Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Cuộc Đời Của Pi

Chương 34

Tác giả: Yann Martel

Tôi lôi cuốn cẩm nang ra đọc. Các trang sách vẫn còn ướt. Tôi cẩn thận giở từng trang. Tác giả là một sĩ quan thuỷ quân hoàng gia Anh. Cuốn sách là một kho báu các thông tin thực dụng về việc làm sao để sống sót sau khi bị đóng tàu, bao gồm cả những mẹo nho nhỏ như sau:

* Luôn luôn đọc kỹ các hướng dẫn.

* Đừng uống nước giải. Hoặc nước biển. Hoặc máu chim.

* Đừng ăn sứa. Hoặc các loại cá có ngạnh. Hoặc cá có mồm như mỏ vẹt. Hoặc cá có thể phồng người lên như bóng thổi.

* Bóp mạnh hai mắt cá sẽ làm cho nó tê liệt.

* Cơ thể tự nó rất dai sức để sinh tồn. Nếu bị thương, phải cảnh giác với các phương pháp chữa trị tưởng là hay nhưng vô căn cứ. Phương pháp lang băm là nguy hiểm nhất. Không có hộ lí nào tốt hơn là nghỉ ngơi và giấc ngủ.

* Nhấc chân cao lên ít nhất năm phút một lần.

* Nên tránh gắng sức không cần thiết. Nhưng đầu óc nhàn rỗi sẽ sinh u mê, cho nên cần tận dụng mọi cơ hội để có hoạt động trí não. Đánh bài, chơi trò Hai mươi câu hỏi và trò Trinh thám bằng mắt là những hình thức giải trí đơn giản tuyệt vời. Cùng nhau hát cũng là một cách nâng cao tinh thần rất hữu hiệu. Kể chuyện cũng vậy.

* Nước có màu xanh lá cây thì nông hơn chỗ nước có màu xanh da trời.

* Phải cảnh giác khi thấy các đám mây ngoài xa có dáng dấp như các dãy núi. Hãy để mắt tìm màu xanh lá cây. Chỉ khi nào đặt chân lên mặt đất hãy nghĩ là mình đã lên bờ.

* Đừng bơi. Việc này tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, xuồng cứu nạn thường trôi nhanh hơn bơi. Chưa kể các nguy hiểm khác trong khi bơi. Nếu thấy nóng, tốt nhất là dấp nước lên quần áo.

* Đừng đái vào quần, có thể thấy ấm một chút lúc đó những sẽ ngứa ngáy rất khó chịu sau này.

* Hãy tìm cách che nắng. Phơi nắng có thể chết nhanh hơn cả khi đói khát.

* Khi không bị mất quá nhiều nước qua đường mồ hôi và bài tiết, cơ thế có thể sống sót được tới mười bốn ngày mà không cần nước uống. Nếu thấy khát, hãy mút một cái khuy.

* Rùa vừa dễ bắt vừa ăn ngon. Máu rùa là đồ uống không có muối, rất bổ; thịt rùa thơm và chắc dạ; mỡ có nhiều công dụng khác nhau; và trứng rùa thì tuyệt hảo. Cẩn thận mỏ và móng rùa.

* Đừng để xuống tinh thần. Sờn lòng thì chấp nhận được, nhưng đừng bao giờ chịu đầu hàng. Hãy nhớ rằng: Tinh thần là quan trọng nhất. Nếu ta có ý chí sống, ta sẽ sống.

Chúc may mắn!

Cũng có một vài dòng ngắn gọn chắt lọc từ nghệ thuật và khoa học hàng hải. Tôi học được rằng trong một ngày đẹp trời, lặng gió và với tầm mắt ở độ cao một thước sáu, thì đường chân trời cách ta khoảng hai dặm rưỡi.

Lời khuyên đừng uống nước giải là hoàn toàn không cần thiết. Chẳng có ai bị người ta gọi là “Pissing”, nghĩa là đang đi đái, từ thời thơ ấu chịu phải chết với một cốc nước giải trên môi, ngay cả khi chỉ có một mình giữa Thái Bình Dương. Còn các lời chỉ khuyên liên quan đến các món ăn chỉ làm tôi thêm tin chắc rằng người Anh không biết được ý nghĩa của từ thực phẩm. Ngoài những chi tiết đó ra thì cuốn sách cẩm nang là một tài liệu tuyệt vời. Chỉ có một chủ đề quan trọng không thấy nói đến: việc thiết lập mối quan hệ alpha – omega, chủ và tớ, với mấy con vật nuôi trên xuồng cứu nạn.

Tôi phải thiết kế một chương trình huấn luyện cho Richard Parker. Tôi phải làm nó hiểu được rằng tôi là con hổ đầu đàn và rằng lãnh thổ của nó chỉ là dưới sàn xuồng, kể từ cái ghế đuôi đến cái ghế giữa mà thôi. Tôi phải ấn vào đầu nó một ý thức rõ ràng rằng phần mui bạt và khu vực mũi xuồng, kể cho đến cái ghế nữa, là lãnh thổ của tôi, và tuyệt đối nó không được xâm phạm.

Tôi phải bắt đầu nghĩ cách câu cá càng sớm càng tốt. Chẳng mấy chốc, Richard Parker sẽ ăn hết chỗ thịt chết kia ở trên xuồng. Trong vườn thú, một con hổ hoặc sư tử đã trưởng thành trung bình ăn hết khoảng năm cân thịt mỗi ngày.

Và còn nhiều việc khác phải làm. Tôi phải tìm phương tiện che chắn cho mình. Nếu Richard Parker chúi dưới tấm mui bạt suốt ngày như thế là có lí do chính đáng lắm. Liên tục ở ngoài trời như thế này, nắng, mưa, gió, biển, sẽ làm kiệt quệ cả cơ thể lẫn tinh thần. Tôi đã chẳng đọc thấy rằng mưa nắng có thể đưa đến một cái chết rất nhanh đó hay sao? Tôi phải làm một cái mái che kiểu gì đó cho mình.

Tôi phải buộc cái bè vào với chiếc xuồng bằng một sợi dây nữa, đề phòng cái dây hiện nay bị đứt hoặc lỏng ra.

Tôi phải cải thiện bè. Hiện thời thì nó nổi đấy, nhưng khó lòng ở trên nó lâu được. Tôi sẽ phải làm cho nó tiện nghi hơn để sống cho tới khi có thể dọn về và ổn định chỗ của mình trên xuồng. Chẳng hạn như phải làm sao vẫn ở trên bè mà không bị ướt. Da dẻ tôi nhăn nhúm và sưng tấy khắp người do liên tục bị ướt. Tình trạng đó phải chấm dứt. Và cũng phải tìm cách cất giấu đồ ngay trên bè nữa.

Tôi phải thôi đừng hi vọng quá nhiều vào chuyện một con tàu sẽ đến cứu tôi. Không nên chờ đợi cái gì khác. Việc sống còn phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Theo kinh nghiệm của tôi, sai làm tệ hại nhất của một nạn nhân đắm tàu là hi vọng quá nhiều và hành động quá ít. Việc sống còn bắt đầu bằng ý thức để ý đến những gì sờ thấy lấy được. Trông chờ xa xôi với niềm hi vọng lười nhác cũng có nghĩa là mộng mị để cuộc sống của mình tuột đi dần dần.

Có biết bao nhiêu việc tôi phải làm.

Tôi phóng tầm mắt về phía chân trời trống rỗng. Sao mà nhiều nước đến thế. Còn tôi thì chỉ có một mình. Chỉ có một mình.

Tôi bật khóc. Nước mắt tôi nóng bỏng. Vùi mặt vào hai khoeo tay, tôi khóc tấm tức. Tình trạng của tôi chắc chắn là vô vọng rồi.

Bình luận