Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Chương 30: Đám cưới Ở Căn Nhà Đá

Tác giả: Lucy Maud Montgomery

Tuần cuối của tháng Tám đã đến. Cô Lavendar sẽ kết hôn trong tuần đó. Hai tuần sau, Anne và Gilbert sẽ rời Avonlea đến đại học Redmond. Trong một tuần nữa, bà Rachel Lynde sẽ dọn tới Chái Nhà Xanh và đặt bếp lò ông táo trong căn phòng vốn được dành riêng cho khách, giờ đã được dọn sạch chờ bà tới. Bà đã bán đấu giá hết những gia súc dư thừa và hiện đang miệt mài làm công việc phù hợp với mình: giúp Anne đóng gói đồ đạc. Ông Allan sẽ đọc bài giảng kinh chia tay của mình vào Chủ nhật tới. Trật tự cũ đang thay đổi nhanh chóng để nhường bước cho trật tự mới, và Anne cảm thấy có một tia u buồn len lỏi qua niềm phấn khởi và hạnh phúc của mình.

“Thay đổi không phải luôn dễ chịu, nhưng chúng là những điều tuyệt vời,” ông Harrison triết lý. “Hai năm là quá đủ lâu để mọi chuyện giữ nguyên không đổi. Nếu cứ lì ra mãi thì chúng sẽ mọc rêu mất.”

Ông Harrison đang ngồi hút thuốc ngoài hiên. Vợ ông đã chấp nhận hy sinh cho phép ông hút thuốc trong nhà nếu ông chịu khó ngồi gần cửa sổ đang mở. Ông Harrison tưởng thưởng cho sự nhường bước này bằng cách ra khỏi nhà để hút thuốc khi trời đẹp, và thế là sự hòa thuận tiếp tục ngự trị trong gia đình họ.

Anne ghé qua để hỏi xin bà Harrison vài bông thược dược vàng. Chiều nay cô và Diana sẽ đi đến Nhà Vọng giúp cô Lavendar cùng Charlotta Đệ Tứ làm nốt công việc chuẩn bị cuối cùng cho buổi lễ rước dâu ngày mai. Cô Lavendar chưa bao giờ trồng thược dược, cô không ưa chúng và chúng cũng chẳng hợp với vẻ an nhàn thanh nhã của khu vườn kiểu xưa của cô. Nhưng hoa, dù là bất kỳ loại nào, hiện đang khá khan hiếm ở Avonlea và các vùng chung quanh vào mùa hè này, nhờ cơn bão của bác Abe. Vi vậy, Anne và Diana cho rằng thược dược vàng cắm vào chiếc bình đá màu kem cổ xưa, vốn hay dùng để cất bánh rán vòng, sẽ trông rất hợp với giấy dán tường đỏ sẫm ở một góc tối dưới chân cầu thang.

“Chắc hai tuần nữa cháu sẽ lên đường đi học đại học hả?” ông Harrison tiếp, “ừm, chúng tôi sẽ nhớ cháu nhiều khủng khiếp đấy, cả Emily và tôi. Đương nhiên, bà Lynde sẽ ở bên kia thay vào chỗ của cháu. Chẳng có ai khác ngoại trừ một kẻ mạo danh.”

Giọng điệu mỉa mai của ông Harrison thật khó mà diễn tả được ra giấy. Mặc dù bà vợ rất thân với bà Lynde, mối quan hệ giữa bà và ông Harrison, dưới chế độ mới, lạc quan lắm cũng chỉ có thể gọi là “tình trạng trung lập vũ trang”.

“Vâng, đúng vậy,” Anne đáp. “Về mặt lý trí, cháu rất vui… nhưng trái tim thì lại âu sầu.”

“Tôi cho rằng cháu sẽ vét trọn những giải thưởng vương vãi ở Redmond đấy.”

“Cháu sẽ cố thử một vài giải thưởng,” Anne thú nhận, “nhưng cháu không còn quan tâm nhiều đến chúng như hai năm về trước nữa. Từ những giờ học đại học, cháu mong sẽ rút ra được những kiến thức bổ ích, chỉ cách làm sao sống cuộc sống này một cách tốt nhất, cố gắng làm hết sức mình để không uổng phí cuộc đời. Cháu muốn học cách thấu hiểu và giúp đỡ chính mình cũng như những người chung quanh.”

Ông Harrison gật đầu.

“Nghĩ thế là chính xác đấy. Đại học đáng lẽ ra phải làm được thế, thay vì sản xuất ra hàng đống cử nhân cao ngạo nhồi đầy sách vở đến mức chẳng còn chỗ cho bất cứ điều gì khác. Cháu nói rất đúng. Đại học sẽ không làm hại cháu mấy đâu, tôi nghĩ thế.”

Diana và Anne đánh xe đến Nhà Vọng sau bữa trưa, đem theo tất cả hoa chiến lợi phẩm mà cả hai đã càn quét được trong vườn nhà mình cũng như vườn nhà hàng xóm. Họ thấy căn nhà đá đang xôn xao vì phấn khích. Charlotta Đệ Tứ chạy vun vút tứ phía với sinh lực và tốc độ dồi dào đến mức những chiếc nơ xanh của cô bé đồng thời xuất hiện ở khắp nơi. Cũng như mũ sắt của Navarre[7] , những chiếc nơ xanh của Charlotta luôn vung vẩy dẫu trận chiến có kịch liệt đến mức nào.

“Tạ ơi trời đất, các cô đã tới,” cô bé nồng nhiệt thốt, “bởi vì có hàng đống việc cần làm… lớp kem trên cái bánh đó không chịu đông… và đồ bạc cần phải đánh rửa… và còn phải chất đồ vào cái hòm vải lông ngựa… mấy con gà trống cho món xa lát gà vẫn đang gáy o o chạy quanh chuồng gà, thưa cô, cô Shirley. Và chẳng thể tin tưởng giao bất cứ việc gì cho cô Lavendar. Thật may ông Irving đã ghé qua vài phút trước đưa cô ấy đi dạo trong rừng. Tán tỉnh đúng nơi đúng chỗ thì hay đấy, thưa cô, cô Shirley, nhưng cô cố trộn lẫn nó với nấu ăn và lau chùi thì mọi thứ sẽ hỏng bét. Ý kiến của em là thế đấy, thưa cô, cô Shirley.”

Anne và Diana làm việc nhiệt tình đến mức vào lúc mười giờ, đến Charlotta Đệ Tứ cũng phải hài lòng. Cô bé bện tóc thành vô số bím nhỏ rồi lê thân thể rã rời lên giường.

“Nhưng em chắc mình sẽ chẳng chợp mắt được tí ti nào, thưa cô, cô Shirley, vì sợ rằng có chuyện gì đó không hay sẽ xảy ra vào giờ chót… kem không đông… hay ông Irving bị đột quỵ không tới được.”

“Ông ấy đâu có thói quen bị đột quỵ đâu, phải không?” Diana hỏi, khóe môi gần lúm đồng tiền cong lên. Đối với Diana, Charlotta Đệ Tứ dẫu không phải là một mỹ nhân thì vẫn là một niềm vui vô bờ bến.

“Đó không phải là những chuyện xảy ra theo thói quen,” Charlotta Đệ Tứ đáp lại vẻ am hiểu. “Chúng cứ xảy ra thôi… và tèn tén ten. Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ. Không cần phải học đâu. Ông Irving trông rất giống ông cậu từng bị đột quỵ của em khi đang ngồi ăn tối một bữa nọ. Nhưng có thể mọi chuyện sẽ ổn thỏa cả. Trên thế giới này, chúng ta luôn hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng vẫn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và chấp nhận mọi thứ Chúa ban tặng.”

“Điều duy nhất khiến chị lo lắng là ngày mai trời không được đẹp,” Diana nói. “Bác Abe dự đoán trời sẽ mưa vào giữa tuần, và kể từ cơn bão lớn, chị không thể không tin chút gì đó trong lời bác Abe.”

Anne biết rõ hơn Diana về phần đóng góp của bác Abe trong việc dự đoán cơn bão nên cô chẳng mấy lo lắng. Cô ngủ một giấc ngon lành xứng đáng với một ngày vất vả, rồi bị đánh thức vào một giờ trời ơi đất hỡi bởi Charlotta Đệ Tứ.

“Ôi, thưa cô, cô Shirley, thật khủng khiếp khi gọi cô sớm vậy,” cô bé rên rỉ qua lỗ khóa, “nhưng còn quá nhiều việc phải làm… và chao ôi, thưa cô; cô Shirley, em sợ là trời sẽ mưa, em ước gì cô thức dậy để nói với em không phải như thế.” Anne chạy như bay ra cửa sổ, cầu nguyện liên hồi rằng Charlotta Đệ Tứ chỉ nói vậy để làm cô tỉnh ngủ hẳn mà thôi. Nhưng than ôi, buổi sáng trông chẳng tốt lành chút nào. Phía dưới cửa sổ, khu vườn của cô Lavendar lẽ ra phải được tắm mình dưới ánh sáng mờ ảo trong trẻo của mặt trời buổi sớm, thì giờ lại lờ mờ tối và lặng gió, bầu trời phía trên rặng linh sam u ám đầy mây.

“Thật là quá đáng mà!” Diana kêu lên.

“Chúng ta phải hy vọng vào điều tốt nhất,” Anne quả quyết. “Chỉ cần trời không mưa, một ngày mát mẻ u ám như thế này vẫn còn tốt hơn nắng nóng chói chang nhiều.”

“Nhưng trời sẽ mưa thôi,” Charlotta rên rỉ bước vào phòng, bề ngoài cô bé trông thật tức cười với vô số bím tóc quấn quanh đầu, đuôi tóc buộc bằng chỉ trắng chĩa ra lởm chởm.

“Trời sẽ đợi đến giây phút cuối cùng rồi đổ mưa như trút nước. Và mọi người sẽ ướt nhem ướt nhẹp… dây bùn khắp nhà… và họ không thể kết hôn dưới giàn kim ngân… và thật là xui xẻo khủng khiếp khi mặt trời không chiếu sáng cho cô dâu. Dẫu cô có nói thế nào thì cũng chẳng ích gì, thưa cô, cô Shirley. Em đã biết mọi chuyện không đời nào dễ dàng như thế mà.”

Charlotta Đệ Tứ có vẻ là đệ tử trung thành của cô Eliza Andrews.

Tuy nhiên, trời không mưa dẫu không ngừng tỏ vẻ đedọa. Đến buổi trưa, các căn phòng đã được trang hoàng xong, bàn được bày trí đâu vào đấy, trên lầu là một cô dâu “trang điểm vì người thương” đang chờ đợi.

“Cô trông thật ngọt ngào,” Anne kêu lên ngưỡng mộ.

“Tuyệt vời,” Diana cũng họa theo.

“Mọi thứ đã sẵn sàng, thưa cô, cô Shirley, và chưa có chuyện gì khủng khiếp xảy ra,” đó là câu tuyên bố vui vẻ của Charlotta khi cô bé dời bước về căn phòng nhỏ đằng sau của mình để thay váy. Mọi bím tóc nhỏ đều được tháo ra, những lọn tóc nhàu nhĩ xù ra được thắt lại thành hai đuôi sam và buộc thêm không phải chỉ hai mà tới bốn chiếc nơ xanh dương mới tinh. Hai chiếc nơ phía trên trông như hai cái cánh mọc ra từ cổ Charlotta, có vài nét giống thời trang của các tiếu thiên sứ của Raphael. Nhưng Charlotta Đệ Tứ cho rằng chúng rất đẹp, và sau khi cô bé đã sột soạt chui vào chiếc váy trắng được hồ bột cứng đến mức có thể tự đứng được, cô bé quan sát bóng mình trong gương với vẻ hoàn toàn thỏa mãn… sự thỏa mãn này chỉ kéo dài đến khi cô bé bước ra hành lang, nhìn thoáng qua cánh cửa phòng dành cho khách, thấy một cô gái mặc chiếc váy mềm mại ôm sát người, mái tóc hung đỏ dợn sóng mượt mà cài những bông hoa trắng muốt như sao.

“Ôi, mình chẳng bao giờ giống như cô Shirley được,” Charlotta đáng thương tự nhủ một cách tuyệt vọng. “Mình đoán đó là bẩm sinh thôi… dẫu có luyện tập cách mấy cũng chẳng thể đạt được phong cách như thế.”

Lúc một giờ, khách khứa đã đến đủ, bao gồm cả ông bà Allan, vì ông Allan sẽ tổ chức buổi lễ thay cho mục sư Grafton đang đi nghỉ. Lễ cưới không theo bất cứ quy tắc nào. Cô Lavendar bước xuống cầu thang để gặp chú rể đang đứng chờ sẵn, và khi ông cầm tay cô, cô ngước đôi mắt to nâu sẫm lên nhìn ông, Charlotta chứng kiến tất cả và cảm thấy rộn ràng một cách khác thường. Họ đi ra giàn kim ngân, nơi ông Allan đang đợi sẵn. Các vị khách chọn chỗđứng tùy thích. Anne và Diana đứng bên băng ghế đá cũ, Charlotta Đệ Tứ đứng giữa hai người họ; bíu chặt tay họ trong đôi tay nhỏ bé lạnh lẽo run lẩy bẩy của mình.

Ông Allan mở quyển Kinh thánh bìa xanh ra và buổi lễ bắt đầu. Ngay lúc cô Lavendar và Stephen Irving được tuyên bố là vợ chồng, một cảnh tượng rất đẹp và có ý nghĩa đã diễn ra. Mặt trời đột ngột xuyên qua làn mây xám xịt và rắc một luồng ánh sáng rực rỡ xuống cô dâu hạnh phúc. Ngay lập tức, cả khu vườn như sống dậy với những bóng cây nhảy nhót và ánh nắng lung linh.

“Đúng là điềm tốt,” Anne nghĩ bụng khi chạy tới hôn cô dâu. Sau đó, ba cô gái rời khỏi những người khách đang tươi cười quanh cặp vợ chồng mới cưới, chạy nhanh vào nhà để đảm bảo mọi thứ đã sẵn sàng cho bữa tiệc.

“Tạ ơn trời đất, cuối cùng cũng xong xuôi rồi, thưa cô, cô Shirley,” Charlotta Đệ Tứ thở phào, “Và họ đã kết hôn an toàn, giờ có xảy ra chuyện gì cũng chẳng sao. Mấy túi gạo để trong phòng lương thực, thưa cô, và mấy chiếc giày cũ ở sau cửa, kem đánh thì trên bậc tầng hầm.”

Lúc hai giờ rưỡi, ông bà Irving lên đường, mọi người đi ra tận sông Bright để tiễn bọn họ lên chuyến tàu trưa. Khi cô Lavendar… à, xin lỗi, bà Irving mới đúng… bước ra khỏi căn nhà cũ, Gilbert và các cô gái ném gạo theo, Charlotta Đệ Tứ xoay xoay và ném một chiếc giày cũ chính xác đến nỗi tương ngay vào đầu ông Allan. Nhưng Paul giành phần chào từ giã ấn tượng nhất. Cậu chạy ra khỏi cổng vòm, tay lúc lắc chiếc chuông đồng cũ dùng để trang trí bệ lò sưởi trong phòng ăn. Paul vốn chỉ có ý tạo ra một âm thanh vui nhộn, nhưng khi tiếng leng keng chói tai lặng đi, từ những góc khuất, những cung đường và những ngọn đồi bên kia sông vẳng lại tiếng véo von của “tiếng chuông đám cưới cổ tích”, tiếng vọng trong trẻo ngọt ngào, rồi nhạt dần nhạt dần, như thể những tiếng vọng yêu dấu của cô Lavendar cũng muốn chúc mừng và chào tạm biệt cô. Và thế là, giữa những tiếng chuông vọng êm ái, cô Lavendar rời khỏi cuộc sống cũ đầy những giấc mơ và ảo tưởng để đến với đời sống thực tế nhưng hạnh phúc hơn nơi thế giới náo nhiệt bên ngoài.

Hai giờ sau đó, Anne và Charlotta Đệ Tứ lại đi dọc lối đi. Gilbert đã đi Tây Grafton làm cho xong vài việc, còn Diana thì về nhà có hẹn. Anne và Charlotta quay lại dọn dẹp đồ đạc và khóa cửa căn nhà đá nhỏ bé. Khu vườn ngập tràn ánh chiều vàng ươm như mật, bướm ong rập rờn, nhưng căn nhà nhỏ đã phảng phất vẻ cô độc thường thấy sau một bữa tiệc.

“Ôi trời ơi, nhìn nó cô đơn làm sao!” Charlotta Đệ Tứ sụt sịt, cô bé đã khóc nức nở suốt đường từ ga về nhà. “Cuối cùng thì đám cưới cũng chẳng vui hơn đám ma là mấy, khi mọi việc xong xuôi, thưa cô, cô Shirley.”

Sau đó là một buổi chiều bận bịu. Phải gỡ bỏ các món trang trí, rửa chén đĩa, xếp các món ngon còn thừa vào giỏ để các cậu em trai của Charlotta Đệ Tứ ở nhà tận hưởng. Anne không chịu nghỉ ngơi cho tới khi mọi thứ sạch bong; sau khi Charlotta mang chiến lợi phẩm về nhà mình, Anne đi qua những căn phòng yên ắng để đóng mành cửa sổ, cảm thấy như mình đang lang thang qua những phòng dạ tiệc bỏ hoang. Rồi cô khóa cửa, ngồi xuống dưới cây dương bạc chờ Gilbert, cảm thấy hết sức mệt mỏi nhưng vẫn suy tư những “ý tưởng dài dằng dặc” mãi không chán.

“Cậu đang nghĩ gì vậy Anne?” Gilbert đi xuôi lối đi. Anh để ngựa và xe ở ngoài đường cái.

“Nghĩ tới cô Lavendar và ông Irving,” Anne mơ màng. “Nghĩ tới mọi chuyện đã diễn ra, bọn họ cuối cùng cũng sum họp sau bao nhiêu năm chia cách hiểu lầm, thật là đẹp phải không?”

“Đúng, rất đẹp,” Gilbert chăm chú nhìn xuống khuôn mặt đang ngẩng lên của Anne, “nhưng chẳng phải nó sẽ đẹp hơn, nếu không có chia cách hay hiểu lầm gì, và họ luôn tay nắm tay cùng đi suốt cuộc đời hay sao, hở Anne?”

Trong một thoáng, trái tim Anne loạn nhịp, và lần đầu tiên, đôi mắt cô nao núng trước cái nhìn trìu mến của Gilbert, gò má tái nhợt của cô ửng hồng. Cứ như tấm màn che chắn nội tâm của cô đã được vén lên, khiến cô nhìn thấy rõ những cảm xúc và thực tế không ngờ. Có lẽ, nói cho cùng, chuyện tình yêu không gióng trống thổi kèn mà bước vào đời ta như một hoàng tử cưỡi ngựa trắng, có lẽ nó rón rén khẽ khàng đến bên ta như một người bạn cũ, có lẽ nó khoác lớp áo ngoài văn xuôi chán ngắt, cho đến khi một mũi tên ánh sáng bất ngờ xuyên qua trang giấy, để lộ những vần thơ và điệu nhạc, có lẽ… có lẽ… tình yêu hé mở tự nhiên từ một tình bạn đẹp, như một bông hồng nhụy vàng trượt ra từ lớp áo ngoài xanh ngắt.

Rồi tấm màn lại hạ xuống, nhưng cô Anne đang đi ngược lên lối đi âm u không còn giống như cô Anne từng hớn hở đánh xe xuôi theo nó chiều hôm trước. Trang sách thời con gái đã được khép lại bởi một ngón tay vô hình, và giờ trang sách của một phụ nữ trưởng thành đang ở ngay trước mắt cô với tất cả những quyến rũ và bí ẩn, những nỗi buồn và niềm vui.

Gilbert khôn ngoan không nói gì thêm, nhưng trong im lặng, anh đọc được câu chuyện của bốn năm tới trên đôi má ửng hồng của Anne. Bốn năm học tập chăm chỉ và nhiệt thành… gặt hái kiến thức hữu ích và chinh phục cô người yêu ngọt ngào.

ở khu vườn sau lưng họ, căn nhà đá nhỏ đứng buồn bã trong bóng tối. Nó cô đơn, nhưng không bị bỏ rơi. Nó vẫn còn nhiều giấc mơ, nụ cười và niềm vui cuộc sống; nhiều mùa hè tương lai sẽ còn đến với căn nhà đá nhỏ này, trong thời gian đó, nó có thể chờ đợi. Và bên kia sông, trong ánh chiều tím sẫm, những tiếng vọng chờ để được gọi về.

1. Publius Vergilius Maro (70 TCN – 19TCN): Nhà thơlớn của La Mã cổ đại, người sáng tạo ra thể loại thơ sử thi, tác giả của Bucolics, Georgics, Aeneid – những thiên sử thi ca tụng nguồn gốc huyền thoại của dân tộc La Mã.

2. Người Mỹ

3. Thị trấn nơi Chúa ra đời.

4. Thomas Becket (1118-1170) là Tổng giám mục nhà thờ Canterbury từ năm 1162 cho đến khi bị ám sát vào năm 1170. Sau khi chết, ông được cả Giáo hội Thiên Chúa và Giáo hội Anh phong thánh.

5. Claude White (1494-1536) làhọc giả người Anh,người đầu tiên dịch kinh Tân ước sang tiếng Anh.

6. Một câu trong bài thơ L’Allegro của John Milton

7. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử “Chiếc mũ sắt của Navarre” của nhà văn Mỹ Bertha Runkle.

Bình luận