Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bố Đã Từng Yêu

Phần 1

Tác giả: Anna Gavalda

– Ông nói cái gì cơ? 

– Tôi nói rằng tôi sẽ đưa chúng đi. Chúng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi rời khỏi đây một thời gian… 

– Nhưng bao giờ? mẹ chồng tôi hỏi. 

– Bây giờ. 

– Ngay bây giờ á? Ông không nghĩ… 

– Có, tôi có. 

– Nhưng mà, cuối cùng thế này là thế nào? Đã gần mười một giờ rồi! Pierre, ông… 

– Suzanne, tôi đang nói với con Chloé cơ mà, Chloé, nghe bố nói này. Bố muốn đưa các con rời xa nơi này. Con có muốn thế không? 

– … 

– Con cho đấy là một ý tưởng tồi tệ à? 

– Con không biết. 

– Đi lấy đồ đạc của con đi. Chúng ta sẽ đi khi con quay lại. 

– Con không muốn về nhà con đâu. 

– Vậy thì đừng đi đến đó. Mình sẽ xoay sở sau. 

– Nhưng, bố không… 

– Chloé, Chloé, nào con… Hãy tin ở bố. 

Mẹ chồng tôi vẫn còn phản đối: 

-Thôi nào! Hai người không định đánh thức lũ trẻ dậy bây giờ đấy chứ! Ngôi nhà đó thậm chí không được sưởi ấm! Chẳng có gì ở đó cả! Chẳng có gì cho bọn trẻ. Chúng… 

Ông đứng lên.

° ° °

Marion ngủ trên ghế xe ô tô, ngón tay cái đặt bên miệng. Lucie nằm cuộn tròn bên cạnh. 

Tôi nhìn bố chồng mình. Ông ngồi thẳng. Hai tay nắm chặt vô lăng. Ông không nói một lời từ khi chúng tôi đi khỏi nhà. Tôi thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của ông khi xe chúng tôi đối diện với ánh đèn của một xe khác. Tôi tin rằng ông cũng đau khổ như tôi. Rằng ông mệt. Rằng ông thất vọng. 

Ông cảm nhận thấy ánh mắt của tôi: 

– Tại sao con không ngủ? Lẽ ra con phải ngủ con biết không, con phải hạ ghế ngồi của con xuống và ngủ đi. Đường còn dài… 

– Con không thể ngủ được, tôi trả lời, con phải lo cho bố. 

Ông mỉm cười. Chưa hẳn là một nụ cười. 

– Không… bố chứ. 

Và chúng tôi quay lại với những suy nghĩ của mình. 

Và tôi ôm mặt khóc. 

Chúng tôi đỗ xe trước một trạm xăng. Tôi nhân lúc ông vắng mặt để mở điện thoại di động ra xem. 

Chẳng có lấy một tin nhắn. 

Tất nhiên rồi. 

Mình ngốc quá. 

Mình ngốc quá… 

Tôi bật radio, rồi tôi tắt đi. 

Ông quay trở lại. 

-Con muốn đi ra ngoài đó không? Con có muốn cái gì không? 

Tôi gật đầu. 

Tôi bấm nhầm nút, cốc của tôi được đổ đầy một thứ nước lợm giọng mà tôi phải quẳng đi ngay lập tức. 

Trong cửa hàng, tôi mua một gói tã giấy cho Lucie và một chiếc bàn chải đánh răng cho mình. 

Ông không chịu nổ máy chừng nào tôi còn chưa ngã ghế xe ra sau.

° ° °

Tôi mở mắt khi ông tắt máy. 

-Đừng có nhúc nhích. Hãy ở lại xe với hai con bé chừng nào trong này còn ấm. Bố sẽ đi bật lò sưởi điện trong phòng các con. Bố sẽ quay lại đón ba mẹ con. 

Lại xem điện thoại. 

Vào lúc bốn giờ sáng… 

Mình ngốc quá. 

Không tài nào ngủ lại được. 

Cả ba mẹ con tôi nằm trên chiếc giường vốn dành cho bà của Adrien. Cái giường kẽo kẹt kinh khủng. Đấy cũng từng là giường của chúng tôi. 

Chúng tôi từng làm tình trên đó mà phải cố gắng tránh cựa quậy ở mức tối đa. 

Chỉ cần cử động một cánh tay hay một cẳng chân là cả nhà đều biết. Tôi còn nhớ những lời ám chỉ của Christine khi chúng tôi xuống nhà vào buổi sáng đầu tiên. Phía trên bát của mình, mặt chúng tôi đỏ lựng, và chúng tôi tay nắm tay dưới bàn ăn. 

Chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Chúng tôi ôm nhau kín đáo nhất thế giới. 

Tôi biết rằng anh sẽ trở lại chiếc giường này với một người phụ nữ khác, và với người đó cũng vậy, anh sẽ nhấc bổng chiếc đệm lớn này và ném nó xuống đất khi họ không thể chịu đựng được nữa. 

Chính Marion đánh thức chúng tôi dậy. Nó vừa cho con búp bê của mình chạy chạy trên chiếc chăn lông vừa kể một câu chuyện về những chiếc kẹo mút. Lucie chạm vào lông mi tôi: “Mắt mẹ dính hết vào nhau rồi.” 

Ba mẹ con mặc quần áo dưới chăn vì trong phòng quá lạnh. 

Chiếc giường kẽo kẹt khiến bọn trẻ cười. 

Bố chồng tôi đã châm lửa trong bếp. Tôi thấy ông đang tìm củi khô dưới chái nhà cuối vườn. 

Đây là lần đầu tiên tôi một mình bên ông. 

Trước đây, tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi có ông bên cạnh. Quá xa cách. Quá câm lặng. Và rồi còn vì tất cả những gì mà Adrien đã kể với tôi, sự khó khăn khi lớn lên dưới con mắt của ông, sự khó tính của ông, những cơn giận của ông, những khổ cực trong học hành. 

Tương tự với Suzanne. Tôi chưa từng thấy một biểu hiện tình cảm nào giữa họ. “Pierre không phải là người thật cởi mở, nhưng mẹ biết tình cảm ông ấy dành cho mẹ,” một hôm bà đã nói với tôi như vậy khi chúng tôi nói về tình yêu trong lúc nhặt đỗ. 

Tôi gật đầu nhưng tôi không hiểu. Tôi không hiểu người đàn ông luôn kiệm lời và kìm nén cảm xúc này. Không bày tỏ gì vì sợ cảm thấy mình yếu mềm, tôi chưa bao giờ có thể hiểu được điều này. Ở gia đình tôi, mọi người ôm nhau và hôn nhau như họ hít thở không khí vậy. 

Tôi còn nhớ một buổi tối náo nhiệt trong căn bếp này… Christine, chị chồng tôi than phiền về các giáo viên của con mình, nói rằng họ không có năng lực và thiển cận. Từ đó, cuộc nói chuyện chuyển sang nền giáo dục nói chung và sự giáo dục trong gia đình nói riêng. Và không khí đã thay đổi. Một cách ngấm ngầm. Căn bếp trở thành tòa án. Adrien và chị gái là công tố viên, và, trên bục dành cho bị cáo, là người bố của họ. Thật là những thời khắc kinh khủng… Giá kể mà họ nói toạc hết ra, nhưng không. Những lời nói chua chát được kìm nén lại và họ đã tránh được trận đại khẩu chiến khi tự bằng lòng với việc ném ra vài lời châm chọc chết người. 

Giống như mọi khi. 

Dẫu vậy thì làm sao có thể khác đi được? Bố chồng tôi thường từ chối không xuống đấu trường. Ông lắng nghe những lời nhận xét gay gắt của các con mà không bao giờ đáp lại. “Những lời chỉ trích của các con đổ lên bố cũng như đổ lên lông vịt mà thôi,” ông luôn mỉm cười kết luận, trước khi chào tạm biệt. 

Tuy nhiên lần này, cuộc đối thoại đã căng hơn. 

Tôi vẫn hình dung được khuôn mặt co rúm lại của ông lúc đó, hai tay ông siết chặt bình nước như thể ông muốn bóp vỡ nó trước mắt chúng tôi. 

Tôi tưởng tượng ra tất cả những lời mà ông không bao giờ thốt lên và tôi cố thử hiểu. Chính xác là ông cảm nhận được gì qua đó? Ông nghĩ gì khi ông một mình? Và ông như thế nào trong những lúc thân tình? 

Không còn cách nào khác, Christine quay về phía tôi: 

– Còn em, Chloé, em nói gì về tất cả những điều này? 

Tôi cảm thấy mệt mỏi, tôi muốn buổi tối này kết thúc cho nhanh. Tôi đã ngán đến tận cổ những câu chuyện gia đình của họ rồi. 

– Em… tôi nghĩ ngợi, em, em nghĩ rằng bố không sống giữa chúng ta, ý em là không thật sự sống với chúng ta, em nghĩ rằng bố như một người từ sao Hỏa lạc vào gia đình Dippel… 

Những người khác nhún vai và quay đi. Nhưng ông thì không. 

Ông buông tay khỏi bình nước và gương mặt dãn ra mỉm cười với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông mỉm cười kiểu như vậy. Có lẽ cũng là lần cuối cùng. Hình như là có một mối quan hệ đồng minh nhất định đã nảy sinh từ tối hôm đó… Một cái gì đó rất mong manh. Tôi đã cố gắng bảo vệ ông trong khả năng của mình, giờ thì người sao Hỏa lạ lùng có mái tóc muối tiêu của tôi đang đẩy chiếc xe cút kít chở đầy củi tiến về phía cửa bếp.

° ° °

– Ổn chứ? Con không lạnh à? 

– Ổn cả, ổn cả, cám ơn bố. 

– Thế còn hai con bé? 

– Chúng đang xem phim hoạt hình. 

– Giờ này mà cũng có phim hoạt hình à? 

– Trong kỳ nghỉ của học sinh, sáng nào cũng có ạ. 

– À… tốt rồi. Con tìm thấy cà phê chưa? 

– Rồi, rồi ạ, cám ơn bố. 

– Còn con, Chloé? Về chuyện kỳ nghỉ, con không phải… 

– Gọi điện đến công ty ạ? 

– Ừ, nhưng suy cho cùng, bố cũng chỉ đoán vậy thôi. 

– Có, có chứ, con sẽ gọi, con… 

Tôi lại bật khóc. 

Bố chồng tôi nhìn xuống. Ông tháo bỏ đôi găng tay. 

– Tha lỗi cho bố, bố cứ xen vào những chuyện không liên quan đến mình. 

– Không, không, không phải vậy, chỉ là… Con cảm thấy mất phương hướng. Con hoàn toàn mất phương hướng… Con… bố nói đúng, con sẽ gọi cho sếp của con. 

– Sếp của con là ai vậy? 

– Một cô bạn, đấy là con nghĩ thế, để xem… 

Tôi cột tóc bằng chiếc dây buộc tóc cũ của Lucie mà tôi vẫn mang trong túi. 

– Con chỉ cần nói với cô ấy là con xin nghỉ vài ngày để chăm sóc cho ông bố chồng già quàu quạu của mình… ông gợi ý. 

– Vâng… Con sẽ nói là quàu quạu và bị liệt. Nghe có vẻ nghiêm trọng hơn. 

Ông mỉm cười thổi thổi trên tách cà phê của mình. 

Laure không có ở đó. Tôi nói lúng búng đôi ba câu với người trợ lý đang cùng lúc có một cuộc gọi trên máy khác. 

Cũng gọi cả về nhà. Ấn mã số để nghe tin nhắn trên máy trả lời tự động. Toàn những tin nhắn không quan trọng. 

Mà tôi tưởng gì chứ? 

Và một lần nữa, nước mắt lại trào ra. Bố chồng tôi vừa bước vào nhưng rồi quay ra ngay lập tức. 

Tôi tự nhủ: “Nào, phải khóc một lần thật đã cho xong. Khóc cạn nước mắt, vắt hết nước, vắt kiệt cái tấm thân to buồn thảm này đi và rồi chuyển sang giai đoạn mới. Nghĩ đến những thứ khác. Đưa một chân ra phía trước và bắt đầu lại tất cả.” 

Người ta cũng đã nói điều này với tôi đến cả trăm lần rồi. Nhưng hãy nghĩ đến những thứ khác. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Hãy nghĩ đến các con. Cô không có quyền buông xuôi. Hãy cứu bản thân mình. 

Vâng, tôi biết, tôi biết rất rõ, nhưng hãy hiểu cho tôi: tôi không làm được việc đó. 

Trước hết, sống có nghĩa là gì chứ? Điều đó có nghĩa là gì? 

Các con tôi, tôi có gì để tặng cho chúng chứ? Một bà mẹ khập khiễng ư? Một thế giới đảo lộn ư? 

Tôi có thể thức dậy mỗi sáng, mặc quần áo, ăn uống, thay đồ cho con, cho con ăn, vững vàng đến tận tối và ôm hôn cho chúng đi ngủ. Tôi có thể làm được điều đó. Ai cũng làm được. Nhưng hơn thế thì không. 

Làm ơn. 

Không hơn. 

– Mẹ ơi! 

– Ơi, tôi vừa trả lời vừa lau nước mũi bằng cổ tay áo. 

– Mẹ ơi! 

– Mẹ ở đây, mẹ ở đây… 

Lucie đứng trước mặt tôi, trong bộ đồ ngủ dưới chiếc áo choàng. Nó nắm tóc và xoay con búp bê Barbie. 

– Mẹ biết ông đã nói gì không? 

– Không? 

– Ông bảo rằng mình sẽ đi ăn ở tiệm McDonald’s. 

– Mẹ không tin điều con nói đâu, tôi trả lời. 

– Ấy vậy mà thật thế đấy ạ! Chính ông đã nói với chúng con như vậy. 

– Khi nào? 

– Vừa xong. 

– Nhưng mẹ tưởng ông ghét ăn đồ McDo… 

– Nan, ông không ghét đâu. Ông nói rằng mình sẽ đi mua đồ và sau đó, tất cả cùng đi ăn ở McDonald’s, cả mẹ, cả Marion, cả con và cả ông nữa! 

Con bé nắm tay tôi trong lúc chúng tôi bước lên cầu thang. 

– Mẹ biết là con gần như chẳng có quần áo ở đây. Mình đã để quên hết ở Paris… 

– Ừ phải, tôi công nhận, mình đã để quên hết. 

– Thế mẹ biết ông đã nói gì không? 

– Không. 

– Ông nói với Marion và con rằng ông sẽ mua quần áo cho chúng con khi chúng ta đi mua sắm. Những bộ quần áo mà chúng con sẽ tự chọn lấy… 

– Thật hả? 

Tôi vừa thay đồ cho Marion vừa cù lên bụng nó. 

Trong lúc đó, Lucie, ngồi bên mép giường, tiếp tục từ từ tiến đến cái đích mà nó muốn. 

-Và ông nói là ông đồng ý… 

– Đồng ý cái gì? 

– Đồng ý mua cho con tất cả những gì con đã hỏi xin ông… 

Chết thật. 

– Thế con hỏi xin ông cái gì? 

– Quần áo cho Barbie. 

– Cho con Barbie của con á? 

– Cho con Barbie của con và cho con. Những bộ quần áo chung cho cả hai chúng con. 

– Ý con nói là những cái áo phông óng ánh trông phát kinh đấy á!? 

– Vâng, và thậm chí tất cả những gì đi kèm: quần bò màu hồng, giày bát kết hồng có ghi chữ Barbie ở trên, đôi tất đính nơ nhỏ… Mẹ biết đấy… ở đó… Chiếc nơ nhỏ đằng sau… 

Nó chỉ cho tôi thấy mắt cá chân của nó. 

Tôi đặt Marion xuống. 

– Tuyệt vờiiiiiiii, tôi nói với con bé, tất cả trông sẽ tuyệt vờiiiiiiiiiiiiii!!! 

Miệng con bé méo xẹo. 

– Dẫu sao thì tất cả những thứ đẹp đẽ, mẹ đều cho là xấu xí… 

Tôi bật cười, hôn lên cái môi đang bĩu đáng yêu của nó. 

Con bé vừa mặc váy vừa mơ mộng. 

– Con sẽ xinh đẹp, mẹ nhỉ? 

– Con vẫn xinh đấy chứ, nhóc con của mẹ, con giờ đã xinh lắm lắm rồi. 

– Vâng, nhưng mà như thế, còn xinh hơn nữa… 

– Con tin có thể như vậy được sao? 

Nó suy nghĩ. 

– Vâng, con tin… 

– Nào, quay người cho mẹ xem nào. 

Những đứa con gái, thật là một tạo vật tuyệt mỹ, tôi thầm nghĩ trong lúc chải đầu cho con bé, một tạo vật tuyệt mỹ… 

Trong lúc chúng tôi đang xếp hàng ở quầy thanh toán, bố chồng tôi đã thú thực với tôi là từ hơn mười năm nay, ông không hề đặt chân đến siêu thị. 

Tôi nghĩ đến Suzanne. 

Luôn luôn một mình sau chiếc xe đẩy. 

Luôn luôn một mình khắp nơi. 

Sau khi ăn, hai con bé chơi đùa trong một nhà bóng đầy những quả bóng nhiều màu sắc. Một thanh niên đã yêu cầu chúng tháo giày ra và tôi phải ôm những chiếc giày bát kết kinh khủng “Bạn là cô bé Barbie!” của Lucie trong lòng. 

Tệ nhất là cái dạng đế liền gót trong suốt này… 

– Làm sao mà hai ông cháu lại có thể mua mấy cái thứ kinh khủng đến như vậy? 

– Con bé vô cùng thích chúng… Bố cố gắng không lặp lại những sai lầm cũ với thế hệ mới… Con thấy đấy, cũng giống như nơi này… Cách đây ba mươi năm, ngay cả nếu như có thể làm điều đó, bố cũng sẽ chẳng bao giờ đến đây với Christine và Adrien. Không bao giờ! Và vì sao, bố tự hỏi mình hôm nay, vì sao lại tước đoạt cái thú vui kiểu này của chúng chứ? Cuối cùng thì bố có mất mát gì đâu? Mười lăm phút ư? Mười lăm phút vô vị có là gì so với khuôn mặt sáng ngời của bọn trẻ chứ? 

– Bố đã làm mọi thứ ngược lại, ông lắc đầu nói thêm, và ngay cả cái sandwich tệ hại này, bố cũng cầm ngược nó, đúng không? 

Trên quần ông dính đầy nước xốt mayonne. 

– Chloé? 

– Dạ. 

– Bố muốn con ăn… Xin lỗi vì bố nói với con giống như Suzanne nhưng con chưa ăn gì từ hôm qua đến giờ… 

– Con không ăn nổi. 

Ông lại tiếp tục. 

-Dù sao thì làm sao mà con có thể muốn ăn cái thứ tồi tệ như thế này được cơ chứ? Ai có thể ăn được thứ này chứ? Hả? Nói bố coi. Ai? Chẳng ai hết! 

Tôi cố gắng mỉm cười. 

– Được rồi, bố cho phép con tiếp tục nhịn ăn bây giờ, nhưng tối nay thì chấm dứt! Tối nay, chính bố sẽ nấu ăn và con sẽ buộc phải ăn hết lòng, hiểu không? 

– Hiểu rồi ạ. 

– Thế còn cái này? Ăn thế nào đây, cái món cho phi hành gia này? 

Ông chỉ cho tôi một loại như xa lát được đựng trong bình lắc cocktail bằng nhựa.

° ° °

Chúng tôi ở ngoài vườn trong suốt thời gian còn lại của buổi chiều. Hai con bé nhảy nhót xung quanh ông chúng trong khi ông đang chú tâm vá víu lại chiếc xích đu cũ kỹ. Tôi ngồi trên bậc thềm, ngắm chúng từ xa. Trời lạnh, đẹp. Mặt trời chiếu lấp lánh qua tóc chúng và tôi thấy chúng thật xinh xắn. 

Tôi nghĩ đến Adrien. Anh ấy đang làm gì nhỉ? 

Vào chính giây phút này, anh ấy đang ở đâu? 

Với ai? 

Và cuộc sống của chúng tôi, nó sẽ giống cái gì đây? 

Mỗi suy nghĩ lại làm tôi xuống tinh thần thêm một chút. Tôi quá mệt mỏi. Tôi nhắm mắt lại. Tôi mơ thấy anh đến. Có tiếng động cơ trong sân, anh ngồi xuống cạnh tôi, anh hôn tôi và đặt ngón tay lên miệng tôi để tạo bất ngờ cho bọn trẻ. Tôi vẫn còn cảm thấy sự dịu dàng của anh nơi cổ mình, giọng nói của anh, hơi ấm của anh, mùi da anh, tất cả đều ở đây. 

Tất cả đều ở đây… 

Chỉ cần nghĩ đến thôi. 

Sau bao nhiêu lâu thì người ta có thể quên được mùi hương của người đã yêu mình? Và khi nào thì đến lượt mình, người ta sẽ hết yêu? 

Ước gì người ta chìa cho tôi chiếc đồng hồ cát. 

Lần cuối cùng chúng tôi ôm nhau, tôi là người hôn anh. Ở trong thang máy trên phố Flandre. 

Anh để yên. 

Vì sao? Vì sao anh lại để yên cho một người phụ nữ mà anh không còn yêu hôn anh? Vì sao cho tôi miệng anh? Và cánh tay anh? 

Điều này thật vô nghĩa. 

Chiếc xích đu đã được sửa xong. Pierre liếc nhìn tôi. Tôi quay đầu sang hướng khác. Tôi không muốn gặp ánh mắt ông. Tôi lạnh, nước mũi chảy đầy môi và tôi phải đi làm cho nhà tắm nóng lên cái đã. 

– Con có thể giúp gì được cho bố không? 

Ông đã thắt một chiếc khăn lau quanh hông. 

– Lucie và Marion ngủ rồi à? 

– Vâng. 

– Chúng nó sẽ không bị lạnh đấy chứ? 

– Không, không, chúng rất ổn. Tốt hơn là bố nói xem con có thể làm được gì… 

– Con có thể khóc làm sao cho bố không buồn lòng một lần xem… Có thể việc nhìn thấy con khóc vô cớ sẽ làm bố dễ chịu. Này, cắt cho bố cái này, ông nói thêm khi chìa cho tôi ba củ hành tây. 

– Bố thấy con khóc quá nhiều à? 

– Ừ. 

Im lặng. 

Tôi lấy cái thớt gỗ nằm gần bồn rửa và ngồi xuống đối diện ông. Gương mặt ông lại căng thẳng. Chỉ nghe thấy tiếng ngọn lửa reo tí tách. 

– Ý bố không phải như thế… 

– Sao ạ? 

– Ý bố không phải như thế, bố không nghĩ là con khóc quá nhiều, bố chỉ thấy bức xúc. Trông con thật xinh xắn khi con cười… 

– Con có muốn uống chút gì không? 

Tôi gật đầu. 

– Mình sẽ để nó nóng lên một chút, nếu không thì sẽ thật đáng tiếc… Con có muốn một ly Bushmills trong lúc chờ đợi không? 

– Không, cám ơn bố. 

– Sao thế? 

– Con không thích rượu whisky. 

– Khổ thân! Nó chẳng liên quan gì đâu. Nếm cái này cho bố… 

Tôi đưa chiếc ly lên môi và thấy nó thật ghê người. Tôi đã không ăn gì từ nhiều ngày nay, tôi bị say. Con dao tôi cầm trượt trên lớp vỏ củ hành tây và gáy của tôi bay bổng. Tôi suýt cứa đứt một ngón tay mình. Tôi cảm thấy thật dễ chịu. 

– Nó ngon đấy chứ? Patrick Frendall tặng nó cho bố nhân dịp bố sáu mươi tuổi. Con có nhớ Patrick Frendall không? 

– Ừm… không. 

– Có mà, có mà, bố tin là con đã gặp ông ấy tại đây, con không nhớ à? Cái gã to vật với cánh tay khổng lồ… 

– Cái ông đã tung Lucie lên không đến mức mà con bé suýt phát nôn ấy ạ? 

– Chính xác, ông Pierre vừa trả lời vừa rót tiếp cho tôi một ly. 

– Vâng, con nhớ rồi… 

– Bố rất quý ông ấy, bố thường hay nghĩ về ông ấy… Thật là lạ, bố coi ông ấy là một trong những người bạn thân nhất của mình trong khi bố chỉ biết sơ về ông ấy… 

– Bố có bạn thân? 

– Tại sao con lại hỏi bố vậy? 

– Con hỏi thế thôi ạ. Đúng ra… Con chẳng biết gì hết. Chỉ là con chưa từng nghe bố nói về họ. 

Bố chồng tôi chăm chú thái những lát cà rốt. Bao giờ cũng vậy, thật thú vị khi nhìn một người đàn ông lần đầu tiên trong đời làm bếp. Cái cách theo sát từng dấu chấm phẩy trong công thức nấu ăn này giống như thể đầu bếp trứ danh Ginette Mathiot là một nữ thần rất nhạy cảm. 

– Ở đây ghi là “thái cà rốt thành những khoanh cỡ trung bình”, con nghĩ thế này đã được chưa? 

– Hoàn hảo! 

Tôi cười. Không có gáy đỡ, cái đầu tôi lắc lư trên hai vai. 

– Cám ơn… Bố đang nói đến đâu nhỉ? À ừ, các bạn của bố… Thật ra, bố đã có ba người bạn… Patrick, người mà bố quen trong một chuyến du lịch ở Roma. Một kẻ sùng đạo trong giáo xứ của bố… Đó là chuyến du lịch đầu tiên của bố mà không có cha mẹ đi cùng… Lúc đó bố mười lăm tuổi. Bố chẳng hiểu những điều mà gã người Ailen to gấp hai lần bố lúng búng nói nhưng bố và ông ấy đã gắn bó với nhau ngay lập tức. Ông ấy đã được những con chiên ngoan đạo nhất thế giới nuôi dạy, còn bố thì vừa mới thoát ra khỏi sự kìm kẹp của gia đình… Hai con chó được thả rông trong Thành phố vĩnh hằng… Ôi cái chuyến hành hương ấy!… 

Ông vẫn còn xúc động khi nói về chuyện đó. 

Ông đảo qua đảo lại những lát hành tây và cà rốt trong nồi cùng với thịt ba chỉ hun khói, mùi rất thơm. 

– Và tiếp theo là Jean Théron mà con đã biết và anh trai của bố, Paul, người con chưa từng gặp mặt bởi vì ông ấy đã mất năm 56… 

– Bố coi anh trai mình như một người bạn thân à? 

– Ông ấy còn hơn cả thế… Con, Chloé, theo như những gì bố biết về con, thì có lẽ con sẽ yêu mến ông ấy. Đó là một người tinh tế, hài hước, quan tâm đến mọi người xung quanh, luôn luôn vui vẻ. Ông ấy biết vẽ… Ngày mai, bố sẽ cho con xem những bức tranh của ông ấy, chúng ở tất trong phòng làm việc của bố. Ông ấy biết tiếng hót của tất cả các loài chim. Ông ấy hay trêu chọc nhưng không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai. Đó là một người có duyên. Rất có duyên. Vả lại, ai cũng yêu mến ông ấy… 

– Vì sao ông ấy chết? 

Bố tôi quay người lại. 

– Ông ấy sang Đông Dương tham chiến. Ông ấy trở về trong tình trạng bệnh tật và gần như điên. Ông ấy chết vì bệnh lao phổi ngày 14 tháng Bảy năm 1956. 

– … 

– Không cần nói thì con cũng hiểu, sau đó, cha mẹ bố đã không xem một cuộc diễu hành nào nữa trong đời. Những vũ hội và pháo hoa, với họ đã chấm dứt. 

Ông bỏ thêm thịt vào nồi và đảo liên tục cho nó sém vàng đều. 

– Điều tệ hại nhất, con biết không, đó là ông ấy đã tình nguyện tham gia chiến đấu… Vào thời kỳ đó, ông ấy còn đang đi học. Ông ấy rất xuất sắc. Ông muốn làm việc cho Sở Lâm nghiệp Quốc gia. Ông yêu cây cối và chim chóc. Lẽ ra ông ấy không nên đến đó. Chẳng có lý do gì để ông ấy đến đó cả. Chẳng có lý do nào hết. Đó là một người dịu dàng, ưa hòa bình, hay trích dẫn lời của nhà văn Giono và… 

– Thế thì tại vì sao? 

– Tại một cô gái. Một sự thất tình ngu ngốc. Thật vớ vẩn, vả lại thậm chí đấy cũng không phải là một cô gái, mà là một con bé. Một câu chuyện phi lý. Ngay lúc này khi bố đang nói với con và mỗi khi bố nghĩ đến điều này, bố đều thấy tuyệt vọng vì sự hão huyền trong cuộc sống của chúng ta. Một chàng trai tốt ra chiến trường chỉ vì một con nhỏ hay dỗi hờn, thật lố bịch. Cái này có trong những cuốn tiểu thuyết bán ở nhà ga. Những câu chuyện tương tự chỉ phù hợp cho những vở bi kịch. 

– Thế cô ta không yêu ông ấy à? 

– Không. Nhưng Paul thì phát điên lên vì cô ta. Ông ấy mê cô ta. Ông ấy quen cô ta từ khi cô này mười hai tuổi, viết cho cô ta những bức thư mà chắc cô ta còn thậm chí không hiểu được. Ông ấy ra chiến trường để làm ra vẻ mình bạo dạn lắm. Để cho cô ta thấy ông ấy là một người đàn ông thế nào! Ngay hôm trước ngày lên đường, cái gã ngốc ấy còn khoác lác: “Khi nào cô ấy hỏi xin địa chỉ của con, mọi người đừng đưa cô ấy ngay, con muốn mình là người viết thư cho cô ấy trước…” Và ba tháng sau, cô ta đính hôn với cậu con trai của người bán thịt trên đường Passy. 

Ông đã rắc đến cả chục loại gia vị khác nhau, tất cả những gì mà ông có thể tìm thấy trong tủ bếp. 

Tôi không biết bà Ginette có thể nghĩ gì về điều này… 

– Một thằng con trai to xác không có gì đáng để chú ý, suốt cả ngày chỉ biết lọc thịt trong gian phòng phía sau cửa hàng của ông bố. Con tưởng tượng xem, thật là một cú sốc với chúng ta. Cô ta đã khước từ Paul nhà mình vì gã thanh niên thộn này. Còn ông ấy thì ở đó, bên kia trái đất, có thể đang nghĩ về cô ta, sáng tác cho cô ta những vần thơ, cái gã ngốc ấy, và cô ta, cô ta chỉ nghĩ đến những buổi đi chơi tối thứ Bảy với cái tay đần độn nhưng lại có quyền mượn xe hơi của ông bố đó. Một chiếc Frégate màu xanh da trời, bố còn nhớ… Dĩ nhiên, cô ta hoàn toàn có quyền không yêu ông ấy, dĩ nhiên, nhưng mà Paul lại quá cuồng nhiệt, ông ấy không thể làm gì mà không quyết liệt, không… không sôi nổi cả. Thật phí công vô ích… 

– Và sau đó? 

– Sau đó, chẳng có gì cả. Paul trở về và mẹ của bố đã đổi sang mua thịt ở hàng khác. Ông ấy đa phần ở trong nhà và gần như không ra ngoài nữa. Ông ấy vẽ, đọc sách, than phiền là không ngủ được. Ông ấy đau nhiều, ho không ngừng và rồi qua đời. Vào năm hai mươi mốt tuổi. 

– Bố không bao giờ nói về chuyện này… 

– Không. 

– Vì sao? 

– Bố thường thích nói với những người quen biết ông ấy, như thế đơn giản hơn… 

Tôi kéo ghế đứng lên. 

– Con sẽ dọn bàn ăn. Bố muốn ăn tối ở đâu? 

– Ở đây, trong bếp, rất tốt. 

Ông tắt bóng đèn lớn và chúng tôi ngồi đối diện nhau. 

– Ngon tuyệt. 

– Con nghĩ thế thật chứ? Bố thấy có vẻ như là đun hơi kỹ, đúng không? 

– Không, không, con bảo đảm đấy, như vậy là tuyệt vời rồi. 

– Con quá tốt. 

– Chính rượu vang của bố tốt thì đúng hơn. Nói cho con nghe về Roma đi… 

– Về thành phố á? 

– Không, về chuyến hành hương đó… Khi bố mười lăm tuổi thì bố như thế nào? 

– Ồ… Bố thế nào ấy hả? Bố là thằng con trai khờ khạo nhất trần đời. Bố đã thử theo chân Frendall. Bố thè lưỡi trêu chọc ông ta, nói với ông ta về Paris, về khu Moulin Rouge, khẳng định bất kỳ điều gì, nói dối một cách trơ trẽn. Ông ấy cười, đáp lại những lời mà bố cũng chẳng hiểu và đến lượt bố bật cười. Bố và ông ấy tiêu thời gian bằng việc đi nhặt những đồng xu ở đài phun nước và cười ngượng nghịu khi gặp một người khác giới đi qua. Nghĩ lại thấy bọn bố đúng thật là bệnh hoạn… Giờ bố không còn nhớ được mục đích của chuyến hành hương đó. Chắc chắn là bắt nguồn từ một lý do tốt đẹp nào đó, mục đích cầu nguyện, như người ta nói… Bố cũng không biết nữa… Đó là cả một nguồn sinh khí lớn cho bố. Vài ngày đó đã thay đổi đời bố. Bố đã khám phá mùi vị của tự do. Như thể là… Bố rót thêm rượu cho con nhé? 

– Con rất sẵn lòng. 

– Cũng phải nhìn vào bối cảnh lúc đó nữa… Mọi người vừa mới làm ra vẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Không khí rất căng thẳng. Bọn bố không thể nói đến ai, một người hàng xóm, một tiểu thương, cha mẹ của một người bạn học, mà không khiến cho cha của bố xếp loại ngay lập tức người đó: kể đi tố giác hay người bị tố cáo, kẻ hèn nhát hay người vô tích sự. Thật kinh khủng. Con không thể tưởng tượng nổi điều đó đâu, nhưng tin bố đi, điều này thật khủng khiếp đối với những đứa trẻ… Vả lại, bọn bố cũng không nói chuyện với ông ấy nữa… hoặc là nói rất ít… Có lẽ là ở mức tối thiểu theo đạo làm con… Dẫu sao thì một hôm, bố cũng hỏi ông ấy: “Nếu trong mắt cha, nhân loại xấu xa như vậy thì sao cha lại đấu tranh cho nó?” 

– Ông ấy đáp lại ra sao? 

– Không gì cả… ngoải vẻ khinh miệt. 

– Cám ơn, cám ơn bố, con uống thế là nhiều quá rồi! 

– Lúc đó bố sống ở tầng hai của một tòa nhà màu xám xịt, ở sâu trong quận 16. Có điều đáng buồn… bố mẹ của bố thực ra không có điều kiện để sống ở đó nhưng con biết đấy, có cái địa chỉ ở đó là được cái tiếng. Quận 16! Cả gia đình bố chen chúc trong một căn hộ thảm hại nơi mà ánh nắng mặt trời không bao giờ rọi tới được và mẹ của bố cấm không cho mở cửa sổ vì ngay bên dưới có một bãi xe buýt. Bà sợ rằng những chiếc rèm cửa sẽ… bị chuyển thành màu đen… ôi, ôi, cái món rượu vang tốt bụng này đã khiến cho bố chia động từ ở thời quá khứ chưa hoàn thành của thức giả định cơ đấy, ngạc nhiên chưa! Khi đó, bố buồn chán kinh khủng. Bố còn quá trẻ để thu hút sự quan tâm của cha, còn mẹ thì lại ưa bay nhảy. 

Bà ấy rất hay đi chơi. “Thời gian để dành cho giáo xứ”, bà thường ngước mắt lên nhìn trời nói. Bà thường phản ứng thái quá, tức tối vì sự ngu dốt của một số phụ nữ sùng đạo nào đó mà bà tự dựng lên, bà rút găng tay, ném lên chiếc bàn ở lối ra vào như người ta ném chiếc tạp dề, lượn quanh, huyên thuyên, nói dối, đôi khi làm rối tung lên. Mọi người để cho bà nói. Paul gọi bà là nữ nghệ sĩ Sarah Bernhardt và bố của bố thì lại tiếp tục đọc tờ Figaro mà không bình luận câu nào khi bà rời khỏi phòng… Con ăn khoai tây nhé? 

– Không ạ, cám ơn bố. 

– Bố học bán trú ở Janson-de-Sailly. Bố cũng buồn chán giống như cái tòa nhà bố ở. Bố đọc Những trái tim dũng cảm và những cuộc phiêu lưu của Flash Gordon. Bố chơi tennis với những cậu con trai nhà Mortellier thứ Năm hàng tuần. Bố… Bố là một đứa trẻ rất ngoan và vô vị. Bố mơ ước được vào thang máy và lên tầng thứ bảy để xem… Thế mà cũng gọi là phiêu lưu… Leo lên tầng thứ bảy! Đúng là một tên đần, bố thề với con… 

Bố chờ đợi Patrick Frendall. 

Bố chờ Giáo Hoàng! 

Ông đứng dậy khơi thêm lửa. 

– Tóm lại… đấy không phải là một cuộc cách mạng… Chỉ là một chuyến đi giải trí không hơn không kém. Bố đã luôn tin rằng mình sẽ… nói thế nào nhỉ… tháo dây cương cho mình một ngày nào đó. Nhưng không. Không bao giờ. Bố lại vẫn là đứa con rất ngoan và vô vị đó. Mà tại sao bố lại kể cho con tất cả những điều này nhỉ? Nhưng sao tự nhiên bố lại huyên thuyên thế nhỉ? 

– Thì chính con đã hỏi bố mà… 

– Rốt cuộc… Đó cũng không phải là lý do! Bố không làm con phát ngán với những hoài niệm của mình đấy chứ? 

– Không, không, trái lại, con rất thích…

° ° °

Sáng ngày hôm sau, tôi thấy trên bàn ăn mấy chữ ngắn gọn. “Đến văn phòng rồi trở lại”. 

Đã có sẵn cà phê nóng và một thanh củi lớn đã được bỏ trong lò. 

Tại sao ông không báo trước cho tôi chuyện ông đi nhỉ? 

Thật là một người kỳ lạ… Giống như một con cá… Luôn né tránh và trôi tuột qua kẽ tay… 

Tôi lấy cho mình một cốc cà phê lớn và đứng uống, vai dựa vào cửa sổ bếp. Tôi ngắm những con chim cổ đỏ đang quay cuồng xung quanh miếng mỡ lợn mà bọn trẻ để trên chiếc ghế dài hôm qua. 

Mặt trời mới lên cao hơn một chút so với hàng rào. 

Tôi đợi bọn trẻ thức dậy. Căn nhà quá yên ắng. 

Tôi thèm một điếu thuốc. Thật ngu ngốc, tôi đã bỏ thuốc từ nhiều năm rồi. Vâng, nhưng thế đấy, cuộc sống là vậy… Bạn chứng tỏ mình có một ý chí quyết tâm tuyệt vời và vào một sáng mùa đông, bạn quyết định đi bộ bốn cây số trong giá rét để mua một gói thuốc lá, hay là, bạn yêu một người đàn ông, cùng anh ta sinh ra hai đứa con và một sáng mùa đông, bạn được biết rằng anh ta ra đi bởi vì anh ta yêu một người con gái khác. Lại phải nói thêm rằng anh ta bối rối, rằng anh ta đã nhầm. 

Như kiểu nói trên điện thoại: “Tha lỗi cho anh, đó là một sai lầm.” 

Nhưng không sao, anh đừng bận tâm… 

Bong bóng xà phòng. 

Trời gió. Tôi ra ngoài cất những cục mỡ lợn. 

Tôi xem vô tuyến với bọn trẻ. Thật ngán ngẩm. Những người hùng trong phim hoạt hình chúng xem có vẻ quá ngu ngơ và đỏng đảnh. Lucie khó chịu, lắc đầu, đề nghị tôi im lăng. Tôi thì lại muốn nói chuyện với nó về Candy cơ. 

Tôi, lúc còn bé, tôi nghiện xem phim về Candy. 

Candy không bao giờ nói về tiền bạc. Chỉ nói về tình yêu. Và rồi tôi ngồi im. Xử sự giống như cô nàng Candy đó cũng vô ích thôi… 

Gió thổi ngày càng mạnh. Tôi từ bỏ ý định đi vào làng. 

Chúng tôi ở trên căn gác xép suốt cả buổi chiều. Bọn trẻ chơi trò hóa trang. Lucie phẩy phẩy chiếc quạt trước mặt em gái nó: 

– Bà nóng quá phải không, bà công tước? 

Bà công tước không thể động cựa. Bà đội quá nhiều mũ. 

Chúng tôi mang một cái nôi cũ xuống. Lucie nói phải sơn lại nó. 

– Màu hồng à? tôi hỏi nó. 

– Sao mẹ đoán được thế? 

– Mẹ rất giỏi mà. 

Chuông điện thoại reo. Lucie trả lời máy. 

Về cuối, tôi nghe thấy nó hỏi: 

– Bố có muốn nói chuyện với mẹ bây giờ không? 

Một lúc sau, nó cụp máy. Không quay lại với chúng tôi. 

Tôi tiếp tục dọn chiếc nôi với Marion. 

Tôi gặp lại Lucie khi xuống bếp. Nó ngồi cằm đặt lên bàn. Tôi ngồi xuống bên cạnh. 

Hai mẹ con nhìn nhau. 

– Liệu có một ngày nào đó, mẹ và bố sẽ vẫn còn yêu nhau không? 

– Không. 

– Mẹ chắc chứ? 

– Ừ. 

– Dù sao, con cũng đã biết trước điều đó rồi… 

Nó đứng lên và nói thêm: 

– Mẹ có biết con còn điều gì cũng muốn nói với mẹ không? 

– Không. Cái gì vậy con? 

– À là những con chim, chúng đã ăn hết sạch… 

– Thật thế à? Con chắc chứ? 

– Vâng, mẹ lại đây xem… 

Nó đi vòng quanh bàn và nắm lấy tay tôi. 

Chúng tôi đứng bên cửa sổ. Con bé tóc vàng ở cạnh tôi. Nó mặc chiếc áo cũ và một chiếc váy bị mọt gặm nhấm. Đôi giày “Bạn là cô gái Barbie!” của nó nằm gọn trong đôi giày cao cổ của cụ nó. Bàn tay người mẹ to lớn của tôi bọc hết bàn tay nó. Chúng tôi nhìn cây cối trong vườn oằn xuống trong gió và có lẽ cùng có suy nghĩ như nhau… 

Phòng tắm lạnh đến mức tôi không dám thò vai lên trên mặt nước. Lucie vừa gội đầu cho chúng tôi vừa sáng tác ra đủ các kiểu tóc mọc ngược trên đầu. “Mẹ ơi, mẹ nhìn mẹ kìa! Mẹ có sừng ở trên đầu!” 

Tôi đã biết trước rồi. 

Điều này chẳng có gì là hay ho nhưng vẫn làm tôi bật cười. 

– Tại sao mẹ cười? 

– Bởi vì mẹ ngốc. 

– Tại sao mẹ lại ngốc? 

Chúng tôi vừa lau khô người vừa nhảy múa. 

Áo ngủ, tất, giày, áo len, váy ngủ và lại áo len nữa. 

Hai Bibendum 1 của tôi đã xuống nhà ăn xúp. 

Điện chợt mất trong lúc Babar đang chơi trò dùng cái thang máy của một cửa hàng lớn dưới ánh mắt tức tối của người gác cổng. Marion bắt đầu khóc. 

– Đợi mẹ đã nào, mẹ sẽ bật lại điện. 

– Hù! Huuuuuuuù… 

– Thôi đi, cô bé Barbie, con làm em con khóc đấy. 

– Mẹ đừng gọi con là cô bé Barbie! 

– Thế thì con thôi đi. 

Không phải tại bộ ngắt điện tự động, không phải tại cầu chì. Các cánh cửa sổ đóng sập lại, cửa ra vào thì kẽo kẹt và toàn bộ ngôi nhà chìm trong bóng tối. 

Hỡi các xơ Bronte, hãy cầu nguyện cho chúng con. 

Tôi tự hỏi khi nào thì ông Pierre sẽ về. 

Tôi mang đệm của bọn trẻ xuống bếp. Lò sưởi điện không hoạt động nên không thể để chúng ngủ ở trên đó. Hai đứa rất hứng khởi. Ba mẹ con đẩy chiếc bàn sang một bên và đặt chiếc giường tạm của chúng nó gần lò sưởi. 

Tôi nằm xuống giữa hai con bé. 

– Thế Barbar ơi? Chị không… 

– Suỵt, Marion, suỵt! Nhìn phía trước đi kìa. Hãy nhìn ngọn lửa. Chính nó sẽ kể cho em nghe những câu chuyện… 

– Vâng nhưng… 

– Suỵt… 

Chúng ngủ thiếp đi ngay lập tức. 

Tôi nằm nghe những tiếng động trong ngôi nhà. Mũi tôi cay sè và tôi dụi mắt để không khóc. 

Cuộc đời tôi giống như chiếc giường này, tôi tiếp tục nghĩ. Mong manh. Không chắc chắn. Lơ lửng. 

Tôi chờ đợi cái lúc ngôi nhà sẽ bị cuốn bay. 

Tôi nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. 

Thật buồn cười khi thấy rằng từ ngữ không chỉ là từ ngữ. Cần phải cảm thấy rất sợ thì mới hiểu được thế nào là “mồ hôi lạnh” hoặc rất lo lắng mới thấy cụm từ “thắt ruột thắt gan” mô tả đầy đủ đến mức nào, đúng không? 

“Bị bỏ rơi” cũng vậy. Thật là một cụm từ tuyệt vời. Ai đã nghĩ ra nó thế nhỉ? 

Cởi bỏ dây buộc ra. 

Dứt bỏ người vợ tốt. 

Ra khơi, tung cánh chim hải âu và cập bến nơi phương khác. 

Không, thật sự, không thể diễn đạt tốt hơn thế… 

Tôi đang trở thành người tồi. Thêm vài tuần nữa thôi, tôi sẽ trở nên xấu xí tệ. 

Bởi vì cái bẫy chính là ở việc tin rằng con tàu của mình đã được buộc chặt. Thế nên người ta mới ra những quyết định, đi vay nợ, ký cam kết và rồi còn chấp nhận đôi chút mạo hiểm nữa. Mua nhà, sinh con trong những căn phòng màu hồng và ôm nhau ngủ hàng đêm. Người ta bị choáng ngợp bởi cái… Mọi người gọi là gì nhỉ? Cái sự đồng cảm này. Vâng, người ta thường nói vậy, khi đang hạnh phúc. Hay khi ít hạnh phúc hơn… 

Cái bẫy, chính là việc tin rằng mình có quyền được hạnh phúc. 

Chúng ta thật ngốc nghếch làm sao. Khá ngây thơ để dễ dàng tin rằng mình đang làm chủ cuộc sống của mình. 

Cuộc sống không diễn ra như chúng ta muốn, nhưng không sao. Không có gì là to tát cả… 

Có lẽ tốt hơn cả là biết được điều đó sớm hơn. 

“Sớm hơn” lúc nào? 

Thì sớm hơn thôi. 

Trước khi sơn các căn phòng thành màu hồng, chẳng hạn… 

Ông Pierre nói đúng, tại sao lại để lộ điểm yếu của mình nhỉ? 

Để nhận những cú đấm ư? 

Bà tôi thường nói rằng chính bằng những món ăn ngon mà người ta giữ được các ông chồng tốt bụng ở nhà. Cháu còn lâu mới có khả năng đó, bà ơi, còn lâu lắm… Trước hết, tôi không biết nấu ăn và thêm nữa, tôi không bao giờ níu kéo ai cả. 

Vậy thì, thành công rồi đấy, cháu gái ạ! 

Tôi lấy cho mình một chút rược cô nhắc để chúc mừng điều này. 

Một giọt nước mắt và đi ngủ thôi. 

Ngày hôm sau có vẻ quá dài với tôi. 

Chúng tôi đi dạo một vòng. Chúng tôi mang bánh cho những chú ngựa ở trung tâm huấn luyện ngựa và ở lại đó một lúc lâu với chúng. Marion đã cưỡi một con ngựa lùn. Lucie thì không muốn. 

Tôi có cảm tưởng đang mang một chiếc ba lô rất nặng trên lưng. 

Buổi tối là một buổi diễn kịch. Tôi thật may mắn, tối nào nhà tôi cũng có biểu diễn kịch. Lần này, trong chương trình là vở: Cô bé không mún ra đi. Bọn trẻ đã rất cố gắng làm tôi vui. 

Tôi ngủ không được ngon giấc. 

Sáng ngày hôm sau, chả ngủ được nữa. Trời lạnh quá. 

Hai con bé khóc nhè không ngớt. 

Tôi đã cố làm chúng khuây khỏa bằng cách đóng vai người tiền sử. 

-Hãy nhìn kỹ xem người tiền sử làm thế nào để chuẩn bị những bát Nesquick của họ… Họ để cái nồi sữa lên trên bếp, đúng rồi, chính xác là như vậy… Thế còn những lát bánh mì nướng của họ thì làm thế nào? Không có gì đơn giản hơn, đặt mẩu bánh lên trên một cái xiên nướng và hốp, đưa lên trên ngọn lửa… Chú ý! Không được để quá lâu, nghe chưa, nếu không sẽ thành than đấy. Ai muốn chơi trò những người tiền sử với mẹ nào? 

Bọn trẻ không thèm để ý, chúng không đói. Cái mà chúng muốn, đó là cái vô tuyến tệ hại của chúng. 

Tôi bị bỏng. Marion bật khóc khi nghe tiếng tôi kêu còn Lucie thì làm đổ bát thức ăn của nó lên ghế nệm. 

Tôi ngồi xuống, hai tay ôm lấy đầu. 

Tôi mơ ước có thể vặn nó ra, đặt nó xuống đất trước mặt mình và sút một phát vào đấy để cho nó văng đi càng xa càng tốt. 

Xa đến mức mà không bao giờ người ta còn tìm thấy lại nó được nữa. 

Nhưng mà tôi thậm chí còn không biết sút thế nào. 

Chắc hẳn tôi sẽ đá trượt sang bên cạnh, chắc chắn thế. 

Đúng lúc đó ông Pierre về đến. 

Ông lấy làm tiếc, giải thích rằng ông không thể gọi tôi sớm hơn bởi vì đường dây điện thoại đã bị đứt, rồi ông khua khua chiếc túi đựng bánh sừng bò nóng trước mũi bọn trẻ. 

Chúng cười. Marion nắm lấy tay ông còn Lucie thì mời ông một ly cà phê tiền sử. 

– Cà phê tiền sử á? Rất vui lòng, thưa Quý bà Xinh xắn! 

Tôi nước mắt lưng tròng. 

Ông đặt tay lên đầu gối tôi. 

– Chloé… Ổn chứ con? 

Tôi muốn nói với ông, không, chẳng ổn tý nào cả, nhưng tôi vui vì gặp lại ông đến nỗi tôi trả lời ngược lại. 

– Nhà bà chủ tiệm bánh mì có điện, chứng tỏ không phải là mất điện toàn khu vực. Bố sẽ đi xem kỹ hơn… Ê, các cô bé, hãy nhìn kìa, trởi đẹp tuyệt vời! Mặc quần áo đi, chúng ta sẽ đi hái nấm. Sau cơn mưa ngày hôm qua, chúng ta sẽ tìm được nhiều lắm đấy! 

“Các cô bé”, trong đó cũng có cả tôi… Chúng tôi vừa lên cầu thang vừa cười rúc rich. 

Thật là thích khi được là một cô bé tám tuổi. 

Chúng tôi đi bộ cho tới tận cái Cối Xay Gió của Quỷ sứ. Một ngôi nhà trong tình trạng tồi tệ nhưng lại là chỗ vui chơi của bọn trẻ con từ nhiều thế hệ. 

Ông Pierre giải thích cho hai con bé về những lỗ thủng ở trên tường: 

– Ở đây này, là do một cú húc bằng sừng của Quỷ sứ… còn đây, là dấu vết của những chiếc móng guốc của nó… 

– Tại sao nó lại đá vào tường? 

– À… đó là một câu chuyện dài… Đó là bởi vì hôm đó nó rất tức giận… 

– Vì sao hôm đó nó lại tức giận ạ? 

– Bởi vì tù nhân của nó đã trốn thoát? 

– Tù nhân của nó là ai? 

– Đó là cô con gái của bà chủ tiệm bánh mì. 

– Con của bà Pécaut á? 

– Không, tất nhiên là không phải con gái bà ấy!! Mà là cụ của bà ấy thì đúng hơn. 

– Thế ạ? 

Tôi chỉ cho hai con bé cách làm một bộ đồ chơi nấu ăn nhỏ bằng vỏ quả sồi. Chúng tôi đã tìm thấy một cái tổ chim rỗng, những hòn sỏi, những quả thông. Chúng tôi hái quả sồi và bẻ vài cành cây dẻ. Lucie lượm rêu cho các con búp bê của nó còn Marion thì không rời khỏi vai ông. 

Chúng tôi mang về được hai cây nấm. Cả hai đều có khả năng là nấm độc! 

Trên đường trở về, chúng tôi nghe thấy tiếng hót của chim hét và giọng đầy vẻ tò mò của một con bé hỏi: 

– Nhưng mà tại sao Quỷ sứ nó lại bắt giữ bà của bà Pécaut ạ? 

– Cháu không đoán ra à? 

– Không ạ. 

– Bởi vì nó rất tham ăn chứ sao nữa. 

Con bé vụt gậy vào đám cây dương xỉ để xua quỷ dữ. 

Còn tôi, tôi có thể đập gậy vào đâu đây?

° ° °

– Chloé? 

– Dạ. 

– Bố muốn nói với con… Bố hy vọng… Đúng hơn là bố muốn… Đúng thế, bố muốn… Bố muốn con trở lại căn nhà này bởi vì… Bố biết là con yêu nó nhiều lắm… Con đã làm biết bao điều ở đây… Trong những căn phòng này… Trong vườn… Trước khi con đến đây, làm gì đã có vườn đâu, đúng không? Hứa với bố là con sẽ trở lại. Dù là với hai con bé hay không… 

Tôi quay về phía ông. 

– Không, bố ạ. Bố biết rõ là không rồi. 

– Thế con cây hoa hồng của con? Nó tên là gì ấy nhỉ? Cái cây hồng mà con trồng năm ngoái… 

– Cặp đùi mỹ nữ. 

– Đúng, đúng thế. Con rất quý nó… 

– Không, con thích là thích cái tên của nó… Bố ạ, như thế với con cũng đủ khó khăn lắm rồi… 

– Xin lỗi, xin lỗi con. 

– Thế còn bố? Bố sẽ chăm sóc chúng chứ? 

– Tất nhiên! Con nghĩ xem, cặp đùi mỹ nữ cơ mà… Làm thế nào khác được chứ? 

Ông cố gắng gượng đôi chút. 

Trên đường về, chúng tôi đã gặp ông già Marcel từ thị trấn quay về. Chiếc xe đạp của ông loạng choạng rất nguy hiểm. Chúng tôi chẳng thể biết điều kỳ diệu nào đã giúp cho ông ấy dừng được xe lại trước mặt chúng tôi mà không bị ngã. Ông đặt Lucie lên yên xe và đề nghị chúng tôi qua nhà nhậu bữa tối. 

Bà Marcel hôn hai con bé từ đầu đến chân và cho chúng ngồi trước ti vi với một gói kẹo trong lòng. “Mẹ cháu có cả một cái ăng ten chảo cơ! Bà tưởng tượng được không? Một kênh toàn phim hoạt hình thôi.” 

Chúa ơi. 

Đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, vượt qua những bụi cây, những hàng rào, những hố sâu, bịt mũi, đi qua sân nhà ông già Marcel để xem chương trình Télétoon và nhai kẹo dâu Tagada! 

Đôi khi, cuộc sống thật tuyệt vời… 

Nào là bão táp, bò điên, vấn đề chung châu Âu, săn bắt, người chết và người đang ngắc ngoải… 

Một lúc, ông Pierre hỏi: 

– Này, Marcel, ông có còn nhớ anh trai tôi không? 

– Ai cơ? Paul á? Chắc chắn là tớ còn nhớ thằng nhóc ấy rồi… Hắn làm tớ phát điên lên với tiếng huýt sáo của hắn. Khi đi săn, hắn gạt tớ đủ kiểu! Hắn làm cho tớ tin rằng có chim trong khi những con chim đó còn không có ở vùng này! Cu cậu đểu thật! Rằng lũ chó đã bị điên điên! À đúng rồi, tớ còn nhớ! Đó là một thằng nhỏ tốt đấy… Hắn thường xuyên vào rừng với bố… Hắn muốn được cho xem hết, được giải thích hết mọi thứ… Ô là là… Hắn đặt không biết bao nhiêu là câu hỏi! Hắn nói rằng hắn muốn theo học để làm việc trong rừng. Tớ nhớ, ông bố trả lời, nhưng con không cần phải học, cậu bé của ta ạ! Các ông thầy của con ở đó có thể dạy cho con được gì nhiều hơn ta? Hắn không trả lời, hắn bảo rằng làm thế là để được đi thăm tất cả các khu rừng trên thế giới, để xem đất nước, dạo chơi ở châu Phi và ở Nga nhưng rồi, sau đó, hắn sẽ quay trở lại đây và kể hết cho chúng tớ. 

Ông Pierre vừa nghe vừa gật gật đầu, để cổ vũ cho ông già nói thêm và nói thêm nữa. 

Bà Marcel đứng lên. Bà quay trở lại chìa cho chúng tôi một cuốn tập vẽ. 

– Đây là những gì mà một hôm cậu bé Paul, mà tôi nói là cậu bé, nhưng hồi đó thì nó cũng không còn nhỏ đến thế, đã tặng tôi để cám ơn tôi vì những chiếc bánh bột rán. Xem này, đây là con chó của tôi. 

Theo từng trang bà lật, chúng tôi ngắm những bức phác họa một con chó phốc nhỏ, có vẻ cực kỳ được nuông chiều và ranh mãnh hơn bình thường. 

– Nó tên là gì? tôi hỏi. 

– Nó không có tên, nhưng chúng tôi luôn luôn nói “Nó đâu rồi?” bởi nó suốt ngày bỏ đi… Vả lại, cũng chính vì như vậy mà nó chết… Ồ… Chúng tôi yêu quý nó biết bao… Chúng tôi yêu nó biết bao… Quá, quá yêu… Bấy lâu nay, đây là lần đầu tiên tôi xem lại những bức họa này. Thường thì tôi tránh không sờ đến, nó làm tôi cùng một lúc thấy lại quá nhiều cái chết… 

Những bức họa này thật tuyệt vời. “Nó đâu rồi?” là một con phốc màu hạt dẻ với những sợi râu dài màu đen và cặp lông mày rậm. 

– Nó đã ăn một phát súng… Đồ ngu ngốc, ai lại đi rượt đuổi những kẻ săn bắn trái phép… 

Tôi đứng lên, cần phải ra về trước khi trời tối hẳn.

° ° °

– Anh trai bố chết vì mưa. Bởi vì họ đã để ông ấy đứng lâu quá dưới mưa, con có thể hình dung được không? 

Tôi không trả lời tiếng nào, vì đang quá bận tâm nhìn xem giẫm chân chỗ nào để tránh bùn nhão. 

Lũ trẻ lên giường mà không hề ăn tối. Ăn quá nhiều kẹo rồi. 

Babar đã rời Quý bà Già cả. Nó nằm một mình khóc. Nó tự hỏi: “Khi nào mình sẽ gặp lại Babar bé nhỏ đây?” 

Pierre cũng không vui. Ông ngồi lại rất lâu trong phòng làm việc của mình. Với lý do là để tìm lại những bức vẽ của anh trai mình. Tôi chuẩn bị bữa tối. Mì spaghetti với những miếng mề gà do bà Suzanne hầm. 

Chúng tôi đã quyết định ra đi vào cuối buổi sáng ngày hôm sau. Do vậy, đây là lần cuối cùng tôi động tay động chân trong căn bếp này. 

Tôi vẫn luôn rất yêu thích căn bếp này. Tôi vừa ném mì vào nước sôi vừa nguyền rủa cái thói ủy mị của mình. “Tôi vẫn luôn yêu thích căn bếp này…” Hế, mụ già ơi, mụ sẽ có những cái bếp khác thôi mà… 

Tôi tàn nhẫn với bản thân trong khi nước mắt lại đầm đìa, thật ngu xuẩn. 

Ông đặt một bức tranh màu nước lên bàn. Một người phụ nữ, nhìn từ phía sau lưng, đang đọc sách. 

Cô ngồi trên một chiếc ghế băng trong vườn. Đầu hơi nghiêng. Có lẽ cô không đọc, mà có lẽ là đang ngủ hay đang mơ mộng. 

Có thể nhận ra căn nhà chúng tôi đang ở trong đó. Những bậc thềm, những cánh cửa tròn tròn và cây đậu nành trắng.

– Đó là mẹ của bố. 

– Bà ấy tên là gì ạ? 

– Alice. 

– … 

– Bức tranh này là của con. 

Tôi định phản đối, nhưng ông trợn mắt và đặt một ngón tay lên trước miệng mình. Pierre Dippel là một người đàn ông không thích người khác làm mình phật ý. 

– Phải luôn luôn vâng lời bố, đúng không ạ? 

Ông không nghe tôi nói. 

– Có bao giờ, có ai đó đã dám trái lời bố chưa ạ? tôi nói thêm trong lúc đặt bức tranh của ông Paul lên bên trên lò sưởi.

– Không có ai cả. Suốt cả đời bố. 

Tôi cố kìm mình không đáp trả lại. 

Ông tì lên bàn đứng dậy. 

– Ờ… Con muốn uống gì, Chloé? 

– Cái gì làm cho vui vẻ lên ấy ạ. 

Ông từ tầng hầm đi lên với hai chai rượu mà ông ôm trong lòng như ôm hai đứa trẻ sơ sinh. 

– Rượu của Lâu đài Chasse-Spleen… Hãy thú nhận là nó rất hợp hoàn cảnh đi… Đúng thật là thứ chúng ta cần. Bố đã lấy hai chai, một cho con và một cho bố. 

– Bố điên rồi! Đáng lẽ bố phải để dành cho một dịp lớn hơn… 

– Một dịp lớn hơn là dịp nào cơ? 

Ông kéo ghế của mình lại gần lò sưởi. 

– Hơn là… con không biết nữa… Là con… Là chúng ta… Là tối nay. 

Ông khép hai cánh tay lại quanh người để hâm nóng cái gia tài của mình. 

– Nhưng, chúng ta ở đây chính là một dịp lớn, Chloé ạ. Chúng ta là dịp lớn nhất trên thế giới. Bố đã ở trong cái nhà này từ khi còn là một đứa trẻ, bố đã ăn hàng ngàn bữa ăn trong căn bếp này và hãy tin bố đi, bố biết đâu là một dịp lớn! 

Ôi cái giọng điệu tự phụ này, thật đáng tiếc làm sao. 

Ông quay lưng về phía tôi và ngồi im nhìn ngọn lửa. 

– Chloé, bố không muốn con ra đi… 

Tôi đổ đống mì vào rổ và đặt cái khăn lên trên. 

– Bố làm con bực rồi đấy. Bố nói lung tung. Bố chỉ nghĩ cho mình thôi. Cuối cùng thì cũng phải phát mệt với bố. “Bố không muốn con ra đi.” Nhưng vì sao bố lại nói với con một câu ngớ ngẩn đến thế cơ chứ? Con nhắc lại cho bố nhớ là không phải con là người bỏ ra đi… Bố có một cậu con trai, bố có nhớ không? Một cậu con trai đã trưởng thành. Rồi, chính anh ta mới là người đã bỏ ra đi. Chính anh ta! Bố không hay biết chuyện đó à? Ồ, thật tệ quá. Chờ chút, con sẽ kể lại cho bố nghe, đó là một câu chuyện khá khôi hài. Rồi, đó là… Đó là khi nào nhỉ? Không quan trọng. Một ngày nọ, Adrien, cậu Adrien tuyệt vời đó đã gói ghém hành lý. Hãy đặt mình vào vị trí của con xem, con thật ngạc nhiên. À vâng, bởi vì con không nói với bố là chính con là vợ của cậu con trai này. Bố biết đấy, vợ, cái thứ tiện lợi mà người ta dẫn đi khắp nơi và luôn mỉm cười khi được người ta hôn ấy. Thế đấy, con thật ngạc nhiên, bố tưởng tượng xem… anh ta ở đó với những chiếc vali trước cửa thang máy căn hộ của chúng con, bắt đầu than thở đồng thời xem đồng hồ. Anh ta than vãn là bởi vì anh ta rất căng thẳng, ôi cậu bé đáng thương! Nào là thang máy, hành lý, mụ vợ và máy bay, thật điên đầu nhức óc! Phải rồi! Bởi vì anh ta không nên lỡ chuyến bay, nhân tình của anh ta ở trên đó mà! Bố biết đấy, người tình, người phụ nữ trẻ thiếu kiên nhẫn luôn làm cho ta hơi căng thẳng. Bố nghĩ xem, làm gì còn thời gian để mà cãi vã với vợ con… Vả lại, vợ chồng mà cãi nhau thì tầm thường quá… Trong gia đình Dippel, người ta chẳng dạy chúng ta thế hay sao, hả? Kêu gào, cãi cọ, tâm trạng thất thường, đều là dung tục, phải không ạ? Ồ vâng, dung tục. Trong nhà Dippel, thì phải khác chứ, phải là never explain, never complain 2 ngay lập tức. Thế mới sang. 

– Chloé, thôi ngay đi! 

Tôi khóc. 

– Nhưng bố có nghe thấy mình nói gì không? Bố có nhận thấy cái cách bố nói với con như thế nào không!? Nhưng, con không phải là một con chó, Pierre. Con không phải là con chó của bố đâu! Con đã để anh ta đi mà không móc mắt anh ta ra, con đã khẽ khàng đóng cửa lại, và bây giờ con ở đây, con ở đây trước mặt bố, trước mặt các con gái con. Con đảm nhận. Con đảm nhận, bố có hiểu không? Bố hiểu cái từ đó chứ? Có người nào đã từng nghe thấy những tiếng rên rỉ tuyệt vọng của con chưa, có ai không? Vậy thì bây giờ đừng làm con phải cảm thấy thương hại bố vì những phật ý nhỏ nhoi của bố. Bố không muốn con ra đi… Ồ Pierre… Con sẽ buộc phải trái ý bố thôi… Ồ, con thật lấy làm tiếc… Con thật… 

Ông chụp lấy cổ tay tôi và siết chúng với tất cả sức mạnh của mình. Ông giữ cho cánh tay tôi trở nên bất động. 

– Buông con ra! Bố làm con đau! Trong cái nhà này, tất cả các người làm con đau! Pierre, buông con ra! 

Ông chỉ mới nới lỏng tay đôi chút thôi thì đầu tôi đã gục trên vai ông. 

– Tất cả các người đều làm con đau… 

Tôi úp mặt lên cổ ông khóc mà quên rằng ông chắc phải cảm thấy khó chịu biết chừng nào, ông, người chẳng bao giờ chạm đến ai, tôi khóc mà đôi lúc vẫn nghĩ đến những sợi mì spaghetti, chúng sẽ trở nên không nuốt nổi nếu tôi không đi tách rời chúng ra. Ông nói “Nào, nào…” Ông nói “Bố xin lỗi con.” Ông còn nói “Bố cũng có nhiều điều đau khổ như con…” Ông không còn biết làm gì với tay mình nữa. 

Cuối cùng, ông rời ra để đi dọn bàn ăn. 

– Vì còn, Chloé. 

Tôi chạm cốc của mình vào cốc của ông. 

– Vâng, vì con, tôi nhếch miệng mỉm cười nhắc lại. 

– Con là một người con gái tuyệt vời. 

– Vâng, tuyệt vời. Hơn nữa lại vững vàng, can đảm… Còn gì khác nữa không ạ? 

– Hài hước. 

– À vâng, con suýt quên, hài hước. 

– Nhưng không công bằng. 

– … 

– Con bất công, không phải như thế sao? 

– … 

– Con nghĩ rằng bố chỉ yêu mình bố thôi à? 

– Vâng. 

– Thế thì con không phải là bất công mà là ngốc nghếch. 

Tôi chìa cho ông cốc của mình. 

– Vâng, cái đó thì con biết rồi… Cho con thêm chút chất lỏng tuyệt diệu này đi. 

– Con cho rằng bố là một lão già ngu ngốc à? 

– Vâng. 

Tôi gật đầu. Tôi không tệ mà là tôi đang đau khổ. 

Ông thở dài. 

– Tại sao con lại cho rằng bố là một lão già ngu ngốc? 

– Bởi vì bố chẳng yêu mến ai cả. Bố không bao giờ buông lỏng mình. Bố không bao giờ ở đó. Không bao giờ ở giữa chúng con. Không bao giờ tham gia vào các cuộc tranh luận và những chuyện ngốc nghếch của chúng con, không bao giờ ở trong những bữa tiệc tầm phào của chúng con. Bởi vì bố không âu yếm, bởi vì bố luôn luôn im tiếng và vì sự câm lặng của bố gần giống với sự khinh khỉnh. Bởi vì… 

– Thôi, thôi, thế đủ rồi, cám ơn. 

– Con xin lỗi, con trả lời câu hỏi của bố thôi. Bố hỏi con vì sao bố là một lão già ngu ngốc, con trả lời bố. Nói vậy nhưng con không thấy bố già đến thế đâu… 

– Con thật quá là đáng mến… 

– Không có gì. 

Tôi nhe răng ra để cười với ông một cách dịu dàng. 

– Nhưng nếu bố như là con nói, vậy thì vì sao bố lại đưa con đến đây? Vì sao lại dành suốt khoảng thời gian qua cho các con và… 

– Bởi vì, bố biết rất rõ mà… 

– Bởi vì cái gì? 

– Bởi vì cái tính đề cao danh dự của bố. Sự hào nhoáng của những gia đình nề nếp. Từ bảy năm nay con lẩn quẩn quanh chân bố, đây là lần đầu tiên bố quan tâm đến con… Con sẽ nói thẳng với bố điều con nghĩ… Con thấy bố chẳng phải là người nhân từ, chẳng phải là người tử tế. Con rất tỉnh táo. Con trai bố đã làm một điều dại dột và bố, bố chạy theo sau, bố dọn rửa, bố bưng bít. Bố sẽ cố bít lại những vết nứt chừng nào bố có thể. Bởi vì bố không thích chúng, những vết nứt, phải thế không ạ, Pierre? Ồ không, bố không thích thế chút nào… 

Con sẽ nói bố nghe, con cho rằng bố đưa con đến đây là để khỏi bị mất mặt thôi. Thằng nhỏ đã có hành động ngốc nghếch, thôi thì, ta cắn răng lại và ta thu xếp mọi chuyện mà không bàn ra tán vào gì cả. Trước kia, bố đến thảy một đồng xu cho những người nông dân khi chiếc xe hiệu G.T.I của cậu nhỏ phá phách chèn lên ruộng mạ của họ còn bây giờ thì bố đưa cô con dâu đi chơi. Con đang đợi đến lúc bố sẽ tỏ cái vẻ thật đau lòng để thông báo với con là con có thể trông cậy vào bố. Ý con là về mặt tài chính. Bố hơi bối rối, đúng không? Bồi thường một cô gái lớn như con phức tạp hơn là việc bồi thường một ruộng củ cải đường… 

Ông đứng lên. 

– Thế thì đúng rồi…. Đúng thế… Con thật ngốc nghếch. Phát hiện này mới kinh khủng làm sao… 

Nào, đưa cho bố đĩa của con. 

Ông đứng sau lưng tôi. 

– Con làm bố tổn thương đến mức mà chính con cũng không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí còn hơn thế nữa, con làm bố đau lòng. Nhưng, con yên tâm, bố không trách con, bố sẽ cho rằng tất cả những điều này đều là do con đang đau khổ… 

Ông đặt một đĩa thức ăn nóng hổi trước mặt tôi. 

– Tuy nhiên, có một điều, dù sao, bố cũng không thể để con nói tùy tiện được, một điều duy nhất… 

– Điều gì ạ? tôi ngước mắt nhìn lên. 

– Làm ơn đừng có nói đến củ cải đường. Bố đố con tìm thấy một ruộng củ cải đường cho dù là nhỏ nhất trong vòng bán kính vài cây số xung quanh đây đấy… 

Ông tự mãn và tỏ vẻ ranh mãnh. 

– Hừm, ngon thật… Bố sẽ tiếc rẻ một người đầu bếp như con đúng không? 

– Về mặt nấu bếp thì không có một người như con quả là đáng tiếc, còn về các mặt khác thì không, cảm ơn… Con đã làm bố hết muốn ăn rồi… 

– Không ạ?! 

– Không. 

– Thế mà con cứ sợ! 

– Tuy nhiên, cần phải hơn thế nữa mới ngăn cản được bố nếm thử món mì tuyệt hảo này… 

Ông cắm chiếc dĩa của mình vào trong đĩa thức ăn và nhấc lên một đống mì dính chặt vào nhau. 

– Hừm, người ta gọi thế này là thế nào ấy nhỉ?… Vừa chín tới… 

Tôi cười. 

– Bố thích con cười. 

Chúng tôi ngồi yên không nói chuyện một hồi lâu. 

– Bố giận hả? 

– Không, không giận, mà là không rõ thì đúng hơn…. 

– Con rất lấy làm tiếc. 

– Con thấy đấy, bố có cảm tưởng rằng mình đang đứng trước một cái gì đó thật rối rắm. Một dạng nút thắt…. To tướng…. 

– Con muố.. 

– Im, im. Hãy để bố nói. Bố cần phải tháo gỡ mọi điều ngay bây giờ. Việc này rất quan trọng. Bố không biết liệu con có thể hiểu được bố không nhưng con cần phải nghe bố nói. Bố cần phải rút một sợi dây, nhưng là sợi nào đây? Bố không biết. Bố không biết bắt đầu từ cái gì và từ đâu. Chúa ơi, sao phức tạp đến thế… Nếu bố rút nhầm sợi dây, hoặc nếu bố rút quá mạnh, cái nút thắt đó có nguy cơ sẽ bị thắt lại chặt hơn. Thắt lại mạnh hoặc dở đến nỗi sẽ chẳng còn làm gì được nữa và bố sẽ đau lòng chia tay với con. Vì con thấy không, Chloé, cuộc đời bố, cả cuộc đời bố giống như cái nắm tay siết chặt này. Bố ở đây, trước mặt con, trong căn bếp này. Bố đã 65 tuổi. Bố không giống cái gì hết. Bố là lão già ngu ngốc mà con đã quở trách lúc nãy. Bố đã không hiểu gì hết, bố chưa từng trèo lên tầng thứ bảy. Bố đã sợ cái bóng của chính mình và bây giờ thì bố ở đây, đứng trước ý nghĩ về cái chết của mình và… Không, bố xin con, đừng ngắt lời bố… Đừng làm điều đó lúc này. Hãy để bố mở cái nắm tay này ra. Một chút thôi. 

Tôi rót thêm rượu cho cả hai. 

– Bố sẽ bắt đầu bằng cái bất công nhất, cái tàn nhẫn nhất… Có nghĩa là, con… 

Ông thả lỏng người dựa vào lưng ghế. 

– Lần đầu tiên bố gặp con, mặt con xanh lét. Bố nhớ, lúc đó bố bị ấn tượng ngay. Bố vẫn còn nhớ rõ cảnh con trong khung cửa này… Adrien đỡ con và con chìa cho bố một bàn tay co rúm cả lại vì giá lạnh. Con không chào nổi bố, con không nói nổi, do vậy bố đã siết cánh tay con để bày tỏ sự chào đón và bố vẫn nhớ rõ những vệt trắng của ngón tay bố còn hằn lại trên cổ tay con. Đáp lại Suzanne đang hốt hỏang, Adrien cười nói: “Con mang về cho bố mẹ một cô nàng Xì trum đây!” Sau đó, nó đã bế con lên lầu và ngâm con vào một bồn tắm nóng bỏng. Con ở lại trong đó bao nhiêu lâu? Bố không nhớ, bố chỉ nhớ là Adrien luôn nhắc đi nhắc lại với mẹ nó là “Bình tĩnh, mẹ, bình tĩnh! Ngay sau khi cô ấy chín, chúng ta sẽ ngồi vào bàn ăn thôi.” Bởi vì đúng là chúng tôi lúc đó đói thật, ít ra thì là bố, bố đói. Và con biết bố rồi đấy, con biết những lão già ngu ngốc họ thế nào khi họ đói… Bố đã ra lệnh ăn tối mà không chờ các con, khi con tới nơi, tóc vẫn ướt, nụ cười nhút nhát trong chiếc áo choàng cũ của Suzanne. 

Lần này, má của con đỏ, đỏ, đỏ… 

Trong bữa ăn, các con đã kể cho chúng ta nghe là các con đã gặp nhau trong khi xếp hàng vào cửa rạp phim để xem cuốn Một ngày Chủ nhật ở miền quê và rồi không còn chỗ trống và rằng Adrien, rất huênh hoang – đó là đặc trưng của gia đình – đã đề nghị con cùng trải qua một ngày Chủ nhật ở vùng quê, và ngồi lên ngay phía trước xe mô-tô của nó. Vì rằng chỉ có thể hoặc nhận lời hoặc từ chối ngay, và con đã nhận lời, nên con đã bị đông cứng lại như vậy khi rời Paris mà chỉ mặc mỗi áo phông dưới chiếc áo mưa. Adrien cứ nhìn con say đắm và chắc hẳn cũng khó cho nó khi mà con luôn luôn cúi đầu nhìn xuống. Mọi người thường nhìn thấy một chiếc má lúm đồng tiền hiện lên mỗi khi nó nói đến con, hình dung qua đó là con đang mỉm cười… Bố cũng nhớ là hôm đó con đi một đôi giày bát kết thật kỳ lạ…. 

– À, đúng rồi, đôi giày hiệu Converse màu vàng! 

– Đúng, đúng thế. Vì thế, con có thể cứ chỉ trích đôi giày mà bố mua cho con Lucie hôm trước… À, vả lại, bố sẽ phải nói với nó… Cháu yêu, đừng nghe mẹ cháu, ngày trước khi ông gặp mẹ cháu lần đầu tiên, mẹ cháu đi một đôi giày bát kết màu vàng có những chiếc dây buộc màu đỏ đấy… 

– Bố lại còn nhớ cả màu những chiếc dây giày cơ à? 

– Bố nhớ hết, Chloé, tất cả, con nghe thấy bố nói không? Những chiếc dây buộc giày màu đỏ, cuốn sách mà con đọc ngày hôm sau đó dưới gốc cây sơ-ri trong lúc Adrien tháo phụ tùng chiếc xe của nó… 

– Đó là cuốn gì ạ? 

– Thế giới theo cách nhìn của Garp, đúng không? 

– Chính xác. 

– Bố nhớ là con đã đề nghị với Suzanne dọn cỏ ở chiếc cầu thang dẫn ra căn hầm rượu cũ. Bố nhớ những cái nhìn trìu mến mà bà ấy dành cho con khi thấy con hết hơi hết sức trên đám cây ngấy. Có thể đọc được trong mắt bà ấy những chữ cái rực lửa của hai từ “Con dâu? Con dâu?” đang nhấp nháy. Bố đã đưa các con đi chợ Saint-Amand, con đã mua pho mát dê và sau đó chúng ta đã uống một ly Martini tại quảng trường. Lúc đó con đọc một bài báo, về Andy Warhol thì phải, trong khi bố và Adrien đang chơi trò đẩy bóng tính điểm… 

– Thật kỳ lạ, bố làm thế nào mà nhớ được hết những điều đó vậy? 

– Ờ… Bố chẳng có nhiều tài cán gì đâu… Chẳng qua đó là một trong số những lần hiếm hoi mà hai bố con đã cùng nhau làm một việc gì đó… 

– Bố muốn nói, với Adrien á? 

– Ừ…. 

– Vâng. 

Tôi đứng dậy lấy pho mát. 

– Không, không, đừng thay đĩa, không cần thiết đâu. 

– Có chứ! Con biết rằng bố ghét ăn pho mát với chiếc đĩa ăn đã dùng rồi mà. 

– Bố ghét thế, bố á? Ồ… phải rồi… Lại một cái thói của lão già ngu ngốc nữa, phải không? 

– Ờ… vâng, con chắc vậy… 

Ông nhăn mặt chìa đĩa cho tôi. 

– Con mụ đanh đá. 

Đôi lúm đồng tiền lộ ra. 

– Tất nhiên, bố vẫn nhớ đám cưới của các con… Con vịn tay bố và trông con thật đẹp. Con bị trẹo mắt cá chân. Lúc chúng ta đang đi qua vẫn cái quảng trường Saint-Amand đó, con nói nhỏ vào tai bố: “Có lẽ bố nên bắt cóc con, con sẽ ném cái đôi giày chết tiệt này qua cửa sổ xe và chúng ta sẽ đi ăn sò ở quán ăn của Yvette….” Cái ý thích bất thường này đã làm bố choáng. Bố nắm chặt đôi găng tay của mình. Này, con lấy thức ăn trước đi… 

– Bố cứ lấy đi, bố lấy đi…. 

– Bố còn có thể nói gì thêm nữa với con nhỉ?… Bố nhớ một ngày, chúng ta hẹn gặp nhau ở tiệm cà phê bên dưới văn phòng của bố để bố lấy lại một chiếc muôi hay cái gì đó bố cũng không nhớ nữa mà Suzanne đã cho con mượn…. Chắc hẳn hôm đó, con thấy bố thật khó chịu, bố vội vã, lo âu…. Bố bỏ đi sớm thậm chí trước khi con uống xong tách trà. Bố hỏi han con về chuyện công việc của con mà rất có thể là chẳng hề nghe các câu trả lời, tóm lại là thế… Ấy thế mà, cùng tối hôm đó, tại bàn ăn, khi Suzanne hỏi bố cho có lệ “Có gì mới không?” bố đã trả lời bà ấy: “Chloé đang mang thai. – Nó nói với ông thế à? – Không. Vả lại, tôi không chắc là bản thân nó đã biết điều đó…” Suzanne đã nhún vai và đưa mắt nhìn lên trời nhưng bố đã có lý. Vài tuần sau đó, các con đã thông báo cho chúng ta tin mừng… 

– Làm thế nào mà bố đã đoán được vậy? 

– Bố không biết… Bố cảm thấy màu da con thay đổi, sự mệt mỏi của con là vì lý do khác… 

– … 

– Bố có thể tiếp tục kể như vậy một hồi lâu nữa. Con thấy đấy, con thật bất công. Con đã nói cái gì ấy nhỉ? Rằng trong suốt thời gian qua, suốt những năm qua, bố không bao giờ quan tâm đến con… Ồ, Chloé, bố hy vọng là con cảm thấy xấu hổ. 

Ông trợn mắt lên với tôi. 

– Ngược lại, bố là người ích kỷ, điều đó con đúng. Bố nói với con rằng bố không muốn con ra đi, bởi vì bố không muốn con ra đi. Bố chỉ nghĩ đến mình. Với bố, con gần gũi hơn cả con gái. Con gái ruột của bố sẽ không bao giờ nói với bố rằng bố là một lão già ngu ngốc, nó bằng lòng với việc nghĩ rằng bố đơn giản là một lão ngu thế thôi! 

Ông đứng dậy để với lấy lọ muối. 

– Nhưng…. Con làm sao thế? 

– Không sao. Con không sao hết. 

– Có mà, con khóc. 

– Không đâu, con không khóc. Bố nhìn xem, con có khóc đâu. 

– Có mà, con có khóc! Con muốn một cốc nước không? 

– Có ạ. 

– Ồ, Chloé… Bố không muốn con khóc. Điều đó làm bố buồn. 

– Đấy! Bố vẫn thế! Bố đúng là bất trị… 

Tôi cố lên giọng bông lơn, nhưng nước mũi lại đang chảy ra ngòai, trông thật thảm hại. 

Tôi cười. Tôi khóc. Lọai rượu vang này không hề làm tôi vui vẻ lên. 

– Lẽ ra bố không nên nói với con về tất cả những điều này… 

– Có, có chứ ạ. Đó cũng là những kỷ niệm của con… Chỉ cần con làm quen dần một chút. Con không biết liệu bố có nhận thấy rõ không, nhưng tình cảnh này rất mới với con…. Cách đây mười lăm ngày, con vẫn còn là một người mẹ trong một gia đình yên ấm tiện nghi. Trên tàu điện ngầm, con lật cuốn lịch của mình để tổ chức các bữa ăn tối và con vừa giũa móng tay vừa nghĩ về những kỳ nghỉ. Con tự nhủ: “Mình sẽ mang theo các con hay là chỉ hai đứa mình đi thôi nhỉ?” Tóm lại, bố thấy, những vấn đề khó nghĩ kiểu dạng như vậy… 

Con cũng tự nhủ: “Mình chắc phải tìm một căn hộ khác, căn hộ này cũng được, nhưng tối quá…” Con đợi Adrien khá hơn rồi mới nói với anh ấy về việc này vì con thấy rõ rằng thời gian gần đây anh ấy khó chịu trong người…. Cáu kỉnh, dễ tự ái, mệt mỏi…. Con lo cho anh ấy và tự nhủ: “Thế này thì cái công ty điên rồ đó sẽ giết chết anh ấy mất, giờ giấc kiểu gì mà quái đản thế chứ?” 

Ông quay mặt về phía ngọn lửa. 

– Sống trong tiện nghi nhưng con không được tinh ranh lắm, phải không? 

Con đợi anh ấy về để ăn tối. Con đợi hàng giờ. Thậm chí, thường xuyên, con ngủ thiếp đi trong lúc chờ đợi anh ấy…. Anh ấy cuối cùng cũng về, gương mặt mệt mỏi, thân thể rã rời… Con vừa vươn vai vừa đi về phía bếp. Làm việc nọ việc kia. Anh ấy không đói, tất nhiên, anh ấy có cách nói ý nhị là ăn không ngon miệng. Hay là có thể vì họ đã nhấm nháp một chút trước đó? Có lẽ vậy…. 

Ngồi trước mặt con chắc hẳn là một nỗ lực lớn biết chừng nào với anh ấy! Con chắc hẳn nom rất nặng nề với cái thái độ vui vẻ thường ngày và những tập phim tiểu thuyết lá cải của mình về cuộc sống ở quảng trường FirmimGédon. Nghĩ lại, thật là một khổ hình đối với anh ấy… Lucie đã rụng một chiếc răng, mẹ của em không khỏe, cô gái người Bồ Đào Nha trông thằng nhỏ Arthur đi lại với con trai bà hàng xóm, em đã làm xong món đồ bằng đá hoa của em sáng nay, Marion tự cắt tóc của nó thật kinh khủng, cô giáo muốn những cái hộp đựng trứng, anh có vẻ mệt, xin nghỉ một ngày phép đi, đưa tay đây cho em, anh ăn thêm rau chân vịt không? Tội nghiệp anh ấy… đúng là một khổ hình đối với một người đàn ông không chung thủy nhưng chu đáo. Thật là một khổ hình…. Nhưng con không thấy gì cả. Con đã không thấy cái gì đang đến, bố hiểu không? Làm sao mà người ta lại có thể mù quáng đến thế cơ chứ? Làm sao nhỉ? Hoặc là con hoàn toàn u mê, hoặc là con hoàn toàn tin tưởng. Rõ ràng là cũng như nhau cả thôi…. 

– Ôi, Pierre… Cuộc sống này mới tồi tệ làm sao… 

– Rượu này ngon đấy chứ? 

– Rất ngon. Thật tiếc là nó chẳng được như quảng cáo… 

– Đây là lần đầu tiên bố uống loại rượu này. 

– Con cũng vậy. 

– Giống như cây hoa hồng của con, bố đã mua nó vì cái nhãn mác đấy… 

– Vâng. Thật tồi tệ… Đúng là chẳng ra làm sao cả. 

– Nhưng con vẫn còn trẻ mà… 

– Không, con già rồi, con cảm thấy mình già nua. Con bị bầm giập khắp nơi rồi. Con cảm giác mình sẽ trở nên đa nghi. Con sẽ nhìn cuộc sống của mình qua một cái lỗ nhìn trên cửa. Con sẽ không mở cửa. Các người hãy lùi lại. Chìa cho tôi xem cái chân trắng sạch. Tốt, bây giờ thì chân kia nào. Cầm giày lên. Hãy đứng nguyên tại lối ra vào. Đừng động đậy nữa. 

– Không, con sẽ không bao giờ trở thành một người phụ nữ như thế. Thậm chí ngay cả khi con muốn điều đó thì con vẫn sẽ không thể. Mọi người sẽ tiếp tục bước vào cuộc sống của con giống như vào một cái cối xay gió, con sẽ còn đau khổ và như vậy cũng rất tốt. Bố không cần bận tâm lo lắng cho con. 

– Không, tất nhiên… 

– Tất nhiên gì? 

– Bố không bận tâm vì con. Dù sao thì bố vốn vẫn chẳng bận tâm đến ai cả… 

– Đúng đấy, con có lý. Bố không biết quan tâm. 

– Vì sao? 

– Bố không biết. Vì những người khác không gây hứng thú cho bố, bố đoán thế… 

– … ngoại trừ Adrien. 

– Adrien gì cơ ạ? 

– Bố nghĩ về nó. 

– Bố lo lắng về Adrien á? 

– Ừ, bố tin là thế… Ừ. 

Dù sao thì nó cũng là người khiến bố lo nhất… 

– Vì sao? 

– Vì nó đang đau khổ. 

Bình luận