Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua

Chương 06

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Tôi hứa với Tiểu Li tôi sẽ cho nó thêm vài viên bi nữa để bỏ vô ly nước. Nhưng đó là trong trường hợp tôi đánh ăn kia. Còn khi tôi chơi thua, tôi có quyền không giữ lời hứa. Thậm chí tôi còn có thể… đòi lại những viên bi tôi đã cho nó trước đây. 
Tôi nhủ bụng như vậy và chạy qua nhà Tiểu Li. 
Thấy tôi qua, Tiểu Li mừng lắm. Nó hỏi: 
– Anh đem bi cho em hả? 
Tôi nói thẳng thừng: 
– Không. Tao qua đòi lại mấy viên bi bữa trước. 
Tiểu Li chưng hửng. Nó thụt lui một bước: 
– Sao kỳ vậy? 
Tôi nhún vai: 
– Có gì đâu mà kỳ! Tao chơi thua hết rồi, mày trả mấy viên bi kia lại cho tao chơi tiếp. 
Tiểu Li nhăn nhó: 
– Em không trả đâu! Trả cho anh, anh chơi thua nữa thì sao? 
Tôi gắt: 
– Thua sao được mà thua! Trả đây! 
Tiểu Li không đáp. Nó chạy lại bàn ôm cứng cái ly. 
Thấy nó ngoan cố, tôi sầm mặt bước lại và giằng cái ly ra khỏi tay nó. Tiểu Li tru tréo: 
– Trả cho em! Trả cái ly cho em! 
Mặc cho nó la, tôi thản nhiên dốc ngược cái ly đổ nước ra và tóm mấy viên bi bỏ vào túi quần. Tiểu Li theo dõi hành động côn đồ của tôi bằng ánh mắt bất lực và tuyệt vọng. Nó ngồi bệt xuống đất khóc thút thít. 
“Ăn cướp” mấy viên bi xong, tôi đặt cái ly lên bàn, nói: 
– Đừng khóc nữa! Ngày mai tao trả lại cho mày gấp đôi chỗ bi này! 
Tiểu Li không màng đến những lời hứa hẹn của tôi. Nó cứ đòi nằng nặc: 
– Em không biết đâu! Anh trả mấy viên bi lại cho em! 
– Mai tao trả! 
Tôi buông thõng một câu và lạnh lùng bỏ đi, không thèm liếc nó một cái. 
Đi được mấy bước, tôi nghe tiếng Tiểu Li vang lên sau lưng: 
– Anh không trả mấy viên bi cho em, em nghỉ chơi anh ra luôn! 
– Cho mày nghỉ! 
Nói xong, tôi chạy tuốt. 
Thực ra, tôi định mượn đỡ mấy viên bi của Tiểu Li một bữa thôi. Đánh ăn, tôi sẽ trả lại cho nó, thậm chí tôi còn cho thêm. 
Định bụng như vậy nhưng nào có được. Cầm mấy viên bi ra chơi một lát, tôi thua sạch sành sanh, đành đi tay không về nhà, mặt mày buồn xo. Nhớ đến cảnh tiểu Li ngồi khóc, tôi càng áy náy tợn. Tôi nhủ bụng sáng mai gặp Tiểu Li tôi sẽ tìm cách làm hòa với nó. 
Nhưng sáng hôm sau, tôi đợi hoài vẫn không thấy Tiểu Li qua rủ tôi đi học như thường lệ. Chắc nó nghỉ chơi với mình luôn rồi! Tôi buồn bã nghĩ thầm và lủi thủi ôm cặp đến trường. 
Tiểu Li đang chơi nhảy dây trước cửa lớp. Thấy tôi, nó quay mặt ngó lơ chỗ khác. Thái độ lạnh nhạt của nó khiến tôi giận muốn ứa gan. Ý nghĩ làm lành với nó bỗng dưng bay biến đâu mất. 
Khi vô học, tôi không thèm chấm chung lọ mực với Tiểu Li mà quay xuống bàn sau chấm chung với thằng Lợi sứt. 
Lợi sứt hỏi tôi: 
– Lọ mực mày đâu? 
– Tao làm mất rồi. 
– Sao mày không mua lọ khác? 
– Tao chưa xin mẹ tao. 
Lợi sứt lấy ngón tay cái bịt lọ mực lại. Nó ra điều kiện: 
– Mày muốn chấm chung với tao, mày phải góp vào hai viên mực. 
Tôi sờ túi: 
– Tao đâu có mực sẵn ở đây! 
– Thì ngày mai mày đem tới. 
Tôi gật đầu: 
– Ừ, ngày mai tao đem. 
Nghe tôi hứa, Lợi sứt nhe răng cười và bỏ ngón tay ra. Từ lúc đó, tôi “liên minh” với Lợi sứt, cho Tiểu Li ra rìa. Suốt cả buổi học, tôi và Tiểu Li không hề nói chuyện với nhau. Thậm chí tôi không thèm nhìn nó. 
Có lần, đang mải mê chép bài, cùi tay Tiểu Li vô tình chạm phải tay tôi. Tôi “hứ” một tiếng và vội vã rụt tay lại, y như chạm phải lửa. Tiểu Li không phản ứng gì, chỉ lặng lẽ chép bài. Tôi rất muốn nhìn nó một cái để xem vẻ mặt nó như thế nào nhưng tôi kềm lại được. 
Khi ra về, thấy Tiểu Li đi thơ thẩn một mình, lòng tôi bỗng nao nao. Nhưng tôi nhất định không chịu làm lành, ai bảo nó đòi nghỉ chơi với tôi chi! 
Tôi chạy qua mặt Tiểu Li, vừa chạy vừa hát “là lá la” ra cái điều được nghỉ chơi với nó tôi rất vui. Tôi vượt lên trước đi chung với Lợi sứt. 
Thấy tôi trờ tới, Lợi sứt nhắc ngay: 
– Ngày mai mày nhớ nghen? 
– Nhớ gì? 
– Hai viên mực. 
– Ừ. 
Tôi ngán ngẩm thở một hơi dài. Lợi sứt là thằng “trùm sò” nổi tiếng trong lớp tôi. Lúc nào nó cũng nghĩ đến chuyện “thu vén cá thân”. Đứa nào nhờ chuyện gì nó cũng làm nhưng phải trả công nó đàng hoàng. Nó ra giá nghiêm chỉnh. Chép bài giùm là hai viên bi. Giữ dép trong giờ chơi thì một viên. Chả là lúc ra chơi, tụi tôi thường khoái chạy nhảy chân đất, đi dép nó lướng vướng rất khó chịu nên không đứa nào mang. Nhưng để dép trong lớp lại thường bị mất nên tụi tôi phải nhờ Lợi sứt giữ. Lợi sứt “làm giàu” bằng cách đó. Cứ sau mỗi giờ chơi bao giờ túi nó cũng rủng rỉnh những bi là bi. Nhưng dù vậy, Lợi sứt vẫn không “phất” lên được. Bởi vì, hỨ cứ tích góp được kha khá, nó lại đem ra chơi và bị tụi tôi ăn lại hết. Thế là nó quay lại hành nghề giữ dép. 
Lợi sứt là cái thằng như vậy nên tôi chẳng mê nó chút nào. Vì giận Tiểu Li tôi phải chơi với nó chứ thú thật đi chung với nó chán ơi là chán. 
Trưa đó, tôi ăn cơm một cách uể oải. 
Mẹ tôi hỏi: 
– Con làm sao vậy? – lớp bị cô giáo phạt hả? 
Tôi lắc đầu: 
– Dạ, không có. 
– Chứ sao có một chén cơm mà con nhơi cả buổi vậy? 
Tôi trả lời bằng cách cắm cúi ăn lẹ. Tôi đâu có thể nói cho mẹ tôi biết nỗi buồn của tôi được. Mẹ tôi cười chết. 
Ăn cơm trưa xong, tôi ra đứng thơ thẩn trước hiên, chốc chốc lại liếc qua nhà Tiểu Li một cái. Đứng một hồi, không thấy nó đâu, tôi buồn bã quay vào. 
Một lát, tôi lại chạy ra. 
Lần này, tôi thấy Tiểu Li ngồi trước hiên. Nó đang chơi ô quan một mình. 
Bỗng nó quay đầu nhìn sang tôi. Vì bất ngờ, tôi không kịp quay mặt đi chỗ khác, đành trơ mắt ra, mặt đỏ bừng. Thấy tôi đứng dựa cột dòm sang, nó giật mình cúi gằm mặt xuống. 
Đang nhìn trộm bị Tiểu Li bắt gặp, tôi thấy quê quê, tính bỏ vô nhà. Nhưng chân tôi lại không chịu tuân theo ý nghĩ của tôi, nó nhúc nhích mấy cái rồi đứng yên tại chỗ. 
Lát sau, Tiểu Li lại dòm qua. Lần này nó không quay mặt đi mà lại nhe răng cười. Tự dưng tôi thấy hàm răng sún của nó có duyên quá chừng. Tôi liền cười theo. 
Tiểu Li mừng lắm. Nó hỏi, mặt tươi tỉnh: 
– Anh biết chơi ô quan không? 
Tôi gật đầu: 
– Biết. 
Nó ngoắc: 
– Qua đây chơi với em! 
Không đợi nó “mời” đến lần thứ hai, tôi chạy vụt qua, lòng sung sướng vô kể. Sung sướng nhất là Tiểu Li chủ động làm hòa trước. Chứ tôi thì tôi… cóc thèm! 
Tôi vừa ngồi xuống, Tiểu Li đã hỏi: 
– Anh chơi bi thua hết rồi hả? 
Tôi giật mình, lúng túng: 
– Ừ, thua hết rồi! 
Vừa đáp tôi vừa thấp thỏm nhìn Tiểu Li. Tưởng nó kêu tôi qua chơi, ai dè nó kêu qua để đòi nợ! Biết vậy tôi ở lì bên nhà đứng ôm cây cột chơi vui hơn! 
Thấy tôi lộ vẻ hoảng hốt, Tiểu Li trấn an: 
– Thua hết thì thôi! Em không nghỉ chơi với anh nữa đâu! 
Tôi thở phào: 
– Vậy mà tao cứ tưởng… 
Tiểu Li chớp mắt: 
– Nghỉ chơi với anh, em buồn lắm! 
Tôi chép miệng: 
– Tao cũng vậy! Nghỉ chơi với mày, tao thấy nhớ nhớ thế nào! 
Nói xong, tự nhiên tôi bỗng đâm ngượng, bèn thò tay hốt nắm sỏi dưới đất, hắng giọng nói: 
– Tao chơi trước nghen? 
Không đợi Tiểu Li lên tiếng, tôi bắt đầu rải sỏi vào từng ô và lạ thay, từ giây phút đó tôi cảm thấy lòng mình vô cùng nhẹ nhõm hệt như tôi với Tiểu Li chưa hề giận nhau bao giờ. 
– o O o – 
Đúng như tôi nghĩ, sáng hôm sau vừa gặp tôi, Hải gầy đã nhăn nhở ca vọng cổ liền: 
– Thư ơi… mày nhất định cấm không cho tao xuất đầu lộ diện… ơ… nhưng Hồng Hoa và Chiêu Minh nó cứ hiên ngang xuất diện lộ… ớ… ơ… đầu… tằng tằng tằng tăng tăng… 
Đang buồn bã ê chề, tôi mặc cho nó ca, không thèm gây sự. 
Thấy tôi phớt lờ, Hải gầy ngưng ngay chương trình “âm nhạc cải lương” và chuyển qua mục “hỏi đáp”. Nó mở đầu bằng một câu muôn thuở: 
– Giờ sao mày? 
Tôi nhăn mặt: 
– Sao cái khỉ mốc! Nhiệm vụ chuyên môn của mày là giải đáp chứ không phải là đặt câu hỏi. 
Hải gầy lập tức sửa bộ. Nó xốc lại quần áo: 
– Rồi, mày hỏi đi, tao sẵn sàng giải đáp! 
Tôi thở dài: 
– Biết hỏi gì bây giờ! Hồng Hoa và Chiêu Minh tụi nó cứ đi theo tò tò như vậy thì thánh cũng chịu thua! 
Mặt dù tôi không hỏi, Hải gầy vẫn cứ giải đáp. Nó phân tích: 
– Vấn đề là ở Việt An chứ không phải ở Hồng Hoa và Chiêu Minh. Nếu Việt An không rủ thì tụi kia đâu có đi theo. Đúng không? 
Tôi chép miệng thay cho câu trả lời. Sự phân tích xác đáng của Hải gầy càng làm tôi thêm chán nản. Có lẽ đúng như lời nó nói hôm trước, tình yêu của tôi là tình yêu bất lực. Tôi yêu nhưng không làm cho mình trở thành người được yêu. Nói cho công bằng thì tôi cũng có “làm”, làm đủ thứ, nhưng cóc có “trở thành” nổi! 
Tôi nhìn Hải gầy bằng ánh mắt hoang mang và hỏi bằng chính câu hỏi của nó: 
– Giờ sao mày? 
Hải gầy khoát tay: 
– Tiến lên chứ sao! 
Tôi hỏi, giọng thiếu tin tưởng: 
– Tiến lên bằng cách nào? 
Hải gầy ngớ ra: 
– Tao chưa nghĩ ra! 
Tôi hừ mũi, giọng ỉu xìu: 
Vậy mà cũng nói! 
Hải gầy gãi đầu: 
– Từ từ đã! chờ một chút! Hay là… hay là như thế này! Tạm thời mày phải xa Việt An một thời gian… 
Tôi ngán ngẩm: 
– Vậy là tiến xuống chứ tiến lên quái gì! 
Hải gầy đặt tay lên vai tôi: 
– Mày chưa hiểu ý tao. Đây là một vấn đề… triết học, phải có chuyên môn mới hiểu được! Đặc điểm của bọn con gái là mình theo đuổi ráo riết thì bọn nó coi thường nhưng ngược lại, hễ mình phớt lờ, bọn nó lại chạy theo mình, mình đuổi cũng không đi. Thế giới đã “nhất trí” vấn đề này rồi. Người Pháp có câu “Suit l'amour, l'amour fuit, fuit l'amour suit” nghĩa là “theo tình, tình trốn, trốn tình, tình theo”. Mày giả bộ xa nó một thời gian, nhất định nó sẽ tìm tới mày. 
Trước một vấn đề “tầm cỡ thế giới” như vậy, ai mà chẳng xiêu lòng nghe theo. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi thấy sao khó thực hiện quá. 
– Xa nó là sao? – Tôi hỏi. 
– Thì xa là xa chứ sao! Xa tức là không gần! 
Tôi tái mặt: 
– Chẳng lẽ mày xúi tao dọn nhà đi nơi khác? 
– Bậy! 
– Hay là nghỉ học? 
Hải gầy phì cười: 
– Không phải vậy! Mày vẫn đi học đàng hoàng. Chỉ cần mày lơ nó một thời gian, không có tiếp xúc, trò chuyện hay kẹo bánh gì nữa. 
Tôi lờ mờ hiểu ra: 
– Tức là tao phải “làm mặt lạnh”? 
Hải gầy gật đầu: 
– Ừ, thật lạnh vào! Như nước đá càng tốt! 
Nghe lời Hải gầy, kể từ bữa đó, tôi bắt đầu “nghỉ chơi” với Việt An. Kể cả Hồng Hoa và Chiêu Minh, tôi đều phớt tỉnh Ăng-lê tất. Mỗi lần chạm trán tụi nó, tôi đều giữ vẻ mặt ở 35 độ dưới 0. 
Tan học ra, tôi không còn đi về chung với Việt An nữa. Mặt cho tụi con gái vượt lên trước, tôi cố tình đi tụt lại phía sau với Hải gầy, ra cái điều ta đây “fuit l'amour” thật sự. 
Ngồi trong lớp, tôi luôn luôn nhìn lên bảng hệt như một học sinh mẫu mực không tha thiết đến chuyện gì ngoài chuyện học. Có nhiều lúc tôi muốn liếc trộm Việt An một cái nhưng nhớ đến lời dặn dò nghiêm khắc của Hải gầy, tôi cố cưỡng lại sự thôi thúc mạnh mẽ đó. Hải gầy đã răn đe tôi ngay từ đầu: 
– Nếu mày để Việt An và tụi bạn của nó bắt gặp mày nhìn trộm thì kế hoạch của tụi mình sẽ phá sản ngay lập tức. Tụi nó sẽ biết ngay là mày đang đóng kịch. 
Trước lý lẽ của nó, tôi đành phải chôn chặt tình cảm vào đáy lòng và lúc nào cũng giữ cái đầu ngay ngắn trên cổ, không dám cựa quậy một tí ti. 
Việc “chiêm ngưỡng” Việt An tôi tạm thời giao cho Hải gầy “phụ trách”. Nó sẽ quan sát và nghiên cứu những phản ứng xảy ra từ phía Việt An, giống như nhà khoa học nghiên cứu các phản ứng xảy ra trong phòng thí nghiệm vậy. Trên cơ sở đó, nó sẽ tìm ra những dấu hiệu thành công và hướng dẫn cho tôi các hành động tiếp theo. 
“Chiến dịch băng giá” mới bước qua ngày thứ ba, Hải gầy đã hí hửng thông báo: 
– Tốt lắm! Bước đầu như vậy là thuận lợi! 
Tôi mừng rơn: 
– Gì vậy? 
– Bữa nay Việt An liếc mày hai cái. 
– Phải liếc tao không? 
– Liếc mày! Tao thấy rõ ràng. Như vậy là cá đã cắn câu. 
Nó vỗ vai tôi: 
– Mày cứ yên chí! Tao đã nói được là được! Chỉ cần lạnh thêm chút nữa! 
Tôi vò đầu: 
– Tao đã lạnh tanh rồi, còn lạnh sao được nữa? 
Hải gầy nghiêm mặt: 
– Lạnh nữa! Đừng bao giờ cười! Tao thấy mày còn cười. 
Tôi phân bua: 
– Tao có cười với tụi nó đâu. 
– Cười với ai cũng không được! Mày phải chứng tỏ mình là người có bộ mặt không biết cười. 
Tôi làm “người có bộ mặt không biết cười” được chừng hai ngày thì Hồng Hoa chặn đường tôi, hỏi: 
– Có chuyện gì mà mấy bữa nay ông lầm lầm lì lì vậy? 
Tôi đáp lấp lửng: 
– Có chuyện gì đâu! 
Hồng Hoa khăng khăng: 
– Nhất định là có chuyện gì! 
Tôi lắc đầu: 
– Chẳng có chuyện gì hết! Tại mấy hôm nay tôi bận. 
Hồng Hoa bĩu môi: 
– Xạo. 
– Thật. Tôi bận đủ thứ. 
Hồng Hoa nhún vai: 
– Tôi không tin. Ông chỉ làm bộ làm tịch tôi, nhưng ông chẳng lầm lì mãi được đâu! 
Lời “tiên đoán” của nó khiến tôi giật thót nhưng tôi chưa kịp hỏi lại thì nó đã chạy mất. 
Tôi đem những lời nhận định của Hồng Hoa nói lại với Hải gầy. Nhà chuyên môn hừ mũi: 
– Mày đừng mắc lừa! Đó là đòn thăm dò của Việt An. Tụi nó chẳng biết gì về kế hoạch của mình đâu! 
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng: 
– Không biết sao Hồng Hoa bảo tao làm bộ làm tịch. 
– Tụi nó chỉ đoán mò thôi. Việc Hồng Hoa chận đường mày hỏi dò chứng tỏ Việt An đã bắt đầu nao núng trước thái độ xa cách của mày. Cứ vậy mà làm! 
Tôi “cứ vậy mà làm” thêm một tuần đã thấy sốt ruột. 
Từ bữa đó đến nay, Việt An chẳng hề nhúc nhích mảy may. Tôi níu áo Hải gầy: 
– Sao chẳng thấy Việt An động tịnh gì hết vậy mày? 
Hải gầy trấn an: 
– Đừng nóng ruột! Ông bà đã nói “dục tốc bất đạt”, chuyện tình cảm mà làm ào ào đâu có được! 
Rồi dường như thấy tôi vẫn xụi lơ, chẳng tỏ vẻ gì tin tưởng vào lời dạy của ông bà, Hải gầy nói thêm: 
– Khi nãy Việt An có liếc mày một cái. 
Tôi thở ra: 
– Hôm trước liếc hai cái, hôm nay còn có một, như vậy là sắp sửa outside rồi! 
Hải gầy tìm mọi cách động viên tôi: 
– Đừng bi quan! Chuyện tình yêu phải căn cứ vào “chất lượng” chứ không thể căn cứ vào “số lượng” được. 
Mặc cho nó nói, tôi không giấu vẻ ngán ngẩm: 
– Đi xem phim còn không ăn thua, liếc mấy cái nhằm nhò gì! 
Hải gầy đặt tay lên vai tôi: 
– Đừng nản chí, mày chỉ cần ráng thêm chừng mười ngày nữa thôi. Lúc đó, chắc chắn Việt An sẽ tìm gặp mày. Tao đã tính toán đâu vào đó rồi! 
Nhưng lúc này, tôi không thèm quan tâm đến sự tính toán của nó. Tôi nhớ Việt An quá chừng và tôi không tin mười ngày nữa Việt An sẽ đến tìm tôi, “người có bộ mặt không biết cười”. Dường như từ ngày tôi lờ nó, nó cũng lờ luôn tôi. Hồng Hoa sau lần trò chuyện nọ cũng chẳng thấy hỏi thăm tôi thêm một lần nào nữa. 
Tôi đã bắt đầu nghi ngờ cái phương châm “trốn tình, tình theo” đầy hứa hẹn kia. Tôi có cảm giác nếu như tôi tiếp tục “trốn tình” đến già, tình cũng chẳng thèm theo tôi lấy một bước. 
Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, tôi quyết định thà “theo tình, tình trốn” còn hơn “trốn tình mà tình không theo”. Mình theo nó tò tò, nó có trốn, mình cũng còn biết đường mà… theo tiếp, chứ mình trốn nó, nó chơi ác nó trốn lại mình, lúc đó mình hối hận quay lại thì đã muộn. 
Định bụng như vậy, hôm sau vô lớp, tôi chẳng màng đóng vai người hùng mặt lạnh nữa. Chốc chốc tôi lại nghiêng đầu liếc sang chỗ Việt An. Lâu nay bắt chước Tam Tạng đóng vai chân tu khổ hạnh, thấy con gái không thèm liếc ngang liếc dọc, bây giờ nhìn trộm Việt An mấy cái, tim tôi đập thình thịch. Ác một nỗi, Việt An chẳng hề nhìn lại tôi lấy một lần. Mặt nó lạnh như tiền, còn lạnh gấp mấy tôi. 
Để “cứu một bàn thua trông thấy”, trưa đó tôi đạp xe chạy lòng vòng ghé mấy hiệu sách. Tôi biết Việt An rất thích đọc sách, nhất là sách của Aimatov. Tôi rảo tới rảo lui một hồi và cuối cùng khi thấy cuốn “Một ngày dài hơn thế kỷ”, tôi chộp liền. 
Ra khỏi hiệu sách, tôi chạy như bay tới nhà Việt An. 
– Anh đi đâu đó? – Thấy tôi đột ngột xuất hiện, Việt An tỏ vẻ ngạc nhiên. 
Tôi đáp, vọng không được tự nhiên lắm: 
– Có cuốn sách hay, tôi đem đến cho Việt An đọc. 
Nhìn cuốn sách dày cộm trên tay tôi, Việt An hỏi: 
– Anh đọc chưa mà biết hay? 
Tôi đỏ mặt: 
– Chưa. 
– Chưa mà biết hay! 
Tôi đứng chết trân như bị Tôn Hành Giả làm phép định thân. Thấy vậy, Việt An mỉm cười độ lượng: 
– Cuốn gì vậy? 
Như được giải phép, tôi vội vã chìa cuốn sách ra: 
– “Một ngày dài hơn thế kỷ”. Cũng của Avimatov. 
Tôi nhấn mạnh chữ Avimatov bằng một giọng hí hửng. 
Không để ý đến vẻ “nịnh thần” của tôi, Việt An nheo mắt: 
– Như vậy anh không thèm nói chuyện với tôi mấy thế kỷ rồi? 
Tôi thóp bụng lại như tránh một mũi kiếm vô hình, miệng lắp bắp: 
– Đâu phải là… không thèm! Tại tôi bận. 
Việt An nhìn tôi với vẻ thiếu tin tưởng. Nó nói thẳng: 
– Tôi biết anh nói dối. 
Ánh mắt của nó khiến tôi đâm mất bình tĩnh. Tôi ấp úng: 
– Tại tôi bắt chước người Pháp. 
Việt An trố mắt: 
– Bắt chước người Pháp là sao? 
Suýt một chút nữa là tôi buột miệng khai huỵch toẹt cái “chiến dịch băng giá” của quân sư Hải gầy, cả cái phương châm “suit l'amour, l'amour fuit, fuit l'amour, l'amour suit” phản chủ kia. May sao, đến phút chót tôi định thần lại kịp và nói trớ đi: 
– Người Pháp họ hay bận lắm! 
Việt An phì cười: 
– Tưởng sao! Bận mà cũng bắt chước! Anh thật là lãng xẹt! 
Chẳng thà để nó chê tôi “lãng xẹt” còn hơn để nó biết kế hoạch “ám muội” của tôi. Nghĩ vậy, tôi nhe răng cười theo. 
Sáng hôm sau, thấy Việt An đứng nói chuyện với tôi trong giờ chơi, Hải gầy lên giọng hách dịch: 
– Mày thấy chưa? 
– Thấy gì? 
– Còn hỏi nữa! Thấy kết quả của phương pháp “lạnh lùng” chứ thấy gì! 
Tôi chưa kịp đáp, nó đã cười hà hà: 
– Tao đã nói ngay từ đầu mà! Theo tình thì tình trốn, trốn tình thì tình theo, thế giới đã tổng kết rồi! 
– Nhưng… 
Hải gầy phẩy tay: 
– Còn nhưng nhị gì nữa! Bữa nay Việt An đã phải tới tìm mày trò chuyện chứng tỏ là… 
Tôi nhăn nhó: 
– Chứng tỏ cái khỉ mốc! Sở dĩ bữa nay nó chịu nói chuyện với tao bởi vì hôm qua tao đến nhà nó. 
Hải gầy vò đầu: 
– Trời ơi, thế này thì hỏng bét! 
Sau khi la trời, nó nhìn tôi bằng ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ đối diện: 
– Mày mò tới nhà nó chi vậy? 
– Tao đầu hàng! – Tôi đành thú thật. 
Hải gầy lắc đầu và thở một hơi dài thườn thượt hệt như Dindenault đang tuyệt vọng nhìn đàn cừu của mình lao đầu vào chỗ chết. 
Còn Việt An chính là thủ phạm Panurge lừng danh.

Bình luận
× sticky