Tôi rơi vào một cơn ác mộng, cơn ác mộng đã khiến tôi thức giấc không biết bao lần chỉ để nhận ra xung quanh mình còn có một mối đe dọa khủng khiếp hơn. Tất cả những gì tôi sợ hãi nhất, tất cả những điều tôi vẫn sợ sẽ xảy ra với người khác bỗng hiện lên chi tiết và sống động đến nỗi tôi chỉ còn biết tin là chúng đang có thật. Mỗi lần thức dậy, tôi lại nghĩ, Cuối cùng thì nó cũng qua, nhưng không. Đó chỉ là hồi mở đầu của một màn tra tấn mới. Tôi đã nhìn thấy Prim chết bao nhiêu lần rồi? Hồi tưởng những giây phút cuối cùng của cha tôi? Cảm giác thân thể của mình bị xé thành từng mảnh? Đó là bản chất nọc độc của bầy bắt-là-cắt: chúng được tỉ mỉ tạo ra để nhắm tới những nơi hằn in nỗi sợ hãi trong tâm trí ta.
Khi tỉnh táo trở lại, tôi vẫn nằm đó, chờ đợi những hình ảnh khủng khiếp tiếp tục ùa tới. Nhưng cuối cùng tôi biết rằng chất độc cũng đã tan biến, chỉ còn cơ thể tôi tàn tạ và yếu đuối. Tôi vẫn nằm nghiêng về một bên, co người trong tư thế của một đứa bé nằm trong bụng mẹ. Tôi đưa tay đụng vào mắt để biết rằng chúng vẫn còn lành lặn, nguyên vẹn sau khi bị đàn kiến không có thật tấn công. Chỉ duỗi tay chân ra thôi cũng là một nỗ lực quá sức. Nhiều chỗ trên người tôi đau nhức, mà thật ra là khó tìm thấy chỗ nào không đau. Tôi cố gắng ngồi dậy từ từ, chậm rãi. Tôi đang nằm dưới một hố nông, không hề có những lớp bong bóng màu da cam sủi ùng ục như trong cơn ảo giác, mà phủ đầy những chiếc là úa già nua. Quần áo tôi ướt đầm, nhưng tôi không biết là bởi vũng nước, sương, mưa, hay mồ hôi. Một hồi lâu sau đó, tôi chỉ có thể hớp từng ngụm nước từ chai và nhìn một con bọ cánh cứng đang bò trên bụi kim ngân.
Tôi đã nằm đây trong bao lâu? Khi tôi mất ý thức là vào buổi sáng. Giờ đã là chiều. Nhưng gân cốt tôi tê cứng cho biết hơn một ngày đã trôi qua, hoặc có thể là hai. Nếu như vậy, tôi sẽ không cách nào biết được những đấu thủ nào còn sống sau cuộc tấn công của bầy bắt-là-cắt. Glimmer và con bé Quận 4 thì không tính. Nhưng còn thằng Quận 1, hai đứa Quận 2 và Peeta. Liệu họ có chết vì bị chích? Chắc chắn là nếu họ sống sót, những ngày vừa qua của họ hẳn cũng sẽ kinh khủng như của tôi. Và còn Rue thì sao? Có lẽ không cần nhiều nọc độc để hạ gục một đứa nhỏ nhắn như nó. Nhưng tôi nhớ lại… tuy bầy bắt-là-cắt hẳn phải rượt theo nó, nhưng nó đã lẩn trốn khá tốt.
Một mùi hôi hám, thối rữa lan khắp miệng tôi đến mức nước không giúp gì được nhiều. Tôi gượng dậy khỏi bụi kim ngân và ngắt lấy một bông. Tôi nhẹ nhàng bứt lấy nhị hoa ở bên trong và nhỏ mật hoa lên lưỡi. Vị ngọt lan tỏa khắp miệng tôi, xuống cổ họng, làm ấm những mạch máu trong cơ thể khi những ký ức về mùa hè vụt qua, về khu rừng nơi tôi ở và sự có mặt của Gale bên cạnh tôi. Không hiểu sao tôi lại hồi tưởng về cuộc tranh luận của chúng tôi trong buổi sáng cuối cùng ấy.
“Chúng ta có thể làm được, em biết mà.”
“Làm gì cơ?”
“Rời khỏi quận này. Bỏ trốn. Vào rừng sống. Em và anh, chúng ta có thể làm được.”
Đột nhiên, tôi không nghĩ về Gale mà về Peeta và… Peeta! Cậu ấy cứu sống mình! Tôi nghĩ vậy. Bởi vào lúc chúng tôi gặp nhau, tôi không còn biết cái gì là thật và cái gì là do tôi tưởng tượng ra bởi nọc độc của bầy bắt-là-cắt. Nhưng nếu cậu đã làm thế thật, bản năng tôi cũng nói với tôi điều đó, thì rốt cuộc nguyên nhân là gì? Có phải Peeta chỉ đang đóng tiếp vai Chàng trai Đang yêu có được sau buổi phỏng vấn? Hay có phải cậu ấy thực sự muốn cứu tôi? Và nếu như thế, ban đầu cậu ta muốn gì ở bọn Nhà nghề? Tôi thật sự không hiểu.
Trong một thoáng tôi tự hỏi không hiểu Gale sẽ nhìn nhận chuyện này ra sao, nhưng rồi lập tức xua tất cả ra khỏi đầu, bởi vì một số lý do nào đó, Gale và Peeta rất khó tồn tại cùng lúc trong tâm trí tôi.
Thế là tôi tập trung vào thứ duy nhất thực sự tốt đẹp xảy đến từ lúc tôi đặt chân vào Đấu trường. Tôi đã có một cây cung và những mũi tên! Vừa đúng mười hai, nếu tính cả chiếc tôi rút ra từ thân cây. Chúng không hề ngấm thứ chất độc nhơ nhớp màu xanh mà tôi đã thấy từ cơ thể Glimmer – điều này khiến tôi nghĩ rằng không phải mọi thứ đều là thực – nhưng lại dính kha khá máu khô. Tôi quyết định sẽ lau chúng sau, và dành ít phút để thử bắn vài mũi vào cái cây gần đó. Chúng giống với thứ vũ khí ở Trung tâm Huấn luyện hơn là mấy cái ở nhà tôi, nhưng như thế thì sao? Miễn là tôi dùng được.
Bộ vũ khí mang lại cho tôi một lợi thế hoàn toàn khác trong Đấu trường. Tôi biết là mình còn những đối thủ lợi hại ở phía trước. Nhưng tôi không còn là con mồi chỉ biết chạy hay lẩn trốn hay tìm đến những hạ sách. Nếu Cato băng ra khỏi lùm cây lúc này, tôi sẽ không bỏ chạy, mà tôi bắn. Tôi thích thú trước tình huống dự liệu ấy.
Nhưng trước tiên, tôi phải lấy lại sức đã. Tôi bắt đầu mất nước trở lại, trong khi nguồn nước ít đến trầm trọng. Một ít năng lượng dư sau khi ăn như hạm trong thời gian chuẩn bị ở Capitol đã biến mất, kéo theo khoảng một ký lô trên người tôi. Xương hông và xương sườn tôi nhô ra còn khiếp hơn trong khoảng thời gian tồi tệ sau cái chết của cha. Và tiếp đó là những vết thương mà tôi đang chịu đựng – những vết bỏng, vết cứa và vết bầm do va phải thân cây, và ba vết bắt-là-cắt đốt, đang nhức và tấy lên hơn bao giờ hết. Tôi trị những vết bỏng bằng thuốc mỡ và thử chấm nhẹ nó lên những vết ong chích, nhưng vô tác dụng. Mẹ tôi biết một cách trị chúng, bằng cách dùng một thứ lá để rút chất độc, nhưng bà ít khi gặp ca nào phải dùng đến nó nên tôi chẳng nhớ nổi cả tên loài lá đó, chỉ nhớ được hình dáng.
Trước tiên là nước, tôi nghĩ. Bây giờ ta có thể vừa săn vừa đi tìm nước. Không khó để nhận ra hướng tôi đã chạy đến đây dựa vào những tán lá mà tôi giẫm lên trong cơn bấn loạn. Nghĩ vậy tôi rẽ vào một hướng khác, hy vọng những kẻ thù mình vẫn còn mê man trong cái thế giới siêu thực gây ra bởi nọc độc của bọn bắt-là-cắt.
Tôi không thể di chuyển quá nhanh; gân cốt của tôi không cho phép cơ thể thực hiện những cử động đột ngột. Nhưng đi săn một cách chậm rãi như vẫn làm thì không vấn đề gì. Khoảng vài phút sau, tôi thấy một con thỏ và bắn hạ con mồi đầu tiên. Đó không phải là cú bắn xuyên mắt ngọt xớt như thường thấy, nhưng chẳng sao. Sau khoảng một giờ, tôi tìm thấy một dòng suối, hơi nông nhưng khá rộng và có dư nước cho tôi uống. Trời nắng gay gắt nên trong lúc lọc nước uống tôi cởi hết đồ, chỉ để lại đồ lót và lội xuống dòng suối êm ả. Người tôi cáu bẩn từ đầu xuống chân. Tôi định té nước lên người nhưng cuối cùng chỉ nằm xuống dòng nước trong vài phút, để nước rửa trôi những vết bẩn, vết máu và mảng da đã bắt đầu tách khỏi những nốt phỏng rộp.
Sau khi giũ quần áo và hong khô bằng cách vắt lên những bụi cây, tôi ngồi phơi nắng bên bờ suối và bới những mớ tóc rối. Thấy đói trở lại, tôi ăn một chiếc bánh quy và một miếng thịt bò. Tôi bốc một nắm rêu chà sạch vết máu trên cây cung bằng bạc.
Khi đã tỉnh táo, tôi bôi thuốc lên những vết phỏng một lần nữa, mặc luôn bộ đồ còn ẩm vì biết ánh nắng sẽ sớm hong khô quần áo. Đi men ngược dòng suối có vẻ như là kế sách khôn ngoan nhất. Lúc này tôi đang đi lên dốc, tôi vẫn thích như vậy hơn, bên cạnh dòng nước mát không chỉ dành cho tôi mà cho cả những con mồi. Tôi dễ dàng tóm được một con chim lạ, chắc là một loại gà rừng. Dù thế nào thì trông nó cũng khá ngon miệng. Đến xế chiều, tôi đánh liều châm một đống lửa nhỏ để nướng thịt vì chắc rằng bóng chiều chạng vạng sẽ giúp che đi cột khói và khi đêm xuống thì tôi đã dập lửa rồi. Tôi làm sạch gà, để ý kỹ tiếng chim, nhưng không nghe thấy tiếng loan báo nào. Sau khi bị vặt trụi lông, tuy không to hơn gà thường là mấy nhưng trông nó mập mạp và chắc nịch. Khi vừa đặt miếng đầu tiên lên đống than thì tôi nghe thấy tiếng cành cây kêu tách.
Tôi lập tức quay về hướng có tiếng động, cầm lấy cây cung và khoác bao tên lên vai. Không có ai ở đó, ít nhất là tôi không thể thấy ai. Rồi tôi thấy chiếc mũi giày trẻ con vừa ló ra khỏi một thân cây. Tôi cười thở phào nhẹ nhõm. Con bé có thể băng qua khu rừng như một cái bóng, tôi phải công nhận điều đó. Nó còn muốn điều gì khác khi theo gót tôi? Tôi buột miệng nói trước khi kịp kìm lại.
“Em biết không, chúng không phải là bọn duy nhất có thể lập đội,” tôi nói.
Không có tiếng trả lời. Rồi nó ló một mắt khỏi thân cây. “Chị muốn lập đội với em sao?”
“Sao lại không chứ? Em đã cứu chị khỏi bầy bắt-là-cắt đó. Em đủ thông minh để còn sống sót. Và dù sao chị cũng không muốn bỏ rơi em,” tôi nói. Con bé nhìn tôi chớp mắt, do dự. “Em đói không?” Tôi thấy nó nuốt cái ực, mắt nó nhìn miếng thịt thèm thuồng. “Lại đây nào, hôm nay chị đã loại được hai tên.”
Rue ngập ngừng bước ra. “Em có thể chữa vết đốt cho chị.”
“Em làm được à?” tôi hỏi. “Bằng cách nào?”
Nó bới tay vào cái túi mang theo và lấy ra một nắm lá. Tôi biết chắc chúng là thứ mẹ tôi đã dùng. “Em tìm thấy ở đâu vậy?”
“Chỉ quanh đây thôi. Mọi người ở quận em luôn mang chúng khi làm việc trong vườn cây. Trong đó nhan nhản tổ ong,” Rue nói. “Ở đây cũng thế.”
“Đúng rồi. Em ở Quận 11. Làm nông nghiệp,” tôi nói. “Vườn cây ư? Thảo nào em có thể lướt trên những cành cây như thể có cánh.” Rue mỉm cười. Tôi vừa đụng đến một trong số ít điều mà nó hãnh diện. “Tốt rồi, lại đây nào. Chữa cho chị thử xem.”
Tôi ngồi phịch xuống cạnh đống lửa và xắn quần lên để lộ vết chích trên đầu gối. Tôi ngạc nhiên khi thấy Rue bỏ nắm lá vào miệng và bắt đầu nhai. Mẹ tôi dùng cách khác, nhưng đúng là lúc này chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Sau khoảng một phút, Rue đắp miếng lá xanh đã nhai nát lên đầu gối tôi.
“Ôi chao-o-o.” Tôi buột miệng thốt lên trước khi kịp kìm lại. Miếng lá như đang rút cơn đau ra khỏi vết đốt.
Rue khúc khích. “May là chị đủ can đảm rút cái vòi ra, nếu không thì vết thương còn tồi tệ nữa.”
“Đắp lên cổ chị! Lên má chị nữa!” tôi gần như năn nỉ.
Rue nhai tiếp nắm lá khác và tôi bắt đầu cười vì khoan khoái dễ chịu. Tôi để ý thấy vết phỏng dài trên cẳng tay của Rue. “Chị có thứ này để chữa phỏng.” Tôi đặt cung tên sang một bên và thoa thuốc mỡ lên tay nó.
“Chị có nhà tài trợ thật là tốt,” con bé thèm muốn.
“Em đã nhận được gì chưa?” tôi hỏi. Con bé lắc đầu. “Rồi em sẽ có. Cứ nhìn xem. Càng đến gần hồi kết, càng có nhiều người nhận ra em lanh lợi thế nào.” Tôi lật miếng thịt lại.
“Có thật là chị muốn em làm đồng minh không?” nó hỏi.
“Không đùa đâu, chị nói thật đấy,” tôi nói. Tôi như nghe thấy tiếng Haymitch càu nhàu khi tôi lập đội với một đứa trẻ loắt choắt. Nhưng tôi muốn chung đội với con bé.
Bởi nó đã cứu mạng tôi, bởi tôi tin tưởng nó, và tại sao lại không thừa nhận điều đó? Nó làm tôi nhớ đến Prim.
“OK,” nó nói và chìa tay. Chúng tôi bắt tay nhau. “Thỏa thuận nhé.”
Tất nhiên, cái thỏa thuận này chỉ là tạm thời, nhưng không ai trong chúng tôi nhắc đến chuyện đó.
Rue góp thêm vào bữa ăn một đống rễ củ nhiều bột. Được quay trên ngọn lửa, chúng bốc mùi thơm nức như củ cải. Con bé nhận ra loài chim tôi bắt được, một loài gà hoang mà ở quận của nó người ta gọi là gà gô-linh[19]. Nó kể cứ thỉnh thoảng lại có một bầy bay lạc vào vườn cây, và ngày hôm đó họ lại có một bữa trưa thịnh soạn. Chúng tôi thôi nói chuyện một lúc khi đã no căng bụng. Thịt con gô-linh ngon tuyệt bởi nó béo ngậy, mỗi lần cắn là mỡ của nó lại túa lên mặt tôi.
“Ồ,” Rue thở dài. “Em chưa bao giờ được ăn nguyên một chiếc chân gà.”
Tôi cá là nó chưa. Tôi cá là nó chẳng mấy khi được ăn thịt. “Ăn nốt miếng kia đi,” tôi nói.
“Thật hả chị?” nó hỏi.
“Lấy bất cứ miếng nào em muốn. Bây giờ đã có cung tên, chị có thể săn thêm. Với lại chị còn có bẫy nữa. Chị sẽ chỉ em cách đặt chúng,” tôi nói. Rue vẫn còn nhìn miếng chân gà do dự. “Nào, cứ ăn đi,” tôi nói, đặt miếng đùi gà vào tay nó. “Dù sao cũng chỉ giữ được vài ngày thôi, và chúng ta có nguyên con gà cùng với thịt thỏ.” Vừa cầm lấy miếng đùi gà, nó lại đói trở lại và ăn ngấu nghiến.
“Chị từng nghĩ rằng ở Quận 11 em được ăn uống đầy đủ hơn bọn chị một chút. Em biết đấy, bởi vì ở chỗ em người ta làm ra thức ăn,” tôi nói.
Cặp mắt Rue mở to. “Ồ, không, bọn em không được đụng đến những gì thu hoạch được.”
“Họ sẽ bắt hay làm gì em hả?” tôi hỏi.
“Họ đánh bằng roi và để mọi người chứng kiến,” Rue nói. “Ngài thị trưởng rất nghiêm khắc trong chuyện đó.”
Qua nét mặt của nó, tôi có thể đoán được điều đó không phải là hiếm. Đánh đòn công khai là điều ít thấy ở Quận 12, dù thỉnh thoảng cũng có một trận. Trên lý thuyết, đáng lẽ Gale và tôi ngày nào cũng bị đòn roi bởi đã xâm phạm vào khu rừng ở đấy, trên lý thuyết thì có thể chúng tôi còn cơ cực hơn – nhưng thực tế là tất cả giới công chức đều mua thức ăn của bọn tôi. Hơn nữa, ngài thị trưởng, cha của Madge, có vẻ không quan tâm lắm đến những việc đó. Có khi việc sống trong một quận kém thanh thế nhất, nghèo nhất, bị coi thường nhất lại là một lợi thế. Chúng tôi hầu như bị Capitol phớt lờ, miễn là cung cấp đủ sản lượng than cho họ.
“Chị có được lấy bao nhiêu than tùy thích không?” Rue hỏi.
“Không,” tôi đáp. “Chị phải mua than, hoặc là đi mót.”
“Họ cho bọn em thêm một ít thức ăn vào mùa thu hoạch, để mọi người có sức làm nhiều hơn,” Rue nói.
“Em không phải đến trường à?” tôi hỏi.
“Vào mùa thu hoạch thì không. Mọi người đều làm việc,” Rue nói.
Nghe kể về cuộc sống của nó thật thú vị. Chúng tôi có quá ít liên lạc với người ngoài quận. Thật ra, có thể Ban Tổ chức sẽ cắt đi đoạn đối thoại này của chúng tôi, vì mặc dù những thông tin này có vẻ vô hại, họ vẫn không muốn người dân biết về một quận khác.
Theo gợi ý của Rue, chúng tôi xem xét lại toàn bộ thực phẩm để dự tính cho những ngày tới. Tôi cho nó xem hầu hết thức ăn tôi có, rồi lấy thêm cặp bánh xốp và những miếng thịt bò khô cuối cùng. Con bé đã kiếm được một mớ rễ củ, quả hạch, rau rừng và cả vài chùm dâu.
Tôi xoay quả dâu lạ trên tay, “Em chắc là ăn được chứ?”
“Ồ, vâng, ở quận em cũng có. Em ăn từ hồi còn bé,” nó nói, bỏ một nắm vào miệng. Tôi ngập ngừng cắn thử một quả, và nó cũng ngon như quả dâu tằm. Việc nhận Rue làm đồng minh xem ra là một lựa chọn sáng suốt. Chúng tôi chia phần thức ăn để trong trường hợp bị tách lẻ cả hai đều có thể cầm cự trong vài ngày. Ngoài thức ăn, Rue còn có một bi đông nước nhỏ, một chiếc súng cao su tự chế và một đôi vớ dự phòng. Nó còn có một mảnh đá sắc dùng làm dao. “Em biết là nó không giúp gì nhiều,” nó có vẻ lúng túng, “nhưng em phải thoát khỏi Cornucopia càng nhanh càng tốt.”
“Em làm đúng đấy,” tôi nói. Khi tôi bày đồ dùng của mình, nó hơi kinh ngạc khi thấy cặp kính râm.
“Làm thế nào chị có nó?” nó hỏi.
“Trong chiếc ba lô. Chị vẫn chưa dùng nó vào việc gì. Nó có che nắng được đâu, còn khiến chị khó nhìn nữa,” tôi vừa nói vừa nhún vai.
“Người ta không dùng nó vào lúc trời nắng mà vào khi trời tối,” Rue kêu lên. “Thỉnh thoảng khi bọn em thu hoạch vào ban đêm, họ sẽ đưa vài cặp kính cho những người cao nhất trên cây. Để nhìn những nơi mà ánh đuốc không thể tới. Một lần, một thằng bé tên là Martin cố giữ lại cặp kính. Nó giấu chúng vào trong quần dài. Khi phát hiện ra họ đã giết nó.”
“Họ giết một thằng bé chỉ vì nó giữ cặp kính ư?” tôi hỏi.
“Vâng, mọi người đều biết là nó không phá phách gì. Đầu óc của Martin không được bình thường. Ý em là, nó cư xử như một đứa trẻ lên ba. Nó chỉ muốn lấy cặp kính để nghịch,” Rue nói.
Nghe nó nói thế, tôi cảm thấy Quận 12 giống như một thiên đường bình yên. Dĩ nhiên là lúc nào mọi người cũng chật vật chống lại cái đói, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ Đội Trị an chỗ mình lại có thể bắt giết một đứa trẻ khờ khạo. Có một con bé, một trong những đứa cháu của bà Greasy Sae, hay đi lang thang ở chợ Hob. Nó không được bình thường lắm, nhưng mọi người chiều chuộng nó như một con thú cưng. Người ta ném cho nó thức ăn thừa và những đồ lặt vặt.
“Vậy chiếc kính này dùng làm gì?” Tôi đưa cặp kính lên hỏi Rue.
“Nó giúp chị nhìn rõ mọi thứ trong bóng tối,” Rue nói. “Hãy thử nó vào tối nay khi mặt trời biến mất.”
Tôi cho Rue một ít diêm, con bé cũng đảm bảo là tôi có đủ lá trong trường hợp những vết đốt nhức nhối trở lại. Chúng tôi dập lửa và đi ngược dòng suối cho đến khi gần tối.
“Em ngủ ở đâu?” tôi hỏi nó. “Ở trên cây à?” Nó gật đầu. “Chỉ với chiếc áo khoác?”
Rue đưa tôi xem đôi tất dự phòng. “Em đeo cái này vào tay.”
Tôi nghĩ đến cái lạnh trong mấy đêm vừa qua. “Em có thể dùng chung túi ngủ với chị nếu muốn. Chúng ta sẽ nằm vừa thôi.” Mặt nó tươi lên. Tôi biết rằng điều này vượt quá sự kỳ vọng của nó.
Chúng tôi vừa chọn một chạc ba ở trên cao và sắp xếp chỗ nằm chờ đêm xuống thì quốc ca được cử lên. Hôm nay không có đấu thủ nào chết.
“Rue này, chị ngất đến hôm nay mới tỉnh. Chị lỡ mất mấy đêm rồi nhỉ?” Tiếng quốc ca khá to, nhưng tôi vẫn thì thầm. Tôi còn cẩn thận hơn khi lấy tay che miệng. Tôi không muốn khán giả biết những gì tôi định nói với nó về Peeta. Hiểu ý tôi, nó cũng làm tương tự.
“Hai,” nó nói. “Hai con nhỏ từ Quận 1 và 4 đã chết. Chúng ta còn lại mười người.”
“Chị đã bắt gặp những chuyện kỳ lạ. Ít nhất là chị nghĩ thế. Có thể là nọc độc của bầy bắt-là-cắt khiến chị tưởng tượng ra những chuyện đó,” tôi nói. “Em biết anh chàng cùng quận với chị chứ? Peeta? Chị nghĩ anh ấy đã cứu mạng chị. Nhưng anh ấy từng đi chung với bọn Nhà nghề.”
“Bây giờ anh ấy không còn đi với chúng nữa,” con bé nói. “Em đã theo dõi nơi chúng dựng trại ở bên hồ. Bọn chúng dựng trước khi bị bầy ong tấn công. Sau đó anh ấy không quay lại đó nữa. Có lẽ anh ấy đã cứu chị và phải chạy trốn.”
Tôi không trả lời. Nếu như thực sự là Peeta đã cứu tôi, tôi lại mang nợ cậu một lần nữa. Và món nợ này không thể trả. “Nếu có làm thế, có lẽ chuyện đó chỉ là một phần trong màn kịch của anh ấy. Em biết đấy, khiến cho người khác nghĩ rằng anh ấy yêu chị.”
“Ồ,” Rue trầm tư. “Em đã không nghĩ đó là một màn kịch.”
“Chuyện đó có,” tôi nói. “Anh ấy đã bàn chuyện này với người hướng dẫn của bọn chị.” Tiếng quốc ca chấm dứt và màn trời tối trở lại. “Thử chiếc kính nào.” Tôi lấy nó ra và đeo lên. Rue không hề nói đùa. Tôi có thể nhìn thấy mọi thứ từ tán lá cây đến con chồn đang chui rúc trong bụi rậm cách xa đến mười lăm mét. Tôi có thể giết nó từ khoảng cách này nếu muốn. Tôi có thể giết bất kỳ ai.
“Không biết còn ai khác có chiếc kính như thế này không,” tôi nói.
“Bọn Nhà nghề có hai chiếc. Chúng có tất cả mọi thứ ở bên hồ,” Rue nói. “Và chúng quá mạnh.”
“Chúng ta cũng rất mạnh,” tôi nói. “Chỉ là theo một cách khác.”
“Có chị mạnh thôi. Chị có thể bắn cung,” nó nói. “Còn em thì làm được gì?”
“Em biết nuôi sống mình. Chúng làm được không?” tôi hỏi.
“Chúng không cần làm thế. Chúng có tất cả đồ dùng,” Rue nói.
“Vậy mới không ổn. Thử hỏi khi những đồ dùng đó bị mất, chúng sẽ cầm cự được bao lâu?” tôi nói. “Ý chị là, như vậy mới đúng là Đấu trường Sinh tử đúng không?”
“Nhưng, chị Katniss, chúng không đói,” Rue nói.
“Đúng, chúng không đói. Đó mới là vấn đề,” tôi đồng ý. Và lần đầu tiên, tôi có một kế hoạch trong đầu. Một kế hoạch sinh ra không phải vì muốn chạy trốn hay lẩn tránh. Một kế hoạch phản công. “Chị nghĩ chúng ta sẽ phải thay đổi điều đó, Rue ạ.”