Giọng ca tuy không hay bằng Hy Hòa nhưng âm điệu rất chuẩn. Nếu nói tiếng hát của Hy Hòa có vẻ đẹp diễm tuyệt như mẫu đơn khuynh đảo thiên hạ thì tiếng hát của Khương Trầm Ngư lại có mùi hương thanh nhã của gỗ đàn hương dùng để chế tác bàn cờ đặt bên cạnh ly rượu mới nấu, dư âm văng vẳng kéo dài.
Hy Hòa trợn trừng đôi mắt mờ đục như sương mù, đứng im không nhúc nhích lắng nghe, vẻ cảnh giác phòng bị trên gương mặt dần dần nhạt đi.
Khương Trầm Ngư hát xong liền dừng lại tươi cười nhìn nàng ta: “Bài hát này đẹp quá. Đúng không?”.
Hy Hòa ngây ngây dại dại nhìn nàng, không nói gì.
Khương Trầm Ngư tiến thêm một bước về phía nàng ta, giọng nói càng lúc càng mềm mỏng: “Tiểu Hồng buồn ngủ rồi, để chàng ngủ một giấc thật ngon, được không?”.
Hy Hòa lại ngây ngây dại dại cúi đầu nhìn chiếc hòm trong tay, ánh mắt dán chặt lên mặt hòm, ngàn vạn nỗi đau đớn trong lòng thoáng cái đã biến thành hơi nước mịt mờ.
Cứ vậy Khương Trầm Ngư lại tiến thêm một bước nữa: “Tiểu Hồng có quần áo rồi, chàng không lạnh đâu, nhưng lúc này chàng đang rất buồn ngủ, rất buồn ngủ, chàng muốn đi ngủ. Đưa chàng cho ta, được không?”.
Hy Hòa ngay tức khắc ngẩng đầu nhìn nàng cảnh giác. Khương Trầm Ngư xòe đôi bàn tay, thoải mái cười nói: “Yên tâm, ta không cướp của phu nhân đâu, chỉ để chàng ngủ một giấc yên lành thôi. Khi Tiểu Hồng ngủ, phu nhân có thể ngồi bên cạnh nhìn chàng, tiếp tục hát cho chàng nghe, được không?”.
Hy Hòa nửa tin nửa ngờ đưa chiếc hòm cho nàng, đưa đến giữa chừng lại hối hận rụt tay lại, ôm chặt chiếc hòm vào lòng, lắc đầu nguầy nguậy.
Khương Trầm Ngư không nản lòng, tiếp tục mỉm cười, tiến sát lại gần hơn: “Thế này đi… ta dùng thứ khác để đổi cho phu nhân nhé?”.
Hy Hòa vừa ôm chặt chiếc hòm, vừa hoang mang chớp chớp mắt nhìn nàng mấy cái. Cho dù vẫn bị người ngoài đàm tiếu là yêu cơ, nhưng kỳ thực đường nét của nàng ta không đẹp kiểu yêu mị, khoảnh khắc này không còn vẻ sắc sảo huênh hoang, ngông cuồng khinh bạc thường ngày nữa, mà chỉ còn lại vẻ ngây thơ, yếu đuối và rụt rè vốn có ở người thiếu nữ.
Khương Trầm Ngư nhìn Hy Hòa, trong lòng thấp thoáng mấy chữ:
Ai nhìn cũng thấy thương…
Nàng buồn bã cụp mi, cố gắng nén nỗi đau đớn chua xót không tên trong lòng lại, nhìn về phía Hy Hòa, nở một nụ cười:
“Ta dùng thứ này đổi với phu nhân, phu nhân đưa Tiểu Hồng cho ta, để họ đưa chàng đi ngủ, được không?”. Vừa nói vừa ra hiệu cho Hoài Cẩn ở phía sau đem đồ tới.
Hoài Cẩn đặt tay nải trên vai xuống, nhẹ nhàng mở ra, bên trong là một chiếc áo bào trắng được gấp vô cùng ngay ngắn.
Trong tích tắc đôi mắt Hy Hòa sáng rực.
Khương Trầm Ngư đón lấy chiếc áo bào trắng từ tay Hoài Cẩn, chậm rãi bước đến trước mặt Hy Hòa, không nói thêm gì nữa chỉ bình tĩnh đưa chiếc áo bào trắng ra, sau đó nhìn thiên hạ đệ nhất mỹ nhân trong chớp mắt nét mặt trở nên rúm ró, bởi bao tình cảm chất chứa trong tâm khảm tích tụ lâu ngày đã lên tới đỉnh điểm, giờ đây ầm ầm sụp đổ.
“Cạch” một tiếng, chiếc hòm gỗ rơi xuống đất, Hy Hòa run rẩy túm chặt lấy chiếc áo bào trắng. Đám thị vệ nhanh như chớp lao qua nhặt lấy chiếc hòm, mang tới trước mặt Chiêu Doãn.
Chiêu Doãn liếc nhìn chiếc thủ cấp trong hòm một cái, ánh mắt đau đớn, vội quay mặt qua chỗ khác, trầm giọng nói: “Đem đi xử lý cẩn thận, chuẩn bị hậu táng”.
“Vâng!”. Hai tên thị vệ vội vàng hộ tống chiếc hòm rời đi.
Còn bên kia, Hy Hòa đang vùi mặt trong chiếc áo bào trắng, tham lam hít hà mùi hương trên chiếc áo, toàn thân co rúm lại, khóc thút thít.
Thấy nàng ta luống cuống như thế, Chiêu Doãn vừa uất hận lại vừa thương xót, bất giác đi đến nói: “Đừng làm ồn nữa, mau đứng dậy cho trẫm…”. Y vừa chạm vào vai Hy Hòa liền bị nàng ta cắn mạnh vào tay, rồi nàng ta vừa lăn vừa bò trên mặt đất để trốn tránh.
“Nàng!”.
Thấy Chiêu Doãn sắp nổi giận, Khương Trầm Ngư vội dịu dàng gọi một tiếng: “Hoàng thượng…”.
Chiêu Doãn hết nhìn nàng lại nhìn Hy Hòa trên mặt đất, ánh mắt lóe sáng, sau đó lại tối sầm, thở dài nói: “Thôi… mấy người đến đây, đỡ phu nhân về cung, không được để nàng ấy ngồi dưới đất”.
Đám cung nhân ai nấy mặt mày khó coi. Bộ dạng Hy Hòa như thế, rành rành là từ chối bất cứ người nào lại gần, đến hoàng đế nàng ta còn cắn, huống hồ chỉ là bọn nô tài tép riu. Hơn nữa, hoàng thượng vẫn không nỡ làm tổn thương vị sủng phi này, bọn họ nhẹ chân nhẹ tay không được, nặng tay cũng không xong, biết phải làm sao đây?
Trong lúc đám đông âu sầu khổ não, không biết làm thế nào thì Khương Trầm Ngư bước lên nói: “Để ta thử xem”.
Mọi người thầm thở phào nhẹ nhõm, thiện cảm đối với vị Thục phi này cũng vì thế mà tăng thêm mấy phần.
Khương Trầm Ngư bước đến trước mặt Hy Hòa, lặng lẽ chăm chú nhìn nàng ta một lúc, thấy cả người Hy Hòa đều đang run rẩy, rõ ràng là thực sự đau thương đến tột độ, trong lòng không khỏi thương xót, bi thương xen chút ngưỡng mộ, cuối cùng ngưng kết thành sự dịu dàng: “Phu nhân… không vá áo giúp Tiểu Hồng ư?”.
Hy Hòa chấn động một lúc, ngây ngô ngẩng đầu lên.
Khương Trầm Ngư chỉ chỉ vào chiếc áo bào trắng: “Áo bị rách rồi kìa”.
Lúc này dường như Hy Hòa mới phát hiện trên áo còn một lỗ thủng, ngây dại mở chiếc áo ra, nhìn lỗ hổng lớn bị gió lùa vào kêu phù phù, trong phút chốc nước mắt sa xuống, không nói câu gì, loạng choạng đứng dậy, cầm chiếc áo rồi quay về điện.
Nàng ta vừa vào điện, mọi người cũng lần lượt thở phào bước vào theo.
Khi Khương Trầm Ngư bước vào trong điện, thì đã thấy Hy Hòa cầm kim chỉ bắt đầu vá chiếc áo bào trắng, thần tình chăm chú mà bình tĩnh, ánh tà dương len qua cửa sổ đang mở ở bốn bức tường chiếu vào trong, chiếu lên người nàng ta, mái tóc đen nhánh cùng chiếc áo bào trắng tựa tuyết tôn lẫn nhau, hai sắc màu đối lập rõ ràng như thế, tạo thành một bức tranh cực kỳ trang nhã, in đậm trong tâm trí mỗi người.
Chiêu Doãn bỗng quay người, bước đi không nói một lời.
Khương Trầm Ngư im lặng bước theo.
Những thị vệ, thái giám khác cũng lần lượt theo sau, nhưng vẫn rất dè chừng giữ một khoảng cách nhỏ với hai người bọn họ.
Đi được một lúc, Khương Trầm Ngư phát hiện Chiêu Doãn không có ý định về ngự thư phòng mà đang đi loanh quanh không mục đích trong hoàng cung, hơn nữa càng đi lại càng đến nơi hẻo lánh, nhà cửa thưa thớt, cỏ cây um tùm, một nơi nàng chưa từng đến bao giờ.
Tiếp theo Khương Trầm Ngư phát hiện, đây vốn là điểm tận cùng của hồ Phượng Thê.
Hồ Phượng Thê là danh thắng nổi tiếng nhất của hoàng cung Bích quốc, mà cầu Động Đạt chính là tâm điểm của bức tranh ấy. Tiết Thái đã từng vung rọi ngựa làm kinh động xe ngựa của Hy Hòa phu nhân, hại nàng ta rơi xuống nước ở chỗ đó. Vì thế, từ trước tới nay, Khương Trầm Ngư cứ tưởng cầu Động Đạt là toàn bộ của hồ Phượng Thê, bây giờ nhìn thấy nơi đây mới hay, hóa ra điểm cuối của hồ lại tiêu điều như thế này.
Tuy là mùa hè nhưng cỏ cây vẫn thưa thớt, mọc lên lởm chởm nửa xanh nửa vàng, mấy gian nhà ngói xiêu vẹo ngả nghiêng đã mục nát đến quá nửa, cho thấy đã rất lâu rồi chưa có ai đến đây. Thỉnh thoảng vẳng tới tiếng “quạ quạ” của con quạ bay vụt qua trên những cành khô khiến cảnh sắc càng thê lương hoang tàn.
Khương Trầm Ngư hơi đăm chiêu nhìn Chiêu Doãn – Y cố tình hay vô ý đến chỗ này? Nếu nàng đoán không nhầm, nơi này… chính là chỗ ở của Chiêu Doãn lúc còn nhỏ.
Năm Gia Bình thứ mười một, Hành Xu đi qua đây, nghe thấy tiếng hát đẹp như tiếng nhạc trời của một người phụ nữ, nhất thời hứng khởi sủng hạnh người cung nữ làm trong phòng giặt là đó, sau đó thì quên ban danh phận cho nàng ta, chẳng ngờ người cung nữ ấy lại âm thầm mang thai rồng, mười tháng sau sinh hạ ra một hoàng tử.
Nhưng nàng ta địa vị thấp kém, lại bị Hành Xu quên lãng, vì thế trong suốt một thời gian dài không ai hỏi đến.
Mười năm sau, người cung nữ mắc bệnh qua đời, có người thông báo việc này lên cấp trên, bị La Hoành vô tình nhìn thấy bẩm lại với Hành Xu, lúc ấy họ mới biết đến sự tồn tại của vị hoàng tử này. Bấy giờ mới sai người đón Chiêu Doãn về cung. Nhưng vì từ nhỏ thiếu ăn thiếu mặc nên Chiêu Doãn chậm lớn, lại không biết chữ, so với các hoàng tử khác đúng là một trời một vực.
Chẳng ai ngờ đứa trẻ gầy gò thô lậu đó sau này lại trở này đế vương của một nước.
Cũng chẳng ai ngờ vị đế vương oai hùng này lại có xuất thân như thế… Còn thời khắc này Chiêu Doãn đang chăm chú nhìn hồ nửa đỏ nửa xanh dưới ánh tà dương, không vui không buồn, ánh mắt nặng nề, thần sắc bình tĩnh.
Gió mát nhè nhẹ thổi trên mặt hồ, mặt hồ gợn lên tầng tầng những con sóng lăn tăn, y đứng chắp tay sau lưng, ánh mặt trời phủ lên gò má y một lớp sáng màu vàng, nhìn lại càng không rõ nét.
Giấc mộng đế vương ngàn thu.
Từ cổ chí kim, biết bao người muốn làm hoàng đế. Nhưng có phải khi làm hoàng đế là thấy thỏa mãn, là thấy không còn hối tiếc không?
Chiêu Doãn, vị đế vương mới chỉ hai mươi tuổi này, năm mười ba tuổi đã cưới Tiết Minh, con gái của trưởng công chúa tiền triều, nhân đấy nhận được sự ủng hộ của Tiết gia, từ hoàng tử không được chú ý nhất lắc mình một cái đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh nhất cho ngôi vị hoàng đế. Nhưng khi đó, thế lực của Tiết gia vẫn chưa đủ đối đầu với Vương thị, vì thế, năm mười bốn tuổi, y lại quỳ trước phủ Cơ gia, xin cưới Cơ Hốt làm phi, Cơ lão hầu gia mới ưng thuận hôn sự này. Từ đây, Cơ gia cũng trở thành thế lực hậu thuẫn mạnh mẽ cho y. Năm Gia Bình thứ hai mươi bảy, Bích vương Hành Xu lâm bệnh nguy kịch, vốn muốn truyền ngôi cho thái tử Thuyên, nhưng sau khi bàn mưu Chiêu Doãn, cùng Tiết Hoài, Cơ Anh đã phát động binh biến vào đêm mùng mười tháng mười, giết chết Chiêu Thuyên, ép Hành Xu lập Chiêu Doãn làm hoàng đế – đó chính là biến sự Song Thập. Năm sau Chiêu Doãn đăng cơ, đổi quốc hiệu Đồ Bích, tuyển trưởng nữ của Khương thị làm phi. Từ đây, dưới sự phò tá của ba đại thế gia Khương, Cơ, Tiết, y đã ngồi vững trên ngai vàng.
Đồ Bích năm thứ tư, y lại ép Tiết Hoài mưu phản, nhổ gốc trốc rễ cả gia tộc họ Tiết.
Có thể nói, cả đời của vị đế vương này, mỗi bước đi đều dứt khoát quả quyết. Y biết rất rõ mình muốn gì và không hề do dự khi thực thi.
Tiết gia như thế, Cơ gia… cũng như thế.
Tuy cái chết của Cơ Anh là phụ thân bày mưu tính kế, nhưng nếu như không có Chiêu Doãn cho phép, phụ thân đâu dám đi nước cờ mạo hiểm này. Giờ đây Chiêu Doãn lại có vẻ mặt tuy bình tĩnh nhưng bi thương không nói nên lời này, là vì cái gì?
Là thương tiếc cho cái chết đau đớn của Cơ Anh? Hay là xót thương cho sự điên dại của Hy Hòa?
Nếu nói y muốn trừ bỏ Tiết gia là vì Tiết Hoài công cao át chủ, đã uy hiếp đến hoàng quyền của y. Thì Cơ gia lại không như vậy, chí ít, tính đến bây giờ vẫn không. Tại sao y lại cho phép phụ thân thực hiện hành động điên cuồng lần này? Tại sao y muốn Cơ Anh chết?
Lẽ nào vì… thật sự là vì… Hy Hòa?
Màu mắt Khương Trầm Ngư sầm xuống, hai tay từ từ nắm chặt lại, một giọng nói từ đáy lòng đang xé toang làn sương mù dày đặc lạnh lẽo và kiên quyết vang lên: Không tin!
Nàng, Khương Trầm Ngư không tin, một nam nhân thủ đoạn độc ác trở mặt vô tình như thế lại có thể vì nữ sắc mà đánh mất lý trí như vậy, vì một người con gái mà hy sinh danh thần giỏi nhất của mình.
Hôn quân vì nữ sắc như thế có lẽ sẽ là Ngô vương Phù Sai, là Trụ vương Tử Tân, là U vương Cung Niết, nhưng tuyệt đối không thể là y – Bích vương Chiêu Doãn!
Nghĩ miên man đến đây, ánh mắt Khương Trầm Ngư từ nóng chuyển sang lạnh, nàng hơi cúi đầu nhìn xuống đất, ánh dương kéo dài chiếc bóng rồi từ từ tối đi.
Màn đêm đã buông xuống rồi.
Nhưng Chiêu Doãn vẫn bất động, không có ý định rời khỏi đây.
Một đám người đợi chờ, tất cả đều đứng cách cả trượng nín thở chờ đợi, không dám giục giã.
Khương Trầm Ngư nghĩ một lát mới lên tiếng nói: “Hoàng thượng, đêm lạnh rồi, về đi thôi”.
Thân hình Chiêu Doãn hơi rung rung giống như bị giọng nói này thức tỉnh, y quay đầu lại, vẻ mặt kinh ngạc, nhưng chẳng qua cũng chỉ là biểu cảm trong nháy mắt mà thôi, rồi y lấy lại bình tĩnh ngay lập tức.
“Ừ”. Y gật đầu, quay người đi trước.
Đèn hoa mới khêu bóng sáng mông lung. Rõ ràng cùng trong cung cấm, nhưng đoạn đường mà họ đã đi này cực kỳ thê lương lạnh lẽo, so với sự ấm áp, sự huyên náo ở các điện khác lại giống như hai thế giới đối lập nhau, tất cả những thứ đẹp đẽ đều không thể lọt tới đây.
Từ vị trí của Khương Trầm Ngư có thể nhìn thấy bóng lưng của Chiêu Doãn, chiếc áo mỏng khó che nổi sự gầy gò của y, ngẫm kỹ bỗng phát hiện ra một sự thực. Hình như Chiêu Doãn là người gầy nhất trong những nam tử mà nàng từng gặp… Trong lúc nàng thất thần, Chiêu Doãn bỗng cất tiếng hỏi: “Nàng về từ khi nào?”.
Khương Trầm Ngư sững ra, vội đáp: “Vừa mới vào cổng cung đã được dẫn đến Bảo Hoa cung bái kiến bệ hạ rồi”.
Chiêu Doãn “ồ” một tiếng, ngừng một lát rồi mới từ tốn nói: “Lần nầy xuất cung… cảm thấy thế nào?”.
Trong đáy mắt Khương Trầm Ngư dấy lên vô và cảm xúc, rất lâu sau mới trả lời: “Thế giới rộng lớn, mà cung điện, đô thành, giang sơn của một nước… không thể sánh nổi”.
Chiêu Doãn sững người, kinh ngạc quay đầu lại nhìn nàng, trong ánh mắt đầy sự dò xét: “Nghĩa là thế nò?”.
Khương Trầm Ngư thận trọng lựa chọn từ ngữ: “Từ khi thần thiếp hiểu chuyện, được phu tử dạy dỗ, được cha mẹ chỉ bảo, chịu ảnh hưởng của những người xung quanh đến nay, thần thiếp luôn tưởng một khuê nữ biết nữ công gia chánh, giỏi nấu nướng, biết thơ văn, hiểu lễ nghĩa mới là một khuê nữ tốt. Vào hoàng cung thần thiếp lại thấy những thứ như nữ công gia chánh, nấu nướng, thơ văn, thậm chí những lễ tiết được học trước đây, đều là đồ bỏ đi cả. Bởi, chúng không thể khiến thần thiếp có được sự sủng ái của hoàng thượng, cũng không thể giúp thần thiếp trở thành một vương phi xuất sắc. Bởi vậy trong một thời gian dài, thần thiếp luôn tự vấn: Mình nên học những gì? Mình nên làm những gì? Mình tồn tại có ý nghĩa gì?”.
Chiêu Doãn cười cười: “Nàng nghĩ thật là nhiều”. Đây là biểu cảm vui vẻ đầu tiên mà y bộc lộ trong ngày hôm nay, vì thế, tuy lời nói mang ý khiển trách nhưng giọng điệu lại có chút chế nhạo mà thân mật.
Khương Trầm Ngư cũng cười theo, nói tiếp: “Nhưng lần xuất cung này, được đến những nơi chưa từng đến, được gặp đủ mọi loại người, có người sống rất vui vẻ thoải mái, có người không được như vậy, có người rất tích cực, có người tiêu cực… Tất cả giống như những mũi kim thêu, từng mũi từng mũi thêu dần dần tạo thành hình ảnh, tạo thành đáp án mà thần thiếp luôn kiếm tìm”.
“Ồ, đáp án là gì?”. Chiêu Doãn tỏ rõ hứng thú, ánh mắt sáng rỡ nhìn nàng.
Khương Trầm Ngư không vòng vo, đáp rất thẳng thắn: “Làm lợi cho người”.
Lông mày của Chiêu Doãn nhướng lên.