Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

80 Lời Mẹ Gửi Con Gái

Bức Thư Thứ 52: Lớn Rồi Sẽ Dốt Đi Sao?

Tác giả: Từ Ninh
Chọn tập

Minh Anh thân yêu:

Sau khi có kết quả thi giữa học kì, mẹ thấy con tỏ ra rất bất bình, bảo: “Thật đáng ghét, sao lần này người đứng thứ nhất, thứ nhì toàn là con trai nhỉ? Trước kia, đứng đầu thiên hạ là bọn con gái tụi con mà”. Hôm qua tan học về, con còn ủ rũ nói với mẹ: “Bọn cái Thanh nói, con gái lớn lên sẽ dốt đi, sau này muốn so bì với bọn con trai thật chẳng dễ dàng gì. Là như thế thật ư? Con không tin…”

Hiện tượng mà con nói đúng là có tồn tại. Không chỉ trong lớp con, mà trong tuyệt đại đa số các lớp tiểu học, những bạn xuất sắc, thành tích học tập nổi bật phần lớn đều là con gái. Nhưng học lên cao dần, đặc biệt là lên đến cấp hai, các bạn nam dường như đột nhiên “thức tỉnh”, thành tích học tập cũng được nâng cao thấy rõ, có những bước tiến bộ vượt bậc chưa từng có. Thế nên có người nói, con trai thông minh về sau, còn con gái càng lớn càng dốt.

Thực ra, các nhà tâm lí học đã sớm phủ nhận quan điểm này, đồng thời dùng bằng chứng khoa học để chứng minh: trí tuệ của con trai và con gái không có sự chênh lệch. Vậy chắc chắn con sẽ hỏi, nếu trí tuệ không có vấn đề gì, tại sao lại xuất hiện hiện tượng này?

Trước tiên, trí tuệ là một khái niệm bao hàm rất nhiều phương diện, ví dụ: khả năng ngôn ngữ, khả năng vận động, khả năng logic và suy luận… trên những phương diện này, giữa con trai và con gái cũng tồn tại chênh lệch. Ví dụ khả năng ngôn ngữ của con gái thường tốt hơn con trai, còn khả năng tưởng tượng không gian và suy luận logic của con trai lại mạnh hơn con gái… Khi còn học tiểu học, nội dung học tập chủ yếu là các kiến thức ngôn ngữ, nên con gái nổi bật hơn hẳn. Nhưng học đến lớp cao hơn hoặc học lên cấp hai, các môn khoa học như toán, lí, hoá yêu cầu nhiều về khả năng tưởng tượng không gian, suy luận logic, thế mạnh của con trai bắt đầu được phát huy, thành tích của con trai cũng có tiến bộ rõ ràng. Thêm nữa, rất nhiều quan niệm truyền thống cũng là nguyên nhân quan trọng hạn chế sự phát triển của nữ giới. Ví dụ, quan điểm cho rằng con gái phải nhu mì, ngoan ngoãn, khả năng ứng biến của con gái trước nguy hiểm cũng không bằng con trai, vì thế những hoạt động mang tính thám hiểm, mạo hiểm đều không thích hợp với phái nữ. Những luận điệu này đã vô tình “trói buộc” phái nữ, hạn chế sức sáng tạo và tinh thần thám hiểm, ảnh hưởng đến sự phát huy tiềm năng về phương diện này của phái nữ. Ngoài ra, bởi vì con gái bước vào tuổi dậy thì sớm hơn con trai, giai đoạn phát triển tâm lí không ổn định lại rơi vào khoảng thời gian cuối cấp một, đầu cấp hai; tâm trạng bất an, nhạy cảm, hay thay đổi, dễ phân tán vì một chuyện nhỏ nhặt nào đó dễ gây ảnh hưởng đến việc học tập. Lúc này lại là lúc bắt đầu bước vào thời kì bồi dưỡng khả năng tư duy logic và đòi hỏi tập trung cao độ để thích ứng với sự thay đổi trong học tập. Nếu các bạn nữ không thể điều chỉnh tốt tâm trạng, thì thành tích học tập dễ dàng bị ảnh hưởng xấu.

Vì vậy mới nói, xét trên phương diện trí tuệ, con gái không hề thua kém con trai, không hề tồn tại chuyện con gái càng lớn càng dốt đi như con nói. Nếu đám con gái các con cảm thấy không phục, có thể so tài cao thấp với các bạn nam, chẳng phải thủ khoa trung học cơ sở, trung học phổ thông hàng năm vẫn có nhiều bạn nữ đấy sao? Nhưng phải hiểu rằng, chỉ không phục không thôi là chưa đủ, còn phải điều chỉnh tâm trạng, hiểu rõ bản thân đồng thời phải hành động. Trước tiên, cần phải xóa bỏ suy nghĩ này, không thể thua các bạn nam ngay từ trong tư tưởng; không được “so vai rụt cổ”, e dè sợ hãi mà phải tích cực tham gia vào các hoạt động thực tiễn; phải học cách phát huy ưu điểm của phái nữ, ví dụ như: chăm chỉ, tỉ mỉ; cũng cần học hỏi sở trường của các bạn nam, ví dụ: tư duy nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm, tự nhắc nhở, cổ vũ bản thân “mình sẽ làm được!” mới có thể phát triển tiềm năng một cách tốt nhất và toàn diện nhất. Ngoài ra, khi đối mặt với những phiền phức tuổi dậy thì, chính là vấn đề mà chúng ta đã nói trước đó cần học cách kiểm soát tâm trạng, giải tỏa phiền não, giảm thiểu những nhân tố gây ảnh hưởng đến học hành. Chỉ cần làm được những điều này, con gái vẫn có thể giỏi giang, xuất sắc như vậy. Mẹ rất mừng vì thái độ không phục của con, càng hi vọng có thể nhìn thấy hành động và thành quả của con! Hi vọng…

Mẹ

Chọn tập
Bình luận