“Anh lầm rồi đấy. Tôi biết hắn ta rõ lắm, hắn ta vừa là nhà thơ, vừa là nhà toán học. Vì là thi sĩ và nhà toán học, nên hắn phải lập luận đúng, chứ nếu chỉ là nhà toán học không thôi thì chắc hắn sẽ không lý luận gì hết, thế là hắn phải chịu thua viên cảnh sát trưởng.
Tôi nói:
– Ý kiến của anh như vậy thì thật là làm tôi phải ngạc nhiên, vì nó trái với tất cả mọi người. Chắc anh không định vứt vào sọt rác ý kiến mà hàng bao nhiêu thế kỷ người ta vẫn nuôi nấng, là lý luận của các nhà toán học phải là tuyệt hảo chứ?
Đỗ Văn trả lời:
– Ta có thể đoan chắc rằng tất cả những ý tưởng của quần chúng, những công lệ đều là vớ vẩn, vì chúng thích hợp với quá nhiều người, nghĩa là chúng tầm thường không đáng kể. Các nhà toán học lại còn cố gắng tuyên truyền thêm cho quần chúng tin tưởng một cách lầm lẫn như vậy nữa, và dẫu rằng người ta tưởng là đúng, nó vẫn hoàn toàn sai lầm. Giả tỉ như ngay trong toán học, còn có nhiều danh từ được dùng sai chỗ nữa, còn nói chi. Vậy không thể bảo rằng hễ cứ học toán là lý luận đúng được. Chẳng cần nói đâu xa, nói về hóa học thôi, cộng hai chất lại thì hai chất tổng hợp không giống như tổng số hai chất để riêng ra. Về vật lý, hai động cơ nếu ghép chung với nhau thì chưa chắc rằng công suất của chúng đã bằng tổng số của hai công suất lúc để chúng riêng v.v… Có rất nhiều điều như vậy, toán học chỉ đúng một cách tương đối mà thôi.
Ngừng một chút, Đỗ Văn tiếp:
– Tôi muốn nói rằng, nếu tên bộ trưởng chỉ là một nhà toán học không thôi, thì ông cảnh sát trưởng khỏi cần phải đón hỏi ý kiến tôi làm gì, nhưng vì hắn ta vừa là nhà toán học vừa là thi sĩ nên khả năng của hắn mới xuất sắc hẳn. Tôi biết hắn là một tên nịnh thần và chuyên gây ra các vụ rắc rối. Tôi nghĩ rằng một người như vậy phải biết rành về các phương pháp của cảnh sát. Vậy tất nhiên hắn đã đề phòng sẵn những vụ lục soát người hắn và ta đã thấy điều đó được chứng nghiệm. Tôi cho là hắn cũng phải đề phòng những vụ khám nhà. Những vụ đi vắng nhà về đêm của hắn mà cảnh sát cho là may mắn để đưa đến thành công cho họ, thì tôi lại chỉ cho rằng đó là thủ đoạn của hắn. Cố ý để cảnh sát lục lọi và để họ tin tưởng rằng bức thư không có trong nhà tư của hắn mà thôi. Tôi cảm thấy hắn hiểu biết hết cái lối tìm kiếm của cảnh sát, vậy hắn không thể nào sử dụng một chỗ giấu tầm thường như vậy. Hắn ta phải hiểu rằng chỗ giấu càng phức tạp, càng kín đáo thì lại càng dễ bị cảnh sát dò ra, vậy hắn phải nhắm cái gì tầm thường, giản dị hơn hết mới đánh lừa được họ. Anh có nhớ hôm đầu tiên mà viên cảnh sát trưởng đến đây không, lúc tôi nói rằng có lẽ điều bí mật trở nên quá đỗi bí hiểm phải chăng chính là vì nó giản dị quá, và anh có nhớ ông ta đã phá ra cười như thế nào không?
Tôi nói:
– Có chứ, tôi nhớ rõ ông ta đã cười ngặt nghẽo. Tôi đã tưởng chừng như ông ta sắp khùng vì cười đấy.
Đỗ Văn tiếp:
– Tôi càng nghĩ về trường hợp của D, tôi càng cảm thấy rằng ông ta phải dùng tới cách giấu bức thư nào mà hết sức lạ lùng, cách giấu dễ thấy đến nỗi như là không cần phải giấu nữa – vì như anh biết, những người tìm kiếm chỉ hay đi tìm những chỗ bí ẩn hóc hiểm thôi, chứ nếu nó lồ lộ ra trước mắt thì lại gà mờ, không thấy được.
Với ý nghĩ đó, tôi đến thăm D với một cặp kính xanh trên mắt. Tôi gặp D đang ở nhà, vừa ngáp vặt, vừa dạo quanh quẩn và làm ra vẻ chán đời lắm. D có lẽ chính là hoạt động nhất lúc này đấy, nhưng ông ta không bao giờ muốn cho ai biết điều đó cả.
Để cho ông ta khỏi nghi ngờ, tôi giả tảng nói là mình bị đau mắt nên phải đeo kính màu, nhưng sau cặp kính, mắt tôi ngó nhìn cẩn thận khắp nơi trong căn phòng, trong lúc giả bộ rất chú ý vào câu chuyện đang nói với ông ta.
Tôi để ý nhất đến một cái bàn giấy thật rộng, trên đó đầy nhóc những thư từ và giấy tờ đủ loại, với vài nhạc cụ và vài cuốn sách. Ngắm kỹ một hồi không thấy có gì khác lạ đáng nghi cả. Sau khi đã nhìn hết lượt căn phòng, tôi trông thấy một cái túi đựng hồ sơ bằng da treo trên tường, có viền gỗ kiểu cọ chung quanh và treo bằng một sợi dây băng bẩn thỉu lên một cái đinh đồng, phía trên bậc lò sưởi. Cái túi đó có ba bốn ngăn, đựng dăm sáu tấm danh thiếp và trông có vẻ rất nhàu nát, bẩn thỉu. Nó gần như sắp rách ra ở ngay chỗ giữa, như là người ta đã định xé nó đi rồi lại thôi, như đó là một vật vô giá trị. Trên phong thư có gắn xi, và tên người gửi chính là gia đình họ D, nét chữ là tuồng chữ đàn bà rất tinh vi. Người ta liệng nó ở đó như tuồng khinh thường, trong một ngăn trên của túi đựng hồ sơ đó.
Vừa trông thấy bức thư đó là tôi biết ngay nó chính là vật mình muốn tìm. Tất nhiên bề ngoài trông nó khác hẳn với bức thư mà viên cảnh sát trưởng đã tả cho mình nghe hôm trước, vì bức thư kia, xi gắn nhỏ và màu đỏ, mang tên người gửi là gia đình S, còn bức thư này, xi lại màu đen và to tướng, người gửi lại họ D… Ở đây tuồng chữ viết trên bao thư nhỏ nhắn, do tay đàn bà viết, còn ở kia là một tuồng chữ cứng cáp, gửi cho nhân vật trong triều ; hai bức thư chỉ giống nhau có mỗi một điểm, đó là khuôn khổ của chúng bằng nhau. Nhưng chính vì sự khác nhau quá rõ rệt ấy của chúng, và bức thư lại quá đỗi bẩn thỉu, nhàu nát, trái với thói quen của D là người rất ngăn nắp, khiến cho tôi nghi ngờ D quả có ý định muốn đánh lạc hướng của những kẻ tò mò, bề ngoài làm như đó là một thứ tài liệu vô giá trị, và được đặt dưới mắt tất cả những ai ra vô đúng như điều tôi đã nghĩ là D sẽ phải sắp đặt như vậy, để không ai ngờ vực gì nữa cả.