Chính những hồi tưởng về các giáo viên của mình – cả những hồi tưởng tôi yêu thích lẫn những hồi tưởng mà tôi ghét – đã khiến tôi quyết định trở thành một giáo viên.
Trong suốt những năm tháng học sư phạm tại trường đại học, tôi luôn tin tưởng rằng mình có khả năng dạy trẻ theo cái cách làm cho chúng muốn học. Tôi đã thủ sẵn trong đầu cả một danh sách dài dằng dặc về những điều đáng xấu hổ mà mình không bao giờ được phép nói ra hoặc thể hiện với học sinh; tôi cũng đã hình dung rõ ràng về mức độ kiên nhẫn mà mình sẽ phải đeo đuổi.
Ngày đầu tiên – với tư cách là giáo viên “thật sự” – tôi đã rất choáng váng. Tôi đã soạn bài và chuẩn bị kỹ lưỡng cho giờ lên lớp, nhưng hoàn toàn không có “phòng bị” gì trước ba mươi hai em học sinh lớp Sáu này. Ba mươi hai đứa trẻ to mồm, hiếu động và lúc nào cũng đầy rẫy những đòi hỏi muốn thứ này, cần thứ nọ. Qua được nửa buổi sáng thì tiếng chí chóe đầu tiên xuất hiện, “Ai lấy bút chì của tao?” “Mày xê ra đi!” “Im đi! Tao đang nghe cô giảng.”
Tôi cứ vờ như chẳng nghe thấy gì và tiếp tục bài giảng, nhưng những kẻ phá bĩnh vẫn không chịu thôi, “Tại sao em lại phải ngồi gần nó?” “Em không hiểu cô bảo bọn em phải làm gì cả?” “Cô ơi, nó thụi em!” “Tại nó kiếm chuyện trước chứ bộ!”
Đầu tôi bắt đầu kêu bưng bưng. Lớp học càng lúc càng ồn ào. Những câu thần chú về “lòng kiên nhẫn và hiểu biết” đã hết linh nghiệm ngay trên môi tôi. Lớp học này cần phải có một giáo viên biết trấn áp mới được. Bất thình lình tôi quát lên:
“Thôi đi! Có ai lấy bút chì của em đâu!”
“Cô nói rồi, em phải ngồi gần bạn ấy!”
“Cô không quan tâm ai gây sự trước. Cô muốn việc này phải chấm dứt ngay. Ngay lập tức!”
“Em bảo em không hiểu là ý làm sao? Cô vừa mới giải thích xong còn gì!”
“Tôi không thể tin nổi cái lớp này. Các em nói năng hành động y như học sinh lớp Một vậy. Làm ơn ngồi im đi!”
Có một thằng bé chẳng coi lời tôi ra gì. Nó tỉnh bơ rời khỏi chỗ ngồi, bước tới lấy cái chuốt chì rồi đứng đó mà vặn chuốt mãi cho đến khi cây bút chỉ còn một mẩu. Bằng giọng điệu nghiêm khắc nhất của mình, tôi ra lệnh, “Đủ rồi! Về chỗ ngay!”
“Cô không bắt em làm gì được đâu,” nó cãi.
“Được, chúng ta sẽ nói rõ chuyện này sau giờ tan học.”
“Em không ở lại được. Em sẽ trễ xe buýt.”
“Thế thì cô đành phải mời phụ huynh của em đến để thông báo chuyện này.”
“Cô không gọi cho ba mẹ em được đâu. Nhà em làm gì có điện thoại!”
Đến ba giờ chiều thì tôi mệt lử. Bọn trẻ chen nhau ùa ra khỏi lớp và tràn xuống đường. Chúng la hét, chạy nhảy như vừa được tiếp thêm năng lượng. Nhưng lúc này chúng đã thuộc về trách nhiệm của cha mẹ chúng. Tôi đã hết giờ làm việc của mình rồi.
Tôi ngồi phịch xuống ghế, ngó trân trân vào những dãy bàn học trống trơn. Có chuyện gì thế? Sao bọn trẻ không nghe lời tôi? Tôi phải làm gì để chế ngự chúng đây?
Trong suốt mấy tháng đầu đi dạy của tôi, tất cả các buổi học đều diễn ra y như vậy. Mỗi sáng, tôi vào lớp với bao hy vọng tràn trề, rồi buổi chiều lại ra về với tâm trạng chán chường vô tận. Tôi đã hoàn toàn “bó tay” trước công việc nặng nề và chán ngắt là phải kéo lê lớp học cho qua chương trình bắt buộc này. Nhưng tệ hơn hết, tôi đang dần biến thành loại “bà cô” mà tôi không bao giờ muốn: giận dữ, hách dịch, mất uy tín. Còn đám học sinh của tôi thì càng ngày càng bướng bỉnh, ngang ngạnh. Càng về cuối học kỳ, tôi càng hay tự hỏi rằng mình còn cầm cự được bao lâu nữa.
May mà Jane Davis, cô giáo dạy lớp bên cạnh, đã đến giải cứu cho tôi. Sau cái ngày dốc bầu tâm sự với Jane, chị đưa cho tôi quyển sách How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk. Chị bảo, “Không biết quyển sách này có giúp gì được cho em không, nhưng những kỹ năng nêu trong này đã cứu chị khỏi phát điên, phát khùng với chính tụi nhóc ở nhà. Nó cũng giúp chị tạo nên sự thay đổi khác biệt cho lớp học của mình đấy!”
Tôi cảm ơn Jane, cất quyển sách vào cặp rồi quên khuấy nó luôn. Một tuần sau, trong khi đang nằm trên giường dưỡng bệnh vì cảm lạnh, tôi vớ đại quyển sách ấy và mở ra đọc. Những dòng chữ in nghiêng ở trang đầu tiên làm cho tôi phải nhổm người dậy:
Có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của trẻ.
Khi trẻ cảm thấy dễ chịu, chúng sẽ cư xử đúng mực.
Chúng ta phải làm sao để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu?
– Hãy chấp nhận cảm xúc của chúng!
Tôi nằm xuống gối, nhắm nghiền mắt lại. Mình đã thừa nhận cảm xúc của học sinh hay chưa? Tôi nhớ lại đôi ba lời đối đáp đã xảy ra giữa mình với học sinh trong tuần đó:
Học sinh: Thưa cô, em không viết được!
Tôi: Sao không được?
Học sinh: Thiệt mà! Em chẳng nghĩ ra cái gì để viết cả.
Tôi: Em phải cố mà nghĩ! Đừng có rên rỉ nữa! Viết đi!
Học sinh: Em ghét môn lịch sử! Ai thèm quan tâm đến những chuyện đã xảy ra cách đây cả trăm năm chứ!
Tôi: Em phải quan tâm! Ai cũng cần phải biết rõ về lịch sử nước mình.
Học sinh: Nhưng nó chán ngắt!
Tôi: Chán gì mà chán! Nếu chú ý thì em sẽ thấy nó rất hay.
Thật nực cười! Tôi vốn là người vẫn thường thuyết giáo cho học sinh về việc mỗi cá nhân đều có quyền có quan điểm và cảm xúc riêng. Thế nhưng, trong thực tế, hễ khi nào bọn trẻ bộc lộ cảm xúc là tôi lại dập tắt đi ngay. Tôi bắt bẻ, tranh luận với chúng. Như vậy, thông điệp ngầm mà tôi chuyển đến chúng là, “Em cảm thấy như thế là sai rồi. Hãy nghe theo lời cô đi.”
Tôi ngồi dậy và cố nhớ xem các thầy cô của mình ngày xưa có làm như thế với mình không. Có một lần ở trường trung học, khi tôi đang buồn vì lần đầu tiên bị điểm thấp môn toán, mà giáo viên dạy toán lại cứ cố nhồi vào đầu tôi một lời động viên, “Chẳng việc gì phải buồn bực cả, Liz. Không phải vì em thiếu khả năng về môn hình học, chỉ vì em chưa tập trung chú ý thôi. Em cần phải quyết tâm hơn nữa. Vấn đề nằm ở chỗ ý chí của em dở quá!”
Đương nhiên là thầy nói đúng, và tôi hiểu rất rõ ý thầy, nhưng những lời ấy lại khiến tôi cảm thấy mình ngu ngốc và kém cỏi quá chừng. Tới chỗ “em dở quá”, tôi không thèm lắng nghe nữa mà cứ nhìn bộ ria mép của thầy động đậy lên xuống, và ráng chờ cho thầy nói xong để chuồn cho lẹ. Phải chăng học sinh của tôi giờ đây cũng cảm thấy như thế về tôi?
Trong những tuần sau đó, tôi cố gắng phản ứng một cách nhạy cảm hơn với những cảm xúc của học trò mình, và cố đáp lại chúng một cách thỏa đáng:
“Muốn chọn một đề tài để viết thật chẳng dễ, đúng không em?”
“Cô hiểu em nghĩ gì về môn lịch sử. Em đang phân vân tại sao người ta lại quan tâm đến những việc đã xảy ra cách đây hàng trăm năm chứ gì.”
Cách này chính là lối thoát. Tôi có thể nhận thấy ngay rằng bọn trẻ đã có biến đổi. Chúng gật đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi, và nói cho tôi nghe thêm về những gì chúng đang nghĩ. Nhưng bỗng một ngày kia, Alex tuyên bố, “Em không muốn tới phòng thể dục nữa, không ai ép được em đâu!” Học trò gì mà ăn nói láo lếu như thế, làm sao mà chịu nổi cơ chứ! Không chần chừ một phút, bằng cái giọng khô khốc, tôi đáp, “Em phải đến phòng tập ngay, không thì em phải lên văn phòng!”
Tại sao việc thừa nhận những cảm xúc của trẻ lại khó đến thế? Vào bữa trưa, tôi đem câu hỏi đó ra hỏi Jane và các giáo viên ngồi cùng bàn ăn; tôi cũng kể với họ mình đã đọc được gì và đang nghĩ gì.
Chị Maria Estes, một phụ huynh tình nguyện [1] , lập tức lên tiếng bênh vực giáo viên, “Mỗi thầy cô phải dạy hàng mấy chục học sinh, và phải dạy chúng bao nhiêu là thứ. Cô ép mình phải lưu ý đến từng lời nhỏ nhặt như thế làm gì!”
Jane thì tỏ ra trầm tư, “Có lẽ vậy, nhưng phải chi hồi trước cha mẹ và thầy cô của chúng ta chịu khó để ý một chút về lời nói của họ , thì ngày nay chúng ta đã không bị thiếu quá nhiều kiến thức chưa được học như vậy. Nói thẳng ra, chúng ta là sản phẩm của quá khứ chúng ta. Bây giờ, chúng ta nói chuyện với học sinh của mình theo cái cách hệt như ngày xưa cha mẹ và thầy cô đã nói với chúng ta. Tôi biết, ngay cả với tụi nhóc ở nhà, tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để thôi không lặp lại những câu rập khuôn hồi xưa nữa. Đó là một bước tiến rất lớn đối với tôi, nhờ biết chuyển câu ‘Đau gì chứ! Chỉ là một vết xước tí tẹo thôi mà!’ thành ‘Ừ, trầy da là đau lắm đó!’”
Ken Watson, thầy giáo dạy môn khoa học, vặn lại, “Tôi không đồng ý. Tôi thấy nói như vậy thì có gì khác đâu.”
Tôi còn đang vắt óc tìm một ví dụ để Ken Watson tự mình nghiệm ra sự khác nhau giữa hai câu đó thì đã nghe Jane bảo, “Ken à, hãy tưởng tượng thế này nhé, anh là một cậu thiếu niên vừa được gọi vào đội bóng rổ, bóng đá, hay bóng gì gì đó của trường.”
Ken mỉm cười, “Bóng đá đi.”
“Ờ, bóng đá,” Jane gật đầu, “Vậy hãy tưởng tượng, anh đang hăm hở đến buổi tập đầu tiên thì gặp ông huấn luyện viên độp ngay một câu rằng, anh đã bị loại khỏi danh sách đội bóng.”
Ken rên lên.
“Một lát sau,” Jane nói tiếp, “anh gặp giáo viên chủ nhiệm ở hành lang và kể cho cô ấy nghe hết mọi chuyện vừa xảy ra. Giờ, giả sử tôi là cô giáo đó nhé, và tôi đã phản hồi theo rất nhiều cách, nhưng khổ nỗi, không một cách nào thích hợp với tâm trạng buồn bã mà thằng bé bên trong anh đang cảm nhận, hoặc nghĩ tới sau mỗi lời đáp của tôi.”
Ken cười toe, rút ra một cây viết và với lấy một tờ khăn giấy.
Sau đây là những giả thiết khác nhau về những lời mà Jane – trong vai cô giáo chủ nhiệm – đã đáp lại “học sinh” Ken:
1. Chối bỏ cảm xúc
“Lúc này em có đau khổ, giận hờn cũng chẳng giải quyết được gì. Trái đất có nổ tung vì em bị loại khỏi đội bóng đâu. Thôi, quên việc đó đi!”
2. Triết lý
“Cuộc đời vốn không công bằng mà, nhưng em phải học cách chịu đựng những cú đấm của nó thôi!”
3. Khuyên răn
“Em đừng mất tinh thần vì chuyện này. Hãy cố gắng rèn luyện để được vào một đội khác.”
4. Chất vấn
“Em có nghĩ ra lý do vì sao mình bị loại không? Chắc tại các bạn khác chơi giỏi hơn em chứ gì? Thế em bây giờ định làm gì?”
5. Bênh vực phía bên kia
“Em hãy thử đặt mình vào vị trí của huấn luyện viên xem. Thầy ấy muốn xây dựng một đội bóng chiến thắng. Chắc hẳn thầy ấy đã rất khó khăn khi phải quyết định ai ở lại, ai ra khỏi đội.”
6. Thương hại
“Ối, tội nghiệp em quá! Cô hiểu em thấy thế nào mà. Em đã cố gắng rất nhiều để được chọn vào đội tuyển, nhưng em chưa đủ giỏi. Tất cả các bạn khác đều biết thế.”
7. Nhà phân tích tâm lý nghiệp dư
“Em có nghĩ rằng lý do thật sự của việc bị gạt ra khỏi đội bóng chính là vì thái độ ‘thiếu lửa’ của em không? Cô nghĩ, trong tiềm thức, em vốn không muốn vào đội, vì vậy em mới cố ý làm rùm beng chuyện này lên.”
Ken giơ hai tay lên trời, “Thôi, thôi! Đủ rồi. Tôi hiểu rồi.”
Tôi nói Ken cho tôi xem anh vừa mới viết ra những gì. Anh đẩy cho tôi tấm khăn giấy. Tôi đọc to lên:
“Đừng dạy em phải cảm thấy như thế nào.”
“Đừng dạy em phải làm gì.”
“Cô chẳng bao giờ hiểu được đâu.”
“Cô có biết phải làm gì với những vấn đề của cô không? Cô đứng về phía tất cả mọi người, ngoại trừ em.”
“Em là kẻ thua cuộc.”
“Đây là lần cuối cùng em thổ lộ bất cứ điều gì với cô.”
“Chết thật,” Maria thốt lên. “Tôi thường hay nói với thằng Marco nhà tôi rất nhiều câu giống như Jane vừa nói với Ken. Nếu không muốn chúng đốp chát lại như thế thì ta phải nói sao đây?”
“Thừa nhận tâm trạng thất vọng của chúng,” tôi trả lời rất nhanh.
“Bằng cách nào?” Maria hỏi.
Tôi ngắc ngứ không tìm được câu trả lời. Tôi nhìn Jane cầu cứu. Chị quay qua Ken và nhìn thẳng vào mắt anh, “Ken à, bị gạt khỏi đội bóng khi đã tin chắc là mình có tên trong danh sách hẳn là một cú sốc rất nặng, một nỗi thất vọng ghê gớm lắm, đúng không?”
Ken gật đầu, “Dạ, đúng ạ! Một cú sốc tệ hại. Thất vọng vô cùng. Nhưng thành thật mà nói, em thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi có người chịu hiểu điều đơn giản ấy.”
Sau đó chúng tôi còn thảo luận với nhau nhiều nữa. Maria thú thật là từ khi chị lớn lên, chưa từng có ai chịu thừa nhận hay hiểu những cảm xúc của chị cả. Ken hỏi, “Vậy tại sao chúng ta lại dám nghĩ tới chuyện sẽ mang đến cho học trò những điều mà chính chúng ta cũng chưa từng có?”
Rõ ràng chúng ta cần luyện tập nhiều hơn nếu muốn áp dụng phương pháp phản hồi mới mẻ này với trẻ. Thế là tôi tự nguyện đi tìm những ví dụ về việc thừa nhận cảm xúc của học sinh trong trường học. Sau đây là các mẩu chuyện minh họa mà tôi đã soạn ra và chia sẻ với các đồng nghiệp cùng ăn trưa với mình:
Ken nhìn vào những hình vẽ minh họa và lắc đầu. “Về lý thuyết, tất cả những điều này nghe thì có vẻ hay lắm, nhưng tôi thấy, về phía giáo viên vẫn còn khó khăn. Chúng ta lấy đâu ra thời gian để giúp học sinh giải quyết cảm xúc của chúng đây?”
Mắt Jane lấp lánh như cười, “Phải tạo ra thời gian. Hãy tới trường sớm hơn, và ra về trễ hơn. Hãy ăn trưa thật nhanh, và quên luôn giờ nghỉ để đi vệ sinh cá nhân.”
“Chà, đúng đấy,” Ken bổ sung, “và ngoài những lúc soạn giáo án, chấm bài, làm bản tin học tập, chuẩn bị hội thảo và lên lớp đều đều mỗi ngày… chúng ta nên chú ý đến việc học sinh của mình cảm thấy thế nào, hoặc vẽ ra cho chúng cái viễn cảnh mà chúng không thể có trong thực tại.”
Trong khi nghe Ken nói, tôi nghĩ bụng, “Làm thế hình như là đòi hỏi quá nhiều ở giáo viên.”
Dường như Jane đọc được suy nghĩ của tôi, chị liền bảo, “Nói một cách nghiêm túc, tôi biết như thế là đòi hỏi giáo viên quá nhiều, nhưng tôi cũng biết rằng đối với một đứa trẻ thì việc cảm thấy người khác hiểu được mình là rất quan trọng. Có một thực tế rất đơn giản là khi bọn trẻ bị ức chế về mặt cảm xúc chúng không thể nào tập trung được. Như vậy, chắc chắn chúng sẽ không tiếp thu được bài mới. Nếu muốn giúp chúng hết căng thẳng để bình tĩnh suy nghĩ, học hành, ta cần phải xử lý những cảm xúc của chúng một cách đầy tôn trọng.”
“Nhưng không chỉ ở trường mới phải giải quyết cảm xúc thôi đâu, mà còn ở nhà nữa.” Maria xen vào.
Tất cả chúng tôi quay qua nhìn chị. “Khi tôi chín tuổi,” chị giải thích, “gia đình tôi chuyển nhà và tôi phải học trường khác. Cô giáo mới rất nghiêm khắc. Lần nào làm kiểm tra môn số học, tôi cũng bị cô phát lại bài làm với đầy những dấu gạch chéo màu đen to tướng ở những câu trả lời sai. Rồi cô bắt tôi làm đi làm lại, đến chừng nào đúng mới thôi. Tôi lo sợ mỗi khi đến tiết học của cô tới mức chẳng suy nghĩ được gì nữa. Thỉnh thoảng, tôi cố chép lại bài của bạn khác. Vào mỗi buổi tối trước ngày kiểm tra, tôi luôn bị đau bụng. Hễ tôi nói với mẹ ‘Mẹ ơi, con sợ,’ thì bà lại bảo ‘Chẳng việc gì phải sợ cả, cứ làm hết sức mình là được.’ Còn cha tôi thì khuyên, ‘Nếu học bài kỹ thì con sẽ chẳng phải sợ gì cả.’ Nghe vậy, tôi càng cảm thấy hoảng hốt hơn.”
Ken nhìn Maria đăm đăm, “Giả sử cha hoặc mẹ chị bảo ‘Trông con có vẻ lo lắng về bài kiểm tra quá đấy, Maria,’ thì sự việc sẽ khác đi chăng?”
“Tất nhiên rồi!” Maria phấn khởi cao giọng. “Bởi vì khi đó có thể tôi sẽ nói thật với cha mẹ về những dấu gạch chéo lên các câu trả lời sai, cũng như nỗi xấu hổ vì cứ phải hết lần này tới lần khác bị nêu tên khiển trách trước lớp.”
Ken vẫn chưa tin, “Nhưng ngay cả khi đã được cha mẹ giải tỏa cảm xúc rồi thì có đủ để giúp chị bớt lo lắng và làm tốt môn toán không?”
Maria trầm giọng, “Chắc là được, tôi nghĩ vậy,” chị nói chậm rãi, “bởi vì nếu cha mẹ chịu lắng nghe những nỗi lo âu của tôi và để cho tôi nói rõ về chúng, thì ngày hôm sau tôi sẽ yên tâm đi học hơn, sẽ mong muốn đạt điểm tốt hơn.”
Vài ngày sau cuộc trò chuyện ấy, gặp lại Maria, tôi thấy chị mỉm cười rạng rỡ và lôi từ trong ví ra một tờ giấy nhỏ gấp đôi, hào hứng nói, “Tôi muốn kể cho mọi người nghe mấy câu mà các con tôi đã nói trong tuần này. Sau khi tôi kể xong, mọi người hãy đoán xem tôi đã không nói gì với chúng. Bắt đầu là câu nói của con gái tôi, cháu tên Ana Ruth.” Maria mở tờ giấy ra và đọc, “Mẹ, cô dạy thể dục bắt một mình con phải chạy nhiều vòng quanh sân, bởi vì con không thay đồ nhanh bằng các bạn, thế là con bị bắt chạy cho cả lớp coi đó mẹ.”
Ken trả lời ngay lập tức, “Chị đã không nói ‘ Vậy chứ con muốn cô giáo làm gì? Vỗ tay khen con chắc? Hay thưởng cho con huy chương người chậm nhất?’”
Mọi người bật cười. Maria tiếp, “Giờ đến câu của con trai tôi, cháu Marco, ‘Mẹ, đừng bực mình nhé. Con làm mất găng tay rồi.’”
“Để tôi trả lời câu này,” Jane đáp. “Con nói gì hả? Đây là đôi găng tay thứ hai con làm mất trong tháng này rồi đấy. Con nghĩ ba mẹ in ra tiền à? Mai mốt, khi tháo găng tay ra, con nhớ nhét nó vào túi quần luôn nghe chưa. Rồi trước khi xuống xe buýt, hãy kiểm tra chỗ ngồi và dưới sàn xe để xem nó có rơi ra không.”
“Khoan. Nói câu đó thì có gì sai?” Ken hỏi. “Chị đang dạy thằng bé về tinh thần trách nhiệm mà.”
“Nhưng thời điểm nói thì sai,” Jane nói.
“Tại sao?”
“Bởi vì khi người ta đang chìm thì không phải là lúc để bạn dạy họ tập bơi.”
“Hừm. Tôi phải nghĩ kỹ về điều này mới được…” Ken nói, rồi chỉ vào tôi, “Nào, giờ đến lượt cô, Liz à.” Maria nhìn vào tờ giấy và nói, “Còn đây cũng là câu nói của Ana Ruth, ‘Con chẳng biết là mình có còn muốn ở trong dàn nhạc giao hưởng nữa hay không.’”
Tôi đốp liền, “ Mẹ đã tốn cả đống tiền cho con học đàn violin, mà giờ con nói đến chuyện bỏ học hả! Ba con mà nghe được thì sẽ điên lên cho xem .”
Maria nhìn chúng tôi kinh ngạc, “Sao mọi người biết rõ những gì tôi đã suýt nói ra thế?”
“Quá dễ,” Jane bảo. “Đó là những gì cha mẹ chúng ta đã nói với chúng ta, và cho đến giờ đấy vẫn là những gì tôi thường nói với con cái mình.”
“Maria,” Ken nói, “đừng thử thách chúng tôi nữa. Chị đã nói gì với các con thế?”
“Thế này nhé,” Maria tự hào trả lời, “Khi Marco không thể tìm thấy đôi găng tay mới của nó, tôi đã không quở trách tiếng nào, mà chỉ, ‘ Mất đồ thì bực mình lắm… Con nghĩ thử xem có khi con bỏ quên nó trên xe buýt không?’ Thằng bé trố mắt nhìn tôi như thể không tin vào tai mình. Rồi nó bảo sáng mai sẽ hỏi bác lái xe buýt xem có nhìn thấy găng tay của nó không.
“Đến khi Ana Ruth kể cho tôi nghe vụ cô giáo thể dục bắt nó chạy trước lớp, tôi bảo, ‘Chắc là quê lắm phải không con?’ Con bé bảo, ‘Đúng đó, mẹ,’ rồi chuyển qua đề tài khác. Đó là điều bất thường đối với Ana Ruth, bởi vì con bé có bao giờ chịu kể cho tôi nghe đầy đủ những gì đã diễn ra ở lớp nó đâu.
“Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là việc xảy ra sau đó. Sau khi đi học nhạc về, Ana bảo, ‘Con chẳng biết mình có còn muốn ở trong dàn nhạc giao hưởng hay không nữa.’ Nghe con bé nói vậy, tôi muốn ngộp thở, nhưng vẫn cố làm ra vẻ bình thản, ‘ Thì ra con nửa muốn, nửa không hả.’ Con bé lặng đi. Rồi nó bắt đầu nói tất tần tật mọi thứ. Nó bảo rất thích chơi đàn, nhưng việc luyện tập lại tốn nhiều thời gian quá làm nó chẳng còn lúc nào gặp bạn bè, để bây giờ lũ bạn không thèm gọi điện cho nó nữa, chắc là chúng nghỉ chơi nó mất rồi. Nói tới đó, con bé òa khóc, và tôi ôm lấy nó.”
“Ồ, Maria,” tôi nói, xúc động sâu sắc trước kinh nghiệm của chị.
“Buồn cười quá phải không?” Jane nói. “Ana Ruth không thể thổ lộ cho chị biết điều gì đã khiến con bé lo lắng, cho đến khi chị thừa nhận tâm trạng bị xáo trộn của nó.”
“Đúng vậy,” Maria sung sướng nói, “và một khi vấn đề thật sự được khơi mở, Ana sẽ tự tìm ra cách giải tỏa cảm xúc của mình. Ngày hôm sau, con bé bảo với tôi là nó quyết định ở lại dàn nhạc và sẽ kết bạn mới ở đó.”
“Tuyệt quá!” tôi thốt lên.
“Đúng,” Maria nói, hơi nhíu mày, “nhưng đấy mới chỉ là những việc suôn sẻ thôi, chứ tôi vẫn chưa kể cho mọi người nghe điều gì đã xảy ra khi Marco bảo với tôi là nó ghét thầy Peterson.”
“Ố… cái này gay cấn đây,” tôi nói. “Nhớ năm ngoái chị đã trợ giảng ở lớp thầy Peterson mà.”
Maria trầm ngâm, “Thầy ấy là một giáo viên giỏi. Rất xuất sắc!”
“Đúng, ý tôi là vậy đấy,” tôi nói. “Chị thấy khó xử đúng không? Một mặt, chị muốn bảo vệ cảm xúc của con mình. Mặt khác, chị đánh giá cao thầy Peterson và không muốn về hùa với con để phê bình chỉ trích thầy ấy.”
“Đâu phải chỉ riêng thầy Peterson,” Maria nói. “Có lẽ tôi hơi cổ hủ, nhưng tôi được nuôi dạy để tin rằng, cho phép trẻ nói xấu bất kỳ một giáo viên nào đều là việc không đúng.”
Jane cao giọng phản đối, “Nhưng ủng hộ con trai đâu có nghĩa là chị chê bai thầy Peterson.” Lập tức, Jane phác thảo ngay ra một mẫu hình ứng xử của cha mẹ khi trẻ than phiền về thầy cô của chúng. Sau đó, tất cả chúng tôi cùng thảo luận để đưa ra một mẫu đối thoại tốt nhất. Cái khó của chúng tôi là phải tránh đồng tình với trẻ, hoặc hạ thấp giáo viên của chúng. Sau đây là những gì chúng tôi đã nghĩ ra:
Rồi bỗng nhiên chuông reo váng lên. Thầy Ken bưng khay đồ ăn trưa lên và nói, “Tôi vẫn thấy chưa thông tất cả những cách này. Có thể chúng hợp lý với cha mẹ, nhưng với giáo viên, tôi nghĩ chỉ cần là người có đủ những phẩm chất tốt, yêu trẻ, kiến thức chuyên môn vững vàng và biết cách giảng bài sinh động là được.”
“Rủi thay,” Jane nói, bước ra cùng với Ken, “lại không phải thế. Nếu anh muốn học trò của mình hiểu bài, thì anh phải để các em có tâm trạng thoải mái để sẵn sàng tiếp thu bài giảng.”
Bị tụt lại đằng sau mọi người, tôi muốn nói thêm nữa nhưng chẳng biết phải nói ra sao. Chiều hôm đó, trên đường lái xe về nhà, tôi ngẫm lại những câu mình đã nói với học sinh trong tuần qua, và cảm thấy mình dần dần bị cách ứng xử của Maria thuyết phục.
Tôi ước gì hồi trưa mình đã chia sẻ ý nghĩ này với Ken:
Là giáo viên, mục tiêu của ta không chỉ là truyền tải kiến thức và thông tin cho học sinh, mà còn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Nếu muốn học sinh trở thành những người biết quan tâm đến người khác, ta cần chú ý đến cách mà ta phản hồi lại chúng.
Nếu muốn đánh giá đúng phẩm chất của bọn trẻ, ta cần có những mẫu phương pháp đúng thì mới mong làm được điều đó.
Nếu muốn truyền lòng tự trọng và tôn trọng người khác vào thế giới của trẻ, ta cần bắt đầu bằng cách tôn trọng chúng. Và ta sẽ không thể được làm điều đó, nếu không biết tỏ ra tôn trọng những gì chúng cảm thấy.
GHI NHỚ
TRẺ CẦN ĐƯỢC THỪA NHẬN CẢM XÚC
cả ở nhà lẫn ở trường
Trẻ: Con chỉ thiếu cẩn thận chút xíu mà còn có bảy mươi điểm!
Người lớn: Không sao đâu con! Lần sau con sẽ làm tốt hơn mà.
Thay vì lơ đi cảm xúc của trẻ, bạn có thể:
1. Xác định xem chúng đang cảm thấy thế nào
“Con có vẻ thất vọng quá ha! Nghĩ cũng tức thật đấy, đã biết câu trả lời rồi mà lại để mất điểm chỉ vì hơi ẩu.”
2. Thừa nhận cảm xúc của trẻ bằng một từ hoặc một âm tiết
“Ồ”, “Ô”, “Ừm”, “À” hay “Ra vậy”.
3. Đưa ra viễn cảnh mà trong thực tại trẻ đã không làm được
“Phải chi có một cây bút phép thuật, nó sẽ bảo ngay ‘đừng viết như thế!’ khi con sắp phạm lỗi thì hay biết mấy, nhỉ!”
4. Thừa nhận cảm xúc của trẻ, ngay cả khi bạn đang cố uốn nắn những hành vi không thể chấp nhận được
“Con xô bàn đá ghế chỉ vì vẫn còn tức bị mất mấy điểm đó sao? Con không được phép làm như vậy. Nhưng con có thể kể mẹ nghe tại sao con lại bực đến thế. Nếu không, con hãy ghi hay vẽ nó ra giấy cũng được.”
NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN
? Những thắc mắc của phụ huynh
1. Thỉnh thoảng thằng con bảy tuổi của tôi, Billy, lại mất bình tĩnh trong khi làm bài tập về nhà. Nếu không làm được toán hay gặp mắc mứu gì đó, nó sẽ lập tức xé tập quẳng xuống sàn hoặc bẻ bút chì. Tôi phải làm gì trước những cơn nóng nảy của thằng bé?
Billy cần cha hoặc mẹ giúp cháu xác định cảm xúc của mình, cũng như dạy cháu cách xử lý cảm xúc đó. Cần có ai đó nói với cháu rằng, “Tìm mãi mà không ra câu trả lời đúng là bực mình thật! Nó khiến con muốn xé, muốn bẻ, hay quăng một vật gì đó, đúng không? Billy à, hễ khi nào con cảm thấy như thế thì hãy la lên, ‘Ba ơi, con bựựccc mììnnh quá! Ba giúp con đi!’ Rồi thì ba con mình sẽ cùng nhau tìm hiểu xem có chuyện gì nhé.”
2. Trong suốt tuần qua, đưa con gái mười ba tuổi của tôi cứ buồn rầu đến mức không sao làm nổi bài tập về nhà, cũng chẳng tập trung tâm trí học bài thi giữa kỳ được. Hình như con bé đã rất tin tưởng mà thổ lộ với nhỏ bạn thân rằng nó “thích” một cậu trai nào đó, nhưng cô bạn này đã nhanh nhảu đi báo ngay cho cậu kia biết. Sau khi đã bày tỏ sự đồng cảm về việc bị phản bội thì đau lòng ra sao, tôi không còn biết phải nói gì hay phải khuyên con như thế nào nữa. Tôi nên khuyên nhủ con làm gì?
Một trong những vấn đề của việc đưa ra lời khuyên là, trong lúc tâm trạng trẻ đang bị xáo trộn, chúng không thể nghe được lời bạn đang nói, cho dù chính chúng đã nài nỉ “Mẹ, con phải làm sao đây?”. Lúc đó, chúng đang đau khổ, rối trí, và lời khuyên vội vã của bạn có thể trở nên phản tác dụng (“Mẹ nói thế thì ích lợi gì cho con chứ?”), hoặc xâm phạm sự riêng tư (“Đừng dạy con phải làm gì!”), hoặc hạ thấp phẩm giá (“Ý mẹ là con ngu chứ gì, chẳng lẽ con không tự tìm được cách giải quyết việc của mình hay sao?”), hoặc đe dọa (“Mẹ nói nghe hay đấy, nhưng con không bao giờ làm theo đâu!”).
Trước khi bình tâm để có thể nghĩ đến những giải pháp, con gái bạn còn bao nhiêu mối lo mà cô bé muốn chia sẻ với mẹ: “Con có nên mắng cho nhỏ bạn con một trận không? Nhưng mắng nó thế nào đây mẹ? Nó còn đáng tin cậy nữa không? Con có cần phải cố giữ tình bạn với nó không? Con có phải nói gì với bạn nam kia không? Nếu có thì phải nói gì hả mẹ?” Tất cả những trăn trở đó sẽ giúp cô bé có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những mối quan hệ giữa con người với con người. Nếu đưa ra lời khuyên ngay lập tức, có thể bạn sẽ cắt đứt một kinh nghiệm học hỏi quan trọng của con bạn đấy.
3. Chẳng lẽ không bao giờ có thời điểm cho lời khuyên sao?
Sau khi con bạn đã “được lắng nghe thấu đáo”, bạn có thể thận trọng hỏi lại rằng, “Con cảm thấy như thế nào về…?”, “Con thử nghĩ xem thế này… có ích gì không?”, “Làm như vầy… con thấy thế nào?”, “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu như…?” Bằng cách đưa ra những lựa chọn để trẻ chấp nhận, phản đối hay suy xét những giải pháp đề nghị của bạn, tức là bạn đã khiến trẻ chịu nghe những ý kiến của bạn, và nó sẽ cân nhắc những ý kiến ấy.
4. Dạo gần đây, con trai tôi cứ đi tới đi lui khắp nhà và cằn nhằn về thầy dạy môn xã hội của nó, “Thầy bắt tụi con phải đọc báo hàng ngày và thảo luận hàng tuần. Lúc nào thầy cũng bắt làm bài kiểm tra. Có ai bắt tụi con phải học nhiều như thầy M. đâu!” Tôi không biết phải trả lời nó như thế nào. Đã tới lúc tôi bắt đầu cảm thấy tội nghiệp cho con mình.
Con trai bạn không cần sự thương hại của bạn. Cái cháu cần là sự thông hiểu và đánh giá đúng mực về sự việc mà nó đang phản đối. Bạn có thể nói với con bạn, bất cứ lời nào trong số những gợi ý sau đây. Chúng có thể sẽ hữu ích:
“Thì ra thầy M. thúc ép các con học nhiều quá hả!”
“Mẹ thấy con bực bội về chuyện đó quá nhỉ!”
“Mẹ dám cá rằng con mà là giáo viên thì thỉnh thoảng con sẽ cho lớp nghỉ hẳn một ngày, đúng không?”
“Coi bộ thầy M. là người nghiêm khắc và yêu cầu cao quá ha. Chắc là phải mệt đứt hơi mới theo kịp những tiêu chuẩn của thầy đặt ra đấy nhỉ!”
5. Tôi phải làm thế nào khi con tôi nhất định không chịu thổ lộ với tôi những gì nó đang cảm thấy buồn bực?
Là người lớn, chúng ta cũng có những cảm xúc mà mình không hề muốn – có khi là mãi mãi – bày tỏ hay tâm sự với người khác. Có người trong chúng ta thích một mình nếm trải nỗi đau, nỗi buồn phiền, những uất ức, những nỗi xấu hổ hơn. Trẻ em cũng chẳng khác gì người lớn. Chúng cũng phát đi những tín hiệu rõ ràng khi chúng muốn ở một mình để tự chăm sóc vết thương lòng. Thậm chí khi đã nghe câu nói đầy thông cảm kiểu như, “Hôm nay có chuyện gì hay sao ấy!” chúng vẫn quay mặt đi, hoặc bỏ ra khỏi phòng, hoặc nói thẳng với bạn, “Con không muốn nói về việc đó đâu!” Tất cả những gì bạn có thể làm là hãy cho chúng biết rằng, bạn luôn sẵn sàng ở bên chúng, nếu chúng đổi ý và muốn tâm sự.
Chuyện kể của phụ huynh
Chuyện thứ nhất do một bà mẹ kể lại việc chồng bà đã giúp con trai giải tỏa “những lo âu của tuần đầu tiên đi học” như thế nào.
Vào ngày thứ hai của năm học mới, tôi phải cố hết sức để đưa tụi nhóc vào nề nếp đi ngủ sớm hơn. Đứa nào cũng nghe lời, trừ Anthony, thằng con chín tuổi của tôi. Nó cứ hét lên và cãi lại, nhất quyết không chịu lên giường ngủ cho dù tôi hết quát tháo lại năn nỉ dỗ dành. Cuối cùng, tôi đành gọi chồng, “Joe, anh ra mà dạy ‘con trai anh’ đi, em chịu nó rồi đấy!” Và dưới đây là những gì xảy ra tiếp theo:
Joe: Tony ơi, ba con mình nói chuyện chút nha. Mẹ bảo con quậy làm mẹ mệt quá hả. Có chuyện gì vậy con? Ba thấy cứ như có con gì sắp ăn thịt con không bằng!
Anthony: Con đang phải lo nhiều việc lắm!
Joe: Ồ ba muốn nghe quá. Nghe hết luôn. Nào, ba con mình nói chuyện đó trên phòng con nhé.
Thế rồi hai cha con dắt nhau lên phòng Anthony. Hai mươi phút sau, Joe bước ra, với vẻ hớn hở và hài lòng vô cùng.
Tôi: Chuyện gì vậy, anh?
Joe: Có gì đâu. Anh cho con ngủ rồi.
Tôi: Anh làm sao hay vậy?
Joe: Anh viết những nỗi lo âu của con ra.
Tôi: Thế á?
Joe: Rồi anh đọc lại cho nó nghe.
Tôi: Rồi sao nữa?
Joe: Anh bảo để đến cuối tuần anh sẽ giúp con xử lý những lo lắng đó, thế là thằng bé đút tờ danh sách xuống gối, mặc áo ngủ vào và ngủ ngay.
Sáng hôm sau, trong khi tôi đang thay tấm khăn trải giường cho Anthony thì tờ danh sách rơi ra. Trong đó ghi như thế này:
Những điều khiến Anthony lo lắng
° Toa-lét và phòng học dơ bẩn.
° Sân trường không đủ chỗ để chạy nhảy thoải mái.
° Muốn có thêm quần áo đi học.
° Có vô số việc phải làm ở trường và phải mang hàng đống tập vở. (Quá nhanh để bắt đầu nhiều việc như vậy!)
° Muốn có thêm tiền để ăn quà trong trường.
° Chiếc xe đạp bị làm sao ấy. Cứ tuột xích hoài.
° Bị rơi mất hai mươi lăm xu vào gầm máy giặt. (Mình buồn lắm vì chỉ có mỗi một ít tiền mà cũng làm mất!)
° Chắc là chuyện tiêu xài sẽ thoải mái hơn nếu ba cho mình tấm ngân phiếu một trăm đô-la.
Tôi cười tủm tỉm khi đọc tờ giấy đó. Ai bảo chỉ người lớn mới có những “vấn đề thật sự”? Thật dễ quên là con nít cũng có những mối bận tâm ghê gớm của chúng. Và cũng giống như chúng ta, chúng cần ai đó lắng nghe và hóa giải những lo lắng của chúng một cách hợp lí.
✳ ✳ ✳
CHUYỆN THỨ HAI kể lại việc một bà mẹ đã giúp con gái vượt qua nỗi ngán ngẩm vì thủ tục làm hồ sơ xét tuyển đại học.
Hầu như tất cả học sinh lớp cuối cấp đều đã nộp đơn xét tuyển vào đại học, trừ con gái tôi, Karen. Con bé có tật hay để mọi thứ đến phút chót mới chịu làm, nhưng lần này thì đúng là quá tệ. Mặc dù tôi đã cố kìm nén không cằn nhằn, mắng mỏ, hay chì chiết nó mỗi khi có dịp, nhưng chẳng ăn thua. Đến lượt ba nó thủ thỉ, khuyên giải, dụ dỗ nó hãy làm hồ sơ. Rất kiên nhẫn, ba con bé nêu ra những điều mà anh ấy nghĩ trường đại học muốn biết về thí sinh, thậm chí còn sẵn sàng giúp nó viết một dàn ý cho bài luận. Karen hứa cuối tuần sẽ xong xuôi, nhưng rồi vẫn chẳng chịu làm.
Nhiều ngày trôi qua, tôi bắt đầu phát cáu và quát mắng nó. Tôi cảnh cáo nó rằng nếu không làm hồ sơ ngay đi thì nó sẽ chẳng bao giờ vào được một trường đại học nào tử tế. Vậy mà Karen vẫn không hề nhúc nhích.
Thế rồi, trong một khoảnh khắc vô tình – phát sinh do quá tuyệt vọng – tôi cay đắng nói, “Trời ơi, làm hồ sơ xét tuyển đại học sao mà kinh hoàng vậy không biết! Phải trả lời đủ thứ câu hỏi, phải viết một bài luận về quyết định chọn trường của mình. Đúng thật là trì hoãn càng lâu càng tốt!”
Con bé vọt reo lên thật to, “Đúng đó, mẹ!”
Tôi bảo, “Phải chi người ta dẹp luôn cái việc nộp hồ sơ xét tuyển đi. Tất còn tất cả các nhân viên hành chính của trường đại học đều có bằng ESP cả, giá như họ tự biết mình may mắn thế nào khi có con vào học ở đó thì hay biết mấy! Con sẽ chìm ngập trong những lời mời gọi vào học cho xem!”
Karen bật cười khoái chí và tung tăng lên lầu đi ngủ. Chiều hôm sau, nó bắt đầu làm hồ sơ thực sự. Đến cuối tuần, tất cả giấy tờ cần thiết đã được gửi đi theo đường bưu điện!
✳ ✳ ✳
Chuyện thứ ba là kinh nghiệm của một bà mẹ khi phải đương đầu với bệnh tật kinh niên của con.
Con trai tôi, TJ, mới mười một tuổi nhưng đã phải đeo máy điều hòa nhịp tim và một cặp kính đặc biệt để giống đỡ mí mắt yếu ớt của cháu. Giờ đây cháu lại phải đeo thêm cái máy trợ thính nữa. Khi từ chỗ đo máy trợ thính về nhà, cháu tuyên bố, “Lẽ ra mẹ không nên mua cái máy kỳ cục này. Con sẽ không đeo nó tới trường đâu. Con sẽ vứt nó vào sọt rác. Không thì con sẽ quẳng nó vào toa-lét!”
Đang lái xe mà tim tôi như thắt lại, sầu não, tôi biết mình phải im lặng cho tới khi nghĩ ra được câu gì đó mà không làm cho sự việc xấu đi. Con trai tôi quay qua, nhắc lại, “Mẹ có nghe con nói không vậy?”
Tôi đáp (ơn Chúa), “Mẹ vừa nghe có một thằng bé cực ghét việc đeo máy trợ thính, bởi vì cảm thấy đó là điều tệ hại nhất mà nó có thể tưởng tượng ra!”
TJ ngồi thừ một lúc. Sau đó cháu bảo, “Đúng vậy… nếu có ai ở trường trêu chọc thì con sẽ không bao giờ đeo nó nữa đâu!”
Tôi dừng xe lại và đánh bạo nói, “Có lẽ con sẽ thích nếu chú thợ hớt tóc cắt cho con kiểu tóc để dài hai bên thái dương hơn một chút.”
TJ nói, “Đúng rồi, mình tới chỗ chú ấy liền đi mẹ.”
Tiếng nện thịch thịch trong ngực tôi dịu đi, và tôi thầm cảm ơn kỹ năng mà mình vừa học được.
? Những băn khoăn của giáo viên
1. Trách nhiệm xử lý những cảm xúc của học sinh trong lớp học là của tôi à? Đó chẳng phải công việc của người tư vấn tâm lý sao? Tôi còn không đủ thời gian để giảng bài nữa kìa.
Đôi khi có những thứ cứ tưởng là “đường dài” nhưng hóa ra lại là “đường tắt”. Dành vài phút để tìm hiểu những cảm xúc mạnh của một học sinh sẽ tốt hơn là để cứ cho cảm xúc ấy dây dưa mãi rồi biến thành một vấn đề thực sự, làm mất nhiều thời gian quý báu của cả lớp học. Nếu làm như vậy, bạn sẽ đáp ứng được nhu cầu mà một đứa trẻ đang cần sự giúp đỡ của bạn.
2. Tôi chẳng nghe được điều gì khi hỏi học sinh của mình về cảm xúc của chúng. Chúng thường đáp, “Em không biết!” Tại sao lại thế?
Thông thường, trẻ sẽ không thoải mái khi người lớn muốn biết cảm xúc của chúng bằng những câu như xét hỏi, “Em cảm thấy sao?… Giờ em thấy thế nào?… Giận dữ?… Sợ hãi?… Tại sao em lại cảm thấy như thế?”
Những câu hỏi kiểu ấy dễ làm cho trẻ khép mình lại hơn là mở lòng ra. Trẻ đặc biệt chới với trước loại câu hỏi tại sao chúng lại cảm thấy thế này hay thế kia. Cái từ “ Tại sao ” bắt chúng phải giải thích, phải bênh vực cảm xúc của mình, bắt chúng phải nghĩ ra một lý do hợp lý, chấp nhận được – cái lý do đã khiến chúng có cảm xúc ấy. Mà thường thì trẻ chẳng biết lý do tại sao cả. Trẻ không biết vận dụng tâm lí tâm liếc để trả lời rằng, “Khi mấy đứa ở trạm xe buýt trêu chọc em thì đó chính là lúc chúng nó đấm vào lòng tự trọng của em.”
Khi trẻ không vui, điều khiến chúng xúc động nhất là cha mẹ hay giáo viên quan tâm, đoán ra được cái gì đang diễn ra bên trong nó. “Cô (thầy) biết bị trêu chọc thì buồn lắm, dù có vì lý do gì đi chăng nữa.” Câu nói đó hàm ý nhắc trẻ rằng, nếu chúng muốn nói thêm gì nữa thì người lớn sẽ luôn có mặt để chia sẻ cảm xúc với chúng.
3. Tiến sĩ cho rằng trẻ em cần được thừa nhận những cảm xúc tiêu cực nhất của nó. Liệu như thế có dẫn đến nguy cơ khiến trẻ hiểu sự thừa nhận của chúng ta là đồng ý, là cho phép chúng bộc lộ những cảm xúc xấu nhất không?
Điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta phân biệt được sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Đúng, học sinh có quyền cảm thấy giận dữ và bộc lộ cảm xúc đó ra. Tuy nhiên, chúng không có quyền bộc lộ cơn bực tức theo cách gây hại cho người khác, cả về mặt thể xác lẫn tinh thần . Chẳng hạn, chúng ta có thể nói với David, “Em giận Michael đến nỗi phải đấm bạn ấy thì mới hả, nhưng David, thầy không cho phép học sinh của mình đánh nhau. Em hãy bộc lộ cơn tức giận của em với Michael bằng lời nói, chứ không phải bằng nắm đấm.”
4. Tôi có một học sinh trung học có hoàn cảnh gia đình tan vỡ. Tôi thật khó mà tỏ ra thông hiểu khi em ấy nói với tôi rằng “Em ghét cô,” “Cô tầm thường,” hoặc những lời lẽ mà tôi không tiện nhắc ở đây. Tôi không biết phải xử lý thế nào với học sinh ấy? Tiến sĩ có ý tưởng gì không?
Đôi khi, học sinh cá biệt muốn giỡn mặt giáo viên bằng cách cố ý nói bậy nhằm khiến cho họ nổi giận, hoặc chúng sẽ co lại phòng thủ. Một phần của trò đùa kiểu ấy là nhằm mục đích “tháo miệng giáo viên” [2] , đẩy thầy cô vào một bài diễn thuyết đầy tức giận, dài dằng dặc và mất kiểm soát trước sự thích thú cười thầm của cả lớp. Thay vì phản ứng theo cách đối đầu (sập bẫy của em học sinh ngổ ngáo ấy), bạn có thể ra vẻ thản nhiên và bảo, “Cô không thích em nói như thế. Nếu em đang bực bội thì hãy bình tĩnh chờ lúc khác và nói bằng một cách khác, cô sẽ vui lòng lắng nghe.”
5. Một học sinh mới đây đã kể cho tôi nghe về những khó khăn mà em gặp phải ở nhà. Đó là việc anh trai và cha mẹ em hay bất hòa, cãi cọ với nhau. Nhưng khi tôi vừa bảo, “Cô biết em không vui về việc đó, nhưng hãy nhìn vào tất cả những thứ mà em phải biết ơn,” thì em ấy òa khóc. Tôi đã làm gì sai?
Hãy chú ý đến từ “nhưng” trong lời nói của bạn. Nó xóa tan cảm xúc vừa được bày tỏ, và phát đi tín hiệu rằng “Cô sẽ giải thích tại sao cảm xúc của em là không quan trọng.” Trẻ em cần nghe thấy sự thừa nhận. một cách không săm soi – những cảm xúc của chúng trong khoảnh khắc đó. (“Cô biết em không vui về những chuyện xảy ra ở nhà. Em mong ước mọi người trong gia đình em hòa thuận với nhau đúng không nào.”) Phản hồi, chuyển tải đầy đủ sự thông hiểu – mà không lên mặt dạy đời – sẽ động viên trẻ làm quen cách đối mặt với những vấn đề của chúng.
Chuyện kể của giáo viên
CHUYỆN ĐẦU TIÊN do một giáo sinh (giáo viên thực tập) kể lại khi được phân công phụ trách một lớp mẫu giáo song ngữ.
Lớp học bắt đầu được vài tuần thì một bà mẹ, vừa mới chuyển đến sống trong vùng, đưa cậu con trai bé bỏng vào lớp. Bà giới thiệu cậu bé với cô giáo chính rồi ra về. Cô giáo mỉm cười hồn hậu, đưa cậu bé vào chỗ ngồi, trao cho cậu cây bút chì màu và giấy, rồi bảo với cậu là cả lớp đang vẽ một người thân trong gia đình. Bỗng nhiên, cậu bé òa khóc nức nở. Cô giáo nói bằng tiếng Tây Ban Nha, “Đừng có khóc mà!” Tôi lại gần định dỗ cậu bé, nhưng cô giáo xua tôi đi. “Cứ để mặc nó,” cô nghiêm khắc, “kẻo nó sẽ khóc tới tháng sáu năm sau luôn đó.” Xong, cô quay trở lại bàn mình để làm nốt bản báo cáo.
Tôi cố lơ cậu bé đi, nhưng nó cứ khóc rống lên, nghe xót cả ruột. Không chịu nổi, tôi ngồi xuống bên cạnh và nhẹ nhàng vỗ lưng nó. Cậu bé gục đầu xuống bàn mà sụt sịt, “Con muốn mẹ cơ! Mẹ cơ!” Tôi thì thào với nó, tất nhiên là bằng tiếng Tây Ban Nha, “Con muốn gặp mẹ à?” Nó nhìn tôi trong làn nước mắt và nói “Dạ!”
Tôi nói, “Xa mẹ buồn lắm phải không con? Mặc dù biết là sẽ gặp mẹ ngay thôi, nhưng con vẫn không thể đợi nổi, đúng không nào? Vậy mình sẽ vẽ tranh về mẹ con nhé.” Tôi cầm bút sáp màu lên, vẽ một vòng tròn làm khuôn mặt, vẽ thêm cái mũi, thêm cái miệng. Rồi tôi đưa cây bút màu cho cậu bé và nói, “Nào, giờ đến lượt con vẽ mắt mẹ đi.”
Thằng bé nín khóc và cầm lấy mẩu sáp màu, vẽ hai cái chấm thật cẩn thận… Tôi bảo, “Con đã vẽ mắt cho mẹ rồi nè, vậy con muốn vẽ tóc của mẹ màu gì?” Thằng bé lấy một cây sáp màu đen và tiếp tục vẽ tóc. Khi tôi đi chỗ khác, nó vẫn miệt mài với bức tranh.
Tôi cảm thấy sung sướng quá đỗi. Tôi đoán, nếu mình lơ thằng bé đi thì chắc hẳn cuối cùng nó cũng thôi khóc. Nhưng bằng cách thừa nhận tâm trạng nhớ mẹ của nó, tôi biết mình đã giúp nó vượt qua cảm xúc đó.
✳ ✳ ✳
Tiếp theo là câu chuyện do một giáo viên phổ thông cơ sở kể lại việc đã dàn xếp một cuộc ẩu đả trong giờ ăn trưa, bằng cách thừa nhận cơn giận của hai học sinh.
Bỗng dưng tôi nghe có tiếng hú hét om sòm và thấy hai thằng bé đang nằm lăn dưới sàn. Tôi chạy tới, giật Manuel ra, nó đang ngồi đè lên và đấm thùm thụp vào ngực Julio. Đây là lời đối đáp sau khi tôi gỡ được cặp “đô vật” ra:
Tôi: Trời ơi, sao hai em lại nổi khùng với nhau?
Manuel: Nó đá vào giữa hai chân em!
Tôi: Ối, vậy thì đau ghê lắm! Nên em tức giận chứ gì?
Julio: Còn nó thụi vào bụng em.
Tôi: Thế nên em mới đá bạn!
Manuel: Nó lấy khoai tây chiên của em.
Tôi: Ồ, hóa ra đầu đuôi chuyện các em nổi khùng với nhau là vậy đấy. Hừm, bây giờ thầy cược là Julio đã biết Manuel không muốn ai lấy đồ ăn của mình, và Julio sẽ không làm thế nữa.
Manuel: Nó biết vậy là tốt.
Hai đứa gườm gườm nhau.
Tôi: Thầy nghĩ hai em không nên gặp nhau một thời gian, trước khi làm hòa với nhau.
Quả đúng vậy. Sau đó ngoài hành lang, tôi thấy hai thằng bé sóng bước bên nhau, vừa đi vừa cười ha hả. Khi chúng trông thấy tôi, Julio la lên, “Thầy ơi, tụi em làm hòa rồi!”
✳ ✳ ✳
Cuối cùng là một câu chuyện của một giáo viên thường phải đối phó với những học sinh bị chấn động tâm lý vì chiến tranh.
Kể từ sau ngày cuộc chiến tranh Vùng vịnh bùng nổ, rất nhiều trẻ em trở nên hoảng sợ và bồn chồn không yên. Tôi nghĩ điều tốt nhất mình có thể làm cho chúng là đặt những biến cố vừa xảy ra vào một bối cảnh lịch sử, thế là tôi soạn một bài học để ôn lại những cuộc chiến tranh trước kia từng có nước Mỹ tham gia, bắt đầu là cuộc Chiến tranh Cách mạng. Khi tôi viết tựa bài lên bảng, lớp học bỗng im phăng phắc. Một học sinh nữ nói, “Thưa cô Ritter, hôm nay chúng ta không cần học theo bài cô sẽ giảng có được không ạ? Chúng ta có thể trình bày suy nghĩ của mình về chiến tranh, được không cô?”
Cả lớp nhìn tôi lo ngại. Tôi hỏi, “Các em muốn như thế à?” Những cái đầu khẽ gật một cách nghiêm túc. Tôi biết bọn trẻ đã tin cậy mình nên mới dám yêu cầu thay đổi bài học đã được định trước.
Một cậu bé buồn rầu mở đầu, “Chiến tranh là một trò ngu ngốc.”
Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào tôi để thăm dò xem phản ứng của tôi thế nào. Tôi nói, “Cô nhận thấy cảm xúc của các em đang rất mạnh mẽ. Hãy nói cho cô biết thêm nữa đi.”
Thế là chúng làm theo. Trong ba mươi phút sau đó, các học sinh của tôi lần lượt bày tỏ những nỗi sợ hãi và lo lắng nhất của chúng. Rồi một em đưa ra ý kiến, “Chúng ta hãy viết cảm xúc của mình ra đi cô!” Tôi nghĩ, “Hay lắm! Có lẽ điều này sẽ giúp bọn trẻ xoáy mạnh vào cảm xúc của chúng bằng những hình thức diễn đạt sáng tạo hơn.”
Cả lớp mở tập ra và viết trong bầu không khí yên lặng. Đến cuối tiết học, tôi hỏi có ai muốn đọc bài cảm nghĩ của mình lên không. Nhiều em đưa tay. Sau đây là trích đoạn của ba em trong lớp:
Sống trong sợ hãi, không nhà không cửa, người ta đánh nhau và chết vì một điều gì đó đáng lẽ phải đã được ngăn chặn.
– Silvia
Trong chiến tranh, ta nghe tiếng súng nổ, tiếng khóc kinh hoàng, nhưng tiếng kêu thét ghê sợ hơn hết là tiếng trái tim tan vỡ của những gia đình có con bị chết vì chiến tranh.
– Joseph
Biết bao người dân vô tội sẽ chết và số người than khóc lại bắt đầu tăng thêm. Khi đứa trẻ có cha mẹ bị chết vì chiến tranh, nó sẽ đau buồn và hãi hùng mà không hiểu tại sao lại như vậy.
– Jamie
Cuối tiết học, đám mây nặng nề treo lơ lửng trong lớp hình như đã tan biến. Đám trẻ đã bộc lộ và chia sẻ cảm xúc của chúng, chia sẻ nỗi đau chung. Chúng tôi thấy mình được kết nối với những người khác, và quan trọng nhất là thấy mình bớt cô đơn.