Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

80 Lời Mẹ Gửi Con Gái

Bức Thư Thứ 14: Máu Kinh Chảy Từ Đâu Ra?

Tác giả: Từ Ninh
Chọn tập

Minh Anh thân yêu:

Ha ha, cô bé nhanh mồm nhanh miệng của nhà ta sao đột nhiên trở nên ấp a ấp úng như thế nhỉ? Mẹ đoán chắc là con vẫn muốn biết rất nhiều chuyện về kinh nguyệt nhưng lại ngại không dám hỏi đúng không? Để mẹ tiết lộ cho con thêm vài thông tin nhé.

Như con đã biết, cơ quan sinh dục phát triển muộn nhất trên cơ thể người, đến tuổi dậy thì mới bắt đầu bị “đánh thức” và chầm chậm phát triển. Vậy, rốt cuộc cơ quan sinh dục nữ trông như thế nào? Hãy nhìn bức tranh mà mẹ tìm được trên đây, con sẽ dễ dàng hình dung ra.

Cơ quan sinh dục của nữ được chia thành cơ quan sinh dục ngoài và cơ quan sinh dục trong.

Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cơ quan sinh dục ngoài mà thôi. Cơ quan sinh dục ngoài bao gồm: phần mu – chính là nơi mọc lông mu ở bụng dưới, bên dưới là hai môi lớn, bên trong mỗi môi lớn là một môi bé có màu hồng nhạt, phần tiếp giáp của hai môi bé là âm vật, bên dưới âm vật là niệu đạo, cũng chính là chỗ đi tiểu, bên dưới niệu đạo là cửa âm đạo, khu vực hình thoi quanh lỗ niệu đạo và cửa âm đạo được gọi là tiền đình âm đạo.

Từ cửa âm đạo vào bên trong chính là âm đạo, nối giữa cơ quan sinh dục trong và cơ quan sinh dục ngoài, là một bộ phận của cơ quan sinh dục trong. Âm đạo là một ống rỗng, có độ đàn hồi rất lớn, đến tuổi dậy thì, âm đạo của con gái sẽ dài ra, ước chừng khoảng 8–10cm, âm đạo tiết ra chất tiết có tính axit, có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Đầu kia của âm đạo nối với tử cung thông qua cổ tử cung, đây là con đường để máu kinh được đào thải ra ngoài, cũng chính là “lối ra” của thai nhi khi con làm mẹ. Còn tử cung chính là nơi sinh trưởng của thai nhi, là “cung điện” nuôi dưỡng bào thai. Ở hai bên tử cung có hai ống dẫn trứng mảnh, liên kết với hai buồng trứng ở hai bên trái, phải. Âm đạo, tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng cấu thành nên cơ quan sinh dục trong của phụ nữ.

Đã tìm hiểu xong về cấu tạo cơ quan sinh dục nữ, giờ chúng ta quay lại vấn đề kinh nguyệt từ đâu mà có. Mỗi cô bé từ khi sinh ra, trong buồng trứng đã có khoảng 400 nghìn nang noãn, nhưng vẫn ở trạng thái chưa chín, được bao bọc bởi noãn bào, được gọi là nang trứng nguyên thủy. Bước vào tuổi dậy thì, các noãn bào sẽ chín dưới tác dụng của hormone gonadotropin (hormone điều hòa tuyến sinh dục do thùy trước tuyến yên tiết ra). Dưới tác dụng của hormone estrogen, nội mạc tử cung sẽ dày lên. Tiếp đó, thùy thể của não sẽ tiếp tục tiết ra hormone luteinizing. Dưới tác dụng của loại hormone này, noãn bào sẽ phóng noãn từ trong buồng trứng ra ngoài, hiện tượng này gọi là rụng trứng. Noãn bào của trứng được phóng thích hình thành nên hoàng thể, dưới tác dụng của proestogen, nội mạc tử cung sẽ có phản ứng nội tiết để chuẩn bị tiếp nhận và nuôi dưỡng trứng đã được thụ tinh. Lúc này, tử cung đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình mang thai. Lúc này, nếu được thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ ở trong nội mạc tử cung, tức là có thai. Nếu không được thụ tinh, hoàng thể trong vòng trên dưới hai tuần sẽ biến thành bạch thể, cùng với sự hạ thấp của nồng độ estrogen và proestogen, nội mạc tử cung sẽ bong ra và cùng trứng được đào thải ra ngoài qua âm đạo (chứ không phải là chỗ đi tiểu như các con vẫn tưởng đâu nhé!). Đây chính là hiện tượng kinh nguyệt.

Lại là một đống những lí luận, quá phức tạp phải không con? Nhưng biết vấn đề là như vậy rồi thì cũng cần biết vì sao lại như vậy chứ… Chỉ có điều, con có thể hiểu được kinh nguyệt là như thế nào là được rồi, không nhất định phải ghi nhớ kĩ càng tất cả những gì mẹ đã giải thích. Để cho con dễ “tiếp thu”, những vấn đề khác chúng ta sẽ nói sau nhé.

Mẹ

Chọn tập
Bình luận