Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Điều Lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam

Chương 8: Việc Thi Hành Kỷ Luật Trong Đảng

Tác giả: Quốc Hội Việt Nam

Điều 35:

Việc thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, chính xác, kịp thời nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng và giáo dục đảng viên.

Tuỳ mức độ, tính chất sai lầm của đảng viên và của tổ chức đảng, áp dụng các hình thức kỷ luật sau đây:

Đối với đảng viên: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

Điều 36:

Về thẩm quyền thi hành kỷ luật:

a) Đối với đảng viên:

1. Việc thi hành kỷ luật đảng viên phải được chi bộ chủ động xem xét. Chi bộ có quyền quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên; kỷ luật khai trừ đảng viên phải được hội nghị chi bộ biểu quyết với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức của chi bộ và phải được đảng uỷ cơ sở (nếu có) tán thành, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền chuẩn y.

2. Đối với đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp trên quản lý nhưng không phải là cấp uỷ viên các cấp, phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ hoặc về lối sống, chi bộ có quyền thi hành kỷ luật như quy định tại điểm 1 điều 36, song phải báo cáo với uỷ ban kiểm tra cấp quản lý cán bộ đó để thẩm tra lại.

3. Đối với đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp trên quản lý nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp hoặc cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp, phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao, chi bộ và đảng uỷ cơ sở có quyền đề nghị các hình thức kỷ luật; uỷ ban kiểm tra các cấp quản lý cán bộ đó quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo; cấp uỷ cấp quản lý cán bộ đó quyết định các hình thức kỷ luật cách chức, khai trừ.

4. Đối với đảng viên là uỷ viên ban chấp hành các cấp (kể cả uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương):

– Phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ hoặc về lối sống thì chi bộ quyết định các hình thức khiển trách, cảnh cáo; nếu cần xử lý hình thức kỷ luật cao hơn thì chi bộ đề nghị lên cấp uỷ cấp trên.

– Phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ do cấp uỷ giao, cấp uỷ nào giao nhiệm vụ thì cấp uỷ đó quyết định các hình thức kỷ luật; riêng kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng hoặc cách chức uỷ viên ban chấp hành, do ban chấp hành quyết định với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số uỷ viên ban chấp hành, được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y và báo cáo với đại hội đảng bộ trong kỳ họp gần nhất; nếu đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ thì cấp uỷ quyết định kỷ luật phải báo cáo lên cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó tham gia để chuẩn y.

Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo do chi bộ hoặc cấp uỷ cấp dưới quyết định phải được báo cáo lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp và cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó tham gia để thẩm tra lại.

Việc thi hành kỷ luật chi uỷ viên do chi bộ quyết định; riêng kỷ luật cách chức chi uỷ viên phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

5. Trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật, tuy đã được cấp trên nhắc nhở, song tổ chức đảng cấp dưới không xử lý kỷ luật hoặc xử lý chưa đúng mức, thì cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên có thẩm quyền trực tiếp quyết định thi hành kỷ luật hoặc sửa đổi mức kỷ luật đối với đảng viên đó.

6. Khi giải quyết các khiếu nại về kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới quyết định đối với đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cấp dưới) và khi kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới, uỷ ban kiểm tra cấp trên được quyết định chuẩn y, sửa đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới quyết định, trừ hình thức khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức uỷ viên ban chấp hành đảng bộ cấp dưới trực tiếp.

7. Quyết định của cấp trên thi hành kỷ luật cấp uỷ viên và cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý được thông báo đến chi bộ, đảng bộ cơ sở nơi đảng viên đó sinh hoạt.

b) Đối với tổ chức đảng:

Kỷ luật khiển trách, cảnh cáo một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định.

Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số uỷ viên ban chấp hành và phải được cấp uỷ cấp trên cách một cấp chuẩn y.

Quyết định đó phải được báo cáo lên Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Chỉ giải tán một chi bộ, đảng bộ hoặc ban chấp hành nếu vi phạm một trong ba trường hợp sau đây: có ít nhất hai phần ba số đảng viên (đối với chi bộ, đảng bộ) hoặc ít nhất hai phần ba số uỷ viên ban chấp hành (đối với ban chấp hành) phạm sai lầm đến mức phải khai trừ; tập thể tổ chức đó đã có hành động chống lại đường lối, chính sách của Đảng một cách có ý thức; có đủ bằng chứng tập thể đó không đủ tin cậy về chính trị.

ở chi bộ, đảng bộ bị giải tán, đảng viên không có khuyết điểm, hoặc có khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải khai trừ, được cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định chuyển sinh hoạt đảng vào chi bộ mới thành lập, hoặc đến một chi bộ khác.

Điều 37:

Trước khi quyết định kỷ luật, tổ chức đảng có trách nhiệm nghe đảng viên hoặc người đại diện cho tổ chức đảng bị xem xét về kỷ luật trình bày ý kiến.

Sau khi quyết định về kỷ luật đã được công bố, nếu không đồng ý thì trong vòng ba tháng, đảng viên hoặc tổ chức bị thi hành kỷ luật có quyền yêu cầu tổ chức đã quyết định kỷ luật đó xem xét lại và được khiếu nại lên cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương.

Khi nhận được thư khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên báo cho người khiếu nại biết; trong vòng một tháng phải tổ chức xem xét. Ba tháng một lần, uỷ ban kiểm tra cấp dưới báo cáo lên uỷ ban kiểm tra cấp trên về tình hình giải quyết thư khiếu nại kỷ luật. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên thường xuyên kiểm tra việc giải quyết thư khiếu nại của cấp dưới.

Điều 38:

Trong khi nghị quyết về khai trừ đảng viên hoặc giải tán một tổ chức đảng chưa được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền chuẩn y, đảng viên đó vẫn được sinh hoạt đảng, tổ chức đó vẫn hoạt động. Việc tạm đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, hoạt động của tổ chức đảng chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt và phải được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền chuẩn y theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Đảng viên bị hình phạt từ hình thức cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.

Điều 39:

Từ sáu tháng đến một năm, sau khi đảng viên bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, chi bộ nghe đảng viên đó báo cáo để xem xét; nếu đảng viên đó thật sự đã sửa chữa khuyết điểm, chi bộ công nhận và báo cáo lên cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên; cấp nào quyết định thi hành kỷ luật thì cấp đó chuẩn y công nhận đảng viên đã sửa chữa khuyết điểm.

Bình luận