Hôm thứ 7 nọ chúng không đi học. Bởi vậy trong khi lo buổi ăn trưa, Anna bắt đầu băn khoăn không biết hai đứa trẻ này đi đâu. Còn Mira thì trở lại say sưa với cuốn tiểu thuyết mà cô ta giở trang này qua trang khác bằng một ngón tay ướt bẩn vì gọt khoai tây.
− Em thích món gì để tráng miệng nào: hạnh nhân hay phúc bồn tử. Anna hỏi em; có cả hai thứ đấy.
Lúc đầu Mira không đáp , sau đó cô ngẩng lên vẻ mặt tươi cười:
− Chỉ bảo gì, chị Anna?
Anna không thể kìm lại một lời chế diễu :
− Chị lấy làm buồn phải quấy rầy em, bây giờ vị Vương hầu của em làm gì rồi?
− Ông ta mỗi ngày thêm một ủ rủ.
− Chị rất ngại là ông ta muốn đánh đổi những viên hồng ngọc trứ danh của mình lấy một điều gì đó. Chị rất ghét cái trò nữ giám thị ở trường Trung học, nhưng vẫn phải nói với em là chị sẽ rất sung sướng nếu em cũng biết tập trung chú ý tới mức đó đối với sách Giáo khoa về tốc kí của em. Mira em biết đấy, gia đình ta đã rơi vào một tình thế hiểm nghèo. Chúng ta mắc nợ khắp nơi. Chị không muốn nghĩ tới việc gì sẽ xảy ra khi nhận được hóa đơn của hiệu thực phẩm cuối tháng này .
Mira nhún vai:
− Chị khỏi lo, ông khách trọ mới của nhà ta sẽ trả.
Anna sửng sốt nhìn em:
− Ai thế? Em nói người bệnh của ba ấy à, dầu sao trông ông ta cũng có vẻ rất dễ thương.
Thế là Mira reo lên ngay , vẻ hết sức tò mò:
− Thế nào chị đã gặp ông ta à, chị kể cho em nghe đi, ông ấy bảo gì chị, ông ấy là ai thế?
− Chị không biết và cả ba cũng quên hỏi tên ông ta.
− Em tin chắc là ông ta giàu có lắm, chị có thấy hành lí của ông ta không? Những chiếc vali bằng da lợn chắc phải mắc tiền lắm và xe của ông ta cũng rất đẹp.
− Nhưng có thể không phải xe ông ta.
− Có chứ, có cả gia huy trên cửa xe nữa kìa. Mira cãi lại để thuyết phục chị.
− Sao em biết?
− Em chỉ đi xem thôi mà. Trên cửa xe có hình một con thiên nga ngậm trong mỏ một cành lá. À chị Anna này, có thể là một vị Công tước, chị thử tưởng tượng xem …
Anna bật cười:
− Chị không thấy cái đó có thể thay đổi gì đối với chúng ta cả.
− Nhưng được biết một vị Công tước bằng da bằng thịt thì ghê lắm chứ. Chị chú ý xem, có lẽ ông ta cũng hoàn toàn bình thường. Thậm chí có thể có một vợ 6 con – đó là con số thông thường của họ.
− Vì sao em bảo là thông thường? Anna hỏi và thấy thích thú thật sự.
Mira làm ra vẻ quan trọng:
− Em muốn nói là trong cuộc sống ấy mà, chị biết đấy, một hôm em gặp một người đàn ông dễ thương trên xe lửa, khi chị gửi em tới Jxbocno, sau lúc em bị quai bị. Ông ta thật sự đáng quý, ông ta cho em ăn socola.
− Mira chị đã dứt khoát cấm em không được trò chuyện với người lạ trên tàu kia mà.
− Nhưng mọi việc đã diễn ra tốt đẹp. Có vô số bà già cực kì đáng trọng trong toa em. Chẳng sao cả, em tin chắc đó là một nhân vật quan trọng và hoàn toàn hấp dẫn. Nhưng khi ông ta xuống tàu, thì đứng đợi trên sân ga là một bà béo ụ mặc một chiếc áo dài cắt vụn về và ba trẻ nhỏ. Chúng hét toáng lên Baba. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông ta là một ông bố tốt bụng.
− Mira tốt bụng của chị, lẽ ra em phải hãm bớt đầu óc hay tưởng tượng của em lại – Anna dịu dàng chế diễu cô gái.
− Nhưng hi vọng luôn luôn nảy sinh.- cô em tuyên bố.
− Được, chị sẽ đi hỏi ông khách , chị sẽ nói: ” Thưa ông, chúng tôi rất muốn biết tên, địa chỉ, chức tước của ông và muốn biết ông có vợ có con chưa, còn gì nữa không nào? Nàng hỏi em giọng diễu cợt.
− Dĩ nhiên là có chị Anna ạ, chị quên điều quan trọng nhất. Mira đáp giọng tỉnh bơ.
− Quên cái gì vậy?
− Chị phải hỏi: Ông có tiền không? Và nếu ông ta không giàu có thì nên bảo ông ta trả tiền trước.
− Mira em bủn xỉn chẳng khác một cô gái Ai-len, cô chị phản đối và bước ra khỏi nhà bếp trong lòng thật sự vui vẻ.
*
− Tôi mang trà đến cho ông. Mira vừa nói vừa đặt khay trên bàn cạnh giường nằm và mỉm cười vui vẻ chào người bệnh.
Người bệnh ngước mắt với một thoáng ngạc nhiên.
Cô gái quay ra đóng cửa và tự giới thiệu:
− Tôi là Mira, tôi muốn nói chuyện với ông một chút. Có phiền ông không?
− Không phiền tí nào? Anh lễ phép đáp.
− Chuyện về ông ấy mà. Mira hạ thấp giọng xuống nói.- Tôi đã khám phá ra hết rồi: tôi biết ông là ai. Ông có muốn tôi giữ kín điều bí mật ấy không?
Từ trên giường người bệnh ngắm nhìn cô gái, khóe miệng thoáng vẻ hoài nghi:
− Cô đã khám phá ra điều gì vậy?
Mira bước lại tận chân giường và đứng tựa vào thành giường bằng đồng. Tự nhiên cô tạo được một tư thế cực kì duyên dáng.
− Khi chị Anna bảo chúng tôi tên ông là John Milton, tôi đã có phần nghi ngờ. Tôi đã có cảm giác rõ rệt ông không phải là một con người bình thường nào đó.
− Nhưng John Milton chính là tên tôi, tôi xin cam đoan với cô.
− Vâng, nhưng ông quên không nói rõ là ông có tước vị và ông chính là Sir John Milton, cũng như ông quên nói ông là chủ nhân tòa lâu đài Guyliver .
John Milton trả lời với một giọng có phần nghiêm trang:
− Tôi chỉ trả lời các câu hỏi của chị gái cô, còn cô, cô lấy từ đâu những tin tức ấy?
− Tôi đã nhìn thấy một chiếc phong bì thư trong túi áo khoát của ông ở tiền sảnh.
− Thế thì có khó gì, tôi lại cứ tưởng cô phải nhờ đến một vị thám tử cơ.
− Ông chế diễu tôi ư , thế mà tôi lại tới đây với những ý định tốt đẹp nhất trên đời. Nếu ông không muốn người ta biết ông là ai thì tôi xin không nói gì hết; vâng là như vậy.
− Tôi chẳng có một lí do nào để dấu hình tích mình cả! John đáp với vẻ nghiêm trang.
− Và quả là ông không phiền lòng về việc người ta biết ông là ai chứ? Mira vẫn nài nỉ.
− Không tuyệt nhiên không.
− Ghê thật, ông nghĩ xem cả làng sắp loạn cả lên thôi, và vinh dự cho Ba tôi biết chừng nào, mặc dù tôi đoán là ông sẽ chia tay chúng tôi rất sớm để đi London cho một chuyên gia lừng danh chạy chữa.
− Sao cô lại nghĩ như thế?
− Làm sao tôi lại không nghĩ ngay như thế được? Hết sức tự nhiên thôi mà, tôi đã thấy nhiều bức ảnh chụp ông và tòa lâu đài của ông trên báo. Ông làm chính trị hay cái gì đại khái như thế, có phải không nào?
− Tôi là nghị sĩ.
− Tôi thấy tất cả cái đó thật hấp dẫn. Tôi đinh ninh ông là một nhân vật quan trọng mà. Anna chế diễu tôi nhưng tôi đâu có nhầm.
− Cô lại còn nghĩ tôi là một hoàng tử đi vi hành nữa chứ.
Mira tỏ vẻ bối rối, rồi đỏ ửng mặt phản đối:
− À ông đã nghe chúng tôi nói, thế mà chúng tôi lại nghĩ là ông đang ngủ.
− Thì chị em cô đã đánh thức tôi dậy mà.
− May sao ông không nói gì hết với Ba tôi. Nếu không thì chắc ông cụ phải giận chúng tôi lắm.
− Tôi không thể hình dung Ba cô có thể nổi giận được.
Mira mỉm cười:
− Ba tôi hiền như đất phải không, rồi cô gái thở dài và rầu rĩ nói tiếp, nếu chỉ cần chú ý chút xíu thôi tới tiền bạc thì ông cụ sẽ là một con người tuyệt vời. Chúng tôi nghèo khốn nghèo khổ.
John mỉm cười, vẻ nghịch ngợm:
− Tôi cũng có nghe ít nhiều về cái đó, nhưng nói ra điều ấy, chính là chị gái cô, hình như phần lớn bệnh nhân quên trả tiền công cho Bác sĩ.
Mira ngồi xuống ghế cạnh giường:
− Chắc ông nghĩ chúng tôi là một gia đình khốn khổ, nhưng ông không thể hình dung người ta vất vả ra sao trong nghèo đói đâu.
− Dẫu sao tôi cũng hình dung được chút đỉnh.
− Không thể được, làm sao ông có thể hình dung được khi ông ở trong lâu đài Guyliver?
− Tôi không sống thường xuyên ở đấy, tôi có nhiều quan hệ với các giới khác. John cãi lại như thể để được tha thứ về sự giàu có của mình.
− Hơn nữa ông là đàn ông, và đàn ông không đau khổ vì đói nghèo như đàn bà, đàn bà chúng tôi phải quan tâm đến áo quần.
− Đúng thế, nhưng cô nói cho tôi biết chút ít về gia đình ta, vì sao các cô lại nghèo đến thế?
− Cái đó tôi không hiểu ra sao cả, dĩ nhiên chúng tôi đông chị em quá, dẫu sao cũng không phải lỗi tại chị Anna, chị ấy là một người quản lí gia đình ngoại hạng. Từ ngày Mẹ chúng tôi mất cách đây 7 năm, chị ấy là người nội trợ. Nhưng Ba thì thật chán. Ông cụ có thể cởi Sơmi ra biếu bệnh nhân và đem cho người ta đến tận đồng xu cuối cùng. Còn bảo bệnh nhân trả tiền thì làm sao ông cụ lại có thể nghĩ đến việc đó được khi ông cho rằng được làm thầy thuốc đã là một đặc ân tuyệt vời rồi.
− Và dĩ nhiên cô là người đau khổ về cái đó, tôi muốn nói là chị em cô. John hỏi với một thoáng châm biếm.
Anh nhìn Mira, xét nét khuôn mặt cô gái lanh lợi và nghịch ngợm. Anh cảm thấy cô ta trung thực, nói năng một cách vô tư đến xúc động và trong đó phảng phất một vẻ ngây thơ.
Nhưng một tiếng nói nội tâm lại như bảo anh:” Cô ta có thơ ngây như thế không? Hay có mưu toan gì đây, dẫu sao nếu là một mưu toan để kiếm chác thì quả là một màn kịch khéo dàn dựng “.
Không mảy may nghi ngờ những điều suy nghĩ của John, Mira tiếp tục điềm nhiên trò chuyện :
− Ông bảo chúng tôi có đau khổ không à? Tất nhiên là có. Ông có biết người ta bắt tôi làm gì không?
− Tôi làm sao biết được.
− Bắt học tốc kí và tôi không thấy có gì đáng chán hơn. Giọng nói hầu như bi thảm.
− Vậy cô muốn làm gì? John buột miệng hỏi.
− Vấn đề gay go đấy, tôi phải thừa nhận là không một nghề nghiệp nào làm tôi thích thú cả. Tôi ghét đàn bà làm việc, còn ông thì sao? Có gì đâu, tôi muốn dạo chơi, muốn dự những buổi tiếp khách, vui đùa và gặp gỡ những con người thú vị: đó là những điều làm tôi thích thú.
− Cô có thể cho tôi biết thế nào là những người mà cô gọi là : người thú vị” không? John hỏi giọng hơi chế diễu.
− Vâng chủ yếu là những con người hào hoa, những người được nói tới trên những trang báo viết về sinh hoạt thượng lưu. Tôi biết tên tuổi và những bức ảnh của họ trên báo khi họ đi đó đi đây. Như ở toà lâu đài Guyliver chẳng hạn.
− Tóm lại cô muốn được mời tới lâu đài Guyliver?
− Ồ vâng dĩ nhiên là thế! Mira reo lên không chút do dự ( nhưng sau đó cô rầu rĩ và nói thêm), nhưng nghĩ tới điều đó mà làm gì? Dù ông có ý định mời chúng tôi để cảm ơn chăng nữa, chúng tôi cũng không sao đi được.
− Vì sao vậy? John ngạc nhiên hỏi .
− Vì chúng tôi đâu có áo quần cho thích hợp, ông hãy hình dung các cô bạn gái của ông khinh khỉnh nhìn chiếc áo dài Chủ Nhật của tôi ra sao. Tôi muốn ông nhìn thấy nó, tôi mặc nó đã bốn năm nay và trước tôi lại là chị Anna nữa kìa.
John cười anh khoan khoái hiểu ra rằng, không hề có trò dối trá bất lương nào hết. Cuối cùng vẻ thơ ngây của cô gái dễ thương càng làm anh thích thú:
− Thế cô Anna có áo dài mới sau khi cho cô áo không? Anh đánh bạo hỏi.
− Chị ấy có một bộ đồng phục, và dạo này tôi khát khao nó lắm, một bà chị họ rất giàu có đã cho chị ấy đấy.
− Thế ra nhà ta có những bà con giàu có?
− Chị Nelly đã mất, một bà chị rất mực dễ thương, tuổi suýt soát chị Anna, chị ấy chết trong một vụ ném bom.
− Tôi hiểu, tôi hiểu. Thế là không còn những tấm áo dài trang nhã nữa phải không?
− Đành phải chịu vậy. Mira vui vẻ tuyên bố, còn ông trong lúc ở đây, nên tìm hiểu người nghèo sống ra sao.
− Cô cần cho tôi biết nhiều điều về nhà ta hơn nữa, tôi nghĩ là cô có một cô em gái phải không, và hình như sáng nay tôi cũng nghe cả tiếng nói của một chú bé khi chị em cô nói chuyện gần cửa sổ.
− Ông nói tới cặp sinh đôi Angtony và Angtonet chứ gì? Hai đứa bé nghịch ngợm như quỷ sứ, nhưng không sao cấm chúng quấn quýt nhau được, vả lại chính vì chúng nó mà tôi tới đây.
− Sao vậy?
− Vì chúng lại vừa làm cái trò hết sức dại dột mà chị Anna đang phải đi dàn xếp, vì vậy chị ấy bảo tôi mang trà đến cho ông. Nếu không tôi chẳng bao giờ có dịp được nhìn thấy ông tuy tôi rất muốn.
− Tôi rất lấy làm vinh dự, nhưng tôi nghĩ là cô đã có dịp nhìn thấy tôi rồi kia mà, Anh nói giọng đượm chút trêu chọc. Chắc hẳn cô Anna sẵn sàng cho phép cô tới đây chứ?
− Chỉ có một mình chị ấy thay thế cô y tá nỗi khi cô ta vắng mặt thôi, nhưng chiều nay chị ấy phải đến nhà bà Brown vì chuyện hai đứa bé sinh đôi. Chị ấy nhất thiết phải đến xin lỗi. Bà Brown là chủ hiệu thực phẩm và chúng tôi còn nợ bà ấy nhiều tiền lắm. Điều đó rất quan trọng như ông thấy đấy.
− Đúng như thế, điều đó dễ hiểu thôi, anh nghiêm trang nói, nhưng các cô cậu đã làm gì thế?
− Kì cục lắm không sao nhịn được cười, thằng bé nhà Brown là một đứa trẻ độc ác và được nuông chiều. Bố mẹ nó cho nó ăn những của ngon vật lạ nhất trên đời. Không biết có phải vì thế hay không, nhưng Eric béo ú bụng phệ và vô cùng độc ác. Chúng tôi thường thấy nó hành hạ loài vật: Đúng thế, sáng hôm nay, hai đứa em tôi thấy nó bắt một con mèo và buộc một cái xoong vào đuôi mèo, chúng liền theo dõi và khi Eric buộc xoong xong, chúng nhảy vọt tới, thả con mèo tội nghiệp ra và vớ lấy chú ta, dẫn tới trước khu đổ rác rồi moi xoong chảo cũ và đủ thứ phế thải buộc vào quanh người nó, biến thằng bé thành một thứ quái vật kinh dị, với một cái xoong cũ trên đầu, nồi chảo và sắt vụn kéo lê thê sau lưng, chúng lôi nó đi diễu khắp làng. Tất nhiên tiếng xủng xoảng vang lên kinh khủng và cả làng đổ ra cửa xem. Thằng bé Eric hét lên vừa tức giận vừa sợ hãi vì hai đứa bé sinh đôi bắt nó chạy với tất cả những thứ lỉnh kỉnh đó. Cuối cùng cả làng đổ ra.
− Chúng làm thế nào để buộc thằng bé phải chạy?
− Eric có đôi chân to tướng và hai đứa trẻ kia lấy những cành tầm ma ra trò và dọa quất vào bắp chân nó .
John cười vang.
− Ông cứ tha hồ cười, chắc hẳn ông thú vị lắm, nhưng lúc này chị Anna tội nghiệp đang phải thương lượng với bà Brown, chẳng có gì vui đối với chị ấy cả.
− Tôi thành thật thông cảm với cô Anna, nhưng tôi thấy việc làm của hai đứa bé chỉ là sự công bằng thôi và chúng rất đáng được ngợi khen.
Mira không cười:
− Hoàn toàn không phải vậy, chúng bị phạt và nhốt vào buồng, nhưng ông đừng áy náy về chúng, tôi biết tính nết chúng, chắc hẳn chúng lại đang mưu mô một cái trò gì mới nữa đấy.
− Tôi cảm thấy rất muốn được làm quen với đứa bé sinh đôi ấy. John vui vẻ tuyên bố.
− Ông phải hỏi Ba tôi hay chị Anna xem, vì nếu tôi đưa chúng tới đây và về sau tình trạng sức khỏe ông có chuyện lôi thôi thì tôi có thể gặp nhiều điều phiền phức lắm.
− Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm. John vui vẻ nói, tôi đã nghỉ ngơi suốt cả buổi chiều và bây giờ cảm thấy hết sức khỏe mạnh .
Mira ra vẻ nghiêm trang:
− Phải hai ngày nữa mới quyết định được về sức khỏe của ông, trước đó thì chưa thể nói gì được hết. Nhưng nếu ông cảm thấy mạnh khỏe như thế thì tôi nghĩ là ông sẽ ra về.
− Tôi không hề có ý nói như thế. John lên tiếng phản đối, tôi chẳng có lí do gì để vội vã cả, ở đây tôi cảm thấy rất thoải mái.
− Không thể như thế được, chắc chắn ông không thể thấy mình sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi khi ở nhà chúng tôi được. Ông nhìn căn phòng này xem, nó thật tồi tệ so với căn phòng ở nhà ông.
− Chắc chắn là không, vả lại có là ngốc nghếch mới đem những chốn hoàn toàn khác nhau mà so sánh với nhau. John đáp giọng nghiêm trang.
Không hiểu vì sao mình bị chỉnh như vậy, cô gái kêu lên:
− Ồ ông giận tôi ấy à?
− Tôi không giận, tôi chỉ thấy cô quá coi trọng đời sống thượng lưu, lâu đài Guyliver làm cô mất bình tĩnh, nó là một chốn có sức quyến rũ vì là một di tích lịch sử, chứ đâu phải vì…
Anh chưa nói hết câu thì cánh cửa bỗng mở ra và Mira vội đứng dậy. Anna bước vào, khoát một chiếc áo mang tô nhẹ bên ngoài áo dài mùa hạ, mũ cầm tay, nàng tỏ ra nhẹ nhõm:
− Tốt , em ở đây đấy à, Mira, thế mà chị băn khoăn không biết em đi đằng nào?
− Em nói chuyện dông dài với ngài John. Mira đáp và cố tình nhấn mạnh từ ” ngài” .
Anna ngoảnh về phía giường với một ánh mắt ngạc nhiên trong lúc bất giác nhắc lại:
− Ngài John à?
− Cô em gái của cô lên án tôi đã dối trá với cô sáng nay, cô thử hình dung xem, nhưng tôi xin cam đoan với cô, cô Sippho là tôi không hề có ý định đó.
Mira không thể kiên nhẫn hơn:
− Chị Anna này, ngài đây là ngài John Milton, chủ nhân tòa lâu đài Guyliver, chị còn nhớ chứ , chúng ta có lần được xem ảnh chụp lâu đài ấy trong một tờ tạp chí và tấm tắc khen ngợi ấy mà .
Anna hết nhìn cô em gái lại đến nhìn người bệnh. Nàng sững sờ và hai má ửng hồng trong lúc nàng vội vã nói:
− Ông thứ lỗi cho, sáng nay tôi đã không chú ý liên tưởng. Tôi lấy làm xấu hổ vì thiếu xót ấy.
− Nhưng cô có hề thiếu xót gì đâu. John Milton sốt sắng phản đối.
Với thái độ nghiêm trang và uy quyền thường ngày, Anna nói tiếp như thể nàng cảm thấy cần phải làm chủ tình thế:
− Mira, em không nghĩ là đã đến lúc em phải đi uống trà rồi hay sao? Em bảo với hai đứa là chúng có thể xuống được rồi đấy.
Rồi với một thái độ lịch sự đúng phép cô nói với John nhưng tránh ánh mắt của anh:
− Ông không muốn uống trà trong khi còn nóng hay sao?
Trước khi ra cửa, Mira quay lại, giả vờ hơi nhíu mày một chút phía sau lưng chị gái và nghịch ngợm nhìn người bệnh .
John cảm thấy phải nói một điều gì đó:
− Tôi đã giữ cô em gái của cô lại nói chuyện. Tôi mong điều đó không làm phật ý cô, cô Sippho .
Anh ngạc nhiên trước sự khác nhau đến kì lạ giữa hai chị em, đôi mắt của Anna cũng trong sáng và ngây thơ, nhưng vầng trán thanh thản và khuôn mặt đẹp hơi đượm chút lo âu toát ra một vẻ thông minh sắc sảo. Nàng quay đầu lại và dịu dàng nói:
− Ngài John, tôi xin ngài đừng khuyến khích Mira, em nó đang trải qua một thời kì lãng mạn bột phát, biết ngài là chủ nhân tòa lâu đài Guyliver, nó sẽ xây dựng những giấc mơ phi lí không sao tưởng tượng nổi đấy và sẽ xem ngài là vị hoàng tử trong các câu chuyện thần tiên mất thôi. Nó còn trẻ và rất ngây thơ, tôi không muốn nó phải đau khổ.
− Cô nghĩ là một bộ óc lãng mạn và trí tưởng tượng có thể có hại hay sao?
John nói thế chỉ là vì niềm vui thích được nghe giọng nói của Anna. Một nếp nhăn lớn biểu lộ nỗi lòng băn khoăn hằn lên trên vầng trán cô gái và nàng cân nhắc kĩ câu trả lời:
− Tôi thấy Mira cần bồi đắp thêm lí trí trước khi bước vào đời. Tôi rất lo sợ về tất cả những gì có thể xảy ra đối với nó, nó đẹp biết chừng nào. Cuối cùng nàng nói, vẻ suy tư.
− Cô phải làm Mẹ cho cả một gia đình đông người như thế mà còn trẻ quá. John nhận xét.
− Không, tôi đâu còn quá trẻ nữa, tôi đã 21 tuổi rồi, vả lại chúng đều rất dễ thương, ngay cả BA tôi cũng vậy, cũng lại là trẻ thơ nhất kia đấy.
− Thế cô đã dàn xếp ổn thoả vụ hai đứa trẻ gây ra ban chiều chưa?
Anna mỉm cười và nét mặt dãn ra:
− À Mira nói chuyện với ông à? Vâng ổn thỏa rồi, bà Brown sẵn sàng tha lỗi cho chúng nếu chúng viết thư xin lỗi bà ấy. Bà ta bị nhục trước mắt cả làng: đấy là điều quan trọng trong vụ này, hai đứa bé phải hiểu được điều đó.
− Và cô nghĩ là chúng chịu viết?, John hỏi.
− Dĩ nhiên nếu tôi bảo chúng viết, chúng sẽ nghe lời thôi, xét cho cùng chúng là những đứa trẻ dễ thương. Chỉ có điều chúng làm những việc dại dột là vì dư thời giờ. Lẽ ra chúng phải đi học ở một trường khác, hợp với lứa tuổi, chúng cũng phải chơi thể thao. Nhưng thôi, tôi không muốn làm phiền ông với những công chuyện của gia đình. Tôi cũng rất mong là Mira đã không làm phiền ông.
− Tất cả những điều hai chị em cô có thể kể cho tôi nghe, không hề có gì có thể làm phiền tôi, tôi xin cam đoan như vậy.
− Ông thật tốt bụng, nhưng trà của ông đang nguội đi đấy. Bây giờ xin mời ông, ông uống đi.
Sau khi nàng lui gót anh mơ màng một lúc lâu. Hai chị em Sippho khác với mọi người phụ nữ mà anh đã từng gặp, nhan sắc họ không gây ấn tượng đặc biệt đối với anh: anh đã quen nhìn phụ nữ có nhan sắc. Nhưng anh đã nhiều lần làm mồi cho những người đàn bà dối trá muốn kiếm chồng, anh chưa một lần gặp sự thẳng thắn, tính tình tự nhiên và vẻ thơ ngây như của Mira và cũng chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào có tính tình dịu dàng đôn hậu như Anna.
*
Mira lên gác tìm hai đứa bé sinh đôi và kể với chúng cái tin lớn: “Và ông ấy có sân chơi Polo, sân tennnis và bể bơi gia đình lớn nhất nước Anh. Và nhà có tới hàng trăm hàng trăm phòng. Ông ấy rất giàu. Chị bứt rứt không biết số tạp chí có bài phóng sự về lâu đài Guyliver lẫn đi đâu. Thế nào cũng phải tìm cho ra. Cô ta kết luận trước hai đứa trẻ như bị thôi miên.
Đúng lúc đó nghe có tiếng bước chân trong hành lang, Anna xuất hiện.
− Vì sao các em không xuống ăn chiều? Nàng hỏi to .
Mira nhảy bổ ra cửa :
− Em đang kể cho chúng nghe về ngài John Milton, chị thấy có ghê không?
− Chị chẳng thấy ghê ở chỗ nào cả, ông ấy tình cờ đến nhà ta và sẽ chóng ra đi thôi mà. Anna đáp không tỏ vẻ gì sốt sắng cả.
− Chính ông ấy đã bảo em là ông chẳng vội vã gì hết.
− Dù có thế chăng nữa thì chị cũng chẳng thấy có lợi gì. Không phải sự có mặt của ông ấy sẽ thu hút nhiều khách hàng quan trọng cho Ba, giả dụ chúng ta có trương lên phía trên cửa cái tấm biển ghi:” Bác sĩ Sippho, thầy thuốc đặc biệt của Ngài John Milton” đi nữa. Anna đáp giọng hài hước.
Vốn không thích những sự chế diễu. Mira vừa lao ra cửa vừa hét tướng :
− Được, chị cứ làm theo ý chị. Một bệnh nhân giàu có cũng không có gì đáng chú ý hơn một bệnh nhân khác đối với chúng ta, đương nhiên là như thế. Ngôi nhà lịch sử kì diệu nhất của nước Anh cũng như chủ nhân của nó chẳng có nghĩa lí gì đối với chúng ta cả. Rốt cuộc em phải nghĩ rằng chị chẳng có chút óc tưởng tượng cũng như chút trí phán xét nào cả, chị Anna tội nghiệp ạ.
Cô ta đóng sập cửa lại sau lưng trước bộ mặt ngơ ngác của hai đứa trẻ.
− Chị không hề muốn làm chị ấy phật lòng. Anna nói vẻ buồn rầu.
− Chị ấy sẽ bình tâm lại thôi , chị đừng lo. Angtony tuyên bố, chị cứ cho chúng em biết tình hình ra sao với bà Brown thì hơn.
− Bà ấy sẵn sàng tha lỗi cho các em, nhưng mỗi em phải viết cho bà ấy một bức thư xin lỗi. Ôi chị van hai em, các em đừng có chơi những cái trò tai quái ấy nữa đối với những nhà buôn chúng ta đang thiếu nợ . Hiện nay chúng ta chưa thanh toán được hoá đơn cho hiệu thực phẩm. Các em phải cố mà hiểu.
− Chúng em không hề nghĩ tới cái đó, có phải thế không Angtonet?
− Đúng thế. Và chúng em rất ân hận, chị biết cho, chị Anna. Cô bé vừa khẳng định vừa nhảy lên ôm cổ người chị của mình.
− Thôi đừng nói chuyện ấy nữa, các em. Hai em biết không, nhìn thấy thằng bé Eric tai quái ấy ngồi vênh váo và khóc tỉ tê trong chiếc ghế bành đẹp nhất của nhà nó, chị không còn mảy may muốn quở trách các em nữa. Chỉ có điều các em phải biết điều: các em biết rõ là chúng ta đang gặp khó khăn về chuyện tiền nong.
− Vâng, chúng em biết lắm, Angtoanet thở dài, nhưng…
− Nếu người bệnh đang ở nhà ta quả giàu có như chị Mira bảo, Antony thốt lên, thì hi vọng dẫu sao ba cũng bắt ông ta trả thật đắt tiền công và tiền ăn ở nhà ta chứ.
− Ông ấy phải ở lì ở đây cho đến hết đời thì chúng ta mới trả hết nợ nần được. Anna mỉm cười và nói. Chị không nghĩ ông ấy có ý định đó. Ồ tiền bạc thật là điều thật phiền toái. Còn em, Angtony, em cần có một bộ quần áo mới .
Chú bé nhìn cái quần phalanen màu xám đang mặc.
− Ở trường, bọn bạn bắt đầu nhảy nhót quanh em, và kêu toáng lên thằng quần vá, nhưng trong hành lang trong khi thầy giáo quay lưng đi, em đã sửa cho chúng một trận ra trò và thế là chúng không dám tiếp tục nữa.
Anna thở dài, nàng không muốn thổ lộ gì trước mặt Angtony, nhưng nàng ghét bọn trẻ lêu lổng trong làng mà chú bé buộc phải gần gũi. Chúng lại ganh tỵ với cậu bé con ông Bác sĩ vì vô số lí do, nên hễ có cơ hội là chúng ra sức chế diễu. Nàng không thích như vậy nên không bình luận gì hết mà chỉ nói:
− Cả hai em mau đi xuống với chị, chị mang về một thứ ra trò cho buổi ăn chiều đấy.
− Những thứ gì thế? Angtony hỏi ngay.
− Dâu tây và kem tươi.
− CẢ kem nữa à, Angtoanet nhắc lại. Ồ ồ làm sao chị kiếm được chị Anna ?
− Trên đường về chị dừng chân ở trại chăn nuôi, bảo họ mang đến cho nhiều sữa hơn thường ngày vì có người bị nạn ở trong nhà, thế là cô Drew cho chị một thùng kem to và bảo: ” cho bọn nhỏ đấy”.
− Bọn nhỏ, bọn nhỏ, Angtony lầm bầm giọng giận dữ. Nhưng cũng chẳng sao, cô ấy tốt thật đấy, rồi quay sang em gái; chúng ta xuống chứ Antoanet?
Cô chị cả chưa kịp bước thì chúng đã nhảy xuống nhà, nàng thấy chúng quá ồn ào trong khi có người bệnh, nhưng không can đảm rầy la chúng. Chúng rất ít khi được ăn những thứ ngon lành trong lúc đang ở vào lứa tuổi mà kẹo bánh và thức ăn là những cái hấp dẫn hơn cả, và nàng lấy làm buồn là không thể cưng chiều chúng nhiều hơn. Bởi vậy vừa chợt nghĩ có lẽ nên đưa dâu tây mời John nàng đã vội gạt đi ngay. Tất cả những điều Mira vừa kể về lâu đài Guyliver làm lòng nàng se lại:” Ông ta cần gì đến dâu tây, ông ta có biết bao thứ, trong lúc các em mình chẳng có gì” .
Anna có thói quen trích từ phần ăn của mình những thứ ngon lành nhất dành cho Angtony. Ở thằng đó có một cái gì đó luôn luôn khiến nàng xúc động, và trong lúc hết sức yêu mến hai đứa em gái, nàng vẫn không thể không quý nó hơn. Mặc dù can đảm và quả quyết, nó vẫn luôn luôn có vẻ bé bỏng và cô đơn giữa những đứa khác, chỉ có con em sinh đôi là bạn duy nhất của nó.
Chắc hẳn trong ba đứa trẻ thì Angtony đau khổ hơn hết vì thiếu mẹ. Lúc mẹ mất nó mới lên 5 nhưng Anna vẫn thấy nó giữ một kỉ niệm dai dẳng về mẹ. Nó thường nói chuyện về mẹ, đặt ra đủ thứ câu hỏi kì lạ, và nàng nhận thấy nó chất chứa vào lòng tất cả những gì có thể làm phong phú thêm hình ảnh của mẹ.
Angtoanet thì khác hẳn, con bé thật sự yêu quý bố, thực tế hơn và cũng độc lập hơn, nó thấy tình thương của bố và của thằng anh sinh đôi là đầy đủ cho hạnh phúc của mình.
Chúng gần ăn chiều xong thì Anna sực nhớ là nàng quên một điều gì.
− Ông John có nhờ em gửi một bức điện không? Nàng hỏi Mira.
− Không, nhưng sao vậy?
− Sáng nay ba bảo chị là ba phải hỏi ông John tên và địa chỉ người mà ông ta muốn báo cho biết tin vụ tai nạn. Nhưng có phần chắc là ba lai quên mất thôi.
− Có thể ông ta đã gửi điện qua người cảnh sát đến gặp sau bữa ăn trưa. Angtony gợi ý.
− Có thể, nhưng biết được chắc chắn thì hơn, để chị đi hỏi ông ấy vậy. Anna bảo.
Ra vẻ thản nhiên tuy không đánh lừa được một ai, Mira đề nghị:
− Em có thể đi hỏi, nếu chị muốn?
Nhưng Anna đứng dậy đáp:
− Không không, em không phải lo, để chị đi.
Khi nàng bước vào phòng, John đang nhắm mắt nằm trên giường, nàng ngập ngừng chờ một lát.
Thấy anh ngoảnh đầu ra, nàng nói khẽ giọng hơi bối rối:
− Tôi rất buồn phải quấy rầy ông, tôi vừa sực nhớ là sáng nay, ba tôi bảo là có thể ông cần gửi một bức điện cho người nhà yên tâm.
− Ba cô cũng đã bảo tôi sáng nay, nhưng tôi không phải báo cho bất kì một ai hết.
− Nhưng người ta sẽ lo lắng. Anna nài nỉ.
− Thế cô muốn ai lo lắng cho tôi.
− Tôi không rõ. Chắc hẳn có một ai đó băn khoăn về sự vắng mặt của ông, mẹ ông hay vợ ông chẳng hạn.
Anh đáp giọng rầu rĩ:
− Ba bốn ngày nữa thì mẹ tôi mới mong tôi, và tôi chưa có vợ, em gái cô chưa cho cô biết điều đó ư?
Anna im lặng, tự ái về lời hàm ý đó đối với sự tò mò của em gái. Nàng là người đầu tiên phản đối tính tò mò của Mira, nhưng không chấp nhận người khác dám công kích em trước mặt mình. Cuối cùng hiểu John đùa và muốn trêu chọc mình, nàng mỉm cười:
− Gia đình chúng tôi chẳng bao giờ để ý tới những lời nhảm nhí của Mira, còn nếu ông tin chắc là không có ai…
− Tôi sẽ tự tay viết thư cho mẹ tôi, như thế bà sẽ bớt xúc động, còn người nhà ở Lon don thì đã quen việc tôi đi đi về về mà không hề báo trước. Vì vậy không việc gì phải gửi điện. Tôi chỉ xin cô, tối nay hoặc sáng mai, cho tôi xin giấy viết và cây bút.
− Tôi đi lấy cho ông ngay bây giờ, cô gái bỗng nhiên e lệ vội vã đáp.
Lúc trở lại, nàng có thái độ dè dặt và quay ra ngay, không tìm cách tiếp tục nói chuyện.
Nàng vừa nhận ra cái vực thẳm ngăn cách hai người. Không thể có một chút gì đồng nhất giữa thế giới của người đàn ông giàu sang, có địa vị quan trọng kia với cái vũ trụ nhỏ bé, cái bầu không khí gia đình vui vẻ và lam lũ của nàng. Sự gia nhập mang tính bi kịch của ngài John Milton vào gia đình nàng chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, và không nên bằng bất cứ giá nào sự có mặt nhất thời của ông ta làm thay đổi nếp sống của cha con và chị em nàng.
” Ông ta ra đi càng sớm càng tốt, sự có mặt của ông ta kích động quá mức Mira, và bất kì ai trong nhà này cũng không cần biết, dù chỉ là biết qua, những gì xảy ra trong cái thế giới lộng lẫy và kì ảo của họ, xa lạ đối với gia đình mình.”