Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng

Chương 12: Ra ngõ Flanders gặp món ngon

Tác giả: Ngô Thị Giáng Uyên

Xứ Flanders ở phía Bắc của Bỉ, nơi nổi tiếng với khoai tây chiên giòn tan, uống những loại bia nổi tiếng và thưởng thức sôcôla tuyệt hảo.

Món ăn xứ Flanders có khẩu phần lớn như món Đức và chất lượng như món Pháp. Một bài báo đã viết như vậy, theo lời một anh chàng hướng dẫn viên du lịch. Lúc đang ngồi với cậu bạn Alastair trong một quán ăn khuất phía sau quảng trường trung tâm Bruges, tôi nhắc lại câu này khi đang ăn những con vẹm xanh núc ních hấp vang trắng, kèm khoai tây chiên giòn tan. Alastair gật gù xác nhận, anh đang ăn một khẩu phần khổng lồ món Stoofvlees, thịt bò hầm bia nâu và gia vị, cũng với khoai tây chiên.

Khoai tây chiên

Có thể nói khoai tây chiên là một trong những món quốc hồn của xứ sở êm đềm này. Ở Bỉ nói chung và những thành phố xứ Flanders miền Bắc nói riêng, đúng nghĩa “ra ngõ gặp khoai tây chiên”, thích nhất là những xe đẩy hoặc chòi gỗ ngoài đường, gọi là fritkots, nơi người bán xúc khoai vào một ống giấy cứng, kèm theo nĩa gỗ mỏng và món chấm đi kèm, có thể là sốt cà chua, nước chấm sền sệt vị cà ri, vị ớt cay, tùy khách lựa chọn. Nhưng nếu bạn muốn giống như dân địa phương, hãy hỏi lấy một miếng mayonnaise.

Món khoai tây chiên bắt nguồn từ thế kỷ XVII tại Dinant và Namur, nơi những người dân nghèo thường chiên những con cá sông nhỏ xíu cho bữa ăn hằng ngày. Khi sông đóng băng vào mùa đông, hết cá, họ cắt khoai tây thành khúc bằng con cá nhỏ rồi chiên lên ăn thay cá. Ngày nay, ở Bỉ có hơn 4.000 fritkots như vậy. Mỗi nơi có từ vài loại đến hơn 50 loại nước chấm khác nhau. và bia

Biết tôi đi Bỉ, ai cũng hỏi “Uống bia đã đời không?”. Ai thích uống bia đi Bỉ như cá gặp nước, như rồng gặp mây, như Từ Thức gặp Giáng Tiên. Bia Bỉ có những nhãn hiệu nổi tiếng như Duvel, Stella Artois, Hoegaarden hay Leffe, đều được sản xuất tại xứ Flanders. Nhưng thích hơn cả vẫn là bia địa phương chỉ có ở Bỉ với hơn 400 loại khác nhau như nhóm bia vàng, bia đen, bia hổ phách, bia đỏ, bia nâu, bia trắng, bia vị trái cây (anh đào, dâu, dừa, chuối…). Đặc biệt là bia lambic làm từ lúa mì sản xuất ở vùng gần

Brussels theo phong cách cổ xưa, để lên men tự nhiên tạo ra một loại bia vị se và chát, càng để lâu trong chai càng ngon, giống như rượu vang vậy.

Ngoài ra, xứ Flanders còn là nơi sản xuất 3 trong số 7 nhãn hiệu bia Trappist trên thế giới. Đó là bia được sản xuất ở St. Sixtus (Westvleteren), Achel và Westmalle. Loại bia này được ủ trong những tu viện dòng thánh Benedict từ gần ngàn năm nay tại vùng La Trappe ở Pháp. Cho đến Cách mạng Pháp, những thầy tu rời Pháp đến Bỉ mang theo bí quyết làm bia Trappist.

Rất nhiều bia ở Bỉ có loại ly uống kiểu dáng riêng, mỗi kiểu ly chỉ dùng để uống đúng thứ bia đó nhằm tăng hương vị. Sau một ngày rong ruổi qua những phố cổ, còn gì thích thú bằng được ghé vào một quán bia có vài trăm loại khác nhau tha hồ chọn, ngồi vào quầy bar để anh chàng phục vụ rót một ly bia mật ong đầy rồi nhanh nhẹn lấy dao cắt ngang lớp bọt trên ly một đường ngọt lịm trước khi đặt lên quầy. Lần đầu tiên thấy thế, chúng tôi đã không khỏi phì cười.

Súp Waterzooi

Rời Bruges, chúng tôi lên chuyến tàu chiều đến Ghent cũng thuộc xứ Flanders. Ghent ít du khách hơn Bruges nên không gian cũng dễ chịu hơn.

Chuông nhà thờ đổ chầm chậm khi chúng tôi ra ngoài kiếm nơi ăn tối. Trong một nhà hàng dưới tầng hầm, chúng tôi thưởng thức những con hàu sống còn thơm mùi đại dương trước khi chia nhau món súp Gentse Waterzooi đặc sản của Ghent, gồm những miếng cá trắng nõn ngon dai nấu với cà rốt, cần tây, kem, bơ, vang trắng và các loại gia vị. và Sôcôla

Nước Bỉ còn nổi tiếng về sôcôla. Mỗi năm, đất nước này sản xuất 172 ngàn tấn sôcôla, cung cấp cho cả thế giới, là đối thủ đáng gờm của Thụy Sĩ. Ở xứ Flanders đâu đâu cũng thấy những cửa hàng nhỏ bé ấm áp, bày đầy sôcôla như muốn trêu ngươi và những hộp giấy để khách tự chọn từng viên bỏ vào.

Hãng Neuhaus đã sáng chế ra loại praliné, tạm dịch là sôcôla có nhân, cách đây gần 100 năm. Praliné bên ngoài là lớp sôcôla sữa hoặc sôcôla đắng, bên trong là nhân hạt phỉ rang nghiền với bơ cacao.

Ngoài ra, còn có loại truffle, được xem là tinh tế nhất trong họ nhà sôcôla, thường được các nghệ nhân làm bằng tay từ sôcôla trộn với kem hoặc sữa và một ít kem bơ, bên trong mềm mại, bên ngoài phủ bột ca cao hoặc hạt hạnh nhân bào.

Đúng là ở xứ Flanders ra ngõ gặp món ngon.

Bình luận
× sticky