Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 26

Tác giả: Jeffrey Archer

“Tạm biệt Sam”, Jack nói, vừa lúc chiếc điện thoại cầm tay của anh bắt đầu chơi bản “Danny Boy”. Anh cứ để mặc chuông điện thoại rung cho đến khi anh đã quay trở ra phố East 54 bởi vì anh không muốn Sam nghe được nội dung cuộc nói chuyện của mình. Vừa bước về phía đại lộ Số Năm, anh vừa bấm cái nút màu xanh trên điện thoại. “Anh có gì cho tôi vậy, Joe?”

“Petrescu hạ cánh xuống sân bay Gatwick”, Joe nói. “Cô ta thuê một chiếc xe và lái thẳng đến Lâu đài Wentworth”.

“Cô ta ở đó bao lâu?”

“Ba mươi phút, không hơn. Khi ra khỏi lâu đài, cô ta rẽ vào một quán rượu gần đấy để gọi điện thoại trước khi lái xe tới Heathrow, tại đó cô ta đã tìm gặp Ruth Parish tại văn phòng của bà ta ở công ty Art Locations”. Jack không ngắt lời anh ta. “Vào lúc khoảng bốn giờ, một chiếc xe tải của hãng Sotheby xuất hiện, nhận một chiếc thùng màu đỏ-”

“Kích thước?”

“Một chiều ba bộ, một chiều hai bộ, khoảng thế”.

“Chẳng cần phải nghĩ cũng biết trong đó là cái gì”, Jack nói. “Chiếc xe tải đi tới đâu?”

“Họ đưa bức tranh tới văn phòng Cánh Tây của hãng Sotheby”.

“Còn Petrescu?”

“Cô ta cùng đi với họ. Khi chiếc xe tải đến phố Bond, hai nhân viên bốc vác đưa chiếc thùng xuống và cô ta theo họ vào trong”.

“Bao lâu sau thì cô ta quay ra?”

“Hai mươi phút, và lần này cô ta đi một mình, vác theo chiếc thùng màu đỏ. Cô ta vẫy một chiếc tắc xi, cho chiếc thùng lên xe và biến mất”.

“Biến mất?” Jack hỏi giật giọng. “Anh nói gì, biến đi đâu?”

“Chúng tôi không có nhiều nhân viên”, Joe nói. “Phần lớn người của chúng tôi lúc này đang phải làm việc suốt ngày đêm để xác định các nhóm khủng bố có liên quan đến vụ khủng bố hôm thứ Ba”.

“Đã hiểu”, Jack dịu giọng nói.

“Nhưng vài giờ sau đó, chúng tôi đã phát hiện ra cô ta đang ở đâu”.

“Ở đâu?” Jack hỏi.

“Sân bay Gatwick. Anh đừng quên”, Joe nói, “là một phụ nữ trẻ đẹp mang theo một chiếc thùng màu đỏ thì không thể lẫn vào đâu được trong đám đông”.

“Nhưng ai chứ đặc vụ Roberts thì vẫn có thể không phát hiện ra”, Jack vừa nói vừa vẫy một chiếc tắc xi. “Đặc vụ Roberts à?” Joe hỏi.

“Để khi khác đi”, Jack vừa nói vừa trèo lên ghế sau xe tắc xi. “Vậy lần này cô ta đi đâu?”

“Bucharest”.

“Tại sao cô ta lại đưa bức tranh vô giá ấy đến Bucharest?” Jack hỏi. “Theo lệnh của Fenston, tôi cá đấy”, Joe nói. “Suy cho cùng, đó là thành phố quê hương của ông ta và cả của cô ta nữa, theo tôi thì không có chỗ nào tốt hơn để giấu bức tranh”.

“Vậy thì phái Leapman đến London để làm gì nếu không phải là để lấy bức tranh?”

“Nghi binh thôi”, Joe nói, “và điều đó cũng giải thích tại sao Fenston lại tham dự lễ tang của Anna Petrescu khi ông ta biết rõ cô ta vẫn còn sống và đang làm việc cho mình”.

“Còn một cách giải thích khác mà chúng ta phải cân nhắc”, Jack nói.

“Gì vậy, sếp?”

“Có thể cô ta không làm việc cho Fenston nữa và cố ý ăn cắp bức tranh”.

“Tại sao cô ta lại liều như vậy”, Joe nói, “trong khi cô ta biết là Fenston sẽ truy tìm cô ta bằng được?”

“Tôi không biết, nhưng chỉ có một cách để khám phá chuyện này”. Jack bấm nút màu đỏ trên điện thoại, và đưa cho tài xế tắc xi một địa chỉ ở West Side.

Fenston tắt chiếc máy ghi âm và cau mày. Cả hai người bọn họ đều đã nghe cuộn băng này đến lần thứ ba. “Khi nào thì ngài đuổi cổ con chó cái ấy đi?” Leapman hỏi.

“Chưa, khi mà cô ta là người duy nhất có thể dẫn chúng ta đến chỗ bức tranh”, Fenston đáp.

Leapman nhăn mặt. “Và ngài có nghe thấy từ quan trọng nhất trong cuộc nói chuyện của chúng không?” ông ta hỏi. Fenston nhướng mày. “Đi”, Leapman nói. Fenston vẫn không nói gì. “Nếu cô ta dùng từ về, “tôi đang về”, thì chắc chắn đích đến của cô ta là New York”.

“Nhưng cô ta lại dùng từ đi”, Fenston nói, “vậy thì cô ta đi Bucharest”.

***

Jack ngồi ngả người trên ghế tắc xi và cố phán đoán xem bước đi tiếp theo của Petrescu sẽ là gì. Anh vẫn chưa biết nên xếp Anna vào hàng tội phạm chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Và Tina Forster đóng vai trò gì trong phương trình này? Liệu có khả năng cả Fenston, Leapman, Petrescu và Forster đều làm việc cùng nhau? Nếu thế, tại sao Leapman chỉ ở lại London vài giờ rồi vội vàng trở lại New York? Bởi vì chắc chắn ông ta không gặp Petrescu và không đưa được bức tranh sang New York. Nhưng nếu Petrescu hành động một mình, cô ta chắc chắn phải biết rằng việc Fenston bắt được mình chỉ là vấn đề thời gian. Dù rằng Jack phải thừa nhận là Petrescu hiện giờ đang sống trên đất của mình, và có vẻ như cô ta không đánh giá hết những mối nguy hiểm đang chờ cô ta.

Nhưng Jack vẫn băn khoăn không hiểu tại sao Petrescu lại đi đánh cắp một bức tranh trị giá hàng chục triệu đôla, trong khi hơn ai hết cô ta phải biết rằng cô ta sẽ không thể bán được bức tranh ấy mà không bị phát hiện. Thế giới nghệ thuật quá bé nhỏ và số người có đủ tiền để mua bức tranh đó còn bé nhỏ hơn. Và cho dù cô ta có thành công đi chăng nữa, cô ta sẽ làm gì với khoản tiền khổng lồ thu được? FBI sẽ lần ra nguồn gốc của những khoản tiền lớn như vậy chỉ trong vài giờ, cho dù cô ta gửi ở đâu, đặc biệt là sau những gì xảy ra vào hôm thứ Ba. Hoàn toàn vô lý. Trong khi chiếc tắc xi đang chạy vào công viên Central Park, Jack cố tìm ra một lô gíc hợp lý cho tất cả những gì vừa diễn ra trong mấy ngày qua. Sau vụ 11/9, anh tưởng mình sẽ được rút ra khỏi vụ này, nhưng Macy nói rằng không nhất thiết phải tung mọi nhân viên vào việc truy lùng bọn khủng bố và nương tay với các tội ác khác.

Việc xin trát khám nhà Anna trong khi cô ta vẫn còn trong danh sách những người mất tích không có gì khó khăn đối với Jack. Suy cho cùng, người thân và bạn bè cần phải được liên lạc để xem họ có biết tin gì về cô ta không. Và rồi còn một khả năng nữa, Jack lập luận với bên tòa án, là cô ta đã nhốt mình trong nhà vì bị sốc. Tòa đã ký lệnh khám nhà cô ta mà không vặn vẹo gì thêm.

Sam bật khóc ngay khi vừa nghe nhắc đến tên Anna. Ông già nói với Jack rằng ông ta sẽ làm bất cứ chuyện gì nếu cần để giúp đỡ anh. Ông già đưa anh lên phòng Anna và thậm chí còn mở cửa cho anh.

Jack bước quanh căn hộ nhỏ và gọn gàng của Anna trong khi ông già chờ ngoài hành lang. Anh chẳng biết được gì thêm ngoài những gì anh đã biết. Một cuốn sổ ghi chép cho anh biết số điện thoại của bác cô ta tại Danville, Illinois, và một chiếc phong bì cho anh biết địa chỉ của mẹ cô ta tại Bucharest. Có lẽ điều ngạc nhiên duy nhất là một bức tranh của Picasso, có chữ ký bằng bút chì của chính hoạ sỹ, treo ngoài phòng khách. Anh nhìn kỹ hình đấu sỹ và con bò tót trong tranh, rõ ràng là tranh vẽ. Anh không nghĩ là cô ta đã ăn cắp bức tranh để treo nó trong phòng khách cho mọi người chiêm ngưỡng. Hay đây là phần thưởng mà Fenston dành cho cô ta vì đã giúp ông ta đoạt được bức Van Gogh? Nếu đúng là như vậy thì chuyện này có thể phần nào giải thích việc cô ta đang làm. Rồi anh bước vào phòng ngủ và tìm thấy chứng cứ khẳng định việc Tina đã có mặt trong căn phòng này vào buổi tối hôm 11/9. Bên cạnh giường ngủ của Anna có một chiếc đồng hồ. Jack kiểm tra kim đồng hồ: 8.46.

Jack trở ra phòng khách và nhìn qua tấm ảnh đặt ở góc bàn làm việc.

Chắc hẳn đó là cha mẹ của cô ta.

Anh mở ngăn kéo ra, và tìm thấy một tệp thư mà anh chẳng thể đọc. Phần lớn các bức thư đều được ký “Mama”, cho dù có một vài bức được ký bởi do ai đó có tên là Anton. Jack băn khoăn không hiểu người này là bà con hay là bạn bè. Anh nhìn lại tấm ảnh và bỗng nghĩ rằng nếu mẹ anh trông thấy tấm ảnh này, chắc hẳn bà sẽ mời Anna tới để nếm thử món hầm kiểu Ailen của bà.

“Chết tiệt”, Jack nói to đến nỗi người tài xế tắc xi hỏi anh, “Có chuyện gì vậy?”

“Tôi quên không gọi điện cho mẹ tôi”.

“Thế thì anh gặp rắc rối to rồi”, người lái xe nói, “tôi hiểu điều đó, vì tôi cũng là người Ailen”.

Cha của Jack luôn muốn anh trở thành một luật sư và cả cha lẫn mẹ anh đều hy sinh tất cả để cố biến mơ ước ấy thành hiện thực. Sau 26 năm làm việc cho NYPD, cha của Jack đi đến kết luận là chỉ có luật sư và tội phạm là những người có thể kiếm lời từ tội ác, vì vậy ông cụ nghĩ rằng con trai của mình cần phải có sự lựa chọn khôn ngoan hơn mình.

Phớt lờ lời khuyên của cha, Jack đầu quân cho FBI chỉ vài ngày sau khi anh tốt nghiệp đại học Colombia với tấm bằng cử nhân luật. Cha anh vẫn không ngớt phàn nàn về việc anh đã không nghe lời ông, còn mẹ anh thì lúc nào cũng hỏi khi nào anh cho bà được bế cháu.

Jack rất yêu thích công việc của mình, từ những giây phút đầu tiên khi anh được đưa tới Quantico để huấn luyện, tới khi được điều đến chi nhánh ở New York, rồi được đề bạt làm Sỹ quan Điều tra Cao cấp.

Dường như anh là người duy nhất cảm thấy ngạc nhiên khi mình được đề bạt nhanh hơn những người cùng trang lứa. Thậm chí cha anh cũng chúc mừng anh, trước khi ông nói thêm, “Điều này chứng minh rằng nếu con theo nghề luật sư thì sẽ thành công tới cỡ nào”.

Macy cũng đã tỏ ý là ông ta hy vọng rằng Jack sẽ ngồi vào vị trí của ông ta khi ông ta được điều trở lại Washington. Nhưng trước khi điều đó có thể xảy ra, Jack phải đưa được tên tội phạm nguy hiểm này vào tù đã. Và cho tới lúc này, Jack phải thừa nhận rằng anh hầu như chưa chạm được vào Bryce Fenston, và đang phải dựa vào một đấu sỹ nghiệp dư với hy vọng sẽ giáng cho ông ta một quả nốc ao.

Anh dừng dòng suy nghĩ miên man lại, và bấm điện thoại gọi cho thư ký của mình.

“Sally, đặt cho tôi một chỗ trên chuyến bay đầu tiên tới London, và tiếp theo là từ London đi Bucharest. Tôi đang trên đường về nhà để chuẩn bị mọi thứ”.

“Tôi phải báo cho anh biết là”, cô thư ký của Jack nói, “JFK đã chật cứng chỗ cho đến hết tuần tới”.

“Sally, hãy bằng cách nào đó hãy kiếm cho tôi một chỗ, dù ngồi cạnh phi công cũng được”.

Luật lệ rất đơn giản. Mỗi ngày Krantz lại ăn cắp một chiếc điện thoại cầm tay. Cô ta chỉ gọi cho Fenston một lần, và sau đó vứt điện thoại đi. Như thế thì không ai có thể dò ra cô ta. Fenston đang ngồi bên bàn làm việc của mình thì tín hiệu màu đỏ bật sáng trên đường dây điện thoại riêng của ông ta. Chỉ một người duy nhất biết số điện thoại này. Ông ta cầm ống nghe lên.

“Cô ta ở đâu?”

“Bucharest”, câu trả lời chỉ có thế và Fenston gác máy.

Krantz vứt chiếc điện thoại cầm tay xuống sông Thames và vẫy một chiếc tắc xi.

“Gatwick”.

Khi Jack bước xuống cầu thang máy bay, anh không ngạc nhiên khi thấy Tom Crasanti đang đứng chờ mình trên đường băng. Một chiếc xe đỗ phía sau người bạn cũ của anh, máy vẫn đang nổ và cửa sau xe đã được một đặc vụ khác mở sẵn.

Không ai nói gì cho đến khi cửa xe đã được đóng lại và chiếc xe đã lăn bánh trên đường.

“Petrescu ở đâu?” là câu hỏi đầu tiên của Jack.

“Cô ta đã hạ cánh xuống Bucharest”.

“Còn bức tranh?”

“Cô ta đưa qua cửa Hải quan trong một chiếc xe đẩy”, Tom nói.

“Cô ta có phong cách độc đáo đấy”.

“Đúng thế”, Tom nói, “nhưng hình như cô ta không biết điều gì đang chờ mình”.

“Tôi nghĩ là cô ta sẽ hiểu ra”, Jack nói, “bởi vì có một điều chắc chắn là nếu cô ta đánh cắp bức tranh, tôi sẽ không phải là người duy nhất truy lùng cô ta”.

“Vậy thì anh cũng phải theo dõi cả những kẻ đang truy lùng cô ta nữa”, Tom nói.

“Cậu nói đúng”, Jack nói, “và vì thế tôi phải tới được Bucharest trước khi cô ta đi tới cái đích tiếp theo của mình”.

“Vậy thì không còn thời gian để lãng phí nữa”, Tom nói, “chúng tôi đã cho một máy bay chờ sẵn để đưa anh tới Gatwick và họ sẽ hoãn chuyến bay tới Bucharest trong ba mươi phút”.

“Làm thế nào mà anh xoay xở được như thế?” Jack hỏi.

“Chiếc máy bay là của chúng ta, còn việc hoãn giờ bay thì phải nhờ họ. Ngài đại sứ đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao. Tôi không biết ông ấy nói gì”, Tom thừa nhận, cùng lúc đó họ dừng lại cạnh chiếc máy bay trực thăng, “nhưng anh chỉ có ba mươi phút”.

“Cám ơn vì tất cả”, Jack vừa nói vừa xuống xe và bắt đầu bước về phía chiếc máy bay trực thăng.

“Và đừng có quên là”, Tom nói to trong tiếng quay vù vù của cánh quạt, “chúng ta không có cơ quan đại diện chính thức ở Bucharest, vì vậy anh phải tự mình xoay xở mọi chuyện”.

Bình luận