Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kể chuyện về kim loại

V – “Vitamin V”

Tác giả: X.I. Venetxki

“Nếu không có vanađi thì sẽ không có cái ô tô của tôi”. Đó là lời của vua ô tô Henri Forđ (Henri Ford). Năm 1905, ông ta đã có mặt tại một cuộc đua ô tô lớn. Giống như tại nhiều cuộc đua tương tự, ở đây cũng không tránh khỏi tai nạn. Sau một thời gian, Forđ đã đến nơi xảy ra tấm thảm kịch và đã nhặt được ở đấy một mảnh vỡ của một chi tiết thuộc chiếc ô tô của Pháp – một trong hai chiếc ô tô đâm nhau. Đó là một đoạn của chiếc cần xupap. Dù chỉ là một chi tiết bình thường nhưng vì đang bị thu hút vào những vấn đề này nên Forđ để ý đến kích thước không lớn của nó và đã quyết định đưa mẩu kim loại này ra thử nghiệm. Quả nhiên linh tính không đánh lừa Forđ: loại thép này tỏ ra rất cứng và rất bền. Tại phòng thí nghiệm tiến hành phân tích hóa học mảnh vỡ được gửi đến, người ta đã cho biết là loại thép này chứa vanađi.

Ý đồ sử dụng rộng rãi loại thép như vậy vào việc sản xuất ô tô đã hoàn toàn chi phối Forđ. Chả phải nói: nếu thực hiện được ý đồ này thì ô tô sẽ trở nên nhẹ hơn; điều đó cho phép có thể tiết kiệm được nhiều kim loại, và có thể ô tô có thể được bán với giá rẻ hơn. Nghĩa là số người mua sẽ tăng lên rõ rệt, như vậy, lợi nhuận của Forđ sẽ tăng lên. Thế là Forđ liền bắt tay vào việc thực hiện ý đồ của mình. Ông đã phải vượt qua biết bao khó khăn trước khi đạt được mục đích. Mấy năm sau cuộc đua ô tô mà vô tình đã đóng vai trò không kém phần quan trọng trong lịch sử ngành chế tạo ô tô, bộ thương mại và công nghiệp Pháp đã tiến hành thử nghiệm các chi tiết riêng rẽ của chiếc ô tô Forđ loại mới và thấy rõ rằng, thép của Mỹ vượt hẳn thép của Pháp về nhiều chỉ tiêu.

Vậy thì vanađi – kẻ đã thực hiện một cuộc cách mạng thực sự trong công nghiệp ô tô là cái gì vậy? Và đây, nhà hóa học Thụy Điển nổi tiếng là Becxêliut đã mô tả lịch sử phát hiện ra vanađi như sau: “Ngày xưa có vị nữ thần Vanađis xinh đẹp tuyệt vời và được mọi người yêu mến sống ở phương Bắc xa xôi. Một hôm, có một người nào đó đến gõ cửa nhà nàng. Nữ thần ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành và thoáng nghĩ: “Cứ để cho người ta gõ cửa lần nữa”. Nhưng rồi tiếng gõ cửa đã ngừng hẳn và người kia đã đi khỏi. Nàng băn khoăn tự hỏi: vị khách khiêm tốn và rụt rè ấy là ai vậy? Nữ thần mở cửa sổ và nhìn ra đường. Một chàng Vuêle nào đó đang vội vã rời khỏi lâu đài của nàng.

Mấy ngày sau, nàng lại nghe thấy tiếng ai đó gõ vào cửa nhà nàng, nhưng lần này tiếng gõ dồn dập kéo dài cho đến khi nàng đứng dậy và đi ra mở cửa. Trước mặt nàng là chàng trai khôi ngô tuấn tú Ninx Xepxtơrôm. Thế rồi liền ngay sau đó, họ đã yêu nhau và sinh ra một người con trai, đặt tên là Vanađi. Đó cũng là tên của thứ kim loại mới do nhà vật lý kiêm hóa học Thụy Điển Ninx Xepxtơrôm phát hiện ra vào năm 1830”.

Trong câu chuyện này có một điểm chưa được chính xác. Người đầu tiên gõ cửa phòng nữ thần Vanađis không phải là nhà hóa học Đức Friđric Vuêle (Frederich Wohler), mà là nhà hóa học kiêm hóa vật học người Mêxicô, tên là Anđret Manuen Đen Riô (Andres Manuel Del Rio). Trước Vuêle khá lâu, vào năm 1801, khi nghiên cứu quặng chì nâu của Mêxicô, Đen Riô đã phát hiện ra rằng, trong quặng ấy có một thứ kim loại mới mà thời bấy giờ chưa ai biết đến. Các hợp chất của kim loại này mang những mầu sắc rất khác nhau, vì vậy mà nhà bác học này đã gọi nó là “panchromium”, nghĩa là “phiếm sắc”, và về sau, ông đã đổi tên nó thành “erythronium”, có nghĩa là “đỏ”.

Tuy nhiên, Đen Riô đã không thể xác nhận được sự phát hiện của mình. Hơn nữa, năm 1802, ông đã đi đến một kết luận sai lầm rằng, nguyên tố mới này chính là crom vừa được phát hiện trước đó không lâu. Còn Vuêle cũng nghiên cứu quặng chì Mêxicô ấy và đã gần đi đến thành công, nhưng khí hiđro florua … đã cản trở ông. Giữa lúc đang say mê làm việc thì nhà bác học bị ngộ độc do khí này nên đành phải nằm nghỉ trên giường mất vài tháng. Sau khi bình phục, Vuêle đã không trở lại ngay với những thí nghiệm về quặng chì. Chính điều đó là lý do khiến Becxêliut trách ông là quá nhút nhát khi gõ cửa nhà nữ thần Vanađis.

Và khi Vuêle ốm thì cũng chính là lúc vanađi ra đời lần thứ hai. Lần này một học trò của Becxêliut là nhà bác học Thụy Điển Ninx Gabrien Xepxtơrôm (Nils Gabriel Sefstrom) đã đứng bên nôi của chú bé mới sinh. Thời bấy giờ, ngành luyện kim Thụy Điển đã bắt đầu phát triển. Các nhà máy đã mọc lên khắp mọi miền trong nước. Và người ta nhận thấy rằng, sắt thép luyện từ một số mỏ thì giòn, trong khi đó, từ quặng của những mỏ khác thì lại rất dẻo. Tại sao có những sự khác biệt như vậy? Xepxtơrôm đã quyết định tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.

Khi nghiên cứu thành phần hóa học của một số quặng mà từ đó luyện được thép có chất lượng cao, sau nhiều lần thí nghiệm kéo dài, nhà bác học đã chứng minh được rằng, các quặng này chứa một nguyên tố mới, mà đó chính là nguyên tố mà lúc sinh thời, Đen Riô đã phát hiện ra và lầm tưởng đó là crom. Theo lời khuyên của Becxêliut, người ta gọi kim loại mới này là vanađin và về sau đổi thành vanađi.

Cả Đen Riô và Vuêle đều không được công nhận là “cha đỡ đầu” của nguyên tố mới, mặc dầu họ đã đi đến gần phát minh, chỉ cách có vài bước. Sau thành công của Xepxtơrôm, Vuêle đã viết thư cho một người bạn của mình: “Tôi quả là một con lừa thực sự, vì tôi đã bỏ qua nguyên tố mới trong quặng chì, và Becxêliut đã nói đúng khi ông cười, có phần mỉa mai việc tôi đã gõ cửa nhà nữ thần Vanađis nhưng không gặp được nàng vì gõ khẽ và thiếu kiên nhẫn”.

Trong suốt nhiều năm ròng, không một ai may mắn tách được vanađi ở dạng tinh khiết. Mãi đến năm 1869, nhà hóa học người Anh là Henri Rôxco (Henry Roscoe) mới điều chế được vanađi ở dạng kim loại tinh khiết. Tuy vậy, nó chỉ có thể được coi là tinh khiết đối với thời bấy giờ mà thôi, vì còn chứa tới 4% tạp chất. Mà thực ra ngay cả tạp chất không nhiều cũng làm cho tính chất của nguyên tố này thay đổi rất rõ rệt. Vanađi nguyên chất là một thứ kim loại màu xám bạc, có độ dẻo cao, nghĩa là có thể rèn được. Lượng tạp chất dù rất nhỏ, không đáng kể, đặc biệt là nitơ, oxi, hiđro, cũng làm cho kim loại này trở nên cứng và giòn, nên rất khó gia công.

Một thời gian dài người ta không thể điều chế được vanađi tinh khiết do tính hoạt động mạnh khác thường của nó ở nhiệt độ cao: không chọn được thứ vật liệu làm nồi nung mà không bị hòa tan trong vanađi và không làm bắn nó khi nấu chảy. Lúc bấy giờ, các nhà bác học đã đi theo con đường khác: họ đã hoàn thiện phương pháp điện phân để tinh luyện vanađi đến độ tinh khiết 99,99 %. Tất nhiên, 4% và 0,01% là một sự khác biệt rất lớn.

Suốt hàng chục năm, vanađi không được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp. Chẳng hạn hồi đầu thế kỷ của chúng ta, mỗi năm trên thế giới chỉ sản xuất vài tấn vanađi. Đúng là giá của nó hồi đó cao quá sức tưởng tượng: mỗi kilogam giá năm mươi ngàn rúp vàng (giá trị một rúp vàng thời bấy giờ là 0,774235 gam vàng nguyên chất. Như vậy, giá một kilogam vanađi lúc bấy giờ là gần 39 kilogam vàng! (N. D.)).

Cũng dễ hiểu là vì sao vanađi được sản xuất ít ỏi như vậy, và giá của nó đắt khủng khiếp đến thế. Mặc dầu vỏ trái đất chứa không ít vanađi (nhiều hơn bạc khoảng một ngàn lần) nhưng cực kỳ hiếm thấy những điểm tích tụ của nó trên mặt đất. Chính vì vậy nên vanađi được xếp vào hàng các kim loại hiếm. Quặng chứa 1 % vanađi được coi là cực kỳ giàu; ngay cả những quặng chỉ chứa 0,1 % nguyên tố quý và hiếm này cũng được khai thác và chế biến theo quy mô công nghiệp.

Một trong những mỏ vanađi lớn nhất thế giới nằm ở vùng núi Pêru, trên độ cao 4700 mét so với mặt nước biển. Tại đây, ở những nơi xa tít tận chân mây, từ nhiều năm nay người ta đã khai thác khoáng vật patronit giàu vanađi mà trên trái đất không hề gặp lại ở một nơi nào khác nữa. Cách đây chưa lâu lắm ở bờ bắc biển Caxpi, trên bán đảo Buzatri, đã bắt đầu khai thác dầu mỏ có hàm lượng vanađi cao theo phương thức công nghiệp. Nhiệm vụ của các nhà địa chất là phải hoàn thiện công nghệ tách nguyên tố quý báu này từ “quặng” dầu mỏ một cách có hiệu quả.

Một điều đáng chú ý là trong các thiên thạch rơi xuống trái đất, hàm lượng vanađi lớn gấp hai – ba lần so với trong vỏ trái đất. Trong quang phổ của mặt trời có thể dễ dàng tìm thấy những vạch đặc trưng cho các nguyên tử vanađi; điều đó chứng tỏ rằng, mặt trời cũng rất giàu nguyên tố này và còn giàu hơn cả hành tinh chúng ta. Có thể đến một lúc nào đó, việc đưa các chuyến quặng giàu vanađi, từ sao Hỏa hoặc sao Kim chẳng hạn, đến nhà máy luyện kim sẽ được coi như một công việc vận chuyển bình thường, còn bây giờ thì con người trên trái đất vẫn phải trông cậy vào dự trữ của chính mình mà thôi.

Cái khó của việc lấy vanađi ra khỏi quặng cũng chính là nguyên nhân khiến cho kim loại này trong một thời gian lâu đến thế không thể tìm được việc làm cho mình. Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật đã nhanh chóng mở rộng cửa để đón vanađi vào thế giới công nghiệp. Nguyên tố này có khả năng truyền cho thép những tính chất rất quý; điều đó đã quyết định số phận của nó – vanađi bắt đầu đóng vai trò “vitamin” đối với thép.

Chỉ cần pha thêm một lượng vanađi rất ít (vài phần trăm), thế là thép liền có cấu trúc mịn hạt, có đồ bền cao và độ đàn hồi lớn. Loại thép như vậy “có tài” chịu đựng va đập và lực uốn, bền bỉ chống lại được sự mài mòn và chống được sự đứt gãy rất tốt. Mà chính các tính chất này lại hết sức cần thiết cho các chi tiết ô tô. Bởi vậy, các cụm máy và các chi tiết quan trọng của ô tô như động cơ, lò xo xupap, nhíp, trục quay, trục bánh xe, bánh răng v. v… đều được chế tạo bằng thép vanađi không mỏi. Cũng vì thế mà Henri Forđ đã đánh giá vai trò của vanađi cao như vậy. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà viện sĩ A. E. Ferxman đã nói về nguyên tố này: “.. huyền diệu thay những sức mạnh mà nó truyền cho sắt và thép bằng cách trang bị cho sắt và thép độ cứng và độ bền, độ dẻo và độ dai, tính không bị phá hủy rất cần thiết cho trục ô tô”.

Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, máy bay do các kỹ sư Pháp chế tạo đã gây nên được sự chấn động thật sự. Máy bay này được trang bị không phải là súng máy như thường thấy, mà là pháo; những khẩu pháo này đã gây nên nỗi kinh hoàng cho các phi công Đức. Nhưng bằng cách nào mà có thể đặt được pháo lên máy bay? Sức chở của những “chiếc giá gỗ” thời bấy giờ rất nhỏ. Thì ra vanađi đã giúp khẩu pháo “trèo lên” máy bay. Những khẩu pháo của không quân pháp được chế tạo bằng thép vanađi. Với khối lượng không lớn lắm, chúng có những tính năng tuyệt vời về độ bền, cho phép dội hỏa lực kinh người vào máy bay Đức.

Tiếp theo đó, người ta bắt đầu dùng thép vanađi để sản xuất mũ cho binh lính. Loại mũ khá nhẹ, làm bằng thép mỏng nhưng bền này đã che chắc chắn cho người chủ của nó khỏi bị đầu đạn và mảnh bắn vào. Vỏ bọc bằng thép cũng rất cần thiết để bảo vệ các pháo thủ khỏi làn đạn súng trường thiện xạ. Nhằm mục đích này, trong những năm đó, ở Sêfin (Sheffield, nước Anh), người ta đã sản xuất loại thép làm vỏ bọc chứa khá nhiều silic và niken. Tiếc thay, khi thử nghiệm thì đầu đạn đã dễ dàng xuyên thủng những lớp vỏ bọc làm bằng loại thép này. Lúc bấy giờ người ta đã quyết định đem ra thử nghiệm loại thép chứa 0,2 % vanađi. Thành công đã vượt qua mọi sự mong đợi: thép này đã vượt qua được cuộc sát hạch về độ bền trong 99 đến 100 trường hợp!

Thế là vanađi đã bắt đầu phục vụ cả việc phòng thủ nữa chứ không phải chỉ phục vụ tấn công mà thôi. Các hãng ở Mỹ, Anh, Pháp đã sẵn sàng sử dụng thép vanađi vào những mục đích khác nhau. Thế mà các nhà luyện kim Đức, vốn luôn luôn được coi là các chuyên gia cỡ lớn về những vấn đề này, đã bày tỏ một quan điểm mà mới nhìn qua thì qua thì hoàn toàn khó hiểu: họ đã tỏ ra rất hoài nghi đối với vanađi trong vai trò nguyên tố điều chất, và trên thực tế, họ đã từ chối sử dụng thép vanađi. Thậm chí, một nhà máy của Đức đã đưa ra kết luận dứt khoát rằng, luyện thép vanađi là một việc chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều này có vẻ như là một nghịch lý.

Nhưng ngay sau đó, mọi việc đều sáng tỏ: vì người Đức không có quặng vanađi trong nước nên họ chẳng thích thú gì khi thấy giá vanađi trên thị trường thế giới tăng lên cùng với nhu cầu của kim loại này; do đó, họ cố tìm mọi cách kìm hãm việc sử dụng thép vanađi. Cũng chính họ đã ráo riết tìm kiếm những nguyên tố có khả năng tác động đến thép như vanađi, song chẳng bao lâu, họ đã biết chắc chắn rằng, không có vanađi thì không xong. Thế là những mưu mô của các “nhà ngoại giao” luyện kim hòng nói xấu thép vanađi đã thất bại, còn việc sản xuất kim loại này thì tiếp tục tăng lên từ năm này sang năm khác.

Chính vanađi đã giúp thép hoàn thành công vụ một cách tốt đẹp trong những điều kiện khắc nghiệt của vùng bắc cực và vùng Xibia: thì ra nếu pha thêm vanađi và nitơ vào thép – dù chỉ vài phần vạn thôi – sẽ làm tăng rõ rệt tính chịu lạnh của loại thép dùng để làm các đường ống dẫn, các loại máy khoan, tháp khoan. Bất kỳ loại thép nào cũng không chịu được giá rét ở phương bắc và đều trở nên giòn như thủy tinh. Còn thép vanađi thì không hề suy suyển gì ngay cả âm 60 độ C.

Ngành hàng không, ngành vận tải đường sắt, kỹ thuật điện, kỹ thuật vô tuyến, công nghiệp quốc phòng … – thật khó kể cho hết mọi lĩnh vực công nghiệp hiện đại mà hiện nay đang sử dụng thép vanađi. Cả gang cũng được hưởng thụ công lao của vanađi, gang vanađi chất lượng cao được dùng để đúc vòng găng, đúc khuôn đúc thép thỏi, trục cán, khuôn dập nguội.

Tuy nhiên, vanađi làm việc không chỉ với tư cách là một kim loại – vitamin. Các muối của nguyên tố này – màu xanh, vàng, đỏ, đen, vàng choé (chúng ta hãy nhớ lại cái tên “panchromium” – phiếm sắc, mà đen Rio đã đặt cho kim loại này) đều được sử dụng rất hiệu quả trong việc sản xuất các chất màu và các loại mực đặc biệt, trong công nghiệp thủy tinh và đồ gốm. Nhân tiện nói thêm là chính vanađi đã bắt đầu cuộc đời hoạt động thực tiễn của mình từ nghề sản xuất đồ gốm ngay sau khi được Xepxtơrôm phát hiện ra. Nhờ các hợp chất của vanađi người ta đã tráng lên các sản phẩm sứ và sành một lớp men mầu vàng óng ánh và đã nhuộm cho thủy tinh có màu xanh lá cây hoặc màu xanh da trời.

Năm 1842, nhà hóa học Nga nổi tiếng N. N. Zinin đã điều chế được anilin. Điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành sản xuất thuốc nhuộm. Và ở đây, vanađi đã có mặt ngay: chỉ cần 1 gam vanađi oxit hóa trị năm là đủ để biến 200 kilogam muối anilin không màu thành một chất nhuộm màu rất mạnh – đó là anilin đen.

Ngày nay, nếu không có vanađi thì hóa học cũng chẳng làm nên công chuyện gì: oxit của nó là một chất xúc tác tuyệt vời trong quá trình sản xuất axit sunfuric mà người ta vẫn gọi là “bánh mì của hóa học”. Suốt nhiều năm amian nhuốm platin (tức là amian có rắc bột platin) đã đóng vai trò này. Nhưng trước tiên, chất xúc tác này rất đắt, thứ hai là nó không bền vững lắm: nó thường không chịu làm việc do bị “ngộ độc” bởi các tạp chất ở thể khí. Chính vì vậy, khi công nghệ sản xuất axit sunfuric với chất xúc tác là các hợp chất của vanađi được đề ra, thì công nhân các nhà máy sản xuất axit sunfuric liền từ giã amian nhuốm platin mà không hề do dự. Những tính chất thần diệu của vanađi oxit cũng được sử dụng trong việc chưng cất dầu mỏ và khi điều chế nhiều hợp chất hữu cơ phức tạp.

Ngay cả … lợn cũng quý trọng những phẩm chất tốt đẹp của vanađi. Ở Achentina người ta đã thí nghiệm đưa nguyên tố này vào khẩu phần thức ăn của lợn. Kết quả ra sao? Bọn lợn con hay ăn hẳn lên và tăng trọng rất nhanh.

Các nhà bác học Mỹ ở phòng thí nghiệm của bệnh viện Long – Bích đã nghiên cứu ảnh hưởng của vanađi đối với sự trưởng thành của chuột. Những con chuột được thí nghiệm với chế độ ăn uống hoàn toàn thiếu hẳn nguyên tố này thì lớn chậm bằng một nửa “bạn bè” của chúng ở nhóm đối chứng được nuôi bằng thức ăn bình thường. Song chỉ cần cho thêm vào thức ăn của chúng một lượng nhỏ vanađi thì chỉ sau vài ngày là tốc độ lớn lên của chuột được khôi phục đến mức bình thường.

Có lẽ vanađi cũng cần thiết đối với nhiều mô động vật: nó có mặt trong trứng gà, thịt gà, sữa bò, gan động vật và ngay cả trong não người.

Một điều đáng chú ý là một số thực vật và động vật dưới biển – các loài hải sâm, hải quỳ, hải đởm – biết “sưu tầm” vanađi. Chúng lấy vanađi từ môi trường xung quanh bằng phương pháp nào đó mà con người chưa biết. Một số nhà bác học giả định rằng, ở nhóm sinh vật này, vanađi cũng đóng vai trò như sắt trong máu của người và của các động vật bậc cao, tức là giúp máu hấp thụ oxi, hay nói một cách hình ảnh là giúp chúng thở. Các nhà bác học khác thì cho rằng, các “cư dân” dưới đáy biển cần vanađi không phải để thở mà là để ăn. Những kết quả nghiên cứu tiếp tục sẽ cho biết ai đúng ai sai. Còn bây giờ thì đã xác định được rằng, trong máu của loài hải sâm có rất nhiều vanađi, còn ở các biến chủng của loài hải quỳ thì hàm lượng nguyên tố này trong máu cao gấp hàng tỉ lần so với hàm lượng của nó trong nước biển. Quả thật, chúng đúng là những cái ống gom góp vanađi. Rõ ràng là các nhà bác học đang rất quan tâm đến khả năng khai thác vanađi nhờ sự giúp đỡ của các cư dân ở chốn “thủy cung”.

Ở Nhật Bản chẳng hạn, các đồn điền hải quỳ kéo dài hàng trăm kilomet dọc bờ biển. Hải quỳ rất “mắn đẻ”: từ một mét vuông đồn điền mầu xanh da trời này, người ta lấy được khoảng 150 kilogam động vật này. Sau khi thu hoạch “mùa màng”, thứ “quặng” vanađi sống này được gửi đến các phòng thí nghiệm chuyên môn để từ đó tách ra thứ kim loại mà công nghiệp đang rất cần. Gần đây, trên báo chí đã có tin nói rằng, các nhà luyện kim Nhật Bản đã chế tạo được thứ thép mà trong đó nguyên tố điều chất là vanađi khai thác được từ loại hải quỳ.

Trên cạn cũng có những “nhà sưu tập” vanađi: một trong những “vị” ấy là loại nấm độc amanita trắng mà mọi người đều biết khá rõ. Một số loại nấm mốc cũng không thờ ơ với vanađi: thiếu vanađi thì chúng hoàn toàn không phát triển được. Trong khoa học, những loài thực vật có khả năng tích lũy một nguyên tố nào đó trong cơ thể được gọi là những “máy” tích tụ sinh học (bioconcentrator). Chúng giúp sức cho các nhà địa chất rất nhiều, vì chúng đóng vai trò những vật chỉ thị độc đáo trong việc tìm kiếm quặng của một số kim loại quý.

Năm 1971, trên các nhánh núi thuộc dãy Thiên Sơn, các nhà cổ sinh vật học Xô – viết đã phát hiện ra dấu vết của một loài thực vật mà khoa học chưa hề biết đến tên (người ta gọi nó là menneria) – đó là một loài tảo đơn bào, từng sinh sống trên trái đất chừng … một tỉ rưỡi năm trước đây. Đến đây, bạn đọc hoàn toàn có quyền hỏi: “Vậy thì loại tảo mới này có quan hệ gì với vanađi?”. Đúng, có quan hệ trực tiếp đấy: các nhà bác học cho rằng, lúc sinh thời, menneria đã đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành bầu khí quyển của chúng ta, trong việc tạo nên tụ thể của các nguyên tố hóa học như vanađi và urani trong vỏ trái đất.

…Chúng ta vừa nghe kể về quá khứ và hiện tại của vanađi. Và cái gì còn đợi nó ngày mai? Tới đây, số phận của thứ kim loại tuyệt vời này sẽ ra sao?

Vì không có cái “máy thời gian” như trong truyện viễn tưởng nên hẳn là không thể tiên đoán tương lai của vanađi một cách “chẳng sai chút nào”, nhưng vì biết được những tính chất quý báu của nó – độ bền cơ học đáng kể, sức chống ăn mòn lớn, nhiệt độ nóng chảy cao, tỷ trọng nhỏ hơn của sắt – cho nên rất có lý để giả định rằng, vanađi sẽ trở thành một thứ vật liệu kết cấu tuyệt vời. Song trước hết, con người phải biết cách “tước đoạt” vanađi của thiên nhiên với một khối lượng thật lớn (lớn hơn nhiều so với bây giờ!), vì thiên nhiên đang cất giữ nó rất cẩn thận trong những kho tàng không bao giờ cạn kiệt của mình.

Bình luận
1440
× sticky