Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Cuốn Theo Dòng Xoáy

Chương 3

Tác giả: Barbara Cartland

− Thế ra đây là nhà bếp. Một giọng nói vui vẻ cất lên .

Anna đang lau sàn nhà, quay lưng ra cửa. Nàng kêu lên một tiếng kinh ngạc và quay lại. John đứng trên bậc thềm, anh đứng tựa vào chiếc can và nhìn nàng, không dám bước thêm, nét mặt vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Thấy vậy nàng nói giọng nghiêm khắc :

− Ông cần gì ở đây? Tôi đinh ninh ông đang ngồi nghỉ ngoài vườn.

− Lúc nãy tôi ở ngoài ấy, anh đáp và mỉm cười, nhưng tôi bắt đầu chán. Thế là tôi đi kiếm một cuốn sách hay một người nào để chuyện gẫu. Lúc thấy cô ở đây, tôi ngỡ là cô Britgo. Thế cô đang làm gì ở đây vậy cô Anna?

− Ông thấy rõ là tôi đang làm gì chứ.

− Nhưng cô đâu buộc phải tự tay lau nhà, anh tỏ vẻ kinh ngạc.

− Có chứ, những ngày cô Britgo không đến, về nguyên tắc cô ấy chỉ làm việc ở đây ba buổi sáng mỗi tuần. Hiện cô ấy bị ốm và trong 15 ngày tới, sẽ không có mặt ở đây. Cô bị suyễn và huyết áp cao vì uống quá nhiều bia, ít nhất đó cũng là điều ba tôi bảo.

− Thế cô không còn ai khác?

− Để làm công việc này phải không ạ?

− Dĩ nhiên, cô đâu phải sinh ra để làm những công việc như vậy.

− Ông biết thế nào được? Tôi thường làm công việc đó vì nếu thuê một người làm thay cô Britgo thì phải trả công.

− Tôi không hiểu sao ba cô lại để cô phải làm việc đó.

Anna ngẩng đầu và bật cười trước vẻ mặt phẫn nộ của John:

− Ba tôi cứ tưởng sàn nhà tự lau nó, và các bữa ăn được nấu nướng bằng ảo thuật, ông bố thân yêu tội nghiệp của chúng tôi là như vậy đó. Bây giờ ông John, mời ông trở ra vườn nghỉ ngơi và quên chuyện cỏn con của gia đình chúng tôi đi. Và nếu ông nghe lời thì lát nữa tôi sẽ mang tới cho ông một li cà phê đá ra trò.

Nàng nói với anh như nói với một đứa trẻ đang quấy phá nàng trong khi làm việc, nhưng John không nghe theo, anh chậm rãi đi qua nhà bếp, đến ngồi trên một chiếc ghế trước cửa sổ và điềm tĩnh lên tiếng:

− Tôi cần nói chuyện với cô, cô Anna .

Nàng định phản đối nhưng rồi nhượng bộ trước vẻ mặt cương quyết của anh:

− Vâng, nhưng xin ông chờ cho tôi xong việc, chỉ còn một góc nhỏ nữa thôi.

Rồi nàng quay lưng lại và tiếp tục kì cọ rất mạnh sàn nhà mà không quan tâm gì đến anh. John không rời mắt khỏi nàng nhưng không nói nửa lời và chờ cho tới lúc nàng nói to :

− Được rồi, mọi việc đã xong.

Nàng bỏ bàn chải cùng giẻ lau vào chiếc thùng để cạnh và cởi tạp dề ra:

− Tôi đã sẵn sàng, ông có điều gì nghiêm trọng cần nói với tôi thế?

Vẻ mặt tươi mát và dịu dàng của Anna làm John xúc động. Chiếc áo dài của nàng cũ kĩ và bạc màu nhưng sạch sẽ và vừa mới ủi xong. Một bông hồng hé nụ cài trên cổ áo, màu hoa tôn thêm nước da trắng muốt của nàng .

Thấy John vẫn im lặng , nàng dịu dàng hỏi:

− Có việc gì không ổn phải không ạ? Ông có vẻ tư lự.

− Không, mọi cái đều ổn, anh đáp nhanh.

− Lẽ ra ông không nên đi như thế, ông chưa nên bắt cái chân ấy làm việc, ông biết rõ ba tôi đã nói thế nào rồi, ông cần nghỉ ngơi. Tôi sẽ thưa với ba tôi là ông không nghe theo những lời dặn dò của ông ấy.

− Ba cô không làm tôi sợ, John vui vẻ đáp, vả lại chính cô lại ra lệnh cho tôi nhiều hơn là ông cụ kia đấy.

Anna cười:

− Thì ra ông định công kích tôi, phải không nào? Tôi không lầm đâu nhé, tôi biết trước là ông sẽ rao khắp thiên hạ rằng tôi là một con bé thích chỉ huy, chỉ vì trong một gia đình cần phải có một người chỉ huy và trên thực tế người ấy là tôi.

− Chính đó là điều tôi muốn nói chuyện với cô, tôi ở nhà ta thấm thoắt đã 10 hôm thế mà tôi chưa đưa một đồng xu nào. Tôi không như ba cô đâu, tôi biết là mọi cái ăn đều phải mất tiền và mọi dịch vụ phải được thù lao. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề ấy, và vì tôi đoán biết tính toán tiền ăn ở của tôi là điều phiền phức cho cô nên tôi đề nghị thế này: tôi xin trả theo giá như ở bệnh viện đã mổ ruột thừa cho tôi cách đây ba năm. Cô đồng ý chứ?

− Tôi thấy có lẽ là tùy ông. Vậy ở Bệnh viện ấy ông đã trả bao nhiêu?

− Mỗi tuần 25 ghine( một ghine = 21 xilinh) .

Anna ngạc nhiên thốt lên:

− Sao? Nhưng ông không có ý định ở đây cũng trả theo giá ấy chứ? Không bao giờ chúng tôi dám nhận nhiều đến thế.

− Tôi không hiểu, vì sao vậy?

− Trước hết đó là một món tiền khổng lồ, vả lại chạy chữa cho ông ở gia đình chúng tôi đâu có tốn kém đến thế. Không phải vì ông mà ba tôi phải trả thêm cho cô y tá, vì sáng nào cô ấy cũng làm việc ở bệnh xá. Về cái ăn thì chúng tôi chỉ dọn cho ông được những bữa ăn rất đơn sơ, gần tương tự các món ăn của chúng tôi. Và ông hãy nhớ lại bao nhiêu bánh kẹo ông nhận được và vui vẻ phân phát cho lũ trẻ. Xin thành thật nói với ông là tôi có nghĩ đến vấn đề này và cho rằng 30 xilinh mỗi tuần đã là quá đầy đủ rồi .

John phát một cử chỉ không hài lòng:

− Cô Sippho, xin cô nghe tôi nói. Tôi ở đây hết sức thoải mái. Tôi đã ở lại vì tôi thích ở lại. Ở đây tôi được chăm sóc chẳng khác ở một bệnh viện sang trọng bậc nhất và tôi còn được hưởng những cách đối xử tinh tế và nhân hậu mà chắc hẳn tôi không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Bởi vậy quả thực tôi không thể hiểu vì sao cô lại không chấp nhận điều tôi đề nghị.

Nhưng Anna vẫn một mực:

− Không, không, như thế là nhiều quá.

− Thế nhưng gia đình ta lại cần tiền kia mà.

− Vâng tôi biết thế, nhưng đấy là công việc của chúng tôi chứ đâu phải của ông. Chúng tôi không thể móc túi ông với cái cớ mình đã khá ngờ nghệch để phải nợ nần.

− Không bao giờ có một ai sẽ nghe tôi nói ba cô là một người ngờ nghệch. Tôi sẵn sàng nói là một người nhân ái thì đúng hơn.

Giọng nói tôn kính của John khiến cô gái xúc động và mắt nàng rớm lệ:

− Cảm ơn về những lời tốt đẹp của ông – nàng đáp – nếu có được như thế, chỉ là vì ba tôi không biết rằng những thứ thiết yếu đều phải mua và không ai có thể sống – dù sung sướng tới đâu đi nữa – chỉ với tình yêu và tình bạn.

John nói tiếp:

− Và ba cô cũng đủ lương tri để hiểu rằng tiền bạc không phải là cái thực sự quan trọng. Chính vì vậy mà tôi đề nghị cô chấp nhận lời tôi, đừng băn khoăn gì hết.

− Nhưng tôi không sao có thể chấp nhận – Anna từ chối – Có thể như thế là tôi dại dột, nhưng tôi thấy không sao có thể nhận tất cả số tiền ấy, dù là vì hạnh phúc của mấy đứa nhỏ đi nữa. Vì lẽ ông biết không… thực tình tôi không thích ông ở đây.

Nàng bỗng im bặt, mặt nàng đỏ như gấc, bối rối vì đã thốt ra câu nói. Nàng phải cố sức mới nói tiếp được:

− Thôi vậy, bây giờ tôi đã nói ra điều đó rồi thì thà tôi cứ nói tiếp: ông John , tôi muốn ông ra đi sớm hơn.

− Vì sao vậy, anh lạnh lùng hỏi.

Anh có vẻ tự ái và bối rối, Anna liền nói một mạch rất nhanh, không kịp thở:

− Vì ông làm mọi người xáo động lên cả từ người trẻ đến người già . Ba tôi vui sướng có ông ở đây, tôi thấy rõ lắm. Ông cụ thích thú nói chuyện buổi tối với ông. Đến khi ông không ở đây nữa thì cụ sẽ thấy thiếu ông một cách kinh khủng. Sẽ là một khoảng trống lớn đối với cụ. Thế mà trước đó thì ba tôi sống hạnh phúc. Trong căn nhà đầy trẻ nhỏ này, ông cụ không nhận ra sự cô đơn và cách biệt của mình, tuy không còn vợ và cũng không có bạn bè cùng lứa tuổi. Bởi thế ông càng lưu lại lâu ở đây thì sau khi ông ra về, ba tôi càng đau khổ vì thiếu vắng ông.

” Sau nữa lại còn Mira” Mira đinh ninh trong dạ là nó yêu ông, bỏ mơ mộng hàng giờ, nó uốn hết kiểu tóc này đến kiểu tóc khác, nghĩ rằng như thế để khiến ông chú ý. Từ khi ông đến, nó thôi không làm việc nữa. Dĩ nhiên điều đó chẳng mấy quan trọng đối với ông một khi ông trở về với bạn bè, những con người sống trong vinh quang và danh vọng … Nhưng tất cả những gì ba tôi đã tiêu phí để tạo cho nó một cái nghề sẽ tiêu tan. Ông không thể hiểu được đâu: thật kinh khủng. Vì số phận của Antony cũng phụ thuộc vào đó. Chừng nào Mira chưa đi làm việc thì chúng tôi chưa thể cho em nó theo học ở một trường trung học tử tế, cả Antoanet cũng sẽ chịu ảnh hưởng vì vẫn phải tiếp tục chịu thiếu thốn những điều làm nó vui thích. Tôi có thể giải bày cho ông những điều khác nữa, nhưng để làm gì?. Tôi chỉ muốn yêu cầu ông hiểu tình thế cho. Thế có được không, thưa ông John.? Tôi van ông, xin ông hãy trở về với thế giới của ông.

Một bản hùng biện thật sự. Anna bị cuốn hút theo sự bồng bột say sưa của mình. Mắt nàng long lanh vì những giọt lệ bị kìm nén, hai bàn tay nắm chặt lại.

John ngồi nghe, không nói nửa lời và cả gian bếp im lìm một lúc lâu, chỉ nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo. Anna buồn bã nhìn John, thấy anh lộ vẻ cứng rắn và nghiêm khắc.

” Đúng, ông ta tàn nhẫn và ích kỉ” nàng nghĩ thầm trong bụng. ông ta không hiểu và không muốn hiểu.

Bỗng nàng đi xuống tận cuối nhà bếp hết sức xa chỗ anh và quay lưng lại. Nàng phải đấu tranh dữ dội để kìm lại những giọt nước mắt muốn trào ra. Nhưng nàng cảm thấy mình quả quyết, cả vũ trụ của nàng đang lâm nguy, cái vũ trụ trong đó nàng chỉ đòi hỏi có một điều: tình thương và hạnh phúc cho ba nàng, cho Mira và cho hai đứa em, ngoài ra không có gì khác.

Nàng rút mùi xoa ở túi ra và lau những giọt nước mắt đầm đìa trên má. Cuối cùng John phá tan sư im lặng :

− Mong cô quay lại gần tôi một lát có được không? anh hỏi.

Nàng quay đầu lại nhìn anh với vẻ ngờ vực. Nàng không muốn bàn cãi nữa và trong lòng có phần thanh thản khi thấy John thay đổi nét mặt. Không còn phảng phất một chút nghiêm khắc nào nữa. Thậm chí anh có vẻ đau khổ. Nàng đi qua bếp đến gần anh :

− Mời cô ngồi, anh dịu dàng nói, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này .

Anna kéo ghế, ngồi xuống trước mặt anh, phía bên kia bàn:

− Để bắt đầu, tôi phải nói với cô là tôi rất buồn. Tôi không thể ngờ được là cô lại suy nghĩ như vậy. Bây giờ tôi muốn cô biết quan điểm của tôi. Chắc hẳn cô sẽ cho đó là quan điểm ích kỉ. Nhưng ở đây, trong gia đình cô, tôi được sống thoải mái với những ngày nghỉ ngơi thật sự. Đã nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên tôi được thư giãn và quên đi những nỗi nhọc nhằn trong chức trách của mình. Quả là về tình hình sức khỏe, tôi có thể ra đi từ lâu, cô cũng biết rõ điều đó như tôi. Nhưng tôi đã ở lại vì ở đây tôi tìm thấy sự an ủi và niềm vui vốn thiếu trong đời tôi. Tình bạn của ba cô và của cô đã cho phép tôi tự cảm thấy mình được chấp nhận chỉ vì chính bản thân mình: John Milton, một con người như những con người khác. Đây là lần đầu tiên, tình hình đó xảy ra đối với tôi và cô khó có thể hình dung tôi vui sướng biết chừng nào. Cô có thể hiểu được không?

Anna phát một cử chỉ bất lực và buồn bã đáp:

− Giá như ông không nói với tôi những điều đó thì hay hơn. Bây giờ thì tôi không thể thù ghét ông được nữa .

Anna suy nghĩ một lát trước khi thú nhận :

− Phải thành thật thừa nhận là tôi sợ ông. Ông biết không, ông hoàn toàn như một tảng đá to tướng rơi tõm xuống giếng. Ông làm mặt nước đang yên tĩnh khuấy động lên. Tôi cố sức nhẫn nhục chấp nhận tình hình, cho rằng điều không may đã xảy ra rồi thì việc gì phải tự dằn vặt mình nữa. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn có cảm giác là nếu ông ra đi sớm thì có lẽ mọi cái rồi sẽ lại đâu vào đấy.

− Liệu cô có quá quan trọng hóa vấn đề ra không đấy? John lại hỏi.

− Tôi không nghĩ là mình nói quá đâu. Tình hình đã thay đổi khủng khiếp từ khi ông tới. Tất cả chúng tôi đều đã thay đổi.

− Cả cô nữa hả?

− Vâng cả tôi nữa, nàng thở dài, nghe mãi ông nói về một thế giới khác hẳn thế giới chúng tôi, tôi bắt đầu suy nghĩ là tôi có thiếu một cái gì đó và lòng tôi không còn thanh thản nữa. Dĩ nhiên là chưa lâu ngày, nhưng đủ cho tôi thù ghét ông, vì ông là hiện thân của một mối đe doạ đối với những gì tôi quý nhất trên đời.

− Nhưng muốn dấu kín hạnh phúc của mình, không chia sẻ cho một ai trong khi những người khác thiếu và khao khát tình thương yêu mà cô được hưởng nhiều đến thế là ích kỉ đấy, cô có nghĩ thế không?

− Những người khác quả là như thế hay sao? làm sao tôi biết được? cô gái hỏi, tôi chỉ biết là chúng tôi đang sống hạnh phúc, chúng tôi có những vấn đề nho nhỏ của mình, dĩ nhiên là như thế, nhưng từ trước tới nay vẫn thế thôi. Ông John, hiện nay những vấn đề nho nhỏ ấy không sao giải quyết nổi vì ông. Ông đã làm chúng tôi tiêm nhiễm một mầm mống bất bình. Chúng tôi bắt đầu tự đặt cho mình những câu hỏi về những cái chúng tôi đã từng có. Ồ tôi van ông, ông John , ông hãy đi đi, có thể rồi tất cả lại sẽ trở lại như xưa.

− Thế nếu tôi không chịu đi? Anh hỏi có phần đột ngột.

− Vì sao ông không đi, chẳng có một lí do nào cả, đối với ông chúng tôi chẳng là cái gì hết. Anna nói tiếp, nàng không biện hộ cho lợi ích riêng của mình nữa nhưng đấu tranh với sức mạnh của nỗi lòng tuyệt vọng – Tôi không có chút ảo tưởng nào, tôi không mơ mộng như Mira, tôi hoàn toàn biết rằng mối quan tâm của ông đối với chúng tôi chỉ có thể là nhất thời, một biểu hiện của tấm lòng nhân nhậu của một người giàu sang đối với một lũ người ông gặp trên đường. Có gì có thể đồng nhất được giữa nhà quý tộc John Milton và một ông thầy thuốc nông thôn tội nghiệp? Giữa nhà quý tộc John Milton và hai cô gái hầu như không có học thức?

Không, thưa ngài John, chắc hẳn có nhiều người bị uy tín của ngài mê hoặc, nhưng tôi thì không. Khi thời kì nghỉ ngơi mà ông coi trọng này kết thúc, khi sự yên tĩnh của cái ốc đảo này trở nên nhạt nhẽo đối với ông thì ông lại sẽ ra đi thôi. Ông sẽ rộng lượng trả nhiều tiền cho chúng tôi, theo tôi hiểu, nhưng số tiền ấy đối với ông không nhiều hơn tiền một tấm vé sân khấu. Ông sẽ thanh thản ra đi trong lúc để lại sau ông một chỗ trống lớn trong cuộc sống một ông già, nỗi sầu muộn trong trái tim nhạy cảm của một cô gái ngốc nghếch, một không khí xáo động trong cả một gia đình. Và trước khi niềm hạnh phúc ngày trước kịp trở lại với ông thì ông đã quên mất cái đẹp đẽ của những ngày nghỉ thú vị vừa qua.

Anna ngừng lời, không biết nói gì khác. Lời lẽ nàng ít nhiều dữ dằn, nhưng lần này nàng không khóc nữa.

− Ít ta cô cũng không sợ nói ra những điều cô suy nghĩ. John bàng hoàng nhận xét.

− Không bao giờ khi phải bảo vệ những người tôi yêu thương.

− Rất tốt, tôi sẽ tuân theo quyết định của cô, cô Sippho. Tôi sẽ làm điều cô yêu cầu, anh nói giọng lạnh lùng.

Anna không dấu vẻ mặt khoan khoái và vội vã thốt lên :

− Ôi cảm ơn, cảm ơn ông, John.

− Nhưng với một đều kiện, anh nói rất nhanh. Và về điểm này tôi không cho phép cô bàn cãi. Tôi sẽ trả tiền ăn ở cho nhà ta tuỳ theo ý tôi và cô sẽ nhận, vì số tiền ấy sẽ được dùng cho những người mà cô rất mực yêu thương, những người vì bảo vệ họ mà cô buộc tôi ra đi .

Anna kiêu hãnh ngẩng lên và ánh mắt nàng gặp ánh mắt John, họ như thách thức nhau một lát. Không khí trong phòng căng thẳng tới mức như thể có một lực hút nam châm. Ngực cô gái phập phồng, Bỗng nhiên nàng đầu hàng:

− Ông John, tôi nhận vì ông vui lòng ra đi.

− Mai tôi sẽ đi, anh nói, giọng trang nghiêm, tôi sẽ gọi điện để người ta đưa xe đến sao cho tôi có thể đi sau bữa ăn trưa, như thế cô thấy có được không?

− Được lắm ạ, nàng đáp trong lòng nhẹ nhõm .

Nàng cảm thấy sung sướng không còn phải đấu tranh nữa, nàng thở dễ dàng hơn và tĩnh tâm trở lại. Thấy nàng bình tĩnh và tự tin như thế, khó có thể nghĩ là nàng còn rất trẻ. Cũng khó có thể cho rằng một lát trước đó nàng đã từng không cưỡng lại nổi sự hoảng loạn. Sau những luồng suy nghĩ ấy John đứng dậy:

− Thế là chúng ta đã thỏa thuận với nhau rồi, cô Sippho, một lần nữa tôi cảm ơn tấm lòng hiếu khách và rộng lượng của cô.

− Người ông phải cảm ơn là ba tôi chứ, nàng nói rành rọt .

John Milton bước mấy bước về phía cửa, anh bỗng đứng lại và ngước nhìn cô gái:

− Cô Sippho, cô là một con người đấu tranh đến kì lạ, anh nói giọng thán phục – Tôi thường ít khi chịu thừa nhận mình thua cuộc.

− Thế quả thực tôi có được cuộc không? Tôi chỉ có thể nói chắc chắn điều đó với ông, ít ra cũng phải sau mấy tháng nữa. Anna đáp và trở lại nghiêm trang.

− Và sau này cô sẽ cho tôi biết chứ? Anh hỏi với một giọng khác thường.

− Chắc chắn là không, lúc đó thậm chí tên chúng tôi, ông cũng sẽ không còn nhớ nữa. Ông sẽ nhắc lại:” Sippho nào nhỉ, nhớ xem nào?” Phải chăng là tên gọi cái gia đình dễ thương sống ở chốn hẻo lánh nọ, nơi mình bị tai nạn xe hơi? Không biết hiện nay họ ra sao rồi?

Nàng nói với một giọng lịch thiệp lạnh lùng, nhưng vẫn không che dấu được nỗi chua chát và khinh thị.

John thoáng một nụ cười khó hiểu:

− Cô Sippho, lẽ ra tôi phải đặt với cô một điều kiện khác nữa và tôi rất tiếc là đã quên mất.

− Điều kiện gì thế?

− Lẽ ra tôi phải xin phép cô đét cho cô mấy cái ra trò, cô đáng như vậy lắm.

Anna bật cười nhưng hai má đỏ lựng và cúi mặt xuống:

− Chậm quá rồi, không thể thay đổi gì được nữa đâu. Chúng ta đã kí kết xong , nàng vẫn can đảm nói thêm .

Chuông điện thoại bỗng reo vang, cắt đứt câu chuyện:

− Tôi phải chạy đi trả lời, nàng vừa nói vừa bỏ chạy vào hành lang, như thể nhẹ người đi vì cắt đứt được câu chuyện.

John cũng ra khỏi nhà bếp, đi theo nàng. Nhưng anh bước chậm. Điện thoại đặt trong tiền sảnh, và từ hành lang, anh nghe được những lời trao đổi. Anna nói giật giọng:

− Cái gì? Ai nói đấy?. Vâng tôi đây, Anna Sippho. Thế nào, ông bảo sao?.Vâng vâng Bác sĩ Sippho. Nhưng tôi không hiểu. Sao? Vâng tôi biết, trước đây ba tôi đã từng bị . Ô ba tôi có vẻ … Nhưng ông đã làm gì?.Vâng tôi gọi Bác sĩ Aston… ngay lập tức tất nhiên, và tôi đến ngay lập tức, vâng…” .

John đang đứng giữa tiền sảnh khi Anna bỏ máy xuống. Mặt nàng tái nhợt, nàng đứng tại chỗ một lát, sững sờ, hai mắt mở to vì khiếp hãi. Anh tưởng nàng sắp ngã.

− Cái gì thế, có việc gì xảy ra thế? Anh hỏi .

Nàng quay về phía anh, nhưng hình như không thấy anh :

− Ba tôi, nàng nói giọng yếu ớt. Ba tôi bị một cơn đau tim và người ta nghĩ là ông đã mất.

Bình luận