Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cảm Ơn Ký Ức

Chương 10

Tác giả: Cecelia Ahern

Bảy giờ mười lăm sáng hôm sau, trước khi rời căn hộ để đi làm, Justin đứng đĩnh đạc ở cửa trước, đặt tay lên nắm cửa.

“Anh Justin, Al đâu rồi? Anh ấy không có ở trên giường khi em thức dậy”.

Doris ào ra, nhìn quanh quất. Cô vẫn còn đang mặc áo choàng ngủ và mang dép lê sử dụng trong nhà.

“Anh đang làm cái quái gì thế?”.

Justin đặt một ngón tay lên môi, ra dấu cho cô im lặng, hất đầu về phía cánh cửa.

“Có người làm cái quái gì ngoài ấy à?”, cô thì thầm đầy phấn khích, đá luôn cả đôi dép lê ra và rón rén như một nhân vật trong phim hoạt hình, đi bằng đầu ngón chân để nhập bọn cùng anh.

Anh gật đầu, hào hứng.

Họ ghé tai vào sát trên cửa và Doris tròn xoe mắt. “Em nghe rồi!”, cô lúng búng trong miệng.

“Anh đếm đến ba nhé!”. Anh thì thào và cả hai cùng đếm. Một, hai … Anh đẩy cửa mở ra đột ngột với tất cả sức mạnh. “A, bắt được rồi nhé!”, anh hét lên.

“Aaaaaaaa!”, người đưa thư hoảng sợ hét toáng lên, đánh rơi cả lá thư dưới chân Justin. Ông ném một cái gói vào Justin và thủ ngay một cái gói khác lên đầu phòng thủ.

“Aaaaaaaaa!”, đến phiên Doris hét.

Justin xuýt xoa vì bị gói bưu phẩm ném trúng chân. Anh quỳ xuống kiểm tra đầu gối, gương mặt đỏ bừng lên và hơi thở hổn hển trong không khí.

Tất cả đều ôm lấy ngực, đau đớn.

Người đưa thư vẫn co rúm người lại, vẫn che đầu bằng một gói bưu phẩm.

“Justin”, Doris nhặt lá thư lên và vung tay đánh Justin một cái, “Anh ngốc vừa thôi! Đó là một người đưa thư mà!”.

“Ừ”, anh tằng hắng giọng tạo nên những tiếng khó nghe, “Anh thấy rồi!”.

Mất vài giây để định thần lại chính mình. “Được rồi, thưa ông, ông có thể hạ cái gói bưu phẩm của ông xuống rồi. Tôi xin lỗi vì đã làm ông hoảng sợ!”.

Người đưa thư từ từ hạ cái gói xuống, vẫn còn chết khiếp không hiểu chuyện gì đã xảy ra. “Chuyện quái gì thế?”.

“Tôi đã nghĩ ông là một người khác. Tôi xin lỗi. Tôi đã chờ đợi … một chuyện khác”. Anh nhìn những lá thư rơi vương vãi trên sàn. Các hóa đơn.

“Không còn cái gì khác cho tôi nữa sao?”.

Cánh tay trái anh lại bắt đầu làm cho anh nổi cáu lần nữa. Ngứa ran như thể bị muỗi đốt. Anh bắt đầu gãi. Ban đầu là gãi nhè nhẹ, sau đó, anh vỗ bôm bốp vào chỗ gập cánh tay bên trong, cho bớt ngứa. Cơn ngứa càng lúc càng lan rộng ra, anh phải dùng cả móng tay cào cào vào da mình, hết lần này đến lần khác.

Những giọt mồ hôi lại ròng ròng nhỏ ra từ trán.

Nhân viên bưu điện lắc đầu, quay lưng bước đi.

“Không có ai gửi cái gì cho tôi sao?”. Anh bước nhanh lại gần hơn, vô tình tạo một cảm giác đe dọa không hề cố ý.

“Không, tôi đã nói là không”. Người đưa thư vội vàng chạy biến đi.

Justin nhìn theo, cảm thấy rất bối rối.

“Để ông ta một mình đi. Trời đất, anh gần như làm ông ta lên cơn đau tim đấy!”. Doris tiếp tục nhặt những lá thư lên. “Nếu hồi nãy anh phản ứng như thế với đúng người cần tìm, anh cũng sẽ làm họ sợ chết khiếp. Nếu anh gặp đúng người, em khuyên anh nên nghĩ lại về cái cách thức “A, bắt được rồi!” vừa rồi của mình”.

Justin kéo tay áo sơ mi lên, kiểm tra cánh tay của mình, mong tìm thấy một cái mụn đỏ hay một vết phát ban nào đấy nhưng không có gì trên da anh ngoài những vết cào tự anh gây nên.

“Anh bị gì thế?”, Doris nheo mắt.

“Không!”.

Cô lê bước trở lại vào trong bếp với những tiếng tằng hắng. “Al?”, giọng cô vang vang trong bếp. “Anh đâu rồi?”.

“Cứu với! Cứu với! Ai cứu với!”.

Đột nhiên, họ nghe thấy tiếng Al, nghèn nghẹn như thể miệng anh bị nhét cả một miếng giẻ vào.

Doris thở hổn hển, “Anh hả?”. Justin nghe tiếng cửa tủ lạnh mở. “Al”, cô đút đầu vào tủ lạnh. Cô quay trở ra phòng khách lắc đầu, báo với Justin sự thật rằng chồng mình không hề … ở trong tủ lạnh.

Justin tròn mắt. “Cậu ấy ở bên ngoài, Doris”.

“Vì chúa, anh hãy ngừng đứng đó nhìn em mà hãy giúp anh ấy?”.

Anh mở cửa và Al, đang ngồi thụp trên đất, ngay chỗ mấy bậc thềm. Chiếc áo thun mỏng đẫm mồ hôi.

Doris và Justin đều chạy ngay tới. Cô vợ quỳ xuống. “Anh có ổn không, anh yêu? Anh bị ngã bậc thềm à?”.

“Không”, anh trả lời yếu ớt, cằm chạm vào ngực.

“Anh nói “không” nghĩa là anh không thấy ổn hay anh nói “không” là anh không ngã bậc thềm?”, cô hỏi.

“Cái đầu tiên”, anh nói với vẻ kiệt sức. “À không, cái thứ hai. À gượm đã, cái đầu tiên là gì?”.

Doris hét lên với anh như thể anh bị điếc, “Cái đầu tiên là anh có ổn không?

Cái thứ hai là anh có bị ngã từ bậc thềm xuống không?”.

“Không”, anh đáp, ngửa đầu ra sau tựa vào tường.

“Không cái gì mới được? Em gọi xe cấp cứu nhé, hay anh cần một bác sĩ”.

“Không”.

“Không cái gì, cưng? Thôi nào, anh đừng có nhắm mắt lại đấy nhé, đừng có đi đến nơi nào khác đấy”, cô vỗ vỗ vào mặt chồng. “Anh phải giữ cho mình tỉnh đấy!”.

Justin đứng dựa vào khung cửa, khoanh tay nhìn cả hai. Anh biết rằng em trai của mình ổn, vấn đề duy nhất của cậu ấy chỉ là thiếu vận động rèn luyện thể dục thôi. Anh đi vào nhà bếp lấy ít nước cho Al.

“Tim em …”, Al nói với vẻ hoảng sợ khi Justin quay vào. Hai bàn tay anh ta cào cào trên ngực và hơi thở thì hổn hển. Đầu anh ta ngước hẳn lên trên và há miệng nuốt lấy nuốt để không khí, như một con cá vàng khi chạm đến mặt nước trong bể bơi để bắt thức ăn.

“Anh có đang bị đau tim không đấy?”, Doris kêu thất thanh.

Justin thở dài, “Cậu ấy không phải đang bị đau t …”.

“Ngừng lại, Al!”. Justin bị cắt ngang câu nói vì tiếng thét của Doris.

“Anh không có bị đau tim đấy chứ, anh có nghe thấy em không?”. Cô vớ lấy một tờ bào nằm trên sàn, đánh đánh Al và nhấn mạnh từng chữ. “Anh. Đừng.

Có. Nghĩ. Đến. Chuyện. Chết. Trước. Em. Al. Hitchcock”.

“Á …”, Al ôm lấy cánh tay mình. “Đau quá!”.

“Này, này, này!”. Justin phá vỡ sự hỗn loạn. “Đưa anh tờ báo, Doris”.

“Không!”.

“Em lấy nó ở đâu thế?”. Anh cố chộp nó khỏi tay cô nhưng cô đã nhanh nhẹn né được.

“Nó ở ngay đây, bên cạnh Al”. Cô nhún vai. “Thằng bé phát báo mang đến”.

“Họ chẳng có thằng bé phát báo nào ở gần đây cả”, anh giải thích.

“Thế thì em đoán đó là báo của Al”.

“Có một cốc cà phê hộp nữa”, Al – cuối cùng đã lấy lại được hơi thở của mình, xoay xở nói.

“Một cốc cà phê gì?”. Doris gào lớn. Cánh cửa sổ bên căn hộ của người hàng xóm ở tầng trên bị gió thổi đập vào tạo nên một tiếng rầm lớn. Nhưng điều đó không ngăn được Doris. “Anh đã mua cà phê?”. Cô bắt đầu phát vào mông anh ta lần nữa với tờ báo trong tay. “Không phải hỏi tại sao anh suýt chết nữa!”.

“Này …”, Al choàng cánh tay che người để “bảo vệ” mình khỏi những cú đánh của Doris. “Đâu phải của anh đâu. Nó nằm ngoài cửa với một tờ báo khi anh chuẩn bị vào nhà”.

“Nó là của anh”. Justin chộp lấy tờ báo khỏi tay Doris và cả ly cà phê hộp nằm trên sàn, bên cạnh Al.

“Không có mẩu giấy nào kèm theo cả!”. Cô nheo mắt nhìn hai anh em, từ người này qua người khác.

“Kệ anh …”. Justin càu nhàu, giũ giũ tờ báo với hi vọng sẽ có một mẩu giấy nào đó rơi ra. Anh kiểm tra lại cốc cà phê để tìm lời nhắn gửi cho mình. Không có gì cả. Anh vẫn chắc nó dành cho anh, và người mang nó để ở đây chắc hẳn chưa thể đi xa được. Anh tập trung nhìn vào trang nhất. Trên những dòng chữ nổi bật, ở một góc nhỏ của trang, anh chú ý đến một lời hướng dẫn, “Trang 42”.

Anh không thể lật nhanh ra trang 42 được vì phải đánh vật với tờ báo khổ to vật vã để tìm đúng thứ tự. Cuối cùng, anh cũng sắp xếp được mọi thứ có hệ thống từ trên xuống dưới. Anh lướt qua những mẩu quảng cáo và những lời chúc mừng sinh nhật rồi gấp tờ báo lại, hòa cùng với Doris để mắng mỏ, phàn nàn Al về tội anh ta cứ thích nạp chất caffein vào người trong khi bị dị ứng với nó.

“Người đã nhận máu, mãi mãi biết ơn và ao ước được nói lời cảm ơn với Justin Hitchcock, người hiến máu và là người anh hùng, đã cứu sống cuộc đời tôi. Xin cảm ơn!”.

Anh ngửa đầu ra sau cười lớn. Cả Doris lẫn Al đều nhìn anh đầy vẻ ngạc nhiên.

“Al”, Justin tự hạ thấp mình bằng cách quỳ xuống bên cạnh cậu em trai.

“Anh cần em giúp anh, bây giờ”. Giọng anh đầy vẻ vội vã, những âm điệu lên xuống đầy phấn khích. “Em có nhìn thấy bất kỳ ai khi em chạy bộ trở về nhà không?”.

“Không”. Al lắc đầu đầy mệt mỏi. “Em không thể nghĩ được”. “Nghĩ đi!”.

Doris vỗ vỗ vào mặt chồng nhè nhẹ.

“Không cần làm vậy đâu, Doris”.

“Họ làm như vậy trong phim mà, khi họ cần tìm kiếm thông tin ấy. Nào, nói cho anh ấy nghe đi, cưng”. Cô thúc khuỷu tay vào anh nhẹ nhàng hơn.

“Em không biết”, Al rên rỉ.

“Anh làm em ốm mất thôi”. Doris gầm lên vào tai chồng.

“Nói chân thành nhé Doris, cách đó thật sự không giúp được đâu!”.

“Được thôi, cô khoanh tay lại, “Nhưng nó có tác dụng trong phim Horatio mà!”.

“Ngay khi về đến nhà, em đã không thể thở được rồi, đừng nói chi là thấy.

Em không nhớ ai cả. Xin lỗi, anh trai. Em thấy sợ. Tất cả những cái đốm đen này nhảy múa trước mắt em và em đã không thể thấy cái gì khác hơn. Em hoa mắt choáng váng, và …”.

“Thôi được”. Justin nhổm người dậy, chạy nhanh ra những bậc thang phía trước cổng vườn. Anh chạy băng qua cổng xe vào và nhìn ngược nhìn xuôi cả con đường. Bây giờ, nó đang trở nên đông đúc. Đã 7h30 và có nhiều người rời nhà, đến chỗ làm.

“CẢM ƠN!”. Justin hét to bằng hơi từ tận đáy buồng phổi của mình. Giọng nói của anh vỡ ra trong yên lặng. Một vài người quay lại nhìn anh nhưng hầu hết vẫn giữ nguyên đầu của họ cúi thấp khi cơn mưa phùn của tháng Mười ở London đang bắt đầu lắc rắc rơi xuống. Vài người khác nghĩ có lẽ anh là một gã bị tâm thần trong một buổi sáng thứ hai ở thành phố này.

“TÔI RẤT HÁO HỨC ĐỂ ĐƯỢC ĐỌC CÁI NÀY”. Anh vẫy tờ báo lên trong không khí, hét to trên đường để có thể nghe được từ mọi góc.

Mình có thể nói gì với một ai đó mà mình đã cứu sống nhỉ? Nói điều gì đó thật sâu sắc. Nói điều gì đó thật hóm hỉnh. Nói điều gì đó thật triết lý.

“TÔI RẤT MỪNG VÌ BẠN CÒN SỐNG!”, anh hét tiếp.

“Vâng, cảm ơn!”. Một phụ nữ nháo nhào băng ngang qua anh, đầu cúi thấp để tránh mưa.

“À, TÔI SẼ KHÔNG CÓ MẶT Ở ĐÂY NGÀY MAI”. Ngừng “TRONG TRƯỜNG HỢP BẠN DỰ TÍNH LẠI LÀM VIỆC NÀY LẦN NỮA!”.

Anh nâng cốc cà phê lên trong không khí và vẫy nó về mọi phía, làm rớt một giọt từ cốc và nó nóng hổi trên tay anh. Vẫn còn nóng. Bất kể là ai mang đến, chắc hẳn họ vẫn còn đâu đó quanh đây.

“À TÔI BẮT CHUYẾN BAY ĐẦU TIÊN ĐẾN DUBLIN SÁNG MAI.

BẠN CÓ ĐẾN ĐÓ KHÔNG?”. Anh hét lên trong không khí. Những cơn gió lạnh cuốn theo những chiếc lá vàng khô giòn, rơi lả tả từ trên cành cao xuống đất, rồi chúng bắt đầu xào xạc quay tròn, chạy đuổi nhau trên đường, tạo ra những thanh âm nho nhỏ, sột soạt sột soạt dài dài trên mặt đất cho đến khi chúng cảm thấy an toàn để ngừng lại.

“DÙ SAO, XIN CẢM ƠN LẦN NỮA”. Anh vẫy tờ báo trong không khí và quay mặt trở vào nhà.

Doris và Al đều đang đứng ở bậc thang trên cùng của thềm nhà, cánh tay khoanh lại, gương mặt cả hai giống như một bức tranh đầy những âu lo. Al đã thở lại bình thường và đang chỉnh áo quần, nhưng vẫn dựa lưng vào tay vịn sắt cho vững chãi.

Justin kẹp tờ báo dưới cánh tay, đi thẳng lên và cố xuất hiện với một vẻ đứng đắn nhất có thể. Anh đút tay trong túi và đi tản bộ dọc về phía căn nhà. Cảm thấy có một mảnh giấy trong tay mình, anh nhìn xuống, và đọc thật nhanh trước khi vò nát nó trong tay và quăng ngay vào thùng vật liệu xây dựng thừa. Anh đã cứu sống cuộc đời của một người, giống như anh nghĩ. Anh phải tập trung vào những gì quan trọng nhất có trong tay. Anh bước vào căn hộ, cố gắng xuất hiện một cách ấn tượng như anh muốn.

Từ dưới đáy của thùng vật liệu xây dựng, bên dưới những tấm thảm xấu xí, cũ kỹ, đầy mùi mốc meo, những viên ngói vỡ, những ống sơn, những tấm bảng dính đầy vôi vữa, tôi nằm trong một cái bồn tắm cũ bị vứt đi và lắng nghe cho đến khi những thanh âm lùi xa dần. Nghe được cả tiếng cánh cửa của căn hộ cuối cùng cũng đóng lại.

Một viên giấy bị vò nát bay xuống gần bên cạnh, và khi tôi chạm được đến nó, vai của tôi bị va đập mạnh vì một cái ghế đẩu hai chân, đổ rầm xuống tôi ngay khi vừa kịp nhảy khỏi thùng vật liệu xây dựng. Tôi nhặt viên giấy lên, mở nó ra, vuốt cho ngay ngắn từng góc. Trái tim tôi bắt đầu những nhịp thình thịch lần nữa khi tôi thấy tên của mình trên ấy, với địa chỉ của bố và số điện thoại của ông nguệch ngoạc bên trên.

“Con đã ở nơi quỷ quái nào đấy? Chuyện gì xảy ra với con thế, Gracie?”.

“Joyce”, tôi đáp khi chạy ào vào phòng khách sạn, thở không ra hơi, người dính đầy bụi và các vệt sơn. “Con không có thời gian giải thích”.

Tôi chạy vòng quanh phòng, ném những bộ quần áo của mình vào trong túi, thay nhanh đồ rồi vội vàng chạy ngang qua bố lúc này đang ngồi trên giường – để vào phòng tắm.

“Bố đã cố gọi điện thoại di động cho con”, bố nói lớn.

“Sao ạ? Con không nghe nó reng”. Tôi cố sức kéo cái quần jeans ra, cò cò trên một chân, rồi vừa kéo nó ra hẳn vừa đánh răng, cùng lúc.

Tôi nghe tiếng bố nói gì đó. Lầm bầm không rõ chữ.

“Con không nghe thấy, con đang đánh răng!”.

Bên ngoài trở nên im ắng. Chờ cho tôi xong hết và trở ra ngoài phòng, bố tiếp tục như thể chúng tôi không hề có năm phút im lặng vừa rồi.

“Con không nghe reng là phải rồi. Bởi vì khi bố gọi, bố nghe nó reng trong phòng ngủ. Điện thoại của con nằm trên gối của con đấy. Giống như thỏi sôcôla mà các quý cô xinh đẹp để lại sau lưng khi rời khỏi đây”.

“Ồ, được rồi!”. Tôi nhảy qua chân bố, đến bàn trang điểm để trang điểm trở lại.

“Bố đã rất lo lắng cho con”, ông nói khẽ.

“Bố không cần thế đâu”. Tôi lại chạy vòng quanh với một chiếc giày đang mang dưới chân, tìm kiếm khắp nơi chiếc giày còn lại.

“Bố gọi xuống quầy tiếp tân ở dưới để hỏi xem họ có biết con đi đâu không”.

“Hả?”, tôi đầu hàng chuyện tìm kiếm chiếc giày và tập trung vào việc đeo bông tai vào. Những ngón tay của tôi run rẩy hệt như tình trạng của Justin.

Ngón tay trở nên quá to với nhiệm vụ cầm một vật bé xíu xiu. Phần chuôi sau của chiếc hoa tai rơi xuống sàn. Tôi lồm cồm bò xuống tìm.

“Thế là sau đó, bố đi bộ lên xuống con đường, kiểm tra tất cả những cửa hàng mà bố biết là con thích, hỏi mọi người xem họ có thấy con đâu không”.

“Bố đã làm thế à?”, tôi nói lơ đễnh, cảm thấy thảm nóng hổi dưới lớp quần jeans khi tôi bò khắp trên sàn.

“Ừ”. Bố đáp khẽ lần nữa.

“A ha, tìm thấy rồi!”. Tôi tìm thấy phần chuôi của chiếc hoa tai ngay bên cạnh sọt đựng giấy vụn đặt bên dưới bàn.

“Chiếc giày khỉ gió của con đâu rồi nhi?”.

“Và trên một chặng đường dài”, bố tiếp tục, mặc kệ tôi đang quay lưng với cảm giác bực dọc của mình. “Bố đã gặp một người cảnh sát và bố nói với ông ta là bố rất lo lắng. Ông ta đưa bố về khách sạn, nói bố ở đây chờ con. Nếu sau 24 tiếng đồng hồ chưa thấy con quay về thì bố gọi số này”.

“Ông ấy tử tế nhỉ”. Tôi mở tủ quần áo, vẫn tìm kiếm chiếc giày và phát hiện ra nó đầy những áo quần của bố.

“Bố”, tôi kêu lên, “Sao bố vứt bộ vest ở đây. Cả cái áo liền quần đẹp nhất của bố nữa!”.

Tôi nhìn bố, chợt nhận ra – lần đầu tiên kể từ lúc tôi trở về phòng – rằng trông ông nhợt nhạt đến mức nào. Ông già đi biết chừng nào trong căn phòng khách sạn vô hồn này. Ngồi trên một góc chiếc giường đơn của ông, mặc bộ vest cũ, cái mũ lưỡi trai nằm trên giường bên cạnh. Va li của bố nửa đóng nửa mở ngay bên cạnh. Một tay bố cầm tấm hình của mẹ, tay kia cầm tấm danh thiếp người cảnh sát đã đưa cho. Những ngón tay giữ chúng run run, mắt bố đỏ và có vẻ như bị đau.

“Bố”, nỗi sợ hãi trong tôi lớn dần lên, “Bố ổn không?”.

“Bố đã rất lo lắng”. Bố lặp lại lần nữa với giọng nhỏ xíu cái câu mà tôi đã lờ đi khi mới vào phòng. Bố nuốt nước bọt một cách khó khăn.

“Bố không biết con ở đâu”.

“Con đi thăm một người bạn”, tôi nói dịu dàng, ngồi xuống với ông trên giường.

“Ừm, còn người bạn này, thì ở đây lo lắng”, Bố cười nhẹ, nụ cười yếu ớt khiến tôi nhói lên vì nhận ra bố yếu đuối và dễ vỡ đến thế nào.

Bố trông như một ông già. Sự vui tính hoạt bát, thái độ bình thường mọi ngày của ông biến mất. Nụ cười của ông cũng biến mất và đôi tay ông run rẩy – trong khi bình thường thì vững như đá. Ông đẩy bức hình của mẹ và tấm danh thiếp của người cảnh sát vào lại trong túi áo khoác.

Tôi nhìn cái túi của bố. “Bố tự đóng gói lại hành lý đấy à?”.

“Bố cố thử. Bố đã nghĩ bố xếp đủ mọi thứ vô rồi”, bố quay đi khỏi tủ quần áo đang mở, ngượng ngùng.

“Được rồi, vậy hãy xem bên trong coi chúng ta có được những gì”. Tôi nghe như mình đang dịu dàng hướng dẫn một đứa trẻ.

“Không phải chúng ta đang rất gấp, không còn thời gian sao con?”, bố hỏi.

Giọng bố khe khẽ, nên tôi hạ thấp giọng của mình nhỏ nhẹ hơn nữa để không làm tổn thương bố.

“Không đâu ạ”, mắt tôi rưng rưng, “Chúng ta có tất cả thời gian trên thế giới này, bố ạ!”.

Tôi nhìn xung quanh và ngăn những giọt nước mắt rơi ra bằng cách nhấc chiếc va li của bố để lên giường, cố gắng tự mình sắp xếp lại mọi thứ cho ngay ngắn.

Khi tôi mở túi, suýt chút nữa tôi bật lên những tiếng kinh ngạc với những gì mình thấy được bên trong. Hình như bố chưa bao giờ tự đóng gói hành lý cho mình. Cả cái va li lộn xộn đủ thứ linh tinh khác nhau. Ở độ tuổi bảy mươi lăm, sau mười năm ròng không còn bàn tay chăm sóc của vợ, bố không biết phải làm sao để xếp hết mọi thứ vào trong.

Mọi thứ rõ ràng đã được cố gắng xếp lại, nhưng không thành. Áo quần giống như những quả bóng nhỏ vo tròn lại rồi nhét vào, như kiểu xếp của một đứa bé.

Tôi tìm ra chiếc giày của mình nằm trong cái khăn tắm. Tôi lấy chiếc giày ra và mang nó vào chân, không nói tiếng nào, như thể đó chỉ là chuyện bình thường nhất trên thế giới này. Những chiếc khăn tắm của khách sạn được đưa về nơi chúng phải thuộc về. Tôi gấp lại mọi thứ và xếp tất cả vào một lần nữa. Những chiếc áo thun lót chưa giặt, những đôi vớ, áo ngủ, áo vest, cái túi đựng vật dụng vệ sinh linh tinh của bố. Tôi quay lưng lại, lấy những bộ đồ của ông ra khỏi tủ áo quần và hít một hơi dài. “Chúng ta có tất cả mọi thời gian trên đời này, hả bố!”, tôi lặp lại. Mặc dù lúc này, thời gian chính là điều quý báu với tôi.

Trong xe điện ngầm trên đường ra sân bay, bố cứ kiểm tra đồng hồ và nhấp nhỏm bồn chồn trên ghế. Mỗi lần chiếc xe điện ngừng ở trạm, bố lại đẩy mạnh cái ghế ở phía trước mình một cách thiếu kiên nhẫn như thể bằng cách đó, bố có thể làm cho nó chạy nhanh hơn.

“Bố định đi đâu đấy ạ?”, tôi mỉm cười.

“Câu lạc bộ thứ Hai”. Ông nhìn tôi với nỗi lo âu trong mắt. Bố chưa từng bao giờ bỏ lỡ một tuần nào, ngay cả khi tôi ở trong bệnh viện.

“Nhưng hôm nay là thứ Hai mà, không trễ đâu bố”.

Ông bồn chồn. “Chỉ là bố không muốn lỡ chuyến bay thôi. Chúng ta có thể sẽ bị kẹt lại ở đây”.

“Ồ, con nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt kịp”. Tôi cố gắng giấu một nụ cười.

“Và mỗi ngày đều có hơn một chuyến bay, bố biết đấy”.

“Thế thì tốt”. Trông ông có vẻ nhẹ nhõm hẳn. “Bố sẽ kể cho mọi người những gì bố thấy. Ồ, họ không tin những chuyện bố kể cho họ nghe tối nay đâu”, bố nói đầy hào hứng. “Chú Donald sẽ chết mất khi mọi người quay sang lắng nghe bố chứ không phải lắng nghe chú ấy”.

Ông ngả ghế về phía sau, nhìn ra ngoài cửa sổ khi những đám mây đen ùn ùn kéo đến. Bố nhìn chăm chăm vào những đám mây đen, như nhìn về một nơi nào khác, nhìn một ai đó khác trên chặng đường xa.

Trong khi bố đang chìm đắm giữa những hồi tưởng mênh mang, tôi lấy điện thoại di động ra và bắt đầu lên kế hoạch cho những bước kế tiếp.

“Frankie, tớ đây này. Justin Hitchcock sẽ đi trên chuyến bay đầu tiên đến Dublin sáng mai. Tớ cần biết anh ta sẽ làm gì ở đó”.

“Ý cậu là tớ được ủy thác để làm việc điều tra đó sao, thưa quý bà Conway?”.

“Tớ tin chắc là cậu có cách để biết mà”.

“Cậu nói đúng. Tớ có cách. Nhưng tớ cứ tưởng cậu có thần giao cách cảm với anh chàng ấy và thần giao cách cảm đủ mạnh để cậu biết mọi thứ”.

“Tớ có thần giao cách cảm bao giờ. Tớ chẳng biết gì những việc anh ấy dự tính sẽ làm cả”.

“Năng lượng của cậu giảm bớt à?”.

“Tớ không có năng lượng … Cậu nói gì thế!”.

“Thôi được rồi, tớ đùa đấy. Đợi vài tiếng nhé. Tớ sẽ tìm ra và liên lạc lại với cậu”.

Hai giờ sau, ngay khi bố và tôi đang chuẩn bị làm thủ tục lên máy bay, tôi nhận được điện thoại từ Frankie.

Anh ấy sẽ đến Phòng Triển Lảm Quốc Gia sáng ngày mai, lúc mười giờ rưỡi. Anh ấy có một buổi nói chuyện về tác phẩm hội họa mang tên Người Phụ Nữ Viết Thư. Nghe có vẻ rất hấp dẫn”.

“Ồ, đúng đấy. Đó là một trong những tác phẩm tuyệt nhất của Terborch. Ý tớ là như thế”.

Im lặng.

“Frankie này, cậu giúp tớ một việc được không? Tôi mỉm cười tinh quái khiến bố phải nhìn tôi tò mò. “Ông chú Tom trẻ măng của cậu vẫn còn làm tài xế lái xe cho công ty?”.

“Kế hoạch của con là gì đấy?”. Bố hỏi với vẻ nghi ngờ khi tôi kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại.

“Con có vài việc vui vui thôi mà bố”.

“Con không định quay lại làm việc sao? Đã mấy tuần rồi đấy. Conor gọi di động cho con trong khi con đi ra ngoài sáng nay. Bố quên nói lại với con. Cậu ấy ở Nhật nhưng bố có thể nghe tiếng cậu ấy nói rất rõ ràng”. Ông nói, “Cậu ấy muốn biết tại sao căn nhà vẫn chưa treo tấm biển Bán Nhà trong vườn. Cậu ấy nói rằng con nên làm như thế”.

Trông bố có vẻ lo lắng, như thể tôi đã phá vỡ một thế giới với những quy luật cũ và bây giờ ngôi nhà sẽ nổ tung nếu nó không có tấm biển Bán Nhà được đóng xuống đất.

“Ồ, con đâu có quên”. Tôi bị kích động khi nghe bố nói tới cuộc gọi của Conor. “Con sẽ tự mình bán nó. Sáng mai con có hẹn với người khách xem nhà đầu tiên”.

Bố có vẻ không chắc về điều tôi vừa nói. Và ông đã đúng. Tôi nói dối một cách trơn tru. Tất cả những gì tôi phải làm lúc này là lướt qua cuốn sổ tay ghi chép của mình, gọi vòng vòng trong danh sách khách hàng – những người tôi biết rằng đang tìm kiếm một ngôi nhà tương tự. Tôi nghĩ ra vài người.

“Công ty của con biết chuyện này không?”, bố nheo mắt.

“Có ạ”. Tôi mỉm cười. “Họ có thể chụp vài tấm ảnh và đưa hết thông tin lên hệ thống mạng trong vòng vài giờ”.

Ông tròn mắt.

Cả hai chúng tôi đều quay đi. Và để cố chứng minh mình có thể làm vậy thật, trong thời gian chúng tôi lê bước giữa dãy dài những người xếp hàng làm thủ tục lên máy bay, tôi viết mail cho một vài khách hàng, cung cấp thông tin về ngôi nhà và hỏi xem họ có hứng thú đến xem không.

Sau đó, tôi nhờ một nhà nhiếp ảnh đáng tin cậy chụp giúp vài tấm hình về ngôi nhà. Ngay khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi trên máy bay, tôi đã sắp xếp xong những tấm hình, tấm bảng Bán Nhà và có một cuộc hẹn xem nhà vào ngày mai.

Hai vợ chồng muốn mua đều là giáo viên của một ngôi trường ở địa phương.

Người phụ nữ là bạn cũ của tôi. Họ dự tính xem ngôi nhà vào khoảng thời gian nghỉ ăn trưa của họ. Ở dưới cùng của văn bản nhận được, tôi thấy thêm dòng chữ:

“Rất tiếc khi nghe những gì đã xảy ra. Vẫn luôn nghĩ đến cậu. Hẹn gặp cậu ngày mai, Linda xx”.

Tôi xóa văn bản ngay lập tức.

Bố nhìn ngón tay cái của tôi làm việc liên tục trên những phím của điện thoại di động với một tốc độ chóng mặt. “Con đang viết một cuốn sách đấy à?”.

Tôi phớt lờ ông.

“Con sẽ bị chứng viêm khớp với ngón tay cái của con đấy. Viêm khớp thì chẳng vui thú gì đâu, bố có thể nói với con như vậy”.

Tôi bấm gửi và tắt điện thoại.

“Có thật là con không hề nói dối về ngôi nhà không?”, ông hỏi.

“Không”. Tôi nói, lúc này đầy vẻ tự tin.

“Ừm, bố không biết điều đó, đúng không? Bố đã không biết phải nói cái gì với cậu ấy”.

“Nhưng lẽ ra bố không nên trả lời điện thoại của con như thế”.

“Con biến mất cả buổi sáng. Con muốn bố làm gì, chẳng lẽ phớt lờ những cuộc gọi đến à?”.

“Cậu ấy chỉ quan tâm đến con thôi mà, con biết đấy. Cậu ấy nghĩ con nên gặp một ai đó chuyên nghiệp, giúp con bán được nhà nhanh chóng”.

“Anh ấy muốn thế thật à?”, tôi khoanh tay, muốn gọi thẳng cho Conor và tuôn ra hết tất cả những gì tôi chất chứa trong lòng, không ưa về anh ta. Nào cắt móng chân trên giường ngủ, nào những hơi thở phì phò mỗi buổi sáng hầu như muốn làm rung rinh cả ngôi nhà, nào cái cách không bao giờ để người khác nói dứt câu, nào việc anh không có khả năng ngồi xuống và có một cuộc nói chuyện như người lớn về những trục trặc của chúng tôi, cái cách anh đi tới đi lui không ngừng suốt những trận cãi vã … Bố cắt ngang cuộc tra tấn trong thầm lặng của tôi với Conor.

“Cậu ta nói con gọi cho cậu ta vào lúc nửa đêm, tuôn ra hàng tràng tiếng Latin”.

“Thật sao?”. Những giận dữ trong tôi lại dâng tràn lên. “Thế bố nói gì ạ?”.

Bố nhìn ra ngoài cửa sổ.

“Bố nói với cậu ta rằng con còn nói trôi chảy cả tiếng Ý nữa”. Tôi nhìn thấy đôi má của bố hếch lên và tôi ngửa đầu ra sau, cười rũ.

Tất cả mọi thứ là như thế.

Đột nhiên, ông nắm lấy bàn tay tôi. “Bố cảm ơn về tất cả những điều này, con gái. Bố đã có một khoảng thời gian rất tuyệt”. Ông nắm chặt bàn tay tôi và quay trở về với việc nhìn ra ngoài cửa sổ, khi những mảng xanh bên dưới khuất dần đi. Ông vẫn không buông tay tôi ra. Và thế là tôi dựa đầu vào vai ông, nhắm mắt lại.

Justin đi bộ ngang qua ga đến của phi trường Dublin buổi sáng thứ Ba.

Chiếc điện thoại di động trên tai. Anh bấm gọi và lại nghe lần nữa giọng của Bea trong hợp thư thoại. Anh thở dài trước tiếng “bíp” buồn chán, chán cả cách xử sự trẻ con của cô bé.

“Chào con, con yêu. Bố đây. Một lần nữa. Con nghe này, bố biết là con giận bố, và vào tuổi con thì mọi thứ rất là … ồ, đầy kịch tính. Nhưng chỉ cần con lắng nghe những điều bố nói, thì chắc hẳn là, đứa con ngốc nghếch của bố phải đồng ý với bố và cảm ơn bố về chuyện đó khi con về già.

Bố chỉ muốn những điều tốt nhất cho con và bố sẽ không gác máy cho đến khi nào bố thuyết phục được con …”.

Đột nhiên, anh ngắt máy.

Phía sau rào chắn của khu vực ga đến, là một người đàn ông trong bộ vest sẫm màu, đang cầm một tấm bảng trắng lớn với họ tên Justin viết đầy đủ bằng chữ in hoa. Bên dưới đó là hai chữ đầy kỳ diệu, “CẢM ƠN”.

Những chữ ấy chiếm hết sự chú ý của anh khi anh nhìn những tấm bảng, những tờ báo, những mẩu quảng cáo, rao vặt trên radio, trên tivi suốt cả ngày.

Bất cứ khi nào nghe những chữ ấy thốt ra từ miệng người qua đường, anh đều dành gấp đôi sự chú ý, theo sát họ như thề bị thôi miên, như thể họ đang chứa đựng những lời giải mã đặc biệt chỉ dành riêng cho anh. Những chữ ấy trôi bồng bềnh trong không khí như mùi hương tươi mới của cỏ mới cắt ngày hè, chúng mang theo cùng với chúng một cảm xúc, một nơi chốn, một khoảng thời gian trong năm, một sự hạnh phúc, một sự đón chào thay đổi, một sự di chuyển.

Chúng chở đến cho anh nghe những bài hát đặc biệt, quen thuộc từ những ngày thanh niên trai trẻ, khi luyến tiếc về quá khứ như những cơn thủy triều, quét vào và đẩy anh trên cát đẩy anh vào những khi anh ít mong đợi nhất, đôi khi là lúc anh ít muốn nhất nữa.

Những chữ ấy luôn luôn trong đầu anh, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn. Anh càng nghe chúng nhiều và càng đọc đi đọc lại những mẩu giấy gửi tới nhiều, thì chúng càng trở nên xa lạ, như thể anh thấy một chuỗi những ký tự kỳ lạ này lần đầu tiên trong đời, như thể là những nốt nhạc, thật quen thuộc, thật đơn giản, nhưng được sắp xếp theo một cách thức khác, trở thành những thanh âm trong trẻo đến vô cùng.

Không còn chút ý nghĩ nào khác về chuyện của Bea, anh gập điện thoại cất vào và bước đến bên người đàn ông đang cầm tấm bảng.

“Xin chào”.

“Ông Hitchcock ạ?”. Người đàn ông cao một mét tám mươi, đôi chân mày quá rậm và dày đến nỗi Justin chỉ vừa vặn thấy được đôi mắt ông.

“Vâng”, anh đáp với vẻ nghi ngờ. “Chiếc xe này dành để đón một người tên là Justin Hitchcock à?”.

Người đàn ông kiểm tra kỹ lại mảnh giấy trong túi áo của mình. “Vâng, đúng thế thưa ông. Vẫn đúng là ông phải không ạ, hay có gì thay đổi?”.

“Vâng”, anh nói rất chậm, như chìm trong vẻ trầm mặc suy tư. “Là tôi”.

“Dường như ông có vẻ gì đó không chắc chắn”, người tài xế nói, hạ thấp tấm bảng xuống. “Ông định đi đâu sáng nay ạ?”.

“Anh không biết à?”.

“Tôi biết thưa ông. Nhưng lần trước, tôi đã để một người vào xe với vẻ hơi không chắc lắm như ông. Và rồi … Ông không tin được đâu, tôi đã đưa một nhà hoạt động xã hội chuyên bảo vệ động vật thẳng đến cuộc họp IMFHA”.

Không biết nghĩa chữ viết tắt đó là gì, Justin hỏi lại:

“Có gì tệ lắm à?”.

“Vâng. Tệ lắm. Vì ngày hôm đó, vị Chủ tịch của một tập đoàn lớn tại Ailen bị kẹt lại sân bay vì không có xe đón. Trong khi đó, cái tên tài xế mất trí tôi đây lại đón một người khác để đưa đến buổi họp quan trọng. Một kinh nghiệm nhớ đời cho tôi khiến tôi luôn phải hỏi lại những người hơi không chắc chắn”.

“Ừm, thế thì có lẽ trong buổi họp hôm ấy, những thành viên dự họp sẽ bắt chước kêu ố ồ như những con vật thuộc loại quý hiếm cần bảo vệ ….”, Justin đùa.

Anh nghếch cằm lên, tự tin, trong khi người tài xế vẫn nhìn anh lạnh tanh, không biểu lộ chút cảm xúc nào.

Máu dồn lên làm khuôn mặt Justin nóng bừng.

“Được rồi tôi đi đến Phòng Triển Lãm Quốc Gia”. Ngừng. “Tôi sẽ đến đó, nói chuyện về một tác phẩm hội họa. Mọi người chắc hẳn sẽ nghe tôi chăm chú.

Anh biết không, người vợ cũ của tôi đã từng là một trong số những khán giả nóng nhiệt của tôi đấy, và tôi từng chạy ào đón cô ấy với một cây cọ vẽ trong tay”, anh cười thành tiếng. Người tài xế đáp lại bằng một ánh nhìn trăn trối khác.

“Thật ra … Tôi đã không hề mong chờ rằng có ai đó đón mình”, Justin càu nhàu bước theo gót người tài xế, ra khỏi phi trường vào một ngày tháng Mười xám xịt.

“Không ai ở Phòng Triển Lảm thông báo cho tôi biết rằng anh đến đón”, anh hỏi dò người tài xế trong khi họ vội vã băng qua lối đi dành cho khách bộ hành.

“Tôi cũng không hề biết về việc đi đón này, cho đến tận khá trễ tối hôm qua, tôi mới nhận được một cuộc gọi. Tôi cứ nghĩ rằng đấy là đi đến chỗ đám tang của bà dì bên vợ hôm nay”. Ông lục lọi trong túi để lấy vé đậu xe hơi và đẩy nó vào trong một chiếc máy tự động để in ngày giờ đậu xe.

“Ồ, tôi rất tiếc khi nghe điều đó”, Justin ngừng lau nhũng giọt nước mưa rơi lất phất trên vai chiếc áo khoác màu nâu của mình, nhìn người tài xế với một vẻ sẻ chia chân thành thật sự.

“Tôi ghét những đám tang”.

“Vâng, không phải mình ông nghĩ như thế đâu”.

Người tài xế ngừng bước đi, quay lại nhìn Justin với một ánh nhìn nghiêm túc đến mức nghiêm trọng trên gương mặt. “Ông đã từng … trong đám tang nào chưa? Ý tôi là người thân”.

Justin không chắc đây là một câu hỏi nghiêm túc hay một câu gợi chuyện cho vui. Nhưng anh nhận ra người tài xế không hề hé miệng dù chỉ là cho một nụ cười rất nhẹ. Anh mường tượng lại đám tang của bố, khi anh mới chín tuổi đầu. Hai gia đình đứng lẫn lộn cùng nhau trong khuôn viên khu nghĩa trang, tất cả đều mặc từ đầu đến chân đúng một màu đen tuyền.

Gia đình bố anh đổ về từ Ailen, mang theo với họ những cơn mưa … những cơn mưa trái mùa bất thường giữa mùa hè nóng bức ở Chicago. Mọi người đứng bên nhau dưới những chiếc dù. Anh đứng gần sát người cô ruột Emelda, người một tay cầm dù, tay kia ôm chặt lấy vai anh. Al và mẹ anh thì đứng kế đó, dưới một cây dù khác. Al hãy còn bé lắm. Cậu bé mang theo một chiếc bật lửa, chơi với chiếc bật lửa suốt trong quãng thời gian đức cha cầu nguyện và nhắc lại những điều về cuộc đời của bố. Điều đó khiến Justin khó chịu. Sự thật là, tất cả mọi người, tất cả mọi vật đều khiến Justin thấy khó chịu trong ngày hôm ấy.

Anh ghét bàn tay của cô Emelda cứ để trên vai anh, mặc dù anh biết rằng đó chỉ là một động tác đầy chia sẻ. Anh thấy tay cô sao mà nặng, sao mà chặt quá, như thể cô cứ giữ anh phải đứng nguyên đó, e sợ anh cũng sẽ bỏ cô mà đi, e sợ anh cũng đào một cái lỗ thật to trên nền đất và chui vào đấy như bố anh đã làm.

Anh được cô đón sáng nay. Cô mặc cho anh bộ vest trẻ em đẹp nhất, trong khi mẹ anh cứ thì thầm gì đấy bằng một giọng nhỏ đến mức anh chưa bao giờ nghe. Rồi cô giả vờ làm một nhà tiên tri đoán những điều bí mật …

“Cô biết cháu muốn gì … Chú lính bé nhỏ dũng cảm”, cô nói bằng chất giọng đặc sệt Ai- len của mình. Rồi cô lục lọi trong cái giỏ xách to quá khổ để lôi ra một chú lính bằng nhựa đang giơ tay chào, nhanh chóng gỡ miếng giấy nhỏ dán giá tiền ra, và đặt chú lính nhựa vào tay anh.

Justin nhìn chằm chằm chú lính nhỏ trong tay mình. Chú lính bồng một khẩu súng nhựa trong tay, vẫy kiểu chào mừng. Ngay lập tức, anh cảm thấy như mình không còn tin vào chú lính nhỏ đó nữa. Anh nhận ra mình không còn là cậu nhóc chín tuổi. Không còn là một Justin với niềm khao khát có chú lính nhựa đó. Anh không còn chờ đợi món quà là chú lính nhựa được bố hứa mua cho trong ngày sinh nhật.

Nhưng dù sao, anh cũng đón nhận món quà ẩn chứa đầy sự quan tâm sâu sắc của người cô, với một nụ cười rất nhẹ. Sau đó, khi anh đứng bên cạnh cô Emelda bên lỗ huyệt, có lẽ cô đọc được ý nghĩ của anh nên đã níu rất chặt vai anh, cứ như anh sẽ nhảy vào cái lỗ đen ngòm chết tiệt kia. Quả thật, anh đã nghĩ rằng hình như cả thế giới bị chôn theo dưới ấy. Nếu anh trốn thoát bàn tay mạnh mẽ của người cô ruột, nhảy xuống cái hố ấy thì sao nhỉ? Có thể sẽ chẳng ai bắt được anh. Có thể đất sẽ phủ lên trên, những thảm cỏ sẽ bao quanh. Anh và bố sẽ lại có thể bên nhau.

Anh tự hỏi liệu như thế có được không. Anh sẽ có bố, một mình anh thôi, không phải “chia sẻ” bố với mẹ hay Al.

Rồi hai bố con lại có thể cùng chơi, cùng cười với nhau, dù là chơi hay cười trong bóng tối. Có thể bố không thích ánh sáng. Ông muốn ánh sáng biến đi mất cả … Có thể những tia nắng mặt trời nóng bỏng làm bố khó chịu. Có thể bố muốn ở trong bóng râm … Trong khi mẹ và anh, và bé Al chạy chơi bên ngoài …

Mẹ sẽ mỗi ngày một ngăm đen, trong khi bố thì mỗi ngày một nhợt nhạt hơn …

Có thể đó là những điều bố muốn.

Khi chiếc quan tài được hạ xuống trong lỗ huyệt đen, mẹ anh đã khóc ngất lên khiến Al cũng khóc theo. Justin biết rằng không phải Al khóc vì đã mất đi người bố. Em trai anh đang khóc vì hoảng sợ trước những hành động của mẹ.

Tiếng khóc của cậu bé làm vỡ tan trái tim những người đến dự. Mẹ anh khóc nức nở, bà nội cũng sụt sùi theo. Ngay cả chú Seamus em trai của bố, người mọi ngày luôn luôn giữ nụ cười trên môi, bây giờ cũng mím chặt đôi môi run run.

Justin nghĩ rằng có lẽ có ai đó khác đang ngự trị bên trong con người chú Seamus, chỉ chực bùng ra khóc òa lên nếu như chú Seamus cho phép.

Mọi người lẽ ra đừng nên bắt đầu khóc. Bởi vì khi họ bắt đầu …

Justin thấy như mình muốn hét to lên với tất cả mọi người, bảo họ ngừng cái việc khóc lóc ngốc nghếch đi, rằng Al không phải đang khóc vì bố mất. Anh muốn nói với họ rằng Al hầu như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rằng em trai anh tập trung suốt buổi vào chiếc bật lửa, chỉ thỉnh thoảng mới ngước lên nhìn Justin với gương mặt ngơ ngác, đầy những câu hỏi mà cậu bé không bao giờ hiểu được.

Có mấy người đàn ông mặc đồng phục mang quan tài của bố đặt vào vị trí.

Những người đàn ông ấy … Không phải là các chú các bác hay những người bạn của bố anh. Họ không khóc như những người khác, nhưng họ cũng không hề mỉm cười. Họ không trông chán ngắt nhưng cũng không hề thú vị. Nhìn họ, thấy giống như họ đã dự hàng trăm lần những đám tang tương tự thế này. Họ chẳng quan tâm lắm đến chuyện lại có ai đó qua đời, cũng chẳng quan tâm đến chuyện lại mang người quá cố lần nữa và chôn cất lần nữa.

Anh nhìn những người đàn ông, không một nụ cười, ném những nắm đầy sỏi đất lên trên chiếc quan tài, tạo ra những thanh âm lốc cốc khi sỏi chạm vào mặt ván gỗ. Anh tự hỏi có khi nào những thanh âm ấy sẽ đánh thức giấc ngủ mùa hè của bố không. Anh không khóc như những người khác, bởi vì anh cảm thấy gần như chắc chắn rằng chỉ là cuối cùng bố muốn trốn khỏi ánh sáng thôi.

Bố sẽ chẳng bao giờ phải ngồi một mình trong bóng râm nữa.

Justin nhận ra rằng người tài xế đang nhìn anh chăm chú.

“Không”. Justin trả lời rất khẽ, tằng hắng giọng và điều chỉnh ánh mắt của mình trở về với thế giới của ba mươi lăm năm sau. Thời gian như vừa mới tạo nên một chuyến du lịch cho ký ức của anh, để quay về quá khứ.

“Xe chúng ta kia rồi!”. Người tài xế bấm nút điều khiển tự động trên chiếc chìa khóa của mình làm đèn của chiếc xe Mercedes sáng lên.

Justin há hốc mồm.

“Anh có biết ai đã tổ chức, sắp xếp việc đưa đón này không?”.

“Không”. Người tài xế giữ cửa mở để anh bước vào. “Tôi chỉ nhận những yêu cầu từ sếp của tôi. Có điều hơi bất thường là tôi nhận được mẩu giấy “Cảm ơn” kèm theo. Có gì không ổn với ông à?”.

“Vâng, nhưng … cũng không hoàn toàn là vậy. Anh có thể tìm hiểu sếp anh giúp tôi là ai chi trả cho việc đưa đón này không?”. Justin ngồi vào ghế sau của chiếc xe hơi, đặt chiếc cặp lên sàn xe, bên dưới chân mình.

“Tôi sẽ thử”.

“Thật tuyệt! Cảm ơn anh!”.

Mình sắp tìm ra sự thật rồi.

Justin ngả người thư giãn trên chiếc ghế da sang trọng, duỗi chân thẳng ra hoàn toàn và nhắm mắt lại, mỉm cười.

“À xin tự giới thiệu, tên tôi là Thomas …”. Người lái xe lịch sự.

“Tôi sẵn sàng phục vụ ông suốt cả ngay, vì thế nếu ông muốn đi đến bất kỳ đâu, chỉ cần cho tôi biết”.

“Suốt cả ngày á?”. Justin suýt sặc với chai nước mát lạnh đang cầm trên tay.

Anh đã cứu sống cuộc đời một người giàu có. Chắc thế! Ôi trời. Lẽ ra anh nên đề cập với Bea điều gì đó nhiều hơn những chiếc bánh nướng xốp và bảo phục vụ hàng ngày chứ nhỉ. Gì đây? Một căn biệt thự ở miền Nam nước Pháp chẳng hạn. Thật ngốc là anh đã chẳng nghĩ ra điều đó.

“Không phải công ty của ông đã sắp xếp chiếc xe này cho ông à?”. Thomas hỏi.

“Không”. Justin lắc đầu. “Hoàn toàn không”.

“Có lẽ một bà tiên trong truyện cổ tích nào đó đã đặt xe cho ông mà ông không biết”. Thomas đùa.

“Nào, thế thì phải xem chiếc xe này làm bằng quả bí ngô hay bằng gì …”.

Justin cười phá lên, hòa vào câu pha trò.

“Sẽ không kiểm tra được trong tình hình giao thông này đâu thưa ông”.

Thomas hòa vào dòng xe cộ đông đúc, dường như càng đông đúc và càng tệ hơn trong một buổi sáng mịt mù mây xám và lất phất mưa.

Justin bấm một nút nhỏ trên xe, điều chỉnh để làm ấm tự động ghế ngồi của mình. Anh tháo giày ra khỏi chân, hoàn toàn cảm thấy thư giãn, ấm áp và thoải mái. Ngoài kia, anh có thể nhận ra nhiều gương mặt mệt mỏi, chán chường ẩn hiện sau cửa kính của những chiếc xe buýt. Họ đầy vẻ buồn ngủ sau những ô cửa kính mờ sương.

“Sau khi đến Phòng Triển Lãm, nếu không phiền, anh đưa giúp tôi đến đường D’Olier nhé! Tôi cần thăm một người … ở trung tâm hiến máu”.

“Không có vấn đề gì, thưa ông”.

Cơn gió tháng Mười thổi phần phật, cuốn phăng những chiếc lá ra khỏi cành cây. Những chiếc lá, giống hệt như nhiều người trong buổi sáng mùa thu này, hoàn toàn chưa sẵn sàng để ra khỏi nhà.

Tôi ngắm những chiếc lá xoay tròn, khiêu vũ điệu đặc biệt của chúng trong không gian trước khi rơi xuống nền đất. Tôi nhặt chúng lên, và rồi chúng lại chầm chậm xoay tròn trên tay tôi.

“Xe đến rồi kìa …”, tôi nói với Kate.

Chúng tôi đứng trên lối đi chính vào Phòng Triển Lãm Quốc Gia, sau bãi đậu xe, mắt đăm đăm chờ đợi.

“Cậu đã trả tiền thuê chiếc xe đó?”, Kate hỏi, “Đúng là không hiểu nổi”.

“Nói với tớ chuyện gì cậu hiểu nổi ấy! Thật ra, tớ trả có một nửa thôi. Đấy là xe từ công ty một người bà con của Frankie. Này, nhớ giả vờ cậu không biết anh ấy nếu anh ấy nhìn qua phía chúng ta nhé!”.

“Tớ có biết anh ấy đâu”.

“Vậy được lắm!”.

“Joyce, tớ chưa bao giờ nhìn thấy người đàn ông này trong đời tớ”.

“Ừ, tớ nói rồi mà. Vậy thì càng tốt”.

“Cậu sẽ còn làm thế này bao lâu nữa Joyce? Chúng ta chẳng biết gì về người đàn ông của cậu ngoại trừ việc anh ta đã hiến máu cả”.

“Tớ biết”.

“Chúng ta không biết gì mà”.

“Không, tớ biết thật đấy. Tớ có thể. Nghe rất buồn cười nhưng là sự thật!”.

Kate nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ. Trong ánh mắt cô ấy còn pha cả những tia tội nghiệp như thể tôi có vấn đề về tâm thần nữa. Điều đó khiến máu tôi muốn sôi lên.

“Kate, cậu không nhận ra tớ có thể làm nhiều điều mà trước đây tớ không thể à?”.

“Tớ vẫn chịu, không tin được là người đàn ông mang tên Justin Hitchcock là nguyên nhân tạo nên những điều ấy. Cậu nhớ một bộ phim chúng ta từng xem không? Người đàn ông trong phim đột nhiên trở nên thông thái chỉ sau một đêm …”.

“Ông ta bị một cái bướu trong não và bằng cách nào đó mà nó tạo nên cho ông ta những khả năng đặc biệt chứ gì …”. Tôi cắt ngang.

Chiếc xe Mercedes lướt qua cổng, vào thẳng Phòng Triển Lãm. Người tài xế bước ra khỏi xe, mở cửa cho Justin. Anh nổi bật với chiếc cặp da trong tay, rạng rỡ từ đầu đến chân. Tôi thật hạnh phúc khi nhận ra những gì mình cố gắng làm cho anh đã được sử dụng hoàn hảo.

Anh vẫn tỏa ra sự lôi cuốn kỳ lạ ấy, sự lôi cuốn tôi cảm nhận mỗi ngày kể từ lần đầu tiên tôi dán mắt vào anh ở tiệm làm tóc. Anh nhìn quanh khu Triển Lãm, nhìn quanh bãi đậu xe, mỉm cười. Nụ cười ấy là nguyên nhân khiến dạ dày của tôi thắt lại một cái. Rồi cái nữa. Cái nữa.

Những chiếc lá chung quanh tôi lại bị cuốn tròn theo một điệu luân vũ mới.

Cơn gió xào xạc thoảng qua. Tôi không chắc là tôi tưởng tượng, hay thật sự chính cơn gió ấy mang đến cho tôi mùi nước hoa nhẹ nhàng từ anh. Hệt với mùi hương anh đã dùng khi tôi gặp anh trong tiệm làm tóc lần đầu.

“Anh ấy đẹp trai thế”, Kate thì thầm, “Tớ ủng hộ kế hoạch lén theo dõi anh ấy của cậu một trăm phần trăm, Joyce”.

“Đây đâu phải là kế hoạch lén theo dõi”, tôi xì một cái, “Và thêm một điều nữa là tớ sẽ vẫn làm điều đó, cho dù anh ấy không đẹp trai chăng nữa”.

“Tớ có thể vào nghe buổi nói chuyện của anh ấy không?”, Kate hỏi.

“Không!”.

“Trời đất, sao không? Anh ấy chưa bao giờ gặp tớ, anh ấy sẽ không nhận ra tớ đâu. Thôi nào, xin cậu đấy, Joyce! Tớ là bạn thân của cậu. Với lại tớ chỉ vào để nghe anh ta nói và xem anh ta thế nào, có gì “bất thường” như cậu nói không thôi …”.

“Thế Sam thì sao? Cậu bỏ thằng bé cho ai trông?”.

“Cậu có muốn chăm sóc và chơi đùa với nó tí tẹo không?”.

Tôi trợn mắt.

“Ồ, thôi quên đi!”, cô bạn nói nhanh. “Tớ sẽ mang thằng bé theo với tớ. Tớ sẽ ngồi ở dưới cuối phòng và sẽ rời đó ngay nếu thằng bé quấy khóc”.

“Không. Không. Được mà. Tớ có thể trông chừng thằng bé cho cậu”. Tôi nuốt nước bọt khó nhọc và dán thêm một nụ cười lên mặt.

“Cậu chắc không?”, trông Kate như thể không tin được.

“Tớ sẽ không ở trong đấy đến tận cuối giờ đâu. Tớ chỉ muốn nhìn xem anh ta như thế nào thôi”.

“Ừ, tớ ổn mà. Đi đi …”. Tôi nhẹ nhàng đẩy bạn. “Vào trong đó tận hưởng đi.

Tớ và bé Sam sẽ ổn, không phải sao?”.

Sam đút ngón tay vào miệng thay cho câu trả lời.

“Tớ hứa là tớ sẽ không đi lâu đâu”. Kate cúi xuống chiếc xe đẩy, hôn cậu nhóc một cái rồi hối hả băng qua đường vào trong Phòng Triển Lãm.

“Giờ thì …”, tôi nhìn quanh đầy căng thẳng. “Chỉ còn cháu và cô thôi, Sean”.

Cậu nhóc nhìn tôi với đôi mắt xanh to tròn. Và, ngay lập tức mắt tôi rưng rưng nước.

Tôi nhìn quanh để chắc rằng không ai khác vừa nghe câu nói lỡ lời ấy. Ừ, tôi định gọi cậu bé là Sam, chứ không phải Sean – tên đứa con đã mất của tôi.

Justin bước lên bục dành cho người phát biểu ở Phòng Triển Lãm Quốc Gia.

Căn phòng đầy ắp những gương mặt chăm chú. Tự dưng, anh biến thành hạt nhân trung tâm. Lại thêm một người đến trễ. Một phụ nữ trẻ. Cô bước vào phòng, ra dấu xin lỗi và nhanh chóng tìm ngay cho mình một chỗ giữa đám đông.

“Xin chào, các quý ông quý bà. Cảm ơn rất nhiều khi các vị đã đến đây trong một buổi sáng trời mưa âm u thế này. Hôm nay, tôi sẽ trình bày với quý vị một số điều về bức họa này. Bức họa. Người Phụ Nữ Viết Thư, của tác giả Terborch, một họa sĩ danh tiếng người Hà Lan vào thế kỷ mười bảy. Bức tranh này, vâng … Xin hãy ngắm kỹ. Bức tranh này không chỉ là một bức tranh. Tôi rất thích kiểu viết thư tay, đặc biệt trong thời đại rất hiếm nhận được những lá thư tay như bây giờ. Các lá thư tay hầu như biến mất”. Anh ngừng lại.

Hầu như biến mất chứ không phải hoàn toàn biến mất. Một ai đó đã gửi cho mình những mẩu thư tay.

Anh ra giữa bục, bước một bước xuống những khán giả và nhìn khắp lượt đám đông, một thoáng nghi ngại hiện trên gương mặt. Đôi mắt anh nheo nheo thăm dò khán giả. Anh nhìn từng dãy người, đoán rằng có một ai đó ở đây chính là người đã gửi đến những mẩu giấy bí mật. Một ai đó ho, kéo anh khỏi dòng suy nghĩ miên man. Anh quay trở lại với những khán giả của mình, thoáng chút bối rối nhưng bắt nhịp ngay được với ý mà anh vừa ngưng lại.

“Vào một thời đại như bây giờ, khi những lá thư tay hầu như biến mất, bức họa này chính là sự nhắc nhở về một thời đại vàng son, khi mọi người bày tỏ cảm xúc với nhau mỗi ngày. Tác giả Terborch không phải là họa sĩ duy nhất chịu trách nhiệm ghi khắc lại những hình ảnh này. Tôi không thể đi xa hơn trong chủ đề hôm nay mà không nhắc đôi chút đến những tác giả khác như Vermeer, Metsu … những họa sĩ đã cho ra đời các bức tranh về con người, trong tư thế đang đọc, viết, nhận và mở những lá thư. Tất cả những điều này, tôi đã có viết trong một cuốn sách, mang tên Thời đại vàng son của những danh họa Hà Lan:

Vermeer, Metsu và Terborch”.

Anh để ý người phụ nữ đến hơi trễ một chút sau khi anh bắt đầu nói. Và một phụ nữ trẻ khác đứng sau cô ấy, tự hỏi họ có cảm nhận được hết những gì anh trình bày không. Tự dưng anh muốn bật cười, cười chính mình vì những giả định mình đưa ra. Thứ nhất, người được anh cứu sống ấy hẳn đang ở trong phòng này. Thứ hai, đó hẳn là một người phụ nữ. Thứ ba, cô ấy rất cuốn hút.

Điều gì khiến anh nghĩ như thế? Anh không rõ.

Tôi đẩy chiếc xe nôi của bé Sam đi trong quảng trường Merrion. Khu quảng trường được bao bọc bởi những cây to, đầy màu sắc. Màu vàng cam, màu đỏ rực của tán lá mùa thu trải khắp nơi. Cả trên mặt đất. Tôi chọn một chiếc ghế dài, giữa lối đi yên tĩnh và quay chiếc xe đẩy của Sam lại để bé có thể đối mặt với tôi.

Tôi ngắm Sam, trong lúc cậu bé nhướn cổ nhìn theo những chiếc lá còn sót lại, quyết không chịu rời cành, ở tít trên cao. Cậu bé đưa ngón tay bé tí chỉ lên trời, trọ trẹ những âm thanh không thành tiếng.

“Cây”, tôi phát âm rành rọt, khiến cậu bé mỉm cười.

Khung cảnh ấy cũng tạo nên một cảm giác thon thót trong dạ dày, khiến tôi phải ngưng lại hít một hơi sâu. “Sam, cô nói với cháu chuyện này nhé …”, tôi dịu dàng.

Nụ cười của cậu nhóc càng rạng rỡ hơn. “Cô phải xin lỗi một chuyện …”, tôi tằng hắng giọng. “Cô đã không chú ý nhiều đến cháu trước đây, phải vậy không? Nguyên nhân là vì …”, tôi ngập ngừng, chờ cho đến khi một người đàn ông đi ngang qua chúng tôi đi khuất.

“Nguyên nhân là vì …”, tôi hạ giọng mình khẽ hơn, “Cô không chịu đựng nổi mỗi khi nhìn ngắm cháu …”. Tôi ngừng lại khi thấy nụ cười của cậu bé nở to hớn hở.

“Ồ, đây …!”. Tôi cúi người, nhấc chiếc chăn của cậu bé ra và ấn nút để nới lỏng một chút dây bảo vệ an toàn. “Đến đây một chút với cô nhé!”. Tôi nhấc cậu bé khỏi chiếc xe đẩy để bé ngồi trong lòng mình.

Cơ thể cậu bé ấm áp biết bao. Tôi ôm bé thật chặt. Tôi hít thở từng hơi trên đầu bé. Mái tóc mềm mượt như nhung. Những bàn tay, bàn chân mũm mĩm và mềm mại. Tôi muốn ôm cậu bé chặt hơn nữa.

“Nguyên nhân là vì …”, tôi nói thật khẽ, thì thầm trên đầu bé. “Tim cô vỡ tan mỗi khi cô nhìn thấy cháu, mỗi khi cô vuốt ve cháu … Mỗi lần nhìn thấy cháu, cô lại nhớ tới điều thiêng liêng mà cô đã đánh mất”.

Cậu bé ngước nhìn tôi, bập bẹ trả lời.

“Cô đã từng rất e sợ mỗi khi nhìn cháu, biết không?”. Tôi hôn lên mũi cậu bé. “Mọi việc khó khăn quá với cô …”, mắt tôi đầy nước và tôi đành để cho những giọt nước mắt rơi ra. “Cô ước ao có một cậu bé, hay một cô bé … giống như cháu. Khi cháu mỉm cười, mọi người sẽ reo lên, ô nhìn này … Cháu là hình ảnh đẹp nhất của mẹ. Phải chi mà có một đứa trẻ, một đứa trẻ cũng có đôi mắt của cô, cái mũi của cô …”.

“Ba- ba”, cậu bé bập bẹ.

Tôi lau nước mắt, vẫn sụt sùi. “Ba- ba đi rồi, Sam. Cái tên Sean nếu là một bé trai … Và Grace nếu là một bé gái”.

Sam không thích những giọt nước mắt của tôi. Thế nên cậu nhóc quay đi, ngắm nghía mấy con chim. Ngón tay mũm mĩm lại chìa ra lần nữa.

“Chim”, tôi phát âm trong nước mắt.

“Ba- ba”, cậu bé đáp lại.

Tôi mỉm cười, lau nước mắt lần nữa – những giọt nước mắt chảy tràn ra mỗi lúc một nhiều hơn.

“Nhưng ở đây chẳng có Sean hay Grace”. Tôi ôm bé thật chặt, để những giọt nước mắt mình rơi, biết rằng Sam sẽ không thể “nói lại” cho ai khác biết tôi đã khóc thế nào.

Con chim tung tăng lượn vài vòng rồi vút bay đi, biến mất giữa trời.

“Ba- ba điii”. Sam nói, chìa cả hai bàn tay ra.

Tôi nhìn theo cánh chim khuất xa, như một chấm nhỏ trên bầu trời nhợt nhạt.

Nước mắt thôi rơi. “Ba- ba điii”, tôi lặp lại.

“Chúng ta thấy gì trong bức họa này?”, Justin hỏi.

Một khoảnh khắc im lặng. Mọi người chăm chú dõi theo những hình ảnh trên màn hình máy chiếu.

“Trước tiên, các bạn hãy chú ý đến trạng thái … Một phụ nữ trẻ ngồi bên chiếc bàn, ẩn chứa nhiều nội tâm bên trong. Cô ấy đang viết một lá thư. Chúng ta nhìn thấy chiếc bút lông ngỗng như chuyển động trên tờ giấy. Chúng ta không biết cô ấy viết gì, nhưng hãy chú ý đến nụ cười dịu dàng thoáng trên nét mặt … Có thể nghĩ rằng cô ấy đang viết cho một ai đó rất yêu thương, hoặc cũng có thể là người yêu chẳng hạn. Đầu cô ấy hơi nghiêng về phía trước, để lộ chiếc cổ với những đường ngấn thanh thoát tuyệt mỹ …”.

Tôi đặt Sam trở lại vào trong chiếc xe nôi, lấy tờ giấy và những mẩu chì sáp cho cậu bé. Ngay lập tức, những nét nguệch ngoạc được hình thành. Tôi lấy ra một tờ giấy khác và cầm cây bút trong tay mình, tưởng tượng như đang nghe những lời Justin nói trong Phòng Triển Lãm bên kia đường.

Tôi không cần phải nhìn thấy bức tranh Người Phụ Nữ Viết Thư. Bức họa như nằm trong đầu tôi, sau nhiều năm liền Justin tập trung nghiên cứu chuyên sâu vào nó tại trường cao đẳng cũng như suốt quá trình nghiên cứu viết cuốn sách của riêng anh ấy.

Tôi bắt đầu nắn nót từng nét chữ trên giấy.

Ngày ấy, khi tôi mười bảy tuổi, tôi cũng từng có một mái tóc nhuộm đen, có gương mặt trắng và đôi môi đỏ hồng. Mẹ đã đăng ký cho cả hai mẹ con vào lớp Nghệ thuật viết chữ đẹp. Tôi đã từng nhăn nhó, than thở khi phải học một kỹ năng mà tôi cho rằng chẳng “năng động, sành điệu” tí nào. Tôi đã nói thẳng thắn hết với mẹ. Gần như hết tất cả những gì tôi nghĩ. Rồi tôi đi học xa, mang theo cả kỹ năng viết chữ đẹp mẹ rèn cho …

Lúc ấy, tôi mới khám phá ra rằng, khi tôi đặt bút xuống trang giấy, với những nhịp điệu nhanh chậm nắn nót khác nhau, mỗi chữ tôi viết nên đều ẩn chứa cảm xúc sâu xa trong đó. Lúc viết, tôi cảm giác như mình quay trở về lớp học, nơi tôi ngồi bên mẹ.

Tôi nghe thấy giọng nói của bà. Tôi ngửi thấy mùi hương của bà. Và tôi đang nhớ lại từng cuộc đối thoại đôi khi gay gắt giữa tôi và bà. Bởi vì, lúc ấy tôi mười bảy tuổi, luôn muốn khẳng định cá tính của mình. Kỹ năng ấy, thật sự là một điều hoàn hảo mà mẹ chọn trang bị cho tôi, tuyệt hơn rất nhiều những gì tôi tưởng. Nghệ thuật viết chữ đẹp đòi hỏi người ta viết có nhịp điệu. Mỗi nét nắn nót đều thể hiện một thái độ nào đó.

Chìm trong những suy nghĩ miên man, đột nhiên, tôi ngẩng lên khỏi tờ giấy của mình. “Trompe l’oeil – Nghệ thuật vẽ tranh như thật!”, tôi nói to với một nụ cười.

Sam ngẩng lên khỏi bức vẽ sáp màu, nhìn tôi thích thú.

“Điều đó nghĩa là gì?”, Kate hỏi.

“Trompe l’oeil là Nghệ thuật vẽ tranh như thật – một kỹ thuật sử dụng trong hội họa, thể hiện những hình ảnh như thật thay vì theo tỷ lệ”.

Justin nói, vẫn không ngừng nhìn khắp lượt trong phòng. “Trompe có nghĩa là đánh lừa và l’oeil có nghĩa là mắt. Nghệ thuật vẽ tranh như thật hiểu nôm na là có thể đánh lừa thị giác”. Anh nhìn những gương mặt giữa đám đông lần nữa.

Người bí mật – Bạn ở đâu?

“Mọi thứ thế nào thưa ông?”, anh chàng tài xế Thomas hỏi khi Justin bước trở lại vào xe sau buổi nói chuyện.

“Tôi nhìn thấy anh đứng ở cuối phòng. Anh nói tôi nghe mọi thứ thế nào mới phải”.

“Tôi không biết nhiều về nghệ thuật, nhưng ông chắc hẳn là biết làm thế nào để nói nhiều thế chỉ về chủ đề cô gái viết một lá thư”.

Justin mỉm cười, với tay lấy một chai nước miễn phí khác trên xe. Anh không thấy khát nước lắm, nhưng nó ở đó, miễn phí. Sao lại không nhỉ.

“Hình như ông có ý tìm kiếm ai đó”, Thomas hỏi.

“Tôi không hiểu ý anh”.

“Trong đám đông ban nãy, tôi để ý anh quay nhìn xung quanh vài lần, có vẻ như đang tìm kiếm. Một người phụ nữ, phải vậy không?”, anh chàng cười toe toét.

Justin mỉm cười, lắc đầu. “Tôi không biết nữa. Có lẽ anh sẽ nghĩ là tôi có vấn đề về tâm thần nếu tôi nói cho nghe”.

“Này, thế cậu nghĩ sao?”, tôi hỏi Kate khi chúng tôi đi bộ vòng quanh quảng trường Merrion và cô bạn tiếp tục bình luận không ngừng về buổi nói chuyện của Justin.

“Tớ nghĩ thế nào ấy à?”, cô lặp lại. “Tớ nghĩ rằng anh ấy là một người đàn ông thật tuyệt. Tớ nghĩ rằng cậu quên hết những cảm giác bí ẩn khó hiểu của cậu đi. Ngừng tất cả những chuyện này lại, gặp anh ấy và chỉ cần giới thiệu với anh ấy chính con người của cậu thôi”.

Tôi lắc đầu. “Không làm vậy được đâu”.

“Sao không? Anh ta có vẻ rất quan tâm đến cậu khi anh ta đuổi theo chiếc xe buýt của cậu ngoài phố, và khi anh ta thấy cậu trong buổi biểu diễn ba lê nữa.

Mọi thứ bây giờ bị thay đổi hết rồi à?”.

“Anh ấy chẳng muốn cái gì ở tớ cả”.

“Làm cách nào cậu biết điều đó?”.

“Tớ biết”.

“Bằng cách nào? Đừng nói với tớ rằng cậu biết thế nhờ cách giống như các phù thủy, nhìn quả cầu hay bứt cánh hoa kiểu yêu – không yêu nhé!”.

Cô bạn cố hết sức để khỏi tỏ ra mình cứ phản đối, bằng cách nhìn đi chỗ khác.

“Anh ấy quá bận rộn để đi tìm người phụ nữ mà anh ấy đã cứu sống anh ấy không hề quan tâm đến tớ. Anh ấy có những thông tin chi tiết để liên lạc với tớ, Kate, nhưng anh ấy chẳng bao giờ gọi. Không lần nào cả. Thực tế là anh ấy đã đi rõ xa để ném chúng vào một cái thùng vật liệu xây dựng. Thế nên cậu đừng ở đó hỏi tớ làm thế nào tớ biết được”.

Tôi giữ môi mím chặt.

Kate thở dài. “Cậu định thế này đến bao giờ?”.

Tôi nhún vai. “Không quá lâu đâu”.

“Thế còn công việc thì sao? Conor thì sao?”.

“Conor và tớ đã kết thúc rồi. Chẳng còn chuyện gì hơn để nói. Bốn năm xa cách và chúng tớ sẽ li hôn thôi. Còn về công việc, tớ đã nói với họ là tớ sẽ quay lại làm việc tuần tới. Cuốn nhật ký công việc của tớ đã đầy hết các cuộc hẹn rồi, còn về căn nhà thì … Ôi, khỉ thật!”. Tôi kéo tay áo lên nhìn đồng hồ. “Tớ phải về đây”. Một tiếng nữa tới giờ hẹn cho người ta xem căn nhà”.

Một cái hôn vội vàng, rồi tôi chạy hối hả đến trạm xe buýt gần đó nhất.

“Ồ, được rồi … đây rồi …”. Justin nhìn đăm đăm ra ngoài cửa xe hơi, rồi nhìn lên tầng hai, tòa nhà Trung tâm Huyết học.

“Ông định hiến máu?”, Thomas hỏi.

“Không. Tôi chỉ ghé thăm một người trong này. Chắc không quá lâu đâu.

Nếu anh thấy bất kỳ chiếc xe cảnh sát nào tới, cứ khởi động máy”.

Anh mỉm cười, nhưng là nụ cười pha nhiều bối rối.

Với vẻ căng thẳng, anh bước đến quầy tiếp tân hỏi xin gặp Sarah và được bảo ngồi chờ trong phòng đợi. Chung quanh anh, nhiều người cả nam lẫn nữ đang ngồi ăn trưa, nghỉ ngơi giữa giờ làm việc. Họ đều mặc trang phục công sở vừa đọc báo vừa chờ để được gọi đến lượt hiến máu.

Anh ngồi sát bên cạnh một phụ nữ. Cô đang lướt qua cuốn tạp chí. Anh nghiêng người sang phía cô, và khi anh vừa thì thầm thốt lên một câu hỏi, cô giật mình suýt nhảy dựng lên.

“Cô có chắc cô muốn làm việc này không?”.

Tất cả mọi người trong phòng đều hạ những tờ báo, những cuốn tạp chí xuống để nhìn chằm chằm anh. Anh húng hắng ho, quay nhìn sang chỗ khác, giả vờ như ai đó khác vừa thốt lên câu hỏi ấy chứ không phải mình. Những bức tường chung quanh anh dán đầy các tấm áp phích tuyên truyền việc hiến máu.

Cũng có cả những tấm áp phích thể hiện lời cảm ơn của những đứa trẻ, những người sống sót sau chứng bệnh bạch cầu và nhiều người bệnh khác. Anh ngồi chờ đến cả nửa tiếng đồng hồ, và cứ chốc chốc lại nhìn đồng hồ, lo âu về chuyến bay có thể bị trễ của mình.

Khi người cuối cùng rời khỏi phòng, để lại anh còn có một mình, Sarah mới xuất hiện nơi cửa.

“Justin”. Cô không lạnh lùng. Cô không khó chịu hay giận dữ. Chỉ im lặng.

Tổn thương. Những điều đó còn tệ hơn. Chẳng thà cô giận dữ, anh còn thấy đỡ.

“Sarah”. Anh đứng dậy chào cô, ôm ghì lấy và đặt một nụ hôn lên má, rồi quay sang má bên kia đặt tiếp nụ hôn thứ hai. Nụ hôn thứ ba hơi đáng ngờ khi trượt nhẹ xuống môi và suýt trở thành một nụ hôn đặt lên môi. Nhưng cô đẩy ra, kết thúc màn chào hỏi khôi hài.

“Anh không ở đây lâu được. Anh phải ra sân bay kẻo trễ chuyến bay, nhưng anh muốn ghé qua để được gặp trực tiếp em. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau vài phút không?”.

“Vâng, chắc hẳn rồi”. Cô bước vào quầy tiếp tân và ngồi xuống, hai tay vẫn còn khoanh trước ngực.

“Ồ”, anh nhìn quanh. “Em không có phòng làm việc riêng hay cái gì tương tự vậy sao?”.

“Có chứ. Nó rất đẹp và yên tĩnh”.

“Phòng làm việc của em ở đâu?”.

Cô nheo nheo mắt, đầy vẻ nghi ngờ và anh đành từ bỏ cả một chuỗi những câu hỏi liên quan, nhanh chóng ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh cô.

“Anh đến đây, thật ra là để xin lỗi em về thái độ xử sự không phải của anh trong lần cuối mình gặp nhau. Ừm, nói đúng hơn là xin lỗi em về thái độ xử sự không phải của anh trong tất cả những lần mình đã gặp nhau và từng khoảnh khắc sau đó nữa. Anh thật lòng xin lỗi”.

Cô gật, ra vẻ chờ đợi điều gì hơn thế nữa.

Khỉ thật, đó là tất cả những gì mình có thể nói. Nghĩ đi, nghĩ đi. Mình rất xin lỗi, rất tiếc, và …

“Anh đã không hề có ý làm tổn thương em. Anh bị xáo trộn trong những ngày đó, rồi thì chiếc xe buýt Vikings điên khùng. Sự thật là, anh đã hoàn toàn bị xao nhãng vì những chuyện khó hiểu suốt một hai tháng qua, và …”. Nghĩ đi nào! “Anh có thể vào phòng toilet nam một chút không? Nếu em không phiền!”.

Cô nhìn thẳng vào anh. “Chắc chắn rồi. Anh cứ đi thẳng xuống tiền sảnh, ở phía cuối ấy!”.

Đứng ở bên ngoài, nơi có một tấm bảng “Bán Nhà” vừa được đóng lên, gắn chặt với bức tường phía trước, Linda và chồng mình – Joe, đang dán mắt nhìn lên những khung cửa sổ và lóng ngóng bước vào phòng khách.

Một cảm giác phòng vệ chợt đến trong tôi. Sau đó, nhanh hệt như lúc nó đến, cảm giác ấy tan biến đi.

“Joyce? Phải cậu không?”. Linda hạ thấp hơn chiếc kính mát của mình xuống. Tôi nhoẻn miệng, chìa ra một nụ cười run run, đút tay vào túi để lôi ra một chùm chìa khóa – chùm chìa khóa đã được tôi loại ra hai chiếc:

chìa khóa xe tôi và chìa khóa chiếc xe con bọ mẹ đã từng dùng. Ngay cả khi bộ chìa khóa mất đi chiếc chìa khóa quan trọng nhất – trái tim của chúng – chúng vẫn như cũ; tất cả giờ đây đã có chức năng của riêng mình.

“Mái tóc của cậu … Trông cậu khác quá!”.

“Chào Linda, chào anh – Joe”. Tôi đưa tay ra định bắt, nhưng Linda đã thực hiện một động tác khác:

Cô ùa tới, ôm chặt lấy tôi, đầy tình cảm.

“Mình rất tiếc chuyện của cậu …”. Cô vẫn ghì lấy. “Tội cậu quá!”.

Cơ thể tôi đột nhiên trở thành của ai đó khác, tôi thấy dâng lên một cảm giác bị làm phiền hệt như toàn bộ cảm giác bị làm phiền trong suốt một tháng qua, lớn đến nỗi có thể nói ra điều đó.

Cô hạ thấp giọng thành một tiếng thì thầm. “Họ làm thế này ở bệnh viện à?”, mắt cô ấy dừng trên mái tóc tôi.

“Ơ … không!”. Tôi bật cười thành tiếng. “Họ làm thế ở tiệm hớt tóc chứ”, tôi nhỏ nhẹ, vặn chìa khóa, đẩy cửa và mời họ bước vào trước.

“Ồ”, những hơi thở của cô bạn cũ trở nên đầy phấn khích. Người chồng thì mỉm cười, cầm lấy tay cô ấy. Trong một thoáng, tôi tưởng như thấy lại chính hình ảnh của Conor và mình mười năm trước, bước vào xem ngôi nhà – lúc ấy đang bị bỏ không bởi một bà cụ già, người đã sống một mình ở đấy khoảng hai mươi năm trước. Tôi bước theo hình ảnh của mình và Conor ngày xa xưa vào trong ngôi nhà. Rồi đột nhiên nhận ra hình bóng xưa cũ ấy mới là thật, còn tôi như một bóng ma, đang nhớ lại những gì tôi từng thấy, nghe lại những cuộc đối thoại của chúng tôi, quay về với khoảnh khắc cũ một lần nữa.

Ngày ấy, bên trong nhà nồng nặc mùi hôi. Có một tấm thảm cũ kỹ trải trên sàn nhà kêu cót két, những cửa sổ mục nát, giấy dán tường thì quá cũ, cũ đến nỗi nếu so với vòng luân chuyển lần thứ ba của thời trang thì nó cũng đã lạc mốt mất rồi. Nó ghê không chịu nổi và như một cái bẫy hễ đầu tư tiền bạc vào thì lỗ, nhưng chúng tôi đã thấy yêu nó ngay khi chúng tôi đứng ở đó – đúng cái chỗ mà Linda và chồng cô ấy đang đứng, ngay lúc này.

Chúng tôi đã hệt như thế, khi Conor còn là Conor mà tôi yêu và tôi còn là tôi ngày cũ. Một đôi hoàn hảo. Sau đó, Conor trở thành một người như anh ấy bây giờ và tôi trở thành cô Joyce mà anh đã không còn yêu. Ngôi nhà càng trở nên lộng lẫy thì mối quan hệ giữa chúng tôi cũng ngày càng trở nên tồi tệ, xấu xí hơn. Chúng tôi đã nói dối nhau là vẫn còn hạnh phúc, nhưng sau đó, mỗi phút mỗi giây đều ẩn chứa cái gì đó không ổn. Chúng tôi đã thử cứu vãn cuộc hôn nhân của mình bằng mọi thứ, sắm một chiếc giường mới, sửa chữa lại cánh cửa, thay những khung cửa sổ gió lùa. Giá mà chúng tôi dành chừng ấy thời gian để tập trung vào chính chúng tôi, tự làm mới chính mình hơn là làm mới cho ngôi nhà … Không ai trong chúng tôi nghĩ đến việc sửa lại chỗ gió lùa trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Những ngọn gió rít qua, dữ dội dần lên, phá vỡ mọi thứ trong khi chẳng ai trong chúng tôi chú ý, cho đến khi cả hai chúng tôi thức dậy trong một buổi sớm mai, với đôi chân lạnh cóng.

“Mình sẽ chỉ cho hai bạn xem vòng quanh tầng dưới, nhưng …à …”. Tôi nhìn lên cánh cửa phòng trẻ sơ sinh, không còn rung lên những thanh âm như lần đầu tiên tôi trở về nhà. Nó chỉ là một cánh cửa. Im lặng và tỉnh tại. Làm những gì mà một cánh cửa phải làm. Không có gì khác cả.

“Mình sẽ để các bạn tự đi quanh trên tầng trên”.

“Những người chủ cũ có còn sống ở đây không nhỉ?”. Linda hỏi.

Tôi nhìn quanh. “Không. Không, họ chuyển đi lâu rồi”.

Khi Justin kiếm đường đi xuống đại sảnh, vào nhà vệ sinh, anh để ý kiểm tra từng cái tên trên mỗi cánh cửa, tìm xem phòng làm việc của Sarah ở đâu. Anh không biết mình phải bắt đầu từ chỗ nào, nhưng có lẽ nếu anh tìm thấy cái bìa hồ sơ ghi chú những trường hợp lấy máu ở trường Cao đẳng Trinity hồi đâu mùa thu, anh sẽ gần hơn với việc tìm ra sự thật.

Anh nhìn thấy tên của cô trên một cánh cửa, và gõ vào đấy thật nhẹ nhàng.

Khi nghe kỹ không thấy có bất kỳ tiếng động nào đáp lại, anh bước vào và đóng nó lại thật khẽ phía sau mình. Anh nhìn quanh thật nhanh. Một chồng những bìa hồ sơ được xếp trên mấy cái kệ. Ngay lập tức, anh với tôi và lướt nhanh qua chúng.

Vài khắc sau, quả nắm cửa chợt xoay. Anh để ngay cái bìa hồ sơ về nơi cũ, quay ra phía cửa và thấy mình lạnh cóng. Sarah đang nhìn anh, sốc thật sự.

“Justin?”.

“Sarah?”.

“Anh làm gì trong phòng làm việc của em thế?”.

Mình là một người có học hành tử tế mà, nghĩ ra điều gì đó thật thông minh đi.

“Anh … đi nhầm”.

Cô khoanh tay lại. ” Tại sao anh không chịu nói với em sự thật? Ngay bây giờ!”.

“Anh đang trên đường quay trở lại thì thấy tên em trên cánh cửa. Anh nghĩ hay là mình vào, chỉ nhìn quanh một cái để xem phòng làm việc của em như thế nào thôi. Thế là anh vào đây, em thấy đấy … Anh tin là một căn phòng làm việc thì có thể giúp hình dung ra người chủ của nó thế nào. Và hồi nãy anh đã nghĩ rằng nếu chúng ta có một tương lai gì đó …”.

“Chúng ta sẽ không hề có một tương lai nào”.

“Ồ, anh biết. Nhưng nếu chúng ta có thể …”.

“Không”.

Anh lướt nhìn qua bàn làm việc của cô và ánh mắt anh dừng lại ở một bức ảnh. Bức ảnh Sarah, vòng tay dang rộng, ôm một bé gái tóc vàng và một người đàn ông. Họ chụp cùng nhau, rất hạnh phúc trên bãi biển.

Sarah nhìn theo ánh mắt anh.

“Đó là con gái em, Molly”. Cô mím chặt môi, dường như quá giận chính mình nên không muốn nói thêm gì nữa cả.

“Em có con gái à?”, anh đưa tay gần đến khung hình, nhưng ngừng lại trước khi chạm vào nó và nhìn lên cô như chờ sự cho phép của cô trước đã.

Cô gật, môi bớt mím lại hơn. Anh cầm lấy khung ảnh và giữ nó trong đôi bàn tay mình.

“Cô bé xinh quá!”.

“Vâng”.

“Cô bé bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?”.

“Nó lên sáu”.

“Anh không biết rằng em có một đứa con gái”.

“Anh không biết rất nhiều điều về em. Anh chẳng bao giờ dành thời gian đủ lâu suốt những lần hẹn hò của chúng ta để nói chuyện về bất cứ thứ gì nếu nó không liên quan đến anh”.

Justin rúm người lại. Trái tim anh muốn rớt ra ngoài. “Sarah, anh xin lỗi”.

“Anh nói thật xem nào … Anh vào đây làm gì?”.

“Anh không có …”.

Ánh nhìn của cô ngăn anh thốt ra lời nói dối khác. Cô cầm lấy bức hình từ tay anh, thật nhẹ nhàng. Không có vẻ gì thô bạo hay hung hãng. Cô chỉ đầy thất vọng, đây không phải lần đầu tiên một người ngốc nghếch như Justin có thể làm cô xuống tinh thần.

“Người đàn ông trong hình là …?”.

Cô trông có vẻ rất buồn khi ngấm nghía nó và đặt nó trở lại trên bàn.

“Lẽ ra trước đây, em đã rất hạnh phúc khi được kể cho anh nghe về anh ấy”.

Cô nói nhẹ nhàng. “Em nhớ mình đã cố tìm cách nói với anh, tối thiểu hai lần”.

“Anh xin lỗi”, anh lặp lại, cảm thấy thật bé nhỏ. Anh hầu như không thể thấy cái gì trên bàn cô nữa.

“Anh nghe em đây, “Và em chắc chắn em nhớ anh có nói anh phải ra phi trường bắt cho kịp chuyến bay”, cô nói.

“Ừ, đúng đấy”, anh gật đầu, bước ra phía cửa. “Anh rất … thật sự …. rất rất xin lỗi. Anh thật quá xấu hổ và thất vọng về chính mình”. Anh nhận ra anh đang nói lên một điều từ đáy tim. “Anh đã trải qua một khoảng thời gian với khá nhiều những điều kỳ lạ”.

“Tìm cho em xem có ai không như thế không. Tất cả chúng ta đều có hàng mớ chuyện tào lao phải giải quyết, Justin. Chỉ xin anh đừng có lôi em vào những chuyện của anh”.

“Ừ, em đúng đấy!”. Anh gật đầu lần nữa và nhè nhẹ nở một nụ cười vừa xin lỗi, vừa đầy bối rối trước khi bước ra khỏi phòng làm việc của cô, chạy như tên bắn xuống tầng dưới, vào lại xe hơi.

Bình luận