Tiếng rằng AQ bao giờ cũng “đắc thắng”, nhưng thật ra mãi đến ngày được Cụ Cố nhà họ Triệu tát cho mấy tát tai vào mặt thì y mới nổi tiếng hẳn.
Đưa hai quan tiền rượu kỉnh bác khán xong xuôi rồi, AQ uất ức về nhà, ngả lưng xuống giường, nghĩ bụng: “Thời buổi này, hết chỗ nói ! Con đánh bố !” Nhưng y lại sực nghĩ ra rằng: Cụ Cố nhà họ Triệu oai vệ biết bao nhiêu mà mình cũng xem như là bà con mình, cho nên y lại dần dần tỏ vẻ đắc ý. Rồi y đứng dậy, hát bài “Gái góa thăm mồ” và đi tới quán rượu. Trong lúc đó, y có cảm tưởng là Cụ Cố nhà họ Triệu vẫn là nhân vật oai vệ hơn ai hết.
Nói nghe ra có vẻ lạnh lùng, nhưng từ hôm AQ bị đánh, quả nhiên người làng đối với y xem chừng kiêng nể hơn trước nhiều. Thấy vậy, AQ nghĩ bụng: “Hẳn có lẽ bởi vì mình là bực bố Cụ Cố nhà họ Triệu !” Thật ra, nào có phải thế. Theo lệ thường, ở làng Mùi nếu tên Kèo đánh tên Cột, anh Ba đánh anh Năm thì xưa nay chẳng ai để ý đến cả. Nhưng nếu có dính dáng đến một nhân vật “xù” như là Cụ Cố nhà họ Triệu chẳng hạn thì mới có tiếng đồn. Lúc đã có tiếng đồn thì không những người đánh đã có danh có giá mà luôn cả người bị đánh cũng nhờ đó mà lẫy lừng. Còn như nói đến sự phải trái thì nhất định là lỗi về AQ rồi, không cần phải bàn nữa. Tại sao vậy? Thì cả lẽ Cụ Cố nhà họ Triệu lại có thể có lỗi được hay sao? Nhưng, nếu AQ có lỗi, thì sao người ta lại có vẻ kiêng nể y hơn trước? Nào ai biết đâu đấy ! Kẻ xuyên tạc thì cho rằng hoặc giả là vì AQ nói y là bà con với Cụ Cố họ Triệu, tuy bị đánh đấy, song người ta vẫn e rằng AQ nói cũng có phần nào đúng, thà kiêng nể y chút đỉnh có lẽ cũng êm hơn. Nếu không phải như thế thì có thể nói là AQ cũng như con bò thái lao tế thánh, tuy cũng chỉ là một con vật, chẳng khác con dê, con lợn thường, nhưng đã được Đức Thánh ngài nhúng đũa vào rồi thì bao nhiêu tiên nho đố bác nào dám động vào nữa !
Từ đó AQ đắc ý được mấy năm ròng.
Rồi, đến mùa xuân năm nọ, AQ say mềm bước đi trên con đường làng, bỗng thấy lão Vương Râu xồm đang mình trần trùi trụi, ngồi bắt rận bên một góc tường dưới bóng mặt trời. Bất giác, AQ cũng nghe ngứa ran cả mình lên. Cái lão Vương Râu xồm này, râu vừa xồm lại vừa lắm sẹo, trong làng vẫn quen gọi là lão Vương Sẹo Xồm, nhưng AQ bỏ bớt chữ “sẹo” đi. Và AQ khinh lão ra mặt. Cứ trong ý tứ AQ thì sẹo chẳng lấy gì làm lạ cả, chỉ bộ râu quai nón kia mới là kỳ quặc, mới là chướng mắt. Thế rồi AQ sẽ ngồi xuống cạnh Vương Râu xồm. Kể ra, nếu là kẻ khác thì chưa hẳn AQ đã ngồi một cách vô ý vô tứ như vậy. Nhưng lão râu xồm này thì sợ cóc gì mà chẳng ngồi ! Nói trắng ra, AQ chịu ngồi như thế này là vẻ vang cho lão ta lắm rồi.
AQ cũng cởi mảnh áo cộc đụp rách ra, và cũng mằn mò, tìm tòi một lúc. Chẳng biết vì áo mới giặt hay vì AQ lơ đễnh mà một hồi khá lâu, y chỉ bắt được có ba bốn con thôi ! Liếc qua bên cạnh thấy lão râu xồm đã làm luôn một lúc ba, bốn, năm, sáu con, và cứ con này đến con khác, chét vào răng, cúp nghe đánh “bụp” lên từng tiếng một !
AQ lúc đầu còn thất vọng, sau phải cáu lên. Làm sao cái lão Vương Râu xồm đáng ghét thế kia mà lại bắt được nhiều rận như vậy, còn mình thì ít ỏi thế này, còn gì là thể thống nữa? Y muốn tìm cho ra một hai chú rõ to, thế mà vẫn không được ! Tìm đi tìm lại, mãi mới được một chú choai choai. AQ nét mặt hầm hầm, nhét vào giữa cặp môi dày, rán hết sức cúp một cái, thế mà tiếng cúp lại chỉ tẹt một tiếng, vẫn không kêu to bằng Vương Râu xồm.
Vết sẹo trên đầu AQ đỏ bừng lên. Y vất mẹ áo xuống đất, nhổ một bãi nước bọt, nói:
– Đồ sâu róm !
– Đồ chó ghẻ, mày mắng ai đấy !
Vương Râu xồm vừa trả lời vừa ngước mắt lên, ra vẻ khinh bỉ.
Gần đây, AQ tiếng được người ta kiêng nể và cũng hay lên mặt, nhưng gặp tụi lưu manh trong làng thường cà khịa với y thì y vẫn e sợ. Chỉ có lần này là tinh thần thượng võ của y lại hăng lên ghê lắm ! Cái thằng râu quai nón xồm xoàm cả mặt kia mà cũng dám nói lếu nói láo à ?
– Thằng nào nghe là chửi thằng ấy !
AQ đứng phắt dậy, hai tay chống nạnh.
– Thằng này lại ngứa xương ống rồi hẳn?
Vương Râu xồm vừa nói vừa khoác áo lên mình, cũng đứng dậy.
AQ tưởng nó định chuồn, thốc ngay vào, cho một quả đấm. Nào ngờ quả đấm chưa bén tầm thì Vương Râu xồm đã tóm lấy AQ giật một cái, AQ loạng choạng ngã sấp xuống. Tức thì Vương Râu xồm níu lấy cái đuôi sam, lôi tới bên tường, định chiếu lệ dúi đầu vào tường … AQ nghếch đầu lên nói:
– Người quân tử chỉ đấu khẩu, ai đi đấu sức?
Hình như lão Vương Râu xồm này không “quân tử” cho lắm, nên nó không đếm xỉa tới câu nói ấy, cứ dúi đầu AQ vào tường luôn năm cái liền, đoạn rán sức xô một cái thật mạnh làm cho AQ ngã té ra đằng kia có đến năm sáu thước, bấy giờ mới hả dạ, đắc ý bỏ đi.
Trong ký ức của AQ thật là chưa bao giờ có một chuyện nhục nhã như thế. Số là đối với Vương Râu xồm quai nón kia, AQ cười nó thì có, chứ bao giờ nó lại dám cười AQ? Nói gì đến chuyện đấm đá ! Thế mà lần này … nó dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay, ai ngờ như thế được ! Chẳng lẽ lại đúng như người ta nói: vì đức Hoàng đế sắp bỏ khoa thi, không cần lấy tú tài cử nhân nữa, do đó mà thanh thế họ Triệu nhà mình từ nay kém oai đi. Có thế chúng nó mới dám xem thường xem mình khinh ra mặt.
AQ đứng ngơ ngác chả hiểu thế nào cả.
Đằng xa có người đi tới. Thì chính là kẻ thù của AQ. Hắn là đứa mà AQ xưa nay vẫn ghét đứt mắt đi được. ấy là thằng con cả Cụ Cố nhà họ Tiền. Trước đây, hắn có lên học trường tây trên tỉnh, rồi không biết thế nào lại tuốt sang Nhật. Vừa năm sau, hắn về nhà, cặp dò cứ ngay đơ ra, cái đuôi sam cũng biến đâu mất. Mẹ hắn khóc bù lu bù loa mấy mươi bận, rồi vợ hắn cũng nhảy xuống giếng định tự tử ba lần liền. Về sau mụ mẹ hắn đi đâu cũng nói: “Cái đuôi sam kia là bị một bọn côn đồ phục rượu cho say rồi cắt mất đi đấy ! Lẽ ra cháu nó có thể làm quan to rồi kia … Nhưng bây giờ thì đành phải chờ cho tóc dài trở lại đã rồi mới nói chuyện ấy !”. Nhưng AQ không chịu tin như vậy, cứ gọi cậu cả nhà họ Tiền là “”thằng Tây giả”, là “Hán gian”, hễ thấy mặt là chửi thầm trong bụng.
Điều mà AQ ghét cay ghét đắng là cái đuôi sam giả của hắn. Đến cái đuôi sam mà cũng giả nốt thì còn gì là nhân cách? Thế mà con vợ hắn không biết đường nhảy xuống giếng một lần thứ tư nữa cho chết quách đi, thì thứ đàn bà ấy quyết không phải là hạng người chính đính ! …
Lão “Tây giả” đi lại gần.
– Thằng trọc ! Đồ con lừa !
Xưa nay AQ thấy hắn, vẫn chỉ chửi thầm trong bụng. Nhưng lần này vì “chính khí” mà nổi giận, và vì muốn trả thù, nên trong lúc vô tình y đã thốt thành lời. Ai ngờ “thằng trọc” đã hầm hầm bước tới, tay cầm chặt cái ba-toong sơn vàng mà y vẫn gọi là cái gậy đại tang. Trong giây lát, y biết ngay là có lẽ hắn sẽ đánh, cho nên y triển hết gân, gò cả hai vai lên mà chờ … Thì quả nhiên, đốp, đốp ! tựa hồ cái gậy kia đã giáng vào đầu y rồi !
– Tớ nói thằng kia cơ mà !
AQ chỉ đứa bé đứng bên cạnh, phân bua.
Đốp ! đốp ! đốp !
Đấy lại là việc nhục nhã thứ hai trong ký ức AQ. Cũng may là ngay sau mấy tiếng đốp ! đốp ! đó thì AQ đã lại tựa hồ cho thế là xong hẳn đi một chuyện, và y đã cảm thấy trong người nhẹ nhõm. Vả lại, “quên” là cái bửu bối gia truyền, rất thần hiệu của AQ trong những trường hợp này. AQ chậm rãi đi tới quán rượu, có vẻ đắc ý.
Nhưng trước mặt y, cô tiểu chùa Tĩnh tu đã ở đâu đằng kia đi lại. Ngày thường, cứ mỗi lần gặp cô tiểu này là thế nào AQ cũng chửi một câu, huống hồ hôm nay, sau khi y vừa bị nhục. AQ sực nhớ điều gì, thế là lại nổi giận. Y nghĩ bụng: Thì ra vì hôm nay ông bước chân ra cửa là gặp ngay lấy mày. Thảo nào xúi quẩy như thế !
AQ bước tới, nhổ một bãi nước bọt đánh toạch một cái:
– Khạc ! Phì !
Cô tiểu cứ cúi đầu đi, không ngoảnh lại. AQ sấn tới gần cô ta, bỗng giơ tay xoa ngay vào cái đầu vừa mới cạo, cười gắn lên và nói:
– Con trọc ! Về nhanh lên, sư cụ chờ kia kìa !
– Ngứa chân ngứa tay à?
Cô tiểu mặt đỏ bừng, vừa nói vừa rảo bước. Bao nhiêu người trong quán rượu đều cười ồ lên. Thấy trò chơi của mình có người thưởng thức, AQ càng cao hứng tợn:
– Sư cụ sờ được, tớ lại không sờ được à?
Rồi AQ véo một cái vào má cô tiểu. Bao nhiêu người trong quán lại cười ồ lên một thôi nữa. AQ đắc ý. Muốn cho bấy nhiêu “khán giả” được hài lòng, y rán sức véo luôn một cái nữa thật mạnh vào má cô bé rồi mới buông tay.
Sau khi lập được “chiến công” này, AQ đã quên cả Vương Râu xồm, quên cả lão “Tây giả” rồi; và hình như bao nhiêu nỗi bất bình, bao nhiêu điều “xúi quẩy” ngày hôm ấy đều đã rửa được sạch sành sanh. Mà lạ lùng thay, lúc bấy giờ y nghe hình như người y nhẹ hẳn đi, nhẹ hơn lúc bị mấy ba-toong đánh đốp ! đốp ! vào đầu nữa. AQ hớn hở tựa hồ như bay bổng lên tít mãi trên mấy từng mây.
Xa xa đằng kia còn văng vẳng nghe tiếng cô tiểu chửi lồng trong tiếng khóc: “Cha thằng AQ ! Đồ tuyệt tự!”
– Ha ! Ha ! Ha !
AQ cười đắc ý.
– Ha ! Ha ! Ha ! Ha !
Bao nhiêu người trong quán rượu cũng cười, cũng đắc ý gần bằng AQ.