Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

Tại Sao Đồ Đạc Lại Chất Nhiều Đến Vậy?

Tác giả: Sasaki Fumio

Chúng ta sở hữu tất cả những món đồ mà mình mong ước

Trong chương này, tôi muốn nói với bạn về quá trình: “Vì sao chúng ta lại chất nhiều đồ đạc trong nhà”. Khi hiểu về quá trình này rồi, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giảm bớt đồ đạc.

Trước đây, tôi hay sắm cho mình tất tần tật những đồ dùng cần thiết trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc sống đấy khác xa với cuộc sống mà tôi mong ước.

Con người luôn chìm đắm trong suy nghĩ: “Khác xa với lý tưởng”. Và khi nhìn vào thực tế không như trong mơ ấy, ta chỉ ôm trong lòng cảm giác bất hạnh mà thôi. Khi không có những thứ như mình mong muốn, tôi cũng cảm thấy bất hạnh như vậy.

Dù tôi có một căn phòng to với một chiếc

sô pha bọc da, hay một ban công rộng với mái che có thể tổ chức tiệc ngoài trời thì đấy vẫn không phải là một chung cư cao tầng có thể ngắm cảnh đêm trong thành phố. Lúc đấy, tôi chỉ thấy giấc mơ của mình chẳng thể thành sự thật được.

Nhưng thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại, thực ra giấc mơ của tôi đã hoàn toàn trở thành sự thật rồi. Tại sao lại như vậy, để tôi giải thích cho bạn nhé.

Ví dụ như trong công việc. Chúng ta đi phỏng vấn ở nhiều công ty và đi làm ở công ty trúng tuyển. Đó có thể không phải là nguyện vọng thứ nhất của bạn, thậm chí cũng chẳng phải nguyện vọng thứ hai, thứ ba. Công ty cũng không hoạt động trong lĩnh vực bạn muốn làm, thậm chí có thể bạn làm chỉ để trang trải cuộc sống mà thôi. Thế nên lúc nào bạn cũng ca thán về sếp, về công ty của bạn và trong đầu luôn nghĩ đến lúc chuyển việc. Tuy nhiên, khi đã gửi hồ sơ và đi phỏng vấn tức là bạn đã nghĩ: Mình muốn làm ở đây. Nếu nghĩ: “Tuyệt đối không muốn làm” thì bạn đã không đi phỏng vấn rồi. Có thể tại một thời điểm nào đó, bạn từng muốn làm việc trong công ty và khi nhận được thông báo trúng tuyển, chắc chắn bạn đã rất vui.

Ngôi nhà mà tôi đang sống cũng vậy. Tôi đã sống 10 năm trong ngôi nhà này, 10 năm trước tôi chỉ có tâm nguyện là làm thế nào cũng phải chuyển đến đây, nó là ngôi nhà mà tôi đã phải kiếm rất lâu mới thấy. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mình đã hạnh phúc đến thế nào khi được chuyển vào đây. Lúc đó tôi hạnh phúc vì tìm thấy ngôi nhà có thiết kế đầy đủ, tiện nghi chứ không phải vì giá tiền của nó. Thậm chí tôi còn thấy háo hức khi bắt đầu khám phá khu phố trong mơ này. Thế nhưng, 10 năm sống trong căn nhà này, tôi dần thấy khó chịu với sự chật chội, cũ kỹ của căn phòng. Giấc mơ 10 năm trước của tôi đã trở thành hiện thực rồi, nhưng tại sao tôi lại luôn cảm thấy bất mãn đến vậy?

Điều này cũng đúng với mấy đồ dùng của tôi.

Ví dụ như quần áo. Trước đây lúc nào tôi cũng có cảm giác: “Không còn bộ nào để mặc ra ngoài nữa”.

Vào ngày nghỉ là tôi là dành trọn một ngày để mua sắm. Mặc dù người đã mệt rã rời, nhưng tôi vẫn không ngừng nhét những bộ quần áo mình thích vào giỏ hàng. Khi về nhà, tôi diện thử từng bộ một và tự ngắm trước gương. Ngày hôm sau, khi lần đầu diện mấy bộ mới mua ra ngoài, tôi cảm thấy thật tự tin và thích thú. Có lẽ lúc đó tôi chỉ có một nguyện vọng là có trong tay tất cả những bộ quần áo yêu thích dù phải trả bao nhiêu chăng nữa. Và quả thực là những bộ quần áo tôi thích thì chất đầy thành núi, ấy thế mà lúc nào tôi cũng tự thấy là “chẳng còn bộ nào để mặc ra ngoài nữa”.

Cũng tương tự như vậy, hầu hết chúng ta đều thỏa được lòng mong ước của mình, nhưng tại sao chẳng bao giờ chúng ta cảm thấy đủ và luôn cảm thấy mình thật bất hạnh?

Tác hại của thói quen

Chắc câu trả lời này ai cũng hiểu được. Chúng ta đã “quen” với những món đồ mong ước mà mình có trong tay. Dần dần, “thói quen” sẽ trở thành “điều hiển nhiên”, và cuối cùng ta sẽ cảm thấy “chán ngấy”.

Bạn mới mua một chiếc váy. Lần đầu tiên mặc nó, bạn cảm thấy thật thích, thật hạnh phúc. Nhưng sau năm lần mặc, bạn cảm thấy “quen” thuộc và cảm giác hạnh phúc vơi dần đi. Sau 10 lần mặc, chiếc váy thành một thứ “bình thường” trong tủ quần áo của bạn. Và sau 50 lần mặc nó, bạn cảm thấy chán ngấy rồi. Theo quá trình từ quen thuộc đến bình thường rồi chán ngấy ánh sáng lấp lánh của mong ước được thực hiện cũng dần biến thành màu đen, món đồ cũng theo đó mà trở thành thứ chẳng đáng để ý đến. Đó chính là chu trình từ quen thuộc đến chán nản.

Mặc dù tất cả mong muốn của chúng ta đều thành hiện thực, nhưng do quá trình biến đổi từ quen thuộc đến chán nản kể trên mà ta chẳng bao giờ vừa lòng với những gì đang có.

Tóm lại, nếu không có cảm giác quen thuộc thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục thấy hạnh phúc với những đồ dùng ưa thích của mình. Nếu cảm thấy thỏa mãn với những món đồ đang có, thì chúng ta sẽ không tích thêm đồ mới nữa. Có thể thấy, cảm giác quen thuộc này nguy hiểm đến dường nào.

Tại sao con người chỉ luôn muốn những thứ mới mẻ?

Khi nói về cảm giác quen thuộc này, trước hết ta cần phải nhìn nhận lại cơ cấu cảm nhận của con người. Có thể đây là một câu chuyện hơi lằng nhằng, nhưng nó là một chủ đề lớn trong cuốn sách này nên tôi hi vọng bạn sẽ chú ý tới nó.

Bản chất của hệ thần kinh con người là cơ cấu tìm ra sự “thay đổi” giữa các kích thích. Đó là sự thay đổi khi chuyển từ kích thích này sang kích thích khác.

Tôi có thể đưa cho bạn một ví dụ dễ hiểu hơn. Mùa thu cũng là lúc mùa tắm biển đã kết thúc. Nhưng nhìn thấy biển, bạn đột nhiên lại có ý nghĩ: Ôi, biển xanh như mùa xuân, mình muốn tắm biển ở đây quá. Và thế là bạn cứ thế chạy xuống biển. Nhưng ngay lập tức bạn sẽ phải kêu lên: Ôi, lạnh quá! Vì nước lạnh hơn bạn tưởng rất nhiều. Lúc này hệ thần kinh của bạn đã tìm thấy sự chênh lệch giữa nhiệt độ trên bờ và nhiệt độ trong nước biển và tiếp nhận một kích thích là lạnh. Tuy nhiên, nếu ngâm mình một thời gian trong nước biển, bạn sẽ quen với kích thích này và sẽ nói: Ồ, nhưng mà để một lúc thì cũng ấm phết.

Trường hợp một người đang ngủ trên sô pha, một người khác tắt tivi đi thì ngay lập tức anh ta sẽ tỉnh lại và bảo: “Tôi đang xem mà” cũng giống như vậy. (Chắc chắn là người tắt tivi sẽ nghĩ: “Rõ ràng là đang ngủ mà!”).

Trong trường hợp này, ban đầu khi để tivi mở thì sẽ rất sáng, tiếng cũng rất to, thông thường sẽ rất khó ngủ. Nhưng qua một thời gian, người này sẽ “quen” với kích thích như vậy và có thể ngủ rất ngon. Thậm chí, khi người này đã quen với trạng thái này rồi, nếu đột nhiên tắt tivi, tức là không còn kích thích nữa, thì anh ta sẽ nhận ra sự khác biệt và chợt tỉnh lại.

Hệ thống thần kinh con người không tập trung vào khối lượng kích thích, mà tập trung vào sự khác biệt khi kích thích thay đổi. Trong trường hợp trên, kích thích đến từ tivi là khá lớn, nhưng người này đã quen với kích thích nên hoàn toàn có thể ngủ ngon. Ngược lại, khi không còn kích thích từ âm thanh hay độ sáng của tivi, anh ta sẽ tỉnh dậy vì thay đổi kích thích. Trường hợp này cũng giống như việc một đứa trẻ đang ngủ trưa bị tỉnh giấc vì tiếng bước chân vậy. Chỉ có điều là trình tự thì ngược lại.

Để hệ thần kinh con người nhận ra được kích thích cần có sự chênh lệch giữa hai trạng thái. Ví dụ như tắt chiếc tivi đang mở (chênh lệch từ có kích thích sang không có kích thích), hay đứa trẻ đang ngủ bị thức giấc vì tiếng bước chân (từ không có kích thích sang có kích thích), hoặc có thể là bị tỉnh giấc do đổi kênh tivi (từ kích thích này sang một kích thích khác), hoặc thậm chí là tỉnh giấc do tăng âm lượng tivi (từ có kích thích sang kích thích lớn hơn)…

Quay lại với vấn đề về những mong muốn hay đồ dùng mà ta có được, cảm giác không thỏa mãn của bản thân là do hệ thần kinh của chúng ta nhận thấy không còn chênh lệch giữa các kích thích như trên. Lúc nào cũng chỉ thấy một đồ vật đấy thôi thì hệ thống thần kinh không thể nhận ra sự chênh lệch, dẫn đến cảm giác quen thuộc, tiếp đó là cảm giác hiển nhiên và cuối cùng là cảm giác chán nản.

Tại sao các cô gái lại không thỏa mãn với những chiếc nhẫn?

Quá trình từ quen thuộc đến chán nản này có thể ảnh hưởng xấu đến mọi mặt trong đời sống chúng ta.

Đơn giản như bạn mua được tất cả những bộ quần áo mà bạn luôn muốn có, nhưng rồi bạn nhanh chóng thấy chúng xấu xí và tự nhủ: chẳng có cái nào mặc được cả. Hay bạn không còn tìm thấy niềm vui trong công việc mà bạn vốn rất mãn nguyện khi có nó. Hoặc cũng có thể là bạn thấy chán gương mặt đã được phẫu thuật thẩm mỹ của mình và lại tiếp tục phẫu thuật. Dù có quen với mấy người bạn gái rồi nhưng bạn vẫn tiếp tục chạy theo cô khác. Hay chia tay với cô gái mà mình đã từng thề sẽ ở bên nhau dù ốm đau hay mạnh khỏe… Tất cả những việc đó đều là do ảnh hưởng của quá trình “thói quen chán nản”.

Nếu bạn tặng cho một bé gái chiếc nhẫn nhựa, cô bé sẽ sung sướng ngay lập tức. Nhưng dần dần, cô bé ấy sẽ vứt chiếc nhẫn đó qua một bên, thậm chí còn thấy chán chiếc nhẫn 50 nghìn yên mua từ tiền tiêu vặt tiết kiệm, sau đó là đến chiếc nhẫn 300 nghìn yên mua từ tiền lương của mình. Có lẽ dù có được chiếc nhẫn nổi tiếng nhất, đắt giá nhất thế giới thì cô gái ấy cũng sẽ chán nó mà thôi.

Còn với bé trai mà nói, ngày đầu khi có được một chiếc ô tô đồ chơi, các cậu bé sẽ nhảy cẫng lên sung sướng. Nhưng cậu cũng sẽ chán nó, chán cả những chiếc ô tô đồ chơi khác. Vì chán nên cậu sẽ nhanh chóng vứt bỏ chúng đi.

Khi cảm thấy quen thuộc đến phát chán những món đồ của mình, bạn không còn bị nó kích thích nữa. Hệ thống thần kinh xác nhận trạng thái giống nhau ở mọi lúc, mọi nơi nên bạn không còn thấy sự chênh lệch giữa các kích thích nữa. Và để tạo ra sự chênh lệch đó, chỉ còn cách là tắt kích thích đó đi, thay đổi nó, tăng thêm kích thích hay làm nó lớn thêm.

Nếu áp vào đồ vật thì bạn cần phải mua một món khác (thay đổi kích thích), mua nhiều hơn (tăng thêm kích thích) hay mua những thứ đắt hơn (làm kích thích lớn hơn).

Làm thế nào để động viên một Honda Keisuke đã thất bại tại World Cup?

Từ vấn đề “quen thuộc chán nản”, có một vấn đề còn rắc rối hơn nữa. Quen thuộc hay chán nản đều chỉ là cảm giác của riêng một cá nhân. Nếu nhìn từ góc độ của người khác ta sẽ thấy ngần đấy thứ là quá mỹ mãn trong cuộc sống này. Một chiếc nhẫn 50 nghìn yên, một chiếc ô tô Nhật, tại sao chỉ có chủ sở hữu mới thấy không thỏa mãn nhỉ? Đó là bởi việc so sánh các kích thích để nhìn ra sự chênh lệch chỉ xảy ra ở người sở hữu đồ vật thôi.

Ví dụ: tình trạng của cầu thủ Honda Keisuke ngay sau thất bại ở World Cup. Anh ấy đã thất vọng và ngồi thừ người trong phòng thay đồ. Nếu tôi có ở đó, tôi sẽ nói: Mặc dù anh đã thua trong trận đấu nhưng không sao đâu, hãy vui lên chứ. Tiền lương của anh là mấy trăm triệu, xe anh đi là Ferrari. Sau khi giải nghệ, anh có thể đi vòng quanh thế giới, cũng có thể làm huấn luyện viên. Tương lai của anh chẳng có gì để phải lo lắng cả. Anh cứ nhìn tôi mà xem. Thế nên hãy vui lên nhé.

Dù có nghĩ kiểu gì thì anh ấy cũng không thể bị thuyết phục bởi mấy câu nói ấy của tôi và cũng chẳng thể bình tĩnh trở lại. Và anh ấy cũng sẽ chẳng nói với tôi những câu như: Ừ nhỉ! Dù có so sánh với ai đi nữa thì tôi cũng may mắn hơn họ nhiều. Tôi còn có bao nhiêu thứ tốt nữa. Cảm ơn anh nhé, tôi ổn rồi…

Bởi việc so sánh chỉ có trong đầu chính chúng ta chứ không phải do bất cứ ai làm hộ được. Và nếu Honda Keisuke không thắng trong trận đấu thì anh ta không thể thỏa mãn được bản thân.

Niềm vui chiến thắng có thể kéo dài đến ba tiếng?

Tốc độ chuyển từ “kích thích” sang “quen thuộc” diễn ra khá nhanh. Đã từng có một cuộc phỏng vấn vận động viên Andre Agassi, người từng giành được bốn giải Grand Slam. Sau chiến thắng ở giải Wimbledon năm 1992, Andre Agassi đã nói: Chiến thắng của tôi chỉ có vài người biết đến. Chiến thắng này cũng không bù lại được cho những thất bại cay đắng mà tôi từng gặp phải. Niềm vui chiến thắng không kéo dài bằng sự đau đớn trong thất bại. Vậy nên không thể nói chúng bằng nhau được.

Trong các cuốn sách của Tal Ben-Shahar, nhà tâm lý học được sinh viên yêu thích ở Đại học Harvard cũng đề cập điều tương tự. Năm 16 tuổi, ông giành ngôi quán quân trong giải Squash Israel Champion. Đây là thành quả thu được sau quá trình luyện tập suốt 5 năm, mỗi ngày sáu tiếng của ông. Tuy nhiên, sau bữa tiệc ăn mừng chiến thắng, khi ông trở về nhà, ông không còn cảm thấy niềm vui chiến thắng khi giấc mơ thành hiện thực. Và theo ông, niềm vui chiến thắng trong ông chỉ kéo dài ba tiếng đồng hồ mà thôi.

Kể cả khi đạt được mục tiêu vĩ đại nào đó mà ít ai có thể thành công thì bạn cũng sẽ quen ngay với niềm vui to lớn đấy thôi.

Bill Gates có thể ăn sáu bữa một ngày không?

Có một sự thực là dù bạn có nhận được cái nhẫn 10 nghìn yên, 30 nghìn yên hay 50 nghìn yên thì cảm giác sung sướng khi nhận được chúng cũng đều giống nhau. Niềm vui khi bạn nhận được chiếc nhẫn 50 nghìn yên cũng không hề gấp năm lần niềm vui khi nhận được chiếc nhẫn 10 nghìn yên đâu. Nụ cười của bạn cũng chẳng tươi hơn năm lần và niềm vui đấy cũng chẳng kéo dài gấp năm lần được. Giá trị của đồ vật có thể không có giới hạn nhưng tình cảm của con người thì có.

Nếu niềm vui khi bạn nhận được chiếc nhẫn 50 nghìn yên thực sự nhiều hơn gấp năm lần khi nhận được chiếc nhẫn 10 nghìn yên thì chúng ta có thể hạnh phúc hơn chỉ với tiền bạc, vật chất. Dù bạn giàu có như thế nào chăng nữa, dù bạn có nhiều tài sản đến đâu, thì sự giàu có đấy cũng chẳng khác gì với niềm vui hiện tại bạn đang cảm nhận được. Và dù có sắm được nhiều đồ đến đâu, bạn cũng không thấy thoải mái bởi niềm vui khi có đồ mới trong tay cũng chỉ như những niềm vui nhỏ bé hằng ngày khác mà thôi.

Cũng giống như tình cảm, cơ thể chúng ta cũng có giới hạn nhất định. Dù có là người giàu có nhất thế giới như Bill Gates thì dạ dày của ông ấy cũng giống như chúng ta mà thôi. Dù có trở thành người như Bill Gates thì bạn cũng không thể ăn đến sáu bữa một ngày được. Và thời gian một ngày của bạn cũng không thể tăng lên 25 tiếng.

Chức năng của một chiếc đồng hồ Apple Watch có giá gấp 50 lần?

Nếu xét về chức năng của đồ vật thì tôi có thể nói chúng có chức năng như nhau. Một chiếc xe thể thao 10 triệu yên cũng không thể phóng nhanh hơn 10 lần so với một chiếc ô tô bình thường giá một triệu yên được. Bạn chỉ cần phóng nhanh gấp đôi bình thường thôi là đã bị bắt rồi. Tương tự như thế, một chiếc đồng hồ Apple Watch giá hai triệu yên so với chiếc 40 nghìn yên thì pin của nó cũng không lớn hơn gấp 50 lần và tốc độ xử lý cũng không nhanh hơn 50 lần được.

Khi so sánh chức năng của đồ vật, nếu một chiếc xe có giá đắt gấp hai có thể chạy nhanh hơn hai lần, hay một chiếc áo khoác đắt gấp hai có thể giữ ấm tốt hơn hai lần thì chúng ta có thể hạnh phúc với tiền bạc, của cải này rồi. Nhưng đáng tiếc là sự thật lại không phải như vậy.

Cơ chế bẩm sinh của mỗi người đi từ “quen thuộc đến chán nản” nếu chỉ nhìn từ khía cạnh vật chất thì hơi thiếu sót. Chính nhờ có chế độ “quen thuộc” này mà khi con người gặp khó khăn, cản trở có thể vượt qua nó và tiến về phía trước. Con người không chỉ biết quen với sự thuận lợi mà còn có thể quen được với những khó khăn. Tuy nhiên, nếu chỉ xét trong phạm vi nguyên nhân khiến gia tăng đồ đạc thì cơ chế này hiển nhiên đã gây ra tác động xấu đến chúng ta. Vì thế, chúng ta cần nhận thức rõ vấn đề này.

Tình cảm trong tương lai là không thể dự tính được

Như vậy dù bạn có sắm thật nhiều thứ thì bạn cũng sẽ nhanh chóng chán chúng mà thôi. Kể cả khi có đủ những thứ mà theo người khác là quá mỹ mãn rồi thì một lúc nào đó bạn cũng sẽ không ưng chúng nữa. Cứ nghĩ theo cách này thì bạn sẽ thấy dù sau này có thêm món đồ nào nữa thì bạn cũng sẽ thấy chán mà thôi.

Vậy tại sao chúng ta lại cứ tiếp tục mua thêm đồ và lặp lại quá trình “không chán” đến “chán”? Lý do chính là con người thường dự đoán tình cảm “tương lai” theo tình cảm “hiện tại”. Trong số các loài động vật, chỉ có con người là có thể dự đoán được tương lai, nhưng khoảng cách tương lai đó thực sự lại rất ngắn. Bạn đã bao giờ đi siêu thị sắm đầy mọi thứ trong tình trạng đói bụng chưa? Hay bạn đã bao giờ hối hận khi gọi một bàn đồ nhắm ở quán rượu với cái bụng rỗng chưa? Nguyên nhân của những việc này là do bạn đã phán đoán nhầm về tình trạng của bạn trong tương lai dựa trên tình trạng cái bụng rỗng ở hiện tại của bạn. Con người cho rằng mình có thể dự đoán trước được tương lai, nhưng thực tế là ngay cả tương lai sau 30 phút chúng ta cũng không đoán được.

Ngày hôm trước bạn uống thật nhiều rượu và say đến tận ngày thứ hai. Ôm cái đầu nặng như đá, bạn thề là: Không bao giờ uống đến mức này nữa. Hầu như ai cũng như vậy cả. Nhưng thực tế, sau khi hết đau đầu, bạn lại uống đến say mèm như vậy.

Giữa mùa hè nóng nực, bạn không thể nào tưởng tượng được cảm giác ấm áp trong căn phòng có máy sưởi giữa mùa đông. Và giữa mùa đông rét mướt, bạn không thể tưởng tượng được cảm giác điều hòa mát lạnh mùa hè. Dù có trải qua bao nhiêu lần đi chăng nữa, con người vẫn cứ dựa vào “hiện tại” để dự đoán “tương lai”.

Niềm vui khi mặc chiếc áo khoác lần thứ 10

Con người là loài duy nhất trong các loại động vật có thể dự đoán được tương lai. Tuy nhiên khả năng này chỉ phát huy khi phán đoán trong thời gian ngắn mà thôi. Ví dụ như khi gặp phải kẻ địch đáng sợ, ta nên trốn đi hay nên chiến đấu. Khi săn mồi ta nên bắt chúng ở hướng nào thì được… Con người không thể nhìn thấy trước tương lai của vài năm sau được. Và thực tế thì phạm vi suy đoán còn ngắn hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Bạn hãy xem lại ví dụ sau. Bạn ra ngoài để mua quần áo. Và bạn chỉ ưng duy nhất có một chiếc áo khóa này. Nếu so với cái áo tồi tàn bạn đang mặc trên người thì từ màu sắc đến kiểu dáng chiếc áo này đều thật tuyệt. Về nhà, bạn mặc ngay nó lên người và niềm hạnh phúc này vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là dù bạn có thấy được “cảm giác lần đầu tiên mặc chiếc áo”, nhưng bạn cũng không thể nào đoán được “cảm giác sau khi đã quen và mặc chiếc áo đến lần thứ 10” hay “cảm giác chán nản khi mặc chiếc áo sau một năm”.

Lúc chưa sắm đồ về thì bạn khó có thể tưởng tượng ra được quá trình từ “quen thuộc” đến “chán nản” sau khi đã có nó. Khi chưa có món đồ nào đó, bạn luôn muốn kéo dài cảm giác hạnh phúc ngay khi có nó cho đến về sau. Đó chính là một trong số các nguyên nhân tạo nên vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn ngày càng thích mua đồ, đồ càng nhiều bạn lại càng muốn mua tiếp.

Nguyên nhân khiến đồ trong nhà nhiều lên hơi phức tạp một chút nên hãy cùng tôi tóm gọn lại nào.

Chúng ta luôn có trong tay tất cả những món đồ mà mình từng mong muốn. Tại sao vậy? Đó là vì mọi thứ xung quanh chúng ta đều là những món đồ mà từng có một thời điểm nào đó chúng ta muốn có. Chẳng có món đồ nào mà khi mua về bạn lại thấy: Chẳng thích một chút nào! Hoàn toàn chẳng muốn nó gì cả…

Tuy nhiên, khi đã có món đồ đó rồi, theo thời gian bạn sẽ cảm thấy từ “quen thuộc” đến “chán nản”. Chính vì thế bạn lại muốn có một thứ gì đó mới lạ để kích thích bạn. Bạn cần những thứ có giá trị hơn nữa để tạo nên kích thích lớn hơn. Và bạn cũng muốn tạo kích thích nhiều hơn nên bạn sẽ tăng lượng đồ đạc trong nhà. Dù có là đồ mới mua thì bạn cũng sẽ ngay lập tức quen với nó và nhanh chán nó mà thôi. Sau đó bạn sẽ tiếp tục tìm những đồ mới khác.

Dù cho người khác có cảm thấy như vậy là quá đủ rồi, thì chỉ có mình bạn mới so sánh những kích thích này và cũng chỉ có mình bạn mới tạo ra những chênh lệch trong các kích thích. Một chiếc xe ô tô trong nước giá một triệu yên, xét về tính năng thì bất cứ ai cũng có thể hài lòng, chỉ có chủ chiếc xe là không thấy thỏa mãn mà thôi.

Thêm vào đó, dù bạn có sắm đồ mới để tạo ra những kích thích khác biệt cho bản thân, thì niềm vui khi bạn có nó cũng chẳng khác với cảm giác của bạn hiện tại. Trong cảm giác hạnh phúc, vui sướng có một “giới hạn”. Dù bạn có mua đồ đắt đến mấy thì niềm vui lúc mua về cũng không tăng lên cùng giá tiền của nó. Khi nhận chiếc nhẫn 50 nghìn yên, nụ cười của bạn cũng không tươi tắn hơn năm lần so với khi nhận được chiếc nhẫn 10 nghìn yên được. Dù có cất công mua đồ thật tốt thì niềm vui bạn cảm nhận được nhỏ bé hơn nhiều so với bạn tưởng tượng và nó hầu như không thay đổi. Chính vì vậy, bạn cảm thấy không thỏa mãn và lại tiếp tục tìm đồ mới.

Giống như niềm vui không tăng cùng giá cả, tính năng của đồ vật cũng không tăng lên. Một chiếc áo khoác đắt gấp đôi bình thường cũng không ấm hơn gấp hai lần được. Vì thế bạn lại không thể thỏa mãn bản thân, bạn lại hi vọng món đồ sau đó sẽ giúp bạn đáp ứng được mong muốn của mình và lại mua một cái khác.

Mặc dù tất cả các món đồ đều trải qua quá trình “quen thuộc” rồi “chán nản”, nhưng bạn có thể dự đoán được cảm giác trong tương lai từ những cảm xúc hiện tại của bạn. Tuy nhiên, tương lai đó cũng chỉ là tương lai rất gần với chúng ta mà thôi. Bạn không thể nào biết được cảm xúc của mình sau một thời gian dài khi mà bạn đã chán món đồ đó rồi. Cũng chính vì vậy, bạn lại cảm thấy không thỏa mãn và lại tìm đồ mới.

Chúng ta dần dần bị cuốn vào trong vòng tròn vĩnh viễn đó và đồ đạc trong nhà cứ dần dần nhiều lên. Đồ đạc được tích nhiều bao nhiêu cũng là bấy nhiêu thời gian bạn cảm thấy không thỏa mãn. Thậm chí bản thân bạn cũng hiểu được là dù có tiếp tục như vậy bạn cũng chẳng thấy hài lòng, nhưng bạn vẫn hi vọng vào món đồ tiếp theo của mình. Và thật đáng tiếc khi phải nói với bạn rằng bạn không cảm thấy hạnh phúc chính vì bạn đã rơi vào vòng tròn luẩn quẩn này đó.

Đồ đá, đồ gốm đã từng là món đồ thiết yếu

Tại sao chúng ta lại sắm nhiều đồ về nhà đến vậy? Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu thêm một chút nữa nhé.

Từ thời xa xưa, khi con người sử dụng những món đồ làm từ đá, thì những món đồ này được sử dụng hết các khả năng tuyệt vời của nó, và nó là dụng cụ đúng nghĩa. Và những dụng cụ đồ đá đó đã trả công cho chúng ta xứng đáng với thời gian, công sức chúng ta dành để làm ra chúng. Những công việc nặng nhọc như săn thú, lột da… nhờ có đồ đá mà nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Dù có mất một ngày để làm được một dụng cụ đồ đá thì thời gian bạn có thể tiết kiệm được sau này nhiều hơn thế rất nhiều. Nói cách khác, so với công sức bạn bỏ ra để làm dụng cụ đồ đá, thứ bạn nhận lại nhiều hơn rất nhiều. Hơn nữa, một khi làm xong một dụng cụ bằng đá, bạn không cần tốn công sức để bảo quản nó. Quả thực, đồ đá đã từng là đồ vật thiết yếu với con người.

Phát triển hơn chút nữa, con người có thể sử dụng đồ gốm. Vào thời đó, con người có hái được quả để ăn hay không, có săn được thú hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi hỏa hoạn, thiên tai xảy ra, tất cả đều bị xóa sạch. Con người thời đó cũng không biết khi nào sẽ xảy ra cái gì, nên tốt nhất là hãy cất đồ ăn dự trữ vào đồ gốm. Thời đó, đồ gốm cũng là dụng cụ thiết yếu trong đời sống con người.

Trải qua thời gian thay đổi, ngày nay, có không ít các vật dụng không được sử dụng đúng chức năng của nó mà lại dùng cho mục đích khác. Thêm vào đó, việc sở hữu những món đồ trên mức cần thiết sẽ lấy đi của bạn lượng lớn thời gian và công sức để bảo quản nó nguyên vẹn. Và con người đang phải làm việc cật lực để phục vụ cho những món đồ không cần thiết trong cuộc sống của mình. Những món đồ không được sử dụng đúng nghĩa là dụng cụ như đồ đá, đến một lúc nào đó sẽ trở thành chủ nhân của chính chúng ta.

Những món đồ dùng để “thể hiện giá trị của bản thân”

Bạn có nhiều đồ không cần thiết như vậy để làm gì? Mục đích thực sự khi bạn muốn có ngần đấy thứ là gì? Chúng ta hãy đi từ kết luận của vấn đề.

Mục đích đó chính là “thể hiện giá trị của bản thân”.

Chúng ta luôn muốn thể hiện giá trị của bản thân mình cho mọi người thấy qua những món đồ của mình.

Bất cứ ai cũng được cài đặt ứng dụng “cô đơn”

Tiếp theo, tôi sẽ giải thích từ đầu cho bạn.

Con người là loài động vật có tính xã hội và hoạt động theo quần thể. Nếu so sánh với các loài động vật lớn, con người không có lực cánh tay khỏe, không có móng, sừng sắc nhọn, và có lẽ cũng không ai có thể tự mình bắt được voi ma mút cả. Chính vì vậy, để sinh tồn, loài người cần sống theo bầy đàn.

Khi con người tách ra khỏi quần thể để hoạt động độc lập, một ứng dụng tên là “cô đơn” đã được cài đặt khiến chúng ta cảm thấy cô độc, lẻ loi. Ứng dụng “cô đơn” này có tác dụng đưa ra lời cảnh báo khi chúng ta có một mình như: hay quay lại với mọi người, hay liên hệ với một ai đó… Ứng dụng này dù có làm cách nào cũng không xóa đi được, vì nó được cài đặt mặc định trong mỗi người nên dù bạn có muốn cũng không thể làm gì.

Nỗi cô đơn của chó và mèo

Chúng ta hãy cũng nhìn vào sự khác nhau giữa chó và mèo. Mèo có thể ở nhà một mình khi bạn vắng nhà mà không buồn chán gì, còn chó thì không. Nếu bạn để một chú chó ở nhà một mình trong thời gian dài, nó sẽ sủa loạn xạ và chạy khắp nơi trong nhà. Người ta cũng cho rằng một chú chó bị bỏ lại trong thời gian dài và bị cô đơn một mình sẽ mắc bệnh trầm cảm.

Và sự thực là loài gần gũi với chó không phải là loài mèo chuyên sống một mình mà chính là con người. Giống như loài chó, con người có những hành động mang tính xã hội, theo tập thể. Chính vì vậy, con người có thể cảm nhận được sự cô đơn. Và nỗi cô đơn không phải là vấn đề của riêng một người mà là vấn đề của tất cả mọi người.

Dù bạn có là ai đi chăng nữa, dù trông bạn thật vui vẻ với bạn bè hay có một gia đình hòa thuận, bạn cũng không thể xóa bỏ sự cô đơn mãi được. Một lúc nào đó, nỗi cô đơn sẽ bất chợt ghé thăm bạn. Có lẽ sẽ có nhiều người than phiền rằng: Tôi cô đơn quá! Nhưng bạn cũng không cần quan tâm đến nó đâu, vì chẳng có ai có thể xóa hoàn toàn cái ứng dụng “cô đơn” này. Ai cũng bị mặc định cài đặt ứng dụng này, nó sẽ tự khởi động và bạn sẽ bị nó làm phiền rất nhiều đấy.

Con người là loài động vật sống theo tập thể và sinh hoạt trong một xã hội. Và muốn được chấp nhận trong xã hội đấy, chúng ta cần phải có “giá trị nào đó” để phục vụ cho xã hội hay tập thể. Nếu dưới sự nhìn nhận của người khác, bạn không thể tìm thấy “giá trị của bản thân” thì bạn không thể tồn tại được.

Một nguyên nhân lớn dẫn đến căn bệnh trầm cảm hay tình trạng tự sát đó là suy nghĩ “bản thân không có giá trị”. Loài chó cũng giống như vậy. Nguyên nhân khiến một chú chó bị trầm cảm khi phải ở một mình trong thời gian dài là do khi không có người, nó không có ai để khẳng định giá trị của bản thân.

Thật đáng tiếc là loài chó không thể viết lên Twitter những bài như “Ở nhà một mình” giống con người. Chúng cũng chẳng thể viết bài trên các mạng xã hội khác kiểu như: “Tin buồn. Chủ nhân đi vắng nên tôi chỉ có một mình” để được mọi người chia sẻ nỗi buồn. Rồi chúng cũng không biết dùng mạng xã hội để trò chuyện với các chú chó khác được. Không có kỹ thuật nào giúp chúng chữa khỏi bệnh cô đơn dù chỉ là một chút. Chính vì vậy, ta chỉ cần hơi sao lãng là chúng sẽ bị bệnh ngay.

Quá đông người tự sát

Có nguồn tin cho rằng số người mắc bệnh trầm cảm ở Nhật Bản lên đến 10 triệu người, và hằng năm có hơn 25 nghìn người tự sát. Trong thảm họa động đất sóng thần phía Đông Nhật Bản năm 2011, có khoảng 20 nghìn người đã thiệt mạng. Vậy nguyên nhân nào đã khiến số người tự kết thúc cuộc sống của chính mình mỗi năm lại nhiều hơn số người thiệt mạng vì thiên tai nghìn năm mới có một lần.

Hiện nay, Nhật Bản là nước phát triển và không có chiến tranh. Thế nên chắc hẳn là không nhiều người phải lo lắng vì những nhu cầu tối thiểu như giấc ngủ hay an toàn của bản thân.

Người ta thường nói “làm việc để kiếm miếng ăn”. Nhưng nếu theo nghĩa đen của từ “miếng ăn” này thì ở Nhật chỉ có khoảng vài chục người chết đói mà thôi. Vậy tại sao lại có đến 25 nghìn người chết mỗi năm? Nguyên nhân là gì?

Khi con người không còn thấy “bản thân mình có giá trị nào đó”, họ sẽ không sống tiếp được nữa.

Khi họ nghĩ rằng mình không có giá trị gì trong xã hội này, họ sẽ không còn nghị lực làm việc và thậm chí là không còn động lực để sống. Phía trước họ chỉ có hai điểm đến là bệnh trầm cảm và tự sát. Thế nên, để có thể tiếp tục cuộc sống này, đừng bao giờ đánh mất tình yêu với chính bản thân mình.

Chính vì lý do trên mà mong muốn được công nhận “bản thân có giá trị” chỉ xếp sau các nhu cầu sinh lý như ăn uống và giấc ngủ, nó có tác động tới tất cả các hoạt động của chúng ta.

Để có thể khẳng định được “bản thân có giá trị”, chúng ta cần được người khác công nhận. Hay nói cách khác, con người, loài động vật có tính xã hội chỉ có thể khẳng định được bản thân thông qua việc được người khác nhìn nhận mình.

Theo tôi, giá trị của bản thân chỉ được quyết định bởi chính bản thân mình. Tuy nhiên, nếu xét theo đúng câu nói này thì con người chúng ta sẽ rơi vào trạng thái cô đơn, không gặp gỡ mọi người, không liên lạc với bạn bè bằng mạng xã hội, và theo đó giá trị của bản thân lại không được công nhận. Bất cứ ai dù cô đơn lạc lõng thế nào cũng muốn được một ai đó chú ý đến bản thân mình. Và để người khác nhìn nhận chính là một cách hữu hiệu nhất để có thể khẳng định giá trị của bản thân. Nếu không có một tấm gương phản chiếu là ý kiến của người khác, tự chúng ta sẽ không nhìn thấy dáng vẻ của chính mình.

Tất cả đều vì mục đích cảm nhận được “giá trị của bản thân”

Nếu được người mình thích thích lại mình, bạn sẽ thật hạnh phúc. Và nếu được người mình thích (người mà mình cho là có giá trị nhất) nhìn nhận giá trị của bản thân thì không còn gì hạnh phúc hơn. Ngược lại, nếu bị người yêu phản bội, chắc chắn bạn sẽ rất tức giận. “Sao thằng đấy lại đáng giá hơn mình được.” Và nếu bị đối phương nói lời chia tay, có lẽ bạn sẽ đổ lỗi cho họ. “Mình thế này mà lại nghĩ là không đáng giá, nhìn người thật kém… ”

Hãy thử tưởng tượng. Người tài xế mở cửa xe cho bạn. Bạn bước xuống, dẫn đầu một đoàn nhân viên. Kính râm của bạn có gọng vàng, bạn vừa đi vừa thị uy xung quanh. “Nhìn đi, tôi chỉ có thế này thôi. Coi chừng đấy!”

Đến đây, dù bạn có thấy khó hiểu thì đó cũng là nguồn gốc cho mọi hành động.

Nếu bạn được người khác ấn “Thích” hay được theo dõi trên mạng xã hội chắc hẳn bạn sẽ rất vui. Vì “Vậy sao, vậy là mình cũng được mọi người công nhận nhỉ.”

Nếu một ai đó lướt qua bài của bạn trên LINE, bạn sẽ tức giận, nếu nhân viên trong cửa hàng vô lễ với bạn, bạn cũng sẽ tức giận. Lúc đó, bạn sẽ nghĩ: “Bản thân người có giá trị như tôi cũng muốn nhận được thái độ tương ứng!”

Bạn luôn sống vì sự đánh giá của người khác. Bạn sẽ an tâm nếu giá trị của một ai đó bị hạ thấp và luôn muốn khẳng định giá trị của chính mình dù chỉ một chút. Đó chính là bản chất của “đánh giá”.

Nếu một người cảm thấy mình không có giá trị, anh ta sẽ có những hành động cực đoan. Và để chứng tỏ giá trị của bản thân, anh ta cần có trong tay những thứ yếu hơn mình. Có thể anh ta sẽ cầm súng và bạo loạn trong trường học: Cái xã hội này, những con người này, những kẻ không hiểu được giá trị của tao thì tốt nhất nên phá hủy nó đi”. Hoặc có thể anh ta sẽ trở thành khủng bố: “Giá trị của chúng tao không được công nhận một cách công bằng”.

Và động cơ thúc đẩy tôi viết cuốn sách này cũng là để chứng minh giá trị của bản thân tôi. Có thể không phải là tất cả, nhưng đâu đó trong tôi chắc chắn có suy nghĩ muốn chứng tỏ: Bản thân tôi chắc chắn có giá trị.

Con người là loài động vật có tập tính xã hội nên nếu ai đó không thấy được “bản thân mình có giá trị” anh ta sẽ chẳng tồn tại được.Và nếu không biết tự yêu lấy bản thân mình thì anh ta cũng chẳng làm được việc gì cả. Chính vì thế, tự nghĩ: “Bản thân mình có giá trị với xã hội” không phải là điều xấu xa gì cả.

Vấn đề là làm thế nào để truyền tải cho mọi người biết “bản thân tôi có giá trị nào đó”.

Phương pháp truyền tải giá trị bản thân nhanh chóng

“Giá trị của con người” có rất nhiều khía cạnh. Dễ hiểu nhất có thể là ngoại hình. Các giá trị của ngoại hình có thể kể đến như: đẹp trai, dễ thương, xinh đẹp, cao ráo, phong cách, cơ bắp… Những giá trị này chỉ cần nhìn qua là có thể nhận ra. Tất cả mọi phụ nữ đều theo đuổi cái đẹp. Gần đây, do ảnh hưởng của quảng cáo, tạp chí, nam giới cũng bắt đầu tập luyện cơ bắp và chăm chút cho vẻ ngoài của mình. Ngoại hình là giá trị dễ nhận ra và có hiệu quả khá lớn. Tuy nhiên, dù bạn có chăm chút thế nào thì cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Dù có cố gắng đến mấy tôi cũng không thể trở thành một anh chàng đẹp trai như người mẫu thời trang được.

Ngoài ngoại hình, chúng ta còn có giá trị bên trong. Đó có thể là tính tính hiền lành, vui vẻ, chăm chỉ, nỗ lực, hoạt bát, trung thực, thông minh, thân thiện, dũng cảm… Khác với ngoại hình, những giá trị này không có giới hạn và bạn có thể mài giũa chúng để nâng cao giá trị bản thân.

Tuy nhiên, những giá trị bên trong này rất khó để truyền tải đến mọi người. Dù người đó có vẻ nhiệt tình nhưng bạn cũng chẳng thể nhờ vả họ được điều gì. Hay một người trông có vẻ thân thiện, hòa đồng nhưng thực ra có thể là một kẻ ích kỉ. Nếu không tiếp xúc, tìm hiểu trong thời gian dài, ta không thể nào hiểu được giá trị bên trong của một con người.

Truyền đạt giá trị bên trong bằng vật chất

Nếu chúng ta thử truyền đạt những giá trị bên trong con người mình bằng vật chất thì sẽ thế nào? Liệu thông qua vật chất, giá trị bên trong có dễ hiểu như vẻ ngoài của chúng ta không?

Nếu một người khoác trên mình một bộ vest vừa vặn, đi đôi giày nâu bóng lộn, trên tay đeo một chiếc đồng hồ tinh tế, đi một chiếc xe ngoại nhập, thì anh ta là một người giàu có và năng lực làm việc để kiếm tiền của anh ta dễ dàng chinh phục được mọi người.

Năng lực làm việc, khả năng sáng tạo, sự chăm chỉ, kiên nhẫn, những yếu tố này có thể thể hiện cho mọi người thấy mà không cần vật chất gì cả nhưng bạn sẽ mất thời gian và công sức. Vậy nên hãy dùng vật chất để thể hiện những giá trị đấy sẽ nhanh hơn rất nhiều. Vật chất khác với “giá trị bên trong con người” ở chỗ ai cũng thấy được nó, thế nên nó có thể truyền đạt “giá trị của bản thân” nhanh hơn nhiều.

Có lẽ trước đây, thời con người còn sống bằng săn bắt hái lượm, những người đàn ông đã làm theo cách này. Chỉ cần nhìn lượng đồ ăn mang về là mọi người có thể hiểu ngay khả năng làm việc của anh ta như thế nào. Nhưng giờ không giống vậy nữa. Bản thân người Nhật không còn thiếu thốn về đồ ăn, dù bạn có mua thật nhiều đồ ăn trong các cửa hàng tiện lợi, nó cũng không chứng minh được “khả năng làm việc của bạn”. Chính vì vậy chúng ta không thể thể hiện giá trị bản thân bằng lượng thức ăn, mà cần phải thông qua một sản phẩm khác. Ví dụ như quần áo. Phong cách rock tạo cảm giác thoải mái không gò bó, phong cách tự nhiên thể hiện con người dịu dàng, thời trang cao cấp thể hiện gu thẩm mỹ hoàn hảo, thời trang thường ngày giúp tạo ấn tượng thân thiện dễ gần. Dù không đi sâu vào lĩnh vực thời trang thì bạn cũng sẽ quan tâm đến nó như là một cách nhanh chóng thể hiện “giá trị của bản thân”. Ngoài ra, những đồ dùng trong nhà mà bạn yêu thích, bộ sưu tập máy ảnh cổ, những tấm áp phích dán tường hay những chậu cây cảnh cũng là cách giúp bạn thể hiện giá trị của mình với thế giới bên ngoài.

Tôi rất thích các sản phẩm của Apple, bởi chúng luôn có tính năng hữu dụng hơn bất cứ món đồ nào. Nếu trong ngày ra mắt iPhone 6 mà tôi sắm cho mình một chiếc thì có thể là vì tôi thích khoe khoang mà thôi. Nếu tôi sắm MacBook Air thì chắc cũng vì muốn ghi điểm ở Starbucks. Với thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng, các sản phẩm của Apple thể hiện giá trị của chủ nhân ở điểm “lựa chọn thông minh”. Và có lẽ bất cứ ai cũng sẽ có cảm giác này khi sở hữu chúng nên chẳng có gì phải e ngại cả.

Giá trị đồ đạc bằng giá trị bản thân

Tuy nhiên, nếu bạn sắm đồ đạc đến mức quá tải chỉ vì mục đích thể hiện “giá trị của bản thân” thì lúc này sẽ có vấn đề xảy ra.

Nếu bạn coi đồ vật là phương tiện để truyền tải “giá trị của bản thân” thì đồ đạc trong nhà bạn sẽ dần tăng lên. Và đương nhiên là đồ đạc càng nhiều thì bạn càng dễ thể hiện được giá trị của mình. Tuy nhiên, những món đồ đang tăng lên không ngừng đó sẽ không còn là phương tiện mà sẽ trở thành mục đích của việc thể hiện “giá trị của bản thân”. Hay nói cách khác, “đồ vật” đã trở thành chính “bản thân” bạn. Và bạn đã nhầm “đồ đạc” với “bản thân mình”. Nếu bạn nghĩ đồ đạc là bản thân bạn, bạn sẽ tiếp tục sắm đồ đạc không ngừng nghỉ.

Vì “đồ đạc = con người” nên tự nhiên việc tăng đồ đạc cũng chính là tăng giá trị bản thân mình. Cứ như vậy, bạn sẽ tiếp tục tiêu tốn thời gian, tiền bạc, công sức để mua sắm, bảo quản, sắp xếp hết món này đến món khác. Nói tóm lại, khi coi giá trị của đồ đạc bằng giá trị của bản thân, bạn sẽ coi việc bảo quản, sắp xếp đồ đạc là mục tiêu hàng đầu của mình.

Tôi đã từng coi giá sách là chính bản thân mình

Có thể nói đến đây thì bạn sẽ hơi khó hiểu nên tôi sẽ lấy một ví dụ dễ hình dung hơn.

Ví dụ như trước đây, tôi có kê trong nhà một giá sách to chất đầy các loại sách. Mặc dù có nhiều sách như vậy nhưng tôi chỉ nhớ mang máng nội dung vài cuốn, hoàn toàn không thể nắm bắt kỹ nội dung từng cuốn được. Ngay từ hồi sinh viên, tôi đã mua về những quyển sách khá khó. Nhiều cuốn tôi chỉ lướt vài trang. Sau vài năm, mặc dù cũng đọc được kha khá đấy nhưng chẳng bao giờ tôi nhớ kỹ cuốn nào cả. Tôi chỉ nhớ mang máng đấy là những cuốn nói về tư tưởng cận đại hay cuốn tiểu thuyết rất dài, một tác phẩm tiêu biểu của thế kỷ 20.

Đến bây giờ thì tôi đã hiểu lý do vì sao tôi không thể vứt những cuốn sách đi được, kể cả những cuốn tôi không định đọc đến. Tôi đã từng thông qua giá sách này để thể hiện giá trị của bản thân mình. Nhưng liệu tôi có thực sự muốn truyền tải giá trị của bản thân theo cách này?

“Tôi có ngần này sách đấy. Chỉ cần bạn nhìn vào giá sách này sẽ thấy, tôi là người có sở thích khá rộng và là người thích tìm tòi điều mới lạ. Cuốn này tôi biết, cuốn đấy tôi cũng biết. Mặc dù chỉ biết tên thôi nhưng đấy là sở thích của tôi, nên tôi vẫn muốn có nó. Có thể không hiểu hết được nhưng tôi vẫn đang đọc nó đấy. Một kẻ trông tầm thường, ít nói như tôi nhưng lại có nội tâm sâu sắc, tri thức phong phú đến thế đấy. Tôi chính là người có hiểu biết sâu sắc đấy.”

Dù chẳng bao giờ đọc kỹ mấy cuốn sách ấy, chẳng bao giờ để chúng thấm sâu vào tâm trí mình, nhưng tôi vẫn tiếp tục mua thêm thật nhiều sách. Tôi có cảm giác, giá trị của mình được thể hiện bằng số sách mà tôi có. Và từ lúc nào đó thì tôi đã coi mấy cuốn sách còn mới nguyên ấy chính là “bản thân mình”. Nhưng thực tế thì hầu hết số sách ấy đều chẳng cần dùng đến. Và những đĩa DVD, CD tôi tích trong nhà cũng vậy. Kể cả những cuốn tạp chí máy ảnh, những bức ảnh dán tường, bộ đồ ăn hay bộ sưu tập máy ảnh cũng thế. Tôi chất đầy chúng trong nhà dù chẳng một lần dùng đến.

Và khi đồ đạc trong nhà quá tải, chúng đã vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi. Quá nhiều đồ đạc nên việc dọn dẹp khó khăn hơn, rốt cuộc là tôi để nguyên căn phòng bụi bẩn. Vì thế mà dần dần tôi mất đi niềm tin vào bản thân và không còn động lực làm việc gì nữa. Cuối cùng để thoát khỏi cảm giác đó, tôi tìm đến rượu, và càng làm lại càng sai.

Những món đồ làm suy yếu bản thân

Tại thời điểm đó, những món đồ tôi có đã không còn là thứ để truyền tải “giá trị của bản thân”, thậm chí cũng không còn là “chính bản thân” tôi mà chúng là những món đồ “làm suy yếu con người tôi”.

Có vẻ câu chuyện đã hơi phức tạp với bạn nên tôi sẽ tóm gọn lại một chút.

Ban đầu, đồ vật được sử dụng với đúng chức năng của nó như các món đồ đá, đồ sành. Lúc đó, đồ dùng đúng là những món đồ cần thiết với chúng ta. Khi xã hội bắt đầu phát triển, đồ dùng bắt đầu được sử dụng cho những mục đích khác. Đó là mục đích thể hiện nguyện vọng to lớn của con người, thể hiện “bản thân có giá trị”.

Con người là loài động vật có tập tính xã hội, sinh hoạt theo bầy đàn nên nếu không thể chứng minh được “bản thân có giá trị”, con người dễ mắc bệnh trầm cảm và đi đến tự sát. Do đó, con người cần phải được ai đó công nhận là có giá trị.

Ngoài giá trị vẻ ngoài có thể dễ dàng thể hiện giá trị bản thân, chúng ta còn có giá trị nội tại bên trong. Tuy nhiên giá trị bên trong này rất khó để truyền tải ra ngoài và tốn khá nhiều thời gian mới làm được. Có một cách nhanh hơn để truyền tải giá trị bên trong của con người đó là thông qua đồ đạc. Bởi khác với các giá trị bên trong, đồ đạc được mọi người nhìn thấy và dễ dàng được công nhận hơn.

Tuy nhiên nếu bạn quá phụ thuộc vào ưu điểm này, rất dễ dẫn đến hậu quả là đồ đạc tăng quá tải. Những món đồ thể hiện giá trị bản thân của bạn sẽ dần trở thành chính giá trị của bạn. Tức là “đồ dùng = con người”. Khi đó bạn sẽ tiếp tục sắm đồ không ngừng nghỉ vì bạn thấy tăng đồ cũng là tăng giá trị con người.

Và lúc này, đồ dùng sẽ bén rễ trong nhà, cướp đi thời gian, công sức của bạn. Cuối cùng, những thứ vốn chỉ là dụng cụ trong nhà lại biến thành chủ nhân của chính bạn. Chúng không còn là những món đồ được sử dụng theo đúng chức năng hay những món đồ để thể hiện “giá trị của bản thân” mà trở thành thứ làm hao mòn con người bạn. Đồ đạc là chủ nhân, còn bạn trở thành người hầu.

Những món đồ tăng lên đến mức “làm tổn hại bản thân” bạn sẽ tiếp tục tăng lên đến mức hấp thụ hết năng lượng và thời gian của bạn. Những món đồ đó không còn là dụng cụ mà tồn tại trong nhà bạn như là chủ nhân của bạn. Dưới ảnh hưởng của chúng, bạn sẽ phải dùng cả đời này cho chúng và phải đấu tranh với người khác vì vị chủ nhân này.

Bản thân những món đồ này không tốt cũng chẳng xấu. Nhưng khi bạn tăng nó lên mức độ như vậy là đang biến nó thành xấu. Chúng ta cần phải thay đổi lại cách nhìn này. Đồ đạc không phải là chính con người bạn, cũng không phải là chủ nhân của bạn. Chúng chỉ là những dụng cụ mà thôi. Chúng cũng không phải là những món đồ được sắm vì cách nhìn của người khác, chúng chỉ là những thứ cần thiết với bạn mà thôi.

Chương tiếp theo tôi muốn giới thiệu cụ thể về phương pháp, quy tắc để giảm bớt đồ đạc. Nếu bạn đang có quá nhiều đồ đến mức làm hao mòn chính bản thân mình, tôi khuyên bạn nên thử một lần rời xa nó. Dù không có món đồ nào, bạn cũng có thể tồn tại trong xã hội này.

Hãy mạnh dạn vứt bỏ những món đồ đang làm tổn hại đến chính bạn.

 

 

Bình luận