Sau lúc nhà họ Triệu mất cướp thì phần đông dân làng Mùi vừa thích chí vừa sợ hãi. AQ cũng vậy, y vừa thích chí vừa sợ hãi.
Nhưng bốn hôm sau, giữa lúc đêm khuya, y bỗng bị bắt lên huyện. Giời tối đen. Một toán lính, một đội tuần đinh, một đội cảnh sát, năm tên mật thám, lẳng lặng đi về làng Mùi, thừa lúc đêm tối mò mò, vây kín lấy đền Thổ Cốc, lắp ngay mấy khẩu súng liên thanh chĩa mũi vào trong đền. Nhưng AQ không hề xông ra. Một hồi khá lâu, trong đền vẫn im phăng phắc, tuyệt không động tĩnh gì cả. Viên lãnh binh sốt ruột, phải treo hai vạn quan tiền thưởng, mới có hai chú tuần đinh mạo hiểm trèo tường vào. Thế rồi, trong ngoài hưởng ứng cùng nhau, toán quân thốc vào một loạt, tóm ngay được AQ. Mãi đến lúc bị lôi ra ngoài cửa, đứng bên khẩu súng liên thanh, AQ mới hơi tỉnh giấc … Về huyện, trời vừa đúng trưa. Người ta dắt y tới một nha môn đã nát, rồi bẻ quanh năm sáu góc đường nữa, người ta đẩy y vào gian nhà nhỏ. Y đương bước thấp bước cao đi vào thì cái cánh cửa làm bằng những súc gỗ nguyên phiến đã đóng sập ngay lại sau gót chân y. Ba mặt khác đều là những bức tường vôi. Nhìn kỹ vào trong góc phòng, y thấy hai người khác đã ở đấy từ trước.
AQ bụng hồi hộp nhưng không lấy làm khổ sở. Số là gian phòng này so với cái buồng ngủ của y ở đền Thổ Cốc kể còn cao ráo, sáng sủa hơn nhiều. Hai lão kia xem chừng cũng đều là nhà quê cả. Y dần dà trò chuyện hỏi thăm. Một lão nói:
– Tớ bị bắt là vì ông nội tớ còn thiếu cụ Cử một món nợ cũ.
Còn lão kia thì chả biết vì sao mà bị bắt cả. Họ hỏi AQ … nhanh nhẹn trả lời:
– Tớ à! Tớ định làm giặc!
Chiều hôm ấy, người ta lại dắt AQ đến một công đường to. Một lão già đầu trọc ngồi trên cao. AQ nghĩ bụng: lão già này chắc là một lão sư cụ hẳn … Nhưng nhìn thấy một toán lính đứng sắp hàng ở dưới và mười mấy người nữa ở hai bên, đều bận áo dài, người thì đầu cũng trọc như lão già, người thì đuôi sam dài có một thước xõa xuống như lão Tây giả, người nào người nấy, mắt bự cả thịt, hằm hằm nhìn AQ. AQ biết ngay rằng: lão trọc này chẳng phải là tay vừa. Thế là mấy khớp đầu gối của y tự nhiên như rã hẳn ra, và y quỳ sụp xuống. Bọn áo dài nạt nộ om sòm:
– Đứng mà nói! Không phải quỳ!
AQ xem chừng cũng hiểu họ nói gì, nhưng không tài nào đứng dậy được. Cái thần xác mà hiện giờ phút này y không tự chủ được nữa chỉ cứ ngã sụp xuống. Thế là y đành cứ thế mà quỳ.
– Quen cái thói nô lệ!
Bọn áo dài mắng, giọng khinh bỉ, nhưng rồi cũng không bảo y đứng dậy nữa.
Lão già đầu trọc nhìn thẳng vào mặt AQ, nói rất thong thả, rõ ràng:
– Cứ thú thực đi là hơn, khỏi phải tra khảo thêm khổ. Ta biết hết rồi! Thú đi rồi tha cho …
Bọn áo dài cũng quát to lên:
– Khai đi!
AQ nghĩ ngợi, ấp úng khá lâu, rồi trả lời tiếng được tiếng mất:
– Con vẫn có ý đi đầu …
Lão già hỏi, giọng rất là hòa nhã:
– Vậy thì sao không đến?
– Thưa lão Tây giả nó không cho …
– Nói bậy! Bây giờ mới nói thì chậm quá rồi! Hiện nay bọn đồng đảng với mày ở đâu?
– Cái gì kia ạ?
– Bọn ăn cướp nhà họ Triệu hôm trước ấy mà?
– Nào chúng nó có lại gọi con đâu? Chúng nó tự mình chúng nó chuyển đi.
Nhắc lại chuyện đó, AQ còn ra vẻ căm tức.
– Chúng nó đi về đâu? Khai rồi ta tha cho …
Giọng lão trọc nói rất là ngọt ngào.
– Bẩm, con không biết. Nào chúng nó có gọi con đâu!
Rồi thấy lão trọc nháy một cái. Thế là AQ lại bị dẫn về trại giam. Đến sáng hôm sau, y mới bị lôi ra lần nữa.
Quang cảnh công đường vẫn như ngày hôm qua. Ngồi trên vẫn cái lão trọc đầu hôm qua. AQ vẫn quỳ sệp xuống đất. Lão trọc đầu ngọt ngào hỏi:
– Còn muốn nói thêm gì nữa không?
AQ nghĩ chẳng biết nói gì, sẽ trả lời:
– Không ạ.
Rồi một lão áo dài đưa một tờ giấy và một quản bút đến trước AQ nhét vào tay AQ lúc đó cơ hồ “hồn rơi phách rụng”. Số là lần này là lần đầu tiên bàn tay của y mới có liên quan đến một cái quản bút. Y còn chưa biết cầm thế nào thì người đó đã chỉ cho y một chỗ trên tờ giấy, bảo ký vào đấy. Y tay nắm chặt lấy quản bút, miệng lẩm bẩm thưa, vừa sợ hãi, vừa xấu hổ:
– Con … Con … không biết chữ ạ!
– Thế thì để cho tiện, vẽ vào đấy một cái vòng tròn vậy!
AQ định vẽ một cái vòng tròn, khốn một nỗi là tay cầm bút cứ run đây đẩy. Người kia phải đem tờ giấy giải rộng lên trên mặt đất hộ y. Y bèn nằm bò xuống, rán hết sức bình sinh, vẽ một cái vòng. Sợ người ta cười, y quyết vẽ cho tròn. Nhưng cái bút đáng ghét kia không những nặng quá thể mà lại không chịu cho y điều khiển. Cứ từng khúc, từng khúc một, y đấu các nét vẽ lại, nhưng hễ cái vòng sắp khít thì cái bút lại chệch ra ngoài. Thành thử chỉ vẽ được một cái hình xiên xẹo, méo mó in như là hạt dưa.
AQ còn thẹn về chỗ mình vẽ không được tròn, nhưng người kia không để ý đến, đã giằng lấy bút, giấy rồi. Thế rồi một tụi lại đem y trở về trại giam như cũ.
Về đến trại giam lần thứ hai này, AQ cũng không ra vẻ buồn bã cho lắm. Y nghĩ rằng: “Người ta sinh ra ở trong trời đất thì tất cũng phải có lúc bị dắt vào dắt ra trong ngoài một cái trại giam, có lúc cũng phải nắm lấy quản bút mà vẽ một cái vòng tròn. Chỉ có vẽ không được tròn thì mới thật là cái vết nhơ nhuốc trong đời mình mà thôi”. Nhưng chẳng mấy chốc y đã quên ngay và tâm hồn y đã thảnh thơi hẳn. Y nghĩ bụng: “Con cháu tớ ngày sau hẳn là vẽ được tròn trĩnh hơn tớ bây giờ!”, rồi ngủ thẳng.
Nhưng đêm ấy, có một người không ngủ được. ấy là cụ Cử. Cụ rất bất bình với ông lãnh. Cụ thì chủ trương rằng: cần nhất là phải hỏi cho ra tang vật, mà ông lãnh thì bảo: phải ra oai cho chúng nó sợ. Gần đây, ông lãnh đã khinh cụ ra mặt. Ông ta đập bàn đập ghế nói:
– Phải giết một thằng cho trăm nghìn thằng khác sợ chứ! Ông xem, tôi ra làm cách mạng chưa được hai mươi ngày trời mà đã xảy ra mười mấy vụ ăn cướp, thế mà không vụ nào truy ra cả, còn gì là thể diện của tôi! Bây giờ truy ra được rồi, ông lại nói ngang. Không được! Việc này là phần việc của tôi …
Cụ Cử bí, chả biết trả lời thế nào … Nhưng cụ vẫn giữ ý kiến của cụ và nói rằng: nếu không tìm cho ra tang vật thì cụ sẽ lập tức từ chức bang biện. Ông lãnh trả lời:
– Cái ấy tùy ý ông.
Vì vậy, tối hôm ấy cụ Cử không ngủ được một tí nào. Cũng may hôm sau, cụ không hề từ chức.
Lần thứ ba, người ta dắt AQ ra ngoài trại giam, tức là ngay sau cái đêm cụ Cử không nhắm mắt từ đầu hôm suốt sáng. AQ ra đến công đường vẫn thấy cái lão trọc chiếu lệ ngồi đấy. AQ cũng chiếu lệ quỳ sụp xuống.
Lão trọc lại cứ ngọt ngào hỏi:
– Thế còn muốn nói gì nữa không?
AQ nghĩ một hồi, chả biết nói gì cả, trả lời:
– Bẩm không ạ!
Bọn áo dài, áo ngắn liền khoác cho y một cái áo vải tây trắng trên có mấy chữ mực đen. AQ lấy làm buồn khổ vô cùng là vì cái áo đó hơi giống áo đại tang; ăn bận như thế sợ có “xúi quẩy” chăng? Nhưng ngay lúc ấy, người ta đã bắt y trói cánh khỉ lại và lôi ra khỏi nha môn rồi.
AQ bị người ta đẩy lên một chiếc xe không mui, ngồi chung với mấy chú áo cộc. Tức thì xe mở máy. Một toán lính và mấy chú tuần đinh vác súng đi trước, hai bên đường rất nhiều người hếch mỏ đứng xem. AQ không biết phía sau có những gì. Bỗng y chợt nghĩ rằng: hay là chúng nó đưa mình đi chặt đầu! Hoảng quá! Hai mắt y quáng hẳn lên, rồi hai tai cứ nghe vù vù. Y dường như ngất đi. Nhưng y cũng chưa ngất hẳn, có lúc lo sợ, có lúc thản nhiên. Y cảm thấy rằng: người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có thể có một lần bị chặt đầu!
Nhưng AQ còn nhận ra đường lối, và hơi lấy làm lạ sao lại không đi thẳng tới trường chém? Nào y có biết đâu rằng bây giờ người ta còn đem y bêu phố để cho mọi người trông thấy đã. Nhưng dù có biết thế chăng nữa thì y cũng chỉ nghĩ rằng: người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có một lần phải bêu phố để cho mọi người trông thấy như vậy!
AQ bây giờ đã vỡ lẽ ra rồi! Đây là con đường quanh ra trường chém rồi! Y thẫn thờ nhìn ra hai bên đường. Hai bên đường, người xem như kiến. Tình cờ, trong đám đông, y bỗng thấy mặt vú Ngò. Đã lâu không gặp vú, thì ra vú đã lên huyện làm công. AQ bỗng thẹn thấy mình không có khí phách để hát lên vài câu. Bao nhiêu tư tưởng cuồn cuộn trong đầu óc y như một cơn lốc. Bài “Gái góa thăm mồ” hát lên cũng chẳng oai vệ gì; còn câu “Ăn năn đà quá muộn” trong tấn “Long hổ đấu” xem ra cũng yếu lắm. Thôi thì hát câu “Thủ chấp cương tiên tương nỉ đả” vậy! Rồi y dang tay lên. Lúc đó y mới nhớ ra rằng hai tay y đã bị trói chặt. Vì vậy mà y cũng chả hát câu “Thủ chấp cương tiên” nữa.
“Hai chục năm sau sẽ có …” Giữa lúc ngổn ngang trăm mối, AQ bỗng phụt ra một câu xưa nay y chưa hề nói được bao giờ. Thật là không có thầy mà vẫn cứ có thể giỏi được.
– Hay lắm!
Một tiếng gào như tiếng sói gầm lên giữa đám người.
Chiếc xe cứ đi thẳng. Giữa bấy nhiêu tiếng khen ồn ào, AQ liếc mắt nhìn vú Ngò. Nhưng hình như vú không thấy AQ, chỉ đứng thất thần nhìn mấy khẩu súng trên vai bọn lính.
AQ lại nhìn vào đám người đang reo hò.
Trong giây phút này, tư tưởng AQ lại cuồn cuộn lên trong đầu óc y như một cơn lốc. Bốn năm về trước, y đã gặp phải một con sói đói cứ theo riết lấy y, định ăn thịt y. Lúc bấy giờ, y sợ tưởng chết ngất đi. May sao trong tay còn có một con dao rựa y mới liều mạng cầm cự về được đến làng Mùi. Đến nay, y còn nhớ mãi đôi mắt con sói vừa dữ tợn, vừa khiếp sợ, cứ lấp lánh lên y như hai ngọn lửa ma trơi, chỉ mới đằng xa trông mà đã nghe đau nhói cả da thịt. ấy thế mà trong giờ phút này, AQ lại gặp những cặp mắt ghê tởm hơn thế, ghê tởm như chưa bao giờ ghê tởm bằng, vừa lừ đừ, vừa sắc bén, gần mà như xa, theo riết y, không những nuốt chửng lời nói của y mà chực cấu xé thân hình y.
Rồi những cặp mắt đó lại hòa thành một khối cấu xé cả tâm hồn y nữa.
– Cứu tôi với, ối trời ơi!
Nhưng AQ không nói nên lời được. Mắt y đã tối sầm lại, tai nghe vù vù: y cảm thấy thân hình y tan ra thành từng hạt bụi.
*
**
Về ảnh hưởng lúc đó của sự việc trên đây thì rõ rệt nhất lại là ở nhà cụ Cử. Cả nhà cụ đều rên rỉ về sự quan tư không chịu tìm cho ra tang vật. Sau nữa là ở nhà Cụ Cố họ Triệu. Không những trong lúc lên huyện đi báo, cậu Tú đã bị bọn cách mạng không tốt nó cắt mất cái đuôi sam, mà nhà cụ lại còn phải nộp hai vạn quan tiền thưởng cho hai tên tuần đinh đã mạo hiểm trèo tường vào bắt AQ hôm trước. Thành ra cả nhà cụ càng rên rỉ tợn. Hai gia đình này từ đấy về sau đều có vẻ điêu tàn như các bậc “di lão”.
Còn như về dư luận, thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng: AQ không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn. Vì rằng: nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn kia chú! Trên huyện thì dư luận không lấy gì làm hay lắm. Phần nhiều họ không thỏa mãn. Họ bảo: bắn người trông không vui mắt bằng chém. Mà cái tên tử tù kia trông buồn cười thế nào ấy. Đã bị đưa đi bêu phố một hồi như vậy mà cũng không hát lên được một câu, thành ra đi theo nó bao nhiêu đường đất, chỉ mất công toi.