Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

1Q84 – Tập 2

Chương 1: Aomame

Tác giả: Haruki Murakami

Đó là nơi buồn tẻ nhất thế giới

Mùa mưa dầm chưa chính thức kết thúc song bầu trời Tokyo đã xanh ngắt một màu, mặt trời giữa hè chói chang thỏa sức rọi xuống mặt đất. Liễu một lần nữa lại xanh um lá, đung đưa phủ bóng sum sê xuống mặt đường.

Tamaru đón Aomame ở tiền sảnh. Anh ta mặc bộ vest mùa hè tối màu, sơ mi trắng, thắt cà vạt trơn. Và không đổ một giọt mồ hôi nào. Một người đàn ông cao lớn như anh ta mà thời tiết nóng bức đến đâu cũng chẳng đổ mồ hôi, đấy là điều bấy nay vẫn khiến Aomame thấy thật khó tin.

Gặp Aomame, Tamaru khẽ gật đầu, chỉ chào một tiếng cụt lủn rất khó nghe ra rồi không nói gì nữa, mà cũng không chuyện trò vài câu với nàng như mọi khi. Anh ta cắm cúi đi trước, băng qua hành lang dài, không ngoái đầu lại, đưa Aomame đến chỗ bà chủ đang đợi.

Chắc anh ta không còn tâm trạng nào để chuyện phiếm với ai, Aomame đoán. Có lẽ cái chết của con chó là cú sốc quá lớn đối với anh ta. “Phải tìm một con chó giữ nhà khác,” qua điện thoại anh ta nói với Aomame như thế, hệt như đang nói chuyện thời tiết. Nhưng cả Aomame cũng hiểu, không thể qua đó mà biết được tâm trạng thật của Tamaru. Con chó cái giống béc giê Đức ấy có vị trí hết sức quan trọng trong lòng anh ta, từ nhiều năm nay hai bên đã rất hiểu nhau. Hẳn anh ta xem cái chết đột ngột khó hiểu của con chó như một sự nhục mạ hay khiêu chiến đối với bản thân mình. Nhìn tấm lưng to bè mà lặng thinh như tấm bảng đen lớp học của Tamaru, Aomame có thể hình dung cơn phẫn nộ âm thầm trong lòng anh ta.

Tamaru mở cửa phòng khách mời Aomame vào, còn mình thì đứng cạnh cửa đợi chỉ thị của bà chủ.

“Hôm nay chúng ta không cần đồ uống,” bà chủ nói với anh ta.

Tamaru không nói gì, khẽ gật đầu, lẳng lặng đóng cửa. Trong phòng chỉ còn lại bà chủ và Aomame. Trên bàn trà, cạnh chiếc ghế tay vịn bà chủ đang ngồi, có đặt một bể cá thủy tinh hình tròn với hai con cá vàng bên trong. Đó là giống cá vàng tầm thường đâu đâu cũng thấy, thứ bể cá bình thường có thể gặp ở bất cứ đâu; trong làn nước dập dềnh mấy cọng tảo xanh chẳng bể cá nào là không có. Aomame đã bước vào phòng khách rộng rãi sang trọng này nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên nàng thấy bể cá vàng. Điều hòa nhiệt độ bật ở mức yếu, thi thoảng nàng nghe một làn gió mát thoảng nhẹ trên da. Trên cái bàn sau lưng nàng bày một bình hoa cắm ba cành bách hợp trắng. Các đóa hoa rất lớn, đầy đặn, gục đầu giống như loài thú nhỏ của vùng đất xa lạ nào đấy đang chìm trong trầm tư mặc tưởng.

Bà chủ vẫy tay ra hiệu mời Aomame ngồi xuống sofa bên cạnh mình. Cửa sổ hướng ra vườn buông rèm ren màu trắng, nhưng ánh nắng chiều hè vẫn rất gay gắt. Dưới ánh sáng đó, trông bà chủ toát ra vẻ mệt mỏi khác thường. Lọt thỏm trong chiếc ghế bành rộng, bà tì cằm lên cánh tay nhỏ nhắn yếu ớt, hốc mắt trũng sâu, nếp nhăn trên cổ đã nhiều hơn trước, bà phải già đi đến năm sáu tuổi là ít. Chẳng những vậy, hôm nay bà chủ không hề bận tâm che giấu vẻ mệt mỏi rành rành kia. Đây là chuyện không bình thường. Ít nhất là, theo quan sát của Aomame, bà luôn huy động sức mạnh bên trong hầu giữ vẻ bề ngoài tề chỉnh, dáng người thẳng tắp, nét mặt tập trung, không để lộ dấu vết của sự già nua. Thường thì nỗ lực ấy luôn thành công.

Aomame nhận thấy hôm nay có nhiều thứ trong tòa biệt thự này trông khang khác. Thậm chí cả ánh sáng cũng nhuốm một màu khác. Cả bể cá vàng, cái vật tầm thường kia, cũng có vẻ không hợp lắm với căn phòng trần cao kê đầy đồ nội thất cổ này.

Bà chủ ngồi yên hồi lâu, tay tựa cằm, chăm chú nhìn một điểm nào đó trong khoảng không bên cạnh Aomame. Nhưng Aomame hiểu, ở đó chẳng có gì đặc biệt để nhìn. Chẳng qua bà chỉ cần một chỗ để tạm thời hướng ánh mắt vào mà thôi.

“Cô khát không?” bà chủ hỏi với giọng bình tĩnh.

“Không, tôi không khát ạ,” Aomame đáp.

“Chỗ kia có hồng trà với đá. Nếu không ngại, cô tự ra đó rót vào cốc thủy tinh mà uống.”

Bà chủ chỉ ngón tay về phía cái bàn để đồ ăn cạnh cửa. Ở đây có một chiếc bình miệng rộng, bên trong chứa đầy trà với đá và chanh xắt lát, bên cạnh có ba cốc thủy tinh hoa khác màu nhau.

“Cám ơn bà,” Aomame nói. Nhưng nàng không thay đổi tư thế, đợi những lời tiếp theo của bà chủ.

Nhưng một hồi lâu sau, bà chủ vẫn trầm mặt như thế. Bà có chuyện không thể không nói với Aomame, nhưng một khi đã nói ra lời, những sự thực ẩn giấu trong đó có thể sẽ trở nên xác thực hơn đến độ không sửa chữa được, cho nên bà chỉ mong trì hoãn được cái lúc nói ra ấy, dù chỉ một chút. Đó là lý do cho sự trầm mặt này. Bà liếc nhìn bể cá vàng bên cạnh. Sau đó, dường như đã từ bỏ nỗ lực kéo dài thời gian, cuối cùng bà cũng ngước lên nhìn thẳng vào Aomame. Đôi môi bà mím chặt thành một đường thẳng, hai bên mép hơi cố ý nhếch lên một chút.

“Con chó canh cửa ở trung tâm bảo trợ chết rồi, Tamaru nói với cô chưa? Chết rất kỳ lạ, không thể giải thích nổi,” bà chủ nói.

“Tôi có nghe nói.”

“Sau đó Tsubasa cũng biến mất luôn.”

Aomame hơi nghiêng mặt. “Biến mất ư?”

“Đột nhiên mất tích. Có thể là mới đêm qua. Sáng sớm nay đã không thấy đâu nữa.”

Aomame mấp máy môi, muốn tìm lời để nói, nhưng lời lẽ không đến ngay được. “Có điều… lần trước tôi nghe phu nhân nói, luôn có người ngủ chung với Tsubasa, trong cùng một phòng, để phòng xa…”

“Đúng vậy. Có điều cô ấy đã ngủ rất say, chưa bao giờ cô ấy ngủ say như thế cả, nên hoàn toàn không phát hiện ra Tsubasa đã đi mất. Khi trời sáng thì trên giường không thấy Tsubasa đâu nữa.”

“Con chó béc giê Đức chết, sáng hôm sau thì Tsubasa biến mất,” Aomame nhắc lại như để xác nhận.

Bà chủ gật đầu. “Hiện tại vẫn chưa biết hai chuyện này có liên quan gì với nhau không. Nhưng tôi sợ là có đấy.”

Không vì lý do cụ thể nào, Aomame nhìn về phía bể cá vàng đặt trên bàn. Bà chủ dõi theo ánh mắt nàng, cũng hướng điểm nhìn về chỗ đó. Hai con cá vàng đang hững hờ bơi qua bơi lại trong hồ nước làm bằng thủy tinh, uể oải đung đưa mấy cái vây. Ánh nắng hè chiết xạ một cách kỳ lạ trong bể cá, khiến người ta có ảo giác mình đang nhìn vào một vùng biển sâu đầy những sự huyền bí.

“Mấy con cá vàng này tôi mua cho Tsubasa,” bà chủ ngước nhìn Aomame nói như để giải thích. “Có một khu phố buôn bán ở Azabu đang tổ chức lễ hội, tôi liền dẫn Tsubasa ra đấy tản bộ. Tôi thầm nhủ con bé cứ ở mãi trong phòng thì cũng không tốt cho sức khỏe của nó. Tamaru đi cùng, dĩ nhiên. Cả bể cá lẫn cá tôi đều mua ở chợ đêm đó đem về. Con bé hình như bị cá vàng thu hút, nó đặt bể trong phòng, nhìn chăm chăm từ sáng đến tối không biết mệt. Giờ con bé biến mất, tôi mới mang nó tới đây. Dạo này tôi cũng thường ngắm cá vàng. Không làm gì cả, chỉ nhìn chúng chăm chăm thôi. Kỳ lạ lắm, hình như đúng là nhìn mãi không thấy chán. Trước đây tôi có bao giờ nhiệt tình ngắm cá vàng như thế đâu.”

“Tsubasa có thể đi đến chỗ nào, phu nhân có manh mối gì không?”

“Không có manh mối gì hết,” bà chủ đáp, “Con bé tứ cố vô thân. Theo những gì tôi được biết, nó là đứa chẳng có nơi nào để đi trên thế gian này.”

“Có khả năng cô bé bị ai đó bắt cóc không?”

Bà chủ khẽ lắc đầu thảng thốt, như thể đang xua đi một con ruồi nhỏ mắt thường không nhìn thấy, “Không, con bé cứ thế đi thôi. Chẳng ai đến bắt nó đi đâu cả. Nếu là thế thì người xung quanh đã thức dậy rồi. Những người phụ nữ ở đó vốn rất tỉnh ngủ. Tôi tin rằng tự Tsubasa đã quyết định rời khỏi chỗ ấy. Nhón chân đi xuống cầu thang, lẳng lặng mở khóa, đẩy cửa đi ra ngoài. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh ấy. Cho dù con bé bước ra, con chó cũng không sủa, nó đã chết từ tối hôm trước rồi. Lúc đi, con bé còn chẳng thay quần áo. Mặc dù ngay bên cạnh có bộ quần áo mới gấp gọn dàng để đấy, nhưng nó mặc nguyên đồ ngủ đi ra. Chắc trên người nó cũng không có lấy một đồng.”

Mặt Aomame càng nhăn sâu hơn nữa. “Chỉ một mình, mặc đồ ngủ?”

Bà chủ gật đầu. “Đúng vậy. Một cô bé mười tuổi mặc đồ ngủ, một thân một mình, không xu dính túi thì có thể đi đâu lúc nửa đêm? Nhìn từ góc độ bình thường khó mà lý giải nổi. Nhưng không hiểu sao tôi lại không cảm thấy chuyện này có gì kỳ quái. Hoàn toàn không. Lần này thậm chí tôi còn có cảm giác thật ra đây là chuyện cần phải xảy ra. Vậy nên tôi không cho người đi tìm con bé. Tôi không làm gì cả, chỉ nhìn chằm chằm vào bể cá thế này thôi.”

Bà chủ liếc sang phía bể cá trong khi nói, rồi lại quay sang nhìn vào mặt Aomame.

“Bởi vì tôi biết giờ có dốc hết sức tìm cũng chẳng được gì. Con bé đã đến nơi mà chúng ta không thể tìm lại nó được.”

Nói xong, bà chủ không tì cằm lên bàn tay nữa. Hai tay xếp ngay ngắn trên đầu gối, bà chầm chậm thở ra một luồng khí ghìm giữ trong cơ thể đã lâu.

“Nhưng tại sao cô bé phải làm như vậy chứ?” Aomame hỏi. “Tại sao cô bé phải rời khỏi trung tâm? Ở đấy cô bé được người ta bảo vệ, hơn nữa nó chẳng còn nơi nào khác để đi.”

“Tôi không biết lý do. Nhưng tôi cảm nhận được, cái chết của con chó hình như chính là ngòi nổ. Tsubasa rất thương con chó ấy, mà con chó cũng đặc biệt thân thiết với con bé. Hai đứa như là bạn chí thân. Vì thế nên cái chết của con chó, hơn nữa lại là một cái chết thảm khốc đẫm máu và quái dị, khiến Tsubasa bị sốc rất nặng. Thì lẽ dĩ nhiên thôi. Ai sống ở đó cũng đều bị sốc. Nhưng giờ đây nghĩ lại tôi thấy, việc con chó bị giết có lẽ chính là một thông diệp gửi đến cho Tsubasa.”

“Thông điệp?”

“Nó nhắn với Tsubasa: không được ở lại đây. Bọn ta biết ngươi đang trốn ở đây. Ngươi phải ra đi. Bằng không, mọi người xung quanh ngươi sẽ gặp phải những chuyện còn bi thảm hơn.”

Bà chủ gõ ngón tay lên đầu gối như theo một nhịp tưởng tượng. Aomame im lặng đợi bà nói tiếp.

“Có lẽ con bé hiểu được lời nhắn ấy nên mới chủ động rời khỏi đây. Chắc chắn nó không tự nguyện ra đi. Nó đi là vì phải đi, dù biết rõ không có nơi nào để đi cả. Hễ nghĩ đến chuyện đó là tim tôi lại đau như bị dao đâm. Một đứa trẻ mới mười tuổi mà lại bị buộc phải hạ quyết tâm như thế.”

Aomame muốn vươn tay ra nắm lấy bàn của bà chủ, nhưng rồi lại thôi. Câu chuyện còn chưa hết.

Bà chủ tiếp tục: “Với tôi, không cần phải nói, đây là một cú sốc lớn. Tôi cảm thấy như có bộ phận nào đó trên cơ thể bị rứt lìa ra vậy. Tôi đang nghĩ cách để chính thức nhận Tsubasa làm con nuôi. Tôi biết mọi việc sẽ không xuôi chèo mát mái. Biết rõ là sẽ khó khăn vô cùng, song tôi vẫn muốn làm. Dù việc tiến triển không được thuận lợi thì tôi cũng chẳng có lý do gì để đi than khổ với ai. Nhưng, nói thực lòng, ở tuổi tôi, những chuyện này thật tàn khốc quá.”

Aomame nói: “Nhưng mà, biết đâu một thời gian nữa Tsubasa lại đột nhiên quay về thì sao. Cô bé không mang theo tiền, cũng chẳng có nơi nào để đi…”

“Tôi ước gì được như thế, nhưng sẽ không có đâu,” bà chủ nói bằng giọng đều đều. “Con bé mới mười tuổi nhưng suy nghĩ rất độc lập. Nó đã quyết tâm rời khỏi đây rồi. Sợ rằng nó sẽ không quay lại đâu.”

Aomame nói “Xin lỗi”, đoạn đứng dậy bước đến bàn để đồ ăn cạnh cửa, rót ít trà vào cái cốc thủy tinh hoa màu xanh lam. Thực ra nàng không khát mấy, chỉ là nàng muốn rời khỏi chỗ ngồi, bằng cách đó tạo một khoảng lặng ngắn. Nàng trở lại ngồi xuống sofa, nhấp một ngụm trà, rồi đặt cốc xuống mặt bàn trà bằng kính.

Bà chủ đợi Aomame ngồi trở lại ghế rồi nói, “Chuyện Tsubasa tạm gác lại ở đây,” đồng thời, như để đánh dấu ngắt đoạn cho cảm xúc của mình, bà vươn thẳng cổ, chắp hai tay lại, các ngón tay đan vào nhau. “Giờ ta nói chuyện về Sakigake và gã Lãnh Tụ. Tôi muốn kể với cô những gì chúng tôi biết được về hắn. Đây là lý do chính khiến tôi mời cô đến hôm nay. Dĩ nhiên, chuyện này xét cho cùng vẫn liên quan đến Tsubasa.”

Aomame gật đầu. Nàng đã dự liệu trước điều này.

“Lần trước tôi đã nói với cô, bất kể giá nào chúng ta cũng phải xử lý cho bằng được nhân vật gọi là Lãnh Tụ này. Phải mời hắn sang thế giới bên kia. Cô biết rồi đó, người này quen thói cưỡng hiếp những cô bé tầm chín mười tuổi, hãy còn chưa có kinh lần đầu. Để biện chính cho những hành vi này, hắn bịa ra ‘giáo lý’ và lợi dụng hệ thống giáo đoàn. Tôi đã cố gắng hết sức để điều tra kỹ lưỡng chuyện này, phải tốn một khoản tiền không nhỏ. Không dễ dàng chút nào, hao tổn hơn dự tính rất nhiều. Nhưng dù thế nào, chúng tôi cũng đã xác nhận được bốn thiếu nữ bị tên đó cưỡng hiếp. Người thứ tư chính là Tsubasa.”

Aomame cầm cốc trà đá lên, nhấp một ngụm. Chẳng có mùi vị gì, như thể trong miệng nàng bị nhét một cục bông gòn, nó hút hết các mùi vị đi rồi.

“Chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ, có điều trong bốn cô bé đó có ít nhất hai người đến giờ vẫn đang sống trong giáo đoàn,” bà chủ nói. “Nghe nói bọn họ đã thành thân tín ở bên Lãnh Tụ, đảm nhận vai trò kiểu như nữ tư tế vậy. Xưa nay họ không bao giờ lộ mặt trước các tín đồ bình thường. Những cô bé này tự nguyện ở lại giáo đoàn hay vì không thể trốn thoát mà đành phải ở lại, chúng tôi không thể biết được. Cả chuyện họ có còn giữ quan hệ giới tính với Lãnh Tụ hay không cũng chẳng cách nào biết được. Nhưng nói tóm lại, có vẻ họ sống chung với Lãnh Tụ như người một nhà. Khu vực Lãnh Tụ cư trú tuyệt đối cấm người ra kẻ vào, tín đồ bình thường không được phép lại gần. Rất nhiều thứ vẫn đang bị che phủ trong bí ẩn.”

Cốc thủy tinh hoa trên bàn trà bắt đầu “đổ mồ hôi”. Bà chủ ngừng lại giây lát, điều chỉnh hơi thở rồi tiếp tục nói:

“Có một chuyện có thể chắc chắn mười mươi. Trong bốn người đó, nạn nhân đầu tiên là con gái ruột của Lãnh Tụ.”

Aomame nhíu mày. Cơ thịt trên mặt nàng tự động co rúm lại, vặn vẹo biến hình. Nàng muốn nói gì đó, nhưng từ ngữ không thể biến thành âm thanh.

“Đúng vậy. Có thể xác nhận rằng người đầu tiên bị kẻ đó cưỡng hiếp chính là con gái hắn. Bảy năm về trước, khi cô bé mười tuổi,” bà chủ nói.

Bà chủ cầm điện thoại lên, nhờ Tamaru mang một chai rượu Sherry và hai chiếc ly vào. Trong khi đợi, hai người cùng im lặng sắp xếp lại các dòng suy nghĩ trong đầu. Tamaru bước vào, bê chiếc khay trên đó đặt một chai rượu Sherry chưa mở và hai chiếc ly thủy tinh pha lê mỏng, thanh nhã. Anh ta xếp những thứ ấy lên bàn, rồi sau đó, bằng một động tác dứt khoát, chuẩn xác, hệt như vặn cổ một con chim, anh ta mở nắp chai rượu rồi rót vào ly. Rượu chảy nghe ùng ục. Bà chủ gật đầu, Tamaru liền khom mình cúi chào, rồi ra khỏi phòng, vẫn không nói một lời. Thậm chí cả bước chân anh ta cũng không phát ra tiếng động.

Không phải chỉ con chó, Aomame nghĩ. Cả chuyện cô bé biến mất cũng làm anh ta tổn thương rất sâu sắc. Cô bé là người mà bà chủ yêu thương nhất, thế mà cô đã biến mất ngay trước mắt anh ta! Chính ra thì cô bé không thuộc phần trách nhiệm của Tamaru. Anh ta không trực đêm ở đây; thường thì đến tối Tamaru trở về nhà cách đây mười phút đi bộ để ngủ, trừ phi có nhiệm vụ gì đặc biệt khiến anh ta phải ở bên bà chủ. Cái chết của con chó và vụ mất tích của cô bé đều xảy ra trong đêm, khi anh ta vắng mặt. Cả hai việc đó anh ta đều không thể ngăn được. Công việc của anh ta là bảo vệ bà chủ và biệt thự Cây Liễu. Bổn phận của anh ta không phải là chăm lo cho an toàn của trung tâm bảo trợ phụ nữ nằm bên ngoài tòa biệt thự. Nhưng dù vậy đi nữa, các sự kiện ấy đối với Tamaru là một thất bại của cá nhân anh ta, một sai sót không thể tha thứ.

“Cô đã chuẩn bị xong xuôi để bắt tay xử lý kẻ này chưa?” bà chủ hỏi Aomame.

“Xong xuôi rồi,” Aomame rành rọt trả lời.

“Việc này không dễ đâu,” bà chủ nói. “Đương nhiên, những việc tôi nhờ cô chẳng bao giờ dễ cả. Song lần này đặc biệt khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, làm tất cả những gì mình có thể làm, nhưng rốt cuộc chúng tôi có thể bảo đảm an toàn cho cô đến mức độ nào thì tôi không dám chắc. Chỉ e lần này sẽ nguy hiểm hơn bất cứ lần nào trước đây.”

“Tôi hiểu.”

“Lần trước tôi cũng nói với cô, tôi không muốn đưa cô đến nơi nguy hiểm. Nhưng nói thực lòng, lần này, chúng ta có rất ít lựa chọn.”

“Không sao cả,” Aomame nói, “Dù sao thì cũng không thể để kẻ đó sống trên đời này được.”

Bà chủ nâng ly rượu lên, khẽ nhấm một ngụm Sherry, chầm chậm thưởng thức. Sau đó bà lại nhìn bể cá vàng một lúc.

“Trước nay tôi luôn thích uống một chút Sherry ở nhiệt độ thường vào những chiều hè. Trong mùa nóng bức tôi không thích uống đồ lạnh cho lắm. Uống một chút Sherry, lát sau nằm xuống chợp mắt một lúc, rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Đến khi mình tỉnh giấc, cảm giác nóng bức đã giảm đi rồi. Tôi rất mong một ngày nào đó có thể chết đi như thế. Uống chút rượu Sherry vào một chiều hè, nằm dài trên sofa ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay, rồi cứ thế không tỉnh lại nữa.”

Aomame cũng cầm ly rượu lên, nhấp một ngụm nhỏ. Nàng không thích mùi vị loại rượu này lắm, nhưng nàng đang rất cần uống thứ gì đó. Không giống như trà đá, lần này nàng ít nhiều cảm thấy mùi vị. Chất cồn kích thích mạnh mẽ lên lưỡi nàng.

“Mong cô có thể thẳng thắn trả lời tôi,” bà chủ nói. “Cô sợ chết không?”

Aomame không cần thời gian để đưa ra câu trả lời. Nàng lắc đầu nói, “Không sợ lắm. Sống như tôi đang sống đây còn đáng sợ hơn.”

Bà chủ khẽ nhếch nụ cười yếu ớt, nó khiến bà phần nào lấy lại sức sống. Đôi môi bà giờ có chút sắc hồng. Có lẽ cuộc nói chuyện với Aomame đã giúp bà, hay có lẽ chút rượu Sherry đã phát huy tác dụng.

“Chắc là cô cũng có người trong mộng chứ.”

“Vâng. Nhưng khả năng tôi và anh ấy có thể kết hợp gần như là bằng không. Vì vậy, dù tôi có chết ở đây, những gì mất mát cũng gần như là bằng không thôi.”

Bà chủ nheo mắt. “Có lý do cụ thể nào khiến cô cho rằng mình và anh ta không thể kết hợp?”

“Chẳng có lý do gì đặc biệt,” Aomame đáp, “Ngoại trừ việc tôi là chính bản thân tôi.”

“Cô không hề có ý định tự mình tiến tới với anh ta, phải không?”

Aomame lắc đầu. “Đối với tôi, quan trọng nhất là cái sự thực rằng tôi cần anh ấy từ tận đáy lòng.”

Bà chủ chăm chú nhìn thẳng vào mặt Aomame trong giây lát, với vẻ rõ là cảm phục. “Cô thật đúng là người suy nghĩ vừa dứt khoát lại vừa thẳng thắn.”

“Bởi vì cần thiết phải thế,” Aomame nói, đoạn nâng ly rượu lên, nhưng chỉ khẽ chạm môi, “Chứ không phải tôi cố ý như thế.”

Hồi lâu, im lặng lấp đầy cả căn phòng. Hoa bách hợp vẫn cúi đầu, cá vàng tiếp tục thong thả bơi lội trong ánh sáng chiết xạ của mùa hè.

“Chúng tôi có thể tạo cơ hội cho cô một mình ở với tên Lãnh Tụ,” bà chủ nói. “Chuyện này không dễ, và cũng phải mất thời gian, nhưng tôi có thể thực hiện được. Sau đó cô chỉ cần làm như mọi khi. Chỉ là, lần này, sau khi xong việc cô cần phải mai danh ẩn tích. Cô phải phẫu thuật sửa dung mạo, từ bỏ công việc hiện tại, trốn đi thật xa. Đổi họ tên. Tất cả những gì cô hiện đang sở hữu đều phải từ bỏ hết. Biến thành một người khác. Dĩ nhiên, cô sẽ nhận được khoản tiền thù lao lớn. Những việc khác tôi sẽ lo liệc tất. Cô thấy như vậy có được không?”

Aomame đáp: “Như tôi vừa mới nói, tôi chẳng có gì để mất. Công việc của tôi, tên tuổi tôi, cuộc sống hiện nay của tôi ở Tokyo, tất cả đối với tôi chẳng có ý nghĩa gì. Tôi không phản đối một chút nào.”

“Kể cả việc thay đổi hoàn toàn dung mạo?”

“Có đẹp hơn bây giờ không?”

“Nếu cô muốn, đương nhiên là có thể.” Bà chủ đáp với vẻ nghiêm túc. “Có thể làm một gương mặt theo yêu cầu của cô được, tất nhiên cũng chỉ có mức độ thôi.”

“Tiện thể làm phẫu thuật nâng ngực luôn thì hẳn càng tốt hơn.”

Bà chủ gật đầu. “Đây có lẽ là một ý hay. Tất nhiên là để qua mắt người khác.”

“Tôi đùa đấy,” Aomame nói, nét mặt giãn ra, “Tuy chẳng có gì đáng để khoe khoang, nhưng tôi cảm thấy ngực như bây giờ cũng không sao. Nhẹ nhàng tiện lợi. Hơn nữa đã đến tuổi này rồi, đổi mua đồ lót cỡ khác quả thực là quá phiền phức.”

“Những thứ đó cô muốn bao nhiêu tôi mua cho cô bấy nhiêu.”

“Đấy cũng là nói đùa thôi mà,” Aomame nói.

Bà chủ cũng khẽ mỉm cười: “Xin lỗi. Tôi không quen với chuyện cô nói đùa.”

“Tôi không phản đối gì chuyện phẫu thuật đổi dung mạo,” Aomame nói. “Xưa nay tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình làm phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cũng chẳng có lý do gì để từ chối. Tôi vốn chẳng vừa ý với gương mặt mình cho lắm, vả lại cũng chẳng có ai đặc biệt thích nó cả.”

“Cô còn phải mất hết bạn bè nữa đấy.”

“Tôi chẳng có ai để có thể gọi là bạn cả,” Aomame nói, rồi sực nhớ đến Ayumi. Nếu mình lẳng lặng biến mất không nói một lời, hẳn Ayumi sẽ thấy trống vắng. Thậm chí cô ấy có thể có cảm giác bị phản bội. Nhưng nếu nàng muốn coi Ayumi là bạn thì ngay từ đầu đã khó khăn rồi. Làm bạn với một cảnh sát thì tức là nàng đang đi một con đường quá ư nguy hiểm.

“Tôi có hai đứa con,” bà chủ nói, “Một đứa con trai, và một đứa con gái nhỏ hơn nó ba tuổi. Con gái tôi đã chết. Trước đây tôi có kể với cô rồi, nó tự sát. Nó không có con. Còn thằng con trai, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đã rất lâu nay quan hệ giữa tôi và nó không được tốt lắm. Giờ thì chúng tôi gần như không nói chuyện. Tôi có ba đứa cháu, nhưng lâu lắm rồi cũng không thấy mặt chúng nó. Nhưng giả sử tôi chết đi, hầu hết tài sản tôi sở hữu sẽ được chuyển sang cho đứa con trai duy nhất và lũ con nó, gần như là tự động. Hồi này di chúc hay những thứ tương tự chẳng có hiệu lực gì cả, không phải như trước nữa. Mặc dù vậy, trước mắt tôi vẫn còn khá nhiều tiền có thể làm gì tùy ý. Tôi định, nếu cô hoàn thành suôn sẻ việc lần này, tôi sẽ chuyển một phần lớn trong số đó tặng cô. Xin cô chớ hiểu lầm, tôi tuyệt không có ý lấy tiền mua chuộc cô đâu. Đều tôi muốn nói là tôi coi như con gái ruột vậy. Giá cô thật sự là con gái tôi thì tốt.”

Aomame bình tĩnh quan sát gương mặt bà chủ. Bà vừa đặt ly rượu Sherry đang cầm trên tay xuống mặt bàn trà, như thể vừa sực nhớ ra mình đang cầm nó. Đoạn bà ngoảnh đầu về phía sau, chăm chú nhìn những cánh hoa bách hợp mượt mà. Bà hít ngửi hương thơm ngào ngạt của hoa, rồi lại ngoảnh sang nhìn Aomame.

“Như vừa nãy nói, tôi vốn định nhận Tsubasa làm con gái nuôi, nhưng giờ tôi đã mất nốt con bé. Tôi chẳng làm được gì giúp nó, chỉ biết đứng bên lề nhìn nó một mình biến mất trong đêm đen. Giờ tôi lại phải đưa cô vào cảnh ngộ hiểm nguy nhất từ trước đến giờ. Thực lòng tôi rất không muốn làm thế. Chỉ tiếc rằng hiện nay tôi không tìm được cách nào khác để đạt được mục đích. Điều duy nhất tôi làm được là bù đắp cho cô phần nào bằng vật chất mà thôi.”

Aomame im lặng, chỉ chăm chú lắng nghe. Khi bà chủ cũng ngừng nói, ngoài cửa sổ kính vẳng vào tiếng chim hót rõ mồn một. Con chim hót một hồi, rồi bay đi đâu mất.

“Dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì cũng phải loại trừ tên đó,” Aomame nói. “Đây là chuyện quan trọng nhất bây giờ. Phu nhân coi trọng tôi, yêu thương tôi như vậy, tôi hết lòng cảm kích. Tôi nghĩ bà cũng biết, tôi từ bỏ cha mẹ và bị cha mẹ từ bỏ lúc tôi còn nhỏ; cả tôi lẫn cha mẹ tôi làm vậy là đều có duyên cớ riêng. Tôi không còn cách nào khác ngoài đi trên con đường không gia đình, không cốt nhục. Để có thể một mình tồn tại, tôi buộc phải khiến mình thích ứng với trạng thái tâm thức ấy. Đây không phải là chuyện dễ. Có những lúc tôi cảm thấy mình là cặn bã, một thứ cặn bã bẩn thỉu không có chút ý nghĩa gì. Vì vậy, khi nghe bà nói những lời ấy với tôi, tôi vô cùng cảm kích. Có điều, như tôi đây, muốn thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách sống thì bây giờ e muộn quá rồi. Nhưng Tsubasa thì không; tôi tin chắc cô bé vẫn còn cứu vãn được. Mong bà đừng dễ dàng bỏ cuộc. Đừng mất hy vọng, phải giành cô bé trở về.”

Bà chủ gật đầu. “Chắc tôi nói chưa được rõ ý. Tất nhiên tôi sẽ không đành lòng để mất hẳn Tsubasa đâu. Dù có thế nào tôi cũng phải dốc toàn bộ sức lực giành con bé về. Nhưng cô cũng thấy đó, giờ tôi mệt mỏi quá rồi. Vì không thể giúp gì được con bé cho nên tôi nghe cảm giác bất lực tận sâu trong gan ruột. Phải mất ít lâu nữa mới mong hồi phục được sức sống. Mặt khác, e rằng tôi nhiều tuổi quá rồi. Có thể là dù có đợi bao lâu sức sống ấy cũng không trở lại với tôi nữa.”

Aomame đứng lên khỏi sofa, bước đến cạnh bà chủ, ngồi xuống tay vịn chiếc ghế bành, đưa tay ra nắm lấy bàn tay thanh tú nhỏ nhắn của bà.

“Phu nhân là một phụ nữ vô cùng kiên nghị,” Aomame nói, “Bà có thể sống kiên cường hơn bất cứ người nào. Lúc này chẳng qua bà đang kiệt sức mà thôi. Bà nên nằm xuống nghỉ ngơi một chút. Khi nào tỉnh giấc, chắc chắn bà sẽ hồi phục như xưa.”

“Cám ơn cô,” bà chủ nói, cũng nắm chặt bàn tay Aomame, “Đúng vậy, có lẽ tôi nên ngủ một lát.”

“Thôi, tôi xin phép về,” Aomame nói. “Tôi sẽ đợi bà liên lạc lại. Tôi còn phải thu xếp mọi việc. Thực ra tôi cũng không có nhiều thứ để thu xếp đâu.”

“Hãy chuẩn bị nhẹ nhàng, sao cho đi đâu cũng tiện. Chúng tôi có thể hỗ trợ nếu cô thiếu thứ gì.”

Aomame buông tay bà chủ, đứng thắng người dậy. “Chúc bà ngủ ngon. Mọi sự sẽ thuận lợi thôi.”

Bà chủ gật đầu, sau đó ngồi yên trên ghế bành, nhắm mắt lại. Aomame hướng về phía bể cá vàng trên bàn trà, hít một hơi cuối mùi hương hoa bách hợp, đoạn rời khỏi căn phòng khách có trần rất cao ấy.

Ngoài sảnh, Tamaru đang đợi nàng. Đã năm giờ chiều nhưng mặt trời vẫn ở trên cao, nắng chưa dịu đi chút nào. Ánh nắng phản chiếu từ đôi giày da đen Cordoba được đánh đến sáng bóng lên như thường lệ của Tamaru. Trên trời có những đám mây trắng của mùa hạ, nhưng tất cả đều co rúm lại ở bốn góc trời, không che chắn được mặt trời. Vẫn còn ít lâu nữa mới hết mùa mưa dầm, nhưng liên tục mấy ngày nay trời nắng chói chang như tiết giữa hè, lại thêm tiếng ve ra rả từ đám cây cối trong vườn. Tiếng ve chưa vang vọng lắm, nghe chừng vẫn hơi e dè, song đấy lại là điềm báo xác thực rằng mùa hè sắp tới. Thế giới vẫn đang vận hành như xưa nay. Ve sầu kêu, mây trắng lững lờ trôi, đôi giày da không một vết bẩn của Tamaru. Thế giới không hề biến đổi. Nhưng, không hiểu vì sao, Aomame lại cảm thấy mọi thứ đều rất mới mẻ.

“Anh Tamaru,” Aomame nói, “Tôi có thể nói vài câu với anh được không? Anh có thời gian không?”

“Được,” Tamaru đáp. Anh ta không biểu lộ gì. “Thời gian thì tôi có nhiều lắm. Giết thời gian là một phần công việc của tôi mà.” Anh ngồi xuống chiếc ghế kê trong vườn bên ngoài sảnh chờ. Aomame ngồi xuống bên cạnh. Mái hiên vươn ra phía ngoài che khuất ánh nắng. Hai người ngồi trong bóng râm mát mẻ. Không khí thoang thoảng mùi cỏ non.

“Đã vào hè rồi đấy,” Tamaru nói.

“Ve cũng bắt đầu kêu rồi,” Aomame nói.

“Năm nay ve kêu sớm hơn so với năm ngoái một chút. Cả khu này sau rồi sẽ lại ầm ĩ cả lên, đến điếc cả tai. Hồi tôi ở trong thị trấn nhỏ gần thác Niagara thì cũng cứ ầm ầm như vậy đấy, từ sáng đến tối đêm, chẳng lúc nào dừng lại. Cứ như có cả triệu con ve sầu đang cùng kêu một lúc ấy.”

“Thì ra anh từng đến Niagara rồi à?”

Tamaru gật đầu. “Đó cũng là nơi buồn tẻ nhất thế giới. Một mình tôi ở đó ba ngày, trừ nghe tiếng thác ra thì không thể làm được gì hết. Ầm ầm vang trời, đọc sách cũng không xong.”

“Một mình anh ở Niagara ba ngày làm gì thế?”

Tamaru không trả lời câu hỏi của nàng, chỉ khẽ lắc đầu.

Trong giây lát, Tamaru và Aomame không nói lời nào, chỉ lắng tai nghe tiếng ve kêu yếu ớt.

“Tôi có chuyện muốn nhờ anh giúp,” Aomame nói.

Tamaru xem ra có vẻ để ý hơn một chút. Aomame không phải loại người dễ dàng mở miệng nhờ người khác việc gì.

Nàng nói: “Việc này hơi bất bình thường. Tôi hy vọng anh không cảm thấy không thoải mái.”

“Tôi không biết có thể giúp được cô không, nhưng cứ nghe thử xem sao đã. Dù có thế nào, đàn bà con gái nhờ vả mà mình thấy không thoải mái thì chẳng phải là bất lịch sự sao.”

“Tôi cần một khẩu súng lục,” Aomame nói bằng giọng khô khan, “Loại có thể nhét vừa vào xắc tay ấy. Ít giật, nhưng cũng phải có khả năng sát thương nhất định, đáng tin cậy. Không phải loại súng đồ chơi cải tiến, cũng không thể là loại hàng nhái của Philipines sản xuất. Tôi có dùng đến nó thì cũng chỉ một lần thôi. Một viên đạn chắc là đủ.”

Im lặng bao trùm. Suốt lúc đó, ánh mắt Tamaru không rời khỏi Aomame.

Tamaru hỏi như để cho chắc: “Ở quốc gia này, luật pháp cấm công dân bình thường mang theo súng. Cô biết chứ?”

“Tất nhiên.”

“Để cho cẩn thận, tôi phải nói với cô rằng, cho đến nay, tôi chưa bao giờ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” Tamaru nói. “Nói cách khác, tôi không có tiền án tiền sự. Có lẽ là do cơ quan hành pháp có hơi sai sót, về chuyện này tôi không phủ nhận. Có điều, xem xong hồ sơ sẽ thấy tôi là một công dân hoàn hảo. Trung thực, chân chính, không hề có một vết nhơ. Tôi là kẻ đồng tính đấy, nhưng điều này không vi phạm pháp luật. Thuế người ta bảo nộp bao nhiêu, tôi nộp bấy nhiêu, kỳ tuyển cử nào cũng đi bỏ phiếu, chỉ có điều các ứng viên được tôi bỏ phiếu xưa nay chưa bao giờ đắc cử. Tiền phạt dừng xe sai quy định cũng luôn nộp trước hạn. Mười năm nay tôi chưa một lần bị bắt vì lái xe quá tốc độ. Cả bảo hiểm y tế quốc dân tôi cũng tham gia rồi. Tiền thuê bao tháng của đài NHK tôi trả thông qua ngân hàng. Tôi có thẻ American Express và thẻ MasterCard. Tuy rằng trước mắt tôi chưa có kế hoạch gì, nhưng nếu muốn tôi thừa tư cách xin vay mua nhà kỳ hạn ba mươi năm. Được ở một vị trí như thế, tôi luôn luôn lấy làm hoan hỉ. Cô đang ngồi đối diện với một người có thể gọi là trụ cột của xã hội, yêu cầu anh ta kiếm cho cô một khẩu súng lục. Điểm này, cô có hiểu không?”

“Vì vậy chẳng phải tôi đã nói rồi đó sao, hy vọng anh không cảm thấy không thoải mái.”

“Phải rồi, câu này tôi có nghe thấy.”

“Tôi hết sức áy náy, nhưng ngoài anh, tôi không nghĩ ra ai khác có thể giúp chuyện này nữa.”

Từ sâu trong cổ họng Tamaru phát ra một tiếng nhỏ, nghèn nghẹt, nghe như tiếng thở dài bị đè nén. “Giả dụ tôi ở vào địa vị người có thể cho cô cái mà cô yêu cầu, xét theo lẽ thường, e rằng tôi sẽ hỏi thế này: Cô tính dùng nó để bắn ai?”

Aomame lấy ngón tay chỉ vào huyệt Thái dương của mình. “Đại khái bắn vào chỗ này.”

Tamaru nhìn chỗ ngón tay ấy một hồi, gương mặt không hề để lộ xúc cảm. “Sợ rằng tôi sẽ phải hỏi tiếp: Lý do?”

“Bởi vì tôi không muốn bị bắt sống,” Aomame nói. “Tôi không sợ chết. Vào tù thì chẳng thích thú gì, nhưng chắc tôi có thể chịu được. Song tôi không muốn bị một đám người kỳ dị quái đản bắt sống, bị chúng nó lục vấn tra khảo. Bởi vì tôi không muốn phun ra bất cứ cái tên nào cả. Anh hiểu ý tôi không?”

“Tôi nghĩ là có.”

“Tôi không có ý định dùng nó bắn ai, cũng không định đi cướp ngân hàng. Vì vậy không cần thứ khoa trương kiểu như dúng bán tự động bắn liên tiếp mười hai phát. Nhỏ nhắn, ít giật là tốt rồi.”

“Cũng có thể chọn dùng thuốc. So với việc kiếm một khẩu súng thì thực tế hơn.”

“Thuốc thì phải móc ra, nuốt vào, tốn thời gian. Nếu mình chưa kịp nhai nát bao con nhộng mà đã bị đối phương thò tay móc vào trong miệng thì chẳng làm gì được nữa. Nhưng nếu dùng súng thì có thể vừa kiềm chế đối phương vừa ra tay được.”

Tamaru nghĩ ngợi giây lát, hàng lông mày bên phải hơi nhướng lên.

“Nếu có thể được, thật lòng tôi không muốn mất cô,” anh ta nói. “Tôi khá là thích cô. Trên phương diện cá nhân.”

Aomame mỉm cười. “Thích tôi như một người đàn bà ư?”

“Đàn ông, đàn bà, người, chó, những thứ có thể khiến tôi thích được không nhiều lắm,” Tamaru hờ hững đáp.

“Tất nhiên,” Aomame nói.

“Nhưng đồng thời, bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của bà chủ là nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi hiện giờ. Nói gì thì nói, tôi là một chuyên gia.”

“Chuyện đó còn phải nói.”

“Thành thử để xem tôi có thể làm được gì không. Tôi không dám hứa chắc, nhưng biết đâu sẽ tìm được một người quen có thể đáp ứng yêu cầu của cô. Chỉ là chuyện này cực kỳ tế nhị, không phải như kiểu mua thảm điện hay gì đó qua đường bưu điện. Có thể phải mất một tuần mới có câu trả lời cho cô được.”

“Không sao,” Aomame nói.

Tamaru nheo mắt, ngước nhìn tán cây ran tiếng ve kêu. “Tôi chúc cô vạn sự như ý. Cái gì trong khả năng, tôi sẽ gắng hết sức giúp cô.”

“Cám ơn anh. Việc lần tới có lẽ là lần cuối cùng của tôi rồi. Chắc là sau này tôi sẽ không gặp được anh nữa.”

Tamaru xòe hai tay ra, lòng bàn tay hướng lên trên, tựa như người đang đứng giữa sa mạc chờ mưa xuống, nhưng không nói một lời nào. Anh ta có đôi bàn tay vừa lớn vừa dày, đầy vết sẹo. Hai bàn tay không giống như bộ phận cơ thể, mà giống như linh kiện của một cỗ máy khổng lồ.

“Tôi không thích nói tạm biệt cho lắm,” Tamaru nói. “Thậm chí cả cơ hội nói tạm biệt với cha mẹ tôi cũng chẳng có.”

“Họ qua đời rồi à?”

“Họ còn sống hay đã chết tôi cũng không biết. Tôi sinh ra ở Sakhalin trước khi chiến tranh kết thúc một năm. Khu vực phía Nam Sakhalin hồi đó là lãnh thổ của Nhật Bản, gọi là Karafuto, đến mùa hè năm 1945 thì bị Liên Xô chiếm đóng, cha mẹ tôi trở thành tù bình. Cha tôi hình như làm việc ở cảng. Hầu hết dân thường Nhật Bản bị bắt không bao lâu sau đều được trao trả về nước, nhưng cha mẹ tôi là người Triều Tiên bị bắt đến Sakhalin làm lao công, nên không được đưa trở về Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản từ chối thu nhận họ. Lý do là, khi chiến tranh kết thúc, những người xuất thân từ bán đảo Triều Tiên không còn là thần dân của Đế quốc Đại Nhật Bản nữa. Thật quá sức tàn nhẫn. Như vậy chẳng phải là không có một chút lòng nhân ái nào hay sao? Nếu có yêu cầu thì họ có thể đến Bắc Triều Tiên, nhưng Nam Triều Tiên thì không, bởi vì lúc bấy giờ Liên Xô không thừa nhận Hàn Quốc. Cha mẹ tôi ra đời ở một làng chài gần Busan, họ không muốn lên phía Bắc. Ở phía Bắc họ không có người thân hay bạn bè gì cả. Khi đó tôi còn là đứa bé đang ẵm ngửa, được gửi cho người Nhật Bản hồi hương về nước, họ đưa tôi vượt eo biển sang Hokkaido. Thời ấy vấn đề lương thực ở Sakhalin rất gay go, quân Liên Xô đối xử với tù bình rất hà khắc. Ngoài tôi ra, cha mẹ còn mấy người con nữa, ở đó khó mà nuôi nổi tôi. Chắc họ nghĩ cứ để tôi một mình trở về Hokkaido trước, sau này có thể gặp lại. Hoặc chẳng qua là họ muốn vứt bỏ một gánh nặng. Cụ thể thế nào tôi không rõ. Tóm lại là chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Có thể cha mẹ tôi giờ vẫn còn ở Sakhalin. Nếu họ vẫn còn chưa chết.”

“Anh không còn nhớ cha mẹ à?”

“Không nhớ gì cả. Lúc chia tay tôi mới hơn một tuổi. Tôi được cặp vợ chồng đó nuôi dưỡng một thời gian, rồi bị chuyển vào một cô nhi viện trong vùng núi gần Hakodate, mãi chỏm cực Nam Hokkaido, đại để là đi xa hết mức khỏi Sakhalin mà vẫn còn trên đất Hokkaido. Đôi vợ chồng ấy chắc cùng không dư dả gì để nuôi tôi mãi. Chỗ cô nhi viện ấy do một đoàn thể Thiên Chúa giáo điều hành, thật đúng là một nơi gian khổ. Hồi đó chiến tranh vừa kết thúc, trẻ mồ côi nhiều vô số kể, lương thực không đủ, củi sưởi cũng không có. Tôi đã phải làm đủ thứ việc mới sống được.” Tamaru đưa mắt liếc xuống mu bàn tay phải. “Thế là người ta thu xếp cho tôi làm thủ tục để được nhận làm con nuôi trên hình thức, lấy quốc tịch Nhật, đặc một cái tên Nhật. Tamaru Ken’ichi. Tôi chỉ biết trước đây mình họ Pak. Mà người Triều Tiên họ Pak nhiều như sao trên trời vậy.”

Aomame và Tamaru sánh vai ngồi, chăm chú lắng nghe tiếng ve kêu.

“Tốt nhất là nên nuôi một con chó khác,” Aomame nói.

“Phu nhân cũng nói với tôi thế. Bảo là nhà bên đó cần một con chó canh cửa mới. Nhưng tôi chưa có bụng dạ nào làm vậy.”

“Tôi hiểu tâm trạng của anh. Nhưng tốt nhất vẫn nên tìm lấy một con. Tuy rằng tôi chẳng có tư cách gì khuyên bảo người khác, nhưng tôi nghĩ như thế.”

“Tôi sẽ làm,” Tamaru nói. “Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn cần một con chó canh cửa đã được huấn luyện. Tôi sẽ nhanh chóng liên hệ với công ty huấn luyện chó.”

Aomame nhìn đồng hồ đeo tay, đứng lên. Còn một lúc nữa mặt trời mới lặn, nhưng bầu trời đã nhuốm chút hoàng hôn; trong sắc lam của buổi chiều đã bắt đầu lẫn vào một sắc lam khác. Nàng nghe trong cơ thể mình còn rơi rớt lại chút hơi rượu Sherry. Chắc bà chủ vẫn đang ngủ?

“Chekhov đã nói thế này,” Tamaru chầm chậm đứng lên, nói. “Một khi trong câu chuyện đã xuất hiện súng lục thì phải có người bắn bằng khẩu súng ấy.”

“Thế nghĩa là sao?”

Tamaru đứng mặt đối mặt với Aomame. Anh ta chỉ cao hơn Aomame chừng vài xăng ti mét. “Ý ông ấy muốn nói, trong câu chuyện chớ nên tùy tiện với những món đạo cụ nhỏ không liên quan. Nếu xuất hiện súng lục thì đến một cảnh nào đó phải có người dùng nó để bắn. Chekhov thích viết những truyện trong đó không có bất cứ đoạn chải chuốt thừa thải nào.”

Aomame sửa lại ống tay của chiếc váy liền quần, khoác túi đeo chéo lên vai. “Vậy nên anh lấy làm lo lắng: nếu có súng lục xuất hiện, sợ rằng sẽ có cảnh nổ súng ở nơi nào đó.”

“Theo như quan điểm của Chekhov thì vậy.”

“Vì thế anh mới nghĩ, nếu có thể thì không giúp tôi tìm súng là hơn.”

“Vừa nguy hiểm, lại vừa phạm pháp. Hơn nữa Chekhov còn là một tác giả rất đáng tin cậy.”

“Nhưng đây không phải câu chuyện. Chúng ta đang nói đến thế giới hiện thực.”

Tamaru nheo mắt, nhìn chằm chằm vào mặt Aomame, sau đó thong thả cất tiếng, không chậm cũng không nhanh: “Chuyện này ai mà biết được?”

Bình luận