Mùa hè năm đó trại hè không được tổ chức. Philip, Mary, Lisa và Thomas vẫn thuê ngôi nhà trong vùng Hamptons trước đây. Mùa hè tới gần với tất cả mọi người và dù là trong những chuyến dạo chơi bằng tàu hay những lần tổ chức tiệc nướng ngoài trời, tiếng cười và niềm vui sống cuối cùng cũng đã nở hoa trong ngôi nhà của họ.
Ngay từ đầu năm học, Lisa đã bắt đầu việc học hành của mình với thái độ hoàn toàn mới mà cuốn sổ học bạ cuối kỳ một thể hiện rất rõ. Thomas xa cách với chị mình hơn một chút, tuổi vị thành niên tạm thời chia cắt chúng.
Ngày Noel, Mary giải thích với Lisa rằng điều vừa xảy ra với em là bình thường thôi, máu chảy ra đó hoàn toàn không phải do cơ thể của em chiến đấu chống lại một nỗi sợ hãi nào đó. Chỉ đơn giản là em đang trở thành một người phụ nữ, và điều đó sẽ không đơn giản chút nào.
Tháng Giêng, Mary tổ chức một bữa tiệc lớn cho sweet sixteen[31] của Lisa, và lần này, cả lớp đã đáp lại lời mời. Mùa xuân sau đó, nghi ngờ Lisa đã biết thầm thương trộm nhớ ai đó, cô liền giảng giải kỹ lưỡng cho Lisa một bài dài về tất cả các đặc tính của nữ giới. Lisa không để ý lắm đến các chi tiết thân thể, nhưng cô bé chăm chú lắng nghe tất cả những gì liên quan đến sắc thái cảm xúc. Nghệ thuật quyến rũ thu hút cô bé đến mức họ đã có vô số cuộc trao đổi. Nóng lòng muốn có những lời giải thích, cô bé tìm đến Mary. Vô cùng khoái chí về điều đó, cô đưa ra các câu hỏi từng ít, một cách hết sức dè sẻn.
Nhìn vẻ buồn bã của cô bé khi thời điểm những kỳ nghỉ dài đến gần, Mary đoán rằng một tình yêu đã nảy nở trong trái tim cô bé. Những tháng hè trở nên thật đáng ghét khi người ta yêu ở độ tuổi này, lời hứa hẹn sẽ viết thư cho nhau không đủ để lấp đầy khoảng trống mà người ta nếm trải lần đầu tiên trong cuộc đời.
Cô đến trường đón Lisa để dành suốt cả buổi chiều thứ tư đi chơi cùng cô bé tại Manhattan. Ngồi trong khu vườn nhỏ phía sau quán Picasso trong khu Village, hai người cùng ăn một đĩa xa-lát Caesar’s với lườn gà nướng.
– Thế nào, hai người còn chưa chia tay mà con đã thấy nhớ cậu ấy phải không? Mary hỏi.
– Cô cũng biết cái vụ đó à?
– Từ lâu lắm rồi.
– Vì sao nó lại làm cho ta đau lòng đến vậy?
– Bởi vì yêu trước hết là chấp nhận một sự rủi ro. Gắn bó lòng mình với một người khác, mở ra cánh cửa nhỏ xíu đi vào trái tim mình là một điều nguy hiểm. Nó có thể gây ra một nỗi đau không gì có thể miêu tả được mà con đang cảm nhận. Thậm chí nó có thể biến thành một nỗi ám ảnh.
– Suốt ngày con chỉ nghĩ đến điều đó!
– Và không có một liều thuốc nào cho nỗi đau này của con tim. Chính vì thế mà cô đã hiểu ra rằng chúng ta hoàn toàn sai lầm về tính tương đối của thời gian. Một ngày có thể dài hơn cả một năm khi người kia không ở bên ta, nhưng đó cũng là một điều của tình yêu. Cần phải học để biết làm chủ tình cảm này.
– Con vô cùng sợ mất anh ấy, sợ anh ấy gặp một cô gái khác. Anh ấy đi nghỉ tại một trại hè ở Canada.
– Điều đó có thể xảy ra, cô hiểu nỗi lo của con. Đúng là đáng ghét, nhưng ở tuổi này, các con trai thường rất thích bay nhảy.
– Thế sau đó thì sao?
– Với một số người thì sau đó họ không còn tính đó nữa, rất hiếm nhưng vẫn có những người như vậy!
– Nếu anh ấy phản bội con, con sẽ không chịu nổi đâu.
– Có chứ, có chứ, cô đã thử trước cho con rồi! Cô biết rằng với tâm trạng của con hiện giờ, điều đó rất khó tin, nhưng dù sao người ta vẫn có thể chịu đựng được.
– Phải làm gì để khiến cho đàn ông họ cũng yêu lại chúng ta?
– Với các cậu con trai, tất cả nằm ở chỗ phải biết giữ chừng mực, giữ khoảng cách, giữ một cái gì đó bí hiểm. Chính những điều đó khiến cho họ phát điên!
– Điều này con đã nhận thấy!
– Thế là thế nào, con đã nhận thấy là thế nào?
– Giữ chừng mực là một tính cách khá tự nhiên ở con.
– Vậy hãy chú ý đến tiếng tăm của con, điều này sẽ rất quan trọng về sau, mọi vấn đề nằm ở chỗ làm sao giữ được thăng bằng.
– Con không hiểu!
– Cô nghĩ rằng bố của con sẽ giết cô nếu ông ấy nghe thấy cô nói những điều như thế này với con, nhưng nhìn con quá lớn so với tuổi của mình.
– Nói đi cô! Lisa vừa nằn nì vừa giậm chân.
– Nếu như con chạy trốn tụi con trai, con sẽ trở thành một nữ thánh đồng trinh và họ sẽ không thèm để ý đến con, nhưng nếu con suốt ngày ở với họ, con sẽ bị coi là một cô gái dễ dãi và họ sẽ thích đi với con nhưng vì những lý do xấu, điều này cũng không tốt.
– Điều này con cũng đã thấy rồi! Cô bạn gái Jenny của con đã đánh mất thăng bằng!
– Thế còn con, con đang ở đâu?
– Đang ngồi trên một sợi dây, con đã giữ được thăng bằng của mình.
– Lisa, đến một ngày mà những chuyện này trở nên quan trọng hơn nữa trong cuộc đời của con, cô muốn rằng con sẽ cảm thấy thoải mái hỏi cô bất cứ câu hỏi nào thoáng qua trong đầu con. Cô ở đây là để giúp con.
– Thế còn cô, ai đã giải thích cho cô khi cô ở vào tuổi con?
– Không ai cả, trong điều kiện đó, còn khó khăn hơn nữa để tránh khỏi bị chóng mặt.
– Đến tuổi nào thì cô có người bạn trai đầu tiên?
– Chỉ biết là không phải ở tuổi của con bây giờ, nhưng thời đó khác với bây giờ.
– Dù sao con cũng thấy chuyện này thật đáng sợ.
– Hãy chờ thêm chút nữa và con sẽ thấy người ta có thể thay đổi ý kiến đến như thế nào!
Sau bữa ăn, họ lại tiếp tục trò chuyện thủ thỉ trong khi đi dọc các con phố tại khu Village, lục tung tất cả các cửa hiệu thời trang mà họ bước vào để tìm cho ra bộ đồ định mệnh sẽ “hạ gục” chàng trai đang được nói đến.
– Con hiểu không, Mary nói, chúng ta vẫn luôn nói rằng trong tình yêu, hình dáng bên ngoài không phải là điều quan trọng, nhưng trong vấn đề quyến rũ, dù sao nó cũng đóng vai trò đáng kể đấy! Vấn đề là phải tìm được phong cách ăn mặc phù hợp nhất với mình!
Khi cô bán hàng của tiệm Banana Republic nhận thấy cô bé đang băn khoăn trước một chiếc quần bó màu đen nên nói với Lisa rằng với thân hình của cô, cô có thể mặc bất cứ loại quần áo nào, và chỉ lát sau, trong khi cô bé đang ở trong phòng thử đồ, vẫn cô bán hàng ấy nói với Mary rằng con gái của cô rất đẹp, cảm giác choán lấy cô không giống chút nào với sự ghen tị, mà giống với một cảm giác tự hào.
Khi ra đến ngoài vỉa hè, hai tay mang lỉnh kỉnh các túi đồ, Lisa ôm hôn Mary và thì thầm vào tai cô rằng chàng trai tên là Stephen.
– Chà, Stephen, Mary cao giọng đáp, đây sẽ là sự khởi đầu cho những nỗi bất hạnh của cậu, suốt những ngày hè, cậu sẽ phải cảm thấy khổ sở đấy, hãy chống mắt lên mà coi!
° ° °
Trong suốt mùa hè mà cả nhà lại cùng nhau đi nghỉ trong vùng Hamptons, hai tuần một lần, Lisa bí mật viết thư cho chàng trai tên là Stephen. Những lá thư đủ để chàng cảm thấy an tâm rằng cô nghĩ rất nhiều đến anh, nhưng cũng đủ để cho anh biết rằng có rất nhiều chàng trai dễ thương ở đây, và rằng cô có những ngày nghỉ tuyệt vời, cô chơi thể thao rất nhiều. Cô hi vọng rằng anh cũng cảm thấy vui trong trại hè của anh, và nói thêm rằng cô thấy hai khái niệm có vẻ rất đối kháng. “Một chút từ vựng chẳng có hại gì đâu”, Mary trả lời khi cô bé cứ băn khoăn hỏi rằng liệu từ “đối kháng” có hơi to tát quá không.
Ngày tựu trường, Lisa gặp lại Stephen trong lớp và trong cuộc đời cô.
Vào tháng Mười một, Lisa có vẻ buồn bã, và Mary biết được rằng lần này Stephen sẽ cùng gia đình đi dự một lớp trượt tuyết trong vùng núi Colorado. Không hỏi ý kiến một ai, trong buổi ăn tối ngày hôm sau, cô quyết định rằng sẽ rất tuyệt nếu Lisa học để biết trượt tuyết thật giỏi. Lời mời của Cindy, chị của Stephen, mời Lisa cùng đi nghỉ với gia đình đến rất đúng lúc. Đối với Philip, không bao giờ có chuyện gia đình phân tán trong dịp Noel, nhưng Mary kiên quyết giữ nguyên ý kiến của mình bởi vì ngày khởi hành đã dự định là ngày 27. Còn đêm giao thừa, mọi người sẽ gọi điện cho nhau, phải biết học để lớn lên chứ, phải không?
Cái nhướm mày bên trái của cô hẳn đã kêu gọi được sự đồng thuận cuối cùng.
Họ chỉ nhận được một tấm bưu thiếp duy nhất đến vào hôm trước ngày trở về của Lisa, và mỗi ngày Mary đều phải giải thích với Philip rằng phải mừng vì điều đó mới đúng – nếu như ngày nào con bé cũng viết thư thì lúc đó mới đáng lo.
Thế là họ chỉ có ba người cùng đón lễ New Year’s Eve[32], và, nhất định hàn gắn sự cách biệt này, Mary chuẩn bị một bữa ăn thật linh đình. Tuy vậy, ngồi trong bàn, chiếc ghế bỏ trống của Lisa vẫn ám ảnh cô suốt buổi tối. Sự vắng mặt của Lisa đánh một cú mạnh vào cái cánh cửa nhỏ để ngỏ mà cô đã từng nói với em vào một buổi chiều mùa hè.
Cô bé trở về với làn da rám nắng, hạnh phúc và mang theo về hai tấm huy chương giành được trên các đường đua. Cuối cùng Mary cũng thấy mặt anh chàng Stephen vẫn hãy được nhắc đến trên những tấm hình chụp cả nhóm. Sau đó, Lisa kéo cô vào phòng và một lần nữa chỉ cho cô xem chàng trai trên tấm chân dung hai đứa tươi cười chụp tại quầy tự động, trước khi dấu nó dưới nệm.
Trong suốt hai tháng sau đó, ý nghĩ quay trở lại với nghề phóng viên ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đầu cô. Cô bắt đầu bằng việc viết các bài thời luận, “chỉ là để cho vui”, và đi ăn trưa với người tổng biên tập mới của tờ Montclair Times mà cô từng quen khi còn học ở trường đại học vì tò mò. Cô hết sức ngạc nhiên khi anh ta đề nghị cô gửi cho anh ta một bài. Chắc chắn cô sẽ cần một ít thời gian để “giũa” lại ngòi bút, nhưng anh ta để cho cô tự chọn chủ đề bài viết. Trước khi chia tay, anh hứa sẽ làm hết khả năng của mình để giúp cô nếu như cô thực sự muốn quay trở lại với nghề. “Mà tại sao không?” cô tự nhủ trên đường về nhà.
= 0 =
Philip ngồi tại bàn làm việc, ngắm mặt trời đang lặn vào lúc cuối chiều của một ngày tháng Năm này. Vừa trở về từ thư viện thành phố, Mary đi ngay lên phòng cắt ngang công việc của anh.
Khi cô bước vào, anh ngẩng mặt lên và mỉm cười với cô trong khi chờ cô nói.
– Anh có nghĩ rằng người ta có thể nắm giữ được hạnh phúc khi ở tuổi bốn mươi?
– Ít nhất thì người ta cũng có thể nhận thức được nó.
– Liệu mọi việc có thể thay đổi muộn màng như vậy trong cuộc sống, liệu bản thân người ta còn có thể thay đổi được không?
– Người ta có thể chấp nhận trưởng thành hơn và chung sống với mọi chuyện thay vì đối đầu với chúng.
– Đây là lần đầu tiên kể từ bấy lâu nay em cảm thấy anh ở gần bên em, Philip, và chính điều đó làm cho em hạnh phúc.
Vào mùa xuân năm 1995, Mary biết rằng hạnh phúc đã đến ở trong căn nhà của cô, và sẽ còn ở lại rất lâu.
= 0 =
Cô dọn căn phòng của Lisa và vì lúc đó trời đã bắt đầu nóng, cô quyết định lật mặt đệm qua phía dành cho mùa hè. Chính vào lúc đó cô đã bắt gặp cuốn sổ lớn với bìa màu đen. Cô lưỡng lự, ngồi vào bàn và bắt đầu lật từng trang. Trang đầu tiên có hình lá cờ Honduras vẽ bằng màu nước. Mỗi trang sổ mở ra, cổ họng cô lại nghẹn lại thêm một chút. Tất cả các bài báo đã được đăng tải viết về các đợt bão đã xảy ra trên trái đất trong những năm qua đã được cắt ra và dán vào trong cuốn album bí mật này, các bài báo ít nhiều liên quan đến Honduras thì được sắp xếp cẩn thận theo thứ tự thời gian. Nó giống như cuốn nhật ký hải trình của một người thủy thủ xa đất liền, hàng đêm vẫn mơ về những ngày tháng sắp tới, khi trở về nhà, anh sẽ kể cho những người thân của mình nghe về chuyến đi có một không hai.
Mary gấp cuốn sổ lại và đặt nó lại chỗ cũ. Những ngày sau đó, cô không để lộ cho ai biết phát hiện này và, nếu như mọi người trong gia đình đều cảm thấy tâm trạng của cô có gì đó thay đổi, không một ai hiểu được rằng một trái tim có thể héo tàm chỉ trong vài giây.
= 0 =
Dù không tự nhận thấy điều đó, nhưng đã bốn lần kể từ đầu mùa hè, Mary gặng hỏi Philip xem anh thấy nên làm gì để tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín của Lisa cho xứng đáng. Khi anh trả lời vẻ hài hước rằng họ còn tới hai năm nữa để suy nghĩ, cô tỏ ra bực tức trả lời đôi khi thời gian trôi nhanh đến mức họ không kịp để ý.
Sáng nay, sau bữa ăn sáng, khi Lisa ra ngoài đi cùng với Thomas đến sân chơi bóng chày, cô lại nhắc đến chủ đề này.
– Em làm sao vậy, Mary? Philip hỏi.
– Không sao hết, em chỉ hơi mệt, thế thôi.
– Em chẳng bao giờ mệt cả. Có chuyện gì em chưa nói với anh phải không?
– Thì em đến tuổi rồi, chứ anh còn muốn sao nữa, rồi cũng có một ngày sự mệt mỏi phải đến chứ.
– Sau ba mươi hay bốn mươi năm nữa thì bài diễn văn này của em sẽ là sự thật không thể chối cãi được, nhưng bây giờ thì chưa phải lúc, nói anh nghe đi.
– Đi theo em, em có cái này muốn cho anh xem!
Cô dẫn anh vào phòng của Lisa và thò tay vào phía dưới tấm nệm. Đến lượt mình, anh cẩn thận lật từng trang album.
– Con bé này dàn trang tốt một cách kinh ngạc, nó đúng là có khiếu về đồ họa, anh thấy rất tự hào, nó có tài đấy. Em có nghĩ là công việc của anh tạo cảm hứng cho nó không?
Mary cắn chặt răng để kìm những giọt nước mắt giận dữ chỉ trực trào ra trong đôi mắt cô.
– Đó là tất cả những gì cuốn sổ gợi cho anh ư? Cả bấy nhiêu trang giấy chỉ nói về các trận bão và về Honduras, vậy mà anh, anh lại quan tâm đến khả năng làm maquette của nó!
– Bình tĩnh lại nào, sao em lại như vậy?
– Anh không thấy là con bé chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi hay sao, nó bị ám ảnh bởi cái đất nước chết tiệt đó và bởi những cơn bão đáng nguyền rủa! Em cứ tưởng rằng mình đã mang đến cho nó một điều gì đó khác, em đã nghĩ rằng mình đã khiến cho nó cảm thấy thích thú với một cuộc sống khác. Chưa đầy ba năm nữa, thời gian sẽ trôi qua nhanh lắm.
– Mà em đang nói về cái gì vậy?
Cô không trả lời, Philip nắm lấy tay cô và kéo cô ngồi lên đùi mình. Anh ôm cô thật chặt vào lòng và nói với cô bằng một giọng dịu dàng và trầm tĩnh. Cô gục đầu vào vai anh, khóc nức nở.
– Tình yêu của anh, Philip nói tiếp, nếu như mẹ của em bị giết hại, và những người thân đã lấp đầy ký ức tuổi thơ của em đều bị giết chết bởi một tên sát nhân, em có thể không bị ám ảnh bởi những tên giết người hàng loạt chăng?
– Em không thấy có mối liên hệ nào ở đây.
– Những cơn bão, chúng chính là những tên sát nhân vẫn ám ảnh con bé hằng đêm. Ai có thể hiểu hơn em nhu cầu tìm kiếm, đọc tài liệu, thống kê để hiểu rõ hơn, chính em đã từng lý giải cho mình như thế khi em là sinh viên, và em từ chối các buổi ăn tối với anh để ở nhà viết báo. Những cơn bão đã giết chết tuổi thơ của nó, vì thế nên nó tìm kiếm thông tin về chúng, nó cắt chúng ra và dán vào cuốn album của nó.
– Anh nói như vậy để làm cho em yên tâm đấy à?
– Đừng vội từ bỏ, Mary, đừng từ bỏ vào lúc này, nó cần đến em. Lisa đã làm đảo lộn cuộc sống của em. Em đã biết điều đó ngay vào giây phút nó xuất hiện trên lối đi này, nhưng em không muốn thừa nhận điều đó. Em đã chống lại tình cảm này, và dù em đã đoán ra cái hạnh phúc đang tới, nó vẫn làm đảo lộn trật tự mà em đã thiết lập, và em chối bỏ nó. Trước bấy nhiêu điều hiển nhiên, em đã để cho mình bị khuất phục, em đã mở trái tim mình ra với cô bé và mỗi ngày trôi qua, em càng hiểu ra em yêu nó đến mức độ nào. Anh biết rằng ban đầu, điều đó không dễ dàng gì, em đã phải có rất nhiều can đảm.
– Anh nói về chuyện gì vậy?
– Về sự kiên nhẫn và khiêm tốn của em. Bởi vì khiêm tốn cũng có nghĩa là tin vào cuộc sống của chính mình.
Anh đóng cuốn sổ lại và quăng nó ra giường, rồi anh nhìn sâu vào mắt Mary và bắt đầu cởi khuy áo của chiếc áo bó cô đang mặc. Cuối cùng cô cũng mỉm cười khi bàn tay anh đặt lên bộ ngực trần của cô.
– Đừng làm thế trong phòng của Lisa!
– Anh cứ nghĩ là con bé đã gần như trưởng thành rồi chứ? Tại cuốn album này mà em bị ám ảnh về sinh nhật thứ mười chín của nó đấy phải không?
– Không, ngốc ạ, cô vừa trả lời vừa nấc lên, bởi vì em sợ rằng cửa hàng bán đồ ăn sẵn sẽ đóng cửa vào ngày hôm đó!
Sau đó, cũng trong ngày hôm ấy, cô chia sẻ với anh một suy nghĩ mà cô không bao giờ có thể ngờ rằng mình lại có thể có trong đầu.
– Em nghĩ là em đã hiểu anh cảm thấy như thế nào khi Susan ra đi, cảm giác bất lực thật đáng sợ khi bản thân nó phải đối đầu với sức mạnh của tình cảm.
Sáng hôm sau, tại thư viện nơi cô bắt đầu có thói quen đến để làm việc, Mary viết một lá thư. Cô dán phong bì lại và viết bằng bút lông: “National Hurricaine Center, Public Affair, 11691 S.W. 117th Street, Miami, 33199 Florida”. Hai ngày sau, khi người nhận lá thư mở nó ra, ông ta đọc thấy những lời sau:
Montclair, NJ, ngày 10 tháng Bảy năm 1995,
Thưa ngài Giám đốc phòng Quan hệ đối ngoại Trung tâm nghiên cứu bão quốc gia,
Tuy bản thân tôi là nhà báo và vốn có ý định vài tháng tới sẽ đăng bài báo về những cơn bão và về trung tâm của ông, tôi viết thư này để xin được gặp và trao đổi với ông với tư cách cá nhân. Để ông có thể hiểu được lý do khiến tôi làm điều này, cho phép tôi được trình bày rõ hơn về hoàn cảnh đặc biệt liên quan đến hành động của tôi. […..]Bức thư dài năm trang được ký tên Mary Nolton.
Mười ngày sau, cô nhận được câu trả lời:
Thưa bà,
Lá thư của bà đã khiến tôi đặc biệt quan tâm. Từ tháng Năm, chúng ta đã dọn hẳn về trụ sở mới đặt tại khuôn viên Trường đại học quốc tế Florida, và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể đón tiếp bà và cô con gái Lisa của bà kể từ tháng Chín tới. Do tính chất đặc biệt trong lời yêu cầu của bà, tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ thuận lợi hơn nếu chúng ta có thể trao đổi trước về trình tự chuyến tham quan và làm việc của bà. Bà có thể liên hệ với chúng tôi tại văn phòng.
Xin gửi đến bà lời chào trân trọng.
P.Hebert
MIC(Meteorologist in Charge) Tuần lễ sau đó, Mary mời tổng biên tập của tờ Montclair Times ăn trưa. Sau khi chia tay với anh bên ngoài bậc thềm của tòa soạn, cô đi đến đại lý bán vé du lịch của mình và mua một tấm vé khứ hồi đi Miami; chuyến bay của cô khởi hành sáng sớm hôm sau, lúc 6 giờ 35, cô gọi điện cho thư ký của ông Hebert để báo rằng ngày hôm sau, cô sẽ có mặt tại văn phòng của ông lúc 12 giờ trưa. Nếu may mắn một chút và làm việc thật hiệu quả, cô sẽ có thể trở về nhà vào buổi tối cùng ngày.
= 0 =
Sáng sớm, cô bước thật khẽ đi xuống cầu thang, chú ý để không đánh thức một ai. Cô vào bếp, pha cho mình một ly cà phê, vừa nhâm nhi vừa ngắm trời đang sáng dần, rồi cô nhẹ nhàng đóng cửa nhà phía sau lưng mình và lên đường. Trên xa lộ dẫn ra sân bay Newark, hơi gió lùa vào trong xe qua ô cửa kính mở lớn đã bắt đầu ấm dần, cô bật radio và tự cảm thấy ngạc nhiên khi nhận ra mình đang hát váng tai.
Máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Miami lúc 11 giờ. Cô không mang theo hành lý nên rời khỏi sân bay rất nhanh. Nhận xong chiếc xe hơi đặt thuê sẵn, trải tấm bản đồ ra trên chiếc ghế bên phải, cô lái xe tiến vào làng Virginia Gardens, rẽ qua trái, vào đường cao tốc số 826, sau đó rẽ phải vào đường Flagami West Miami, và sau đó lại rẽ trái vào đại lộ thứ 117. Thông tin chỉ dẫn mà người ta cung cấp cho cô rất chính xác, tòa nhà NHC[33] hiện ra bên tay trái. Sau khi tự giới thiệu với người bảo vệ tại cổng khuôn viên, cô đậu xe vào bãi và di theo con đường chạy dọc khu vườn. Tòa nhà của NHC xây bằng bê tông mài trắng, trông giống như một boongke hiện đại với kiến trúc được cách điệu.
– Đó chính xác là điều chúng tôi muốn, thưa bà! Tất nhiên khi đã làm việc tại Miami, chắc chắn ai cũng mơ ước được làm việc trong những tòa nhà ốp những tấm kính lớn phía trước để có thể tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của phong cảnh nơi đây. Nhưng với những gì chúng tôi biết và quan sát được, chúng tôi vẫn muốn tòa nhà này phải được thiết kế vững chắc để chống chịu được các cơn bão, dù cho kiến trúc có xấu xí một chút. Đó là một lựa chọn mà tất cả chúng tôi ở đây đều cảm thấy thoải mái.
– Một cơn bão đáng sợ đến như vậy sao?
– Ngang với những gì quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima hay Nagasaki có thể gây nên.
Giáo sư Hebert đến đón cô tại tiền sảnh của tòa nhà, ông dẫn cô đến tận phòng làm việc của ông nằm bên cánh đối diện. Cô đặt hành lý xuống và ông bảo cô đi theo ông: ông có cái gì đó muốn cho cô xem trước khi họ bắt đầu trao đổi. Lối đi kín mít không có cửa sổ khiến cho cô cảm tưởng như đang đi dạo trong một hành lang thông với nhiều phòng trên một chiếc tàu chiến của hải quân, và cô tự hỏi có phải người ta đã làm cho nó thông thoáng ra thêm một chút rồi không. Ông mở cánh cửa của một phòng triển lãm. Phía bên trái, những bức tường lớn màu trắng phủ đầy những tấm hình do các máy bay tham sát của NHC chụp. Những bức hình chụp các cơn bão cho thấy những khối mây trông vừa oai phong, vừa khủng khiếp xoay tròn quanh chính mình, để lộ ra một khoảng trống màu xanh da trời tại tâm điểm của chúng, mà một số người gọi là mắt quỷ.
– Khi nhìn một cơn bão từ trên cao thế này, thậm chí ta có thể nó rất đẹp, đúng không?
Câu nói của Hebert vang lên trong căn phòng lớn và trống trải. Giọng của ông đột ngột thay đổi, nó trở nên gần như trịnh trọng.
– Bức tường bên phải mang người ta trở lại mặt đất, nếu tôi có thể nói như vậy, những bức hình này cho thấy những gì diễn ra bên ở dưới. Chúng nhắc nhở cho mỗi người chúng tôi tầm quan trọng của nhiệm vụ mà chúng tôi đang thực thể hiện. Hãy nhìn những bức hình này thật lâu đến chừng nào đã hiểu rõ chúng ta đang nói về cái gì. Mỗi tấm hình đều là nhân chứng cho thấy sức mạnh khủng khiếp tàn phá và hủy diệt của những con quái vật này. Hàng trăm, hàng ngàn người chết, đôi khi còn hơn con số đó nữa, những vùng đất bị xóa sổ hoàn toàn, biết bao cuộc đời bị hủy diệt, biến thành hư vô.
Mary lại gần một bức hình.
– Cơn bão mà cô nhìn thấy tên là Fifi, một cái tên lạ lùng cho một kẻ giết người quy mô cỡ như thế. Nó đã đổ bộ xuống Honduras vào năm 1974, quét qua gần như toàn bộ đất nước, để lại phía sau nó một sự tàn phá ngoài sức tưởng tượng và hàng trăm ngàn con người trở thành vô gia cư. Trong giây lát, hãy thử hình dung hình ảnh khủng khiếp với xác chết của mười ngàn trẻ con, phụ nữ và đàn ông. Những tấm ảnh nhỏ của chúng tôi dán xung quanh những bức hình lớn chỉ là một vài tấm hình làm chứng cho điều mà tôi vừa miêu tả với cô, chúng tôi đã chọn ra những bức ít kinh hoàng nhất nhưng vẫn không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy chúng.
Không nói nên lời, Mary tiến lên vài mét; Hebert chỉ tay vào một tấm hình khác trên tường.
– Cô đang nhìn thấy những gì xảy ra vào năm 1989. Allison, Barry, Chantal, Dean, Erin, Felix, Gabrielle, Karen, Jerry, Iris là một số trong số những kẻ sát nhân của năm đó, cũng phải nhắc đến Hugo, một cơn bão di chuyển với tốc độ trên 130 hải lý một giờ, tàn phá Charleston và cả một vùng rộng lớn thuộc Nam Carolina. Trận bão mà bà đã nhắc đến trong thư hẳn là một cơn bão tên là Gilbert, nó đã hoành hành trong suốt 13 ngày vào năm 1988, những cơn gió của nó di chuyển với tốc độ 165 hải lý một giờ, và những trận mưa xảy ra trước cơn bão đã gây nên những hậu quả kinh hoàng; tôi đã kiểm tra lại, chúng tôi không có con số chính xác về Honduras. Thưa bà, tôi không muốn xen vào những chuyện không phải của mình, nhưng bà có chắc chắn là bà muốn con gái bà nhìn thấy những hình ảnh này không?
– Cơn bão Gilbert này hay một trong những anh chị em họ của nó đã giết chết mẹ đẻ của cô bé. Lisa đã bí mật nuôi dưỡng một niềm say mê đến ám ánh đối với những cơn bão.
– Đó, lại thêm một lý do nữa khiến cho nơi này trở nên quá sức chịu đựng đố́i với cô bé.
– Chính sự không hiểu biết khiến cho người ta cảm thấy sợ hãi. Chính là để chiến đấu với những nỗi sợ hãi của bản thân mình mà tôi đã muốn trở thành nhà báo. Con bé cảm nhận nhu cầu muốn được hiểu biết mà không biết tìm ở đâu, vì thế tôi sẽ giúp nó, và tôi sẽ ở bên cạnh nó để chia sẻ những giây phút này, dù chúng có khó khăn đến thế nào.
– Tôi e rằng không thể đồng ý với quan điểm của bà.
– Tôi rất cần ông, giáo sư Hebert. Một bé gái không sao lớn lên nổi. Càng ngày càng hiếm khi người ta nghe giọng nói của nó, đến nỗi mỗi khi nó quyết định mở miệng nói, người ta phải căng tai lên để nghe. Năm tháng càng trôi qua, tôi càng thấy nó giam mình trong im lặng của nỗi sợ hãi. Nó run rẩy mỗi khi một cơn giông nổ ra, nó sợ cả những cơn mưa. Khi ông gặp con bé, ông sẽ thấy dù có như thế, con bé vẫn thật là dũng cảm, nó tự hào khi giấu kín nỗi ám ảnh kinh hoàng vẫn luôn đè nặng lên nó. Không có tuần nào trôi qua mà tôi không phải đến phòng nó vào ban đêm để giúp nó thoát khỏi một cơn ác mộng. Tôi thấy nó nằm đó, người vã mồ hôi, bị chôn chặt trong một giấc ngủ mịt mù đến mức thậm chí tôi không thể nào đánh thức nó dậy. Có những lần nó đã cắn lưỡi đến chảy máu để chống chọi lại với những nỗi sợ hãi của nó. Không ai biết điều đó, cả con bé cũng không biết rằng tôi đã khám phá ra điều bí mật vẫn ám ảnh nó. Nó cần được biết là trung tâm của ông đang tồn tại, rằng chúng ta không bỏ qua cho những tên quái vật đã cướp đi mạng sống của những người thân của nó, rằng các ông vẫn giám sát chúng, các ông vẫn đang truy lùng chúng, rằng có những phương tiện đã được đầu tư để khoa học có thể giúp bảo vệ những người dân khỏi những cơn cuồng nộ chết người của tự nhiên. Tôi muốn một ngày kia con bé có thể ngắm nhìn bầu trời và nhận ra rằng những đám may có thể cũng rất đẹp, tôi muốn mỗi đêm khi nằm ngủ, con bé có được những giấc mơ êm ái.
Giáo sư Hebert mời Mary đi theo ông, với một nụ cười trên môi. Khi mở cánh cửa phòng triển lãm, ông quay sang cô:
– Tôi không dám chắc rằng chúng tôi có được đầy đủ các phương tiện, nhưng ít ra là chúng tồn tại. Hãy đến đây, tôi sẽ đưa cô đi xem phần còn lại của Trung tâm và chúng ta sẽ cùng suy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì.
Mary gọi điện cho Philip, khi cô rời khỏi NHC, đã quá trễ để có thể về nhà vào buổi tối hôm đó. Ban đêm, từ cửa sổ phòng khách sạn tại bãi biển Miami, cô nghe thấy tiếng sóng vọng lên từ dưới.
– Em không mệt quá đấy chứ? Anh hỏi.
– Không, chuyến đi thăm này đã mang lại cho em rất nhiều thông tin. Bọn trẻ đã ăn tối chưa?
– Xong lâu rồi, bọn anh đang ngồi nói chuyện trong phòng của Lisa. Anh nghe điện thoại ở phòng của mình. Còn em, em ăn tối chưa?
– Không, nhưng em sẽ ra ngoài bây giờ.
– Anh rất ghét khi em ở trong thành phố đó mà không có anh. Ở đó đầy những tay đàn ông cơ bắp như những bức tượng.
– Ở đây những pho tượng đi lại rất nhiều, và em vẫn chưa ghé một quán bar nào! Em nhớ anh.
– Anh cũng nhớ em, nhớ nhiều lắm. Giọng nói của em nghe nhỏ xíu.
– Hôm nay là ngày lạ lùng, anh biết đấy. Hẹn anh ngày mai, em yêu anh.
Dưới chân các tòa nhà, từ các quán ăn và quán bar nhìn ra Ocean Drive, tên của đại lộ chạy dọc bãi biển, những tiếng nhạc điên cuồng phát ra. Những cơ thể còn uốn éo nhảy nhót trên nền nhạc đó mãi cho đến khuya. Cứ mỗi cây số lại có một bảng đề; Điểm tập kết di chuyển người đến chỗ trú ẩn trong trường hợp báo động có bão. Sáng hôm sau, Mary đáp chuyến bay đầu tiên.
Chuông điện thoại reo lên vào tối ngày 11 tháng Chín năm 1995. Hebert khuyên cô nên chuẩn bị sẵn sàng ngay sáng sớm hôm sau, ông sẽ gọi lại trước khi Lisa ra khỏi nhà đến trường để báo cho cô biết diễn tiến của những gì mà hiện nay mới chỉ là dự báo. Sau đó ông gác máy, ông có nhiều việc phải làm. Vào lúc 7 giờ sáng, giọng của ông trong điện thoại nói với Mary: “Hãy đến đây bằng chuyến bay đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng thời điểm đặt tên sẽ là vào tối nay, bảng tên sẽ chờ sẵn hai người ở cổng vào, tôi sẽ đón ngay khi quý vị đến nơi.” Cô vào phòng của Lisa, cô bé đang thay đồ, cô mở tủ ra và bắt đầu chuẩn bị một vali nhỏ.
– Cô làm gì vậy? Lisa ngạc nhiên.
– Con sẽ bỏ lỡ tuần học này, nhưng có thể con sẽ có cơ hội chuẩn bị bài thuyết trình hay nhất trong lịch sử của trường.
– Cô đang nói gì vậy?
– Bây giờ không có thời gian để giải thích, con hãy vào bếp làm cho mình một lát bánh mỳ bơ đi, một tiếng đồng hồ nữa chúng ta sẽ đáp một chuyến bay, trên đường đi cô sẽ giải thích cho con biết cô đang đưa con đi đâu.
Cô phóng xe như bay trên xa lộ, trong khi Lisa hỏi cô họ đang đi đâu và tại sao lại có chuyến đi bất ngờ này. Mary trả lời rằng với tốc độ như thế này, cô không thể làm hai việc cùng một lúc. Họ sẽ có cả thời gian trong suốt chuyến bay để nói chuyện.
Hai người chạy băng qua tiền sảnh nhà ga sân bay để đi về phía cửa lên máy bay. Mary nắm tay Lisa chạy, mỗi lúc một nhanh hơn. Khi họ lên đến đầu chiếc cầu thang dẫn đến một quán bar nằm nhô ra ở một góc tầng lầu, Lisa đặt lại câu hỏi một lần nữa:
– Nhưng mà chúng ta đang đi đâu?
– Đi qua phía bên kia cửa kính! Mary trả lời. Hãy đi theo cô và hãy tin ở cô!
Lisa nhìn qua ô cửa ngắm cả một đại dương với những đám mây trôi lướt qua cánh máy bay. Chiếc phi cơ bắt đầu đáp xuống sân bay quốc tế Miami. Mary giả vờ ngủ trong suốt chuyến bay và Lisa vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra và tại sao họ lại chạy vội vã khi vừa ra khỏi máy bay. Ngay sau khi nhận lại hai chiếc vali từ trên tấm thảm trượt trả hành lý, họ nhảy lên một chiếc taxi đi về phía Flagami West.
– Tôi không nhớ chỗ có trung tâm NHC, người tài xế nói.
– Anh rẽ sang trái vào đường số 117 và cổng vào ở cách đó 2 cây số, Mary trả lời.
– NHC là gì? Cô từng đến đây rồi à? Lisa hỏi.
– Có lẽ thế!
Lisa vô cùng ấn tượng bởi chiếc bảng tên có in sẵn tên của em, người ta đã đưa nó cho em khi hai người đến trình diện tại phòng bảo vệ. Em đang đứng chờ cùng với Mary tại tiền sảnh của tòa nhà khi giáo sư Hebert xuất hiện.
– Xin chào, hẳn cháu là Lisa, tôi rất vui khi được đón tiếp cháu tại Trung tâm nghiên cứu bão quốc gia. Chúng tôi là một trong ba chi nhanh của một tổ chức chính phủ tên là Trung tâm dự báo nhiệt đới. Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu sống người dân và bảo vệ tài sản vật chất của các cộng đồng dân cư, bằng cách nghiên cứu những hiện tượng khí tượng xảy ra ngẫu nhiên tại các vùng nhiệt đới, chúng tôi phân tích chúng và đưa ra các cảnh báo hay báo động khi cần thiết. Những thông tin mà chúng tôi thu thập được dùng phục vụ cho đất nước chúng ta và cho cả cộng đồng quốc tế. Một lát nữa chúng ta sẽ tham quan một vòng khắp Trung tâm, thông tin mà các máy bay thám sát của chúng tôi chuyển về vào trưa nay khẳng định rằng quý vị đã không cất công đến đây một cách vô ích. Trong giây lát nữa, chúng ta sẽ được thấy cái mà từ 14 tiếng đồng hồ nay đã chính thức được coi là cơn áp thấp nhiệt đới thứ 15 trong năm của vùng Đại Tây dương. Chúng tôi nghĩ rằng vào trước cuối ngày hôm nay, nó sẽ có thể chuyển thành một cơn bão, thậm chí là một trận bão lớn vào ngày mai.
Vừa nói, ông vừa dẫn họ đến một đầu hành lang dài. Ông đẩy hai cánh cửa dẫn vào một căn phòng nhìn giống với một tháp kiểm soát của một sân bay lớn. Ở chính giữa căn phòng, một dãy các loại máy in liên tục nhả ra hàng cuộn giấy, một người đàn ông cắt chúng ra và phát cho những người khác. Hebert dẫn họ đến gần màn hình của một chiếc radar. Sam, người nhân viên đang làm việc tại đó, không một phút rời mắt khỏi màn hình, anh ta ghi lại trên một tờ giấy những số liệu hiện ra ở góc trái phía trên màn hình. Một vệt rộng di chuyển thành vòng tròn trên mặt đồng hồ; khi nó đến vị trí phía đông nam, anh ta chỉ tay vào khối đục màu vàng cam đang tách rời một cách rõ rệt ra khỏi nền màu xanh lá cây. Lisa ngồi xuống chiếc ghế dành cho em. Người nhân viên trạm khí tượng giải thích cho em biết phải diễn giải những con số đang lướt qua trước mắt em như thế nào. Những con số đầu tiên chỉ ngày tháng cơn áp thấp được sinh ra, con số nằm cạnh chứ M chỉ số ngày đã trôi qua kể từ thời điểm đó, những con số trong ô “SNBR” là số hiệu đã gắn cho hiện tượng đang xảy ra.
– Từ XING có nghĩa là gì? Lisa hỏi.
– Đó là chữ viết tắt của “crossing” và số không ở bên cạnh có nghĩa là cơn áp thấp đã không đi qua biên giới của nước Mỹ, hay ít nhất là vẫn chưa vượt qua. Nó đó là một cơ số khác thì có nghĩa là nó đã xâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta.
– Thế còn con số phía sau ba chứ S đứng sát nhau?
– Đó là con số xếp hạng chính thức của chúng ta. Độ nghiêm trọng của các cơn địa chấn của trái đất được đo bằng thang Richter của các cơn bão thì, kể từ năm 1899, được đo bằng thang đo Saffir Simpson. Nếu trong những giờ tới, cháu thấy số 1 xuất hiện sau các chữ SSS, điều đó có nghĩa là cơn áp thấp nhiệt đới trở thành một cơn bão ở cấp độ nhỏ nhất.
– Thế nếu là con số 5 thì sao?
– Bắt đầu là số 3 người ta đã gọi chúng là một thiên tai! Sam trả lời.
Trong suốt chuyến tham quan Trung tâm, Mary không lúc nào rời mắt khỏi con gái. Khi đi trong một hành lang dài dẫn họ tới phòng điều khiển, Lisa cầm tay cô và thì thầm nói: “Thật không thể tin được.”
Sau khi họ ăn tối tại quán cà phê của Trung tâm, Lisa muốn trở lại chỗ các màn hình, xem xem “em bé” phát triển thế nào rồi. Tất cả ê-kíp đã tập trung quanh Hebert, ông bắt đầu nói khi họ vào phòng.
– Quý vị, bây giờ là 0 giờ 10 phút giờ quốc tế (UTC), tức 22 giờ 10 phút giờ địa phương tại Miami. Căn cứ vào những thông tin mà các máy bay của lực lượng không quân Mỹ vừa chuyển về cách đây ít lâu, chúng tôi chính thức xếp hạng cơn áp thấp nhiệt đới số 15 thành bão nhiệt đới, vị trí của nó ở thời điểm hiện tại là 11,8 độ vĩ bắc và 52,7 độ kinh tây, mức áp thấp của nó là 1004 millibars, và tại đó, nó đã di chuyển ở tốc độ hơn 35 hải lý giờ. Tôi yêu cầu các bạn lập tức phát đi thông tin cảnh báo trên toàn bộ khu vực.
Hebert quay sang Lisa, tay chỉ vào các vệt đã chuyển sang màu đỏ, dần dần càng lúc càng nổi bật trên màn hình lớn gắn ở chính giữa bức tường trung tâm.
– Lisa, cháu vừa tham dự vào một lễ đặt tên của một thứ vô cùng đặc biệt, ta giới thiệu với cháu Marilyn. Cháu có thể ở đây chứng kiến tất cả những công việc sắp diễn ra, chúng ta sẽ truy lùng nó cho tới khi nó chết hẳn, và ta hi vọng điều đó sẽ đến sớm nhất có thể. Ta đã dành một phòng riêng cho cháu và mẹ cháu nghỉ ngơi khi nào cảm thấy mệt.
Khuya hơn một chút, hai người lui về nghỉ trong căn phòng dành riêng cho họ trong suốt những ngày sau đó. Lisa không nói một lời nào, thỉnh thoảng lại nhìn về phía Mary ánh mắt dò hỏi, Mary thì chỉ mỉm cười.
= 0 =
Ngày hôm sau, ngày 13 tháng Chín năm 1995, sau khi ăn sáng xong, cô bé bước vào trong căn phòng lớn và đến ngồi cạnh Sam. Cô bé cảm thấy rõ những nhân viên làm việc ở đây đối xử với em như thể em là một thành viên trong ê-kíp của họ. Rất nhiều lần mọi người bảo em đi thu thập các báo cáo được in ra từ máy in và đi phân phát chúng; thậm chí sau đó, có lúc em phải đọc to một bản báo cáo trong khi các nhà khí tượng học ghi chép những con số mà em đọc lên. Sau bữa ăn trưa, em đọc thấy nỗi lo lắng hiện rõ trên gương mặt họ.
– Chuyện gì đang xảy ra thế ạ? Em hỏi Sam.
– Cháu hãy nhìn những con số trên màn hình kìa, hiện nay gió đang thổi với tốc độ 60 hải lý giờ, nhưng điều tồi tệ nhất là áp thấp, dấu hiệu không tốt chút nào.
– Cháu không hiểu.
– Áp thấp đang tăng lên, và cơn bão càng bị nén xuống, cơn giận dữ của nó càng tăng lên, chú sợ rằng trong vài giờ nữa thôi, sẽ không phải là một cơn bão nữa, mà là một trận bão lớn!
Lúc 17 giờ 45, Sam gọi điện cho Hebert và đề nghị ông đến chỗ anh ngay lập tức. Ông bước những bước khẩn trương vào phòng và ngay lập tức đi về phía màn hình. Lisa đẩy ghế lùi sang bên cạnh để nhường chỗ cho ông.
– Các máy bay nói gì? Ông hỏi.
Một giọng nói trả lời từ đầu kia của căn phòng
– Họ đã nhận thấy sự hình thành vách của con mắt.
– Vị trí hiện nay là 13 độ vĩ bắc và 57,7 độ kinh tây, nó đang di chuyển lên phía tây bắc, về phía Kênh Các Thánh, nó sẽ đụng phải quần đảo Antilles của Pháp, áp thấp của nó sẽ còn hạ xuống nữa, nó đã hạ xuống 988 millibars và gió đã vượt qua vận tốc 65 hải lý giờ, một nhân viên khí tượng học ngồi đối diện với một chiếc màn hình máy tính nói thêm.
Khi Hebert đi về phía các máy in, cô bé nhìn thấy trên màn hình radar của Sam con số 1 hiện lên và liên tục nhấp nháy, ngay sau loạt ba chữ S. Sau đó là 18 giờ, Marilyn vừa trở thành một cơn bão cấp 1.
Ngồi trên ghế của mình, Mary vừa ghi chép thông tin vào một cuốn sổ tay, vừa liên tục liếc mắt để ý cô con gái. Thỉnh thoảng, cô đặt bút xuống và lo lắng chăm chú theo dõi nét mặt của cô bé. Mỗi phút trôi qua, gương mặt của Lisa lại trở nên căng thẳng. Trong căn phòng rộng lớn, chỉ có tiếng của những chiếc máy phá tan sự im lặng đang bao trùm lên mọi người, không gian trở nên nặng nề không khác gì bầu trời trong cơn giông bão.
Vào nửa đêm, khi Lisa trải qua một cơn ác mộng, Mary đến nằm trong giường cô bé và ôm chặt em vào lòng. Cô thấm mồ hôi trên trán em, ru cho em ngủ bằng cách vuốt ve mái tóc em cho tới khi nét mặt em dãn ra. Cô cầu trời đừng tạo ra điều trái ngược với những gì cô đã hi vọng biết bao khi đưa em đến đây. Cô không tìm lại được giấc ngủ nên cứ thức bên cô bé như vậy cho đến sáng.
Ngay khi vừa tỉnh dậy, Lisa liền trở lại căn phòng, cô bé từ chối không muốn đi cùng Mary đến quán cà phê. Vừa vào phòng, cô bé liền lao đến chỗ Sam. Lúc đó là 7 giờ 45 tại Miami, 11 giờ 45 giờ quốc tế.
– Sáng nay nó thế nào rồi chú? Cô bé hỏi giọng kiên quyết.
– Đang giận dữ, nó đến gần đảo Martinique và đang di chuyển về phía tây bắc, áp thấp vẫn đang tiếp tục hạ xuống.
– Cháu thấy rồi, cô bé đáp cụt ngủn, nó vẫn đang ở cấp độ 1.
– Sẽ chẳng còn lâu đâu, nếu cháu muốn biết ý kiến của chú.
Hebert vừa vào phòng. Ông chào Lisa và xoay ghế của mình hướng về phía màn hình lớn nằm ở trung tâm bức tường.
– Chúng ta sắp nhận được những hình ảnh chuyển về qua vệ tinh do lực lượng Không quân Mỹ quay được. Cháu có thể ra khỏi phòng nếu cháu không muốn nhìn.
– Cháu muốn ở lại!
Giọng nói của người phi công bắt đầu vang lên trong phòng.
– Không quân Mỹ 985 gọi trung tâm điều khiển của NHC.
– Chúng tôi đang nhận tín hiệu, Không quân Mỹ 985, Hebert trả lời vào chiếc micrô đặt trước mặt ông.
– Chúng tôi vừa bay qua phía trên trung tâm của mắt bão, đường kính của nó là 25 dặm, chúng tôi sẽ chuyển các hình ảnh về cho các ông.
Màn hình sáng lên và những bức hình đầu tiên xuất hiện. Lisa nín thở. Và thế là, cô gái bé nhở từng sợ hãi biết bao trước sức mạnh của con quái vật này lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy nó từ trên trời. Nó quay cuồng một cách oai hùng, vĩ đại, với một sức mạnh không gì cưỡng lại được, nó lôi theo xung quanh con mắt nó cả cái đuôi đường bệ màu trắng. Trên micrô, người ta có thể nghe thấy tiếng hơi thở của viên phi công. Những ngón tay của Lisa bấm chặt lấy hai thành ghế. Đến lượt Mary bước vào, cô mang theo một ly sô-cô-la nóng. Cô nẩng đầu lên, hai mắt mở to, sững sờ trước những gì cô đang nhìn thấy.
– Lạy chúa, cô nói thì thầm.
– Cái mà cô nhìn thấy trước mắt là quỷ sứ thì đúng hơn, Hebert trả lời.
Lisa lao đến chỗ ông, bám chặt vào cổ tay của công. Mary lập tức đến chỗ con bé và tìm cách làm cho em bình tĩnh lại.
– Bác sẽ tiêu diệt nó chứ? Lisa gào lên.
– Chúng ta không có được quyền lực đó.
– Tại sao những chiếc máy bay không thả cho nó một quả bom vào ngay mắt. Phải làm cho nó nổ tung ra khi nó còn ở trên biển!
Ông gỡ tay ra khỏi cô bé và nắm lấy vai em.
– Điều đó sẽ chẳng giúp được gì, Lisa, chúng ta không có trong tay một sức mạnh nào đủ để chặn đứng nó. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ làm được điều đó, tôi hứa với cháu, chính vì vậy mà tất cả chúng tôi đều làm việc không ngừng nghỉ ở đây. Tôi điều hành trung tâm này từ ba mươi lăm năm nay, tôi đã dành cả đời mình để truy lùng những tên giết người này. Chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ từ hơn mười năm nay. Bây giờ cháu phải bình tĩnh lại, tôi cần đến cháu và để có thể làm việc hiệu quả, cháu phải giữ được sự bình tĩnh. Cháu sẽ giúp tôi, chúng ta sẽ báo động cho tất cả cộng đồng dân cư mà cơn bão có thể đến gần, đủ sớm để mọi người có thể đi trú ẩn.
Viên phi công thông báo rằng anh ta đang chuẩn bị xuống gần hơn tâm của mắt bão. Hebert bảo Lisa ngồi xuống bên cạnh ông và cầm lấy micrô. “Hãy thận trọng.”
Những hình ảnh đôi khi bị gián đoạn ngày càng trở nên ấn tượng hơn. Những máy quay phim trên chiếc phi cơ quay cảnh vòng mây cuộn khủng khiếp với đường kính gần 35 km, thành cao đến hàng trăm mét. Vài phút sau, viên phi công cắt ngang bầu không khí im lặng và thông báo rằng anh ta sẽ bay trở về căn cứ. Ngay sau đó màn hình tắt ngủm. Lúc đó là 11 giờ sáng. Sam vừa mang đến một tờ báo cáo dài, Hebert cầm lấy đọc liền. Ông đặt tờ giấy xuống và cầm lấy tay Lisa, tay kia bật mở nút micrô.
– Đây là phòng điều khiển của NHC, đây là một lời báo động. Trận bão Marilyn với vị trí hiện nay ở vào 14,2 độ vĩ bắc, 58,8 độ kinh tây đang di chuyển về phía quần đảo Trinh nữ [34] của Mỹ. Trong vòng tối nay, nó sẽ đổ bộ xuống đảo Martinique và quần đảo Guadeloupe. Mọi biện pháp di dời các cộng đồng dân cư đến nơi trú ẩn an toàn phải được thực hiện ngay từ lúc này. Tất cả các con tàu, dù trọng tải bao nhiêu, đang ở trong khu vực quần đảo Antilles của Pháp phải lập tức di chuyển đến các bến cảng gần nhất. Hiện nay gió đang thổi với vận tốc 70 hải lý giờ.
Ông quay về phía Sam và yêu cầu anh so sánh các số liệu có được với những con số của trung tâm nghiên cứu tại đảo Martinique. Sau đó, ông để Lisa ngồi trước một máy truyền tín hiệu, ông soạn một bản tin báo động bằng chứ hoa và chỉ em làm sao để thay đổi tần số radio bằng cách quay cái nút tròn.
– Lisa, ta muốn cháu truyền đoạn tin này đi trên tất cả các tần số radio có trong danh sách này, khi cháu làm đến cuối danh sách, cháu bắt đầu lại từ đầu, và cứ tiếp tục như vậy. Làm như vậy chúng ta có thể ngăn chặn không cho nó tác oai tác quái và cứu được mạng sống của những người dân. Khi nào cháu mệt, mẹ cháu sẽ thay chỗ cho cháu, cháu hiểu chưa?
– Rồi ạ, Lisa trả lời bằng một giọng cả quyết.
Thế là suốt cả thời gian còn lại của ngày, cô bé lặp đi lặp lại mẩu tin báo động mà người ta đã trao cho em. Mary ngồi bên cạnh giúp em xoay cái nút radio, em lại cảm thấy như được thoát khỏi một nỗi ám ảnh, em biết rằng cuối cùng em đã có thể trả được mối thù của em đối với những cơn bão.
Marilyn đi ngang qua đảo Martinique và quần đảo Guadeloupe vào đầu buổi tối. Khi con số 3 hiện lên sau ba chữ S, Lisa từ chối không chịu dừng lại nghỉ ngơi và càng cố gắng truyền tin với tốc độ nhanh hơn nữa. Mary không một phút dời mắt khỏi cô bé, và đồng ý thay chỗ cho em khi em buộc phải rời vị trí trong giây lát.
Mary quay đầu về phía Hebert, đôi mắt đỏ ngầu vì mệt mỏi.
– Làm thế này vất vả quá, các ông không có hệ thống nào để truyền những tin này đi một cách tự động hay sao? Mary hỏi.
– Tất nhiên là có chứ! Vị giáo sư mỉm cười trả lời.
Ba mươi mốt tiếng đồng hồ sau khi tin báo động đầu tiên được truyền đi, trận bão đi ngang qua đảo St. Croix và St. Thomas[35], ngày 16 tháng Chín, nó di chuyển về hướng Puerto Rico. Trước mỗi diễn tiến của trận bão, Lisa lại thay đổi tần số radio, truyền tin báo động đến các vùng ngày càng xa hơn, với tốc độ ngày càng khẩn trương hơn. Ngày 17, trận bão đạt đến mức áp thấp tối đa của nó, 949 millibars, khi đó, những đợt gió di chuyển với tốc độ hơn 100 hải lý giờ, nó quay trở về vùng biển Đại Tây Dương. Vào cuối ngày, những đợt gió đạt giờ và bắt đầu suy giảm khi áp suất tăng thêm 20 millibars. Mười tám giờ sau, thành chính của mắt bão tan rã ngay phía trên đại dương. Marilyn chết trong đêm 21, rạng ngày 22 tháng Chín.
Trở về Newark, Lisa biết được rằng trận bão chỉ cướp đi được mạng sống của tám nạn nhân, năm người tại đảo St. Thomas, một ở đảo St. Croix, một ở đảo St. John và chỉ một người ở Puerto Rico. Khi cô bé trình bày bài thuyết trình của mình ở trường, cô bé đã đưa ra một thỉnh cầu lên giáo viên dạy môn địa lý và yêu cầu của em được chấp nhận ngay lập tức. Mỗi buổi sáng, tất cả các học sinh của lớp em đứng lên dành một phút im lặng mặc niệm….. và như thế trong vòng tám ngày.