Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua

Chương 08

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Tiểu Li đã hết sốt và đi học lại bình thường. Vết thương trên trán nó đã lành nhưng để lại một vết sẹo. Cũng may là vết sẹo nằm sát phía trên chứ nếu nó xích xuống gần con mắt thì không sao che giấu được. 
Tiểu Li nói với tôi: 
– Em sẽ để tóc dài che vết sẹo. 
Tôi gật đầu: 
– Ừ, che lại đi! Trông vết sẹo nó xấu xấu thế nào! 
Tiểu Li buồn buồn: 
– Nhưng phải vài tháng nữa tóc em mới đủ dài. 
Tôi nheo mắt: 
– Mày không làm cho nó dài lẹ hơn được hả? 
– Làm sao làm được! 
Tôi chép miệng: 
– Không được thì thôi! Từ đây đến đó, tao không nhìn vô trán mày nữa. Mỗi khi trò chuyện với mày, tao chỉ nhìn từ mắt trở xuống thôi! 
Nói vậy nhưng mỗi khi giáp mặt Tiểu Li, tôi không làm sao kìm được ý muốn nhìn vô vết sẹo của nó. Vết sẹo thoạt đầu màu đen, dần dần ngả sang nâu, mỗi ngày mỗi bợt hẳn đi và cuối cùng chỉ còn là một vệt thẫm nhờ nhờ, nếu không nhìn kỹ khó mà biết. 
Dù vậy, Tiểu Li vẫn không bỏ ý định để tóc dài. Điều đó càng ngày càng trở thành một ước muốn tha thiết của nó, như một nỗi ám ảnh. 
Cứ cách khoảng vài ngày, Tiểu Li lại hỏi tôi: 
– Anh xem tóc em có dài thêm chút nào không? 
Tôi ngắm nghía thật kỹ rồi lắc đầu: 
– Tao thấy nó cũng vậy! Y như bữa trước! 
Tiểu Li vùng vằng: 
– Y như sao được mà y như! 
Rồi nó níu tay tôi, năn nỉ: 
– Anh nhìn kỹ đi! Có dài ra một tí tẹo phải không? 
Tôi lại nhìn kỹ một lần nữa và vẫn thấy chẳng có gì khác. Tuy nhiên, không muốn làm Tiểu Li thất vọng, tôi làm bộ gật gù: 
– Ừ, hình như nó có dài ra một tí. Nhưng chỉ một tí tẹo thôi! 
Mặt Tiểu Li rạng rỡ hẳn lên. Nó trách tôi: 
– Thấy chưa! Lúc nãy anh không chịu nhìn kỹ gì hết! 
Tôi cười cười: 
– Ừ, lúc nãy tao quên nhìn kỹ. 
Tiểu Li không biết tôi bịa. Nó móc túi lấy cho tôi một cây kẹo. 
– Ở đâu vậy? – Tôi hỏi, giọng hí hửng. 
– Hôm qua, mẹ cho em hai cây. Em ăn một cây, còn một cây em để dành cho anh. 
Tôi bóc lớp giấy, định bỏ cây kẹo vào miệng nhưng không hiểu sao đến phút chót tôi lại cắn cây kẹo làm đôi. Tôi ăn một nửa, nửa kia đưa cho Tiểu Li: 
– Phần mày nè! 
Tiểu Li lắc đầu: 
– Anh ăn đi! Hôm qua, em ăn rồi! 
Tôi dúi nửa cây kẹo vào tay nó: 
– Mày cứ ăn đi! Chuyện hôm qua thì nói làm gì! 
Tiểu Li mỉm cười. Nó cầm lấy nửa cây kẹo với vẻ ngạc nhiên sung sướng. Có lẽ lần đầu tiên nó thấy tôi tử tế trong chuyện ăn uống. Từ trước đến giờ, tôi luôn luôn giành ăn với nó. Và lý lẽ của tôi bao giờ cũng “chính đáng”: “Mày sún răng không nên ăn nhiều kẹo!”. Những lúc ấy, Tiểu Li không làm sao cãi lại tôi. Nó chỉ biết ngồi nghểnh cổ nhìn tôi ăn phần kẹo của nó với đôi mắt rưng rưng. 
Vì vậy, hôm nay tự dưng thấy tôi trở nên đàng hoàng, chắc Tiểu Li lạ lùng lắm! Nó đâu có biết từ khi nó ốm đến nay, đã có một sự thay đổi lớn lao xảy ra trong con người tôi, sự thay đổi chính tôi cũng không rõ nguyên cớ, chỉ biết nó đem lại cho tôi một nỗi dịu dàng mênh mông và không màu sắc. Tôi chẳng còn buồn bắt nạt Tiểu Li. Tôi không còn cảm thấy thích thú khi “làm khổ” nó nữa. Bây giờ tôi chỉ muốn đem lại cho Tiểu Li những niềm vui bất ngờ, nho nhỏ, tôi muốn thấy nó vui vẻ suốt ngày như một con chim sâu lách chách, không bị té chảy máu, không bị ốm liệt giường, không những giọt nước mắt… 
Những ước muốn ấy cứ tràn ngập lấy tôi mà không tự giải thích, vừa mơ hồ vừa rõ rệt… 
Lợi sứt vẫn còn căm tôi chuyện bữa trước. Giờ ra chơi, nó không thèm giữ dép cho tôi nữa. Tôi hứa trả công nó hai viên bi, nó cũng không chịu giữ. Nó nhất định “tẩy chay” tôi. Tôi đành phải nhờ Tiểu Li giữ giùm. 
Tiểu Li không giữ dép “chuyên nghiệp” như Lợi sứt. Giờ ra chơi, nó vẫn tót ra ngoài chơi nhảy dây, đánh chuyền với tụi con gái. Đi đâu, nó cũng xách đôi dép của tôi theo kè kè bên cạnh. 
Thấy vậy, Lợi sứt càng tức. Tức cả tôi lẫn Tiểu Li. Nhưng nó chẳng làm gì chúng tôi được. Thế là nó giở võ mồm. 
Một hôm, tôi và Tiểu Li đang trên đường về nhà, Lợi sứt từ đâu phía sau chạy vù qua, miệng la thật to: 
– Con gái chơi với con trai 
Thế nào cũng đẻ ra vài đứa con! 
Tôi nghiến răng, chửi: 
– Đồ mất dạy! 
Và co giò đuổi theo. Nhưng Lợi sứt chạy nhanh như ngựa. Tôi rượt theo một quãng, thấy khoảng cách giữa tôi với nó mỗi ngày một xa, bèn đứng lại thở dốc. 
Lát sau, Tiểu Li đi tới. Thấy tôi, nó mắc cỡ quay mặt đi chỗ khác. Tôi lặng lẽ đi bên cạnh nó. Đã mấy lần tôi định mở miệng nói chuyện với Tiểu Li nhưng nghĩ đến cái câu mất dạy của Lợi sứt, tự nhiên tôi đâm ra rụt rè. 
Từ đó đến khi về tới nhà, tôi chỉ nói với Tiểu Li được mấy câu: 
– Rồi mày coi! Tao sẽ đánh nó một trận nhừ xương! 
Nghe đánh lộn, Tiểu Li sợ hãi, can: 
– Anh đừng đánh nhau với nó! 
Tôi khịt mũi: 
– Lần này tao sẽ đánh! Mày đừng can! 
Tiểu Li nhăn nhó: 
– Em sợ lắm! 
– Sợ thì đứng ngoài! Mày nhào vô như bữa trước bể đầu ráng chịu à nghen! 
Nhưng tôi vẫn chưa “trả thù” Lợi sứt được. Vào lớp, tôi không dám gây sự với nó, sợ bị phạt. Tôi chỉ nhìn nó gườm gườm. Lợi sứt vẫn tỉnh bơ, mặt nó cứ nhơn nhơn ngó dễ ghét. Nó thừa biết là trong khuôn viên nhà trường, tôi không dám làm gì nó. 
Tôi cũng không dám đánh nhau trước cổng trường. Đi một quãng xa, tôi mới quay đầu nhìn lại phía sau. Nhưng Lợi sứt đã biến đâu mất tăm. Tôi quay lại tìm hai, ba lần vẫn không thấy nó. 
Trong khi tôi đinh ninh Lợi sứt đã ra về trước tôi, không thèm cảnh giác nữa, thì nó lại từ phía sau chạy vụt qua và vẫn châm chọc hai đứa tôi bằng cách rống lên cái câu bậy bạ kia. 
Tôi tức nổ đom đóm mắt nhưng lần này tôi không thèm đuổi theo nó. Tôi biết có đuổi cũng chẳng kịp. 
Chạy một quãng, thấy tôi không đuổi theo, Lợi sứt quay đầu lại và đưa tay lên mũi ngoe nguẩy chọc quê tôi. 
Tôi mím môi, hầm hè trong bụng: “Rồi mày sẽ biết tay tao!”. 
Nhưng tôi vẫn chưa “tóm” Lợi sứt được. Giờ ra về, nó lẩn nhanh như chạch. Và cứ thừa lúc tôi lơ đễnh, nó lại phóng vèo qua mặt và giở giọng đểu cáng. 
Nó cứ lặp đi lặp lại cái trò bỉ ổi đó khiến Tiểu Li đâm ngại đi chung với tôi. Dù không biết chính xác nhưng tôi vẫn có cảm giác là dạo này, dọc đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà, Tiểu Li cố tình bước nhanh hơn tôi. Cứ đi chung một hồi, bất giác tôi phát hiện ra Tiểu Li đã ở phía trước. Tôi vội rảo bước theo. Nhưng một lát, tôi lại thấy mình đang lẽo đẽo đằng sau. 
Nếu như trước đây, tôi đã cự nự Tiểu Li và “ra lệnh” cho nó đi song song với tôi. Nhưng dạo này, không hiểu sao tôi bỗng đâm ra ngại ngùng, bẽn lẽn như thể tôi không còn là tôi nữa, như thể một người nào đang sống thay tôi. 
Tới một hôm, trên đường về, Tiểu Li lại rảo lên trước. Tôi nảy ra một ý định, thay vì đuổi theo nó, tôi cố tình đi thật chậm. Đến khi Tiểu Li đã đi cách tôi một quãng khá xa, tôi chạy vụt vào một bụi cây ven đường và nấp kỹ trong đó. 
Một lát sau, Tiểu Li mới phát hiện ra sự mất tích của tôi. Nó đứng lại, dáo dác tìm quanh. Từ trong bụi cây, tôi nhìn rõ vẻ ngơ ngác và hoảng hốt của Tiểu Li. Nó kêu tên tôi hai, ba lần, giọng đầy lo lắng, nhưng tôi nghiến răng không đáp. Tôi còn phải chờ tóm cho được Lợi sứt. 
Đúng như tôi nghĩ, chừng mười phút sau, Lợi sứt lù lù dẫn xác đến. Thấy Tiểu Li đứng một mình, nó có vẻ ngạc nhiên và đi chậm lại. Khi bước ngang qua bụi cây tôi nấp, cặp mắt nó láo liên ánh lên vẻ nghi ngờ. Nhưng trước khi Lợi sứt hiểu ra chuyện gì, tôi đã nhanh nhẹn xông ra, ôm cổ nó vật xuống đất. 
Vì không kịp đề phòng, Lợi sứt bị tôi vật ngã dễ dàng. Tôi cỡi lên người nó, đấm túi bụi, vừa đấm vừa la: 
– Cho mày hết nói bậy nè! Cho mày hết mất dạy nè! 
Nhưng Lợi sứt vốn khỏe hơn tôi. Sau đòn phủ đầu của tôi, nó vùng vẫy, chòi đạp một hồi và vùng dậy được. Đến lượt tôi bị nó cỡi lên người và bị nó giáng những quả tối tăm mày mặt. 
Lợi sứt nặng như một bao gạo. Nó ngồi lên bụng tôi, tôi đã hết muốn thở. Đã vậy nó còn nhún lên nhún xuống, miệng la: 
– Cho mày hết đánh lén nè! 
Tôi nghiến răng chịu đòn, thỉnh thoảng vung tay đánh trả được mấy cái nhưng chẳng hề hấn gì Lợi sứt. 
Trong lúc tôi đang có nguy cơ trở thành món “chả cá” dưới tay Lợi sứt thì Tiểu Li chạy lại: 
– Buông ra! Buông ra! Không có đánh nhau! 
Tiểu Li càng la, Lợi sứt giã tôi càng khỏe. 
Thấy vậy, Tiểu Li mếu máo: 
– Ngày mai em méc cô cho coi! 
Lợi sứt đang say máu, nó gầm ghè: 
– Cho mày méc! 
Bất thần, Tiểu Li xông vào ôm chặt lấy Lợi sứt và cắn cho nó một phát vào lưng. 
Lợi sứt nhảy nhổm lên, nhăn nhó: 
– Úi chà, đau quá! 
Thừa cơ, tôi vùng dậy, hất Lợi sứt qua một bên và lật người lại nằm đè lên nó. 
Lần này, tôi ngồi lên bụng, Tiểu Li ngồi lên chân, Lợi sứt hết đường cựa quậy. Biết không thể xoay chuyển tình thế được, Lợi sứt hết ham đánh trả, nó chỉ đưa hai tay lên mặt đỡ đòn. 
Khi nỗi tức giận đã vơi đi, thấy Lợi sứt nằm xụi lơ, tôi đâm chán. Tôi hỏi nó: 
– Mày hết nói bậy chưa? 
Lợi sứt xìu như bún: 
– Hết. 
– Thật không? 
– Thật. 
– Thề đi! 
– Thề. 
– Thề sao? 
Lợi sứt chớp mắt: 
– Đứa nào nói bậy ra đường xe cán. 
Lợi sứt thề xong, tôi và Tiểu Li liền buông nó ra. Kể từ hôm đó, Lợi sứt không bao giờ dám đụng đến hai đứa tôi nữa. 
Sau trận hỗn chiến, quần áo của tôi nhầu nát, lấm lem. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng vết bầm trên mắt. Nhìn vết bầm này, mẹ tôi sẽ biết ngay là tôi đánh lộn. Và rất có thể ngoài trận đòn của Lợi sứt, tôi sẽ được mẹ tôi “bổ sung” thêm một trận đòn khác. 
Nhưng những “nỗi đau” nhỏ nhoi này thật không thấm gì so với nỗi hân hoan choáng ngợp trong lòng tôi khi cái bóng đen giữa tôi và Tiểu Li thật sự biến mất và cái chiến công bất đắc dĩ kia đã khiến chúng tôi gắn bó với nhau hơn. 
– o O o – 
Cách trường tôi khoảng năm, sáu trăm mét có một cái ngã ba, nơi gặp nhau giữa con đường lớn chạy ngang trường tôi và một con hẻm nhỏ. Đó là con hẻm dẫn vô nhà Việt An. 
Theo sự bàn định của chúng tôi, Hải gầy sẽ “tình cờ” gặp Việt An tại cái ngã ba đó. 
Sáng sớm, tôi và Hải gầy đã đến ngồi uống cà phê tại một quán gần đó. 
Lát nữa, khi Việt An đi học ngang qua, Hải gầy sẽ nhào ra đi chung với Việt An theo một cung cách… hoàn toàn ngẫu nhiên. Đi chung thì không thể không nói chuyện. Sẽ nói chuyện. Nói chuyện thì không thể không… đưa thư. Sẽ đưa thư. Đưa thư thì không thể không nhận. Sẽ nhận. Nhận thì không thể không… yêu. Sẽ yêu. Tất nhiên là yêu tôi chứ không phải yêu Hải gầy. Đó là những bước phát triển mà tôi đã hình dung và bố trí sẵn trong… đầu. Tôi nói điều đó với Hải gầy và nó hoàn toàn tán thành trí tưởng tượng của tôi, thậm chí nó còn khen tôi giàu mơ mộng, một phẩm chất tốt đẹp và cần thiết đối với những người đang yêu mà… không biết người ta có yêu lại mình hay không! 
Tất nhiên lúc Hải gầy gặp Việt An, tôi không thể chường mặt ra. Vì vậy, tôi chưa kịp uống xong những giọt cà phê cuối cùng, Hải gầy đã xua tay, đuổi: 
– Mày đi trước đi! 
Nhưng tôi lại không muốn đến trường vào lúc này. Tôi muốn nhìn thấy tận mắt cảnh Hải gầy đưa lá thư của tôi cho Việt An. Tôi muốn nhìn thấy Việt An mỉm cười sượng sùng và bẽn lẽn rút từ trong cặp lá thư trả lời (đã viết sẵn!) đưa lại cho Hải gầy. Lúc ấy, hẳn đôi mắt của Việt An sẽ ánh lên vẻ thẹn thùng bối rối thật đáng yêu! Lẽ nào tôi lại bỏ qua một sự kiện có ý nghĩa lịch sử như thế, nhất là sự kiện đó lại liên quan đến “tính mạng” của tôi. 
Bỏ mặc Hải gầy ngồi một mình, tôi rời khỏi quán cà phê và dáo dác tìm một chỗ ẩn nấp kín đáo để quan sát “hiện trường”. 
Nhưng chung quanh ngã ba không có một vị trí nào thuận tiện. Tôi dòm dỏ bốn phía một cách tuyệt vọng. Khi sắp sửa từ bỏ ý định rình rập thì bất chợt tôi nhìn thấy một chiếc xe đò đỗ trên bãi đất trống ven đường. Tôi mừng rỡ và hấp tấp bước lại. 
Đó là chiếc xe đò chạy tuyến đường nội – ngoại thành. Trên xe không một bóng người. Nghe tiếng gõ cồm cộp vọng lên từ gầm xe, tôi cúi người xuống dòm. Một người đàn ông, có lẽ là tài xế đang nằm thụt nửa người dưới gầm xe đóng đóng, gõ gõ. Có lẽ chiếc xe đang bị hỏng một bộ phận nào đó. Tôi nhủ bụng và tặc lưỡi rón rén trèo lên thùng xe. Người tài xế vẫn chẳng hay biết gì. Anh ta tiếp tục khua ầm ĩ phía dưới. Từ trên thùng xe, tôi nhìn thấy ngã ba rõ mồn một. Để Việt An khỏi tình cờ trông thấy tôi, tôi cẩn thận ngồi nép sát vào thành xe, chỉ thò nửa đầu ra ngoài để quan sát. 
Cứ nghĩ đến cuộc “đụng độ lịch sử” sắp sửa xảy ra trước mắt mình, người tôi cứ run bắn lên. Tôi ngồi nhấp nhổm trên băng xe khoảng mười phút thì Việt An xuất hiện. Tim tôi như ngừng đập. Thú thật lúc này tôi cứ sợ mình lăn đùng ra chết. 
Nhưng sợ thì sợ, tôi vẫn căng mắt ra hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc gặp gỡ “định mệnh” kia, cổ nghẹn lại như đang xem phim trinh thám. 
Khi Việt An đi khỏi ngã ba chừng mười mét thì Hải gầy chui ra khỏi quán, rảo cẳng đuổi theo. Chỉ trong chớp mắt, cả hai đi song song bên nhau và cuộc trò chuyện diễn ra khá tự nhiên và suôn sẻ, đúng như tôi đã dự kiến. Chắc Hải gầy lại trổ tài ba hoa nên chốc chốc tôi thấy Việt An che miệng cười khúc khích. Không khí vui vẻ như vậy hoàn toàn thuận lợi cho công việc tiếp theo. Tôi hớn hở nghĩ thầm. 
Càng lúc, Hải gầy và Việt An càng tiến gần lại chỗ tôi nấp. Và chỉ trong vài phút nữa, cả hai sẽ vượt qua chiếc xe. Vì vậy, tôi vô cùng sốt ruột khi thấy Hải gầy vẫn chưa chịu đưa lá thư của tôi cho Việt An. Có lẽ nó chờ cho thời cơ thật chín muồi. Nếu như vậy, có thể tôi sẽ không được chứng kiến giây phút “trữ tình” đó. 
Đã mấy lần, tôi thấy Hải gầy đưa tay lên túi áo nhưng chẳng hiểu sao nó lại ngập ngừng bỏ tay xuống. Tôi giận tím gan nhưng chẳng làm gì được. Nó làm như trong túi áo của nó không phải lá thư ấm áp của tôi mà là một con rắn độc đang ngoe nguẩy vậy. 
Trong khi tôi đang theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt của hai nhân vật quan trọng kia thì chiếc xe đò bỗng nổ máy. Tôi giật mình quay lại và rất đỗi kinh hoàng khi thấy người tài xế đã leo lên xe tự hồi nào, đang ngồi sau vô-lăng chuẩn bị cho xe chạy. 
Tôi luống cuống không biết làm sao. Nhảy xuống thì chắc chắn Việt An sẽ thấy. Ngồi lì tại chỗ thì không biết chiếc xe chết tiệc này sẽ mang tôi tới đâu trên trái đất bao la này. 
Tôi chưa kịp suy nghĩ thì chiếc xe đã trở đầu. Nó gầm lên và lao về phía những căn nhà nằm thụt sâu phía trong bãi đất trống. Sau đó, nó chạy lui ra đường trước khi bẻ lái về hướng ngã ba. 
Lúc nó chạy lui cũng là lúc Hải gầy và Việt An vừa trờ tới. Tôi chết điếng cả người khi nhận ra tình thế nguy hiểm. Toàn bộ con người tôi phơi ra trước mắt Việt An, lồ lộ, trơ trẽn qua cái thùng xe trống huếch trống hoác. 
Hai cánh cửa phía sau xe, chỗ bậc lên xuống, là thứ cửa gió, thấp lè tè, chẳng làm sao che được người ngồi trên băng. Trong tình huống nghìn cân treo sợi tóc đó, tôi không còn cách nào khác hơn là nằm bẹp xuống sàn xe, giấu mình sau cánh cửa gió trước khi Việt An kịp nhìn thấy. 
Lúc đó, chẳng còn đầu óc đâu mà suy nghĩ đến chuyện lá thư, tôi chỉ lo làm sao dán mình xuống sàn xe thật sát, thật mỏng, mỏng như tờ giấy pơ-luya càng tốt, mặc kệ quần áo lấm lem và đủ thứ mùi hôi hám xộc vào mũi. 
Tôi nằm “bất tỉnh nhân sự” như vậy lâu thật lâu. Ngay cả khi biết chắc mối nguy cơ đã trôi qua, tôi vẫn không dám nhỏm người dậy. Tôi sợ người tài xế phát hiện ra, sẽ vặn vẹo lôi thôi. Nằm im thin thít, tôi định bụng chờ lúc xe ngừng, sẽ len lén trèo xuống. Nhưng tôi đợi hoài, đợi hoài mà xe vẫn cứ chạy. Đến khi không còn đủ kiên nhẫn nữa, tôi đành thở dài chỏi tay ngồi dậy. 
Đập vào mắt tôi là một khung cảnh lạ hoắc. Những cánh đồng đã thay cho những dãy nhà san sát và những đàn bò đủng đỉnh nhai cỏ đã thế chỗ cho những chiếc honđa. 
Tôi bàng hoàng hiểu ra mình đã đi khỏi thành phố khá xa. “Ngã ba tình ái” chắc đang cách tôi… hàng vạn dặm. Tôi đập tay “ầm, ầm” vào thành xe, miệng kêu: 
– Ngừng lại! Ngừng lại! 
Người tài xế giật nảy người, suýt chút nữa lao xe xuống ruộng. Anh ta quay lại nhìn tôi, ánh mắt không giấu vẻ kinh dị: 
– Trời ơi! Cậu ở đâu ra thế này! 
Vừa hỏi, anh ta vừa thắng xe lại. 
Tôi ấp úng: 
– Khi nãy lúc anh sửa xe, tôi leo lên ngồi chơi rồi… ngủ quên! 
Khi biết tôi là người chứ không phải là… ma, người tài xế chuyển từ kinh hoàng sang giận dữ: 
– Bộ hết chỗ ngủ sao leo lên xe tôi ngủ, ông nội! 
Nói xong, người tài xế tống cổ “ông nội” xuống khỏi xe và cằn nhằn rồ máy vọt thẳng, bỏ tôi đứng một mình giữa đồng không mông quạnh, dở cười dở khóc. 
Tôi moi hết túi áo túi quần, chỉ tìm được mấy chục bạc lẻ, chẳng đủ đi xe. Trong ba mươi sáu cách tôi chỉ còn cách… đi bộ về nhà. 
Tôi lê bước thất tha thất thểu giữa trời nắng chang chang, áo quần thốc thếch như một tên du thủ du thực. Nếu Việt An bắt gặp tôi trong tình cảnh này, chắc nó sẽ xúc động rưng rưng nước mắt và chạy lại ôm tôi hôn lấy hôn để. Nghĩ vậy, lòng tôi nguôi nguôi được đôi chút. 
Tôi đi một hồi, chân cẳng mỏi nhừ. Mấy lần tôi định ngồi xuống bên đường nghỉ chân nhưng cứ nghĩ đến chuyện gặp lại Hải gầy, nghe nó hào hứng kể lại chuyện Việt An sung sướng như thế nào khi nhận thư tôi, tôi nghiến răng rảo bước. Rồi Hải gầy sẽ kể Việt An e ấp ra sao khi rút từ trong cặp ra bức thư hồi âm viết sẵn gửi cho tôi. Và biết đâu Việt An còn gửi “kèm” tới tôi những lời hẹn hò không mơ thấy nổi! 
Vừa đi vừa vẽ vời, đến trưa trờ trưa trật tôi mới mò về tới nhà. 
Hải gầy đã ngồi đợi sẵn trong phòng học của tôi. 
Thấy tôi bước vào, mặt mày nhem nhuốc, quần áo nát nhầu, Hải gầy giương mắt ếch: 
– Từ sáng đến giờ mày đi đâu? Sao không đến lớp? 
Tôi cười, miệng méo xệch: 
– Tao đi công chuyện! 
Hải gầy không tin: 
– Xạo đi mày! Công chuyện gì mà mặt mũi bơ phờ vậy? 
Vừa nói nó vừa đảo mắt nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái vật thời tiền sử. 
Điệu bộ của nó khiến tôi phát cáu. Tôi gắt: 
– Làm gì mày ngắm nghía kỹ vậy! Chuyện hồi sáng tới đâu rồi? 
Không nói không rằng, Hải gầy rút lá thư trong tập ra đưa tôi. 
Tôi cầm lá thư mà mắt sáng rỡ, bao nhiêu mệt nhọc bay biến đâu hết: 
– Nó hồi âm ngay tại chỗ hả? 
Hải gầy thở dài: 
– Hồi âm cái khỉ mốc! Lá thư của mày đó! Nó không nhận!

Bình luận