– Đúng là họ rồi!
Thuần lặng người đi một lúc rồi mới cầm quyển sổ đó bước ra ngoài. Bà cụ vẫn còn đứng đó, bà hỏi ngay:
– Cậu có tìm thấy gì không?
Thuần đưa quyển sổ và nói:
– Đây là kỷ vật của bạn cháu. Xin phép bác, cháu muốn được cầm về.
Bà cự mau mắn:
– Còn quần áo, đồ đạc gì đó cậu cứ mang đi, bởi từ lúc tai nạn xảy ra tôi cứ chờ hoài mà chẳng thấy thân nhân họ ra đây tìm, nên những gì trong ngôi nhà đó vẫn còn nguyên.
– Dạ, cháu chỉ xin lấy quyển sổ này thôi.
Điều Thuần nôn nóng nhất muốn hiểu thêm là dòng địa chỉ ghi dưới trang đầu của quyển sổ. Địa chỉ khác của Hạnh Tứ Nương.
° ° °
Dòng địa chỉ 128 đường Hoa Hướng Dương khiến cho Thuần mất toi hai ngày để tìm mà cuối cùng vẫn phải bó tay. Cư xá Hồng Hà đã là một nơi ảo, ngoài ra chẳng nơi nào có tên như vậy. Chạy xe lòng vòng mất bốn bình xăng mà vẫn tìm chưa ra, Thuần hơi nản, định ra về thì đến phiên chiếc xe trở chứng, chết máy khi chạy tới một đoạn vắng có nhiều xe container đậu nối đuôi nhau.
Vừa dẫn xe Thuần vừa càu nhàu, bỗng có ai đó gọi anh từ sau lưng:
– Cậu ơi!
Quay lại nhìn, Thuần quá bất ngờ khi gặp bà giúp việc nhà của chị em Hạnh hôm trước!
– Bà… bà là…
– Tôi là người làm của các cô Hạnh, cậu gọi tôi là Dì Tư. Cậu đi tìm các cô ấy phải không?
Không ngờ buồn ngủ lại gặp chiếu manh, Thuần mừng quá, quên cả cơn mệt trong người:
– Dạ, cháu tìm mấy ngày rồi, mà cái địa chỉ này…
Dì Tư lặng lẽ bước đi trước, bảo khẽ:
– Cậu theo tôi ắt gặp.
Dẫn xe đi không xa lắm, đến cuối hàng xe tải đậu, họ quẹo vào một con đường mòn nhỏ, lúc này Thuần mới lờ mờ nhận ra có cái gì đó quen quen trước mắt… Khi qua khỏi một hàng me tây tàng lá rậm rạp, Thuần chợt nhận ra, anh kêu lên:
– Chỗ này rồi!
Thì ra từ chỗ Thuần đang dừng xe, nhìn xuyên qua một hàng rào gỗ cao là khu vườn mà hôm trước anh đã cùng ba cô gái ngồi nhậu với nhau! Không thể lầm được, bởi bộ bàn ghế đá màu trắng bên cạnh giàn hoa hướng dương cao gần ngang ngực.
Thấy Thuần còn ngơ ngác đứng nhìn, bà Dì Tư giục:
– Cậu vào đi, tới nhà rồi đó.
– Cháu nhớ ra rồi. – Thuần nói.
Lúc mở cửa cho Thuần vào trong rồi, bà người làm mới bảo:
– Đây là cổng sau, bữa trước ngồi trong vườn chắc cậu nhìn ra đây rồi phải không? Còn cổng trước là cư xá, hôm cậu đi vô, nhưng ngay chiều hôm đó do người ta đào hệ thống cống nên đã chận ngang không cho vào lối đó.
– Nhưng sao cháu hỏi, không ai biết cư xá Hồng Hà?
– Cậu không biết, chứ ở đây người ta kỵ cái tên đó. Bởi trước kia khu đất này nguyên là nghĩa địa Hồng Hà, bây giờ thành khu dân cư rồi, không ai còn muốn nhắc tới cái tên cũ, nên hễ nghe ai hỏi tên Hồng Hà thì người ta không chỉ.
Hình như đã đoán biết việc Thuần trở lại đây nên bà Tư nhìn anh một lúc rồi ngập ngừng:
– Cậu đã biết chuyện về ba cô Hạnh?
Thuần nhìn quanh một lượt, rồi nhìn thẳng vào mắt bà:
– Có đúng là cả ba cô đều đã… chết?
Bà Tư thở dài:
– Tội nghiệp họ. Đúng là hồng nhan bạc phận!
– Nhưng họ chết ở đèo Hải Vân, sao lại hiện ra ở chỗ này?
Giọng bà thật buồn:
– Tôi đã đưa họ về đây và tôi đã nguyện là sẽ sống cùng họ suốt đời…
Bà nói xong thì khóc nức nở, khiến Thuần cũng xót xa trong lòng. Hồi lâu anh mới hỏi:
– Bác là thế nào với ba cô ấy?
Bà hỏi ngược lại:
– Cậu biết nhà Hoa Lê ở Lăng Cô chưa?
– Dạ biết. Cháu mới về chỗ ấy xong.
– Tôi là mẹ của Hoa Lê.
Nhớ lại lời kể của bà hàng xóm ở làng chài, Thuần hỏi:
– Có phải sau khi Hoa Lê mất, bác đã bỏ vào chân đèo ở và không trở về nhà nữa?
Lại một lần nữa bà thở dài:
– Không phải tôi tự vào đó ở, mà là con Hoa Lê cứ giục mãi. Nó muốn tôi vào đó, nơi căn lều kiểm lâm trước kia của cha nó. Lúc đầu tôi không biết để làm gì, cho đến khi vụ tai nạn xảy ra, cả chiếc xe rơi xuống vực, trong đó có ba cô con gái và một anh chàng, thì tôi hiểu, bởi trước đó đêm nào vong linh con Hoa Lê cũng về báo cho tôi biết, sắp có bạn nó đi tìm nó và dặn tôi là sau khi tiếp nhận họ thì tôi phải mang xác họ ra khỏi nơi đó, không để ai biết tung tích họ ở đâu!
Thuần buột miệng:
– Thảo nào chẳng ai tìm thấy xác họ đâu!
Lát sau bà Tư tuần tự kể lại câu chuyện mà Thuần đang muốn biết:
– Con Hoa Lê nhà tối vốn cùng với ba cô gái tên Hạnh trong một buổi lễ cầu hồn đã kết bạn với nhau. Nó không liên hệ huyết thống gì với họ, nhưng lại nhận mình là chị em, mang tên là Hạnh Tam Nương…
Thuần chợt kêu lên:
– Hạnh tam nương! Nhân vật vắng mặt hôm bữa tiệc?
Lời giải thích của bà khiến Thuần lạnh cả người:
– Hồn con tôi bị một cái vong trong buổi cầu hồn ám nên dẫn dụ ba cô gái sinh ba tên Hạnh cùng chết theo mình và cùng kết bạn thành nhóm Tứ Nương. Nhưng từ khi về đây lập ra cái vườn Âm Hồn này thì con tôi bỏ đi, theo người yêu nó.
– Theo Phú?
Bà gật đầu:
– Đúng là Phú. Chính nó đã bắt Phú đi theo. Tôi buồn lắm vì chuyện đó. Bị nó làm cậu Phú chết oan. Nhưng biết làm sao, khi luật của cõi âm là như vậy, khi oan hồn yêu ai thì muốn người yêu ở dương thế đi theo…
Chợt quay sang Thuần, bà nói:
– Cậu may mắn nên giờ này còn ngồi đây.
– Bác nói vậy là sao? – Thuần ngạc nhiên.
– Khi cậu tìm tới đây hôm đó là do mấy cái oan hồn này muốn cậu tới. Có phải cậu tới sau khi nhận được tin của bạn cháu?
– Phải, cháu nhận được thư của bạn cháu.
– Trong lúc cậu Phú đã chết trước đó lâu rồi!
– Dạ…
Bà lại thở dài:
– Tôi đã can ngăn mãi mà chúng không nghe. Nhất là con Hạnh tứ nương, nó cứ nằng nặc đòi chiêu dụ cho bằng được một người con trai, để nó được siêu thoát khỏi kiếp oan hồn! Trong cõi âm, những cô gái chết oan nếu muốn thoát kiếp thì cần có một người con trai tới, để cùng đi với họ. Cậu đáng lẽ đã chết ngay sau bữa tiệc ở khu vườn này đêm hôm đó, nếu không có cuộc cãi nhau rồi sinh huyết chiến giữa con Hoa Lê nhà tôi với ba cô Hạnh đó… chính người bạn tên Phú của cậu, đã cùng với con Hoa Lê chống lại ba chị em họ, giải thoát cho cậu khỏi bị bắt hồn. Và cũng từ đó những oan hồn tụ họp ở đây cũng vĩnh viễn ra đi. Tôi cũng không muốn lưu lại đây làm gì, bởi nhiệm vụ không cưỡng lại được trước đây, nay đã được giải thoát. Nhưng nghĩ đến cậu, nên tôi nán lại, gặp cậu lần nữa, nói cho cậu hiểu mọi chuyện, để cậu đừng đi tìm chị em nhà ấy nữa, họ là hồn ma cả đó…