Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 4

Tác giả: Jeffrey Archer

Anna chạy chậm dọc theo phố East 54, qua Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, vượt Đại lộ 6 trước khi rẽ phải vào Đại lộ 7. Cô hoàn toàn không để ý đến những cái mốc quen thuộc như tác phẩm điêu khắc mang tên Tình yêu ngự trị ở góc phố East 55, hay tòa nhà Carnegie khi cô vượt qua phố East 57. Phần lớn sự tập trung và sức lực của cô là để tránh va vào những người đi làm theo vé tháng khi họ đâm sầm vào cô hay cắt ngang đường cô bằng những bước chân vội vã. Đối với Anna, việc chạy chầm chậm tới công viên Central Park chỉ là bước khởi động để cho người ấm lên, và cô không khởi động chiếc đồng hồ bấm giờ trên cổ tay trái cho đến khi cô qua Artisar’s Gate và chạy vào trong công viên.

Khi đã ổn định tốc độ như mọi ngày, cô tập trung suy nghĩ vào cuộc hẹn với vị chủ tịch công ty vào lúc 8 giờ sáng hôm đó.

Anna đã từng cảm thấy ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi Bryce Fenston mời cô về làm việc tại công ty Fenston Finance chỉ vài ngày sau khi cô bị sa thải khỏi vị trí Phó phòng Ấn tượng của nhà đấu giá Sotheby.

Người chủ trước của cô đã gần như nói thẳng với Anna rằng cô không còn đường tiến ở hãng nữa khi cô đã nhận về mình cái tội đánh mất một khách hàng quan trọng và để việc bán đấu giá một bộ sưu tập lớn lọt sang tay đối thủ cạnh tranh của họ là nhà đấu giá Christie. Anna đã bỏ ra hàng tháng để thuyết phục, tán tỉnh, phỉnh phờ người khách hàng đặc biệt này để ông ta nhờ nhà đấu giá Sotheby đưa ra bán hộ mình bộ sưu tập của gia đình, và khi chia sẻ chuyện này với người tình, cô đã ngây thơ tin rằng anh ta sẽ giữ bí mật cho mình. Suy cho cùng, anh ta là một luật sư.

Khi tên vị khách hàng kia xuất hiện trên tờ Thời báo New York, Anna mất cả công việc lẫn người tình. Cũng chẳng có ích gì khi vài ngày sau, lại chính tờ báo này đưa tin rằng Tiến sỹ Anna Petrescu đã rời hãng Sotheby vì bị “chơi bẩn”, và nói thêm rằng chắc chắn cô sẽ có một công việc tốt ở hãng Christie nếu cô muốn. Bryce Fenston là người luôn có mặt tại tất cả các cuộc đấu giá lớn của phòng Ấn tượng, và chắc chắn là ông ta thấy rõ Anna luôn đứng trên chiếc bục cạnh người điều khiển đấu giá, ghi chép và làm công việc phát hiện người ra giá. Cô luôn bực mình khi nghe thấy ai đó bàn tán rằng sở dĩ cô được nhà đấu giá Sotheby thường xuyên đặt vào những vị trí nổi bật là vì cô xinh đẹp và có dáng thể thao chứ không phải vì cô được việc hơn người khác.

Anna nhìn đồng hồ khi khi cô chạy qua Playmates Arch: 2 phút 18 giây. Cô thường đặt ra mục tiêu kết thúc vòng chạy trong vòng 12 phút. Cô biết như thế là không nhanh, nhưng mỗi khi có ai đó vượt mình, cô vẫn cảm thấy bực, và thậm chí phát điên nếu đó là một phụ nữ. Anna về thứ 97 trong cuộc đua maratông ở New York hồi năm ngoái, vì vậy trên đường chạy ở công viên Central Park, ít có sinh vật hai chân nào có thể vượt được cô.

Những suy nghĩ của cô lúc này lại quay trở về với Bryce Fenston. Từ lâu trong giới nghệ thuật và ăn theo nghệ thuật – những nhà đầu giá, những phòng tranh và các nhà buôn – người ta đã biết rõ rằng Fenston đang sưu tầm tranh của các hoạ sỹ theo trường phái Ấn tượng, ông ta, cùng với Steve Wynn, Leonard Lauder, Anne Dias và Takashi Nakamura thường là những người tranh mua sau cùng mỗi khi có một bức tranh nào đó của trường phái này được đem ra đấu giá. Với những nhà sưu tầm như vậy, thứ ban đầu chỉ là một sở thích vô hại sẽ nhanh chóng trở thành một chứng nghiện, ngày càng nặng giống như nghiện ma tuý. Với Fenston, người sở hữu những mẫu tranh của mọi hoạ sỹ thuộc trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng trừ Van Gogh, thậm chí ý nghĩ về việc sẽ được sở hữu một tác phẩm của hoạ sỹ bậc thầy người Hà Lan này cũng giống như được tiêm một liều hêrôin, và một khi đã mua được tác phẩm mà mình đang khao khát, ông ta lại khao khát một tác phẩm mới, giống như một con nghiện dật dờ đi tìm kẻ cung cấp ma tuý để cắt cơn. Anna Petrescu là người có thể cắt cơn cho ông ta.

Khi Fenston đọc được trên tờ Thời báo New York rằng Anna bị sa thải khỏi nhà đấu giá Sotheby, ngay lập tức ông ta đề nghị cô về làm việc cho mình với một mức lương thể hiện mức độ nghiêm túc của ông ta trong công việc xây dựng bộ sưu tập của mình. Anna đi đến quyết định nhận lời mời của ông ta khi cô biết thêm rằng Fenston vốn là người gốc Rumania giống cô, và cũng giống như cô, đã chạy trốn khỏi chế độ Ceausescu và xin tị nạn tại Mỹ.

Chỉ vài ngày sau khi Anna về làm việc tại ngân hàng của ông ta, Fenston đã tìm cách thử thách kiến thức nhà nghề của cô. Phần lớn những câu hỏi mà ông ta đặt ra tại cuộc gặp đầu tiên của hai người trong bữa ăn trưa đều liên quan tới những bộ sưu tập lớn đang còn trong tay những gia đình thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba. Sau sáu năm làm việc tại Sotheby, hầu như không có bức tranh nào của các hoạ sỹ Ấn tượng được đem ra bán mà không qua tay Anna, hoặc ít nhất cũng phải qua mắt cô và nằm trong kho dữ liệu của cô.

Một trong những bài học đầu tiên mà Anna tiếp thu được sau khi vào làm cho Sotheby là tiền cũ thường là người bán và tiền mới thường là người mua, đó là lý do tại sao cô tiếp xúc với Phu nhân Victoria, con gái của Bá tước xứ Wentworth, đệ thất-tiền cũ, rất cũ-thay mặt cho Bryce Fenston-tiền mới, rất mới.

Anna cảm thấy ngạc nhiên trước việc Fenston luôn bị ám ảnh bởi những bộ sưu tập của người khác, cho đến khi cô phát hiện ra rằng chính sách của công ty là chấp nhận tài sản thế chấp bằng các tác phẩm nghệ thuật khi cho vay những khoản tiền lớn. Ít có ngân hàng nào chấp nhận “nghệ thuật”, dù là dưới hình thức nào, làm tài sản thế chấp. Bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí nữ trang đều được, nhưng hiếm khi là nghệ thuật. Các chủ ngân hàng không hiểu gì về thị trường tranh và rất ngại nhận những tác phẩm nghệ thuật, vì việc cất giữ, bảo vệ và thường là phải đem bán những bức tranh ấy vừa tốn kém thời gian vừa không mang tính thực tế. Fenston Finance là một ngoại lệ hiếm hoi. Chẳng cần phải mất nhiều thời gian để Anna phát hiện ra rằng Fenston thực tế không có tình yêu đích thực dành cho nghệ thuật, và cũng không hiểu gì về nghệ thuật, ông ta là hình mẫu để Oscar Wilde đưa ra câu cách ngôn: Người biết giá cả của mọi thứ là người chẳng biết giá trị của bất cứ thứ gì. Nhưng phải mất nhiều thời gian Anna mới khám phá ra mục tiêu đích thực của ông ta.

***

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của cô là bắt tàu thủy sang Anh quốc để thẩm định giá trị gia sản của Phu nhân Victoria Wentworth, một khách hàng tiềm năng, người vừa xin vay một khoản tiền lớn từ công ty tài chính Fenston Finance. Bộ sưu tập tranh ở Lâu đài Wentworth hoá ra có rất nhiều tranh của các hoạ sỹ người Anh, bắt đầu được sưu tập từ đời Bá tước Wentworth đệ nhị. Ông ta là một nhà quý tộc lập dị rất giàu có, có khiếu nghệ thuật đủ để các thế hệ sau trong dòng họ này gọi ông ta là một hoạ sỹ nghiệp dư thiên tài. Trong đời mình, ông ta đã sưu tầm tranh của nhiều hoạ sỹ nổi tiếng như Romney, West, Constable, Stubb và Morland, cùng một tác phẩm kiệt xuất của Turner, bức Hoàng hôn ở Plymouth.

Bá tước đệ tam chẳng quan tâm gì tới nghệ thuật, và để cho bụi phủ kín bộ sưu tập cho đến khi con trai của ông ta, Bá tước đệ tứ, thừa kế gia tài và cùng gia tài ấy là con mắt nghệ thuật của ông mình.

Jamie Wentworth bỏ ra gần một năm để thực hiện một cái gọi là Chuyến đi Vĩ đại. Ông ta tới Paris, Amsterdam, Rome, Florence, Venice và St Petersburg trước khi quay trở lại Lâu đài Wentworth cùng với những bức tranh của Raphael, Tintoretto, Titian, Rubens, Holbein và Van Dyck, đấy là chưa kể đến một cô vợ người Ý. Tuy nhiên, Bá tước đệ ngũ, Charles Wentworth, mới là một tay chơi đích thực, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông ta không chỉ sưu tầm tranh mà còn sưu tầm cả gái. Trong một lần vui chơi ở Paris-chủ yếu là ở trường đua tại Longchamp, nhưng cũng có những lúc ở trên một chiếc giường tại khách sạn Crillon-cô bồ non của ông bá tước thuyết phục ông ta mua một bức tranh của một hoạ sỹ không tên tuổi tại chỗ ông bác sỹ của mình. Charles quay trở về Anh sau khi đã vứt bỏ cô nhân tình nhưng không quên bức tranh đó.

Ông ta gần như lãng quên nó trong phòng ngủ dành cho khách, dù ngày nay những phần lớn những người yêu thích tranh đều đánh giá bức Chân dung người cụt tai là một trong những kiệt tác của Van Gogh.

Anna đã nói với Fenston là phải hết sức thận trọng khi mua một tác phẩm nào đó của Van Gogh, bởi vì chuyện gian lận trong nghề này còn nhiều hơn chuyện gian lận trong giới chủ nhà băng-một lối nói nhiều ẩn ý mà Fenston chẳng thèm quan tâm. Cô nói với ông ta rằng có rất nhiều tranh giả được treo ở các phòng trưng bày tư nhân hoặc trong các bộ sưu tập cá nhân, thậm chí ở cả một vài bảo tàng lớn, kể cả bảo tàng quốc gia Oslo. Tuy nhiên, sau khi Anna xem xét kỹ những tài liệu liên quan đến bức Chân dung của Van Gogh, trong đó có một bức thư của Tiến sỹ Gachet có nhắc đến Charles Wentworth, một tấm biên lai cho khoản tiền 800 phờrăng từ vụ mua bán ngày xưa, một giấy chứng thực của Louis van Tilborgh, người phụ trách phòng tranh ở Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam, cô cảm thấy đủ tự tin để nói với vị chủ tịch rằng bức tranh ấy đích thực là do bàn tay của vị hoạ sỹ thiên tài vẽ nên.

Với những người nghiện tranh Van Gogh, bức Chân dung người cụt tai là đỉnh cao mơ ước của họ. Dù bậc thầy hội hoạ này vẽ tới 35 bức chân dung trong suốt cuộc đời mình, chỉ có hai bức là được vẽ sau khi ông cắt tai trái của mình. Điều khiến các nhà sưu tập đều khao khát có được tác phẩm này là ở chỗ tác phẩm còn lại đang nằm ở Viện Courtauld ở London. Anna ngày càng lo lắng về mức độ nghiêm túc của Fenston trong việc giành bằng được bức tranh này.

Anna đã có 10 ngày vui vẻ ở Lâu đài Wentworth. Trong thời gian đó, cô lập danh mục và thẩm định giá trị của từng bức tranh trong bộ sưu tập. Khi quay trở lại New York, cô đã nói với ban giám đốc-chủ yếu gồm toàn bạn chí thân của Fenston hoặc các chính trị gia có quan hệ thân tình với ông ta-rằng bộ sưu tập đó thừa đủ để thế chấp cho một khoản vay trị giá 30 triệu đôla.

Cho dù Anna không quan tâm tới lý do tại sao Victoria Wentworth lại cần vay một khoản tiền lớn như vậy, cô thường nghe Victoria nói về nỗi đau buồn của mình trước cái chết yểu của người cha, sự từ chức của viên quản lý và nhiều chuyện khác. “Giá mà Arabella sinh trước mấy phút có phải là tốt hơn không…” là câu nói mà Anna nghe thấy nhiều nhất trong mười ngày cô sống ở Lâu đài Victoria Wentworth.

Trở về New York, Anna vẫn có thể nói rõ đến từng chi tiết của mỗi bức tranh trong bộ sưu tập mà không cần phải nhìn vào bất cứ tài liệu nào. Một khả năng thiên bẩm giúp cô luôn nổi bật so với chúng bạn tại đại học Penn và các đồng nghiệp tại nhà đấu giá Sotheby là trí nhớ kiểu đồ hoạ của cô. Một khi đã nhìn thấy một bức tranh nào đó, cô sẽ không bao giờ quên những hình ảnh được thể hiện trong tranh cũng như vị trí và lai lịch của nó. Vào các ngày chủ nhật thư nhàn, cô lại đem tài năng của mình ra thử bằng việc tới thăm một phòng tranh mới hay đảo qua các bảo tàng.

Khi trở về căn hộ của mình, cô sẽ viết lại tên của tất cả những bức tranh mà cô đã ngắm, trước khi kiểm tra lại trong các cuốn catalog. Kể từ khi tốt nghiệp đại học, Anna đã bổ sung bảo tàng Louvre, bảo tàng Prado, bảo tàng Uffizi, Phòng tranh Quốc gia ở Washington, bộ sưu tập Phillips và bảo tàng Getty vào ngân hàng trí nhớ của mình. Ba mươi bảy bộ sưu tập cá nhân và vô vàn các cuốn catalog cũng được lưu trữ trong đầu cô, và đó chính là thứ tài sản mà vì nó Fenston sẵn sàng trả cô một khoản tiền lương trên cả hậu hĩnh.

Trách nhiệm của Anna không vượt quá việc kiểm định giá trị các bộ sưu tập cá nhân của các khách hàng tiềm năng và viết báo cáo gửi lên ban giám đốc. Cô không bao giờ liên quan đến việc soạn thảo bất cứ một hợp đồng nào. Tất cả chuyện đó được giao vào tay một người duy nhất là Karl Leapman. Tuy nhiên, Victoria đã tiết lộ với cô rằng ngân hàng Fenston Finance bắt bà ta phải trả một khoản lãi kép là 16 phần trăm một năm. Anna nhanh chóng nhận ra rằng nợ nần, sự cả tin, sự ngây thơ và sự non nớt trong lĩnh vực tài chính của người khác là môi trường sống của Fenston Finance. Đây là một ngân hàng chỉ mong cho khách hàng của mình không trả được nợ. Anna chạy những bước dài hơn khi qua khu đu quay. Cô liếc nhìn đồng hồ – quá 12 giây. Cô chau mày, nhưng ít nhất thì cũng không có ai vượt cô. Những suy nghĩ của cô lại quay trở về với bộ sưu tập của gia đình Wentworth, và kiến nghị mà cô sẽ đưa ra với vị chủ tịch vào sáng hôm đó. Anna đã quyết định là sẽ từ chức nếu vị chủ tịch cảm thấy không thể chấp nhận lời khuyên của cô, bất chấp việc cô nhận thấy mình không hề muốn quay trở lại làm việc cho Sotheby hay đầu quân cho Christie sau khi đã từng làm việc cho Fenston Finance.

Trong suốt gần một năm làm việc cho công ty của Fenston, cô đã học được cách sống chung với thói tự phụ của ông ta, thậm chí đã quen với những cơn giận dữ bất thường của con người đó, nhưng cô không thể tha thứ cho việc lừa dối khách hàng, đặc biệt là những khách hàng ngây thơ như Phu nhân Wentworth. Rời bỏ Fenston Finance sau một thời gian làm việc ngắn như vậy không tốt cho lý lịch của cô, nhưng một cuộc điều tra gian lận hẳn sẽ tồi tệ hơn nhiều.

Bình luận