Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước

Chương 28: Những chuyện vặt

Tác giả: Lucy Maud Montgomery
Chọn tập

“Dạo gần đây ta hay đọc mấy cái tin cáo phó,” cô Cornelia nói, bỏ tờ Daily Enterprise xuống và cầm đồ khâu lên.

Bờ cảng đang nằm u ám và ảm đạm dưới bầu trời tháng Mười một khắc khổ; những chiếc lá đã lìa cành bám sũng nước vào bệ cửa sổ; nhưng căn nhà nhỏ vẫn vui tươi vì lửa lò sưởi và đầy sức xuân vì đám phong lữ và dương xỉ của Anne.

“Lúc nào ở đây cũng là mùa hè, Anne ạ,” một ngày nọ Leslie đã nói như thế; và tất cả những người là khách của căn nhà mơ ước đều cảm thấy như vậy.

“Tờ Enterprise dạo này có vẻ chạy nhờ cáo phó,” cô Cornelia nói. “Lúc nào cũng có vài cột, và ta đọc từng dòng một. Đây là một trong những trò tiêu khiển của ta, đặc biệt là khi có một vài dòng thơ ca mới sáng tác đính kèm. Đây có một mẫu chọn lọc cho cháu đây:

Nàng đã đi về với Chúa,

Không còn bay nhảy nữa.

Nàng từng chơi đùa vui hát.

Bài ca về Ngôi nhà yêu dấu.

Ai nói đảo ta không có tài năng thi ca nào! Cháu đã bao giờ để ý thấy hàng núi người tốt cứ thế qua đời không, Anne cưng? Thật là đáng tiếc. Ở đây có mười cái cáo phó, và ai cũng là thần thánh với gương sáng cả, ngay cả đám đàn ông. Đây là lão già Peter Stimson, người đã ‘để lại một vòng tay lớn những người bạn khóc thương cái chết yểu mệnh của ông.’ Chúa ơi, Anne à, lão già ấy tám mươi tuổi, và tất cả những người biết lão đều thầm mong lão chết từ ba mươi năm nay rồi. Khi nào buồn hãy đọc cáo phó, cưng ạ… đặc biệt là mấy cái về những người cháu biết. Nếu cháu có dù chỉ một tí óc hài hước chúng sẽ làm cháu vui lên ngay, tin ta đi. Ta chỉ ước ta được viết cáo phó cho một số người. Mà ‘cáo phó’ chẳng phải là một từ xấu xí kinh khiếp hay sao? Thằng cha Peter mà ta vừa nói chuyện này có một cái mặt hệt như thế. Ta chưa bao giờ thấy mặt lão mà không nghĩ ngay tắp lự tới cái từ cáo phó. Chỉ có một từ xấu hơn mà ta biết, đấy là từ quả phụ. Chúa ơi, ta có thể là một bà cô già, nhưng có cái này làm an ủi… ta sẽ không bao giờ là ‘quả phụ’ của thằng đàn ông nào hết.”

“Đấy đúng là một từ xấu xí,” Anne cười nói. “Nghĩa địa Avonlea đầy những bia mộ cũ ‘thiêng liêng trong trí nhớ của người này người kia, cô nhi quả phụ của người kia người nọ quá cố.’ Chúng luôn làm cháu nghĩ đến một cái gì đó mục rữa và mối gặm. Tại sao có quá nhiều từ gắn với cái chết lại quá khó ưa đến thế nhỉ? Cháu thật sự hy vọng cái tục gọi xác chết là ‘di hài’ sẽ bị xóa bỏ. Thực tình cháu rùng mình mỗi khi nghe ông nhà đòn nói tại một đám tang, ‘Ai muốn xem di hài làm ơn đi lối này.’ Lúc nào nó cũng cho cháu cái ấn tượng kinh khủng là cháu sắp phải chứng kiến cảnh tượng một bữa tiệc ăn thịt người.”

“Ờ, ta chỉ hy vọng rằng khi ta chết sẽ không ai gọi ta là ‘người chị em đã ra đi của chúng ta’.” Cô Cornelia bình tĩnh nói, “Ta bắt đầu ghét cay ghét đắng cái sự vụ anh-chị-em này năm năm trước khi có một tay truyền giáo du mục tổ chức hội họp ở Glen. Ngay từ đầu ta đã chả ưa một tí nào rồi. Ta cảm thấy tận trong xương tủy là có cái gì đó không ổn với thằng cha đấy. Và đúng thế. Nói cho cháu biết, hắn giả vờ là người Trưởng lão… Giáo hội Chưởng não, hắn gọi thế… mà hóa ra từ đầu đến đuôi hắn là một gã Giám lý. Hắn kết anh chị em với tất cả mọi người. Hắn có một đại gia đình các anh chị em, thằng cha đó. Một đêm nọ hắn nắm chặt tay ta, nói vẻ khẩn cầu, ‘Chị Bryant thân mến của em, chị có phải là một người Cơ Đốc không?’ Ta chỉ nhìn hắn một cái, rồi ta bình thản nói, ‘Người em trai duy nhất tôi từng có, thưa cậu Fiske, đã được chôn cách đây mười lăm năm rồi, và từ đó tới giờ tôi chưa nhận thêm đứa em nuôi nào. Còn về làm người Cơ Đốc, tôi có, tôi hy vọng và tin thế, từ hồi cậu còn mặc váy bò lổm ngổm dưới sàn kia.’ Thằng cha bẹp gí luôn, tin ta đi. Cháu nên nhớ, Anne cưng ạ, không phải là ta ghét tất cả những người truyền giáo. Chúng ta đã có những người thật sự tốt, thật thà, làm được rất nhiều việc tốt và khiến những tên tội đồ cũ phải co vòi. Nhưng tên Fiske này không nằm trong số đó. Một tối nọ ta được một trận cười đau ruột. Fiske yêu cầu tất cả những ai là người Cơ Đốc đứng dậy. Ta không thèm đứng, tin ta đi! Ta chẳng bao giờ làm mấy cái chuyện đó. Nhưng hầu hết mọi người đều đứng dậy, và rồi hắn yêu cầu tất cả những người muốn làm người Cơ Đốc đứng dậy. Chẳng ai thèm nhúc nhích lấy một li, thế là Fiske xướng lên một bài thánh ca bằng một giọng chót vót. Ngay trước mặt ta thằng nhóc Ikey Baker tội nghiệp đang ngồi trên ghế của Millison. Nó là một thằng bé phụ việc, mười tuổi, và Millison bắt nó làm việc gần chết. Thằng nhóc bé bỏng tội nghiệp lúc nào cũng mệt đến nỗi nó quay ra ngủ bất cứ khi nào đến nhà thờ hay bất cứ nơi đâu nó có thể ngồi yên được vài phút. Suốt buổi họp nó đã ngủ, và ta rất mừng thấy nó nghỉ ngơi được một tí, tin ta đi. Thế là, khi giọng của Fiske cao vút lên trời cao và đám còn lại hòa vào, thằng nhóc Ikey tội nghiệp giật mình thức dậy. Nó tưởng đây chỉ là một bài hát thông thường và tất cả mọi người phải đứng dậy, thế là nó lồm cồm đứng dậy thật nhanh, biết là sẽ bị Maris Millison mắng vì dám ngủ trong buổi lễ. Fiske thấy nó, ngừng lại và gào lên, ‘Thêm một linh hồn nữa được cứu rỗi! Ơn Chúa sáng ngời!’ Và kia là thằng nhóc Ikey sợ hãi, tội nghiệp, mắt nhắm mắt mở và đang ngáp, không hề nghĩ gì về linh hồn của mình hết. Tội nghiệp thằng bé, nó chẳng có thời gian nghĩ tới bất cứ thứ gì ngoài cái thân xác bé nhỏ mệt nhọc của nó.

“Một tối nọ Leslie cũng đi và cái tên Fiske đấy xông ngay vào con bé… ôi, hắn đặc biệt quan tâm đến linh hồn của những cô gái xinh đẹp, tin ta đi!… và hắn làm con bé đau lòng thế nên nó không bao giờ đi nữa. Và thế là mỗi tối sau đó hắn đều cầu nguyện, ngay giữa đám đông, rằng Chúa sẽ làm dịu đi trái tim chai cứng của con bé. Cuối cùng ta đến gặp ông Leavitt, hồi đó là mục sư của chúng ta, và bảo nếu ông ấy không bắt Fiske thôi ngay đi thì tối hôm sau ta sẽ đứng dậy ném quyển sách thánh ca của ta vào hắn khi hắn nói đến ‘người phụ nữ trẻ đẹp nhưng ngoan cố’ đó. Ta nói là ta làm đấy, tin ta đi. Ông Leavitt có bắt hắn ngừng nói thế thật, nhưng Fiske vẫn tiếp tục các buổi họp cho tới khi Charley Douglas đặt dấu chấm hết sự nghiệp của hắn ở Glen. Vợ Charley đi California suốt mùa đông. Bà ấy đã ảo não suốt mùa hè… ảo não kiểu tôn giáo… nhà đó có gien. Cha bà ấy lo lắng quá nhiều vì tin rằng mình đã phạm phải tội không thế tha thứ đến nỗi ông ta chết trong nhà thương điên. Thế là khi Rose Douglas thành ra như vậy Charley gói ghém bà vợ gửi đi chị gái ở Los Angeles. Bà ấy khỏe ra hoàn toàn và trở về nhà đúng lúc quá trình thực thi tôn giáo của Fiske đang lên đến cao trào. Bà ấy bước xuống tàu ở Glen, vui tươi hoạt bát hết sức, và điều đầu tiên bà ấy thấy trợn mắt nhìn vào mặt mình ở phía chái đen ngòm của kho hàng, là câu hỏi, in chữ trắng to tướng, cao hơn nửa mét, ‘Con đi đâu… thiên đường hay địa ngục?’ Đấy là một trong những ý tưởng của Fiske, và hắn đã bắt Henry Hammond sơn lên đó. Rose chỉ rít lên một tiếng rồi ngất xỉu, và khi họ đưa bà ấy về nhà thì tình trạng của bà ấy tồi tệ hơn bao giờ hết. Charley Douglas đến gặp ông Leavitt nói rằng cả nhà Douglas đến gặp ông sẽ bỏ nhà thờ nếu Fiske được giữ lại đó thêm tí nào nữa. Ông Leavitt phải nhượng bộ, vì nhà Douglas trả nửa lương của ông ấy, thế là Fiske ra đi, và chúng ta lại phải dựa vào Kinh Thánh của mình để tìm chỉ dẫn lên thiên đường. Sau khi hắn đi ông Leavitt phát hiện ra hắn chỉ là một tay Giám lý giả danh, và ông ấy thấy phát bệnh, tin ta đi. Ông Leavitt kém một số mặt, nhưng ông ấy là một người Trưởng lão đàng hoàng, tử tế.”

“Nhân tiện, cháu nhận được thư của anh Ford hôm qua,” Anne nói. “Anh ấy nhờ chuyển lời hỏi thăm chân thành đến cô.”

“Ta không cần hắn hỏi thăm,” cô Cornelia nói xẵng.

“Sao vậy ạ?” Anne nói, vẻ kinh ngạc. “Cháu tưởng cô thích anh ấy.”

“Ờ, thì ta có thích, đại loại thế. Nhưng ta sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn vì những gì hắn đã làm với Leslie. Con bé thì đang gặm nát tim ra vì hắn… như thể nó chưa đủ rắc rối… còn hắn thì lượn lờ quanh Toronto, không nghi ngờ gì nữa, vui vẻ tận hưởng cuộc đời như thường. Đúng là đồ đàn ông.”

“Ôi, cô Cornelia, làm sao cô biết?”

“Lạy Chúa, Anne cưng, ta có mắt mà? Và ta đã biết Leslie từ hồi nó còn bé tí. Suốt mùa thu có một nỗi đau mới trong mắt nó, và ta biết tên nhà văn ấy đứng đằng sau. Ta sẽ không bao giờ tha thứ cho mình vì đã là phương tiện dẫn thằng cha ấy đến đây. Nhưng ta không hề nghĩ hắn lại như thế. Ta nghĩ hắn cũng sẽ như mấy thằng cha khác mà Leslie nhận trọ… mấy thằng trẻ ranh ấm ớ tự phụ, thằng nào cũng thế, mà con bé chẳng thèm để ý đến. Một tên trong số đó cũng thử tán tỉnh con bé một lần và nó đóng đá thằng đó… tệ đến mức ta dám chắc từ đó đến giờ hắn chưa rã đông. Thế nên ta đâu có nghĩ đến hiểm họa gì đâu.”

“Đừng để Leslie nghi ngờ là cô biết bí mật của cô ấy nhé,” Anne vội vàng nói. “Cháu nghĩ nó sẽ làm cô ấy đau lòng.”

“Tin ta đi, Anne cưng. Ta có phải mới sinh hôm qua đâu. Ôi, chết dịch hết lũ đàn ông đi! Một đứa thì phá hoại đời Leslie từ đầu, rồi giờ một đứa khác trong đám ấy đến và làm nó càng thêm khốn khổ. Anne, thế giới này là một nơi chốn khủng khiếp, tin ta đi.”

“Có gì đó sai trật trong thế giới

Sẽ dần dần được gỡ rối đi,”

Anne mơ màng đọc.

“Nếu có, thì sẽ là trong một thế giới không có đàn ông,” cô Cornelia u ám nói.

“Đám đàn ông lại làm gì rồi ạ?” Gilbert bước vào hỏi.

“Toàn những trò quỷ! Trò quỷ! Đám ấy thì có làm gì khác đâu?”

“Chính Eva đã ăn quả táo mà, cô Cornelia.”

“Nhưng một tên đàn ông đã dụ dỗ cô ấy,” cô Cornelia đắc thắng bật lại.

Leslie, sau khi cơn khổ đau đầu tiên qua đi, đã thấy mình có thể tiếp tục sống với đời, cũng như hầu hết chúng ta, dù nỗi giày vò của chúng ta có ở dạng nào. Cô thậm chí còn có thể tận hưởng một vài phút giây, khi cô ở trong hội nhóm vui tươi nơi căn nhà nhỏ của mơ ước. Nhưng nếu Anne có bao giờ hy vọng rằng cô đang quên Owen Ford thì cô sẽ tỉnh ngộ ngay bởi vẻ khao khát quan hoài trong mắt Leslie bất cứ khi nào tên anh được anh được nhắc đến. Xót thương cho niềm khao khát ấy, Anne luôn cố nói với thuyền trưởng Jim hay Gilbert những mẩu tin tức từ các lá thư của Owen khi Leslie có mặt ở đó. Vẻ hồng hào hay tái nhợt trên mặt cô những lúc ấy thể hiện quá hùng hồn cái cảm xúc tràn ngập trong cô. Nhưng cô không bao giờ nói về anh với Anne, hay nhắc đến cái đêm hôm ấy trên đụn cát.

Một ngày nọ con chó già của cô chết khiến cô than khóc thảm thương.

“Nó là bạn của mình đã bao lâu nay,” cô buồn bã nói với Anne. “Nó là con chó già của Dick, cậu biết đấy… Dick đã nuôi nó được một năm gì đấy trước khi cưới mình. Anh ta bỏ nó cho mình khi ra khơi trên con tàu Bốn chị em. Carlo trở nên rất quấn quýt với mình… và tình yêu của nó giúp mình vượt qua cái năm đầu tiên khủng khiếp sau khi mẹ mất, khi mình chỉ có một mình. Lúc nghe tin Dick sắp trở về, mình sợ Carlo sẽ không còn là của mình như trước nữa. Nhưng nó có vẻ chẳng bao giờ quan tâm đến Dick, mặc dù nó đã từng rất thích anh ta. Nó cứ sủa và gầm gừ với anh ta như thể anh ta là một người lạ. Mình lấy làm mừng. Thật tốt khi sở hữu một thứ mà toàn bộ tình yêu của nó là dành cho cậu. Con chó già đó đã là một nguồn an ủi rất lớn với mình, Anne à. Mùa thu vừa rồi nó yếu đến nỗi mình sợ nó không sống được lâu… nhưng mình hy vọng có thể chăm nó qua được mùa đông. Sáng nay nó có vẻ khỏe lắm. Nó đang nằm trên thảm trước lò sưởi; rồi, đột nhiên, nó đứng dậy bò sang chỗ mình; nó đặt đầu lên lòng mình và nhìn mình đầy vẻ yêu thương từ đôi mắt chó to, hiền lành của nó… rồi nó rùng mình một cái và chết. Mình sẽ nhớ nó lắm.”

“Để mình tặng cậu một con chó khác nhé, Leslie,” Anne nói. “Mình sắp lấy một con chó săn lông xù Gordon rất dễ thương làm quà Giáng sinh cho Gilbert. Để mình tặng cậu một con nữa nhé.”

Leslie lắc đầu.

“Ngay bây giờ thì không, cảm ơn cậu, Anne. Mình không thấy thích có một con chó khác. Dưởng như mình không còn chút tình cảm nào còn lại cho một con chó khác nữa. Có lẽ… qua thời gian… mình sẽ để cậu tặng mình một con. Mình thật sự cần một con chó để bảo vệ, cậu biết đấy. Nhưng có cái gì đó gần như rất người ở Carlo… thực sự sẽ không tử tế nếu tìm cách lấp ngay chỗ của nó, con chó già thân thương.”

Anne về Avonlea một tuần trước Giáng sinh và ở lại đến sau kỳ nghỉ. Gilbert cũng về cùng, và ở Chái Nhà Xanh có một cuộc đón mừng năm mới vui vẻ, khi nhà Barry và Blythe và Wright cùng tụ tập để nghiến ngấu một bữa tối đã tốn của bà Rachel và Marilla nhiều công phu suy nghĩ và chuẩn bị. Khi họ trở về Bốn Làn Gió, căn nhà nhỏ gần như đã bị tuyết phủ kín, vì cơn bão thứ ba của mùa đông vô cùng dữ dội đã quét qua cảng và chất những núi tuyết khổng lồ lên tất cả mọi thứ nó gặp trên đường. Nhưng thuyền trưởng Jim đã quét tuyết ở cửa và lối đi, và cô Cornelia đã xuống khơi lại lửa lò sưởi.

“Thấy cháu trở lại thật là mừng, Anne cưng ạ! Mà cháu đã bao giờ thấy tuyết chất đống như vậy chưa? Không thể nhìn được nhà Moore nếu không lên tầng trên. Leslie sẽ rất mừng là cháu đã trở lại. Nó suýt thì bị chôn sống ở bên kia. May mà Dick biết dọn tuyết, và khoái trò đó. Susan dặn ta nhắn cháu cô ấy sẵn sàng làm việc từ ngày mai. Chú đi đâu bây giờ đấy, thuyền trưởng Jim?”

“Ta định mò lên Glen ngồi chơi một tí với ông già Martin Strong. Ổng chẳng còn sống được bao lâu và cô độc lắm. Ổng không có nhiều bạn… cả đời bận quá chẳng có thời gian kết bạn. Nhưng mà kiếm được một đống tiền.”

“Ờ, ông ta nghĩ vì ông ta không phục vụ được cả Chúa và Mammon[1] nên thôi thà đeo theo Mammon,” cô Cornelia đanh thép nói. “Thế nên ông ta chẳng nên phàn nàn nếu giờ thấy Mammon không phải là bằng hữu quá tốt nữa.”

[1] Theo kinh Tân Ước, Mammon là vị thần của tiền tài và sự giàu có, đồng thời cũng được xem là vị thần của lừa dối.

Thuyền trưởng Jim bước ra, nhưng nhớ ra cái gì đó ở ngoài sân nên lại quay lại giây lát.

“Ta nhận được thư của cậu Ford, cháu Blythe ạ, và cậu ấy nói là cuốn sách cuộc đời đã được nhận và sẽ được xuất bản mùa thu tới. Ta thấy vui ghê gớm khi nhận được tin. Cứ nghĩ đi, cuối cùng ta sẽ được đọc nó trên giấy in đàng hoàng.”

“Ông già đó thật tình phát rồ về cái đề tài cuốn sách cuộc đời của ông ấy,” cô Cornelia nói vẻ động lòng trắc ẩn. “Về phần ta, ta nghĩ trên đời này đã có quá nhiều sách rồi.”

Chọn tập
Bình luận