Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

500 Giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc

Chương 5: Các Bệnh Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Tim Phổi Và Bệnh Ở Bụng

Tác giả: Lê Trọng Bổng
Thể loại: Y Học - Sức Khỏe

297. Tai chảy nước vàng
“Tai chúng cháu hay bị chảy nước vàng, nhỏ nhiều lần bằng nước ôxy già chỉ đỡ mà không hết. Có cách gì chữa được không?”.
Sau mỗi lần tắm hoặc gội đầu, các cháu hãy dùng que quấn bông vô khuẩn (đựng trong túi nhỏ, có bán tại các hiệu thuốc) thấm tai cho khô, rồi dùng một que quấn bông khác nhúng rượu chấm vào. Cháu sẽ thấy tai hơi bừng bừng chốc lát, không sao (bình thường dùng cách này để lấy ráy tai rất tốt). Sau đó dùng một trong hai cách chữa sau đây:
1. Lấy vài hạt cau khô sạch giã thành bột mịn; lấy giấy bìa làm một cái phễu nhỏ để “rót” một ít bột hạt cau vào sâu trong tai. Nên giữ sẵn những hạt cau tốt, không mốc, sạch, phơi thật khô, cất vào lọ kín hay túi nylon để dùng dần.
Những hôm không có điều kiện tắm cũng thực hiện như trên, khi đỡ hẳn thì thưa dần ra.
2. Hành củ khô bóc bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát, cho vào một mẩu gạc nhỏ, nhẹ tay nhét sâu vào lỗ tai, để một đêm. Chú ý: Lúc đầu thấy tai hơi bừng bừng, cứ yên trí, lát sau sẽ hết và ngủ yên.
298. Cục ráy tai lâu năm
“Từ nhỏ, cháu không chú ý vệ sinh cho nên để ráy tai đóng chặt cả hai lỗ tai. Cháu đã nạy được một bên, còn bên kia chắc quá không tài nào nạy ra được, cứ để thế này chắc cháu sẽ bị điếc mất”.
Cháu không được nạy khô một cách “tàn bạo”, cũng không nên gửi gắm cho các ông thợ cạo, để tránh gây tổn thương tai.
Hãy tìm mua một lọ glycérine hay glycérine boraté (thường dùng trong chuyên khoa tai mũi họng), nhỏ vào tai cho đến khi thấy ráy không hút nước nữa, hôm sau lại nhỏ tiếp. Sang ngày thứ ba hoặc thứ tư, nhờ ai đó dùng kẹp y tế lôi ra cả cục ráy lưu cữu bao năm nay.
Nếu không có glycérine, có thể dùng dầu paraffine, nhưng phải nhỏ nhiều ngày hơn.
Nếu không có các thứ nói trên thì ngay sau mỗi lần tắm gội hoặc nhỏ nhiều nước vào tai (làm cho phần ráy ở ngoài cùng bị mềm ra), cháu có thể dùng đầu cong của chiếc cặp tóc nhỏ lấy dần mỗi lần một ít, không được sốt ruột muốn lấy hết ngay.
Nếu cảm thấy khó thực hiện an toàn các phương pháp trên, cháu nên nhờ bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng lấy ra hộ.
299. Viêm tai xương chũm
“Cháu 22 tuổi, từ nhỏ bị viêm tai giữa. Gần đây, bác sĩ cho chụp X-quang và phát hiện viêm xương chũm hai bên, có chỉ định mổ, nhưng cháu sợ. Hiện nay, mặc dù dùng kháng sinh liều cao, cháu vẫn thấy đau hai bên tai và nhức đầu nhiều. Xin cho biết: Nếu mổ thì vết sẹo có xấu không và về già có bị điếc không?”.
Trong trường hợp của cháu, nhất thiết phải phẫu thuật nạo xương chũm thì bệnh mới khỏi, và phải khẩn trương lên để tránh các tai biến cho tai và cho não.
Hai vết sẹo sẽ được tóc xõa xuống che kín, không sao.
Còn về già, theo lẽ trời đất, người nào cũng bị “kém nghe” ít nhiều, có gì đâu mà lo xấu hổ.
300. Chảy máu cam
“Em là con trai, 16 tuổi, cách đây 2 năm có chảy máu cam, gần đây lại bị. Có phải em cao huyết áp? Có cách gì chữa chảy máu cam?”.
Em nên thường xuyên dùng những thứ sau đây:
– Các loại rau quả “làm mát” như rau sam (luộc, xào tái), rau má (nấu nước uống, ăn sống, nấu canh, luộc), mướp đắng (nấu các món ăn)…
– Các loại quả có vị chua như cam, quýt, bưởi, quất (quả tắc)… Các loại quả này cung cấp vitamin C, giúp cho thành mạch máu được vững chắc. Có thể dùng thêm vitamin C 200-500 mg/ngày, uống lúc no.
– Nếu có điều kiện, hằng ngày em có thể ngậm 5 g tam thất (thứ thiệt, màu đen, rất cứng). Lấy dao sắc chặt thành lát mỏng, đem đặt vào dưới lưỡi cho “tan” dần. Thuốc sẽ thấm qua niêm mạc miệng, đi trực tiếp vào máu, không bị dịch tiêu hóa tác động như khi uống.
Khi chảy máu cam, lập tức chườm khăn lạnh lên trán, nằm ngửa thoải mái, nhét một cục bông sạch vào lỗ mũi.
Luôn luôn nhớ đừng phơi đầu trần ra nắng.
Chứng chảy máu cam của em không phải do cao huyết áp gây nên.
301. Tổn thương dây thanh đới khi mổ
“Trước đây tôi bị bướu cổ, đã được mổ (1 năm trước). Sau khi mổ, tôi nói rất khó nghe nhỏ, khàn, uống nước hay bị sặc; nội soi thấy dây thanh đới trái bị liệt, phễu sụp. Được một số cơ sở y tế cho chữa trị, luyện giọng, tôi đã đỡ mệt hơn khi nói nhưng giọng vẫn khàn và rất nhỏ, khó nghe. Là một cô giáo, tôi đã phải chuyển sang công tác thư viện”.
Bạn bị tổn thương dây thanh đới trong phẫu thuật. Để tránh lỗi này, những phẫu thuật viên lo xa và thận trọng thường mổ gây tê tại chỗ, nhờ vậy, họ có thể hỏi han bệnh nhân để kiểm tra.
Trong phẫu thuật cắt bướu cổ, bệnh nhân còn có nguy cơ bị cắt nhầm tuyến cận giáp (nhỏ như hai hạt đỗ, nằm ngay sau tuyến giáp). Nếu tình huống này xảy ra, bệnh nhân sẽ thiếu canxi huyết vĩnh viễn, phải tiêm bổ sung định kỳ, nếu không thì co quắp hết tay chân.
Vì những nguy cơ đó mà phẫu thuật bướu cổ nhìn qua tưởng dễ nhưng sự thực lại rất tinh tế, đòi hỏi có đầy đủ kiến thức giải phẫu học và tay nghề vững vàng. Trước đây, những phẫu thuật viên còn non tuổi nghề không được làm phẫu thuật này.
Sở dĩ từ sau khi mổ, các bác sĩ vẫn tiếp tục chữa cho bạn là do họ hy vọng dây thanh đới của bạ chỉ bị đụng chạm hay chèn ép, có thể hồi phục phần nào. Bây giờ thì đã rõ: dây thanh đới trái đã bị cắt đứt.
Do vậy, hiện nay công tác thư viện là hợp với bạn nhất. Trong thư bạn ao ước được trở lại bục giảng, vậy chắc chắn nhiệt tình đó đối với học sinh sẽ được thể hiện trong những việc cụ thể hằng ngày bên các cuốn sách mà bạn cho các em mượn, kèm theo những lời khuyên bổ ích.
Với những tiến bộ của vi phẫu, phẫu thuật thần kinh và kỹ thuật nuôi cấy mô (tạo thêm được các loại tế bào mà bản thân bị thiếu, trong đó có tế bào thần kinh), bạn có thể hy vọng vào một ngày nào đó, chắc không xa lắm đâu, các nhà ngoại khoa giỏi giang của nước nhà có thể nối lại dây thanh đới cho bạn
302. Tự chữa viêm xoang sàng có mủ
“Tôi bị viêm xoang sàng có mủ nên bị đau đầu nhiều, chữa thuốc tây chỉ đỡ được một thời gian. Xin cho biết có cách chữa trị hữu hiệu?”.
Xin mách bạn một cách chữa viêm xoang có mủ của Lương y Hoàng Duy Tân, được một số bà con vận dụng có kết quả. Bài này gồm 3 vị thuốc nam (gừng tươi, ngó sen, hạt ké đầu ngựa) và 1 vị thuốc bắc (tân di). Cách dùng như sau:
– Gừng tươi 6 g, ngó sen 30 g giã nát, đắp lên hai bên má cạnh mũi (cẩn thận, không để gừng giây vào mắt); sau một lát thấy buồn nôn và ọe ra mủ. Mỗi ngày tiến hành 2 lần như trên (vào sáng và tối, nhớ phải dùng tươi) cho đến khi hết mủ.
Tiếp theo, củng cố kết quả bằng cách lấy hạt ké đầu ngựa rang giòn, tán thành bột và tân di (trọng lượng bằng phân nửa hạt ké) sao khô, tán thành bột, trộn lẫn, cho vào lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần (sáng, tối), mỗi lần 2 thìa cà phê, chiêu với nước ấm. Dùng khoảng 2 tháng.
303. Tự chữa viêm họng hạt mạn tính
“Cháu bị viêm họng hạt mạn tính, đã dùng nhiều loại thuốc kháng sinh, một lần được đốt tại khoa tai mũi họng nhưng vẫn không hết, thường xuyên thấy ngứa, vướng ở cổ và bị ho”.
Cùng với việc thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng (đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn, thỉnh thoảng ngậm nước muối loãng rồi súc mạnh…) và ấm ngực, cổ, cháu hãy thử dùng vị thuốc dễ kiếm sau đây (mà dân gian thường dùng chữa một số bệnh, trong đó có viêm họng hạt):
Thân và rễ tươi cây rẻ quạt (còn gọi là cây xạ can, tên khoa học Belamcanda sinensis Lem, thuộc họ Lay ơn) 30 gam, cho vào 1 lít nước, đun trên lửa nhỏ cho đến khi còn 400 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, dùng liên tục trong một tháng.
Có thể tìm thấy cây rẻ quạt mọc hoang hoặc được trồng làm cây cảnh.
304. Cắt amiđan có làm hết viêm họng không?
“Cháu là con trai, 19 tuổi, bị viêm amiđan, lâu lâu trời lạnh thì nó lại hành, làm cháu bị đau họng, nhức đầu, sổ mũi. Có cách gì chữa trị ngoài việc cắt amiđan?”.
Amiđan thỉnh thoảng sưng to, gây sốt, ho, đau họng thì đúng. Và nếu vậy thì việc dùng kháng sinh đủ liều sẽ có công hiệu. Nhưng không phải hễ bị sốt, ho, đau họng là đổ lỗi cho amiđan.
Khi thấy những triệu chứng nói trên, cháu có thể tự mình kiểm tra amiđan trước gương (há to miệng, đè lưỡi xuống). Nếu amiđan không sưng thì hoặc là cháu bị viêm họng thông thường do cảm lạnh, do dị ứng với thời tiết, hoặc viêm họng do bệnh cúm (trường hợp này sẽ có nhức đầu dữ dội kèm theo nhức mỏi toàn thân, chảy nước mũi). Nên uống vitamin C liều cao (1,0-1,5 g/ngày) trong dăm bảy hôm; chỉ cần giữ vệ sinh răng miệng mà không cần dùng kháng sinh.
Chỉ đặt vấn đề cắt amiđan nếu là amiđan có hốc mủ, hay sưng to, hoặc đã có lần gây biến chứng viêm cầu thận cấp (thường gặp ở trẻ em).
Như vậy, có thể đã cắt amiđan rồi mà vẫn không tránh được viêm họng. Cháu cần giữ gìn để không bị cảm lạnh, và đeo khẩu trang khi giao tiếp trong thời gian có dịch cúm tại địa phương mình.
305. Khi có dị vật vào mắt
“Cháu 27 tuổi, hồi học lớp 5 bị một hạt cát từ cửa sổ bay vào mắt trái. Cháu cứ thế giụi mạnh, đến bệnh viện thì mắt trái đã bị hỏng. Liệu sau này con cháu sinh ra có việc gì không?”.
Hậu duệ của cháu sẽ không việc gì hết. Nhưng hãy nhắc mọi người: khi có vật gì bay vào mắt, tuyệt đối không dùng tay giụi, mà chớp mắt mạnh nhiều lần liên tiếp để làm cho dị vật “trôi” vào khóe mắt, rồi nhẹ nhàng dùng khăn mềm sạch gạt nhẹ ra.
Trường hợp thấy cay mắt, lấy ngay một cốc nước sạch, nhúng con mắt vào và chớp liên tục, để làm rã chất đó (có thể là hóa chất hoặc chất tiết của côn trùng). Nếu vẫn thấy vướng, dùng một que bông sạch gạt nhẹ xuống khóe mắt và lấy ra (soi gương tự làm hoặc nhờ người khác).
Nếu dị vật trong mắt vẫn còn, nhất thiết phải tới một cơ sở nhãn khoa để được xử trí kịp thời.
Một mẹo nhỏ: Khi bị bụi vào mắt, nhắm ngay mắt đó lại, rồi vừa chớp mạnh vừa thè lưỡi ra liếm liên tục vào khóe môi bên đối diện; dường như động tác này làm cho dị vật trôi xuống khóe mắt.
306. Nhìn vào mắt đau có bị lây bệnh không?
“Tại sao khi có người bị đau mắt đỏ, nếu ta nhìn thẳng vào mắt họ thì ta cũng bị? Bạn em đau mắt phải nghỉ học, em tới thăm, nhìn vào mắt bạn thấy đỏ như miếng tiết, em thương quá cứ nhìn mãi vào, chỉ hôm sau là bị ngay! Có thuốc gì chữa cho chóng khỏi?”.
Một số người khá đông cũng nghĩ như em, nhưng không phải như vậy đâu. Khi ta tiếp xúc bệnh nhân, thường tay ta bị dính dử mắt của họ mà không hay biết (do người đó giây ra tay rồi tới bắt tay, giây ra sách vở rồi ta giở sách vở), sau đó không rửa tay và vô ý giụi mắt, đưa mầm bệnh vào.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, đôi khi phát triển thành dịch. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là nhỏ mắt bằng nước muối đẳng trương nhiều lần trong ngày.
307. Mổ mộng thịt
“Cháu là con trai, 19 tuổi. Từ bé, trong mắt trái của cháu mọc lên một cái mộng thịt, tới nay đã bằng đầu đũa, rất cộm, làm cháu rất bi quan. Xin cho cháu biết phải làm gì, vì cháu đang lo học hành để thi tốt nghiệp”.
Cháu cứ yên tâm học cho tốt mà thi tốt nghiệp; và thưa với gia đình liên hệ với Viện mắt Trung ương (85 phố Bà Triệu, Hà Nội) hoặc Viện mắt TP HCM (đường Điện Biên Phủ, quận 3), xin hẹn khám và mổ mộng thịt vào dịp nghỉ hè tới, sau khi thi xong.
Mổ xong, chắc chắn mắt cháu sẽ hết cộm và nhất là không còn nguy cơ gì đối với sức nhìn về sau. Mổ gây tê tại chỗ, và không phải nằm viện.
308. Tật cận thị
“Con trai tôi 15 tuổi, đã thi đỗ vào trường chuyên toán. Cháu rất ham học. Tôi đã hạn chế và ngăn cản tính ham học của cháu vì sợ ảnh hưởng đến đôi mắt. Tôi nhận thấy ở độ tuổi con tôi, nhiều cháu đã phải đeo kính cận, có cháu đeo tới số 2, số 3, tất cả đều do quá ham học. Xin hỏi có thuốc gì phòng và chống được cận thị không? Nếu bị thì cách xử lý ra sao?”.
Ngoài nguyên nhân di truyền từ bố mẹ, phần lớn trường hợp cận thị là do mắc phải, do trẻ nhìn mọi vật quá gần. Bác thử quan sát xem, nhiều cháu mẫu giáo vẽ tranh mà mắt gần như dán vào tờ giấy. Nhiều cháu tập viết mà cúi sát mặt vào trang vở. Đó là chưa kể nơi học thiếu sáng, nhất là tại những nơi chưa có điện.
Cách dự phòng duy nhất là: Người lớn thường xuyên nhắc nhở, giám sát, tạo cho trẻ thói quen không nhìn mọi vật quá gần.
Cách chữa thông thường nhất: Phát hiện thật sớm tật cận thị và đeo kính đúng số. Trong trường hợp cận nhẹ, chỉ phải đeo kính khi ra đường (khi phải nhìn xa), còn ở lớp chỉ cần được thầy cô cho ngồi bàn trên cùng đủ nhìn lên bảng.
Trường hợp của cháu, bác nhớ cho ăn đủ chất, lo đủ ánh sáng cho cháu học hành và nhắc cháu cảnh giác với tật cận thị. Nếu có chút nghi vấn, bác cho cháu đi kiểm tra thị lực; nếu cần thì cho đeo kính luôn, không xấu trai đi đâu, mà lại có vẻ “bác học” nữa cơ đấy!
Hiện đã có máy Laser Excimer tại một số cơ sở ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giúp xử trí các tật khúc xạ (cận thị từ -1 đến -20 D; viễn thị từ +1 đến +10 D; loạn thị từ 1 đến 7 D) cho lứa tuổi 18-45. Sau này, khi cháu lớn lên, nếu cần, bác có thể cho cháu đi chữa bằng máy đó, chỉ mất 7-10 phút và lưu lại bệnh viện 1-2 giờ là êm đẹp, sau đó sẽ không còn phải dùng kính.
Bác đừng ngăn cản, trái lại phải thường xuyên động viên cháu chăm học hơn, vì mấy lẽ:
– Nguyên nhân gây nên tật cận thị là do thói quen nhìn gần, chứ không phải do chăm học. Nhiều cô cậu lười học mà vẫn bị cận thị do suốt ngày chui vào xó xỉnh tối tăm để đọc tiểu thuyết, hoặc mê mẩn trước màn hình với những trò chơi điện tử ùng oàng vô bổ.
– Nế bố mẹ không khuyến khích, thậm chí phản đối đức tính chăm học của mình, dần dà cháu sẽ nản chí, hoặc lười thật sự “cho bố mẹ vui lòng”, hoặc giả vờ lười rồi chúi mũi học bù tại những nơi thiếu sáng, sẽ vô cùng tai hại cho đôi mắt.
– Có thể cháu sắp sửa hoặc đã bước vào tuổi dậy thì, sẽ có nhiều biến động trong cuộc sống riêng tư. Nếu không duy trì được đức tính quý báu này thì cháu dễ sa đà vào những thú vui vô bổ do bạn bè rủ rê.
309. Cận thị đơn thuần
“Cháu là con trai, hơn 16 tuổi, mới bị cận thị phải mang kính -0,75 D; sau gần một tháng thấy vẫn nhìn kém, cháu đi đo lại và mang kính -1,5 D; một tháng rưỡi sau lên thì vọt lên -2,25 D. Cháu lo lắng thấy mắt tăng số quá nhanh. Liệu bệnh cháu có chữa được không?”.
Chắc không phải mắt cháu tăng số nhanh, mà nhiều khả năng trong những lần đầu, cháu cảm nhận không thật chính xác về thị lực của mình nên kết quả đo không đúng.
Không sao, từ nay, nếu cháu đeo kính đều đặn khi phải nhìn xa thì số kính của cháu sẽ ổn định hoặc tăng chậm, và mức cận cuối cùng không cao. Bởi vì tình trạng của cháu là cận thị đơn thuần (còn gọi là cận thị học đường, dưới – 6 D, xuất hiện lúc 6-10 tuổi và tiến triển trong những năm sau đó) chứ không phải cận thị bệnh (từ – 7 D trở lên, có thể tới – 30 D, bao giờ cũng đi kèm những tổn thương trong nhãn cầu như: xuất huyết vùng điểm vàng, teo hắc mạc, thoái hóa võng mạc…).
Trường hợp của cháu trước mắt chỉ cần đeo kính, có theo dõi cẩn thận để đeo kính phù hợp. Khi được 18 tuổi, nếu cần, cháu có thể chữa bằng máy Laser Excimer.
310. Mắt lác
“Em bị hiếng một mắt từ nhỏ nên rất mặc cảm và xấu hổ, nay đã 21 tuổi rồi mà vẫn ngại tiếp xúc với các bạn khác giới. Xin cho biết có chỉnh được không và làm ở đâu, chi phí có nhiều lắm không vì nhà em rất nghèo?”.
Từ nhiều năm nay, Viện Mắt Trung ương vẫn tiến hành mổ lác (mổ chỉnh lại cơ của mắt) cho cả trẻ em và người lớn. Em nên biên thư liên hệ trước để khỏi phải chờ đợi tốn kém.
Đây là cơ sở y tế của Nhà nước, phục vụ tận tình, chi phí cho mỗi ca mổ khoảng trên dưới 100.000 đồng; người lớn mổ xong không phải nằm lại.
311. Nên mổ đục thủy tinh thể (cườm)
“Bà nội cháu đã trên 60 tuổi, bị đục thủy tinh thể nên nhìn cứ mờ dần. Nghe nói nếu mổ sẽ thấy rõ, nhưng bà cháu sợ. Xin cho biết bà cháu có nên mổ không?”.
Rất nên. Sang thế kỷ 21 rồi, chắc chắn tuổi thọ con người sẽ kéo dài thêm nhiều; mắt bà phải sáng để còn nhìn xem con cháu ăn nên làm ra chứ.
Thủy tinh thể giống như chiếc kính lúp trong suốt, nếu chất bên trong bị vẩn đục, ánh sáng đi qua sẽ bị ngăn cản, làm cho mắt ta nhìn mờ.
Cháu nên nói gọn cho bà cách thức mổ như sau: Nhỏ thuốc tê vào mắt; máy phaco hiện đại giúp bác sĩ rạch 1 đường 3 mm trên mắt để đưa đầu máy vào. Sóng siêu âm của máy sẽ làm cho thủy tinh thể đục bị nhuyễn ra, rồi được dòng nước liên tục chảy của máy đưa ra ngoài. Sau đó, bác sĩ lắp thủy tinh thể nhân tạo vào thay thế. Thời gian mổ không quá 15 phút, bệnh nhân không phải nằm viện.
Gia đình nên sớm đưa bà về Viện mắt Trung ương hoặc Viện mắt TP Hồ Chí Minh (nếu ở phía Nam) để mổ, không nên để muộn vì kết quả sẽ không tốt.
312. Bị mòn cổ răng
“Chiếc răng hàm dưới (chỗ gần sát với lợi) của em có một vòng ở chân, càng ngày càng ăn lõm vào, làm em rất buốt khi ăn đồ ngọt hay uống nước lạnh. Xin cho biết có phải sâu răng không và có chữa được không?”.
Có nhiều khả năng em bị mòn cổ răng, ban đầu có thể chưa phạm vào tủy răng; nhưng nếu để muộn, tủy răng sẽ dễ bị tổn thương.
Nếu tủy răng còn lành lặn, nha sĩ sẽ trám chỗ cổ răng mòn bằng chất composit để bảo vệ răng. Loại vật liệu mới này dính chắc, bền, chịu đựng được hiện tượng mài mòn, lại rất nhiều màu phù hợp với màu răng.
Nếu tủy đã bị tổn thương, hướng điều trị sẽ giống như đối với sâu răng. Nếu chữa bảo tồn (để giữ được răng) thì có thể trám tiếp chỗ cổ răng bằng chất composit.
Vậy em nên khẩn trương đến một cơ sở nha khoa hiện đại hoạt động tốt để xin chữa mới kịp.
313. Sâu răng
“Tại sao lại bị sâu răng, con sâu từ đâu tới? Em bị sâu răng hàm trên cách đây một năm nhưng bây giờ mới buốt, chữa bằng cách nào là nhanh nhất?”.
“Sâu răng” là một từ dân gian quen dùng chỉ bệnh “hà răng”. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, và chủ yếu là kém vệ sinh răng miệng, khiến lớp ngoài của răng (men răng) bị hư hại, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công răng từ nhẹ đến nghiêm trọng (áp xe…).
Em nên đi khám răng ngay để “duyệt lại” toàn bộ. Nha sĩ sẽ lựa chọn cách xử lý tùy mức độ tổn thương. Trường hợp của em nhiều khả năng được chữa bảo tồn. Nếu để muộn nữa, tủy răng bị tấn công, việc chữa trị sẽ khó hơn, lâu hơn và khá đau. Khi quá muộn thì có thể phải nhổ bỏ răng sâu.
Có thể lần này bác sĩ sẽ lấy bỏ cao răng cho em (đó là một chất vôi bám vào chân răng và gây hại cho cả lợi lẫn răng), giúp cho hàm răng em trở nên “dễ bảo quản” hơn trước.
Từ nay, em nên tập thói quen chải răng sau mỗi khi ăn (nhất là bữa tối, vì ban đêm vi khuẩn có nhiều thời gian hoạt động phá hoại) và lúc mới ngủ dậy. Dùng thuốc đánh răng có chứa fluor thì tốt, vì chất này giúp bảo vệ răng. Đừng dùng tăm cứng chọc qua kẽ răng, gây tổn thương lợi và làm cho khe lợi bị rộng ra, ảnh hưởng đến răng. Dùng nước muối loãng súc miệng thường xuyên.
314. Áp xe răng
“Cháu 25 tuổi, bị một cái nhọt ở trong lợi đã 3 năm nay; mỗi lần nó mưng mủ thì cháu lại xử lý đi, nhưng sau đó lại tiếp tục sưng. Thầy thuốc bảo là viêm lợi, cháu đã dùng kháng sinh nhưng không khỏi. Xin cho cháu biết đó là bệnh gì và cách chữa trị?”.
Nhiều khả năng cháu bị áp xe răng. Cháu nên đến một cơ sở nha khoa có thiết bị chụp X-quang răng tại chỗ để phát hiện tổn thương trên chiếc răng đó. Nếu đúng là áp xe thì có thể phải nhổ bỏ (ít khả năng chữa bảo tồn trong trường hợp này vì để quá lâu).
315. Có bọc mủ ở lợi
“Em bị sâu một chiếc răng hàm dưới đã lâu, hai tháng nay thấy nổi lên một bọc mủ nhỏ ở lợi, ngay bến dưới chiếc răng đó. Xin cho biết cách chữa, và liệu có phải nhổ răng đi không?”.
Em thật đáng trách. Nếu ngay từ khi răng chớm bị sâu, em đi khám răng ngay thì đâu đến n Khi thấy nổi bọc mủ (ổ áp xe răng) rồi, em vẫn bình chân như vại thì thật là “điếc không sợ súng”.
Em phải đi khám ngay; nha sĩ sẽ cố gắng chữa bảo tồn cho em (vì bị áp xe chưa lâu) nhằm tránh nhổ răng. Trước tiên, người ta sẽ rạch ổ mủ (áp xe răng). Một thời gian sau, khi vết mổ áp xe đã tương đối sạch, sẽ phải khoan buồng tủy của răng và đặt thuốc diệt tủy nhiều lần cho tới khi buồng tủy không còn mùi hôi, vô khuẩn. Lúc bấy giờ mới tiến hành trám răng tạm thời bằng một chất dễ phá ra khi cần. Về sau, khi thấy răng trám ổn định, sẽ xét thời cơ trám răng vĩnh viễn.
Như vậy, muốn giữ được chiếc răng đó phải tốn khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa.
Còn nếu sốt ruột thì nhổ phăng đi luôn, nhưng em đâu phải đã già mà đành chịu rụng răng.
Vấn đề còn lại là luôn giữ vệ sinh răng miệng và không ngại đi khám răng khi cần, để khỏi phải ân hận về sau.
318. Răng ố vàng do uống thuốc
“Con gái tôi hồi nhỏ thường được bệnh viện cho uống Tetracycline. Nay cháu đã lớn, hai hàm răng bị ố vàng, mỗi khi cười là cháu lại xấu hổ đưa tay che miệng. Xin cho biết có thuốc chữa không, hay có phương pháp thẩm mỹ nào tốt nhất?”.
Nha khoa có thể làm trắng răng ố vàng bằng các biện pháp:
– Bôi Peroxyde carbamide lên, rồi đưa một đèn quang trùng hợp lại gần răng, rọi đèn trong 3 phút, cứ thế 3 làn trong mỗi lần (10 phút). Chữa từ 3 đến 8 lần là được (trước đó phải lấy hết cao răng).
– Đặt lớp phủ lên men răng để che khuất, làm cho răng nhìn trắng bóng như bình thường.
– Dùng kem làm răng trắng sau khi đánh răng để đi ngủ. Cho một lớp kem vừa phải lên một mặt của cái kẹp răng (mặt này sẽ áp vào mặt trước của răng). Đặt kẹp đó vào cho khớp chặt với các răng cửa. Dùng bàn chải hoặc tay dọn sạch chỗ kem giây ra xung quanh. Sáng dậy tháo kẹp ra, đánh răng thật kỹ, rồi dùng bàn chải và nước ấm cọ sạch kẹp, lau khô, cất vào hộp. Mỗi ống kem dùng được từ 3 đến 6 lần; do vậy phải đậy kín ngay sau mỗi lần mở ra. Không được ăn uống hay hút thuốc khi đang mang kẹp.
Chữa xong, gia đình phải thường xuyên nhắc cháu khắc phục thói quen đưa tay che miệng, một động tác “tự vệ” không còn “cần thiết” nữa và có thể làm cho cháu trở thành vô duyên khi cười.
317. Răng vẩu, môi cong
“Cháu 14 tuổi, bị vẩu cả hàm trên và môi bị cong. Trường hợp của cháu có nắn hàm được không, hay phải nhổ răng?”.
Cháu nên xin bố mẹ đưa đến khoa răng của một bệnh viện lớn, xin khám và chữa càng sớm càng tốt. Cháu còn ít tuổi, kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với những trường hợp để muộn. Nếu để ngoài 20 tuổi sẽ không thể chữa bằng phương pháp chỉnh hình. Đặt nẹp xong, cháu sẽ về nhà, rồi định kỳ tới kiểm tra. Chi phí toàn bộ tốn khoảng 400 ngàn đồng.
318. Răng rụng sớm
“Ba cháu mới 43 tuổi mà sao răng đã rụng. Xin cho biết có cách gì để hạn chế hiện tượng này?”.
Hằng ngày, ba cháu nên uống:
– 2 viên vitamin E (loại 400 IU).
– 2 viên UPSA-C canxi. Bẻ đôi viên thuốc, lấy một nửa, bỏ vào nước cho sủi tan ra, thêm đường, có thể thêm đá, uống như giải khát; ngày 4 lần. Buổi chiều tối chớ dùng vì thuốc có thể gâ mất ngủ.
Ngoài ra, nên uống thêm mỗi ngày 1-2 viên Theravit có 1250 IU beta-carotene (chất đứng đầu trong việc chống lại các gốc tự do vốn làm cho cơ thể chóng lão hóa). Khi răng đã chắc lại, có thể cho giảm nửa liều mỗi thứ nói trên, và duy trì liên tục.
Về sinh hoạt, chú ý chải răng sau mỗi bữa ăn, nhất là bữa tối, bằng kem đánh răng có chứa fluor. Trong chế độ ăn, nên thêm các loại rau có nõn, có mầm (giá đỗ chẳng hạn), các thứ rau, củ, quả có màu vàng, màu đỏ.
319. Không có răng khôn
“Em đã 26 tuổi, cơ thể phát triển bình thường nhưng chỉ có 28 chiếc răng, trong khi một số bạn xấp xỉ tuổi em mọc thêm 4 chiếc răng khôn nữa là 32 răng. Xin cho biết tại sao?”.
Có hai khả năng:
– Em vẫn có đủ 4 mầm răng khôn nhưng chậm mọc. Chụp X-quang sẽ thấy rõ hình ảnh của 4 anh chàng lề mề kia trong xương hàm. Nhưng không sao, có người khỏe mạnh mà ngoài 60 tuổi mới mọc chiếc răng khôn cuối cùng đấy!
– Nếu chụp X-quang không thấy 4 mầm răng khôn như thường lệ, thì em thuộc vào một số trường hợp đột biến của loài người: không còn 4 răng khôn, chỉ có 28 răng thôi.
Ngẫm mà xem, răng khôn gây bao phiền toái, thậm chí nguy hiểm (răng khôn mọc lệch húc vào răng hàm, gây đau buốt kinh khủng, phải đi nhổ gấp; răng khôn chỉ có một chân, không có ba chân vững chắc như răng hàm, vì thế thường gặp sự cố, dẫn đến nhổ bỏ), cho nên không có răng khôn có lẽ là khôn ngoan hơn chăng?
320. Chảy máu lợi
“Không biết cháu bị bệnh gì mà mỗi lần đánh răng (và nhiều khi không làm gì), chân răng đều bị chảy máu? Xin cho cháu một lời khuyên”.
Nhiều khả năng cơ thể cháu bị thiếu vitamin C. Cháu mua một lọ Upsa C calcium (C canxi sủi), trong đó có 10 viên; bẻ đôi, cho nửa viên vào nước chín, thuốc sẽ tan nhanh, có thể thêm đường hay nước đá. Mỗi ngày cháu dùng hai lần (hết 1 viên), khi đỡ nhiều sẽ rút xuống 1 lần (nửa viên). Nhớ thường xuyên ăn thêm các hoa quả như chanh, cam, quýt, xoài… và các loại rau. Khi yên trí khỏi hẳn, có thể thôi uống thuốc cho đỡ tốn (mỗi lọ C sủi calcium nội gồm 10 viên 1.000 mg giá khoảng 10 ngàn đồng).
321. Lợi bị viêm tấy
“Đã 3-4 năm nay, vùng lợi của cháu cứ tấy đỏ lên, rất đau. Cháu lại hay chảy máu cam, chữa trị bằng nhiều loại thuốc tây không khỏi”.
Cháu hãy áp dụng cách chữa đơn giản mà người dân nghèo thường dùng (và chưa chắc đã thua thuốc Tây trong việc điều trị các bệnh ở lợi):
– Lá lốt tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước (có thể dùng cối xay sinh tố). Cho thêm chút muối rồi dùng ngậm mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần dăm bảy phút; khi đã đỡ thì ít lần hơn, tới khi khỏi hẳn thì ngậm thêm vài hôm nữa.
Chú ý: Chế biến ngày nào dùng ngày ấy, không để đến hôm sau. Khi ngậm nếu nhỡ nuốt vào cũng chẳng sao.
322. Cứ như bị nghẹn
“Tôi 41 tuổi, huyết áp thường xuyên 160/80. Từ cách đây khoảng 9 tháng tôi thấy trong ngực như có cục gì chặn lại, cảm giác giống như khi ăn cơm bị nghẹn hoặc đang ở trong một cơn tức giận cao độ; thường buổi chiều hay bị hơn”.
Thư ông thiếu chi tiết, địa chỉ lại không cụ thể để hỏi thêm, cho nên phải nêu lên mấy hướng để ông liên hệ, qua đó trình bày thêm với các chuyên khoa:
1. Do tim nằm ở phía trước thực quản nên việc tim to lên có thể đè vào thực quản (nhất là tâm nhĩ). Huyết áp 160/80 của ông không hẳn là bình thường, bởi vì theo số liệu JNC năm 1998 của Mỹ, huyết áp tối đa trên 140 hoặc huyết áp tối thiểu trên 90 được gọi là cao. Có thể lâu nay tim ông có tăng kích thích ít nhiều chăng? Một tấm phim chụp nghiêng lồng ngực (có barit trong thực quản) sẽ cho biết thực quản bị đè lên hay không.
2. Co thắt tâm vị: Lỗ thông thực quản và bao tử (dạ dày) bị nhỏ lại do co thắt. Nghẹn trong trường hợp này xảy ra khi ăn uống, và thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn là ở tuổi ông. Tuy nhiên, một công đôi việc, tấm phim chụp X quang nói trên cũng cho biết chắc chắn có vấn đề ở thực quản không.
3. U giáp thể chìm ở đàn ông: Việc khám kỹ về lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm sẽ giúp khẳng định hay phủ định điều này.
323. Huyết áp đột nhiên tăng cao
“Em rất khỏe, nhưng mấy lần khám nghĩa vụ quân sự đều bị loại vì huyết áp tăng lên rất cao, tới 150/95, phải nằm theo dõi khá lâu vẫn thế (ở nhà huyết áp chỉ vào khoảng 120/80 và em không hề bị đau đầu). Xin cho biết nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm lắm không?”.
Thường thì khi ta xúc động, mạch có nhanh lên đôi chút và huyết áp cũng vậy, và điều đó chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Riêng ở em, huyết áp tăng cao đột ngột và duy trì lâu là do cảm xúc mạnh và kéo dài (không quen “bị khám”, hồi hộp chờ đợi kết quả khám tuyển, sợ bị loại…).
Các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu trên 1.600 người từ 25 đến 75 tuổi, họ thấy rằng ở những người dễ xúc động thường có hiện tượng huyết áp tăng cao khi được khám bệnh, thậm chí khi vừa nhìn thấy tà áo bờ-lu trắng của bác sĩ.
Có lẽ em có tạng người giống vậy, và đành chịu thiệt thòi không được vào quân ngũ. Chớ lo lắng gì. Cách khắc phục duy nhất là tự mình rèn luyện kiên trì để quen dần với mọi môi trường sinh hoạt và làm việc.
Theo các nhà nghiên cứu nói trên, tình trạng của em lúc đầu không sao, nhưng nếu để lâu có thể làm cho tim to ra. Do đó, em phải nhanh chân lên. Hơn nữa, không biết em sẽ xoay xở ra sao nếu nay mai có cuộc hẹn hò với một cô bạn mà em ưng ý?
324. Suy tim do bệnh ở van hai lá
“Năm 14 tuổi em bị bệnh khớp, sau đó ba năm bị bệnh tim. Mới đây bác sĩ khám và xác định là suy tim độ 3 do hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ, tim to toàn bộ. Năm nay em 22 tuổi, em không mong chữa khỏi bệnh tim, chỉ mong sao đừng tức ngực nữa, nhiều đêm phải ngủ đứng, khổ quá!”.
Em còn trẻ lắm. Bệnh tim của em tuy nặng nhưng đừng cam chịu như vậy. Trình độ y học đã được nâng cao khác xưa rất nhiều; trường hợp của em có thể xem xét để xử trí bằng phẫu thuật thay van tim. Nếu gia đình có điều kiện, em có thể vào Viện tim TP Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Tri Phương, quận 10) để kiểm tra, điều trị và xét mổ thay van tim, có thế mới sống tương đối khỏe mạnh lâu dài được. Phẫu thuật này an toàn, bệnh nhân được chăm sóc tận tình. Kết quả mổ rất tốt, nhiều người được mổ đã có thể lao động nhẹ nhàng và sinh hoạt bình thường.
Chi phí điều trị khoảng trên dưới 25 triệu (gồm tiền mua van tim của nước ngoà thuốc men, phục vụ…). Nếu có giấy chứng nhận xin miễn giảm thì trả ít hơn. Nếu gia đình không đủ tiền thì nên xin họ hàng, chòm xóm giúp đỡ, hoặc xin các tổ chức từ thiện. Và phải khẩn trương lên.
Một biện pháp khác là sử dụng các loại thuốc trợ tim, lợi tiểu, chống đông, ngừa bệnh thấp khớp tái phát theo sự hướng dẫn của chuyên gia tim mạch. Nhưng nếu van tim vẫn hở thì không thể hết suy tim được. Mà còn suy tim thì tim vẫn to và vẫn tiếp tục gây khó thở.
Trong lúc này, em phải tránh tất cả mọi hoạt động thể lực, ngay cả đi lại cũng phải hạn chế, vì ban ngày càng hoạt động nhiều thì đến đêm càng khó thở.
325. Hen phế quản
“Cháu được bác sĩ chẩn đoán là bị hen suyễn. Bệnh này có di truyền hoặc lây lan không, và có chữa khỏi hẳn được không? Cháu nên dùng thuốc gì?”.
Bệnh hen suyễn, nói chính xác là hen phế quản (để phân biệt với hen tim) không phải do vi khuẩn hay virus gây ra nên không lây. Nó là một bệnh dị ứng, mà tính hay bị dị ứng (đối với thời tiết, một vài thứ thức ăn, phấn hoa…) có thể di truyền, nhất là khi cả hai bố mẹ đều bị.
Sở dĩ người hen bị khó thở khi lên cơn là vì lúc đó, ở phổi xảy ra hai hiện tượng trái ngược. Các phế quản nhỏ co thắt, trong khi các phế nang (túi khí) giãn ra (tựa như các cuống quả bóng thì thu nhỏ còn bản thân các quả bóng lại phình ra); khiến bệnh nhân hít vào đã khó nhưng thở ra còn khó hơn nhiều. Vì vậy, người lên cơn hen phải ngồi khuỳnh hai tay, cố hết sức đẩy không khí ra mà vẫn thấy ngột ngạt. Các phế nang bị giãn lâu ngày không hồi phục được nữa, sẽ làm cho lồng ngực biến dạng.
Nguyên nhân của hai hiện tượng trên là do mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm (cơn hen thường xảy ra ban đêm, vì vào ban đêm, hệ phó giao cảm hoạt động mạnh hơn).
Y học hiện chưa chữa được tận gốc bệnh hen phế quản; các loại thuốc được sử dụng chỉ chữa triệu chứng cũng như biến chứng. Cháu nên đi khám một bác sĩ có tay nghề vững để được hướng dẫn cách chữa và phòng ngừa biến chứng.
Cháu có thể dùng thuốc xịt họng Ventolin: Nếu cơn vừa phải, xịt 2 cái liền, chờ 1 phút rồi xịt thêm 2 cái nữa. Nếu cơn nặng, xịt lần đầu 2 cái liền, rồi sau đó cứ 5 phút lại xịt 2 cái, cho tới khi hết cơn thì thôi. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.
Một số bệnh nhân hen lâu năm được bác sĩ cho tiêm bắp thịt mông thuốc Kenacort (K-cort) thải trừ chậm (loại 80 mg), với khoảng cách 1-2 tuần 1 lần, khi đã đỡ thì thưa hơn, có thể tới 1-2 tháng/lần, kết quả ngừa cơn khá rõ rệt.
Bệnh hen phế quản nếu để lâu ngày sẽ gây hại cho tim (bệnh tim do phổi, y học gọi là tâm phế mãn). Và người hen có thể dễ bị dị ứng với một số thức ăn.
Một số người bị hen phế quản do dị ứng thời tiết, sau khi chuyển vào miền Nam một thời gian thì đỡ nhiều hoặc khỏi. Cháu xem có điều kiện chuyển vùng không?
326. Khi bị hen chữa thuốc không khỏi
“Tôi gần 30 tuổi, bị hen từ hơn chục năm nay, hễ thay đổi thời tiết là lên cơn khó thở về đêm, dùng đủ loại thuốc không khỏi. Xin hỏi có phương cách điều trị nào tốt và có nên cấy Filatốp không?”.
Về thuốc men, có thể tham khảo Mục 325, nhưng xin nhớ rằng các thuốc nêu trong mục này chỉ có tác dụng chặn cơn hen, chứ không chữa được căn nguyên của bệnh hen là hiện tượng dị ứng.
Thật vậy, do dị ứng mà ở cơ thể bệnh nhân đã xảy ra sự mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm (vì sự mất cân bằng này mà các phế nang nhỏ bị co thắt, trong khi các phế nang giãn ra, gây nên khó thở, nhất là lúc thở ra), mặc dù cả phế quản lẫn phế nang đều không có tổn thương thực thể.
Và suy cho cùng, theo quan điểm hiện đại, mất cân bằng thần kinh là do mất cân bằng về năng lượng sinh học trong cơ thể. Nếu năng lượng sinh học trở lại lưu thông bình thường thì sẽ hết mọi hiện tượng mất cân bằng.
Đi theo hướng đó, từ mấy năm nay, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng sinh học thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã đúc kết được các phương thức hữu hiệu về dưỡng sinh và chữa trị một số bệnh, trong đó có hen phế quản. Bạn có thể liên hệ với trung tâm qua địa chỉ 46 Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, ĐT: 08-8652040. Trung tâm sẽ giới thiệu những địa chỉ gần nhất giúp bạn luyện tập để chữa trị bằng năng lượng sinh học.
Filatốp là rau thai đặt dăm bảy hôm trong tủ lạnh (theo phỏng đoán là để các mô của nó do chống chọi với cái lạnh mà sản sinh ra chất kích thích sinh học) rồi nghiền ra, chế thành thuốc tiêm hay uống. Phương pháp này một thời rộ lên ở Đông Âu và một số tỉnh của nước ta. Tới nay, không còn mấy ai nhớ tới nó nữa vì không hiệu quả.
327. Sau khi bị viêm phổi
“Cháu làm nghề rang xay cà phê; gần đây bị viêm phổi nặng, đã được chữa lành. Cháu muốn biết sau này nếu tiếp tục làm việc nặng thì có sao không, và có cần kiêng khem gì không?”.
Viêm phổi là một bệnh cấp tính, chữa khỏi là xong (đối với trẻ nhỏ thì hãy dè chừng vì vùng này về sau có nguy cơ bị giãn phế quản). Chỉ cần cháu sống điều độ, ăn uống tốt, tập thở đều đặn để giúp chỗ tổn thương cũ hồi phục tốt.
Tuy nhiên, những người đã chữa khỏi bệnh viêm phổi về sau vẫn có thể bị lại, tại vùng phổi cũ hay một vùng khác. Do vậy, cháu cần tránh không để bị dầm mưa, nhiễm lạnh (nhất là khi đang bị cúm), giữ vệ sinh răng miệng… Việc giữ gìn tốt sức khỏe cũng sẽ giúp cháu ngăn ngừa được lao phổi – một căn bệnh xã hội đang có nguy cơ phát triển trong số bà con nghèo.
Cháu không phải kiêng khem gì ngoài thuốc lá và rượu. Nên đeo khẩu trang khi làm việc để chống bụi.
328. Khi nghi người giúp việc bị lao
“Vợ chồng chúng tôi bận việc, phải nhờ một chị khoảng 45 tuổi trông giúp cháu nhỏ 2 tuổi, ăn ở tại nhà. Gần đây, sau khi bị sốt, chị ho nhiều, kéo dài cho tới nay. Điều đáng lo nhất là cháu bé cũng bị sốt cao, ho, nôn và gầy sút. Chúng tôi lo chị giúp việc bị bệnh lao, vì dùng thuốc ho mãi vẫn không hết”.
Thư bạn nói không chi tiết, rất khó nói chắc, nên xin nêu lên mấy điểm để bạn tham khảo và vận dụng:
1. Nếu chị giúp việc của bạn chỉ bị sốt mấy hôm rồi hết, thì nhiều khả năng là đã bị cúm, và triệu chứng ho kéo dài là hậu quả của bệnh này, có khi vài ba tháng mới khỏi hẳn.
2. Nếu chị ấyốt hâm hấp về chiều, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, kém ăn, kém ngủ…thì hãy coi chừng chị bị lao phổi. Nếu vậy, cần cho chị đi khám để được chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao.
Nếu chị ấy bị lao phổi, bạn phải cho chị ấy thôi việc ngay để được chữa trị theo yêu cầu của bệnh tật (nằm viện hay dùng thuốc tại nhà) và để tránh lây nhiễm tiếp cho gia đình bạn.
Trong tình huống đó, phải đồng thời làm mấy việc:
– Cho cháu bé đi khám để xác định có bị sơ nhiễm lao hay không (chụp X-quang phổi, thử phản ứng lao). Nếu có, cháu sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc, sau khoảng 6 tháng là hết, không để lại di chứng (vừa qua, cháu bị sốt cao, ho, nôn, gầy sút chỉ là do bị cúm thôi, bởi vì sơ nhiễm lao không “ồn ào” như vậy).
– Tổng vệ sinh nhà cửa nhiều lần (không được quét khô), phơi chăn màn, quần áo, đồ đạc ra nắng trong nhiều buổi liền, hoặc ủi (là), thường xuyên để ánh nắng vào nhà (trực khuẩn lao rất ớn tia nắng, nhất là vào buổi trưa). Dù tìm ba lần liên tiếp vẫn không thấy trực khuẩn lao trong đờm của chị giúp việc (“không thấy” không có nghĩa là “không có”), bạn cũng phải làm như vậy để thanh toán những ổ trực khuẩn lao có thể có.
– Vợ chồng bạn cũng phải đi chụp X-quang phổi để xem mình có bị thâm nhiễm lao hay không. Nếu có, việc chữa trị sẽ mang lại kết quả mỹ mãn bằng những thuốc chống lao hữu hiệu, với điều kiện dùng đủ liều lượng, đủ thời gian, đồng thời chú ý bồi dưỡng và giữ gìn sức khỏe.
3. Nếu cần một người giúp việc khác, nhất thiết bạn phải cho họ chụp X-quang trước để loại trừ các bệnh phổi, đặc biệt là lao phổi. Bởi vì những cháu bị sơ nhiễm lao lúc ấu thơ thì về sau rất dễ bị lao phổi, nhất là khi nguồn lây bệnh lại tồn tại lâu dài ngay sát nách cháu. Có trường hợp người giúp việc bị lao xơ hang mà gia đình vẫn nhờ trông con nhỏ suốt mấy năm trời, cháu này lớn lên đã bị lao xơ hang, phải mổ cắt phổi mà vẫn không qua được.
Mất lòng trước được lòng sau, nếu bạn lo liệu trước đi thì đâu đến nỗi phải lo lắng nhiều như vậy.
329. Hãy đề phòng thâm nhiễm lao
“Cách nay 3 năm, cháu phải nằm viện vì hôm nào cũng sốt từ chiều đến sáng; bác sĩ bảo không phải lao, tuy kết quả thử phản ứng ở tay cháu dương tính. Sau đó cháu khỏe lại. Gần 5 tháng nay, thấy có hiện tượng như trước, cháu chụp phổi và được kết luận không phải lao phổi. Sau khi đọc báo, cháu mới nghĩ đến bệnh rò hậu môn của mình từ trước (hôm nào sốt nhiều là chỗ rò mưng mủ)”.
Rò hậu môn có thể do lao gây nên. Và những lần cháu sốt kèm theo sưng tấy ở đó rồi vỡ mủ là biểu hiện của bội nhiễm. Nếu cứ để vậy thì hiện tượng này sẽ lặp lại nhiều lần, đường rò ngày càng phức tạp hơn (thêm ngóc ngách, xơ dày hơn, thậm chí thêm đường rò). Tuy hiện giờ hai phổi cháu còn bình thường nhưng nguy cơ bị lao phổi vẫn luôn rình rập, thử phản ứng lao vẫn dương tính.
Cháu nên sớm đến một khoa ngoại tổng quát của bệnh viện xin mổ. Các bác sĩ sẽ luồn dăm bảy sợi chỉ vào đường rò, sau đó cứ 1-2 hôm thít chặt một sợi, giúp đường rò mở ra và thành sẹo.
Nếu vì lý do đặc biệt nào đó chưa đi mổ được, cháu phải chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn ngủ thật tốt. Trong tình hình bình thường, ít nhất mỗi năm cháu phải chụp phổi một lần, để nếu có thâm nhiễm lao thì kịp thời chữa trị; vì ổ trực khuẩn Koch ở hậu môn này không yên phận bị “cầm tù” đâu, nó sẽ tìm cơ hội tấn công phổi đấy.
330. Chồng đang chữa lao phổi có nên sinh con?
“Chồng tôi bị thâm nhiễm lao, được điều trị tấn công 2 tháng tại bệnh viện huyện, sau đó điều trị tại nhà 3 tháng nữa. Trong thời gian chữa bệnh, chúng tôi có nên sinh con hay không, nếu sinh con thì có ảnh hưởng gì không?”.
Trường hợp của vợ chồng bạn phải được cân nhắc kỹ về cả hai mặt bệnh tật và sức khỏe.
1. Nếu trong đờm của anh ấy vẫn có trực khuẩn lao (BK +) thì khả năng lây nhiễm cho vợ con rất lớn, nhất là nếu cháu bé ra đời vào dịp này. Dù được tiêm phòng lao, cháu bé cũng khó tránh được tình trạng sơ nhiễm lao vì có nguồn lây nhiễm thường xuyên và quá gần. Trong tình hình như vậy, bản thân bạn và các thành viên khác trong gia đình cũng có nguy cơ lây bệnh.
Thực ra, “không thấy BK trong đờm” không có nghĩa là “không có BK trong đờm”; cho nên muốn kết luận chính xác, phải tiến hành các biện pháp tìm tòi cao cấp (nuôi cấy đờm trong môi trường, tiêm truyền vào màng bụng của chuột thí nghiệm…).
Như vậy, việc cần làm trước nhất là cho anh ấy đi khám tại một cơ sở lao có trang bị tốt hơn và chuyên gia giỏi hơn, nhằm biết rõ được 2 điều: tổn thương lao đã ổn định chưa và trong đờm còn có BK không. Từ đó, bác sĩ sẽ cho hai bạn lời khuyên chính xác nhất.
2. Trong khi cần tập trung nỗ lực vào việc chữa bệnh cho chồng, nếu thai nghén, sinh nở, nuôi con…, bạn sẽ không có điều kiện tinh thần và vật chất để trông nom anh ấy như hiện nay. Đó là chưa nói đến chuyện anh ấy sẽ lo lắng, thao thức, chia sẻ việc nhà với bạn, dẫn đến chậm bình phục hoặc bệnh sẽ diễn biến theo chiều hướng bất lợi.
331. Ung thư phổi
“Em có một người bạn bị ung thư phổi, nên muốn biết một số điểm chính về bệnh này: nguyên nhân bệnh, có mấy thời kỳ, bệnh có lây không, có cách gì chữa trị, kể cả thuốc dân tộc cổ truyền?”.
Ung thư phổi là có u ác tính xuất phát từ phế quản. Đây là một bệnh mắc phải (không lây), thường gặp sau tuổi 40, nam hay bị hơn nữ, thường gặp ở những người khai thác quặng phóng xạ và quặng có chứa cobalt, người nghiện thuốc lá. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ.
Từ một điểm bất kỳ trên phế quản, khối u lồi dần vào trong lòng phế quản, tiến tới làm chít hẹp phế quản mà biểu hiện sớm nhất là xẹp phần phổi do phế quản này phụ trách (vì không được bơm không khí vào như trước). Nếu là phế quản nhỏ thì một u bé cũng đủ gây chít hẹp, dẫn tới hiện tượng xẹp phổi; nếu là phế quản lớn thì u phải khá to mới gây ra được hậu quả nói trên.
Triệu chứng lâm sàng buổi đầu của ung thư phổi thường nghèo nàn nên dễ bị bỏ qua: đau ngực (dễ bị quy là do đau dây thần kinh liên sườn), ho húng hắng, không có đờm. Về sau sẽ xuất hiện khó thở (do phế quản bị chít hẹp hoặc do u chèn ép trung thất), có máu lẫn trong đờm hoặc khạc ra máu thực sự, đau nhức dọc xương cánh tay phía có u… Lúc này, tình hình đã khá muộnPhương tiện chẩn đoán ung thư phổi là chụp X-quang phổi thường (thấy một đám mờ to hoặc nhỏ với đặc điểm là có nhiều “chân” chĩa ra); chụp tomo hay chụp scanner (xác định vị trí và kích thước khối u cũng như khu vực bị xẹp phổi); chụp phế quản có bơm cản quang (phát hiện hình ảnh phế quản bị cắt cụt điển hình). Nếu u nằm tại một phế quản đủ rộng, có thể tiến hành soi phế quản (trực tiếp nhìn thấy khối u và vùng xung quanh).
Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt thùy phổi hay lá phổi, sau đó kết hợp với hóa trị và xạ trị. Thường có khoảng 80% bệnh nhân sống thêm được 1-2 năm sau mổ, 5% sống thêm được 5 năm. Các tỷ lệ này chắc chắn sẽ được cải thiện cùng với sự ra đời của các chất chống ung thư hữu hiệu.
Về dự phòng, cần khắc phục càng sớm càng tốt thói nghiện thuốc lá; khi sử dụng hóa chất phải có phương tiện phòng hộ chắc chắn.
Về phát hiện bệnh, người ta khuyên những người trên 40 tuổi (nhất là người nghiện thuốc lá) nếu đau ngực ở một vùng cố định, kèm theo ho kéo dài… phải sớm đi chụp X-quang phổi, để được loại trừ hay phát hiện một bệnh phổi bất kỳ, trong đó có lao và ung thư.
Cho đến nay, chưa thấy có nghiên cứu nghiêm túc nào cho thấy có thể chữa ung thư phổi bằng y học cổ truyền. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, có thể sử dụng thêm các phương thuốc gia truyền để hỗ trợ điều trị. Lâu nay, nhiều người ca ngợi tác dụng phòng chống ung thư nói chung của củ tam thất; em có thể mách cho bạn dùng xem, vì tam thất cũng là loại thuốc bổ tốt không kém nhân sâm, lại rẻ tiền và dễ kiếm.
332. Lao phổi kéo dài
“Tôi bị lao phổi đã 6 năm nay, điều trị theo phác đồ của trạm chống lao nhưng không bớt, bệnh ngày một nặng thêm, thể trọng chỉ còn 40 kg. Vừa rồi, qua báo chí tôi được biết có loại thuốc Rifampicine trị lao hữu hiệu. Xin cho biết mua ở đâu, có đắt tiền không, sử dụng như thế nào?”.
Thuốc chống lao Rifampicine có mặt ở nước ta vào khoảng giữa thập niên 1980 do một số người đi nước ngoài mang về hoặc bà con Việt kiều gửi biếu thân nhân. Từ mấy năm nay, nó đã rất phổ biến ở các thành phố. Tiếc rằng bác không được biết nên bị “oan”, nhưng không sao, bác nhớ tiến hành ngay mấy việc:
– Theo đơn của bác sĩ, dùng thuốc Rifampicine (Pháp) hoặc Rifacin (Mỹ), cả hai đều cùng hàm lượng 300 mg/viên nhộng và tác dụng ngang nhau. Nếu ít tiền thì nên mua Rifacin. Những loại thuốc này uống vào hơi mệt, cần uống luôn 2 viên ngay sau bữa ăn tối rồi đi nằm. Nước tiểu của bác sẽ có màu hồng đậm trong suốt thời gian sử dụng, đó là điều bình thường.
Trường hợp của bác có thể phải dùng thuốc 5-6 tháng hoặc hơn, kèm theo một số thuốc khác theo các phác đồ điều trị lao của ngành y tế (hiện được Nhà nước cấp miễn phí).
– Nên dùng thêm viên đa sinh tố Theravit, mỗi ngày 2 viên; khi đã khỏe nhiều chỉ cần dùng 1 viên.
– Cố gắng bồi dưỡng tối đa về chất đạm (thịt, tôm cá, trứng, đậu phụ…).
Nếu bác không ghê thì xin mách bác một cách bồi dưỡng hữu hiệu, ít tốn kém và đơn giản như sau: Liên hệ trước với trạm hộ sinh để có được những nhau thai bình thường, không bệnh, mỗi tuần vài ba cái. Bóc bỏ toàn bộ màng ối vàuống rốn. Dùng khăn sạch thấm bớt máu. Cho vào chảo dầu nóng, rồi lật qua mặt kia thật nhanh (để cái nhau chắc lại thôi, chưa cần chín). Lấy ra, thái miếng vừa phải. Ướp tỏi hoặc gừng, thêm chút nước mắm. Rửa sạch cái chảo đã dùng, cho dầu, bắc lại lên bếp. Cho nhau vào, đảo đều tay, khi còn sền sệt thì nhấc ra (khô quá sẽ không ngon). Ăn ngay tại chỗ lúc còn nóng, nhâm nhi với rau thơm hay gừng tươi đã chuẩn bị từ trước. Bác ăn chừng chục cái là đã thấy sức khỏe khá hẳn lên, dễ ngủ.
– Cho các thành viên khác trong gia đình đi kiểm tra phổi, bắt đầu từ những người tiếp xúc nhiều với mình, để được điều trị nếu lây bệnh. Với các cháu nhỏ, nếu bị sơ nhiễm lao, nên cho dùng Rimifon với thời gian không dưới 6 tháng.
– Thường xuyên phơi nắng các vật dụng (quần áo, chăn màn, bát đũa…) và mở cửa cho ánh mặt trời chiếu nhiều vào nhà.
333. Khạc ra máu dai dẳng
“Cháu có đứa em gái thỉnh thoảng bị khạc ra máu (mỗi lần như vậy thấy nhờn nhờn nơi cổ và cứ thế oẹ ra khá nhiều), đi bệnh viện nhi địa phương hai lần đều được chẩn đoán là viêm phổi thùy, khạc ra máu, chữa trị mãi không hết. Đến bệnh viện lao thì họ bảo không phải bệnh lao và không nhận chữa. Hiện nay em cháu vẫn cứ như vậy. Xin cho biết cách xử trí”.
Thư cháu sơ sài và nhất là không nói rõ em cháu có được chụp X-quang phổi không, kết quả đọc phim ra sao, do đó không nắm chắc được tình hình. Chỉ nêu mấy hướng để gia đình cháu liên hệ:
Nếu là “lao phổi có khạc ra máu”, thì trên phim X-quang sẽ thấy hình ảnh của hang (một hoặc một vài hình tròn sáng, có bờ dày, xung quanh là một đám mờ không đều). Với thể lao hang có khạc ra máu dữ dội, đe dọa tính mạng thì phải cho nằm viện, có thể phải mổ. Nhưng lao hang là một thể bệnh rất hiếm thấy ở tuổi thiếu niên. Hy vọng em cháu không rơi vào trường hợp đó.
Nếu là “viêm phổi thùy gây khạc ra máu” thì cứ chữa hết viêm phổi sẽ hết khạc ra máu. E rằng em cháu không bị bệnh này.
Còn lại một bệnh có thể nghĩ đến, đó là giãn phế quản gây chảy máu, xuất hiện do di chứng của các bệnh mắc vào lúc nhỏ như viêm phế quản, viêm phổi, ho gà. Những bệnh này làm cho thành của các phế quản (cuống phổi) bị suy yếu và giãn mỏng, dễ chảy máu (thường xuyên khạc ra chút máu nên ta tưởng nhầm là lao phổi; nếu chỗ giãn nằm sát mạch máu thì lượng máu khạc ra sẽ nhiều hơn). Điều đặc biệt là ở trường hợp này, bệnh nhân thấy nhờn nơi cổ và cứ thế oẹ máu ra, đúng như trong thư cháu nói.
Gia đình cháu cần khẩn trương đưa em tới một bệnh viện nào có khoa phẫu thuật lồng ngực. Nếu ở ngoài bắc thì đến Viện lao và bệnh phổi, Hà Nội, nơi có khoa phẫu thuật lồng ngực giàu kinh nghiệm, kể cả mổ trẻ em.
334. Khi bạn cùng lớp bị lao
“Một bạn trai cùng tuổi (12 tuổi) trong lớp chúng cháu có người mẹ bị lao phổi nặng đã đi nằm viện. Gần đây, bạn ấy xanh xao, thỉnh thoảng lại ho húng hắng, chúng cháu sợ bạn ấy cũng bị lao như mẹ. Nếu vậy thì lớp cháu có bị lây hay không, nhất là những ai ngồi cùng bàn?”.
Tuy còn ít tuổi, hai cháu đã đặt ra câu hỏi lâu nay vẫn làm nhức nhối nhiều nhà y học trong các nước nghèo: Làm sao ngăn chặn được một cách hữu hiệu, không cho bệnh lao phổi tiếp tục lây lan như hiện nay?
Chắc các cháu biết đã có thuốc chữa khỏi bệnh lao. Điều này hoàn toàn chính xác. Một tài liệu công bố năm 1996 cho biết rằng nếu được chữa tốt thì chỉ sau hai tuần, một người lao phổi sẽ không còn lây lan sang người khác. Tất nhiên, người này phải tiếp tục điều trị cho đến khi hoàn toàn không còn hình ảnh tổn thương lao ở phổi; bấy giờ, bác sĩ mới cho ngừng thuốc. Tuy bệnh đã khỏi nhưng chụp X-quang vẫn thấy dấu vết cũ của bệnh lao, dưới dạng xơ hoặc nốt vôi ở phổi.
Như vậy, các cháu cũng thấy là muốn bệnh lao phổi khỏi hoàn toàn, không còn dấu vết, hai phổi trở lại “nguyên xi” thì điều quan trọng hàng đầu là chữa thật sớm, càng sớm càng hay.
Bây giờ nói sang chuyện lớp các cháu. Nếu mẹ của bạn cháu bị lao như vậy thì nhất thiết phải tiến hành tuần tự một số việc:
– Kiểm tra không chỉ người bạn đó mà tất cả những ai đã và đang gần gũi mẹ bạn đó, đặc biệt các cháu nhỏ dưới 5 tuổi (bằng thử phản ứng lao, chụp X-quang, thử đờm, nếu cần thì cấy đờm, cũng ba lần liên tiếp, để tìm vi khuẩn lao). Nếu có vấn đề, bác sĩ chuyên khoa lao sẽ cho điều trị theo phác đồ từng trường hợp cụ thể.
– Nếu người bạn nhỏ của cháu bị sơ nhiễm lao (chắc là bị, vì mẹ con không tránh khỏi quan hệ, chăm sóc, nâng giấc), bạn đó phải uống thuốc đặc trị sơ nhiễm lao. Thể bệnh này không lây, các cháu cứ quan hệ bình thường, nhưng nên ít lui tới nhà bạn ấy một cách thường xuyên (vì ổ vi khuẩn lao của mẹ bạn vẫn tồn tại nơi đó).
– Nếu chẳng may bạn ấy bị lao phổi thực sự (ít khả năng hơn nhưng cũng phải dè chừng), phải kiểm tra toàn thể học sinh trong lớp, các thầy cô trực tiếp dạy lớp cháu hoặc vẫn kèm riêng bạn đó, không phải bằng ống nghe (ống nghe không khẳng định được bệnh lao đâu), mà phải kiểm tra theo cung cách nói trên.
Nếu thầy cô giáo bị lao, lại phải kiểm tra các giáo viên hoặc nhân viên trong trường có quan hệ thường xuyên với thầy cô đó. Tất nhiên, thầy cô không may này lại phải cho kiểm tra các thành viên thân cận nhất của mình. Và cứ thế… rất phiền phức, tốn kém, nhưng vô cùng cần thiết cho tính mạng và hạnh phúc của con người.
335. Tràn dịch màng phổi
“Cháu có một người bạn trai bị tràn dịch màng phổi, hiện đã chữa khỏi. Nhưng có người bảo là bạn ấy mỗi năm vẫn phải đến bệnh viện để hút dịch một lần, và chỉ sống được đến 30-40 tuổi thôi. Nghe vậy bạn cháu rất buồn, sức khỏe giảm sút nhiều. Xin giải thích rõ để cháu có thể giúp đỡ bạn ấy”.
Xin biểu dương tấm lòng nhân hậu của cháu đối với bạn bè (một số người thấy bạn như vậy thì “cao chạy xa bay” đấy!); và cũng nói ngay để cháu yên trí: những điều đoán mò về tương lai của bạn cháu như vậy là sai trăm phần trăm.
Tràn dịch màng phổi ở người trẻ (thuật ngữ chuyên môn: tràn dịch màng phổi thanh tơ nguyên phát) xuất hiện do viêm màng phổi riêng biệt hoặc kèm theo viêm màng bụng, màng tim (viêm đa màng), thủ phạm gây bệnh là trực khuẩn lao.
Do chỉ viêm ở màng phổi, bệnh nhân chỉ ho khan mà không có đờm, vì vậy không hề lây nhiễm cho người khác. Chữa bệnh này cũng không phức tạp: dùng các thuốc chlao, kết hợp với rút dịch màng phổi (chọc hút hết luôn một lần, hoặc bằng nhiều lần, trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối, kỹ thuật chính xác). Bệnh nhân phải tập thở nhiều, giúp phổi hoạt động tốt trở lại (vì bệnh ít nhiều đều để lại dính màng phổi).
Đối với bạn cháu, điều vô cùng quan trọng trong giai đoạn này là uống thuốc dự phòng lao phổi, ít nhất trong 6 tháng, và cứ 6 tháng kiểm tra một lần tại một cơ sở lao của ngành y tế (trong năm đầu), sau đó thì 12 tháng, rồi thưa dần nếu tình hình tốt đẹp.
Tràn dịch màng phổi không gây hậu quả gì cho tuổi thọ hoặc chuyện sinh con đẻ cái. Trong một lớp y khoa từ hồi kháng chiến chống Pháp có ba bác sĩ bị bệnh này lúc còn sinh viên. Hiện nay ba cụ gần 70 tuổi vẫn khỏe không kém thanh niên, và đã có nhiều cháu nội ngoại). Chắc chắn bạn cháu sẽ hơn ba cụ đó – vì hiện đã có thuốc chống lao hữu hiệu và mức sống ít nhiều được nâng lên – nếu anh ta luôn tự nhắc nhở điều này: đã bị tràn dịch màng phổi thì phải luôn chú ý phòng lao phổi. Từ đó, phải lo giữ điều độ trong sinh hoạt mọi mặt và tự bồi dưỡng tối đa, ít nhất trong 1-2 năm đầu.
Xin nói thêm là: Nếu không theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, một thời gian sau, người tràn dịch màng phổi thanh tơ nguyên phát có thể mắc lao phổi. Lúc bấy giờ có thể bị tràn dịch thứ phát (do tổn thương lao ở phổi), rất nguy hiểm.
336. Tràn dịch màng phổi ở người cao tuổi
“Mẹ tôi đã 87 tuổi, trước nay vẫn khỏe mạnh. Gần đây, bà thấy mệt và chán ăn, bác sĩ khám thấy tiếng phổi đục, chụp X-quang phát hiện tràn dịch màng phổi, đã chọc hút dịch (màu vàng chanh), thử phản ứng Rivalta dương tính, chẩn đoán là lao màng phổi. Mẹ tôi được chuyển về địa phương điều trị khoảng non một tuần thì lại tràn dịch, phải tới bệnh viện chọc hút; trong 1 tháng đã chọc 5 lần, khoảng hơn 5 lít, đều có màu đỏ máu. Hiện mẹ tôi vẫn chán ăn, chỉ muốn uống thôi. Xin cho biết đây là bệnh gì, nguyên nhân và cách phòng trị? Có thể truyền dịch, truyền đạm không?”.
Qua thư bạn, có thể thấy bác sĩ chẩn đoán như vậy là đúng: Mẹ bạn bị tràn dịch màng phổi nguyên phát thanh tơ (dịch màng phổi nhiều, màu vàng chanh, thử phản ứng Rivalta dương tính), nguyên nhân do lao màng phổi. Thể bệnh này hay gặp ở người trẻ tuổi, rất hiếm ở người cao tuổi như cụ.
Về xử trí, việc chọc hút dịch kịp thời giúp bệnh nhân dễ thở, không bị suy hô hấp, nhất là ở người già; cần chọc hút triệt để nhằm phòng ngừa di chứng dày dính màng phổi.
Cần nhớ rằng: Sau khi chọc hút dịch màng phổi lần đầu, dù lấy ra được hết hoặc gần hết dịch, cũng không thể coi là đã làm cho màng phổi hết dịch. Bệnh nhân phải sẵn sàng để chọc tiếp rất sớm sau đó và chọc nhiều lần, trong khi vẫn phải chữa nguyên nhân là bệnh lao.
Thư bạn không nói rõ cụ nhà đã được dùng những thuốc gì. Nhất thiết cụ phải được điều trị bằng các thuốc chống lao mạnh để chữa cho khỏi viêm lao màng phổi. Có như vậy phổi mới có thể hết dịch, ngăn ngừa được bệnh lao phổi (vốn nặng nề và phiền phức hơn nhiều).
Gia đình nên cho cụ đi khám chuyên khoa lao của ngành y tế để được dùng thuốc chống lao miễn phí theo phác đồ, trong đó cũng có Rifamipicine và Rimifon (có bán tại hiệu thuốc tây).
Không nên truyền dịch, càng không nên truyền máu, để phòng ngừa biến chứng nề phổi, rất nguy hiểm. Nếu có truyền đạm, phải truyền thật chậm và theo dõi chặt chẽ. Tốt nhất là cho cụ uống Moriamin forte, 2 viên nang/ngày); động viên cụ ăn nhiều nước xúp thịt cá, rau, dùng trứng, nước ép hoa quả các loại, uống đa sinh tố Theravit 2 viên/ngày.
Nên nhớ rằng tim người già rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy. Vì vậy, cần chú ý giữ cho đường thở của cụ thật thông suốt bằng cách động viên cụ cố khạc hết đờm dãi, giúp cụ đấm nhẹ lưng; nếu cần thì cho thở ôxy cách quãng có theo dõi.
Trong tràn dịch thanh tơ, dịch hút ra phần lớn có màu vàng chanh, và một số ít có màu máu. Trường hợp cụ nhà có thể thuộc số ít đó. Dịch có màu đỏ cũng có thể do thao tác chọc hút (không sao đâu, chuyện này bình thường thôi).
Tuy nhiên, nếu thực sự chất dịch hút ra hoàn toàn là máu màu thẫm thì phải dè chừng có khối u ở phổi (chọc hết dịch, xong cho chụp X- quang ngay sẽ thấy rõ). Hy vọng là cụ không bị rơi vào tình huống này, bởi vì, như đã nói ở trên, thể tràn dịch này ít khi thấy nơi người cao tuổi như cụ.
337. Tràn khí màng phổi tự phát
“Em 32 tuổi, cách nay hai năm bị tràn khí màng phổi tự phát bên trái, toàn bộ phổi trái bị chèn ép, được Bệnh viện Đà Lạt chẩn đoán và cho chuyển cấp cứu về Trung tâm lao và bệnh phổi TP HCM. Các bác sĩ rạch ngay một vết nhỏ ở ngực trái để đặt ống dẫn lưu khí và dịch, 1 tuần rút ống, sau đó vài hôm em được ra viện. Về nhà 1 tuần, bệnh tái phát, lại được xử trí giống trước, có thêm thuốc chống dính bơm vào qua ống dẫn lưu, sau 2 tuần, em xuất viện.
Trong hai lần điều trị, thử đờm đều không thấy BK. Từ khi ra viện, em chỉ được uống thuốc giảm đau, thuốc ho và thuốc bổ, vì bác sĩ nói không có thuốc gì đặc trị tràn khí. Em muốn biết bệnh tràn khí tự phát là gì, nguyên nhân do đâu, có nguy hiểm và khó chữa lắm không?”.

Em đã may mắn được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời và đúng nguyên tắc.
Tràn khí màng phổi tự phát, ở người trẻ tuổi và có bề ngoài khỏe mạnh như em, thường là do vỡ một vài kén khí (kyste aérien) nằm ngay bên dưới màng phổi. Những kén khí này nếu qúa nhỏ sẽ rất khó phát hiện bằng X-quang. Lúc bình thường thì không sao, nhưng khi gắng sức qúa mạnh hoặc khi bay rất cao, kén sẽ vỡ ra, để cho không khí lùa vào khoang ảo nằm giữa màng phổi và lồng ngực (bình thường thì khoang này hoàn toàn không có không khí, áp lực âm tính, cho phép phổi luôn áp sát vào lồng ngực). Không khí này chèn ép phổi, làm cho phổi bẹp xuống, không còn hoạt động trao đổi khí.
Cách xử trí duy nhất là lấy bỏ lượng không khí này. Lý tưởng nhất là đặt ống dẫn lưu khoang màng phổi (như đã làm với em) rồi dùng máy hút nhẹ liên tục (nhẹ để không gây rách thêm màng phổi, liên tục để luôn luôn tạo khoang ảo nói trên). Thủ thuật dẫn lưu này phải được tiến hành tại một cơ sở chuyên ngành, vô khuẩn tốt, với bác sĩ có tay nghề.
Nếu cơ sở không có điều kiện thực hiện thủ thuật nói trên thì trong khi chờ đợi hoặc trên đường chuyển về tuyến sau, nếu bệnh nhân khó thở nhiều, người ta phải chọc hút màng phổi để hút bớt khí (trường hợp này cũng phải vô khuẩn tuyệt đối để tránh nhiễm khuẩn khoang màng phổi).
Trong khi dẫn lưu khí, thường thấy có một lượng dịch không màu kèm theo, nguyên nhân là do màng phổi bị kích thích tiết ra. Hiện tượng này sẽ chấm dứt khi không còn không khí sót lại. Phải rút hết chất dịch đó để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn mủ màng phổi.
Thuốc men bác sĩ cho như vậy là đủ. Tuy nhiên, nếu muốn thật chắc chắn không phải do lao, em nên xin chụp lại phổi và làm phản ứng lao; nếu có vấn đề, bác sĩ sẽ cho thêm một đợt thuốc phòng lao.
Em nên thường xuyên tập hít thở sâu (thở vào và thở ra tối đa), để khắc phục hiện tượng dính màng phổi, chú ý sinh hoạt điều độ, và hãy yên tâm.
338. Bệnh bụi phổi
“Từ năm 20 tuổi, cháu vào làm tại một xí nghiệp gạch ngói, chuyên đốt lò; từ đó đến nay da cháu sạm lại, môi thâm. Vừa qua, xí nghiệp mời bác sĩ về khám định kỳ, phát hiện cháu bị rối loạn nhịp tim, viêm phế quản và viêm họng hạt, nằm viện một tháng không đỡ. Hiện cháu bị khạc ra đờm lẫn máu, bác sĩ lại chẩn đoán là viêm phế quản, cho chữa bằng kháng sinh như lần trước, và vẫn không đỡ”.
Thư cháu không nói về điều kiện làm việc cụ thể, cũng không nói có được chụp X-quang phổi hay không nên khó nói chắc. Nhưng có khả năng cháu mắc bệnh bụi phổi (do không đeo khẩu trang thường xuyên trong khi làm việc, cháu đã hít phải bụi than đá, những bụi này nằm lại vĩnh viễn trong phổi).
Bệnh bụi phổi gây ho nhiều và khạc ra máu lắt nhắt. Nếu bệnh nặng, lâu ngày sẽ dẫn đến thiểu năng hô hấp và ảnh hưởng đến tim (tâm phế mãn).
Cháu nên sớm đi chụp X-quang hai phổi để lấy tài liệu chẩn đoán. Nếu giải đáp này không trúng thì thật may mắn và cháu cũng yên tâm thêm khi biết mình có bị lao phổi hay không.
Dù kết quả ra sao, cháu cũng nên chú trọng hơn đến việc phòng hộ lao động, hoặc chuyển sang công tác khác.
339. Sán và ấu trùng sán
“Cháu đọc báo thấy một bệnh viện phía Bắc có máy chụp cắt lớp hiện đại đã phát hiện được 20 trường hợp ấu trùng sán lợn nằm trong não, da và cơ. Bài báo cũng nói nguyên nhân là do ăn rau sống, uống nước chưa sôi, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Trước đây, thầy giáo cháu chỉ bảo ăn thịt lợn, thịt bò tái thì bị sán chứ không thấy nói là sẽ bị bệnh ghê gớm như vậy”.
Sán lợn sống ký sinh trong ruột non của người, đầu sán có móc bám chặt vào màng ruột, thân có hàng chục đốt, mỗi đốt là một ổ trứng. Các đốt cuối cùng là lớn tuổi nhất, trứng sán ở đây đã “chín”. Mỗi lần bệnh nhân đại tiện, từng đoạn gồm 2-3 đốt hoặc hơn theo phân ra ngoài (ở sán bò có khác: từng đốt đơn độc tự động chui ra “vô tư” bất kể lúc nào).
Nếu lợn hoặc người ăn phải những ổ trứng sán này, trứng sẽ qua thành ruột, đi vào cơ (bắp thịt), não… để phát triển thành ấu trùng, nằm lại trong đó. Như vậy là trong trường hợp ăn phải trứng sán, con người cũng bị gạo như lợn, chẳng qua vì không bị mổ thịt nên không biết là “người gạo” mà thôi. Đây đúng là trường hợp mà nguyên nhân đã được tác giả bài báo nêu lên: do ăn rau sống, uống nước chưa chín. Hậu quả này rất nghiêm trọng, vì các ấu trùng sán nằm trong não sẽ gây chứng nhức đầu thường xuyên và tăng dần theo tuổi của ấu trùng, hoặc gây bệnh động kinh. Sai một ly đi một dặm là như vậy.
Nếu con người ăn phải thịt lợn gạo nấu chưa kỹ, ấu trùng từ thịt lợn, thịt bò vào ruột sẽ trở thành con sán trưởng thành (chứ ấu trùng đó không chui vào các tổ chức khác như não, cơ, da như trường hợp trên).
Như vậy, lời thầy giáo cháu giảng vẫn không sai. Và dĩ nhiên ý kiến cho rằng “bị ấu trùng sán nằm trong não, da, cơ… nguyên nhân do ăn thịt lợn chưa nấu chín” là điều không đúng. Tiếc rằng điều này lại được đăng trên báo, có thể làm cho hàng triệu bạn đọc ngộ nhận theo.
Khi thấy thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán (bị gạo, rõ nhất là ở lưỡi), cán bộ thú y hữu trách quyết định không cho sử dụng. Nhưng do một số người tiếc rẻ, hám lợi nên những loại thịt như vậy vẫn có mặt trên một số quầy.
Chúng ta cũng nên nhớ lại một trường hợp chết thảm tại một làng quê miền trung trong thời bao cấp: Một đơn vị bộ đội mổ lợn thấy bị gạo bèn mang vứt ra bờ sông (có sơ hở là không chôn kỹ). Một số bà con xẻo thịt về nấu ăn; một người đàn ông lực lưỡng ăn nhiều thịt này đã đột tử sau bữa ăn, có thể do dị ứng mạnh với các chất lạ chứa trong bọc ấu trùng sán (tuy ấu trùng đã chết nhưng những chất lạ này vẫn gây hại).
Hiện đã có thuốc chữa sán hữu hiệu. Trong các lần đại tiện sau khi uống thuốc, nên ngâm đít vào nước ấm lúc để sán tự lui dần xuống. Cần xem xét kỹ đầu đã ra chưa (đầu sán nhỏ hơn đốt, hình cầu), vì nếu đầu chưa ra là chưa khỏi bệnh, sán sẽ tiếp tục sản xuất ra các đốt như trước.
340. Xét nghiệm viêm gan virus
“Chồng cháu 33 tuổi, qua xét nghiệm được chẩn đoán là viêm gan virus B: SGOT 588, SGPT 417. Xin cho biết SGOT, SGPT là gì, kết quả xét nghiệm như vậy có nặng không?”.
SGOT và SGPT là những enzyme (men) vốn nằm trong tế bào, được giải phóng ra khi tế bào hoại tử và đi vào máu (bình thường có < 40 đơn vị; khi viêm gan, có thể tới hàng ngàn đơn vị). Trong trường hợp chồng cháu, hai men này tăng vừa phải, chứng tỏ gan bị viêm nhưng không nặng.
Tuy nhiên, để xác định viêm gan virus B (gọi tắt là VGB) thì phải làm thêm xét nghiệm máu để tìm có tác nhân gây bệnh là HBsAg. Bởi vì bệnh viêm gan virus không chỉ có VGB mà còn có viêm gan C (cũng lây qua đường máu) và viêm gan A (nhẹ nhất, lây qua đường tiêu hóa).
341. Viêm gan virus B lây như thế nào?
“Chúng em đã được một cháu gái sáu tuổi. Vừa rồi, bệnh viện phát hiện trong máu chồng em có kháng nguyên virus viêm gan B dương tính. Chúng em phải làm gì để khỏi lây bệnh, nhất là với cháu nhỏ; có phải cách ly không? Và liệu sau này chúng em còn có thể có thêm một đứa con khỏe mạnh?”
Viêm gan virus B chỉ lây qua đường máu: qua vết xước ở da, nhổ răng… khiến virus từ nguồn lây lọt vào; qua tiêm truyền bằng những dụng cụ không triệt để vô khuẩn (thường là do truyền máu của những người hiến bị viêm gan).
Viêm gan virus B không lây qua nước bọt hoặc qua đường sinh dục (một vài nhà nghiên cứu phát hiện thấy virus viêm gan B có mặt trong chất xuất tiết của bộ máy sinh dục, nhưng hiện vẫn chưa có bằng cớ về đy nhiễm này), cho nên không cần cách ly về ăn uống hay ngưng quan hệ vợ chồng. Và dĩ nhiên hai em vẫn có thể có thêm cháu bé khỏe mạnh nếu nuôi dưỡng đúng phương pháp.
Trước mắt, em và cháu phải đi xét nghiệm máu tìm kháng nguyên virus viêm gan B. Nếu âm tính thì xin tiêm chủng phòng bệnh này (tại Viện vệ sinh dịch tễ ở Hà Nội hoặc Viện Pasteur ở TP Hồ Chí Minh), nếu đã dương tính thì thôi.
Chú ý bồi dưỡng đặc biệt cho bố cháu về chất đạm (thịt, cá, đậu phụ…), vitamin; không cho uống rượu hoặc nhiều bia, không hút thuốc lá; làm việc và nghỉ ngơi điều độ. Trước khi quyết định có thêm cháu, nên cho kiểm tra lại sức khỏe của bố cháu.
Nếu cần tới thuốc thì phải đi khám để bác sĩ kê đơn 2 thứ thuốc sau:
1. Lamivudine, tác động trực tiếp lên virus, không cho nó sinh sản. Hiện có 2 loại, tính năng như nhau nhưng mang tên biệt dược, cách đóng gói và giá cả khác nhau; tùy tình hình mà chọn loại thích hợp, uống mỗi ngày 1 viên, trong ít nhất 1 năm.
– Zeffix 100 mg, lọ 28 viên, giá khoảng 34 ngàn đồng/viên.
– Lavudine 100 mg, lọ 30 viên, giá khoảng 26 ngàn đồng/viên.
2. Alpha-interferon (Intron A), kích hoạt hệ miễn dịch, tiêm mỗi tuần 3 lần trong 4-6 tháng. Giá khoảng 450 ngàn/lọ.
Nhân đây xin giới thiệu 1 bài thuốc Đông y để các em có thể sử dụng kết hợp:
– Bồ công anh, nhân trần, phục linh, sài hồ, sơn chi mỗi vị 10-12 g, uất kim 6 g, sắc uống hằng ngày.
342. Lời giải còn bỏ ngỏ
“Bệnh viêm gan virus B chỉ lây qua đường máu, vậy khi hai vợ chồng cháu ngủ chung giường cùng bị một con muỗi đốt thì có lây cho nhau không?”.
Câu hỏi của cháu làm cho người giải đáp bật cười nhưng lại rất lúng túng, vì chưa thấy có công trình nghiên cứu nào đề cập đến tình huống đặc biệt đó! Đành bỏ ngỏ để nhờ các nhà bác học trên thế giới cũng như trong nước có dịp giải đáp giúp.
Trong khi chờ đợi, nên chăng chúng mình cứ “khẳng định đại” đi, để thúc đẩy mọi người chống muỗi đốt (giữ vệ sinh ngoại cảnh, tích cực diệt muỗi, nằm màn…). Việc này cũng giúp tránh một số bệnh nguy hiểm khác như sốt rét, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, bệnh giun chỉ…
343. Cứ để hai cụ thoải mái
“Bác hàng xóm của bố cháu đi xét nghiệm máu thấy viêm gan B dương tính, vậy mà hai cụ vẫn đi lại chơi bời với nhau như không có chuyện gì xảy ra. Mẹ cháu thì sợ chết khiếp những lúc phải tiếp bác ấy trong nhà, sau đó bà lau chùi suốt lượt các thứ”.
Hiện giờ thì hai ông già chưa có ai sai cả; bởi vì bệnh viêm gan B hoặc viêm gan C chỉ lây qua đường máu mà thôi (chồng viêm gan B nhưng vợ không bị lây và vẫn sinh con khỏe mạnh bình thường).
Nhưng nếu hai người dùng chung dao cạo râu hoặc cái cắt móng tay thì cực kỳ nguy hiểm vì virus viêm gan B sẽ dễ lây nhiễm sang bố cháu qua vết rách ở da (một số phẫu thuật viên và bệnh nhân mổ có thể lây cho nhau theo kiểu này).
Thế thôi. Ngoài ra, cứ để hai cụ thoải mái uống trà, tâm sự. Mẹ cháu chẳng phải dọn dẹp, chùi rửa phí công, mệt người.
344. Khi nhiều người nhà mang kháng nguyên viêm gan B
“Cách đây khoảng 4 năm, chị của cháu đi xét nghiệm máu có kết quả HBsAg dương tính; sau đó trong gia đình chỉ có cháu đi xét nghiệm ( tính và đã được tiêm phòng). Nay chị dâu của cháu, đang có thai khoảng 3 tháng, thấy mắt vàng, đi xét nghiệm viêm gan B thì âm tính, nhưng kết quả xét nghiệm của chồng chị sau đó lại dương tính (anh chị mới xây dựng khoảng 4-5 tháng nay). Rồi chồng cháu đi xét nghiệm cũng thấy nhiễm virus B. Xin cho biết chị dâu cháu có cần xét nghiệm lại hay tiêm phòng không, và phải dùng thuốc gì? Đứa con của chị ấy có bị nhiễm không? Anh cháu và chồng cháu cần cùng những thuốc gì? Sau này, con của cháu sinh ra có bị nhiễm không?”.
Cháu đừng quá bi quan, bởi vì mang kháng nguyên virus viêm gan B (VGB) trong máu không có nghĩa là đã mắc bệnh VGB ở mức nguy hiểm. Vả chăng, ngay cả khi đã bộc phát, VGB cũng có thể nặng hay nhẹ tùy từng tình huống (số tế bào gan bị tổn thương, sức đề kháng của cơ thể, việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe ra sao…).
Hợp lý nhất là cho các thành viên còn lại trong gia đình đi xét nghiệm máu, những ai (-) thì cho tiêm phòng, những ai (+) thì phải được theo dõi cẩn thận hơn về sức khỏe. Chị dâu cháu phải đi xét nghiệm lại, để nếu vẫn (-) thì sau khi sinh phải tiêm phòng. Trường hợp của cháu, vì cháu không nói rõ quy trình tiêm trước đây nên không biết thế nào. Cháu nên đến một chuyên gia về vấn đề này, nói rõ về việc tiêm phòng trước đây để được hướng dẫn cụ thể.
Con của cháu và của chị dâu cháu không bị lây nhiễm VGB, với điều kiện bảo đảm vô khuẩn các dụng cụ và thao tác hộ sinh, bởi vì bệnh này lây lan qua đường máu.
Với các thành viên có kết quả xét nghiệm (+), cần lưu ý:
– Giữ vững tinh thần lạc quan để không rơi vào trạng thái stress, có thể sẽ làm cho tình hình xấu đi. Khi bị VGB, không phải là toàn bộ các tổ chức gan bị tổn thương hoặc tổn thương nặng. Phần gan lành mạnh vẫn đảm nhiệm được chức năng (nhiều người bị thương phải cắt bỏ một phần quan trọng của gan, sau đó vẫn khỏe mạnh bình thường).
– Tăng cường bồi dưỡng cơ thể bằng ăn uống, chủ yếu là chất protid (đạm) và các vitamin (có nhiều trong hoa quả, rau xanh…). Có một nguồn protid rất quý, dễ kiếm, rẻ tiền, dễ chế biến là nhau sản phụ.
– Tránh những thức ăn mà cơ thể “không thích”. Tuyệt đối kiêng bia rượu, thuốc lá. Thể dục nhẹ nhàng đều đặn.
– Về thuốc điều trị VGB, xin xem Mục 341.
– Có thể kết hợp dùng thêm các loại thuốc trong đó có mật gấu (gấu rừng hay gấu nuôi đều được) nhằm giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra (xơ gan, ung thư gan).
345. Mang thai khi đang bị nhiễm virus viêm gan B
“Trước đây tôi bị nhiễm virus viêm gan B, xét nghiệm HBsAg(+), uống thuốc theo đơn bác sĩ, một thời gian sau, xét nghiệm lại vẫn dương tính. Nay tôi đã có thai 5 tháng. Tôi có thể dùng Alpha-interferon và Lamivudine được không?”.
Thư bạn không nói rõ là trước khi mang bầu, bạn có làm xét nghiệm lại HBsAg không? Nếu vẫn dương tính thì rất nhiều khả năng cháu bé cũng bị nhiễm, do đó, bạn cần chú ý mấy điểm sau đây:
– Dùng đều đặn cả hai loại thuốc ở Mục 341.
– Chú ý giữ gìn sức khỏe trong khi mang thai, ăn uống đủ chất, nhất là chất đạm và vitamin.
– Bạn cần được một cơ sở sản phụ của ngành y tế theo dõi và xin được sinh tại đây (nhớ rằng nếu HBsAg(+) thì má bạn sẽ làm lây nhiễm bệnh cho nữ hộ sinh nếu tay họ có vết rách da mà không mang găng phòng hộ).
– Cháu bé sơ sinh cần được săn sóc chu đáo, tốt nhất là được một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này trông nom.
346. Đó là viêm gan virus A
“Xin cho biết tại sao bệnh viêm gan B lại lây lan tùm lum? Bên nhà hàng xóm quanh năm suốt tháng chẳng đi đâu, vậy mà cả nhà thi nhau mắc viêm gan B, dễ sợ! Gia đình chúng em ở kế bên, liệu có lây bệnh không?”.
Viêm gan B (viêm gan virus B) chỉ lây qua đường máu, không lây qua đường tiêu hóa hoặc qua quan hệ vợ chồng. Vì vậy, gia đình người hàng xóm của em không bị viêm gan B mà bị viêm gan A (viêm gan virus A). Bệnh này chỉ lây qua đường tiêu hóa, do giây phân của người đang mắc bệnh hoặc khỏi bệnh chưa được 45 ngày (cho nên trong phân vẫn còn mầm bệnh và lây cho người khác). Bệnh nhân tiếp xúc với phân của bản thân rồi cầm vào nắm cửa, cán gáo, sách vở, chén bát… Cho nên, nếu không cách ly tốt thì thường trong nhà lây lẫn cho nhau; vô phúc cho những ai lai vãng gia đình đó mà không chú ý giữ gìn.
Hai em nên mang giải đáp này sang đọc cho họ nghe, nhắc gia đình đó quản lý phân cho tốt, cách ly triệt để, không để lây tiếp cho người nhà, và không để lây lan bệnh sang bà con lối xóm. Hai em cũng nhớ nói rõ để họ không quá sợ hãi, vì viêm gan A nhẹ hơn nhiều so với viêm gan B hay viêm gan C. Nên nhắc họ dùng nhiều đường, nhất là đường từ trái cây, mật ong; và tăng cường ăn nhiều thịt cá, tôm cua, đậu nành… (ít nhất cũng trong thời gian dưỡng bệnh) để giúp cho gan chóng hồi phục.
347. Thuốc chữa viêm gan virus C
“Tôi đi xét nghiệm máu, được bác sỹ kết luận và viêm gan virus C. Trường hợp tôi nên chữa bằng loại thuốc Tây nào, và có nên uống cây chó đẻ?”.
Về thuốc tây, đối với viêm gan virus B (VGB), ở Việt Nam đang có 2 loại khá công hiệu (dùng kết hợp) là Lamivudine và Interferon. Còn đối với viêm gan virus C (VGC) thì ở Pháp đã có thuốc Ribavirin (Rebetol) dùng kết hợp với Interferon (Viraféron) rất công hiệu. Từ tháng 6/2000, thuốc này đã được phép bán trên thị trường thế giới; ở nước ta chắc phải một thời gian nữa mới nhập được. Vì vậy, trong khi chờ đợi, bạn có thể chữa trị như đối với VGB, hoặc nhờ người nhà mua giúp Ribavirin từ nước ngoài (mỗi ngày uống 2 viên, chia làm 2 lần, trong 6-12 tháng).
Từ cuối năm 2000, ở Pháp có thêm loại Interferon khuếch tán chậm mang tên Pégylé, tiêm mỗi tuần 1 lần, liên tục trong một năm, kết hợp với Ribavirin, mang lại kết quả cao hơn trong điều trị VGC, nhưng thuốc khá đắt tiền, phải mất hàng chục ngàn frăng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải “ráng chịu tốn” vì tỷ lệ ung thư gan do VGC đã tăng gấp ba, trong khi tỷ lệ ung thư do VGB và xơ gan vẫn giữ mức cũ.
Về thuốc nam, trong nhân dân hay dùng cây chó đẻ răng cưa để chữa bệnh gan, bạn cũng có thể dùng thêm. Một số người gọi cây chó đẻ răng cưa là “cây chó đẻ”, phải cẩn thận kẻo nhầm vì cây hy thiêm, thuộc họ Cúc, cũng có tên gọi “cây chó đẻ”, nhưng không dùng để chữa bệnh gan)
Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây chó đẻ răng cưa (còn gọi là diệp hạ châu, diệp hòe thái, lão nha châu, prak phle theo tiếng Khơme), tên khoa học Phyllanthus urinaria L., thuộc họ Thầu dầay được bà con dùng chữa bệnh gan, sốt… Mỗi ngày dùng 20-40 g cây tươi sắc uống.
348. Bị xơ gan có ghép gan được không?
“Bị bệnh tim thì ghép tim, bị bệnh thận thì ghép thận để thay thế. Còn nếu bị bệnh gan, có thể ghép gan được không? Em có người thân nghiện rượu nặng, đi khám bác sỹ nói bị xơ gan, có thay gan khác được không?”.
Không phải cứ bị bệnh tim gì cũng ghép tim. Chẳng hạn, nếu bị hẹp van tim, chỉ cần mổ nong cho van rộng trở lại; bị hở van tim thực thể thì mổ thay van; bị thông liên nhĩ, thông liên thất thì mổ vá kín; xơ vữa mạch vành thì mổ đặt cầu nối cho các động mạch này; nhiều bệnh khác về tim được điều trị bằng thuốc… Chỉ cần ghép tim khi tim đã suy đến mức không còn đảm nhiệm được việc co bóp bình thường cho máu lưu thông.
Trường hợp bệnh thận hay bệnh gan cũng theo logic nói trên. Việc ghép thận được con người thực hiện sớm hơn ghép gan, vì chức năng gan rất đa dạng và khối lượng lớn của gan dễ gây thải loại mảnh ghép.
Việc ghép gan trên thế giới đã được tiến hành khá rộng rãi. Ở châu Âu, cho đến nay đã có hơn 2 vạn trường hợp; riêng năm 1995 là 2.940 trường hợp, trong đó có 60% là bệnh nhân xơ gan (trong đó, 35% do nghiện rượu, 50% do viêm gan virus B, C). Kết qủa khả quan: 70% bệnh nhân mổ sống thêm được 5 năm trong trạng thái tương đối khỏe mạnh.
Tuy nhiên, trên bình diện toàn cầu, việc ghép gan còn gặp khó khăn vì không đủ mảnh ghép để cung cấp cho bệnh nhân (năm 1995 ở Pháp có 100 bệnh nhân chờ mổ ghép gan đã phải chết vì thiếu gan để ghép). Giá thành cuộc mổ ghép gan còn cao, khá xa vời đối với những người có thu nhập thấp và nhân dân các nước nghèo. Người ta đang nghĩ cách cải tiến phương pháp này bằng cách lấy mảnh ghép hàng loạt từ lợn.
Không hiểu người nhà của em có cầm cự được đến ngày thành công trong lĩnh vực này không. Trong khi chờ đợi, em nên khuyên anh ta bỏ rượu, hy vọng xơ gan đỡ tiến triển nhanh chóng.
349. Nuốt phải đinh
“Cháu là con trai, 15 tuổi. Cách đây khoảng 4-5 năm, cháu nuốt phải một cái đinh dài 3 cm, nhưng không dám thổ lộ với ai. Hiện nay thỉnh thoảng thấy đau bụng nên cháu rất lo. Xin giúp đỡ cháu”.
Rất nhiều khả năng cái đinh 3 cm đó đã bị tống ra ngoài theo phân vào ngày hôm sau của sự cố; tiếc rằng dạo đó cháu không cho bố mẹ biết để các cụ theo dõi phân (cho cháu đại tiện vào một cái bô rồi tìm cái đinh). Nếu nó vẫn nằm lại có nghĩa là nó bị nằm ngang, chọc thủng ruột, gây viêm màng bụng; và bác sĩ đã phải mổ cấp cứu cho cháu để lấy đinh, khâu ruột và dẫn lưu ổ bụng từ lâu rồi!
Vì vậy, hiện tượng đau bụng gần đây của cháu là do nguyên nhân khác, thường gặp nhất là giun đũa và rối loạn tiêu hóa do thiếu vệ sinh ăn uống. Cháu nên xin gia đình đi thử phân, nếu có trứng giun thì uống thuốc tẩy.
Nếu cháu vẫn chưa tin hoàn toàn vào giải đáp này và vẫn lo lắng thì nên xin chụp X-quang ổ bụng.
350. Thoát vị bẹn cả hai bên
“Cháu học lớp 11. Từ 3-4 năm nay, cháu thấy bên trái bìu dái có một bọc mà khi lấy tay bóp vào thì thấy xẹp đi, khi buông tay ra hay rặn mạnh thì nó lại phồng lên như cũ. Từ năm ngoái, cháu lại thấy bên phải bìu dái cũng có hiện tương tự, chỉ hơi khác là khi lấy tay bóp, nó không bé lại như bên kia. Xin cho cháu một lời khuyên”.
Nhiều khả năng cháu bị thoát vị bẹn bẩm sinh cả hai bên. Qua lỗ thoát vị bên trái, ruột non tụt xuống bìu, còn bên phải có thể là một đoạn mạc nối lớn (mỡ chài) tụt xuống. Sở dĩ ở bên trái, ruột không lần nào bị nghẹt là do lỗ thoát vị khá rộng, cho phép ruột quay trở lên dễ dàng, thêm vào đó là nhờ “ông chủ” hay tẩn mẩn nắn bóp đẩy ruột lên giúp.
Tuy nhiên, không nên chơi với lửa, và chơi lâu đến vậy! Vụ nghỉ hè này, cháu nên xin bố mẹ đưa đi khám tại một khoa ngoại tổng quát hoạt động tốt. Nếu không có điều kiện mổ một lúc cả hai bên, các bác sĩ sẽ mổ bên trái cho cháu trước, vì bên đó có ruột non, dễ xảy ra nguy cơ bị nghẹt ruột, một biến chứng rất nguy hiểm.
351. “Túi dịch” sau khi mổ thoát vị bẹn
“Cháu mổ thoát vị bẹn mới được hai ngày thì phát hiện ra một túi dịch căng tròn trên tinh hoàn trái (trước đó không có). Cháu xuất viện vào ngày thứ 9 sau mổ, vẫn nguyên túi dịch đó. Về nhà 1 tuần, thấy túi dịch không tự mất đi như vị bác sĩ mổ đã bảo, cháu đi siêu âm thấy nó có kích thước 4,9 x 3,9 cm. Trở lại bệnh viện, cháu được chính ông bác sĩ mổ chọc hút dịch, nhưng sau đó nó vẫn còn và gây đau. Cháu hoang mang và chán đời quá”.
Tình hình của cháu vẫn sáng sủa. Cái “túi dịch” mà cháu nói, ban đầu không phải chứa chất dịch. Đó là máu đã rỉ ra trong quá trình mổ (và cả sau mổ) từ những vết rạch không được cầm máu kỹ. Nếu được băng ép tốt, những chỗ rỉ nay sẽ tự cầm. Nhưng ở cháu, có một điều mà không biết vị bác sĩ mổ có nhận ra không: Túi thoát vị của cháu không nằm nửa chừng (như một ngón găng tay), mà nó xuống gần tinh hoàn, như cái ống. Do đặc điểm này mà máu rỉ tích tụ dần thành một túi máu; nếu được chọc hút triệt để ngay lúc phát hiện, sẽ không để lại di chứng.
Thời gian trôi đi, máu trong túi kia biến chất để thành chất dịch. Lúc này, cái được chọc hút không còn là máu, và nó đã để lại di chứng là các mô xơ sinh ra trong quá trình hấp thu chất dịch.
Túi máu này có thể tránh được, nếu phẫu thuật viên sau khi tái tạo thành bụng để chữa thoát vị bẹn đã thanh toán giúp “cái ống” nói trên bằng cách khâu lộn nó ra (như kiểu ta lộn ngược cái vỏ chanh đã vắt), một động tác đơn giản chỉ mất 1 phút.
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là xem cháu đã hết thoát vị chưa. Nếu đã hết, thì coi như phẫu thuật tái tạo thành bụng đã thành công. Còn di chứng nói trên tuy làm cháu phải bận tâm nhưng chắc chắn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nói chung và hoạt động giới tính nói riêng, dần dà sẽ hết.
352. Nứt hậu môn
“Mỗi lần đi ngoài, cháu rất khổ vì đau rát ở hậu môn và khi lau thấy có rớm máu. Xin cho biết cách chữa”.
Hiện chưa có thuốc đặc trị chứng nứt hậu môn như trường hợp của cháu.
Nên thường xuyên giữ ẩm cho vùng hậu môn bằng cách bôi Glycérine hoặc Vaseline pure, kem chống nẻ…, nhất là khi trời hanh khô. Vào thời gian vết nẻ lành và chưa tái lại, khi tắm, cháu có thể dùng khăn mềm thấm nước ấm cọ nhẹ lên vùng quanh hậu môn, nhằm làm mỏng bớt lớp sừng xung quanh để hạn chế độ sâu của c vết nứt.
Giữ cho phân luôn mềm bằng cách ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, nhất là mùa nực, khi trời hanh khô.
353. U đại tràng
“Bà cháu năm nay gần 70 tuổi, sức khỏe bình thường, nhưng gần đây bà hay bị cuộn bụng từ dưới lên rồi nôn ra, bất cứ lúc no hay lúc đói. Xin cho gia đình cháu một lời khuyên”.
Nhiều khả năng bà cháu bị u đại tràng, thỉnh thoảng gây bán tắc ruột (đau quặn bụng từng cơn, không trung tiện được, nôn khan hoặc nôn ra thức ăn, một lúc sau thì mọi chuyện trở lại bình thường).
Gia đình nên sớm cho bà đi khám tại một bệnh viện có trang bị và kỹ thuật tốt, để nếu đúng như vậy thì có thể xét phẫu thuật cho bà. Bởi vì trong điều kiện hiện nay, việc mổ người cao tuổi bảo đảm an toàn hơn trước kia.
Trong khi chờ đợi, hoặc nếu không có chỉ định phẫu thuật, cần chú ý cho bà uống nhiều nước để giúp cho phân mềm; tránh các thức ăn khó tiêu; dùng các thức ăn nhuận tràng (khoai lang, đu đủ, rau xanh nấu nhừ…).
Nếu đúng là u đại tràng thì ở bà là u ác tính; nếu cứ để vậy, u sẽ phát triển nặng dần. Nếu còn mổ được, chắc chắn bà sẽ sống thêm, được bao lâu là tùy thuộc vào tình hình cụ thể; và nhất là những ngày cuối đời của bà sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
354. Khi bị loét bờ cong nhỏ dạ dày
“Mẹ em đau bụng vùng dưới xương mỏ ác đã lâu, năm kia đã được bác sĩ cho chụp X-quang dạ dày, chẩn đoán là loét bờ cong nhỏ và khuyên vào nằm viện để mổ luôn, nhưng mẹ em ngần ngại. Gần đây đau tăng, không ăn uống gì được nên mẹ em muốn mổ, thì gia đình chúng em lại lo lắng vì sức khỏe sút kém nhanh của mẹ”.
Tình hình không còn đơn giản như hai năm trước đây, cho nên khi em nhận được thư riêng của tòa soạn hay đọc giải đáp này trên báo, em nhớ giữ kín đừng cho mẹ biết nhé!
Về thuật ngữ y học, khi nói đến bệnh dạ dày (bao tử), một số thầy thuốc và kỹ thuật viên thường nói gộp “dạ dày – tá tràng” (do chỗ phần cuối dạ dày nối vào hành tá tràng, trông giống tựa như củ hành). Vì nói gộp “hội chứng dạ dày tà tràng”, “viêm loét dạ dày tá tràng” nên nội dung khá mơ hồ và nhất là dễ gây ngộ nhận cho bệnh nhân cũng như gia đình họ.
Thực tế thì tuy cùng là loét, cùng gây đau ở vùng thượng vị, nhưng loét dạ dày khác loét hành tá tràng về triệu chứng lâm sàng, diễn biến và tiên lượng bệnh.
Nói chung, loét hành tá tràng gây đau bụng lúc đói, ăn vào thì đỡ, không bị ung thư hóa; còn loét dạ dày gây đau khi no, nôn hết ra hoặc tiêu hóa xong thì đỡ, thường có nguy cơ bị ung thư hóa, nhất là khi loét ở phần đứng của bờ cong nhỏ dạ dày.
Vị bác sĩ khuyên mẹ em “vào nằm viện để mổ luôn” rất có lý, tiếc rằng chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội. Rất nhiều khả năng ổ loét dạ dày của mẹ đã bị ung thư hóa theo quy luật diễn tiến của nó.
Trước tiên, phải cho mẹ em vào vào điều trị nội trú tại một bệnh viện có các phẫu thuật viên vững tay nghề và giàu kinh nghiệm. Còn triển vọng có mổ được nữa hay không sẽ do bệnh viện quyết định sau khi có đầy đủ cứ liệu.
Tuy nhiên, có hai điểm mà gia đình em cần nắm rõ để có thể chủ động trong từng tình huống:
– Nếu loét ung thư hóa ở phần ngang của bờ cong nhỏ (điềumay mắn), các bác sĩ phải cắt tới 3/4, thậm chí 4/5 dạ dày (trường hợp loét đơn thuần chì chỉ cắt 2/3).
– Nếu loét ung thư hóa ở phần đứng của bờ cong nhỏ, phải cắt rộng hơn, thậm chí phải cắt toàn bộ dạ dày rồi đem một đoạn ruột non lên nối với phần cuối của thực quản; đây là một phẫu thuật nặng nề và có thể bị bục miệng nối, gây tử vong sau mổ.
– Nếu bệnh viện từ chối mổ, hoặc là các bác sĩ, sau khi trực tiếp sờ nắn tổn thương, thấy không còn khả năng phẫu thuật, thì điều đó chứng tỏ ung thư đã lan rộng.
355. Diệt thủ phạm gây loét dạ dày – tá tràng
“Tôi có người em 27 tuổi bị loét hành tá tràng, có người mách nên uống Helikit. Xin cho biết chi tiết về tác dụng của thuốc và cách sử dụng”.
Người ta đã xác định 80-100% trường hợp loét dạ dày – tá tràng là do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra, và đã tìm ra được thuốc điều trị có hiệu quả, trong đó có Helikit.
Helikit được đóng thành vỉ, mỗi vỉ có 3 viên (1 viên nang Omeprazole 20 mg, 1 viên nén Tinidazole 500 mg và 1 viên nén Amoxycillin 750 mg); mỗi hộp có 14 vỉ dùng trong 7 ngày liền, mỗi ngày uống 2 lần vào sáng và tối, mỗi lần 1 vỉ (tức cả 3 viên một lúc). Sau đó, uống thêm Omeprazole 20 mg mỗi ngày 2 viên (chia làm 2 lần) trong 3 tuần liền. Như vậy, liệu trình hoàn chỉnh là 4 tuần, hết một hộp 14 vỉ (khoảng 180 ngàn đồng) và 42 viên Omeprazole.
Omeprazole ức chế mạnh sự tiết axit của dạ dày, tạo thuận lợi cho tác dụng chống Helicobacter pylori của Tinidazole (can thiệp vào việc tổng hợp ADN của vi khuẩn) và của Amoxycillin (kháng sinh phổ rộng, diệt được cả vi khuẩn Gram – và Gram+).
Do đó, phải uống 3 thứ một lúc (cả vỉ), trong 7 ngày liền, thì mới có tác dụng, và sau đó dùng thêm Omeprazole trong 21 ngày liền để tiếp tục ức chế tiết axit.
356. Phát hiện ung thư dạ dày
“Tôi bị đau dạ dày đã lâu, được nội soi và kết luận là viêm dạ dày, dùng thuốc theo đơn nhưng không khỏi. Nếu muốn phát hiện ung thư dạ dày thì có phương pháp khám xét gì chắc chắn?”.
Tùy từng tình huống mà có phương pháp thích hợp.
1. Nếu mới bị ung thư dạ dày hoặc ổ loét cũ vừa mới ung thư hóa thì:
– Khi chụp X-quang dạ dày, trên một loạt phim chụp trong cùng một tư thế (để so sánh) sẽ thấy bờ cong bé co bóp thiếu mềm mại, tại chỗ thấy có hiện tượng “cứng đơ” (như một tấm ván nằm trên mặt nước gợn sóng).
– Soi dạ dày để kiểm tra trực tiếp tình hình tại khu vực nghi vấn, nhất là để làm sinh thiết tại đó (lấy một mẫu mô để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh). Nếu thấy hiện diện những tế bào bất thường, phải mổ sớm cắt đoạn dạ dày; sau đó tiếp tục làm xét nghiệm trên mảnh cắt nhằm xác định thêm và phân loại để có hướng theo dõi và chữa tiếp sau phẫu thuật (hóa trị liệu nếu cần).
2. Nếu ung thư đã để hơi muộn, chụp X-quang dạ dày sẽ thấy có hình khuyết nơi bờ cong bé; hình khuyết này tồn tại trên một loạt phim chụp trong cùng một tư thế. Lúc này, thủ thuật soi dạ dày không cần thiết nữa; tốt nhất là bệnh nhân vào viện sớm để xét mổ, sau đó cho xét nghiệm mảnh cắt. Có thể phải cắt tới 3/4, thậm chí 4/5 dạ dày (ung thư càng ở cao càng phải cắt rộng); sau mổ phải kết hợp thêm hóa trị liệuường hợp ung thư để hơi muộn, nhiều khi bệnh nhân tự phát hiện các hạch nằm trên xương đòn trái.
3. Nếu ung thư đã để khá muộn, có thể sờ thấy một đám rắn chắc vùng thượng vị (dưới mỏ ác), thường có hạch rõ trên xương đòn trái. Lúc này, triệu chứng đã quá rõ, việc chụp X-quang chỉ nhằm khẳng định thêm mà thôi (sẽ thấy vùng hang vị bị thu hẹp lại do ung thư ôm lấy nó). Trường hợp này, nếu còn mổ được thì phải cắt toàn bộ dạ dày (đưa một phần ruột non lên khâu với thực quản). Đây là một phẫu thuật nặng nề và nhiều nguy cơ biến chứng.
Do vậy, nếu bị loét dạ dày, bệnh nhân phải hết sức cảnh giác phòng nguy cơ bị ung thư hóa, nhất là khi loét ở phần đứng của bờ cong bé. Điều trị nội khoa thật tích cực một thời gian, nếu không thuyên giảm, nên phẫu thuật sớm để tránh hậu họa (trái lại, loét tá tràng không dẫn đến nguy cơ trên).
357. Khi nào phải mổ cắt đoạn dạ dày?
“Anh bạn tôi trên 50 tuổi, bị loét hành tá tràng lâu năm, mấy tháng nay đau liên miên không chịu nổi, hầu như không ăn uống, người gầy mòn. Bạn muốn mổ nhưng gia đình lại can ngăn. Xin cho biết khi nào thì phải mổ cắt đoạn dạ dày?”.
Bạn hãy chuyển đến người thân của anh bạn một số tình huống phải mổ để họ tham khảo:
a) Nói chung, loét hành tá tràng đau theo chu kỳ sau đây: đói đau, ăn vào đỡ, trời lạnh đau hơn trời ấm, khi đầu óc căng thẳng đau nhiều hơn khi thanh thản… Khi đau không theo chu kỳ nữa có nghĩa là bệnh đã nặng. Trong trường hợp này, nếu chữa chạy tích cực một thời gian ngắn không đỡ thì phải nghĩ đến phẫu thuật, cho dù bệnh nhân còn trẻ, thậm chí đang tuổi thiếu niên.
b) Loét hành tá tràng cũng có nguy cơ ăn thủng vào tụy, vào gan, cho nên khi thấy đau liên miên, hãy nghĩ đến tình huống này và sớm tới bệnh viện để xét mổ.
Trường hợp anh bạn kia nằm trong cả (a) và (b).
c) Khi một ổ loét bị thủng đã mổ khâu cấp cứu, người ta khuyên 6 tháng sau nên mổ cắt đoạn dạ dày (chỉ định là tương đối nếu loét hành tá tràng, tuyệt đối nếu loét bờ cong nhỏ).
d) Nếu ổ loét chảy máu nặng hay kéo dài mà chữa nội khoa không kết quả, lối thoát duy nhất là cắt đoạn dạ dày.
358. Tại sao phải cắt tới 2/3 dạ dày?
“Khi mổ loét dạ dày – tá tràng, tại sao bác sĩ cứ phải cắt bỏ tới 2/3 dạ dày, mà không tiến hành khoét chỗ loét đi rồi khâu lại, có phải nhẹ nhàng hơn không?”.
Nếu “sáng kiến” của bạn mang lại kết quả tốt thì hay biết mấy! Rất tiếc là không thể làm như vậy, bởi vì nếu chỉ khoét bỏ ổ loét đi rồi khâu lại thì sau khi mổ, một ổ loét mới sẽ xuất hiện ngay tại nơi đã xử trí.
Vì sao vậy? Loét dạ dày hay loét tá tràng là hậu quả của hiện tượng đa toan (nhiều axit) của dạ dày; nếu không thanh toán được nguyên nhân này thì phẫu thuật sẽ thất bại.
Người ta chia dạ dày thành 3 vùng, tính từ dưới lên, như sau:
– Vùng hang vị: Chiếm non 1/3 cuối của dạ dày, chuyên việc tiết chất kiềm.
– Vùng thân vị: Chiếm khoảng già 1/3 giữa, chuyên tiết chất toan (axit).
– Vùng phình vị, chiếm khoảng non 1/3 trên, tiết hỗn hợp kiềm-toan.
Khi thức ăn xuống dạ dày, vùng hang vị bị kích thích đầu tiên, tiết ra chất kiềm; chính chất kiềm này sẽ khở động việc tiết ra chất toan của vùng thân vị.
Ở người bị loét dạ dày-tá tràng được mổ cắt 2/3 dạ dày (nghĩa là cắt hết vùng hang vị và gần hết vùng thân vị), thì mức tiết toan của dạ dày chủ yếu do vùng phình vị đảm nhiệm, luôn ở mức bình thường. Nếu bác sĩ cắt bỏ không đủ 2/3 dạ dày (nghĩa là để lại quá nhiều tổ chức của vùng thân vị) thì về sau, ngay tại miệng nối của dạ dày với ruột non sẽ sinh ra một ổ loét mới, gọi là loét miệng nối. Trường hợp này phải xử trí lại bằng một phẫu thuật phức tạp, thậm chí nguy hiểm.
359. Tại sao phải cắt đoạn dạ dày cấp cứu?
“Con trai tôi 32 tuổi, kêu đau bụng vùng mỏ ác khoảng một năm thì bị thủng dạ dày, phải đi mổ cấp cứu. Cháu đã ra viện và cho biết bị thủng ổ loét bờ cong bé, được mổ cắt đoạn dạ dày ngay trong đêm vào viện. Thấy cháu bình phục, tôi rất mừng, nhưng vẫn băn khoăn sao phải cắt dạ dày sớm vậy, tưởng thủng thì chỉ khâu chỗ thủng thôi?”.
Thông thường, khi gặp thủng ổ loét tá tràng, bác sĩ chỉ tiến hành khâu lỗ thủng, lau sạch ổ bụng, đặt ống dẫn lưu, rồi đóng bụng lại. Trước khi ra viện, họ dặn bệnh nhân “nếu tiếp tục đau thì sau ít nhất 6 tháng phải trở lại để cắt đoạn dạ dày”.
Sở dĩ họ làm như vậy là vì:
– Một số trường hợp khâu xong thì khỏi luôn, bệnh nhân không đau lại; đó là trường hợp loét chưa lâu năm, bờ ổ loét còn tương đối mềm mại.
– Thời gian 6 tháng cho phép ổ bụng ổn định lại, các chỗ dính giữa quai ruột bớt đi nhiều. Nếu mổ sớm hơn, sẽ gặp nhiều tổ chức dính hơn, gây khó khăn cho tiến trình mổ cũng như giai đoạn sau mổ.
– Khi dạ dày bị thủng, chất dịch và thức ăn tràn ngập ổ bụng, vì vậy chỉ xử trí tối thiểu như trên là an toàn nhất.
Tuy nhiên, có những tình huống buộc bác sĩ mổ phải cân nhắc lợi hại, có thể phải “mạnh tay hơn” thì mới đem lại kết quả cao nhất cho bệnh nhân. Đó là khi gặp phải một số tình huống như sau:
– Vừa thủng dạ dày vừa chảy máu dạ dày (tổn thương mạch máu ngay tại chỗ thủng). Việc cứng nhắc, chỉ tiến hành khâu không thôi thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân (nếu như máu vẫn tiếp tục chảy, chữa không cầm thì lại phải mở ổ bụng để cắt đoạn dạ dày, khiến bệnh nhân mất thêm nhiều máu).
– Thủng ổ loét bờ cong bé: Loét bờ cong bé thường có khuynh hướng ung thư hóa. Nếu chỉ khâu lỗ thủng rồi chờ 6 tháng e không kịp, bởi lẽ, nếu đã ngấm ngầm có hiện tượng ác tính hóa thì cuộc mổ ấy sẽ thúc cho tiến trình đó nhanh lên gấp bội. Mà mổ lại trước 6 tháng sẽ khó hơn vì chưa thật ổn định.
– Chỉ thủng ổ loét tá tràng, nhưng là một ổ loét lâu năm và xơ chai; nếu chỉ khâu không thôi sẽ dễ gây hẹp làm cản trở lưu thông (hẹp môn vị), chỗ khâu có nguy cơ bị bục.
Trong những tình huống nói trên, nếu tình trạng bệnh nhân tốt, ổ bụng tương đối sạch…, bác sĩ sẽ tiến hành mổ cắt đoạn dạ dày luôn. Và khi mổ, nếu xét thấy đã có dấu hiệu ác tính hóa, bác sĩ còn phải cắt rộng hơn (3/4 thay vì 2/3 dạ dày như thường lệ).
Như vậy, trường hợp con trai bác rơi vào tình huống sau cùng, và dù sao cháu cũng may mắn đã gặp được vị bác sĩ có đầu óc tỉnh táo, hết lòng vì bệnh nhân v kỹ thuật mổ tốt; xung quanh vị đó có những bác sĩ phụ mổ ăn ý, kíp gây mê hồi sức trực có trình độ. Bởi lẽ mổ cắt dạ dày cấp cứu thường không được thuận lợi như mổ theo kế hoạch hằng tuần.
360. Nôn ra máu nhưng không thấy ổ loét
“Em trai tôi 35 tuổi, đang khỏe mạnh bỗng nôn ra nhiều máu tươi và lâm râm đau bụng; bệnh viện cho thuốc cầm máu và truyền máu thì khỏi. Hơn hai năm nay, nó không đau bụng hoặc nôn, không phải dùng thuốc gì, sức khỏe tốt, chụp X-quang dạ dày không thấy loét. Gia đình rất mừng nhưng vẫn lo vì thấy người ta bảo chảy máu dạ dày là do bị loét dạ dày-tá tràng, phải thuốc men liên tục vì đau, thậm chí bị nôn ra máu tái phát”.
Nếu đúng là kết quả chiếu chụp X-quang cho thấy niêm mạc dạ dày bình thường, bờ cong bé và bờ cong lớn mềm mại, không có ổ loét ở dạ dày hay tá tràng thì nhiều khả năng là cách đây hai năm, em trai bạn bị nôn ra máu không phải do một ổ loét của dạ dày hay tá tràng, mà là do một vết trợt ở niêm mạc dạ dày.
Vết trợt niêm mạc dạ dày (VTNMDD) là một tổn thương cấp tính, ít gặp, xảy ra trên người trước đó không có dấu hiệu gì của bệnh dạ dày-tá tràng, thường ở người trẻ. Chảy máu có thể dữ dội ngay từ đầu nhưng có thể cầm được bằng thuốc men và truyền máu, sau đó vết trợt khỏi hẳn, không để lại dấu vết.
Nguồn gốc của VTNMDD chưa được làm sáng tỏ (không rõ thức ăn thức uống nhất thời hay vi khuẩn Helicobacter pylori có can dự gì vào đây không?)
361. Khi đã mổ viêm ruột thừa cấp
“Cháu là nữ, 18 tuổi, hồi còn 5 tuổi bị viêm ruột thừa cấp, đã mổ. Cháu nghe nói những ai mổ ruột thừa thì sau 6-7 năm sẽ bị tắc ruột, nhưng cháu thì không. Xin cho biết từ nay về sau cháu có bị tắc ruột như họ không?”.
Nói chung, viêm ruột thừa cấp nếu được mổ thật sớm (trong vòng 4-6 giờ, tốt nhất là chỉ sau 2 giờ) thì mổ xong coi như không phát sinh vấn đề gì. Tuy nhiên, trong trường hợp được mổ sớm, vẫn có những yếu tố ảnh hưởng không tốt:
– Ở trẻ em, việc khám xét, chẩn đoán khó khăn, cho nên chúng ta bị chậm chân mà cứ tưởng còn sớm.
– Tuy hiếm, nhưng ở trẻ nhỏ có thể gặp một dạng viêm ruột thừa tiến triển cực nhanh, ngoài sự tiên lượng của bác sĩ.
– Kỹ thuật mổ xẻ của người thầy thuốc có thể gây dính ruột như: gây đụng giập, bỏ sót dị vật (dịch tiết do viêm, máu rỉ ra trong quá trình mổ); không khâu kín hoàn toàn màng bụng ( nếu còn lại một chỗ hở nhỏ là ruột sẽ chạy tới dính vào đó; và trong trường hợp này, tắc ruột thường xảy ra sớm và nặng, bởi một đoạn ruột khác có thể bị chẹt vào đấy).
– Trong vòng 36-48 giờ sau khi mổ, toàn bộ ruột nằm im bất động, áp sát nhau, nên dễ dính với nhau. Vì vậy bệnh nhân phải ngồi lên rồi đi lại thật sớm nhằm ngăn không cho ruột “ôm ấp nhau lâu” trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng quan trọng đó.
Thái độ đúng đắn nhất là: Nếu đã có một lần bị mổ bụng trong đời rồi thì phải cảnh giác, thông báo chuyện này ngay cho bác sĩ khi có cơn đau quặn bụng. Có trường hợp chỉ mổ thắt ống dẫn trứng, mãi hơn 20 năm sau mới bị tắc ruột do ruột dính vào chỗ mổ ống dẫn trứng không được khâu vùi đúng quy cách.
Cần chú ý để sớm viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ, biểu hiện là khóc liên miên.
Câu hỏi của cháu mang một nội dung rộng nên phải nói hơi dài. Chắc rằng đọc xong, cháu sẽ vừa yên tâm vừa tiếp tục cảnh giác như hiện nay. Có điều mừng là cơ thể trẻ em có đặc tính “lập lại trật tự một cách nhanh chóng”, thường “xóa sạch được mọi dấu vết trong người”.
362. Có nên mổ viêm ruột thừa mạn tính?
“Tôi 32 tuổi, bị đau bụng vùng hố chậu phải một lần cách đây hơn 2 năm, tưởng phải mổ vì viêm ruột thừa cấp, nhưng sau thấy đỡ dần nên bác sĩ lại thôi. Từ bấy đến nay, thỉnh thoảng tôi lại lâm râm đau tại vị trí đó; đi khám, chụp X-quang ruột thừa được phát hiện là viêm ruột thừa mạn tính. Như vậy tôi có cần phải mổ không?”.
1. Có người bị viêm ruột thừa cấp với triệu chứng điển hình, nhưng sau đó bệnh dịu dần rồi biến mất. Một số trường hợp như vậy về sau thỉnh thoảng đau nhẹ như bạn nói, và được xếp vào danh mục viêm ruột thừa mạn tính.
2. Có trường hợp viêm ruột thừa cấp biến chứng thành đám quánh ruột thừa (mỡ chài chạy đến ôm lấy chỗ bị tổn thương quan trọng ở ruột thừa). Dạng này không có chỉ định mổ mà phải chữa tích cực bằng kháng sinh liều cao, chườm lạnh tại chỗ và bất động; nếu khỏi sẽ được xếp hạng như trên.
3. Có trường hợp viêm ruột thừa cấp để muộn, gây biến chứng áp xe ruột thừa, được rạch dẫn lưu. Cái ruột thừa còn lại cũng được xếp hạng tương tự.
Có nên mổ cắt viêm ruột thừa mạn tính hay không? Với hai tình huống (2) và (3), nên mổ bởi vì trước đây đã có biến chứng; nhưng phải chờ sau 6 tháng để cho ổ bụng ổn định đã. Với tình huống (1) như của bạn thì tùy tình hình:
– Nếu rất ít khi đau, bạn có thể “chung sống hòa bình” với nó, nhưng phải cảnh giác, phòng khi nó bột phát.
– Nếu đau ê ẩm thường xuyên hoặc kèm rối loạn tiêu hóa (dễ có nguy cơ bột phát) hoặc nếu bạn sắp đi vào một vùng xa trung tâm y tế, thì nên mổ. Vì việc mổ “nguội” theo kế hoạch sẽ đơn giản và an toàn tuyệt đối; còn khi phải mổ “nóng” (cấp cứu) thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
363. Khi bị sỏi mật
“Có phải người bị bệnh sỏi mật như tôi phải kiêng ăn các thứ chiên rán, dầu mỡ, quẩy, vịt quay, ngan quay, bánh rán, thịt lợn, pho mát, tạng động vật, sò, cua…? Có thuốc gì chữa được sỏi mật mà không cần mổ không?”.
Có hai loại sỏi mật khác nhau về bệnh sinh, diễn biến, tiên lượng cũng như cách chữa trị và dự phòng, trong đó có ăn uống. Bác hãy liên hệ xem mình thuộc diện nào:
– Sỏi túi mật: Hay gặp ở phụ nữ, nhất là những người béo phì do ăn uống vô độ. Thường là sỏi cholesterol (cản quang ít, thả vào nước thấy nổi và có thể đốt cháy); bệnh diễn biến lâu năm, có những đợt cấp, đau tăng và sốt do túi mật bị viêm. Xử trí bằng cách cắt túi mật nếu chữa trị bằng thuốc không hết. Thành túi mật viêm mạn tính nên dày chắc.
Vì nguyên nhân gay bệnh là dinh dưỡng nên bệnh nhân cần hạn chế ăn chất béo để bệnh không nặng lên.
– Sỏi đường mật: Xuất hiện do giun đũa chui lên đường mật, gây viêm nhiễm rồi đẻ trứng hay chết tại đó; xác và trứng giun tạo điều kiện cho sắc tố mật vón dần lại thành nhiều viên, rải rác trong đường mật (sỏi bilirubinat rất cản quang, đốt không cháy, và thả vào nước thì chìm). Nếu sỏi làm tắc ống mật chủ, nó sẽ gây ứ mật hoàn toàn, kể cả túi mật, làm cho thành túi mật giãn mỏng kèm theo viêm cấp và vỡ ra. Xử trí bằng cách mở ống mật chủ lấy sỏi và dẫn lưu; bảo tồn túi mật nếu thấy còn giữ được. Cách phòng bệnh là tránh nhiễm giun.
Đến đây, chắc bác cũng thấy danh sách kiêng cữ của mình quá dài, kể cả khi bệnh của bác là sỏi túi mật.
Về thuốc Tây chữa sỏi mật, bác có thể tham khảo Mục 83. Thuốc Nam có Kim tiền thảo, dùng hằng ngày 10-30 g dưới dạng thuốc sắc, hoặc dùng viên Kim tiền thảo của Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 26, uống theo liều chỉ dẫn.
364. Sau khi mổ viêm phúc mạc mật
“Năm ngoái, ba cháu (49 tuổi) được mổ cấp cứu cắt túi mật do bị hoại tử gây viêm phúc mạc mật; một tuần sau phải mổ lại vì áp xe dưới cơ hoành phải. Từ ngày xuất viện đến nay, ba cháu bị đau âm ỉ ở vùng bên phải (trước đây ba có tiền sử loét dạ dày, nhưng mấy năm gần đây thấy giảm hẳn)”.
Cháu không nói rõ là kèm theo viêm túi mật, ba cháu có bị sỏi đường mật hay không, cho nên chỉ nêu mấy điểm chính với gia đình cháu như sau:
– Nếu viêm túi mật đơn thuần (triệu chứng ban đầu: ấn vào điểm giữa của bờ sườn phải thấy đau chói, vàng da, vàng mắt ít nhiều, sốt…) nhưng không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, túi mật bị hoại tử gây viêm phúc mạc, thì sau khi cắt túi mật, rửa sạch và dẫn lưu ổ bụng, coi như đã giải quyết xong nguyên nhân và hậu quả. Ba cháu phải mổ lại là vì còn chất dịch mật bẩn ở mặt trên gan, ngay dưới cơ hoành phải; phát hiện ra được và mổ lại an toàn như vậy là điều rất may mắn. Từ nay, ba cháu chỉ cần có chế độ dinh dưỡng (chất bổ, vitamin…) và nghỉ ngơi tốt là được.
Tuy nhiên, với tình trạng đau bụng âm ỉ như hiện nay, ba cháu hãy cẩn thận, dè chừng bệnh loét dạ dày có thể nặng lên sau hai cuộc mổ lớn. Nếu đau kéo dài hoặc tăng, nhất thiết phải đi chụp X-quang dạ dày để xác định tình hình của ổ loét cũ, để có cách xử trí thích đáng.
Về thuốc nhuận mật, xin giới thiệu với cháu cây actisô (tên khoa học Cynara scolymus L.) đã được ghi trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, không độc, có bán ở nhiều nơi. Nên thường xuyên sắc lá tươi hay khô (thân và rễ cũng công dụng như lá) để uống, hoặc uống dạng cao lỏng, mỗi lần 10-40 giọt, mỗi ngày 1-3 lần.
– Nếu viêm túi mật hoại tử do sỏi đường mật thì về lâu dài, ba cháu phải cảnh giác với chứng sỏi mật tái phát (biểu hiện dễ thấy nhất là vàng mắt, vàng da) và chú ý tẩy giun đũa nếu có.
365. Lỵ trực khuẩn bị đi bị lại
“Tôi có một cháu trai 25 tháng tuổi. Lúc 18 tháng, cháu bị tiêu chảy 5-6 lần/ngày, bác sĩ chẩn đoán là kiết lỵ và cho chữa, sau 5 hôm thì hết. Sau đó 4 tháng cháu lại bị, được bệnh viện chẩn đoán và chữa trị, cũng hết sau 5 hôm. Gần đây nhất, cháu lại phát bệnh nhưng nặng hơn, sốt 40-41độ C, đau bụng dữ; bệnh viện cũng điều trị 5 hôm là hết. Xin cho biết có thuốc gì phòng tái phát bệnh, và có cần kiêng cữ gì cho cháu không?”.
Cháu liên tiếp bị nhiều đợt lỵ trực khuẩn gia đình phải cám ơn các bác sĩ ở bệnh viện đã chữa trị kịp thời, nhất là lần vừa rồi.
Bác cần xem lại tình hình vệ sinh trong gia đình. Có thể ruồi nhặng mang trực khuẩn lỵ từ một nguồn lây nào đó tới cho cháu; hoặc trong số những người thường xuyên tiếp xúc với cháu có ít nhất một người mang trực khuẩn lỵ (tuy không có triệu chứng lỵ nhưng trong phân lại có trực khuẩn lỵ). Người này vì kém vệ sinh đã thông qua bàn tay bẩn của mình trực tiếp đưa mầm bệnh vào miệng cháu, hoặc gián tiếp truyền bệnh qua quà bánh, đồ chơi, vật dụng… mà họ cầm vào.
Cách đề phòng duy nhất là giữ vệ sinh thật tốt: nhúng nước sôi các dụng cụ ăn uống; giữ tay cháu thường xuyên sạch, và dạy cháu không mút tay; giữ sạch các đồ chơi hoặc những vật mà cháu có thể tiếp xúc. Chú ý ăn uống sạch, nhất là quà bánh; và không bao giờ quên rửa sạch tay mình trước khi bồng bế, vuốt ve cháu.
366. Viêm đại tràng
“Hồi bé cháu hay bị táo, hơn 2 năm nay hay đau bụng dưới, phân thì khi bé, ít, thậm chí rất táo, khi thì lỏng. Năm ngoái cháu đi chụp điện, được kết luận là viêm loét thành tá tràng, nhưng uống thuốc chữa lại thấy đau hơn nên cháu thôi. Hiện tại thường hay táo bón”.
Cháu nên nhớ rằng, đại tràng (ruột già) của con người có một đoạn nằm ngang vắt qua trước phần dưới của dạ dày, và những rắc rối ở đại tràng thường dễ nhầm lẫn với dạ dày.
Ở cháu không thấy có triệu chứng điển hình của loét hành tá tràng (không phải thành, mà là hành, vì đoạn cuối này của dạ dày trông giống như củ hành): đau bụng khi đói, ăn vào đỡ đau. Ở cháu cũng không thấy có triệu chứng điển hình của viêm dạ dày hoặc loét dạ dày: ăn vào thì đau, nôn ra hoặc đói thì đỡ. Triệu chứng đau do bệnh của dạ dày thì diễn ra thường xuyên, liên quan đến giờ giấc ăn uống, tăng lên khi chuyển thời tiết…
Cháu bị viêm đại tràng mạn thì đúng hơn. Cháu thử dùng tay ấn sâu vào bụng dưới bên trái xem, sẽ thấy nổi lên một đoạn ruột đi chếch từ ngoài vào trong, ấn vào thấy chăng chắc, lăn dưới tay; đó là do đại tràng bị viêm lâu ngày nên thành của nó dày lên, chuyên môn gọi là “dây thừng đại tràng”.
Cháu nên tránh mỡ và những thức ăn gì mà “nó” từ chối (hễ ăn thứ đó vào là bị đau quặn bụng dưới, phân lỏng, có khi thêm cả cảm giác mót rặn). Ăn nhiều rau xanh, rau củ, các loại khoai giúp nhuận tràng.
Thường xuyên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ: Nằm ngửa thoải mái, đưa bàn tay phải từ bụng dưới bên phải đi thẳng lên rồi đi ngang rốn để sang trái, rồi vòng xuống bụng dưới bên trái.
Gặp khi phân lầy nhầy như mũi, phải đi khám để được điều trị bằng kháng sinh đường ruột.
Nên dùng thêm mỗi ngày 1 viên Theravit để bổ sung đầy đủ các loại vitamin và chất khoáng tối cần cho cơ thể mà cháu có thể bị thiếu do bệnh đường ruột.
Cháu có thể chữa bằng nõn lá bàng.
367. Táo bón kéo dài
“Cháu là con gái, 26 tuổi, cứ 1 tuần hay 10 ngày mới đi đại tiện một lần (mặc dầu vẫn chú ý ăn uống các thức mát, nhuận tràng), lần nào cũng bị chảy máu vì cháu còn bị bệnh trĩ. Xin giúp cháu cách gì để có thể đi ngoài hằng ngày như mọi người”.
Có một số việc cháu cần tiến hành thời và kiên trì, chắc chắn sẽ có kết qủa:
– Uống nhiều nước đều đặn, không thấy khát cũng uống (lượng nước dư thừa sẽ giúp cho phân đỡ bị “khô”). Nếu uống được nước chè tươi hay trà xanh càng hay, vì chè chứa nhiều chất chống ôxy hóa, giúp phòng ngừa một số bệnh nan y.
– Ăn thật nhiều rau xanh trong các bữa ăn. Tiếp tục ăn đều đu đủ chín. Tránh các chất chát (chuối xanh, sung…) và những thứ cho bã rắn (chuối hột, ổi, dâu da…). Nếu có điều kiện, nên ăn cơm gạo lứt (không giã), rất tốt vì có nhiều cám làm nhuận tràng.
– Tập vận động nhóm cơ bụng bằng động tác nằm ngửa, hai chân dang và duỗi thẳng, rồi ngồi lên, đưa ngón tay bên nọ chạm vào ngón chân bên kia; số lần tăng dần.
– Xoa nắn vùng bụng theo chiều kim đồng hồ: Nằm ngửa, hai bàn tay chồng lên nhau, ép vào hố chậu phải rồi vuốt ngược lên, vuốt tiếp sang ngang rốn, vòng xuống hố chậu trái thì kết thúc. Làm liên tiếp nhiều lần khi có điều kiện. Động tác này giúp ruột già tăng cường co bóp, đẩy phân đi xuống. Có thể tranh thủ mọi lúc hỗ trợ cho động tác trên bằng cách: Chụm các ngón tay phải xung quanh rốn, rồi “xoay rốn” cũng theo chiều kim đồng hồ.
– Vào một giờ nhất định nào đó thuận tiện trong ngày, tốt nhất là buổi sáng, sau khi uống một cốc nước đun sôi để nguội, cháu vào toa lét, rặn nhẹ nhàng trong 15-20 phút; nếu chưa đại tiện được, thì hôm sau lại “thử” một lần nữa, nếu vẫn chưa cũng không sao. Chú ý: Nếu thấy phân ra, phải nín lại, chỉ cho phép cục phân nhích dần thật chậm, để phòng chảy máu ở búi trĩ.
– Nếu cần thiết, cháu có thể uống gói thuốc bột nhuận tràng Forlax (hoạt chất là Macrogol 4.000 trong mỗi gói, làm tăng lượng nước trong ruột khi uống vào, nước trong ruột không bị đại tràng hấp thu như trước). Mỗi ngày uống 1 gói 10 g hòa vào cốc nước (tối đa 2 gói); khi thấy kết qủa khá thì ngưng ngay vì thuốc có thể gây đi lỏng. Cháu mua loại hộp 10 gói cho đỡ phí. Nếu cứ 2 ngày đại tiện 1 lần phân mềm cũng sung sướng lắm rồi, chớ cầu toàn. Nhớ trong vòng 2 giờ sau khi uống Forlax, cháu không nên dùng bất kỳ thuốc gì vì các thuốc đó sẽ ít được hấp thu.
Về bệnh trĩ thì nếu cần, sau khi chữa khỏi táo bón, cháu có thể uống viên nang Ginkor fort mỗi ngày 3 viên trong một tuần liền. Ngoài ra, hằng ngày cháu có thể ăn thêm rau diếp cá (theo kinh nghiệm dân gian thì diếp cá có thể làm đỡ trĩ). Có thể dùng hoa hoè dưới dạng nước sắc uống thay nước chè (giúp cho sự vững chắc của thành mạch). Khi cần, nên đi khám tại khoa ngoại bụng của ngành y tế, để bác sĩ xét có chỉ định mổ hay không.
Nên duy trì một cuộc sống thanh thảnh và cởi mở, vận động đều đặn để giúp thanh toán tình trạng ì trệ của đường tiêu hóa.
Nếu như chứng táo bón đã có từ nhỏ và kéo dài cho đến nay, cháu hãy đi chụp X-quang xem đại tràng có bị dài hay không.
368. Táo bón thường xuyên do đại tràng dài
“Bố cháu bị táo bón thường xuyên, chữa mãi không khỏi; vừa qua đi chụp X-quang khung đại tràng, thấy bác sĩ nói là có hiện tượng đại tràng dài. Xin cho bố cháu một lời khuyên”.
Khung đại tràng dài cũng là một nguyên nhân gây táo bón. Như đã biết, thức ăn tiêu hóa xong trong ruột non vẫn còn rất lỏng; khi qua đại tràng nó sẽ bị hút bớt nước, do đó mềm, nhão mà không lỏng như khi vừa mới ra khỏi ruột non. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, phân lưu lại quá lâu trong đại tràng (quên hoặc nhịn đại tiện do bận rộn), phân càng bị hút mất nước, do đó trở nên rắn, gây táo bón.
Đại tràng của bố cháu rất dài, phân phải mất một thời gian dài hơn bình thường để vượt qua, vì vậy rơi vào tình trạng bị khô, gây táo bón.
Có thể khắc phục bằng các biện pháp tập luyện, dinh dưỡng, sống thư giãn. Nên tránh lạm dụng thuốc nhuận tràng (chẳng lẽ lại dùng suốt đời?).
372. Co thắt tâm vị
“Cháu 18 tuổi, bị mắc một chứng bệnh hiểm nghèo từ nhỏ, đã đi khám nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được là bệnh gì: ăn cơm, uống nước hay ăn uống bất cứ cái gì cũng bị nghẹn; khi ăn vào cảm thấy rất đau ở vùng ngực, khi nghẹn không chịu được, đành phải nôn ra, đến lúc tiếp tục ăn lại bị nghẹn rất nhiều lần. Xin cho biết đó là bệnh gì và cách điều trị”.
Chưa có kết qủa X-quang, nhưng nhiều khả năng cháu bị chứng co thắt tâm vị (chỗ thực quản nối với dạ dày), làm cho thức ăn trôi xuống khó khăn. Nếu đúng là bệnh này thì khi chụp X-quang có uống baryte sẽ thấy rõ hình ảnh chỗ hẹp; trường hợp để muộn, sẽ thấy thực quản phía trên chỗ co thắt bị rộng ra.
Cháu nên sớm về một bệnh viện lớn tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh; ở đó các chuyên gia sẽ chẩn đoán và xử lý cho cháu. Gặp chứng co thắt tâm vị, người ta làm phẫu thuật Heller như sau: rạch dọc chỗ co thắt cho đến khi gần tới niêm mạc của thực quản (không làm thủng niêm mạc), giúp niêm mạc được trải rộng ra. Sau khi mổ, vết rạch trên lớp cơ của vùng tâm vị – thực quản há rộng miệng, dần dà sẽ đầy lên và liền lại, che kín niêm mạc, làm cho lỗ tâm vị trở nên rộng hơn, giúp cho lưu thông thức ăn bình thường.
373. Khối u thực quản
“Ông cháu 75 tuổi, thỉnh thoảng ăn cơm bị nghẹn ứ cổ, không nuốt được nữa; khi nghẹn, ông cháu thường kêu đau tức khắp ngực. Hiện tượng này ông cháu bị từ hồi còn trẻ, sau thời gian bị giặc bắt giam rồi tra tấn bằng cách giẫm lên ngực và vùng mỏ ác. Có cách gì chữa được cho ông cháu không?”.
Cháu nói thiếu chi tiết, nhưng vì không có địa chỉ cụ thể để trao đổi thêm, đành nêu hai hướng chẩn đoán. Ông cháu có thể bị:
– Co thắt thực quản do hậu qủa của chấn thương vùng đó (nếu đúng thế thì may mắn, vì có thể chữa đỡ bằng thuốc men, châm cứu…, nhưng ít khả năng).
– Hẹp thực quản do khối u (khả năng này nhiều hơn). Nếu đúng có khối u thì bệnh sẽ ngày càng nặng vì khối u cứ ngày càng lớn.
Gia đình cháu nên sớm đưa cụ về một bệnh viện trung ương để khám xét, chủ yếu bằng X-quang (chụp thực quản có uống baryte). Nếu là u thực quản, thường là u ác tính, các bác sĩ sẽ định liệu phương pháp xử trí:
– Mổ tạo một cầu nối vượt qua chỗ hẹp, giúp bệnh nhân ăn uống được (ít khả năng, vì ông cháu đã già, hoặc khối u này đã lan rộng).
– Chiếu xạ lên vùng ngực (xạ trị liệu), hay dùng hóa chất (hóa trị liệu), hoặc kết hợp cả hai, nhằm mục đích diệt các tế bào ác tính; kết qủa tùy thuộc vào mức độ lớn của khối u và sức chịu đựng của ông cháu.
374 mổ thoát vị
“Cháu 17 tuổi, lúc 16 tuổi đã đi mổ thoát vị; khi được ra viện về nhà thì những người thân bảo là mấy năm nữa cháu lại phải đi mổ tiếp, nếu không sẽ bị ung thư, nên cháu rất lo sợ. Xin cho cháu một lời khuyên”.
Cháu không nói rõ là thoát vị gì (thoát vị bẹn, thoát vị rốn…), nhưng chắc đây là thoát vị bẹn (có một lỗ thông làm cho ruột chui được ra khỏi ổ bụng, thậm chí xuống tận thấp trong bìu dái).
Cháu cứ an tâm và vui vẻ học hành, bởi vì nếu phẫu thuật mổ thoát vị được tiến hành đúng quy tắc ngoại khoa, đảm bảo không tái phát, thì cháu không cần phải đi bệnh viện một lần nào nữa (nếu bị tái lại là do lỗi của bác sĩ mổ, chứ không phải do cháu)!
Bệnh ung thư không dính dáng gì ở đây.
375. Thoát vị bẹn mổ rồi nay tái phát
Em là con trai, 19 tuổi. Năm ngoái, em được mổ thoát vị bẹn, sau đó em vẫn kiêng không dám đá bóng hoặc mang vác, nhưng gần đây lại tái phát. Xin cho biết nguyên nhân, và liệu em có nên đi mổ lại không?
Có hai loại thoát vị bẹn (TVB): TVB bẩm sinh và TVB mắc phải (còn gọi là TVB trực tiếp).
TVB bẩm sinh có thể xuất hiện rất sớm, nhưng cũng có thể xuất hiện khá muộn, khi ta trưởng thành, thậm chí khi đã có tuổi. Nguyên nhân là do lỗ bẹn đã không được đóng kín lại khi còn trong bụng mẹ; do có cái lỗ này mà ruột có thể chui ra khỏi ổ bụng, có khi xuống nằm trong bìu dái, lỗ càng to thì ruột xuống càng dễ, bệnh bộc lộ càng sớm.
TVB mắc phải là do thành bụng bị suy yếu (do mang vác nặng và ráng sức qúa nhiều, do thiếu dinh dưỡng, do một số bệnh làm cho các bắp thịt tại đây bị nhẽo), chỉ thấy ở người lớn sống trong những hoàn cảnh kể trên.
Biến chứng của TVB là nghẹt ruột (khúc ruột tụt xuống không trở lên được nữa) là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa, nếu để muộn, đoạn ruột nghẹt có thể bị hư hại (hoại tử) phải cắt bỏ; trong tình huống này, tính mạng có thể bị đe doạ.
Trường hợp của em thì, nếu chưa có điều kiện đi mổ lại, em nên dùng một mảnh vải nhỏ bằng lòng bàn tay, bốn góc có bốn sợi dây, ở giữa khâu đính một nùi vải vụn bằng đầu ngón tay cái, đem áp lên chỗ lỗ thoát vị và buộc lại, nhằm ngăn không cho ruột tụt xuống. Nếu trong khi tắm rửa, ruột tụt xuống, thì sau đó em nhẹ nhàng lựa thế đẩy nó trở lên, rồi băng lại như trên.
Khi có điều kiện, em nên đến một cơ sở ngoại khoa tốt hơn để xin mổ lại, đừng tìm đến nơi cũ làm gì! Bởi lẽ mổ TVB mắc phải mà tái phát, thậm chí tái phát nhiều lần, thì nhiều khả năng là do thành bụng qúa yếu. Còn mổ TVB bẩm sinh mà tái phát thì chắc chắn do thiếu sót kỹ thuật của bác sĩ mổ. Phẫu thuật tuy đơn giản nhưng không phải bất cứ ai thực hiện cũng thành công, vì có những chi tiết rất nhỏ mà người có tay nghề vững mới quan tâm đúng mức.
376. Tắc ruột tái phát nhiều lần
Năm 1990, tôi được mổ viêm ruột thừa, nằm viện 7 ngày thì được cho về nhà. Ngày thứ 8, phải trở lại bệnh viện mổ lần thứ 2 vì tắc ruột; sau đó 2 năm, mổ lần thứ 3; sau đó 1 năm mổ lần thứ 4. Như vậy là sau khi mổ viêm ruột thừa, tôi đã bị mổ tắc ruột tới 4 lần. Xin cho biết ở đâu có thể mổ được khỏi hẳn và lý do tại stắc ruột nhiều lần như vậy?
Bạn nói “mổ viêm ruột thùa” e rằng chưa đầy đủ, bởi vì viêm ruột thừa cấp (VRTC) được mổ sớm trong vòng 2 giờ đầu hầu như không có biến chứng gì về sau.
Trường hợp của bạn trước đây có thể nằm vào một trong hai tình huống sau đây:
a) VRTC để muộn có viêm màng bụng cục bộ.
b) Viêm màng bụng toàn thể (VMBTT) do VRTC để muộn.
Nếu theo tình huống (a), thì khi bị tắc ruột lần 1, ruột dính không rộng, chủ yếu là ở hố chậu phải; và sau đó, mỗi lần mổ lại đã làm tăng nguy cơ dính tiếp.
Nếu theo tình huống (b), thì nguy cơ dính ruột ngay sau khi mổ VMBTT rất cao, thậm chí phải mổ xử trí tắc ruột ngay trong tuần lễ đầu tiên, khi đang nằm viện; và nguy cơ đó, bao giờ phẫu thuật viên cũng cảnh báo cho thân nhân, sau khi mổ xong VMBTT.
Về điều trị tắc ruột tái phát, có hai thái độ trái ngược nhau:
1. Xử trí tối thiểu: Gỡ dính đơn thuần (có thể bơm một dung dịch nào đó vào ổ bụng với hy vọng hạn chế dính). Nếu tắc lại: mổ! Tắc lại nữa: mổ nữa!
2. Xử lý triệt để: Gỡ dính, xong xếp toàn bộ các quai ruột non vào một tư thế sinh lý, rồi cố định chúng lại. Thế là chỗ nào dính tiếp cứ dính, nhưng không còn gây ra tắc ruột nữa. Thủ thuật này do T.B. Noble, phẫu thuật viên người Mỹ, công bố năm 1937, đến năm 1960 được W.A Childs và R.B. Phillips cải tiến bằng cách xuyên chỉ cố định các nếp gấp mạc treo (thay vì khâu trên thành ruột), thời gian thủ thuật được rút ngắn hơn nhiều.
Ở nước ta, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Bệnh viện Việt-Đức, Hà Nội, là người đi tiên phong trong việc ứng dụng thủ thuật này từ năm 1965, nhưng giáo sư không được những người phụ trách ủng hộ, nên chỉ thực hiện được trên dưới 15 trường hợp rồi thôi. Trong khi đó, tại một bệnh viện khác, từ 1966 đến 1976, một bác sĩ thuộc lớp đàn em có điều kiện thực hiện thủ thuật này cho 70 bệnh nhân tắc ruột, chủ yếu là tắc ruột do dính tái phát nhiều lần, theo dõi liên tục kết qủa sau 6-17 năm, thấy kết qủa tốt (luận án tiến sĩ y học trong nước năm 1984).
Tới nay, thủ thuật đơn giản và an toàn này ít được lớp trẻ biết đến để có thể vận dụng khi cần thiết.
377. Hồi bé đã mổ ở rốn
“Cháu 17 tuổi, khỏe mạnh. Nhưng lúc còn bé cháu đã phải mổ khâu rốn, liệu việc này có ảnh hưởng gì đến sinh đẻ không?”
Trước đây, cháu mổ ở rốn là để làm phẫu thuật xử trí thoát vị rốn (do màng cân nằm giữa bụng lỏng lẻo, yếu, nguyên nhân bẩm sinh hoặc nhiễm khuẩn tại chỗ, làm cho ruột cứ lồi ra trước bụng).
Nếu mổ không tốt thì cháu đã bị thoát vị trở lại từ lâu rồi; hơn nữa, khi mổ, thường bác sĩ cố gắng không làm đụng giập ruột, nên cháu cũng không bị tắc ruột do dính.
Cháu cứ yên tâm, đến tuổi kết hôn cứ tiến hành, và đến tuổi làm mẹ cũng xin cứ việc! Chỉ có điều cái rốn khâu rồi nó không được xinh xẻo như của người ta, nhưng lo gì, nếu bơi lội thì dùng áo tắm một mảnh che đi, ai mà biết được!
378. Dị tật không hậu môn đã mổ
“Khi còn sơ sinh, em đã được mổ tạo hậu môn. Năm 12 tuổi, do ăn nhiều trái cây xanh, trong khoảng 2 tuần em không đi cầu được, phải đưa đến bệnh viện để thụt tháo; siêu âm một đoạn 20 cm ruột phía trên hậu môn bị hẹp. Em lo cho căn bệnh của mình, không biết sau này xây dựng gia đình rồi sanh con có dễ dàng không?”.
Dị tật trước đây của em (không hậu môn) đã được xử trí với kết quả mỹ mãn; hiện tượng còn lại một đoạn trực tràng bị hẹp là điều không tránh khỏi.
Chỉ cần em chú ý: không nuốt các hạt dâu da, bứa, măng cụt, không ăn những trái cây có nhiều hạt như ổi, chuối hột hoặc trái cây xanh như sung, vả, chuối xanh… Những thức ăn này chứa nhiều chất tanin, dễ gây táo bón. Nên ăn nhiều rau, củ. Khi ăn nhớ nhai thật kỹ. Uống nhiều nước để cho phân luôn mềm. Sau này, khi có bầu càng phải chú trọng chế độ ăn uống.
Em cứ yên tâm: Dị tật cũ đã chữa khỏi này không ảnh hưởng chút nào đến khả năng thụ thai cũng như việc chuyển dạ sanh con, do đó không hề có chống chỉ định yêu và lập gia đình.
379. Đã mổ u nang buồng trứng
“Tôi 25 tuổi; 10 tháng trước đây được bệnh viện mổ u nang buồng trứng, nhưng không biết là cắt một bên hay hai bên. Hiện tôi vẫn có kinh nguyệt, và thỉnh thoảng đau bên phải. Tôi có còn sinh đẻ được nữa không?”.
Trong phẫu thuật ở buồng trứng, bác sĩ bao giờ cũng tôn trọng và tiết kiệm đối. Nếu u nang có cuống, không dính chặt vào buồng trứng thì chỉ cắt bỏ u và giữ buồng trứng nguyên vẹn. Trường hợp mổ u nang hai bên càng phải tôn trọng và tiết kiệm hơn, bởi vì ở người phụ nữ bị cắt hết buồng trứng sẽ xảy ra hiện tượng nam tính hóa (mọc râu, giọng nói ồ, thay đổi vóc dáng…) và dĩ nhiên không còn kinh nguyệt, không sinh đẻ.
Nếu sau khi được mổ cắt u nang buồng trứng mà vẫn có kinh nguyệt thì chắc chắn bạn vẫn còn ít nhất một buồng trứng; như vậy, bạn không thua em kém chị về phương diện sinh sản. Hiện tượng thỉnh thoảng đau nhẹ ở vùng mổ sẽ đỡ dần và hết.
Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ ai đã được mổ ở vùng bụng, bạn hãy chú ý: nếu chẳng may thấy đau quặn bụng từng cơn kèm theo bí trung tiện, ói mửa…, phải tới ngay một cơ sở ngoại khoa tốt để được theo dõi sát và xử trí nếu cần.
Ngoài ra, bạn nên thu xếp để định kỳ tới khám một bác sĩ giỏi về phụ khoa. Người này, do nắm vững “lý lịch” của bạn, chắc chắn sẽ giúp ích được nhiều điều.
Còn nếu muốn thật chắc chắn về tình hình của hai ống dẫn trứng (nguyên vẹn cả hai, nguyên vẹn một bên, hay cả hai bên đều đã được thắt do yêu cầu của tình huống phẫu thuật), bạn nên biên thư hỏi cơ sở đã mổ cho bạn trước đây, bởi vì thế nào phẫu thuật viên cũng ghi chép chi tiết vào biên bản mổ. Nếu cả hai ống dẫn trứng đều được thắt, muốn có con, bạn phải xin làm kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh, là cơ sở đầu tiên của nước ta thực hiện thành công kỹ thuật này. Trường hợp của bạn thuận lợi vì nhiều khả năng người ta sẽ cấy phôi vào dạ con của bạn, không phải nhờ người mang thai giúp, vì bạn đang ở độ tuổi sinh sản.
380. U nang buồng trứng xoắn
“Chúng cháu cưới nhau đã gần hai năm và còn đang kế hoạch nên chưa có con. Khoảng năm sáu tháng nay, vợ cháu thỉnh thoảng bị đau bụng dưới. Đêm gần đây cô ấy đau bụng rất dữ, đến bệnh viện khám siêu âm thì bác sĩ cho biết bị u nang buồng trứng bên phải, kê đơn và hẹn tái khám. Chúng cháu không hiểu bệnh này có nguy hiểm lắm không, có phải phẫu thuật không, và có ảnh hưởng gì đến đường con cái?”.
Về hình thể, u nang buồng trứng có hai loại: có cuống và không cuống.
Trường hợp không cuống, u nang phát triển mà không gây đau, chỉ khi nào đủ lớn thì người bệnh mới cảm thấy tưng tức tại chỗ, bụng phía bên đó hơi to ra… Thậm chí có người mang một u nang chứa gần hai chục lít dịch mới chịu đi mổ.
Trường hợp có cuống thì trái lại, triệu chứng đau xuất hiện rất sớm, vì u nang dễ bị xoắn nhẹ (cuống càng dài càng dễ xoắn) và sau đó lại trở về vị trí cũ nên người bệnh đỡ đau hoặc hết đau. Nếu xoắn mạnh hơn, u nang sẽ không thể trở về vị trí ban đầu, và do không được máu tới nuôi dưỡng nên nếu không được mổ kịp thời, nó sẽ bị hoại tử và vỡ, gây viêm màng bụng. Do đó, khi thấy u nang buồng trứng gây đau, bác sĩ nghĩ ngay đến loại có cuống và khuyên nên mổ sớm. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đồng ý ngay, bởi vì họ còn rất trẻ, nhiều trường hợp chưa xây dựng gia đình, nên rất ngại ngùng, lo sợ cho hạnh phúc lứa đôi, cho việc sinh sản về sau.
Mổ cắt bỏ u nang buồng trứng có cuống trong điều kiện bình thường khá đơn giản, người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Nếu phải xén một phần hoặc cắt đi một buồng trứng, phần còn lại vẫn tiếp tục hoạt động bình thường và đảm bảo chức năng sinh sản. Còn mổ cấp cứu (khi đã có biến chứng) sẽ phức tạp, thậm chí nguy hiểm trước mắt (nhiễm khuẩn ổ bụng tiến triển sau mổ) và lâu dài về sau (dính ruột gây tắc ruột).
Vợ cháu cần được theo dõi sát để có thể tới bác sĩ kịp thời. Nên đến tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể có quyết định cần thiết. Trong thời gian này, không nên để vợ cháu đi về những vùng thiếu giao thông thuận lợi, sẽ khó đến bệnh viện đúng lúc.
381. Lao màng bụng
“Em trai tôi 28 tuổi, được bệnh viện chẩn đoán là lao màng bụng, cho chữa theo đơn, mỗi tháng tái khám một lần. Đã 2 tháng rồi mà bụng em vẫn còn lớn. Xin cho biết bệnh của em tôi như thế nào, sau 7 tháng nữa có khỏi không, đến bao giờ có thể cưới vợ, và lúc này có nên cho uống thêm thuốc ta không?”.
Lao màng bụng (có thể riêng rẽ hoặc xuất hiện cùng lúc với lao màng phổi và lao màng tim, gọi là viêm đa màng) có đặc điểm: màng bụng, dưới tác động của trực khuẩn Koch, tiết ra một chất dịch thanh tơ, màu vàng chanh (khi xét nghiệm dịch thấy phản ứng Rivalta dương tính).
Nếu được điều trị tốt, chủ yếu bằng thuốc chống lao và nâng cao đề kháng, thì trong trường hợp thuận lợi, bệnh sẽ thoát lui, dịch tiết ra được hấp thu hết, ổ bụng trở lại “khô ráo” bình thường sau một thời gian chừng 2-3 tháng.
Nếu sau thời gian đó mà dịch trong ổ bụng bớt ít hoặc vẫn như cũ, thậm chí nhiều thêm, thì tốt nhất là phẫu thuật mở ở bụng với mục đích dẫn lưu chất dịch. Cuộc mổ chóng vánh và không phức tạp. Ngày hôm sau, bệnh nhân đã có thể đi lại; sau 7 hôm, vết mổ khỏi, bụng trở nên bình thường, bệnh nhân ra viện, dùng tiếp thuốc chống lao theo đơn và định kỳ tái khám, chủ yếu là kiểm traường hợp em bạn, nếu chụp phim trong tư thế đứng thấy tim phổi bình thường thì đó là trường hợp lao màng bụng đơn thuần nhưng chậm thoái lui, có chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật hỗ trợ.
Trong thời gian chuẩn bị cho em đi chữa, có thể giúp em ngủ tốt hơn bằng cách cho ăn thêm ngó sen, củ sen, hạt sen, tâm sen, trái dâu tằm… (tránh lạm dụng thuốc ngủ); tăng cường trái cây, rau xanh… để giúp em ăn ngon miệng hơn.
Lao màng bụng không lây, cho nên người nhà có thể yên tâm chăm sóc hoặc gần gũi, động viên em.
Thời gian “7 tháng khỏi” mà bạn ao ước xem ra có thể đạt được nếu ta chọn phương pháp ngoại khoa nói trên và cùng ráng sức, nhất là bệnh nhân phải thật tin tưởng, lạc quan.
Còn bao giờ em bạn có thể cưới vợ thì xin nhường lời cho chú rể đúng vào thời điểm tuyệt vời đó.

Bình luận