Như một con tàu ma
Đến ngày hôm sau, rốt cuộc sẽ xuất hiện một thế giới như thế nào đây?
Không ai biết cả, Fukaeri nói.
Nhưng thế giới mà Tengo tỉnh lại hôm nay có vẻ như không thay đổi gì so với thế giới lúc anh đi ngủ tối hôm qua. Đồng hồ ở đầu giường chỉ hơn sáu giờ. Ngoài cửa sổ, trời đã sáng bảnh, không khí trong lành một cách hoàn hảo, ánh sáng như thể cái nêm lách vào qua khe rèm cửa sổ. Dường như mùa hạ cuối cùng cũng sắp kết thúc. Tiếng chim nghe lảnh lót, sắc rõ. Có cảm giác trận mưa bão sấm sét dữ dội tối quá tựa như một cơn ảo mộng, một thứ xảy ra ở nơi không biết là đâu trong quá khứ xa xôi vậy.
Ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong óc Tengo sau khi tỉnh lại là không khéo Fukaeri đã lẳng lặng biến mất từ đêm qua cũng nên. Nhưng cô bé vẫn nằm cạnh anh, say ngủ, như con thú nhỏ đang kỳ ngủ đông. Gương mặt cô lúc ngủ thật đẹp, vài lọn tóc đen mỏng mảnh rủ xuống gò má trắng phau, vạch ra những đường nét phức tạp. Đôi tai cô ẩn dưới tóc, không nhìn thấy. Hơi thở của cô nhè nhẹ. Tengo ngước nhìn trần nhà một lúc, lắng nghe tiếng thở như thể phát ra từ một cái ống bễ tí hon ấy.
Anh vẫn nhớ rõ như in cảm giác xuất tinh đêm hôm trước. Cứ nghĩ đến việc mình thực sự đã xuất tinh, bắn rất nhiều tinh dịch, vào cơ thể cô bé này, anh lại nghe đầu óc quay quay. Nhưng sáng ra thế này anh lại có cảm giác như chuyện đó chưa từng xảy ra trong hiện thực, giống như trận mưa bão kia vậy. Như là chuyện xảy ra trong mơ. Hồi mười mấy tuổi, anh từng bị mộng tinh nhiều lần. Những giấc mơ rất thật, anh xuất tinh trong mơ, sau đó tỉnh dậy. Mọi chuyện xảy ra đều là mơ, song tinh dịch xuất ra là thật. Xét về cảm giác, hai chuyện này rất giống nhau.
Nhưng đây không phải là mộng tinh. Anh thực sự đã xuất tinh vào bên trong Fukaeri. Cô đã cố ý đưa dương vật của anh đâm vào cơ thể mình, và rút kiệt từng giọt tinh dịch của anh. Anh chỉ làm theo sắp xếp của cô. Khi ấy cơ thể anh hoàn toàn bị tê liệt, thậm chí không nhúc nhích nổi một ngón tay. Vả lại, anh còn tưởng rằng mình xuất tinh trong lớp học ở trường cấp một chứ không phải vào Fukaeri. Dù thế nào, cô đã nói cô vẫn chưa có kinh nguyệt nên không cần lo cô sẽ có thai. Tengo thực tình không thể lý giải tại sao lại xảy ra chuyện này. Thế nhưng, nó đích thực đã xảy ra. Một sự kiện thực xảy ra trong thế giới thực. Có lẽ vậy.
Anh ra khỏi giường, thay quần áo, vào bếp đun nước pha cà phê. Vừa pha cà phê, anh vừa cố sắp gọn lại mạch tư duy, giống như sắp gọn lại đồ đạc trong ngăn kéo tủ. Nhưng sắp thế nào cũng chẳng thể gọn được. Chẳng qua anh chỉ đổi chỗ các món đồ cho nhau. Chỗ vốn để cục tẩy thì nay để cái kẹp giấy, vốn để cái kẹp giấy thì nay thành vị trí của cái gọt bút chì, chỗ để gọt bút chì giờ để cục tẩy; từ hình thái hỗn loạn này chuyển sang hình thái hỗn loạn khác.
Sau khi uống một tách cà phê mới pha, Tengo vào nhà tắm vừa nghe chương trình nhạc Baroque trên đài FM vừa cạo râu. Tổ khúc của Telemann[1] cho nhạc khí độc tấu. Đây là thói quen hằng ngày của anh: pha cà phê trong bếp, uống xong thì vừa nghe chương trình “Nhạc Baroque cho bạn trên radio” vừa cạo râu. Hằng ngày, chỉ có các bản nhạc là thay đổi. Hôm qua hình như là bản nhạc dành cho bộ gõ của Rameau[2] thì phải.
[1] Georg Philipp Telemann (1681-1767), nhà soạn nhạc người Đức.
[2] Jean-Philippe Rameau (1683-1764), nhà soạn nhạc, nhà lý luận âm nhạc người Pháp.
Người thuyết minh trên đài giới thiệu:
Nửa đầu thế kỷ mười tám, nhà soạn nhạc Telemann giành được nhiều lời ca ngợi trên khắp châu Âu, nhưng sang thế kỷ mười chín ông lại bị đánh giá thấp vì sáng tác quá nhiều. Kỳ thực, đây không phải lỗi của Telemann. Cùng với sự thay đổi về mặt kết cấu của xã hội châu Âu, mục đích của sáng tác âm nhạc cũng trải qua những biến đổi lớn, dần đến sự đảo ngược trong đánh giá như vậy.
Đây là thế giới mới ư? Anh thầm nhủ.
Anh đưa mắt nhìn xung quanh thêm một lần nữa, song vẫn không thấy dấu hiệu gì của sự thay đổi. Những người đánh giá thấp đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Nhưng trong mọi trường hợp, cũng vẫn phải cạo râu đã. Cho dù thế giới có hoàn toàn thay đổi hay vẫn y như thế thì cũng chẳng có ai đến cạo râu cho anh. Anh vẫn phải tự làm lấy.
Cạo râu xong, anh nướng vài miếng bánh mì, phết bơ lên ăn, lại uống thêm một tách cà phê nữa. Anh vào phòng ngủ kiểm tra tình hình Fukaeri, dường như cô vẫn đang ngủ rất say, không hề nhúc nhích. Mấy sợi tóc lòa xòa vạch trên má những đường nét y như thế. Hơi thở cũng nhẹ nhàng như lúc trước.
Tengo chưa có kế hoạch gì cho ngày hôm nay, cũng không có giờ dạy ở trường. Không ai ghé thăm anh, và anh cũng không có dự định ghé thăm người khác. Anh có cả ngày hôm nay để làm những gì mình muốn. Anh ngồi trước bàn ăn trong bếp, tiếp tục viết tiểu thuyết, dùng bút máy lấp đầy tập bản thảo bằng những con chữ. Giống như mọi khi, anh nhanh chóng tập trung vào công việc. Khi anh đã chuyển kênh ý thức, mọi sự vật khác nhanh chóng tan biến khỏi tầm mắt anh.
Gần chín giờ thì Fukaeri thức dậy. Cô cởi bỏ đồ ngủ, mặc áo phông của Tengo, chiếc áo này người ta bán nhân dịp Jeff Beck đến Nhật công diễn. Tengo đã mặc nó khi đến thăm cha ở Chikura. Hai núm vú cô gồ hẳn lên rõ rệt qua lần áo, khiến Tengo không thể không nhớ lại cảm giác xuất tinh đêm trước, như kiểu một ngày xác định nào đó khiến người ta liên tưởng đến sự kiện lịch sử vậy.
Đài FM đang phát một bản nhạc dành cho phong cầm của Marcel Dupre[3]. Tengo ngưng viết, nấu bữa sáng cho Fukaeri. Cô uống hồng trà bá tước và ăn bánh mì với mứt dâu. Cô tốn rất nhiều thời gian tỉ mỉ phết mứt lên miếng bánh mì, giống như Rembrande vẽ những nếp nhăn trên quần áo.
[3] Marcel Dupre (1886-1971), nhạc sĩ, nghệ sĩ phong cầm người Pháp.
“Sách của em bán được bao nhiêu quyển rồi?” Tengo hỏi.
“Nhộng không khí hả,” Fukaeri hỏi lại.
“Ừ.”
“Không biết,” Fukaeri nói, và khẽ chau mày, “Nhiều lắm.”
Đối với cô, con số không phải nhân tố quan trọng, Tengo nghĩ. Câu “nhiều lắm” của cô khiến anh liên tưởng đến những cây cỏ ba lá mọc trên cánh đồng mênh mông ngút mắt. Cỏ ba lá chỉ biểu thị khái niệm “nhiều”, chứ con số thì chẳng ai đếm xuể.
“Rất nhiều người đang đọc Nhộng không khí,” Tengo nói.
Fukaeri không nói gì, chăm chú kiểm tra mứt dâu phết trên miếng bánh mì.
“Anh phải gặp anh Komatsu. Càng sớm càng tốt.” Tengo nhìn Fukaeri qua bàn ăn mà nói. Vẻ mặt cô vẫn như mọi khi, không biểu lộ cảm xúc nào. “Nhất định là em đã gặp anh Komatsu rồi, đúng không?”
“Ở buổi họp báo.”
“Có nói chuyện gì không?”
Fukaeri khẽ lắc đầu. Ý muốn nói: gần như không nói chuyện.
Tengo có thể tưởng tượng ra cảnh đó một cách sống động. Komatsu thao thao bất tuyệt bất cứ điều gì anh ta nghĩ… hoặc không nghĩ, còn cô thì gần như không nói một lời, cũng không nghe đối phương nói gì. Komatsu hoàn toàn chẳng để tâm. Nếu có ai đó yêu cầu Tengo lấy ví dụ thực tế về “một cặp đôi tuyệt đối không thể hòa hợp với nhau”, anh hẳn sẽ gọi tên Fukaeri và Komatsu.
Tengo nói: “Lâu lắm rồi anh không gặp anh Komatsu, anh ta cũng không gọi điện. Dạo này chắc anh ta nhiều việc lắm. Vì Nhộng không khí trở thành sách bán chạy, anh ta bận bù cả đầu lên. Nhưng cũng đã đến lúc rồi, cần phải ngồi lại với nhau, nghiêm túc bàn bạc các vấn đề. Giờ là cơ hội tốt để làm việc đó, vì có em ở đây. Chúng ta cùng gặp anh ta, được không?”
“Ba chúng ta.”
“Ừ. Như thế dễ nói chuyện hơn.”
Fukaeri thoáng nghĩ ngợi, hoặc có lẽ cô đang tưởng tượng điều gì đó. Sau đó cô nói: “Sao cũng được. Nếu có thể làm thế.”
Nếu có thể làm thế, Tengo thầm lặp lại trong đầu. Câu nói của cô nghe như một lời tiên tri.
“Em nghĩ chúng ta không thể làm thế à?” Tengo ngập ngừng hỏi.
Fukaeri không trả lời.
“Nếu có thể thì mình gặp anh ta một buổi. Vậy có được không?”
“Gặp anh ta rồi làm gì.”
“Gặp anh ta rồi làm gì hả? Ừm, đầu tiên là trả lại tiền cho anh ta. Anh ta chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh một món tiền lớn làm thù lao cho việc viết lại Nhộng không khí. Nhưng anh không muốn nhận. Không phải anh hối hận vì đã viết lại Nhộng không khí. Công việc này đã kích thích cảm hứng trong anh, chỉ cho anh một hướng sáng tác có triển vọng. Tự mình nói ra thì không hay lắm, nhưng anh cảm thấy mình đã viết lại thành công. Sự thực là giới phê bình họ đánh giá cao, sách bán cũng rất chạy. Anh thấy mình nhận việc này không hề là sai. Nhưng anh không ngờ sự việc lại bùng lên lớn như vậy. Dĩ nhiên, anh là người nhận việc này nên anh phải chịu trách nhiệm. Nhưng nói tóm lại, anh không định nhận thù lao.”
Fukaeri khẽ nhún vai.
Tengo nói: “Em có lý. Làm thế có khi cũng chẳng thay đổi được gì. Nhưng anh muốn tỏ rõ lập trường của mình.”
“Với ai.”
“Chủ yếu là với anh.” Giọng Tengo hơi trầm xuống.
Fukaeri cầm lọ mứt lên quan sát, tuồng như thấy nó lạ lắm.
“Có điều, có lẽ đã quá muộn mất rồi,” Tengo nói.
Fukaeri không nói gì.
Khi Tengo gọi điện đến công ty Komatsu lúc hơn một giờ (Komatsu không bao giờ đi làm buổi sáng), cô gái tiếp điện thoại nói, mấy hôm nay Komatsu không đi làm. Cô ta chỉ biết thế thôi. Hoặc giả, nếu biết điều gì đó, cô ta cũng không định nói với Tengo. Tengo nhờ cô ta nối máy cho một biên tập viên quen biết khác. Anh từng dùng bút danh viết bài cho một mục của tờ nguyệt san do người này biên tập. Tay biên tập viên này lớn hơn Tengo chừng hai ba tuổi, lại tốt nghiệp cùng trường đại học nên rất có cảm tình với anh.
“Đã một tuần nay anh Komatsu không đi làm rồi,” tay biên tập viên kia nói. “Hôm thứ Ba anh ta gọi điện tới bảo không khỏe, muốn xin nghỉ mấy ngày. Từ đó đến giờ thì không thấy đi làm nữa. Đám người bên bộ phận xuất bản đang phát điên lên. Vì Komatsu là biên tập viên phụ trách Nhộng không khí, mà trước nay anh ta toàn tự làm một mình. Anh ta vốn được phân công phụ trách chỉ bên tạp chí thôi như anh ta cứ lờ đi, một mình ôm hết, không để ai đụng tay vào vụ ấy ngay cả khi bản thảo đã in thành sách. Kết quả là khi anh ta buông tay thì chẳng ai khác làm thay được cả. Nhưng anh ta đã bảo không được khỏe thì đành thôi chứ biết làm sao.”
“Anh ta bị sao thế?”
“Ai mà biết. Anh ta chỉ nói mình không được khỏe, nói xong liền dập máy luôn, từ bấy đến giờ bặt vô âm tín. Chúng tôi có vài việc muốn hỏi, gọi điện đến nhà anh ta cũng không ai nghe, toàn rơi vào máy trả lời tự động. Thật khó xử quá.”
“Anh Komatsu không có người nhà sao?”
“Anh ta sống một mình. Có vợ và một con trai, nhưng ly hôn từ lâu lắm rồi. Anh ta không bao giờ nhắc đến chuyện này với ai, nên chúng tôi không rõ lắm. Tôi chỉ nghe mọi người nói thế thôi.”
“Một tuần liền không đi làm mà chỉ gọi điện có một lần thì cũng hơi kỳ lạ.”
“Anh cũng biết Komatsu mà. Anh ta là người không thể đánh giá theo tiêu chuẩn thông thường được.”
Tengo cầm ống nghe nghĩ ngợi giây lát rồi nói. “Đúng thế, không ai nói chắc được người này sẽ làm chuyện gì. Anh ta giao tiếp vụng về, lại còn làm gì cũng chỉ biết có mình. Có điều, theo tôi được biết, anh ta không phải là kẻ vô trách nhiệm trong công việc. Nhộng không khí đang bán chạy thế này thì có ốm mấy anh ta cũng không thể bỏ mặc công việc không ai lo, thậm chí còn không chịu liên lạc. Komatsu không đến nỗi tệ như vậy đâu.”
“Anh nói có lý lắm,” tay biên tập kia đồng ý, “Có lẽ nên đến nhà anh ta xem tình hình thế nào. Vì vụ này còn dính dáng đến chuyện Fukaeri mất tích, lại còn lằng nhằng với hội Sakigake, mà đến nay vẫn còn chưa biết cô bé ấy ở đâu. Không khéo lại xảy ra chuyện gì rồi cũng nên. Chắc là anh Komatsu không giả bệnh để trốn việc mà lánh đi với Fukaeri đấy chứ?”
Tengo không nói gì. Anh không thể bảo anh ta rằng Fukaeri đang ở ngay trước mắt anh, đang dùng tăm bông ngoáy tai.
“Mà đâu chỉ chuyện này. Kể cả quyển sách kia cũng có vài chỗ đáng ngờ. Sách bán chạy dĩ nhiên là rất tốt, nhưng có gì đó không ổn cho lắm. Không chỉ mình tôi, trong công ty cũng có nhiều người cảm thấy… Mà này, anh Tengo tìm anh Komatsu có chuyện gì à?”
“Không, không có gì. Chỉ là lâu rồi không nói chuyện với anh ấy nên tôi muốn xem dạo này anh ấy thế nào thôi.”
“Dạo gần đây anh ta bận vô cùng. Có khi nào do căng thẳng quá cũng nên. Dù sao thì Nhộng không khí cũng là cuốn bán chạy nhất trong lịch sử công ty nên tiền thưởng năm nay xem chừng cũng khá đấy. Anh đã đọc cuốn đó chưa?”
“Dĩ nhiên, tôi đọc từ lúc nó còn là bản thảo gửi đến dự thi.”
“Ồ, phải rồi. Anh là người phụ trách sàng lọc bản thảo mà.
“Viết hay lắm, rất thú vị.”
“Đúng thế. Nội dung rất hay, đáng đọc.”
Tengo nghe trong câu nói của anh ta có một âm sắc chẳng lành. “Nhưng có gì không ổn hả?”
“Đây có lẽ là chỉ trực giác của một biên tập viên. Sách viết tốt, điểm này thì anh nói đúng. Nhưng, hình như hơi quá tốt… khi nó là tác phẩm đầu tay của một cô bé mười bảy tuổi. Mà hiện giờ tác giả đang mất tích, biên tập viên phụ trách thì không ai liên lạc được. Chỉ có cuốn sách, như một con tàu ma ngày xưa, trên boong không có một ai, cứ vậy căng buồm nhằm tuyến đường của sách bán chạy mà thẳng tiến.”
Tengo ậm ừ một tiếng.
“Ghê rợn. Huyền bí. Tốt đẹp quá nên khó mà thật được. Chuyện này anh chớ nói ra ngoài nhé… trong công ty người ta đang nhỏ to rằng có khi anh Komatsu đã động tay động chân vào bản thảo, nhiều hơn mức một biên tập viên được phép. Tôi không nghĩ là đến mức độ ấy, nhưng ngộ nhỡ đúng thật thì chẳng khác nào chúng tôi đang ôm một quả bom hẹn giờ.”
“Có lẽ chỉ là một chuỗi trùng hợp may mắn thôi.”
“Kể cả vậy thì cũng không thể may mắn mãi được,” tay biên tập viên nói.
Tengo cám ơn anh ta, rồi dập máy.
Tengo đặt ống nghe xuống, nói với Fukaeri: “Khoảng một tuần nay anh Komatsu không đến công ty. Họ không thể liên lạc với anh ta.”
Fukaeri không nói gì.
“Những người ở bên cạnh anh hình như đang lần lượt biến mất, hết người này đến người khác,” Tengo nói.
Fukaeri vẫn không nói gì.
Tengo bỗng nhớ đến một sự thực rằng mỗi ngày con người mất đi năm mươi triệu tế bào da. Chúng bong tróc, hóa thành những hạt bụi nhỏ xíu không thể thấy bằng mắt thường, biến mất trong không khí. Đối với thế giới này, có lẽ chúng ta cũng chỉ là những tế bào da nhỏ bé. Nếu đúng vậy, chẳng có gì lạ khi một hôm có người bỗng nhiên biến mất.
“Có lẽ người tiếp theo sẽ là anh,” Tengo nói.
Fukaeri khẽ lắc đầu. “Anh sẽ không biến mất.”
“Tại sao anh lại không biến mất.”
“Vì em đã trừ tà.”
Tengo ngẫm nghĩ mấy giây, song không tìm ra kết luận nào. Ngay từ đầu anh đã hiểu, có vắt óc suy nghĩ mấy cũng chỉ uổng công. Dù vậy, anh vẫn không thể hoàn toàn từ bỏ nỗ lực suy nghĩ.
“Dù sao thì giờ chúng ta cũng không thể gặp Komatsu ngay được,” Tengo nói, “Và anh cũng không thể trả lại tiền cho anh ta.”
“Tiền không phải là vấn đề,” Fukaeri nói.
“Vậy cái gì mới là vấn đề?” Tengo thử dò hỏi.
Dĩ nhiên, anh không nhận được câu trả lời.
Như đã hạ quyết tâm tối qua, Tengo bắt đầu tìm kiếm nơi ở của Aomame. Nếu dành trọn một ngày tập trung tinh thần và sức lực, chắc chắn ít nhất anh cũng tìm được một chút manh mối. Nhưng khi thực sự bắt tay vào, Tengo mới hiểu chuyện này không đơn giản như anh tưởng. Anh để Fukaeri ở nhà (sau khi dặn đi dặn lại rất nhiều lần: “Dù ai đến cũng không được mở cửa!”) rồi đến trụ sở chính của công ty điện thoại. Ở đó có danh bạ điện thoại của mọi miền trên nước Nhật cho khách xem tự do. Anh lật từ đầu đến cuối cuốn danh bạ của hai mươi ba quận trung tâm Tokyo, tìm người có họ Aomame. Ngay cả khi không tìm được Aomame thì chắc chắn cũng có họ hàng thân thích của cô ở đâu đó, và anh có thể hỏi họ tin tức về Aomame.
Thế nhưng, không người nào mang họ Aomame cả. Tengo mở rộng phạm vi tìm ra cả ngoại vi Tokyo, nhưng vẫn không thấy dù chỉ một người. Sau đó, anh lại tìm tiếp ở vùng Kanto – tỉnh Chiba, Kanagawa, Saitama… Đến đây, năng lượng và thời gian của anh đều đã cạn kiệt. Sau một ngày dài chú mục vào những con chữ nhỏ li ti in trên các cuốn danh bạ, mắt anh nhức nhối.
Có thể nghĩ đến mấy khả năng sau.
Cô đang sống ở vùng ngoại ô thành phố Utashinai tỉnh Hokkaido.
Cô muốn giữ gìn sự riêng tư nên không đăng ý tên trong danh bạ điện thoại.
Cô đã chết vào mùa xuân hai năm trước vì nhiễm virus cúm ác tính.
Ngoài ra còn có thể nghĩ ra vô số khả năng khác. Chỉ dựa vào danh bạ điện thoại thì không được. Dù sao anh cũng không thể kiểm tra hết danh bạ điện thoại của cả nước Nhật. Không khéo phải sang tháng sau anh mới tra được đến vùng Hokkaido. Cần phải tìm cách khác.
Tengo mua thẻ điện thoại rồi bước vào một bốt điện thoại trong trụ sở công ty, gọi điện về trường cũ, ngôi trường tiểu học ở thành phố Ichikawa, tự nhận mình ở hội cực học sinh, muốn liên hệ với bạn học cũ để tổ chức họp mặt, nhờ họ tìm hộ địa chỉ đăng ký của Aomame. Chị nhân viên hành chính nhiệt tình và có vẻ đang rỗi đến phát chán giúp anh kiểm tra trong danh bạ học sinh tốt nghiệp. Aomame học được nửa năm lớp năm thì chuyển trường thành thử không tốt nghiệp ở trường này, trong danh bạ không có tên cô, địa chỉ hiện tại họ cũng không rõ. Nhưng có thể tra được địa chỉ mà hồi đó cô chuyển tới. Chị kia hỏi Tengo có muốn biết thông tin này không.
Tôi muốn biết, Tengo đáp.
Tengo lấy bút ghi lại địa chỉ và số điện thoại đó. Ở đâu đó trong quận Adachi thuộc Tokyo, “Nhờ Koji Takashi chuyển”. Lúc ấy hình như Aomame đã rời bỏ cha mẹ ruột; có vẻ như đã xảy ra chuyện gì đó. Đoán rằng không có hy vọng gì nhưng Tengo vẫn thử quay số điện thoại ấy. Quả nhiên, số này không còn sử dụng nữa. Dù sao thì cũng đã hai chục năm rồi. Anh gọi cho tổng đài kiểm tra số, đọc địa chỉ và tên Koji Takashi, và biết được rằng chưa ai từng dùng cái tên này đăng ký số điện thoại cả.
Sau đó Tengo thử tìm số điện thoại của tổng bộ hội Chứng nhân Jehovah. Nhưng dù đã tra hàng bao nhiêu danh bạ điện thoại anh vẫn không thấy địa chỉ liên lạc của bọn họ, không có gì liên quan đến “Trước cơn hồng thủy”, “Chứng nhân Jehovah” và những cái tên kiểu như vậy. Anh thử tìm trong mục “Đoàn thể tôn giáo” của cuốn danh bạ phân theo ngành nghề, song cũng không thấy. Sau một phen vất vả, Tengo đi đến kết luận, chắc họ không muốn người nào liên hệ với mình.
Nghĩ kỹ lại, chuyện này thật lạ. Bọn họ cứ tự tiên muốn đến lúc nào thì đến; cho dù ta đang bận gì đi nữa, làm món bánh phồng, hàn mối nối, đang gội đầu, đang huấn luyện mấy con chuột bạch, cả khi ta đang nghĩ về hàm số bậc hai, họ không hề để tâm, cứ ấn chuông hoặc gõ cửa nhoẻn miệng cười dụ dỗ: “Cùng học Kinh Thánh nhé?” Họ có thể tự do đến tận cửa nhà ta, nhưng người khác (trừ phi ta là tín đồ của họ, có lẽ vậy) thì không thể tự do đi tìm họ được. Thậm chí ngay cả hỏi một câu đơn giản cũng không. Thật là bất tiện.
Thế nhưng, cho dù anh tra ra số điện thoại và liên lạc được với họ thì cũng thật khó mà tưởng tượng một số tổ chức có những quy tắc nghiêm khắc như hội Chứng nhân Jehovah lại sẽ đáp ứng yêu cầu của Tengo, nhiệt tình cung cấp thông tin về một tín đồ cá biệt cho anh. Không nghi ngờ gì nữa, họ có lý do để phòng bị chặt chẽ như vậy. Vì thứ giáo lý cực đoan cổ quái của họ, vì sự hồ đồ u tối của họ đối với chuyện tín ngưỡng, họ bị nhiều người căm ghét và xa lánh. Đám người này từng gây ra một số vấn đề xã hội, kết quả là họ thường bị người ta đối đãi một cách gần như là bức hại. Tự bảo vệ cộng đồng mình trước thế giới bên ngoài không-thể-nói-là-đầy-thiện-ý, việc đó hẳn đã trở thành một trong những tập tính của họ.
Tóm lại, cuộc tìm kiếm Aomame của Tengo đã dừng lại, ít nhất là lúc này. Nhất thời anh chưa thể nghĩ ra còn cách nào khác để tìm cô. Aomame là một họ hiếm, nghe qua một lần sẽ không bao giờ quên. Nhưng khi cố gắng tìm kiếm tung tích của một người mang họ ấy, anh lại lập tức đâm đầu vào ngõ cụt. Có khi trực tiếp hỏi dò các tín đồ của hội Chứng nhân Jehovah còn nhanh hơn. Liên lạc với tổng bộ hỏi thăm một cách đường đường chính chính thì có lẽ chỉ chuốc lấy sự ngờ vực, song Tengo cảm thấy, nếu hỏi một tín đồ bình thường thì rất có thể họ sẽ tử tế nói cho anh những gì mình biết. Thế nhưng anh lại không quen biết một tín đồ nào của hội Chứng nhân Jehovah. Nghĩ kỹ lại, gần chục năm nay chẳng có tín đồ Chứng nhân Jehovah nào đến gõ cửa nhà anh. Tại sao lúc mình muốn họ đến thì họ không đến, lúc mình không muốn thấy mặt họ thì họ lại đến cơ chứ?
Còn một cách nữa là đăng tin tìm người trên báo. “Aomame làm ơn nhanh chóng liên lạc. Kawana.” Nghe thật ngu xuẩn. Tengo cảm thấy, ngay cả khi đọc được mẩu tin đó Aomame cũng sẽ không liên lạc với anh. Ngược lại, nó sẽ chỉ khiến cô thêm đề phòng. Kawana cũng không phải một họ thường gặp, nhưng Tengo hoàn toàn không cho rằng Aomame còn nhớ được họ của anh. Kawana… người này là ai vậy? Đơn giản là cô ấy sẽ không liên lạc với mình. Ngoài ra, ai lại đi đọc quảng cáo tìm người chứ?
Còn một cách nữa là thuê thám tử tư. Họ hẳn đã quá quen với việc tìm người kiểu thế này. Họ có phương pháp, có các mối quan hệ. Có lẽ chỉ cần một chút manh mối là họ có thể tìm được người ngay. Phí tổn chắc cũng không cao. Chỉ có điều, tốt nhất vẫn nên chỉ coi đây là biện pháp cuối cùng, Tengo nghĩ. Tự mình tìm kiếm trước đã. Anh cảm thấy mình nên cố động não, xem xem bản thân có thể làm được gì.
Lúc anh về đến nhà thì trời đã sâm sẩm tối. Fukaeri đang ngồi bệt dưới sàn nghe nhạc, các đĩa nhạc Jazz mà người tình hơn tuổi của anh để lại. Bìa đĩa nhạc nằm rải rác dưới sàn, Duke Ellington, Benny Goodman, Billie Holliday. Trên bàn quay đĩa lúc đó là “Chantez Les Bas” do Louis Armstrong biểu diễn, một bài hát để lại ấn tượng sâu sắc. Nó làm Tengo nhớ đến người tình hơn tuổi của anh. Giữa hai lần làm tình, họ thường nghe đĩa nhạc này. Ở đoạn cuối bài hát, tay kèn trombone Trummy Young hưng phấn quá, quên cả kết thúc đoạn độc tấu của mình tại điểm đã thống nhất từ trước mà chơi thêm tám nhịp nữa. “Nghe đi, chính là chỗ này này,” cô giải thích. Khi hết một mặt đĩa, nhiệm vụ của Tengo là cứ trần như nhộng mà leo xuống giường đi sang phòng bên cạnh lật mặt đĩa. Anh nhớ lại những ngày ấy với tâm trạng đầy hoài niệm. Tất nhiên, Tengo chưa bao giờ nghĩ mối quan hệ ấy có thể kéo dài mãi, nhưng anh không thể ngờ nó lại kết thúc một cách đột ngột đến vậy.
Tengo thấy lạ lẫm khi nhìn Fukaeri chăm chú nghe đĩa nhạc của Yasuda Kyoko để lại. Hàng lông mày nhíu chặt, tập trung tinh thần cao độ, dường như đang cố nghe ra thứ gì đó ngoài âm nhạc trong thứ nhạc xưa cũ ấy, hoặc đang căng mắt nhìn hòng tìm ra bóng của thứ gì đó lẩn khuất trong giai điệu.
“Em thích đĩa nhạc này à?”
“Em nghe mấy lần rồi,” Fukaeri nói, “Không sao chứ.”
“Tất nhiên là không. Nhưng em ở một mình không cảm thấy buồn chán à?”
Fukaeri khẽ lắc đầu. “Có chuyện để nghĩ.”
Tengo muốn hỏi Fukaeri về chuyện xảy ra giữa hai người trong đêm mưa bão hôm qua. Sao em lại làm như vậy? Anh không cho rằng Fukaeri có khát khao tình dục gì với mình, bởi đó chắc chắn là một hành vi không liên quan đến tính dục. Nếu đúng thế thì rốt cuộc nó có ý nghĩa gì?
Mà dù anh có hỏi thẳng cô chuyện này thì cũng khó lòng có được câu trả lời cho ra hồn. Vả lại, trong một đêm tháng Chín yên bình tĩnh lặng thế này, Tengo cảm thấy đưa chủ đề ấy vào câu chuyện là không thích hợp. Lý ra đó là việc nên lén lút làm ở một nơi tăm tối vào thời khắc tăm tối, giữa cơn sấm sét. Đưa nó vào bối cảnh thường ngày thì e hàm nghĩa sẽ bị biến chất.
“Em chưa có kinh nguyệt à?” Tengo thử đặt câu hỏi từ một góc độ khác; cứ bắt đầu từ câu hỏi có thể trả lời bằng Có hoặc Không trước đã.
“Chưa.” Fukaeri trả lời gọn lỏn.
“Xưa nay chưa có lần nào à?”
“Chưa lần nào.”
“Có lẽ anh hơi lắm lời, nhưng em đã mười bảy tuổi rồi, mà lại chưa bao giờ có kinh nguyệt, thế là không bình thường đâu.”
Fukaeri khẽ nhún vai.
“Em có đi khám bác sĩ chưa?”
Fukaeri lắc đầu. “Khám cũng vô dụng.”
“Sao lại vô dụng chứ?”
Fukaeri không trả lời, như không nghe thấy câu hỏi của Tengo. Có thể trong tai cô có một cửa trập phân biệt được vấn đề có thích hợp hay không thích hợp, kiểu như mang của người cá, có thể dựa theo nhu cầu mà thoắt đóng thoắt mở.
“Người Tí Hon cũng dính dáng đến chuyện này à?” Tengo hỏi.
Vẫn không có câu trả lời.
Tengo thở dài. Anh không tìm được câu hỏi nào khác để làm rõ sự việc xảy ra giữa đêm hôm qua nữa. Con đường chật hẹp mờ mịt đến đây là đứt đoạn, trước mắt anh là rừng sâu tăm tối. Anh kiểm tra chỗ đứng dưới chân mình, đảo mắt nhìn quanh, ngẩng đầu quan sát bầu trời. Hễ nói chuyện với Fukaeri là anh lâm vào tình cảnh thế này. Mọi con đường đều cụt. Có lẽ một người Gilyak có thể tiếp tục tiến lên ngay cả khi không có đường. Nhưng Tengo thì không.
“Anh đang tìm một người,” Tengo chuyển chủ đề, nói. “Một người phụ nữ.”
Đề cập vấn đề này với Fukaeri chẳng có ý nghĩa gì cả. Dĩ nhiên là vậy. Nhưng Tengo rất muốn nói chuyện này với ai đó, ai cũng được. Anh muốn nói ra nỗi nhớ của anh đối với Aomame. Dường như, nếu anh không làm vậy, Aomame sẽ lại càng xa anh hơn nữa.
“Đã hai mươi năm anh không gặp cô ấy. Lần cuối cùng anh gặp cô ấy là hồi anh mười tuổi. Cô ấy bằng tuổi anh. Bọn anh là bạn cùng lớp ở trường tiểu học. Anh đã thử nhiều cách song vẫn chưa tìm ra tung tích cô ấy.”
Đĩa nhạc đã hết. Fukaeri nhấc đĩa lên khỏi bàn quay, nheo mắt, hít ngửi mùi nhựa mấy lần liền. Sau đó, cô cẩn thận đút đĩa vào túi giấy, chú ý để không để dấu vân tay in lên mặt đĩa, sau đó nhét túi giấy vào vỏ đĩa, nhẹ nhàng, đầy tình yêu thương, như thể đang chuyển một chú mèo con đang say ngủ ra chiếc giường dành cho nó.
“Anh muốn gặp người đó,” Fukaeri hỏi, rút đi dấu chấm hỏi ở cuối câu.
“Phải, với anh cô ấy là người rất quan trọng.”
“Hai mươi năm qua anh có tìm cô ấy không,” Fukaeri nói.
“Không,” Tengo nói. Trong khi tìm lời nói tiếp, hai bàn tay anh đặt trên bàn vặn xoắn vào nhau, “Nói thật, đến hôm nay anh mới bắt đầu tìm kiếm cô ấy.”
Gương mặt Fukaeri thoáng hiện lên vẻ khó hiểu.
“Hôm nay,” cô nói.
“Nếu cô ấy quan trọng như thế, tại sao mãi đến hôm nay anh mới đi tìm cô ấy?” Tengo hỏi thay cho Fukaeri. “Hỏi rất hay.”
Fukaeri im lặng nhìn Tengo.
Tengo sắp xếp lại mạch tư duy trong đầu, rồi nói: “Có lẽ anh đã đi một quãng đường vòng rất dài. Cô bé tên là Aomame ấy, nói thế nào nhỉ? Bấy lâu nay cô ấy luôn ở sâu thẳm trong tim anh. Với anh, cô ấy giống như một cái neo quan trọng cho sự sống còn của anh. Mặc dù thế, chính vì vị trí của cái mỏ neo ấy quá gần trung tâm nên anh lại không thể nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của nó.”
Fukaeri chăm chú nhìn Tengo. Dựa vào nét mặt, không thể phán đoán được cô gái này có hiểu được phần nào những gì anh nói hay không. Nhưng cũng chẳng sao. Quá nửa những gì Tengo nói là cho chính anh nghe.
“Nhưng cuối cùng anh đã hiểu. Cô ấy không phải là một khái niệm, không phải là một biểu trưng, cũng không phải một ẩn dụ. Cô ấy thực sự tồn tại, có thân thể ấm áp và linh hồn sôi nổi. Lẽ ra anh không bao giờ được để mất sự ấm áp và sôi nổi ấy. Anh đã mất những hai mươi năm để hiểu một lẽ dĩ nhiên như thế! Con người anh suy nghĩ chuyện gì cũng mất nhiều thời gian, nhưng như thế này thì quá nhiều. Có lẽ đã quá muộn rồi, nhưng dù sao anh vẫn muốn tìm thấy cô ấy.”
Đang quỳ dưới sàn nhà, Fukaeri ưỡn thẳng người lên. Đầu núm vú của cô hiện lên rõ mồn một bên dưới chiếc áo phông Jeff Beck.
“Ao-ma-me,” Fukaeri nói chậm rãi, như cân nhắc từng âm tiết.
“Đúng. Đậu Xanh. Cái họ hiếm gặp.”
“Anh muốn gặp cô ấy,” Fukaeri hỏi, rút đi dấu chấm hỏi.
“Dĩ nhiên muốn,” Tengo nói.
Fukaeri cắn môi dưới, trầm ngâm nghĩ ngợi trong một thoáng sau đó ngẩng mặt lên, nói như thể đã nghĩ rất kỹ rồi: “Có lẽ cô ấy ở ngay gần đây thôi.”