vẫn cứ dùng những lời lẽ thô lỗ thì sao?)
6. Để trẻ nếm trải hậu quả do hành vi của nó gây ra
“Khi nghe con nói những lời bậy bạ ấy, mẹ cũng hết muốn giúp con làm toán hay làm bất kỳ cái gì luôn.”
NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN
? Những thăc mắc của phụ huynh
1. Tôi vừa mới trở thành mẹ kế của hai đứa con trai. Chồng tôi chủ trương, nếu chúng học kém một môn thì sẽ bị trừ tiền tiêu vặt. Còn tôi thì nghĩ nên tăng tiền tiêu vặt cho chúng khi chúng đạt điểm tốt. Vậy, việc khen thưởng có phải là biện pháp tích cực để khuyến khích bọn trẻ siêng năng hơn không?
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả việc phạt lẫn việc thưởng, về lâu về dài, đều làm giảm đi ham muốn học tập [8] . Bọn trẻ sẽ học tốt nhất khi chúng quan tâm đến việc lĩnh hội kiến thức và khi nhận được điểm cao đã là một phần thưởng xứng đáng rồi. Tất cả những gì bọn trẻ muốn ở cha mẹ là họ cần ghi nhận niềm vui của chúng vì thành tích đã đạt được. Khi bọn trẻ bị điểm kém cũng kể như chúng đã bị trừng phạt rồi. Điều chúng cần là cha mẹ thấu hiểu nỗi thất vọng, chán nản của chúng, sau đó giúp chúng nhận ra sai lầm và nên làm gì để sửa chữa sai lầm ấy.
2. Hễ ngày nào con gái tôi, Jill, ở nhà trẻ về với tâm trạng buồn bã thì tôi biết ngay là con bé đã bị cô giáo bắt ra ngồi ở ghế “cách li”. Rồi một tối nọ, khi tôi nổi giận với chồng thì Jill liền bảo, “Ba, ba hãy ra ghế ‘cách li’ ngồi đi.” Tôi ngạc nhiên quá sức, bởi vì ở nhà tôi đâu có dạy con bé theo cách ấy. Tôi tự hỏi các cô giáo ở trường có nên dùng cách đó để răn dạy bọn trẻ không? Tiến sĩ nghĩ sao?
Cách li thật ra mang ý nghĩa rất thân thiện, vô hại, vì thực tế đứa trẻ không hề bị đánh hay bị la mắng. Nó chỉ bị cho nghỉ và bị bắt rời khỏi nơi đang diễn ra một hoạt động nào đấy. Tuy nhiên, cho dù có một số chuyên gia uy tín trong lĩnh vực chăm sóc trẻ rất hay đề xuất phương pháp này, nhưng Hiệp hội Giáo dục trẻ nhỏ quốc gia lại đưa “cách li” vào danh sách những biện pháp kỷ luật gây tổn hại đến tâm lý của trẻ – được xếp cùng với các hình phạt thể xác, chỉ trích, trách mắng và lăng nhục.
Thật khó mà giải thích cho đến tận cùng câu hỏi, rằng tại sao là người lớn, ta có thể tưởng tượng mình cảm thấy phẫn uất và nhục nhã đến mức thế nào nếu ai đó ép buộc mình phải cách li mọi người, do mình đã nói hay làm một điều gì đó có lỗi. Vì thế, sẽ càng khó tưởng tượng hơn những diễn biến bên trong một đứa trẻ, khi nó bị đuổi ra ngồi đếm thời gian trong một cái ghế “cách li”. Vậy thì chúng ta hãy thử xem. Hãy đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ bốn hay năm tuổi. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang tức giận thằng bạn cùng lớp, giả sử thằng này tên là Jeffrey, (Jeffrey xô đẩy, chọc ghẹo, hoặc giật đồ của bạn) đến nỗi trong cơn tức giận, bạn đã đá lại nó một cái để trả đũa – hay đấm, chửi, ném đồ vào nó chẳng hạn. Rồi bạn tưởng tượng tiếp, cô giáo sẽ có hai phản ứng khác nhau của với hành động không hay của bạn.
Ở kịch bản thứ nhất, cô giáo nói, “Thôi ngay! Ai cho phép em làm thế hả? Em ra ghế ‘cách li’… ngay lập tức !”
Rất nhiều khả năng rằng bạn lê bước ra ghế “cách li” với ý nghĩ, “Thật bất công! Cô không thấy thằng Jeffrey đã làm gì mình à, đó là lỗi của nó chứ bộ!” Hoặc, “Chắc tại mình xấu tính quá. Xấu đến nỗi bị đuổi ra chỗ khác ngồi một mình.”
Kịch bản thứ hai, cô giáo bảo bạn, “Cô thấy em tức Jeffrey đến nỗi phải đá bạn ấy một đá cho hả giận. Nhưng các em không được phép đánh nhau. Hãy nói bằng lời với bạn ấy, rằng em không thích cái gì… Em làm được mà!”
Nhiều khả năng lần này bạn sẽ tự nhủ, “Thì ra cô giáo hiểu tại sao mình lại nổi cáu với Jeffrey. Cô không cho phép mình đá nó, mà muốn mình cho nó biết mình cảm thấy thế nào. Có lẽ mình làm được đấy.”
Đó là hai mẫu thông điệp rất khác nhau. Thông điệp thứ nhất thuyết phục đứa trẻ rằng nó đã làm điều sai trái đến nỗi cô giáo phải “cách li” nó; thông điệp thứ hai dạy cho trẻ cách xử lý trong xã hội – có bản lĩnh và không cần dùng đến bạo lực.
Điều đó có nghĩa là không bao giờ nên tách trẻ khỏi nhóm của nó sao? Một số giáo viên tin rằng, mỗi lớp học nên có một chỗ riêng làm nơi cho trẻ rút lui vào đó, để “trú ẩn” trong lúc bị mất bình tĩnh. Ở “cái nơi xả hơi” hoặc “một xó xỉnh để nguôi ngoai” ấy có thể bày vài quyển sách, bút vẽ, gối để đập cho đỡ tức hay để nằm ình ra. Nên nhớ là trẻ không bị bắt buộc tới đó. Giáo viên có thể cho chúng lựa chọn, để chính bản thân chúng quyết định xem mình có nên tới đó hay không, “Cô thấy em vẫn còn tức Jeffrey. Em muốn kể cho cô nghe thêm về việc đó, hay là vào góc thư giãn để viết hay vẽ ra những gì em đang cảm thấy?”
3. Với người có tính nóng nảy giống như tôi, không phát vào mông con mà thay vào đấy cho nó thời gian “cách li” là một tiến bộ rất lớn. Ta có thể làm gì khác nữa, khi cảm thấy mình sắp sửa mất kiểm soát?
Một người mẹ chia sẻ rằng, chị thường tự cho mình thời gian nghỉ giải lao mỗi khi cảm thấy mình sắp “nổ tung” đến nơi. Bà nói, “Khi thấy thằng con trai thản nhiên rạch lia lịa lên mặt bàn ăn bằng đầu nhọn của cây com-pa mới, tôi liền giật com-pa khỏi tay nó và la lên, ‘Thấy cái cảnh này là mẹ không tài nào chịu nổi, mẹ phải vào phòng một lát cho hạ hỏa cái đã!’” Rồi sau đó, khi đã bình tĩnh trở lại, chị bày cho thằng con cách khắc phục những chỗ hư hại mà nó đã gây ra.
Khi một phụ huynh hỏi tiến sĩ Haim Ginott rằng ông thường làm gì trong lúc đang “tức lộn ruột”, thì ông lập tức đứng thẳng người lên, nhìn trừng trừng vào một “thủ phạm” tưởng tượng, giơ cánh tay phải lên trong điệu bộ đe dọa và thét to, “Tôi sùng lên rồi đấy, tôi sẽ nện cho anh một trận nên thân. Muốn sống thì vắt giò lên cổ mà chạy đi!”
4. Hôm qua, giáo viên của con trai tôi đã giữ tất cả các học sinh nam ở lại trường vì nhân viên bảo vệ báo rằng có một số học sinh lớp cô hút thuốc trong nhà vệ sinh nam. Hậu quả là con trai tôi bị mất buổi tập bóng rổ, và nó rất tức giận. Nó nghĩ trừng phạt cả nhóm là bất công. Tiến sĩ nghĩ sao?
Chẳng có gì khó hiểu khi con trai chị phản đối việc trừng phạt tập thể. Học sinh vô tội sẽ cực kỳ bất mãn về việc này, và có thể chúng sẽ kết luận rằng, “Cần quái gì phải mất công chấp hành nội quy trong khi đằng nào cũng bị phạt?” Còn những đứa có tội thì lại nghĩ, “Lần này mình thoát êm rồi! Lần sau chắc cũng thế thôi.” Nếu mục đích của giáo viên là giúp học sinh trở nên tự giác hơn thì trừng phạt – dù là phạt tập thể hay phạt cá nhân – đều không đạt được kết quả.
• Chuyện kể của phụ huynh
CHUYỆN THỨ NHẤT do mẹ bé Megan, chín tuổi, kể.
Một buổi chiều, tôi xin về sớm lúc hai giờ vì thấy hơi mệt. Thử tưởng tượng xem tôi đã sốc đến mức nào khi nghe thấy tiếng cười giỡn từ phòng cô con gái vọng xuống. Tôi chạy lên lầu thì bắt gặp Megan và bạn nó, JoAnn, đang ở đó. Chúng im bặt khi trông thấy tôi và nhìn nhau với vẻ biết lỗi. Tôi hết sức bối rối vì chẳng hiểu gì cả, rốt cuộc hai đứa đã thú nhận là chúng về nhà ăn trưa rồi ở nhà luôn.
Tôi bảo, “Tức là các con trốn học?”
JoAnn nói, “Nhưng chúng cháu không cố ý. Chúng cháu mải nói chuyện nên quên luôn cả giờ giấc.”
Tôi bảo JoAnn ra về vì tôi cần nói chuyện riêng với Megan. Khi cô bé kia đã về rồi, tôi mới nhẹ nhàng nói với Megan, “Không phải các con quên cả giờ giấc, đúng không?”
Megan cúi đầu và nói, “Tụi con chỉ muốn thử xem cảm giác không quay lại trường sẽ thế nào thôi.”
Trong một thoáng, tôi không biết mình nên làm gì. Tôi định sẽ phạt nó – tuyên bố nó sẽ không được sang nhà JoAnn chơi trong suốt một tháng sau đó. Nhưng thay vì làm vậy, tôi nói, “Mẹ rất bực mình. Đáng ra giờ này con phải ở trường mới phải. Chắc chắn mẹ sẽ bị cô giáo gọi điện thoại mắng vốn cho mà xem.”
Megan năn nỉ, “Mẹ viết giấy xin phép nghỉ học cho con đi, mẹ! Mẹ cứ nói là con bị bệnh, như vậy cô sẽ không gọi cho mẹ nữa.”
Tôi nghiêm giọng, “Megan, giấy xin phép phải do chính tay con viết và phải viết đúng sự thật.” Tất nhiên con bé chẳng vui vẻ gì, nhưng nó cũng viết (với sự góp ý của tôi), rằng nó chỉ muốn “thử nghiệm” thôi và sẽ không tái phạm nữa.
Sau đó tôi thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Tôi đã giữ được bình tĩnh, đã không “nổi trận lôi đình” với con, và mặc dù rõ ràng cô giáo sẽ rất bực mình về nội dung của tờ giấy xin phép đó, nhưng tôi vẫn thấy mình làm đúng. Tôi biết mình đã giúp Megan nhìn nhận và chịu trách nhiệm với việc mà nó đã làm.
Câu chuyện tiếp theo do phụ huynh của một học sinh trung học kể.
Cô con gái mười sáu tuổi của tôi, Carol, kể với tôi rằng: một bữa nọ khi học về sự phát triển của trẻ trong môn Quản lý gia đình [9] , giáo viên đã hỏi nó, “Em nghĩ đứa trẻ sẽ thế nào nếu nó không bao giờ bị phạt?” Khi Carol bảo với cả lớp rằng nó chưa bao giờ bị cha mẹ đánh hay phạt thì những học sinh khác nhìn nó, miệng há hốc. Một em nữ nói, “Nhưng… chắc tại… bạn ngoan quá đấy thôi!”
Tôi nghĩ, có lẽ là chúng không tin rằng người ta vẫn có thể trở nên “tốt” mà không hề bị phạt. Tôi đoán rằng, nếu chúng ta nuôi dạy bọn trẻ bằng những cái tát tai và sự trừng phạt, chúng sẽ khó mà tin được cha mẹ tin cậy chúng và muốn nói chuyện với chúng một cách tôn trọng, và rồi chúng sẽ lớn lên thành những người “tốt” đầy trách nhiệm. Con bé Carol nhà tôi chính là bằng chứng cho điều đó.
Mới tuần trước, vợ chồng tôi đi chơi tối về thì thấy một mẩu giấy Carol để trên gối của chúng tôi:
Thưa ba mẹ,
Hồi tối này, trong khi lái xe trên đường cao tốc về nhà, con đã đâm phải một cây sồi và làm móp xe của ba mẹ. Con kèm theo tờ giấy này 10 đô la – là số tiền đầu tiên con kiếm được – để trả tiền sửa xe cho ba mẹ. Mỗi tháng, con sẽ nộp một khoản tiền như thế cho tới khi nào đủ thì thôi. Con xin lỗi!!! Con thật lòng không muốn như thế.
Thương ba mẹ,
Carol
Phải thừa nhận là mới đầu vợ chồng tôi có hơi giận, nhưng rồi cũng nguôi đi và cảm thấy tự hào về con mình.
CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI CHA.
Phòng giám thị nhà trường tổ chức cuộc họp phụ huynh để bàn về tình trạng sử dụng ma túy ở địa phương đang gia tăng đến mức đáng báo động. Có một nhóm chuyên gia sức khỏe tâm thần đến nói chuyện với chúng tôi. Họ toàn là những người xuất sắc, nhưng người nói hay nhất, khiến tôi tâm đắc nhất lại là một người học dở dang bậc trung học và vừa mới trải qua chương trình cai nghiện ma túy. Cô ấy kể cho chúng tôi nghe về người cha nghiện ngập của cô ấy – một người cha không bao giờ ở bên cạnh để khuyên nhủ cô – về người mẹ đã đi bước nữa và chẳng nhìn ngó gì tới con, về những tháng ngày trượt dài bắt đầu từ những bất mãn ở trường học, rồi những trò quậy phá, cho đến việc chích ma túy, cuối cùng là sống lang thang trên hè phố với đám bụi đời và bị nhiễm căn bệnh AIDS khủng khiếp, như vài đứa bạn của cô.
Cuối bài nói chuyện của mình, cô nhìn quanh phòng và nói, “Tôi chỉ muốn nói với quý vị một điều, hãy lắng nghe con cái của mình. Tôi từng nghĩ, giá như mẹ tôi biết lắng nghe, thay vì chăm chăm vào chuyện hình phạt, chắc hẳn tôi đã nghe lời bà. Nhưng thay vì vậy, tôi chỉ thấy tức điên lên mỗi khi bị nhốt, nên trả đũa mẹ bằng cách chui qua cửa sổ và trốn ra ngoài. Giá như mẹ tôi chịu làm một người bạn của tôi và ít trừng phạt hơn thì hẳn là sự việc đã khác đi. Chỗ ở thực sự của trẻ con là ở ngay trong gia đình chúng. Chúng ở đó để được cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Nếu cha mẹ chịu lắng nghe nhiều hơn và phán xử ít đi hơn thì con cái sẽ tâm sự với họ nhiều hơn.”
? Những băn khoăn của giáo viên
1. Tôi đã dạy ở nhiều trường và đã chứng kiến nhiều hình thức trừng phạt từ nhạo báng, giễu cợt đến dọa nhốt trong phòng hay đuổi học. Một số giáo viên thường ngăn cấm, hay tịch thu của học sinh những gì chúng yêu thích nhất – thể thao, âm nhạc, du lịch… – và nhiều người khác lại ưa dùng nhiều hình phạt thể xác. Họ tát, lắc vai, cấu nhéo, hay giựt tóc bọn trẻ. Trong những hình thức này, tiến sĩ thấy hình thức nào có hại nhất?
Trong quyển Đọc, Viết và Roi vọt, tiến sĩ Irwin Hyman đã nói rằng, tất cả những hình phạt đều có thể gây chấn động tâm lý về lâu dài cho đứa trẻ. Nghiên cứu của ông cho thấy: chỉ cần nếm trải một hành vi thô bạo cũng có thể gây nhiều triệu chứng stress sau chấn thương: trẻ mất tập trung, mất hứng thú với trường lớp, không làm bài tập về nhà, và bắt đầu cư xử hung hăng. Trẻ sẽ có cảm xúc lo âu, buồn rầu, tự ti hoặc mất niềm tin vào người lớn. Có trẻ sinh chứng đái dầm, cắn móng tay, hoặc nói lắp, đau đầu hoặc đau bụng đột ngột. Có trẻ lại thường gặp ác mộng, trằn trọc khó ngủ, hoặc ngủ chập chờn. Mặc dù có những đứa trẻ không mắc phải những chứng kể trên, nhưng ta không nên để cho bất cứ đứa trẻ nào bị như thế. Con cái chúng ta có quyền – nếu không được quy định bởi luật pháp quốc gia, thì cũng bởi luật ở cấp cao hơn – được đối xử như con người, và được những người có trách nhiệm dưỡng dục chúng chăm sóc.
2. Tôi vẫn không thể chấp nhận ý kiến cho rằng không có một tình huống nào đáng bị trừng phạt. Thế còn những đứa chuyên đi bắt nạt bạn, giật mắt kính của mấy em lớp dưới, hay chọc cho mấy đứa con gái phát khóc rồi cười cợt khoái trá? Những đứa trẻ cư xử thô bạo như thế có đáng bị trừng phạt không?
Những đứa trẻ như thế cần phải bị ngăn chặn kịp thời và được chỉ bảo. Chúng không cần nghe một bài giáo huấn về việc người lớn hơn, mạnh hơn tự cho mình cái quyền ăn hiếp người nhỏ hơn, yếu thế hơn như thế nào. “Kẻ chuyên bắt nạt người khác” đã biết quá rõ điều đó từ kinh nghiệm của bản thân chúng. Nếu mong muốn dạy điều tử tế cho chúng, ta phải dùng những phương pháp tử tế. Đứa trẻ hung hăng vẫn hay ăn hiếp trẻ khác cần được biết lời thuyết phục có sức mạnh như thế nào, chứ không phải là nỗi đau đớn của việc bị trừng phạt. Nó cần được nghe những lời nghiêm khắc, “Cô không muốn em làm những trò ấy!! Chẳng ai muốn bị chọc đến phát khóc cả – không bao giờ!” Nó cần được nghe niềm mong mỏi của bạn, “Cô muốn thấy em cư xử đúng mực… và em có thể bắt đầu ngay bây giờ – bằng cách trả lại mắt kính cho bạn.” Muốn dạy bọn trẻ biết tôn trọng người khác, trước hết, bạn cũng phải tỏ ra tôn trọng chúng.
3. Tiến sĩ có cho rằng bất kỳ học sinh nào cũng có thể “lay chuyển” được bằng cách đối xử với nó một cách tôn trọng?
Thật buồn khi đành phải thừa nhận rằng, có những đứa trẻ hung dữ đến mức chúng không thể cảm được sự quan tâm chăm sóc của người khác. Khoảng thời gian ngắn ngủi trong trường không thể hàn gắn được những tổn thương lâu dài mà chúng đã phải chịu đựng. Cách tốt nhất mà giáo viên có thể làm là bảo vệ những học sinh khác, và bảo vệ chính mình trước những đứa trẻ khó bảo này. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta vẫn phải dùng những biện pháp cương quyết và tôn trọng với những đứa ngỗ ngược như thế, để không kích động chúng thêm. Ít nhất, mọi người cũng sẽ an toàn hơn và không có thêm tổn thất nào xảy ra.
4. Tôi đang trực trong phòng ăn trưa thì bỗng thấy hai nữ sinh lao vào đánh nhau. Nhân viên bảo vệ muốn đưa hai đứa “lên văn phòng” gặp hiệu trưởng, nhưng tôi bảo anh ấy hãy để tôi xử lý vụ này. Cả hai em đó đều cố giành phần đúng về mình. Tôi bảo tôi không muốn nghe và cảnh cáo rằng nếu còn tái phạm thì tự tôi sẽ đưa chúng lên phòng hiệu trưởng. Bây giờ ngẫm lại tôi cảm thấy không ổn. Còn cách xử lý nào khác hiệu quả hơn không?
Bạn có thể lắng nghe từng em trình bày suy nghĩ của mình, sau đó đối chiếu sự việc theo quan điểm của từng em, “Vậy là Ellen, em tức Rosa vì…; còn Rosa, em nổi khùng với Ellen vì em nghĩ…” Bằng cách thừa nhận sự tức giận của chúng đối với nhau, bạn sẽ giúp chúng dằn cơn giận xuống.
Có một vị hiệu trưởng đã chia sẻ kinh nghiệm như sau, bất cứ khi nào có hai học sinh đánh nhau được đưa lên văn phòng mình, ông đều áp dụng biện pháp đã học được từ nhà tâm lý học về tuổi học trò là cố tiến sĩ Haim Ginott. Ông sẽ bảo các em ngồi xuống hai bên đầu bàn của mình, đưa cho mỗi em một cây bút và một tờ giấy rồi bảo, “Thầy muốn biết chính xác điều gì đã xảy ra – bằng văn bản hẳn hoi.”
Lần nào cũng vậy, một trong hai đối thủ sẽ kêu oan, “Em không có lỗi!” Còn đứa kia sẽ tố cáo, “Nó đánh em trước!” Thầy hiệu trưởng sẽ gật đầu và nói, “Hãy ghi lại tất cả những điều đó. Thầy muốn biết thật chi tiết sự việc bắt đầu như thế nào, diễn biến ra sao, và cảm xúc của mỗi em thế nào. Sau đó nhớ ghi luôn cách giải quyết của các em, nếu có chuyện tương tự xảy ra!”
Sau khi bọn trẻ viết xong bản tường trình, thầy hiệu trưởng sẽ đọc cả hai bản ấy lên và thừa nhận ý kiến của từng em một cách tôn trọng. Sau đó, thầy bảo chúng trao đổi với nhau những cách giải quyết để cả hai bên đều thấy thỏa đáng.
” Chuyện kể của giáo viên
Chuyện đầu tiên là của một giáo viên phổ thông cơ sở.
Tôi vừa bước vào lớp thì bắt gặp Joe đang vẽ một bức tranh rất đẹp lên trang đầu quyển sách toán – mà bài học không được phá hoại, làm xấu, làm bẩn tài sản của nhà trường thì tôi chỉ mới giảng hôm qua.
Bình thường chắc hẳn tôi đã lôi thằng bé ra và hét lên, “Thật quá quắt! Lên phòng giám thị ngay!” Nhưng thay vì làm vậy, tôi bước tới đứng bên bàn thằng bé. Joe đóng ập quyển sách lại, cố giấu bức tranh đi. Tôi nói, “Để thầy nhắc lại hôm qua thầy đã dặn gì nhé: Thầy rất tức giận khi thấy ai đó bôi bẩn sách vở. Bộ sách giáo khoa này sẽ còn dùng trong năm năm nữa cho các lớp học sau, và thầy mong học sinh của mình sẽ giữ gìn chúng thật kỹ.”
“Em xin lỗi,” Joe lẩm bẩm. “Em quên mất ạ!”
“Ra là vậy,” tôi nói và đi lên bàn mình. Lát sau, tôi quay lại bàn của Joe thì thấy thằng bé đang tỉ mẩn bôi bức vẽ bằng cục tẩy đã mòn. Tôi bèn đưa cho nó cục tẩy của mình và nói, ‘Đây, cái này dễ xóa hơn. Lần sau, bất cứ khi nào nổi hứng muốn vẽ thì em nhớ lấy giấy vẽ nhé!’ Joe nhìn tôi ngạc nhiên và bảo, “Dạ, em cảm ơn thầy!”
Tôi nói, “Không có chi!” rồi bắt đầu bài giảng.
Đã một tháng trôi qua kể từ hôm ấy, và Joe không vẽ vào sách giáo khoa lần nào nữa. Thằng bé luôn để sẵn giấy trong túi áo và thỉnh thoảng còn cho tôi xem những tác phẩm của nó. Vui nhất là hôm đó tôi đã không lôi cổ nó lên phòng giám thị. Vì nếu làm thế, có thể tôi cũng ngăn được nó khỏi vẽ vào sách, nhưng cả hai sẽ không bao giờ có được tình thầy trò như hôm nay. Biết đâu tôi đã khuyến khích một mầm non Picasso cũng không chừng.
Một cố vấn giáo dục kể lại chuyện cô ấy đã giúp học sinh tránh khỏi nguy cơ bị giáo viên phạt bằng cách thừa nhận cảm xúc của em đi và đề xuất sự lựa chọn.
Tôi bước vào một lớp Ba để chọn ra ba học sinh tham gia làm bài kiểm tra cho một chương trình giáo dục đặc biệt. Hai em trong số được chọn đứng liền lên đi theo tôi ngay, nhưng Khalil thì cứ ngồi im, đầu cúi gằm, đáng vẻ tức giận. Cô giáo của em bảo, “Khalil, cô Gordon đang ở đây. Cô ấy đang chờ em đấy. (Không trả lời.) Ừm, cô thấy Khalil hôm nay không muốn nghe lời. (Vẫn không nói tiếng nào.) Khalil, nếu còn muốn đi dã ngoại vào ngày mai, thì em nên đi với cô Gordon ngay bây giờ.” Đầu Khalil càng cúi gằm xuống. Tôi đến bên bàn cậu bé, quỳ xuống cạnh nó và thì thào, “Hôm nay em không muốn đi à?”
Khalil: (hầm hừ) Em không muốn đi với Joseph!
Tôi: Ố… à, cô nghĩ có thể giải quyết bằng một trong hai cách này không? Hoặc là em đi với cô và cô sẽ tách Joseph ra xa em… hoặc là cô sẽ cho em làm bài kiểm tra ngay bây giờ, ngay tại lớp mình luôn.
Khalil im lặng một lúc lâu. Rồi nó đứng lên đi với tôi. Tôi rất vui vì đã vận dụng sự lựa chọn để cậu bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Chuyện cuối cùng do một nhân viên xã hội học đường kể lại.
Sean, bảy tuổi – một đứa trẻ xinh xắn, thông minh, nhưng phải học ở lớp dành cho những trẻ có vấn đề về cảm xúc và hành vi. Thằng bé cư xử rất tệ ở trường. Không một biện pháp khuyến khích nào – dù là thưởng sao vàng, thưởng miếng dán trang trí – có thể làm sứt mẻ “hệ thống phòng thủ” của nó. Sean nhìn trừng trừng vào những ai có ý định giúp nó, nhún vai tỏ ý không cần khi được hỏi có gì rắc rối không. Ở nhà, Sean chuồi ra khỏi vòng tay âu yếm của mẹ. Nó sợ độ cao, cũng chẳng chịu đi trượt ván hay tập thể dục gì hết.
Gia đình kể lại rằng, ngay từ lúc còn nhỏ, khi học ở trường cũ, Sean đã rất hay bị kỷ luật rồi. Hồi lớp Một thì bị đét đít vì cái tội lơ đễnh. Lên lớp Hai thì bị đánh bằng thước vào vai và khớp đốt ngón tay vì thường xuyên làm vỡ đồ đạc. Mẹ nó, với thiện ý hợp tác cùng nhà trường trong việc dạy dỗ con nên đã công khai trước mặt Sean, đề nghị cô giáo cứ xử lý theo cách mà cô cho là tốt nhất.
Tôi khuyến khích cha mẹ Sean hãy nói chuyện với thằng bé vào những lúc rảnh rỗi. Thế rồi họ rất ngạc nhiên vì chỉ sau một, hai lần đã thấy Sean nhắc lại chuyện bị tát tai, hay bị quật thước kẻ ở trường. Rồi bất ngờ, Sean kể tất tật cho mẹ nghe về chuyện lần đầu tiên nó bị dồn nén cảm xúc như thế nào, rồi nó đập hai nắm tay vào đầu gối mẹ mà hờn trách, “Tại mẹ hết đấy, mẹ bảo cô giáo có thể đánh con mà. Chính miệng mẹ nói mà.”
Mẹ Sean vô cùng sửng sốt. Chị giải thích rằng chị không bao giờ có ý định cho phép ai làm đau con mình. Cuối buổi nói chuyện đó, Sean và mẹ đã ôm nhau thật trìu mến, lần đầu tiên sau cả năm trời lạnh nhạt.
Vài ngày sau, khi Sean và cha cùng chơi bóng ngoài sân, quả bóng bỗng bị kẹt trên mái nhà, cha lấy thang, nhưng vừa định leo lên thì Sean đột ngột nói, “Để con lấy cho!” Thằng bé bắc thang và lấy được quả bóng xuống – rõ ràng việc này khiến nó vô cùng thích chí. Nó chạy ào vào nhà, ôm chầm lấy mẹ và la lên như hát mừng chiến thắng, “Mẹ, từ cái bữa con kể cho mẹ nghe bí mật của con, chuyện gì con cũng làm được hết đó.”
Khỏi phải nói, kể từ đó trở đi, tất cả mọi hành vi của Sean ở trường đều có tiến bộ rõ rệt.