Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kể chuyện về kim loại

Pb – Kẻ diệt trừ đế chế La Mã

Tác giả: X.I. Venetxki

Ngỗng đã cứu thành La Mã – điều đó thì mọi người đã biết rồi. Những con ngỗng cảnh giác đã kịp thời phát hiện quân địch đến gần và lập tức báo tin nguy cấp bằng những tiếng kêu khản cổ. Lần này, người La Mã cổ xưa được bình an vô sự.

Tuy nhiên, đế chế La Mã về sau vẫn bị sụp đổ. Vậy thì cái gì là nguyên nhân sụp đổ đế chế từng hùng mạnh một thời ấy? Vì lý do gì mà đế chế La Mã bị diệt vong?

“Đế chế La Mã cổ xưa đã bị đầu độc bằng chì” – một số nhà độc chất học người Mỹ và Canađa đã đi đến kết luận như vậy. Theo ý kiến của họ, việc sử dụng đồ đựng (bình, cốc, chén) bằng chì và các mỹ phẩm chứa các hợp chất của chì đã dấn đến sự ngộ độc kinh niên và chết yểu của giới quyền quý La Mã. Người ta biết rằng, nhiều hoàng đế từng cai trị đế chế La Mã trong vài thế kỷ đầu công nguyên, tức là ở thời kỳ tồn tại cuối cùng của đế chế này, đã mắc chứng bệnh tâm thần nào đó. Tuổi thọ trung bình của các ông trưởng thị tộc ở La Mã thời ấy thường không quá 25. Những người thuộc các đẳng cấp thấp nhất thì bị nhiễm độc chì ở mức độ ít hơn vì họ không có cốc chén bằng chì đắt tiền và họ không dùng mỹ phẩm. Nhưng họ cũng sử dụng ống dẫn nước do những người nô lệ La Mã làm ra, mà chúng ta đã biết, các ống đó đều được làm bằng chì.

Con người thì chết dần chết mòn, đế chế thì quặt quẹo. Lẽ tất nhiên, có lỗi trong đó không phải chỉ riêng chì. Còn có những nguyên nhân sâu xa hơn – về mặt chính trị, xã hội, kinh tế. Song dù sao vẫn có một phần sự thật trong lập luận của các nhà bác học Mỹ: khi tiến hành khai quật đã phát hiện thấy là hài cốt của người La Mã cổ đại chứa một lượng chì lớn.

Tất cả các hợp chất dễ hòa tan của chì đều độc. Người ta đã xác định được rằng, nước mà người La Mã xưa kia đã dùng để ăn uống có chứa nhiều khí cacbonic. Khi phản ứng với chì, nó tao thành chì cacbonat dễ hòa tan trong nước. Chì đi vào cơ thể người dù với những lượng rất nhỏ, đều bị giữ lại trong cơ thể và thay thế dần dần chất canxi trong xương. Điều đó dẫn đến chứng bệnh kinh niên.

Nhưng không phải chỉ riêng việc làm cho đế chế La Mã bị diệt vong, mà còn có những sự việc đen tối khác đè nặng lên “lương tâm” của chì. Trong thời kỳ mà tòa án giáo hội đang hoàng hành, các giáo sĩ dòng tên (Jésuites) đã sử dụng chì nóng chảy làm dụng cụ tra tấn và hành hình. Còn ở Ấn Độ, ngay từ đầu thế kỷ XIX, nếu một người thuộc đẳng cấp thấp hèn mà cố ý hoặc vô tình nghe lỏm kinh kệ của những người Bà la môn thì sẽ bị rót chì nóng chảy vào tai (để bảo vệ quyền lực của mình đối với dân chúng, bọn đạo sĩ ở Babilon, Ai Cập, Ân Độ đã giữ tuyệt mật những kiến thức của mình).

Ở Venezia còn giữ được một nhà tù trung cổ, nơi mà xưa kia đã từng giam giữ những kẻ phạm tội quốc sự. Nhà tù này được nối với một di tích kiến trúc nổi tiếng – Cung điện của các vị đại thống lãnh – bằng chiếc cầu Than thở. Trên tầng áp mái nhà tù có những buồng đặc biệt dưới mái chì dành cho những phạm nhân trọng phạm. Mùa hè, các phạm nhân bị ngột ngạt vì nóng bức, mùa đông thì bị buốt cóng vì giá lạnh. Còn trên cầu Than thở thì vẳng nghe những tiếng kêu thảm thiết …

Từ khi sáng chế ra súng ống, chì bắt đầu được đúc đạn giết người cho súng lục, súng trường; chì đã trở thành “lý lẽ vững chắc” nhất trong các cuộc tranh giành giữa các phe đối địch. Chì đã nhiều lần quyết định cục diện của những trận đánh lớn cũng như của những trận ẩu đả côn đồ lặt vặt.

Người ta có thể mang một ấn tượng là ngoài tai hại ra thì chẳng còn ai mong đợi được gì ở chì nữa; vì vậy, nhiệm vụ trước mắt và chủ yếu của loài người là hoàn toàn loại trừ thứ kim loại độc ác đã từng mang lại biết bao tai họa và đau khổ này. Nhưng vì lẽ gì đó mà người ta không muốn đi đến sự giải thoát như vậy, ngược lại, việc sản xuất chì vẫn được mở rộng không ngừng. Trong số tất cả các kim loại màu, chỉ có nhôm, đồng và kẽm là được sản xuất nhiều hơn chì. Thế kim loại này có những tác dụng hữu ích gì vậy?

Lịch sử đã từng biết đến nhiều trường hợp, trong đó, các dân tộc đã phát động những cuộc chiến tranh chính nghĩa để giành lại độc lập và tự do – và trong cuộc đấu tranh này, chì đã giúp đỡ họ. Để bảo vệ vững chắc bờ cõi nước mình, không những phải có thuốc súng trong kho đạn dược mà còn phải có chì. Bởi vậy, ý nghĩa quân sự của kim loại này rất to lớn.

Khi sự phát triển của kỹ thuật đã dẫn đến việc chế tạo ô tô, tàu ngầm, máy bay, dẫn đến sự xuất hiện của công nghiệp hóa học và công nghiệp kỹ thuật điện, thì đã xảy ra một sự nhảy vọt hết sức đột ngột trong việc sản xuất chì.

Ngay từ năm 1859, nhà vật lý học Gaxton Plante (Gaston Plante) người Pháp đã phát minh ra một nguồn điện hóa học – đó là ăcquy chì. Hơn một trăm năm qua, trên thế giới đã sản xuất một số lượng rất lớn những khí cụ đơn giản nhưng bền chắc để tích lũy năng lượng: khoảng một phần ba tổng sản lượng chì trên thế giới được dùng vào việc sản xuất ăcquy. Cách đây không lâu, những thợ lặn người Anh đã vớt được một chiếc tàu ngầm bị đắm từ đầu thế kỷ này và đã tìm thấy trong đó một bộ ăcquy chì. Họ đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, tuy đã nằm dưới nước biển tám chục năm không hơn không kém, thế mà nó vẫn còn phát ra điện. Một dự án độc đáo đã được đề xuất ở Mỹ: tại bang Michigan, người ta định dựng một bộ ăcquy chì có kích thước khổng lồ; nó được giao phó một sứ mệnh quan trọng: thỏa mãn nhu cầu về điện của cả bang trong những giờ cao điểm. Bộ ăcquy nặng gần ba ngàn tấn này sẽ được nạp điện trong những giờ mà nhu cầu về điện giảm xuống mức thấp.

Công nghiệp nhiên liệu là một ngành tiêu thụ rất nhiều chì. Trong các động cơ xăng, phải nén hỗn hợp nhiên liệu trước khi đốt cháy, và nén càng mạnh thì động cơ làm việc càng kinh tế. Nhưng ở mức độ nén khá cao, hỗn hợp nhiên liệu sẽ nổ chứ không chờ đến lúc được đốt cháy. Dĩ nhiên, lối “hành động tự phát” như vậy không thể chấp nhận được. Chì tetraetyl đã giúp trừ khử căn bệnh này. Chỉ cần pha thêm nó vào xăng với một lượng nhỏ (chưa đến 1 gam 1 lít) là đủ để ngăn chặn hiện tượng nổ, buộc nhiên liệu phải cháy đều, mà chủ yếu là cháy đúng thời điểm cần thiết.

Bởi vì chì tetraetyl rất độc nên xăng đã được pha chất này thường được nhuộm màu hồng, màu lục hoặc màu da cam v. v… (tùy theo nhãn hiệu) để dễ phân biệt với xăng thường. Đáng tiếc là các động cơ ô tô phun ra rất nhiều chất độc theo các chất khí thải. Các nhà bác học của viện công nghệ học ở California (nước Mỹ) đã ước tính rằng, những đám mây chì (như các bạn thấy, lối nói văn chương “các đám mây chì” có cả nghĩa đen nữa đấy) được tung lên trên bầu trời các thành phố lớn: trong một năm, chỉ tính trên các biển và đại dương ở bán cầu bắc đã có khoảng 50 ngàn tấn chì rơi xuống, mà chủ yếu là do lượng chì pha vào xăng gây nên. Đấy mới chỉ là pha một gam cho một lít thôi đấy! Ngay cả trong tuyết ở bắc cực cũng đã tìm thấy chì do ô tô thải ra. Lâu nay, các nhà chuyên môn đang tìm cách thay thế chì tetraetyl và cũng đạt được những kết quả nào đó trong việc này.

Những số liệu thu được khi phân tích tuyết trên băng giá ở Grơnlan cũng rất đáng chú ý. Các mẫu “tuyết đặc” được lấy ở các tầng khác nhau tương ứng với một thời kỳ lịch sử nhất định. Trong các mẫu hình thành ở thế kỷ VIII trước công nguyên, cứ một kilôgam “tuyết đặc” có chưa đến 0, 000 000 4 miligam chì (con số này được coi là mức nhiễm chì tự nhiên, mà nguồn chủ yếu là từ những trận phun trào của núi lửa). Những mẫu thuộc giữa thế kỷ XVIII (tức là lúc bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp) chứa chì nhiều gấp hai mươi lăm lần. Tiếp theo đó bắt đầu một cuộc “hành quân” thật sự của nguyên tố này trên đảo Grơnlan: hàm lượng chì trong các mẫu tuyết đặc lấy ở tầng trên cùng, tức là tầng tương ứng với thời đại chúng ta, vượt quá mức tự nhiên đến năm trăm lần.

Trong tuyết vĩnh cửu ở các khối núi cao thuộc Châu Âu, hàm lượng chì còn cao hơn nữa. Chẳng hạn, trong vòng một trăm năm gần đây, hàm lượng chì trong tuyết đặc của sông băng ở vùng núi Tatry Thượng đã tăng lên khoảng mười lăm lần. Còn nếu lấy mốc từ mức hàm lượng tự nhiên thì thấy rằng, ở Tatry Thượng – nơi gần các khu công nghiệp – mức này đã bị vượt quá gần hai trăm ngàn lần !

Cách đây chưa lâu lắm, những cây sồi hàng mấy trăm tuổi mọc ở một công viên gần trung tâm thu đô Xtôckhôm đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà bác học Thụy Điển. Thì ra trong thời gian gần đây, hàm lượng chì trong những cây sồi bốn trăm tuổi đã tăng vọt lên cùng với sự gia tăng cường độ vân chuyển bằng ô tô. Chẳng hạn, nếu ở cuối thế kỷ trước, trong gỗ của các cây sồi này chỉ có 0, 000 001 % chì, thì đến giữa thế kỷ XX, “trữ lượng” chì đã tăng gấp đôi, và đến cuối những năm 70 còn tăng lên gấp mười lần nữa. Ở phía cây hướng về đường ô tô, hàm lượng chì lại càng cao hơn rất nhiều bởi vì phía ấy chịu tác động của khí thải nhiều hơn.

Tại triển lãm quốc tế “Expo – 75” được tổ chức trên đảo Okinaoa (Nhật Bản) có một vật trưng bày khác thường đã thu hút sự chú ý của khách tham quan. Đó là một cột băng cao ba chục mét, được xẻ từ một núi băng mà tuổi của nó ngót ba ngàn năm. Các cuộc khảo cứu do các nhà bác học Nhật Bản, Mỹ và Liên Xô tiến hành đã cho biết rằng, trong mấy chục năm gần đây, núi băng này phải “chứa chấp” một lượng chì không nhỏ – kết quả của sự phát triển như vũ bão của ngành vận tại ô tô.

Trong kỹ thuật hiện đại, chì còn có khá nhiều nghề khác. Chẳng hạn, trong công nghiệp kỹ thuật điện, kim loại này được dùng làm vỏ bọc dây cáp rất bền chắc và khá dẻo dai. Một lượng chì khá lớn được dùng để làm que hàn. Để bảo vệ thiết bị khỏi sự ăn mòn, các nhà máy hóa chất và các xí nghiệp luyện kim màu, người ta mạ chì (phủ một lớp chì rất mỏng) lên bề mặt bên trong các buồng và các tháp để sản xuất axit sunfuric, các ống dẫn, các bể tẩy rửa và các bể điện phân. Trong nhiều máy móc và cơ cấu, có thể gặp các hợp kim để làm bi gồm chì và các nguyên tố khác.

Cần phải kể tỉ mỉ hơn về một trong các hợp kim của chì. Cùng với stibi và thiếc, chì đã có mặt trong hợp kim chữ in để làm ra những con chữ và những yếu tố khác của bộ chữ in sách báo. Nhà khai sáng người Đức ở thế kỷ XVIII Gheorg Crixtop Lictenbec (Georn Christoph Lichtenberg) đã đánh giá vai trò này của chì một cách đầy hình ảnh. Ông đã viết: “Thế giới đã được biến đổi bởi chì nhiều hơn là bởi vàng; ở đây không phải là chì từ họng súng mà là chì từ bộ chữ in”.

Nói cho đúng thì chì đã có quan hệ khá trực tiếp với chữ viết từ lâu, trước khi nhà sáng chế vĩ đại Iohan Gutenbec (Johann Gutenberg) người Đức sử dụng nó để đúc chữ in. Cách đây chưa lâu lắm, các nhà khảo cổ học Xô – viết đã tìm thấy trên đảo Berezan (nằm trong Biển Đen, cạch lối vào vũng Đniep) một bức thư thời cổ Hy Lạp trên một tấm chì mỏng được cuộn lại thành một cái ống. Khi khai quật các phế tích của thành phố cổ Onvia trên bờ sông Bug cũng đã phát hiện được một bức thư nặng trịch như thế. Phương pháp trao đổi thư từ như vậy đã từng lan tràn rộng rãi ở Hy Lạp cổ đại, nhưng chỉ có năm bức thư bằng chì “đến tay” các nhà bác học hiện nay. Tại sao những cuộn kim loại này lại là một thứ của hiếm? Đúng là chẳng để ý đến lợi ích cho con cháu ham hiểu biết của mình, cho nên sau khi đọc xong, người nhận thư liền sử dụng nó làm quả cân và các đồ sửa chữa mái nhà, cũng như sử dụng vào các mục đích thực dụng khác.

Bức thư tìm được ở Berezan được viết từ thế kỷ VI trước công nguyên, trong đó, một người tên là Akhilođor đã kể với Anacxagor về việc tranh chấp nô lệ. Trong một bức thư khác, một người nào đó tên là Batikon tâm sự với bạn mình là Đifin về những mối xúc động nhân một vụ kiện tụng không đạt kết quả. Thế là 2500 năm về sau, chì đã cho các nhà sử học biết đôi nét về đời sống và các mối quan hệ xã hội của những người dân cổ Hy Lạp di thực từng khai khẩn vùng ven Biển Đen.

Trong thời đại chúng ta, các hợp chất của chì có công dụng nhiều mặt. Từ vài trăm năm nay, thế giới đã biết đến pha lê – một thứ thủy tinh trong suốt như xương mai hớn hở trước sự nô giỡn của ánh sáng và trước âm thanh du dương trong trẻo. Thế mà sự xuất hiện của pha lê lại liên quan với … chì. Hồi đầu thế kỷ XVII, những người nấu thủy tinh ở nước Anh đã chuyển từ cách nung bằng củi sang cách nung bằng than. Hẳn là mọi sự phải tốt đẹp nếu như không có muội than, mà muội than thì lại quá nhiều. Khi rơi vào “cao” thủy tinh, các hạt muội than làm cho thủy tinh trở nên tối màu và mờ đục. Để tránh điều đó, người ta bắt đầu nấu thủy tinh trong những cái nồi kín mít, nhưng nó thường “không chín”, và lúc bấy giờ, mà nói thật chính xác là vào năm 1653, những bậc thầy nấu thủy tinh đã quyết định pha thêm chì vào “cao” thủy tinh để hạ thấp nhiệt độ nóng chảy của nó. Thế là đã xảy ra một điều kỳ diệu: cái cốc bằng thủy tinh mới này sáng lấp lánh như kim cương và phát ra âm thanh kỳ ảo. Thủy tinh chì rất đẹp, tương tự như những tinh thể thạch anh và được gọi là pha lê. Vậy là nhờ có chì mà người ta tạo ra được một vật liệu tuyệt đẹp để làm nên những sản phẩm thật đáng kinh ngạc.

Ngược lại, chì đã đem đến những nỗi buồn phiền lớn cho những người “yêu thích” pha lê. Một lần, các cơ quan hữu trách đã điều tra một vụ hỏa hoạn. Ngôi nhà bị cháy trụi, nhưng thật may mắn cho người chủ, tất cả tài sản đã được bảo hiểm hoàn toàn, mà một khoản tiền lớn đã được tính toán để đền bù cho ông ta, vì theo lời ông ta thì ngoài những vật khác, trong nhà đã tồn giữ một bộ sưu tập pha lê rất có giá trị, thế mà lửa đã biến nó thành những cục thủy tinh chẳng ra hình thù gì nữa. Tuy nhiên, các nhân viên tiến hành cuộc điều tra vụ cháy đã ngờ ngờ về đống “hài cốt” pha lê trước mắt họ nên đã đưa chúng đến nơi giám định. Phép phân tích huỳnh quang đã cho biết rằng, hàm lượng chì trong chất được giám định ấy cực kỳ nhỏ, mà đáng lẽ ra trong pha lê chì phải có mặt với tỷ lệ đáng kể. Thế là đi đếm kết luận: thứ pha lê ấy chỉ là thủy tinh thông thường, còn vụ hỏa hoạn thì chỉ là một vụ tự đốt nhà. Sau này mới vỡ lẽ ra, chủ nhà đã chở hết mọi thứ quý giá đi khỏi nhà từ trước rồi thay thế pha lê bằng thủy tinh, sau đó, đã tự đốt nhà mình và bắt đầu kiên nhẫn chờ đợi một khoản tiền bù bảo hiểm to lớn. Nhưng, chì đã ngăn lại. Từ thời xa xưa người ta đã biết về những chất màu chứa chì. Chẳng hạn, bột chì trắng đã được biết đến từ ba ngàn năm về trước. Thời bấy giờ, đảo Rođot được gọi là nguồn cung cấp bột trắng nhiều nhất. Phương pháp sản xuất bột ở đây mặc dầu khác xa các phương pháp hiện nay, song cũng rất đáng tin cậy. Dung dịch dấm được rót vào thùng gỗ, phía trên thì sếp những cành cây nhỏ và trên nữa thì lại đặt những cục chì, sau đó đậy thùng thật kín. Sau một thời gian nào đó, người ta mở nắp thùng ra và thấy chì đã được bao phủ bởi một lớp màng màu trắng. Đó là bột chì trắng. Bột ấy được nạo khỏi kim loại, đem đóng gói rồi chuyên chở đến các nước khác.

Một hôm, tại cảng Pirea ở Aten, một chiếc tàu chở bột chì trắng đương đỗ đấy bị bốc cháy. Lúc này, hoa sĩ Nikias ở ngay cạnh đó. Biết là trên con tàu đang cháy có các thứ chất màu, ông đã nhảy lên tàu với hy vọng cứu lấy dù chỉ một thùng thôi cũng được, vì lúc bấy giờ, bột màu rất đắt, đôi khi cũng không dễ kiếm. Nikias rất ngạc nhiên, ông nhìn thấy trong các thùng bột đã bị cháy không phải là một thứ bốt trắng nữa mà là một chất sền sệt nào đó màu đỏ tươi. Sau khi lấy được một thùng, nhà họa sĩ rời tàu và đi về hướng xưởng vẽ của mình. Chất ở trong thùng là một thứ sơn màu tuyệt đẹp. Về sau người ta gọi đó là hồng đơn (minium – Pb3O4) và bắt đầu chế nó bằng cách lấy bột chì trắng đem nung quá lửa.

Chúng ta biết rằng, tranh và tượng được vẽ bằng sơn chì sẽ bị tối màu dần dần theo thời gian: do ảnh hưởng của các tạp chất đihiđro – sunfua thường xuyên có mặt ở trong không khí sẽ sinh ra chì suafua có màu thẫm. Nhưng chỉ cần lau bằng một dung dịch loãng nước oxi già (H2O2) hoặc giấm, thế là chất màu lại trở nên tươi sáng. Biết được điều đó, các cha cố thường lừa bịp tín đồ bằng cách làm cho các tượng thánh “sống lại” trước những cặp mắt sửng sốt của giáo dân. Các thủy thủ đi tàu ven bờ biển Thái Bình Dương ở Mỹ La tinh (nhất là ở bờ biển Pêru, nơi có một lớp nước giàu đihiđrosunfua) thường quen thuộc với thứ thuốc vẽ của “họa sĩ Pêru”. Đó là cách nói đùa để chỉ một hiện tượng vẫn làm cho những hành khách chưa “thụ giáo” phải kinh ngạc và bối rối: chiếc tàu mà chiều hôm qua còn trắng như tuyết, đến sáng sớm đã đen kịt. Như các bạn đã biết, thủ phạm ở đây chính là chì.

 

Trong y học, các hợp chất của chì được dùng để chế các thứ thuốc làm săn da, giảm đau và chống viêm nhiễm. Chẳng hạn, chì axetat mà chúng ta rất quen thuộc với cái tên là “cao chì”. Vì có vị hơi ngọt nên đôi khi nó được gọi là “đường chì”. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được quên rằng, “đường” này có thể đầu độc cơ thể rất mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các xưởng máy và trong các phòng thí nghiệm – những nơi mà con người phải tiếp xúc với chì hoặc với các hợp chất của chì, người ta phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Các bác sĩ vệ sinh phòng bệnh và các kỹ sư bảo hộ lao động thường xuyên theo dõi sao cho hàm lượng chì trong không khí không vượt quá mức cho phép – dưới 0, 000 01 miligam trong một lít. Nếu như trước đây không lâu, các chứng bệnh nhiễm độc chì là bệnh nghề nghiệp của công nhân nhà máy luyện chì và xưởng in, thì hiện này, nhờ những biện pháp thông gió và khử bụi nên người ta đã quên các chứng bệnh này.

Một điều thú vị là không những con người được bảo vệ khỏi tính độc của chì mà còn được bảo vệ… bằng chì.

Chì kim loại là một trong những vật liệu “ít trong suốt” nhất đối với tất cả các loại tia phóng xạ và tia rơngen. Nếu bạn cầm chiếc yếm choàng hoặc chiếc găng tay của bác sĩ điện quang thì bạn sẽ kinh ngạc bởi sức nặng của chúng, vì trong cao su dùng để làm ra những thứ ấy, người ta đã pha thêm chì để ngăn cản tia rơngen, nhờ vậy mà bảo vệ cơ thể khỏi ảnh hưởng nguy hiểm của tên này. Trong các khẩu “đại bác coban” dùng để điều trị các khối u ác tính, viên coban phóng xạ được giữ kín trong vỏ bọc bằng chì.

Trong ngành năng lượng học nguyên tử và kỹ thuật hạt nhân, người ta sử dụng các lá chắn bằng chì. Thủy tinh mà trong đó có chứa chì oxit cũng ngăn ngừa được bức xạ phóng xạ. Qua loại kính như vậy, ta có thể theo dõi việc xử lý các vật liệu phóng xạ bằng những “tay đảo liệu”, tức là những thứ máy tự động đảo liệu. Tại trung tâm nguyên tử ở Bucaret có một cửa ló sáng bằng tấm kính chì, dày một mét, nặng hơn một tấn rưỡi.

Hàm lượng chì trong vỏ trái đất không nhiều lắm – ít hơn sắt hoặc nhôm vài ngàn lần. Mặc dầu vậy, con người đã biết đến nó từ thủa xa xưa – khoảng sáu – bảy ngàn năm trước công nguyên. Không giống như nhiều kim loại khác, chì có nhiệt độ nóng chảy thấp (327 độ C) và tồn tại trong thiên nhiên dưới dạng những hợp chất hóa học không bền vững lắm. Do đó mà đôi khi có thể bắt gặp chì một cách bất ngờ. Chẳng hạn, người ta đã biết một trường hợp, do… một đám cháy rừng mà đã phát hiện được một mỏ chì rất giàu ở châu Mỹ: những tảng chì lớn được tìm thấy dưới lớp tro ở nơi rừng bị cháy. Đám cháy đã “luyện” chì từ quặng nằm dưới gốc cây. Có lẽ cũng chính bằng cách đó mà những mảnh chì đầu tiên đã lọt vào tay những cư dân tiền sử của hành tinh chúng ta.

Một tượng cổ Ai Cập hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Anh quốc được coi là sản phẩm bằng chì cổ nhất còn lại đến ngày nay: tuổi của nó hơn sáu ngàn năm. Ở Tây Ban Nha, vẫn còn những bãi thải xỉ chì rất cổ: tại đây, ngay từ thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên, người Phenycia đã khai thác mỏ chì – bạc Rio – Tinto. Khi khai quật thành phố Assur thuộc nước Assyria cổ xưa, người ta đã tìm thấy một tảng chì nặng gần 400 kilôgam. Các nhà khảo cổ học xác định rằng, nó có vào khoảng 1300 trước công nguyên.

Chì là kim loại mềm nhất trong số tất cả các kim loại thông thường: thậm chí, dùng móng tay cũng có thể cạo được chì. Trong cuốn sách phổ cập tri thức nhan đề “Đời sống của các động vật”, nhà động vật học nổi tiếng người Đức Anfret Eđmun Brem (Alfred Edmund Brhem) đã nêu ra một sự việc lý thú: vì muốn được tư do nên đàn ong vò vẽ tinh khôn đã gặm thủng vách của một hòm bằng chì có bề dày 43 milimet. Còn một số loài bọ hung thì biết cách đục lỗ trên các ống bằng chì rất dày thuộc hệ thống đường ống dẫn nước trong thành phố. Các nhà bác học đã chú ý đến khả năng này của bọ hung, họ đã nhốt chúng trong một ống nghiệm bằng thủy tinh rồi đậy lại bằng một lá chì mỏng để theo dõi. Bọ hung biết rõ là không gặm nổi thủy tinh, nhưng đối với chúng thì chì là một trở ngại hoàn toàn có thể vượt qua được. Chúng bắt đầu mở đường tìm chốn tự do, tuy chậm nhưng rất cần mẫn, bằng cách gặm mòn và vứt ra những hạt chì rất nhỏ, song mắt thường vẫn nhìn thấy được. Phương pháp làm việc “đồng đội” của lũ côn trùng đã khiến các nhà động vật học phải kinh ngạc: tất cả “bọn tù” luân phiên nhau “khoan” một lỗ; dường như chúng hiểu rằng, chỉ cần một lối đi qua lớp hàng rào cũng đủ cho phép cả bọn thỏa chí bay ra. Để đạt tới mục đích, bọn bọ hung phải làm việc trong sáu giờ – chưa đầy một ngày công – nhưng không có giải lao.

Độ mềm của chì không cho phép nó cạnh tranh với đồng, với đồng đỏ hoặc sắt với tư cách là vật liệu để làm công cụ lao động. Thế nhưng, dùng kim loại này để làm các đoạn ống và các chi tiết khác của ống dẫn nước thì rất tiện lợi. Chúng ta đã nói đến ống dẫn nước ở La Mã cổ xưa. Những khu vườn treo của nữ hoàng Semiramit từng được công nhận là một trong bảy kỳ quan của thế giới đã được tới nước nhờ một hệ thống phức tạp gồm các giếng nước, các ống dẫn nước và các công trình thủy lợi khác; tất cả các hệ thống này đều được làm bằng chì. Hồi nửa đầu thế kỷ XVII, trong tháp Svipla ở khu điện Cremli Maxcơva, người ta đã đặt một bể chứa nước làm bằng những tấm chì. Nước từ sông Maxcơva được bơm vào đây, rồi lại theo ống chì chảy từ đây đến cung điện nhà vua, đến các vườn tược và những công trình quan trọng khác. Do đó, tháp này được gọi là tháp Dâng nước.

Thời xưa, chì còn làm một công việc khác nữa cũng liên quan với nước. Người cổ Hy Lạp đã nhận thấy rằng, các loại thân mềm, tôm cua và các cư dân khác của thủy phủ vốn rất thích bám vào tàu thuyền, nhưng chúng không thể chịu nổi tính độc của chì oxit. Bởi vậy, những người đóng thuyền thời xưa rất hay sử dụng chì để bọc tàu thuyền, thế là những động vật hay bám này phải lánh xa hàng ngàn mét. Ngoài ra, chì còn bảo vệ rất tốt đáy thuyền và các đinh thuyền bằng sắt khỏi bị han gỉ.

Thế kỷ XX đã giao phó cho chì nhiều công việc quan trọng và lý thú, nhưng cũng đặt ra cho nó một loạt những yêu cầu rất cao, đặc biệt là về mức độ tinh khiết của chì. Liên Xô đã hoàn chỉnh được phương pháp tinh luyện bằng hỗn hống, mà lần đầu tiên trong thực tiễn trên thế giới, nó cho phép thu nhận được chì siêu tinh khiết: chỉ còn lại 0, 000 01 % tạp chất. Điều đó có nghĩa là, trong một tấn chì loại này, khó có thể vét được một phần mười gam gồm tất cả các nguyên tố khác gộp lại!

Hẳn là có thể kết thúc câu chuyện về của chì ở đây, nhưng chúng ta còn chưa nói gì về tên gọi của nguyên tố này. Từ “CBNHEU” (trong tiếng Nga, nghĩa là chì) có lẽ xuất phát ở từ “CBNHKA” nghĩa là “con lợn” vì trước đây, người ta gọi các thỏi chì như vậy (hiện nay người ta lại gọi nó là 4YIIIKA, nghĩa là “lợn sữa”). Nhưng trước khi được gọi là “CBNHEU” (chì), kim loại này đã sống dưới những cái tên khác.

Một chuyển cổ tích thú vị của X. Ia.Marsac kể rằng, lúc đầu, người ta đã gọi con mèo là mặt trời, sau đó gọi nó là mây đen, là gió, là chuột, và cuối cùng, lại gọi là mèo. Hẳn bạn còn nhớ chuyện này chứ. Cũng có một cái gì tương tự như thế đã xảy ra với chì.

Bạn hãy nhìn vào từ điển giải nghĩa của Vlađimir Ivanovich Đan và sẽ biết rằng, ngạn ngữ “C OBO – O OBO” không phải nói đến thiếc, mà nói đến chì – một loại kim loại nặng hơn. Còn chính câu ngạn ngữ thì được sử dụng khi nói về một lời nói chắc chắn xác thực, đáng tin cậy (na ná như “lời nói – gói bạc” hay “lời nói – đọi máu” trong tiếng Việt). Nhưng tại sao lại có sự quanh co như vậy, thà cứ nói thẳng ra cho đơn giản: “C OBO – O OBO” có hơn không? Hóa ra là ở nước Nga thời xưa, người ta đã gọi “chì” (CBNHEU) là “thiếc” (C OBO). Còn thiếc thực sư lại xuất hiện muộn hơn, vả lại, lúc đầu người ta nhầm nó là “chì” (quả thật là tính chất của hai kim loại này giống nhau ở một mức độ nào đó). Cuối cùng, khi người ta đã phân biệt chúng thì tên gọi cũ được đặt cho kim loại mới, còn bậc tiền bối của nó thì được gọi là “chì” (CBNHEU). Người La mã cổ xưa cũng nhầm lẫn hai kim loại này. Họ đã gọi chì là “plumbum negrum” (chì đen), còn gọi thiếc là “plumbum album” (chì trắng).

Những mối quan hệ “gia đình” như vậy còn ràng buộc chì với một kim loại nữa là molipđen. Trong tiếng Hy Lạp, “molybdena” nghĩa là “chì”. Hóa ra ở thời cổ, nhiều người đã nhầm lẫn khoảng vật của hai kim loại này (galenit và molipđenit), rồi cùng gọi chúng là “molybdena”. Sau đó nhiều thế kỷ, người ta đã thu được một nguyên tố mới từ molybdena (tức là molipđen) – nó đã mượn cái tên cổ Hy Lạp của chì.

Thế là, mèo đã được gọi đúng tên là mèo. Còn chì đã trở thành chì.

Bình luận
1440
× sticky