Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

55 Quy Tắc Vứt Bỏ

Tác giả: Sasaki Fumio

Quy tắc 1: Trước hết hãy “vứt bỏ” suy nghĩ: “Không bỏ được”

Trên đời này chẳng có ai là có tính “không thể vứt đồ đi được”, đó chỉ là những suy nghĩ trong đầu chúng ta mà thôi. Trong tâm lý học có một thuật ngữ là “Tập nhiễm bất lực”. Nó có nghĩa là thực tế, bạn có khả năng cải thiện tình hình, nhưng sau khi trải qua vài lần thất bại “không vứt đi được”, bạn không còn muốn thay đổi tình trạng này nữa.

Nếu ý thức được tại sao bạn không thể vứt đi được thì dần dần, bạn sẽ làm được và quyết định vứt bỏ không còn phụ thuộc vào tính cách của bạn. Thực tế là không tồn tại loại người không thể vứt bỏ đồ đạc, cũng như không tồn tại kiểu tính cách như vậy. Bạn không vứt đi được không có nghĩa bạn là người xấu xa, chỉ đơn giản là bạn chưa luyện được “kỹ năng vứt bỏ” mà thôi. Hay nói cách khác, bạn chỉ tạo cho mình “thói quen không vứt bỏ” mà chưa trang bị thói quen vứt bỏ vậy. Bản thân tôi từ một người chỉ biết sống trong một căn phòng bừa bộn nay đã chuyển sang sống theo lối tối giản. Sự thay đổi đấy không phải là tính cách của tôi, mà tôi đã tập cho mình thói quen và kỹ thuật để có thể vứt bỏ đồ đạc.

Quy tắc 2: Vứt bỏ là một kỹ thuật

Nếu không tập nói tiếng Pháp, bạn không thể nói chuyện với người Pháp được. Cũng tương tự như vậy, nếu không luyện tập ngay từ bây giờ thì bạn không thể trở thành chuyên gia vứt đồ được. Từ ngày tôi bắt đầu vứt bỏ đồ đạc cho đến nay đã hơn 5 năm rồi. Tất nhiên bạn có thể rút ngắn thời gian này lại.

Bản thân việc vứt đồ không tốn thời gian. Ngày thứ nhất bạn vứt rác, ngày thứ hai bạn bán hết sách và đĩa CD, ngày thứ ba bạn dọn hết đồ điện gia dụng, ngày thứ tư bạn xử lý các dụng cụ trong nhà… Chỉ cần một tuần là bạn có thể dọn hết đồ đạc dù nó có cồng kềnh thế nào đi nữa. Vậy nên, chuyện tốn thời gian không nằm ở khâu vứt đồ, mà đó là lúc bạn quyết tâm bỏ đồ gì đi. Cũng giống như học ngoại ngữ, bạn càng nói nhiều thì càng giỏi, càng vứt đồ nhiều, bạn càng thành thạo. Đến khi bạn tạo cho mình thói quen vứt bớt đồ đi rồi thì quãng thời gian từ lúc quyết định đến lúc vứt thực sự càng được rút ngắn. Cuối cùng, bạn có thể thoải mái mà vứt đồ đi. Thực sự, vứt đồ chính xác là một kỹ thuật.

Quy tắc 3: Vứt đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”

Lúc vứt bớt đồ đạc, thường thì trong lòng bạn chỉ cảm thấy thật mất mát khi phải bỏ đi một thứ gì đó. Nhưng hãy nói lời chào thân ái với suy nghĩ ấy đi. Vì những thứ bạn có được còn nhiều hơn tưởng tượng của bạn đấy. Đó là thời gian, là không gian, là việc dọn dẹp dễ dàng, là sự tự do hay là năng lượng cho bản thân… Những lợi ích này tôi sẽ giới thiệu kĩ hơn với bạn trong chương bốn, nhưng thực sự những gì bạn có được sau khi vứt bớt đồ đạc là không thể đong đếm được.

Bởi vậy, khi vứt thứ gì đó đi, đừng nghĩ đến chúng nữa mà hãy nghĩ đến những lợi ích chúng mang lại cho bạn.

Tôi có thể quyết tâm vứt bớt đồ đạc đi cũng là nhờ nhận ra những lợi ích như vậy. Ngược lại, nếu bạn không nhìn thấy mặt tốt trong việc này thì rất khó để có thể hình thành thói quen giảm bớt đồ đạc. Và thực sự thì những lợi ích mà bạn không nhìn ra ấy còn lớn hơn rất nhiều so với những đồ dùng bạn vứt đi.

Vậy nên, khi vứt bớt đồ, bạn hãy nghĩ đến mặt tốt mà mình có được nhé.

Quy tắc 4: Xác định lý do không thể vứt bỏ

Chắc hẳn không có mấy người chỉ trong một đêm có thể thành người sống tối giản được. Như tôi đã nói ở trên, vứt đồ chính là một kỹ thuật. Bởi vậy nên ngay cả bản thân tôi, từ một người không dám vứt đồ trở thành như hiện nay cũng có rất nhiều thứ không nỡ vứt đi. Không dám vứt đồ không phải là điều gì đáng xấu hổ, nhưng trước hết bạn cũng cần phải làm rõ lý do vì sao bạn không nỡ vứt đồ như vậy. Giai đoạn đầu tiên này, dù bạn không vứt được gì thì cũng không sao cả.

Tôi đã nhiều lần tự hỏi, vì sao mình lại không thể vứt những món đồ này đi. Và tôi cũng đã thấy thật nhiều lý do: Bởi những thứ này rất đắt, bởi nếu vứt chúng đi thì thật tội lỗi, bởi tôi cảm thấy thật tiếc vì không sử dụng hết chúng. Hoặc cũng có thể vì tôi cảm giác như mình đang vứt bỏ những kỉ niệm đáng nhớ, hay mỗi lần thấy chúng tôi lại không vứt được. Thậm chí lí do đơn giản chỉ là việc vứt đồ thật phiền toái.

Nói tóm lại, lúc mới bắt đầu, bạn có thể không vứt được gì cả, nhưng phải xác định rõ lý do không vứt đi được là gì.

Quy tắc 5: Không có chuyện không vứt được, chỉ đơn giản là không thích mà thôi

Nhà triết học Spinoza đã nói: “Khi người ta nói không làm được tức là người ta không muốn làm”. Khi bạn nghĩ muốn cắt giảm đồ đạc trong nhà, thì đồng thời trong đầu bạn cũng có suy nghĩ không muốn vứt chúng đi. Vì thế nên việc xác định rõ lý do thực sự khiến mình không muốn làm rất quan trọng.

Nếu bạn nói đó chỉ là những cảm giác của bạn thì cũng thật khó mà tin được. Hay bạn có thể đưa ra vài lý do rất hay như: những món đồ này chứa đầy kỉ niệm hay đây là món quà tôi nhận được từ một người rất quan trọng… Nhưng đằng sau những lý do mỹ miều ấy, thực ra chỉ là bạn ngại việc vứt đồ tốn công sức hay quá phiền toái mà thôi.

Con người luôn có xu hướng thích duy trì trạng thái và thích hưởng lạc. Nếu phải chọn giữa việc phải hoạt động khi vứt đồ và việc được an nhàn khi để đồ dùng ở nguyên vị trí thì chắc hẳn ai cũng muốn chọn vế sau rồi. Thế nhưng, nếu bạn chỉ muốn được an nhàn khi “để đồ dùng ở nguyên vị trí” thì chẳng mấy chốc bạn sẽ bị chôn vùi trong đống đồ đạc khổng lồ. Thế nên, bạn hãy nghĩ đến cảm giác đấy mỗi khi muốn vứt đồ đi nhé.

Quy tắc 6: Bộ nhớ, năng lượng và thời gian của chúng ta đều là những thứ có giới hạn

Tôi đã gom hết các tài khoản ngân hàng của mình và bỏ bớt mấy cái thẻ không cần thiết. Xét về trọng lượng thì thẻ rút tiền hay thẻ tín dụng cũng chỉ là mấy tấm thẻ mỏng mà thôi. Nhưng nếu có quá nhiều thẻ thì chúng sẽ chiếm một lượng lớn bộ nhớ của bạn. Bạn sẽ phải nhớ hiện trong các thẻ mình có bao nhiêu, ngày rút tiền là ngày nào, rồi còn phải đề phòng trộm cắp, hay lúc mất ví thì nguyên việc báo mất thẻ cũng đã tốn thời gian rồi.

Chính vì vậy mà mấy tấm thẻ mỏng này lại có thể chiếm một phần lớn trong tâm trí bạn, lấy hết năng lượng, thời gian của bạn. Trong bộ nhớ của con người, ổ cứng được lập trình cách đây năm nghìn năm và đến giờ vẫn không được cải tiến, chẳng có chỗ để nhét được những thứ vô bổ như vậy. Thậm chí tôi còn muốn xóa cả những dữ liệu, những ứng dụng dư thừa để đẩy nhanh tốc độ hành động của mình. Có như vậy tôi mới có không gian trống để suy ngẫm xem đâu mới là điều quan trọng với mình. Nếu không, dù có đặt những việc đấy trước mặt tôi đi chăng nữa, thì với những chương trình chạy chậm thế này tôi cũng không thể hoàn thành được.

Quy tắc 7: Hãy vứt bỏ ngay bây giờ. Vứt bỏ chính là khởi đầu cho mọi thứ

Khi nào có thời gian, tôi sẽ vứt bớt đồ đi. Sau khi suy tính kỹ càng, tôi sẽ vứt đồ vào một lúc nào đó. Xin thưa với bạn là khi bạn còn chìm trong đống đồ đạc của mình thì cái “lúc nào đó” chính là vĩnh viễn.

Không phải là khi bình tĩnh suy nghĩ lại thì bạn mới vứt được cái gì đó đi, ngược lại, sau khi vứt đồ đi, bạn có thể tĩnh tâm suy nghĩ về nhiều thứ. Cũng không phải là vì có thời gian mà bạn mới vứt được đồ, mà sau khi vứt đồ đi, bạn mới có thời gian cho mình. Vậy nên, hãy vứt đồ ngay từ bây giờ. Vứt đồ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bạn.

Vứt đồ là một kỹ thuật, nhưng không phải sau khi thành thục kỹ thuật ấy bạn mới vứt được đồ. Cũng không phải nhờ đọc cuốn sách này mà bạn có thể bỏ đi món gì được. Chỉ có vừa vứt đồ, vừa rèn luyện kỹ thuật bản thân mới là con đường tốt nhất cho bạn. Ngay bây giờ bạn có thể gấp cuốn sách này lại và lấy túi rác ra thực hành được rồi đấy.

Nếu bạn không vứt đồ ngay bây giờ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết vứt cái gì được. Chờ đến khi bạn suy tính kỹ càng, chờ đến khi bạn có thời gian thì vĩnh viễn bạn cũng không thể dọn được đồ trong nhà. Vứt đồ, chính là bắt đầu cho mọi thứ.

Quy tắc 8: Sau khi vứt, chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu

Từ lúc tôi bắt đầu dọn bớt đồ đến bây giờ, đồ đạc trong nhà tôi hiện có đã được giảm xuống còn khoảng 5%. Tức là nếu tôi có 1000 món đồ thì tôi đã vứt đi 950 món rồi. Thực sự là trong 950 món đó chẳng có món nào tôi hối tiếc sau khi đã vứt đi cả. Thậm chí còn có những món mà tôi chẳng thể nào nhớ ra nó nữa. Trong lòng tôi cảm thấy: “Vứt được chúng đi thật là tốt”. Thực sự, không có một món nào khiến tôi phải ôm chăn mà tiếc nuối.

Thực ra, cảm giác phiền toái khi phải vứt thứ gì đó đi chính là sự lo lắng của bạn, sau khi vứt đi, nếu cần dùng đến thì phải làm thế nào, hay thực sự là sau khi vứt đi thì sẽ thoải mái hơn chứ…

Tôi rất hiểu nỗi lo lắng ấy của bạn. Bất cứ ai cũng sẽ lo lắng những điều như vậy. Nếu bạn đang lo lắng, hãy nghe câu nói này: Sau khi vứt đi, chẳng có món đồ nào khiến tôi phải hối hận. Đối với những món đồ mà bạn vứt đi, hãy nói với chúng rằng: Vứt được chúng mày đi thật là tốt.

Quy tắc 9: Đầu tiên hãy vứt những loại rác rõ ràng trước

Để tập cho mình thói quen vứt đồ, bạn cần biết vận dụng phương pháp luận về việc tạo thói quen cho mình. Ví dụ, khi bạn muốn tập thói quen chạy bộ, thì tốt nhất bạn hãy làm như sau: Ngày đầu tiên, đặt mục tiêu là “đi đến thềm nhà”. Ngày thứ hai, mục tiêu là “đi giày chạy bộ ở thềm nhà”. Cứ như vậy, bạn chỉ cần đặt ra những mục tiêu nho nhỏ cho mình. Khi đạt được mục tiêu đề ra ấy, bạn sẽ có cảm giác thành công nho nhỏ. Và nếu bạn tích đủ những thành công nhỏ ấy, bạn có thể đi đến thành công lớn hơn. Cầu thủ Ichiro đã từng nói: “Việc tích góp nhiững điều nhỏ nhặt chính là một con đường đưa bạn đến với bất ngờ”. Và việc vứt đồ cũng giống như vậy, bạn hãy gom cho mình những niềm vui nho nhỏ khi “đã vứt được rồi” nhé.

Trước hết, bạn hãy bắt đầu từ việc vứt những rác thải mà bất cứ ai cũng có thể thấy. Đấy là mấy cái chai rỗng hay mấy hộp cơm hết… Nếu chúng đang nằm rải rác trong nhà bạn thì hãy vứt chúng luôn đi nào. Sau đó, bạn hãy kiểm tra tủ lạnh và nhớ vứt những đồ ăn quá hạn sử dụng luôn nhé. Tiếp tục, bạn hãy vứt những bộ quần áo đã rách, những đồ điện dân dụng bị vỡ, hỏng… Đó chính là rác thải mà bất cứ ai cũng thấy rõ. Việc vứt bớt đồ đạc của bạn cũng bắt đầu từ khâu này đấy.

Quy tắc 10: Vứt những thứ có nhiều

Có một loại đồ rất dễ để vứt, đó chính là những món đồ có nhiều trong nhà. Đồ dùng, dụng cụ các loại chỉ cần một cái là đủ. Tại sao trong nhà lại có đến hai, ba cái kéo. Tại sao lại có đến năm, sáu cái bút bi chẳng viết đến bao giờ, rồi còn có hai cái bút lông mà chẳng mấy khi viết đến. Bạn không thể nhớ hết vị trí của các món đồ trong nhà vì cũng một món lại có nhiều cái, chúng không có chỗ để cố định nên đương nhiên sẽ nằm lung tung trong nhà bạn. Thậm chí, bạn còn chẳng biết được món này trong nhà mình có bao nhiêu cái nữa.

Nếu bạn có ba cái kéo, bạn không bắt buộc chỉ được giữ một cái. Trong ba cái, bạn có thể vứt đi một cái cũng được. Cách lựa chọn cũng rất đơn giản, bạn cứ vứt cái nào xấu nhất, cái nào không dùng đến hay cái nào cùn nhất. Bạn giảm số lượng kéo trong nhà không có nghĩa là bạn không cắt được nữa. Bạn vứt bớt bút đi cũng không có nghĩa là bạn không viết được nữa.

Hãy giảm dần số lượng của những món đồ có nhiều, để cuối cùng bạn chỉ cần giữ lại một cái thôi.

Quy tắc 11: Vứt những thứ đã không dùng trong một năm

Tiêu chí của chúng ta bây giờ là vứt những thứ không dùng đến. Đây chính là quy tắc vàng để có thể cắt giảm đồ đạc. Bạn cũng hãy vứt những món đồ mà bạn không định dùng đến. Còn những món đồ như: chăn bông dùng cho mùa đông năm nay, áo khoác bạn mặc mỗi năm hay đồ bơi bạn dùng cho mùa hè tới thì không thể bỏ được.

Với những đồ mà cả năm bạn không dùng đến thì sau này bạn cũng chẳng dùng đến nó. Năm nay bạn không dùng, thì năm sau không có nó cũng chẳng có chuyện gì. Những món đồ đấy bạn không nên giữ lại làm gì, tốt nhất là vứt đi thì hơn. Tuy nhiên, những đồ dùng phòng cho trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai… thì lại khác đấy nhé.

Bụi bặm là thứ đáng ghét, dù ta có lau chùi bao nhiêu lần thì nó vẫn sẽ bám lại. Nhưng đồng thời, nó cũng là dấu hiệu cho thấy ta nên vứt bỏ cái gì. Những món đồ bám bụi chắc chắn là những món đồ không được sử dụng. Những gì năm nay chúng ta không dùng thì đến năm sau, năm sau nữa chúng ta cũng không cần đến. Bạn hãy dừng ngay việc tiêu tiền bạc, sức lực và thời gian để bảo quản chúng.

Quy tắc 12: Vứt những món đồ vốn chỉ sắm theo cách nhìn của người khác

Như ở chương hai tôi có nói, những người có điều kiện thường hay thể hiện “giá trị của bản thân” qua đồ dùng của mình. Vì vậy chúng ta cũng nên nhìn lại một lần nữa xem : Những món đồ này có thực sự là những thứ mình thích hay không? Hay đó chỉ là những món đồ để ta có thể thể hiện bản thân với mọi người xung quanh? Có lẽ hầu hết mọi người đều sẽ để ý xem người khác nhìn mình như thế nào. Nếu bạn đang có những món đồ như vậy, tốt nhất là nên vứt chúng đi.

Bất cứ ai dù ít hay nhiều cũng đều phải gắng sức vì mục đích nào đó. Có thể là muốn sắm đồ dùng, dụng cụ nấu nướng yêu thích, hoặc muốn trở thành công tử hào hoa phong nhã có xe, đồng hồ, bút máy cao cấp. Cũng có thể vì muốn được chăm sóc bản thân bằng những sản phẩm cao cấp sang trọng hoặc hướng đến một cuộc sống trong mơ, hòa hợp với thiên nhiên…

Nếu bạn không cần phải tốn công tốn sức để bảo quản món đồ nào đó mà có thể sử dụng hết các tính năng của nó, đồng thời thấy vui vẻ mỗi khi dùng thì đó chính là món đồ mà bạn cần. Ngược lại, nếu những món đồ đó sắm về chỉ để có được sự nhìn nhận của người khác thì bạn nên vứt nó ngay thôi.

Quy tắc 13: Phân loại đồ dùng cần thiết và đồ dùng mong muốn

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể. Bạn ăn mặc gọn nhẹ, tay không lên núi. Bạn bị lạc ở một nơi nào đó mà bạn không biết. Rồi thời tiết chuyển xấu, mưa lạnh, ẩm ướt. Không đồ ăn, thức uống. May mắn bạn tìm được một lán nhỏ, tìm được một cái chăn ấm. Cái chăn đó chính là đồ vật cần thiết cho bạn.

Ngày nay, chỉ cần bước ra khỏi nhà thôi là bạn đã bị hấp dẫn bởi vô vàn hàng hóa được bày bán khắp mọi nơi. Nào là đồ điện tử mới nhất, những dụng cụ tiện lợi cho cuộc sống, những món đồ trang trí lung linh, những bộ đồ thời thượng… Chỉ cần nhìn qua thôi, ai cũng sẽ khát khao có được. Những lúc trời lạnh, bạn chỉ cần một cái chăn thôi, nhưng bạn còn muốn cái thứ hai có họa tiết thật đẹp, cái thứ ba có chất liệu mềm mại…

Khi bạn nghĩ muốn một món đồ nào đó, nếu bạn tự hỏi mình nhiều lần xem nó có thực sự cần thiết không, có lẽ bạn sẽ bỏ qua hầu hết các món đồ. Thiền sư Koike Ryunosuke đã nói: Bạn hãy thử đặt tay lên ngực. Nếu bạn cảm thấy thật khổ sở, thì đó không phải là thứ bạn cần, mà đó chỉ là thứ bạn muốn có mà thôi. Khi bạn cảm thấy “khổ sở” tức là bạn đang nghĩ mình còn thiếu thốn cái gì đó trong khi bạn đang rất đầy đủ rồi.

Quy tắc 14: Chụp ảnh những món đồ mà bạn khó có thể vứt đi được

Cách này đã giúp tôi rất nhiều khi muốn vứt những món đồ mà tôi không nỡ vứt đi. Tôi cũng có nhiều món không nỡ vứt, nên cho đến bây giờ, tôi vẫn hay chụp ảnh những món mà mình định vứt. Thậm chí có lần tôi đã chụp ảnh một cái bấm móng tay trước khi ném nó đi. Thực ra, điều khiến chúng ta không nỡ vứt cái gì đó đi không phải là giá trị của món đồ đó, mà là những kỷ niệm xung quanh món đồ ấy.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc vứt đồ hoàn toàn khác với việc vứt những kỷ niệm ấy. Có những người dù biết vậy nhưng vẫn không nỡ vứt đi, có lẽ đó chính là sự tốt bụng của con người. Những bức ảnh chính là để gợi nhớ cho bạn về những kỉ niệm đáng nhớ ấy. Nào là bài văn con làm ở trường, quà kỷ niệm từ chuyến du lịch, hay món quà được tặng từ ai đó… Nếu bạn chụp ảnh chúng lại, bạn sẽ dễ dàng vứt chúng đi hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi thì bạn cũng chẳng mấy khi xem lại những bức ảnh đó đâu. Tôi đã chụp cả nghìn bức ảnh nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy xóa nó đi cũng được rồi. bạn càng vứt đi nhiều thì bạn lại càng chỉ chú ý đến “hiện tại” của mình thôi. Nhưng cho đến lúc bạn có thể thoải mái vứt đồ mà không cần chụp ảnh thì trước hết bạn cứ chụp chúng lại đi nhé.

Quy tắc 15: Chuyển những kỷ niệm thành dữ liệu sẽ giúp bạn dễ ôn lại kỷ niệm hơn

Tôi đã từng rất thích máy ảnh phim. Đến bây giờ tôi cũng không tính được hết tiền mua phim và tiền rửa ảnh của mình là bao nhiêu nữa. Lúc nào tôi cũng mang theo chiếc máy ảnh bỏ túi yêu thích mỗi khi ra ngoài. Tôi thích chụp ảnh, nhưng lại chẳng bao giờ biết sắp xếp lại những bức ảnh mình đã chụp. Những bức ảnh đã in ra, phim âm bản… tất cả đều được nhét nguyên trong túi sau khi tôi đã rửa ảnh ở cửa hàng. Thế nên nhiều lúc tôi cũng chẳng nhớ mình chụp mấy tấm này ở đâu, lúc nào. Vả lại, tôi chụp được bức nào là cất vào tủ bức đấy nên phải rất lâu tôi mới lấy ra xem lại. Tóm lại, tôi là kẻ chỉ thích chụp ảnh thôi chứ chẳng xem lại bao giờ.

Tôi đã scan hết mấy tấm ảnh chụp và cả những bức thư nhận được bằng Scan Snap rồi chuyển chúng thành file dữ liệu. Và bây giờ thì tôi có thể dễ dàng xem lại chúng bất cứ lúc nào. Bạn chỉ cần đặt tên file là ngày và nơi chụp, là có thể gợi nhớ lại những kỷ niệm gắn liền với những bức ảnh đó. Thậm chí bạn có thể lưu trữ ở hai nơi cũng được. Nếu lưu chúng vào Cloud Storage, bạn có thể xem lại album của mình ở bất cứ nơi đâu.

Quy tắc 16: Anh đồ đạc, người bạn ở chung phòng, đến cả tiền nhà cũng không trả

Người ta nói rằng khi mình ngồi, chỉ chiếm một nửa chiếc chiếu tatami, còn khi nằm thì chiếm hiết một chiếu. Và không gian cần thiết cho cuộc sống của chúng ta chỉ có như vậy mà thôi. Kể cả có người nào chuyển vào sống cùng ta đi chăng nữa thì họ cũng chỉ lấy thêm một phần không gian tương tự như vậy. Thế nên, dù có thêm một người nữa sống cùng thì tiền thuê nhà cũng không đáng kể mới phải.

Tuy nhiên, hiện nay, bất cứ ai dù là người sống một mình đi chăng nữa thì cũng có một người bạn chung phòng. Đó là anh đồ đạc. Và không gian để anh đồ đạc này nằm, ngủ… lại không chỉ là một nửa, hay là một chiếu tatami như mọi người.

Có lẽ ai trong số chúng ta cũng mong muốn rằng: “Ước gì mình được sống trong trong một ngôi nhà to đẹp nhỉ”. Nhưng thực ra đó không phải là ước muốn cho bản thân chúng ta, mà là ước muốn của anh đồ đạc này khi muốn ở một nơi rộng rãi mà thôi. Anh chàng này chẳng bao giờ làm một việc nhà nào để có thể sống gọn gàng ngăn nắp hơn, thậm chí còn gây thêm cho chúng ta nhiều việc nhà phiền phức khác. Những trường hợp như vậy chúng ta không thể nào cứ thoải mái trả tiền nhà cho anh ta được, hãy cho anh ta ra khỏi nhà, hoặc để mấy anh quá to béo phải giảm cân thôi.

Quy tắc 17: Hãy bỏ ngay ý tưởng “dọn dẹp”, “sửa sang” đi

Trong lần tổng vệ sinh cuối năm, chắc ai cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Và bạn cũng sẽ vứt bớt một vài thứ trong nhà và sắp xếp lại mấy món đồ linh tinh nằm rải rác khắp nhà. Nhưng, bạn hãy nghĩ xem, sang năm bạn cũng sẽ lặp lại như vây. Bạn chỉ cố để mấy món đồ này không ra khỏi vị trí cố định ban đầu của nó. Bạn cũng chỉ thu dọn lại mấy món vương vãi khắp nhà, hay cố nhét chúng vào đâu đấy. Việc này chỉ làm bạn tốn thời gian, bận rộn thêm và khiến mọi thứ quay về tình trạng ban đầu thôi. Chỉ với việc dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì bạn sẽ phải lặp đi lặp lại nó mãi mà thôi.

Điều quan trọng hơn việc dọn dẹp, sửa sang đó chính là giảm số lượng đồ đạc trong nhà. Nếu bạn giảm được số lượng đồ đạc thì tự nhiên sẽ giảm được tình trạng đồ đạc vương vãi khắp phòng. Bây giờ thì trong phòng tôi chẳng có mấy đồ đạc nên cũng không có chuyện đồ đạc bừa bãi lung tung. Và tôi cũng chẳng còn khái niệm về vấn đề này nữa.

Quy tắc 18: Hãy vứt cái tổ mang tên “dọn dẹp”

Đây chính là một điểm quan trọng trong quá trình vứt bớt đồ đạc của bạn. Thường thì mọi người sẽ cho rằng trong quá trình dọn dẹp lại nhà cửa, mình cũng sẽ vứt bớt được một số thứ và dần dần sẽ vứt được hết những đồ thừa thãi đi.

Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng xem một ví dụ tương tự trong trường hợp diệt sâu như sau.

Sau khi bạn giết hết con này đến con khác thì liệu tổ của nó có sạch hết sâu hay không? Dù bạn có giết từng con một thì đến một lúc nào đó, sâu trong các tổ lại tăng lên. Tương tự như vậy, nếu bạn có một cái tổ mang tên dọn dẹp, dù bạn có giảm được đồ đạc trong nhà thì đến một lúc nào đó, những món đồ cũng sẽ “sinh sôi” thêm, càng ngày càng nhiều hơn nữa. Bởi vậy, ngay từ đầu, bạn cần phải dẹp luôn cái ổ này đi, dẹp luôn nơi trú ngụ của những món đồ này.

Khi bạn bỏ đi khâu dọn dẹp này, tất nhiên đồ đạc sẽ nằm lung tung, vương vãi trong nhà. Bất cứ ai khi nhìn vào cũng không thể để nguyên tình trạng như vậy được. Và tự nhiên, bạn sẽ giảm dần lượng đồ đạc mình đang có. Không có vệc dọn dẹp, những món đồ này cũng như những con sâu yếu ớt không có tổ, đến một lúc nào đó sẽ tự biến mất thôi.

Quy tắc 19: Giữ nguyên không gian chết trong nhà

Nói đến việc dọn dẹp, không thể không nhắc đến khái niệm “không gian chết”. Thường thì với các khoảng trống không làm gì trong nhà, ta thường tận dụng nó tối đa để chất đầy đồ đạc. Ví dụ bạn kê một chiếc máy giặt và bên trên chiếc máy giặt đó còn trống, thế là bạn treo thêm một cái giá để đựng khăn lau hay bột giặt… Nếu mới chỉ như vậy thì vẫn rất bình thường. Nhưng nếu bạn tận dụng hết các khoảng không trong nhà, căng hết dây treo hay gắn thêm giá đỡ để cất đồ thì việc dọn dẹp của bạn sẽ trải qua hết ngày này đến ngày khác. Lúc đó, bạn chẳng thể hưởng thụ cuộc sống thoải mái được vì chẳng bao giờ bạn dứt ra khỏi việc dọn dẹp đấy cả.

Giống như khi bạn lên một chiếc xe buýt chật cứng người, khi bạn nhìn thấy đống đồ bị nhét vào mọi ngóc ngách bạn cũng sẽ thấy bức bối khó chịu. Thêm vào đó, việc dọn dẹp hết đống đồ đó tốn công sức hơn bạn tưởng rất nhiều. Có một câu nói là: Tác dụng của thứ vô dụng. Câu này có nghĩa là có những thứ nhìn qua tưởng như vô dụng nhưng thực tế lại có tác dụng vô cùng to lớn. Và chính những khoảng trống nhìn qua thì có vẻ là “không gian chết” này lại giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống.

Quy tắc 20: Hãy vứt ý tưởng “một lúc nào đó” nhưng chẳng bao giờ đến

Khi đi mua đồ điện, tôi mang về thêm một đống phụ kiện. Khi sắm máy hút bụi, tôi cũng mua luôn những trang bị đi kèm mà chưa một lần sử dụng. Có những con vít mà tôi chẳng hiểu mình mua nó làm gì. Hay trong nhà tôi còn rất nhiều dây cáp tôi tích sẵn phòng khi cần đến, nhưng tôi cũng không biết phải lắp nó vào đâu. Giờ đây, tôi mới nhận ra là những món đồ cần thiết cho một lúc nào đó như vậy sẽ chẳng bao giờ dùng đến. Thậm chí tôi còn quên luôn mình có nó trong nhà, thế nên khi cần đến tôi cũng không dùng chúng. Cả giấy bảo hành phòng khi đồ dùng hư hỏng tôi cũng vứt luôn vì chẳng bao giờ mở ra cả.

Tôi hay tích trong nhà đầy những hộp kẹo rỗng, những chiếc túi xinh đẹp phòng khi “một lúc nào đó” sẽ dùng. Rồi còn cả quyển sách tiếng Anh mà tôi định học lúc rảnh hay bộ đồ chơi tôi đang chơi dở. Nhưng thực tế thì thời điểm “một lúc nào đó” ấy sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Thế nên bạn hãy vứt hết chúng đi, chỉ cần giữ những món đồ cần thiết cho hiện tại mà thôi.

Quy tắc 21: Hãy vứt một thời lưu luyến

Điều quan trọng khi vứt bớt đồ đạc đó là nó có quan trọng với mình “ngay lúc này” hay không. Cũng giống như việc dù bạn có chuẩn bị sẵn đồ dùng cho một lúc nào đó trong tương lai thì cuối cũng cũng sẽ thành lãng phí, nếu bạn cứ giữ mãi những đồ vật trong quá khứ, thì những món đồ này sẽ tăng lên mãi không thôi.

Những quyển sách giáo khoa thời học sinh, những cuốn sách giúp ta trưởng thành hơn khi còn tấm bé, những bộ đồ tủ trước đây, những sở thích một thời hay những món quà kỉ niệm của người yêu… Nếu cứ mãi chìm trong quá khứ, thì bạn chẳng bao giờ nhận ra được “hiện tại” của bản thân. Chỉ quan tâm đến quá khứ, bạn cũng đã tạo ra cho mình thái độ khinh thường chính bản thân ở hiện tại.

Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, chỉ nên giữ những thứ cần thiết cho “hiện tại” mà thôi.

Quy tắc 22: Vứt những món đồ lãng quên

Một người sống tối giản lý tưởng là có thể cho đi hết những đồ vật của mình. Nếu chỉ giữ những món đồ hay sử dụng, những món thật cần thiết cho mình thì chắc chắn bạn có thể nhớ hết những đồ vật mình đang có. Hay nói ngược lại, những món đồ mà bạn đã quên thì thực sự không phải là thứ quan trọng với bạn.

Khi dọn phòng và vứt bớt đồ, bạn sẽ gặp phải những thứ mà chính bạn cũng phải thốt lên: “Mình cũng có cái này á!” Nếu biết nói, chắc hẳn chúng sẽ trả lời là: ‘Vâng, vâng, anh có đấy, chính anh đấy.”

Ví dụ những bộ quần áo nằm yên trong góc tủ. Bạn có thể phối hợp với những phụ kiện khác, nhưng đến tận bây giờ, bạn vẫn không đụng đến nó, thế nên nó không cần thiết với bạn. Bởi nếu cần thiết thì nó đã không nằm yên một chỗ như vậy. Rồi cả những đồ vật nho nhỏ bị rơi vào khe giữa tivi và bức tường cũng không còn cần thiết nữa. Nếu cần nó, bạn đã lật tung cả ngôi nhà lên để tìm rồi. Hay nếu bạn có những thùng giấy được chuyển đi chuyển lại mỗi khi chuyển nhà mà chẳng mở ra lần nào, thì nói thật là sau này bạn cũng không cần đến nó đâu. Hoặc nếu có những thùng giấy mà bạn cũng không nhớ mình nhét gì vào trong đấy thì bạn vứt luôn đi cũng được.

Quy tắc 23: Đừng trở thành nhà sáng tạo khi vứt đồ

Mỗi khi vứt đồ, chúng ta có thể nảy ra những ý tưởng sáng tạo đáng kinh ngạc mà bình thường không bao giờ nghĩ đến.

“Từ từ đã nào. Cái hộp kẹo rỗng này trông có vẻ còn dùng được vào việc gì đó. Nếu dùng nó làm hộp đựng thuốc thì sao nhỉ.”

“Quả nhiên, cái túi Tote này không dùng được nữa rồi, ngày mai vứt nó đi thôi. Ơ không, dùng nó để đựng mấy cái túi giấy cũng được ấy nhỉ.”

“Cái lọ nước hoa này đẹp thật đấy, nhưng mà mình chẳng dùng nữa, hay là vứt đi thôi. À không! (khi nào có thời gian) mình sẽ mua dây điện ở Tokyu Hands và biến nó thành một cái đèn tuyệt đẹp.”

Có lẽ, bạn sẽ chẳng bao giờ làm xong cái đèn đấy đâu. Thực ra, bạn chỉ nghĩ ra mấy ý tưởng kỳ quái này để trốn việc phải vứt đồ đi mà thôi. Dù những ý tưởng này có vẻ khả thi đến đâu đi chăng nữa thì cũng không đang tin được. Mỗi khi chúng ta vứt đồ là chúng ta lại có thể biến thân thành một nhà sáng tạo hàng đầu thế giới.

Quy tắc 24: Hãy bỏ ý tưởng “lấy lại vốn”

Một trong những lý do chính khiến chúng ta cảm thấy “Tiếc quá!” mỗi khi vứt đồ đó chính là những món đồ đó rất đắt. Và trong đầu chúng ta luôn có suy nghĩ: “Nó đắt đến thế mà mình lại chưa lấy lại được hết vốn nữa”. Tuy nhiên, trong tương lai bạn cũng không có khả năng lấy lại tiền vốn đâu.

Tôi có thể đưa ra một ví dụ cho bạn: “Bạn có một chiếc áo từ kiểu dáng đến màu sắc thật tuyệt, mỗi tội kích cỡ không vừa nên chẳng thể mặc được. Và vì bạn đã tốn rất nhiều tiền để mua nó, nên bạn không nỡ vứt nó đi.

Nhưng, bạn hãy nghĩ thêm một chút. Nếu bạn không vứt nó đi thì chiếc áo này sẽ chiếm mất không gian nhà bạn, và mỗi lần nhìn thấy nó, tâm trạng của bạn lại càng đi xuống: “Ôi, mình chẳng dùng đến nó. Mua lỗ rồi…” Nếu quy đổi những tổn thất này ra tiền thì, cái áo này đang âm thầm lấy đi của bạn từ vài chục đến vài trăm yên mỗi ngày. Những món đồ khác cũng vậy. Với những cổ phiếu giá giảm liên tục thì tốt nhất hãy tống khứ nó đi. Bạn cũng hãy vứt luôn ý tưởng “lấy lại vốn đi”. Để bảo đảm được túi tiền và tâm trạng sau này của mình, thì bạn nên bỏ qua lần lỗ vốn này càng nhanh càng tốt.

Quy tắc 25: Vứt “hàng dự trữ”

Nếu không có sẵn hàng nhu yếu phẩm hàng ngày như giấy vệ sinh, khăn giấy… thì những lúc cần dùng đến sẽ rất bất tiện. Vì thế nên mình sẽ mua thật nhiều và tích sẵn trong nhà. Bây giờ đang giảm giá, mua nhiều thôi… Bạn hãy tạm biệt luôn những ý tưởng này trong ngày hôm nay nếu thực sự muốn giảm bớt đồ đạc trong nhà.

Những món đồ mua nhiều hơn mức cần thiết cũng sẽ chiếm những khoảng không gian hơn mức cần thiết. Bạn cũng sẽ phải sắp xếp, dọn dẹp cho những món tích sẵn này. Thế nên, nếu có quá nhiều món dự trữ trong nhà, bạn sẽ không thể biết hết số lượng tích trữ là bao nhiêu.

“Mình còn bông ngoáy tai không nhỉ? Rẻ thế này thì mua luôn thôi nhỉ.” Và thế là trên đường về nhà bạn mua thêm một ít mang về.

Nếu bạn hay tích sẵn đồ trong nhà, thì bước đầu chỉ mua nhiều thêm một cái. Sau khi dùng hết đồ trữ sẵn lại mua thêm một cái nữa. Sau đó mới dần dần giảm xuống còn không. Nếu trong nhà hết đồ, bạn có thể ra ngoài mua tiếp. Trong những trường hợp khẩn cấp, nếu chỉ biết mua tích đồ cho bản thân mà không nghĩ đến người khác thì thật đáng xấu hổ. Hãy dừng việc mua hàng tích trữ trong nhà!

Quy tắc 26: Cảm nhận sự rung động của con tim

Có một câu nói nổi tiếng trong cuốn sách Nghệ thuật bài trí của người Nhật, bán rất chạy của Marie Kondo là: “Trái tim đập rộn ràng”. Đây chính là bí quyết khi phân loại đồ đạc, bạn nên chạm vào từng món đồ và chỉ giữ lại những món nào khiến bạn thực sự cảm thấy xúc động. Và thực sự thì phương pháp chọn đồ đơn giản này cũng vô cùng tiện lợi. Những món đắt tiền nhưng không hợp thời nên chẳng sử dụng bao giờ, những món đồ không dùng đến mà lại khiến mình phải mất công bảo quản… những món này chắc chắn sẽ không khiến bạn cảm thấy lưu luyến. Bạn hãy tin vào cảm giác “rộn ràng” từ con tim mình.

Cảm giác rộn ràng này là ở ngay hiện tại, không phải ở quá khứ, cũng không phải ở tương lai. Thế nên, bạn có thể tập trung vào những món đồ cần thiết ngay tại thời điểm này. Và vì bạn chỉ quyết định dựa vào cảm giác của con tim nên có thể giảm tối đa thời gian quyết định cho mình. Làm theo cách này bạn mới thấy, để con tim rung động thực sự khó hơn tưởng tượng rất nhiều. Thế nên, những món mà bạn vốn không nỡ vứt đi cũng có thể cho vào danh sách vứt bớt.

Mỗi lần định vứt bớt món đồ nào đó, bạn cũng cần phải tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại không thể vứt đi được nhỉ?” Hơn nữa, đây cũng là cách hiệu quả để bạn luyện cho mình có được cảm giác nhạy bén hơn với đồ đạc.

Quy tắc 27: Tận dụng các cuộc bán đấu giá để giảm bớt đồ

Bản thân tôi đã vứt được rất nhiều thứ nhờ các địa điểm bán đấu giá. Những bộ quần áo không mặc đến, những đồ điện gia dụng không dùng, bộ sưu tập máy ảnh… Trong đó, thứ khiến tôi không thể quên được chính là máy tráng phim. Lúc trước, tôi đã phải vay bạn đến 150 nghìn yên để mua nó, cuối cùng lại chẳng dùng đến một lần. Cứ mỗi lần nghĩ đến việc đem chiếc máy ra chỗ bán đấu giá cũng chỉ có 100 nghìn yên thôi, nên tôi lại giữ mãi trong nhà. Cuối cùng, tôi lại vứt nó vào khu rác tái chế.

Quy tắc 28: Tận dụng các cuộc bán đấu giá để nhìn lại các món đồ

Tôi đã giảm được rất nhiều món đồ nhờ các cuộc bán đấu giá mà tôi đề cập ở trên. Tại các sàn đấu giá như Yahoo Auction, bạn phải chụp ảnh từng món đồ, ghi thông tin của từng thứ, nên sẽ tốn khá nhiều thời gian. Theo anh Itou Kota, người tôi đã giới thiệu ở đầu cuốn sách, dù mất nhiều thời gian nhưng các sàn bán đấu giá này lại là cách tốt nhất để cắt giảm đồ đạc. Anh Itou vốn có rất nhiều dụng cụ, thiết bị âm nhạc và nghe nói anh đã sử dụng các dịch vụ bán đấu giá này để giảm bớt chúng.

Lý do tôi khuyên bạn nên dùng các cuộc đấu giá là quy trình của nó mất khá nhiều thời gian. Bạn sẽ phải chụp bức ảnh thật tốt, và tóm lược lại đặc điểm, tính năng của món đồ đó. Nhờ vậy, bạn sẽ nhớ lại phần nào cảm giác lúc mới mua nó. Và bạn cũng có thời gian xem xét lại món đồ một lần nữa, suy nghĩ về lý do mà bạn không cần đến nó. Vì phải mất khá nhiều thời gian và công sức nên bạn sẽ chắc chắn hơn với suy nghĩ: Nếu mua một lần nữa, sẽ không mua thứ giống thế này. Đây chính là lợi ích khi dùng dịch vụ bán đấu giá.

Quy tắc 29: Dịch vụ bán đồ tại nhà

Khi bán hàng qua sàn đấu giá, bạn sẽ mất khá nhiều công sức cho việc chuyển đồ. Bạn sẽ phải dùng hộp giấy, hộp xốp để gói ghém kỹ càng trước khi cho chuyển đi. Qua sàn bán đấu giá, giá của món đồ cũng bị rẻ hơn ít nhiều. Thế nên bạn có thể dùng dịch vụ bán đồ tại nhà. Bạn sẽ chẳng phải mất công gói ghém, vận chuyển, người mua sẽ đến tận nhà bạn để lấy đồ. Dịch vụ tôi hay sử dụng là Takaku Ureru Dot Com. Dịch vụ này cho phép tôi bán được nhiều đồ khác nhau.

Lúc bán chiếc tivi 42 inch, tôi đã sử dụng dịch vụ này. Lúc đó tôi chỉ làm mỗi việc bọc nó lại thôi. Sau đó tôi cũng bán luôn PS3 và thiết bị chiếu phim trong nhà. Rồi lúc bán cả giá sách, người của cửa hàng sách cũ ở Jinbocho đã đến tận nơi để mua. Anh ấy đã tính giá từng quyển sách cho tôi, nhưng tổng cộng lại cũng chỉ có 20 nghìn yên. Quan trọng là nếu bạn chỉ phải bỏ ra ít công sức để vứt đi thì việc bỏ bớt đồ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Quy tắc 30: Đừng nghĩ mãi về “giá lúc mua”

Khi tôi mua một chiếc tivi Plasma 42 inch, giá mua lúc đấy là 80 nghìn yên. Đến lúc bán tivi, tôi chỉ bán được với giá 18 nghìn yên. Rạp chiếu phim trong nhà lúc mua là 40 nghìn yên, lúc bán chỉ còn 5 nghìn yên.

Nói thực là tôi đã nghĩ nó sẽ được giá hơn một chút. Vì đây đều là hàng đã dùng ba năm nên khi đưa đi bán đấu giá, giá thành có thể bị chênh lệch một chút. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta chỉ nghĩ đến giá tiền lúc mua chúng mà thôi. Vì thế chúng ta càng khó có thể bán chúng đi được.

Dù là xe mới hay nhà mới thì chỉ cần qua ngày thứ hai cũng sẽ trở thành đồ cũ. Ngày qua ngày, giá trị của món đồ đấy cũng sẽ giảm dần so với giá tiền lúc mua về. Nhưng vì là đồ của mình nên bao giờ ta cũng nghĩ đến nó với giá trị cao nhất. Khi nhượng lại đồ cho người khác, bạn hãy thử đứng từ vị trí của họ để nhìn nhận giá trị của món đồ này, có thể bạn sẽ dễ dàng cho nó đi cũng nên.

Quy tắc 31: Cửa hàng chính là “kho chứa đồ” trong nhà bạn

Tác giả Yosumi Daisuke có giới thiệu trong một tác phẩm của mình về ý tưởng: “Coi cửa hàng như kho chứa đồ trong nhà bạn”. Ý tưởng này có vai trò quan trọng trong việc cắt giảm đồ dự trữ trong nhà. Theo ý tưởng này, các cửa hàng chính là kho chứa đồ có thể đảm bảo được về chỗ chứa các đồ dùng cũng như luôn bảo quản cẩn thận các món đồ đấy phòng khi chúng ta cần đến chúng. Và các cửa hàng tiện lợi chính là những kho đồ luôn mở cửa 24 giờ cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta đến cửa hàng, không phải là chúng ta đến mua đồ mà là đến để lấy đồ.

Nhờ có các kho chứa đồ này mà chúng ta không cần bớt không gian để làm phòng chứa đồ trong nhà nữa, hàng tháng cũng không phải mất tiền để bảo quản đồ trong đấy. Hay ta cũng không phải vất cả khi nhét đồ vào trong phòng.

Ở Nhật có rất nhiều cửa hàng. Đó cũng là các kho chứa đồ luôn đầy ắp hàng và luôn chào đón chúng ta niềm nở. Nếu đến đó, bạn sẽ được chào đón bằng những nụ cười thân thiện. Còn nếu nói về các cửa hàng trên mạng thì Amazon cũng là một kho chứa khổng lồ. Bạn đã có nhiều kho chứa đồ thế này rồi nên không cần phải làm thêm kho chứa đồ trong nhà nữa đâu.

Quy tắc 32: Phố phường chính là phòng khách nhà bạn

Tôi rất hiểu những bạn nào muốn kê một chiếc sô pha thật lớn trong nhà để khách khứa có thể ngồi thoải mái khi đến chơi. Tuy nhiên, tôi thấy bạn không cần thiết phải có phòng khách trong nhà mình. Bạn có thể để nó trong khu phố của bạn. Với tôi, phòng khách của tôi chính là một nhà hàng gia đình trên phố, nơi tôi có thể ngồi bao lâu tùy thích và có ghế sô pha vô cùng êm ái. Đó cũng là một quán cà phê cổ điển, nơi bạn chỉ cần gọi một ly cà phê và có thể ngồi nói chuyện bao lâu tùy thích.

Tôi cũng rất hiểu mọi người đều muốn mời bạn bè về nhà, ăn một bữa lẩu, cùng nhau làm món tráng miệng hay tổ chức những bữa tiệc gia đình. Tuy nhiên, bạn cần biết số dụng cụ để phục vụ cho những dịp hiếm hoi đó tốn khá nhiều diện tích trong nhà. Bây giờ, nếu bạn bè muốn đến nhà tôi ăn lẩu, tôi sẽ nói: Lẩu à, ý kiến hay đấy. Nhưng trong nhà tôi chẳng có gì để nấu lẩu được cả. Xin lỗi nhé. Bù lại tớ biết một quán rất ngon, lại rẻ nữa. Mình đến đấy đi. Sau đó có thể về nhà tôi uống tiếp tăng hai nhé.

Nếu bạn nghĩ toàn bộ khu phố này đều là phòng khách nhà bạn, bạn sẽ làm được rất nhiều thứ.

Quy tắc 33: Hãy vứt bỏ những thứ bạn không hiểu rõ về nó

Đây cũng là một câu nói nổi tiếng trong các tác phẩm của Yosumi Daisuke. Bạn càng yêu thích món đồ đó bao nhiêu, bạn càng biết rõ lịch sử hình thành hay bối cảnh thương hiệu của món đồ đấy. Trong mỗi món đồ thực sự tốt, hay trong những món đồ được gửi gắm cả tình cảm, sự yêu thương chân thành luôn có một câu chuyện đi cùng với nó.

Và trong vô vàn các món đồ tại sao bạn lại chọn món đồ này? Hiểu rõ về nó có nghĩa là bạn có lý do để chọn lựa trong thế giới đồ đạc phong phú hiện nay. Không phải là món đồ nào khác mà phải là chính món đồ này, không có nó thì không được.

Những món đồ có lý do rõ ràng như vậy luôn là những món đồ hoàn hảo với chúng ta. Còn những món mà bạn không biết vì sao lại chọn nó thì hãy vứt đi hoặc đổi sang thứ khác. Những món đồ không có lý do rõ ràng thì cũng không mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn. Nếu bạn sở hữu những món đồ mà bạn hiểu rõ, thì bạn sẽ không còn ước ao đến những thứ mà mình không có nữa.

Quy tắc 34: Hãy vứt bỏ những món đồ mà bạn không nghĩ là sẽ mua một lần nữa

Một cách khác khá hiệu quả để quyết định xem món đồ này có thực sự cần thiết với mình hay không chính là bạn hãy tự hỏi: “Nếu mình đánh mất món này, liệu mình có mua lại một cái giống hệt với giá tiền như thế không nhỉ?” Bạn hãy tưởng tượng là mình làm mất nó, hay bị ai đó lấy mất hoặc dùng quá lâu nên nó đã bị hỏng… trong trường hợp đấy, nếu bạn vẫn muốn mua lại một cái giống hệt với giá tiền tương đương thì có thể khẳng định, đó là món đồ mà bạn thực sự yêu thích và thấy thực sự cần thiết.

Hay nói ngược lại, nếu bạn nghĩ: Không, nhất quyết tôi sẽ không mua thêm một lần nào nữa… thì đó chính là những món đồ mà bạn chẳng bao giờ dùng đúng chức năng của nó, hoặc nó không xứng đáng với số tiền mà bạn đã bỏ ra. Vì vậy, hãy vứt chúng đi. Nếu bạn nghĩ: Lần sau mình sẽ mua cái khác vậy. Điều đó có nghĩa là bạn không ưng món đồ ở điểm nào đó, và bạn cũng nên vứt nó đi thì hơn. Nếu thực sự yêu thích, thực sự cần món đồ nào đó thì bằng cách này hay cách kia, bạn sẽ có nó trong tay. Dù có đánh mất hay làm hỏng nó, bạn vẫn sẽ mua cái giống như vậy thôi. Và chính những món đồ như vậy mới có thể mang lại cảm giác thỏa mãn cho bạn.

Quy tắc 35: Bạn có nhớ hết những món quà mà bạn đem tặng không?

Có một thứ khiến bạn rất khó để bỏ nó đi. Đó là những món quà bạn nhận được. Bởi mọi người thường cảm thấy nếu vứt những món quà đó đi thì không khác gì vứt luôn tình cảm của người tặng và bản thân mình sẽ trở thành một kẻ lạnh lùng. Tuy nhiên, bạn hãy suy nghĩ thêm một chút. Dù có nhớ hết những món quà bạn được tặng, vậy bạn có thể nhớ được người tặng những món quà đó là ai không? Khi tặng quà, tôi chưa bao giờ hỏi các câu như: Sau này anh sẽ dùng đến nó chứ? Những món quà mà tôi đã tặng, thậm chí tôi còn cảm thấy nó sẽ làm phiền đối phương, mặc dù họ không cần nhưng cũng không dám vứt nó đi, nên chắc mọi người ghét nó lắm. Thế nên tôi cũng muốn mọi người nhanh vứt mấy món quà đó đi.

Nếu bạn nhận được một món quà không cần thiết từ ai đó, nếu bạn vẫn còn đang nhìn nó và thở dài, tốt nhất bạn nên vứt nó đi. Đó cũng chính là cách bạn tôn trọng người tặng. Giả sử có ai đó giận bạn vì đã vứt món quà anh ta tặng trước đây, tôi nghĩ là bạn nên giữ khoảng cách với người đó, những người không bao giờ coi trọng “hiện tại” của bạn. Bản thân tôi cũng không muốn trở thành người chỉ biết thể hiện tình cảm của mình qua vật chất.

Quy tắc 36: Hãy thử đặt mình vào vị trí của người đã mất và cảm nhận

Nếu có thứ khó vứt hơn cả những món quà thì có lẽ đó chính là di vật của người đã khuất. Chúng ta luôn muốn trân trọng những kỉ niệm cuối cùng của họ nên dù chẳng bao giờ dùng đến, chúng ta vẫn cất giữ kỷ vật của họ trong nhà. Đó là những tình cảm đẹp, là sự trân trọng của chúng ta với họ. Tuy nhiên, hãy thử đặt mình vào vị trí của người đã khuất. Bạn sẽ vui vẻ nếu những món đồ bạn để lại gây phiền phức cho những người thân của bạn hay sao? Liệu bạn có muốn những người thân của mình được sống vui vẻ, hạnh phúc mà không phải lúc nào cũng lo lắng vì những món đồ này?

Thật tuyệt với nếu bạn biết trân trọng những di vật của người thân. Tuy nhiên, nếu bạn phải dành quá nhiều thời gian, công sức cho chúng và sau đó chính bản thân bạn lại cảm thấy mệt mỏi, thì đó không phải là điều mà người thân của bạn mong muốn.

Theo tôi, thay vì dành thời gian, công sức để bảo quản những món đồ mà người thân để lại, bạn nên dành thời gian để hồi tưởng lại những lời họ nói, những việc họ làm thì hơn.

Quy tắc 37: Vứt đồ đi, những thứ còn lại mới là quan trọng

Nakazaki Tatsuya, họa sỹ truyện tranh, tác giả của tác phẩm Jimi Hendrix là một người tối giản đến tận cùng. Sau đây tôi xin trích dẫn câu nói trong tác phẩm Người đàn ông vô sản của ông: Những bức ảnh, những cuộn phim hay quyển nhật ký, thậm chí là cả quá khứ của tôi cũng không liên quan gì đến tôi cả. Dù tôi có vứt đi những bức ảnh chứa đầy kỉ niệm thì những kỉ niệm đó vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Vứt đi đồ đạc, thậm chí là vứt đi quá khứ của mình không phải là điều gì to tát. Nếu tôi có lỡ quên kỷ niệm nào đó, thì với tôi, đó là những điều nên quên đi. Bởi những ký ức quan trọng trong cuộc đời sẽ tự nhiên in sâu vào tâm trí tôi.

Sau khi đọc được những dòng này, tôi lại cảm thấy mình có thể vứt nhiều hơn nữa. Sau khi đi qua bộ lọc của kí ức, những việc quan trọng tự nhiên sẽ lưu lại trong trí óc của mình. Và dù không có những món đồ gợi nhớ đến những kỉ niệm đó, tôi cũng có thể nhớ được chúng. Hơn nữa, nhờ vứt bớt đồ đạc, tôi cũng không bị chúng làm phiền nữa, thậm chí còn có thể nhớ rõ hơn những điều quan trọng đấy.

Quy tắc 38: Cắt đứt gốc phát sinh trong chuỗi gia tăng dụng cụ

Khi bạn chuyển từ một chiếc điện thoại sang dùng hai cái, số lượng đồ đạc tăng lên không chỉ có một chiếc điện thoại đâu. Đi kèm với nó còn là khoảng không gian mà chiệc điện thoại này chiếm chỗ, là màng bọc chống vân tay. Ngoài ra còn có cả tai nghe, móc treo nữa. Vậy là cùng một lúc bạn phải sắm thêm đến năm món nữa rồi.

Nếu bạn mua máy tính, bạn còn phải có thêm giá đỡ, máy in, máy scan, USB, ổ cứng ngoài, phần mềm xử lí văn bản, dụng cụ vệ sinh… Cứ như vậy, khi bạn sắm thêm một món đồ nào đó sẽ có cả cơ số các món phụ kiện đi theo. Vậy nói ngược lại, nếu bạn vứt được món đồ bắt đầu cho chuỗi đồ dùng đấy, bạn có thể vứt thêm rất nhiều thứ khác. Khi tôi bỏ chiếc

tivi, tôi có thể bỏ thêm những đồ kết nối cùng nó như: thiết bị chiếu phim trong nhà, PS3 và cả ổ cứng ngoài để quay phim. Thậm chí tôi còn vứt được cả đống dây cáp nối thiết bị, các đầu chuyển đổi hay cục sạc… Khi bỏ chơi điện tử, tôi cũng chẳng cần phải giữ lại sơ đồ đánh quái, thẻ gỗ hay cúp danh hiệu nữa.

Tóm lại, nếu mục đích của bạn là nhằm vào các món đồ lớn thì kết quả bạn nhận được sau khi dọn dẹp cũng không nhỏ chút nào.

Quy tắc 39: Nếu bạn không định xây viện bảo tàng, hãy vứt những bộ sưu tập đi

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cái tên Shigeru Kashima, nhà văn nổi tiếng thích các tác phẩm văn học cổ điển, luôn sưu tầm các tác phẩm văn học Pháp có giá trị. Hay bạn cũng có thể biết nhà thiết kế Shin Sobue, người luôn sưu tầm tác phẩm Cậu ấm của Natsume Soseki qua từng thời kỳ. Họ đều là những nhà sưu tầm vĩ đại hơn hẳn chúng ta, và những gì họ đang sở hữu cũng thực đáng quý. Với những bộ sưu tập quý giá, có thể mở thành bảo tàng như vậy chắc chắn sẽ được bảo quản rất cẩn thận. Và trên thực tế, nhà kinh tế học Takuro Morinaga đã mở một bảo tàng nhỏ về xe mini.

Tất nhiên không phải bộ sưu tập nào cũng vậy. Có những bộ sưu tập mà bạn chỉ cần kiên trì tìm kiếm một chút là sẽ có được ngay. Theo tôi, những bộ sưu tập như vậy chỉ là gánh nặng cho chính chủ nhân của chúng mà thôi. Những bộ sưu tập thực sự quý giá vốn đều được bảo quản cẩn mật ở một nơi nào đó rồi. Vậy nên, nếu bạn chỉ sưu tầm để chơi đùa thì tốt nhất là nên ném chúng đi. Ngôi nhà của bạn không phải là một viện bảo tàng. Còn nếu bạn muốn chiêm ngưỡng những món đồ quý giá, hãy đến viện bảo tàng mà xem.

Quy tắc 40: Mượn những món đồ mà bất cứ ai cũng có

Trong bộ phim Trong nhà tôi chẳng có gì cả của tác giả Yururimai, tôi ấn tượng nhất là đoạn cô ấy vứt đi cuốn album ảnh tốt nghiệp của mình. Lúc đó tôi đã nghĩ đến cả món đồ quan trọng bậc nhất trong các kỷ niệm mà cô ấy cũng vứt đi, quả là một người cuồng vứt đồ. Tuy nhiên, giờ nhìn lại mới thấy phần lớn mọi người sẽ giữ lại cuốn album tốt nghiệp của mình. Và một thứ được cả trăm người cất giữ như thế thì hẳn cũng không phải đồ quý giá gì.

Đi cùng với cảm giác “muốn giữ một cái gì đó cho riêng mình” thường là cảm giác không muốn làm phiền hay gây khó khăn cho người khác. Nhưng nếu thực sự muốn nhìn lại ảnh tốt nghiệp của mình đến mức không ngủ được, bạn có thể gọi điện cho bạn bè và mượn xem lại. Có thể làm như thế sẽ hơi phiền phức, nhưng nếu chỉ vì một lời nhờ vả như thế mà lại lạnh nhạt với bạn thì người đó không xứng đáng là bạn của bạn. Nếu chúng ta không quên tình cảm bạn bè, không quên sự trân trọng dành cho nhau, thì những phiền phức này sẽ không bao giờ trở thành phiền phức thực sự.

Quy tắc 41: Cho thuê những thứ cho thuê được

Ngày nay, thông qua mạng Internet, bạn có thể dễ dàng cho thuê mọi thứ. Với những món đồ một năm bạn chỉ dùng một lần thì tôi khuyên bạn nên cho thuê chúng. Trong các đại hội thể thao, người ta cũng hay cho thuê ống nhòm hay những người ít đi du lịch cũng có thể cho thuê vali để giải phóng không gian trong nhà. Bạn cũng có thể cho những ai muốn scan sách vở thuê máy scan, và một năm một lần chúng ta có thể tổ chức một cuộc thi scan sách. Đó cũng không phải là một ý tưởng tồi. Nếu trong nhà có những bộ quần áo mà có lẽ cả đời chỉ mặc một lần trong ngày lễ của trẻ em hay máy hút bụi công suất lớn chỉ dùng cho lần dọn nhà cuối năm thì bạn nên cho thuê chúng. Thậm chí cũng có người cho thuê dụng cụ leo núi và đồ lặn nữa. Rồi còn có cả dịch vụ cho thuê âu phục đã được các nhà cố vấn phối đồ cẩn thận.

Còn nếu là người đi thuê, trước hết bạn có thể thuê đồ về dùng. Nếu thực sự thích hay cần nó, lúc đấy bạn mua hẳn về cũng chưa muộn. Trên thế giới còn có những chuyện như cho thuê giường ngủ, cho thuê người yêu, nhưng đó lại là những câu chuyện khác. Nếu bạn còn đắn đo về thời gian, tiền bạc và công sức để bảo quản đồ dùng trong nhà thì cho thuê là một ý tưởng tuyệt vời.

Quy tắc 42: Đăng những món đồ bạn đã vứt và ngôi nhà của bạn lên mạng xã hội

Trong ăn kiêng có một phương pháp khá hiệu quả là nói cho mọi người biết mình đang ăn kiêng. Cách này cũng có thể áp dụng được trong việc vứt đồ. Nếu ăn kiêng một mình, kiểu gì bạn cũng nghĩ ra đủ lý do để không thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, như tôi đã nói, con người rất hay để ý đến ánh mắt của người khác, thế nên ta có thể lợi dụng đặc điểm này. Ví dụ bạn viết mục tiêu của mình lên mạng xã hội là: cắt giảm một nửa số quần áo. Sau đó bạn đăng ảnh những bộ đồ bạn đã vứt cùng với tủ quần áo của bạn mỗi khi vứt thứ gì đó đi. Việc này hoàn toàn khác khi bạn thực hiện một mình. Những phản ứng, nhận xét của mọi người có thể trở thành động lực cho bạn.

Bản thân tôi cũng đăng ảnh nhà của mình trên blog. Sau khi đăng ảnh, tôi thấy tiến độ cắt giảm đồ đạc được đẩy nhanh hơn nhiều. Gần đây đang có trào lưu giữa những người sống tối giản. Đó là đăng những món đồ mình không cần lên mạng xã hội kèm thêm lời nhắn: Có ai cần thứ này không? Nếu tìm thấy người cần nó, bạn sẽ không phải vứt món đồ đó đi và giảm được cảm giác tiếc nuối khi vứt đồ. Thậm chí bạn còn cảm thấy vui hơn khi những món đồ đó được dùng đúng chức năng của nó. Quả là một mũi tên trúng hai đích đúng không nào.

Quy tắc 43: Nếu bạn bắt đầu từ con số không? Nếu bạn bị mất trộm?

Nếu bạn chuyển nhà?

Có một bộ phim tài liệu khá thú vị là 360 ngày cho cuộc sống giản đơn. Có một ngày, nhân vật chính cất hết đồ dùng dụng cụ của mình vào trong kho và tự đặt ra quy tắc: mỗi ngày chỉ được lấy ra một thứ. Ngày đầu tiên, trên người cậu ta hoàn toàn không có gì cả, thế nên cậu ta chỉ lấy giấy báo để che bộ phận quan trọng và lao nhanh trên đường hướng đến chỗ nhà kho. Và ngày đầu tiên đó cậu ta chỉ lấy ra một chiếc áo khoác rồi nằm ngủ trên nền nhà cứng.

Đây chính là cuộc thí nghiệm nhằm tìm ra món đồ quan trọng với bản thân mình. Dù bạn không thể làm như nhân vật chính trong phim, nhưng bạn cũng có thể làm một thí nghiệm tương tự trong trí tưởng tượng của mình. Bạn hãy coi mình không có bất cứ thứ gì và mỗi ngày bạn chỉ có thể lấy một thứ duy nhất. Vậy những món đồ này sẽ xếp thứ mấy trong trình tự chọn đồ của bạn? Nếu bạn bị trộm đồ, bạn có muốn mua lại với giá như cũ không? Tuần sau bạn chuyển nhà, bạn có mang nó đi cùng không? Có lẽ phần lớn những món đồ bạn lấy đều chẳng có lý do nào đặc biệt mà chỉ lấy đi trong vô thức mà thôi. Đặt câu hỏi cho chính những món đồ của bạn là một điều hết sức quan trọng. Hỏi đồ đạc trong nhà cũng chính là bạn đang tự hỏi mình về vị trí của chúng trong cuộc sống của bạn.

Quy tắc 44: “Giả vờ” vứt thử

Khi có những món đồ khiến bạn đắn đo không biết có nên vứt hay không, bạn nên dùng cách “giả vờ” vứt thử nó đi. Có một cách mà những người sống tối giản hay sử dụng đó là gom hết những thứ định vứt rồi nhét chúng vào các thùng, túi hay giấu vào trong tủ. Điều quan trọng trong phương pháp này là để đồ đạc ở một nơi khác với chỗ để quy định của chúng. Thậm chí bạn có thể nhét chúng vào túi rác, chuẩn bị sẵn sàng để vứt chúng đi cũng được. Dù bạn có nhét vào túi rác cũng không có nghĩa là bạn phải vứt chúng đi thật.

Tùy theo món đồ mà bạn giấu chúng đi trong một tuần hay một tháng, để bạn thử sống mà không có món đồ đó xem sao. Làm theo cách này bạn sẽ nhận ra món đồ nào không cần thiết với mình. Trong khoảng thời gian này, nếu có việc cần thiết và bắt buộc bạn phải lôi món đồ nào đó ra thì bạn không cần phải vứt nó đi. Vì bạn thực sự cần dùng đến nó.

“Giả vờ” vứt thử có nghĩa là bạn thử kéo khoảng cách với các món đồ của mình và xem xét lại mối quan hệ giữa mình với đồ đạc. Nó cũng giống như trong tình yêu vậy, nhưng đối phương là các món đồ.

Quy tắc 45: Vứt những món đồ có màu sắc kích thích

Đồ đạc trong nhà tôi đều có màu trắng, màu be, màu xám hoặc màu gỗ. Chúng đều là những màu thích hợp cho mắt và dễ phối với các màu khác. Nếu dùng các màu sắc quá sáng hoặc dùng các màu cơ bản khác sẽ khiến mắt phải hoạt động nhiều hơn và bạn không thể nào thư giãn khi ở nhà được. Một ví dụ dễ hình dung nhất có lẽ là chai thuốc tẩy với nắp màu hồng và thân chai màu xanh. Những đồ dùng vệ sinh thường có màu sắc lòe loẹt để ta thấy nó nguy hiểm.

Những sinh vật có độc tính mạnh thường có màu sắc lòe loẹt để cảnh báo các sinh vật khác đừng có lại gần và hãy coi chừng. Còn những vật tạo cảm giác thư giãn lại có màu sắc tương phản. Nếu để các món đồ đó trong nhà, chúng sẽ giúp bạn thư giãn mắt, dù có nhìn hay không, bạn cũng thấy thật thoải mái. Những món đồ nhỏ nhắn nếu được phối màu khéo léo sẽ rất dễ thương, nhưng những vật có màu sắc kích thích mạnh sẽ làm bạn dễ nhàm chán hơn bởi chính sự kích thích đấy. Tóm lại, những món đồ có gam màu nhạt, gam màu có lợi cho mắt thường lâu chán hơn và dùng được lâu hơn.

Quy tắc 46: Mua một cái, giảm một cái

Đây cũng là quy tắc vàng trong lối sống tối giản. Cũng có người gọi nó là: Một vào, một ra. Khi bạn muốn mua một cái gì đó, trước hết hãy vứt một thứ đi đã. Để thực hiện tốt quy tắc này, có một phương pháp gọi là “quy định số móc áo”. Trước hết bạn hãy quy định số móc áo của mình. Sau đó vứt tất cả số quần áo thừa ra so với số móc, dù nó mới hay cũ. Như vậy số quần áo trong nhà bạn sẽ không tăng lên nữa.

Trong quá trình vứt bớt đồ, thỉnh thoảng bạn cũng cần mua thêm món đồ mới về. Nếu trong nhà bạn có quá nhiều đồ, bạn cũng có thể mua một đồ và vứt hai, ba đồ.

Sau khi đồ đạc được giảm đến mức ổn định nào đó, bạn có thể áp dụng quy tắc mua một, vứt một. Như vậy số lượng đồ trong nhà bạn sẽ không tăng lên. Quy tắc này cũng giống như việc sắm quần áo vậy, mua một bộ quần áo thì phải vứt một bộ quần áo đi. Vứt một cục tẩy, mua về một lò vi sóng. Xét về mặt thể tích thì nó không tương đương lắm nhỉ.

Quy tắc 47: “Hiệu quả Concorde”/ Biết thêm về chi phí chìm

Có một cụm từ gọi là “hiệu quả Concorde”. Nghe nói chi phí phát triển dòng máy bay siêu thanh Concorde lên đến 400 tỉ yên. Tuy nhiên do không mang lại lợi nhuận và để thua lỗ kéo dài, việc kinh doanh máy bay này đã biến thành món nợ lên đến hàng nghìn tỷ yên. Nếu nghĩ đến công sức, thời gian và tiền bạc khi phát triển dòng máy bay này, nhà kinh doanh chắc chắn sẽ nhận ra đây là cuộc làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục việc kinh doanh máy bay Concorde. Việc này cũng giống với việc thả vốn đầu tư nhưng tiền vốn sẽ không bao giờ quay lại được, và người ta gọi là chi phí chìm.

Những việc như vậy đang xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Tôi mua một chiếc xe đạp địa hình với giá năm nghìn yên. Từ khi mua nó, tôi bắt đầu thấy hứng thú với xe đạp. Sắm thêm một bộ dụng cụ, sửa lại khung xe… cuối cùng tôi đã chi ra gấp 10 lần tiền mua xe ban đầu. Cái này có lẽ cũng giống như tiền nạp chơi điện tử trên điện thoại vậy.

Để không lãng phí thời gian và công sức, đôi khi bạn cũng cần phải dũng cảm vứt bỏ thứ gì đó.

Quy tắc 48: Nhìn nhận thất bại ngay lập tức. Hãy coi đó là tiền học phí

Có những bộ quần áo khi mặc thử ở cửa hàng tôi thấy rất hợp, nhưng khi đem về nhà lại chẳng ưng tí nào. Vì thế tôi chẳng mấy khi đụng đến nó. Dần dần tôi nhận ra mình mua lỗ cái áo này rồi, và chẳng muốn vứt nó đi.

Trước khi bạn định giữ nó lại để dùng cho hết số tiền bạn đã bỏ ra ban đầu, bạn nên nghĩ lại xem vì sao bạn lại mua lỗ thế này. Thường thì nó sẽ có mấy nguyên nhân sau:

Mặc dù đã mặc thử, nhưng không hiểu sao vẫn mua cái áo xấu thế. Thấy một ai đó mặc cái áo đó rất đẹp nên nghĩ rằng mình cũng mặc đẹp, nhưng thực ra nó chẳng hợp với mình. Thấy rẻ nên mua. Lúc ở cửa hàng không nhận ra nhưng để người khác ngắm thì lại thấy.

Những lỗi như trên cho đến bây giờ tôi vẫn hay mắc phải.

Khi bạn thấy thất bại với một món đồ nào đó, tôi khuyên bạn nên vứt nó ngay đi. Nếu bạn vẫn cố giữ nó ở nhà thì trong đầu bạn lúc nào cũng chỉ xoay quanh nó và nghĩ: “Ôi thật sai lầm”… Và nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn. Thay vào đó, bạn nên coi đó là tiền học phí về thất bại và ghi nhớ kỹ lí do vì sao bạn lại thất bại. Như vậy lần sau bạn sẽ chọn tốt hơn.

Quy tắc 49: Hãy coi những món đồ đã mua là đồ đi thuê

Tôi có một người bạn, anh ấy mua rất nhiều quần áo, nhưng chẳng bao giờ anh ấy bỏ đi mấy cái nhãn mác, mà cất riêng trong túi. Những nhãn mác ấy sẽ được gom lại và đưa đến các chợ đấu giá. Thỉnh thoảng anh ấy còn bán được chúng với giá đắt hơn lúc mua quần áo nữa.

Theo như anh ấy nói thì việc này có cảm giác như đang “thuê quần áo của cửa hàng vậy”. Và thay vì trả lại cửa hàng, anh ấy cho một người khác thuê lại nó.

Ý tưởng này rất thú vị. Nếu bạn coi những thứ mua chỉ là đồ đi thuê và sau này cho người khác thuê lại, bạn sẽ giữ gìn chúng cực kỳ cẩn thận. Bạn cũng sẽ không dùng chúng một cách lãng phí. Khi đó, bạn sẽ không còn nghĩ “đồ của riêng mình” mà chỉ là “đi thuê một thời gian” mà thôi. Đây không chỉ là vấn đề sở hữu tài sản, mà còn rèn cho bạn thái độ khiêm tốn.

Quy tắc 50: Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí

Mua một món đồ năm nghìn yên chỉ với giá hai nghìn yên, mọi người sẽ có cảm giác được lợi ba nghìn yên. Nó cho bạn cảm giác chỉ cần mua món đồ này là bạn nhận được ba nghìn yên tiền mặt vậy. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ chúng ta cần phải trả tiền cho chỗ để của đồ vật nữa đấy. Chúng ta hãy làm một phép toán đơn giản. Nhà của tôi rộng 20m2, tiền nhà là 67 nghìn yên. Vậy bình quân một tháng tôi phải trả ba nghìn yên cho mỗi mét vuông. Giờ giả sử món đồ hai nghìn yên lúc nãy chiếm mất vị trí của cái tủ quần áo 1m2 thì thế nào? Cuối cùng thì bạn vẫn chẳng được giảm giá tí nào cả. Đấy chính là hệ quả khi bạn mua đồ rẻ.

Bạn cũng đừng nhận đồ miễn phí, vì chúng cũng gây ra nhiều tổn thất cho bạn. Chỉ nguyên việc bạn sở hữu món đồ đấy cũng đã lấy đi một phần trong bộ nhớ của bạn, sau đó là thời gian, công sức để bảo quản nó. Chẳng có món đồ gì là thực sự miễn phí cả. Sở hữu món đồ nào đó không đơn thuần là bạn mất tiền mua mà còn mất nhiều chi phí khác nữa. Nếu nhận ra điều này, bạn sẽ hạn chế được việc mua đồ chỉ vì món lợi trước mắt.

Quy tắc 51: Thời điểm mà bạn đắn đo liệu có vứt đi được không chính là lúc bạn có thể vứt nó đi

Chúng ta thường đắn đo vì phải chọn lựa những thứ có giá trị tương đương nhau. Dù bạn có chọn cái nào thì cũng có ưu, nhược điểm của nó. Bạn nhận ra điều đấy và so sánh các điểm đấy với nhau, kết quả là bạn chỉ mải so sánh chứ không làm gì được. Thực ra thời điểm mà bạn thấy đắn đo khi lựa chọn ví dụ như lấy 100 yên hay 101 yên thì thực tế chỉ có quá trình nhận tiền là khác nhau mà thôi. Nếu trường hợp bạn chọn bên nào cũng như nhau cả thì tốt nhất là nên nhanh chóng quyết định một cái cho mình thì hơn. Những lúc cảm thấy mệt mỏi, phiền phức, tôi sẽ chọn cách vứt đi. Và tôi cũng khuyên bạn: “Nếu bạn thấy phiền toái, hãy vứt chúng đi.”

Có một câu nói mà tôi rất thích: “Tuyệt đối thì Yes, còn lại là No.” Áp dụng vào trường hợp vứt đồ như chúng ta thì nên đổi lại một chút: “Tuyệt đối thì No, còn lại là Yes.” Ngoài những thứ bạn tuyệt đối không muốn vứt, những thứ còn lại bạn có thể vứt hết.

Quy tắc 52: Những món đồ thực sự cần thiết rồi sẽ quay về với bạn

Khi vứt đồ, bạn hay có cảm giác sợ hãy vì không biết sau khi vứt nó đi rồi, liệu mình còn có thể gặp nó lần nữa không. Chính vì thế bạn cứ lần nữa mãi mà chẳng vứt đi được món nào.

Ngày nay, nhờ có Internet mà chúng ta có thể mua được bất cứ món đồ nào.

Giả sử khi bạn vứt bỏ một món đồ, sau đó bạn cứ nhớ nó mãi, nhớ đến mức không ngủ được, đến mức đau đầu… thì hãy nhớ là bạn có thể có lại nó bất cứ lúc nào. Nếu muốn đọc lại một cuốn sách, bạn sẽ đọc được nó. Chắc chắn là có người đang giữ nó. Và nếu bạn nhớ nó đến mức không ngủ được, vậy hãy đến gặp người đó và mượn lại. Tuy nhiên, những món đồ khiến bạn như vậy thì cũng không có nhiều đâu.

Quy tắc 53: Biết cảm ơn. Vứt đồ nhưng không vứt tình cảm

Hãy vứt những món đồ bạn được tặng. Hãy vứt những món đồ mà người đã khuất để lại. Hãy vứt những món đồ mà bạn không dùng hết tính năng của nó. Nhưng hãy nhớ là không bao giờ được vứt đi lòng biết ơn của mình.

Chắc ai cũng từng nhận được những món quà mà mình không cần. Dù bạn không có ý gì cả nhưng đâu đó trong lòng bạn cũng thấy khó chịu. Nếu bạn cứ giữ mãi món đồ đó và khó chịu với nó thì thật sự rất không phải với người đã tặng quà cho bạn. Và trên hết bạn cũng đang lãng phí tình cảm của mình vào chuyện không đáng.

Cuối cùng, trước khi đưa món đồ nào đó đi, bạn nhớ là hãy biết ơn. Biết ơn người đã làm ra món đồ đó, biết ơn người đã nhận món đồ đó cho bạn. Thay vì sống mãi trong khó chịu, sự trân trọng và biết ơn sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn rất nhiều. Và sự biết ơn đó sẽ đọng mãi trong trí nhớ bạn. Sau cùng, những thứ còn lại với bạn mới là thứ quan trọng nhất.

Quy tắc 54: Lãng phí thực ra chỉ là cảm giác của chính bạn

Vứt bỏ những đồ còn dùng được thật là lãng phí. Hay đồ mới mua chưa dùng lần nào mà đã phải bỏ cũng là điều hết sức lãng phí.

Tuy nhiên, có thể bạn không biết, sự lãng phí đấy đơn thuần chỉ là cảm nhận của bạn mà thôi. Tôi cũng không muốn vứt bỏ đồ đi trong khi nó vẫn còn sử dụng được, thế nên tôi hay cho ai đó cần dùng đến nó. Tuy nhiên, cứ mỗi khi món đồ nào đó rời khỏi mình, bạn vẫn có thể cảm thấy lãng phí.

Mặc dù không thích nhưng đó là món quà nhận được, nếu vứt nó đi thì thật áy náy với người tặng. Hay đồ còn dùng tốt mà đã vứt đi mới lãng phí. Chính vì vậy mà hôm nay, ngày mai hay cho đến mãi sau này bạn vẫn sẽ cảm thấy như vậy và không thể nào vứt đồ đi được. Đó chính là sự thật đằng sau “sự lãng phí”.

Quy tắc 55: Vứt đi chính là nhớ mãi

Tôi đã scan tất cả những bức thư nhận được rồi vứt chúng đi. Trong số những bức thư ấy, có những bức thư dù vứt đi rồi nhưng tôi cũng không thể nào quên.

Đấy là bức thư “hướng dẫn đổi tàu” mà mẹ đã viết cho tôi. Đó là lúc tôi rời Kagawa lên Tokyo học đại học, bắt đầu cuộc sống một mình. Lo lắng cho tôi lần đầu sống ở nơi xa lạ, mẹ đã viết cho tôi một bức thư về cách chuyển tàu từ sân bay Haneda về thành phố. Lên tàu có chở hàng, đổi sang tuyến Yamanote, rồi lại đổi sang Seibushinshyuku… Đó chính là bức thư mà mẹ đã viết cho tôi, một kẻ mù đường, thậm chí còn không có điện thoại di động. Mẹ đã luôn lo lắng mỗi khi tôi lên Tokyo một mình.

Tuy nhiên, lúc còn giữ bức thư này, tôi đã không nhớ là mình có một thứ như thế. Và khi vứt nó đi, tôi mới bắt đầu thấy trân trọng nó. Bởi tôi sẽ chẳng nhìn thấy bức thư đó lần nào nữa. Không phải bao giờ vứt đi cũng đồng nghĩa với lãng quên. Có những thứ chính vì vứt đi mà bạn sẽ không bao giờ quên.

Bổ sung 15 quy tắc dành cho người muốn giảm bớt nhiều đồ hơn nữa

Toa thuốc cho căn bệnh “muốn vứt đi”

Quy tắc 1: Hài lòng không phải là “số lượng” của đồ đạc

Nhà thơ Allen Ginsberg đã nói: Nếu bạn coi mình có hai tấm thảm, thì bạn sẽ có hai tấm thảm. Cảm giác có hài lòng với đồ dùng của mình hay không không liên quan đến số lượng của đồ dùng ấy.

Sở hữu một món đồ nghĩa là bạn biết rằng mình đang có nó trong tay. Tức là chúng ta cần lưu chúng vào trong bộ nhớ. Đó không phải là những ký ức hỗn độn về một đống đồ đạc, mà là những suy nghĩ yêu thương với các món đồ của mình. Nếu làm được vậy, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn gấp hai, ba lần.

Thay vì sắm hai, ba chiếc cốc cà phê và sau đó không biết là để ở đâu trong nhà, bạn chỉ cần một chiếc duy nhất và có thể biết nó đang ở đâu, nó như thế nào… Nếu bạn cho rằng chỉ có nhiều đồ mới thoải mái, bạn chỉ càng muốn có nhiều đồ hơn thôi. Cho dù bạn liên tiếp mua thêm từng cái, từng cái một thì bạn cũng chẳng bao giờ thấy hài lòng. Và cuối cùng thì chính bạn cũng chẳng nhớ được mình mua nó lúc nào hay để nó ở đâu. Giảm bớt đồ không có nghĩa là bạn giảm luôn cảm giác thoải mái của bản thân.

Quy tắc 2: Đồng phục hóa quần áo hàng ngày

Steve Jobs luôn mặc những bộ quần áo giống nhau. Một chiếc áo đen cổ lọ của ISSEY MIYAKE, chiếc quần Levi 501, và đôi giầy thể thao của New Balance. Dù trong các sự kiện truyền thông, ông cũng luôn mặc như vậy.

Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, luôn mặc áo phông xám. Einstein luôn mặc cùng một kiểu áo khoác. Những con người vĩ đại, nổi tiếng ấy luôn tiết kiệm thời gian chọn đồ hay chạy theo trào lưu mỗi ngày để tập trung cho những việc quan trọng.

Với họ, số lượng quần áo đủ để sinh hoạt là không nhiều. Họ chỉ chọn những bộ quần áo hợp với mình nhất và lúc nào cũng biến những bộ quần áo của mình thành đồng phục.

Quy tắc 3: Ít đồ đạc thể hiện cá tính

Cá tính tôi muốn nói ở đây khác với những biểu hiện của giới trẻ hiện nay như: nhuộm tóc xanh đỏ, bấm khuyên lưỡi, là con trai nhưng mặc váy hoặc gắn quá nhiều thứ lên vỏ điện thoại. Những người sống tối giản mà tôi đã gặp, dù họ có đồng phục hóa quần áo của mình hay không, dù cuộc sống có rất bình thường đi chăng nữa, thì với tôi họ cũng rất cá tính.

Có lẽ bạn sẽ có cảm giác khi vứt bớt đồ cũng là vứt luôn dấu ấn riêng của mình. Nhưng thực tế lại ngược lại. Ví dụ với hình ảnh của châu Âu trước đây. Bạn thấy ai cũng mặc vest như nhau, đội mũ giống nhau và cùng hút thuốc lá. Tất cả mọi người hầu như đều ăn mặc hoặc có đồ đạc giống nhau. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học, những tác phẩm nghệ thuật họ làm ra có tác phẩm nào là không có dấu ấn riêng đâu. Nếu thử ngẫm nghĩ một chút, bạn sẽ thấy thứ tạo nên con người, dấu ấn của chúng ta không phải là đồ vật mà là “trải nghiệm”. Và có lẽ, những người sống tối giản, coi trọng trải nghiệm hơn vật chất luôn là những người sống có cá tính.

Quy tắc 4: Sau khi nghĩ năm lần, hãy vứt đi

Con người chúng ta trong một ngày suy nghĩ đến 60 nghìn lần. Khi tôi chú ý đến suy nghĩ của mình, tôi nhận ra mình toàn suy nghĩ những việc không đâu. Mỗi khi lướt net, trong lúc tra từ khóa của mình, tôi hay lang thang sang các trang khác. Những suy nghĩ trong đầu tôi cũng vậy. Ví dụ tôi có một chiếc cốc uống cà phê. Khi uống nó, tôi sẽ thấy là mình chạm môi vào nó, rồi muốn đánh răng, muốn đánh răng thì phải mua bàn chải. Đến lúc đánh răng thì tôi cũng lại nghĩ toàn những chuyện chẳng hay ho gì.

Bản năng con người là luôn phát triển từ những suy nghĩ và suy nghĩ không ngừng. Vậy nên trong 60 nghìn lần suy nghĩ, hầu như không có suy nghĩ nào là được chúng ta tự ý thức là phải nghĩ đến nó cả. Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy những món đồ mà dù bạn không có ý vứt nó đi thì bạn cũng tự nảy ra suy nghĩ: Liệu có vứt nó đi được không nhỉ? Nếu bạn đã từng có suy nghĩ đấy khoảng năm lần thì đã đến lúc bạn vứt nó đi được rồi. Bởi sau đó 100 lần hay 1000 lần thì bạn vẫn chỉ băn khoăn như thế thôi.

Quy tắc 5: Vứt thử để kiểm tra xem món đồ có thực sự cần thiết hay không

Với những ai còn đắn đo về việc có vứt hay không, tôi khuyên bạn nên làm một bài kiểm tra vứt thử một lần để xem độ quan trọng của món đồ đấy. Lúc trước, tôi lần chần, mãi không vứt được chiếc tivi đi nên tôi đã vứt thử nó một lần.

Nếu vứt tivi đi, có thể tôi sẽ gặp vài khó khăn trong công việc, không nắm bắt được tin tức thế giới, không tìm được đề tài nói chuyện với bạn bè nên có thể sẽ bị mọi người xa lánh. Nhưng thật may là khi tôi vứt tivi đi, điều đó đã không xảy ra với tôi.

Tính đến hiện tại, chỉ có duy nhất một món đồ mà sau khi bỏ đi tôi lại mua về. Đó là máy mát xa chân MH23 của Omron. Tôi thích nó đến nỗi cả số hiệu của nó tôi cũng nhớ. Tôi đã từng mua một cái tặng mẹ tôi và cho anh trai tôi cái tôi có. Nhưng sau đó tôi không thể nào quên được cảm giác thoải mái ở lòng bàn chân khi dùng cái máy mát xa này. Lúc đó tôi đã cho anh trai tôi mất rồi nên đành mua một cái mới. Sau đấy tôi lại nghĩ là mình có thể bỏ nó đi nên lại bán một lần. Sau ba lần vứt đi, mua lại, có lẽ giờ tôi sẽ giữ nó luôn trong nhà.

Quy tắc 6: Một chút bất tiện cũng là thú vui

Gần đây, tôi đã vứt hết khăn tắm trong nhà, thay vào đó là khăn lau. Và tôi nhận ra khăn lau thật tuyệt vời. Nó có thể dùng ở nhiều nơi, nhanh khô hơn khăn tắm. Sau khi dùng xong chỉ cần treo lên, lần sau ra lấy là đã khô luôn rồi. Ở phòng giặt đồ, sau khi rửa tay xong tôi dùng khăn lau, sau khi giặt quần áo xong tôi dùng khăn lau, và sau khi tắm xong tôi cũng lau người bằng khăn lau. Trước đây, khăn mặt và khăn tắm phải chiếm hai phần ba trong đống đồ giặt hàng ngày của tôi. Bây giờ, khi không có mấy cái khăn tắm dầy xù đấy thì việc giặt giũ của tôi gọn nhẹ hơn nhiều.

Như ở chương hai tôi có nói, con người luôn làm quen với các kích thích khác biệt. Lúc nào tôi cũng dùng khăn tắm nên với tôi nó là thứ đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng đã quên đi sự trân trọng và may mắn khi dùng khăn tắm mỗi ngày. Bây giờ, khi dùng khăn lau tôi mới thấy cảm giác khi chạm vào da không thể nào bằng với khăn tắm. Tuy nhiên, phải nói rằng con người có thể thích nghi với sự bất tiện giống như họ có thể thích nghi với sự tiện lợi vậy. Và khi lại có cơ hội dùng khăn tắm, tôi lại thấy cảm động trước sự thoải mái ấy. Tự bản thân tôi lại rút ngắn được khoảng cách với hạnh phúc và tôi thấy vui vì điều đó.

Bạn có thể thử dùng khăn lau thay cho khăn tắm, đó sẽ là trải nghiệm rất tuyệt đấy.

Quy tắc 7: Vứt cả những món khiến con tim bạn rộn ràng

Nếu quyết tâm làm một người sống tối giản thì sẽ có một ngày bạn phải vứt bỏ cả những món đồ khiến bạn lưu luyến. Tôi rất thích Croatia, và tôi cũng rất thích cây thập giá, món quà lưu niệm tôi mua ở đó. Cây thập giá bằng gốm, màu đỏ tươi, được người thợ chạm khắc thủ công từng đường nét trang trí. Màu sắc hài hòa, bề mặt trơn mịn, không quá nặng… tôi thích mọi điểm của cây thập giá đó. Nghe nói nó được một người nghệ sĩ bản xứ làm ra. Và bạn không thể bắt gặp nó ở một cửa hàng lưu niệm nào cả. Vậy nên, nó đã trở thành một vật không thể thay thế với tôi.

Lúc vứt cây thập giá đấy đi, tôi cảm thấy vô cùng luyến tiếc. Nhưng sau khi vứt đi, tôi lại cảm thấy thật thoải mái. Sau này, mỗi khi đi du lịch, tôi không phải mất thời gian đắn đo xem mua cái gì làm quà nữa. Mà dù có thấy món nào mình thích đi chăng nữa, tôi cũng sẽ học theo nhân vật hoạt hình Snufkin, chỉ nhìn mà thôi. Như vậy, toàn bộ thời gian của tôi chỉ tập trung vào chính chuyến đi của mình. Bỏ đi những món đồ khiến bạn lưu luyến, đổi lại bạn có được rất nhiều.

Quy tắc 8: Dù bạn có đang khỏe mạnh, cũng hãy chuẩn bị trước mọi việc cho mình

Chỉ có chính chúng ta mới hiểu được giá trị của những món đồ mà ta sở hữu như: quà lưu niệm du lịch, cuốn tiểu thuyết tình yêu đã đọc nhiều lần hay bức thư nhận được từ một người quan trọng nào đó hay những bức ảnh kỷ niệm…

Những cố gắng, những gian nan để có được món đồ hay những kỷ niệm, những câu chuyện cất giấu trong món đồ đó còn cao hơn giá trị thị trường của nó rất nhiều. Bởi vậy, khi chúng ta, chủ nhân của những ký ức đó mất đi cũng đồng nghĩa với giá trị của món đồ bị mất đi. Dù món đồ đó đắt tiền đến đâu, tuyệt vời thế nào, nhưng nếu để người khác nhìn vào thì họ cũng chỉ thấy một thứ tầm phào mà thôi.

Sau khi đã giảm bớt được khá nhiều đồ, tôi cũng vơi bớt cảm giác: một khi tôi có xảy ra chuyện gì thì cũng ít phiền hà đến người khác. Có thể tôi suy nghĩ quá xa xôi, nhưng thực sự là tôi đã cảm thấy bản thân mình được “tự do”. Và tôi có thể dành nhiều công sức hơn cho những hoạt động khác.

Quy tắc 9: Giảm bớt đồ đạc không có nghĩa là giảm bớt con người bạn

Dù có giảm hết đồ đạc cũng không có nghĩa là bạn trở nên bí ẩn hơn, hay trong một đêm bạn có thể bạc đầu, hay lưng sẽ còng xuống. Việc bạn không có đồ đạc cũng không dẫn đến việc bị mọi người xa lánh, khiển trách hay bị trẻ con ném đá. Cùng lắm bạn chỉ bị cho là người quá đơn giản mà thôi.

Có một điều hiển nhiên là dù bạn có đồ đạc hay không thì cơ thể bạn cũng chẳng thay đổi được. Khi cuộc sống của bạn còn bị vây quanh bởi những món đồ, có thể bạn sẽ thấy vứt đồ đi cũng như vứt đi chính con người mình. Nhưng thực tế thì đồ đạc không phải là một phần thân thể của bạn, chúng chỉ là những vật ngoài thân. Đồ vật và bản thân con người bạn không liên quan gì với nhau nên dù bạn có giảm bớt đồ thì con người bạn cũng không ngót lại được. Không những thế bạn còn thấy bản thân mình hoạt bát, thoải mái hơn trước rất nhiều. Cho dù là giảm bớt đồ nhưng con người bạn lại “tăng” thêm nhiều đấy chứ.

Quy tắc 10: Thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng thông thường của đồ đạc

Chắc bạn còn nhớ anh Hiji tôi đã giới thiệu ở đầu cuốn sách. Anh ấy đã cải tiến chiếc sô pha của mình bằng cách để thêm cái đệm gấp và kê sát vào tường. Vì thế bạn có nằm trên đấy, lấy thêm gối, đắp thêm chăn đều được. Với ý tưởng này, đây không phải là một chiếc “sô pha giường nằm” mà là một chiếc “giường sô pha”. Có lẽ đúng hơn phải gọi nó là “sô pha đệm”. Mặc dù trong nhà anh Hiji không có tivi nhưng chỉ cần một chiếc Head-mounted display là anh ấy có thể xem các chương trình khác nhau. Thậm chí anh ấy còn dùng xà phòng tắm hay dầu rửa bát thay cho bột giặt nữa.

Trong tác phẩm của Marie Kondo, cô ấy có nói là “phơi” thớt và giẻ rửa bát. Gần đây, tôi cũng bắt đầu học theo cô ấy, phơi giẻ rửa bát của mình và vứt mấy cái móc treo tường vốn dùng để treo giẻ rửa bát. Marie Kondo đã không đi theo những suy nghĩ thông thường như không để thớt hay giẻ rửa bát dưới hiên nhà. Thông thường thì món đồ này chỉ dùng cho việc này, mỗi khi cần làm một việc gì đấy ta lại cần một món đồ thích hợp riêng cho nó. Nếu chỉ tận dụng mỗi điểm lợi ích duy nhất đấy thì đồ đạc trong nhà bạn cũng khá nhiều đấy. Thay vào đó, nếu bạn không phụ thuộc vào cách sử dụng thông thường của từng món đồ thì đồ đạc trong nhà bạn sẽ được giảm đi khá nhiều.

Quy tắc 11: Đừng nghĩ nữa, hãy vứt thôi

Trong bộ phim Long tranh hổ đấu, Lý Tiểu Long đã nói: Đừng nghĩ nữa, hãy cảm nhận. Câu này nếu đổi sang cho người sống tối giản có thể biến thành: Đừng nghĩ nữa, hãy vứt đi.

Có một ngày, tôi cảm thấy khó chịu với mấy quyển sổ tiết kiệm ở nhà và đã cho tất cả vào máy cắt giấy. Thậm chí tôi còn cắt mấy quyển sổ đấy trước khi lên hỏi Yahoo! Hỏi & Đáp xem liệu vứt sổ tiết kiệm đi thì có sao không. Tôi chỉ thấy cảm giác của mình quan trọng hơn việc suy nghĩ đắn đo nhiều.

Sau đó, tôi có đến ngân hàng để đóng tài khoản và cũng chẳng gặp khó khăn gì. Nhân viên giao dịch chỉ ngạc nhiên nhìn tôi một chút mà thôi: “Sổ tiết kiệm của quý khách… đã vứt rồi sao?” Thậm chí còn có người bị mất hết mọi thứ trong hỏa họa, thiên tai… tôi chỉ vứt mấy thứ đi thôi thì cũng chẳng có gì to tát cả. Nếu trước khi vứt, bạn cứ suy nghĩ đắn đo thì bạn sẽ tự vẽ ra cho mình vô vàn lý do hay sự bất tiện nếu không có chúng. Tốt hơn hết, bạn hãy nghe theo cảm nhận của mình.

Quy tắc 12: Đừng quan trọng việc “nhất định phải có ít đồ”. Đừng chỉ trích người có nhiều đồ

Một sai lầm mà người sống tối giản dễ mắc phải đó là dễ tự mãn vì mình có ít đồ, hay lúc nào cũng quan trọng việc phải có ít đồ. Giống như ở chương một tôi đã nói, người sống tối giản là người biết được thứ gì cần thiết với bản thân. Là người biết cắt giảm đồ đạc vì những thứ quan trọng. Và những thứ quan trọng với mỗi người một khác. Vì thế những gì mọi người vứt đi cũng khác nhau. Bởi vậy, việc ganh đua xem làm thế nào mới ít đồ nhất thật chẳng có ý nghĩa gì.

Và bạn cũng nên biết rằng dù bạn có bị vây quanh một đống đồ đi chăng nữa, nhưng nếu chúng đều là những thứ quan trọng với bạn, khiến bạn vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống thì bạn chẳng cần phải vứt chúng đi làm gì. Vì lẽ đó, chúng ta chẳng có lý do gì để chỉ trích những người có nhiều đồ cả. Chúng ta không thể bắt họ vứt đồ một cách vô lý khi họ vốn chỉ có những đồ quan trọng. Lối sống tối giản không phải là cực hình mà chúng ta phải chịu. Thế nhưng lại có những người tự mình nhận lấy cực hình đó, thậm chí còn viết trong hồ sơ của mình là “đang tu hành” để thành người sống tối giản. Với tôi, việc nhất định phải có ít đồ như thế chẳng có ý nghĩa gì cả.

Quy tắc 13: Muốn vứt đồ, muốn giữ đồ đều là những bệnh giống nhau

Vứt bớt đồ đạc có thể làm bạn thấy phấn khích. Việc này giúp bạn cảm thấy thoải mái. Khi bạn bị nghiện cảm giác này, vứt đồ trở thành công việc “đam mê” của bạn. Khi đó, bạn đã mắc phải căn bệnh tên là muốn vứt đồ. Thậm chí bạn còn cảm thấy khó chịu với những người sở hữu nhiều đồ đạc.

Tuy nhiên, bạn có biết là cảm giác: “Ôi, vẫn còn giữ ở đây à!” của một người thích vứt đồ cũng giống với cảm giác: “Ôi, mình còn chưa có được nó!” của một người muốn sắm đồ.

Cả hai việc “cắt giảm đồ đạc” và “sắm thêm đồ” đều có tính kích thích và khiến con người thấy thoải mái. Cũng giống như lời khuyên với người nghiện mua sắm, bạn không nên lệ thuộc vào những kích thích mà căn bệnh vứt đồ này mang lại. Với một người thích sắm đồ, trước khi vứt một món đồ nào đó họ nên tự hỏi mình: Nó có thực sự quan trọng với mình? Tương tự như vậy, với một người thích vứt đồ, trước khi vứt, bạn nên tự hỏi: Mình có nên vứt món này đi không? Hay mình chỉ vứt đi để trong nhà có ít đồ hơn thôi.

Quy tắc 14: Lối sống tối giản là phương tiện, là lời mở đầu

Có nhiều người đã nêu lên những nguy hiểm dễ mắc phải khi theo lối sống này. Nhưng riêng bản thân tôi, tôi vẫn ủng hộ nó. Bởi xã hội hiện đại ngày càng coi trọng vật chất và có quá nhiều người đang sở hữu đồ đạc nhiều hơn mức cần thiết.

Người sống tối giản là những người biết cắt giảm đồ đạc vì những thứ quan trọng với bản thân. Mục đích của lối sống này không phải là giảm bớt đồ mà là ưu tiên những thứ quan trọng bằng cách giảm bớt đồ. Lối sống tối giản chỉ là phương tiện, dụng cụ để bạn đạt được mục đích đó mà thôi. Và điều quan trọng bạn tìm thấy sau khi cắt bớt đồ đạc sẽ khác nhau tùy theo mỗi người.

Lối sống tối giản giống như lời mở đầu của một cuốn sách, còn nội dung câu chuyện phải dựa vào bạn để viết tiếp. Nếu bạn nhầm tưởng lối sống này với mục đích cần đạt, thì sau khi hoàn thành nó, bạn chỉ cảm thấy trống rỗng mà thôi. Điều quan trọng là sau khi vứt bớt đồ đi, bạn sẽ làm gì tiếp theo. Hãy tự mình viết nên câu chuyện ấy.

Quy tắc 15: Tự mình suy nghĩ về lối sống tối giản

Nếu không nhét được hết đồ dùng vào một va li, bạn không phải là người sống tối giản. Nếu không ngủ trong túi ngủ, bạn không phải là một người sống tối giản… Thực sự thì chưa bao giờ có những quy định như vậy về lối sống tối giản. Cũng chẳng có khuôn mẫu chung nào cho người sống tối giản. Tôi biết có một người sau khi cắt giảm hết đồ đạc, thứ còn lại trong nhà anh ta là chiếc piano to đùng. Bởi với anh ta, âm nhạc mới là thứ cần thiết trong cuộc sống. Lối sống tối giản chỉ là phương tiện giúp bạn nhận ra những thứ thực sự quan trọng với bản thân mình.

Anh Numahata, người cùng làm trang web với tôi, vừa mua một chiếc ô tô. Nhưng tôi nghĩ đó vẫn là cách sống tối giản. Anh ấy đơn giản hóa các mối quan hệ của mình và dành thời gian một mình trong xe. Trong xe không có gì cả và bạn có thể tưởng tượng chiếc xe giống như một ngôi nhà di động theo phong cách tối giản vậy. Lối sống tối giản này thực ra rất rộng tùy theo suy nghĩ của bạn mà thôi.

 

 

Bình luận