Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường

Chương 7: Phụ Huynh Và Giáo Viên Hãy Phối Hợp Với Nhau

Tác giả: Adele Faber - Elaine Mazlish

Đúng là một ngày quá vất vả. Sự căng thẳng chồng chất và bầu không khí khẩn trương khi phải tiếp hết phụ huynh này tới phụ huynh khác khiến tôi mệt phờ. Chẳng có thời gian về nhà, tôi lái xe tới một quán ăn nhỏ trong thị trấn, hy vọng được hưởng một bữa tối yên lành, lấy lại sức để đón tiếp một làn sóng phụ huynh mới.

Người đàn ông đậu xe gần xe tôi trông quen quen. Anh vừa bước vào chỗ có ánh đèn thì tôi nhận ra ngay và gọi to, “Ken! Rất vui được gặp lại anh! Anh làm gì ở đây vậy?”

Ken cười toe với tôi, “Chắc cũng cùng mục đích như cô thôi. Tôi còn ba đợt gặp phụ huynh nữa trong tối nay, giờ cần phải nạp năng lượng đây. Chúng ta ngồi cùng bàn nhé? Tôi muốn nghe xem ở Hemlock người ta đối xử với cô thế nào.”

Vậy là coi như ý định về bữa ăn tối yên bình của tôi đã tan thành mây khói. Vào bên trong, chúng tôi nhìn quanh nhà hàng đông đúc để tìm một cái bàn trống. Không có. Đằng sau có tiếng gọi và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, “Liz, lại đây!” Đó là Julie, một người bạn của tôi thời trung học đã xa cách nhiều năm. Julie ngồi cùng với chị gái là Martha.

“Đừng có trố mắt ngạc nhiên như thế,” Julie nói. “Mình tới đây vài ngày thăm chị Martha. Lại ngồi với bọn mình đi.”

Tôi ra hiệu về phía Ken, ngụ ý rằng chúng tôi đi chung với nhau. Julie gật đầu, chỉ hai chiếc ghế trống bên bàn và vẫy chúng tôi lại.

Mở màn cuộc trò chuyện, chúng tôi giới thiệu làm quen và hỏi han tình hình cuộc sống của nhau. Hiện giờ Julie là một bà mẹ đơn thân nuôi con, một mình xoay xở mọi việc khá ổn thỏa, và “bé con” của cô năm nay đã sáu tuổi. Con trai lớn của Martha đã đến tuổi vị thành niên. Tôi cho mọi người biết tôi và Ken là đồng nghiệp, tôi đã thuyên chuyển qua trường mới, còn anh ấy vẫn ở trường cũ, và chúng tôi đang nghỉ giải lao giữa hai đợt họp phụ huynh.

“Phụ huynh và giáo viên họp với nhau ấy hả?” Julie nói với vẻ dè bỉu. “Mình cũng có một cuộc họp như vậy vào tuần tới nhưng chả quan tâm.”

Nói như thế thì lạ quá. Sau khi gọi món ăn xong, tôi bảo, “Nghe như cậu đã gặp chuyện gì đó trong cuộc họp phụ huynh lần trước thì phải.”

Julie tròn mắt nhìn tôi, rồi thở dài.

Tôi tò mò nhưng không muốn tọc mạch hỏi sâu hơn. Nhưng Ken lại không giữ ý như vậy, “Sao thế? Có gì không hay à?”

“Tôi nói chả biết anh có hiểu không,” Julie ngại ngùng nói. “Anh đâu phải là mẹ.”

“Đành là vậy,” Ken nói, “nhưng dù sao cứ thử kể cho tôi nghe xem.”

Julie lưỡng lự một thoáng rồi nói, “Tôi cũng chẳng biết phải nói thế nào, nhưng mà… tôi nghĩ con gái Becky của tôi, Becky, là một đứa trẻ tuyệt vời, vậy mà khi đi họp phụ huynh lần vừa rồi, cô giáo nó bảo tôi với nụ cười gượng gạo, ‘Thành thật mà nói, Becky hơi mất trật tự, với lại, không phải lúc nào em ấy cũng nói thật,’ tôi cảm thấy đau nhói trong lòng. Sau đó về nhà, tôi bắt đầu nhìn Becky khác đi, cứ thắc mắc không biết con bé có lừa dối mình cái gì không, hay có táy máy cái gì của ai hoặc quậy phá gì không.”

Tôi sững sờ về câu chuyện của Julie. “Thế thì kinh khủng thật. Cậu rời cuộc họp trong nỗi nghi ngờ chính đứa con của mình.”

“Đáng ra mình không nên nói điều này,” Julie tiếp, “nhưng giáo viên có cái kiểu làm cho mình có cảm tưởng như điều sai trái của con bé là do lỗi tại mình ấy. Phải chi mình ‘làm thế này’, ‘làm thế nọ’ hay dành nhiều thời gian cho con hơn, là một người mẹ tốt hơn, thì hẳn Becky đã là đứa trẻ ngoan hơn rồi… Còn điều này nghe có vẻ kì cục, nhưng thỉnh thoảng mình có cảm giác là vài giáo viên nghĩ rằng họ giỏi giang hơn mình, bởi vì họ có trình độ đại học còn mình thì không.”

Ken nhướng lông mày lên, chế giễu, “Ố, thôi mà.”

“Đừng bỏ qua những điều Julie vừa nói,” Martha chỉ ngón tay vào không khí, cảnh báo Ken. “Tôi cũng có bằng đại học, và là phó giám đốc nhà máy hẳn hoi. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ như in cái cảm giác bị đặt vào chỗ của học sinh đối diện với giáo viên, và phải ngồi im mà nghe giáo viên thông báo về cái tội con trai mình không biết nghe lời. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút mà tôi đã trở thành một con bé sợ sệt vì bị giáo viên la mắng.”

“Khoan đã,” tôi nói. “Em thấy rối quá. Theo ý em, họp phụ huynh không phải là giáo viên nói từ đầu đến cuối về những sai trái, vướng víu của con cái chị. Không phải vậy. Cuộc họp ấy cần phải diễn ra hai chiều. Giáo viên chúng em cũng muốn nhận được thông tin từ phía phụ huynh. Bọn em rất cần điều đó. Và đấy mới là mục đích chính của việc họp phụ huynh. Bọn em hoan nghênh tất cả các ý kiến từ phía phụ huynh.”

“Thật á?” Martha có vẻ không tin. “Thế thì tại sao tôi lại phải rón ra rón rén như bước đi trên vỏ trứng, trước khi dám đưa ra một đề nghị nhỏ nhặt nào đó với giáo viên? Bởi vì nếu, nói dại, tôi mà vô tình làm phật ý giáo viên bằng cách nói bóng nói gió rằng cô ấy hay thầy ấy nên làm gì khác đi, và cô ấy nổi giận với tôi, thì tôi biết thế nào cô ấy cũng sẽ trút hết cơn giận đó lên đầu con tôi.”

“Martha, chị nói vậy là không công bằng,” tôi phản đối, “mà cũng không đúng!”

Martha phớt lờ tôi, chị tiếp, “Nhưng tôi thật sự cảm thấy như vậy khi giáo viên nói với tôi bằng cái giọng kẻ cả bề trên, ‘Vấn đề với Michael là thế này thế nọ. Tôi biết chị bận làm việc, nhưng tôi nghĩ chị nên dành ít thời gian cho em ấy…’ Hoặc không thì, ‘Nếu Michael không chú ý nghe giảng thì chẳng cách gì giúp em ấy lên lớp được’. Và một câu nói luôn luôn để lại trong tôi cảm giác tội lỗi và thiếu sót, kiểu như, ‘Xin lỗi phải báo cho chị biết, con trai chị không phát huy hết tiềm năng của em ấy.’”

Tôi rụng rời trước lời bình xét của Martha, cảm thấy bối rối trong lòng. Chính tôi cũng từng nói những câu đại loại như thế với một phụ huynh mới hồi chiều này. Phản ứng đầu tiên của tôi là giương ra một hệ thống phòng thủ để bênh vực mình và các đồng nghiệp, nhưng lúc này tôi quyết định dùng một chiến thuật khác. “Còn có điều gì khác làm chị khó chịu không?” tôi điềm tĩnh hỏi.

Martha vồ lấy câu hỏi của tôi, “Có mà đầy! Tôi rất ghét khi thầy cô giáo tung ra những thuật ngữ chuyên ngành cao siêu, khiến cho tôi cảm thấy mình như một kẻ ngốc. ‘Nếu muốn Michael giải mã được âm vị và cụm phụ âm (sao không nói thẳng ra là đọc cho dễ hiểu), bà cần dành ra một giờ mỗi tối để giúp em ấy hoàn tất chương trình tập đọc.’”

“Mà,” Julie bổ sung, “ông bố bà mẹ nào moi được một tiếng đồng hồ rảnh rỗi hàng đêm sau cả ngày quần quật đi làm, chợ búa và dọn dẹp, chứ còn mình thì đến lúc ăn tối, rửa bát đĩa và giặt giũ xong, thay bộ đồ ngủ cho Becky là đã mệt rũ người tới nỗi chẳng làm gì được nữa ngoài đọc truyện dỗ nó đi ngủ!”

Martha gật đầu tán thành, “Nhưng điều thật sự khiến tôi thấy mình bị xúc phạm là giáo viên cứ cho rằng họ không có trách nhiệm phải liên lạc với phụ huynh học sinh. Tôi chả bao giờ nghe thấy họ thông báo thông biếc gì mãi đến khi vấn đề nghiêm trọng đến mức phải dùng đến phép màu thì may ra mới giải quyết nổi. Như hồi Michael học cấp hai, nó không làm bài tập về nhà môn xã hội. Cô giáo nó cứ để yên như vậy cho tới khi chỉ còn một tuần nữa là phát bảng điểm. Có đứa trẻ nào có cách giải được hết mười lăm bài tập về nhà trong một tuần không?”

Chuyện này vượt quá sức của tôi rồi. “Từ từ đã,” tôi nói, “những điều chị nói có thể là thật, nhưng làm ơn hãy hiểu cho, mỗi giáo viên chúng tôi đều phải chịu trách nhiệm với hơn ba mươi đứa trẻ trong lớp, mà đứa nào cũng cần được quan tâm cả. Thật là không thực tế khi cứ mong chờ giáo viên gọi điện thoại riêng cho phụ huynh mỗi lần có một học sinh nào đó không làm hết bài tập của nó.”

Rất điềm đạm, Ken hỏi, “Chính xác là phụ huynh các chị muốn gì từ giáo viên?”

Martha nhìn thẳng vào mắt Ken, “Sự tôn trọng. Tôi muốn giáo viên phải đối xử với tôi và con tôi bằng sự tôn trọng, cũng giống như họ muốn chúng tôi đối xử với họ như vậy.”

Tôi thấy mặt Ken bỗng đỏ bừng lên. “Tôn trọng?” anh vặn lại. “Giáo viên chúng tôi được tôn trọng hồi nào chứ? Mọi người trút tiếng xấu lên đầu chúng tôi. Mọi trục trặc, sai lệch gì chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm, mà sai phạm thì cứ ập đến từ bốn phương tám hướng. Nào là cha mẹ phàn nàn về chúng tôi; nào là bọn trẻ vô lễ; rồi hiệu trưởng yêu cầu chúng tôi phải bám thật sát chương trình; rồi chính quyền thúc ép chúng tôi phải sáng tạo hơn trong khi họ cắt giảm hầu bao của chúng tôi đến mức không thể nào cắt giảm được nữa; lại còn đồng nghiệp trên đại học bất mãn với chúng tôi vì bọn trẻ không được trang bị đầy đủ để đáp ứng chương trình học; lại cả giới doanh nhân kết tội chúng tôi cho tốt nghiệp một bọn không đủ trình độ gia nhập vào lực lượng lao động của thế giới kinh doanh. Nhưng thực tế thì có những ai thật sự ủng hộ giáo dục? Ai sẽ trả cho giáo viên những gì họ xứng đáng được nhận? Người dân vùng này thậm chí còn chẳng thèm bỏ phiếu tán thành việc phát hành trái phiếu nữa kìa.”

Julie há hốc miệng. Mấy người ở bàn kế bên quay qua nhìn chúng tôi chằm chằm. Tôi thấy ngượng quá. Lần này Ken đã đi quá xa rồi. Nhưng Martha vẫn không hề suy suyển trước cơn giận bộc phát của Ken. “Này, riêng tôi thì tôi đã bỏ phiếu thuận phát hành trái phiếu đấy,” chị nói dứt khoát, “và nếu tôi có quyền quyết định thì giáo viên các anh chị phải được nhận lương cao, sao cho đủ để đáp ứng tất cả mọi nhu cầu trong cuộc sống. Nhưng điều tôi và Julie muốn bày tỏ ở đây là các bậc cha mẹ cảm thấy không được tôn trọng và bị gạt ra khỏi quá trình giáo dục con cái họ. Đúng là chúng tôi không có kiến thức chuyên môn như giáo viên, nhưng chúng tôi sẽ có rất nhiều đóng góp – nếu họ cho phép. Chúng tôi muốn giúp đỡ họ.”

“Giúp đỡ?” Ken bật kêu to. “Những người không chịu đi họp phụ huynh chỉ vì sợ lỡ mất chương trình truyền hình yêu thích của họ á? Hay những người say sưa be bét, hoặc quá chai đá đến mức không rảnh để quan tâm đến con cái? Hay những bậc phụ huynh vô tâm bắt đứa lớn phải nghỉ học ở nhà trông nom đứa nhỏ? Hay những phụ huynh bắt buộc chúng tôi phải cho con họ điểm A bởi vì Cha và Mẹ quyết định chúng phải vào được một trường đại học danh tiếng [1] ?”

Martha vẫn không nao núng, “Ken, anh đang vẽ một bức tranh đầy bất công về phụ huynh đấy.” Chị quay sang tôi tìm sự hậu thuẫn, “Thế cô Liz, cô có gặp trường hợp như thầy Ken không?”

Trong thâm tâm tôi rất muốn làm dịu cuộc nói chuyện nóng nảy này, nhưng Martha muốn biết sự thật, và đột nhiên tôi cũng muốn nêu sự thật, “Cũng có nhưng không đến nỗi như vậy. Em đã gặp những phụ huynh rất có hứng thú hợp tác, nhưng cũng có người khiến em rất ngại đưa vấn đề ra để cùng bàn bạc. Có lần em nói với một ông bố rằng con ông rất hay phá phách, thế là tối hôm đó về thằng nhỏ liền bị ăn một trận đòn nhừ tử. Mới sáng hôm nay thôi, em gặp một cặp vợ chồng đang tranh chấp nhau quyền nuôi con. Em biết rõ là con cái họ đang gặp phải một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng trong suốt cuộc họp, họ chỉ ra sức đổ lỗi cho nhau, và cố lôi kéo em đứng về phía họ… Em nghĩ các bậc phụ huynh ngày nay phải chịu quá nhiều áp lực và đau khổ trong cuộc sống riêng tư, nên chẳng còn hơi sức đâu mà quan tâm đến bọn trẻ nữa. Em thấy mình cần phải lắng nghe và hiểu được vấn đề của phụ huynh trước đã, rồi sau đó mới mong họ nói đến vấn đề mà con họ đang mắc phải.”

Martha giơ cả hai tay lên. “Thôi, tôi xin đầu hàng. Cứ theo như thầy với cô đây thì phụ huynh chúng tôi chỉ là một đám người coi mình là trung tâm, vô trách nhiệm, và đáng thương.”

“Đừng tự ái,” Ken nói. “Chúng tôi chỉ nói cho nhẹ lòng thôi. Dĩ nhiên cũng có những phụ huynh rất tuyệt. Họ hết lòng góp sức với chúng tôi dạy dỗ bọn trẻ. Những gì chị vừa nghe chỉ là tiếng nói bức xúc của hai giáo viên tuyệt vọng, hết lòng chăm lo cho con cái các chị; chúng tôi bực bội vì không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ mà chúng tôi cần từ phía phụ huynh.”

Mọi người bỗng lặng đi. Rồi Julie thận trọng nói, “Bất cứ khi nào đi họp phụ huynh là tôi lại lo lắng, không biết giáo viên sẽ kêu ca gì về con mình đây. Hình như chưa bao giờ tôi nghĩ xem giáo viên cảm thấy gì hay cần gì.”

“Vậy là, để công bằng, có lẽ chúng ta nên nghĩ kỹ về điều này,” Martha thừa nhận. “Liz à, chính xác thì giáo viên các cô cần phụ huynh chúng tôi làm gì nào?”

Câu hỏi của chị làm tôi ngạc nhiên. Suy nghĩ một thoáng rồi tôi nói, “Cần thông tin trung thực… về những gì đứa trẻ đã làm ở nhà, nó quan tâm gì, nó thích gì, nó lo lắng gì… bất cứ điều gì mà các chị chia sẻ để có thể giúp giáo viên hiểu rõ đứa trẻ hơn. Và em nghĩ, nếu có vấn đề nào nảy sinh, em muốn phụ huynh sẵn sàng suy nghĩ cùng với mình, hợp tác với mình, để chúng ta có thể tìm ra điều gì tốt nhất phải làm cho đứa trẻ.”

Martha gật đầu tán đồng, “Thế còn anh Ken, anh muốn phụ huynh làm gì?”

“Sự phản hồi,” Ken đáp. “Tôi muốn biết trong những cố gắng hàng ngày của giáo viên vì lợi ích của đứa trẻ, cố gắng nào đã có tác dụng. Đứa trẻ kể gì về trường lớp? Hoặc về thầy giáo của nó? Không có tín hiệu phản hồi, thật khó mà ra những quyết định sáng suốt xem đứa trẻ cần gì nhất và không cần gì nhất.”

“Tôi không phản đối việc đó,” Martha nói.

Ken ngồi ngả ra lưng ghế và dang rộng tay ra với cử chỉ nhã nhặn, “Được rồi, Martha, phát biểu là quyền của chị. Chị có những bức xúc về giáo viên cần nói ra. Giả sử, tôi chuyển câu hỏi đó trở lại chị, vậy thì chính xác cha mẹ cần gì ở giáo viên chúng tôi?”

Trán Martha nhăn lại thành một đường hằn sâu. Rồi, rất chậm rãi, chị nói, “Với tôi, điều quan trọng nhất là khi rời cuộc họp phụ huynh, tôi phải có một điều gì đó cho mình bám dựa vào. Một bức tranh nào đó về con mình giúp tôi cảm thấy an tâm về nó. Tôi cho rằng, giáo viên cũng không ngờ là ý kiến và lời nói của họ lại có sức mạnh, hoặc có tầm ảnh hưởng lớn như vậy đối với chúng tôi. Hầu hết mỗi bậc cha mẹ đều chỉ có một, hai mụn con để quan tâm lo lắng, còn giáo viên thì phải dạy dỗ hàng trăm đứa trẻ trong suốt quãng đời đi dạy của mình. Quan điểm của giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đối với cha mẹ đứa trẻ. Khi nghe giáo viên bảo con tôi có gì đấy khác thường – dù tốt hay xấu – tôi đều đón nghe rất nghiêm túc. Tôi sẽ mang theo những lời đó về nhà và cứ luôn nghĩ về nó.

“Tôi nhớ mình đã bực tức và thất vọng với Michael biết chừng nào hồi thằng bé bắt đầu đi nhà trẻ, bởi vì nó cứ khóc rống lên, bám rịt lấy tôi chứ không độc lập và dễ hòa nhập như những đứa trẻ bốn tuổi khác. Nhưng vào ngày đi họp phụ huynh, cảm giác của tôi đã thay đổi hẳn. Cô giáo cười rạng rỡ với tôi và nói, ‘Tôi rất vui được gặp mẹ của em Michael. Em ấy là một cậu bé nồng hậu và đáng yêu lắm.’ Những lời của cô thấm vào lòng tôi như một thứ ánh sáng diệu kỳ. Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ về con mình như thế. Bức tranh mà cô giáo phác họa về tính cách con trai tôi đã khiến tôi rất tin tưởng và giúp cho tôi nhiều hơn là cô ấy tưởng.”

Tôi rất xúc động vì câu chuyện của Martha. Tôi quay qua Julie và đặt tay lên cánh tay cô bạn cũ. “Còn cậu? Cậu muốn gì trong cuộc họp phụ huynh, hả Julie?”

“Mình muốn ra về với một điều gì đó mà mình có thể nói lại với con gái, để con bé tự tin hơn về bản thân nó… Điều gì đó mà mình có thể kể lại cho Becky nghe khi nó ngước cặp mắt to tròn lên nhìn mình và hỏi, ‘Cô giáo nói gì về con hả mẹ?’”

Bữa ăn tối diễn ra yên bình khi chúng tôi chuyện trò chân tình và chia sẻ những gì quan trọng nhất đối với mỗi bên, dù là vai trò phụ huynh hay giáo viên. Chúng tôi cũng mường tượng ra một cuộc họp phụ huynh lý tưởng thì phải như thế nào – trước tiên là quan điểm của phụ huynh, sau đó là quan điểm của giáo viên.

Trong những trang tiếp theo bạn sẽ thấy, bằng hình minh họa, những điểm chính mà chúng tôi đã đề cập tới.

Sau khi chia sẻ những phiên bản về một cuộc họp phụ huynh lý tưởng, chúng tôi nhận thấy: thì ra những nhu cầu của hai bên đều rất giống nhau. Cả cha mẹ và giáo viên đều cần:

• Sự thừa nhận, thông tin, và sự thông hiểu lẫn nhau.

• Được người khác thừa nhận những nỗ lực cố gắng của mình.

• Sự tôn trọng.

• Làm việc chung với nhau, ủng hộ lẫn nhau, và tìm kiếm điều tốt nhất ở nhau, tất cả đều nhằm đem đến những điều tốt đẹp cho trẻ.

Đến lúc phải ra về, chúng tôi dùng dằng mãi mới chia tay được. Tôi nghĩ, tất cả hãy còn lâng lâng ngây ngất bởi những dòng cảm xúc mạnh mẽ trong một giờ ngắn ngủi gặp nhau vừa qua. Lúc mới bắt đầu, chúng tôi xuất phát ở hai thái cực, phụ huynh khó chịu với giáo viên, còn giáo viên bất bình với phụ huynh. Ấy vậy mà, đến lúc chia tay, chúng tôi lại tụ về một phía, ở trong cùng một đội, gắn bó chặt chẽ với nhau bằng lòng tận tụy chăm lo cho sự tiến bộ của bọn trẻ, để không bao giờ phải buông xuôi bất cứ một đứa trẻ nào.

GHI NHỚ

Cuộc họp phụ huynh lý tưởng

Thay vì bắt đầu bằng cách nêu lên những sai phạm bạn, hãy thử…

1. Bắt đầu bằng cách mô tả những điều đúng đắn

Giáo viên: Tôi thích những câu hỏi sâu sắc của Sam.

Phụ huynh: Sam rất thích bài cô giảng về tên lửa.

Thay vì chỉ ra trẻ chưa làm được gì, bạn hãy thử…

2. Mô tả điều mà đứa trẻ cần làm

Giáo viên: Sam cần học lại những bài mà em ấy đã bỏ lỡ khi bị ốm.

Phụ huynh: Tôi nghĩ cháu đang cảm thấy hơi đuối sức. Cháu cần được giúp đỡ mới mong theo kịp bài vở.

Thay vì ém nhẹm thông tin, bạn hãy thử…

3. Chia sẻ vấn đề cần được quan tâm

Phụ huynh: Ngày trước, hễ cứ đi học về là cháu lại ra ngoài chơi đùa ngay, nhưng chẳng hiểu sao dạo gần đây cháu cứ ngồi ru rú trong nhà xem tivi thôi.

Giáo viên: Dạo này tôi thấy em ấy hay ngáp trong giờ học lắm.

Thay vì chỉ bảo nhau phải làm gì, chúng ta hãy như…

4. Chia sẻ những điều tốt đẹp của trẻ khi ở nhà hoặc ở trường.

Phụ huynh: Từ ngày cháu bị ốm, cứ học khoảng mười lăm hay hai mươi phút lại giải lao một lần thì cháu sẽ tiếp thu bài tốt hơn.

Giáo viên: Tôi để ý thấy cứ sau giờ ra chơi là em ấy có vẻ hoạt bát hơn.

Thay vì buông xuôi, chúng ta hãy…

5. Chung tay bàn bạc một kế hoạch.

Giáo viên: Để tôi bảo một học sinh khác giúp Sam học lại những bài em ấy đã bỏ lỡ. Tôi cũng sẽ chú ý cho em ấy nghỉ giải lao thường xuyên hơn.

Phụ huynh: Tôi sẽ cho cháu xem tivi ít lại, sẽ nhắc cháu tập thể dục và hít thở không khí trong lành.

Thay vì kết thúc bằng lời nhận xét tiêu cực, hãy thử…

6. Kết thúc cuộc gặp gỡ bằng một câu tường thuật mang tính tích cực để phụ huynh có thể nhắc lại cho trẻ nghe.

Giáo viên: Nhờ chị nói với Sam là tôi tin em ấy có khả năng làm đầy đủ bài của mình. Và tôi rất vui vì có một học sinh như em ấy.

Phụ huynh: Nhất định tôi sẽ nói. Cháu sẽ vui lắm.

Thay vì quên kế hoạch sau cuộc họp phụ huynh, hãy…

7. Làm theo đúng như kế hoạch

Giáo viên: Jeffrey đang giúp Sam, và em ấy sắp theo kịp cả lớp rồi. Dạo này em ấy cũng tươi tỉnh hơn.

Phụ huynh: Chồng tôi bắt đầu chạy bộ và Sam cũng chạy cùng với ba nó luôn.

NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN

? Những thắc mắc của phụ huynh

1. Cho phép trẻ cùng ngồi họp phụ huynh có phải là ý hay không? Tôi nghĩ, con trai tôi thỉnh thoảng cũng nên có mặt ở đó, như thế sẽ tốt hơn cho cháu.

Khi bắt đầu cuộc họp, cả bạn lẫn giáo viên đều cần được tự do, thoải mái trao đổi với nhau mà không phải lo ngại những lời trao đổi ấy sẽ tác động đến con bạn như thế nào. Trong lúc họp trẻ có thể đợi bên ngoài lớp, đọc sách trong thư viện hay chơi ngoài sân.

Tuy nhiên, vào thời điểm cần thiết, sẽ rất hữu ích khi giáo viên mời con bạn cùng dự cuộc họp. Nhưng hãy chú ý đến những điểm dễ làm trẻ bị tổn thương, khi mà, ở lứa tuổi mong manh này, cùng một lúc trẻ phải đối diện với cả hai “thế lực hùng mạnh” nhất trong cuộc đời nó! Để giúp cho trẻ đỡ mất bình tĩnh, cả phụ huynh lẫn giáo viên đều có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ với trẻ những thông tin tích cực mà cả hai đã trao đổi với nhau trước đó. Ví dụ:

Phụ huynh: Mẹ đang nói với cô Fisher chuyện cả nhà mình đã biết được rất nhiều điều về rừng mưa nhiệt đới, kể từ khi con bắt đầu làm dự án của mình đấy.

Giáo viên: Còn cô cũng nói cho mẹ em biết rằng tất cả các bạn lớp mình đều rất thích những hình ảnh em mang đến lớp – nhất là bức ảnh về loài ếch mắt đỏ sống trên cây.

Cuộc họp phụ huynh có thể kết thúc ở đó. Nhưng giả sử cần phải trao đổi thêm điều gì nữa thì sao? Giả sử con trai bạn có tật lần lữa dây dưa, hoặc gặp khó khăn trong việc tổ chức bài vở thì sao? Nếu vậy thì bạn hoặc giáo viên có thể nói đến vấn đề đó như thế này:

Giáo viên: Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi em lên thuyết trình lần cuối trước lớp. Sẵn đây chúng ta cùng bàn về việc đó luôn đi.

Vậy là giáo viên, phụ huynh và đứa trẻ có thể thảo luận với nhau về cách tổ chức và lập thời khóa biểu cho các bước liên quan tới việc hoàn tất dự án của lớp. Sẽ rất lý tưởng nếu giáo viên nói, “Nghĩ xem nhé, cô định đặt thêm cho em một số thời hạn, như là hạn nộp thẻ ghi chú, hạn nộp dàn ý, và hạn nộp bản thảo báo cáo đầu tiên, em thấy được không?”

Lý tưởng hơn, bạn có thể tiếp lời cô, “Còn mẹ trong tuần này sẽ cho con ở thư viện mấy buổi chiều để con bắt đầu nghiên cứu nhé?”

Lý tưởng hơn nữa, con bạn sẽ xung phong, “Để con viết ra tất cả những việc cần phải làm, ghi ngày tháng kế bên, rồi sau đó kiểm tra từng việc sau khi đã làm xong.”

Nếu con bạn ra về với tâm trạng hy vọng và hăng hái bắt tay vào việc, thì bạn hãy tin rằng cuộc họp phụ huynh ba-bên đã thành công tốt đẹp.

2. Con Mia gái của tôi, vốn rất nhút nhát. Năm ngoái, giáo viên của cháu rất chú ý khuyến khích trẻ hòa đồng và kết thân với nhau. Nhưng năm nay, cháu học giáo viên khác và trong lớp hầu hết đều là bạn mới. Mia không phàn nàn gì, nhưng tôi biết cháu cảm thấy cô đơn và buồn lắm. Có cách nào tốt nhất để gặp giáo viên của cháu và ngỏ lời nhờ cô ấy giúp đỡ không?

Bạn nên chuẩn bị trước. Hãy nghĩ xem giáo viên có thể làm gì để giúp con gái bạn hòa đồng với những đứa trẻ khác. Mia có thể tham gia hoạt động nào đó của lớp không – như tập kịch hay vẽ tranh chẳng hạn. Cô bé có thể cùng chia sẻ trách nhiệm gì với những đứa trẻ khác không – ví dụ như trực hành lang hay cùng biên tập tờ báo của lớp chẳng hạn. Và thêm nữa, hãy chắc chắn xem chính bạn có thể làm gì để giúp đỡ con – chuẩn bị cho buổi diễn kịch, vẽ tranh, hay làm tờ báo của lớp. Đừng gây áp lực buộc giáo viên phải có phản hồi ngay lập tức. Giáo viên cần có thời gian để suy nghĩ về đề nghị của bạn, hoặc có thể nghĩ ra cách riêng của cô ấy.

3. Trong cuộc họp phụ huynh vừa qua, thầy giáo bảo rằng thằng Tony nhà tôi là đứa lười biếng và bất hợp tác. Tôi rất bực nhưng chẳng biết phải phản ứng thế nào cho đúng. Nếu điều đó xảy ra lần nữa, tôi nên làm gì?

Quan trọng là bạn nên đem theo giấy bút khi đi họp phụ huynh. Nếu giáo viên có nói gì đó tiêu cực về con bạn, bạn có thể hỏi rõ những hành vi cụ thể nào đã khiến giáo viên phải có lời nhận xét đó, “Lười nhác ấy ạ? Xin thầy nói rõ cho tôi biết được không?”

Giả sử giáo viên trả lời, “Sau giờ học vẽ, cả lớp chỉ có mỗi mình em ấy để cọ bẩn và không chịu đậy nắp lọ màu,” thì bạn hãy vừa viết vừa đọc to lên, “Tony cần đậy nắp lọ màu và rửa cọ trước khi ra khỏi phòng học vẽ.”

Giả sử giáo viên khăng khăng bảo, “Em ấy luôn có thái độ bất hợp tác.” Một lần nữa, bạn hãy hỏi, “Thầy có thể hơn được nói cụ thể không?”

Nếu giáo viên trả lời, “Em ấy chả bao giờ giữ im lặng trong giờ đọc sách.” Một lần nữa, bạn lại vừa nói to lên vừa viết, “Tony cần giữ yên lặng trong giờ đọc sách.”

Bằng cách diễn giải lời nhận xét tiêu cực của giáo viên thành một câu tường thuật về điều mà con bạn cần phải làm , bạn sẽ vạch ra cho giáo viên, cho chính bạn và cho cả con trai bạn một hướng đi tích cực hơn.

4. Con gái tôi, Lisa, đang học theo chương trình giáo dục đặc biệt. Năm nay, cháu được chuyển lên học ở lớp bình thường. Thầy giáo của cháu chủ trương đưa ra những yêu cầu nghiêm khắc cho học sinh và luôn thành công với những yêu cầu ấy. Thầy ấy tin rằng học sinh làm được là nhờ thầy ấy đã đặt niềm mong mỏi cao vào chúng. Lisa là đứa chăm chỉ, siêng năng, nhưng hầu như không theo kịp lớp. Thầy giáo thường xuyên tức giận với cháu và cháu ngày càng chán nản. Theo tiến sĩ, tôi nên làm gì bây giờ?

Niềm mong mỏi của chúng ta có thể cao, nhưng cũng phải thực tế. Sẽ chẳng ích gì nếu ta cứ khăng khăng bắt trẻ phải làm cái việc mà chúng không có khả năng làm, rồi liên tục thúc giục chúng phải “cố gắng hơn nữa”. Một đứa trẻ không làm được tính cộng, trừ sẽ chẳng thể làm được tính nhân hay chia, cho dù niềm mong mỏi của giáo viên có cao đến đâu chăng nữa. Nếu Lisa hoảng sợ trước những yêu cầu của giáo viên, thì bạn cần tìm cách cho thầy giáo hiểu về sức học hiện thời của cháu, đồng thời khuyến khích thầy chia những mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, thành những nhiệm vụ khả thi , để cháu có thể đạt mục tiêu ấy, từng bước một .

5. Một ngày nọ, con trai tôi đi học về mà trông cháu cứ như người mất hồn. Thằng bé bảo cô giáo ghét nó. Tôi không biết phải nói với con thế nào nữa. Tiến sĩ có lời khuyên nào không?

Sau khi tỏ ra đồng cảm với nỗi buồn của cháu, bạn hãy lắng nghe xem cháu muốn nói gì. Đôi khi vấn đề sẽ được xác định một cách nhanh chóng và dễ dàng, kiểu như, “Ồ, thì ra con xấu hổ khi cô giáo la con trước mặt mọi người vì con lỡ lấy cái bấm giấy trong ngăn kéo của cô. Có phải lúc ấy con chỉ ước gì cô sẽ gọi con lên và nhắc nhở nhỏ nhẹ thôi… Mẹ chắc chắn là con cũng ước gì mình đã nghĩ ra việc hỏi xin phép cô trước khi lấy, đúng không nào?”

Nếu con trai bạn không thể diễn đạt một cách rõ ràng về chuyện đã xảy ra ở lớp, và vẫn tiếp tục kêu ca là giáo viên ghét nó, thì bạn cần nói chuyện với giáo viên. Chắc chắn giáo viên sẽ trình bày rõ cho bạn biết sự thật là thế nào, rồi hai bên cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu trong suốt quá trình hai bên thảo luận, bạn cảm thấy, không phải từ lời nói của giáo viên, mà từ thái độ của cô ấy, rằng đúng là cô ấy không ưa con trai bạn thật, thì bạn hãy tin vào “linh cảm” của mình. Hãy nghĩ tới những bước cần thiết để đổi lớp cho con. Giáo viên cũng là con người thôi. Và có một số giáo viên – vì lý do nào đó, rõ ràng hay mập mờ – chỉ đơn thuần là không thích một số đứa trẻ nào đấy. Chẳng phải lỗi tại ai cả. Nhưng không nên để bất kì một đứa trẻ nào phải chịu đựng cả ngày ngồi trong một lớp học mà giáo viên lớp ấy lại không thích nó.

Chuyện kể của phụ huynh

Đây là câu chuyện của một phụ huynh có đứa con tài năng và chị đã tìm ra cách phối hợp với một giáo viên rất “cứng nhắc”.

Khi bước vào lớp Năm, Robin dường như chẳng còn hứng thú gì với trường lớp nữa. Qua những cuộc trò chuyện, tôi có cảm tưởng là cháu chán học. Theo Robin (cháu biết đọc ở trình độ lớp Chín) thì giáo viên của cháu, cô Post cứ nhất định bắt cháu phải đọc cùng sách với những đứa trẻ khác, và rằng cháu không bao giờ , trong bất kỳ trường hợp nào, được đọc sách của các lớp trên. Tôi nhắc cháu bây giờ mới chỉ là đầu học kỳ thôi, rồi và động viên cháu hãy kiên nhẫn. Nhưng càng ngày tôi càng thấy lo lắng khi cháu bắt đầu than thở rằng bị nhức đầu và tìm đủ mọi cớ để khỏi phải đến trường.

Tôi gọi cho giáo viên của cháu và xin được gặp cô ấy. Cuộc gặp diễn ra không được tốt đẹp cho lắm. Tôi bảo với cô Post rằng tôi cảm thấy Robin cần nhiều thử thách hơn. Nhưng cô Post cứ một mực khăng khăng điều mà Robin cần nhất là tính tự chủ. Theo cô ấy, Robin hay bồn chồn, ngồi không yên chỗ, và làm những đứa trẻ khác bị phân tâm trong khi chúng đang cố tập trung làm bài. Tôi nói, “Có lẽ cháu nhấp nhỏm là vì đã làm xong trước các bạn và chẳng biết làm gì với số thời gian còn lại. Có lẽ cô nên cho cháu đọc thêm những bài khó hơn.”

Cô Post có vẻ khó chịu và bảo với tôi rằng chẳng có lý do gì để Robin được làm khác đi so với những đứa trẻ trong lớp. Cô Post nói cô ấy đã đi dạy hơn hai mươi ba năm rồi, và chương trình do quận ấn định rất có hiệu quả trong việc dạy những kiến thức cơ bản. Tôi định nói, “Đó chỉ là một phần thôi. Robin đã biết hết những kiến thức cơ bản rồi. Vậy có gì hại đâu nếu cô cho phép nó đọc thêm?” nhưng rồi lại thôi. Tôi cố kìm lại, lịch sự cảm ơn cô, và trở về nhà với tâm trạng nặng trĩu.

Về đến nhà, tôi kể lại cho chồng nghe về cuộc nói chuyện với giáo viên của con, anh ấy bảo, “Đảm bảo cô Post đang nghĩ em là một bà mẹ ‘tự cao tự đại’. Có lẽ em cần nói chuyện với hiệu trưởng về việc đổi lớp cho Robin.”

Tôi cân nhắc lời đề nghị của chồng, nhưng càng nghĩ tôi lại càng cảm thấy mình không đúng nếu tách Robin ra khỏi các bạn của cháu. Sáng hôm sau thức dậy, tôi biết mình phải tìm cách gì đó để giúp con mà không làm mất lòng giáo viên. Tôi gọi cho cô em chồng, cũng là giáo viên tiểu học, và kể cho cô em nghe mọi chuyện. Cô em chồng lầm bầm đôi ba câu về những giáo viên vẫn còn ở thời Trung Cổ, rồi kể cho tôi nghe về chương trình mà cô ấy đã áp dụng cho học sinh biết đọc trước trong lớp mình. Cô ấy giới thiệu vài quyển cho Robin đọc, trong đó cô nhấn mạnh đến quyển Responding to Literature [2] , một quyển sách giúp giáo viên dễ dàng đánh giá khả năng đọc hiểu của những học sinh có khả năng học độc lập. Tôi ghi lại tất cả những tựa sách ra giấy, sau đó đi tìm mua.

Tuần tiếp theo, tôi gọi cho cô Post và ngỏ ý muốn gặp cô lần nữa. Cô Post có vẻ hờ hững, bảo rằng chúng tôi đã gặp nhau rồi, và cô thấy chẳng cần phải gặp nhau thêm nữa. Nhưng tôi vẫn bảo với cô Post rằng, tôi rất cần nói chuyện với cô. Cuối cùng cô cũng đồng ý.

Rồi cuộc hẹn ấy cũng đến, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Tôi không muốn mình lại làm tổn thương cô Post một lần nữa. Để mào đầu, tôi bày tỏ mối bận tâm của mình về việc Robin “hành xử khác các học sinh khác trong lớp”, và chuyện mới đây cháu đã thay đổi thái độ đối với trường học. Sau đó, tôi bảo tôi đang cố tìm cách để tháo gỡ tình hình này và hỏi cô Post coi có muốn xem một số giải pháp mà tôi đã viết ra giấy không.

Cô Post chẳng thèm cầm lấy tờ giấy tôi đưa, vẫn tiếp tục ngồi chống tay che miệng. Vì vậy, tôi lựa ra vài điều trong tờ danh sách ấy và đọc to lên cho cô nghe – như là, để cho Robin tự viết một cái kết khác cho quyển sách mà cả lớp đang đọc; hay cho cháu đọc những quyển sách khác của cùng một tác giả và chia sẻ những gì cháu đã học được với cả lớp. Tôi cũng đưa ra những tựa sách mà cô em chồng đã giới thiệu – nhưng không nói cho cô Post biết mình đã lấy chúng từ nguồn nào.

Cuối cùng tôi nói, “Cô Post à, tôi thật sự rất bế tắc. Tôi chẳng biết phải làm gì để giúp Robin cả, chính vì vậy mà tôi mới xin gặp cô lần nữa. Tôi muốn nghe ý kiến của cô về tất cả những đề nghị này, với nhiều năm kinh nghiệm dạy học, chắc chắn cô sẽ có nhiều ý kiến hay.” Trước khi cô Post kịp nói lời nào, tôi lại thêm, “Tôi sẽ nhắc nhở Robin về việc cháu thiếu nghiêm túc trong lớp. Cho dù có bồn chồn nôn nóng đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không được làm như thế.”

Cô Post vẫn im lặng nhìn tôi như hóa đá. Bỗng cô đứng lên nói, “Tôi đã nghe những gì chị cần phải nói, tôi sẽ xem xét kỹ lời đề nghị của chị.” Rồi cô hỏi mượn quyển sách mà tôi mang theo (thật không tin nổi!) và cảm ơn vì tôi đã đến. Chúng tôi bắt tay nhau. Cuộc gặp kết thúc. Đó là chuyện cách đây một tháng. Tôi không biết cô Post đã làm gì ở lớp, chỉ biết rằng Robin đã thích thú với trường lớp trở lại. Và những cơn nhức đầu vào mỗi buổi sáng của cháu cũng tự nhiên biến mất.

? Những băn khoăn của giáo viên

1. Một số phụ huynh dường như có ác cảm với nhà trường. Họ ghét đi họp phụ huynh vì những ký ức về trường học của mình ngày xưa cứ ám ảnh họ mãi. Có cách gì giúp những bậc làm cha làm mẹ này cảm thấy thoải mái hơn khi đi họp phụ huynh không?

Thái độ đón chào thân tình chắc chắn sẽ là liều thuốc tốt nhất cho mối lo lắng của họ. Một số giáo viên chia sẻ kinh nghiệm rằng, nếu trên bàn giáo viên có khăn trải bàn, một bình cà phê, và một chiếc ghế kiểu dành cho người lớn thì sẽ tạo được không khí thân thiện với phụ huynh. Nhiều phụ huynh lại cảm thấy, khi đóng cửa lớp lại thì họ sẽ nói chuyện thoải mái hơn. Đó cũng là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với khoảng thời gian mà họ đến gặp bạn.

2. Gặp trường hợp cha mẹ học sinh đã ly dị, tôi nên mời ai đi họp phụ huynh?

Bạn nên mời cả hai, để không ai trong số họ cảm thấy mình bị làm ngơ hay bị gạt ra rìa. Tùy điều kiện mà họ sẽ quyết định xem ai đi, hay là cả hai cùng đi. Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là dùng thời gian gặp phụ huynh để thảo luận xem cả hai người, cùng nhau hoặc từng người một, có thể làm gì tốt nhất cho đứa con của họ , chứ không phải để bàn về mối quan hệ của hai người.

3. Tôi có thể làm gì nếu có vị phụ huynh đến dự họp với thái độ hằn học và hung hăng?

Hãy chống lại ý muốn tự nhiên là “phải làm cho ra nhẽ” với nỗi tức giận của phụ huynh. Thay vì nói, “Vui lòng bình tĩnh lại, ông Smith. Chúng ta sẽ chẳng giải quyết được gì nếu ông cứ lớn tiếng như thế,” bạn hãy thừa nhận tâm trạng của ông ấy. Hãy cho ông ấy biết, bạn hiểu nỗi căng thẳng đó, “Tôi biết là ông đang tức giận. Xin ông vui lòng vào đây và ngồi xuống đã. Tôi muốn được nghe những suy nghĩ của ông ngay bây giờ.” Đây là phương pháp hạ nhiệt cảm xúc cho ông Smith, và nhờ vậy có thể ông ấy sẽ nói cho bạn biết điều gì đã khiến ông giận dữ như vậy.

Bạn có thể ghi những bất bình của ông Smith ra, rồi đọc lại cho ông ấy nghe để chứng tỏ là bạn hiểu được cảm giác của ông ấy. Nếu, bất chấp mọi cố gắng của bạn, nỗi tức giận của ông ấy vẫn không hề giảm, bạn có thể ngưng cuộc họp và hẹn gặp vào một buổi khác, “Thưa ông Smith, tôi thấy ông vẫn bực bội quá. Tôi cần có thêm thời gian để suy nghĩ về những lời ông đã nói. Có lẽ tôi cũng cần tham khảo thêm ý kiến của những giáo viên khác nữa. Vậy khi nào chúng ta có thể gặp lại vào lúc nào, thưa ông?” Trong cuộc họp phụ huynh lần sau, có thể bạn sẽ cần đến một người thứ ba – chẳng hạn như hiệu trưởng, cố vấn giáo dục, hay nhà tâm lý giáo dục của trường cùng tham gia.

4. Có phụ huynh trách móc rằng chỉ đến khi rắc rối xảy ra họ mới nghe giáo viên lên tiếng. Tôi phải thừa nhận là họ nói có lý. Có cách gì tránh điều này không?

Cha mẹ rất cảm kích khi nghe được “tin tốt lành” từ thầy cô giáo. Một thầy giáo đã chia sẻ kinh nghiệm của mình như thế này: Vào đầu mỗi năm học, trong khi bọn trẻ vẫn còn ngoan ngoãn và chỉ mới học được ít ngày, cứ mỗi buổi tối, thầy lại gọi điện thoại cho hai phụ huynh để nhấn mạnh những ưu điểm và nỗ lực của con họ. Sau đó trong năm học, nếu có chuyện gì xảy ra, nhờ vào những việc tốt đẹp đã được thầy giáo thông báo từ trước, các bậc cha mẹ sẽ dễ chấp nhận hơn khi nghe thầy nói đến những vấn đề không hay lắm vừa mới nảy sinh ở con họ.

5. Làm thế nào để tôi có thể kết thúc cuộc họp một cách khéo léo với những phụ huynh cứ cố nán lại nói mãi, trong khi những người khác đang chờ bên ngoài?

Quan trọng là phải làm sao cho vị phụ huynh ấy biết rằng thời gian dành cho họ đã hết mà không có cảm giác là họ đang bị giáo viên đuổi. Bạn cần canh chừng đồng hồ và báo trước, “Tôi thấy chúng ta còn khoảng năm phút nữa. Ông còn vấn đề nào muốn trao đổi thêm không?” Nếu hết năm phút mà vẫn còn nhiều điều nữa cần phải trao đổi, bạn có thể nói, “Giá như chúng ta có thêm thời gian thì tốt quá. Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại hay hẹn một cuộc họp khác được không ạ?” Nếu lịch làm việc của bạn còn trống thì hãy sắp xếp, ngay tại chỗ, cho vị phụ huynh ấy một cuộc gặp khác.

Chuyện kể của giáo viên

Đây là câu chuyện do một giáo viên lớp phụ đạo của một trường tiểu học kể lại.

Mới đầu Christopher Boyle được xếp vào lớp Hai của tôi, tôi thấy em là một cậu bé sáng dạ, phát âm rất rõ. Nhưng rồi, khi kiểm tra, tôi phát hiện Christopher có những triệu chứng của bệnh khó đọc [3] . Thậm chí ngay tên của mình mà em cũng viết thừa, bỏ sót, hay đảo ngược mẫu tự. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy khó hiểu nhất là hành vi của Christopher: em rất dễ nổi cáu, hay dỗi và luôn buồn rầu.

Sau vài tuần, tôi quyết định gọi cho mẹ Christopher để xem bà có giúp được gì không. Bà sẵn sàng gặp tôi và đến lớp ngay buổi chiều hôm ấy. Ngay khi chúng tôi ngồi xuống, bà Boyle liền kể rằng tối nào Christopher cũng ngồi vào bàn học, cố làm bài tập về nhà rồi vừa khóc vừa dằn vặt bảo mình ngu ngốc như thế nào.

Bất giác, tôi hiểu chuyện gì đang diễn ra. Christopher bực tức vì em nghĩ mình là đứa ngu si, dốt nát và cố làm sao để tất cả mọi người cũng tin như thế. Tôi giải thích cho bà Boyle hiểu rằng Christopher thực ra không phải là một đứa trẻ ngốc nghếch như em ấy tưởng, ngược lại em là một đứa bé thông minh, có óc tò mò, ham hiểu biết, nhưng vì bị chứng khó đọc nên em mới gặp phải những vấn đề mà những đứa trẻ khác không có. Tôi cũng bảo với bà Boyle rằng Christopher đang dần thích nghi với lớp và tôi tin là em sẽ đọc được.

Bà Boyle vui mừng khi nghe tôi đánh giá như vậy, thế là bà liền hỏi xem mình có thể giúp gì không. Tôi bảo điều Christopher cần là mẹ thấu hiểu nỗi thất vọng của em, và cần mẹ tin tưởng rằng, chậm thì chậm nhưng chắc chắn em sẽ tiến bộ. Tôi cũng bảo là Christopher có óc cầu tiến và việc đưa em tới thư viện thường xuyên sẽ rất có ích, tìm sách báo tranh ảnh về những đề tài mà em ưa thích.

Học kỳ cứ thế trôi qua, Christopher luôn là một học sinh cần cù. Tôi từ từ dạy em về âm vị, chỉ cho em cách phát âm, cũng như tất cả những mẹo vặt để phân biệt mẫu tự này với mẫu tự kia. Dần dần, em đã biết đánh vần và biết đọc.

Trong suốt thời gian ấy, tôi thường xuyên gọi điện cho mẹ Christopher, báo cho bà biết em ấy tiến bộ thế nào, và cho bà biết rằng những nỗ lực giúp con ở nhà của bà đang phát huy tác dụng tại lớp. Bà Boyle không chỉ làm theo những đề nghị của tôi mà còn dùng nhiều biện pháp khác nữa. Bà khuyến khích con tìm hiểu về cá, côn trùng và đá (em có sở thích sưu tầm đủ mọi loại đá). Bà đưa Christopher đến viện bảo tàng, đọc sách cùng với con, và hai mẹ con cùng chuyện trò về tất cả những đề tài mà em ưa thích.

Việc tốt nhất tôi làm được cho Christopher là khiến cho nhiều người thấy rằng quả thật em có khiếm khuyết. Điều khó chịu nhất đối với em là mắt nhìn thấy những đứa trẻ khác rõ ràng không sáng dạ bằng mình, nhưng lại đọc, viết, đánh vần dễ dàng, và làm kiểm tra đạt 100 điểm, trong khi em lại bị rớt. Tôi muốn Christopher hiểu ra em là người rất thông minh và đang phải cố gắng vượt qua một căn bệnh ảnh hưởng đến học tập gọi là chứng khó đọc. thế là tôi bảo, “Christopher, để đánh vần được là cả một thách thức lớn lao đối với em, bởi vì các bạn khác nhìn chữ a b thì thấy ngay là a b , nhưng còn em nhìn a b thì con mắt đôi khi lại đánh lừa em, khiến em cứ tưởng đó là a d . Chính điều ấy làm cho mọi việc trở nên khó khăn hơn. Đó gọi là chứng khó đọc. Nhưng em thấy không, em đã rèn luyện chăm chỉ đến nỗi vẫn đọc được như thường.”

Christopher rất thích nói về “vấn đề đọc” của mình. Em nói với các bạn khác, “Thấy không, tớ bị chứng khó đọc. Chữ mà tớ lại nhìn ra chữ ít .” Có khi em cố ý viết ngược một từ và bật cười thích thú, rồi soi nó vào trong gương để chỉ cho các bạn thấy từ đó đọc xuôi như thế nào, rồi khoe ầm lên là mình “biết viết trong gương”. Christopher đang dần dần khống chế khiếm khuyết của mình, thậm chí còn cho đó là một điều rất đặc biệt, rất tức cười.

Đến cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ, mẹ Christopher bảo với tôi rằng ở nhà em đã trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác. Vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn và dễ chịu hơn. Bà kể, những lúc gia đình sum họp, Christopher thường chơi trò dạy học cho đứa em họ cũng bị chứng khó đọc. Thằng em họ nổi khùng lên mỗi khi không viết được một từ nào đó. Thế là Christopher an ủi nó, “Đừng lo. Anh từng gặp phải chuyện này rồi. Anh sẽ giúp em. Để anh chỉ cho em mấy mẹo vặt nhé.”

Christopher giờ đã lên lớp Ba. Giáo viên của em bảo với tôi là em vẫn đọc chậm, nhưng luôn xông xáo, hoạt bát, luôn có chuyện thú vị để kể, và khi làm bài kiểm tra, nếu cô giáo cho thêm thời gian, em sẽ làm tốt bài của mình.

Mỗi khi nghĩ đến Christopher, tôi lại cảm thấy ấm lòng. Tôi và mẹ của em đã phối hợp với nhau để giúp em nhận thức được, chứng khó đọc là một thách thức cần phải vượt qua, chứ không phải là một chứng bệnh có sức mạnh đánh bại em.

✳ ✳ ✳

Thêm một câu chuyện nữa về việc giáo viên và phụ huynh đã phối hợp với nhau như thế nào.

Nếu câu chuyện trên đây nói về việc phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ như thế nào, thì câu chuyện này lại cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra khi nhà trường cố gắng liên lạc với tất cả các phụ huynh, và khuyến khích họ cùng tham gia vào việc giáo dục con em mình.

Lần đầu tiên đi dạy học, tôi được phân về một vùng ngoại ô có bảy trăm mười người cả thảy. Ngoài một cửa hàng và một trạm xăng có hai vòi bơm, nơi duy nhất diễn ra những sinh hoạt cộng đồng ở vùng này là trường học. Chính vì thế, tôi cứ nghĩ rằng phụ huynh ắt sẽ đến đông đủ trong cuộc họp gặp giáo viên. Nhưng không phải vậy. Vào đêm đầu tiên của lịch họp, hội trường trống trơn. Tổng cộng chỉ có mười lăm phụ huynh tới dự. So với một trăm ba mươi chín học sinh của trường thì đó là một con số quá ít.

Sáng hôm sau, tôi bày tỏ nỗi thất vọng của mình với một đồng nghiệp. Chị bảo rồi tôi sẽ quen với việc đó thôi. Nhưng với tôi, đấy là một thái độ chủ bại. Đến cuối buổi họp giáo viên tiếp đó, tôi hỏi xem có thầy cô nào quan tâm đến việc thu hút cha mẹ học sinh cùng tham gia vào những hoạt động của trường không. Vài người cười khúc khích, số khác lắc đầu. Có người nói tôi sẽ chỉ lãng phí thời gian thôi, còn thầy hiệu trưởng thì khẽ mỉm cười với tôi theo cái kiểu một người cha vẫn thường cười với đứa con của mình. Nhưng sau đó có hai giáo viên, Margaret và Pat, đã đến gặp tôi và tình nguyện giúp một tay. Tôi nghĩ, có lẽ họ thấy tội nghiệp cho tôi.

Ngày hôm sau, ba chúng tôi gặp nhau khi xong giờ dạy và bắt đầu bàn bạc kế hoạch. Pat động viên tôi hãy cứ cố gắng trước khi thất bại: kẻ có nhiều tham vọng đời nào chịu ở yên một chỗ. Biện pháp “cây điện thoại” (mỗi giáo viên gọi cho mười phụ huynh) không thành vì nhiều phụ huynh không có điện thoại. Thậm chí buổi tiệc nướng ngoài trời ở nhà Margaret cũng thất bại thê thảm. Chị đã mời hai mươi tư học sinh và phụ huynh, nhưng chỉ có sáu người đến. Tôi phải thú thật là tình thế này dễ khiến người ta nản lòng vô cùng.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết định vẫn tiến tới, lên kế hoạch hoạt động hàng tháng để làm cách nào đó lôi kéo phụ huynh đến với trường học. Buổi họp mặt chính thức đầu tiên của chúng tôi là một bữa tiệc ngọt tập thể (bánh sô-cô-la hạnh nhân và bánh quy do ba chúng tôi đưa nguyên liệu cho lớp nữ công gia chánh làm). Chúng tôi gửi thư mời bằng đường bưu điện tới từng phụ huynh, dán tờ bướm ở các cửa hàng, cây xăng, trạm cứu hỏa tình nguyện, và vận động các giáo viên khác cùng tham gia. Số người tham dự tuy ít ỏi, nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng chiêu dụ thêm được hai giáo viên và tám phụ huynh nữa cùng giúp đỡ. Ngay cả thầy hiệu trưởng cũng cảm kích trước những nỗ lực của chúng tôi.

Tháng tiếp theo, chúng tôi tổ chức “tiệc mỳ ống” trước trận đấu bóng tối thứ Sáu và đã thu được kết quả rất đáng mừng. Tận dụng cơ sở vật chất của lớp nữ công gia chánh, năm giáo viên và tám vị phụ huynh kia đã nấu đủ các loại mỳ ống cho gần một trăm người cùng ăn. Mặc dù hầu hết những người đó là cầu thủ của cả hai đội và cha mẹ, họ hàng của họ, nhưng tất cả đều rất vui vẻ. Trước khi mọi người ra về, tôi vội lấy mi-crô thông báo tối thứ Hai tới chúng tôi sẽ họp để bàn kế hoạch cho sự kiện tiếp theo, và nhà trường cần tất cả mọi người chung tay góp sức. Thêm năm vị phụ huynh và nhiều giáo viên nữa gia nhập. Bức tường ngăn cách giữa giáo viên và phụ huynh đã bắt đầu sụp đổ.

Tại cuộc họp hôm thứ Hai, một phụ huynh đã đề nghị chúng tôi gửi bản tin hàng tháng để thông báo cho cộng đồng biết tin tức về những hoạt động của trường. Cảm thấy quá ấn tượng với ý kiến đó nên thầy hiệu trưởng đã đề nghị lập ngay một quỹ bưu phí để chuyển những bản tin qua đường bưu điện. Thư ký nhà trường xung phong đánh máy và photo. Phụ huynh và giáo viên cùng hẹn nhau vào thư viện trường để xếp bản tin, bấm lại, ghi địa chỉ gửi đi.

Thế rồi, chẳng mấy chốc những bản tin này đã hóa thành một dòng thủy triều, trở thành một đường dây nối kết cộng đồng dân cư với nhà trường. Thông qua bản tin, giáo viên và phụ huynh cùng bày tỏ những mối quan tâm lo lắng của mình với nhau.

Chẳng hạn, chúng tôi thấy một số phụ huynh rất lo về tình trong bọn trẻ đang tuổi vị thành niên trong trấn đã lái xe ba cả mươi dặm tới thị trấn lớn để giải trí cuối tuần. Chúng rất dễ gặp tai nạn vì say rượu và lái xe quá tốc độ. Thế là vài giáo viên bèn xung phong dạy khiêu vũ, hoặc những hoạt động khác nhằm thu hút bọn trẻ.

Một khi phụ huynh nhận ra rằng nhà trường cần đến sự chung tay giúp sức của họ, ắt hẳn họ sẽ nảy ra nhiều ý tưởng mà bạn không sao tưởng tượng ra nổi. Họ tổ chức, tài trợ chương trình bữa trưa nóng sốt cho học sinh (trường chúng tôi không có quỹ để thực hiện). Họ đăng cai những đêm lễ hội, biến phòng thể dục của trường thành một công viên giải trí với đầy nhóc quầy trò chơi hấp dẫn. Họ tình nguyện phụ giúp giáo viên trong các lớp học và tự họ trở thành một nguồn lực vô giá. Những bà mẹ giúp bọn trẻ tiểu học làm toán; một người cha dạy một khóa cơ khí ngắn hạn cho bọn học sinh lớn; một người cha khác, là đầu bếp, kèm cặp thêm cho lớp nữ công gia chánh. Một nhóm phụ huynh, giáo viên và học sinh đã thành lập ủy ban “Mừng Tốt nghiệp”, gây quỹ trong suốt năm học và quyên đủ tiền để tổ chức một chuyến đi chơi ba ngày ở Disneyland cho những học sinh mới tốt nghiệp. Bọn học sinh lớn hơn được vui chơi thoải mái, còn phụ huynh của chúng thì thở phào vì tụi nhóc mười tám tuổi không còn cảnh ăn mừng lễ tốt nghiệp bằng tiết mục uống rượu và lái xe bạt mạng nữa.

Sự ủng hộ và tham gia của các phụ huynh đã khích lệ giáo viên chúng tôi rất nhiều. Khi Margaret phát hiện ra có một vài phụ huynh không biết đọc, chị đã tổ chức ngay một lớp xóa mù chữ cho họ. Lớp học phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng chuyển thành những chương trình giáo dục ngoài giờ dành cho người lớn – phụ huynh có thể học viết, nấu nướng, may vá và sử dụng máy vi tính. Một giáo viên tình nguyện dạy lớp ban đêm cho những phụ huynh nào muốn có bằng GED [4] , và chẳng bao lâu, lớp này cũng thu hút được rất nhiều người tham gia. Những người học lớp GED đều nói rằng con cái họ có vẽ rất khoái chí khi thấy cảnh cha mẹ mình cũng phải hì hụi học bài và làm bài tập về nhà như chúng, đến nỗi điểm số của chúng tăng lên thấy rõ.

Thầy hiệu trưởng là người ủng hộ nhiệt tình nhất. Thầy có sáng kiến thành lập chương trình thăm gia đình của những phụ huynh mà giáo viên chưa tiếp xúc được. Trong các bản tin, chúng tôi có thông báo rằng giáo viên sẽ ghé thăm nhà học sinh của mình. Mỗi giáo viên được cung cấp tên tuổi từ tám đến mười học sinh và tới thăm cha mẹ chúng, ít nhất mỗi học kỳ một lần. Thầy Pat có ý rất hay là đến thăm phụ huynh học sinh bằng xe buýt của trường. Vì vậy mỗi thứ Năm hàng tuần, sau khi tan học, giáo viên nào muốn thăm gia đình học sinh nào thì sẽ đi xe buýt về cùng với học sinh ấy. Cho đến cuối lộ trình, bác tài xế xe buýt sẽ chờ khoảng ba mươi phút rồi quay xe lại để đón giáo viên. Chương trình này thành công mỹ mãn. Những chuyến viếng thăm của giáo viên dường như có ý nghĩa rất lớn đối với cả phụ huynh lẫn học sinh.

Vào đêm họp phụ huynh cuối cùng của năm học, tôi đến sớm hơn thường lệ, định rằng sẽ tranh thủ phát thông báo cho phụ huynh. Nhưng khi vừa đến, tôi đã nghe tiếng thầy hiệu trưởng sang sảng và nhận ra cuộc họp đã bắt đầu. Tôi nghĩ chắc mình sẽ lặng lẽ lướt đi qua những hàng ghế trống, nhưng khi mở cửa vào hội trường, tôi đã há hốc miệng vì kinh ngạc. Không còn một chỗ trống. Căn phòng chật kín phụ huynh học sinh. Họ đã trở thành một lực lượng hùng hậu, trở thành một phần trong hoạt động ở ngôi trường của chính họ .

 


[1] . Nguyên gốc là “Ivy League”: hệ thống trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ, gồm 8 trường thành viên, như Harvard University, Yale University… – ND.

[2] . Sandra M. Simons, Responding to Literature: Writing and Thinking Activities (Eugene, Ore.: Spring Street Press, 1990).

[3] . Nguyên gốc là “dyslexia”: một dạng rối loạn phát triển, ảnh hưởng đặc biệt tới khả năng của trẻ đọc và viết, xảy ra với bé trai nhiều hơn bé gái, đôi khi gây ra những khó khăn trong việc giáo dục – ND.

[4] . General Education Development: chương trình giáo dục tổng quát, dành cho những người bỏ học giữa chừng – ND.

Bình luận