Có thời gian
“Thời gian của bạn rất hạn hẹp, vì thế đừng lãng phí thời gian sống cuộc sống của người khác.”
− Steve Jobs
Tốn thời gian vì đồ đạc
Ngày 20/12/2014, 15 nghìn vé Suica số lượng có hạn đã được bán nhân kỉ niệm 100 năm ngày thành lập hãng đường sắt Tokyo. Và sự hỗn loạn trong ngày bán vé đã được đưa lên bản tin nên chắc nhiều người biết đến sự kiện này. Hơn chín nghìn người xếp hàng mua vé và người ta đã phải dừng hoạt động bán vé lại.
Trên bản tin thời sự cũng chiếu hình ảnh những người phản ứng quá khích và nói những lời lẽ không hay sau khi biết tin hoạt động bán vé bị dừng lại. Thời điểm đó có rất nhiều học sinh chuẩn bị vào học trung học khóa mùa xuân đã đến để mua vé. Thực lòng thì tôi rất cảm thông cho mọi người khi phải đứng chờ hàng giờ đồng hồ trong thời tiết giá lạnh.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng loại vé Suica kỷ niệm số lượng có hạn này cũng chỉ có công dụng như một vé Suica bình thường khác. Nó không giúp bạn giảm được 5% tiền tàu xe, cũng không làm bằng chất liệu đặc biệt khó vỡ… Nếu được như thế thì tôi cũng muốn có một cái. Trên vé Suica giới hạn này có trang trí tranh của Mucha khá đẹp. Tuy nhiên, với nhiều người, loại vé Suica này không phải là thứ quan trọng, mà chỉ là một vật kỷ niệm, họ muốn có như nhiều người mà thôi.
Nếu bạn không nhận thấy là nó chỉ giống như các vé Suica bình thường thì bạn đã mất đi một lượng thời gian trên mức tưởng tượng rồi.
Đó là:
Thời gian đi, về giữa nhà bạn và nhà ga Tokyo
Thời gian xếp hàng
Thời gian nổi giận với nhân viên nhà ga
Thời gian để làm nguôi cơn giận
Thời gian điều chỉnh thái độ của bản thân, thời gian đi mua vé một lần nữa
Đời người rất ngắn, vậy nên nếu ta còn rút ngắn nó vì đồ vật ngoài thân thì thật lãng phí.
Giảm thời gian lãng phí cho truyền thông, quảng cáo
Dù chúng ta có ở nhà xem tivi hay đi ra ngoài thì hàng loạt các thông điệp trong xã hội đều được gửi tới chúng ta qua các phương tiện truyền thông quảng cáo.
Hãy kiếm thật nhiều tiền, hãy giảm cân nhiều hơn, hãy vào học trường tốt, sống trong ngôi nhà tiện nghi, hãy sống cuộc sống lành mạnh, hãy chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh, hãy ăn mặc thời trang hơn, trưởng thành hơn, hiểu biết hơn và hãy đề phòng những bất trắc xảy đến bất cứ lúc nào…
Nhà đạo diễn Tom Shadyac từng khái quát tình hình này như sau: “Nói tóm lại, nếu là tôi của hiện nay thì không thể chấp nhận được”.
Khi ý thức được về lối sống tối giản, tự nhiên bạn sẽ giảm được khoảng thời gian bị làm phiền bởi quảng cáo hay truyền thông. Bởi “tôi đang có trong tay mọi thứ tôi cần”. Nếu bạn có thể nghĩ được như vậy thì mọi tin nhắn, thông điệp quảng cáo đều trở nên vô nghĩa với bạn.
Ngược là, nếu bạn cứ mãi nghĩ xem: “Mình đang có… Ôi, vẫn chưa đủ” thì bạn sẽ thấy mọi tin nhắn quảng cáo hay thông điệp đấy đều là dành cho chính mình. Và khi làm theo từng thông điệp thì dù bạn có bao nhiêu thời gian đi nữa cũng không thể đủ được. Một điều quan trọng được rút ra từ lối sống tối giản, đó là: Bạn chẳng còn thiếu thứ gì cả.
Chính vì đuổi theo những món đồ bạn cho là mình đang thiếu, mà bạn đã rút ngắn đi thời gian cho chính bản thân mình.
Giảm thời gian mua sắm
Những người sống theo lối sống tối giản không mấy khi đi mua sắm, nên họ có thể giảm thời gian mua đồ. Tất nhiên thỉnh thoảng họ vẫn cần đi mua mới vài thứ, nhưng khoảng thời gian đó cũng được rút ngắn lại. Trước đây, tôi rất thích các đồ điện gia dụng. Ví dụ trước khi mua một chiếc lò vi sóng mới, tôi phải so sánh sản phẩm của vài hãng, rồi xem báo giá giới thiệu của từng sản phẩm, cuối cùng mới chọn mua được dòng sản phẩm có chức năng nấu bằng hơi nước siêu nhiệt ở nhiệt độ cao mà các sản phẩm khác không có. Tôi đã vô cùng mãn nguyện với lựa chọn của mình, nhưng cuối cùng thì tôi lại chẳng sử dụng cái tính năng nổi trội ấy một lần nào.
Nếu đến khu phố thời trang ở Tokyo thì dù có mua một chiếc áo thôi, tôi cũng mất cả một ngày ở đấy. Mà dù có chọn được kiểu dáng thì tôi cũng phải loanh quanh giữa mấy cửa hàng A, B, C. Đi hết các cửa hàng thử ở từng nơi cuối cùng lại quay về cửa hàng A đầu tiên. Rồi lại chẳng mua cái áo đấy nữa mà đi về. Có lẽ, tôi ra ngoài chỉ để rước thêm mệt vào người.
Ken Segall, tác giả của cuốn Think Simple khi so sánh giữa máy tính của Apple và Dell đã nói: Thành công của Apple là do dòng sản phẩm này có ít mẫu mã hơn hẳn.
Khi nói về thất bại của Apple Watch, theo tôi không phải do tính năng của nó mà là do dòng sản phẩm này có quá nhiều mẫu mã để lựa chọn.
Có một quy tắc gọi là “quy tắc kẹo mứt”. Đó là sẽ có nhiều người mua ở quầy hàng bày sáu loại kẹo mứt hơn là quầy hàng bày 24 loại. Nếu có quá nhiều lựa chọn thì chúng ta thường hay nghĩ ngược lại, thà không có lựa chọn nào còn hơn, mà dù có chọn được trong số đó thì cảm giác thỏa mãn cũng bị giảm xuống.
Lối sống tối giản càng phát triển thì tiêu chuẩn chọn đồ càng rõ ràng. Vậy nên, dù có mua đồ mới, bạn cũng sẽ không mất nhiều thời gian để phân vân lựa chọn. Tiêu chuẩn chọn của tôi là: hình thức đơn giản, diện tích nhỏ gọn, dễ lau chùi, màu sắc hài hòa, có thể sử dụng trong thời gian dài, cấu tạo đơn giản, nhỏ, nhẹ, tích hợp nhiều tính năng. Lúc đổi xe đạp, tôi cũng đưa ra một tiêu chí rõ ràng. Đầu tiên đó là một chiếc xe đơn giản. Chỉ có một số duy nhất, sơn màu bạc cho bền màu, khung xe là kiểu cũ nhưng tôi chưa bao giờ thấy chán. Đáp ứng hết yêu cầu đấy của tôi chỉ có xe của Focale44, thế nên tôi chẳng phải mất thời gian đi xem xét, chọn lựa ở các hàng khác làm gì. Và tôi cũng không mất thời gian so sánh xe của mình với xe của người khác.
Khi mua đồ mới, nếu bạn vẫn chọn món đồ giống như món đồ cũ từng có thì bạn không mất thời gian tìm hiểu và chọn một cái hoàn toàn khác. Bởi bạn cảm thấy thoải mái nhất với món đồ đấy, cảm thấy “thế này là đủ rồi” nên bạn chẳng cần để mắt đến những thứ khác. Không chỉ có đồ đạc trong nhà, trong các trường hợp phải lựa chọn khác, nếu thu hẹp được phạm vi lựa chọn cho mình thì bạn sẽ quyết định nhanh hơn và quan trọng là bạn sẽ không lãng phí thời gian.
Giảm thời gian làm việc nhà
Thời gian làm việc nhà của bạn sẽ được giảm xuống đáng kể.
Tôi sẽ giải thích điều này kỹ hơn ở phần sau. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu không bày biện đồ đạc ra khắp phòng và sống theo lối sống tối giản thì thời gian bạn dành cho việc nhà sẽ được giảm xuống. Khi vứt bớt quần áo, cũng có nghĩa là thời gian giặt giũ của bạn được rút ngắn lại. Bạn cũng không phải mất nhiều thời gian phân vân xem hôm nay mặc gì.
Khi còn sống trong căn phòng cũ trước đây, tôi rất ghét phải nhìn thấy ánh nắng trong phòng. Bởi tôi ghét phải nhìn thấy những hạt bụi li ti trong những tia nắng ấy. Hơn nữa tôi là kiểu người sống về đêm nên lúc nào cũng đóng hết cửa chớp lại để chặn ánh nắng vào nhà.
Còn bây giờ, tôi lại quen với việc thức dậy trong nắng sớm bình minh. Khi mở mắt ra là tôi có thể thấy ngay căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp. Đây cũng là niềm vui nho nhỏ của tôi vào mỗi sáng. Cứ như vậy, tự nhiên tôi lại dậy sớm hơn trước và khoảng thời gian buổi sáng dần trở thành thời gian quan trọng trong cuộc sống của tôi.
Chuyển nhà trong 30 phút
Đầu xuân năm nay, tôi đã chuyển đến nhà mới. Trước lúc chuyển nhà, tôi cũng chẳng phải đóng gói gì cả mà cứ chuyển hết đồ đạc ra ngoài. Tất cả chỉ hết 30 phút. Chuyển đèn, máy giặt… cộng gộp mọi việc chỉ trong 30 phút. Có lẽ với nhiều người, khoảng thời gian này cũng chỉ bằng khoảng thời gian để họ chọn xem nên mặc bộ quần áo nào trong ngày mà thôi. Không tốn thời gian, việc chuyển nhà của tôi nhẹ nhàng như việc đi ra ngoài hàng ngày vậy.
Giảm thời gian uể oải, biếng nhác
Khi nhà bạn đã được đơn giản hóa, tự nhiên bạn sẽ giảm được thời gian lười biếng cho bản thân. Trước đây, vào ngày nghỉ, tôi đều dành trọn một ngày trên giường.
“Hôm nay mình phải giặt quần áo thôi. Sau đây còn phải lau nhà nữa. Cứ nằm ì trên giường thế này thì bao giờ mới dọn nhà được. Làm việc thôi! Làm thế nào cho hiệu quả nhất bây giờ. Trong lúc giặt quần áo, mình tranh thủ lau nhà rửa bát vậy. Được, cứ làm vậy đi! Ơ, còn bộ này mình cũng muốn giặt. Hay là lau nhà xong rồi giặt vậy… Phiền quá, thôi xem tivi và điện thoại một lúc vậy…”
Cứ như vậy, tình trạng này xảy ra như một vòng tròn tuần hoàn mãi không bao giờ giải quyết được. Nếu có ít đồ đạc, công việc bạn phải làm cũng ít đi. Ngày nào bạn cũng giải quyết được hết chúng nên chẳng có gì còn tồn đọng lại cả. Dù bạn có giải quyết hết việc nhà trong một lúc cũng sẽ rất nhanh chóng.
Giảm thời gian tìm đồ, giải quyết vấn đề quên đồ
Tôi nắm rõ mọi thứ mình có trong nhà, và tất cả đều được để cùng một chỗ nên tôi không tốn thời gian tìm đồ. Khi biết rõ mọi đồ đạc trong nhà mình, bạn sẽ không phải hỏi những câu như: Mình để ở đâu nhỉ? Mình có thứ này không nhỉ… Bạn sẽ không phải mất thời gian để suy nghĩ mấy việc như: Để xem nào, mình để cuộn băng dính ở đâu mất rồi nhỉ? Tôi có thể trả lời luôn cho bạn là trong nhà tôi không có băng dính. Rồi những giấy hướng dẫn, giấy bảo hành… nếu bạn thấy nó quan trọng thì có thể scan rồi vứt chúng đi. Việc “không có” này có giá trị lớn trong cuộc sống của chúng ta.
Nếu đồ đạc ít đi, sẽ không có chuyện mất đồ nữa. Những người sống tối giản khi đi ra ngoài cũng mang theo rất ít đồ, nên thường không mấy khi quên đồ.
Thời gian phong phú, nguồn gốc của hạnh phúc
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người ở nhà ga thường chạy như bay, thậm chí suýt va vào người khác chỉ để không bị trễ tàu. Mỗi khi nhìn thấy họ, tôi đều nghĩ họ thật không hạnh phúc. Những lúc vội vã làm điều gì đó, chẳng ai có được nét mặt tươi tắn cả. Ngược lại, khi nhìn dòng người đi bộ trong tuần lễ vàng (dịp nghỉ lễ cuối tháng Tư đầu tháng Năm của người Nhật), tôi lại thấy mọi người hạnh phúc hơn mọi ngày.
Nhà tâm lý học Tim Kasser cho rằng “sự dư dả về thời gian” có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của con người, còn “sự giàu có về vật chất” lại không làm được điều đó.
Xung quanh chúng ta luôn có rất nhiều người chăm chỉ làm việc, kiếm được nhiều tiền nhưng luôn bị căng thẳng khi phải đuổi theo một cái gì đó không ngừng nghỉ. Dù bình thường bạn có thấy người đấy tốt đến mấy, khi họ quá bận rộn và không có thời gian rảnh rỗi, mặt xấu của họ cũng sẽ dần hiện ra. Ngược lại, những lúc sếp hỏi han, quan tâm nhân viên bao giờ cũng chỉ là lúc hết việc đi về mà thôi.
Nếu giảm được đồ đạc trong nhà thì thời gian của bạn sẽ được tăng lên rất nhiều. Bởi bạn đã giảm được thời gian mua sắm, tìm đồ, thời gian làm việc nhà, thời gian chuyển nhà và thời gian lười biếng…
Chế độ mặc định trong những lúc nhàn nhã
Các nghiên cứu về não bộ chỉ ra rằng chỉ có lúc con người “không làm gì cả”, “thảnh thơi thư giãn” hoạt động của não bộ mới hoạt động theo “chế độ mặc định”. Khi chúng ta suy nghĩ hay làm một việc gì đó, chế độ này sẽ không hoạt động, nó chỉ hoạt động khi chúng ta nghỉ ngơi.
Theo nghiên cứu thì chế độ này dùng cho các việc “tự nhận thức bản thân”, “dự tính”, “ký ức”. Hay nói một cách đơn giản, chế độ mặc định này giúp ta một lần nữa suy nghĩ tổng quát về chính bản thân mình. Thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi không phải là khoảng thời gian vô ích mà là khoảng thời gian cần thiết để nhìn nhận lại chính mình. Đó có thể là lúc bạn đang nằm trên bãi biển nghe tiếng sóng vỗ hay đang ngắm lửa trại.
Khoa học đã chứng minh những khoảng thời gian rảnh rỗi như thế là cần thiết cho con người. Dù giàu hay nghèo thì thời gian một ngày của bạn cũng là 24 tiếng thế nên việc dùng nó để thư giãn cũng chính là một loại hưởng thụ đấy.
Tận hưởng hạnh phúc ngay bây giờ
Thảnh thơi tận hưởng thời gian rảnh rỗi là điều không thể thiếu để cảm nhận hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải ra bãi biển, nằm dưới tán ô để thư giãn. Bởi tình cảm của con người có giới hạn nhất định. Bạn có thể vào quán cà phê nghỉ ngơi một lúc, hoặc dừng việc đánh máy, hít thở sâu. Cảm giác lúc đó của bạn cũng giống với cảm giác nằm trên bãi biển. Tương tự như thế, dù bạn có kê thêm một chiếc sô pha trên bãi biển bạn cũng không hạnh phúc hơn hai, ba lần được. Dù ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể cảm nhận hạnh phúc.
Nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã làm một thí nghiệm, quay phim lại hành động của các ông bố bà mẹ. Điều ông rút ra được là khi bố mẹ quá bận rộn thì ngay cả niềm hạnh phúc to lớn là chăm sóc con cái họ cũng không cảm nhận được. Yếu tố cơ bản nhất để cảm nhận hạnh phúc chính là “dư dả về thời gian”.
Tham quan bảo tàng nghệ thuật Louvre trong 15 phút
Khi quá bận rộn, bạn chẳng thể tận hưởng bất cứ thú vui nào cả. Khi đó, kể cả với người bạn yêu thương cũng thấy vội vàng. Tham quan viện bảo tàng trong 15 phút, dù có đi được hết một vòng cũng không cảm nhận được bất cứ thứ gì cả.
Khi cắt giảm đồ đạc của mình, thời gian của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Bạn sẽ lấy lại được thời gian vốn bị đồ đạc trong nhà chiếm mất. Và dư dả về thời gian chính là nguồn gốc cho hạnh phúc chân chính.
Bất cứ ai cũng chỉ có 24 tiếng một ngày. Khoảng thời gian quý báu đó nếu bị phung phí cho các món đồ thì thật lãng phí biết bao.
Tận hưởng cuộc sống
“Tôi luôn tận hưởng cuộc sống của mình và không bao giờ đánh mất sự tươi mới trong đó. Cuộc sống chính là một bộ phim có nhiều phân cảnh và không bao giờ đi đến hồi kết.”
− Henry David Thoreau
Không có ai chán ghét thành quả sau khi dọn dẹp
Kể cả với người ghét dọn dẹp cũng không thể ghét bỏ thành quả sau khi dọn dẹp được. Dù người đó cảm thấy dọn dẹp thật phiền phức, nhưng nếu thấy căn nhà sáng bong, gọn gàng sau khi được dọn lại, sẽ chẳng có ai ngoảnh mặt bỏ đi cả. Bởi căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ đều tạo cảm giác dễ chịu cho bất kỳ ai.
Khi còn bị giam trong đống đồ đạc ở nhà cũ, tôi rất ghét việc dọn dẹp. Tôi cũng ghét luôn cả việc giặt giũ. Dù có lau dọn, sắp xếp thế nào đi nữa thì nó lại đóng bụi ở đấy. Mỗi lần ăn xong là tôi lại bày ra một đống bát đũa cần rửa, và khi nhìn đống bát đũa ấy tôi lại tự bảo: Thôi, để ngày mai rửa vậy. Và cứ thế đi ngủ luôn.
Cứ lặp lại vài lần như vậy, tôi chẳng làm xong một việc nào cả. Hậu quả là cả căn phòng trông nhếch nhác, bẩn thỉu. Có lúc cả sàn nhà chất đầy sách vở báo chí. Tôi còn tự nói với bản thân là: Cứ để đấy, không dọn cũng được.
Gần nơi tôi ở trước đây có một cây bạch quả. Đến mùa thay lá, cây rụng rất nhiều lá và một bác gái sống gần đấy sáng nào cũng phải hót đổ đi. Lúc đó, tôi còn không hiểu ý nghĩa của việc này.
Lúc đó tôi đã nghĩ: Sao ngày nào bà ấy cũng làm cái việc phiền phức thế nhỉ. Đằng nào hôm sau cây chẳng rụng lá. Sao bà ấy không để hai ngày dọn một lần, hay một tuần dọn một lần cũng có sao.
Nhưng bây giờ tôi đã hiểu cảm giác của bác gái ấy. Bác ấy dọn không phải vì lá cây rụng mỗi ngày mà vì chính những phiền toái trong con người bác ấy.
Không có tính lười biếng
Tôi từng nghĩ mình là một kẻ lười biếng và không có ý chí mạnh mẽ. Tôi cũng từng cho rằng lười biếng là bản tính của mình. Là đàn ông nên không làm việc nhà cũng chẳng có gì lạ.
Thế nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi sáng trước khi ra ngoài tôi đều lau nhà. Lúc tắm thì dọn luôn bồn tắm nên trông nó lúc nào cũng sáng bóng. Dụng cụ nấu ăn thì rửa luôn khi ăn xong. Quần áo thì giặt trước khi chúng chất đống lại. Và khi phơi đồ thì nhân tiện dọn luôn cả ban công của phòng bên cạnh.
Phải chăng lười biếng vốn không phải là tính cách của tôi. Tính cách không phải thay đổi mà chỉ đơn thuần là thay đổi số lượng đồ đạc trong nhà. Khi đồ đạc trong nhà giảm bớt, việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Kỹ thuật dọn dẹp học từ Aristotle
Nhà triết học cổ đại Aristotle đã nói rằng: Con người là kết quả của quá trình lặp đi lặp lại. Chính vì vậy, chúng ta thành công không phải vì làm những việc vĩ đại, mà là dựa vào những thói quen.
Điều quan trọng để có thể chăm chỉ dọn dẹp, giữ cho nhà cửa sạch sẽ không phải là ý chí sắt đá, cứng rắn ép buộc bản thân phải làm công việc dọn dẹp phiền phức này. Chỉ bằng ý chí của bản thân: Nào! Làm thôi… thì bạn không thể kéo dài việc dọn dẹp của mình được. Điều quan trọng đó đơn giản chính là thói quen. Thói quen là động lực giúp chúng ta làm việc một cách tự động mà không cần ép buộc hay nghĩ là phải làm việc gì đó.
“Thù lao” cho việc tạo thói quen
Một điều quan trọng khi bạn tạo được thói quen cho mình đó là “thù lao”. Thù lao ở đây chính là cảm giác thành công nho nhỏ. Nếu là dọn dẹp thì thù lao chính là cảm giác được giải phóng bản thân khi căn phòng trở nên sạch sẽ. Khi bạn có thể kiềm chế được những cám dỗ ngọt ngào, những lý do, viện cớ làm chậm công việc của mình, thì thù lao chính là cảm giác “chiến thắng bản thân, điều khiển được chính mình”. Giảm bớt đồ đạc giúp việc dọn dẹp đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian và còn nhận được thù lao. Chính vì vậy, việc cắt giảm đồ đạc dễ dàng trở thành một thói quen yêu thích của bạn. Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên lý này với các việc nhà.
Nếu bạn tạo cho mình suy nghĩ là mình muốn tạo thói quen dọn dẹp, có nghĩa là bạn đã hạ thấp được hàng rào ngăn cách với việc dọn dẹp và làm nó trở nên đơn giản hơn một chút rồi. Sau khi bạn giảm bớt đồ đạc trong nhà thì việc dọn dẹp sẽ trở nên thật sự đơn giản.
Giảm bớt đồ đạc, việc dọn dẹp đơn giản hơn gấp ba lần
Khi còn ở trong căn phòng lộn xộn trước đây, một tháng tôi dọn nhà được một lần là tốt lắm rồi. Thậm chí, ngay sau khi vứt bớt đồ, cuối mỗi tuần tôi cũng chỉ sắp xếp lại đồ đạc một chút thôi. Còn bây giờ, mỗi sáng tôi đều hút bụi, lau nhà. Điều này không có nghĩa là tôi đã thay đổi, mà sau khi đồ đạc ít đi, việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn và dần biến thành thói quen trong cuộc sống của tôi.
Thậm chí, việc dọn dẹp còn trở thành thú vui hằng ngày. Tôi sẽ lấy ví dụ với việc lau sàn nhà được trang trí bằng một con cú khắc gỗ.
Trình tự lau nhà sẽ như sau:
1. Để con cú ra chỗ khác.
2. Lau chỗ để con cú.
3. Để con cú về lại vị trí cũ.
Bây giờ, nếu tôi bỏ con cú đi và lau sàn nhà thì trình tự sẽ thế nào nhỉ?
Lau sàn thôi.
Xong rồi, mọi việc đã kết thúc. Vất vả quá. Như bạn thấy, công đoạn lau nhà của tôi đã giảm xuống còn một phần ba. Và thời gian lau nhà có lẽ cũng giảm xuống còn một phần ba cũng nên. Hơn nữa, tôi cũng không cần phải lau con cú kia nữa. Bạn hãy tưởng tượng xem nếu bạn để ba, bốn, 10 hay 20 món đồ trang trí trong nhà thì việc lau dọn của bạn sẽ thế nào đây.
Không phải dọn dẹp mà là “bản năng về tổ” của đồ đạc
Giờ đây, khi đã cảm nhận được sự thoải mái của việc “không có đồ đạc”, nên bất kể lúc nào thấy có món gì bị lôi ra ngoài là tôi ngay lập tức dọn chúng về chỗ cũ. Đồ đạc luôn ở đúng vị trí của mình.
Trước đây, khi đọc tác phẩm của Yururimai nói rằng: Tôi chỉ lấy điều khiển tivi ra khỏi chỗ khi nào tôi muốn dùng tivi. Lúc đó tôi không tin lại có người làm cái việc rắc rối thế. Nhưng bây giờ, tôi đã hiểu cảm giác đấy. Thực sự, nó không rắc rối tí nào. Khi nó đã trở thành thói quen của bạn thì việc lấy ra, cất vào không còn là hai việc tách biệt nữa. “Lấy ra cất vào” đã trở thành một hành động thống nhất. Tôi gọi nó là “lấy và cất đồ”.
Nó cũng giống như đi xe đạp vậy. Lúc mới đi xe, ta luôn ý thức được việc đi xe của mình. Nhưng đến một ngày, bạn sẽ lên xe mà không có chủ định gì cả.
Cũng giống như vậy, giờ đây, tôi không có ý thức là mình đang dọn đồ nữa. Tôi chỉ có cảm giác mình vừa đưa đồ đạc về đúng vị trí của nó mà thôi. Đó không phải là dọn dẹp mà là tôi chỉ đi theo “bản năng về tổ” của đồ đạc.
Phòng nhỏ thật tuyệt
Đầu xuân năm nay, tôi đã chuyển từ căn hộ 25m2 sang căn hộ 20m2. Vậy là tôi đã giảm được 5m2 phòng cần phải dọn dẹp. Việc dọn nhà của tôi lại càng đơn giản, nhanh chóng hơn.
Bây giờ, tôi muốn sống trong những căn phòng nhỏ bé. Căn hộ 20m2 này còn hơi lớn với tôi. Việc dọn dẹp không chỉ là thú vui mà còn giúp tôi thấy dễ chịu. Và tôi sẽ chẳng để cho ai hay robot dọn dẹp nào lấy mất thú vui này của mình đâu. Bởi “trực nhật, dọn dẹp” không phải là việc cần dùng tiền để giải quyết.
Bụi bặm hay bám bẩn thực ra là chính con người chúng ta
Có người nói: Lau chùi dọn dẹp cũng chính là đánh bóng lại bản thân. Với tôi, nó quả thực là một châm ngôn sống. Những thứ chất đống trong phòng không phải là bụi bẩn hay rác thải, mà chính là “quá khứ của bản thân mình” đã bị bám bụi trong thời gian dài. Đó cũng là hệ quả của chính bản thân chúng ta “đã không làm gì khi phải dọn dẹp”. Bụi bặm, bám bẩn là thứ đáng ghét thật đấy, nhưng đáng ghét hơn nữa chính là những bụi bẩn từ quá khứ của chúng ta. Khi giảm bớt đồ đạc, biến dọn dẹp thành thói quen, bạn sẽ dần hướng đến một con người “làm được ngay khi cần làm”, bạn sẽ yêu quý bản thân mình hơn, tự tin và dũng cảm hơn.
Chỉ cần giảm bớt đồ đạc, bạn sẽ thấy yêu thích bản thân hơn
Chắc sẽ có người phản đối bằng những câu như “tính tôi vốn cẩu thả mà”, “tôi ghét phiền phức lắm”, hoặc là “đàn ông không làm mấy cái chuyện nhỏ nhặt ấy”, nói sao thì nói nhưng mà đối với tôi: Làm việc nhà thật tuyệt vời.
Điều đầu tiên chúng ta phải thay đổi, không phải tính cách mà là môi trường. Việc giảm bớt đồ đạc sẽ làm cho việc nhà và phần lớn các sinh hoạt khác trở nên đơn giản và nhàn hạ. Việc nhà trở nên vừa dễ vừa nhàn, và chỉ cần làm tốt những việc đơn giản đó thôi thì bạn sẽ thấy yêu mến bản thân hơn rồi. Khi đó ta sẽ tự tránh xa khỏi cảm giác chán nản, lười biếng và cảm nhận được rằng mình đang tự “điều khiển” được cảm xúc của chính mình.
Buổi sáng dậy sớm, trước khi đi làm có thời gian thong thả ăn một bữa sáng lại có cả thời gian để dọn dẹp và giải quyết luôn việc giặt giũ sẽ khiến hiệu quả làm việc khi đến chỗ làm khác hẳn so với khi ngủ cố cho đến tận gần đến giờ đi làm. Chỉ cần sinh hoạt có nề nếp thì con người ta sẽ tự tin hơn và tự yêu quý bản thân mình hơn rất nhiều. Yêu bản thân mình cũng sẽ làm cho chúng ta dễ dàng tiếp nhận những thử thách mới trong cuộc sống. Con người có thể thay đổi bằng nếp sống hàng ngày của mình.
Tư tưởng ép buộc bản thân trở thành một con người khác
Những người trẻ tuổi bây giờ thường xuyên phải nghe những câu nói kiểu như “mỗi chúng ta đều là một cá thể độc lập và duy nhất” nên “phải có cá tính riêng” hay là “phải có được một thành công nhất định”. Đây là tư tưởng ép buộc bản thân trở thành một hình tượng nào đó. Trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như thế và cũng đã cảm thấy bực tức với bản thân mình vì không thể trở thành “ai đó”.
Sau khi vứt bớt đồ đạc xung quanh mình, tôi nhận ra rằng bản thân mình không cần phải có trong tay một thành tựu gì cả, cũng không cần phải trở thành một nhân vật tầm cỡ nào đó. Chỉ cần làm những việc nhà hàng ngày, hoàn thiện lối sinh hoạt, nề nếp thôi là tôi đã cảm thấy yêu bản thân mình hơn và cảm nhận đầy đủ niềm vui trong cuộc sống.
Tôi chỉ cần làm xong những công việc hết sức đơn giản trong ngôi nhà không có mấy đồ đạc của mình là tôi sẽ thảnh thơi đi dạo quanh khu nhà mình ở, khi đó tôi cảm thấy bản thân không mong muốn thêm nữa điều gì. Tôi ngồi ngắm con vịt giời đang rỉa lông rỉa cánh trong hồ nước ở công viên. Con vịt chỉ đơn giản là đang rỉa cánh chứ chẳng cần gồng mình lên để trở thành cái gì đó khác. Con vịt không cần phải bận rộn lo xây dựng sự nghiệp cũng chẳng cần chạy theo nịnh bợ mấy con vịt khác trong đàn. Nó chỉ đang vầy nước, rỉa cánh, nó chỉ đang sống một cách bình thường thôi. Thật ra ta chỉ cần như vậy là đủ. Tôi, sau khi đã bỏ bớt đống đồ đạc ra khỏi cuộc sống, cảm thấy chỉ cần sống một cách bình thường thôi cũng mang lại quá đủ sự viên mãn. Tôi đã trở thành con người chỉ cần được sống thôi là đã cảm thấy sự thú vị rồi!
Cảm giác tự do, được giải phóng bản thân
“Từ khi vứt hết mọi thứ, tôi mới có thể tự do theo đuổi những việc mình thích.”
− Tyler Durden – Sàn đấu sinh tử
Không chuyển nhà đi được
Con chim có thể tự do bay cao trên bầu trời là do tổ của nó nhỏ gọn và chẳng tích trữ gì bên trong cả.
Hình ảnh con chim tự do trên bầu trời ấy hoàn toàn trái ngược với tôi trước đây. Trong căn bếp chỉ có một người sống lại kê một cái tủ bếp to đùng, thậm chí tôi còn làm phòng tối để tráng ảnh. Ở thềm nhà kê một giá sách cao ngất chất đầy sách vở. Nếu có chuyển nhà thì tôi cũng muốn chuyển hết những thứ này, và nếu đồ dùng có tăng thêm nữa thì cũng phải sắp xếp cho bằng được. Lúc đó, tôi luôn muốn có một căn phòng lắp được tivi to và thiết bị chiếu phim trong nhà. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến việc chuyển nhà và đi tìm vài chỗ, nhưng tôi không tìm thấy căn nhà nào phù hợp với điều kiện kèm theo và vừa với túi tiền của mình. Rồi việc đóng gói ngần đấy thứ, sau đó phải sắp xếp lại tất cả là việc rắc rối hơn bất cứ việc gì.
Sau gần 10 năm sống tại Nakameguro, khi tôi chuyển đến khu Fudomae gần đấy, tất cả công việc gói đồ (tôi không phải dùng đến một thùng giấy nào cả), di chuyển, dỡ đồ sắp xếp… tất cả chỉ gói gọn trong một tiếng rưỡi.
Tự do di chuyển bất cứ lúc nào
Lần tới nếu chuyển nhà, tôi muốn chuyển đến căn phòng nhỏ hơn nữa. Căn phòng 20m2 hiện nay vẫn còn hơi rộng so với tôi. Và tôi thấy căn phòng 12m2 như phòng của cô Dominic Loreau khá phù hợp với mình. Tôi cảm thấy thoải mái khi sống trong một căn nhà nhỏ bé, và tuyệt hơn nữa là tiền nhà cũng giảm xuống. Thời gian chuyển nhà cũng chỉ trong tích tắc mà thôi. Sau khi vứt đồ đi, tôi nhận thấy mình có thể thoải mái, tự do di chuyển hay chuyển nhà đi bất cứ đâu.
Tự do thử nghiệm cách sống mới
Tại các hội thảo như “hội thảo về cách sống trong tương lai”, người ta hay nhắc đến trào lưu sống trong nhà nhỏ, có thể kể đến như kiểu “nhà nhỏ tự làm” (ví dụ như “kiểu sống B” của anh Tomoya Takamura, người đã dùng 100 nghìn yên để xây nhà), hay “ngôi nhà di động” có gắn bánh xe của anh Sakaguchi Kyohei. (Những người sống theo “kiểu sống B” hay mua mảnh đất rẻ ở nông thôn, tự mình xây nhà, làm mọi thứ, sinh hoạt với chi phí tối thiểu). “Chỗ ở” không còn là khoản nợ 35 năm như trước đây nữa, mà đã có rất nhiều mô hình chỗ ở mới được tạo ra.
Có thông tin cho rằng đến năm 2040 số nhà bỏ không sẽ lên đến 40%. Hơn nữa, nếu nghiên cứu các dự báo động đất, sớm hay muộn người ta cũng sẽ nhận thấy Nhật Bản xảy ra động đất theo chu kỳ. Vì thế việc sống trong các ngôi nhà cố định sẽ khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao theo từng năm. Điểm chung trong các thí nghiệm mới về chỗ ở hiện nay là người ta không còn sử dụng những ngôi nhà to có thể kê được nhiều đồ đạc bên trong như những ngôi nhà kiên cố truyền thống.
Nếu là một người sống tối giản, bạn có thể dễ dàng thử nghiệm bất cứ cách sống nào. Theo tôi, điều thú vị nhất hiện tại không phải là vấn đề “văn hóa” mà là vấn đề “cách sống mới”, “chỗ ở mới”. Chắc chắn, sự thay đổi này sẽ còn xảy ra nhanh hơn nữa trong tương lai.
Chi phí sinh hoạt tối thiểu và tự do trong làm việc
Có một thuật ngữ là chi phí sinh hoạt tối thiểu. Đó chính là số tiền tối thiểu mà bạn cần để duy trì cuộc sống. Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền điện thoại… Bạn cần phải tính trước về khoản tiền cần thiết trong cuộc sống này.
Hiện tại tôi đang sống ở khu Fudomae, tiền nhà một tháng là 67 nghìn yên. Tôi vẫn dùng iPhone, ăn uống tự nấu nướng nên nếu thu nhập hàng tháng của tôi là 100 nghìn yên cũng đủ để sống thoải mái rồi. Sách tôi đọc trong thư viện, rảnh rỗi thì đi dạo trong công viên, cuộc sống như vậy là đủ.
Về già, kiếm 100 nghìn yên cũng tốt rồi
Tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở phần sau, tuy nhiên nếu lối sống tối giản được phát triển, chúng ta sẽ không còn so sánh bản thân với người khác nữa.
Tôi muốn sống cuộc sống như trong tạp chí đề cập. Tôi là một con người, nên tôi không muốn bị người khác cho là nghèo túng…
Nếu có thể tự loại bỏ những suy nghĩ trên ra khỏi đầu óc thì bạn sẽ thấy có rất nhiều công việc kiếm được 100 nghìn yên một tháng.
Giờ đây tôi không còn sợ hãi, bất an về cuộc sống sau khi về già của mình nữa. Với tôi khi về già, tôi kiếm công việc có thu nhập 100 nghìn yên một tháng là tôi thấy ổn rồi.
Ngày nay, có rất nhiều người để đạt được tiêu chuẩn cuộc sống mong muốn của bản thân mà phải ép mình làm việc ở những nơi tồi tệ hoặc làm việc căng thẳng đến mức phải tự sát. Nhưng trong tương lại, có lẽ tình trạng này sẽ được cải thiện. Khi mà đồ đạc, vật dụng được giảm bớt, chi phí sinh hoạt được hạ thấp và chúng ta có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào mình muốn. Có thể thấy, lối sống tối giản còn tạo ra sự tự do trong cách làm việc nữa.
Tự do từ chính “bản thân”
Cũng giống như tôi trước đây luôn coi những cuốn sách, DVD, CD là chính bản thân mình, hiện cũng có không ít người coi đồ dùng mà mình có như chính bản thân họ vậy. Và họ chẳng thể nào vứt đi những món đồ mà mình yêu thích. Tôi cũng hiểu cảm giác này của họ. Khi ta vứt những món đồ yêu quý của mình đi cũng giống như vứt một phần cơ thể mình vậy. Cảm giác lúc đó đau đớn biết chừng nào. Tôi cũng từng coi những cuốn sách, những đĩa CD là một phần thân thể của mình, nhưng khi vứt chúng đi, tôi lại có cảm giác được “giải phóng bản thân” vậy.
Tôi tự nhận mình là người thích xem phim, lúc trước mỗi tuần tôi phải xem khoảng năm, sáu tập. Một người thích xem phim như tôi mà lại chưa xem những bộ phim mới nhất thì thật xấu hổ, hơn nữa xem nhiều phim như vậy cũng có thể khoe trước bạn bè. “Cái này á. Tớ xem rồi, bộ kia tớ cũng xem rồi. Ừ, bộ đấy tớ cũng xem nốt rồi!”
Có lẽ lúc trước tôi chỉ chấp nhất với việc bản thân mình là người thích xem phim mà thôi. Bây giờ, tôi vẫn thích xem phim, nhưng tôi không xem nhiều như trước mà chỉ xem những bộ phim thực sự cần thiết. Tôi đã không còn là “người thích xem phim” nữa, mà là “người xem những bộ phim quan trọng”.
Vì không còn là người thích phim nữa nên khi nói chuyện với bạn bè sẽ có những cái tên, những bộ phim mà tôi không biết. Và tôi có thể ngay lập tức hỏi bạn: Đấy là cái gì thế? Giới thiệu cho tớ đi… Nếu là trước đây thì tôi thật xấu hổ khi không biết những điều này.
Chính vì thích nên coi đó là một phần cơ thể mình. Khi vứt chúng đi, tôi cảm giác như mình thoát khỏi được những trói buộc từ chính bản thân mình.
Từ khi vứt bộ sưu tập phim, tôi chỉ xem những bộ phim thực sự cần thiết mà thôi. Tôi cũng không còn xem năm, sáu bộ phim một tuần, cũng không “xem phim để học hỏi” nữa. Thỉnh thoảng tôi mới xem một bộ phim mà mình thực sự muốn xem thôi.
Mặc dù xem ít đi nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái.
Thoát khỏi những “ham muốn”
Khi trở thành người sống tối giản, bạn sẽ được giải phóng khỏi những tin nhắn, thông điệp xã hội trên thế giới này. Dù người này hay người kia, họ có làm gì đi nữa tôi cũng không để ý. Những người giàu có, những người nổi tiếng trên truyền hình cũng chẳng làm tôi bận tâm. Những cửa hàng tráng lệ, những thẻ tích điểm, sản phẩm đa chức năng, những khu chung cư mới xây đầy tiện ích… Tất cả đều không liên quan đến tôi. Tôi vẫn sẽ thoải mái đi dạo trên phố mà chẳng bận tâm điều gì.
Như tôi đã nói ở chương hai, bạn càng sắm đồ thì đồ đạc lại càng tăng lên. Nhưng dù có nhiều đồ, bạn vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn nên bạn lại càng sắm nhiều đồ hơn nữa.
Tương tự như vậy, bạn càng ăn nhiều bạn lại càng thấy đói và tiếp tục ăn như một con quái vật. Những người thổ dân châu Mỹ có một từ gọi là Uetiko nghĩa là “ăn người”, hay nói đơn giản là ham muốn hơn mức cần thiết, đến mức coi cả cuộc đời của con người là đồ ăn. Uetiko cũng được cho là tâm bệnh của con người.
Tôi hiện đang có tất cả những thứ mà tôi cần. Tôi cũng không mong muốn có thêm món đồ gì nữa. Nếu tôi còn, dù chỉ một chút thôi thì ham muốn với đồ đạc trong tôi sẽ lớn dần thành một con quái vật khiến tôi không thể kiểm soát được chính bản thân mình. Trước đây, vì con quái vật ấy mà tôi chỉ chăm chăm vào những thứ tôi cho là còn thiếu, thực sự là khốn khổ vô cùng.
Không có những món đồ khiến bản thân ao ước muốn có, đó chính là cảm giác thoải mái nhất.
Không so sánh với người khác
“Khi bạn biết mình không thiếu thứ gì, bạn là duy nhất trên thế giới này.”
− Lão Tử
Phương pháp để quen với bất hạnh chỉ trong tích tắc
Con người luôn nghĩ rằng bãi cỏ của hàng xóm xanh hơn bãi cỏ nhà mình. Thực ra tự bản thân bãi cỏ chẳng bận tâm xem bãi cỏ nhà hàng xóm có màu xanh da trời hay màu xanh lá cây. Mà để ý ở đây chính là chủ của bãi cỏ. Và để bãi cỏ nhà mình đẹp hơn, anh ta sẵn sàng mua sơn hóa học về, phun lên bãi cỏ, nhưng rồi anh ta chẳng thể thỏa mãn được vì cuối cùng bãi cỏ lại biến thành màu đen và mất đi vẻ đẹp vốn có.
Có một cách để bạn thấy bất hạnh chỉ trong giây lát. Đó là so sánh mình với người khác.
Trước đây tôi đã chứng kiến cô gái mình thích lấy một anh chàng có thu nhập cao hơn tôi. Lúc đó tôi đã so sánh bản thân với anh ta và cảm thấy thật thất vọng: Hiểu rồi, với mình thì ngần đấy vẫn chưa đủ. Nhưng có lẽ đó chưa phải là tất cả. Nếu so với bạn cùng thời tôi thì tôi thấy mình thật là người vô dụng. Chỉ cần mở mạng xã hội là tôi có thể thấy rất nhiều người sống vui vẻ. Và khi nhìn thấy những người đi đường cười nói với bạn bè, tôi thấy mình rất cô độc.
Bill Gates có so sánh mình với người khác?
Bất cứ ai dù vô tình hay cố ý cũng có lúc so sánh mình với người khác. Và vấn đề là việc so sánh này sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả.
Có một người làm trong công ty kinh doanh mạng từ lúc công ty thành lập. Anh ta so sánh mình với một đàn anh khác làm việc tốt hơn trong công ty. Đàn anh này lại so sánh mình với vị doanh nhân đã vực dậy cả công ty. Vị doanh nhân nọ lại so sánh bản thân với vị doanh nhân của một doanh nghiệp hàng đầu. Vị doanh nhân của doanh nghiệp hàng đầu lại so sánh mình với Bill Gates. Vậy, theo bạn Bill Gates sẽ so sánh mình với ai? Có lẽ ông ấy sẽ so sánh với chính mình khi còn trẻ. Hoặc cũng có thể ông ấy sẽ so sánh mình với nhân viên vô danh trong công ty mới thành lập với tương lai đầy triển vọng.
Bất cứ ai cũng có người giỏi hơn mình
Việc so sánh với người khác là do xung quanh chúng ta luôn có người giỏi hơn mình. Dù bạn nhiều tiền đến đâu, đẹp trai đến đâu, xinh đến thế nào thì xung quanh bạn chắc chắn còn có người hơn thế nữa. Dù bạn có là một trong số các thần tượng của cả nước thì chắc bạn cũng sẽ có chút tự ti nếu so sánh bản thân với Johnny Depp hay Brad Pitt. Dù bạn có thực hiện được giấc mơ thuở bé là trở thành tuyển thủ bóng đá thì bất cứ lúc nào bạn cũng sẽ thấy đau khổ nếu so sánh với Lionel Messi. Và kể cả bạn có đạt đỉnh cao trong một lĩnh vực nào đó thì khi so sánh về các lĩnh vực khác, bạn vẫn còn cách người ta một khoảng khá xa.
Sau khi vứt bớt đồ đạc, tôi không còn so sánh bản thân với người khác nữa. Trước đây, khi so sánh bản thân với người khác, tôi lại thấy xấu hổ khi mình đang sống trong một ngôi nhà tồi tàn đến vậy. Rồi khi thấy những người có thể mua thỏa thích những thứ họ muốn, tôi lại thấy ghen tị trong lòng. Còn giờ đây, tôi đã nói lời tạm biệt với những cảm giác đó. Bởi tôi không còn tham gia vào cuộc thi “thiên hạ đệ nhất” nào nữa rồi.
Kinh nghiệm là không thể so sánh được
Như ở chương hai tôi đã giải thích, con người có thể dần thích ứng với mọi việc.
Bởi vậy kinh nghiệm được cho là có thể kéo dài hạnh phúc lâu hơn là đồ đạc. Bạn mua một chiếc áo khoác 100 nghìn yên, mỗi lần mặc nó là mỗi lần bạn thấy quen thuộc hơn và dần dần bạn sẽ không còn cảm giác hạnh phúc khi mặc nó nữa. Tuy nhiên, nếu bạn dành 100 nghìn yên đấy để đi du lịch nước ngoài với bạn bè thì sau này, mỗi khi nhớ lại, bạn sẽ luôn có cảm giác vui vẻ, hạnh phúc như lúc đi chơi vậy. Chẳng món đồ nào có thể so được với những kỷ niệm, càng hồi tưởng lại càng thấy vui vẻ, hạnh phúc. Mặc dù kinh nghiệm có thể cho ta cảm thấy hạnh phúc trong thời gian dài, nhưng con người lại luôn chi tiền cho đồ dùng, dụng cụ hơn là cho những trải nghiệm. Bởi đồ đạc sẽ dễ dàng so sánh với người khác hơn là kinh nghiệm. Nhà tâm lý học Sonia Ryu Bomi ASCII đã nói: Túi xách mà bạn sở hữu giúp bạn dễ so sánh với người khác hơn. Giá trị của chiếc túi xách có thể dễ dàng xác định qua giá tiền của chiếc túi xách đấy. Nếu nó là hàng hiệu thì mọi người lại càng biết giá trị của nó và càng dễ để so sánh.
Ngược lại, nếu bạn định so sánh khóa học yoga của mình với bài tập golf của người khác, hay kinh nghiệm câu cá của bản thân với trải nghiệm leo núi cắm trại của ai đó thì bạn sẽ cần sức tưởng tượng phong phú.
Nếu so sánh bằng kinh nghiệm thì khó có thể biết được ai là người ưu tú hơn, nhưng nếu bạn dùng đồ vật để so sánh thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Và có vẻ đồ đạc sẽ giúp bạn nhanh chóng khẳng định được giá trị bản thân.
Tuy nhiên, thực tế thì chính kinh nghiệm mới mang lại cho bạn niềm hạnh phúc lâu dài. Cho nên, thay vì đi sắm đủ thứ để khẳng đinh giá trị bản thân thì việc tích lũy kinh nghiệm, nâng cao khả năng hành động sẽ giúp bạn có nhiều cảm nhận phong phú. Hơn nữa, kinh nghiệm rất khó để so sánh với người khác, nên bạn không cần ép mình phải có những điều đặc biệt nào cả.
Thỏa mãn khi không so sánh
Việc so sánh bản thân với người khác giống như lòng ham muốn đồ đạc của bản thân vậy. Nó sẽ không bao giờ kết thúc. Hiện giờ tôi đang viết cuốn sách này, nhưng khi nghĩ đến cuốn sách của những người giỏi hơn mình viết ra thì tôi lại chẳng thể viết tiếp được chữ nào. Xung quanh tôi luôn có nhiều người giỏi hơn, và khi so sánh với họ, tôi lại nghĩ: Cái loại như mình thì… và thế là tôi không làm được việc gì cả.
Những đồ vật hiện tôi đang có không phải là những món đồ “ao ước” khi ganh tị với người khác, mà là những món đồ thực sự cần thiết do chính tôi lựa chọn.
Nếu trở thành một người sống tối giản, biết bản thân cần gì, thì bạn sẽ không tập trung vào một ai đó để so sánh mà chỉ chú ý vào bản thân mình thôi.
Tôi đã có tất cả những gì tôi cần. Tôi không còn thiếu thứ gì cả. Vì vậy, tôi cũng không cần thiết phải so sánh bản thân với người khác.
Không còn sợ cái nhìn của người khác
“Người chú ý đến gương mặt của bạn chỉ có chính bạn mà thôi.”
− Kishimi Ichiro
Đến mèo hoang cũng không tự sát
Bới đồ ăn thừa, chạy lung tung vào ban đêm, đến mèo hoang, loài động vật có cách sống như vậy, cũng không chọn tự sát. Bởi chúng chẳng phải chú ý đến ánh mắt của người khác hay phải xấu hổ về bản thân mình cả. Thậm chí, nếu những người hay nhận viện trợ từ thiện mà không chú ý đến ánh mắt của mọi người thì họ có thể sống một cách thoải mái.
Sau khi giảm tối đa đồ đạc trong nhà, số quần áo để mặc ra ngoài của tôi cũng được cắt giảm hết mức. Giống như hình tượng Steve Jobs, Mark Zuckerberg, tôi mặc những bộ quần áo giống nhau và giữ ở số lượng thấp nhất. Với họ, thời gian để chọn quần áo thật lãng phí. Họ thà dành thời gian đó vào công việc sáng tạo còn hơn. Nếu để tâm đến việc tối giản quần áo, bạn sẽ có khá nhiều thời gian để tập trung vào những việc quan trọng của bản thân.
Steve Jobs không bao giờ căng thẳng
Cùng với cách ăn mặc tối giản, có rất nhiều thứ đã thay đổi. Chọn những bộ quần áo phù hợp với chính mình, tôi không cần bận tâm xem nó có bị lỗi mốt hay không. Tôi cũng không còn chạy theo những trào lưu mới lạ đang hiện hành, thế nên cũng không phải lo bộ quần áo của mình có bắt mắt không? Phối đồ như vậy đã đúng chưa? Hay phải chú ý nhận xét của người khác. Bạn cũng sẽ chẳng thấy ghen tị với những bộ đồ đắt tiền của một ai đó hay xấu hổ về bộ quần áo rẻ tiền của mình.
Thường thì khi bước vào các cửa hàng sang trọng, ta hay cảm thấy căng thẳng. Liệu Steve Jobs, người luôn mặc một kiểu quần áo khi bước vào Comme des Garcons sẽ nghĩ gì về cách phối đồ của mình, hay ông có căng thẳng không?
Tôi đang tiến hành tối giản tủ quần áo của mình và giờ thì tôi cũng chẳng còn quan tâm xem người khác nghĩ gì về tôi. Còn nếu là tôi trước đây, thì dù có đi dạo trên phố tôi cũng băn khoăn: Liệu mình có bị cho là một kẻ đáng xấu hổ không nhỉ? Mình sẽ bị người ta đánh giá thế nào nhỉ?…
Vì sao ăn thịt nướng một mình lại khó khăn đến vậy?
Cái khó khăn nhất khi đi ăn đồ nướng một mình là khi bạn đang nướng thịt, bạn sẽ có cảm giác các nhân viên hay những vị khách khác đang chỉ chỏ vào mình và nói: Hay đi một mình nhỉ, đi một mình trông buồn thật đấy… Và có lẽ họ đang thực sự nghĩ như vậy trong đầu. Tuy nhiên, tình trạng đấy chỉ kéo dài 10 đến 30 giây là cùng. Khi đi ăn đồ nướng một mình, bạn chỉ tập trung vào chính bản thân mình mà thôi. Nếu bữa ăn đó hết hai tiếng thì tức là bạn đã dành hai tiếng chỉ cho bản thân mình. Nếu lúc này bạn là những vị khách kia, bạn sẽ thấy là họ chẳng để ý, soi mói bất cứ ai cả. Nếu chuyển câu trích dẫn của Kishmi Ichiro vào trường hợp này có lẽ sẽ là: Người quan tâm đến việc bạn đi ăn thịt nướng một mình chỉ có chính bạn mà thôi.
Chúng ta khó có thể kiểm chứng được cách nhìn nhận của người khác. Đi ăn thịt nướng một mình dù có bị cho là đáng thương thì cũng chẳng thể kiểm chứng việc này được. Thậm chí nếu có hỏi trực tiếp người ta là: Anh có thấy người đi một mình lúc nãy đáng thương không? Thì bạn cũng chỉ nhận được câu trả lời là: Không, tôi không nghĩ vậy. Thậm chí dù bạn có chứng cứ như: Lúc nãy tôi thấy anh nhìn anh ta và cười mãi thôi đấy. Thì ngay lập tức, họ sẽ viện một cớ khác cho mình. Có lẽ, người đó cho rằng đi ăn thịt nướng một mình thật đáng thương, cũng có lẽ họ không cho là như vậy. Những suy nghĩ trong đầu của người khác, chúng ta không thể nào kiểm chứng được.
Dù bạn có để ý đến những việc đấy đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được gì. Nó chỉ khiến bạn thấy sợ hãi trước ánh mắt của mọi người và không dám thử sức với những việc mình muốn làm. Nếu bạn thích đi ăn đồ nướng một mình, hãy đi đi. Khi bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, đừng để ý đến ánh mắt của mọi người, vì họ chỉ đang tập trung vào chính họ mà thôi.
Hãy vứt những đồ mà bạn đã sắm chỉ vì ánh mắt của người khác
Trước đây tôi rất ghét sách điện tử và chỉ cảm thấy sách giấy mới là tốt nhất. Đọc theo từng trang sách bao giờ cũng nhanh hơn, cảm nhận hơi ấm qua từng con chữ, thưởng thức cách bố cục, bày trí công phu và hơn hết là tốt cho mắt.
Tuy nhiên, lý do thực sự khiến tôi ghét đọc sách điện tử không phải chỉ là nó không có sức hấp dẫn như sách giấy, mà là dù có đọc xong, tôi cũng không tích trữ được những thứ đã đọc. Bởi vì tôi thích sách nên tôi muốn tích trữ thật nhiều sách trong nhà. Nhưng thực ra tôi giữ những cuốn sách đấy là để được mọi người khen tôi là người ham học hỏi và là người sâu sắc.
Qua những cuốn sách đấy, tôi muốn thể hiện giá trị bản thân cho mọi người thấy. Chính vì vậy tôi cần những cuốn sách sau khi đọc xong có thể tích trữ lại được. Với sách giấy, bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn thấy là tôi đã đọc bao nhiêu cuốn. Còn với sách điện tử, dù tôi có đọc vài nghìn cuốn thì người ta cũng chỉ nhìn thấy một cuốn hiện hữu ở đây thôi. Vì thế mà trong nhà tôi tích trữ một đống sách để “lúc nào đấy” tôi sẽ đọc.
Còn giờ đây, khi đã vứt hết giá sách đi rồi, tôi lại có thể tập trung vào một quyển duy nhất mà tôi muốn đọc. Kết quả là số sách tôi đọc còn nhiều hơn cả trước đây. Thậm chí khi vứt đống sách cũ đi, tôi lại thấy có hứng thú với những loại sách mới. Có thể nói là sau khi vứt đi, tôi đã có được nhiều thứ hơn cho mình.
Ý nghĩa của bộ sưu tập “những chiếc máy ảnh rỗng”
Tôi rất thích chụp ảnh. Tôi cũng rất tự tin với những kiến thức về chụp ảnh của mình. Thậm chí đôi lúc tôi còn dùng phòng bếp của mình để làm phòng tối rửa ảnh. Tôi đã sưu tầm rất nhiều máy ảnh đẹp qua các buổi đấu giá.
Nhưng tôi lại chưa một lần sử dụng đến chúng, thậm chí tôi còn chẳng lắp film vào mà cứ để như vậy trong nhà. Nó chỉ đơn giản để nói cho mọi người biết là tôi có nhiều máy ảnh, và như vậy mọi người sẽ thấy là tôi thích chụp ảnh. Đồng thời qua đó tôi có thể thể hiện được giá trị bản thân mình.
Hiện tại, tôi đã bán hết những chiếc máy ảnh trong nhà. Tôi liên hệ với đại lý bán đấu giá và bán hết chúng đi. Từ sau khi bỏ hết những món đồ chỉ mua về theo cách nghĩ của người khác, tôi thấy mình đã không còn quan tâm xem mọi người nghĩ gì về mình nữa. Tôi không thấy tự ti về bản thân hay thấy tự hào, khoe khoang khi được người khác công nhận. Vứt bớt đồ đạc trong nhà, tôi cũng vứt luôn những suy nghĩ, thái độ vô nghĩa đó ra khỏi đầu.
Sau khi chuyển đến nhà mới, tôi muốn biến nó thành ngôi nhà kiểu mẫu cho người sống tối giản. Tôi sẽ biến nó thành ngôi nhà triển lãm cho bất cứ ai có hứng thú với lối sống tối giản hay những người sống tối giản khác như tôi đến tham quan. Hiện tại tôi đang sống ở Fudomae. Nếu bạn có dịp đến đây thì hãy ghé qua nhà tôi nhé. Tôi cũng rất vui nếu nhận được những góp ý của bạn cho ngôi nhà này. Ngôi nhà này của tôi, dù có ai đến thăm vào bất cứ lúc nào, tôi cũng không có gì phải xấu hổ cả. Thậm chí cả ba lô, ví tiền của tôi cũng có thể cho bạn xem.
Thói quen hành động
“Khi tự hành động, có thể bạn không đủ sức để hoàn thành tất cả mọi việc, nhưng bạn đã hành động và đó mới là điều quan trọng.”
− Mahatma Ganhdi
Tôi, một người luôn hướng nội, đã thay đổi
Sau một thời gian dài, giờ đây, tôi không còn sợ cách nhìn của người khác về mình nữa. Tôi cũng có thể làm tốt các công việc nhà mỗi ngày và cảm thấy yêu chính bản thân mình hơn. Dần dần, tôi cũng bắt đầu trở thành người theo phái “hành động”. Chẳng có gì cản trở mọi hoạt động của tôi. Và tôi đã bắt đầu một vòng tuần hoàn cho lối sống tối giản. Ban đầu nó chỉ là một chấm nhỏ thôi, nhưng sau này, tôi chắc chắn sẽ vẽ nên được vòng tròn lớn.
Tôi, một người vốn luôn e ngại cách nhìn của người khác, không dám thử sức với bất cứ điều gì, nay đã làm được những điều sau:
Thử sức với môn lặn (thực ra từ vài năm trước tôi đã định đi học rồi).
Tập thiền (tôi đã khá lo lắng khi tham gia buổi tọa đàm về thiền của nhà sư Koike Ryunosuke).
Tập yoga (lúc đầu tôi rất lo vì cơ thể mình khá cứng nên khi tập có bị người khác cười hay không).
Liên lạc với người mà tôi muốn gặp và tôi đã gặp được (dù là người nổi tiếng hay bất cứ ai).
Tham gia các buổi họp mặt của những người sống tối giản trên toàn quốc (lần nào cũng rất vui).
Làm quen với bạn bè trên mạng (tôi đã có thể kết bạn với mọi người ở khắp nơi).
Lập một trang web riêng cho mình (lúc trước tôi hay chê bai mấy tay tự đăng thông tin của bản thân lên mạng thật quá ngớ ngẩn).
Chuyển khỏi căn nhà đã sống trong 10 năm (lần này tôi tốn 30 phút để chuyển đi, lần sau tôi nghĩ sẽ không đến 20 phút).
Tỏ tình với cô gái tôi vẫn luôn thích, và chúng tôi đã hẹn hò với nhau (nếu là tôi trước đây thì tuyệt đối không có chuyện này).
Cuối cùng, hơn bất cứ điều gì là tôi đã viết một cuốn sách (nếu là tôi trước đây, tôi sẽ nói: Bỏ đi, không thấy xấu hổ à!).
Về cô gái mà tôi đã tỏ tình, sau đó tôi đã bị nói lời chia tay, tôi tự an ủi mình rằng có thể do cô ấy còn chưa hiểu hết về cách sống tối giản của tôi.
Sắp tới, tôi sẽ tự học tiếng Anh ở nhà. Tôi cũng đang lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời như lướt sóng hay leo núi hoặc thi lấy bằng lái xe máy. Tôi, một kẻ suốt ngày ru rú trong phòng sao lại có thể đi làm mấy việc này nhỉ? Chẳng nhẽ tôi đã bị người ngoài hành tinh gắn chip trong đầu sao?
Không! Tôi chỉ vứt bớt đồ đi mà thôi.
Nếu phải chọn “hối tiếc vì không làm” thì tôi thà chọn “hối tiếc vì lỡ làm”
Nếu nói về hối tiếc thì sự hối tiếc do không làm gì sẽ lớn hơn rất nhiều so với sự hối tiếc vì mình đã làm. Trong tâm lý học gọi hiện tượng này là “Hiệu ứng Zeigarnik”. Đó là hiện tượng mà con người ghi nhớ những việc không thành công hay những việc bỏ dở lâu hơn là những việc thành công.
Ví dụ: chắc hẳn ai cũng có một lần hối tiếc vì không thổ lộ tâm tư tình cảm của mình cho người mình yêu (tôi cũng đã hối tiếc điều đó). Và sự hối tiếc đó đi theo chúng ta mãi mãi. Những ai rụt rè, không dám thử sức sẽ luôn tiếc nuối vì mình đã không dám thử. Với những người như vậy, tôi chỉ có một lời khuyên cho họ: dù thành công hay thất bại, bạn cũng đã chiến thắng vì bạn đã làm.
So với sự tiếc nuối vì “tôi không dám làm” thì sự tiếc nuối vì “tôi làm sai mất rồi” lại nhẹ hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà việc bạn có hành động hay không có liên hệ trực tiếp đến hạnh phúc của bạn. Vứt những cuốn sách yêu thích, có lẽ tôi sẽ hối hận vì mình đã sai, nhưng tôi sẽ còn hối hận hơn nếu tôi không vứt. Vậy nên, tôi cứ vứt đi thôi.
Người sống tối giản luôn tích cực!
“Đám cưới á? Nếu được thì hãy chuẩn bị ba triệu yên đi nhé. Sau này anh muốn có hai con á. Thế thì một đứa tốn khoảng 20 triệu yên, cứ thế mà tính lên nhé. Rồi cậu cũng nên tích sẵn khoảng 30 triệu yên cho tuổi già nữa nhé. À mà quên mất, sau này trong đám tang cũng phải có khoảng hai triệu yên nữa đấy.”
Nếu bất ngờ nhắc một lúc ngần đấy tiền thì chắc hẳn ai cũng sẽ bị trầm cảm mất. Và chúng ta rất dễ bị mắc lừa bởi con số đấy: Ôi, không đủ tiền rồi, phải tích thêm thật nhiều nữa…
Tất cả những khoản tiền này đều chỉ là tiền chuẩn bị vì cái nhìn của người khác, là số tiền phung phí cho những thứ giả tạo bề ngoài. Số tiền thực sự cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt của con người không nhiều đến mức vậy. Nếu cần ngần đấy tiền thật thì mọi người ở các nước đói nghèo làm thế nào để kết hôn, để sinh con dưỡng cái?
Nếu bạn tính toán được chi phí tối thiểu cần cho cuộc sống thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nếu biết rằng chỉ cần có ngần này thôi là có thể sống vui vẻ tự tại được rồi thì bạn sẽ chọn cho mình những công việc thử thách hơn nhiều. Với người sống tối giản thì chẳng có thứ gì là dễ dàng mất đi cả. Thế nên bạn có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống.
Để duy trì được đồ đạc, bạn không thể mạo hiểm
Nếu bạn muốn duy trì tình trạng cuộc sống được cải thiện sau nhiều năm và không muốn vứt bỏ những đồ vật mình tích góp được thì cách duy nhất là duy trì tình trạng hiện tại. Điều đó cũng có nghĩa là bạn không bao giờ để bản thân mạo hiểm, thay đổi. Để điều kiện sống không đi xuống, để có thể tiếp tục sở hữu những món đồ này, bạn chỉ có thể tiếp tục làm những công việc bạn không mong muốn. Người ta hay nói rằng: Để ăn, để sống thì cần phải chịu đựng. Nhưng cái “để ăn, để sống” ở đây chẳng qua chỉ là duy trì đồ đạc và chú ý đến ánh mắt của người khác, tất cả cũng chỉ là những thứ hào nhoáng bên ngoài mà thôi.
Nếu xung quanh bạn chẳng có gì vướng bận, bạn có thể đi đến bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào.
Nếu không chú ý đến cách nhìn của người khác, bạn có thể thử sức với mọi thứ mà không sợ thất bại.
Nếu bỏ bớt đồ đạc trong tay, chi phí tối thiểu cho cuộc sống của bạn cũng được giảm xuống và bạn có thể thoải mái tận hưởng mọi thứ.
Nếu bạn cứ mãi trăn trở vì những việc giống nhau, bạn chỉ có thể so sánh cái lợi và cái hại của từng cách làm và sống trong những tháng ngày chỉ có đi tìm xem phương pháp nào là hiệu quả nhất. Tôi cũng đã từng như vậy và cuối cùng luôn là ngủ quên lúc nào không biết. Bây giờ thì tôi sẽ làm thử mà không cần đắn đo gì. Và nó có phải là cách hiệu quả nhất không cũng không còn quan trọng nữa. Tôi đã đi rất nhiều đường vòng để đến được bước viết cuốn sách này. Nếu bạn muốn đến đích nhanh chóng thì con tàu có nhiều người đi là lựa chọn tốt nhất cho bạn.
Kinh nghiệm thì không thể bị cướp hay bị lấy trộm
Điều quan trọng là kinh nghiệm mà chúng ta có được qua những hành động, trải nghiệm là thứ không thể cho ai vay mượn, cũng không thể bị ai cướp mất như các món đồ đạc thông thường.
Dù ai đó có muốn cướp kinh nghiệm của bạn thì họ cũng không thể cướp đi được. Kinh nghiệm khác với những vật ngoài thân, nó luôn đi theo bạn đến bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào. Và đến cuối cùng, thứ còn lại duy nhất chỉ có kinh nghiệm của bạn mà thôi.
Nâng cao sức tập trung. Thấu hiểu bản thân
“Tôi tự hào về những điều mình chưa làm cũng như tự hào về những điều tôi đang làm.”
− Steve Jobs
“Thông điệp thầm lặng” đến từ đồ đạc
Sau khi vứt bớt đồ đạc, bạn có thể nâng cao sức tập trung của bản thân. Tại sao lại như vậy?
Dù là đồ đạc, nhưng không hẳn chúng sẽ ở yên ở một chỗ, mà chúng luôn có những thông điệp nhất định. Đặc biệt, càng là những món đồ không được sử dụng, thông điệp ấy lại càng mạnh mẽ.
Nếu bạn có một cuốn sách dạy giao tiếp tiếng Anh đang đọc dở, nó sẽ nói: Anh rảnh thật đấy nhỉ. Hãy thử sức với tôi một lần nữa nào. Một cái bóng đèn bị vỡ sẽ nói với bạn: Anh lại quên mua đồ thay rồi à. Việc đơn giản thế mà anh cũng không làm được à. Và đống chén đĩa chưa rửa sẽ bảo: Lại nữa rồi. Tôi biết ngay là không thể trông mong gì vào anh mà.
Thậm chí, cả những đồ vật hay được sử dụng cũng có những điều muốn nói với bạn. Tivi sẽ nói rằng: Mấy chương trình anh thu lại đang chất đống lên rồi đây này. Với cả đã đến lúc lau bụi cho tôi rồi đấy. Nếu bạn sử dụng máy tính, nó sẽ nói với bạn: Em muốn kết bạn với anh máy in. Nhưng có vẻ không được nhỉ. Kem dưỡng da sẽ nói cho bạn hay: Này, sắp hết rồi đấy. Bộ vest tủ của bạn sẽ lên tiếng: Tôi biết là anh rất bận nhưng anh có thể giặt tôi cùng những bộ khác được không?
Bất cứ món đồ nào cũng hi vọng được bạn đối xử tử tế. Và chúng đang xếp thành hàng dài để chờ bạn biết được những thông điệp mà chúng muốn nhắn nhủ.
“Danh sách những việc phải làm trong thầm lặng” và “danh sách những việc phải làm thực sự”
Bạn càng chất nhiều đồ trong nhà thì hàng chờ đợi kia lại càng dài ra. Và tôi gọi hàng dài đó là “Danh sách những việc phải làm trong thầm lặng”. Đồ đạc không thể nói như con người là hãy làm cái kia đi, hãy xử lý cái này đi… Chúng cũng không thể giống như sếp của chúng ta, đưa ra một “Danh sách những việc phải làm thực sự”. Nhưng nếu chúng nói được thì danh sách phải làm thực sự này sẽ còn kéo dài hơn nữa.
Nếu có quá nhiều việc phải làm, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ thật rắc rối và mất hết động lực làm việc. “Rắc rối” tức là tôi đang nghĩ trong danh sách những việc phải làm có quá nhiều việc, hoặc là mặc dù tôi có việc quan trọng phải làm nhưng tôi lại bị những việc phiền toái khác xen vào và không thể nào làm xong nó.
Hãy luôn coi trọng những thứ quan trọng
Người ta nói những ai để bàn làm việc bừa bộn thường không thể hoàn thành tốt công việc. Câu nói này cũng có nguyên nhân của nó. Danh thiếp, tài liệu, sổ sách, giấy tờ cần loại bỏ, công việc cần hoàn thành… tất cả mọi thứ đều không được sắp xếp mà vứt lộn xộn trên bàn. Lúc nào trên bàn cũng chất đống danh sách cần làm trong thầm lặng khiến sức tập trung của bạn bị giảm sút đáng kể. Khi cần thứ gì đó, bạn sẽ tốn thời gian để tìm, bởi thế bạn khó có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. Dù có một “danh sách những việc phải làm thực sự” thì nó cũng bị chôn vùi trong một đống đồ đạc trên bàn và bạn chẳng thể nhận ra đâu là việc cần làm trước cả. Và đến lúc này, mọi việc đều trở nên “phiền toái”, bạn sẽ dần cảm thấy căng thẳng với công việc. Sau đó bạn sẽ không muốn làm và mở điện thoại, kiểm tra mạng xã hội… Cuối cùng tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn nhốt bạn trong đó.
Nếu bạn bỏ bớt đồ đạc của mình, tự nhiên những “thông điệp thầm lặng” của những món đồ đấy cũng được giảm bớt. Khi đó, bạn sẽ không bị làm phiền về việc này, việc kia trong thông điệp đấy nữa, não bộ cũng không phải mất công xử lý những thông điệp này. (“Mệt lắm rồi, để tôi nghỉ cái đã”, “Biết rồi, tôi sẽ làm sau”).
Chính vì vậy sau khi giảm bớt đồ đạc, sức tập trung của bạn được cải thiện. Bạn sẽ không còn nhận được những thông điệp dư thừa nào từ đồ đạc nữa, kể cả khi nhận được bạn cũng có thể giải quyết ngay lập tức mà không để tồn đọng.
Tóm lại, nhờ việc giảm bớt đồ đạc, “Danh sách các việc cần làm trong thầm lặng” được giảm xuống, bạn có thể bắt tay giải quyết “Danh sách các việc phải làm thực sự”. Khi giảm bớt đồ đạc, bạn có thể tập trung vào việc quan trọng của bản thân.
Lối sống tối giản của Lionel Messi
Để có thể tập trung vào việc quan trọng, chúng ta phải bỏ hết những việc không quan trọng. Ở chương một tôi đã định nghĩa về người sống tối giản là người cắt giảm mọi thứ vì những điều quan trọng với bản thân. Trong suy nghĩ của tôi, Messi cũng là một người như vậy.
Mọi người đều biết rằng Lionel Messi, siêu sao của Barcelona có quãng đường chạy trong một trận đấu là rất ngắn. Trung bình trong một trận đấu, các cầu thủ bóng đá thường chạy 10 km. Nhưng Messi chỉ chạy trung bình 8 km mà thôi. Ta cũng rất dễ bắt gặp cảnh anh đi bộ trên sân. Thậm chí còn có số liệu chỉ ra rằng anh không chỉ không chạy khi quay về phòng thủ mà còn giảm cả số lần chạy tấn công nữa.
Ngay cả tôi, một người không biết gì về bóng đá cũng biết lý do vì sao Messi lại trở thành cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới. Messi luôn nhìn ra những điểm quan trọng trong trận đấu, và trong thời điểm quyết định thắng thua, anh luôn dùng tốc độ tối đa để vượt lên đối thủ. Chắc hẳn, Messi cũng nhận định ghi bàn mới là điều quan trọng nhất. Và anh đã gạt bỏ tất cả những chuyện khác để tập trung cho việc quan trọng này. Bởi vậy anh không hay chạy để bảo toàn thể lực, tạo cơ hội ghi bàn.
Người sống tối giản hoàn hảo – Steve Jobs
Steve Jobs là một người sống tối giản không chỉ bởi ông luôn mặc những bộ đồ giống nhau, hay cắt giảm tối đa các chi tiết dư thừa trong các sản phẩm mà còn bởi ông là người thực sự cắt giảm mọi thứ.
Thậm chí, Steve Jobs còn cắt giảm cả số người đi họp. Nếu có ai đó mà ông cho rằng không cần thiết trong cuộc họp, ông sẽ nói rằng: “Anh không cần phải tham dự cuộc họp này. Cảm ơn.” Steve Jobs luôn làm mọi việc bằng những người giỏi nhất với số lượng ít nhất.
Người ta nói rằng điều được coi trọng ở Apple là “ý tưởng hơn quá trình”. Dù nhà thiết kế có đưa ra một concept tuyệt vời đến đâu chăng nữa, sau khi đi qua phòng marketing, phòng truyền thông, phòng kinh doanh, phòng vật liệu… nó cũng chỉ còn là thiết kế bình thường mà thôi. Các thiết kế tại triển lãm Motor Show dù có sắc nét đến đâu thì ở bất cứ thời điểm nào cũng không thể thương mại hóa. Nguyên nhân cũng bởi các thiết kế này không đời thường. Những quy trình phức tạp thường bị Steve Jobs coi thường và loại bỏ. Với ông, càng có nhiều con dấu xác nhận, ý tưởng sẽ càng đi xuống và việc thực hiện cũng chậm hơn.
Việc đầu tiên Steve Jobs làm sau khi quay lại Apple
Steve Jobs luôn vui vẻ dù nhà thiết kế chỉ đưa ra một ý tưởng duy nhất. Thứ tốt nhất thì chỉ có một mà thôi, vậy tại sao chúng ta lại cần đến cái thứ hai, thứ ba làm gì.
Điều đầu tiên khi Steve Jobs quay lại Apple đó là cho hết đống giấy tờ lộn xộn như mạng nhện và máy móc cũ kỹ vào bảo tàng. Nói cách khác, việc đầu tiên ông làm là cắt bớt đồ đạc trong công ty.
Steve Jobs luôn muốn tập trung vào việc “cho ra những sản phẩm có thể thay đổi cả thế giới”, thế nên những gì nằm ngoài công việc này đều được ông cắt bỏ hết. Điều ông xem trọng không phải là “sẽ làm gì” mà là “không làm gì”. Trong suy nghĩ của tôi, Steve Jobs là người sống tối giản hoàn hảo. Ông là người luôn tối giản trong mọi mặt.
Hạnh phúc từ “dòng chảy” tập trung
Có một nghiên cứu về hạnh phúc sinh ra từ sự tập trung. Đó là trạng thái tập trung mà nhà tâm lý học Csikszentmihalyi gọi là “dòng chảy”. Khi gặp được việc gì đó khiến ta tập trung cao độ, đó là lúc ta có thể quên đi mọi thứ. Nếu tập trung cao hơn nữa thì cái tôi hay bản ngã của mỗi con người thậm chí có thể biến mất. Càng về sau con người ta sẽ càng cảm thấy một sự thỏa mãn và có thể cảm nhận được cuộc sống thật sự rất tuyệt vời.
Nếu bạn có thể quên cả thời gian, quên cả bản thân mình để tập trung tháo gỡ một vấn đề nan giải nào đó, thì rất có thể đó là “dòng chảy”. Quan trọng nhất là bạn phải “cảm thấy một sự thỏa mãn”. Nếu bạn tập trung quên mình vào một thú vui nào đó nhưng ngay sau khi kết thúc lại hối hận tự hỏi “mình vừa làm cái gì vậy” thì đó không phải là “dòng chảy”.
Csikszentmihalyi đã lấy việc biểu diễn âm nhạc làm một ví dụ của dòng chảy. Không phải ai cũng tìm ra “dòng chảy” của mình. Nhưng khi đã tìm thấy thì sẽ quên hết thời gian, quên hết bản thân mình nên ai cũng sẽ nhận biết được nó. Những người tìm ra “dòng chảy” của mình là những người có thể tích lũy được hạnh phúc ngày càng nhiều hơn.
Tối thiểu thông tin
Con người là một cái ổ cứng từ 50 nghìn năm trước. Cả bộ não lẫn cơ thể của con người không hề có tiến hóa gì kể từ 50 nghìn năm trước. Nếu như ta cố nhét vào đó khối lượng đồ vật và cả thông tin đã tăng thêm một cách bất thường thì chúng ta sẽ bị chết máy giống như cái máy tính có biểu tượng bị treo đang xoay vòng quanh kia. Chúng ta là thế hệ kỹ thuật số nhưng không có nghĩa trên ngực chúng ta có chứa nhiều ổ cứng hơn, và cũng không có nghĩa là chúng ta có bộ nhớ đa chức năng hơn.
Nếu giảm bớt đồ đạc thì lượng thông điệp ta tiếp nhận từ đồ đạc cũng sẽ giảm. Bộ nhớ dành cho đồ đạc cũng sẽ giảm đi giúp cho não bộ có thể hoạt động tốt hơn. Thông tin cũng hoàn toàn tương tự như vậy. Nội dung của phần này là giảm thông tin. Tôi cũng muốn nói thêm về việc tối giản thông tin.
Gập gọn các ăng-ten mở quá rộng
Có một loại thông tin gọi là tin rác. Đấy là những mẩu tin không mấy chọn lọc ta hay gặp trên báo mạng. Nhìn lướt qua đấy có vẻ là thông tin quan trọng thu hút người đọc, nhưng thật ra đó chỉ là thông tin ta cho vào đầu để giết thời gian và từ lúc đọc cho đến cuối đời cũng không bao giờ có thể nhớ lại được. Nếu cứ giữ lại những thông tin đấy thì người ta sẽ bị bội thực thông tin. Một thử nghiệm đã chỉ ra rằng những người bị nhồi quá nhiều thông tin rác có xu hướng suy giảm IQ còn nhiều hơn cả hút cần sa.
Hiện nay vấn đề lớn không còn là làm thế nào để có được nhiều thông tin mà là làm thế nào để giữ khoảng cách với thông tin không cần thiết, làm thế nào để giảm những thông tin rác. Cứ mỗi ngày chúng ta lại có thêm một lượng thông tin mới khổng lồ. Nếu là người sở hữu điện thoại thông minh thì chắc hẳn ai cũng đã từng vô thức mở mail kiểm tra tin nhắn, mở liên tục từ đường link này đến đường link khác trên browser hay mải mê chơi game quên thời gian. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để giảm lượng thông tin ta tiếp nhận hàng ngày, làm thế nào để cất cái ăng-ten đã phủ sóng quá rộng của mình lại.
Giảm các mối liên hệ
“Mệt mỏi vì các mối liên hệ” do phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội đang trở thành chủ đề được mọi người quan tâm. Nhưng chưa ai có thể tính toán chính xác được cảm giác lo lắng, hồi hộp khi bất cứ ai cũng có thể liên lạc được với mình có ảnh hưởng xấu như thế nào đến con người.
Yoneda Tomohiko trong cuốn Lời khuyên về cách cai nghiện kỹ thuật số đã đưa ra những ví dụ rất thú vị. Bạn có thể cai nghiện các loại máy móc kỹ thuật số bằng cách gửi điện thoại, máy tính cho khách sạn khi nhận phòng. Hay khi bạn đến bar, gửi điện thoại ở ngoài cửa và sau đó chỉ tập trung uống rượu, nói chuyện với bạn bè. Ở công ty Volkswagen, người ta đã ngừng việc gửi mail cho nhân viên vào lúc đêm khuya hay sáng sớm. Hay ở Daimler, ban lãnh đạo đã bắt đầu cho xóa chương trình gửi mail tự động cho các nhân viên trong giờ nghỉ. Những công ty này đã bỏ hết mail ngoài giờ làm việc để nhân viên có thời gian riêng tư của mình.
Tĩnh tâm, ngồi thiền, yoga – tập trung vào chính bản thân mình
Trong số những người theo trào lưu sống tối giản, có nhiều người tạo cho mình thói quen tĩnh tâm, ngồi thiền hay tập yoga. Theo tôi đây hoàn toàn là một điều tự nhiên. Tại sao vậy? Khi các đồ vật xung quanh bạn ít đi cũng đồng nghĩa với các đồ vật của “thế giới bên ngoài” vốn làm nhiễu loạn sự chú ý của bản thân bạn cũng ít đi. Lúc đó, chúng ta sẽ chú ý đến “con người bên trong” mình nhiều hơn.
Ban đầu tôi chưa thấy hứng thú với mấy bộ môn này, nhưng càng về sau tôi càng thấy hiệu quả.
Trong lúc ngồi thiền, tôi hay bất chợt nghĩ đến những chuyện trong cuộc sống, nhưng chỉ cần vài nhịp thở sâu là tôi lại kéo lại được ý thức lơ đãng của mình. Dần dần, khả năng tập trung của tôi cũng được cải thiện đáng kể, mạch tư duy của tôi cũng trở nên rõ ràng hơn. Đối với tôi, tĩnh tâm hay ngồi thiền giống như cài lại “hệ điều hành” cho chính bản thân mình.
Hiện nay, ngay cả Google hay Facebook cũng đang chú ý đến thiền và tĩnh tâm. Tìm trên Google bạn có thể thấy người ta mở rất nhiều khóa học thiền, và vô tình họ cũng đã tạo ra một mê cung cho những ai muốn đến với thiền chân chính. Nếu không dành thời gian để nhìn nhận, suy ngẫm lại bản thân mình, thì bạn rất dễ bị nhấn chìm trong vô vàn thông tin trên thế giới này.
“Tin tưởng vào bản thân” nhờ lối sống tối giản
Từ khi ý thức được nếp sống tối giản, tôi bắt đầu cảm thấy tâm trí mình được sáng rõ hơn, xóa đi “lớp mây mờ” khiến tâm trí tôi lúc nào cũng lơ đãng.
Ví dụ với công việc thuộc về lĩnh vực giáo dục tôi làm từ trước đến nay. Công việc của tôi là lựa những cuốn sách danh tiếng, đọc chúng, và đọc luôn cả những lời nhận xét về chúng. Nói cách khác, tôi phải tìm hiểu về một tác giả danh tiếng nào đó, đồng thời cũng phải tìm hiểu về những nhà phê bình nổi tiếng viết lời nhận xét cho cuốn sách. Và khi có quá nhiều thông tin về những con người vĩ đại, những tác phẩm hay, tôi cảm thấy mình bị quá tải và không biết lựa chọn thế nào.
Có những tri thức mặc dù tôi hiểu rất rõ, nhưng nó không phải là suy nghĩ của bản thân tôi, nên khi cần, tôi không thể bật ra ngay được. Những tri thức này không phải là một phần máu thịt trong cơ thể, nên ngay cả trong những cuộc nói chuyện, tôi cũng không thể vận dụng chúng được. Tôi luôn phải cố gắng để hiểu câu chuyện của đối phương và vờ như mình là một người nghe rất giỏi. Và tôi cũng chẳng mấy khi lên tiếng bởi tôi không muốn bị coi là thằng ngốc. Bây giờ, sau thời gian tĩnh tâm và ngồi thiền, tôi nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra trong tôi.
Khi mà mọi thứ quanh tôi được tối giản đến hết mức, thì sự chú ý của tôi với các thông tin bên ngoài cũng được giảm xuống tối đa. Tôi cũng không còn quan tâm đến những tin tức vô bổ, những câu chuyện tầm phào, hay cả những câu chuyện cười mà tôi đã từng rất hứng thú. Tôi không tìm hiểu về những gì người khác tạo ra, những việc người khác đề xướng… Tôi bắt đầu tin vào tiếng nói bên trong con người mình hơn là những lời lẽ của người khác. Và tôi có cảm giác mình đã “trở về với chính mình”.
Có lẽ khi để những thứ vĩ đại của người khác ra khỏi sự quan tâm của mình, tôi thấy những thứ luôn đè nặng trong tôi cũng dần mất đi. Khi quá chú ý đến cái nhìn của mọi người xung quanh, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin và rất nhạy cảm với những thất bại của bản thân. Bạn cũng sẽ loại bỏ ngay những ý tưởng tuyệt vời mà mình nghĩ ra bởi lý do người nghĩ ra nó là bản thân bạn.
Đã có một thời, cái tôi trong con người tôi cũng to lớn y như thân xác này vậy. Trong quá trình va chạm ngoài xã hội, cái tôi này ngày càng nhỏ đi. Và giờ đây, sau bao lần tổn thương vấp ngã, tôi lại thấy cái tôi nhỏ bé ấy đang dần hồi sinh trở lại.
Tôi nhận ra một điều quan trọng, quan trọng hơn cả việc phải tìm hiểu về những người xa lạ ngoài kia, là hãy bắt đầu mọi việc bằng chính bản thân mình, dù nó có ngớ ngẩn đến đâu đi chăng nữa.
Tiết kiệm cũng chính là thân thiện với môi trường
“Bạn càng kiếm được nhiều tiền, bạn càng muốn có nhiều tiền hơn nữa. Những kẻ như vậy quả là những kẻ ngốc nghếch.”
− Gilbert Keith Chesterton
Lưới an sinh xã hội do chính bản thân tạo ra
Có nhiều người theo lối sống tối giản vì tiết kiệm. Có lẽ sau này, người ta sẽ coi trọng lưới an sinh xã hội do chính mình tạo ra hơn là do một ai đó làm cho. Sống tối giản cũng là một cách tiết kiệm hiệu quả. Nếu trở thành một người sống tối giản, bạn có thể tiết kiệm và tích góp cho mình được kha khá tiền.
Ít đồ nên không cần nhà rộng, vì thế có thể giảm bớt tiền nhà.
Bán những đồ đạc trong nhà đi, bạn sẽ có một khoản tiền.
Khi mua đồ, bạn sẽ lựa chọn thật kỹ nên sẽ không bị sử dụng lãng phí.
Bạn thỏa mãn với đồ đạc mình đang có nên có thể giảm bớt những ham muốn, lòng tham của bản thân.
Bạn ít căng thẳng hơn nên cũng tốn ít tiền ăn uống, chi phí để giải tỏa căng thẳng.
Bạn không còn để ý đến cách nhìn của người khác nên những chi phí như kết hôn, sinh con, nuôi dạy con cái, ma chay… chỉ cần khoản tiền tối thiểu là đủ.
Nếu đưa trào lưu tối giản vào công việc, bạn sẽ giải quyết công việc hiệu quả hơn, tiền lương cũng nhiều hơn.
Sau khi bỏ bớt đồ đạc, tôi cũng giảm bớt luôn diện tích ngôi nhà của mình. Từ ngôi nhà 25m2 ban đầu, tôi dọn đến căn nhà 20m2, tiền nhà cũng giảm được 20 nghìn yên. Nếu mỗi tháng tiết kiệm được 20 nghìn yên thì tiền tiết kiệm sau này của tôi cũng tăng lên đáng kể.
Lần chuyển nhà tới, tôi muốn chuyển đến ngôi nhà nhỏ hơn nữa. Tôi sẽ chỉ giữ lại những quần áo cần thiết và tất cả đều giống nhau. Về đồ đạc khác, nếu chưa hỏng cũng không cần phải mua mới làm gì cả. Tôi cũng không uống rượu chỉ để giải tỏa căng thẳng nữa. Phần sau tôi sẽ nói kỹ hơn, nhưng hiện tại tôi luôn cảm thấy thật biết ơn cuộc sống nên dù không có cao lương mỹ vị nhưng tôi vẫn hài lòng với những món ăn dân dã thông thường hàng ngày.
Nếu số lượng người sống tối giản tăng lên, liệu kinh tế Nhật Bản có đi xuống?
Nếu lượng người không mấy hứng thú với vật chất tăng lên thì kinh tế Nhật Bản sẽ thế nào? Có lẽ sẽ có nhiều người lo ngại điều này. Tuy nhiên, lối sống tối giản lại không đơn giản như vậy. Trong số những người sống tối giản, có những người không hứng thú với đồ đạc và cũng có những người rất thích chúng. Ví dụ, cùng là một chiếc đĩa, có người chỉ cần mua một chiếc 100 yên ở cửa hàng COSPA là được. Nhưng cũng có những người lại muốn mua một chiếc do chính tay nghệ nhân làm ra. Có những người chỉ chú trọng chức năng của sản phẩm, nhưng cũng có người còn muốn sản phẩm chất lượng tốt nữa.
Cũng có những người sống tối giản rất thích đồ đạc
Việc có ít đồ với việc thích đồ đạc giống như hai mặt của một phiến đá. Việc có ít đồ với việc tiêu tiền cho đồ đạc cũng đối lập nhau như vậy. Tuy nhiên, người sống tối giản lại không phải chỉ là một mặt của phiến đá. Bản thân tôi cũng là người thích sắm đồ đạc. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích xem tạp chí và ngắm những món đồ mơ ước trong đấy. Chỉ có điều khác là, hiện tại nếu chỉ thích thôi thì tôi không còn muốn mua chúng nữa.
Nếu một người sống tối giản toàn diện như Steve Jobs được sinh ra trong trào lưu sống tối giản của Nhật thì mọi chuyện sẽ thay đổi thế nào? Liệu Nhật Bản sẽ có một tập đoàn như Apple?
Bản thân tôi cho rằng mình nên tiêu tiền vào các trải nghiệm và con người hơn là vào vật chất. Tôi sẽ tiêu tiền cho những chuyến đi, cho những cơ hội để trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên, hay trả tiền đi lại để gặp những người tôi muốn gặp. Hoặc có thể dành tặng tiền cho các quỹ từ thiện.
Sống tối giản là một cách sống tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên, nó không chỉ có vậy, mà nó còn giúp bạn thay đổi cách tiêu tiền từ tiêu tiền cho đồ đạc sang tiêu tiền cho những trải nghiệm, con người hay đầu tư vào một lĩnh vực nào đó.
Nếu có món đồ nào có thể thay đổi con người thành một người “giàu có” hơn, tôi cũng sẵn sàng chi tiền cho món đồ đó. Nhưng nếu chỉ đơn giản là để khoe khoang với bạn bè hay thể hiện bản thân trước mặt mọi người thì tôi sẽ không ngần ngừ mà vứt nó đi ngay. Cho đến sau này, tôi sẽ chỉ tiêu tiền vào những trường hợp cần thiết. Và nếu có điều gì thay đổi thì chỉ có những trường hợp đó thay đổi mà thôi.
Giảm thiểu cả những món đồ đạc vứt đi
Có lẽ vì tôi đã vứt quá nhiều đồ nên gần đây tôi bắt đầu muốn giảm cả số đồ mình vứt đi. Suy nghĩ đó không hẳn là vì tôi muốn tiết kiệm hay muốn thân thiện với môi trường. Mà bất chợt, tôi lại thấy “không quen” nếu cứ tiếp tục vứt đồ đi như thế này. Trước đây tôi luôn mua chai nước loại hai lít, nhưng rồi tôi lại không muốn phải vứt nhiều chai nước đến thế nên cuối cùng tôi đã dùng chai đựng nước của BRITA.
Trước đây tôi chẳng bao giờ tin vào mấy hoạt động tiết kiệm, bảo vệ môi trường hay sống lành mạnh… nhưng giờ thì khác rồi. Hiện giờ tôi đang dùng thử đèn năng lượng mặt trời vào buổi tối. Không có nhiều đồ đạc nên đồ điện của tôi cũng có ít, tiền điện hàng tháng cũng giảm xuống. Chỉ có một mình nên tôi cũng luôn dùng điện, nước ít nhất có thể. Khi bạn sống với ít đồ đạc hơn, tự nhiên rác thải hay năng lượng, chỉ cần là thứ không cần thiết đều sẽ được giảm xuống và cuộc sống của bạn sẽ thư thái hơn rất nhiều.
Tài nguyên trên Trái Đất đang dần cạn kiệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người chỉ còn khai thác được tài nguyên khoảng 100 năm nữa. Có ý kiến cho rằng đến lúc đó chúng ta không còn sống trên đời nữa nên không cần suy nghĩ về vấn đề đấy. Nhưng đây lại là những suy nghĩ hết sức tự nhiên của con người.
Khi trở thành người sống tối giản, ngay cả năng lượng sử dụng bạn cũng muốn giảm xuống mức tối thiểu. Dù bạn không có chủ ý “hãy tiết kiệm thôi”, thì tự nhiên bạn cũng sẽ sống thật tiết kiệm. Và khi đó, cuộc sống của bạn sẽ thực sự trở nên thoải mái.
Khỏe mạnh hơn, an toàn hơn
“Bàn và ghế, hoa quả và vĩ cầm. Ngoài những thứ này ra, liệu còn có thứ gì cần thiết cho hạnh phúc của con người nữa hay không?”
− Albert Einstein
Người sống tối giản đều là người gầy
Tôi đã gặp nhiều người sống tối giản và không có ai trong số họ là người béo cả. Tại sao vậy? Những quyển sách hướng dẫn về cách dọn dẹp nhà cửa hay cách vứt đồ cũng có đề cập đến một lợi ích của những việc này đó là “giảm cân”. So với lúc trước, tôi đã giảm được 10 cân. Có người nói: “Khi bạn tống hết những thứ trì trệ ra ngoài, sự lưu thông khí sẽ tốt hơn, bạn sẽ gầy xuống”. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây không phải là “sự lưu thông khí” trong cơ thể, tôi sẽ giải thích kỹ hơn một chút.
Giảm bớt đồ, bạn sẽ giảm cân. Theo tôi nó có vài lý do sau đây. Việc tăng cân đơn giản là vì bạn ăn nhiều hơn mức cơ thể cần. Bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết là vì bạn cần ăn để giải tỏa căng thẳng. Người ta cho rằng trong lúc ăn con người có thể quên đi căng thẳng.
Việc uống rượu để bớt căng thẳng cũng tương tự như vậy. Nếu có thể tối giản được đồ đạc trong nhà, bạn sẽ ít bị làm phiền bởi chúng, tốn ít sức lực để lãng phí hơn và căng thẳng cũng sẽ giảm theo. Khi không còn so sánh bản thân với người khác, bạn sẽ không còn thấy xấu hổ về bản thân vì thế mà những lo lắng, căng thẳng của bạn cũng sẽ được giảm bớt. Khi căng thẳng, lo lắng của bạn được giảm xuống, bạn cũng không cần phải ăn để giải tỏa nữa.
Ý thức rõ ràng về cảm giác “thèm ăn” của bản thân
Theo tôi, kết quả của việc đặt câu hỏi nhiều lần về chính món đồ của bạn sẽ giúp bạn ý thức rõ ràng hơn về “ước muốn” của bản thân và điều khiển được nó. Để có thể giảm đồ tối đa, quan trọng là bạn chỉ được giữ lại những thứ thực sự cần thiết cho bản thân. Tức là bạn không được có những thứ mà bạn “ao ước” muốn có.
Khi giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu, khả năng nhận biết về “ước muốn” của bạn cũng được nâng cao. Bạn có thể phân biệt được đâu là đồ “cần thiết” đâu là đồ mà mình “ước muốn”. Không chỉ có đồ vật mà vấn đề “thèm ăn” cũng giống như vậy. Vì bạn có thể ý thức rõ ràng lượng thức ăn cần thiết cho mình nên bạn sẽ không ăn quá nhiều. Chỉ giữ những món đồ cần thiết khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy thỏa mãn, “với mình thế này là đủ rồi”. Vì vậy, dù bạn không ăn nhiều nhưng bạn vẫn thấy rất hài lòng.
Trong ăn kiêng có một phương pháp là hoạt động liên tục nhằm tiêu bớt lượng calo trong cơ thể. Có lẽ làm phòng rộng hơn một chút, làm việc nhà… tích góp từng việc nhỏ đấy cũng có thể giúp bạn giảm cân được. Căn phòng của tôi hiện giờ không có gì cả nên khá rộng và tôi hay tập vài động tác của một cầu thủ ném bóng chày.
Hơn nữa, tư trang của tôi bây giờ cũng nhẹ hơn trước rất nhiều, tôi cũng thích hoạt động hơn nên hay ra ngoài đi bộ. Sau khi sống theo lối sống tối giản, tôi đã bắt đầu gầy đi. Nghe có vẻ khó tin nhưng thực sự là tôi đã gầy đi rồi. Trước đây đúng là tôi rất béo, nhưng tôi sẽ không quay lại làm một cậu béo Metabo nữa đâu.
Những người chỉ bị va chạm nhẹ trong động đất
Nghe nói trong số những người vô gia cư, có nhiều người lo lắng cho chúng ta. “Với chúng tôi, dù động đất có xảy ra thì cùng lắm chỉ bị sưng một cục là hết. Nhưng những ai có nhà thì vất vả lắm.” Những ai sống trong thùng các tông hay trong những ngôi nhà bằng gỗ nhẹ thì khi có động đất xảy ra, họ cũng chỉ bị cụng đầu mà thôi. Còn với những ngôi nhà gạch, xi măng nặng thì khi đổ có thể cướp đi tính mạng của chính chủ nhà.
Tháng 5/2014, ở Tokyo đã xảy ra một trận động đất lớn. Cường độ địa chấn đo được ở quận Meguro nơi tôi sống là bốn độ. Mỗi khi có động đất xảy ra, tôi thường quấn hết máy tính, quần áo, đồ dùng vào trong chăn đệm để phòng chúng vương vãi lung tung khắp nhà. Và khi trận động đất này xảy ra, tôi đã hầu như vứt hết đồ trong nhà đi rồi nên chẳng có gì phải làm cả. Tất cả những gì tôi làm là ngồi im, và tôi cảm thấy thật an tâm. Vì trong phòng không còn đồ đạc nên cũng chẳng có việc đồ bị bay ra ngoài. Trước đó trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011, trong nhà tôi có kê một tủ sách rất lớn và trong trận động đất, toàn bộ số sách đã bị rơi vãi hết ra ngoài. Nơi tôi sống lúc đó chỉ có vậy thôi, nhưng nếu khu đó nằm tâm cơn địa chấn thì sẽ thế nào? Có lẽ giá sách sẽ đổ và tôi sẽ bị kẹt trong đó, không thoát ra được. Cũng có thể tôi sẽ bị một chiếc máy ảnh rơi trúng đầu. Hoặc cũng có thể tôi sẽ bị những thứ tôi yêu thích như sách, máy ảnh giết chết.
20% các trận động đất lớn đều xảy ra ở Nhật Bản
Tổng diện tích Nhật Bản chỉ chiếm 0.25% toàn thế giới, nhưng lại tập trung đến 7% núi lửa trên Trái Đất này. Và số trận động đất hơn 6M xảy ra ở Nhật Bản đã chiếm 20% trong tổng số trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là nếu sống ở Nhật Bản thì bạn sẽ gặp động đất nhiều hơn hẳn các nước khác. Và nếu bạn định sống lâu dài ở Nhật thì chỉ có giảm thiểu đồ đạc của bản thân mới được coi là phòng chống hỏa hoạn và ứng phó với động đất hiệu quả. Nếu bạn cắt giảm được đồ đạc của mình thì khi có động đất, bạn sẽ giảm thiểu được số tài sản bị chôn vùi xuống mức tối thiểu.
Trong tương lai, các trận động đất vẫn sẽ còn xảy ra ở Nhật Bản. Vì vậy những trang thiết bị chuẩn bị trước cho thiên tai đều không thể bỏ được.
Sau thảm họa động đất sóng thần phía Đông Nhật Bản, cuốn album của tôi đã bị sóng cuốn trôi. Những món quà kỉ niệm cũng đã trôi theo dòng nước. Và bài học tôi rút ra được đó là phải tận dụng tất cả các phương tiện mình có. Cách làm này tôi không khuyên cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển hết những món đồ kỷ niệm thành dữ liệu, lưu trên máy tính, tải lên mạng, lưu trữ trên Dropbox hay Google… thì khi có thiên tai xảy ra chúng cũng không bị mất đi.
Dora, tôi không cần đến 40 giây đâu
Chỉ cần có cơ thể khỏe mạnh là tôi còn có thể chuyển đến bất cứ đâu, bởi việc chuyển nhà với tôi chỉ chưa đến 30 phút. Trong nhà tôi chẳng có thứ gì quý giá. Tất cả đồ đạc đều có thể mua ở bất cứ đâu. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng chẳng phải bận tâm về thứ gì cả.
Trong bộ phim hoạt hình Laputa: Thành phố trên không nhân vật cướp biển Dora luôn ra lệnh cho Pazu: Chuẩn bị ngay trong 40 giây! Hay như trong phim Đại chiến thế giới, trong cuộc chạy trốn khỏi đợt tấn công của người ngoài hành tinh, Tom Cruise đã phải hét lên với các con của mình là: Chuẩn bị trong 60 giây! Với tôi, tôi chẳng cần đến ngần đấy thời gian. Thậm chí với cả những món đồ chuẩn bị mang lên máy bay, tôi cũng chỉ cần chuẩn bị vài bộ quần áo để thay. Sau khi ngủ dậy, xách chiếc va li, chưa đến 20 giây là tôi có thể ra khỏi nhà.
Giảm bớt đồ đạc đồng nghĩa với việc giảm bớt nguy hiểm trong động đất, thiên tai. Dù có điều gì xảy ra thì bạn cũng giảm bớt được nguy hiểm của mình. Và bạn có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Đó chính là điều tôi thích ở lối sống này.
Thay đổi mối quan hệ với mọi người
“Giá trị của một người không phải là những gì người ấy đạt được mà là những ảnh hưởng người đó mang lại.”
− Aibert Einstein
Đừng nhìn người khác như đồ vật
Có một bộ sách mà tôi rất thích tên là Làm thế nào để thoát khỏi chiếc hộp nhỏ của bản thân. Nói một cách đơn giản thì cuốn sách này nói về cách thay đổi mối quan hệ giữa người với người và làm thế nào để đưa nó về chỗ cũ.
Có một ví dụ thế này. Có đôi vợ chồng đều đi làm nên cả hai đều rất bận rộn. Người chồng nhìn thấy quần áo được giặt và nghĩ: việc này cũng chẳng cần để vợ phải làm nữa. Gập quần áo thôi. Mặc dù suy nghĩ như vậy nhưng anh ta lại không gấp quần áo. (Việc hành động ngược lại với những cảm nhận của bản thân gọi là “sự tự phản bội”). Trong trường hợp này, người chồng đã tự phản bội lại những suy nghĩ tích cực của mình.
Khi đó, người chồng sẽ bắt đầu nghĩ: “Mình cũng bận, cũng mệt bỏ xừ. Đây chẳng phải là việc của mình. Mình làm đầy lần rồi.” Sau đó, anh ta sẽ suy nghĩ về vợ mình: “Thật lôi thôi. Mình đã làm cho bao nhiêu lần mà chẳng cảm ơn một câu. Không thể chấp nhận được.” Bắt đầu từ việc tự phản bội lại những suy nghĩ của bản thân, người chồng bắt đầu nghĩ ra những lý do chính đáng cho việc không gập quần áo của mình và đổ lỗi cho người vợ.
Còn người vợ thì sao? Người vợ khi nhìn thấy đống quần áo mình giặt, ngay lập tức đã nghĩ: Gập quần áo thôi. Nhưng khi nhìn thấy anh chồng không làm gì cả, người vợ lại bắt đầu lầm bầm. Và thế là bắt đầu một vòng tuần hoàn tiêu cực như sau: cả hai vợ chồng đều nghĩ lý do để hợp lý hóa cho hành động của mình, nghĩ xấu về đối phương và quan hệ trở nên bế tắc.
Bộ sách này thực sự là bộ sách rất hay. Một trong những điều mà bộ sách này chỉ ra đó là: Đừng nhìn người khác như đồ vật.
Con người đang dần coi những thành viên trong gia đình, đồng nghiệp trong công ty hay những người hàng xóm mà mình gặp hàng ngày như những món đồ cố định. Mỗi khi nói chuyện với mọi người, ta đều nhận được những biểu cảm nhàm chán như nhau, nên sẽ có lúc, ta thấy họ như những con robot cao cấp vậy. Và khi coi mọi người như những “món đồ”, đương nhiên bạn cũng sẽ đối xử với họ cẩu thả hơn.
Suy rộng ra một chút, nếu cả hai bên đều coi nhau là đồ vật thì mối quan hệ giữa người với người sẽ mãi như vậy và chẳng bao giờ được cải thiện. Thế nên, đừng nhìn người khác như đồ vật, hãy coi trọng họ như chính bản thân mình, hãy nhìn nhận họ là những con người có ước muốn, có buồn vui, có lo lắng và sợ hãi. Nếu bạn không phản bội chính những suy nghĩ của bản thân và có thể làm những việc vì người khác, mối quan hệ giữa người với người sẽ được thay đổi. Tôi không còn nhìn người khác như món đồ nữa mà nhìn họ là một con người thực sự.
Ít đồ hơn, ít cãi nhau hơn
Giống như ví dụ tôi đã nói ở trên, việc giặt quần áo cũng có thể trở thành nguyên nhân gây rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Giờ hãy cùng tưởng tượng nếu quần áo của hai vợ chồng này ít đi, việc giặt quần áo không còn tốn công sức như vậy nữa thì mọi chuyện sẽ thế nào?
Từ sau khi vứt bớt đồ đạc, tôi lại thấy thích dọn nhà, thích giặt giũ và rửa bát chén. Một kẻ lười biếng như tôi lại có ngày thích công việc nhà. Bởi sau khi bỏ bớt đồ đạc, mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Tôi hiện 35 tuổi và vẫn đang độc thân. Nếu sống trong căn nhà nhỏ hơn nữa, ít đồ hơn nữa thì chắc tôi lại càng thích việc nhà hơn cũng nên. Giả sử có một ngày tôi thấy vợ cầm cây lau nhà, chắc tôi sẽ nói: Ơ, em lại lau nhà một mình à, phải gọi anh làm cùng nữa chứ. Nhưng có lẽ đó chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi.
Có nhiều người sống tối giản đã chỉ cho tôi rằng ít đồ hơn cũng có nghĩa là ít cãi nhau hơn. Nghe nói gia đình anh chị Ofumi mà tôi có giới thiệu ở trên, sau khi giảm bớt các thứ trong nhà, hai anh chị đã ít cãi nhau hơn. Rồi cả nhà anh Yamada cũng vậy. Nhà anh có hai đứa con, mỗi đứa ở một phòng riêng. Khi nào có việc gì cần dùng đến một phòng là y như rằng hai đứa sẽ cãi nhau xem dùng phòng của ai. Vì hai đứa cứ cãi nhau mãi nên cuối cùng anh cho hai đứa con ở chung một phòng. Thế là chúng hết cãi nhau. Thậm chí hai đứa còn bảo: Thế này tốt hơn trước đấy ạ.
Nhiều đồ đạc sẽ khiến chúng ta tốn rất nhiều công sức khi làm việc nhà. Chúng khiến ta dễ cảm thấy khó chịu và bực bội khi mà vợ, chồng, con cái không giúp đỡ mình. Bởi vậy, nếu bỏ bớt đồ đạc đi, bạn có thể cải thiện được mối quan hệ với mọi người rất nhiều. Mà khi đó, dù có cãi nhau thì bạn cũng chẳng có đồ gì để đập, hay dù có lật tung cái bàn lên cũng không sợ vỡ đèn. Bởi căn bản trong nhà bạn đã không có đèn rồi.
Nhà nhỏ chống trộm
Tôi nghe nói nhà nhỏ hơn có thể chống trộm tốt hơn. Nếu bạn biết đến vụ án giam giữ một bé gái tại nhà trong chín năm ở tỉnh Nigata thì chắc bạn sẽ hiểu một không gian rộng đến nỗi mình có thể sinh hoạt ngay trong phòng mà không gặp ai khác trong nhà, hay nhà rộng đến độ bạn không thể biết hàng xóm của mình thế nào cũng là một nơi khá nguy hiểm. Ở Nhật, mọi người thường cho rằng thật ấu trĩ khi làm phòng cho trẻ con, tuy nhiên cũng có nhiều người lại cảm thấy phiền phức khi để con học ở phòng khách.
Anh Numahata, người cùng điều hành trang web với tôi nói rằng anh rất hay cãi nhau với vợ. Tuy nhiên, cả hai người đều thống nhất một điểm là khi cãi nhau không bỏ về phòng mình. Nhà nhỏ nên hai người cũng chẳng thể trốn mãi trong phòng mỗi khi cãi nhau được, mà ngược lại đó còn là động lực để hai người cùng đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống. Sống cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ, nên ai cũng muốn được trải qua những ngày thoải mái nhất. Vì thế cả hai anh chị phải cùng nhau tìm ra tiếng nói chung giữa hai người.
Một ngôi nhà nhỏ nhìn qua có vẻ bất tiện nhưng lại rất có ích trong việc gắn kết các thành viên trong nhà. Nếu bạn vứt bớt đồ đạc đi, bạn có thể sống thoải mái trong ngôi nhà tiện ích đó. Và một điều cũng khá tuyệt đó là nhà nhỏ hơn, giá cũng rẻ hơn. Với người độc thân như tôi thì đó là điều tuyệt vời nhất rồi.
Tivi – người thân
Nếu không gặp bà con họ hàng nào đó của mình trong thời gian dài, bạn và họ sẽ không có đề tài chung để nói chuyện. Vì thế mọi người hay nhờ đến các chương trình tivi. Bật chương trình được yêu thích nhất và nội dung chương trình sẽ là chủ đề của câu chuyện. Tôi gọi đây là tivi – người thân
Trong nhà tôi không có chỗ cho lý thuyết này. Nếu nói về chức năng của nó thì chỉ là phòng ngủ và phòng trà mà thôi. Trong căn nhà này mọi thứ đều rất bình thường, thậm chí còn không có đồ dùng, nên mỗi khi khách đến chơi đều rất ngạc nhiên. Bởi họ không thể bắt đầu câu chuyện theo những cách thông thường như: Ôi, căn phòng đẹp thế. Anh mua chiếc sô pha này ở đâu thế? Hay tôi cũng không thể bật tivi lên và tìm chủ đề nói chuyện, hoặc cùng chơi trò chơi với khách được. Điều duy nhất tôi có thể làm là mời trà và chỉ nói chuyện thôi.
Lúc uống trà, suy nghĩ chung của cả người uống và người pha có lẽ là “phẩm trà”. Phòng ở của tôi cũng chính là một phòng trà, không trang trí, không bày biện. Thế nên khi vào đây, mọi người chỉ đơn giản là đối diện với nhau. Chắc cũng không có ai bực mình khi trong phòng trà không có tivi hay đài đâu nhỉ. Và cũng chính nhờ vậy, chúng ta có thể tập trung hoàn toàn vào câu chuyện của nhau.
Bí quyết cho cuộc sống hôn nhân ngọt ngào
Mỗi khi đến thăm nhà của một người sống tối giản, nói chuyện với họ trong căn phòng trống là tôi có thể nói chuyện quên cả thời gian. Đó là vì chúng tôi đều tập trung nói chuyện. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ta thường bắt gặp cảnh hai người ngồi hai bên bàn, mỗi người đều dùng điện thoại của mình, có thể là chơi trò chơi hay xem mạng xã hội của bạn bè… Nhưng cuộc nói chuyện của người sống tối giản lại hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn hoàn toàn tập trung vào đối phương trong lúc nói chuyện thì mối quan hệ của hai người sẽ thay đổi rất nhiều.
Bí quyết cho cuộc sống hôn nhân chính là “hai vợ chồng chia sẻ với nhau thật nhiều”. Theo một điều tra cho thấy, so với các cặp vợ chồng không hay nói chuyện với nhau, các cặp đôi hay nói chuyện với nhau sẽ nói nhiều hơn năm tiếng một tuần. Nếu hai vợ chồng quá bận rộn với công việc, hay cãi nhau về tài sản, tự giam mình trong phòng thì thời gian nói chuyện sẽ rút ngắn đi rất nhiều.
Bất cứ ai cũng chỉ đơn thuần là “con người” thôi
Có lẽ sau khi bắt đầu cuộc sống với ít đồ đạc, tôi đã thay đổi nhận thức về con người. Tôi chỉ đơn thuần là một “con người”, không mang theo đồ đạc gì cả, mặc quần áo bình thường và đi loanh quanh đây đó. Hình ảnh “con người” này cũng không khác gì với con vịt, con rùa bơi trong ao, trong hồ kia vậy.
Từ việc coi bản thân chỉ đơn thuần là con người, cách nhìn nhận về người khác trong tôi cũng thay đổi. Tôi không còn thấy ghen tị với tiền bạc, vật chất, tài năng của người khác và cũng không còn coi thường những người không có những thứ đấy.
Bây giờ, dù có gặp một người giàu có, tài năng sáng chói đi nữa thì tôi cũng không còn thấy tự ti về bản thân mình. Hoặc khi gặp một người không có gì cả, tôi cũng sẽ không chỉ trích họ không biết cố gắng như trước kia nữa. Người có nhiều thứ không có nghĩa là người vĩ đại, người không có gì cả không có nghĩa là kẻ tầm thường. Tôi chỉ thấy đơn giản họ là con người mà thôi. Chính vì nghĩ như vậy nên quan hệ của tôi với mọi người dường như cũng có sự thay đổi.
Tôi đã xóa bỏ suy nghĩ về việc phân biệt người giàu hay người nghèo, tôi coi mọi người như nhau. Và tôi cũng chẳng có gì phải xấu hổ về bản thân mình cả.
Nếu có 100 người bạn, bạn sẽ thế nào?
Tôi đã nghe câu chuyện này từ một đồng nghiệp trong công ty. Có một anh chàng rất thân thiện, nhiệt tình, vui tính, hấp dẫn với chị em. Khi anh ta tổ chức tiệc sinh nhật thì có 100 người đến chúc mừng. Vì anh này thích rượu vang nên nghe nói mỗi người đều mang theo một chai rượu vang đến chúc mừng.
Lúc mới nghe câu chuyện này, tôi – một kẻ chẳng có mấy bạn bè, đã rất ghen tị với anh ta. Thường thì khi tổ chức tiệc sinh nhật, những ai quý mến mình sẽ đến chúc mừng mình. Nếu có ngần đấy bạn như anh ta, có lẽ tôi sẽ không cảm thấy cô đơn, những lúc khó khăn vất vả cũng sẽ có nhiều người giúp đỡ.
Tuy nhiên, có lẽ anh chàng đó cứ ba ngày sẽ phải đi dự tiệc sinh nhật một lần. Nếu bạn có 100 người bạn, mỗi người đều tổ chức sinh nhật, và bạn lại yêu quý tất cả mọi người, vậy thì trung bình cứ ba ngày bạn sẽ phải đi một bữa tiệc sinh nhật.
Quan hệ bạn bè tối giản cũng thật tuyệt
Có một câu nói như sau về bạn bè: Con số kỳ diệu cho bạn bè hay đồng nghiệp là ba người. Nếu bạn có ba người bạn thân thiết, hiểu rõ về nhau thì dù mỗi cuối tuần bạn chỉ gặp một người, bạn cũng có một tháng vui vẻ rồi.
Giữ các mối quan hệ bạn bè thân thiết ở mức tối giản như vậy cũng là một điều thật tuyệt. Ngược lại, nếu bạn có nhiều bạn bè cũng có nghĩa là bạn có nhiều mối quan hệ, nhưng bạn sẽ chẳng thể hết mình với tất cả những người đó được. Và cái cuối cùng bạn nhận được cũng chỉ hời hợt như cái bạn cho đi mà thôi. Mỗi người sống tối giản đều có ít đồ đạc, nhưng họ luôn trân trọng từng thứ một. Chính vì vậy, họ luôn cảm thấy hạnh phúc, mỹ mãn với những gì mình đang có. Ít đồ không có nghĩa là ít mãn nguyện.
Như tôi đã nói ở trên, có nhiều bạn sẽ làm bạn thấy hãnh diện, nhưng bạn sẽ không thể hết lòng với tất cả mọi người. Nếu bạn có những người bạn mà không thể chia sẻ những suy nghĩ của mình, hãy dừng mối quan hệ đó lại. Cũng giống như việc vứt thử đồ đạc đi vậy. Nếu món đồ đó thực sự quan trọng, bạn sẽ lại cần nó và lại có nó. Tương tự như vậy, nếu người đó thực sự quan trọng, bạn chắc chắn sẽ có cách nối lại quan hệ với họ.
Những điều mà bộ phim Into the wild đã dạy tôi
Có một bộ phim tên là Into the wild. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về một chàng trai tên là Chris McCandless được sinh ra trong một gia đình giàu có, tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc. Tuy nhiên anh đã từ bỏ mọi thứ, cắt đứt tất cả các mối quan hệ và một mình sống giữa thiên nhiên ở Alaska. Kết thúc phim chính là cái chết bi thảm của nhân vật chính, và thông điệp cuối cùng bộ phim để lại là: Hạnh phúc chỉ có thực khi được sẻ chia. Và điều mà Chris McCandless đã dạy tôi đó là: dù bạn có thể bỏ lại đằng sau tiền bạc, vật chất thì bạn cũng không thể sống một mình được.
Bí quyết của ngôi làng thọ nhất thế giới
Chris McCandless đã từng chỉ ra rằng điều quan trọng để cảm nhận hạnh phúc chính là có những mối quan hệ để bạn sẻ chia hạnh phúc. Và người càng hạnh phúc sẽ càng sống lâu. Nhà tâm lý học Ed Diener đã rút ra kết luận từ các nghiên cứu của mình: Những người cảm thấy thực sự hạnh phúc có thể sống lâu hơn 9,4 năm.
Ở Italia có một hòn đảo xinh đẹp tên là Sardinia. Tại đây, cứ bốn nghìn người lại có một người trên trăm tuổi, tỉ lệ này gấp 2,5 lần tỉ lệ trung bình toàn thế giới. Tại hòn đảo này có một ngôi làng được kỉ lục Guinness xác nhận có chín người anh em thọ nhất thế giới đang sống cùng trong một làng.
Tại ngôi làng này, mọi người hầu hết đều là họ hàng với nhau, biết nhau và sống cuộc sống yên bình. Anh chị em, họ hàng thân thích sống gần nhau, hỗ trợ nhau và cho cả mọi người trong làng. Cuộc sống tràn ngập tình thương ấy đã góp phần kéo dài tuổi thọ của con người nơi đây.
Tại Okinawa, ngôi làng nổi tiếng vì tuổi thọ cao của Nhật Bản cũng vậy. Tất cả những người bạn gặp có thể đều là anh em của nhau. Người lớn tuổi thì trông những đứa trẻ hàng xóm, con người sống trong những mối quan hệ phong phú và cuộc sống tràn ngập yêu thương.
Con người càng hạnh phúc lại càng sống lâu. Khi điều tra về những người sống lâu, kết quả cho thấy tất cả họ đều có những mối quan hệ rất tốt đẹp. Tất nhiên là không phải đến mức 100 người như tôi đã đề cập ở trên. Cũng có những người không lập gia đình. Nhưng họ rất thân thiết với hàng xóm, gần gũi với mọi người. Và đây là điều không thể thiếu trong hạnh phúc.
Neuron phản chiếu (mirror neuron), tế bào đồng cảm
Mahatma Gandhi, người theo thuyết vô sản đã nói: Thay vì sắm thứ nọ đồ kia để bản thân vui vẻ một mình thì cống hiến cho mọi người sẽ làm cuộc sống của bạn giàu có hơn.
Dù tôi không thể dành cả đời để đấu tranh vì người khác như Mahatma Gandhi nhưng tôi cũng thấy hạnh phúc khi làm được điều gì đó cho mọi người. Khi làm một việc gì đó cho người khác, tôi được họ trao tặng một nụ cười. Và khi nhìn thấy nụ cười ấy tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tại sao lại như vậy?
Việc giúp đỡ người khác khiến mình thấy hạnh phúc đã được giải thích một cách khoa học. Có một loại tế bào thần kinh tên là neuron phản chiếu. Dưới tác động của tế bào thần kinh này, chỉ cần bạn thấy ai đó bị thương hay bị ngã, bạn cũng sẽ có cảm giác đau. Hay nói cách khác, cơ chế hoạt động của tế bào này là cho bạn có cảm giác giống với với cảm giác của ai đó mà bạn thấy.
Cảm giác bị cuốn hút khi đọc truyện, xem phim, xem hoạt hình… mà chúng ta hay gọi là nghiện phim, nghiện truyện… cũng do tác động của tế bào này gây ra. Nếu nhân vật chính đau khổ, bạn cũng cảm thấy đau khổ, hay câu chuyện có hậu, bạn cũng sẽ hạnh phúc theo. Tương tự như vậy, khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt những người mà mình giúp đỡ, dưới tác động của tế bào neuron phản chiếu, bạn cũng sẽ thấy thật hạnh phúc.
Chế độ “thân thiện” mặc định
Ngoài neuron phản chiếu, còn có những cơ chế khác khiến chúng ta thấy đồng cảm với mọi người.
Ví dụ, khi nhìn thấy cảnh mọi người giúp đỡ một đứa bé bị lũ cuốn trên sông, nhiều người cảm thấy nghẹn ngào… Những người rơi nước mắt đấy không có nghĩa là những người đa sầu đa cảm. Khi nhìn thấy cảnh cứu hộ trên sông, trong não bạn sẽ sản sinh ra endorphin. Endorphin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng. Chỉ cần nhìn thấy hành động giúp đỡ người khác, dưới tác dụng của chất này, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tất nhiên không chỉ có nhìn mà khi bạn trực tiếp giúp đỡ người khác cũng vậy. Nhường ghế trên xe buýt cho người già và phụ nữ có thai, trả lại đồ làm rơi cho người đi phía trước… chỉ với những hành động nhỏ đó, bạn cũng sẽ thấy thật vui vẻ. Chắc hẳn ai cũng hiểu được cảm giác này. Nguyên nhân là khi đó, các chất endorphin tạo cảm giác hạnh phúc được sản sinh.
Nói tóm lại, trong mỗi con người có cài đặt sẵn một chế độ tạo cảm giác hạnh phúc khi giúp đỡ hay đồng cảm với người khác. Con người là loài động vật biết tổ chức xã hội. Bởi vậy, con người được hình thành phản xạ cảm thấy hạnh phúc khi làm gì đó cho mọi người. Nếu nói như vậy thì việc phân biệt giữa người tốt và kẻ đạo đức giả dường như không còn ý nghĩa gì nữa. Bởi khi bạn làm việc gì cho ai đó, tựu chung lại cũng vì chính bạn. Mà cho dù bạn có vì chính bạn thì thực tế vẫn là bạn làm gì đó cho mọi người. Bởi vậy, thật khó để có thể phân biệt được chúng.
Nếu bạn có ít đồ đạc thì ngay cả mối quan hệ với mọi người cũng sẽ thay đổi. Nhưng dù bạn có ít đồ hơn thì cơ chế hạnh phúc vẫn nguyên như vậy.
Tận hưởng hiện tại
“Dù có nói gì đi chăng nữa thì việc phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi.”
− Albert Einstein
Tương lai là thứ không thể nghĩ đến
Tôi đã vứt rất nhiều đồ đạc của mình. Kể cả những món đồ mà “một lúc nào đó” tôi sẽ dùng đến. Và một điều kì lạ đã xảy ra, đó là tôi không nghĩ ngợi gì về những việc trong tương lai của mình nữa. Giống như cánh cửa mang tên tương lai đã hạ xuống vậy, dù tôi có muốn nghĩ đến nó thế nào đi nữa, tôi cũng không thể nào nghĩ được gì cả. Tại sao lại như vậy? Tôi chỉ vứt bớt đồ đi thôi mà.
Tình trạng này trái ngược hoàn toàn với tôi trước đây. Lúc trước, tôi thường lo lắng cho tương lai của mình. Tôi chọn công việc trong nhà xuất bản, một ngành công nghiệp già cỗi. Dù là một biên tập viên, nhưng hầu như tôi cũng chẳng làm được gì mấy. Phạm vi công việc của tôi rất bó hẹp. Và chỉ cần một chút biến động thôi là tôi có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Mà năm nay tôi cũng 35 tuổi rồi, chuyển việc lúc này thì cũng hơi khó. Không vợ con, không bạn bè thân thiết, có lẽ chờ đợi tôi chỉ có cái chết trong cô độc mà thôi… Tôi đã từng có những suy nghĩ như vậy về tương lai mờ mịt của mình.
Đừng rửa những chiếc đĩa chưa bị bẩn
Trong cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống của Dale Carnegie, tôi tâm đắc nhất với câu nói: Đừng rửa những chiếc đĩa chưa bị bẩn.
Số bát đĩa phải rửa trong hôm nay chỉ là số bát đĩa trong một ngày. Nhưng nếu nghĩ đến cả số bát đĩa của ngày mai, ngày kia hay trong một năm liền thì bất cứ ai cũng cảm thấy lo lắng khi phải làm công việc này, thậm chí đến phần bát đĩa trong ngày cũng không thể làm hết được. Tương tự như vậy, chuyện thất nghiệp trong tương lai, kết hôn, sinh con, bệnh tật, già yếu và cái chết, đó chính là những chiếc đĩa bẩn của tương lai.
Sau khi bắt đầu cuộc sống tối giản, tôi đã học được bài học lớn. Đó là với những món đồ mà “một lúc nào đó” mới cần đến nó thì đến lúc đấy chúng ta mới nên mua nó về. Còn hiện tại, bạn cứ tạm vứt nó đi cũng được.
Trong tương lai, có thể tôi sẽ thất nghiệp, cũng có thể tôi sẽ chết trong cô quạnh. Nhưng tôi đã nhận ra là đến khi nào thất nghiệp, hoặc đến khi cuối đời, tôi mới nên lo lắng như vậy. Einstein đã nói: Tại sao bạn lại gánh hết trách nhiệm lên người mình? Đến lúc cần thiết, tự khắc sẽ có người đứng ra đảm nhận, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?
Bạn chỉ nên lo lắng vào những lúc cần thiết thôi.
Gợi ý chỉ dành cho ngay lúc này
Mỗi lần vứt đồ, tôi lại tự hỏi đi hỏi lại bản thân là nó có cần thiết “ngay lúc này” không nhỉ? Cứ lặp lại như vậy, tôi cũng không còn để ý đến thời điểm “một lúc nào đó” nữa, và có thể nhận ra những gợi ý chỉ dành cho hiện tại. Khi cánh cửa mang tên “tương lai” được hạ xuống, dù bạn có nghĩ đến nó cũng chẳng nghĩ được gì. Mỗi ngày, tôi chỉ rửa phần chén đĩa trong ngày mà thôi, cũng như tôi chỉ làm phần việc hiện tại của bản thân. Và khi không còn suy nghĩ đến những điều chưa xảy ra, tôi thấy cuộc sống vui vẻ hơn hẳn. Trên hết là tôi có thể tập trung cho chính hiện tại.
Những món đồ đã từng là minh chứng cho bản thân
Tương tự như vậy, tôi cũng không còn giữ những món đồ mà tôi “đã từng” cần đến. Chỉ cân nhắc đến thời điểm hiện tại nên những thứ quan trọng trong quá khứ, hay những món đồ mà trước đây tôi luôn muốn có được, tôi đều không giữ một thứ nào cả. Thậm chí cả những món đồ đã từng mang dấu ấn riêng của tôi cũng bị bỏ đi. Tôi đơn thuần chỉ là một “con người” không mang một thứ gì cả. Tôi cũng không mang món đồ gì gọi là chứng minh cho giá trị con người của tôi cả.
Tôi đã từng là một người sống khép kín và u tối. Vứt hết những món đồ trong quá khứ đi cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể tạm biệt được quá khứ ảm đạm đó của mình. Và như vậy, tôi có thể tập trung được cho tôi của hiện tại.
Trải nghiệm chính là ở hiện tại
Trong số các loài động vật, chỉ có con người mới có thể dự đoán được phần nào tương lai. Và như chương hai tôi đã giải thích, khả năng này chỉ đúng với khoảng thời gian rất ngắn mà thôi. Ví dụ nó chỉ giúp ích cho bạn trong mấy giây để chạy trốn khỏi kẻ thù hay cho bạn biết nên di chuyển theo hướng nào để bắt được con mồi… Ngay từ thời nguyên thủy, khả năng dự đoán này chỉ có hiệu lực trong một thời gian rất ngắn. Giống như vậy, dù bạn có thể biết rõ cảm giác của mình ngay sau khi mua được một chiếc iPhone thì bạn cũng không thể tưởng tượng được viễn cảnh một năm sau khi bạn sử dụng nó.
Người ta cho rằng có thể dự đoán được tương lai, và để làm được điều đó, người ta đã lên rất nhiều kế hoạch tỉ mỉ. Khi thực hiện những kế hoạch đó, họ thường có cảm giác như ở tương lai, nhưng hãy nhớ rằng trên thế giới này không có ai có thể “trải nghiệm” được tương lai cả. Nếu bạn nói bạn có thể trải nghiệm được tương lai ngắn khoảng năm giây sau. Được rồi, vậy hãy nhắm mắt lại và đếm.
Hết giờ! Và điều mà bạn cảm nhận được chính là “hiện tại”. Trải nghiệm tương lai là điều không thể. Thậm chí cũng chẳng có ai có thể cảm nhận lại những trải nghiệm trong quá khứ y hệt như lúc nó xảy ra được. Những gì chúng ta nhớ lại chỉ là tập hợp những điểm sáng trong trí nhớ mà thôi.
Thực tế không tồn tại tương lai hay quá khứ. Tất cả chỉ là các chuỗi thời điểm “hiện tại” kéo dài mãi mãi. Và những gì bạn trải nghiệm được cũng chỉ có thể ở hiện tại. Einstein đã từng nói rằng bạn không thể phân biệt được quá khứ, tương lai, và hiện tại.
Người luôn thở dài
Những người cho rằng có thể trải nghiệm được tương lai sẽ coi như không có thời điểm hiện tại. Để có một tương lai tươi sáng, họ sẽ luôn trăn trở xem bản thân có thể tự hào vì điều gì. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, chúng ta chỉ có thể trải nghiệm trong hiện tại mà thôi, thế nên những người hiện tại luôn trăn trở suy nghĩ thì sau này họ cũng luôn phải trăn trở suy nghĩ như vậy. Nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó, chỉ có cách là thay đổi ngay tại thời điểm hiện tại. Trên đời này không tồn tại thời điểm gọi là ngày mai hay tuần sau. Và cho dù bạn có chờ đến một năm sau thì thời điểm đó cũng chỉ là thời điểm “hiện tại”. Tất cả đều là thời điểm hiện tại.
Sau khi vứt hết những món đồ để dành cho tương lai và những thứ đã từng dùng trong quá khứ, tôi hiện giờ có thể tập trung tuyệt đối vào hiện tại của chính mình.
Và có lẽ, tôi không còn điều gì đáng sợ trong tương lai phía trước nữa. Không còn đồ đạc làm vướng bận, cuộc sống của tôi thật nhẹ nhàng. Sau này, dù có chuyện gì xảy ra, dù cuộc sống có thay đổi thế nào, tôi cũng không còn so sánh bản thân với người khác. Có thể tôi sẽ sống cuộc sống nghèo khó, có thể tôi sẽ chìm trong đau khổ, nhưng tôi sẽ tận hưởng nó. Và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi cũng chỉ tận hưởng quãng thời gian “hiện tại” của mình mà thôi.
Biết trân trọng
“Đời người chỉ có hai cách sống. Một là sống mà không để lại dấu vết gì, hai là sống mà để lại tất cả cho đời sau.”
− Anbert Einstein
Ít đồ đạc dạy tôi biết trân trọng
Đây là một câu chuyện cũ của tôi. Khi tôi loại bỏ đồ, căn phòng của tôi trở nên trống trải. Và lúc nằm ngủ trên giường như mọi khi, tôi cảm thấy thật kỳ lạ. Không hiểu tại sao tôi lại thấy biết ơn và trân trọng đồ đạc trong nhà. Đó là cảm giác mà trước đấy tôi chưa bao giờ có được. Quãng thời gian mà tôi chỉ chăm chăm vào những thứ bản thân còn thiếu, tôi chưa bao giờ biết đến hai từ cảm ơn với những đồ đạc mình có. Thay vào đó, tôi chỉ mải miết theo những thứ không thuộc về mình. Tôi luôn cảm thấy mình chưa có cái này, chưa đủ cái kia… nhưng lúc đó, trong phòng tôi lại có giường, có bàn ghế, có cả điều hòa nữa. Giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy lúc đó, tôi có đủ mọi tiện nghi để ngủ nghỉ thoải mái, tắm rửa nấu nướng, vui chơi thỏa thích trong nhà. Cuối cùng thì tôi đã bắt đầu biết cảm ơn vì mình đã có mái nhà để che mưa chắn gió.
Có lẽ nếu cứ tiếp tục ôm theo những món đồ ấy thì chẳng bao giờ tôi biết trân trọng đồ vật là gì. Trân trọng chiếc tivi, bộ trò chơi điện tử, băng đài, thiết bị chiếu phim, các loại điều khiển… Ít đồ vật hơn, tôi có thể trân trọng tất cả những món đồ mình có.
Biết trân trọng, giải pháp khắc phục sự nhàm chán
Như ở chương hai tôi có giải thích với bạn, con người luôn lặp lại một quy trình từ “quen thuộc” đến “nhàm chán”. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này chính là biết cảm ơn và trân trọng đồ vật. Biết cảm ơn, biết trân trọng, bạn sẽ không còn thấy nhàm chán vì luôn thấy, luôn dùng một món đồ trong thời gian dài.
Thậm chí, bạn còn cảm thấy thật may mắn khi có những món đồ mà vốn bạn đang cảm thấy rất nhàm chán. Từ đó, bạn có thể tìm thấy sự tươi mới trong cuộc sống hàng ngày của mình. Nhờ có sự trân trọng, bạn không còn coi những món đồ bạn đang có là những thứ hiển nhiên nữa. Đó là vì sự trân trọng đã tạo ra sự “kích thích” khác biệt với bạn. Kích thích này còn giúp bạn thấy yên lòng hơn hẳn kích thích khi bạn mua đồ mới hay sắm thêm đồ đạc trong nhà.
Dù bạn có nhiều đồ đến đâu, nhưng nếu không biết trân trọng chúng, bạn sẽ nhanh chóng chán những món đồ ấy. Ngược lại, dù bạn có ít đồ nhưng biết trân trọng tất cả các món đồ ấy, bạn sẽ thấy cuộc sống thật mỹ mãn.
“Kệ ngũ quán” – thói quen biết cảm ơn
Trong thiền đạo, trước khi ăn người ta phải cầu nguyện và niệm một bài “kệ ngũ quán”. Nói đơn giản theo ngôn ngữ hiện đại thì bài kệ này như sau:
Suy ngẫm về nguồn gốc món ăn. (Món ăn này được làm ra như thế nào? Được ai mang đến và mang đến bằng cách nào?)
Tự vấn bản thân xem trong ngày hôm nay mình đã tích đủ đức độ xứng đáng với bữa ăn này hay chưa?
Không ăn vội vàng, không nghĩ đến người khác, chỉ tập trung vào bữa ăn trước mắt mình.
Không phải ăn theo kiểu của người sành sỏi xem món ăn ngon hay dở, mà ăn để duy trì sinh mệnh bản thân.
Ăn bữa ăn này để hoàn thành mục tiêu mình theo đuổi.
Bài kệ này có sức mạnh vô cùng to lớn. Thay vì đi tới cửa hàng một nghìn lần, bạn niệm bài kệ này một nghìn lần, bạn sẽ thấy cuộc sống mãn nguyện hơn rất nhiều.
Tập trung vào bữa ăn giúp bạn trân trọng bữa ăn mình có. Vì biết trân trọng bữa ăn, nên bạn càng tập trung vào bữa ăn. Cứ như vậy, qua mỗi bữa ăn là một lần bạn tự kiểm điểm lại bản thân mình.
Mỗi sáng, Steve Jobs thường đứng trước gương và tự hỏi: Hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình. Liệu mình có thực sự muốn làm hết các kế hoạch trong ngày hôm nay không nhỉ? Và ông đã duy trì thói quen đó trong suốt 33 năm, mỗi ngày đều tự nhìn nhận lại xem bản thân có mờ nhạt đi chút nào hay không. Cũng tương tự như vậy, bài kệ ngũ quán không đơn thuần chỉ là những lời bạn nói bên môi, mà còn là lúc bạn nhìn nhận lại từng hành động của bản thân mình.
Tôi đã từng là một người rất sành ăn. Tôi thích các món ăn ngon. Thế nhưng hiện tại, tôi lại không muốn tốn thời gian tìm các món ăn ngon nữa. Cho dù không còn được coi là người sành ăn thì tôi cũng không bận tâm. Chỉ cần không quên cảm giác biết ơn với các món ăn, thì dù có là bữa ăn đạm bạc thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn có thể tập trung vào món ăn và cảm thấy thật may mắn khi được ăn.
Cảm ơn không phải là phương tiện để đạt được hạnh phúc
Đến giờ thì tôi đã hiểu việc biết cảm ơn có sức mạnh lớn đến dường nào. Hồi học tiểu học, chắc chắn tôi đã được học về sự quan trọng của cảm ơn trong giờ đạo đức, nhưng tôi đã quên hết rồi. Mấy lời “cảm ơn, trân trọng” sáo rỗng, nhàm chán ấy có gì mà phải coi trọng cơ chứ. Và giờ đây, sau khi đi một vòng rất lớn, dường như tôi lại hiểu ra tầm quan trọng của sự biết ơn.
Chính vì vậy, từ bây giờ tôi sẽ tập thói quen biết cảm ơn. Lần này, nhất định tôi sẽ không quên.
Đến một ngày, khi tôi đọc được cuốn Cuộc nói chuyện với thần linh của Satoumi Tsurou, tôi cảm thấy thật bất ngờ. Trong cuốn sách đó có viết: Thời điểm bạn biết cảm ơn cũng chính là lúc bạn hạnh phúc.
Bất chợt, tôi nghĩ đến viễn cảnh gọi là “hạnh phúc”. Ở trong một lữ quán sang trọng, tắm trong bồn tắm lộ thiên rộng rãi. Sau đó được thưởng thức bữa ăn thịnh soạn. Có lẽ ai cũng mong muốn viễn cảnh đấy trở thành hiện thực, và chắc chắn ai cũng sẽ biết “cảm ơn” tại thời điểm đó.
Lữ quán cao cấp, bồn tắm to đẹp, bữa ăn thịnh soạn… nếu bạn được cung cấp những điều kiện tuyệt vời, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy thật “biết ơn”. Và bạn sẽ tự lẩm nhẩm rằng: Thật hạnh phúc! Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, chắc chắn bạn cũng thấy thật biết ơn.
Chính vì vậy, biết ơn không phải là một phương tiện để bạn được hạnh phúc mà là một phần của hạnh phúc. Theo các kết quả nghiên cứu thực nghiệm tâm lý học cho thấy, những người hay cảm thấy biết ơn là những người hạnh phúc. Và đó cũng là một điều hiển nhiên, bởi bản thân biết ơn chính là hạnh phúc rồi.
Biết ơn là nhìn nhận một cách tích cực
Biết cảm ơn chính là cách nhìn nhận tích cực. Khi nhìn thấy một nửa cốc nước, sẽ có người nghĩ: Ôi, còn những nửa cốc thế này. Nhưng cũng có người nghĩ: Còn có nửa cốc thôi à. Cách nghĩ tích cực như “còn những nửa cốc nước” chính là bản chất của biết ơn. Đó chính là cảm giác: Còn những nửa cốc nước sao, thật may quá. Biết ơn không phải là nhìn mọi thứ tiêu cực, thấy mọi thứ đều thiếu thốn, mà là cách nhìn tích cực với tất cả mọi vật trước mắt mình. Đó là cảm giác chỉ cần thế này thôi là đủ. Biết ơn chính là “nhìn nhận” một cách tích cực.
Kết hợp hiện tại và biết ơn
Như ở trên tôi đã đề cập, con người chỉ có thể trải nghiệm “hiện tại”. Bạn không thể thông qua năm giác quan để trải nghiệm lại quá khứ một cách chân thật như ở hiện tại. Và dù bạn có cảm giác như là trải nghiệm tương lai thì khi thời điểm đó đến, tất cả đều sẽ trở thành “hiện tại”. Chính vì vậy, bạn chỉ có thể trải nghiệm “hiện tại”. Còn “biết ơn” lại chính là “cách nhìn tích cực” với mọi thứ. Nếu kết hợp hai yếu tố này lại thì sẽ thế nào nhỉ?
Bạn hãy cùng thử với tôi nhé. Chỉ tốn một phút của bạn thôi. Trong một phút này, bạn phải “biết ơn” với “hiện tại”. Hay nói cách khác, bạn phải “nhìn hiện tại một cách tích cực” trong suốt một phút.
Hiện tại tôi đang ở trong một nhà hàng gia đình lúc đêm muộn. Khách còn lại chỉ có mình tôi, nên tôi thấy hơi buồn chán. Tuy nhiên, cửa hàng này lại mở cửa đến nửa đêm chỉ để phục vụ một mình tôi. Nhân viên trong cửa hàng trông khá lạnh lùng, nhưng lúc đưa thức ăn lên, họ lại tặng cho tôi một lời chúc ấm áp: Chúc quý khách ngon miệng. Chiếc ghế tôi ngồi rất bình thường nhưng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái. Thật tuyệt vời làm sao. Thực đơn ở quầy bar chẳng bao giờ thay đổi, nhưng cốc nước của bạn lúc nào cũng được rót đầy. Ly, cốc cũng được cọ rửa sạch sẽ. Lúc ra khỏi nhà hàng đó, tôi thấy một đôi đang đi phía trước, tôi cũng thấy hơi ghen tị với họ. Nhưng ngẫm lại thì tôi cũng vừa có những điều rất tuyệt vời đấy thôi.
Lại tiếp tục tưởng tượng nhé. Hiện tại tôi lên tàu đi làm, công đoạn nhàm chán mà ngày nào tôi cũng trải qua. Vị khách phía trước tôi đang bị giữ lại cửa soát vé vì số dư trong thẻ Suica1 không đủ. Tuy nhiên, bạn phải công nhận với tôi là thẻ Suica là một phát minh tuyệt vời và thật tiện lợi. Thang cuốn được thiết kế để có thể cho hai người đứng cùng một hàng, nhưng bao giờ chúng ta cũng chỉ đứng hàng một người, đó chính là nét văn hóa của Nhật Bản. Bước lên tàu điện chật cứng người, thật may mắn làm sao khi có đông người như thế này và chúng ta không phải sống trong một thế giới diệt vong như trong phim. Hôm nay trời khá nóng, nhưng nếu bạn đến công ty thì sẽ có quạt máy, điều hóa mát mẻ ngay. Tiền lương tuy không nhiều nhưng hàng tháng tôi đều kiếm được khoản tiền đủ dùng. Ngày nào công việc cũng nhàm chán như nhau, nhưng nếu tập trung, tôi sẽ giải quyết được khối việc. Đối tác lúc nào cũng càu nhàu trong điện thoại, nhưng nếu coi đây là một phần công việc thì cũng không đến nỗi nào. Bản thân mình làm việc mệt mỏi và đối tác cũng như vậy. Mấy đàn em trong công ty chẳng bao giờ làm việc tử tế cả, nhưng ngược lại, họ chẳng bao giờ than phiền mà luôn giúp đỡ tôi trong công việc. Làm việc liên tục nhiều ngày khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, nhưng thật may là tôi không bị bệnh và vẫn còn đủ sức để làm việc.
Tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá hạnh phúc. Còn bạn thì sao? Cứ tiếp tục suy nghĩ như vậy, bạn sẽ luôn thấy “biết ơn” với “hiện tại”. Và một người luôn nhìn “hiện tại” một cách tích cực sẽ luôn là người lạc quan, bao dung và không bao giờ từ bỏ cuộc sống. Họ là những người thân thiện, hiền lành và luôn luôn hạnh phúc. Và có lẽ một lúc nào đó, họ có thể thay đổi “hiện thực” của bản thân.