Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

Không Phải Trở Nên Hạnh Phúc Mà Là Cảm Nhận Hạnh Phúc

Tác giả: Sasaki Fumio

Vứt bỏ “mô hình hạnh phúc kiểu mẫu”

Mặc dù nói xã hội này chấp nhận nhiều cách sống khác nhau, nhưng trong đó vẫn tồn tại một cách sống được cho là mô hình hạnh phúc kiểu mẫu. Công việc ổn định, kết hôn, lập gia đình, làm bố mẹ của hai, ba đứa con và sau này là trông cháu. Đấy chính là hạnh phúc kiểu mẫu mà chúng ta “nên” làm theo. Nếu bạn làm được hết điều đó, có nghĩa là bạn có thể hạnh phúc rồi đấy.

Định nghĩa hạnh phúc của Tâm lý học tích cực (nghe tên có vẻ kỳ, nhưng đây là ngành nghiên cứu nhằm tìm ra những niềm hạnh phúc mới), lại hoàn toàn khác với hạnh phúc mà bạn “nên” theo đuổi ở trên. Trong số các nhà nghiên cứu theo trường phái này, Sonia Ryu Bomi ASCII đã nhận định rằng: Hạnh phúc của con người được quyết định 50% bởi di truyền, 10% bởi môi trường và 40% còn lại do hành động hằng ngày. 10% môi trường này không chỉ là nơi ở mà còn bao gồm các yếu tố: giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay đau ốm, chưa kết hôn hay đã kết hôn…

Và khi so sánh với quan niệm hạnh phúc thông thường mà mọi người vẫn nghĩ, dường như hạnh phúc được tạo thành từ 90% môi trường và 10% di truyền mà thôi. Nếu nói như vậy thì bất cứ ai chỉ cần trúng sổ số, có nhiều tiền là đã hạnh phúc rồi. Hoặc cũng có thể kết cấu đó là 90% di truyền và 10% còn lại là môi trường. Nếu như vậy thì chỉ cần bạn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, vẻ ngoài xinh đẹp là kiểu gì 10% còn lại cũng sẽ nằm trong tay bạn thôi.

Hạnh phúc được quyết định bởi 50% di truyền

50% di truyền này không đơn thuần là vẻ bề ngoài, thần kinh vận động hay trí thông minh, mà theo một nghiên cứu về hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng được nuôi dạy ở hai môi trường khác nhau, người ta nhận ra rằng con người có “điểm chuẩn của hạnh phúc”. Điểm chuẩn này cũng giống như giới hạn chuẩn về cân nặng của mỗi người vậy, chúng ta ăn kiêng, giảm cân để cân nặng trở về mức chuẩn. Cũng tương tự như vậy, dù có trải qua việc vui đến đâu hay phải chịu những ngày tháng buồn khổ đến mức nào, hạnh phúc của một người sẽ tự động quay lại điểm chuẩn hạnh phúc của người đó.

Trong cấu tạo của hạnh phúc có 50% là do di truyền. Sự di truyền này khác với kiểu di truyền giúp bạn từ khi sinh ra đã đẹp trai, xinh gái, hay gu thời trang tốt hay kém, thông minh hay không thông minh…

Ngay từ bé đã có những đứa trẻ có cá tính riêng, có những bé luôn giữ nụ cười trên môi. Những đứa trẻ này có thể bắt chước điệu cười từ một ai đó hoặc có thể là chúng cho rằng cười là hạnh phúc nên lúc nào cũng cười. Có những người từ khi sinh ra đã luôn tươi cười. Cũng có những người luôn tích cực, lạc quan dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. Điều này thường khi còn nhỏ như thế nào thì lớn lên vẫn giữ nguyên như vậy. Quả thực trên thế giới này, có người được thừa hưởng hạnh phúc do di truyền.

Môi trường chỉ ảnh hưởng 10%

Tại sao môi trường chỉ ảnh hưởng 10% đến hạnh phúc của chúng ta? Người ta cho rằng trường hợp có thể đảm bảo sự an toàn, ăn uống, chỗ ngủ của bản thân ở mức tối thiểu cũng đã may mắn hơn rất nhiều so với người không làm được điều đó. Đây đều là những hạnh phúc mua được bằng tiền. Và những yếu tố sau đây cũng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến hạnh phúc của chúng ta. Đó là: thu nhập, công việc, nhà ở, kết hôn hay không, có con hay không… Vậy tại sao “môi trường”, vốn được cho là ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc, lại chỉ chiếm có 10% mà thôi. Bạn có thấy điều này vô lý?

Dù bạn nhiều tiền đến đâu, hay bạn nghèo đến mức nào, dù bạn sống trong một lâu đài xa hoa ở phía nam, hay sống trong căn phòng có diện tích 4,5 chiếu tatami ở những vùng lạnh giá thì tất cả điều đó chỉ chiếm 10% hạnh phúc của bạn. Bởi chúng ta có thể quen với tất cả những điều kiện đó. Trước khi sống trong dinh thự xa hoa, bạn chỉ có thể tưởng tượng ra được một ngày đầu tiên khi bắt đầu sống ở đấy. Còn cảm giác sau một tuần, một năm sau khi đã quen với dinh thự này rồi thì bạn không thể nào tưởng tượng nổi. Bởi vậy nên mới nói, môi trường chỉ chiếm 10% mà thôi.

Số đen, số đỏ, đều chỉ là thói quen

Con người chúng ta có thể làm quen và vượt qua mọi kích thích dù đó là thành công lớn trong cuộc đời hay là thất bại ê chề hủy hoại sự nghiệp. Điều này đã được chứng minh qua kết quả của các cuộc điều tra liên quan đến hạnh phúc.

Thời gian đầu, chúng ta sẽ cảm thấy “kích thích” do sự “khác biệt” từ những việc này mang lại. Khi trúng sổ xố, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Khi bạn mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất đi người bạn yêu thương, bạn sẽ thấy đau khổ đến mức cuộc sống của bạn chỉ còn toàn bất hạnh mà thôi. Nhưng nếu nhìn từ vị trí của người khác, thì những niềm vui hay nỗi buồn này cũng chỉ là những kinh nghiệm tất yếu mà bất cứ ai cũng sẽ trải qua khi trưởng thành, và chúng ta sẽ quen với nó nhanh hơn chúng ta tưởng tượng.

Tốt nghiệp một trường học danh giá, làm việc trong một công ty tốt, kết hôn, có con, mua nhà, tiết kiệm tiền cho lúc tuổi già, chăm cháu… Đây chính là hạnh phúc kiểu mẫu của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta đạt được một mức độ nào đó, chúng ta sẽ dần quen với trạng thái này và nó không còn khiến ta cảm thấy hạnh phúc nữa.

Thế nên, chúng ta có thể thay đổi mọi thứ bằng 40% còn lại. 40% từ hành động của chính chúng ta. Đây là con số đáng tin cậy đúng không nào. Nếu nói tác động của hành động đến hạnh phúc chỉ là 10% thì chúng ta chẳng có chút động lực làm việc nào cả, thay vào đó thà ở nhà ngủ còn hơn. Ngược lại, nếu nói con số này là 90% thì kết quả này thực chẳng đáng tin chút nào. 40% vừa đủ để khơi dậy động lực cố gắng trong mỗi chúng ta.

Bạn không thể “trở nên hạnh phúc”

Trước đây, có người nói với tôi rằng: Sau này chỉ cần được như bọn trẻ là tôi đã hạnh phúc rồi. Có lẽ hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Hay nói cách khác, chỉ cần đạt được điều kiện gì đó là chúng ta “có thể trở nên hạnh phúc”.

Ví dụ, chỉ cần bạn đặt chân lên đỉnh núi mang tên “hạnh phúc” thì hạnh phúc của quãng thời gian sau này của bạn sẽ được đảm bảo. Hoặc cũng giống như một cuộc đua marathon, khi bạn về đích, chạy qua sợi dây băng cán đích là bạn có thể nhận được tấm huy chương hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng hạnh phúc không phải là đỉnh núi hay đích đến của cuộc đua.

Bởi vậy bạn không thể “trở nên hạnh phúc”. Dù là hạnh phúc đến trong tích tắc đi nữa rồi bạn cũng sẽ quen với nó và nó dần trở thành một phần hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Nếu bạn trúng sổ xố toto Big 600 triệu yên thì bạn quả là một người may mắn. Bạn có thể bỏ công việc nhàm chán hiện tại, xóa tan mọi lo lắng trong tương lai và sống thoải mái theo những gì bạn muốn. Lúc đó, có lẽ cuộc đời bạn sẽ thực sự “sang trang mới”.

Tuy nhiên, một lần nữa tôi lại nói lại rằng, trước lúc trúng 600 triệu yên, chẳng có ai tưởng tượng được cảm giác của một năm sau khi trúng giải. Khi đó, anh ta đã quen với cuộc sống “được sang trang mới” rồi. Điều này cũng giống như một người muốn có con, luôn nghĩ thứ mình thiếu bây giờ chỉ là đứa con thôi, sẽ chẳng tưởng tượng được ba năm sau anh ta có con sẽ như thế nào.

Hạnh phúc không phải là trạng thái mà bạn có thể “trở nên” như vậy. Hạnh phúc cũng không phải là một phần thưởng khi bạn có thể bắt chước theo đúng những kiểu mẫu có sẵn.

Không phải là trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc

Bạn không thể trở nên hạnh phúc, theo tôi, hạnh phúc chỉ là cảm nhận của bạn tại thời điểm đó thôi. Chỉ có những cảm nhận tức thời đó mới là hạnh phúc. Và thời điểm mà chúng ta trải nghiệm hạnh phúc cũng chỉ là thời điểm “hiện tại” mà thôi.

Nếu ngay cả hạnh phúc trong “hiện tại” cũng không cảm nhận được thì ngày mai, ngày kia hay một năm sau người đó cũng không cảm nhận được. Nếu có một ngày, thời điểm ngày mai, ngày kia hay một năm sau đến thì lúc đó nó cũng biến thành “hiện tại” rồi. Nói cách khác, chúng ta luôn có thể cảm nhận hạnh phúc “hiện tại” bất cứ lúc nào.

Hạnh phúc là bản tự đánh giá bản thân

Trong cuốn sách này, tôi đã giới thiệu rất nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến hạnh phúc. Vậy người ta đo hạnh phúc của con người bằng cách nào? Chuyện này rất đơn giản. Đó là hỏi trực tiếp người tham gia nghiên cứu. “Nếu nhìn rộng ra một chút, bạn có thấy thỏa mãn với cuộc sống của mình không?” Nếu người đó cảm thấy hạnh phúc, trong não họ sẽ xuất hiện các hạt vật chất. Chỉ cần đo lượng vật chất này là có thể biết người đó có hạnh phúc hay không. Tuy nhiên, dù thời điểm đo có thể kiểm tra lượng vật chất này, nhưng lại không thể biết về lâu dài họ có hạnh phúc hay không. Chúng ta cũng không thể đo mãi trong suốt một đời người được. Chính vì vậy, hạnh phúc là thứ mà chỉ có bạn mới tự đánh giá được.

“Hạnh phúc là tùy thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân mình. Hạnh phúc không phải là vật ngoài thân mà nó nằm bên trong con người chúng ta. Hạnh phúc do trái tim ta quyết định…” Có rất nhiều danh ngôn nói về hạnh phúc và câu nào cũng là những triết lý đúng đắn. Bởi bản thân hạnh phúc vốn là thứ mà chỉ có bản thân mình mới đánh giá được. Dù người khác thấy họ vất vả, đau khổ thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu người đó nói rằng: Tôi thực sự rất hạnh phúc. Bản thân tôi thật may mắn. Tôi thật biết ơn hiện tại… thì có nghĩa họ đang cảm thấy hạnh phúc. Đó cũng là lý do vì sao “hành động” quyết định 40% hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải là thứ bạn có được sau khi đáp ứng một vài điều kiện.

Hạnh phúc chỉ là “cảm nhận” trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi.

Hành động, yếu tố quyết định 40% hạnh phúc, đã thay đổi sau khi thành người sống tối giản

Tôi biết được điều này là nhờ giảm tối đa đồ đạc trong nhà. Có lẽ tôi đã biết cảm nhận hạnh phúc “hiện tại” rồi. Nếu môi trường chỉ chi phối 10% hạnh phúc thì dù có là căn phòng chất đầy đồ đạc hay một căn phòng trống rỗng của người sống tối giản cũng chỉ tác động được 10% mà thôi. Tôi có thể cảm nhận hạnh phúc “hiện tại” bởi tôi nhận ra sau khi cắt giảm đồ đạc, “hành động” chi phối 40% còn lại này cũng thay đổi.

Từ khi tiến hành giảm bớt đồ, hành động của tôi cũng bắt đầu thay đổi. Tôi trước đây, một người vốn rất thất vọng với bản thân vì không thể cố gắng đạt được hạnh phúc kiểu mẫu, một người chỉ chăm chăm nhìn vào những thứ mình chưa có, nay đã trở thành ngưới sống tối giản. Tôi cảm thấy sự thay đổi này cũng là một lẽ tất nhiên.

Mỗi ngày tôi sống vui vẻ, hạnh phúc hơn nhiều so với trước kia. Tôi vốn là một người hướng nội, ít nói cười. Thậm chí đến giờ tôi vẫn hay bị nói là người trầm tính, chẳng biết đang nghĩ gì hay giống như robot. Nhưng tôi biết, con người tôi đang bắt đầu thay đổi từng chút một.

Giờ đây, khi không có nhiều đồ đạc nữa, tôi có nhiều thời gian nhàn hạ hơn. Mỗi ngày tôi đều có thể tận hưởng cuộc sống và chỉ cần như vậy thôi là tôi đã cảm thấy thỏa mãn rồi. Không còn so sánh bản thân với người khác nên tôi cũng không có gì phải tự ti về bản thân mình nữa. Tôi cũng chẳng còn chú ý đến ánh mắt hay cách nghĩ của người khác nên làm gì cũng quyết đoán hơn. Khả năng tập trung của bản thân được tăng cao, tôi có thể hoàn thành tốt công việc và làm những gì mình thích. Tôi cũng quen với việc không khoe khoang hay xấu hổ về bất cứ điều gì, nên giờ tôi có thể mạnh dạn làm những gì mình muốn, ví dụ như xuất bản cuốn sách của mình vậy. Giờ đây, tôi chỉ tập trung cho hiện tại của chính mình, không còn dằn vặt vì quá khứ hay bất an vì tương lai.

Và quan trọng hơn cả là sau khi cắt giảm đồ đạc, tôi đã biết “cảm ơn”. Tôi muốn cảm ơn, trân trọng “hiện tại” của mình, và sau này, tôi vẫn muốn nhìn “hiện tại” một cách tích cực như thế.

Lối sống tối giản không phải là “mục đích” mà là “phương tiện”. Nhờ có lối sống này mà tôi đã nhận ra rất nhiều thứ quan trọng với bản thân. Nhưng tôi cũng thấy mọi người không bắt buộc phải trở thành người sống tối giản. Sau khi nhận ra những điều quan trọng đối với bản thân, nếu bạn có thể trân trọng chúng cho đến mãi về sau thì dù bạn có sắm thêm bao nhiêu đồ cũng không thành vấn đề. Tôi và anh Numahata cùng lập một trang web tên là Minimal & ism. Minimal & ism có nghĩa là phát hiện ra những điều quan trọng (ism) sau khi giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu (minimal). Người sống tối giản là người biết “cắt giảm” mọi thứ vì những điều quan trọng với mình. Tôi nghĩ là mình đã giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu và đã tìm thấy những thứ quan trọng cho mình.

Và điều quan trọng mà tôi đã tìm ra đó chính là “con người”. “Con người” mà tôi muốn nói ở đây không chỉ là gia đình, bạn bè, người đẹp hay thiên tài. Mà đó là những người cùng ý kiến hay khác ý kiến với tôi. Những người mà tôi gặp trong ngày hôm nay chính là mục đích của tôi.

Chính những người ở hiện tại, những người đang ở ngay trước mắt tôi mới là mục đích của tôi.

 

 

Bình luận