Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến Lược IELTS 7.0

Chương 2. Kỹ Năng Listening

Tác giả: Võ Trung Kiên
Thể loại: Học Ngoại Ngữ

1. LISTENING – LUYỆN NGHE TỪ “LÙNG BÙNG” TỚI ỔN

Trình độ nghe “lùng bùng” là lúc bạn mới bắt đầu, vừa học xong tiếng Anh cấp 3 và hầu như chưa bao giờ nghe tiếng Anh.

Ổn là khi bạn đã bắt được âm, nhận diện khoảng 95% những gì bạn được nghe. Nghĩa là khi nghe từ purchase bạn sẽ nhận ra ngay được từ purchase /’pə:t∫əs/ chứ không ra /pə…/ như khi còn “lùng bùng” nữa.

Và cách nhanh nhất để đi từ “lùng bùng” tới ổn theo tôi được biết là nghe kết hợp dò script – một bản ghi lại tất cả những gì mà người ta nói như kịch bản phim, bản phát thanh… chẳng hạn. Nếu bạn từng sử dụng coursebook, ở phía cuối sách, bạn thường thấy có một phần ghi lại tất cả những gì người ta nói trong CD, đó chính là script.

Nghe và dò script

Cụ thể phương pháp nghe và dò script như sau:

Cứ như vậy, bạn có thể nghe và bắt được âm, chữ chỉ trong một thời gian ngắn.

Thời gian đầu khi nghe theo cách này bạn sẽ gặp rất nhiều khoảnh khắc “À, ra thế!” vì có rất nhiều từ căn bản nhưng bạn vẫn nghe “lùng bùng”, không nhận ra được chúng. Như tôi khi bắt đầu tập nghe, có những từ vỡ lòng như “boy”, “girl” mà tôi vẫn không nhận ra. Vậy nên khi xem script, bạn sẽ cảm giác ngồ ngộ, thú vị, vì những từ bạn nghe còn “lùng bùng” cũng chẳng xa lạ gì, hầu hết là những từ bạn đã biết từ lâu.

Một số nguồn nghe có script

1. Video có phụ đề như:

2. Các sách coursebook

Phần đáng giá nhất trong một cuốn coursebook có lẽ là phần script ở cuối sách.

Trước đây tôi sử dụng cuốn Building Skills for the TOEFL iBT vì có sẵn trên giá sách. Như tôi nhớ, mỗi phần Listening của sách thường có khoảng 2-3 bài nghe ngắn hoặc 1 bài nghe dài. Tôi làm mỗi ngày 1 part, làm theo cách nghe và dò script. Được khoảng hơn một nửa phần Listening, khả năng nghe bắt âm của tôi đã khá tốt, tôi không nghe theo phương pháp này nữa mà chuyển sang giai đoạn kế tiếp.

2. Listening – Luyện nghe từ ổn tới tốt

Tốt là trình độ nghe tiếng Anh như tiếng Việt. Nói vậy không có nghĩa là bạn có thể nghe và hiểu bất cứ đoạn thoại tiếng Anh nào. Sẽ có lúc bạn gặp từ mới và không hiểu nội dung nhưng đó là vì lý do từ vựng, không phải do khả năng Listening của bạn có vấn đề. Tuy nhiên, khi nghe phải những từ vựng hay cách diễn đạt mà bạn đã biết, bạn cần phải hiểu ngay tức thì.

Điều đó có vẻ hiển nhiên nhưng trong một số trường hợp, bạn nghe và hiểu nhưng tôi cho rằng vẫn chưa gọi là tốt:

Khi nghe phải rất tập trung mới hiểu.

Nghe tiếng Việt bạn có cần tập trung đến vậy không? Chắc hẳn là không. Khi xem tivi tiếng Việt, bạn thư giãn thoải mái như thế nào thì với tiếng Anh bạn cũng cần như vậy.

Nghe từng từ, nhẩm lại từng từ mới hiểu.

Nghĩa là khi nghe, bạn phải hình dung lại, nhẩm lại hoặc viết lại trong đầu từng từ rồi mới hiểu chứ không hiểu ngay lúc đó. Ví dụ:

CD đọc:

– The United States government has refused to explain why …

Bạn nhẩm lại trong đầu:

– The United States … government … has refused … to explain why …

Nghe kiểu này bạn sẽ phải rất cố gắng để theo kịp những gì người ta nói. Vì như minh họa bên trên thì bạn cần phải nghe -> nhẩm/viết thầm lại từng chữ -> ghép lại/dịch -> hiểu. Tốc độ hiểu của bạn sẽ luôn chậm hơn tốc độ nói trong CD. Khi người ta đã nói đến từ explain thì bạn vẫn còn đang nhẩm hiểu từ refused. Càng về sau bạn sẽ càng đuối và không thể theo kịp được nữa.

Với IELTS Listening Section 1 bạn có thể nghe kiểu này, vì Section 1 đòi hỏi bạn nghe những chi tiết nhỏ và bạn sẽ phải thật tập trung để có câu trả lời chính xác. Section 1 là hội thoại giữa hai người nên cũng có nhiều thời gian nghỉ nên bạn có thể vẫn theo kịp nội dung bài nói. Thế nhưng nếu đến Section 4 bạn vẫn nghe từng từ như vậy, thì chắc chắn bạn sẽ không nghe được gì cả.

Tập trung nghe keywords (từ khóa) để hiểu

Tôi thường nghe mọi người khuyên như vậy. Ý của lời khuyên là bạn chỉ cần nghe 2-3 từ chính trong 1 câu để hiểu cả câu đó (hay có nghĩa là từ 2-3 từ suy ra nội dung mà người ta muốn nói).

Khi nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Việt, bạn có phải để ý nghe “từ khóa” không? Dĩ nhiên là không. Bạn nghe cả câu và lập tức hiểu luôn, rất đơn giản.

Phương pháp nghe thoải mái

Trước giờ bạn nghe tiếng Anh không thoải mái, dễ hiểu như tiếng Việt, đơn giản là do bạn không tập luyện nghe theo kiểu này. Ở trung tâm, cứ đến lúc nghe là tất cả đều im phăng phắc, tập trung để nghe thật nhiều, tạo cảm giác rất căng thẳng. Ở nhà tự học coursebook cũng vậy, nhấn Play cho CD xong là bạn cũng tập trung hết tâm trí để nghe cho chính xác. Đúng là có lúc bạn cần tập trung, như là để nghe lấy 1 số chi tiết chẳng hạn. Nhưng nếu lúc nào cũng căng thẳng thì không ổn chút nào. Cứ nghe tiếng Anh là bạn lại căng tai căng não ra, không thả lỏng, thư giãn, thoải mái và nghe như nghe tiếng Việt, thì dĩ nhiên trình nghe của bạn sẽ luôn hạn chế ở mức tạm được – nghe phải rất tập trung mới hiểu chứ không thoải mái dễ hiểu như tiếng Việt.

Phương pháp nghe thoải mái được miêu tả như sau:

Khi nghe tiếng Việt bạn thoải mái như thế nào thì hãy giữ sự thoải mái như vậy khi nghe tiếng Anh. Hãy thả lỏng, hướng sự chú ý của bạn vào nội dung đang được nói, đừng tập trung vào tiếng Anh như trước giờ bạn vẫn làm.

Có thể bạn vẫn thấy khó hiểu, chưa rõ phải nghe sao cho đúng, nhưng bạn đừng lo, phần kế tiếp sẽ có ví dụ cụ thể hơn và những dấu hiệu để biết là bạn đang nghe đúng hay sai.

Ví dụ về nghe thoải mái

Nguồn tiếng Anh để tập nghe sẽ là nguồn thích và cần, giống như kỹ năng Reading. Điểm khác biệt là bây giờ bạn sẽ tìm tài liệu để nghe chứ không phải để đọc. Do đó bạn nên dùng Youtube (hơn là Google) để search những video về chủ đề mình thích.

Tôi thường tìm hiểu về những phim mà mình thích. Như năm rồi có phim Les Miserables, dựa trên vở nhạc kịch cùng tên (dựa trên cả tiểu thuyết cùng tên). Sau khi xem phim, tôi lên youtube search tên phim “Les Miserables”, không cần phải thêm từ khóa nào khác nữa. Thường trong kết quả tìm kiếm sẽ có những video quay lại buổi gặp gỡ diễn viên (interview), hậu trường (behind the scenes) và những bình luận về phim trên các trang mạng. Đó là những clip mà tôi thường xem khi search tên phim.

Khi xem, bạn hãy thả lỏng như khi xem tivi bằng tiếng Việt. Có những chỗ bạn sẽ không hiểu nhưng không sao, bạn không cần phải hiểu hết. Đừng căng thẳng rồi bạn lại phải căng tai ra tập trung nghe. Mục đích của bạn khi luyện nghe bây giờ không đơn giản là hiểu nữa mà là hiểu trong khi thoải mái, thư giãn.

Nguồn thích và cần sẽ giúp bạn dễ tập trung vào nội dung hơn là tiếng Anh. Nếu bạn tập nghe bằng một nguồn mà bạn không thích và cũng không cần, rồi làm theo hướng dẫn thả lỏng, thì đầu óc sẽ rất dễ lan man, mất tập trung, việc luyện nghe cũng chẳng còn mấy hiệu quả.

Dấu hiệu để biết là bạn nghe đúng hay sai cách

Nếu bạn nghe liên tục trong khoảng 30 phút – 1 tiếng mà không chán thì bạn đã nghe đúng cách.

Giống như xem các show, chương trình truyền hình mà mình yêu thích như “Thư giãn cuối tuần” hay “Vietnam Idol” vậy, hết tập này bạn lại muốn được xem tập khác. Dừng lại còn khó gấp vạn lần tiếp tục. Khi đó là bạn đã nghe đúng cách, bạn quan tâm tới nội dung chương trình chứ không để ý nhiều đến câu chữ tiếng Anh nữa.

Còn nếu như vừa nghe được khoảng 10 phút, bạn đã cảm thấy mệt mệt, đuối đuối, muốn “giải lao”,… thì bạn có thể xem lại ba việc sau đây:

1. Có thể bạn vẫn tập trung vào tiếng Anh quá

Cứ thư giãn để tiếng Anh trôi qua tai bạn. Đừng “cố” hiểu hết, vì bạn đang tập luyện mà. Nếu bạn cứ cố tập trung để hiểu thì khả năng nghe của bạn vẫn sẽ giậm chân ở mức tạm được thôi. Hãy để tự nhiên, hiểu được phần nào thì hiểu. Nếu bạn thấy mình hiểu ít quá thì hãy xem tiếp việc thứ 2.

2. Có thể khả năng nghe của bạn chưa đủ

Hãy thử xem một vài clip khoảng 10-20 phút, nếu bạn hiểu được khoảng 50%, hoặc đủ để bạn cảm thấy thích thú muốn xem tiếp thì hãy tiếp tục cách nghe thoải mái, nếu không, hãy quay lại luyện theo kiểu nghe và dò script thêm một thời gian nữa.

3. Nội dung video clip không hấp dẫn

Cũng như tôi đã nói ở phần Reading, nếu một clip nào đó khiến bạn chán ngấy thì hãy chuyển ngay sang một clip khác. Tôi thích xem các talkshow, buổi nói chuyện của các diễn viên không có nghĩa là video nào có diễn viên đó tôi cũng thích xem. Nếu video về chủ đề không hấp dẫn được tôi quá 5 phút thì tôi sẽ bỏ sang xem video khác. Nhiều bạn cứng nhắc quá, ban đầu lỡ chọn các clip về Harry Potter, sau đó dù chán vẫn cố gắng xem, rồi lại tự hỏi: “Sao mình mau chán thế, hay là tiếng Anh mình có vấn đề, mình nghe không đúng cách?…” Hãy cứ bỏ qua video khiến bạn không vui và tìm video khác thú vị hơn.

Mong đợi quá lớn vào khả năng Listening

Đó là khi bạn nghĩ trình nghe tốt là phải nghe được mọi thứ bằng tiếng Anh.

Nếu đã đi các tỉnh thuộc vùng miền khác nhau ở Việt Nam, chắc bạn cũng biết là nhiều tỉnh có giọng rất lạ và khó nghe khiến bạn không hiểu được. Một lần, tôi về quê nội ở Nghệ An, các bác hỏi chuyện tôi chỉ biết dạ, vâng, cười trừ, chứ kì thực tôi chỉ nghe được lõm bõm và cũng không hiểu các bác nói gì.

Tiếng Anh cũng thế, thi thoảng bạn gặp các giọng vùng miền. Nếu không nghe rõ thì bạn cũng đừng shock và đừng mất tự tin vào khả năng nghe của mình. Cách xử lý như khi bạn gặp phải tình huống này cũng giống như gặp tiếng Việt khó nghe vậy, hoặc là bảo họ lặp lại, nói chậm lại, hoặc là ậm ừ rồi tìm cách “chuồn”.

Thường để quen với một giọng lạ như vậy thì tôi phải mất khoảng 3-7 ngày.

Trong kì thi IELTS, chắc chắn bạn sẽ được nghe giọng chuẩn, dễ nghe nên không cần phải lo lắng về vấn đề này.

3. Listening – Những điều bạn thắc mắc

Thắc mắc: Cứ nghe và hiểu là được rồi, có tập trung căng thẳng một chút để nghe cũng sao đâu, sao phải tập thoải mái?

Trả lời: Với những bài nghe ngắn 5-7 phút, dù bạn nghe theo kiểu nào thì sự khác biệt trong mức độ hiểu có lẽ không nhiều. Nhưng khi nghe những đoạn dài hơn (hơn 30 phút) thì chắc chắn bạn không thể nghe kiểu tập trung được. Nghe kiểu ấy rất căng thẳng và tôi tin rằng bạn không thể tập trung cao độ trong thời gian dài như vậy.

Sau khi tập nghe thoải mái được một thời gian rồi, thực sự bạn sẽ thấy Section 4 Listening dễ hơn Section 1 đáng kể. Hãy thử hỏi một số người có điểm IELTS cao hơn 7.0, tôi cá là nhiều người sẽ đồng ý với ý kiến này. Mục đích Section 4 là “listen for the gist”, nghe nội dung, ý chính chứ không quá đi vào chi tiết như Section 1.

Thực sự cách hỏi của Section 1 rất khó chịu, vì nó quá chi tiết và đòi hỏi sự tập trung cao, kể cả nghe bằng tiếng Việt, chắc bạn vẫn phải hỏi lại thông tin.

Tôi sẽ nói thêm và kỹ hơn trong phần chuẩn bị kỹ năng cho IELTS. Điều bạn cần nhớ là nếu cứ nghe theo kiểu căng não như vậy, bạn sẽ gặp rất nhiều trắc trở trong việc học tiếng Anh sau này.

Thắc mắc: Có nên “Tắm ngôn ngữ” không?

Trả lời: “Tắm ngôn ngữ” là cứ mở tiếng Anh để nghe liên tục, không cần phải hiểu, cứ nghe như nghe nhạc, để ra rả bên tai rồi làm việc khác cũng được – Đây là một lời khuyên thường thấy trên mạng.

Cá nhân tôi không hiểu việc “tắm ngôn ngữ” có ích lợi gì mà chỉ thấy nó phí thời gian. Bản thân tôi đã xem hơn 100 tiếng phim Hàn, và tất cả những gì mà tôi học được là:

Oppa: Brother

Omma: Mom

Appa: Dad

Sunbae: Senior

Babo: Ngốc!

An nyeong ha se yo: Hello

Cam sa ham ni da: Thank you

Sa rang hae: I love you

Số lượng từ chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Theo tôi nghĩ “Tắm ngôn ngữ” là cách “cùi bắp” nhất để học tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào.

Vì thế đừng cho rằng việc “tắm ngôn ngữ” là bạn đang học tiếng Anh nữa. Đừng vừa đọc truyện hay chơi game, vừa mở tiếng Anh ra rả 3 tiếng, rồi cuối buổi kết luận một cách thỏa mãn rằng: “Hôm nay học tiếng Anh được hẳn hơn 3 tiếng, nhiều thật!” Thực ra, 3 tiếng “tắm ngôn ngữ” chẳng đem lại gì nhiều cho bạn, thậm chí còn không bằng 5 phút làm theo phương pháp nghe và dò script.

Bình luận