Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Emma

Chương 10

Tác giả: Jane Austen

Dù bây giờ là giữa tháng Mười Hai, thời tiết vẫn thuận lợi cho hai cô gái trẻ đi ra ngoài. Hôm sau, Emma đi giúp đỡ một gia đình nghèo và đau yếu sống gần Highbury.

Con đường đưa họ đến ngôi nhà của gia đình nọ dẫn xuống đường làng Vicarage, chạy thẳng góc với đường chính và, như tên gọi, chạy ngang nhà anh Elton. Hai cô đi qua vài ngôi nhà nghèo, và sau một phần tư dặm trên đường làng Vicarage thì đến một ngôi nhà cũ kỹ và không tiện nghi lắm, nằm gần con đường. Ngôi nhà không có vị trí thuận lợi nhưng được sửa sang khá tốt. Hai cô gái đi ngang mà không thể bước nhanh và thiếu quan sát.

Emma nhận xét:

Đây rồi. Một ngày nào đấy em và quyển thơ sẽ ở đây.

Harriet nói:

Ôi chao, quả là một ngôi nhà ấm cúng! Đẹp thật! cô Nash rất thích rèm cửa màu vàng này.

Hiện giờ chị điều khi đi qua nơi này, nhưng rồi chị sẽ được mời đón và dần dà chị sẽ cảm thấy thân quen với hàng rào cây, cổng vườn, cây cảnh ở nơi chốn này của Highbury.

Harriet chưa từng bao giờ trong đời bước vào tư dinh Cha xứ, nên cô tỏ ra rất hiếu kỳ, đến nỗi Emma cho rằng đấy là biểu hiện của tình yêu mà Elton nhìn ra đấy là tài trí của cô bé.

Emma nói:

Chị ước gì có thể tìm ra duyên cớ, nhưng không có cách giả vờ đúng lý để bước vào – không có gia nhân để vào hỏi thăm về người quản gia, mà cũng không thể nói bố chị có tin nhắn.

Cô suy nghĩ mà không tìm ra được cách gì.

Sau vài phút im lặng, Harriet nói:

Chị Woodhouse ạ, em tự hỏi tại sao chị không kết hôn hoặc chuẩn bị kết hôn! Chị dễ mến như thế!

Emma bật cười đáp:

Harriet, dễ mến không đủ khiến cho chị kết hôn, chị phải tìm người dễ mến khác – ít nhất một người khác. Nhưng chị không có ý định kết hôn gì cả.

Chị nói thế chứ! Em không tin.

Nếu chị thấy có ai đó vượt trội so với những người chị đã quen biết thì chị mới nghĩ đến việc kết hôn. Em biết đấy, anh Elton – cô có vẻ suy nghĩ – thì không được, chị không muốn quen biết với người nào như thế. Chị không muốn thay đổi. Nếu kết hôn thì hẳn chị sẽ hối hận.

Chao ôi! Quả là kỳ lạ khi nghe một phụ nữ nói như thế….

Chị không có ly do thuyết phục nào phải kết hôn . Giá như chị yêu ai thì là chuyện khác! nhưng chị chưa bao giờ yêu ai, bản chất của chị là thế, và chị nghĩ mình sẽ không yêu ai. Nếu không có tình yêu thì hẳn chị là người ngu xuẩn nếu thay đổi cuộc sống như bây giờ. Chị không thiếu điều kiện vật chất, chị không thiếu việc để bận bịu, chị không cần nâng cao địa vị xã hội thêm nữa. Chị nghĩ nhiều phụ nữ làm chủ ngôi nhà chồng không bằng phân nửa chị làm chủ Hartfield, và không bao giờ chị mong được thương yêu như thế và tỏ ra quan trọng đến thế, luôn được tôn trọng dưới con mắt của đàn ông như khi chị sống với bố chị.

Thế thì chị sẽ thành gái già như chị Bates!

Harriet, em chỉ tưởng tượng ra hoàn cảnh kinh khiếp như vậy thôi. Chị sẽ kết hôn ngay ngày mai nếu lúc nào đấy chị giống như chị Bates! Ngu xuẩn như thế! Tự mãn như thế, cười cợt như thế, nhạt nhẽo như thế, thường thường bậc trung như thế ,quê kệch như thế, và cứ bàn tán với mọi người về chị như thế. Nhưng chị tin là giữa chị và chị ấy không có gì giống nhau ngoại trừ là việc độc thân.

Nhưng mà chị sẽ vẫn là gái già, thế thì chán quá!

Không sao đâu, Harriet à, chị sẽ không phải là gái già nghèo nàn. Chỉ có cảnh nghèo mới khiến người độc thân đáng khinh dưới con mắt của xã hội! Phụ nữ độc thân với lợi tức ít ỏi mới bị xem là gái già kỳ quặc, khó chịu! nhưng phụ nữ độc thân có tiền của thì luôn được nể trọng, vẫn tỏ ra nhạy cảm và dễ mến như bất kỳ ai khác. Sự khác biệt không phải là do người đời có thiên kiến như ta nghĩ, mà chính cảnh bần cùng có xu hướng làm thui chột tinh thần và làm tính khí cáu bẳn. Người tay làm hàm nhai và người sống chắt chiu trong nấc thang thấp của xã hội rất dễ trở nên hẹp hòi. Nhưng mà, điều này không đúng với chị Bates. Chị ấy quá xởi lởi và quá ngốc nghếch nên mới không hợp với chị, nhưng nói chung chị ấy được lòng mọi người dù cho sống độc thân và thanh bạch. Chắc chắn là cảnh thanh bạch không làm tính khí chị ấy bủn xỉn, chị tin chắc rằng nếu chị ấy có chút ít tiền thì chị ấy sẵn lòng cho phân nửa, không ai lo gì về chị ấy, đấy là nét rất dễ mến.

Trời đất! nhưng chị sẽ làm gì? Chị sẽ làm gì khi lớn tuổi?

Harriet à, đầu óc của chị luôn năng động, bận bịu với nhiều nguồn lực độc lập, và chị không nghĩ tại sao ở tuổi bốn mươi hoặc năm mươi chị lại cần công việc hơn là ở tuổi hai mươi mốt. Lúc ấy vẫn có những việc cần đến bàn tay và khối óc của phụ nữ giống như bây giờ, chẳng có thay đổi gì nhiều. Nếu chị vẽ kém đi thì chị sẽ đọc sách thêm, nếu chị bỏ âm nhạch thì chị đan thảm. Còn về nguồn vui, chị sẽ không thiếu khi chăm sóc cho đám trẻ kêu chị bằng dì mà chị rất thương yêu. Bọn nó sẽ tạo mọi niềm vui mà tuổi già cần đến. Sẽ có mọi niềm hy vọng và e sợ và dù tình thương của chị đối với chúng không bằng cha mẹ chúng, chúng sẽ tạo nguồn an ủi cho chị hơn là thứ tình nồng nàn nhưng mù quáng. Lúc nào chị cũng sẽ có một đứa cháu ở bên mình.

Chị có biết đứa cháu của chị Bates không? Ý em nói là, chị hẳn trông thấy cô ấy hàng trăm lần, nhưng chị có quen biết không?

À có. Chị bắt buộc phải quen biết mỗi khi cô ấy đến Highbury. Đấy là đủ để khiến người ta chán ngấy với một đứa cháu. Trời đất ơi! Một mình Jane Fairfax đối với chị bằng nửa bọn trẻ nhà Knightley quậy phá chị. Người ta quá mệt mỏi với cái tên Jaene Fairfax. Người ta cứ nghe mãi đến tên cô ấy, những lời khen tặng của cô ấy đối với tất cả bạn bè cứ lặp đi lặp lại. Khi cô ấy gửi tặng người dì mẫu thêu yếm hoặc đan một đôi bít tất cho bà ngoại thì cả tháng người ta cứ nghe mãi chuyện như thế. Chị không có ác cảm với jane Fairfax nhưng cô ấy làm cho chị chán ngán đến chết.

Bây giờ hai cô gái đang đi gần đến ngôi nhà nhỏ, và mọi câu chuyện vẩn vơ chấm dứt. Emma tỏ ra rất thương cảm, hoàn cảnh của người nghèo luôn dấy lên nỗi động lòng, lời khuyên nhủ, tính chịu đựng, cũng như lòng hào hiệp giúp đỡ. Cô thấu hiểu cách sống của họ, có thể chấp nhận đầu óc kém hiểu biết và ham muốn của họ, không đòi hỏi người có học vấn kém phải có đức tính đặc biệt. Cô tiếp cận với hoàn cảnh khó khăn của họ qua lòng cảm thông, và luôn tìm cách giúp đờ qua trí thông minh và thiện ý. Ngày hôm nay, cô đi đến viếng thăm một gia cảnh bệnh tật và nghèo nàn. Sau khi đã lưu lại với họ một thời gian để mang đến niềm an ủi hoặc khuyên bảo, cô rời ngôi nhà nhỏ với ấn tượng về hoàn cảnh cô đã chứng kiến. Cô nói:

Harriet à, đấy là những cảnh đời khiến người ta trở thành con người tốt. So với họ, những chuyện khác là tầm phào biết bao! Bây giờ chị cảm thấy như thể cả ngày mình chỉ nghĩ đến những người tội nghiệp ấy, và rồi ai biết được trí óc chị sẽ vương vấn trong bao lâu?

Harriet nói:

Đúng vậy. Những người tội nghiệp! ta không thể nghĩ đến gì khác hơn.

Hai người đi qua hàng rào cây thấp, chân thấp chân cao đi qua khu vườn trên một con đường hẹp và trơn trượt để trở lại đường cái. Emma nói:

Thật sự chị cho là ấn tượng này sẽ kéo dài. Chị nghĩ nó sẽ kéo dài.

Emma dừng lại một lần nữa để nhìn khung cảnh nghèo nàn bên ngoài và nhớ đến cảnh đời còn nghèo nàn hơn bên trong.

Cô bạn đồng hành trả lời:

Ô, đúng vậy.

Hai người tiếp tục đi. Con đường đến đoạn uốn khúc, và khi vừa qua khỏi đoạn này, họ trông thấy anh Elton xuất hiện khá gần, chỉ đủ thì giờ cho Emma lên tiếng:

A! Harriet, đến đây là sự thử thách cho ta trung kiên với ý tưởng tốt lành. Này – cô mỉm cười – chị mong người ta nghĩ rằng nếu lòng từ tâm mang đến niềm an ủi cho kẻ nghèo khó thì đấy là điều quan trọng. Nếu ta thương người bất hạnh thì đủ để ta làm mọi việc cho họ, nếu không thì là sự thông cảm rỗng tuếch vốn chỉ làm người ta khốn khổ.

Harriet chỉ có thể trả lời:

À, vâng.

Anh Elton đã tiến đến gần hai cô. Ba người trao đổi về hoàn cảnh thiếu thốn và khổ sở của gia đình nghèo ấy mà anh định viếng thăm. Bây giờ anh có thể hoãn lại chuyến thăm viếng, nhưng ba người bàn cãi về việc có thể làm gì và nên làm gì. Anh Elton quay lại để đi cùng hai cô gái.

Emma nghĩ “Đồng hành trong công việc thế này, gặp nhau khi cùng làm từ thiện sẽ khiến mỗi bên thương yêu nhau thêm. Mình sẽ không lấy làm lạ nếu họ tỏ tình. Chắc chắn là vậy nếu mình không hiện diện ở đây. Mình ước gì đang có mặt ở nơi khác”.

Vì muốn tách ra khỏi hai người, Emma đ ivào một con đường hẹp kế bên để cho họ tiếp tục đi trên đường cái. Nhưng chỉ được vài phút, cô thấy thói quên của Harriet hay lệ thuộc và bắt chước người khác khiến cô không thể đi thoát, và chẳng bao lâu họ đã đi theo cô. Thế là thất bại, cô dừng lại lập tức, giả vờ phải cúi xuống cột lại sợi giây giày, yêu cầu hai người cứ đi tiếp rồi mình sẽ đi theo sau. Họ nghe theo, và sau khoảng thời gian cô cho là đã cột xong sợi dây giày, cô an tâm thấy họ đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của mình.

Một đứa trẻ từ trong ngôi nhà nhỏ kia chạy ra, đang cầm một cái vò để đi nhận món súp ở Hartfield. Đi bên cạnh đứa trẻ, chuyện trò và hỏi han là việc tự nhiên nhất thế gian mà không ra vẻ giả vờ, và như thế hai người kia có thể đi trước mà không cần phải chờ đợi cô đi cùng. Nhưng cuối cùng cô vẫn phải đi cùng họ: đứa trẻ bước quá nhanh trong khi hai người kia đi chậm. Cô lo lắng thêm vì hiển nhiên hai người đang cùng nhau chuyện trò. Anh đang ăn nói một cách sinh động, còn Harriet đang lắng nghe với vẻ chăm chú và hài lòng. Trong khi đứa trẻ đã vượt lên đi trước và Emma bắt đầu nghĩ làm thế nào đi chậm lại phía sau, thì hai người nhìn quanh quất khiến cho cô phải đi theo họ.

Anh Elton vẫn đang nói, và Emma cảm thấy thất vọng khi nghe anh đang nói về cô bạn anh trong buổi tụ họp ở nhà ông Cole, về mấy món phó mát Stilton, về vùng bắc Wiltshire, về bơ, rau cần, củ cải đường và mọi món tráng miệng.

Emma tự an ủi trong đầu “Dĩ nhiên câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng khá hơn, về bất kỳ chuyện gì giữa hai người yêu nhau, bất kỳ chuyện gì mào đầu cho con tim. Ước gì mình lánh mặt được lâu hơn!”

Bây giờ họ im lặng đi bên nhau cho đến khi hàng rào của tư dinh Cha xứ hiện ra trước mặt. Thình lình Emma nảy ra ý nghĩ giúp tạo cơ hội cho Harriet đi vào ngôi nhà. Cô lại viện cớ gì đấy về chiếc giày rồi tụt lại phía sau để lo giải quyết. Rồi cô tháo sợi dây giày ra và khéo léo vứt nó xuống cái rãnh bên đường, yêu cầu hai người dừng lại, cho biết cô không thể tiếp tục đi về nhà. Cô nói:

Dây giày của tôi bị đứt mà tôi không rõ phải xoay sở ra sao. Tôi thật sự làm phiền hai người, nhưng mong chuyện này chỉ là bất đắc dĩ. Anh Elton, xin anh cho tôi ghé lại nhà anh và hỏi quản gia anh kiếm cho một sợi dây hoặc bất cứ thứ gì để cột chiếc giày của tôi.

Anh Elton lộ vẻ cực kỳ vui mừng với đề nghị này, sốt sắng đưa hai cô vào nhà anh. Họ bước vào gian phòng hướng ra phía trước, phía sau là gian phòng khách liền kề, cánh cửa ngăn đôi đang mở. Emma bước vào gian phòng sau với người quản gia, để cánh cửa mở hé nhưng nghĩ anh Elton sẽ đóng lại. Nhưng cánh cửa vẫn hé mở. Emma tìm cách trò chuyện liên tục với người quản gia để mong anh chàng tìm đúng đề tài trao đổi trong gian phòng ngoài. Suốt cả mười phút cô chỉ nghe tiếng nói của mình. Không thể kéo dài thời giờ thêm, cô kết thúc công việc rồi bước trở ra phía trước.

Hai người đang yêu đứng gần nhau bên khung cửa sổ. Đấy là hoàn cảnh thuận lợi nhất, và trong thoáng chốc Emma cảm thấy thành công vinh quang sắp gần kề. Nhưng không có, anh chàng đã không nhập đề. Anh vẫn tỏ ra hiền dịu nhất, vui vẻ nhất kể cho Harriet rằng anh đã trông thấy hai cô đi qua và cố ý đi theo. Anh nói thêm đôi điều nịnh đầm và ám chỉ này nọ nhưng không có gì nghiêm túc.

Emma nghĩ “Cẩn trọng! quá cẩn trọng! Anh chàng tiến tới từng tí và không dám phiêu lưu khi chưa biết chắc”.

Tuy kế sách tài tình của mình chưa đạt được gì, cô vẫn tự mãn là đã tạo cơ hội cho hai người có dịp vui thích bên nhau, từ đó sẽ dẫn dắt họ đến chuyện nghiêm túc hơn.

Bình luận