Không nhất thiết phải bơi nhanh hơn cá mập, chỉ cần bơi nhanh hơn người bên cạnh.
Peter BENCHLEY.
THỨ HAI 18 THÁNG BẢY – 10 GIỜ
Này nhé, chúng tôi vừa tìm ra trong nhà một thứ rất chi buồn cười. Trần tầng trệt nhỏ nước lên đầu chúng tôi mỗi khi chúng tôi đi ngang qua đó để vào phòng khách (chính vì vậy mà chúng tôi phải đi vào theo đường chéo). Nước rỏ giọt từ vị trí chính xác của phòng vệ sinh tầng trên (lại còn đang bị tắc). Chúng tôi đều nghĩ rằng đó là nước tiểu lẫn phân. Dẫu sao chăng nữa chúng tôi cũng đã phát ngán với việc nhìn lớp cặn gớm ghiếc trong bồn rửa rồi. Từ đó trở đi chúng tôi sử dụng toa lét trong phòng tắm cạnh bếp (nơi mà kể ra chúng tôi cũng không dùng để nấu ăn; chúng tôi thậm chí không dám hình dung ra cái thứ có lẽ đã làm tổ trong đống nồi niêu xoong chảo cũ trong tủ bếp).
10 GIỜ 30
Nhân tiện nói về nhà vệ sinh, Henri càu nhàu không ngớt vì lũ nhóc không chịu gạt cần dội nước của toa lét tầng dưới. Chuyện bình thường thôi, tội nghiệp bọn trẻ. Chúng (cả tôi nữa) đều đi vệ sinh thật nhanh, rồi chúng (cả tôi nữa) chạy ào ra ngoài vì sợ gặp phải nhện.
14 GIỜ
Được lắm, thời tiết mà cứ như thế này thì hôm nay rốt cuộc chúng tôi sẽ không ra bãi biển.
15 GIỜ
Những bằng chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên các tấm bưu thiếp (từ những người mà tôi thuộc làu địa chỉ).
Đọc cho chép chính tả:
Chào bố. Kỳ nghỉ hơi đáng chán, nhưng con đã mua tặng bố một món quà. Nhưng kỳ nghỉ dù sao cũng hơi đỉnh đấy, vì tính tới GIỜ bọn con đã tới Mc Do hai lần. Hôn bố thật kêu, Margot.
Cặm cụi viết cẩn thận:
Bớ kín mến. Con khônh ngừn diết nhệnh. Đán sấu hổ! Mẹ xợ nhệnh. Hôn bớ, Héloïse.
Hoặc nữa:
Albert thân mến, tớ đang nghỉ hè ở Bretagne và đang vui phát điên! Biển thật lạnh, nhưng dẫu sao cũng hết sức dễ chịu, ngay cả khi trời mưa. Hôn cậu, Héloïse.
(Lỗi chính tả được sửa hết để mẹ cậu bé kia khỏi hình dung rằng ở trường con trai bà học giỏi hơn con gái tôi.)
Bỏ trong chai thả xuống biển:
Mẹ kính yêu, con không chịu nổi nữa rồi, con nhớ phòng riêng của mình quá đỗi! Trở về nhà muôn năm! TB: Mẹ mua cho con album mới của nhóm Blue được không, để giúp con qua được kỳ nghỉ lãng mạn này? Hai chân con bầm tím vì hằng đêm phải lãnh những cú quẫy đạp của hai đứa nhóc nằm chung giường… Phải đấy ạ, vì ba đứa con nằm chung giường mà!! Sau khi suy nghĩ kỹ, con nhờ mẹ gửi kèm luôn một máy nghe nhạc MP3 và vài chiếc vòng hiệu Claire’s, con rất xứng đáng với những thứ đó. Con gái yêu mẹ, Diane.
THỨ BA 19 THÁNG BẢY – 11 GIỜ
Sau khi đã lái vòng vòng vô định, chúng tôi vừa tìm ra một bãi biển tuyệt đẹp, không chê vào đâu được. Và tuyệt không một bóng người.
Mà trời thì đang đẹp. (nói cho cùng trên bầu trời đang có những đám mây to nặng trĩu. Nhưng “thời tiết đẹp” trong vùng này có nghĩa là trời không mưa.) Sóng gợn lăn tăn, và một lá cờ màu xanh lục đang bay phấp phới trong không trung. Tôi không ngừng tự nhủ tại sao trên bãi biển thơ mộng này lại không có ai.
Henri đoán có lẽ vì thời gian gần đây xuất hiện một chú cá mập trắng khổng lồ lạc vào vùng biển này.
Ôi không, tôi không thích anh đem chuyện đó ra đùa chút nào.
Hồi còn nhỏ, tôi được nghe kể câu chuyện về một cô bé ra biển bơi. Vì đang ở cuối chu kỳ nên cô bé đã thu hút sự chú ý của một con cá mập trở nên điên cuồng vì ngửi thấy mùi máu, nó đã ngoạm mất một chân của cô bé. Người ta muốn nói thế nào cũng được nhưng tôi không tha thiết lắm với việc xác minh độ chân thực của giai thoại này. Cũng kể từ đó, tôi cẩn thận chú ý theo dõi chu kỳ tháng của mình trước khi đi bơi.
Henri vừa nói vừa tiến một bước đầy tự phụ về phía bờ sông, cùng đi với anh là lũ nhóc đang kêu toáng lên vì vui sướng và nhảy nhót khắp nơi. Phía sau anh, tôi vừa chạy lon ton vừa khệ nệ vác một túi nặng đựng tất cả những thứ thiết dụng để sống sót trên một bờ biển: khăn quấn, khăn tắm, kem chống nắng, xô và xẻng, máy quay, nước đóng chai, tạp chí, vân vân.
Cộng thêm túi xách của tôi. Cộng thêm thảm trải của tôi. Tôi có cảm tưởng mình đang trở thành xe đẩy hàng của bọn họ.
Cố nén một tiếng thở dài nhớ nhà, tôi xúc động nhớ lại quãng thời gian tuổi thơ êm đềm khi mẹ tôi cáng đáng cái vai lạc đà thồ hàng đen bạc này (bạn biết đấy, con vật đạp cát mà đi với sức nặng tương đương một xe moóc trên lưng ). Lại còn không than vãn nữa chứ! Hoan hô mẹ!
Nhưng tôi không được thừa hưởng lòng can đảm từ mẹ, và tôi không kìm nén việc thể hiện điều này.
11 GIỜ 10
Chúng tôi vừa đến nơi, năm tấm thảm được trải ra và đồ đạc của chúng tôi vừa được để tạm lên đó thì trời bắt đầu nổi gió.
Không phải dạng gió nhẹ mà là kiểu gió lốc trước bão thì đúng hơn.
Mọi thứ bỗng bị cuốn phăng theo: nào thảm, nào váy áo, dép tông, nhưng mọi người vẫn mặc kệ bởi tất cả đang mải đá sóng cho nước bắn lên người nhau ở thật xa phía trước, trong khi tôi lên cơn cuồng loạn vì huy động hết cả tứ chi để cố giữ mọi thứ.
Cuối cùng, vì rộng lượng (và kinh động bởi những tiếng gào thét giận dữ của tôi), đám người đi nghỉ mát vui vẻ kia cũng mang về cho tôi những viên cuội to để chèn đồ đạc của chúng tôi lại. Henri không bỏ lỡ dịp để nhấn mạnh việc tôi thiếu óc tổ chức như thế nào, và tôi dễ dàng chết đuối trong một cốc nước ra sao. Tôi quyết định khôn ngoan hơn hết là nhanh chóng buông hòn cuội to đang cầm trong tay ra.
Một khi đã đặt hết cuội xuống, mấy người Paris ấy lại quên khuấy tôi và chạy đi té nước vào mắt nhau.
11 GIỜ 20
Bù lại, tôi rút máy quay ra để lưu giữ cảnh thủy chiến đang diễn ra ngay trước mắt. (“Tiến lêêên! Tất cả chống lại Henriiiii! Xung phong!”)
Tôi ghi hình người đàn ông của mình đang di chuyển trong chiếc quần soóc lửng màu xanh cổ vịt mới mua và đôi xăng đan để lộ những ngón chân. (Xăng đan không có cỡ to hơn số 45. Hoặc giả có đấy, nhưng không còn là xăng đan nữa mà là chân nhái.)
Choáng váng vì sự tinh tế trong trang phục của anh
– Chỉ còn thiếu chiếc mũ mềm Ricard và chiếc đồng hồ dây xích bạc nữa thôi -, tôi kèm theo bài phóng sự của mình một lời bình luận thú vị bằng tiếng ngoài khuôn hình: “PSg[30], PSg, PSg tiến lêêêêêên… PSg, PSg, PSg tiến lêêêêên…”, lời bình luận mà tôi không ngừng hát lầm rầm suốt quãng thời gian còn lại trong ngày.
Chính vì thế, Henri, để chứng minh trọn vẹn vai trò cha dượng mà tôi trao cho anh, sẽ tuôn ra những lời bình phẩm tục tĩu về thân hình của mọi cô nàng lọt vào tầm mắt anh (đi kèm là những ánh mắt tà dâm thích đáng, dĩ nhiên).
Tính cả ghen của tôi cao hơn lòng tự ái của anh (và cao hơn cả phẩm cách của tôi nữa), sau hai tiếng thao diễn ngắn ngủi, tôi chỉ còn duy nhất một ý nghĩ trong đầu: bắt anh ngừng lại.
Nhưng đòi hỏi chuyện đó thôi thì không đủ, như thế dễ dàng quá.
Để bù lại thiệt hại do người đàn ông này gây ra, người đàn ông bình thường vốn dè dặt và bặt thiệp, hôm nay bị khí hậu ép buộc phải ăn mặc kiệm vải (thậm chí cả thứ đi dưới chân cũng không che được nhiều), tôi tự thấy mình đang ra lệnh viện dẫn câu (hết sức mất thể diện) sau, giọng cất cao và rõ ràng: “Xin lỗi, thưa đấng cứu thế tôn kính, về vụ PSg…”
Ba lần liên tiếp.
11 GIỜ 50
Giữa hai lần quay, tôi cũng kiêm luôn vai trò máy phân phát tự động đủ thứ trên đời.
– … Déborah này, em đưa anh đồng hồ đeo tay của anh đang để trong túi em được không?
– … Mẹ ơi, mẹ có khăn giấy không?
– … Em yêu này, đưa cho anh cặp kính râm ngay bên cạnh em nhé?
– … Mẹ ơi, tờ Nhật báo Mickey của con đâu ạ?
Thậm chí trong mơ tôi cũng không thể hình dung nổi khoảnh khắc được thảnh thơi ngồi hoặc nằm trên bờ cát.
Henri vốn chưa bao GIỜ hà tiện một lời đùa ác ý cũng đã đặt cho tôi biệt danh “người phụ nữ dao đa dụng”. (Á à, tôi không chịu nổi nữa rồi, bụng dưới tôi đau quá. Phù.)
Người duy nhất không yêu cầu tôi điều gì là Diane. Nằm dài cạnh tôi, tai ốp cặp tai nghe lúc nào cũng kè kè bên mình, con bé tỉ mẩn đọc những mẩu tin mới nhất về cặp sinh đôi Mary-Kate và ashley Olsen trong tờ tạp chí dành cho tuổi mới lớn.
Sinh nhật tới đây tôi cũng nên nghĩ đến chuyện đòi quà là một cái máy nghe nhạc thôi.
12 GIỜ 15
Ôôôôi, tất cả mọi người đều đã có thứ họ muốn, rốt cuộc tôi có thể tập trung đọc tờ Marie-Claire cho đời thêm vui.
Ôi không.
Henri, rõ ràng thắc mắc khi thấy tôi không có hoạt động gì sôi nổi trong vuông cát đang ngồi, bèn ghé qua, vẩy đầy nước lên tờ tạp chí của tôi rồi hỏi:
– Nhưng tại sao đàn bà con gái lại có thể đọc được tất cả những thứ ngu ngốc này nhỉ?
Tôi bực bội ngước lên, hạ kính râm xuống rồi buột miệng:
– Anh nên nhớ rằng đàn bà con gái mang nặng đẻ đau lũ trẻ, nuôi dạy chúng lớn khôn, gánh vác cả công việc bên ngoài lẫn đảm đương việc nội trợ, dành thời gian cho đức ông chồng bé bỏng và chịu đựng gia đình bên chồng. Chuyện đó đòi hỏi một sự tổ chức hoàn hảo, một trách nhiệm phát huy mọi nơi mọi lúc và thần kinh thép. Vậy thì khi họ có thể tự cho phép bản thân thư giãn một lát thì lạ thay, họ luôn tránh đọc một báo cáo về những biến động kinh tế tại Đông nam Á. Đàn ông thì ngược lại, ngày nào cũng đọc báo để ra vẻ ta đây. Để “biết những gì đang diễn ra trên thế giới” như họ thường nói. Thế rồi sao? Tiếp theo thế nào? Điều đó thì có ảnh hưởng gì đến đời họ? Chẳng gì hết. Đàn ông là những đứa trẻ chơi trò đóng vai người lớn. Đàn bà ấy mà, họ không có thời gian mà chơi.
Henri không biết trả lời sao, và khá hiếm khi anh rơi vào tình cảnh này.
Ngại ngùng nhưng vẫn đúng mực, anh lại chạy ra nhảy nhót cùng bọn trẻ trong làn nước lạnh băng.
Tôi nhại một động tác chém tay từ trên xuống: “Mêêêệt”.
23 GIỜ 12
Nằm dài trên giường, chúng tôi vừa ngắm trần nhà vừa lắng nghe tiếng bụi rơi và tiếng lũ nhện yêu nhau.
Henri. – Em nói xem, chuyện đám cưới…
Tôi. – Đám cưới nào? Theo em biết thì em còn chưa nói “đồng ý” cơ mà!
Henri. – Chuyện bình thường ấy mà bà xã, tại anh vẫn chưa cầu hôn em đấy thôi.
Tôi. – Bình thường ấy mà, mũi bự, anh quá sợ nếu em từ chối.
Henri. – Ahahaha!
Tôi. – Được rồi, anh đang nói gì nhỉ?
Henri. – À, anh nói là Sacha chắc chắn sẽ đề nghị anh tổ chức một bữa chia tay đời trai…
Tôi. – Ahahaha, đừng có mơ. Cứ làm vậy đi, và đó không phải tiệc chia tay đời trai của anh đâu, mà là tiệc khởi đầu đời trai già của anh đấy.
Henri (mắt sáng rỡ). – Cậu ấy biết một hộp đêm… Tôi (hơi căng thẳng ). – Khoan đã, nhưng anh biết tiệc chia tay đời trai là gì chứ? Em báo cho anh biết nhé Henri. Nếu anh làm vậy, em sẽ gọi ngay cho Daphné và Roxane, rồi em cũng sẽ mở tiệc chia tay đời gái. Anh biết tiệc chia tay đời gái diễn ra thế nào không?
Henri. – Không… có gì thế? Nam vũ công thoát y sao?
Tôi. – Trờờời, nhưng không chỉ có vậy đâu thưa ngài! Đầu tiên, gã đó sẽ đặt cô gái ngồi lên một chiếc ghế. Sau đó, chỉ mặc trên người độc một chiếc quần lọt khe, gã sẽ cọ vào người cô ấy, cầm tay cô ấy đặt lên quần hắn, mơn trớn ngực cô ấy rồi mọi thứ. Em đã xem trên một chương trình truyền hình. Ngày hôm sau, cô gái bị gã vũ công thoát y kia sờ soạng sẽ xấu hổ đến chết. Nên nhớ rằng em sẵn sàng chết vì xấu hổ nếu cần.
Henri (vẫn vui vẻ hồn nhiên). – Nhưng chuyện nó là thế mà… Dù sao thì anh cũng không làm gì được đâu, quà của một người bạn cơ mà, làm sao từ chối được.
Tôi. – Cứ tiến hành đi, em biết sẽ tặng anh thứ gì rồi, anh yêu ạ, cho bữa tiệc nhỏ trước khi kết hôn của anh ấy mà.
Henri (mỉm cười). – Gì thế, một cô vũ nữ thoát y ư? Tôi. – Không. Một chất diệt dục.
Henri (hớn hở). – Nhưng nghe này, sẽ chỉ có một… hoặc hai… cô lần cuối cùng thôi, trước khi dâng hiến toàn bộ cho một cô duy nhất suốt phần đời còn lại. Này, vả lại để tỏ lòng tôn kính em, anh sẽ chọn những cô tóc nâu. Anh từ bỏ những cô tóc vàng. Đó không phải minh chứng tình yêu sao?
Tôi (áp người vào anh rồi khẽ khàng đặt tay lên ngực anh). – Anh biết em sẽ làm gì không? Em sẽ làm thế nào để anh không bao GIỜ ham muốn một phụ nữ nào khác ngoài em. Thậm chí cả trong tiệc chia tay đời trai kia.
Henri (nhắm mắt vẻ thích thú). – Ừm… em sẽ làm gì?
Tôi (đứng bật dậy). – Em sẽ vặn cậu bé của anh cho tới khi nó gãy làm đôi!
Henri. – Thế hả? Không phải chính xác thứ anh đang nghĩ trong đầu…
Tôi (năn nỉ). – Nhưng thôi nào!! Mà chuyện này khiến em nhớ một tập trong phim Những người bạn, với Monica tặng cho Chandler một cô vũ nữ thoát y để chia tay đời trai, nhưng cô nàng đã nhầm và thực tế cô gái ấy là một gái bán hoa.
Henri. – Tuyệt! Em tính tặng anh món quà đó chứ gì?
Tôi. – Anh yêu à… đúng là anh vẫn còn phải học nhiều thứ lắm… Nhưng cứ để đích thân em dạy cho anh biết…
Henri. – Ahahaha! Mũi bự, tiến công thôi! (Tiếng hôn.)
1 GIỜ 57
Tôi ghét mỗi khi Henri nói với tôi về một kế hoạch nào đó chỉ để dọa tôi phát sợ, rồi sau đó anh lại hào hiệp từ chối kể cho tôi để đợi đến lúc nhìn thấy tôi rối rít biết ơn anh.
Trong khi trên thực tế, anh chưa bao giờ có ý định thực hiện kế hoạch này.
2 GIỜ 01
Tại sao tôi luôn mắc bẫy?
THỨ TƯ NGÀY 20 THÁNG BẢY – 9 GIỜ Trong nhà có một con chuột!!
Chính Henri đã nghe thấy tiếng chuột dưới mái nhà trong đêm. Lũ nhóc vui sướng phát điên vì đang nhớ lũ chuột nhắt chúng nuôi trong lồng tại nhà bố chúng. Riêng tôi đang tự hỏi liệu mình có chịu đựng được lâu cái chương trình Fear Factor phiên bản máy quay giấu kín này không. Vong hồn Marcel Béliveau[31] đang lảng vảng quanh đây, tôi biết điều đó, tôi cảm thấy điều đó. Không thể khác được. Hoặc giả chúng tôi vừa bước vào một thế giới song hành đầy những thứ đáng tởm. Có thể chấp nhận, tuy nhiên, chiếu theo phối cảnh.
10 GIỜ
Cuộc chiến đấu chống lại lũ nhện vẫn tiếp tục. Chúng tôi đã có phần quen với việc đó, và nếu chúng tôi không ngủ luôn dưới chăn, chúng tôi chấp nhận kê đầu với mái tóc đã buộc lên gối tựa. (Trên giường chỉ có một cái gối duy nhất. Xin chào chứng vẹo cổ.)
Đôi khi trong nhà vang lên những tiếng thét: “Eeeeo! Đằng nààày, có một cooon! Nó to quá con không giết được!” (Héloïse.) “Henriiiiiii! Tới đây anh yêu, làm ơn nhanh lêêêêên!” (Tôi, thậm chí còn chưa nhìn thấy con nhện đâu.)
Henri được thăng chức kẻ hủy diệt chính thức bè lũ tám chân. Dẫu sao anh cũng không được lựa chọn, không ai khác chịu hy sinh. Hoặc là thế hoặc là chịu đựng những tiếng kêu eo éo vì khiếp sợ của chúng tôi trong khi anh đang nói chuyện điện thoại, lịch sự cảm ơn Miguel đã cho chúng tôi mượn căn nhà.
10 GIỜ 15
Bên cạnh việc chứa chấp hàng triệu sinh vật sống (mà phần lớn là côn trùng ), căn nhà chúng tôi đang ở còn có một tầng gác. Điều này có nghĩa rằng nếu muốn xuống phòng tắm để tắm, và nếu ta mà quên, tôi không biết nữa, chẳng hạn như dầu xả, thì ta phải lên phòng tìm, rồi lại xuống lần nữa. Khi nhận ra đã quên lấy quần lót sạch, ta phải leo lên rồi lại leo xuống. Tất cả những thứ đó, hơn chục lần mỗi ngày.
Kết quả: tôi có cặp đùi bằng bê tông cốt thép, tôi chịu đựng những cơn chuột rút và những hình thức đau khác nhau (kiệt sức, dĩ nhiên), chưa kể tôi hẳn phải tiêu hao ít nhất là một nghìn tám trăm ca lo ri mỗi lần leo lên-leo xuống.
Tôi phải nghĩ đến việc cho lắp một cầu thang trong căn nhà sắp tới của mình mới được.
14 GIỜ
Hôm nay chúng tôi sẽ đi thăm một lâu đài.
Chúng tôi muốn ra biển, nhưng gói dịch vụ thời tiết xấu + sóng lạnh đã giam chân chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn tham quan một trang trại tài tình dành cho trẻ em, nhưng giữa chừng một trăm tờ quảng cáo, sách hướng dẫn du lịch và tờ rơi các loại, không thể tìm ra địa chỉ của trang trại nói trên.
Vậy nên chúng tôi sẽ đi khám phá lâu đài đẹp nhất vùng. Nhưng trước đó, Henri đề nghị dạo một vòng quanh những khu vườn thời Trung Cổ bao quanh lâu đài.
Tuyệt, một cuộc dạo chơi!
15 GIỜ 30
Cuộc dạo chơi nhanh chóng biến thành cuộc thám hiểm, bởi không phải vô cớ mà khu vườn có từ thời Trung Cổ: bên trong đó là một khu rừng rậm chính hiệu. Vô cùng rậm rạp.
Lũ nhóc vui sướng phát cuồng, chúng theo chân Henri tiến từng bước dài, trong khi Diane và tôi cẩn trọng tiến bước để không làm lấm bùn lên những đôi giày thể thao màu trắng.
Đúng thế, bởi vì trời đang mưa. Lại nữa.
Tôi cá rằng những cặp kính râm hiếm hoi đang được lưu hành trong vùng hẳn phải thuộc về cánh người mù.
Đến đâu chúng tôi cũng gặp những thác nước và những dòng suối nhỏ xinh xắn, chúng tôi buộc phải nhảy qua và cố không để trượt chân. Đám nhóc nhà tôi tự coi mình là những Indiana Jones tí hon, trong khi tôi càu nhàu trước tất cả những cầu thang này, được dựng lên bằng vài mảnh gỗ, và chúng tôi phải leo qua để tới lâu đài (phía trên cao kia, cách ba cây số).
16 GIỜ
À đấy! Lại thêm những cầu thang bằng gỗ! Bỡ ngỡ quá đi!
Tôi mệt đến nỗi có cảm giác chân cẳng như nhũn ra. Diane nhảy dựng lên trước mỗi cử động của lũ côn trùng mà chúng tôi gặp phải, mà chúng thì đông như kiến cỏ.
Không nói quá chứ phong cảnh giống amazon kinh khủng. Phải công nhận rằng hệ thực vật nơi đây hết sức đa dạng, và nhất là đẹp đến khó tin. Được rồi, đúng là ở Paris, nếu muốn gần gũi thiên nhiên, người ta được chọn giữa đám cây tiêu huyền hoặc những cây mỏ hạc mọc bám trên gờ cửa sổ. Sau đó, ngay đến một cọng cà rốt đối với chúng tôi cũng có vẻ ngoại lai. Nếu ta chỉ có thể tìm thấy những cây trồng không có côn trùng, chuyện đó thật tuyệt: biết bao lần chúng tôi phải ngậm miệng khi gặp một đàn mòng, thầm cầu trời để không con nào trong số đó dính lại trên môi…
16 GIỜ 30
Tôi có cảm giác ngây ngất như đang ở trong phim Koh-Lanta. Bởi lẽ chúng tôi lạc nhiều lần trước khi tìm ra đúng đường.
Margot mừng rỡ khi hình dung sẽ được trải nghiệm những cuộc phiêu lưu hồi hộp trong rừng:
– Này, có vẻ nhà mình sẽ ngủ lại đây, rồi sẽ làm giường từ những cành cây, có vẻ nhà mình sẽ trông thấy lũ gấu, rồi…
Héloïse đang chạy lon ton trước chúng tôi một quãng hớn hở reo:
– Ôi trời, kém quá! Mẹ và chị Diane quá là kém! Đi nào, băng đảng bất tài tiến lên nào!
16 GIỜ 45
Diane thỉnh thoảng lại dừng bước, đứng yên kinh hãi trước một con sâu màu cứt ngỗng hoặc một con sâu đầy lông đang vặn mình. Tôi xoa dịu cơn kinh hãi của con bé:
– Thôi nào, đừng làm bộ mặt đó, trong Koh-Lanta họ còn buộc phải ăn chúng kia.
Chúng tôi cười ồ lên và chê những ứng viên của chương trình là lũ bất tài, bởi họ tới tận đầu kia thế giới để ăn sên trong khi ngay tại Bretagne đã có những loại rất tuyệt thế này.
16 GIỜ 50
Tôi hơi châm biếm mặt lười biếng của mình để Diane không cảm thấy đơn độc, và chia sẻ với con bé cảm giác nổi loạn điển hình của tuổi mới lớn: “Bố cháu khiến cháu phiền chết được, mọi thứ ta đang làm đều khiến cháu phát chán, cháu cảm thấy dễ chịu hơn nhiều nếu được về phòng riêng nghe Kyo.”
Nhưng kế hoạch kết thân mẹ kế/con chồng của tôi tiến triển hết sức chậm chạp.
Đến chân lâu đài, Diane giận bố vì đã đi quá nhanh và không quan tâm đến con bé. Henri năn nỉ con bé đi nốt quãng đường cùng mình, anh hẳn đang mơ hai bố con sẽ cùng nhau tiến bước nhưng con bé từ chối. Là kẻ mãi mãi không được thấu hiểu luôn thèm muốn điều mình không có, và không còn giận nữa khi người ta năn nỉ nó chấp nhận.
Tôi biết Heloïse và Margot chẳng bao lâu nữa sẽ tới giai đoạn đó, và chưa gì tôi đã thấy run rồi. Nhất là vì tôi còn nhớ cái thời kỳ bản thân cũng đã trải qua khi trạc tuổi Diane. Tâm trạng thất thường, luôn cau có, và nhất là… mọi thứ đều lọt vào tầm mắt! Một tầm mắt hẳn là rất ủ rũ, tuyệt vọng, hiếu chiến và thường xuyên hướng về phía bố tôi, người tôi vừa kiếm tìm tình cảm lại vừa có vẻ ruồng rẫy tình cảm đó.
16 GIỜ 57
Chuyện này nhắc tôi nhớ tới một chương trình đã xem cách đây vài tháng, trong đó, một phụ nữ tốt khẳng định không hề đỏ mặt là có thể yêu thương hết lòng người đàn ông của mình, đã ly dị, chứ không bao giờ yêu thương con cái anh ta. Chị ta nói rằng mình không buộc phải chịu đựng chúng bởi chị đã không chọn chúng, chúng luôn là những người xa lạ. Những lời lẽ đó khiến tôi bị sốc. Phải chăng người ta có thể tìm thấy một người đàn ông có hình thể tuyệt đẹp, ngoại trừ nốt ruồi trên cằm khiến ta nhăn mặt và đôi cẳng chân không hề có lông khiến máu chúng ta đông lại, nhưng phần còn lại, đó là người đàn ông đẹp nhất thế gian? (Cũng ngoại trừ luôn những ngón tay quá chuối mắn và đôi mắt xấu điên của anh ta màu hạt dẻ chứ không phải xanh lơ.) Ý tôi là, theo tôi được biết lũ trẻ không phải phụ kiện tháo lắp được của một ngài ngốc.
Tại sao trong trường hợp này không lựa chọn những cuộc hẹn chóng vánh từ năm đến bảy giờ theo truyền thống cho phép chị ta tận dụng xác thịt anh ta mà không buộc phải nhận về mình những thứ xấu xí kia? Thay vì kiên nhẫn làm việc để giành được cảm tình từ những người ruột thịt của tình yêu lớn trong đời mình, chị ta lại muốn đóng sập cánh cửa tim mình trước mũi họ. Không ai yêu cầu chị ta nhận nuôi lũ trẻ đó kia mà, chỉ là cư xử với chúng với nhận thức đầy đủ về hoàn cảnh của chúng: những đứa trẻ đang phải chịu cảnh xa cách bố, và chịu đựng sự gần gũi này với một phụ nữ xa lạ đáng ngờ trong một môi trường thù nghịch (bởi lẽ mẹ chúng hẳn đã tiêm nhiễm cho chúng điều ấy).
Liệu có khó đến thế không nếu tự đặt mình vào vị trí của chúng?
Nếu người phụ nữ này có khả năng tỏ ra nhã nhặn một cách hèn hạ với đồng nghiệp ở văn phòng mà trong lòng thực sự không thể thương nổi họ, tôi chắc chắn rằng nếu cố gắng một chút, chị ta cũng có thể làm vậy với những đứa trẻ đáng lẽ là con của chị ta.
17 GIỜ 15
A ha, rốt cuộc chúng tôi đã đến được lâu đài! Chúng tôi vừa tiến vài bước vào bên trong thì đã phải men theo những cầu thang bằng đá thời Trung Cổ dẫn lên theo hình xoáy trôn ốc chật hẹp để tiếp tục chuyến tham quan.
Tài tình thật đấy, những cầu thang này! Không, nhưng tôi sẽ nhớ chúng lắm cho mà xem.
17 GIỜ 25
Để leo từ tầng này lên tầng khác phải đổ mồ hôi trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Cuộc leo đỉnh Machu Picchu[32] nếu đặt cạnh điều tôi đang phải chịu đựng sẽ chỉ còn là leo vài bậc cầu thang trong Liên hoan phim Cannes.
Hơi thở của tôi phả ra một luồng khí loãng giống như dung nham nóng chảy trong khi tôi vừa leo hàng triệu bậc thang vừa nghẹt thở vì kiệt sức. Hồi còn học trung học, giáo viên thể dục của tôi thường hét: “Hãy tìm hơi thứ hai của em! Hãy tìm hơi thứ hai của em!” Cần phải làm nhanh, bởi tôi đã đánh mất hoàn toàn hơi đầu tiên.
Tôi chợt nhận ra rằng tôi là người duy nhất than vãn (chính xác hơn là “người ta” giúp tôi nhận ra điều đó). Tôi có thật sự lười biếng như ban nãy đã thử tự châm biếm trong khi than thở với Diane không?
Tôi phải quan tâm đến vấn đề này mới được. Một ngày nào đó.
17 GIỜ 30
Chúng tôi hào hứng thăm thú từng tầng một. Henri cố tình để tôi lạc một hai lần bằng cách thì thầm với lũ nhóc: “Này, tới đây, chúng ta sẽ bỏ mẹ lại!”, nhưng mẹo đó không hiệu quả, bởi tôi chạy khắp nơi cho tới khi tìm ra cả bọn.
17 GIỜ 40
Tầng này được bố trí thành phòng triển lãm tranh nơi như thường lệ, bức tệ nhất đặt cạnh bức đẹp nhất. Một vài bức tranh đẹp đến sửng sốt. Chúng tôi dừng chân ngắm chúng thật lâu và cảm thụ.
Những bức tranh khác thật xấu xí và quá hão huyền. Thường thì đó là nghệ thuật hiện đại. “Hiện đại” rõ ràng là từ dễ thương để nói “nực cười” mà không khiến những khách mua tiềm năng khiếp sợ.
17 GIỜ 55
Tầng thứ ba, ngạc nhiên thay, chúng tôi lọt vào một căn phòng toát lên vẻ thanh bình.
Trong một căn phòng nhỏ tường làm từ đá đẽo, trần cao, chúng tôi phát hiện một dạng thư viện các loại sách viết về vùng để các khách tham quan tùy nghi sử dụng.
Những chiếc gối dựa với màu sắc rực rỡ được đặt ngay dưới sàn, rải rác thêm những băng ghế và ghế bành mời chúng tôi nghỉ chân. Vài người đang ngồi, số khác đang đọc sách, một vài người nữa đang trò chuyện. Chúng tôi ngồi xệp xuống, hài lòng (và những đôi chân đau nhức, đấy là với riêng tôi, nếu chuyện này khiến ai đó quan tâm).
Ngay trước mặt chúng tôi là một chiếc bàn thấp bằng gỗ màu nâu phủ một lớp gỉ đồng, bên trên bày một bàn cờ lộng lẫy. Thật khó tin. Tôi không thể hình dung một nơi tương tự ở Paris, tất nhiên sẽ có những quân cờ bị đánh cắp, những chiếc gối tựa bẩn thỉu và cũ nát, những cuốn sách với những trang nhàu nát. Nơi đây, thậm chí không cần đến camera giám sát, đơn giản là lòng tin ngự trị.
Henri đặt ra cho tôi một câu hỏi vô lý. Anh hỏi liệu tôi có biết chơi cờ không.
– A haaa! Tôi đáp, em không chỉ biết chơi cờ mà anh còn phải dè chừng em nữa kia!
Mắt anh long lanh khi đáp lời:
– Bà xã ơi, em chuẩn bị cầm chắc phần thua đi. Anh sẽ đè bẹp em, đánh cho em thua tan tác…
– Thật thế sao? Còn em thì tệ hơn nữa kia, em sẽ… Đang ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành, Henri liền giơ tay lên cắt ngang đà hủy diệt của tôi.
– Khoan đã, trước tiên anh muốn đặt cược đã.
Chúng ta cược gì nhỉ? Cược sự im lặng của em trên suốt quãng đường về nhé?
– Khồng, quá dễ, ta sẽ đẩy mức cược lên cao hơn. Thỏa thuận là nếu em thắng… không, xin lỗi, khi em thắng, em muốn rằng…
Chúng tôi bàn, chúng tôi cứ bàn, và trong thời gian đó, một cậu bé đã ngồi vào trước bàn cờ và rủ Héloïse chơi một ván, con bé vui vẻ nhận lời.
Thế là xong! Henri đã thoát nạn.
18 GIỜ 15
Nghiêng người nhìn qua vai con bé, chúng tôi say sưa theo dõi ván cờ giữa Héloïse và cậu nhóc. Thằng nhóc chơi siêu quá! Tôi hài lòng nhận ra rằng Héloïse phòng thủ không hề tệ, ngay cả khi con bé càng lúc càng để mất nhiều quân cờ. Tôi muốn cổ vũ con bé nhưng lại sợ bố mẹ cậu nhóc hiểu sai. Ôi, thôi kệ đi.
Tôi rỉ tai con bé:
– Cố lên con yêu, con chơi tuyệt lắm.
Có điều, tôi thấy tiếp tục với câu “nào, cho thằng nhóc lùn tì ấy biết thế nào là thất bại thê thảm đi, hãy xứng đáng là con gái mẹ!” thì hơi lạc điệu. Bởi lẽ mẹ cậu nhóc cũng đang theo dõi ván cờ và mỉm cười hiền từ.
Khi Héloïse bắt đầu mất hơi quá nhiều quân để chuyện đó có thể đơn giản là tình cờ, bà mẹ bắt gặp vẻ mặt tôi bèn quay sang rỉ tai tôi:
– Chị đừng lo, con trai tôi vô địch cờ quốc gia lứa tuổi nhi đồng đấy…
Tôi thở dài tới mức bụng thót lại vừa size 38. Tôi tranh thủ truyền đạt lại cho Henri:
– Anh nhìn cậu nhóc chơi thế nào mà học hỏi đi, chàng lùn, việc này sẽ có ích cho anh nếu một ngày nào đó anh muốn đối đầu với em.
Không bao GIỜ bỏ lỡ dịp gây bất ổn tâm lý đối thủ khi ta có ít cơ hội đánh bại anh ta.
20 GIỜ
Diane và Henri đã hòa thuận ra ngoài tìm cửa hàng McDo. Vậy là tôi có dịp trải qua chút ít thời gian riêng với hai nhóc nhà mình.
Đáng ra chúng tôi phải ngồi trên tràng kỷ phòng khách để chuyện phiếm nhưng chẳng lấy đâu ra tràng kỷ. qua phòng bếp, chúng tôi hẳn có thể ngồi vào bàn trước một ly lớn thứ gì đó bất kỳ, nhưng trong bếp chẳng lấy đâu ra bàn hay ly cốc. Hễ rời khỏi Paris, đó luôn là dịp hoặc chẳng bao GIỜ được là dịp hít thở không khí trong lành ngoài vườn, trừ có điều hình như mảnh vườn này chưa được khai khẩn kể từ thập niên 50. Còn nếu muốn ra ngoài dạo một vòng, với tốc độ nguội của đồ ăn McDo, chúng tôi nhiều nguy cơ sẽ lỡ mất thời điểm hai bố con nhà Boublil quay về. Vậy nên tôi đành dọn cho mình một chỗ giữa những cuốn Tạp chí Picsou, những cuốn Totally Spies và Thỏ Jojo, đống bút dạ, bút chì màu, chó bông và gấu bông của hai công chúa nhà mình đang vương vãi khắp giường.
20 GIỜ 10
Tôi. – Nào các cô gái, kể cho mẹ nghe đi.
Héloïse đang viết tên mình lên tấm thẻ mật vụ quà tặng kèm cuốn Nhật báo Mickey.
– Chuyện gì hả mẹ?
Tôi. – Sao nhỉ, mẹ không biết nữa. Kể cho mẹ nghe cuộc sống của hai đứa đi. Mọi việc ở trường ổn chứ?
Margot. – Mẹ ơơơi! GIỜ đang là kỳ nghỉ mà, làm gì còn trường học nữa!
Tôi. – Phải, mẹ thừa biết ấy chứ, nhưng… các con có nhớ bạn bè không?
Margot. – Ý mẹ là Juju, Philou, agla, Lu, Trạm kiểm soát và Églan ạ?
Tôi. – Ơ… Những ai vậy?
Margot. – Mẹ ơi! Mẹ biết quá đi chứ! (Mới sáu tuổi đầu mà con bé đã nói chuyện với tôi như thể đã mười sáu.) Các bạn con Juliette, Philippe, Aglaé, Lucas, Basile và Églantine!
Tôi rất thích khi Margot nói tắt những từ con bé sử dụng.
Qua miệng con bé, món mì spaghetti bolognais (món con bé ưa thích) trở thành spaguett’bolo, khăn mùi soa thành mui sờ, và cặp xách được đặt lại tên là cặp xờ. Đôi khi, con bé đạt tới ngưỡng tạo ra một thứ ngôn ngữ mới khi bảo tôi: “Mẹ à, con mặc pyj để đi ngờ, mẹ làmơ vặn nhỏ ti nhé.”
Tôi. – Thế còn con, Héloïse bé bỏng?
Héloïse đang vẽ chân dung mình vào vị trí ảnh trên thẻ mật vụ.
– Con ấy ạ? Không có gì cả… À mà có đấy ạ! Bạn con, mẹ biết không, Helena ấy mà? Vincent tỏ tình với Helena đấy.
Ôi trời. Thôi xong, đã bắt đầu xuất hiện những phi vụ tình cảm rồi sao? Không phải ở tuổi lên chín đấy chứ? Trong lúc miệng bọn chúng vẫn còn đầy răng sữa? Tôi cảm thấy sẽ phải theo dõi Héloïse thật sát sao. Trong lúc chờ con bé đủ chín chắn cho việc này. Ít nhất là cho đến năm con bé… ba lăm hoặc ba sáu tuổi.
Tôi. – Rồi… e hèm… hai bạn ấy hôn nhau hay chỉ mới nắm tay thôi?
Héloïse (bĩu môi vẻ ghê tởm). – Không hề! Mẹ biết
Helena đã làm gì khi Vincent tỏ tình với bạn ấy không?
Tôi. – Không, làm gì kia?
Héloïse. – Bạn ấy chộp lấy Vincent, ép vào tường rồi tung chân đá liên hồi!
Tôi (ngạc nhiên). – Nhưng tại sao Helena lại làm vậy?
Héloïse ngước mắt nhìn lên trần như thể chỉ số IQ của tôi chỉ ngang bằng con chó bông của con bé.
– Mẹ động não đi, làm vậy là để ép Vincent!
Tôi (cười lăn). – Nhưng… Nhưng ép một cậu trai đâu phải là ép cậu ta vào tường! Ahahaha… (Thấy vẻ tức khí của con bé, tôi liền bình tĩnh lại tức khắc.) Hừm. Nói mẹ nghe nào, con yêu, còn con thì bọn con trai…
Héloïse. – Con ấy hả, con thích những đứa con trai có tóc tạo thành một chỏm trên gáy.
Tôi. – Con có thích bạn trai nào học cùng trường không?
Héloïse. – Có ạ, có vẻ như bạn ấy rất thích con. Bạn ấy thường gây chú ý mỗi khi con đi ngang qua! (Con bé cười bò.) Vả lại, trước khi đi nghỉ, con đã tới gặp bạn ấy trong GIỜ ra chơi và bảo: “Thôi nààào, được rồi, bỏ qua đi, tớ hiểu là cậu phải lòng tớ rồi mà.”
Tôi (cố nén để khỏi phì cười). – Rồi sao?
Héloïse. – Thế là bọn con làm quen. Bọn con ngồi trên một băng ghế và kể cho nhau về cuộc sống riêng.
Tôi (tò mò). – Hai đứa nói với nhau những gì? Héloïse. – Bạn ấy kể với con rằng ở nhà chán chết đi được, mẹ bạn ấy lúc nào cũng nấu món cơm và thịt bò băm, còn con bảo với bạn ấy là ở nhà mình vẫn ổn, chúng ta ăn cả khoai tây chiên và mì nữa.
20 GIỜ 22
Tôi (vẻ thản nhiên). – Này, các cô gái… các con nghĩ sao nếu mẹ kết hôn với chú Henri?
Hai cô con gái nhỏ đang hết sức bận rộn của tôi lập tức ngẩng đầu lên, nụ cười vui sướng rạng ngời trên gương mặt chúng. Héloïse giơ ngón tay út áp vào tai vờ như đang nghe ngóng rồi thông báo:
– Ngón út của con vừa bảo rằng nó cực kỳ hài lòng! Tôi hoan hỉ quay sang nhìn Margot. Con bé giơ ngón tay cái áp vào tai, ngón trỏ, ngón giữa, như thể mỗi ngón trên bàn tay đều đang trả lời con bé, mỗi lần như vậy lại “Được! Được!”. (Thế nên cả thảy có mười lần.)