Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Chương 19: Chỉ một ngày hạnh phúc

Tác giả: Lucy Maud Montgomery

“Xét cho cùng,” có lần Anne nói với bà Marilla, “cháu tin rằng những ngày tươi đẹp và ngọt ngào nhất không phải là ngày diễn ra những việc vĩ đại, phi thường hay hứng khởi, mà chỉ là ngày đem lại những niềm vui nho nhỏ giản dị nối tiếp nhau, cứ như những viên ngọc trai trượt khỏi dây đeo vậy.”

Cuộc sống ở Chái Nhà Xanh tràn ngập những ngày như thế, vì các cuộc phiêu lưu và sự cố không mong muốn của Anne, cũng như những người khác, không xảy ra cùng lúc mà rải rác suốt năm, ở giữa là những ngày hạnh phúc vô hại kéo dài, tràn đầy công việc, ước mơ, tiếng cười và những bài học quý giá. Một ngày như thế bắt đầu vào cuối tháng Tám.

Buổi sáng, Anne và Diana chèo thuyền đưa hai đứa trẻ sinh đôi háo hức đến bãi cát để hái “cỏ ngọt” và lướt trên đầu những ngọn sóng, gió vi vút một khúc nhạc cổ xưa học được khi thế giới này còn ở thời tuổi trẻ.

Buổi trưa, Anne đi xuống nhà cô Irving để gặp Paul. Cô thấy cậu bé đang nằm dài trên bờ cỏ cạnh khu rừng linh sam rậm rạp che chắn phía Bắc căn nhà, chìm đắm trong một quyển truyện cổ tích. Cậu bé đứng dậy, hớn hở ra mặt khi nhìn thấy cô.

“Ôi, em rất vui vì cô đã đến, cô giáo ạ,” cậu nhiệt tình chào đón, “Vì bà nội không có nhà. Cô sẽ ở lại dùng trà với em nhé, được không cô? Dùng trà một mình thì cô đơn lắm. Cô biết mà, cô giáo. Em đã nghiêm túc định bảo chị Mary Joe ngồi dùng trà với em, nhưng em cho là bà nội sẽ không ưng. Bà nói là phải đặt bọn người Pháp vào đúng chỗ. Với cả dù sao cũng thật khó mà trò chuyện với Mary Joe. Chị ta cứ cười mà nói, ‘ồ, cậu kác ẳn nững đứa trẻ mà tôi bít.’ Đó không phải cuộc đối thoại mà em muốn.”

“Đương nhiên là cô sẽ ở lại dùng trà,” Anne vui vẻ đáp. “Cô đang mòn mỏi chờ lời mời của em đây. Cô đã ứa nước miếng thèm món bánh bơ giòn ngon tuyệt kể từ lần trước dùng trà ở đây.”

Paul lộ vẻ trầm tư.

“Nếu em có quyền quyết định, cô giáo ạ,” cậu đứng trước mặt Anne, tay đút túi và khuôn mặt đẹp trai bé bỏng đột nhiên bị nỗi lo lắng che phủ, “cô muốn ăn bánh bơ giòn bao nhiêu tùy thích. Nhưng tất cả phụ thuộc vào Mary Joe. Em nghe bà nội dặn chị ta trước khi đi rằng chị ta không được cho em ăn bánh bơ giòn vì nó không tốt cho bao tử của các bé trai. Nhưng có thể Mary Joe sẽ lấy một ít cho cô nếu em hứa là em sẽ không đụng tới. Hãy hy vọng vào điều tốt nhất thôi.”

“Ừ, cứ vậy đi,” Anne đồng ý, cô rất hợp với tư tưởng lạc quan này, “và nếu Mary Joe cứng rắn không cho cô ăn bánh bơ giòn thì cũng chẳng sao, nên em không cần phải lo đâu.”

“Cô chắc là cô không sao nếu chị ta không đem bánh ra chứ?” Paul lo lắng hỏi lại.

“Trăm phần trăm, bé cưng ạ.”

“Vậy thì em sẽ không lo lắng nữa,” Paul thở dài nhẹnhõm, “nhất là vì em nghĩ Mary Joe sẽ nghe theo lẽ phải thôi. Chị ta không phải là một người vô lý bẩm sinh, nhưng chị ta đã có kinh nghiệm xương máu rằng không nên cãi lời bà nội. Bà nội rất tuyệt nhưng mọi người phải nghe theo lời bà. Bà rất hài lòng với em sáng nay vì cuối cùng em đã ăn sạch đĩa cháo. Phải nỗ lực dữ lắm nhưng mà em đã thành công. Bà nội nói coi bộ có thể biến em thành một người đàn ông chân chính được. Nhưng cô giáo ơi, em muốn hỏi cô một câu hết sức quan trọng. Cô sẽ trả lời thực cho em chứ, phải không cô?”

“Cô sẽ cố gắng,” Anne hứa.

“Cô có nghĩ thần kinh của em có vấn đê không?” Paul hỏi với vẻ nghiêm túc cứ như sự tồn tại của cậu được quyết định bởi câu trả lời của Anne.

“Trời ơi, không đâu Paul,” Anne kêu lên ngạc nhiên. “Đương nhiên là em bình thường rồi. Ai khiến em có ý nghĩ như thế?”

“Mary Joe… nhưng chị ta không biết là em nghe thấy. Cô gái giúp việc cho bà Peter Sloane, Veronica, đến thăm Mary Joe chiều hôm trước và em nghe họ nói chuyện trong bếp khi em đi qua hành lang. Em nghe Mary Joe nói, ‘Cậu Paul đó, cậu ta là một cậu pé kìa lạ. Cậu ta nói năng ết sứt kìa lạ. Tôi ngĩ tần kin cậu ta có vấn đề.’ Suốt đêm qua em không ngủ được, em cứ nghĩ về điều đó và tự hỏi liệu Mary Joe có đúng không. Em không dám hỏi bà nhưng em quyết định sẽ hỏi cô. Em rất mừng khi cô nghĩ là thần kinh em vẫn ổn.”

“Đương nhiên là vậy rồi. Mary Joe là một cô gái ít học ngớ ngẩn, em không bao giờ cần quan tâm đến những điều cô ta nói đâu,” Anne phẫn nộ thốt, thầm quyết định sẽ khéo léo nhắc nhở bà Irving rằng cần ghìm bởi cái lưỡi nhiều chuyện của Mary Joe.

“Ôi, thế là nhẹ cả người,” Paul nói. “Giờ em hoàn toàn vui sướng rồi, cô giáo à, nhờ cô đó. Có gì đó không ổn trong thần kinh của mình thì thật chẳng hay ho, phải không cô? Em cho là Mary Joe tưởng em như vậy là vì thỉnh thoảng em kể cho chị ta nghe suy nghĩ của em về sự vật.”

“Đó là một hành động mạo hiểm đấy,” Anne công nhận, dựa vào kinh nghiệm của chính mình.

“Ồ, lát nữa em sẽ kể cho cô những suy nghĩ em đã nói với Mary Joef và cô hãy tự quyết định xem có gì kỳ quặc không nhé,” Paul nói, “nhưng em phải đợi đến lúc trời sập tối đã. Đó là lúc em khao khát muốn nói chuyện với người khác nhất, và khi không có ai ở cạnh bên, em phải nói với Mary Joe. Nhưng sau này em sẽ không làm vậy nữa, nếu điều đó làm chị ta cho rằng thần kinh em có vấn đê. Em khao khát nhưng sẽ cố nén.”

“Và nếu nỗi khao khát quá trào dâng, em có thể đến Chái Nhà Xanh kể cho cô nghe suy nghĩ của mình,” Anne đề nghị với vẻ nghiêm túc khiến cô trở nên hết sức gần gũi với trẻ em, vì những đứa trẻ lúc nào cũng thích được coi trọng cả.

“Vâng, em sẽ làm vậy. Nhưng em hy vọng Davy không có đó khi em tới, vì nó cứ nhăn mặt dọa em. Em không bực lắm vì nó còn bé tí mà em đã khá lớn rồi, nhưng bị nhăn mặt dọa thì chẳng dễ chịu tí nào. Với cả Davy nhăn mặt nhìn khủng khiếp lắm. Thỉnh thoảng em sợ mặt nó không trở về bình thường được mất. Nó làm mặt quỷ dọa em trong nhà thờ, khi lẽ ra em nên nghĩ đến những điều thiêng liêng. Nhưng Dora thích em, em cũng thích cô bé, nhưng không thích nhiều như lúc em chưa nghe cô bé nói với Minnie May Barry rằng cô bé sẽ lấy em khi em lớn lên. Khi lớn chắc em sẽ cưới ai đó, nhưng giờ thì em còn quá trẻ để nghĩ đến những việc kiểu ấy, cô có nghĩ vậy không cô giáo?”

“Quá trẻ thật,” cô giáo đồng ý.

“Nói đến đám cưới em lại nhớ ra một chuyện làm em băn khoăn dạo gần đây,” Paul tiếp.

“Tuần trước bà Lynde có ghé xuống đây một bữa để dùng trà với bà nội, và bà nội bảo em cho bà Lynde coi tấm ảnh của mẹ em… tấm ảnh ba gửi cho em làm quà sinh nhật ấy. Em không muốn cho bà Lynde coi lắm. Bà Lynde là một phụ nữ tốt, đôn hậu nhưng bà ấy không phải loại người mình muốn cho coi ảnh của mẹ. Cô biết mà, cô giáo. Nhưng đương nhiên là em vâng lời bà nội. Bà Lynde nói mẹ rất đẹp nhưng có vẻ màu mè và chắc là trẻ hơn ba kinh khủng. Rồi bà ấy nói, ‘Có lẽ một ngày nào đó ba cháu sẽ tái hôn. Cháu có thích một người mẹ mới không, cậu Paul?’ Ồ, phải nói ý tưởng đó làm em gần như không thở nổi, cô giáo ạ, nhưng em không đời nào cho bà Lynde thấy phản ứng ấy. Em chỉ nhìn thẳng vào mặt bà ấy… như thế này này… và em nói, ‘Bà Lynde, ba đã lựa chọn rất đúng người mẹ đầu tiên của cháu, và cháu có thể tin tưởng ba sẽ chọn một người tốt như vậy lần thứ hai.’ Và em có thể tin tưởng ba, cô giáo ạ. Nhưng em vẫn hy vọng, nếu ba có đem về cho em một người mẹ mới, ba sẽ hỏi ý kiến em về cô ấy trước khi quá muộn. Kìa, Mary Joe đến gọi chúng ta dùng trà kìa. Em sẽ đi bàn bạc với chị ta về món bánh bơ giòn.”

Kết quả của cuộc “bàn bạc” là Mary Joe cắt bánh bơ giòn và thêm một đĩa mứt vào danh mục món ăn. Anne rót trà, cô và Paul có một bữa ăn vui vẻ trong phòng ăn cũ mờ mờ ảo ảo, cửa sổ mở rộng đón gió từ vịnh thổi vào, và họ nói toàn những lời “Vớ vẩn” đến mức Mary Joe bị sốc và kể với Veronica chiều hôm sau rằng “kô dáo làn” cũng kỳ quặc y hệt Paul. Sau bữa trà, Paul dẫn Anne lên phòng để khoe tấm ảnh của mẹ, đó chính là món quà sinh nhật bí ẩn được bà Irving cất trong tủ sách. Căn phòng nhỏ trần thấp của Paul là sự kết hợp của ánh sáng đỏ xoay nhẹ từ mặt trời đang lặn xuống mặt biến và bóng râm đu đưa của những cây linh sam mọc gần vuông cửa sổ sâu. Giữa vầng sáng mềm mại và duyên dáng này nổi bật một khuôn mặt phụ nữ đáng yêu trẻ trung với đôi mắt dịu dàng của người mẹ, bức ảnh được treo trên tường ở chân giường.

“Đó là người mẹ bé nhỏ của em,” Paul nói tràn đầy yêu thương và tự hào. “Em xin bà treo nó ở đó để em có thể nhìn thấy ngay khi mở mắt vào buổi sáng. Giờ thì em không còn cần ánh sáng khi đi ngủ nữa, vì cứ như mẹ đang ở ngay đây với em. Ba biết rõ em muốn thứ gì cho quà sinh nhật, dẫu ba chẳng hề hỏi em. Thật tuyệt khi những người cha biết được nhiều đến thế, phải không cô?”

“Mẹ em rất đẹp, Paul ạ, và em có nét giống mẹ. Nhưng mắt và tóc của bà ấy sẫm màu hơn của em.”

“Mắt em có màu y hệt mắt ba,” Paul nói, chạy vòng quanh phòng để chất mọi tấm đệm lên chỗ ngồi nơi cửa sổ, “nhưng tóc ba đã hoa râm. Ba có rất nhiều tóc, nhưng đều bạc hết cả rồi. Cô biết đấy, ba đã gần năm mươi. Tuổi đó là già lắm rồi, phải không? Nhưng ba chỉ già ở bên ngoài thôi. Bên trong ba trẻ như bất kỳ ai khác. Nào, cô giáo ơi, xin hãy ngồi ở đây, và em sẽ ngồi dưới chân cô. Em có thể dựa đầu vào đầu gối cô được không? Em và mẹ thường hay ngồi thế này. Ôi, thật là tuyệt vời, em nghĩ thế đấy.”

“Bây giờ thì cô muốn nghe những suy nghĩ mà Mary Joe cho rằng hết sức kỳ quái,” Anne nói, vuốt ve mái đầu loăn xoăn bên cạnh. Paul không cần bất cứ lời khuyến khích nào để nói lên suy nghĩ của mình… ít nhất là đối với những tâm hồn tri kỷ.

“Em nghĩ ra chúng vào một đêm trong rừng linh sam,” cậu mơ màng. “Đương nhiên em không tin vào chúng, nhưng em vẫn cứ nghĩ. Cô biết mà, cô giáo. Và rồi em muốn kể với một ai đó, mà chẳng có ai khác ngoài Mary Joe. Mary Joe đang nhào bột bánh mì trong phòng lương thực, em ngồi xuống băng ghế bên cạnh chị ta và nói, ‘Mary Joef chị có biết em nghĩ gì không? Em nghĩ Sao Hôm là ngọn hải đăng ở xứ tiên.’ Và Mary Joe nói, ‘ồ, cậu đún là kìa quặt. Làm rì có tiên tiếc chứ.’ Em đã hết sức tức giận. Đương nhiên em biết tiên không có thật, nhưng cứ nghĩ là có thì có sao đâu. Cô hiểu mà, cô giáo. Nhưng em còn kiên nhẫn thử thêm một lần nữa. Em nói, ‘Vậy thì, Mary Joe, chị biết em nghĩ gì không? Em nghĩ một thiên thần đi dạo khắp thế gian sau khi mặt trời lặn… một thiên thần vĩ đại, cao lớn, trắng toát với đôi cánh gập lại óng ánh bạc… và hát ru những bông hoa cùng chim chóc vào giấc ngủ. Trẻ con có thể nghe được tiếng của thiên thần nếu chúng biết cách lắng nghe.’ Thế là Mary Joe giơ đôi tay dính đầy bột lên và nói, ‘ồ, cậu đún là cậu pé kìa quặt. Cậu lèm tôi xợ.’ Và nhìn chị ta có vẻ sợ hãi thật. Thế là em ra ngoài thì thầm những suy nghĩ còn lại của mình cho khu vườn. Có một cây bạch dương nhỏ trong vườn bị chết. Bà nội nói rằng muối phun đã giết nó, nhưng em nghĩ nữ thần ngự ở cái cây đó là một cô nàng ngốc nghếch, đi lang thang tìm hiểu thế giới và lạc đường. Và cái cây nhỏ bé quá cô đơn, nó chết vì trái tim tan vỡ.”

“Và khi nữ thần cây bé bỏng, ngu ngốc, đáng thương chán đi lang thang và quay về với cái cây của mình, trái tim của nàng ta cũng sẽ tan vỡ,” Anne tiếp.

“Vâng, nhưng các nữ thần cây phải chịu trách nhiệm về sự ngu ngốc của mình, như là người thực vậy,” Paul nghiêm túc. “Cô có biết em nghĩ trăng non là gì không, cô giáo? Em nghĩ nó là một con thuyền vàng nhỏ chất đầy những giấc mơ.”

“Và khi nó vấp phải một đám mây, vài giấc mơ sẽ bị sánh ra ngoài rơi vào giấc ngủ của chúng ta.”

“Chính xác, cô giáo ạ. ôi, cô hiếu hết cả. Và em nghĩ hoa violet là mảnh trời rơi xuống khi các thiên thần khoét lỗ trên bầu trời để ánh sáng của các vì sao có thể chiếu xuyên qua. Và hoa mao lương được tạo thành từ ánh mặt trời xưa cũ, hoa đậu sẽ biến thành bươm bướm khi lên thiên đường. Giờ thì cô giáo ơi, cô thấy những suy nghĩ này có gì kỳ quặc không?”

“Không đâu, chàng trai yêu quý, chúng không có gì kỳ quặc cả; đối với một bé trai thì những ý nghĩ ấy thật khác lạ và đẹp đẽ, vậy nên những kẻ dẫu có cố cả trăm năm trời vẫn không thể nghĩ ra những điều tương tự mới cho là chúng kỳ quặc. Nhưng cứ tiếp tục suy nghĩ như vậy đi, Paul ạ… một ngày nào đó em sẽ trở thành một nhà thơ, cô tin là vậy.”

Khi Anne về nhà, cô nhìn thấy một cậu bé kiểu khác hẳn đang chờ được đưa đi ngủ. Davy có vẻ sưng sỉa, và khi Anne thay áo cho nó xong, nó nhảy phắt lên giường rồi vùi đầu vào gối.

“Davy, cháu quên cầu nguyện rồi,” Anne trách móc.

“Không, cháu không quên,” Davy bướng bỉnh, “nhưng cháu sẽ không bao giờ cầu nguyện nữa. Cháu sẽ không thèm cố gắng ngoan ngoãn nữa, vì dẫu cháu có ngoan đến chừng nào thì cô cũng thích Paul Irving hơn. Vậy thì cháu thà hư và tận hưởng niềm vui của riêng mình còn hơn.”

“Cô không thích Paul Irving hơn,” Anne nghiêm túc. “Cô thương cháu cũng như thế, chỉ là theo một cách khác thôi.”

“Nhưng cháu muốn cô thương cháu theo đúng kiểu đó,” Davy phụng phịu.

“Cháu không thể thích những người khác nhau theo cùng một kiểu được. Cháu đâu có thích Dora và cô y hệt nhau, phải không?”

Davy ngồi dậy ngẫm nghĩ.

“Khôngggg,” cuối cùng nó cũng thừa nhận, “cháu thương Dora vì nó là em gái cháu, nhưng cháu thương cô vì cô là cô.”

“Và cô thương Paul vì cậu ấy là Paul, cô thương Davy vì cậu ấy là Davy,” Anne vui vẻ tiếp lời.

“Ồ, giờ thì cháu lại ước giá như mình đã cầu nguyện,” Davy đã bị thuyết phục bởi lý luận này của Anne. “Nhưng giờ mà chui ra khỏi giường cầu nguyện thì phiền quá. Sáng mai cháu sẽ cầu nguyện gấp đôi, cô Anne nhé. Vậy cũng được mà, phải không?”

Không, Anne thực sự cho rằng thế là không ổn. Vậy là Davy bò ra quỳ xuống bên gối cô. Khi đã cầu nguyện xong, nó đứng dậy trên đôi chân trần nhỏ bé rám nắng mà ngước nhìn cô.

“Cô Anne ơi, cháu ngoan hơn hồi trước rồi đó.”

“Ừ, đúng vậy đấy, Davy ạ,” Anne không bao giờ ngần ngại ban phát lời khen cho người xứng đáng.

“Cháu biết là cháu ngoan hơn mà,” Davy tự tin, “và cháu sẽ cho cô biết vì sao cháu biết. Hôm nay bà Marilla đưa cho cháu hai miếng bánh mì phết mứt, một cho cháu, một cho Dora. Một miếng lớn hơn hẳn miếng kia và bà Marilla không nói miếng nào của cháu. Nhưng cháu đưa miếng lớn cho Dora. Làm vậy là ngoan, phải không?”

“Rất ngoan, rất nam tính, Davy ạ.”

“Đương nhiên,” Davy đồng ý, “Dora không đói bụng lắm nên chỉ ăn có nửa miếng rồi đưa phần còn lại cho cháu. Nhưng khi đưa miếng lớn cho nó, cháu không biết nó sẽ làm vậy cho nên cháu đã rất ngoan, cô Anne ạ.”

Trong ánh chiều chạng vạng, Anne đang thơ thẩn tản bộ ra suối Bong Bóng Nữ Thần Rừng thì thấy Gilbert Blythe đang đi xuyên qua rừng Ma Ám u tối. Đột nhiên cô nhận ra Gilbert không còn là một cậu học sinh nữa. Và nhìn anh mới nam tính làm sao – cao lớn, khuôn mặt bộc trực, đôi mắt trong sáng chân thành, bờ vai rộng. Anne nghĩ Gilbert là một cậu thanh niên rất đẹp trai, dẫu anh chẳng giống người đàn ông lý tưởng của cô chút nào. Từ thuở xa xưa, cô và Diana đã xác định loại đàn ông nào khiến họ ngưỡng mộ, và gu của họ y hệt nhau. Anh ta phải cao, bề ngoài ấn tượng, đôi mắt buồn sâu thẳm khó dò và một giọng trầm ấm cảm thông. Chẳng có gì buồn bã hay khó dò trên nét mặt của Gilbert, nhưng đương nhiên, là bạn bè thì đâu cần phải xét nét đến thế!

Gilbert bước khỏi đám dương xỉ cạnh suối Bong Bóng và nhìn Anne vẻ khen ngợi. Nếu phải miêu tả người phụ nữ lý tưởng, câu trả lời của Gilbert sẽ giống Anne đến từng chi tiết nhỏ, kể cả sự tồn tại đáng ghét của bảy nốt tàn nhang bé xíu vẫn đang làm cho cô bứt rứt chẳng yên. Gilbert chỉ mới lớn hơn một cậu bé chút ít, nhưng ngay cả một cậu bé cũng có những giấc mơ như mọi người, và trong tương lai của anh luôn có một cô gái với đôi mắt xám to trong vắt cùng khuôn mặt dịu dàng và tinh tế như một đóa hoa. Anh cũng đã quyết tâm xây dựng tương lai xứng đáng với nữ thần của mình. Ngay cả chốn Avonlea yên tĩnh cũng có nhiều cám dỗ cần đối mặt. Đám thanh niên ở White Sands có tiếng là khá “ăn chơi”, và Gilbert rất được mến mộ ở bất cứ nơi nào anh đặt chân tới. Nhưng anh luôn giữ cho mình xứng đáng với tình bạn của Anne, và ở một ngày xa xôi nào đó, với tình yêu của cô. Và anh khống chế nghiêm ngặt mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của mình cứ như đôi mắt trong sáng của cô nhìn thấu tất cả. Cô đã bất giác ảnh hưởng đến anh, loại ảnh hưởng mà mọi cô gái có lý tưởng cao cả và trong sáng thường gây ra cho những người bạn mình, loại ảnh hưởng sẽ tồn tại chừng nào cô còn trung thành với lý tưởng của mình, và đương nhiên, sẽ mất đi nếu cô lỡ đi ngược lại chúng. Trong mắt Gilbert, nét quyến rũ nhất của Anne là cô chẳng bao giờ hạ mình làm những hành động nhỏ nhen như rất nhiều cô gái Avonlea khác: ghen tuông lặt vặt, tị nạnh lừa dối, giành giật cảm tình. Anne tự đặt mình ra ngoài những hành động đó một cách vô thức và chẳng chủ định, vì chúng hoàn toàn xa lạ với bản chất trong sáng và bốc đồng của cô, mọi động cơ và khát vọng của cô đều hết sức trong trẻo.

Nhưng Gilbert không cố diền tả những suy nghĩ của mình thành lời nói, vì anh có rất nhiều kinh nghiệm cho thấy Anne sẽ lạnh lùng không thương tiếc bẻ gãy mọi cố gắng tỏ tình từ trong trứng, hay là tệ hơn gấp mười lần, phá lên cười vào mặt anh.

“Cậu trông như một nữ thần rừng thực sự dưới cây bạch dương đó,” anh trêu cô.

“Tớ yêu những cây bạch dương,” Anne nói, áp má vào lớp vỏ cây mượt mà như nhung, một cử chỉ âu yếm đáng yêu hết sức tự nhiên đối với cô.

“Vậy thì chắc cậu vui lắm khi biết ông Major Spencer đã quyết định trồng một hàng bạch dương dọc theo con đường trước nông trại của mình, để ủng hộ Hội Cải tạo,” Gilbert nói.

“Ông ấy đã nói với tớ hôm qua. Major Spencer là người tiến bộ và có tinh thần cộng đồng nhất ở Avonlea. Và ông William Bell sẽ trồng một hàng rào vân sam dọc theo con đường phía trước và lối rẽ vào nông trại. Hội của chúng ta đang phát triển rất tuyệt, Anne ạ. Nó đã trải qua giai đoạn thử nghiệm và đã được chấp nhận. Người lớn bắt đầu quan tâm đến nó và người dân ở White Sands đang bàn tính lập một hội tương tự. Ngay cả Elisha Wright cũng đã bị thuyết phục kể từ ngày những người Mỹ ở khách sạn đi dã ngoại ở bờ biến. Họ tấm tắc khen những con đường của chúng ta, nói chúng đẹp hơn bất cứ nơi nào khác trên đảo. Và khi các trại chủ khác chịu theo gương ông Spencer mà tròng cây cảnh, dựng hàng rào dọc theo con đường trước mặt, Avonlea sẽ là vùng đất đẹp nhất tỉnh.”

“Hội Từ thiện đang tính sửa sang lại nghĩa trang,” Anne nói, “và tớ hy vọng họ sẽ làm vậy, vì nếu làm thì phải quyên tiền, hội của chúng ta đừng hòng quyên tiền thêm lần nào nữa sau vụ tòa thị chính. Nhưng Hội Từ thiện sẽ chẳng bao giờ đụng đến việc này nếu Hội chúng ta không ngấm ngầm gieo suy nghĩ đó vào đầu họ. Đám cây chúng ta trồng trên đất nhà thờ đang tươi tốt, và ủy ban trường học đã hứa năm tới sẽ rào lại sân trường. Nếu họ làm vậy, tớ sẽ tổ chức ngày trồng cây, mỗi học sinh sẽ trồng một cây, rồi chúng ta sẽ có một khu vườn ngay góc sân cạnh con đường.”

“Chúng ta đã thành công trong hầu hết các kế hoạch, ngoại trừ việc giật sập căn nhà cũ của nhà Boulter,” Gilbert nói, “Và tớ đành tuyệt vọng buông tay thôi. Levi không giật sập nó chỉ để chọc tức chúng ta thôi. Người nhà Boulter luôn có thói chống đối, và đến ông ta thì cái thói đó mọc rễ mạnh mẽ.”

“Julia muốn đưa một ủy ban nữa tới nói chuyện với ông ta, nhưng tớ cho rằng tốt hơn nên để cho ông ta yên thân,” Anne nói vẻ thông hiểu.

“Và tin vào ý trời, như bà Lynde nói,” Gilbert mỉm cười. “Đương nhiên, không một ủy ban nào nữa. Chỉ chọc tức thêm ông ta thôi. Julia Bell cho rằng cứ có ủy ban ủy biếc thì sẽ làm được mọi thứ. Mùa xuân tới, Anne ạ, chúng ta phải phát động phong trào làm đẹp sân vườn và bãi cỏ. Chúng ta sẽ gieo rắc ý tưởng đó trong mùa đông này. Tớ có một quyển chuyên đề về bãi cỏ và gieo trồng cỏ, tớ sẽ sớm viết một bản tham luận về chủ đề này. ồ, tớ thấy là kỳ nghỉ hè của chúng ta sắp kết thúc rồi. Trường học khai giảng vào thứ Hai. Ruby Gillies có được nhận dạy ở trường Carmody không?”

“Có, Priscilla viết thư nói là cậu ấy nhận dạy trường ở ngay quê nhà, nên ủy ban trường Carmody đã giao vị trí Priscilla bỏ lại cho Ruby. Thật tiếc vì Priscilla sẽ không quay lại, nhưng cũng vì vậy, tớ mừng khi Ruby dạy ở trường đó. Cậu ấy sẽ về nhà thứ Bảy hằng tuần, và mọi thứ sẽ y như xưa, cậu ấy, Jane, Diana và tớ sẽ lai đươc ở bên nhau.”

Bà Marilla vừa quay về từ nhà bà Lynde, khi Anne trở lại thì bà đang ngồi trên bậc thềm hiên sau.

“Rachel và ta đã quyết định mai sẽ ra tỉnh,” bà nói. “Ông Lynde tuần này đã khá hơn và Rachel muốn đi trước khi ông ấy bị ốm lần nữa.”

“Sáng mai cháu định sẽ dậy thật sớm vì cháu có quá nhiều việc phải làm,” Anne tràn đầy quyết tâm. “Trước tiên, cháu phải chuyển lông ngỗng từ chăn cũ sang chăn mới. Lẽ ra cháu phải làm từ lâu rồi nhưng cháu cứ trì hoãn mãi… đó đúng là một công việc đáng ghét. Trì hoãn những việc đáng ghét là một thói quen rất xấu, và cháu sẽ không bao giờ lặp lại nữa, nếu không thì cháu không thể đường hoàng khuyên nhủ học sinh đừng làm vậy. Như thế là giả dối. Rồi sau đó cháu sẽ làm một cái bánh ngọt cho ông Harrison, viết cho xong bản tham luận về vườn tược cho Hội cải tạo, rồi viết thư cho Stella, giặt và hồ bột cái váy xa tanh, may tạp dề mới cho Dora.”

“Cháu không làm được một nửa số việc ấy đâu,” bàMarilla bi quan. “Cứ khi nào ta tính làm thật nhiều việc là thể nào cũng có chuyện gì đó xảy ra ngăn cản kế hoạch ấy.”

Bình luận