Tôi ngồi lại với ông ta thật lâu, bàn cãi với ông ta về một vấn đề mà tôi biết ông ta rất thích nghe, trong khi đó tôi chú ý không ngừng tới bức thư kia. Tôi còn suy nghĩ thêm về cái bề ngoài của nó và tôi còn nhận thấy một điều khiến tôi hết cả mọi ngờ vực : Bức thư ấy có vẻ sờn rách một cách khác thường. Bao thư làm bằng giấy cứng và trông rõ là nó đã được lộn lại, mặt trái sang mặt phải, như một chiếc găng tay, rồi được dán lại và đề chữ bên trên lại. Điều đó đủ cho tôi chắc như đinh đóng cột đó là bức thư mình đang cần tìm. Tôi bèn đứng lên chào ông ta để về, cố ý để quên lại cái hộp đựng thuốc là bằng vàng trên mặt bàn của ông ta.
Sáng hôm sau, tôi đến để lấy cái hộp đựng thuốc lá, và hai chúng tôi lại nói tiếp câu chuyện bữa qua một cách rất hăng hái. Nhưng, trong lúc đang tranh luận, ở dưới cửa sổ bỗng nghe một tiếng nổ rất lớn, như tiếng súng lục, và tiếp theo sau là tiếng người la hét om sòm vì sợ hãi. D vội chạy ra cửa sổ xem chuyện gì. Ngay lúc đó, tôi đi đến ngay chỗ cái giá đựng hồ sơ, cầm lấy bức thư ở đó, cất vào túi và lấy từ túi tôi ra một bức thư khác trông bề ngoài cũng giống vậy, đặt thế vào đó, bức thư này tôi đã sửa soạn kỹ lưỡng từ trước ở nhà và cũng làm giả dấu xi bằng ruột bánh mì nhuộm mực đen.
Tiếng động dưới cửa sổ chỉ là trò nổi hứng bất tử của một người mang súng. Hắn ta đã bắn chơi ngay giữa đám đông đàn bà và trẻ con, nhưng súng hắn ta không để đạn thật, mà chỉ là đạn mã tử nên người ta cho hắn là một tên say và không ai bắt giữ hắn cả. Khi hắn đã đi rồi, D từ cửa sổ quay trở lại. Tôi cũng quay vào theo – vì sau khi tráo được bức thư, tôi cũng chạy đến cửa sổ ngay – Một lát sau, tôi chào ông ta ra về. Cái người giả bộ điên bắn súng dưới cửa sổ đó cũng chính là do tôi đã mướn để hắn làm như vậy.
Tôi hỏi:
– Nhưng vì lẽ gì mà anh lại phải thay thế bức thư bằng một bức giả mạo? Sao anh không lượm lấy ngay bức thư kia từ chuyến đi thăm đầu tiên có phải là giản dị hơn không?
Đỗ Văn trả lời:
– D là người có thể làm bất cứ chuyện gì, hơn nữa, hắn lại khỏe mạnh. Ngoài ra, hắn còn có trong nhà nhiều tên hầu trung tín. Nếu tôi liều lĩnh mà làm như điều anh vừa mới nói, thì không dễ gì sống sót mà ra khỏi nhà hắn được. Dân Ba Lê sẽ không còn ai nghe nói tới tôi nữa. Nhưng, ngoài vấn đề đó ra, tôi còn một mục đích khác nữa. Anh cũng biết khuynh hướng chính trị của tôi rồi chứ gì? Trong vụ này, tôi tán đồng bà kia. Từ mười tám tháng nay tên bộ trưởng gây áp lực với bà ta. Bây giờ đến lượt bà ấy nắm trong tay số phận của hắn, vì hắn không biết rằng đã mất bức thư đó rồi, và thế nào hắn cũng sẽ tiếp tục hăm dọa bà ấy như trước. Bà ta sẽ lợi dụng chuyện đó cho hắn chết vì lúc phát giác ra là mất bức thư, hắn đã vỡ mặt. Hắn sẽ tuột dù một cách lố bịch : Người ta nói lên thì dễ, xuống mới khó. Trong trường hợp này, tôi không có cảm tình hoặc thương hại D chút nào, vì hắn là một người tài giỏi nhưng vô lương tâm. Tuy vậy, tôi cũng rất muốn biết hắn sẽ nghĩ gì khi bị bà kia thách đố và hắn phải mở bức thư của tôi để lại cho hắn ra xem.
– Sao, bộ anh có viết gì cho hắn trong ấy ư?
– Chứ sao! Tôi cũng có thể chỉ để một tờ giấy trắng thôi, như là chửi vào mặt hắn ta. Nhưng, lần trước, ở thủ đô Áo Quốc, đã có lần hắn chơi tôi một vố cay chua, và tôi đã cười cợt nói với hắn rằng tôi sẽ nhớ chuyện đó. Vì vậy nhân dịp này, tất hắn sẽ tò mò muốn biết ai đã chơi xỏ hắn, tôi nghĩ là nên để lại một dấu hiệu nào đó cho hắn. Vì hắn biết nét chữ của tôi rồi, tôi chỉ cần viết giữa trang giấy hai hàng chữ:
Giết nhau chẳng cái lưu cầu.
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?
(HẾT)