Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiếc Ngai Vàng

Chương 3

Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Buổi tối hôm đó, cảnh hồ Lãng Bạc rực rỡ khác thường. Người ta có thể nói là một cuộc dạ hội thần tiên hay một cảnh mộng ảo của tưởng tượng.

Suốt quanh bờ hồ, từ con đường Cổ Ngư qua làng Yên Thái vòng lại phía chùa Bà Đanh, cứ năm trước lại một tên Ngự lâm, tay phải cắp giáo, tay trái giơ cao một chiếc đèn lồng đỏ.

Ngay cửa chùa Trấn Quốc trông xuống, nhà thủy tạ kết bằng hoa cũng sáng rực như một tòa lâu đài kết ngọc dạ quang. Hàng vạn chiếc đèn phao lềnh bềnh trên mặt sông.

Dưới đất thì thế, trên trời thêm trăng sao vằng vặc, gió mát đưa hương …

Nhân dân nô nức đi xem, bạt ngàn cả trên bờ. Ai nấy trố mắt nhìn như nhìn một hiện tượng lạ. Mà, thực thế, cổ lai chưa ai thấy một cuộc chương đăng nào lộng lẫy như cuộc chương đăng hôm ấy.

Lạ hơn là nó không nhằm ngày tết nào của dân chúng, cũng không trúng vào một khách điển nào của Triều đình. Cứ theo giấy sức của phủ Bình Chương Quân Quốc Sự Vụ thì cuộc vui này cốt để mừng sự thái bình trong nước, từ khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi. Nhưng, sự thái bình mà các nhà đương chức cố biểu dương, ca tụng kia, quần chúng rất lấy làm ngờ. Tin đồn về cuộc khởi biến của Đông Hải Vương cùng cái dã tâm Trần Thủ Độ muốn thoán ngôi nhà Lý hằng ngày chẳng vẫn làm cho nhân tâm phải xao xuyến đó ru? Dù vậy, những cuộc vui bao giờ cũng vẫn là sở thích của dân chúng hiếu kỳ. Người ta hãy gác mọi chuyện quan trong ra, kéo nhau đi xem đã, đi để tìm lấy một chút tưng bừng cho cuộc đời tẻ ngắt, đi để kiếm lấy ít cảm giác tân kỳ.

… Bỗng, văng vẳng từ phía sông Tô Lịch đưa lại, tiếng bát âm mỗi lúc một gần. Rồi, một đoàn ba con rồng lửa sừng sững tiến vào hồ Lãng Bạc …

Một tiếng pháo hiệu … Chừng hai trăm chiến thuyền, từ trước vẫn nấp trong các bóng cây rậm ven hồ, nhất thời ùa ra đón giá. Những tiếng hô “vạn tuế”.

vang vào trong bờ, lây sang bách tính, ầm ầm như sấm dậy …

Chiến thuyền giạt ra làm hai cánh, kèm ba con hỏa long tiến lại nhà thủy tạ.

Ba quân tấu khúc Quân Thiều.

Khi thuyền rồng áp mạn, Chiêu Thánh Công chúa (tức Lý Chiêu Hoàng), vận toàn sắc trắng, tha thướt lên lầu. Bốn tên cung nữ xúm quanh bưng các ngự dụng và gánh những đôi lư trầm tỏa khói thơm tho …

Trần Thủ Độ, mặc đai nhung trang, tiến lên sau rồi đến mấy vị lão thành văn võ.

Nhã nhạc cử khúc Thái bình, Trận bão hoan hô lại vang lừng bốn phía …

Nghe giọng kim sang sảng, người ta nhận ra rằng hai đội thủy binh kia đều là cung nữ trá hình.

Tiếng nhã nhạc, tiếng hoan hô vừa dứt, Thủ Độ truyền phát ống lệnh. Tức thời, đoàn thuyền chiến, bên đèn xanh, bên đèn đỏ, dàn thành trận thế, hăm hở ra khơi …

Ồng lệnh thứ hai nổ Cuộc thủy chiến, hay nói là tấn trò Triệt Giang đoạt A Đẩu, bắt đầu. Những hỏa hổ bắn ra như mưa lửa, tiếng chiêng trống, tiếng hò reo vỡ lở. Mặt hồ nổi sóng, như phiến xà cừ vỡ nát tan tành.

Sau một cuộc xung phong dữ dội, đoàn thuyền xanh, quân Đông Ngô, dần dần thua chạy. Binh Hán đồng thanh ca khúc Khải Hoàng. Triệu Tử Long bồng A Đẩu ra bằng rơm, kéo sĩ tốt về lĩnh thưởng. Lý Chiêu Hoàng bỗng đứng phắt dậy, trái tim nhường thôi đập, hai mắt hoa lên …

Thì ra Triệu Vân, mũ vàng, giáp vàng, uy nghi lẫm liệt nọ chính là Trần Cảnh, người mà Lý Chiêu Hoàng đang trộm nhớ thầm mong.

Thấy chàng quỳ xuống làm lễ, Chiêu Hoàng vội nân chàng dậy. Nàng hổ thẹn, liếc mắt nhìn quanh:

Thủ Độ cùng các quan tùy giá đâu ca, bọn cung nhân cũng mỗi đứa một nơi nàọ. Chiêu Hoàng khẽ nói:

– Nghe nói Tướng quân vâng lệnh quan Chỉ Huy Sứ đi đâu xa có việc cớ sao lại ở đây?

– Hạ thần vừa về thì được lệnh đóng vai Triệu Vân trong cuộc đua thuyề để Ngự lãm.

Nghe câu ấy, Chiêu Hoàng cảm thấy cả một nỗi buồn man mác khi vắng người yêu.

Nàng nhìn Trần Cảnh, thấy chàng lẫm liệt như một vị thiên thần trong cổ tích.

– Tướng công đi, phong cảnh dọc đường hẳn là vui mắt lắm?

Nhận thấy ý trách móc trong câu nói, Trần Cảnh khẽ nắm lấy tay Chiêu Hoàng.

Nàng không tỏ ý kháng cự, mắt nhìn xa, mặt bừng đỏ …

Trước hai người đèn lửa sáng rực, đoàn thuyền bơi lượn như một đám thủy quái hiện lên muôn lớp sóng màu. Những câu hát êm đềm, ngân nga, đưa lại cho tâm hồn những cảm giác say sưa.

Trần Cảnh ghé vào tai Chiêu Hoàng, cất giọng một người tình nhân nói:

– Ta xuống thuyền ra chơi giữa hồ.

Chiêu Hoàng không trả lời. Ngạc nhiên, Trần Cảnh nhìn nàng. Dưới ánh đèn hồng, chàng nhận thấy sắc mặt nàng tái mét.

Chàng nhắc:

– Theo tôi.

Chàng sắm nắm xuống tàu. Chiêu Hoàng vẫn yên không nhúc nhích. Chàng khẽ nắm tay Chiêu Hoàng kéo đi. Sự đụng chạm khiến Chiêu Hoàng cảm xúc rất mạnh.

Chiếc thuyền nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi …

Chiêu Hoàng thoạt tiên muốn chạy trốn. Tấm lòng trinh bạch của nàng như e ngại một sự nguy hiểm. Sự gần gụi với chàng, trái lại, khiến nàng thổn thức, sung sướng một cách lạ lùng.

Chiếc thuyền thong thả lướt trên mặt nước …

Chiêu Hoàng bâng khuâng như bay trong cõi mộng. Thốt nhiên, nàng giật mình, nghe tiếng Trần Cảnh rỉ thầm:

– Nương nương tha tội cho tôi nhé … Tôi cần phải nói câu này.

Chiêu Hoàng cúi mặt, nói qua một tiếng thổn thức:

– Chẳng hay Tướng công muốn nói gì?

– Mấy hôm tôi đi xa. Nương nương buồn, nhớ lắm thì phải?

– Sao Tướng công biết?

– Tôi lấy lòng tôi mà đoán thì biết.

Nàng cười:

– Sao Thái hậu khéo đoán thế? Vâng, mấy hôm tôi quả nhiên buồn vơ vẩn.

– Nương nương có biết vì sao chăng?

Chiêu Hoàng mỉm cười, không nói.

Nàng đẹp biết chừng nào! Dưới ánh đèn và ánh trăng sao, gương mặt nàng lúc ấy thực là một bài thơ tuyệt đẹp về tình.

Trần Cảnh quàng tay lên vai Chiêu Hoàng, tha thiết:

– Chiêu Thánh Công chúa ơi! Sự buồn nhớ vẩn vơ ấy duyên do chính vì lòng ta yêu nhau. Công chúa thực là ngọn Thái Sơn chắn ngang trước mặt tôi vậy. Vì nàng mà tôi lắm khi chẳng thấy mặt trời, nhìn khắp vũ trụ, tôi chỉ thấy nàng, thấy cái hình ảnh của nàng. Tình ư? Hay là sự cuồng vọng? Chỉ có Trời biết!

Linh hồn tôi buộc chặt lấy nàng cũng như cành kia ăn liền vào cây nọ. Nàng là tính mệnh của tôi; một lời nói, một nụ cười của nàng có thể làm cho tôi vui sướng hay khổ não đến chết được.

– Trần lang! ….

– Công chúa ơi, tôi yêu Công chúa, tôi đoán rằng đối với tôi nàng cũng chẳng vô tình. Sự đoán phòng như thế biết rằng có …

– … Đúng lắm chàng ạ. Lòng thiếp cũng yêu mến chàng biết bao! Mỗi khi gần chàng, thiếp sống một cách đầy đủ; xa chàng, thiếp chỉ những héo hắt vì nhớ mong.

Trần Cảnh sung sướng, ôm nàng sát vào lòng. Chiêu Hoàng nhắm mắt lại, quên hẳn cuộc đời … Một tiếng hát gần khiến nàng tỉnh mộng. Nàng nhìn ra thì đêm đã khuya, trăng đã ngả, sương trắng đã đầy trời … Vũ trụ lúc ấy như lẩn tránh, như mờ nhạt trước Tình Yêu …

Bỗng, Chiêu Hoàng khẽ nói, giọng nhuốm buồn:

– Trần lang! Yêu em, tình chàng có bền mãi mãi được chăng?

Trần Cảnh nhìn nàng, có vẻ trách:

– Công chúa ngờ tôi?

– Em không ngờ chàng. Em chỉ lo người khác.. Mai sau, nếu duyên đên bẽ bàng thì nhìn trăng thêm thẹn với chị Hằng trong trăng lắm!

Dứt lời, nàng thở dài; hai hạt lệ ngập ngừng lăn xuống má …

Trần Cảnh chưa kịp đáp, bỗng giật mình đứng phắt dậy. Chiêu Hoàng cũng luống cuống thẹn thùng. Đứng trên mũi chiếc thuyền chiến Trần Thủ Độ sừng sững hiện ra, đột ngột như một vị hung thần.

– À! Trần Cảnh to gan, dám để cho thiên hạ có thể ngờ vực cái thanh giá của Nương nương! …. Quân này phải trị tội mới được!

Vừa nói, Thủ Độ vừa nhảy vót sang bên thuyền rồng, vái chào Chiêu Hoàng đoạn nắm lấy Trần Cảnh và thét võ sĩ trói chàng lại.

Chiêu Hoàng đau đớn, nói:

– Tướng quốc ơi, đó là tại thiếp! …. Trần lang không có tội gì cả! – Tâu Nương nương, Trần Cảnh dám đem lời tà khúc làm rối lòng vua, không trị tội để làm gì. Mấy vần thơ trong cung cấm với cuộc ép giá mạo hiểm hôm nay đủ cho hắn phải rơi đầu!

Trước sự dụng tâm đê hèn của Thủ Độ, Chiêu Hoàng bỗng nổi giận:

– Nhà ngươi ít ra cũng nể mặt ta chứ? Ta không ngờ ngươi dám thóc mách cả việc riêng của ta để bêu xấu ta. Nhưng, tình nam nữ yêu nhau là lẽ tự nhiên của trời, có gì đáng thẹn. Ta thừa biết dụng ý của ngươi … Tuy vậy, ta đã yêu Trần lang, ta cứ kết nghĩa phu thê với chàng. Truyền cho ngươi sớm mai phải đem việc ta hạ giá công bố cho đình thần và trăm họ biết.

Thủ Độ vừa sợ hãi, cúi đầu, vâng dạ.

Chiêu Hoàng vẫy tay, quát:

– Giờ ta cho ngươi hãy lui, để mặc ta với mấy đứa cung nhân là đủ! ….

Bình luận
× sticky