Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đau thương đến chết- Phần 1: Vạn Kiếp

Chương 8 – Hang Thập Tịch – Quan tài treo – Và má

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ
Chọn tập

Trời sập tối nhanh hơn cả bước chân người.

Ánh sáng đèn pin không xua nổi bóng tối, mà còn khiến nó càng thêm nặng nề. Nhất là phải đi xuyên qua núi rừng rộng lớn, người ta càng thấm thía thế nào gọi là “lần mò” và “dò dẫm trong đêm tối”.

Kiều Kiều rất tức Lâm Mang. Thể lực cô kém nhưng suốt chặng đường nhờ có Lâm Mang dìu đỡ nên mọi người mới không phải chờ đợi cô. Tư Dao không ngớt ngó nhìn bóng tối bao quanh bốn bề. Cô chợt thấy sờ sợ. Không phải vì sợ bóng tối, mà vì cô nghĩ lại về sự cố chấp của mình. Khu rừng rậm này nếu có mãnh thú thì sao? Nếu gặp kẻ xấu thì phải làm gì?

Xung quanh những tiếng sột soạt không ngớt vọng đến. Tư Dao càng nghĩ càng khiếp hãi. Linh cảm chẳng lành mỗi lúc một nhiều hơn. Đã vài lần cô định nói nên quay về song lại sợ mọi người cho rằng mình tính khí thất thường. Hơn nữa tính hiếu kỳ vẫn mạnh hơn cả vì thế cô tiếp tục dấn bước trong nỗi thấp thỏm.

May sao, như phán đoán của Tiểu Mạn, hướng đi căn bản đúng là vòng về; và nếu Viên Thuyên tính toán không nhầm thì, xem xong hang Thập Tịch rồi trở về đường đi không quanh co quá nhiều.

“Mình cảm thấy sắp đến rồi!” Tiểu Mạn nói.

“Mọi người đều theo kịp cả đấy chứ?” Viên Thuyên cất tiếng hỏi.

“Chờ một chút, chúng tôi lên ngay đây. Hình như Kiều Kiều không được khoẻ”. Lâm Mang nói vọng lên từ chỗ không xa mấy.

Tư Dao càng thấy áy náy hơn, bèn gọi: “Kiều Kiều, cậu có sao không?”

“Vẫn ổn! Tư Dao phải gió ạ, nếu cậu sớm thương tôi thì hay biết mấy!” Kiều Kiều phụng phịu pha chút oán trách.

Đi đầu là Lưu Dục Chu, anh lên tiếng: “Mọi người phải đặc biệt cẩn thận: phía trước là một đoạn khá dốc, phải hết sức chú ý từng chỗ đặt chân, giẫm vào các nhánh dây nhợ ở các kẽ đá, thì chắc ăn hơn, tôi ngờ rằng cái hang ấy ở gần vách núi”.

Leo núi ở quãng này vào ban đêm sao mà chật vật, khiến người ta thấy ánh sáng ban ngày thật cần biết bao. Cũng may, họ đã ra khỏi thảm thực vật ken dày lớp trên lớp dưới, lúc này có thể nhờ vào chút ánh sáng trên bầu trời, tầm mắt đã thoáng hơn lúc nãy.

“Tôi nhìn thấy cửa hang thì phải!” Dục Chu phấn chấn kêu lên.

Lúc này Tư Dao mới thấy yên tâm. Vất vả như thế cũng bõ công, khi nào nhìn thấy những cỗ quan tài treo bí hiểm, chắc mọi người sẽ lượng thứ cho sự cố chấp của mình! Cô ngẩng nhìn. Thảo nào đứng xa không thể nhìn thấy cửa hang, thì ra dây leo chằng chịt dày đặc rủ xuống đã che kín cửa hang; nếu không có một ánh chớp sáng loà nhoáng lên thì dù có đứng ngay trước cửa hang cũng khó bề nhận ra.

Ánh chớp ấy tại sao lại sáng đến như vậy?

Một chuỗi những tiếng sấm ầm ầm dồn dập vọng đến, rồi một tiếng nổ “ùng” vang trời!

Mưa như trút nước!

Tư Dao sững sờ, linh cảm chẳng lành bỗng khiến tim cô thắt lại.

Cũng như mọi người, cô nghĩ ngay đến ông già nọ – ông già mặc áo mưa giữa lúc trời nắng.

Ông ta nói không sai. Dự đoán của ông ta thậm chí trái hẳn với dự báo thời tiết.

Còn những điều ông ta nói về hang quan tài thì sao? Những ai đã bước vào hang, nhất định phải đau thương đến chết, liệu có chính xác không?

Tư Dao gắng bước lên vài bước, đi đến cửa hang; Viên Thuyên đã đứng đó, cả hai nhìn nhau im lặng. Hai cô thân nhau bao năm, đều rất hiểu bạn mình đang nghĩ gì: liệu trong hang có những điều kỳ dị thật không? Dục Chu gạt mớ dây leo đang buông rủ, soi đèn pin vào trong hang. Ánh đèn chẳng khác gì bị hút vào hố đen trong vũ trụ.

“Có lẽ, nếu có quan tài treo thật, thì nó phải ở sâu trong hang”. Dục Chu đoán vậy.

Viên Thuyên nói: “Nơi này khác với các hang quan tài ở vách núi, ở những chỗ đó quan tài không đặt quá sâu”.

Tiểu Mạn và Thường Uyển cũng đã bước tới, đứng dưới mưa cả năm người đều ướt như chuột lột.

“Định vào thật à?” Tiểu Mạn hỏi. Có vẻ như cô dần dần càng thấy tin lời ông già mặc áo mưa.

“Tôi không hiểu nổi ngoài dã thú hoặc kẻ xấu ra, trong hang đặt quan tài treo còn có gì khác mà sợ?” Tư Dao hiểu rõ, nếu tối nay họ không nhìn thấy quan tài treo thì cô cả đời sẽ không thể yên.

Viên Thuyên hỏi Dục Chu: “Anh Chu có mang theo chiếc gậy ấy không?”

Anh hiểu ý, gật đầu: “Có! Anh đã nhờ người sửa lại, có thể dùng nó như chiếc dùi cui cảnh sát; xử lý vài người hoặc dã thú thông thường, không vấn đề gì”.

Tư Dao nghĩ ngợi: “Đúng! Viên Thuyên là bạn chí thân của mình, mọi việc đều phải dựa vào mình”. Mọi nỗi buồn ngày càng nặng nề bấy lâu nay, sự hẫng hụt trong tình cảm, những mối lo vẩn vơ ở công ty… phút chốc dường như tan biến. Cô cười nói: “Thế thì chúng ta còn đứng mãi đây làm gì? Cứ vào đi, ít ra cũng có thể tránh mưa”. Nói rồi cô chiếu đèn pin, gạt đám dây leo đan kín tưởng như gió cũng không thể lọt, và bước vào trước tiên.

“Cẩn thận đấy!” Viên Thuyên bước theo ngay.

Cái hang khá rộng, nền cũng tạm coi là bằng phẳng, chỉ hiềm đang ngập nước. Tư Dao thận trọng thăm dò xem nông sâu ra sao, cô bước đi chừng vài mét, hình như đây là một cái ao.

“Dặn mọi người phía sau, nếu muốn vào hang không bị ướt giày leo núi hoặc giày thể thao, thì tốt nhất là cởi giày ra. Nước sâu đến đầu gối, đáy là đá cuội, không đau chân đâu! Nước rất trong, na ná như nước suối”. Cô cúi xuống đưa tay vục nước, nhấp thử một ngụm. “Uống cũng dễ chịu, hơi ngòn ngọt, nó là nước khoáng chính cống đây!”

Viên Thuyên và Dục Chu soi đèn pin đan nhau cùng quan sát, chỉ thấy vách hang nhô ra các mỏm đá to nhỏ đủ mọi hình thù; tựa như các hang động thường gặp.

“Chao ôi!” Tiếng reo kinh ngạc và mừng rỡ của Tư Dao. Nhưng chẳng ai nhìn thấy bóng cô.

Cả hai vội bì bõm lội tới, đi vòng qua một vách nhỏ thì thấy Tư Dao đang đứng chôn chân dưới nước ngẩng nhìn lên. Cả hai cũng nhìn theo và cùng kêu to.

Phía trên cao bỗng thoáng rộng hẳn ra, ánh đèn pin sáng quắc cho thấy nóc hang cao đến vài chục mét, nở rộng ít ra cũng đến hai chục mét. Ba cỗ quan tài treo từ nóc buông xuống, hai cỗ khá to gần mặt đất hơn, là kiểu quan tài thuyền (1) điển hình; cỗ thứ ba nhỏ hơn, hình khối hộp chữ nhật thường thấy, trông đen xỉn, được treo rất cao cách nóc hang chừng chục mét.

Nhìn kỹ, họ thấy hai cỗ quan tài to kia được treo trên hai thanh xà ngang bằng đá nhô ra từ vách hang; cỗ quan tài cao nhất được treo bằng dây chão rất lớn thả từ nóc hang xuống. Dây chão ấy bằng kim loại hay thứ gì khác thì nhìn không rõ.

Tư Dao rất hào hứng nhưng cũng có phần kinh hãi: vì toàn cảnh quan tài treo này trông quen quen.

Tiểu Mạn và Thường Uyển ngoài cửa hang gọi vào: “Trong đó có gì hay không?”

Viên Thuyên không giấu nổi niềm vui, đáp luôn: “Chẳng có gì hay, chỉ thấy vài cỗ quan tài treo thôi. Chẳng đáng để các vị chiếu cố vào xem đâu!” Cô rất hiểu tính mấy người bạn thân này, ngấm ngầm khích họ mới là thượng sách.

“Đừng nói dối nhau, cả ba đã vào lâu như thế, chắc chắn phải có chuyện rất thú vị!” Rành rành là Tiểu Mạn đã “trúng kế”. Đúng thế, tiếng lội nước vang lên.

“Liệu Kiều Kiều và anh chàng Lâm Mang có vào không?” Viên Thuyên hỏi Tiểu Mạn và Thường Uyển đang rất ngạc nhiên vì lần đầu nhìn thấy quan tài treo.

Trầm trồ hồi lâu, Thường Uyển mới nói: “Thôi nào! Hai người ấy đang xoắn lấy nhau. Kiều Kiều thì không dám vào, Lâm Mang thì mắt không rời cửa hang, nói là Kiều Kiều cứ đợi; anh ấy đang rất muốn vào”.

Tiểu Mạn cười khẩy: “Không đơn giản đâu! Tôi thấy anh ấy mắt không rời Tư Dao thì có. Này Tư Dao, có phải ngày trước cậu và anh ấy đã cắt đứt thật sự không?”

Tư Dao đáp: “Tất nhiên! Đã thực thi chính sách “ba không”: không thư từ, không điện thoại, không gặp gỡ, đã được coi là triệt để rồi chứ? Chỉ chưa đào tận gốc trốc tận rễ mà thôi!” Ai nấy đều bật cười.

“Xem chừng có những anh chàng thật trơ trẽn, cứ muốn người ta phải nói trắng ra, rồi mới thấy tiếc nuối. Anh Dục Chu đừng nghĩ là ám chỉ mình”. Tiểu Mạn tỏ ý bất bình.

Dục Chu định phản bác, nhưng chợt nghe thấy tiếng lội nước ở phía cửa hang, Viên Thuyên thì bóp vào tay anh, anh bèn im lặng.

“Vậy là Kiều Kiều vẫn vào! Rất đáng khen đấy!” Viên Thuyên cười nói.

Kiều Kiều kinh ngạc nhìn ba cỗ quan tài treo, thật sự tấm tắc: “Ôi! Rất đáng để vào đây!” Cô chiếu đèn pin vào cỗ quan tài nhỏ: “Nó được treo cao thật!”

Cô cảm thấy có một giọt nước từ quan tài rơi xuống, trúng vào mũi.

Trong hang ẩm ướt, nước rỏ xuống là chuyện bình thường, Kiều Kiều chẳng bận tâm.

Lại một giọt nữa rơi lên trán.

Cô thấy là lạ, hình như không giống như nước bình thường, nó hơi dinh dính. Cô quệt đầu ngón tay lên trán rồi giơ ra trước ánh đèn pin: một đốm màu đỏ tươi!

Cô xoa tay lên mũi và soi nhìn lòng bàn tay: một vệt đỏ tươi.

Kiều Kiều kinh hãi thét lên, chiếc đèn pin rơi luôn xuống nước.

“Máu… máu…”

“Kiều Kiều sao thế? Bị xước da ở đâu?” Tư Dao hỏi.

“Không! Mà là máu rơi từ quan tài xuống”.

Các ánh đèn pin đều lia lên cỗ quan tài treo cao nhất. Đúng thế, bên ngoài cỗ quan tài đen hình như có một vệt dính đọng.

Viên Thuyên rọi đèn lần lên theo vệt đó, tìm chỗ bắt đầu rỉ ra, đó là khe nắp quan tài; bên trên hình như dây chão cũng có vết thấm ướt “máu”.

Chiếu đèn lên cao nữa. Trời ơi!

“Vệt máu” từ một cái móc sắt to tướng chìa ra từ vách hang để buộc sợi chão, rồi loang vào vách hang; thoạt đầu chỉ là một đường, loang mãi đến chỗ cách mặt nền chừng 20 mét thì hợp thành bốn chữ đại tự theo lối Hành – Thảo (2) màu đỏ thẫm.

Đau thương đến chết

Nét cuối cùng của chữ “chết” tiếp tục loang xuống đến một mỏm đá hình cái mũi nhô ra, cách mặt nền chừng ba mét. Thỉnh thoảng một “giọt máu” rơi xuống một vũng nước phía dưới, lắng nghe có thể thấy tiếng tí tách…

Đến gần hơn, họ nhìn thấy một vũng nước rộng chừng một mét, nằm ở vị trí cao hơn nền hang chừng nửa mét, nó là một cái “ao máu” thật sự! Cúi xuống ngửi, thấy mùi tanh tanh.

Tư Dao run run nhúng tay trái vào “ao máu” rồi rút ra, cả bàn tay cô “nhuốm máu”!

Chính lúc cô rút tay ra thì ao máu đó rùng rùng khá mạnh, một “bóng đen” vọt lên quấn lấy cổ tay phải của cô đang cầm đèn pin. Cô hoảng hốt kêu len và vội vẩy tay, một con rắn nước thân to bằng ngón tay cái, chuồi nhanh khỏi tay cô trườn vào ao nước mà mọi người đang đứng. Mọi người thi nhau hét inh ỏi, không rõ vì cái ao máu, bàn tay nhuốm máu hay vì con rắn kia. Lâm Mang vội hùng hồn lên tiếng: “Mọi người đừng nháo nhác lên, đừng sợ, rắn nước thường không có nọc độc; nó không cắn Tư Dao thì cũng sẽ không cắn ai cả. Thôi, chẳng đứng đây lâu làm gì nữa, ta rút ra ngoài cửa hang, cố gắng bình tĩnh đi!”

“Nước dính tay Dao Dao và Kiều Kiều không phải là máu thật à?” Viên Thuyên hỏi.

“Thấy tanh tanh, dinh dính, nhưng mình không dám nếm thử”. Tư Dao vẫn còn run rẩy.

“Đừng nếm làm gì”. Kiều Kiều cũng thấy sợ nhưng cô vẫn xoay mình lại, móc trong túi ra một lọ thuốc nho nhỏ, dốc cho thật sạch, một tay bám vào cánh tay Tư Dao, tay kia múc “nước máu”. “Mình phải đem về, nhờ người xét nghiệm xem có những thành phần gì”.

Mọi người lần ra cửa hang, vẫn ổn cả. Họ vội rảo bước ra ngoài. Mưa vẫn như trút nước, chớp sáng sấm rền bất tận, nên họ đành lùi vào trong cửa hang.

“Ta nên làm gì? Chờ mưa tạnh hay là cứ xuống núi ngay bây giờ?” Tiểu Mạn có phần ngán ngẩm. Cô không nói rõ ý nhưng ai cũng hiểu rằng, nếu còn nán lại trong hang chẳng biết còn chuyện gì khác nữa; nhưng nếu xuống núi ngay thì mưa to đường trơn, sẽ rất khó khăn.

Kiều Kiều nói: “Mình chịu không dám ở lại thêm nữa, cứ đi khỏi đây rồi tìm một chỗ khác trú mưa cũng được. Vả lại, trên này quá cao, gió thổi mạnh, rét quá…”

“Được, thế thì xuống núi. Nếu tìm được chỗ tử tế hơn để trú mưa thì quá hay”. Viên Thuyên lom khom lần bước xuống dốc trước tiên, và gọi ngay: “Mọi người phải cẩn thận, đá trơn lắm. Nhưng cũng chẳng còn lối nào khác, đành dò dẫm mà đi xuống vậy, coi chừng bị trượt chân!”

“Lẽ ra chẳng nên đến xem cái hang này mới phải!” Kiều Kiều oán trách.

“Lúc này nói thế cũng vô ích thôi. Về, cứ bắt Tư Dao và Viên Thuyên chiêu đãi một chầu là được!” Thường Uyển nói xong, cũng dò dẫm bước theo Tiểu Mạn.

Tư Dao buồn bã nhìn cảnh gió mưa, có phần áy náy; cô nói với Kiều Kiều giọng năn nỉ: “Đúng là tại mình. Cậu đừng trách móc nữa. Về rồi, mình xin mời cậu đi ăn”.

Kiều Kiều phì cười: “Biết lỗi rồi sửa mới là ngoan! Khỉ thật, mình cũng có chân kia mà, cũng là tại mình! Đã nói là không muốn đi, thế rồi lại đi, thì sao trách cậu được?” Cô hơi bực mình nhìn sang Lâm Mang.

Lâm Mang có ý xin lỗi: “Được, Kiều Kiều. Anh biết lỗi rồi. Về đến Thượng Hải ngày nào anh cũng sẽ mời cơm… và nấu cơm cho em ăn cũng được”.

Tư Dao cảm thấy hai người đó bắt đầu đến lúc chớt nhả, nên tránh đi thì hơn, cô bèn quay ngoắt người bước xuống luôn.

Đoạn này độ dốc rất khiếp, mọi người đều rất thận trọng dần dần lần xuống. Tiếp đó là một rẻo đường rất hẹp, trận mưa to khiến nó hết sức lầy lội; cũng may, khi lên núi họ đã đi qua lối này; nó hơi thoai thoải, không cần phải chân đi tay bám như đoạn dốc vừa nãy.

Thế là có thể coi như không bị giam trên núi. Tư Dao nghĩ, có đúng là mình đã có một quyết định sai lầm hay không? Những lời của ông già bí hiểm nọ, đều là thật không? Nếu những câu tiên đoán ấy đều ứng nghiệm, thì mình chỉ nói một lời xin lỗi là sẽ xí xoá được cả hay sao?

Quá ư hão huyền! Này Tư Dao ạ, chớ nên vướng vào thứ suy luận vu vơ ấy!

Mưa ngớt rồi lại mưa tiếp. Đoạn đường tiếp theo không gặp trở ngại mấy. Lâm Mang rảo bước lên phía trên, vừa đi vừa nói với Dục Chu mấy câu về công việc. Anh bật đèn pin chiếu trở lại phía sau, rồi bỗng thất thanh: “Kiều Kiều đâu? Không thấy Kiều Kiều đâu cả!” Anh lập tức chạy trở lại.

Chú thích

(1) Khoét thân cây to, rồi đặt tử thi vào.

(2) Thể chữ Hán gần với thể Thảo thư, các nét hầu như dính liền.

Chọn tập
Bình luận